Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:19:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dàn nhạc Đỏ  (Đọc 33918 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2013, 09:27:55 am »

DÀN NHẠC ĐỎ
 
(LƯỚI TÌNH BÁO XÔ VIẾT ANH HÙNG TRONG THẾ CHIẾN II)
 
Tiểu thuyết tư liệu
 
Người dịch: BẢO KIẾM
 
NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN HÀ NỘI - 1997
 
Số hóa: hoi_ls






Dựa vào hồi kí của trưởng lưới tình báo Xô viết Leopold Trepper viết dưới nhan đề “Trò cao thủ” do NXB Albin Michel in năm 1975 tại Paris.



« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 01:02:35 pm gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2013, 09:30:18 am »

Phần I
HỌC VIỆC
 
 
 
 
 
Tiểu sử vị chỉ huy “Dàn Nhạc Đỏ”

 
Leopold Trepper sinh năm 1904 tại Novy-Targ, một thị tứ nhỏ của nước Ba Lan, trong một gia đình tiểu thương gốc Do Thái. Ngôi nhà số 5 phố Sobieski nhỏ bé do chính tay người cha Leopold gom góp tiền và gạch, tự tay mình xây nên. Tầng dưới là cửa hàng cung cấp cho nông dân những thứ cần thiết nhất kể cả thóc giống. Tầng trên là nơi trú ngụ của gia đình trong ba gian. Gia cảnh không sung túc, nhưng người cha thường vùi dưới gối Leopold vài chiếc kẹo trước khi ông xuống bán hàng.

Tên và họ của gia đình ông mang hình thức người Đức mặc dù gia đình ông chính gốc Do Thái. Có lần ông thắc mắc đã hỏi vị thày giáo thì được trả lời rằng: Vào cuối thế kỉ 19, đế quốc Áo - Hung chủ trương cho những công dân gốc Do Thái được đổi họ tên từ tiếng Do Thái sang tiếng Đức là thứ tiếng người Áo sử dụng, nhằm mục đích đồng hóa người Do Thái vào cộng đồng người Áo.

Ba ngàn người Do Thái sinh sống ở Novy-Targ kể từ khi thị tứ này được thành lập vào thời Trung cổ. Họ sống cùng với những bần nông Ba Lan. Những nông dân này cả tuần lễ mới được ăn bánh mì một ngày, còn sáu ngày kia sống bằng bánh khoai tây và bắp cải. Khi họ lên tỉnh xem lễ, họ khoác đôi giầy trên vai và đi chân đất, chỉ khi tới nhà thờ họ mới dám xỏ đôi giầy để bước vào thánh đường. Dân Do Thái cũng chẳng giầu có hơn, họ cũng phải giữ gìn một đôi giày để sao có cái đi trong suốt cả đời mình. Vùng này bói chẳng ra phú nông. Ngay trong thị tứ Novy-Targ số đại tư sản cũng rất hiếm có. Ở giữa thị tứ có một nhúm người Do Thái và Ba Lan khá giả, đó là những nhà buôn, luật sư, thầy thuốc. Nhưng ta rời trung tâm thì cảnh tượng nghèo nàn của các ngõ xung quanh bày ngay trước mắt ta.

Cảnh nghèo túng đó dẫn đến hiện tượng làn sóng người di cư sang Hoa Kỳ và Canada ngày càng tăng. Những người di cư này hi vọng tìm thấy thiên đường trên hai đất nước xa xôi đó, cho nên họ sửa soạn chuyến đi rất vui vẻ. Trepper còn nhớ rất rõ hình ảnh những anh chàng thanh niên xách những chiếc va li bằng gỗ, nghênh ngang đội mũ phớt nhưng lại vận sơ mi không cavát. Thời gian này đế chế Áo - Hung thi hành chính sách khoan dung về sắc tộc và tôn giáo cho nên giữa người Do Thái và Ba Lan sống chan hòa với nhau. Có lần vị tổng giám mục đạo Thiên chúa giáo phận Cracow đến thăm Novy-Targ thì giáo trưởng Do Thái ra đón ông và được ông ban phép lành trước hàng nghìn giáo dân đạo Thiên Chúa người Ba Lan.

Cha mẹ Trepper theo đạo Do Thái nhưng không sùng đạo lắm. Cậu bé Trepper cũng như những cậu bé Do Thái khác chỉ nhớ những ngày lễ lớn vì đó là những dịp các cậu được chén những thức ăn không nhàm chán thường ngày.

Thế chiến thứ nhất đã làm cho cuộc sống thanh bình của thị tứ nhỏ Novy-Targ rối lên. Trước hết là thanh niên phải đi lính. Rồi đơn vị binh lính đồn trú ở thị tứ này phải điều ra trận. Họ ra đi trong tiếng quân nhạc hùng dũng để bảo vệ Hoàng đế.

Rồi những tuần lễ ảm đạm ập tới với những con người bị què, bị thương từ mặt trận đưa vào nhà thương thị tứ.

Một hôm có tin đồn lan rất nhanh trong thị tứ: “Bọn Cossacks đang đến”. Đối với người Do Thái, Cossacks (Côdăc) có nghĩa là tàn sát người Do Thái. Thế là những người Do Thái chúng tôi vội vàng khăn gói chạy ngay lên thủ đô Vienna. Gia đình Trepper cũng đi theo dòng di cư đó. Nói chung lũ trẻ Do Thái không ai quan tâm đến chính trị, nhưng vì chính trị ràng buộc mọi người, cho nên khi đến Vienna, Leopold được tiếp xúc với báo chí, thế là cậu bé đọc ngấu nghiến mọi tin tức chiến sự. Hơn nữa cậu bé đi học trường trung học nên bắt đầu tìm hiểu vấn đề tôn giáo. Là người gốc Do Thái cậu cố tìm xem ngọn ngành đạo Do Thái là thế nào. Cậu không hiểu sao người theo đạo Thiên chúa như người Áo lại cũng thờ chúa Jesus và bà Maria của người Do Thái. Cậu cũng chẳng hiểu vì sao nước Italia lại tham gia thế chiến với Anh - Pháp để chống lại Đức khiến cho những kiều dân Italia thường làm kem cốc bán cho cậu lại bắt buộc phải đóng cửa hiệu?

Gia đình Leopold có hai người anh trai bị đưa vào lính. Một người bị mất tích trên mặt trận Italia. Người anh thứ hai bị đạn pháo lớn làm anh bị câm và điếc. Bố cậu phải ra mặt trận để tìm và đưa anh vào một bệnh viện ở hậu tuyến và ông đã ra sức chăm sóc để con mình nghe trở lại được một phần. Hai năm sau gia đình Trepper quay lại Novy-Targ.

Những thắc mắc về tôn giáo không được giải đáp làm cho Leopold nổi loạn. Cậu thấy thực tế cuộc đời không giống như những điều cậu học ở trường. Còn ở nhà thờ Do Thái, những bài giảng về các kiểu chết mà vị giáo trưởng kể ra chỉ làm cho mọi người khiếp sợ. Cậu suy nghĩ không thể chấp nhận những giáo lí mê muội con chiên nhằm làm cho họ quên hết những nghèo khổ hiện tại của họ. Cậu không được đọc sách của Karl  Marx về tác hại của tôn giáo, nhưng thực tế của nông thôn Ba Lan đã dạy cho cậu tôn giáo là thứ thuốc phiện làm cho nông dân quên hết đói nghèo.

Năm 1917, cha cậu từ trần lúc mới bốn bảy tuổi đời. Đó là hậu quả của cuộc đời đầy đau khổ khiến ông mắc bệnh tim. Theo truyền thống Do Thái, lễ tang kéo dài một tuần, gia đình phải tắt hết đèn đóm, che hết gương soi, cửa đóng kín. Rồi đưa thân phụ ra nghĩa trang. Cậu không thể chịu đụng nổi bài thuyết giáo của vị giáo trưởng về Chúa đầy lòng lành. Cậu rứt bỏ tôn giáo để lăn vào cuộc sống thực tế đầy đau khổ của những con người mà cậu thấy là thân ái và tốt bụng. Mất đức tin nhưng cậu giành được loài người. Cậu rút ra được kết luận rằng hạnh phúc phải do chính con người giành lấy, chứ không thể trông mong được bánh vẽ của kiếp sau: Tự cứu lấy mình chứ Chúa chẳng cứu ta đâu.
Thời niên thiếu của Leopold có sự kiện này in đậm vào tâm khảm của cậu: Vào tháng bảy năm 1914, ở vy-Targ lan ra tin đồn “Vừa bắt được một tên gián điệp Nga ở làng Poronin và tên đó sẽ bị giải qua Novy-Targ”, Leopold chạy theo đám trẻ ra ga để xem tên gián điệp Nga. Tàu lửa đến, một người thấp nhỏ có bộ râu hung đỏ được hai tên hiến binh kèm bước xuống sân ga. Người Nga đội mũ cátkét rộng trễ xuống trán. Ba người đi qua trung tâm thị tứ đến tòa thị sảnh là nơi có xà lim giam người say rượu. Tên “gián điệp” hôm sau bị dẫn sang nhà tù nằm ngay trước giáo đường Do Thái.

Hôm đó là thứ bẩy. Các tín đồ bỏ cả lễ để túm năm tụm ba bàn tán về “tên gián điệp” và về chiến tranh. Mấy hôm sau, điệp viên đó bị giải lên Cracow. Dân chúng, nhất là dân Do Thái, bàn tán và dè bỉu việc một vị chủ hiệu buôn ở làng Poronin đã dại dột bỏ tiền cho điệp viên và vợ hắn vay để họ sống trong mấy tháng trời. Chỉ đến năm 1918, vị chủ hiệu gốc Do Thái đó mới thôi bị chê cười khi ông nhận được một bức thư gửi từ Thụy Sĩ với nội dung như sau:

Xin ông vui lòng thứ lỗi cho tôi đã ra đi mà không trả nợ của ông vào năm 1914, lí do vì lúc đó tôi gặp nhiều khó khăn. Xin ông vui lòng nhận lại món tiền ông đã cho tôi vay.

Kí tên: Vladimir Ilyich Lenin


Như thế là Lenin đã không quên... Năm 1918, nước Nga Xô viết chưa có quan hệ ngoại giao với phần lớn các nước châu Âu nên Lenin phải gửi thư qua đường Thụy Sĩ. Lần bị bắt năm 1914 Lenin được các nhà lãnh đạo Xã hội dân chủ Ba Lan can thiệp nên được trả lại tự do: “tên gián điệp” năm 1914 đã trở thành lãnh tụ của cách mạng Tháng Mười.

Sau chiến tranh, nước Ba Lan thoát khỏi ách thống trị của Nga, nhưng xu hướng của chính quyền độc lập là bài Do Thái. Ba triệu người Do Thái là đối tượng của chính sách hạn chế học tập, hạn chế làm việc trong chính quyền. Các tổ chức buôn hán cũng như các hợp tác xã được lập ra với ý đồ cạnh tranh với các cửa hiệu Do Thái. Khẩu hiệu đưa ra là “Hãy mua hàng Ba Lan”, “Người Do Thái hãy về Palestine mà sống”.
Nhận rõ đạo Do Thái không chỉ là một tôn giáo vì trải qua bao nhiêu áp bức, đau khổ của nhiều thế kỷ, nó vẫn tồn tại trong sắc tộc Do Thái nhỏ bé bằng cả ngôn ngữ, văn hóa và phong tục. Leopold tham gia phong trào thanh niên Do Thái mang tên là Hashomer Hatzair. Phong trào này mang tính tập hợp người Do Thái khắp bốn phương, được thành lập tại Viên bởi một nhóm trí thức trẻ người Do Thái với sức phát triển khá nhanh khắp Đông Âu. Mục tiêu của phong trào là biến Palestine thành tổ quốc cho người Do Thái: Ngày 2-11-1917 bản tuyên bố Balfour đã chẳng cho biết rằng người Anh sẽ thành lập tại Palestine cái tổ ấm cho dân tộc Do Thái là gì.

Hashomer Hatzair có tham vọng đào tạo lớp người mới cắt rời truyền thống tiểu tư sản và thiết lập mối quan hệ anh em giữa những con người mới đó. Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào này. Ngày 22-7-1918 đại hội đầu tiên của phong trào đã tổ chức tại Tarnow, vùng Galicia của Ba Lan. Trọng tâm của đại hội là tìm giải pháp cho vấn đề dân tộc Do Thái. Ba quan điểm đưa ra đại hội: quan điểm thứ nhất là gia nhập đảng cộng sản Ba Lan bởi vì cuộc cách mạng xã hội duy nhất với đường lối xô viết sẽ đưa lại giải pháp cho vấn đề các dân tộc ít người. Quan điểm thứ nhì là quay về Palestine thành lập một Nhà nước thoát khỏi chủ nghĩa tư bản: các thành viên phong trào phải rời trường học và nhà máy trở về ruộng đất và thiết lập một lối sống mới bình đẳng. Quan điểm thứ ba mà Leopold đi theo là một mặt vẫn tham gia Hashomer Hatzair, mặt khác phải hợp tác với phong trào cộng sản. Đại hội không đi đến một nghị quyết, nhưng Leopold được bầu là người lãnh đạo thị tứ Novy-Targ. Hai năm sau, đại hội 2 họp tại Lvov, Leopold được bầu vào ban chấp hành trung ương của phong trào. Năm đó cậu mười sáu tuổi phải bỏ học để đi tập làm thợ đồng hồ với nhiệm vụ chính là hàng ngày phải lên giây chiếc đồng hồ của nhà thờ.

Năm 1921, gia đình Trepper dọn lên Dombrova tại vùng Silesia. Đây là một vùng công nghiệp rất phát triển; đi đâu cũng chỉ thấy bụi than. Cuộc sống của công nhân thật là kinh khủng. Chính đây là nơi rèn cho Leopold ý thức mình thuộc về giai cấp công nhân. Sau khi hiểu ra vấn đề dân tộc, cậu lại được thấy vấn đề giai cấp. Trong khi vẫn lãnh đạo phong trào thanh niên Do Thái, cậu bí mật tham gia phong trào thanh niên cộng sản. Cũng từ đấy cậu lấy bí danh là “Domb”, từ đầu tiên của tên thành phố cậu đang ở: Dombrova. Bí danh này cậu mang suốt đời hoạt động của mình.

Gia đình Leopold sống lay lắt. Cậu phải đi làm ngoài biên chế cho một nhà máy luyện kim, rồi một nhà máy xà bông. Cũng nhằm kiếm ăn, anh phải lao vào buôn lậu rượu từ Silesia lên Cracow. Để tránh nhân viên thuế quan, cậu phải đeo những chai rượu hình bẹt vào thắt lưng, rồi trùm áo sơ mi ra ngoài. Cũng nhờ những chuyến chạy hàng lậu lên Cracow, Leopold theo học đại học: Cậu chọn hai môn khoa học về con người là tâm lí học và xã hội học. Cậu tham khảo về Freud để tìm hiểu những động lực gì thúc đẩy con người hoạt động. Trong các buổi tranh luận trong tổ chức Hashomer Hatzair, cậu cùng các bạn cố vạch ra những mẫu người mới không bị những định kiến và sự tha hóa ngăn trở. Cậu cảm thấy khoa phân tâm học là một giải pháp lớn cho mơ ước của mình.

Cậu còn chăm chỉ tham gia các hoạt động chính trị như họp hành, rải truyền đơn, viết báo, đi biểu tình... Phong trào công nhân khu vực khá sôi nổi. Năm 1923 thợ thuyền Cracow đã tổng bãi công và chiếm đóng thành phố. Chính phủ đưa quân đội đến đàn áp. Máu đã đổ xuống. Leopold lần đầu tiên được thấy rõ ràng thế nào là bạo lực của cảnh sát. Tên của cậu bị ghi vào “sổ đen” cho nên cậu không tài nào xin được việc làm. Cậu chỉ còn hai con đường: Hoặc đi vào hoạt động bí mật không hợp pháp, hoặc đi về Palestine với hi vọng xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa không còn vấn đề Do Thái phải đặt ra nữa.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2013, 09:35:02 am »

Tổ Quốc


 Vào tháng tư năm 1924, cùng với mười lăm đồng đội vào tuổi đôi mươi, Leopold Trepper sang Palestine với hộ chiếu bình thường. Vai đeo chiếc balô nhỏ, túi không xu dính đáy, họ đến Vienna là chặng đường đầu tiên. Được một tổ chức từ thiện chuyên lo cho những dân di cư trợ cấp, sau tám ngày ở thăm thủ đô Áo, tốp thanh niên Do Thái Ba Lan lên xe lửa đi đến cảng Trieste để đáp tàu thủy đi Lebanon. Tại cảng Beirut, họ ngắm cảnh phu khuân vác than ở chiếc tàu chở than đậu cạnh chiếc tàu của họ. Leopold ngắm những người phu gốc Arab è cổ dưới những bao than nặng, họ đi theo hàng một như những đám kiến tha những bao than nặng nề từ con tàu xuống bến. Anh hỏi một thủy thủ:

- Những nô lệ đó kiếm được bao nhiêu tiền một ngày?
- Thưa ông, ông đã bước sang một thế giới khác hẳn cái thế giới mà ông đã sống, ở đây, con người thay con vật. Họ kiếm được bao nhiêu à? Rồi ông sẽ biết, khi họ xài bữa trưa ấy mà.

Ít phút sau, một hồi còi vang lên. Hàng người dừng lại và tản ra. Đám phu túm năm tụm ba lại, ngồi xổm và nhai miếng bánh mì với cà chua!
Ở Ba Lan, Leopold mới thấy cảnh nghèo, nhưng ở Trung Đông (Near East) anh mới thấy cái cảnh lầm than. Leopold đặt chân lên mảnh đất Do Thái đầu tiên là cảng Jaffa. Sau đó anh vào Tel Aviv. Thủ đô tương lai của nước Israel lúc này chỉ mới là một thị trấn nhỏ bé. Trụ sở nhập cư nằm ngoài thị trấn, đêm đêm chó sói còn hú nghe rợn người.

Thực phẩm ở đây khác hẳn ở Ba Lan. Hoa quả như ôliu, vả, quả xương rồng, là những thứ ăn thay cho khoai tây và cải bắp mà anh thường ăn tại Ba Lan.

Phải kiếm ngay việc làm. Tổ chức nhập cư giới thiệu tốp thanh niên mới nhập cư về làng Hedera làm thuê cho chủ đồn điền cam người Do Thái. Thời đó thanh niên mới nhập cư thường đi làm nghề xây dựng đường xá, cầu cống, cho nên được đi làm nghề trồng cây ăn quả số thanh niên đó thấy thích hơn. Đến làng, thấy một dinh cơ xinh đẹp giữa đồn điền các chú trai tơ khoái lắm, nhưng họ cụt hứng ngay khi ông chủ dẫn họ đến một vùng sình lầy khá rộng.

Ông ta khoát tay chỉ cho các chàng trai: “Hãy tìm lấy một chỗ cắm lều lên. Và công việc của các anh là phải tát cho khô cái đầm lầy này!”.
Chủ cho đám thợ bốn chiếc lều và một con lừa bướng cực kỳ. Họ làm quần quật từ sáng đến tối, chân dấn bùn lầy. Đêm đến muỗi kéo hàng đàn tấn công họ. Bệnh sốt rét hành hạ họ, nhưng họ chẳng sờn lòng vì sức trai và vì nung nấu lí tưởng xây dựng một xã hội mới.

Đêm đến, công việc đã xong, tốp trẻ xúm nhau tranh luận về mẫu xã hội mới họ đang mơ ước. Họ sống tập thể một cách tuyệt đối, họ hi vọng mặc dù môi trường tư bản vây quanh họ, nhung nhất định họ sẽ tìm được một mẫu xã hội tươi đẹp, công bằng, thân ái hơn nhiều.
Nhưng thực tế cứ đập vào mắt họ. Trước hết họ quan sát thấy những ông chủ Do Thái giàu có sống thật sung sướng và chỉ thuê công nhân gốc Arab và bóc lột những công nhân này thậm tệ.

Một tối. Leopold đưa ra câu hỏi: Tại sao những ông chủ Do Thái thường coi mình là những thành viên tốt đẹp lại chỉ thuê nhân công Arab?

- Tại vì tiền thuê hạ.
- Và vì sao thế?
- Đơn giản là vì công đoàn Histadrut chỉ kết nạp người Do Thái, công đoàn này buộc chủ phải trả lương tối thiểu cho công nhân. Do đó, giới chủ thích thuê người Arab, vì người Arab không có công đoàn.

Chính điều này làm cho Leopold suy nghĩ mông lung: Anh nhận ra rằng dưới chiêu bài quốc gia dân tộc giới chủ người Do Thái vẫn kiên quyết bảo vệ những đặc quyền đặc lợi tư bản chủ nghĩa mà anh hằng kiên quyết đạp đổ.
 
Đằng sau màn ngụy trang thống nhất dân tộc Do Thái, anh đã nhận ra cuộc đấu tranh giai cấp.

Vài tháng sau, Leopold quyết định đi tham quan khắp đất Palestine. Thời đó, cuối năm 1924, trên vùng Palestine có nửa triệu người Arab và khoảng mười lăm vạn người Do Thái sinh sống. Anh đã đến Jerusalem, Haifa, Emek-Israel, vùng Galilee, gặp một số đồng chí trong phong trào thanh niên đang làm ở một số trang trại nông nghiệp.

Cũng như Leopold, những đồng chí này di cư đến Palestine với lí tưởng xây dựng một xã hội mới công bằng hơn. Họ tin rằng từ việc trở về với thiên nhiên, và lao động nông nghiệp, họ sẽ tạo ra những giá trị của lòng dũng cảm, hi sinh và tận tụy cho tập thể cộng đồng.

Một số anh em bắt đầu thất vọng vì cho rằng không thể xây dựng được một xã hội xã hội chủ nghĩa dưới chế độ thuộc địa của Anh. Chỉ quan sát những tên cảnh sát Anh lực lưỡng đi tản bộ trên đường phố cũng đã ớn người. Làm sao có thể thiết lập nổi những hòn đảo xã hội chủ nghĩa trong một đất nước mà con sư tử Anh vươn dài những cái vuốt sắc nhọn. Có đồng chí đã nhận xét: Chỉ hoạt động được nếu ta phối hợp với phong trào chống đế quốc, chừng nào đế quốc Anh còn cai trị Palestine, chúng ta chưa thể thu được kết quả gì.

- Nhưng trong cuộc chiến đấu này - Leopold phát biểu - chúng ta cần được người Arab ủng hộ.
- Đúng thế, chúng ta chỉ giải quyết được vấn đề dân tộc bằng cuộc cách mạng xã hội.
- Vậy kết luận theo lôgích của bạn là tham gia đảng cộng sản?
- Đúng vậy, tôi vừa mới gia nhập đảng đó.

Hầu như toàn bộ các bạn thân của Leopold đều làm theo kết luận kể trên và bản thân Leopold cũng tham gia đảng cộng sản vào đầu năm 1925. Từ năm 1917, Leopold đã chú ý đến luồng ánh sáng vĩ đại ở phương Đông. Cuộc Cách mạng Tháng Mười đã đảo lộn hẳn lịch sử loài người vì nó đưa đến một kỉ nguyên mới: Kỉ nguyên Cách mạng Thế giới. Đã từ lâu, Leopold cảm tình với tư tưởng Bolshevik, nhưng anh còn đắn đo vì vấn đề Do Thái. Bị tư tưởng đó thuyết phục, anh tin tưởng rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng dân Do Thái ra khỏi ách áp bức cả nghìn năm qua. Anh lao vào trận chiến với hi vọng trải qua những đảo lộn lớn lao này sẽ xây đắp nên một xã hội mới, bình đẳng và thân ái. Anh phải góp phần cho xã hội đó ra đời mặc dù rất khó khăn nhưng thật là đáng phấn khởi. Nếu không thay đổi cái thế giới này thì tự do của cá nhân sẽ ra sao?

Đảng cộng sản Palestine do Joseph Berger sáng lập năm 1920 đến năm 1924 được Quốc tế cộng sản công nhận. Phần lớn đảng viên Đảng cộng sản Palestine đã trải qua chủ nghĩa Zionism rồi vươn tới chủ nghĩa cộng sản. Một trong những lãnh tụ nổi tiếng của Đảng cộng sản Palestine là Daniel Averbuch từ lâu đã là lãnh tụ của đảng Poale-Zion cánh tả. Từ năm 1922, ông bảo vệ quan điểm của cộng sản chống lại quan điểm của Ben Gurion trong đại hội 2 của công đoàn Histadrut. Bài diễn văn của Daniel khiến cho đại hội rất chú ý nhưng chỉ có một thiểu số đại biểu đồng ý rằng chủ nghĩa Zionism sẽ dẫn đến ngõ cụt. Về phần Leopold, anh không cho rằng lúc đó cần và có thể thành lập quốc gia Do Thái. Anh cho rằng rất khó thuyết phục năm triệu kiều dân Do Thái ở Hoa Kì, ba triệu ở Liên Xô và hàng triệu kiều dân Do Thái khác sống rải rác trên thế giới bỏ nơi họ đang cư trú để tập trung về Palestine nhằm xây dựng nên một quốc gia còn nằm trong giả thuyết. Khi đó Leopold cho rằng điều quan trọng nhất là từng cá nhân người Do Thái phải tự quyết định số phận của mình, những ai ý thức được rằng họ thuộc về dân tộc Do Thái thì phải hưởng thụ các quyền của dân tộc thiểu số. Còn ai muốn trở về Palestine hãy để họ về, không được ngăn cản họ. Ai muốn đồng hóa hoàn toàn vào xã hội đang sinh sống (nhất là số trí thức và tư sản giầu có) hãy để họ tự quyết định. Anh tin chắc rằng những truyền thống văn hóa (Do Thái) sẽ còn tồn tại lâu dài và nếu cứ để truyền thống đó nẩy nở thì càng làm giàu thêm văn minh tập thể của loài người.

Vừa thành lập, Đảng cộng sản Palestine đã phải xử lí ngay vấn đề: Làm thế nào để quần chúng lao động vượt trên chủ nghĩa Zionism? Leopold theo quan điểm đề ra một cương lĩnh tối thiểu đấu tranh quyền lợi trước mắt thì mới thu hút được người lao động Do Thái. Đảng vấp ngay phải sự đàn áp của thực dân Anh. Các tổ chức Zionism và bọn phản động Arab tiếp tay cho cảnh sát thực dân đàn áp Đảng cộng sản Palestine. Vài trăm đảng viên cộng sản với vài nghìn cảm tình viên quyết tâm chiến đấu trước mọi khó nguy. Thiểu số cộng sản trong công đoàn Histadrut bị khai trừ đành tham gia vào Công đoàn Đỏ quốc tế. Đảng chủ trương tranh thủ quần chúng Arab, nhưng không cạnh tranh nổi với ảnh hưởng của vị Đại luật sĩ đạo Hồi ở Jerusalem được Anh ủng hộ.

Leopold đề xuất lên lãnh đạo Đảng cộng sản Palestine thành lập phong trào Thống nhất tập hợp cả người Do Thái cũng như người Arab với chương trình:

1 - Đấu tranh đòi mở rộng công đoàn Histadrut cho cả lao động người Arab và thành lập Công đoàn quốc tế thống nhất.
2 - Tạo ra những địa bàn tiếp xúc giữa lao động Do Thái và lao động Arab, nhất là bằng các hoạt động văn hóa.

Phong trào Thống nhất phát huy tác dụng ngay. Đến cuối năm 1925 mọc lên những câu lạc bộ ở Jerusalem, Tel Aviv, Haifa và tận các làng có công nhân Arab và Do Thái làm việc. Các cuộc hội họp náo nhiệt, lao động tự do tham dự. Tiến bộ này làm cho lãnh đạo Histadrut lo ngại, họ chẳng hiểu tại sao lao động Do Thái và Arab lại có thể sát cánh đấu tranh. Cuối năm 1926 đại hội đầu tiên của phong trào khai mạc, có một trăm đại biểu trong đó bốn mươi là gốc Arab. Tối ngày khai mạc, bỗng Ben Gurion, lãnh đạo công đoàn Histadrut, xuất hiện. Ông ta ngạc nhiên trước hiện tượng người Do Thái ngồi chung với người Arab.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2013, 09:35:16 am »

Đời sống vật chất của công đoàn thật khó khăn. Bị tình nghi là cộng sản thì đâu dễ kiếm việc làm... suốt cả năm 1925 họ sống trong lán gỗ, mười người một lán, trong đó có một nữ, cô được bố trí riêng một góc. Người có việc làm có lương thì đem nộp vào quỹ chung, nhưng làm sao nuôi nổi cả tập thể, cho nên tâm hồn họ dâng cho cách mạng, còn dạ dày họ bị chứa toàn cà chua. Thỉnh thoảng có đi ăn hiệu của người Yemen, họ phải vận quần áo lao động để tỏ ra là dân có việc làm thì mới ăn chịu được. Họ khó quen với khí hậu thất thường của Palestine lúc thì quá nóng, lúc lại quá lạnh. Có một cách chống lạnh khá độc đáo: Dùng bàn ghế đắp lên người mà ngủ.

Nhóm của Leopold có Sophie Poznanska, Hillel Katzz và sau có thêm Leo Grossvogel và Jescheskel Schreiber - sau này họ đều chiến đấu chống phát xít. Nhóm thường hội họp tại căn phòng làm bằng gỗ dưới mái hiên của Katz. Nhóm này quyết định xây cho Katz một ngôi nhà sạch. Vốn là một thợ xây có tay nghề, Katz chỉ huy nhóm này xây dựng và ngôi nhà mới đã hoàn thành vừa làm chức năng cho vợ chồng Katz trú ngụ, vừa làm nơi hội họp của nhóm. Năm 1926 Leopold thuê căn buồng tầng trên trụ sở công đoàn thống nhất ỏ Tel Aviv để thuận tiện lãnh đạo công đoàn này. Cũng chính tại đây Leopold làm quen với Luba Brojde là người sau này trở thành vợ anh.

Có một đêm, Leopold bỗng nghe thấy tiếng động trong trụ sở. Anh vội xuống tầng dưới vì nghĩ bụng chắc là kẻ trộm hoặc cảnh sát đang rình mò. Anh thấy một cô gái xinh đẹp đang ngồi đọc báo. Anh hỏi cô ta:

- Cô làm thế nào mà vào được ngôi nhà này?
- Leo qua cửa sổ và đây chẳng phải là lần đầu. Cậu có biết không, tối đến bọn cậu họp bàn ầm ĩ tớ không thể nào đọc báo được...

Luba di cư từ Lvov (Ba Lan) là nơi cô làm trong một nhà máy và có tham gia phong trào thanh niên cộng sản. Có một tên chỉ điểm đã chỉ bắt nhiều đoàn viên cộng sản, tên đó lộ mặt, lãnh đạo đảng quyết định trừng trị tên đó. Nhóm hành động do Waftali Botwin, một thanh niên Do Thái đứng đầu, trong nhóm có Luba, chịu trách nhiệm tiêu diệt tên chỉ điểm. Nơi cô ở là nơi giấu khẩu súng ngắn. Tên chỉ điểm bị trừng trị, nhưng Waftali Botwin bị bắt và bị bắn. Cảnh sát truy lùng các đồng phạm. Luba phải rời Ba Lan và di cư sang Palestine làm nghề nông nghiệp trong một trang trại, rồi chuyển sang làm thợ sơn nhà ở Jerusalem. Cô tham gia công đoàn Thống nhất nhưng không vào Đảng cộng sản Palestine vì cô không tán thành quan điểm của đảng này là không ý thức sự cần thiết lịch sử là phải thành lập nước Do Thái.

Nhà cầm quyền Anh ra lệnh cấm công đoàn Thống nhất hoạt động và bắt thư ký của công đoàn. Leopold lên thay. Năm 1927 cảnh sát Do Thái dưới quyền của Anh đã đột nhập một phiên họp tại Tel Aviv của công đoàn này và bắt giam Leopold mấy tháng trời. Trong tù anh nhận thấy có thể tấn công vào cơ quan cảnh sát. Anh đưa một đoàn viên nữ rất trung thành là Anna Kleinmann vào làm phục vụ viên cho tên cẩm người Do Thái là tên chuyên phá công đoàn thống nhất. Anna lục soát túi áo quần của tên cẩm và phát hiện danh sách những đồng chí bị cảnh sát ghi sổ đen. Cô mật báo cho các đồng chí đó trốn và sau đó ít lâu trong một cuộc biểu tình, tên cẩm kia đã bị đánh què chân.
Luba cũng hai lần bị bắt.

Đảng cộng sản Palestine chỉ định Leopold làm bí thư khu vực Haifa là khu vực mạnh nhất của Palestine vì cơ sở cắm sâu được vào các xưởng thợ và công nhân đường sắt. Bị săn lùng, anh phải hoạt động bí mật, chỉ ra đường vào đêm tối để đến các cuộc họp diễn thuyết, viết truyền đơn. Cuối năm 1928, cảnh sát Anh đã đột nhập vào một cuộc họp và bắt Leopold cùng hai mươi tám đảng viên giam vào nhà tù Haifa. May mắn họ hủy được hết giấy tờ, cho nên cảnh sát Anh không có chứng cứ kết tội họ, nhưng cũng vì thế mà họ không được hưởng quy chế chính trị phạm, mà chỉ hưởng quy chế tù thường phạm. Cả nước Palestine đồn ầm lên câu chuyện anh công nhân bánh mì trong toán của Leopold bị giam trong pháo đài Saint-Jean d’Acre kiên quyết ở trần trong mấy tuần lễ liền chứ không chịu mặc quần áo tù thường... Qua thông tin của trung ương Đảng cộng sản, toán tù này biết tin toàn quyền Palestine tên là Herbert Samuel chủ trương đưa toàn bộ những đối tượng bị tình nghi là thân cộng sản mang đày sang đảo Cyprus. Toán tù này quyết định tuyệt thực đòi thả vì không có chứng cứ, hoặc đưa họ ra tòa xét xử. Sang ngày thứ năm, anh em nhịn cả uống nữa. Cuộc đấu tranh này đến tai đảng Lao động Palestine, họ đưa ra nghị viện chất vấn chính quyền. Đến ngày nhịn ăn uống thứ mười ba, họ được tin chính quyền sẽ đưa họ ra tòa xét xử. Leopold được anh em cử làm đại diện cho toàn thể hai mươi ba người để đấu tranh trước tòa án.

Ngày đầu tiên ra tòa, anh em rất yếu, nhiều người phải nằm trên cáng. Chủ tọa phiên tòa mở đầu buổi xét xử bằng lời tuyên bố: “Chúng mày định làm con sư tử Anh bối rối là chúng mày lầm! Tòa không xét xử! Chúng mày được tự do!”. Rồi viên chủ tọa ra lệnh cho cảnh sát đuổi toán bị cáo ra khỏi phòng xử án. Thế là hai mươi ba bị cáo đã thắng.

Năm 1928 thế giới bước vào cuộc đại khủng hoảng kinh tế. Palestine cũng không thoát thảm cảnh đó. Công nhân thất nghiệp đầy đường. Một phần ba thợ Do Thái phải bỏ nước ra đi. Sang năm sau, những vụ tàn sát người Do Thái bắt đầu nổ ra. Tình hình lộn xộn này còn gây ra sự hiểu lầm giữa quốc tế cộng sản và Đảng cộng sản Palestine. Quốc tế cộng sản nhận xét những cuộc tàn sát Do Thái là dấu hiệu vô sản Arab bắt đầu nổi dậy, tuyệt đối phải tận dụng tình trạng đó, Đảng cộng sản Palestine phải đề cao cuộc nổi loạn chống đế quốc tại các làng Arab theo khẩu hiệu “Arab hóa và Bolshevik hóa” để thâm nhập mạnh mẽ vào quần chúng theo đạo Hồi. Chủ trương trên không được Đảng cộng sản Palestine tán thành vì như thế là phiêu lưu. Uy tín của Đảng cộng sản Palestine bị giảm hẳn trong vô sản Do Thái. Ngoài ra Đảng cộng sản Palestine lại mắc sai lầm là ủng hộ chủ trương của Liên Xô tập trung kiều dân Do Thái sống tập trung ở Ukraine, Belorussia và Crimea vào một Quốc gia Do Thái ở một khu hẻo lánh ỏ Siberian là vùng Birobidzhan. Số này về sau chẳng ai sống nổi. Còn các ủy viên trung ương Đảng cộng sản Palestine về sau được đưa về học trường đại học Phương Đông ở Moscow và đến cuộc thanh trừng năm 1935 toàn bộ đều bị bắt. Cảnh sát Anh truy đuổi Leopold ráo riết. Cuối cùng anh bị cảnh sát trục xuất theo lệnh của toàn quyền. Leopold phải ra đi với một ba lô con con và một thị thực quá cảnh nước Pháp. Trung ương Đảng cộng sản Palestine cấp cho Leopold một thư giới thiệu với các đồng chí Pháp. Đó là phương tiện vô cùng quý báu cho Leopold có đường thoát sau khi bị trục xuất khỏi quê hương.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2013, 09:37:17 am »

Sang Pháp

 
Cuối năm 1929, Leopold rời Palestine bằng đường biển trên một chiếc tàu già cỗi ì ạch một tuần lễ mới đến cảng Marseille của nước Pháp. Gối đầu trên đống giây thừng, chàng thanh niên hai nhăm tuổi phải lưu vong lần thứ hai, anh vừa luyến tiếc quê hương, vừa vui vẻ đặt chân lên đất nước sản sinh ra cuộc cách mạng, tư sản dân quyền và Công xã Paris của loài người.

Leopold buồn vì bây giờ anh trở thành một con người không có tổ quốc, nhưng với ao ước xây dựng một xã hội mới ngàn lần tốt đẹp, anh không đắn đo, lại lao vào cuộc chiến đấu giai cấp mới. Lý tưởng cách mạng Pháp cũng như cách mạng Nga thôi thúc anh vượt qua những khó khăn trước mắt. Gương đấu tranh cả với trời của những chiến sĩ công xã Paris thôi thúc anh.

Nước Pháp dưới nền cộng hòa thứ ba chưa phải là nơi nương thân của những người cách mạng; Cảnh sát cũng kiểm soát gắt gao họ, các ông chủ tư bản chỉ giành cho những người nước ngoài những công việc nặng nhọc nhất mà thôi. Tuy thế cũng có những kẽ hở về hành chính để họ luồn lách. Nhất là với người cộng sản, ít nhất anh cũng có thể dựa được vào những đồng chí cộng sản Pháp, hoặc một người Do Thái còn có thể kiếm ra trong các tổ chức bình dân của cộng đồng kiều dân Do Thái trên đất Pháp. Leopold lưu lại cảng Marseille hai tuần để kiếm chút tiền mua bộ cánh khi lên Paris, ở Palestine, khí hậu ấm nên anh chỉ cần có chiếc áo sơ mi và chiếc quần soọc là đủ, nhưng bước chân đến thủ đô hoa lệ của đế quốc Pháp ít ra anh cũng phải có bộ complê chứ. Hai tuần lễ anh làm phụ bếp cho một hiệu ăn nhỏ cũng đủ tiền nuôi miệng và để giành tiền mua được bộ complê. Tự ngắm mình trong gương với bộ cánh mới, Leopold cảm thấy mình giống những chàng thanh niên Ba Lan, hoặc Rumani ở Novy-Targ, chuẩn bị chuyến di cư sang châu Mỹ.

Với chiếc vali con chứa bên trong ít đồ dùng, Leopold tự hào đặt chân lên sân ga Paris. Anh đi tìm người bạn nối khố tên là Alter Strom là người mới rời Palestine trước anh một năm và đã có việc làm vì Strom là thợ lắp ván sàn rất thạo. Có thư trước đây của Strom đã mời Leopold có sang Pháp thì đến ở chung với anh, địa chỉ ở khu Latin thuộc quận 5. Trong óc Leopold tưởng tượng Strom đã trở nên giầu có mới ở trong khu này mà lại ở trong Hotel de France! Nhưng khi đến nơi anh mới thấy chẳng phải như thế. Đó là một căn buồng trên tầng thượng sát mái nhà cũ kĩ, mưa gió đã hầu như xóa hết dòng chữ Hotel de France. Chiếc giường choán gần hết căn phòng. Cạnh đó là cái chậu rửa mặt. Quần áo treo vào mấy chiếc đinh đóng trên cánh cửa buồng. Đồ đạc vẻn vẹn chỉ có vậy thôi. Ngôi nhà của Strom thuê nằm trong một ngõ hẻm vừa chật vừa tối. Tìm hiểu mới biết sở dĩ Strom thuê ở đây vì giá rẻ lại ít bị cảnh sát nhòm ngó. Tính Strom lại rất hiếu khách, cho nên chiếc giường của anh thường thường cũng có bốn năm người nằm theo chiều ngang. Anh nào không tìm được chỗ qua đêm, chỉ việc dúi cho người bảo vệ ít tiền là leo lên căn buồng của Strom rồi chen vào chỗ trống mà ngủ. Được cái là buồng này rệp quá nhiều cho nên Leopold và Strom phải dùng rượu vang diệt loài ký sinh gây nhiễm này và cũng từ đấy họ đặt tên cho Hotel de France là khách sạn Rệp (Hotel de Vance).

Leopold ghi tên học đại học mở rộng. Còn việc xin lưu trú ở Paris thì anh phải dùng thủ đoạn vay bạn một món tiền để trình với cảnh sát là anh vẫn được gia đình ở Ba Lan gửi tiền ăn học đều đều. Sau khi đến Paris vài tháng, Leopold xin được phép tạm trú nửa năm và bắt liên lạc ngay với Đảng cộng sản Pháp bằng bức thư giới thiệu của Trung ương Đảng cộng sản Palestine mà anh giấu trong cốt áo. Leopold đưa giấy giới thiệu đó cho đồng chí phụ trách nhân công nước ngoài (Đơn vị này tập hợp những đảng viên cộng sản các nước sinh sống tại Pháp, trực thuộc một tiểu ban đặc biệt của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Pháp). Hai bên thỏa thuận khi nào Leopold có việc làm thì anh bắt đầu tham gia sinh hoạt Đảng. Tìm được việc làm đối với dân di cư đâu phải là dễ dàng ở đất Pháp: Thông thường họ chỉ kiếm được những việc tầm thường và nặng nhọc mà thôi. Trong ngành xây dựng, người ta thường thuê những công nhân tạm thời. Đốc công chấm mút chút ít là bỏ qua những thủ tục thuê mượn nhân công khắt khe. Leopold đi làm lao công cho công trường xây dựng, cả ngày anh phải khuân những thanh ray cho đến khi anh bị một thanh ray rơi làm dập mất một ngón chân. Sau đó anh chuyển sang làm công nhân quét dọn cửa hàng. Cùng với hàng chục sinh viên, anh làm suốt đêm bằng hai chân: Một chân đạp chiếc bàn chải, chân kia đạp chiếc rẻ lau. Khó nhọc nhưng lương cao: Làm cật lực một đêm đủ sống hai ba ngày. Vất vả hơn nữa là bốc vác hàng ở ga vào đêm. Sau đêm lao động, anh trở về lưng đau ê ẩm. Việc làm tuy cũng chưa ổn định, nhưng Leopold vẫn tham gia công tác vận động thợ thuyền Do Thái di cư là môi trường Đảng cộng sản Pháp quan tâm.

Thời đó riêng ở Paris có khoảng hai chục vạn người Do Thái. Họ thuộc nhiều đợt di cư vào Pháp: Những người di cư đến lâu đời nhất thường đã có công ăn việc làm dễ chịu, trải qua bao nhiêu đấu tranh họ mới tự giải phóng được và leo lên những nấc thang xã hội dễ chịu. Tiếp theo là những đợt Do Thái mới đến, phần lớn họ từ miền trung châu Âu bị những trận tàn sát của nước Nga quân chủ đã phải rời bỏ nơi sinh sống từ lâu đời chạy sang đất Pháp vào đầu thế kỉ XX và phần đông thuộc giai cấp vô sản. Một số đã tham gia chính trị khi họ còn ở Trung Âu, cho nên đến đất Pháp họ lại tiếp tục tham gia các phong trào chính trị như cộng sản, Zionism hoặc Hashomer Hatzair. Leopold gia nhập đơn vị Do Thái trong Tiểu ban nhân công nước ngoài cùng với những đồng chí bị săn đuổi bởi chính quyền sở tại độc tài. Tối đến, anh hội họp với các đồng chí. Thời đó ảnh hưởng của Trotskyite khá mạnh trong hàng ngũ cộng sản Do Thái và Leopold theo chỉ thị của cấp trên cố đấu tranh chống lại ảnh hưởng Trotskyite với kết quả là làm giảm khá nhiều uy tín của chúng. Thời đó những người di cư chưa được nhập quốc tịch Pháp mà bị bắt trong các cuộc biểu tình thường bị trục xuất ngay khỏi Pháp. Tuy thế, Leopold và những đồng chí Do Thái cộng sản vẫn tham gia những cuộc biểu tình lớn, những ngày kỉ niệm Công xã Paris hoặc 1 tháng 5...

Song song với hoạt động chính trị là các hoạt động văn hóa và công đoàn. Liên đoàn văn hóa cũng do Đảng cộng sản Pháp chỉ đạo. Chủ nhật hàng tuần, có hàng trăm người tham dự ở phòng họp Lancry và Jacques Duelos, hoặc Pierre Sémard đến diễn thuyết. Về phần Leopold anh thỉnh thoảng về các thành phố có đông kiều dân Do Thái để hội họp.

Trong các công đoàn may mặc số công nhân Do Thái chiếm số đông. Những đảng viên người Do Thái thường đọc nhiều loại báo của các phe phái chứ không đọc riêng báo Nhân Đạo của Đảng cộng sản Pháp để có một tầm nhìn bao quát mà không mắc phải bệnh biệt phái.
Năm 1930 khi cuộc sống của Leopold đã ổn định thì nàng Luba, vợ anh, cũng sang Pháp vì cảnh sát Anh truy lùng cô. Cô phải mượn lí lịch của cô em tên là Sara để tổ chức cưới giả với một người có quốc tịch Anh. Nhờ đó cô lấy được thị thực nhập cảnh vào Pháp.

Sau khi cô đến Paris được vài tuần, cảnh sát Pháp đến kiểm tra:

- Chúng tôi là cảnh sát đường phố, chúng tôi được biết vợ anh đã đến đây cả tháng nay mà chưa trình báo!

- Xin lỗi - Leopold chống chế - Đây là người yêu của tôi chứ không phải vợ tôi đâu! Trong vòng bốn mươi tám tiếng nữa, cô ấy sẽ rời đi chỗ khác ông ạ.

- Ồ, trong trường hợp này...- Vị cảnh sát nháy mắt nhả nhớt. Thế là trên đất nước đùa cợt này những chuyện tình tứ vẫn có tác dụng, nhất là trong cảnh sát.

Khi Luba sắp sinh con đầu, tình hình kinh tế của vợ chồng cô khá vất vả. May mắn là Leopold xin được việc làm thợ quét sơn cho một ông chủ thầu Do Thái. Còn Luba nhận may vá áo lông tại nhà, cô phải làm quần quật từ sáng đến đêm khuya mới kiếm đủ ăn. Ngoài ra cô tham gia Đảng cộng sản Pháp và năm 1931 được bầu làm đại biểu của Do Thái kiều dự đại hội chống phát xít lần đầu tại Paris. Còn Leopold được cử làm đại diện chi bộ Do Thái trong đơn vị nhân công nước ngoài bên cạnh BCHTƯ. Có một lần Leopold cùng một đồng chí ở ĐVNCNNN (Đơn vị Nhân công Người Nước Ngoài) được mời lên BCHTƯ Đảng cộng sản Pháp gặp Marcel Cachin. Tổng biên tập báo Nhân đạo (l’Humanite) tiếp hai đồng chí này rất thân mật:

- Xin chào hai đồng chí - ông nói - Công việc tại đơn vị Do Thái vẫn chạy đều chứ? Nguy cơ phát xít trở nên nguy hiểm, ta cần tăng cường tuyên truyền trong kiều dân Do Thái. Ta cần có tờ báo Do Thái cho bạn đọc ỏ Pháp và Bỉ. Đó là lí do tôi gặp các đồng chí.

- Rất phải, nhưng lấy tiền ở đâu bây giờ?

- Thế các đồng chí chưa đọc sách của Lenin hay sao? Đồng chí có biết làm báo cộng sản thế nào không? Phải quyên góp trong công nhân mà kiếm vốn ra báo...

- Được rồi, nhưng đồng chí có tham dự mít tinh chúng tôi sẽ tổ chức để quyên góp vốn ra báo không?

- Tất nhiên tôi sẵn lòng cùng dự với các đồng chí khi tôi có thời giờ.

Ít lâu sau, Leopold tổ chức một cuộc họp ở Montreuil là vùng có đồng kiều dân Do Thái. Ban tổ chức nhờ được một phòng họp tại nhà thờ Do Thái. Hôm họp, khá đông thợ thủ công và nhà buôn Do Thái đến dự. Leopold ngồi trên ghế chủ tọa cùng Marcel Cachin. Nhà lãnh đạo kì cựu này đã đứng lên diễn thuyết: “Thật là vinh dự lớn cho tôi được đến dự với các bạn tại cuộc họp này, được chan hòa với những đại biểu của một dân tộc lớn đã sản sinh ra những nhà cách mạng vĩ đại cho thế giới như Jesus Christ, Spinoza và Marx”.

Một tràng vỗ tay như sấm hoan nghênh Cachin. Cụ già nói tiếp: “Các bạn đều biết ông nội của Karl Marx là một giáo trưởng Do Thái”. Tác dụng của những phát biểu của cụ già còn mạnh hơn cả những cuốn Tư bản luận của Marx. Kết quả quyên góp quá yêu cầu. Cachin trước khi chia tay đã nhận xét:

- Domb ơi (tên chiến đấu của Leopold), thế là thành công rồi. Tờ báo sẽ ra đời.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2013, 09:40:24 am »

Sang Liên Xô

 
Leopold dừng chân tại Berlin vài ngày trên đường đi Liên Xô. Qua tiếp xúc với những chiến sĩ cánh tả Đức, Leopold nhận thấy anh em không thấy hết nguy cơ phát xít lên nắm chính quyền, vì họ quá tin tưởng vào hình thức đấu tranh nghị trường, họ cho rằng bọn quốc xã không thể nào giành được đa số trong quốc hội Đức. Leopold đưa ra khả năng bọn phát xít sẽ dùng vũ lực giành chính quyền. Nhưng chẳng ai tin vào khả năng xấu đó. Trong khi ấy trên đường phố diễn ra hàng ngày những trận tấn công của các đơn vị xung kích của quốc xã vào lực lượng cánh tả. Đảng cộng sản và Đảng Xã hội Đức vẫn không liên minh đoàn kết với nhau đ­ược. Lãnh tụ cộng sản Thaelmann tuyên bố: “Cái cây quốc xã làm sao có thể che nổi cánh rừng dân chủ xã hội”. Chỉ sáu tháng sau cái cây quốc xã đã bao trùm toàn bộ đất nước Đức! Và phải đến năm 1935 Quốc tế Cộng sản ở Đại hội VII mới rút ra bài học thất bại cay đắng đó để đề ra chủ trương liên minh thành mặt trận cánh tả... sau khi hàng vạn đảng viên cộng sản và xã hội Đức đã bị phát xít giam trong các trại tập trung.

Đến biên giới Liên Xô, trông thấy chiếc panô lớn mang khẩu hiệu nổi tiếng của Lenin: “Vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới hãy liên hiệp lại!” Leopold mừng rỡ khôn xiết. Tim anh tràn đầy niềm tự hào được góp phần phá banh xã hội cũ và xây dựng một thế giới mới. Anh đã mơ ước được đến thăm tổ quốc của chủ nghĩa xã hội, nay anh đã được đặt chân trên đất nước của Cách mạng Tháng Mười. Thời gian này Liên Xô hãy còn nhiều khó khăn. Trên xe lửa Leopold ở chung với một sĩ quan Nga đi phép. Anh mang có hai chiếc va li đựng toàn bánh mì khô. Anh nói là để mang về làm quà cho gia đình ở nông thôn. Trên sân ga Moscow, một sỹ quan cảnh sát thân mật dặn anh Domb (Leopold) rằng hãy cảnh giác với kẻ cắp. Leopold tìm đến Elenbogen là hạn cũ từ thời còn sống tại Palestine, vì ốm nên được quay về Liên Xô làm ăn. Vốn là một kỹ sư rất thông minh, có tài tổ chức, Elenbogen vừa công tác vừa dạy tại hai học viện. Gặp nhau, hai người bạn chén tạc chén thù nào là bơ, xúc xích, vốt ca, với bánh mì. Elenbogen kể rằng những thứ đó anh mua ỏ chợ đen, tiền anh kiếm được dồi dào nên mua được mọi thứ. Anh này chưa gia nhập Đảng cộng sản, nhưng rất ủng hộ chế độ. Hai người bạn hàn huyên với nhau suốt đêm. Elenbogen kể cho Leopold cuộc sống ở Moscow nào về những vụ án, nào là những tình hình hợp tác hóa v.v... khiến cho Leopold bắt đầu thấy thực tế không giống như những gì anh đọc và nghe thấy trước đây.

Hôm sau, Leopold tới khu Woronzowe-Pole là nơi trú ngụ của những người di cư vì chính trị. Khu này ở giữa thủ đô, rất rộng. Những đảng viên lão thành của tất cả các nước như Ba Lan, Nam Tư, Hungari, cả Nhật Bản nữa, đã đến đây vì bị chính quyền trong nước truy lùng. Trước khi được phân công, họ giết thời giờ bàng những cuộc trao đổi quan điểm, tình hình... Có vị tán thành chính sách hợp tác hóa nông nghiệp, cũng có vị phản đối rằng chính sách đó đã gây nên nạn đói ở Ukraine.

Khu quảng trường Luyện ngựa ở trung tâm thanh phố có trụ sở của Quốc tế cộng sản, có lính gác nghiêm ngặt. Ai đến thăm người quen đều phải điện thoại trước với vị đó rồi mới được vào trụ sở. Leopold quan hệ với bí thư ban Pháp để xin học đại học cộng sản. Thời đó ở thủ đô Liên Xô có bốn trường đại học cộng sản: Trước hết là trường Lenin giành cho những đồng chí đã hoạt động lâu năm mà chưa từng được học lí luận. Đây là trường đào tạo lãnh tụ các đảng Cộng sản. Lúc đó Tito đang học ở trường này. Trường thứ nhì mang tên vị hiệu trưởng đầu tiên của nó là Marchlevski, giành cho các sắc tộc ít người, nhưng thực tế có hai chục khoa: Ba Lan, Đức, Hung, Bulgaria v.v... khoa Do Thái giành cho đảng viên các đảng kể cả Đảng cộng sản Liên Xô gốc Do Thái. Leopold được học ở trường này và qua những bạn học anh biết được tình hình vì các bạn đó được về nước nghỉ hè. Trường đại học thứ ba mang tên Kutv giành cho sinh viên thuộc vùng Cận Đông. Cuối cùng là trường Tôn Dật Tiên giành cho sinh viên Trung Quốc. Cả bốn trường có sĩ số khoảng ba nghìn sinh viên, được học lí luận.
Đời sống của sinh viên đến năm 1932 cũng chưa dễ chịu. Phần lớn họ cư trú rất xa nhà trường, có người phải đi hàng giờ đồng hồ mới đến trường. Mãi đến năm 1934 mới bắt đầu xây kí túc xá cho sinh viên. Bữa ăn quanh đi quẩn lại chỉ có cơm, bắp cải, khoai tây. Có khi phải ăn cả tuần bắp cải, rồi đến tuần sau ăn cả tuần cơm... khiến cho sinh ra câu chuyện khôi hài: Có sinh viên bị mổ, bác sĩ phẫu thuật thấy trong dạ dày anh sinh viên nhiều lớp thức ăn: Hết lớp bắp cải đến lớp khoai tây, rồi lớp cơm v.v... Nhà trường lo cho anh em quần áo, nhưng cán hộ hậu cần chỉ lo mua đồng loạt cho nên ra ngoài đường dân nhận ra được ngay sinh viên trường Marchlevski vì họ mặc quần áo hoàn toàn giống nhau.

Học hạ của sinh viên có in ảnh Lenin và Stalin, kèm theo là huấn thị của hai lãnh tụ. Huấn thị của Lenin là: “Nhiệm vụ trước mắt của các bạn là chiến đấu và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bạn chỉ thành công nếu bạn hiểu thấu và thấm nhuần phương pháp macxit.” Còn huấn thị của Stalin là: “Lý thuyết có thể trở thành một sức mạnh lớn của phong trào công nhân nếu lí thuyết đó gắn chặt không ngừng với thực hành cách mạng.”

Chương trình học có ba cấp: Cấp thứ nhất học các khoa học xã hội và kinh tế qua môn lịch sử các dân tộc Liên Xô, lịch sử Đảng cộng sản Bolshevik, Quốc tế cộng sản, chủ nghĩa Lenin. Cấp hai học về đất nước của bản thân sinh viên, về phong trào công nhân, Đảng cộng sản và nhũng đặc điểm dân tộc. Cấp ba học ngôn ngữ. Sinh viên nào chưa được học văn hóa thì được học toán học, vật lý, hóa học, sinh vật học. Công việc khá vất vả, thường học từ 12 đến 14 giờ một ngày.

Leopold quan tâm đặc biệt về môn Do Thái học, do giáo sư Dimenstein giảng. Ông là người Do Thái đầu tiên tham gia Đảng cộng sản Bolshevik ngay từ đầu thế kỉ XX. Sau cách mạng Tháng Mười, ông là thứ trưởng bộ sắc tộc do Stalin đứng đầu. Ông biết rất rõ Lenin, ông thường nhắc lại câu này của Lenin: “Chủ nghĩa bài Do Thái là phản cách mạng”. Ông nhận xét qua những ý kiến của Lenin thì Người chủ trương thành lập một quốc gia Do Thái nằm trong Liên Xô và được hưởng các quyền như mọi nước cộng hòa khác trong liên bang Xô viết.
Sinh viên còn được học về quân sự như sử dụng súng, tập bắn, phòng không, chiến tranh hóa học. Các lãnh đạo Đảng cộng sản Liên Xô và Quốc tế Cộng sản hay đến trường nói chuyện, nhưng sau thưa dần. Sinh viên cũng được tham dự những sinh hoạt ban tối của Hội các chiến sĩ Bolshevik lão thành, nhiều nhân vật như Zinoviev, Kamenev, Radek hay chủ tọa sinh hoạt. Bukharin tránh chính trị bằng cách hoạt động văn học, nhưng ông cảm thấy buồn bã mỗi khi bài nói chuyện của ông được người nghe hoan nghênh nhiệt liệt. Ông thường nói:

- Mỗi lần vỗ tay như thế, cái chết càng đến gần tôi!

Đó là một con người hùng biện, rất học thức, khiến Leopold rất khoái ông.

Còn Radek vừa tỉnh táo, vừa khôn ngoan, thường lấy châm biếm để bộc lộ tâm tư. Mặc dầu ông viết nhiều bài để giải thích đường lối mà ông chẳng tin, nhưng ông rất tán thành phải có thay đổi về chính trị.

Sinh viên ít được quan hệ với nhân dân địa phương...

Sau khi Leopold đến Liên Xô vài tháng thì anh được tin vợ Stalin mất (tự sát), có những lời đồn đại không phải bà tự sát mà do chính Stalin hạ sát bà.

Vào đầu năm 1933, Luba đến Liên Xô cùng cậu con trai đầu lúc đó mới 18 tháng. Tiểu ban Pháp của Quốc tế Cộng sản đưa cô vào học đại học Marchlevski trong ba năm. Cô được sinh hoạt tại đảng bộ Bauman do Nikita Khrushchev làm bí thư. Đến mùa hè, cô được cử về nông trường quốc doanh với cương vị chính trị viên để đôn đốc gặt hái và thực hiện kế hoạch. Thực tế đã giúp cô thấy nhiều điều mới và càng làm cho cô có thêm tinh thần đấu tranh hơn.

Khi Leopold đến Liên Xô, chính sách hợp tác hóa coi như đã hoàn tất; nhưng các đảng viên lão thành tiếp tục bàn cãi. Cội nguồn là Stalin đã quyết định thủ tiêu giai cấp phú nông. Vào tháng ba năm 1930 khi công cuộc hợp tác hóa đang diễn ra sôi nổi, thì xuất hiện bài của Stalin “Chóng mặt vì thắng lợi” với nội dung đả phá nguyên tác tự nguyện tham gia nông trang. Nông dân bị cưỡng bức hợp tác hóa. Đối với những sinh viên trẻ như Leopold đã từng đọc sách của Lenin đều biết rằng hợp tác hóa muốn thành công thì phải dùng phương pháp giáo dục, thuyết phục nông dân, ngoài ra công nghiệp phải phát triển đến mức độ nào đó để cung ứng cho nông thôn cơ sở vật chất cần thiết thì mới hợp tác hóa được.

Trong trường đại học có tin đồn hợp tác hóa làm năm triệu người chết, có nơi toàn thể nhân dân bị đi đầy và bị tàn sát. Ngày 1-5-1934, Leopold dẫn đầu một đoàn đảng viên cộng sản nước ngoài đi thăm Kazakhstan... Ở Karaganda, bí thư đảng bộ đón tiếp đoàn. Khi đến ngoại vi thành phố, đồng chí đó chỉ cho đoàn một khu trại rộng lớn và nói:

- Các đồng chí hãy nhìn xem kia là trại phú nông cũ đó, chúng bị đưa về đây cùng với gia đình để lao động trong hầm mỏ. Cán bộ phụ trách trại đã lo liệu đủ mọi thứ, trừ nước. Bệnh sốt chấy rận ập đến đã giết mấy nghìn người. Số người hiện đang sống trong trại này thuộc vào đợt thứ nhì.

Trong thời kì này, Leopold được biết bản di chúc của Lenin mà sau này trong bản báo cáo của Khrushchev tại Đại hội XX của Đảng cộng sản Liên Xô năm 1956 mới khẳng định là có. Thời bấy giờ trong trường đại học Marchlevski sinh viên truyền tay nhau bản di chúc đánh máy, nội dung như sau: “Stalin là người rất tàn bạo - Lenin viết - Trong nội bộ đảng cộng sản ta có thể tha thứ cái tật đó, nhưng nó sẽ trở thành một khuyết tật không thể tha thứ đối với một người giữ cương vị tổng bí thư. Vì lẽ đó tôi đề nghị các đồng chí xem xét khả năng loại Stalin ra khỏi cương vị đó...”.

Leopold nhớ lại hiện tượng sùng bái Stalin bắt đầu vào năm 1929 là năm kỉ niệm Stalin năm mươi tuổi. Khi đó trên báo chí xuất hiện những tính từ “thiên tài”, “Lãnh tụ vĩ đại”, “người kế thừa Lenin”, “nhà lãnh đạo không hề sai lầm”. Những tác giả đưa ra những tính ngữ đó trên tờ Sự Thật hoặc Tin Tức lại chính là những tay lãnh đạo phái đối lập trước kia! Zinoviev, Kamenev, Radek, Piatakov thi nhau tán tụng nhằm làm cho họ xóa được hành vi trước kia của họ đã chống đối lại Stalin. Năm 1929 trong Đảng không còn phe phái, số đối lập đã bị đánh bại. Bukharin trở thành tổng biên tập báo Tin Tức (Izvestia); Radek giữ vị trí là một trong những biên tập viên trụ cột của tờ Sự Thật (Pravda) và là cố vấn của Stalin về đối ngoại.

Trong đảng, Leopold nhận thấy lan truyền một căn bệnh rất nặng: Bệnh giả dối. Khi Lenin còn sống, sinh hoạt chính trị trong đảng rất sôi nổi. Trong các hội nghị, đại hội, cuộc họp toàn thể của ban chấp hành trung ương, đảng viên phát biểu thẳng thắn quan điểm, ý kiến của mình. Chính những tranh luận dân chủ đó tuy gay gắt nhưng đem lại sự nhất trí và sức sống cho đảng. Nhưng từ khi Stalin đã củng cố xong quyền lực trong đảng, thì ngay các đảng viên Bolshevik lão thành cũng không dám chống lại những nghị quyết hoặc thậm chí không dám thảo luận. Một số im lặng, cay đắng, số khác rút khỏi hoạt động chính trị. Nghiêm trọng hơn nữa: Nhiều đảng viên tuy không tán thành quyết định của Stalin nhưng công khai lại ủng hộ Stalin. Tình trạng hai mặt tồi tệ đó càng thúc đẩy sự “nản lòng nội bộ” của đảng.
Đảng viên phải lựa chọn giữa trách nhiệm, thậm chí an ninh cá nhân mình, và lương tâm cách mạng. Nhiều đảng viên đành cúi lưng ngậm miệng chấp nhận. Phát biểu ý kiến của mình về những vấn đề nóng bỏng trở thành một hành vi dũng cảm. Họ chỉ thổ lộ tâm sự với những bạn rất thân, còn với những người khác họ đọc lại những lời tán tụng của báo Sự Thật mà thôi. Từ năm 1930 trở đi trong lãnh đạo Đảng chỉ còn những ai bao giờ cũng tán thành trăm phần trăm đối với Stalin về bất cứ vấn đề gì, kể cả trong những vấn đề mà họ cần và bình thường phải có ý kiến. Ngoại lệ thật là hiếm có: Vài cán hộ lãnh đạo, một số đảng viên lão thành không chịu để đảng của Lenin biến thành một dòng tu là đôi khi dũng cảm phản đối. Như Lominadze và Lunacharski...

Lominadze tự sát năm 1935 giống như Ordzhonikidze là bạn thân cũ của Stalin cũng tự sát vào năm 1937 sau khi phòng làm việc của đồng chí đó bị Bộ Nội vụ khám xét. Ordzhonikidze đã dùng điện thoại phản đối trước Stalin, thì được Stalin trả lời thẳng thừng rằng:

“Họ có quyền, họ có đủ mọi quyền ở nhà anh cũng như ở mọi nơi khác!”.

Cho đến năm 1930 Lunacharski đã can thiệp nhằm bảo vệ những trí thức bị kết tội. Trong quân đội, tướng Yakir vào năm 1929 đã bênh vực cho một nhóm sĩ quan vô tội mà Bộ Nội vụ bắt giam. Leopold thấy đôi khi có thể chống lại bộ máy cảnh sát: Một ngày tháng 11 năm 1934, Luba bị Bộ Nội vụ gọi đến trụ sở Lubianka làm chứng. Hôm sau đến lượt Leopold. Một vị đại tá dự thẩm cbo vợ chồng Leopold biết tin một người tên là Kaniewski bị bắt. Đó là một đồng chí quen họ từ Palestine, rất tốt, can đảm, tận tụy, bao giờ cũng xung phong nhận các nhiệm vụ nguy hiểm nhất, đã nhiều lần bị cảnh sát Anh bắt tù. Năm 1930 anh ta bị tống xuất bằng tàu biển của Nga.
 
- Kaniewski bị tình nghi cộng tác với Intelligence Service của Anh - Vị đại tá nói.

- Thưa đồng chí - Leopold đáp lại - Ta không nên đánh giá thấp kẻ thù, Intelligence Service có tìm cộng tác viên, nhưng nó chẳng dại gì mà tuyển loại người như Kaniewski là loại người chắc chắn không thể trở thành chỉ điểm cho Intellignce Service (I.S.).

- Tôi đã hỏi mấy người lãnh đạo Đảng cộng sản Palestine, có vị trả lời không biết Kaniewski, có vị trả lời rằng mọi người đều có thể trở thành tay sai cho I.S..

Mấy tháng sau, vợ chồng Leopold tiếp một người khách tại phòng khách của trường đại học: Đó là Kaniewski. Anh ta nước mắt ròng ròng cảm ơn rối rít và kể lại sau mấy tháng ngồi tù vì nhiều người buộc tội anh ta, nhưng nhờ những ý kiến của vợ chồng Leopold mà anh thoát chết. Nhưng những năm sau, tình hình như thế không diễn ra như thế nữa.

Năm 1937, Leopold được tin Alter Strom bị bắt khi đang làm cho hãng thông tấn TASS. Leopold nhận định đây là một trường hợp oan nên anh quyết định làm chứng. Sau bao nhiêu khó khăn, Leopold được gặp vị đại tá thụ lí vụ đó. Vị đại tá này chưa biết ý định của Leopold nên đón tiếp anh rất trân trọng. Đại tá mời cà phê, thuốc lá và hỏi:

- Đồng chí định đến làm chứng vụ Strom phải không?

- Vâng, đúng như thế.

- Vậy tôi sẵn lòng nghe ý kiến của đồng chí.

- Tôi đến chỉ có mục đích để trình bày với đại tá rằng Strom vô tội...

Bút trên tay đại tá tuột xuống bàn, nụ cười biến thành cái nhếch mép chế nhạo, bộ mặt lộ rõ sự hoài nghi, cau có...

- Anh đến đây chỉ để nói như vậy à?

- Đúng thế, tôi biết Alter Strom từ khi còn trẻ. Tôi biết anh đó không phải là kẻ thù. Cho nên tất nhiên tôi đến để nói với đồng chí như vậy đấy.

Đại tá nhìn Leopold hồi lâu:

- Chúng ta thẳng thắn với nhau. Cách mạng Tháng 10 đang gặp nguy hiểm. Nếu trong một trăm người bị chúng ta bắt giữ mà chỉ có một người là kẻ thù, thế đã đủ để bào chữa việc bắt chín mươi chín người kia. Cách mạng có tồn tại hay không buộc ta phải trả giá như vậy đó.

Chỉ một câu đại tá đã tóm gọn, triết lí của chính sách trấn áp của chính quyền. Leopold trả lời:

- Tôi không cho rằng Cách mạng đang gặp nguy hiểm. Tôi ngạc nhiên thấy sau hai chục năm tồn tại, Bộ của đại tá vẫn không biết phân biệt ai là bạn, ai là thù!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2013, 10:26:35 am »

Những cuộc thanh trừng

Leopold được những tin tức đáng lo ngại về Đảng cộng sản Liên Xô.

Đại hội 17 của đảng diễn ra vào tháng ba năm 1934. Lần đầu tiên một đại hội đảng không có nghị quyết. Các đại biểu biểu quyết bằng giơ tay một kiến nghị yêu cầu “Dùng các luận điểm và các mục tiêu trong bài diễn văn của đồng chí Stalin để làm căn cứ hoạt động”. Khi bầu ban chấp hành trung ương bằng phiếu kín thì nổ ra sự kiện bột phát cuối cùng của đảng: Đại hội bầu Stalin và Kirov bằng phiếu nhau, (chỉ có ba phiếu chống). Nhưng thực tế không như vậy: hai trăm sáu mươi đại biểu, bằng một phần tư đại hội, đã gạch tên Stalin. Trưởng ban tổ chức đại hội là Kaganovich hốt hoảng cho đốt các phiếu rồi công bố Stalin được số phiếu ngang với số phiếu thực tế đã bỏ cho Kirov. Stalin không lạ gì sự kiện này. Bắt đầu thanh trừng số đại biểu dự Đại hội 17. Trong số một trăm ba mươi chín ủy viên trung ương khóa đó, mấy năm sau đến một trăm mười ủy viên bị bắt. Lí do: Vụ ám sát Kirov ngày 1-12-1934.

Từ lâu, Kirov là bí thư vùng Leningrad. Ngay từ 1925 Stalin đã phái Kirov lên vùng phía bắc này để đánh tan ảnh hưởng của Zinoviev. Đây là một nhân vật giản dị, dễ tính và rất được quần chúng mến mộ; phái đối lập với Stalin tập hợp xung quanh tên tuổi của ông, đó chính là nguyên nhân làm ông phải chết. Stalin vừa hạ thủ được đối thủ, đồng thời tạo cớ để thanh trừng. Hàng trăm tù nhân bị xù tử vì bị tố cáo đã tổ chức cho tên sát nhân Nikolaiev ám sát Kirov. Zinoviev và Kamenev bị kết án mười năm và năm năm tù vì đã có trách nhiệm tinh thần về vụ ám sát trên. Ngày 18 tháng giêng năm 1935 lãnh đạo Đảng cộng sản chỉ thị cho lãnh đạo các địa phương “Huy động các lực lượng tiêu diệt các phần tử chống đối”. Báo chí hô hào đề cao cảnh giác: giám sát, tố cáo, không khí nghi kị bao trùm khắp đất nước. Mọi tầng lớp nhân dân đều bị đụng chạm đến. Con trai Leopold tên là Michel là học sinh nội trú trong một trường giành riêng cho con em cán bộ quốc tế cộng sản kể lại câu chuyện cho Leopold: Có một hôm, người cha của một học sinh đến thăm con tên là Misha. Khi chia tay con, ông hẹn sẽ gặp lại con nửa tháng sau. Nhưng hôm sau ông bị bắt.

Quá hẹn, Misha không thấy bố đến, liền hỏi hiệu trưởng thì được giải thích trước toàn thể học sinh rằng người đến thăm Misha hôm nọ không phải là bố Misha, mà là tên gián điệp đội lốt đấy, bố của Misha đã bị bọn tư sản giết chết rồi! Vậy các cháu hãy theo lời dạy của Stalin, hãy đề cao cảnh giác để vạch mặt kẻ thù của đất nước.

Được động viên như vậy, các cháu quyết định săn lùng gián điệp. Một hôm toán thám tử tí hon thấy một người là lạ, cao lớn, vận chiếc áo choàng gabacđin cổ kéo cao, đầu đội mũ, kéo che cả trán, mắt đeo kính đen, tay xách cặp đen. Đúng là tên gián điệp rồi. Các cháu theo dõi tên điệp viên đó thấy nó vào cổng một nhà máy to lớn. Các cháu chạy vội đến báo người gác cổng: Sao bác để cho gián điệp lọt vào nhà máy của bác?

Nhân viên gác cổng nhìn các cháu và giải thích:

- Tên gián điệp của các cháu đó là ông giám đốc nhà máy đấy.

Tiếp đến là các vụ án. Nhiều đồng chí lão thành từng theo Lenin nay bỗng trở thành gián điệp Anh, hoặc Pháp, hoặc Ba Lan... Chứng cứ? Tự tạo ra. Trong các phiên tòa, nhũng bị cáo bị kết tội âm mưu ám sát một số ủy viên bộ chính trị từng là đối tượng bị ám sát của một số vụ án trước đây, nay ngồi vào ghế bị cáo. Tại sao những người cộng sản như Zinoviev, Kamenev hoặc Bukharin lại thú nhận tội. Chỉ đến năm 1964 bức màn dối trá mới được vén lên qua cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô xuất bản lần thứ chín ở đoạn viết như sau:

Sau vụ ám sát Kirov có bốn vụ án được đưa ra xét xử vào tháng giêng 1935, tháng tám 1936, tháng giêng năm 1937 và tháng ba năm 1938. Ba vụ xử công khai. Tất cả bị cáo đều bị tuyên án là đã phản bội, làm gián điệp, khủng bố chống lại Stalin, Molotov, giết hại Gorki.v.v... Phân tích những nguồn cho thấy việc điều tra thẩm vấn là tráng trợn vi phạm tiêu chuẩn pháp luật ngay cả trong các phiên tòa xét xử công khai. Lời buộc tội đều căn cứ vào những lời thú tội của bị cáo, mâu thuẫn trực tiếp với nguyên tắc coi như là vô tội của bị cáo. Trong phiên tòa Karl Radek khai rằng cáo trạng hoàn toàn căn cứ vào hai người khai là Piatakov và chính bản thân mình. Anh ta đặt câu hỏi một cách châm biếm với Vyshinski: Liệu những lời khai của những tên lưu manh, gián điệp như hai bị cáo kể trên lại có thể đưộc coi là những chứng cứ? “Tại sao ông lại căn cứ vào những điều chúng tôi khai để ông tin rằng đó là sự thật, sự thật thuần túy?”. Ngày nay, rõ ràng phần lớn chứng cứ do bọn Trotskyite và bọn khuynh hữu đưa ra trong các phiên tòa đều không có căn cứ, như vậy chúng ta đi đến chỗ phải nghi ngờ tính xác thực của những nhân chứng đó.

Tổng biện lý Vyshinski chủ tọa các vụ xét xử này đã hoàn toàn vi phạm các nguyên tắc tố tụng. Như khi Krestinski không công nhận những lời buộc tội mình, Vyshinski cho hoãn phiên tòa đến hôm sau. Hôm sau, Krestinski tuyên bố rằng y đã trả lời “không có tội” chứ không phải “có tội”. Bukharin khẳng định không bao giờ tham gia chuẩn bị gây án mạng cũng như gây tội ác khác và Tòa án không đưa ra được một chứng cứ buộc tội được ông ta. “Quý tòa có chứng cứ gì - ông ta hỏi - Ngoài những lời khai của Sharagonvich, mà tôi chưa bao giờ quen biết, ngay cả trước lúc tôi bị bắt giam?”. Đến đây Vyshinski tuyên bố một cách trắng trợn rằng không cần phải có chứng cứ trong các tội ác để buộc tội. Dưới ánh sáng của những tình huống mà ta vừa thấy, ta kết luận được rằng pháp chế đã bị vi phạm thô bạo trong các vụ xét xử kể trên.

Đó là quan điểm chính thức của chính quyền vào năm 1964. Chưa hết sự thật. Còn phải kể đến tra tấn, về thể xác cũng như về tinh thần, khống chế gia đình một cách có hệ thống của bị cáo. Vụ án Piatnitski cho Leopold thấy rất rõ chính sách trấn áp tràn lan: Piatnitski vốn là một đảng viên Bolshevik lão thành, là đồng chí thân cận của Lenin. Sau khi thành lập Quốc tế cộng sản, ông trở thành một trong những người lãnh đạo Quốc tế Cộng sản. Là người có tài tổ chức, ông được trao nhiệm vụ phụ trách về công tác cán bộ. Ông tuyển chọn, đào tạo và phái cán bộ Quốc tế Cộng sản đi khắp các nơi. Đầu năm 1937, ông bị bắt với tội danh làm gián điệp cho Đức. Sau này, khi bị Gestapo Đức bắt, Leopold mới biết rõ nguồn gốc vụ án oan này. Năm 1942, Leopold bị tên mật thám đã từng dàn dựng vụ án oan đó hỏi cung: Toàn bộ tài liệu chứng minh Piatnitski làm gián điệp Đức đều là tài liệu giả do cơ quan phản gián phát xít tạo ra. Lợi dụng không khí nghi ngờ lung tung ở Liên Xô, các tay trùm mật thám Đức đã sáng tạo ra một điệp viên Đức trong giới lãnh đạo đảng. Tại sao chúng chọn Piatnitski? Bỏi vì bọn chúng tính toán rằng diệt được Piatnitski là diệt được toàn bộ đơn vị nhân sự của Quốc tế Cộng sản.

Piatnitski hai lần đến nước Đức sau cuộc Cách mạng tháng Mười, cho nên bọn Quốc Xã biết rất rõ đồng chí này. Gestapo bắt được hai đảng viên Đảng cộng sản Đức do Quốc tế Cộng sản phái đi; mật thám Đức giữ kín việc bắt này, đã khống chế hai tên đó rồi cho tiếp tục hoạt động trong Đảng cộng sản Đức. Một trong hai tên nội gián đó cho Bộ Nội vụ Liên Xô hay rằng hắn có chúng cứ về sự phản bội của một vài cán bộ lãnh đạo Đảng cộng sản, rồi nó chuyển cho Moscow hồ sơ về Piatnitski để “chứng minh” ông này đã quan hệ với tình báo Đức sau thế chiến thứ nhất. Trong không khí trấn áp tràn lan như ở Moscow thời đó, chỉ như vậy đã đủ để kết tội một đảng viên lão thành... cùng với Piatnitski, hàng trăm nhà lãnh đạo Quốc tế Cộng sản biến mất. Thật là một trong hàng nghìn việc làm lợi cho Hitler!

Chẳng bao giờ có việc điều tra đích thực. Cứ bị bắt tức là có tội. Có tội thì phải thú nhận, nếu chối cãi tức là phản bội hai lần. Từ khi tình nghi bắt đầu tiến trình dẫn đến kết tội, quyền bào chữa sơ đẳng không hề có. Đất nước trở thành bãi thực hành của Bộ Nội vụ. Từ năm 1935 trở đi, các nhà tù thành phố và làng xã đầy những người vô tội...

Các nhà lãnh đạo các Đảng cộng sản, những nhà lãnh đạo người nước ngoài của Quốc tế Cộng sản chứng kiến cảnh trấn áp ngày càng mở rộng vì họ mục kích đại diện của các Đảng cộng sản nước ngoài biến mất. Hàng mấy nghìn người cộng sản nước ngoài sống tại Moscow làm việc trong Quốc tế Cộng sản, Quốc tế nông dân, Quốc tế thanh niên, phụ nữ vơi dần đến tỉ lệ chín mươi phần trăm. Hàng nghìn người tị nạn chính trị vừa thoát khỏi tra tấn, chết chóc tại nước họ, nay lại rơi vào những thảm họa đó ngay trên đất nước Liên Xô.

Leopold sống trong trụ sở Quốc tế Cộng sản chỉ được biết qua những tin đồn, than ôi đều đúng cả - về những vụ trấn áp đó. Ví dụ vụ thủ tiêu Bela Kun, lãnh tụ cách mạng Hungari năm 1921, thành viên lãnh đạo Quốc tế Cộng sản phụ trách các nước vùng Bancăng. Một ngày xuân năm 1937, Bela Kun đến dự cuộc họp ban chấp hành Quốc tế Cộng sản cùng với các chiến hữu lâu năm như Dimitrov, Manuilski, Varga, Pik, Togliatti. Manuilski phát biểu và thông báo một tin quan trọng: Theo tài liệu của Bộ Nội vụ Liên Xô, hình như Bela Kun làm gián điệp cho Rumani từ năm 1921. Tất cả những người dự họp đều thuộc lòng về lai lịch của Bela Kun, lòng tận tụy với chủ nghĩa xã hội và cách đó một tiếng đồng hồ đã từng nắm tay thân mật với đồng chí đó. Thế mà chẳng ai phản đối, thậm chí thắc mắc cũng không. Cuộc họp bế mạc. Ở cổng trụ sở, một chiếc xe của Bộ Nội vụ đã chờ sẵn và đưa Bela Kun đi không bao giờ trở lại nữa.

Leopold được biết rõ vụ này do những người sống sót cùng bị giam tại Lubianka sau Thế chiến II với Leopold kể lại. Cũng do nguồn tin này mà Leopold còn được biết về vụ trấn áp lãnh đạo Đảng cộng sản Ba Lan: Vài tháng sau vụ án oan Bela Kun xảy tiếp vụ Ba Lan. Trong cuộc họp lãnh đạo Quốc tế Cộng sản trống mắt hai ghế đại biểu Đảng cộng sản Ba Lan. Manuilski giải thích một cách rất nghiêm trang rằng tất cả lãnh đạo Đảng cộng sản Ba Lan đều là gián điệp từ năm 1919 của tên độc tài Pilsudski... Hòa ước Versalles còn chưa quyết định được đường biên giới phía đông của Nhà nước Ba Lan mới. Lợi dụng tình thế chưa rõ ràng đó, Pilsudski mở cuộc tấn công trên 500 km và chiếm nhiều địa bàn bao la. Chẳng bao lâu, Hồng quân phản công và chiếm lại được những khu vực đó, trong đó có Ukraine cũng như thủ đô Kiev của Ukraine. Cuối tháng 7, kị binh của Tukhachevski chỉ còn cách Warsaw có hai trăm km... Manuilski “tiết lộ” rằng khi đó có một trung đoàn Ba Lan bị bắt làm tù binh: Thực tế chính trung đoàn này tự nguyện đầu hàng kẻ thù, vì nó gồm toàn thể là bọn khiêu khích bị Pháp, Anh mua chuộc nhằm lật đổ chế độ Xô viết. Trong hàng ngũ những tên phản bội đó có các người lãnh đạo cộng sản Ba Lan. Những ủy viên ban chấp hành trung ương Ba Lan đang công tác tại Pháp hoặc đang chiến đấu tại Tây Ban Nha đều được triệu tập về Moscow. Họ đều đang nóng lòng lập mặt trận chống chủ nghĩa phát xít đang dâng trào, nay được gọi về nên họ đinh ninh là để bàn về việc đó, cho nên họ đều vui vẻ và vô tư về Liên Xô. Mặt trận chống phát xít của họ là nhà tù, rồi những cán bộ lão thành biến dần trong đó có Adolf Varski hoặc Lenski,, người có tên gọi trìu mến là “Lenin Ba Lan”.

Năm 1938, Đảng cộng sản Ba Lan bị Quốc tế Cộng sản giải thể vì lí do là “nơi tập trung các phần tử dân tộc phục thù”. Leopold cho đó là cái cớ để Stalin che đậy và thực hiện ý đồ thân thiện với nước Đức phát xít, mà chủ trương này Stalin biết chắc chắn Đảng cộng sản Ba Lan sẽ phản đối đến cùng, vì nó sẽ bóp chết Ba Lan. Cũng cùng lúc đó, hai đảng của Ukraine và Belorussia cũng bị giải thể.

Leopold nhớ lại không khí sợ hãi của những đêm trường đại học hầu như thức trắng vì những tiếng xe cũng như giày đinh của Bộ Nội vụ đi bắt người. Chẳng ai có thể ngủ được vì không ai biết số phận của đồng môn, đồng chí hoặc ngay bản thân mình sẽ ra sao... Đại biểu Bulgaria không chịu nổi không khí lo sợ này đã phải đề xuất với Dimitrov: “Xin đồng chí ngăn cuộc trấn áp này lại, nếu không chúng tôi sẽ triệt hạ tên phản cách mạng Ejov đấy” (Ejov là bộ trưởng Nội vụ Liên Xô). Dimitrov, chủ tịch Quốc tế Cộng sản, trả lời:

- Tôi không có khả năng làm một việc gì, tất cả việc trấn áp đó là việc của Bộ Nội vụ Liên Xô.

Các đồng chí Bulgaria bất lực, và dần dần bị Ejov tiêu diệt. Các đồng chí Nam Tư, Tiệp, Ba Lan, Litva nối nhau biến mất.

Năm 1937, trừ Wilhelm Pjeck và Wilhelm Pjeck, toàn bộ các lãnh tụ Đảng cộng sản Đức không còn ai sống sót. Các đồng chí Triều Tiên bị đánh tan, các đồng chí Ấn Độ biến mất, các đại biểu Trung Quốc bị bắt.

Trong đại hội VIII của Quốc tế Cộng sản, Leopold chứng kiến cảnh đoàn đại biểu Đảng cộng sản Liên Xô tiến vào hội trường một cách rất long trọng. Đi đầu là Stalin, rồi đến Molotov, Zhdanov và cả Ejov. Dimitrov đã giới thiệu Ejov với đoàn chủ tịch đại hội: Đây là đồng chí Ejov là người được biết tiếng vì đã có thành tích lớn lao đối với phong trào cộng sản thế giới! Nhưng năm đó mới là năm 1935, phải mất thêm ba năm trấn áp nữa thì Ejov mới tảo thanh được các đảng viên cộng sản.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2013, 10:45:11 am »

Truy nã người Do Thái

 
Những cán bộ lãnh đạo Đảng cộng sản Palestine mà Leopold quen biết cũng dần dần rơi rụng. Họ đều bị triệu về Moscow sau khi Quốc tế Cộng sản đưa ra khẩu hiệu vào năm 1929 “Bolshevik hóa cộng với Arab hóa”.

Birman, Lechtsinski, Ben-Yehuda, Meier-Kuperman bị thủ tiêu. Daniel Averbuch sinh ra tại Moscow, được phái sang Cận Đông (Near East) để xây dựng phong trào cộng sản và trở thành một nhân vật hàng đầu của Đảng cộng sản Palestine: Cũng như những lãnh đạo khác, anh bị triệu về Liên Xô, rồi điều đi Rumani, lần cuối cùng Leopold gặp anh đang làm trưởng ban chính trị một nông trường (giữa 1937). Đây là một cán bộ không biết gì về nông nghiệp. Anh sống như người bị án treo. Anh kể cho Leopold:

- Một hôm tôi nhận được điện thoại triệu về Moscow.

Anh biết sẽ vô cùng nguy hiểm, nhưng anh vẫn cam chịu và quả nhiên anh bị đưa vào trại giam Lubianka. Con trai của Averbuch kể cho Leopold nghe:

- Cha cháu bị gán tội phản cách mạng, nhưng cháu nghĩ ngược lại phản cách mạng chính là tốp lãnh đạo đất nước, trước hết là Stalin.

Sau này, cháu đó cũng bị bắt vì tham gia vào một nhóm tìm cách ám sát Stalin. Cháu bị dụ dỗ phải thừa nhận bố cháu là gián điệp, nhưng cháu không chịu. Cuối cùng cháu bị đày tại một trại tập trung khắc khổ nhất và cháu đã chết ở đó. Anh trai của Averbuch làm cùng một tòa soạn báo với Leopold cũng bị bắt.

Maria, vợ Averbuch, phải ở nhờ nhà em trai làm thứ trưởng bộ giáo dục. Hai chị em sống những ngày đêm lo sợ đến mức em trai bà không chịu đựng nổi, suốt đêm lồng lộn trong nhà rồi kêu thét:

- Trời ơi, sao người ta không cho tôi biết ngày nào họ bắt chúng tôi đi!

Cuối cùng anh cũng bị bắt vào một buổi sáng tinh mơ.

Sau chiến tranh, Leopold gặp lại Maria Averbuch, bà đã trở thành một bà lão già lụ khụ tay cứ khư khư chiếc túi cũ trong đựng những chiếc ảnh gia đình bà... Bà nói:

- Chồng tôi, các con tôi, em tôi, anh chông tôi, tất cả đều bị bắt và bị sát hại, nay chỉ còn có một mình tôi sống sót... nhưng Leopold ạ, mặc cho những đau khổ rơi vào tôi, tôi vẫn tin vào chủ nghĩa cộng sản...

Nhiều tin tức đến tai Leopold: Sonia Raginska, một bạn thân của Leopold, rất thông minh, rất tích cực, bị điên trong nhà tù.

Efraim Lechtsinski, ủy viên trung ương Đảng cộng sản Palestine, bị bắt và trước khi bị hỏi cung lại được trông thấy một người tù đầy thương tích bị đẩy vào xà lim của anh nhằm làm cho anh sợ hãi. Lechtsinski không chịu nổi những cực hình đó nên cũng phát điên. Anh lồng lộn trong xà lim, đập đầu vào tường rồi chết:

- Tôi còn quên tên ai nữa không? Tôi còn quên ai nữa?

Trừ List và Knossov không về Liên Xô, còn tất cả trung ương Đảng cộng sản Palestine bị thủ tiêu hết. Còn một vị là Joseph Berger sống sót sau hai mươi mốt năm bị tù. Chỉ còn hai mươi cán bộ của Đảng cộng sản Palestine trong số hai ba trăm người là thoát chết. Mãi đến năm 1968, tức là sau đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô, đảng cộng sản Israel mới tỏ lòng kính trọng đối với những người lãnh đạo đã bị sát hại trong những vụ thanh trừng của Stalin.

Khi cuộc trấn áp lan đến cộng đồng Do Thái, thì tình hình cũng không khác gì các dân tộc thiểu số khác là cộng đồng đó bị tàn sát.

Cuộc Cách mạng tháng Mười đã thay đổi sâu sắc cuộc đời của người Do Thái. “Trong công tác tuyên truyền chống chủ nghĩa Zionism, chúng tôi, những người cộng sản gốc Do Thái, đều nhấn mạnh, đề cao chính sách tôn trọng các quyền dân tộc và văn hóa đối với cộng đồng Do Thái tại Liên Xô, và chúng tôi tự hào về chính sách đó”. Leopold nhận xét thêm: “Tôi còn nhớ khi tôi đến Liên Xô vào năm 1932, các sắc tộc ít người như Do Thái còn được hưởng một số quyền. Cuộc sống văn hóa phát triển ở các vùng người Do Thái chiếm đa số. Trong các khu ở Ukraine và ở bán đảo Crimea tôi thấy tiếng Do Thái được coi là tiếng chính thức. Báo chí Do Thái rất thịnh vượng: Trên toàn Liên xô có năm, sáu tờ báo hàng ngày và nhiều tuần báo bằng tiếng Do Thái. Hàng chục nhà văn Do Thái xuất bản tác phẩm của họ với số lượng hàng triệu bản. Còn trong trường đại học nhiều trường dạy môn văn học Do Thái. Về kinh tế, cũng đáng phấn khởi: Như ở Crimea, những nông trang đa số phát triển tốt đẹp. Chúng tận dụng vị trí gần thành thị để trồng hoa quả rồi bán cho dân thành phố. Song song với tình hình đó, chính sách đồng hóa rộng mở cho người Do Thái gia nhập tự nguyện. Không có biện pháp hạn chế ngăn cấm đến đời sống, hoạt động, nguyện vọng của người Do Thái ỏ các thành phố lớn như Moscow, Leningrad, Minsk. Trong xã hội không có phân biệt đối xử hoặc hạn chế kể cả trong các trường đại học. So sánh với chính sách ngu dân thời Nga hoàng sự thành công có thể nói là rực rỡ và to lớn. Từ năm 1935 trở đi bắt đầu có trấn áp đến người Do Thái, lúc đầu ập xuống các nơi tập trung người Do Thái, rồi sau lan ra khắp liên bang.

Sau khi học xong khoa báo chí đại học Marchlevski, Leopold được trung ương Đảng cộng sản Nga điều về làm ở tòa báo Sự Thật viết bằng tiếng Do Thái. Nhiều nhà văn Do Thái có tiếng tham gia ban biên tập do nhà báo tài ba Moshe Litvakov lãnh đạo.

Leopold viết chuyên đề “Sinh hoạt Đảng” và đôi khi viết cả xã luận. Một hôm anh tài vụ của tòa soạn gặp Leopold ở hành lang đã nhắc:

- Này Leopold, sao đồng chí để đồng tiền nằm mốc ra ở quỹ thế?

- Tiền gì? Tôi vẫn lĩnh lương đều đều đấy chứ?

- Tôi không nói về lương, mà đây là về tiền thưởng những bài đồng chí viết cơ mà!

Hôm sau, anh tài vụ đưa cho Leopold món tiền to hơn cả lương của Leopold. Vậy là toàn thể ban hiên tập hoạt động và lĩnh thưởng như vậy: Thế là ta đã vượt quá xa “Tiền lương công nhân” như Lenin chủ trương (Người yêu cầu viên chức của đảng không được hưởng lương cao hơn một công nhân giỏi).

Tuần nào Ban chấp hành trung ương đảng cũng họp và cho các báo xuất bản ở Moscow được cử đại diện đến dự. Nhiều lần Leopold được Tổng biên tập cử đến dự. Trong một phiên họp vào năm 1935, Stetski, vụ trưởng báo chí của ban chấp hành trung ương, thông báo một một tin quan trọng “Trước hết tôi xin báo để các đồng chí biết một ý kiến riêng của đồng chí Stalin. Đồng chí ấy rất không bằng lòng về hiện tượng sùng bái cá nhân đồng chí. Bài báo nào cũng mở đầu và kết thúc bằng việc trích đăng ý kiến của đồng chí. Mà Stalin không thích như vậy. Hơn nữa đông chí đã kiểm tra thấy trong những bức thư tập thể ca tụng đồng chí ấy có những thư có hàng vạn chữ ký, đều do các cấp ủy đảng đề mức cho từng xí nghiệp, từng khu phố phải đạt chỉ tiêu đã đề ra. Hôm nay tôi có trách nhiệm thông báo để các đồng chí biết rằng Stalin không tán thành phương pháp đó và Stalin yêu cầu phải chấm dứt việc làm đó”.

Quá xúc động bởi bài nói đó, Leopold báo cáo lại với tổng biên tập của mình, thì đồng chí đó trả lời với nụ cười:

- Điều đó chỉ được vài tuần lễ thôi...

- Sao, thế đồng chí không tin à?

- Hãy chờ, đồng chí rồi sẽ thấy...

Ba tuần lễ sau, Bộ Chính trị ra quyết định: “Thông cảm với nguyện vọng rất trung thực của đồng chí Stalin không muốn để sùng bái cá nhân mình, Bộ chính trị thấy không đồng tình với sự giữ gìn ý tứ đó. Trong những lúc khó khăn trải qua, đồng chí Stalin đã vượt qua những khó khăn trong trọng trách của mình. Báo chí phải hết sức vận dụng để thường xuyên nhấn mạnh vai trò của đồng chí Stalin...”.

Khi Leopold trình quyết định này cho Litvakov, tổng biên tập không ngạc nhiên:

- Đồng chí hãy nghe tôi nói. Cách đây ba tuần tôi đã từng phát biểu rằng những chỉ thị đó không tồn tại lâu đâu... Stalin đã đoán trước rằng Bộ chính trị sẽ có thái độ như thế, nhưng vị đó tuyệt đối muốn báo chí đưa ra cho mọi người thấy tính khiêm tốn của vị đó!

Leopold nhận xét Litvakov rất hiểu tiến trình cách mạng sẽ trải qua, anh làm hết chức trách của mình và dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật va nói thẳng ý nghĩ của mình. Leopold còn nhớ vào năm 1935 Litvakôp đã yêu câu Radek viết bài vào dịp Cách mạng Tháng Mười. Radek gửi bài cho Litvakov. Sau khi đọc xong bài của Radek, anh lạnh lùng phát biểu:

- Không khi nào ta đăng loại bài như cứt này trên báo ta. Vì bài báo đó chỉ là một chuỗi lời ca tụng Stalin...

Vài ngày sau, Radek điện cho Litvakov phản đối việc không đăng bài của mình. Litvakov trả lời:

- Radek ơi, đây là lần cuối cùng tôi yêu cầu anh viết bài đấy nhé. Nếu anh tưởng rằng vì chữ kí của anh mà tôi phải cho đăng thì anh thật là nhầm to đấy. Bài của anh chẳng có giá trị gì, ngay nhà báo mới tập sự cũng còn viết hay hơn anh.

Chẳng bao lâu Litvakov bị thanh trừng vào đợt đầu tiên. Không khí tòa soạn trước kia vui vẻ, nhộn nhịp vì tranh luận, nay trở nên lo sợ, nghi kị nhau. Sáng sáng, nhà báo đến tòa soạn rồi thu mình vào một chỗ cho hết giờ, sau đó ra về không một lời. Strelitz là nhà báo kì cựu đã từng tham gia cuộc nội chiến trong Hồng quân cũng bị bắt khiến cho ban biên tập rụng ròi và làm tăng mạnh thêm sộ hãi.

Mỗi lần có nhà báo bị bắt, lại diễn ra cảnh tượng “đưa đám” rất bỉ ổi. Toàn bộ ban biên tập phải tập trung để tự phê bình. Lần lượt từng nhà báo đọc bài kinh xám hối: “Thưa đồng chí, chúng ta đã lơi lỏng cảnh giác, tên gián điệp đã hoạt động trong chúng ta hàng bao năm trời mà chúng ta không hay biết để vạch mặt nó ra...”. Khi có tin nhà báo lão thành Strelitz bị bắt, ban biên tập bị tập trung lại để bắt đầu tự phê bình... Một anh kể lại có nghe Strelitz nói một ý mà anh quên không báo cáo; anh khác tự phê bình rằng có thấy Strelitz có thái độ kì quặc nhưng anh không chú ý. Hội nghị tự phê bình đang tiến hành bỗng Strelitz xuất hiện, anh xuất hiện ở ngoài cửa từ mấy phút rồi và đã nghe được những ý kiến phê bình, thậm chí tố cáo anh là gián điệp. Đây là một thủ đoạn đối chất bất ngờ do Bộ Nội vụ dàn dựng khiến cho hội nghị như bị giội gáo nước lạnh. Mọi người im bặt, bối rối.

Strelitz vẫn không nói gì... Từng người một, miệng câm như hến, hội nghị giải tán, ai cũng xấu hổ không dám nhìn vào người đồng chí đó vì hội nghị đã trở thành những con người máy đồng lõa với chính sách trấn áp của Stalin. Khiếp sợ đã chiếm hết tâm hồn, ai cũng chỉ biết nghĩ đến bản thân mà thôi. Bộ Nội vụ đã thắng thế, nó không cần phải biểu lộ sức mạnh thể chất nữa, vì nó đã làm chủ được tâm hồn, tư cách của hội nghị.

Cộng đồng Do Thái ở trong cũng như ở ngoài trường đại học đều bị trấn áp. Từ năm 1931, đảng đã ủng hộ chủ trương thành lập khu tập trung người Do Thái ỏ Siberian, đã kêu gọi trí thức về đó. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đã kéo nhau về làm nòng cốt cho khu Birobidzhan, đi đầu là giáo sư Liberberg, nhà khoa học tiếng tăm của Liên Xô. Rồi bỗng khu này bị trấn áp bởi một toán Nội vụ. Với những luận điệu sơ đẳng trở thành giáo điều, toán đó, theo hai nhân chứng kể lại cho Leopold, đã tuyên bố tất cả người Do Thái gốc Ba Lan đều làm gián điệp cho chính quyền Ba Lan, tất cả người Do Thái từ Palestine đến đều làm gián điệp cho đế quốc Anh. Dựa vào nhũng căn cứ đó, toán Nội vụ đã kết án không cho khiếu nại và đưa ra xử tử hết. Nguyên bí thư đảng bộ trường đại học của Leopold tên là Schwarzbart bị lôi ra đấu tố mặc dù lão đồng chí này đang giữ một cương vị quan trọng ỏ Birobidzhan. Đồng chí bị tống vào tù, trở nên gần mù. Một buổi sáng sớm, chúng đưa đồng chí ra bắn ngay trong sân nhà tù. Trước khi nhận loạt đạn, đồng chí còn hô to lòng tin tưởng vào cách mạng, trong tiếng hát Quốc tế ca của các bạn tù.

Nữ hiệu trưởng đại học của Leopold là Esther Frumkina đang ốm nặng cũng bị bắt giam vào Lubianka năm 1937. Trong một cuộc hỏi cung, nữ hiệu trưởng này đã dũng cảm nhổ vào mặt một tên làm chứng gian. Nữ đồng chí đã bị kết án không cho khiếu nại và nữ hiệu trưởng đã chết trong nhà tù này.

Cũng trong năm 1937 đó, trường đại học các sắc tộc thiểu số bị giải thể và thay thế bởi trường đại học ngoại ngữ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2013, 10:51:10 am »

Thanh trừng trong Hồng quân

 
Leopold chứng minh về việc thanh trừng Tukhachevski và đồng đội của nguyên soái này 1. Ngày 11-7-1937 báo chí đua tin nguyên soái Tukhachevski cùng 7 vị tướng Xô viết bị bắt. Các tư lệnh Hồng quân đều là những đảng viên cộng sản lão thành, bị kết tội lật đổ chế độ, định đưa Liên Xô quay trở lại chủ nghĩa tư bản. Hôm sau, cả thế giới được tin Tukhachevski và các tướng Iakir, Uborevich, Primakov, Eidemann, Feldmann, Kork và Putna đã bị kết tội và bị hành quyết. Tướng Gamarnik, chủ nhiệm tổng cục chính trị Hồng quân tự sát. Vậy là Hồng quân bị chặt mất đầu.

Thực ra Tukhachevski cùng bộ tổng tham mưu có mâu thuẫn với Stalin từ nhiều năm: Stalin nhận định nếu có chiến tranh thế giới xảy ra thì không thể xảy ra trên đất Liên Xô; còn Tukhachevski qua nghiên cứu sự chuẩn bị của Đế chế Đức lại nhận định ngược lại rằng chiến tranh thế giới không thể tránh khỏi vì vậy phải chuẩn bị đối phó ngay. Trong một phiên họp của Xô viết tối cao, Tukhachevski đã phát biểu vào năm 1936 rằng ông tin rất nhiều khả năng chiến tranh sẽ diễn ra trên lãnh thổ Liên Xô.

Lịch sử cho thấyTukhachevski đã sai lầm là đã dự đoán quá chính xác nhưng quá sớm... Khi đó mọi lực lượng đối lập đã bị dập tắt và Stalin đã chuyên chính một cách tàn bạo. Chỉ còn Hồng quân là dinh lũy cuối cùng chưa nằm trong tay mình cho nên phải tiến đánh. Đối với phái Stalin mục tiêu đó rất là khẩn thiết. Vì những mục tiêu đều là đảng viên lão thành có công lớn trong Cách mạng Tháng Mười nếu gán cho họ nhãn hiệu là “Trotskyite” hoặc “Zinovievist” là không trúng, cho nên phải đánh thật mạnh và tàn bạo. Stalin đã dùng đến bàn tay của Hitler để đánh dập đầu quân đội nhân dân Nga.

Chính tên Giering, trùm đơn vị mật thám đặc nhiệm Sonderkommando chuyên trách đánh phá lưới Dàn Nhạc Đỏ trong Thế chiến II, đã kể cho Leopold chi tiết vụ án Tukhachevski cũng nhu vụ án Piatnitski...

Năm 1936 tại Berlin, trùm tình báo phát xít Heydrich tiếp tên tướng Nga hoàng cũ là Skoblin. Viên tướng không có quân này tiêu sầu bằng trò gián điệp nhiều mang trên một quy mô lớn: Trong nhiều năm y đã làm cộng tác viên cho tình báo Xô viết để điều tra về Bạch vệ Nga ở Pháp, đồng thời y lại ve vãn tình báo Đức. Tóm lại đó là một con người hoàn toàn khả nghi. Y đưa cho Heydrich một tin rất giật gân: Nguyên soái Tukhachevski đang chuẩn bị cuộc bạo loạn vũ trang chống lại Stalin.

Sau khi báo cáo Hitler, Heydrich phải chọn một trong hai phương án: Một là cứ để bạo loạn nổ ra, hoặc là thông báo cho Stalin bằng cách cung cấp cho ông này những chứng cứ Tukhachevski câu kết với quân đội phát xít Đức.

Phương án hai được chọn. Kế hoạch là tạo ra những chứng cứ giả nói lên rằng Tukhachevski đang chuẩn bị nổi dậy, với sự giúp sức của bộ tổng tư lệnh Đức. Tạo ra chứng cứ giả không khó, vì trước khi phát xít nắm chính quyền ở Đức, quân đội Liên Xô và Đức đã có quan hệ thường xuyên, thậm chí Hồng quân còn đào tạo nhiều sĩ quan Đức. Sau khi đã tạo ra các tài liệu giả rồi, làm sao đưa đuợc những tài liệu giả đó cho Stalin. Trong cuốn hồi kí “Thủ trưởng phản gián quốc xã phát biểu”, trùm phản gián Đức thời kì đó là Schellenberg đã viết rằng ngôi nhà chứa các tài liệu bị cháy và một điệp viên Tiệp đã nhặt được những tài liệu đó trong đống tro. Theo một thuyết khác thì chính Đức đã bán những tài liệu đó cho Nga qua trung gian là người Tiệp.

Thế rồi vào cuối tháng 5 năm 1937, hồsơ vụ Tukhachevski đã nằm gọn trên bàn giấy của Stalin: Ông đã có đầy đủ điều kiện để thanh loại con người mà ông thề sẽ loại trừ. Theo Giering thì Skoblin tìm gặp Heydrich không phải do chính y quyết định đâu. Stalin và Hitler đã thông đồng với nhau: Stalin là người đã đặt mưu kế, còn Hitler đóng vai kẻ thực hiện. Stalin quyết đập tan lực lượng đối lập cuối cùng trong nước, còn Hitler thừa cơ lợi dụng việc này để chặt đầu Hồng quân. Qua vụ Piatnitski, Hitler học biết rằng chính sách thanh trừng không bó gọn trong số ít sĩ quan cấp cao, mà nhất định sẽ lan tỏa đến toàn bộ Hồng quân, như vậy phải mất nhiều năm sau đó mới có thể xây dựng lại được bộ khung của quân đội Xô Viết. Ông ta sẽ được rảnh tay ở phía Đông để tấn công các nước Tây Âu. Vậy là ngay từ năm 1937 đã lóe lên chính sách giao hảo Đức - Xô mà sau này được chính thức hóa bằng hiệp ước thân thiện giữa hai nước đó.

Sang tháng 8 năm 1937, sau khi loại bỏ được Nguyên soái Tukhachevski, Stalin họp với Tổng cục chính trị của Hồng quân để chuẩn bị đợt thanh trừng “Những kẻ thù của nhân dân” trong quân đội. 13/19 tư lệnh quân đoàn, 110/135 sư đoàn trưởng, một nửa trung đoàn trưởng và phần lớn chính ủy bị xử tử. Hồng quân suy yếu trầm trọng, không còn sức chiến đấu trong nhiều năm.

Tận dụng thắng lợi này, bọn phát xít thông báo cho Paris và London những tin tức hãi hùng về tình hình Hồng quân sau khi bị thanh lọc. Leopold nghĩ rằng trước thực trạng Hồng quân bị suy yếu như thế, Pháp và Anh chẳng vội gì mà liên minh với Liên Xô về quân sự.



------------------------------------------------------------
[1] Mikhail Nikolaievich Tukhachevski sinh năm 1893, mất năm 1937, xuất thân là sĩ quan cận vệ Nga hoàng, đảng viên Đảng Bolshevik năm 1918, tham gia cuộc nội chiến với cương vị quân đoàn trưởng quân đoàn Hồng quân thứ năm, năm 1920 là tư lệnh mặt  trận Liên Xô - Ba Lan. Năm 1921 tuân lệnh của Lenin, đã trấn áp cuộc bạo loạn của hải quân ở căn cứ Crônxtat. Năm 1925 là tổng tham mưu trưởng Hồng quân, năm 1928 là Tư lệnh quân khu Leningrad rồi được đề bạt thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô. Năm 1935 đưọc đề bạt nguyên soái. Bị tình báo phát xít Đức dùng kế li gián bởi một tên gián điệp đôi, Tukhachevski bị Stalin kết tội phản quốc. Tòa án xử kín và tuyên án tử hình ngày 11-6-1937. Hôm sau bị hành quyết ngay. Nãm 1961 được Khrutsev khôi phục danh dự.
 
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2013, 11:07:53 am »

Cục tình báo Hồng quân

 
Leopold trở thành cộng sản vì anh là người Do Thái.

Qua tiếp xúc với công nhân ở Dombrova, anh đã lược định được sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Ngoài ra, anh thấy chủ nghĩa Marx đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của việc giải quyết vấn đề Do Thái là vấn đề ám ảnh anh từ lúc anh còn là thiếu niên. Anh nhận định chỉ có xã hội xã hội chủ nghĩa mới chấm dứt được nạn phân biệt chủng tộc và tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa của cộng đồng người Do Thái. Anh đã nghiên cứu chủ nghĩa bài Do Thái từ khi nó ra đời cho đến cơ cấu của nó, những vụ tàn sát người Do Thái dưới thời Nga hoàng đến vụ Dreyfus ở Pháp. Anh cho rằng chủ nghĩa quốc xã ở thế kỉ XX là biểu hiện rõ ràng nhất của chủ nghĩa bài Do Thái. Anh trông rõ thấy con quái vật đó đang lớn lên và anh lo lắng thấy con người không nhận thấy nguy cơ đó. Các đảng công nhân Đức lao vào cuộc đấu tranh huynh đệ mà quên mất kẻ thù chung. Nhiều đảng công nhân nhận định rằng một khi đã nắm được chính quyền, Hitler sẽ xếp xó kho vũ khí của hắn lại, sẽ quên cuốn “Cuộc chiến đấu của tôi” đi và chuyển các đơn vị xung kích S.A. thành những huấn luyện viên các trại hè. Giai cấp tư sản Đức và quốc tế suy nghĩ ràng sau khi lập lại trật tự nhỏ nhoi xong thì tình hình sẽ tốt đẹp ở đất nước đang bị những phần tử đỏ quậy phá.

Ngày 30-1-1933, trên trang nhất các nhật báo cả thế giới đưa tin Adolf Hitler được chỉ định làm thủ tướng nước Đức. Đối với một đảng viên cộng sản như Leopold, anh nhận định sự kiện này báo hiệu nguy hiểm đã bắt đầu. Cánh cửa đã mở cho bọn man rợ xông vào. Chiếc mặt nạ dân chủ người ta đeo trên mặt tên trung sĩ người Áo nhỏ bé đã rơi mất rồi. Từ nay trở đi nước Đức và chẳng bao lâu cả châu Âu sẽ phải học cách sống dưới gót giầy.

Ngày 27-2-1933, trụ sở quốc hội Đức bị cháy. Chỉ vài phút sau Goebbels và Goering đã có mặt ỏ đó. Đêm hôm sau hàng vạn đảng viên cộng sản và xã hội bị bắt. Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 5 tháng 3. Goering đã báo trước: “Tôi chẳng quan tâm đến những định kiến để cho công lí viễn tưởng trói buộc chúng ta. Tôi ra lệnh phá hủy những gì cần phá và chỉ cần thế thôi”. Vì thế những lá phiếu bầu cho cộng sản bị tuyên bố là không có giá trị. Mặc dù không khí khủng bố lan tràn như thế, nhưng cộng sản và xã hội chủ nghĩa vẫn thu được mười hai triệu phiếu bầu. Các đảng khác mười triệu và bọn quốc xã được mười bảy triệu phiếu. Theo lệnh của Hitler, những đại biểu cộng sản bị loại bỏ. Ernst Thaelmann, tổng bí thư Đảng cộng sản Đức, bị bắt giam, ngay sau đó Dimitrov cũng bị bắt.

Chuỗi sự kiện tiếp theo:

Ngày 23 tháng ba, hiến pháp Weimar thực thi.

Nước Đức do dự giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc xã. Bây giờ thác lũ cuốn mọi vật theo. Hitler tập trung vào việc đánh phá phong trào công nhân Đức. Chống lại lao động, nó có những đội xung kích. Ngày 2-5-1933, trụ sở tổng công đoàn bị tấn công, trong khi lãnh đạo tổ chức này dự định chặn Hitler lại bằng tổng bãi công. Xung kích S.A. chiếm đóng trụ sở này. Hàng ngàn thành viên công đoàn bị tống giam. Còn thiếu một công cụ khủng bố nữa. Vào tháng 4 năm 1934 cơ quan mật thám Gestapo ra đời.

Trước khi Hitler lên nắm chính quyền, Leopold đã đọc cuốn “Cuộc chiến đấu của tôi” khiến cho các bạn của anh chế giễu. Nhưng ít lâu sau, anh nhận thấy cuốn sách đó đã mô tả rất sát sự phát triển của chủ nghĩa quốc xã. Trong cuốn sách của Hitler có hai chủ đề luôn luôn được nêu ra là: “Đập tan phong trào Do Thái quốc tế” và “Tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản”.

Vừa là Do Thái, vừa là Cộng sản, Leopold thấy mình bị liên quan. Ngoài ra đến tháng giêng năm 1935 đạo luật làm trong sạch chủng tộc ra đời: Các đồng chí Đức cũng bị tấn công. Leopold nhận định chủ nghĩa Quốc xã sẽ không đóng khung trong phạm vi nước Đức mà nó sẽ lan tràn ra khắp thế giới, chiến tranh và chết chóc sẽ trở thành vấn đề quốc tế. Bão tố sắp tới, nhiều dấu hiệu đã cho thấy như vậy. Ngày 13-1-1935, chính phủ Quốc xã ra lệnh bắt buộc thanh niên đi lính. Hitler vứt hiệp ước Versailles vào sọt rác. Cũng năm đó chín mươi phần trăm nhân dân tỉnh Saar tán thành hợp nhất tỉnh mình vào nước Đức.

Các nước dân chủ phương Tây không chịu thừa nhận có nguy cơ trước mắt. Họ chờ đợi có phép lạ, họ muốn hòa dịu. Họ càng do dự, Hitler càng lấn tới. Ngày 7-3-1936 quân đội Đức tiến vào vùng Rhineland. Không có phản ứng. Đầu tháng 7 năm 1936 cuộc nội chiến bắt đầu nổ ra ỏ Tây Ban Nha. Các chính phủ Anh và Pháp chủ trương không can thiệp, để cho các đạo quân lê dương Đức và Italia đánh bại Cách mạng Tây Ban Nha. Rồi cũng năm 1936 Đức và Italia kí hiệp định chống Quốc tế cộng sản.

Thế giới do dự không dám phá tan chủ nghĩa phát xít từ trong trứng, đã để cho bệnh dịch này phát triển và lan tràn. Ngày 1-5-1937, Leopold đi công tác lần đầu ở Pháp có qua Berlin. Tình hình thay đổi rất nhiều. Cảnh tượng đường phố không thể chịu nổi: Hàng ngàn công nhân đội cát két, hàng ngàn thanh niên vác cờ chữ thập ngoặc hát vang những bài hát ca tụng Hitler. Đứng trên hè, anh không thể tưởng tượng nổi. Quần chúng Đức đã bị cơn điên loạn lôi cuốn mất. Lúc này theo anh nghĩ chỉ có một cú sốc rất mạnh, một cuộc chiến tranh quy mô thế giới mới có thể đánh quỵ chủ nghĩa quốc xã. Anh quyết định mình phải đứng về phía nào trong cuộc chiến đấu không thương tiếc để bảo vệ tương lai của loài người. Vị trí đó là vị trí hàng đầu.

Khả năng để tham gia, anh sẽ giành được trong Cục tình báo Hồng quân có trụ sở ở gần Quảng trường Đỏ, số 19 phố Znamenskaia. Đây là một ngôi nhà nhỏ mầu nâu nên được người ta đặt cho cái tên là “Ngôi nhà Chocolate”. Cơ quan tình báo Xô viết thời đó hoạt động không giống các cơ quan tình báo phương Tây. Nó dựa chủ yếu vào đảng viên các Đảng cộng sản các nước. Được thành lập trong cuộc nội chiến nên chưa kịp đào tạo ra những cán bộ đích thực.

Cơ quan tình báo Xô viết cũng không thoát khỏi quy luật cơ bản là muốn thu thập tin tức thì phải tuyển chọn điệp viên người địa phương. Tất nhiên Hồng quân thu hút hàng nghìn đảng viên cộng sản công tác không có tính chất là điệp viên mà cơ bản mang tính chất là những chiến sĩ tiền phong của cách mạng thế giới. Cục tình báo Hồng quân Liên Xô mang tính chất quốc tế cho đến năm 1935, và ta sẽ không hiểu được việc tuyển lựa những con người gia nhập hàng ngũ cơ quan này nếu không gắn nó với bối cảnh quốc tế của cách mạng. Những con người này thật sự rất vô tư. Không bao giờ họ nêu ra vấn đề lương bổng, tiền bạc. Đó là những dân thường hiến dâng mình như khi họ tham gia một công đoàn vậy.

Tướng Jan Berzin lãnh đạo Cục tình báo Hồng quân. Là đảng viên Bolshevik lão thành, trước Cách mạng Tháng Mười đã hai lần bị kết án tử hình. Trong cuộc nội chiến, ông chỉ huy một trung đoàn gồm người Litva và Estonia (Thời kì đó hai nước Litva và Estonia còn độc lập), chịu trách nhiệm bảo vệ Lenin và chính phủ. Theo chủ nghĩa quốc tế, chỉ các nhà lãnh đạo Bolshevik mới dám trao việc bảo vệ mình cho người nước ngoài như thế.

Song song với Cục tình báo Hồng quân, Quốc tế Cộng sản có một lưới tình báo tại mỗi nước. Các lưới này thu thập những tin túc về chính trị và kinh tế. Lí do chính phải tổ chức như vậy là vì thời kì đó Liên Xô chưa lập được quan hệ ngoại giao với các nước trong một giai đoạn khá dài. Như ta biết, thông thường tin tức được truyền theo con đường ngoại giao, mà Liên Xô chưa lập được. Không có đường truyền tin này cho nên phải dùng các đảng bộ quốc gia vậy.

Cơ quan tình báo thứ ba của Liên Xô là cơ quan NKVD phụ trách an ninh nội địa. Ban đầu cơ quan này chịu trách nhiệm phát hiện điệp viên nước ngoài hoạt động trên đất Liên Xô. Với thời gian, quyền hành của NKVD mở rộng ra. An ninh của người Liên Xô ở nước ngoài được trao cho nó, rồi thêm nhiệm vụ giám sát bọn Nga lưu vong đang tiếp tục phá hoại trên mọi lĩnh vực. Cuối cùng NKVD có cả chức năng đối nội và đối ngoại và hay cạnh tranh với cục Tình báo Hồng quân bằng cách cài người của mình vào cục này.

Sau Cách mạng Tháng Mười, các cơ quan sứ quán nước ngoài chứa nhiều ổ phản cách mạng.

Trong sứ quán Anh có một tay tình báo quậy phá tên là Lockart vẫn ôm mộng lật đổ chính phủ Xô viết. Tên Lockart này quan hệ với các phần tử cực đoan mang tham vọng lật đổ đảng Bolshevik. Berzin được tin bọn này đang tuyển mộ những quân nhân, để chuẩn bị đảo chính. Berzin tự đến gặp Lockart trình bày rằng ông đang chỉ huy một trung đoàn có ý định chạy sang hàng ngũ bên kia. Ông kể rằng trung đoàn của ông bất mãn với chế độ mới; quần chúng thì thất vọng do bị cách mạng lừa bịp; nước Nga đang lao xuống vực thẳm; rất cần những biện pháp tổng tẩy uế công cộng... Và Berzin yêu cầu Lockart giúp cho phuong tiện để tiến hành việc chặn tình hình đang chuyển biến rất xấu.

Lúc đầu Lockart còn hoài nghi, sau thì rơi vào bẫy. Từ từ hai bên thỏa thuận một kế hoạch nhằm đánh đuổi ê kíp cầm quyền ở Liên Xô. Kế hoạch với quy mô như thế cần phải có những phương tiện quan trọng: Tiền công trả cho binh lính tham gia vào chiến dịch này phải được ưu tiên hàng đầu với số lượng rất lớn. Berzin đề xuất Lockart ứng trước mười triệu ruble. Lockart trao ngay không chút do dự.

Hai bên tiến hành thực thi kế hoạch phản cách mạng. Cũng đơn giản nhưng cũng thật là triệt để: Bao vây trụ sở chính phủ, bắt giữ hết các thành viên chính phủ. Tính đến cả cách xử lý Lenin. Một linh mục đạo chính thống có tên tuổi đã đồng ý cho mượn nhà thờ của ông để tổ chức lễ an táng Lenin!

Berzin cất số tiền sứ quán Anh đưa cho. Đến ngày khởi sự, mọi hành động được thực hiện đúng với kế hoạch: Toán phiến loạn tập hợp trước trụ sở chính phủ, một trung đoàn Hồng quân tóm bọn đó. Lockart bị bắt và bị trục xuất... về Anh.

Đó là đòn lớn đầu tiên của Berzin. Sau đó ông tập trung sức lực vào việc tổ chức các cơ quan tình báo Xô viết. Vào tháng 12 năm 1936, khi Leopold tiếp kiến ông, Berzin đã trở thành nhà lãnh đạo đầy uy tín của Cục Tình báo Hồng quân.

Berzin được mọi người kính trọng; con người này không giống hình ảnh của một chuyên gia tình báo người máy. Ông đặc biệt quan tâm đến giá trị con người của những cán bộ được ông tuyển chọn và ông thường nói rằng: “Một cán bộ tình báo Xô viết phải có ba đức tính: Cái đầu lạnh, quả tim nóng, thần kinh bằng sắt”. Ngược với tập quán trong các cơ quan tình báo, không bao giờ ông để cán bộ của ông gặp khó khăn. Không bao giờ ông hi sinh cán bộ của ông. Đối với ông, điệp viên là con người, và trước hết, là cộng sản.

Giữa Berzin và cán bộ hoạt động ở nước ngoài, bao giờ cũng có quan hệ cá nhân. Chính vì thế mà ông lập được quan hệ vô cùng thân thiết với Richard Sorge, một trong những điệp viên xô viết vĩ đại nhất.

Sorge đã kể lại cho Leopold cuộc gặp đầu tiên của mình với Berzin. Anh kể khi Leopold gặp anh tại Brussels. Năm 1938 sau khi Leopold đến Bỉ.

Sorge là một chàng trai đại tài. Rất thông minh. Anh đã tham gia Đảng cộng sản Đức và sáng tác nhiều công trình về kinh tế. Khi anh đang công tác tại Trung Quốc năm 1933 thì anh được triệu tập về Moscow. Berzin tổ chức gặp anh tại một câu lạc bộ đánh cờ có rất nhiều người Đức đến chơi.

Theo Sorge kể lại thì Berzin đi thẳng vào chủ đề:

- Theo anh thì lúc này, nguy cơ lớn nhất đối với Liên Xô là gì?

- Dù có giả thuyết đối đầu với Nhật Bản - Sorge trả lời - Tôi vẫn tin rằng mối đe dọa thực sự là xuất phát từ nước Đức quốc xã. (Cuộc nói chuyện này xảy ra vài ngày sau khi Hitler tiếm quyền).

Berzin nói tiếp:

- Vậy chính vì lí do đó mà chúng tôi mời anh đến đây... Chúng tôi dự kiến anh sang công tác tại Nhật Bản.

- Tại sao lại là Nhật Bản?

- Bởi vì tại Tokyo trước triển vọng liên minh Nhật - Đức anh sẽ biết được nhiều về kế hoạch chuẩn bị quân sự...

Bắt đầu hiểu công tác mà Berzin yêu cầu mình, Sorge cắt lời Berzin:

- Sao tôi làm báo cơ mà!

- Anh không muốn làm điệp viên, nhưng sang Nhật Bản và trở thành điệp viên, nhưng anh có biết điệp viên là như thế nào không? Anh cho điệp viên là thế nào? Cái mà anh gọi là “điệp viên” đó là một người tìm kiếm tin tức giúp cho chính phủ nước mình khai thác những điểm yếu của kẻ thù. Người Xô viết chúng tôi không tìm kiếm chiến tranh, nhưng chúng tôi muốn biết kẻ thù sửa soạn cái gì, phát hiện ra những chỗ yếu của kẻ thù để không bị nó tấn công bất ngờ vào chúng ta... Mục tiêu của chúng ta là anh lập tại Nhật một nhóm quyết tâm tranh đấu cho hòa bình. Anh chuyên tâm tuyển chọn những nhân vật Nhật Bản cao cấp và anh cố hết sức ngăn không cho nước của họ bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh chống lại Liên Xô...

- Tôi sang đó dưới họ tên gì?

- Dưới họ tên thật của anh...

Sorge không có ý kiến khác. Những cán bộ giúp việc cho Berzin cùng dự cuộc gặp này không giấu nổi thắc mắc của họ:

- Nhưng cảnh sát chính trị Đức đã lên hồ sơ anh Sorge vì anh đã tham gia Đảng cộng sản Đức! Đúng sự kiện này không phải bây giờ (Sorge vào Đảng cộng sản Đức thời kì 1918-1919) nhưng bọn mật thám không để mất hồ sơ đó đâu...

- Tôi biết - Berzin đáp lại - Tôi biết rằng chúng ta liều lĩnh đấy nhưng tôi cho rằng đi bằng chính giầy của mình mới là vững nhất. Tôi biết rằng Gestapo vừa được hưởng thụ tàng thư của cảnh sát... Trước khi chúng lục ra được hồ sơ của Sorge thì nước đã cuộn chảy bao nhiêu rồi qua cầu Moscow! Và giả dụ Gestapo lục ra hồ sơ đó sớm hơn chúng ta giả định thì với thời gian mười lăm năm con người phải có thay đổi về quan điểm chính trị đi chứ!

Berzin quay về phía cán bộ phụ trách địa bàn nước Đức và yêu cầu:

- Anh hãy thu xếp để Sorge vào làm phóng viên của báo Frankfurter Zeitung ( một tờ nhật báo nổi tiếng).

Ông quay về phía Sorge:

- Anh thấy không, làm như vậy, anh cảm thấy thoải mái và không có cảm tưởng là phải đóng vai gián điệp nhé.

Berzin đã sáng lập ra nguyên tắc quý báu là vỏ bọc của một cán bộ tình báo không đơn thuần chỉ là cái bề ngoài và điều ông dự kiến đã đến: Sorge được chính thức tuyển dụng làm phóng viên tờ Frankfurter Zeitung. Các bài viết của anh được chính giới Nhật Bản coi trọng cho nên đã mở cho anh bước vào những cánh cửa khó vào nhất: Anh đã làm quen lần lượt đại sứ Đức tại Tokyo đến tùy viên quân sự. Cuối cùng anh được họ coi như “người nhà”. Những tin tức bí mật nhất mà Berlin thông báo cho đại sứ của họ tại Tokyo đều lọt vào tay của Sorge.

Hai hoặc ba năm trước khi chiến tranh nổ ra, Berlin cử một phái viên Gestapo sang Tokyo kiểm tra và giám sát nhân viên sứ quán Đức. Sorge đã nhanh chóng làm thân với tên này. Rồi đến ngày xảy ra điều những phụ tá của Becclin lo ngại. Tên đại diện Gestapo tại Tokyo nhận được thông báo từ Berlin về hồ sơ của Sorge nêu ra những tiền sự của anh là cộng sản...

- Thời đó anh cũng làm duyên làm dáng đấy nhỉ - Tên Gestapo hỏi Sorge.

Nhớ lại lời dặn của Berzin, anh trả lời:

- À, phải, đó là một lỗi lầm của tuổi trẻ, cũng đã quá lâu rồi!

Và Sorge đùa dai thêm nữa bằng cách vài tháng sau xin gia nhập đảng quốc xã! Trò chơi của anh cao tay đến nỗi khi anh bị Nhật Bản phát hiện, đại sứ Đức ở Tokyo chính thức phản đối việc bắt giữ một trong những “Cộng tác viên giỏi nhất” của sứ quán.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM