Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:29:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường đời  (Đọc 56579 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #90 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:33:14 am »

NIỀM TỰ HÀO VỀ BA(*)

Các con
Mai Sơn Thủy
Mai Ngọc Dung

Hôm nay, má và các con tổ chức mừng thượng thọ 80 tuổi cho ba Mai Văn Phúc, tự Mai Đăng Do.

Được các ông bà, các cô chú, các cậu mợ, các anh chị đến dự chúc thọ ba Phúc và chung vui niềm hạnh phúc này với gia đình chúng tôi, xin đại diện cho má Sửu và các anh chị em chân thành cảm ơn sự hiện diện của quý khách.

Thưa các ông bà, các cô chú và hai bên nội ngoại.

Khi lớn lên đi học chúng con mới biết là ba, má sinh ra mình là người miền Nam. Mình được sinh ra trên đất Bắc là nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, miền Nam còn bị kẻ thù xâm lược, ba và má tập kết ra Bác, bốn chị em: Dung, Hạnh, Thủy, Hùng được sinh ra giữa lòng Thủ đô Hà Nội trong tình yêu thương của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chúng con lớn lên trong vòng tay của ba, má, thường xuyên được sự chăm sóc, dạy bảo của các thầy cô trong các trường, cả trường trong nước và trường lưu trú trên đất Quế Lâm, Trung Quốc.

Khi ở nhà, thấy má Sửu vừa công tác xã hội với khí thế: “Phụ nữ ba đảm đang” rất vất vả, vừa chăm sóc nuôi dạy các con từ miếng ăn, giấc ngủ và từng bước đi với tình mẹ bao lạ.

Vào trường thấy các bạn đi học có cha, hoặc mẹ đưa đón, còn mình chỉ có mẹ và chị đưa đến trường. Hỏi má mới biết ba cùng các chú về Nam chiến đấu giải phóng quê hương.

Nghe các cô chú nói Mĩ giàu, quân đông, nhiều súng đạn và tàn ác. Chiến tranh ở miền nam ác liệt lắm, người ra trận mấy ai đã về.

Mấy chị em con lo mất ba nên buồn lắm. Vừa lo, buồn, vừa mong có ngày ba về, cứ thế hết năm này sang năm khác, nhất là mỗi khi Tết đến.

Thế rồi nhờ chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam được giải phóng, cả nhà vui lắm. Miền Nam và cả quê nội được giải phóng, ba về, cả nhà mừng vui khôn xiết, đúng là niềm vui cười ra nước mắt. Thế là từ nay má Sửu không còn phải “Ngày Bắc đêm Nam” nữa. Suốt hơn 10 năm trời ba đi chiến đấu, má Sửu ban ngày lo công tác, lo nuôi con và lo cả an toàn cho con nữa vì chiến tranh đã lan ra cả nước. Đêm về, má lo mẹ già ở vùng địch chiếm đóng và chồng ở ngoài mặt trận, lỡ có việc chi thì vợ chưa biết quê chồng, các con chưa biết quê cha.

Còn chi em con mừng vì từ nay có ba từ chiến trường trở về; Hạnh và Thủy đi lưu học ở Quế Lâm, Trung Quốc lúc chiến tranh lan ra miền Bắc ác liệt, nay cũng đã về, gia đình được đoàn tụ.

Sau ngày nước nhà thống nhất, gia đình được chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những địa bàn mà ba đã tham gia đánh Mĩ. Lúc mới từ Hà Nội vào, gia đình ở nhà C23 cư xã Lam Sơn, quận Gò Vấp. Năm 1976, gia đình có thêm Mai Liên Hương, ba má gọi là Út Sài Gòn.

Chị em lại được tiếp tục đi học.

Chị Dung ở lại học Đại học Ngoại thương Hà Nội, tốt nghiệp mới về. Còn mấy chị em con vào học các trường ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Ra trường chúng con đều có việc làm ổn định.

Đến tuổi trưởng thành, ba má tác hợp gia đình theo nguyện vọng của các con. Đến nay 5 người con của ba má đều có gia thất và có được 6 cháu. Các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, có hiếu với ông bà, cha mẹ.

Ba má hiện đang sống với ba thế hệ, rất vui và hạnh phúc của tổi già. Ba rất tự hào, cụ nói:

            Ra đi chỉ có một rồi hai
            Nay thì có cả gia tài cháu con
            Giàu về đông con cháu
            Hạnh phúc gia đình trọng vẹn
            Mừng vui và được thọ đến 80
            Còn gì bằng của đời binh nghiệp

Những lời ba con cũng là lời kết.

Chú thích
(*) Một vài suy cảm trong lễ mừng thọ ba Phúc tròn 80 tuổi (25-12-1927 - 25-12-2007).
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #91 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:34:44 am »

ANH NĂM LÀ NHƯ THẾ

            Người con của Ngũ Hành Sơn
            Với nước non - dạ sắt lòng son một đời
            Ra đi từ thuở đôi mươi
            Tôi trong lửa đạn vàng mười càng trong
            Cuộc đời cây bách, cây tùng
            Ở đâu cũng vững, cùng vùng đứng lên
            Ngọn cờ vẫy gọi niềm tin
            Ngôi sao tỏa sáng lung linh giữa trời.
            Lòng nhân sưởi ấm tình người
            Bao dung vá lại tả tơi thành lành
            Là con của núi Ngũ Hành
            Là vị tướng giỏi xứng danh anh hùng,
            Anh là một tấm gương trong
            Mai sau QUẢ PHÚC - nhân trồng hôm nay.

Ngày 1 tháng 11 năm 2009
Đại tá Trần Tịnh
(Nguyên Tham mưu trưởng Cục Hậu cần Quân khu 7)


HÌNH ẢNH CUỘC ĐỜI

            Nhớ thời ở đợ chăn trâu
            Áo không đủ mặc, lấy đâu học hành
            Quê ảnh đất Quảng khô hanh
            Giữa thời loạn lạc chiến tranh khắp vùng
            Dân làng cơ cực vô cùng
            Anh nuôi ý chí ra vùng chiến khu
            Chim non tung cánh trời thu
            Bước đường binh nghiệp diệt thù giữ quê
            Bể dâu chìm nổi không nề
            Vàng thau thử lửa lời thề khắc tâm
            Trải qua nắng rát mưa dầm
            Đói cơm bệnh tật thăng trầm vượt lên
            Ơn ai gặp được bạn hiền
            Nàng Kiều Quảng Ngãi như tiên giáng trần
            Mối tình ấm ánh nắng xuân
            Trải qua mưa nắng vững tần số yêu
            Duyên tơ quấn quýt sớm chiều
            Tình nồng, nghiệp thắm dệt nhiều ước mong
            Cả đời mẫn cán sáng trong
            Tướng - dân vẫn giữ gia phong nếp nhà
            Tám mươi xuân sắc gấm hoa
            Gia đình - xã hội đậm đà nghĩa nhân.

Ngày 7 tháng 7 năm 2007
Phạm Hồng Soang

CHÂN DUNG VỊ TƯỚNG

            Ngày vàng tuổi hạc vẫn còn xuân
            Quá nửa đời người trọn việc quân
            Tuổi trẻ xông pha nơi trận mạc
            Về già tận tụy giúp an dân.

            Phu thê vẫn ngọt tình đằm thắm
            Phụ tử mặn nồng dậm nghĩa nhân
            Xử thế giúp đời khi gặp nạn
            Hương lòng phơi phới động hồn xuân!

Phạm Hồng Soang
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #92 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:36:50 am »

MỘT NGƯỜI KÌ LẠ

            Lạ lắm người ơi!
            Người ở nơi eo xèo dậy sóng
            Sơn hào phỏng có một không hai?
            Đời đói nghèo đâu được học đến nơi
            Mà tài giỏi thông minh đến thế
            Tháo vát lái chèo vượt qua dâu bể
            Vượt lên hết thảy sáng trời tương lai.
            Lạ lắm người ơi!
            Vườn nhà cây lá, dân dã thôn quê
            Mà sao ai cũng mến thương theo về.
            Lạ lắm người ơi!
            Hiến cho tất tật không còn gì đâu
            Tưởng là hết sạch - mòn mỏi tiêu hao
            Mà lại giàu lên sum vầy - sung túc
            Ơn đền nghĩa trả gió ngàn xôn xao!
            Lạ thay ai biết chăng là?
            “Thiện căn ở tại lòng ta
            Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”(1).
            Cái tâm sinh nở cái tài
            Cái tâm càng lớn cái tài càng cao
            Nước non sông biển dạt dào
            Tâm tình lai láng ngọt ngào người ơi
            Ngàn năm còn mãi đất trời
            Ngàn năm còn mãi với đời chữ tâm.

Trương Quang Sinh
(Cựu chiến binh Tăng - Thiết giáp)

Chú thích
(1) Truyện Kiều của Nguyễn Du

ANH NĂM

            Anh là Tướng của tình thương
            Anh là Tướng của chiến trường xông pha
            Tri âm tri kỉ mặn mà
            Đồng cam cộng khổ ruột rà có nhau

Trương Quang Sinh

TÌNH ANH

            Tình anh tha thiết mặn mà
            Hết lòng vì bạn như ta với mình
            Trọn tình người sống đã đành
            Với người đã khuất chung tình yêu thương(1)

            Bàn thờ nghi ngút khói hương
            Anh gọi tên bạn lòng thương tràn đầy
            Nhân ngày truyền thống hôm nay
            Gặp nhau nhớ bạn anh đây chưa về

            Đường xa chẳng ngại chẳng nề
            Thắp hương trò chuyện sớm khuya tâm tình
            Khói hương ấm áp vong linh
            Tình anh son sắt cựu binh sáng ngời

Trương Quang Sinh

Chú thích
(1) Nhân dịp ra Hà Nội dự lễ kỉ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội tăng - thiết giáp, Thiếu tướng Mai Văn Phúc đã hai lần đến nhà riêng con trai liệt sĩ Lâm Kim Chung để thắp hương cho bạn.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Năm, 2014, 10:42:33 am gửi bởi anhquaynop » Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #93 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:40:31 am »

ANH NĂM

            Anh Chính ủy Đoàn Đặc công Cơ giới,
            Thường gọi thân tình hai tiếng: Anh Năm
            Anh người con quê đất Quảng Nam,
            Đi đánh Mĩ khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ.

            Là Chính ủy, là kĩ sư tâm hồn, là người anh đức độ,
            Chiến thắng anh nở nụ cười hăm hở hân hoan,
            Nhưng lỡ thua, buồn day dứt tâm càn.
            Vẫn nhẹ nhàng động viên từng người một.

            Đánh thằng giặc quả là chuyện khó,
            Đâu dễ gì theo ý chủ quan,
            Việc thắng thua dân chủ luận bàn,
            Rút kinh nghiệm để trận sau thắng lớn.

            Chiến dịch Đồng Xoài, Tết Mậu Thân hồi đó,
            Tiếp sau là những trận thắng lẫy lừng
            Technique, Đồng Dù, Dầu Tiếng, Núi Bà Đèn, Trảng Lớn, Cà Tum…
            Lừng lẫy một thời góp công góp sức.

            Sinh hoạt bình thường anh là người mẫu mực,
            Vẫn cơm đùm, bi đông nước thắt lưng,
            Có khi rau rừng là cơm bữa lúc hành quân,
            Hoặc vài trái gùi(1) thay cơm lót dạ.

                                       *

            Tôi viết bài thơ ngợi ca người anh cả,
            Oanh liệt một thời đánh Mĩ ở miền Đông.

Đào Tấn Thanh
(Cán bộ Tuyên huấn đoàn 429)

Chú thích
(1) Thứ quả có nhiều ở miền Đông Nam Bộ, khi chín, trái có vỏ màu xanh, ruột đỏ giống như quả chay ngoài Bắc. Quả có vị chua, ngọt, ăn ngon. Những năm tháng chiến đấu, lúc thiếu lương thực, bộ đội dùng ăn thay cơm.

MỪNG THỌ ANH NĂM

            Mừng thọ anh Năm tám mươi xuân
            Một thời binh nghiệp đẹp tuyệt trần
            Treo tấm gương trong soi hậu thế
            Trọn đời hiếu thảo phụng tiên nhân
            Tận tụy vì dân, vàng khó sánh
            Trung thành với Đảng, giá nào cân
            Văn võ song toàn lừng danh tướng
            Vinh quang Phúc Sửu tỏa hồng Tâm.

Lê Thấu - Thanh Ti

MỘT VỊ TƯỚNG

            Gần sáu chục năm việc nước, dân
            Trung hiếu vẹn toàn đạo tướng quân
            Cánh hạc ung dung tròn tám chục
            Gương sáng, cháu con sống nghĩa nhân.

Ngày 25 tháng 12 năm 2007
Bùi Và

KÍNH TẶNG BÁC MAI VĂN PHÚC

            Trọn tám mươi xuân thỏa vẫy vùng
            Chí trai chẳng thẹn với non sông
            Gần xa quyến luyến gương nhân ái
            Nguyên trái tim hồng vẹn chữ trung.

Phạm Chí Dũng
(Khu phố 8 phường 13)

MỪNG BÁC TUỔI 80

            Mừng thọ ông Phúc bát thập xuân
            Vui xuân con cháu khắp xa gần
            Mừng xuân, mừng thọ; mừng vui nhất
            Ấm hạnh toàn gia đẹp muôn xuân.

Cháu Dương Ngọc Khoái
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #94 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:44:58 am »

ANH CẢ

            Anh cả nay đã ngoại tám mươi
            Đồng đội trước sau chín vẹn mười
            Kẻ mất người còn lo trọn vẹn
            Thử hỏi xưa nay được mấy người.

            Dễ gi vang tiếng khắp nơi nơi
            Đạo lí sinh ra sống ở đời
            Có phúc có phần thiên đã định
            Xứng danh Anh cả của chúng tôi.

            Binh chủng vừa tròn tuổi năm mươi
            Anh em sau trước dưới cờ tươi
            Chung sức chung lòng chung tay dựng
            Anh hùng binh chủng thép vàng mười

Phạm Thừa

TỰ NHỦ

            Tám mươi tuổi hạc mắt còn tinh
            Cười nói yêu đời trí óc minh
            Tóc bạc không ngăn dòng nhiệt huyết
            Da mồi chẳng cản trí bình sinh
\            Yoga tập luyện luôn hăng hái
            Thơ phúc ngân nga vẫn nhiệt tình
            Nhà cửa ấm êm con cháu thảo
            Ơn trời giữ được mãi khang ninh.

Trần Văn Đình
(568 đường 3/2 P.14, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh)

THƠ TẶNG ÔNG BÀ

            Ông Bà là gương soi sáng cho cha
            Là nắng dịu hiền chiếu sáng đời con
            Mai này khi con lớn khôn
            Thi con vẫn nhớ mãi ông bà.

Kỉ niệm 50 năm ngày cưới Ông Bà nội
(20-2-1955 - 20-2-2005)
Mai Thanh Hải, lớp 4

HẬU THẾ LƯU DANH

            Cuộc đời oanh liệt dễ mấy ai
            Hùng anh trỉa bước chặng đường dài
            Ung dung tự tại nơi đầu súng
            Chính sử lưu danh vị tướng tài.

            Tuổi nhỏ mưu sinh đất Quảng Nam
            Hà vi cơ cực chốn lầm than
            Ơn cha nghĩa mẹ ông mang nặng
            Trung hiếu non sông gánh một đàng.

            Ứng thí tòng chinh thỏa chí trai
            Ơn Đảng, ông mang mãi không phai
            Nhọc chí trui rèn nơi đất khách
            Gian nan khổ luyện quyết thành tài.

            Mong ước ngày sau sáng đẹp hơn
            Anh hùng đau đáu nỗi quê hương
            Lưu mãi trong tim lời Bác dạy
            Vì nước vì dân quyết không quên!

            Ăn, mặc ông đều giản dị sao
            Nhà cửa đơn sơ rất thanh cao
            Phúc ấy cho dân, cho đất nước
            Hậu thế lưu truyền mãi mãi sau

            Ước sao ông sống lâu năm tuổi
            Chứng kiến quê hương mãi đẹp giàu.

Đặng Quốc Toàn
(Nhân được đọc cuốn hồi kí ông tặng ba má con)
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #95 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:46:32 am »

TÓM TẮT TIỂU SỬ THIẾU TƯỚNG MAI VĂN PHÚC

Thiếu tướng Mai Văn Phúc - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 7, sinh ngày 25 tháng 12 năm 1927 tại làng Khuê Bắc, thôn Sơn Thủy, xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng).

Quá trình hoạt động cách mạng:

- Từ tháng 10-1945 đến tháng 1-1947: Vào Đội tự vệ chiến đấu của xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam; chiến sĩ của Đại đội 9, Tiểu đoàn 102, Mặt trận Non Nước.

- Từ tháng 2-1947 đến tháng 5-1954: Tiểu đội trưởng, Trung đội phó, Trung đội trưởng, Đại đội phó trinh sát Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 803, Liên khu 5; Chi ủy viên.

- Từ tháng 6-1954 đến tháng 9-1954: Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 803, Liên khu 5; Đảng ủy viên Tiểu đoàn.

 - Từ tháng 10-1954 đến tháng 5-1955: Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng Trung đoàn 93, Quân khu 5 tập kết ra Bắc; Đảng ủy viên Tiểu đoàn, Phó Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn.

- Tháng 6-1955 đến tháng 8-1959: Học viên Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng; Học viên Trường Sĩ quan Xe tăng số 1 Bắc Kinh; Đại ủy, Chi ủy viên.

- Tháng 9-1959 đến tháng 10-1963: Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Xe tăng 202 - Trưởng đoàn đưa xe tăng sang chi viện cho nước bạn Lào; Đại úy, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn, Đảng ủy viên Trung đoàn.

- Tháng 11-1963 đến tháng 7-1964: Tập trung huấn luyện tại Lữ đoàn 338 (Thọ Xuân, Thanh Hóa); hành quân bộ vào chiến trường miền Đông Nam Bộ.

- Tháng 8-1964 đến tháng 4-1967: Trợ lí Phòng Quân báo Miền; Trưởng phòng J16 Cơ giới Miền; Thiếu tá, Đảng ủy viên Cục Tham mưu Miền, Bí thư Đảng ủy Phòng.

- Tháng 5-1967 đến tháng 1-1969: Chính ủy Phòng Đặc công Cơ giới Miền; Trung tá, Đảngu ỷ viên Cục Tham mưu, Bí thư Đảng ủy Phòng.

- Tháng 2-1969 đến tháng 7 năm 1971: Phó Chính ủy Đoàn Đặc công 429 miền Đông Nam Bộ; Trung tá, Phó Bí thư Đảng ủy.

- Tháng 8-1971 đến tháng 6-1972: Phó Chính ủy, Quyền Chính ủy Đoàn pháo binh 75 (Đoàn pháo binh Biên Hòa); Trung tá, Bí thư Đảng ủy.

- Tháng 7-1972 đến tháng 12-1973: Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn Xe tăng 26 Miền; Trung tá, Bí thư Đảng ủy.

- Tháng 1-1974 đến tháng 3-1975: Học viên Học viện Quân sự, Thượng tá.

- Tháng 3-1975 đến tháng 8-1976: Tư lệnh Xe tăng Miền tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh hướng Xuân Lộc; Thượng tá, Phó Bí thư Đảng ủy.

- Tháng 6-1977 đến tháng tháng 7-1980: Cục phó, Quyền Cục trưởng Cục Quản lí Xe máy - Bộ Quốc phòng; Cục trưởng Cục Quản lí - Bảo đảm kĩ thuật xe tăng, Tổng cục Kĩ thuật; Thượng tá, Đại tá, Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy Cục.

 - Tháng 8-1980 đến tháng 7-1982: Tư lệnh Binh đoàn 23 tham gia chuyên canh cao su ở Phú Riềng.

 - Tháng 8-1982 đến tháng 9-1985: Cục trưởng Cục Kĩ thuật Quân khu 7; Tập huấn tại Học viện Malinốpxki - Liên Xô; Đại tá, Bí thư Đảng ủy Cục.

- Tháng 10-1985 đến tháng 7-1990: Phó Tư lệnh Quân khu 7; kiêm Cục trưởng Cục Kĩ thuật Quân khu 7; Đại tá, Thiếu tướng, Đảng ủy viên Quân khu, Phó Bí thư Đảng ủy Cục.

- Tháng 8-1990 đến tháng 9-1995:Phó Tư lệnh Quân khu 7 phụ trách Kinh tế và Đối ngoại quân sự; Thiếu tướng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #96 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:47:05 am »

PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

1 Huân chương Độc Lập hạng Hai

1 Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba

1 Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng Nhất

2 Huân chương Quân công hạng Hai

2 Huân chương Chiến công hạng Hai

2 Huân chương Chiến công hạng Ba

1 Huy chương Quân kì Quyết thắng

3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba

3 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba

3 lần Dũng sĩ diệt Mĩ

Huy hiệu 40, 50, 60 năm tuổi Đảng

Nhiều Bằng khen và Kỉ niệm chương khác.

- 3 Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về có công hoạt động đồng hương và tham gia đóng góp vào các công trình của Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

1 Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

2 lần được Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương “Gương người tốt việc tốt” cấp thành phố.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #97 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:47:40 am »

LỜI CUỐI SÁCH

Khi cuốn hồi ức Những chặng đường đời vừa ra mắt bạn đọc do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2010 thì tôi có may mắn được tham gia chương trình “Thăng Long Hồn thiêng sông núi”.. Đây là cuộc hành quân của 1.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động và tướng lĩnh của cả nước về Hà Nội dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chuyến đi có nhiều ý nghĩa, gây cho tôi những xúc động mạnh nên không thể không viết thêm mấy trang. Vả lại. sau khi sách xuất bản một thời gian, nhiều bạn bè, đồng chí đồng đội và bạn đọc yêu mến đã gửi thêm bài viết, hình ảnh và bổ sung những chi tiết mà tôi nhớ chưa chính xác. Được sự giúp đỡ của Đại tá, PGS.TS. Hồ Sơn Đài, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Môi trường Quân khu 7, tôi đã chỉnh sửa, bổ sung đôi bài viết và ảnh tư liệu, sinh hoạt của bản thân, gia đình và đồng đội để gửi xuất bản tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

Thời gian tựa cánh chim câu, ngoảnh lại, tôi đã có 14 năm về nghỉ, không vướng bận việc quân. Khoảng thời gian ấy, tôi đã làm được khá nhiều việc. Đối với dòng họ, việc có ý nghĩa trước hết là hoàn chỉnh cuốn Gia phả dòng họ Mai Đăng mà chú Ba Ấm để lại. Cùng với anh em quy tụ, xây mộ phần tổ tiên từ Hòa Hải về nghĩa trang mới Hòa Sơn. Với trách nhiệm của mình, tôi kêu gọi anh em, con cháu, chắt, góp công, góp của xây dựng nhà thờ cụ cố Mai Đăng Hậu tại quê hương phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Công trình khang trang, bền đẹp tương xứng với sự phát triển của dòng họ Mai Đăng Tân Lưu - Hòa Hải - Quận Ngũ Hành Sơn.

Với đồng chí, đồng đội, tôi đã cùng anh em thành lập Ban liên lạc bạn chiến đấu Bộ đội xe tăng miền Đông Nam Bộ, Bộ đội Đặc công 429, Bộ đội Đoàn Pháo binh Biên Hòa tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo nguyện vọng của đồng chí đồng đội, nhiều năm qua, tôi cùng một số anh em triển khai làm thủ tục báo cáo với lãnh đạo và cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh xin đất dựng bia tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ Bộ đội Tăng - Thiết giáp, Bộ đội Đặc công, Bộ đội Pháo binh đã hi sinh trên chiến trường Đông Nam Bộ. Hiện nay, anh em chúng tôi đang tập hợp, hoàn chỉnh tư liệu, làm nốt các việc còn lại để công trình có ý nghĩa này sớm hoàn thành.

Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng nhiều năm qua tôi cùng một số anh em về lại chiến trường xưa để tìm phần mộ, hài cốt những đồng chí đã hi sinh. Điều tôi chưa yên lòng là đến nay vẫn còn 358 liệt sĩ Tăng - Thiết giáp Đông Nam Bộ và hàng trăm liệt sĩ Bộ đội Đặc công Đoàn 429 chưa tìm được phần mộ.

Tôi bày tỏ ở đây lòng biết ơn sâu sắc đến Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Mền, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách, cảm ơn các đồng chí, đồng đội đã động viên, giúp đỡ tôi về tinh thần cũng như vật chất để cuốn Những chặng đường đời được xuất bản.

TP. Hồ Chí Minh, Xuân Quý Tị

MAI VĂN PHÚC
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM