Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:05:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường đời  (Đọc 56575 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #80 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2014, 07:41:10 am »

ĐÁM CƯỚI VÀNG CỦA TƯỚNG VỀ HƯU

Nhà báo Trần Triều

Trong đám cưới vàng 50 năm của Thiếu tướng Mai Văn Phúc - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 7 và vợ ông - bà Trần Kiều Sửu (nhà số 579 Sư Vạn Hạnh, phường 13, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh), vị tướng chỉ huy xe tăng nổi tiếng một thời, rưng rưng nói: “Kỉ niệm 50 năm ngày cưới là kỉ niệm 50 năm thử thách, rèn luyện và trưởng thành của tình chồng nghĩa vợ xa cách, kẻ Bắc người Nam biền biệt. Chồng ở chiến trường, vợ ở hậu phương vừa gánh vác gia đình vừa phục vụ xã hội, xứng với danh hiệu “Phụ nữ ba đảm đang” đã được nhận”. Với nhiều đồng đội, bạn bè, người thân, ông bà vẫn được nhắc đến như một hình mẫu về sự thủ chung son sắt.

PV: Thưa Thiếu tướng, được biết ông bà gặp nhau trong hoàn cảnh khá đặc biệt?

Ông Mai Văn Phúc: Tôi quê ở Quảng Nam, thoát li gia đình từ Cách mạng Tháng Tám. Năm 1955, đã gần 30 tuổi nhưng tôi vẫn độc thân. Trong một đợt hành quân, tôi thầm để ý cô con gái 18 tuổi trong nhà dân mà tôi đang trú ngụ ở Quảng Ngãi. Biết phận mình thuộc hàng “quá lứa”, lại học vấn thấp, tôi không dám mở lời mà phải nhờ đồng đội giúp làm cầu nối.

Bà Trần Kiều Sửu: Lần đầu gặp, tôi nhận thấy ở ông ấy sự ham học hỏi, cầu tiến và phong cách rất “lính Cụ Hồ”. Vì vậy, tôi thầm cảm ơn ông trời đã để một anh lính như thế trong nhà mình.

* Cuộc hôn nhân bắt đầu cũng đồng nghĩa với một quá trình gian truân và xa cách của ông bà?

Ông Mai Văn Phúc: Cưới nhau được ba ngày, tôi đã phải đi Tam Quan (Bình Định) nhận nhiệm vụ. Cuối năm ấy chúng tôi tập kết ra Bắc. Năm 1964, tôi lại vào miền Nam chiến đấu, để lại Hà Nội người vợ đang mang thai cùng ba đứa con thơ. Nam, Bắc cách trở, tôi như cháy ruột cháy gan khi không có cách nào liên lạc được với vợ con, dù chỉ một lá thư.

Bà Trần Kiều Sửu: Sinh đứa thứ tư xong một tháng, tôi tiếp tục đi làm. Tôi không thể quên được tình cảnh lúc đó, con chưa có đứa nào lớn, tôi phải dùng xe đẩy để đưa một lúc bốn đứa lên trường học ở phố Hàng Gai, chiều lại đẩy cả bốn về phố Quan Thánh.

Thời gian ấy, những người lính đi B (vào miền Nam chiến đấu) hi sinh nhiều, mẹ con tôi cũng hoang mang, Tôi không biết chồng mình thế nào, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ở hậu phương, để nếu có ngày gặp lại sẽ được vẹn toàn bên nhau.

Ông Mai Văn Phúc: Năm 1973, tôi được cử đi học ở Học viện Quân sự Hà Nội. Khó mà diễn tả hết được cảm xúc giữa vợ - chồng, cha - con ngày gặp lại nhau. Tôi biết vợ mình là người thật tuyệt vời khi một tay chu toàn trăm công nghìn việc, lại một lòng chung thủy chờ đến ngày chồng trở về. Đó là phần thưởng ý nghĩa nhất đối với những người lính chúng tôi. Sau đó, tôi lại vào Nam chiến đấu cho đến ngày đất nước giải phóng, gia đình mới thực sự đoàn tụ.

* Lập được nhiều chiến công vang dội, bạn bè nể phục, nhưng ông ít nói về mình, mà lại kể rất nhiều về vợ?

Ông Mai Văn Phúc; Với tôi, nếu không có bà ấy, dù tôi có lập chiến công hiển hách đến mấy thì cũng như “hoa nở trên non” mà thôi. Chính chiến công ở hậu phương của vợ tôi đã làm nền tảng vững chắc cho những chiến công của tôi ở tiền tuyến.

* Ông bà có thể chia sẻ phương pháp nuôi dạy con cái?

Bà Trần Kiều Sửu: Chống tôi là một người nhà binh, nhưng lại khá hiền và thoải mái khi ở nhà. Vì vậy, ông ấy rất gần gũi với con cái và thể hiện nhiều cử chỉ yêu thương. Tôi lại khác. Nghiêm khắc đúng lúc để đưa các con vào nền nếp. Hiện năm người con đều tốt nghiệp đại học, có đứa lập gia đình và chúng tôi cũng đã có cháu.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #81 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2014, 07:42:36 am »

CÒN SỨC CÒN CỐNG HIẾN

Phạm Trí Dũng
(Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường 13, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh)

Đã ngoài 80 tuổi, tuy sức khỏe đã giảm, nhưng đối với mọi công việc xây dựng khu dân cư văn hóa tại địa phương, bác vẫn hết lòng tận tụy. Việc gì đã nhận, bác đều làm đến nơi đến chốn.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Nam - địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng. Từ một cậu bé ở đợ chăn trâu không được học hành, bác sớm được giác ngộ và đi theo cách mạng từ năm 18 tuổi. Trải qua những năm tháng được tôi luyện trong quân ngũ, đi khắp mọi miền của Tổ quốc, tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận, với nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy khác nhau, bác đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Với quân hàm cấp tướng khi nghỉ hưu, bác vẫn nhiệt tình hăng hái tham gia công tác của Đảng, Đoàn thể: Tổ trưởng Đảng, Phân hội trưởng Cựu chiến binh, Chi hội trưởng người cao tuổi. Bác làm nhiều việc có ích xây dựng địa bàn dân cư, góp phân tích cực vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.

Hằng năm bác đều trích 500.000 đồng, từ tiền trợ cấp thương binh của mình để tặng cho quỹ học bổng “Nguyễn Hữu Thọ”. Khi các đoàn thể có khó khăn về kinh phí hoạt động, bác đều sẵn sàng hỗ trợ từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Trong các cuộc vận động quỹ từ thiện do Mặt trận Tổ quốc phát động, hoặc ủng hộ đồng bào thiên tai lũ lụt, bác đã đóng góp hàng triệu đồng, mua công trái 5.000.000 đồng, bác luôn hăng hái đi đầu và vận động bà con trong tổ dân phố cùng hưởng ứng.

Với đức độ và uy tín của mình, bác đã hòa giải thành công nhiều vụ xích mích trong khu dân cư.

Đối với gia đình, bác luôn là tấm gương về lối sống trong sáng, giản dị cho con cháu noi theo. Cuộc sống gia đình luôn hạnh phúc, hòa thuận, các con trai, con gái bác đều là đảng viên, học hành và công tác thành đạt.

Từ năm 2002 đến 2007, gia đình bác luôn được suy tôn là “Gia đình cách mạng gương mẫu”, “Gia đình văn hóa tiêu biểu” cấp phường và cấp quận. Hằng năm bác luôn đạt danh hiệu “Đảng viên xuất sắc”. Năm 2007, bác cũng được bình chọn danh hiệu “Người tốt việc tốt” cấp quận.

Bác vui vẻ tâm sự: “Còn sức khỏe ngày nào thì ráng đóng góp ngày ấy”. Đó chính là bác Mai Văn Phúc ở số nhà 579 Sư Vạn Hạnh, tổ dân phố 99, khu phố 8, phường 13, quận 10. Tấm gương của bác được đảng viên và nhân dân trong khu phố học tập, yêu mến, kính trọng.

CHÚC THỌ BÁC PHÚC TRÒN TUỔI 80

Phạm Hồng Soang

Biết bác từ thời quân ngũ, nhưng hiểu thấu đáo khi gia đình chuyển về sinh sống ở khu phố 8, phường 13, quận 10. Tên bác thường gọi là Mai Văn Phúc mà hai cụ đặt cho như một tiền định gắn liền với cuộc đời vậy! Bác sống nhân hậu, mộc mạc, chất phác, thật giản dị nhưng cũng không mất đi nét chững chạc của một vị tướng về hưu.

Bác thường nhắc tới lời khuyên của các cụ tiền bối: “Của ăn là của hết, của cho là của để dành”.

Ngay khi còn làm việc cũng như lúc nghỉ về địa phương, bác đều quan tâm đến mọi người. Chi tiêu tiết kiệm, dành tiền giúp người nghèo ở quê Quảng Nam - Đà Nẵng và giúp các phong trào trên địa bàn khu phố. Tình nghĩa vợ chồng, tình cảm chòm xóm, cha con, cháu chắt thật đầm ấm. Bác là tấm gương cho đồng đội, cấp dưới, con cháu ngưỡng mộ, học tập và làm theo.

Xin tặng đôi câu thơ:

         Bát thập niên sinh, hiếu nghĩa tròn
      Một đời thanh bạch tấm lòng son
      Nghiệp binh chói lọi quân hàm tướng
      Tuổi hạc an lành bên cháu con
      Lo về hậu thế ghi gia phả
      Nghĩ tới tương lai giúp nước non
      Bách niên giai lão mong vươn tới
      Phúc lộc trăm năm vẫn mãi còn!

               Ngày 25 tháng 12 năm 2007
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #82 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2014, 07:44:25 am »

ĐẸP LẮM MỘT BINH ĐOÀN

TS. Nguyễn Hồng Phú
(Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ti cao su Phú Riềng – Nguyên Giám đốc Công ti cao su Phú Riềng.)

Những ngày này, ai có dịp đi qua những ngọn đồi cao ven con đường 14 vượt Nghĩa Trung qua Minh Hưng đến Thọ Sơn giáp Tây Nguyên hùng vĩ, hoặc qua con đường về Bù Nho, Đa Kia, Long Hưng, Phước Bình sẽ dễ dàng nhìn thấy một màu xanh cao su trùng trung điệp điệp. đó là 20.000 hécta cao su của Côn ti cao su Phú Riềng, một công ti được thành lập ngày 6-9-1978. Để có được một vườn cao su xanh ngát ấm no ấy là cả một quá trình phấn đấu lao động qua bao gian khổ nhọc nhắn của lớp lớp công nhân, với sự tăng viện có ý nghĩa quyết định của đơn vị quân đội Binh đoàn 23 - một lực lượng tinh nhuệ không lùi bước trước khó khăn, đã góp phần tích cực tạo dựng những làng công nhân và những vườn cao su xanh tốt.

Binh đoàn 23 trực thuộc Quân khu 7 được thành lập ngày 8-12-1980, trên cơ sở sáp nhập các đơn vị: Sư đoàn 313, hai Trung đoàn Bộ binh 813, 815 và Trung đoàn 270 Công binh, Đoàn vận tải 647. Đây là những đơn vị đã có quá trình cống hiến xuất sắc trong công cuộc đấu tranh dẫn đến Đại thắng mùa Xuân ngày 30-4-1975 lịch sử và làm nghĩa vụ quốc tế trên biên giới Tây Nam. Bộ Tư lệnh Binh đoàn lúc bấy giờ gồm có các đồng chí: Đại tá Mai Văn Phúc - Tư lệnh; Thượng tá Trương Văn Ba (Ba Làng) - Tư lệnh phó, Thượng tá Bùi Thiệp - Chính ủy.

Thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Xôviết về hợp tác và chế biến cao su thiên nhiên với quy mô 50.000 hécta trong thời gian 5 năm (1980 - 1984), trong đó Công ti cao su Phú Riềng trồng 20.000 hécta. Hội đồng Bộ trưởng nước ta đã ban hành Quyết định 176 chuyển Binh đoàn 23 qua làm kinh tế, mà cụ thể là tham gia phát triển cao su ở Phú Riềng theo tinh thần Hiệp định hợp tác Việt - Xô. Hầu hết là các cán bộ, chiến sĩ của Binh đoàn 23. Có thể kể ở đây một số cán bộ cốt cán như Trung tá Trần Mai Lâm (Giám đốc Nông trường 1), Thượng úy Nghiêm Đình Vấn (Giám đốc Nông trường 2); Đại úy Nguyễn Bật Vấn (Giám đốc Nông trường 3); Trung tá Lê Phùng Thịnh (Giám đốc Nông trường 4); Thiếu tá Nguyễn Rèn (Giám đốc Nông trường 7); Thiếu tá Nguyễn Văn Vượng (Giám đốc Nông trường 8); Thiếu tá Phùng Đức Bản (Giám đốc Nông trường 9); Trung úy Phạm Lê Kì (Giám đốc Nông trường 10); Thượng úy Phạm Hữu Quyền (Giám đốc Nông trường Minh hưng A); Đại úy Đặng Hồng Hiến (Giám đốc Nông trường Minh Hưng B). Về phía lãnh đạo công ti và các phòng ban có Đại tá Trương Văn Ba (Ba Làng) Phó Tư lệnh Binh đoàn, Thượng tá Bùi Thiệp, Trung tá Vũ Hồng làm Phó Giám đốc Công ti. Các đồng chí Thiếu tá Hoàng Văn Cầu (Chánh Văn phòng), Thiếu tá Bùi Ngọc Thực (Trưởng phòng Thi đua tuyên truyền), Trung tá Lưu Xuân Soạn (Trưởng phòng Xây dựng cơ bản), Thiếu tá Trần Hoàn Kiếm (Trưởng phòng Bảo vệ thanh tra), Đại úy Bác sĩ Lí Xuân Lới (Trường phòng Y tế), Đại úy Bác sĩ Nguyễn Bá Thư (Giám đốc Trung tâm y tế), Đại úy Nguyễn Chính Niên (Phó phòng Bảo vệ thanh tra), Đại úy Nguyễn Văn Thân (Phó Giám đốc xí nghiệp Thương nghiệp phục vụ đời sống), Thiếu tá Hà Nguyên Cát (Giám đốc xí nghiệp Giao thông thủy lợi, sau là Giám đốc công ti).

Thật là khó có bút mực nào tả xiết những khó khăn gian khổ của Công ti cao su Phú Riềng trong buổi bình minh. Phát huy truyền thống “quân với dân như cá với nước”, các anh Bộ đội Cụ Hồ Binh đoàn 23 luôn xung kích làm đầu tàu trong việc lập làng công nhân và trồng mới cao su. Trên những vùng đất Phước Long, Bù Đăng, Đồng Phú bạt ngàn hoang hóa và bom mìn sót lại sau chiến tranh, các anh lăn xả khai hoang vỡ đất. Đã có biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương đổ xuống cho công cuộc hồi sinh vùng đất một thời khốc liệt này.

Các anh bộ đội Binh đoàn 23 mà hầu hết là bộ khung, là Giám đốc, Phó Giám đốc, là cán bộ trợ lí, tham mưu của các nông trường mới mở, vừa cấp tập học hỏi, tiếp thu kĩ thuật trồng mới cao su, vừa tích cực giúp dân trong cuộc mưu sinh buổi đầu khốn khó. Nào là lo dựng lán, cất nhà, nào là lo đắp đập tạo hồ để có nguồn nước sinh hoạt và phục vụ nhu cầu làm kinh tế phụ.

Thời gian lặng lẽ trôi nhưng vườn cây cao su và cuộc sống công nhân thì không ngừng chuyển động. Nhớ ngày nào bộ đội cùng dân còn chập chững băng rừng trên những con đường gia góc mà đào hố trồng mới cao su, đêm về ngả lưng nơi lán nhỏ ngắm sao trời xuyên mái lá! Trong giai đoạn này, bát cơm độn ăn với măng le, cá suối là chuyện rất bình thường. Vậy mà nay những vườn cao su đã dạt dào cho mủ, công nhân lương đã trên 4 triệu đồng một tháng, 100% đã có nhà xây, 100% con em đã được đến trường. Đường sá xương sống từ công ti đến các nông trường đã là đường nhựa, còn đường liên lô đều đã cấp phối, tạo nhiều thuận lợi cho những ô tô của công ti, nông trường và xe máy của công nhân đi lại.

Thời gian lặng lẽ trôi, thấm thoắt mà những cán bộ công nhân viên nguyên là cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 23 đã bước vào tuổi về hưu. Khoảng 5 năm trở lại đây, các anh lần lượt trở về mảnh vườn nhà, bàn giao công việc điều hành, phát triển công ti, nông trường cho lớp cán bộ kế thừa.

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” - truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta luôn được cán bộ, công nhân cao su Phú Riềng trân trọng. Từ lãnh đạo công ti đến cán bộ, công nhân các cấp mỗi khi nhắc đến Binh đoàn 23, đều nghe trào dân trong lòng cảm xúc biết ơn và tự hào.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #83 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2014, 07:45:55 am »

THỦ TRƯỞNG CỦA TÔI

Đại tá Trần Hữu Dực
(Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 26 Thiết giáp – Quân khu 7)

Tôi biết anh Mai Văn Phúc từ giữa năm 1955, khi chúng tôi về Trường Văn hóa Quân đội, Kiến An - Hải Phòng để thu nạp kiến thức chuẩn bị ra nước ngoài học tập. Tháng 8 năm 1956, sang học Trường Sĩ quan Xe tăng số 1 Bắc Kinh (Trung Quốc), anh được bầu vào cấp ủy và là Tiểu đội trưởng của tôi. Từ đó anh là thủ trưởng của tôi cho đến mãi sau này.

Ngày Trung đoàn xe tăng 202 thành lập, anh Phúc là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, còn tôi là Đại đội trưởng Đại đội 5 dưới quyền. Trong lúc chờ về nước, một số phân đội của Trung đoàn diễn tập với Sư đoàn La Thịnh Giáo - Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Cuộc diễn tập với quy mô lớn cùng với nhiều tình huống giả định phức tạp gần sát với chiến tranh hiện đại. Sau khi đơn vị đã vào vị trí trú quân, Tiểu đoàn trưởng Mai Văn Phúc bất ngờ kiểm tra đại đội tôi. Anh xem xét, hỏi chúng tôi rất kĩ công tác trú quân, các phương án “đánh địch”, chỉ cho tôi những việc cần tiếp tục hoàn thiện. Khi Tiểu đoàn trưởng kiểm tra xong đơn vị tôi thì trời đã tối. Từ đại đội tôi về nơi đặt Sở Chỉ huy tiểu đoàn khá xa. Tôi nói với anh:

- Thủ trưởng đợi một lúc rồi tôi bố trí người đưa về.

Nói xong tôi phải đi triển khai công việc. Khi về đã không thấy anh ở đó nữa.

Thời gian làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, anh Mai Văn Phúc rất có uy tín. Anh được bầu làm ủy viên Đảng ủy Trung đoàn 202 xe tăng mấy khóa liền. Trung đoàn trưởng Đào Huy Vũ, nổi tiếng là người nghiêm khắc, nóng nảy, nhiều cán bộ cấp dưới sợ ông một phép, không ai dám góp ý, chỉ có anh Mai Văn Phúc là dám phê bình. Anh Phúc nói rất đúng lúc, đúng chỗ, lại rất chân thành nên Trung đoàn trưởng tiếp thu.

Đầu những năm 60 của thế kỉ XX, tôi đã gần 30 tuổi mà chưa có người yêu. Tiểu đoàn trưởng nhiều lần giục tôi lập gia đình để yên tâm công tác. Anh Tựu - Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3 quê Hải Phòng có cô em gái nhìn qua ảnh khá xinh. Anh Phúc liền vun vào cho tôi. Anh nói: “Phải chớp thời cơ, làm ngay”. Hôm ấy tôi và anh bí mật xuống Hải Phòng tiếp cận “mục tiêu”. Ngày ấy giao thông còn cách trở, từ Vĩnh Phúc xuống Hải Phòng phải mấy chặng xe, lại qua phà khá vất vả. Cứ sợ trễ nên chúng tôi không dám dừng lại để ăn, nhịn đói để đi cho kịp. Đến nhà anh Tựu thì trời đã tối, cô em gái đang nấu cơm dưới bếp. Tôi cứ nóng lòng muốn nhìn thấy mặt nhưng khổ nỗi nhà chỉ có chiếc đèn dầu nhỏ, cô gái lại xấu hổ cứ tránh mặt. Đến sáng mới nhìn thấy mặt cô gái, nhưng không được như trong ảnh. Anh em chúng tôi chào gia đình, xin phép lên đơn vị.

Năm 1973, tôi đưa một đơn vị xe tăng hành quân vào chiến trường Đông Nam Bộ. Vì chưa có đường, chúng tôi phải đi vòng qua đất bạn Campuchia. Anh Mai Văn Phúc lúc đó đã là Đoàn trưởng Đoàn 26 Thiết giáp Đông Nam Bộ, cho quân ra Stung Treng, cách đó mấy trăm cây số để đón chúng tôi. Gặp lại nhau sau 9 năm xa cách, thấy anh vẫn sâu sát, tình cảm, quan tâm đến mọi người.

Miền Đông Nam Bộ là chiến trường xa hậu phương miền Bắc, vô cùng ác liệt, thiếu thốn đủ đường. Những lúc chúng tôi đi công tác, đi chiến đấu về anh đều đón tiếp thân tình, chu đáo. Những anh em ốm đau, bị thương, anh đều san sẻ từ cốc sữa, quả trứng. Anh hiểu rất rõ điểm mạnh, yếu của từng người để giao việc. Trong các cuộc họp, giao nhiệm vụ, anh thường nói: “Giờ hay phải tính cho ra/ Việc gần mà hỏng, việc xa mà thành”.

Sau ngày đất nước thống nhất, anh Mai Văn Phúc được giao trọng trách mới những vẫn luôn quan quan tâm đến anh em xe tăng miền Đông Nam Bộ. Anh vẫn giữ tình cảm thân thiết, sâu đậm với chúng tôi - những người đã cùng anh chiến đấu trên chiến trường ngày nào. Chúng tôi coi anh như người anh cả trong gia đình.

Khi không còn công tác, về với đời thường, anh vẫn được chúng tôi quý mến, kính trọng. Mỗi khi biết anh từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, chúng tôi báo tin cho nhau, để được gặp thủ trưởng cũ của mình. An hem ở các tỉnh quanh Hà Nội như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình… đều thu xếp thời gian, công việc để về gặp anh. Có lần mấy anh em ở Thanh Hóa thuê xe đi trong đêm để sáng kịp ra Hn gặp thủ trưởng.

Anh Mai Văn Phúc là người sống đức độ, thủy chung, chí tình, chí nghĩa với đồng chí, đồng đội.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #84 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2014, 07:47:16 am »

ĐÔI DÒNG TÂM SỰ

Đại tá Nguyễn Xuân Tình
(Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.)

Tháng 9 năm 2009, tôi gặp lại người chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước trên chiến trường miền Đông Nam Bộ - Thiếu tướng Mai Văn Phúc, chúng tôi thường gọi thân mật là anh Năm. Một thời ông là Tư lệnh xe tăng tại chiến trường B2. Chúng tôi bồi hồi ôn lại kỉ niệm cũ. Mới đó mà đã 44 năm… Thời gian đi nhanh thật.

Mời thủ trưởng ăn bữa trưa với gia đình - ngay trên mảnh đất năm xưa là chiến trường ác liệt. Hôm ấy có các con và cháu của tôi về đông đủ. Trong bữa cơm chuyện qua chuyện lại, nhưng vẫn không quên những câu chuyên của những năm dài đánh Mĩ.

Thủ trưởng hỏi tôi: “Này Tình, em còn nhớ trận đánh căn cứ biệt kích Cà Tum không?” - Tôi trả lời: “Làm sao mà em quên được hả thủ trưởng”. Con mắt còn lại của thủ trưởng chớp chớp. Ông nhìn ra khoảng sân đầy nắng. Chờ cho thủ trưởng với bớt niềm xúc động, tôi nói: “Em còn nhớ cả trận đánh căn cứ trung đoàn thiết giáp của địch ở Gò Đậu”. Câu chuyện cứ thế tiếp nối, tưởng chừng không thể dứt ra được bởi tôi và thủ trưởng còn quá nhiều kỉ niệm - những kí ức không thể nào quên được. Tôi nói:

- Em kể về hai trận đánh để anh xem có đúng không, trong đó có trận thủ trưởng vĩnh viễn để lại một con mắt của mình…

Đầu năm 1966, có mặt tại chiến trường miền Đông Nam Bộ được hơn 2 tháng, tôi được bổ sung về Đại đội 40 của J16 Cơ giới Miền (mật danh của bộ đội xe tăng Đông Nam Bộ). Ngày ấy, J16 mới chỉ có 4 đại đội. Với tinh thần chủ động tiến công quân địch, đơn vị khẩn trương huấn luyện cho bộ đội kĩ thuật, chiến thuật đặc công. Chỉ có súng AK, lựu đạn, thủ pháo, cả đại đội may ra mới được một khẩu B40, ấy thế mà J16 đã làm quân địch nhiều phen khiếp đảm.

Ngày 7 tháng 1 năm 1967, Tiểu đội Đặc công Cơ giới do tôi chỉ huy đã tập kích ban ngày vào cụm cơ giới Mĩ tại ngã ba Bà Chiêm (Tây Ninh). Bị bất ngờ đánh vỗ mặt, cả trung đội lính Mĩ không kịp trở tay, phải bỏ mạng, 6 xe M113 bị phá hủy. Trận này, tôi được nhận hai danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mĩ” và “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”. Thấy tôi gan dạ, thủ trưởng rất mừng, thường xuyên động viên tôi, thân tình như với đứa em trai.

Ngày 7 tháng 7 năm 1967, tôi được anh Năm giao là Mũi phó chỉ huy bộ đội tiến công căn cứ sư đoàn “anh cả đỏ” của Mĩ ở Technique (Bình Long). Sau khi phá gần hết các lớp rào, chỉ còn hàng rào cuối cùng nhưng bộc phá không nổ, tôi ôm bộc phá đè lên hàng rào, hô đồng đội lấy thân mình làm bàn đạp nhảy qua, đánh thọc sâu vào căn cứ. Khi mũi trưởng hi sinh, tôi nhanh chóng thay thế, chỉ huy đồng đội đánh vào bãi xe, dùng B40 diệt ngay hỏa điểm địch, kịp chi viện cho tổ bạn gặp khó khăn.

Trận đánh sắp kết thúc, địch bất ngờ đưa 60 xe tăng, xe bọc thép đến tiếp viện. Chúng lồng lộ phản kích, hòng bao vây, tiêu diệt tổ chiến đấu. Tình thế hiểm nghèo, tôi động viên anh em có vũ khí gì đánh vũ khí ấy. Với 5 quả đạn B40, tôi diệt 4 xe tăng, mở đường cho đồng đội rút ra ngoài. Mới đến cửa mở, tổ chiến đấu gặp 3 xe thiết giáp của địch bắn xối xả, bịt kín lối ra. Chỉ còn một quả đạn chống tăng, sực nhớ có chiến sĩ mang đạn B40 bị thương ngay cửa mở, tôi quyết định quay lại. Tìm được 2 quả B40, phối hợp với tổ giữ cửa mở, tôi bắn 2 quả đạn diệt luôn 2 xe. Thấy đòng bọn bị tiêu diệt, chiếc thứ 3 quay đầu tháo chạy. Lợi dụng thời cơ, tổ chiến đấu phá vỡ vòng vây, rút về căn cứ an toàn.

Mỗi trận chiến đấu thắng lợi trở về, anh Năm đều gặp để tìm hiểu, chỉ cho tôi chỗ mạnh, chỗ còn phải cố gắng khắc phục.

Cà Tum là căn cứ biệt kích được bố phòng rất kiên cố. Phía ngoài chúng rào từ 16 đến 18 lớp kẽm gai sắc nhọn, trong cùng là tường đất cao 3m, xen kẽ là các bãi mìn. Đã nhiều lần, J16 tổ chức điều tra, nghiên cứu nhưng không thành. Dạo đó là tháng 5 năm 1969, tôi vừa điều trị vết thương về, anh Năm Phúc gọi lên - “Chúng nó bố phòng chặt quá, Tình có vào được không?”. “Dạ, cho em chọn một người”. Thủ trưởng còn dặn: “Nhớ mang một vật gì vè nhé”. Hai ngày sau, khi đã nắm chắc quy luật của địch, tôi quyết định đột nhập từ hướng bắc. Tôi phán đoán, hướng đó có 18 lớp rào kẽm gai, lại chó nhiều bãi mìn nên địch sẽ có nhiều sơ hở hơn. Chờ mặt trời lặn, tôi và Sáng - chiến sĩ, bí mật áp sát hàng rào bên ngoài. Tôi đi trước, Sáng theo sau, vừa rà mìn, vừa vạch rào. Tấm lưng trần của chúng tôi trát đầy đất, nhọ nồi, bị dây thép gai cào ngang dọc, rớm máu. Chiu qua 17 lớp rào thì đồng hồ đã chỉ 1 giờ sáng ngày hôm sau. Dừng lại quan sát chừng 30 phút, tôi quyết định một mình chui qua hàng rào thứ 18. Dọc tường, cứ hơn 10 m, chúng đặt một lô cốt. Chúng còn dùng đèn chụp để phát hiện “Việt cộng” đột nhập, vì thế rất khó vượt qua tường đất cao 3m. Lợi dụng khoảng tối gần lô cốt, tôi nhảy lên bờ tường. Đến 2 giờ sáng, tôi mới đến được khu trung tâm và không quên lấy gói thuốc lá Rubi quân tiếp vụ.

Về đến căn cứ, thủ trưởng đơn vị đang nóng lòng chờ. Tôi đưa gói thuốc lá thơm cho đoàn trưởng Năm Phúc, thủ trưởng vui sướng ôm lấy hai chúng tôi. Kết quả nghiên cứu đã giúp Chỉ huy Đoàn hạ quyết tâm tấn công căn cứ Cà Tum.

Hướng tiến công chủ yếu vào căn cứ Cà Tum từ hướng bắc. Vì vết thương ở bàn tay phải chưa lành, lại chuẩn bị dự hội nghị Anh hùng chiến sĩ miền Nam lần thứ 2, tôi không được dự trận này. Biết tin, anh em trong đơn vị lo lắng, không yên tâm; một số cán bộ, chiến sĩ đã khóc, đề nghị cấp trên để Nguyễn Xuân Tình trực tiếp chỉ huy trận đánh (lúc này tôi là Tiểu đoàn phó kiêm Đại đội trưởng Đại đội 23).

Anh Năm nỏi: “Ý kiến bộ đội như vậy, còn Tình thế nào?”. “Dạ, trận này ác liệt lắm, thủ trưởng để em chỉ huy. Sau về dự hội nghị Miền cũng chưa muộn”. Đoàn trưởng Năm Phúc vỗ vai: “Tôi giao cho Tình chỉ huy trực tiếp mũi tiến công chủ yếu phía trong”. Thủ trưởng vừa dứt lời, bộ đội vui mừng hô vang quyết tâm chiến thắng.

Mũi chiến đấu do tôi chỉ huy có trên 30 cán bộ chiến sĩ. Đúng như anh Năm dự đoán, trận đánh diễn ra rất ác liệt nhưng cuối cùng chúng tôi đã thắng.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #85 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:26:10 am »

VỊ TƯỚNG MẪU MỰC, BẢN LĨNH VÀ ĐÔN HẬU

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ
(Nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7)

Ông thuộc thế hệ trước chúng tôi, từng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1967, tôi cùng Trung đoàn 88 từ chiến trường Tây Nguyên về Đông Nam Bộ, biên chế vào Sư đoàn bộ binh 5. Tết Mậu Thân, đơn vị tôi thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Hơn một năm sau, tôi chuyển sang Sư đoàn 9. Lúc này, Trung đoàn tôi được tổ chức Tiểu đoàn đặc công và chuyển về Quân khu 8 (miền Trung Nam Bộ), từ đó tôi được biết ông qua bạn bè kể lại. Ông là cán bộ mẫu mực, đa năng, kiêm cả văn lẫn võ. Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị tôi được trở lại Quân khu 7. Kết thúc chiến tranh Tây Nam và biên giới phía Bắc, tôi được điều về công tác tại Phòng Tác chiến Bộ Tham mưu Quân khu 7. Thời điểm nay, ông là Cục trưởng Cục Kĩ thuật rồi Phó Tư lệnh Quân khu. Hơn 10 năm sống cùng ỏng ở Bộ Tư lệnh Quân khu, tuy không phải là cán bộ kĩ thuật nhưng tôi thường xuyên gặp ông trong các cuộc họp và hội thảo. Lúc nào tôi cũng cảm thấy ông là người trầm lặng, suy tư cho công việc. Chưa bao giờ tôi thấy ông to tiếng với cấp dưới. Trong các cuộc họp, ông phát biểu có tình, có lí, ôn hòa, làm cho người được đóng góp cũng thấy thoải mái và dễ chấp nhận. Ông đóng góp và phê bút trực tiếp nhưng ý kiến rất sắc sảo, thấu tình đạt lí, khoa học… đặc biệt là kế hoạch phòng thủ…

Ông sống bình dị, làm cho chúng tôi rất cảm phục và dễ gần. Tôi học ở ông rất nhiều từ tác phong chỉ huy cho đến giải quyết công việc. Lúc ông là Phó Tư lệnh Quân khu, tôi được làm việc với ông nhiều hơn. Trong các cuộc họp, các cuộc hội thảo, ý kiến của ông thường khiêm tốn, tôn trọng khoa học. Đồng thời ông cũng là cán bộ chính trị đôn hậu, tận tình. Ngoài chức trách, ông còn lo cho cấp dưới về nơi ăn ở, đặc biệt là cán bộ quân tình nguyện ở Campuchia về; các gia đình chính sách thương bệnh binh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông nói, gia đình các liệt sĩ đã hi sinh người thân cho Tổ quốc, trên mỗi thân thể họ đều mang thương tích, chúng ta còn khỏe mạnh như thế này phải biết ơn họ, phải đền đáp công ơn đó…

Nay ở vào độ tuổi xưa nay hiếm nhưng Thiếu tướng Mai Văn Phúc vẫn mạnh khỏe, minh mẫn. Tham gia các cuộc hội thảo lịch sử, ông vẫn còn nhớ rất kĩ. Chúng tô coi ông là tư liệu sống của Quân khu. Với ông, tôi chỉ thuộc hàng con cháu nhưng luôn tự hào, kính trọng ông - một cán bộ lão thành đôn hậu.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #86 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:27:26 am »

VỊ TƯỚNG ĐA NĂNG

Thiếu tướng Đoàn Văn Khoan
(Nguyên Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 7)

Một thời đánh Mĩ ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, tôi được anh biết anh Năm Phúc. Nhiều khi được Bộ Chỉ huy Miền thông báo tin tức hoặc nghe qua buổi phát quanh quân đội ca ngợi những chiến công rạng rỡ của J16 Đặc công Cơ giới Miền, của Trung đoàn 429 Đặc công chủ lực Miền, của Đoàn 75 Pháo binh Biên Hòa, chiến công của đoàn 26 tăng - thiết giáp Miền... tôi thấy tự hào về anh.

Khi về hưu, điều kiện về thời gian cho phép tôi và anh đi lại thăm nhau nhiều hơn. Chúng tôi thường ôn lại chuyện xưa, có chuyện rất thú vị. Qua đó, càng hiểu anh năm và đọng lại trong tôi tình cảm mến phục, thân thương và rất gần gũi. Được biết, anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Lên 7 tuổi, lẽ ra được cắp sách đến trường nhưng vì gia đình quá nghèo túng anh phải đi ở cho đến năm 17 tuổi. Anh nói: “Lúc đó, thôi như thuyền nan trôi giữa biển khơi, không biết đâu là bến đâu là bờ. Nếu không có cách mạng, đời mình không biết đi về đâu. Mãi đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khí thế đấu tranh sôi nổi của quần chúng đã lôi cuốn tôi vào cuộc đời mới. Tôi đã vào Thanh niên Cứu quốc, tự vệ, chiến đấu, lực lượng vũ trang địa phương, đội Cảm tử quân Trung đoàn 93 Quảng Nam - Đà Nẵng, chủ lực Quân khu 5. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, từ một thanh nên mù chữ tôi đã trở thành chiến sĩ trong quân đội cách mạng”. Anh được cấp trên giao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, cuối cuộc kháng chiến chống Pháp là Tiểu đoàn phó quyền Tiểu đoàn trưởng, chiến đấu dũng cảm được đồng đội yêu mến.

Khi tập kết ra miền Bắc, cũng như bao anh em miền Nam, anh có biết bao suy nghĩ, day dứt, làm thế nào để xứng đáng với miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”. Anh đã tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Học xong chương trình lớp 10 bổ túc văn hóa, anh được cử sang nước bạn học xe tăng, tập huấn ở Học viện Malinốpxki của Liên Xô. Tiếp đó được vào Học viện Quân sự, Học viện Chính trị quân sự của quân đội. Đây là phần thưởng quý báu mà Đảng và đồng bào miền Bắc tặng thưởng, đồng thời cũng là những hành trang quý báu mà anh đã mơ ước từ lâu để khi về miền Nam có điều kiện phục vụ cách mạng nhiều hơn.

Đến tháng 4 năm 1964, anh được cấp trên cho về miền Nam chiến đấu. Anh tự xác định: “Đảng giao bất cứ công việc gì tôi đều sẵn lòng nhận lấy; miễn sao công việc đem lại lợi ích cho Đảng, cho nhân dân, cho đồng bào miền Nam”. Ngay từ đầu, anh nhận nhiệm vụ Trưởng ban Cơ giới Miền (B16) rồi Chính ủy J16 Đặc công Cơ giới, Chính ủy Trung đoàn 429 và Phó Chính ủy Lư đoàn 429 Đặc công chủ lực Miền, Chính ủy Đoàn 75 Pháo binh, Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 26 tăng - thiết giáp Miền. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được giao Chính ủy Cục Kinh tế Quân khu 7.

Các đơn vị cơ giới do anh chỉ huy đều là các cán bộ chiến sĩ xe tăng được huấn luyện, đào tạo để sử dụng vũ khí trang bị kĩ thuật hiện đại trên xe để chiến đấu. Nhưng do yêu cầu của chiến trường, đơn vị cơ giới do anh chỉ huy phải: “Lấy xe địch đánh địch” - Một mệnh lệnh rát khó thực hiện giữa chiến trường miền Đông ác liệt. Sau những ngày suy nghĩ tìm tòi, đêm 23 tháng 3 năm 1966, đơn vị đánh tập kích địch tại Gò Đậu, thuộc tỉnh Bình Dương, bằng “nội công ngoại kích”, kết hợp giữa C40 Cơ giới Đặc công của J16 và lực lượng nghĩa binh yêu nước do binh vận Trung ương Cục và Binh vận Bình Dương đã cài cắm, xây dựng và móc nối thành công. Trận đánh vào Trung đoàn xe tăng số 1 của quân ngụy tại Gò Đậu còn có một số đơn vị bộ binh Sư đoàn 9 và bộ đội địa phương Bình Dương yểm trợ và cùng phát triển chiến đấu theo kế hoạch.

Từ tháng 10 năm 1965, anh đã nhận nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy Miền trực tiếp liên hệ với Binh vận Trung ương Cục móc nối cơ sở nội ứng bên trong. Bố trí hai cán bộ đại đội Hà Vũ và Trần Nhật Chiêu liên hệ trực tiếp với nghĩa binh Phùng Văn Mười theo dõi diễn biến của Trung đoàn xe tăng số 1 ngụy và quan hệ với lực lượng nội ứng kịp tời báo cáo về đơn vị và ban chỉ huy trận đánh trước giờ nổ súng. Trận đánh đã giành thắng lợi, diệt đoàn thiết xa vận của ngụy - Sài Gòn, diệt hơn 200 tên, thu và phá hủy 330 xe các loại, đưa được chiếc xe tăng M41-A1 về căn cứ ta.

Về sau, Binh chủng Tăng - Thiết giáp phát triển, cách đánh của xe tăng có khác hơn trước, thường là chiến đấu trong đội hình có nhiều binh chủng tham gia. Tôi còn nhớ: tháng 4 năm 1972, Sư đoàn bộ binh 5 được tăng cường một đại đội xe tăng gồm 10 xe tăng và 2 xe cao xạ 57ly; Đoàn pháo binh 75 và một số binh chủng khác có nhiệm vụ chiến đấu giải phóng chi khu Lộc Ninh.

Lần đầu tiên trên chiến trường miền Đông Nam Bộ các binh chủng hợp đồng chiến đấu rất tốt, sức mạnh đột kích được tăng lên. Ta đã diệt và bắt sống 4.000 tên địch, Chiến đoàn 9 (ngụy) bị diệt gọn, thu 1.767 súng các loại, chi khu Lộc Ninh được giải phóng.

Khi anh phụ trách Phó Tư lệnh Kĩ thuật Quân khu 7, nhiệm vụ Quân khu rất nặng nề, vừa xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa chiến đấu giúp bạn. lượng vật chất anh phụ trách vẫn được bảo đảm thông suốt, đầy đủ và kịp thời đáp ứng cho quân tình nguyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu giúp bạn trên chiến trường Campuchia trong giai đoạn từ năm 1979 - 1989.

Anh là vị tướng năng động, sáng tạo, có bản lĩnh; chịu khó tìm tòi học hỏi, luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Anh có tác phong sâu sát, cởi mở, chân tình, đoàn kết, giản dị, khiêm tốn ở đơn vị nào cũng được mọi người quý mến. Anh vừa là người bạn, người anh mà tôi yêu mến và lấy đó là tấm gương để học tập.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #87 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:28:10 am »

VỊ TƯỚNG XE TĂNG NHÂN HẬU

Thảo Hoàng Quân

Nhiều người gọi ông bằng cái tên trìu mến và trân trọng “Anh Năm”, “Chú Năm”. Riêng tôi, được tiếp xúc nhiều với ông đã cảm nhận thêm về phẩm chất đạo đức của một vị tướng “Bộ đội Cụ Hồ”. Ông là Thiếu tướng Mai Văn Phúc.

Ông sinh ngày 25 tháng 12 năm 1927, trong một gia đình nông dân nghèo thuộc huyện Hòa Hải, Hòa Vang, Quảng Nam (nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Lúc nhỏ được cha mẹ đặt tên là Mai Đăng Do. Trong tình cảnh chung của xã hội Việt Nam lúc bầy giờ gia đình ông bị đẩy xuống hàng “cùng đinh”. Cha mẹ ông làm quần quật suốt ngày vẫn không đủ kiếm cơm cho các con ăn. Lên 7 tuổi, người bé như cái kẹo, Mai Đăng Do phải đi ở đợ. Đầu năm1945, phong trào cách mạng ở địa phương lên cao, đang phải đi ở nhưng Mai Đăng Do vẫn vào đội thanh niên cứu quốc, làm liên lạc đưa công văn cho cán bộ. Cuối năm ấy ông mới rời nhà thầy Đê, chấm dứt 10 năm đi ở.

Như con chim sổ lồng, ông vào du kích trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương. Do yêu càu của cuộc kháng chiến, cả Trung độ du kích Sơn Thủy - Hòa Hải được chuyển thành đơn vị chiến đấu trên phòng tuyến Non Nước. Từ đây, người chiến sĩ trẻ mang tên mới Mai Văn Phúc. Trận đánh đầu tiên của ông khi vào bộ đội là trận tập kích đồn Mĩ Thị. Chiến đấu mưu trí lại gan dạ, sau trận đánh này, ông được bổ sung vào Đại đội cảm tử Trung đoàn 93. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cương vị cán bộ tiểu đội, trung đội rồi đại đội, Mai Văn Phúc đã đánh hàng chục trận, lập nhiều chiến công xuất sắc. Tiêu biểu là trận diệt đồn Cẩm Phô, Thu Bồn, Bường An; tập kích vào thị xã Tuy Hòa...

Hòa bình lập lại, Mai Văn Phúc cùng đơn vị tập kết ra Bắc. Tháng 6 năm 1955, đang làm Tiểu đoàn trưởng, ông được cấp trên giao nhiệm vụ đi học văn hóa và ngoại ngữ, chuẩn bị ra nước ngoài học chỉ huy xe tăng. Chín năm đánh Pháp chỉ có cây súng trường, nay được học xe tăng, Mai Văn Phúc sung sướng đến rơi nước mắt. Ba năm học tập, rèn luyện tại trường Sĩ quan Xe tăng số 1 Bắc Kinh - Trung Quốc, ông thấy mình trưởng thành lên rất nhiều.

Trung đoàn xe tăng 202 - đơn vị xe tăng đầu tiên của quân đội ta được thành lập, Đại úy Mai Văn Phúc được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3. Những năm tháng ấy, miền Bắc đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất” và “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Là người con xứ Quảng, sống giữa lòng miền Bắc yêu thương, Mai Văn Phúc tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với niềm mong đợi của đồng chí, đồng đội. Mỗi buổi sáng, khi bộ đội hành quân ra bãi tập, ông thường chạy dọc hàng quân để kiểm tra anh em. Ngày ấy, đi lại còn khó khăn, từ Vĩnh Yên ra Hà Nội phương tiện chủ yếu là tàu hòa, lại thường trễ giờ. Nhiều hôm về Hà Nội thăm vợ con khi trở lại đơn vị ông phải chạy gần 10km từ ga Vĩnh Yên vào doanh trại để kịp giờ làm việc. Tiểu đoàn 3 do ông làm Tiểu đoàn trưởng, luôn là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Trung đoàn 202 xe tăng.

Sống trong lòng miền Bắc xã hội chủ nghĩa nhưng trong lòng Mai Văn Phúc luôn hướng về quê hương Quảng Nam đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Nơi đó ông còn mẹ già và những người ruột thịt. Ước mong của ông là muốn sớm được vượt Trường Sơn trở về chiến đấu giải phóng quê hương không phải bằng khẩu súng trường năm xưa mà bằng những chiếc xe tăng hiện đại.

Niềm mong ước của ông đã thành sự thật. Ngày 19 tháng 4 năm 1964, Đại úy Mai Văn Phúc và Trung úy Lâm Kim Chung là hai cán bộ đầu tiên của Trung đoàn 202 xe tăng bí mật hành quân vào căn cứ Bà Chiêm thuộc Chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Vào đến chiến trường, ông được Bộ Chỉ huy giao nhiệm vụ thành lập Ban Cơ giới Miền với phiên hiệu B16 (sau đổi thành J16). Đây là cơ quan Bộ Tư lệnh Thiết giáp đầu tiên ở chiến trường B2. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban Cơ giới Miền do ông trực tiếp lãnh đạo là nghiên cứu chiến trường, tiếp nhận các đơn vị xe tăng từ hậu phương vào, gây dựng lực lượng theo phương châm “lấy xe địch đánh địch”. Đi từ không đến có, với tinh thần sáng tạo, mưu trí, kiên quyết tiến công, J16 Miền đã ra quân đánh thắng các trận Đồng Xoài, Gò Đậu thu được xe tăng địch. Khi đã có trong tay chiếc xe M41 A1 của địch, ông đã tổ chức huấn luyện bộ đội, nhanh chóng nắm vững kĩ thuật, sử dụng thành thạo trang bị vũ khí, dùng xe tăng địch, đánh trận diệt đồn Sa Mát - Thiện Ngôn trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, khiến Mĩ - ngụy khiếp đảm.

Ông là cán bộ chỉ huy dũng cảm, mưu trí không lùi bước trước bất cứ khó khăn gian khổ. 11 năm chiến đấu trên chiến trường, ông đã giữ nhiều chức vụ: Trưởng ban J16, Chính ủy J16 Đặc cơ, Chính ủy Trung đoàn 429 Đặc công, Chính ủy Đoàn pháo binh Biên Hòa, Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 26 xe tăng Miền, Tư lệnh xe tăng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Xuân Lộc... Ở vị trí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau ngày chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, ông được giao nhiều trọng trách: Cục phó Cục Kinh tế Quân khu 7, quyền Cục trưởng Cục Quản lí xe máy - Tổng cục Kĩ thuật Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Bảo đảm Kĩ thuật xe tăng, Tổng cục Kĩ thuật. Cuối năm 1980, cấp trên lại giao cho ông nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ: Tư lệnh Binh đoàn 23 tham gia vùng chuyên canh cao su. Trong buổi đầu của thời kì làm kinh tế với rất nhiều khó khăn thiếu thốn, Binh đoàn 23 đã xung kích, đi đầu trong khai hoang vỡ dất, lập làng công nhân và trồng nuôi cao su. Trên những vùng đất Phước Long, Bình Long, Bù Đăng, Đồng Phú bạt ngàn hoang hóa và bom mìn sót lại sau chiến tranh, bộ đội lăn xả khai hoang vỡ đất. đã có biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương đổ xuống cho công cuộc hồi sinh cây cao su trên vùng đất một thời là chiến trường khốc liệt.

Giữa năm 1982, trên có chủ trương chuyển Binh đoàn 23 cho Công ty cao su Phú Riềng do Tổng cục Cao su quản lí. Ngày chia tay Binh đoàn 23, ông Đỗ Nguyễn - Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su Việt Nam nói rất cảm động: “Công ty cao su Phú Riềng hợp tác khai thác 50 vạn hécta cao su với Liên Xô (từ năm 1977 - 1978) như một con voi khổng lồ nhưng bị sa lầy, nay nhờ Binh đoàn 23 của Bộ Quốc phong đến kịp thời kéo nó lên, đẩy nó đi được một khúc dài như ngày nay. Tổng cục Cao su hết sức cảm ơn Bộ Quốc phòng và Quân khu 7”.

Thiếu tướng Mai Văn Phúc là sĩ quan quân đội mẫu mực, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”. Ông khôn chỉ là vị tướng “Văn võ song toàn” mà còn hết mực nhân hậu, biết chia ngọt sẻ bùi, yêu thương đồng đội. Tháng 5-1968, đơn vị tập kích vào căn cứ Cà Tum, Nguyễn Xuân Tình bị thương nặng vào chân phải. Ông vào bệnh viện K71 nói với các bác sĩ: “Ráng cứu, đừng cưa chân nó mà tội. Câu ấp sắp được phong anh hùng đấy”. Ở chiến trường, thiếu thốn mọi thứ, trường hợp bị thương vào chân như Tình thông thường đều bị cắt bỏ. Hai ngày sau ông lại đến khoa ngoại gặp bác sĩ trưởng khoa trình bày suy nghĩ của mình. Ông tặng khoa ngoại chiếc đài bán dẫn còn mới với lời nhắn gửi: “Mong các anh cứu giúp Tình. Đừng cưa chân cậu ấy”. Hôm ấy bác sĩ mổ chân cho Nguyễn Xuân Tình ông có mặt từ rất sớm. Không có thuốc gây mệ, không có cả thuốc tê. Tình chuẩn bị một thanh tre, vót trơn tru như chiếc đũa cả. Tự buộc chân mình, nhờ đồng đội buộc tay bằng dây vải, anh nói với bác sĩ “cứ mổ đi” rồi ngậm thanh tre vào miệng. Chứng kiến sự đau đớn của đồng đội, ông đã khóc. Nhờ kiên trì luyện tập, 5 tháng sau, Nguyễn Xuân Tình ra viện, tiếp tục chiến đấu, lập công xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nửa thế kỉ làm Bộ độ Cụ Hồ, khi về nghỉ, phẩm chất ấy trong ông vẫn tỏa sáng. Nhiều vụ xích mích trong địa bàn được ông khuyên can có tình có lí, nhiều gia đình được ông hòa giải “gương vỡ lại lành”; không ít cặp vợ chồng sắp phải hát “lời ru chia đôi” đã tìm lại được hạnh phúc. Ông tham gia nhiều tình, hăng hái các công tác Đảng, đoàn thể. Hằng năm, ông đều trích 500 ngàn đồng từ tiền trợ cấp thương binh của mình để tặng cho quỹ học bổng Nguyễn Hữu Thọ. Khi các đoàn thể có khó khăn về kinh phí hoạt động, ông đều vui vẻ hỗ trợ từ 300 - 500 ngàn đồng. Ông còn hăng hái vận động bà con trong tổ dân phố hưởng ứng các phong trào do Mặt trận Tổ quốc phát động, hoạt động tích cực trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Mấy hôm trước anh nông dân nghèo ở miền Tây có con trai mắc bệnh tim phải lên Thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Biết tin, ông vận động một số người trong phường giúp đỡ. Người nông dân trẻ còn mơ ước có được chiếc vỏ lãi để bắt cá kiếm tiền nuôi con ăn học. Nghe xong câu chuyện cảm động ấy, Thiếu tướng Mai Văn Phúc đã tặng anh hơn một triệu đồng đủ để mua chiếc thuyền nhỏ. Ông còn cho thêm mấy trăm ngàn để đỡ đần thuốc men cho cháu.

Với gia đình, ôn luôn là tấm gương sáng về lối sống trong sáng, giản dị cho con cháu noi theo. Nhiều năm nay, gia đình Thiếu tướng Mai Văn Phúc đều được suy tôn là “Gia đình cách mạng gương mẫu”, “Gia đình văn hóa tiêu biểu” cấp phường, quận. Cả 5 người con của ông đều là đảng viên, có trình độ đại học, thành đạt và là những công dân tốt của thành phố mang tên Bác.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #88 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:29:31 am »

NIỀM TỰ HÀO CỦA NGÀNH KĨ THUẬT QUÂN KHU 7

Đại tá Hồ Công Tráng
(Chủ nhiệm Kĩ thuật Quân khu 7)

Những năm cuối của thập kỉ 80 thế kỉ XX, trong lúc đang tham gia chiến đấu giúp bạn trên đất Campuchia, chúng tôi - những cán bộ còn trẻ tuổi của ngành Kĩ thuật Mặt trận 479 đã biết tiếng thủ trưởng Mai Văn Phúc. Anh em gọi thân mật là chú Năm, anh Năm, lúc này là Cục trưởng Cục Kĩ thuật Quân khu 7.

Tháng 9 năm 1989, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia rút về nước sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

Trong cuộc hành quân lịch sử đó, bộ đội Mặt trận 479 được cơ động bằng hàng nghìn xe ô tô. Công tác bảo đảm kĩ thuật hành quân đã được Bộ Tư lệnh và Cục Kĩ thuật Quân khu 7 chỉ đạo, thực hiện trọn vẹn. Đây là một trong những cuộc hành quân lớn nhất trong lịch sử quân đội ta bằng cơ giới đã được tổ chức chu đáo, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đó cũng là thành tích to lớn mà Cục Kĩ thuật Quân khu 7 do thủ trưởng Mai Văn Phúc trực tiếp chỉ đạo, tổ chức, đóng góp to lớn vào thành công đó.

Sau khi bộ đội rút quân về nước, tôi được giao ở lại bộ phận rút gọn của Cục Kĩ thuật Mặt trận 479 để giải quyết các công việc còn lại. Đến tháng 1 năm 1990, tôi được điều về Phòng Quản lí - Xe máy và ít lâu sau tôi lại được điều động về Phòng Tham mưu của Cục Kĩ thuật Quân khu.

Đây là thời kì rất khó khăn của đất nước và lực lượng vũ trang, cũng là thời kì tôi được tiếp xúc với thủ trưởng Mai Văn Phúc thường xuyên hơn. Một lần đi công tác xuống đơn vị, tôi được ngồi cùng xe với thủ trưởng. Đi được một đoạn đường, thủ trưởng Phúc ân cần hỏi thăm tôi: “Cháu đã có gia đình, có nhà cửa gì chưa?”. Tôi rất cảm động trước sự quan tâm của chú Năm và nhìn thấy ở vị tướng là tình cảm và sự quan tâm đến cấp dưới.

Thời kì này đời sống của quân đội ta nói chung còn rất nhiều khó khăn do hậu quả của những năm tháng chiến tranh, bị bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch. Dạo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có câu nói nổi tiếng: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”.

Chú Năm Phúc lúc đó đã đề ra chủ trương khai thác “công suất thừa” để làm kinh tế cho các đơn vị trực thuộc Cục Kĩ thuật. Từ chủ trương đó, các đơn vị Z1, xưởng Z73, Kho VK92, K25, K6... đã hưởng ứng tích cực, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tận dụng năng lực sản xuất, công suất thừa kho bãi và đất nông nghiệp, mỗi nơi một mô hình đua nhau phát triển lao động sản xuất, làm kinh tế. Nhờ đó mỗi năm thu được hàng tỉ đồng cho đơn vị, góp phần cân đối cho nhiệm vụ quốc phòng, cải thiện đời sống bộ đội, góp phần với trên, tháo gỡ nhiều khó khăn cho đơn vị.

Chú Năm đặc biệt quan tâm đến chính sách hậu phương gia đình cán bộ. Dưới sự chỉ đạo của chú, Cục Kĩ thuật đã đề nghị và được Bộ Tư lệnh Quân khu cấp hàng trăm suất đất ở, nhà ở cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng của các cơ quan, đơn vị. Đây là một việc làm mà nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên của Cục Kĩ thuật Quân khu 7 đa ghi nhớ ơn Đảng, Nhà nước, quân đội, trong đó có công lao của chú Năm Phúc mà gia đình hậu phương sớm ổn định, an tâm công tác.

Bên cạnh những công việc đó, chú Năm cũng tích cực chỉ đạo toàn Cục thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng của ngành Kĩ thuật Quân khu như thu hồi, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa được nhiều loại vũ khí, xe máy; xây dựng hệ thống kho, trạm xưởng kĩ thuật.

Những chủ trương, biện pháp mà chú Năm cùng tập thể Đảng ủy - Ban Chủ nhiệm Cục Kĩ thuật Quân khu 7 thời kì đó đề xướng và tổ chức thực hiện đã góp phần cho toàn ngành Kĩ thuật và Cục Kĩ thuật Quân khu phát triển lớn mạnh không ngừng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Lớp cán bộ, chiến sĩ Cục Kĩ thuật hôm nay đã kế thừa và phát huy thành quả của thế hệ cha anh, trong đó có chú Năm - Thủ trưởng Mai Văn Phúc kính mến của chúng tôi.

TP. Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 2010
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #89 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2014, 10:30:55 am »

NGƯỜI THỦ TRƯỞNG, NGƯỜI ANH KÍNH MẾN

Thiếu tướng Trần Thành Lập
(Nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7)

Tôi biết thủ trưởng Mai Văn Phúc khi anh về Quân khu 7 làm Cục trưởng Cục Kĩ thuật và Phó Tư lệnh, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân khu, trước đó anh làm Tư lệnh Binh đoàn 23 xây dựng kinh tế trồng cao su.

Được tiếp xúc với anh lần đầu (lúc ấy tôi công tác ở Phòng Cán bộ và Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7) tôi đã mến và có nhiều thiện cảm, kính trọng anh cho đến nay và mãi mãi. Anh giữ cương vị cao và hàm cấp tướng nhưng vẫn thể hiện được tính giản dị, chân thành, độ lượng, vị tha, luôn sâu sát gần gũi giúp đỡ cơ quan, đơn vị, cấp dưới, đặc biệt là chiến sĩ. Anh luôn thể hiện bản lĩnh của người cán bộ, đã từng lãnh đạo chỉ huy với nhiều cương vị ở đơn vị chiến đấu và cơ quan, qua nhiều chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ xâm lược và chiến tranh hai đầu biên giới phía Nam, phía Bắc; tận tâm với trách nhiệm, thắng thắn chân tình xây dựng đoàn kết nội bộ.

Anh luôn quan tâm đến đời sống cán bộ chiến sĩ, bởi anh xuất thân từ một gia đình nghèo trong chế độ cũ và trưởng thành từ người chiến sĩ cách mạng lên cấp cao. Trải qua những cam go thử thách ấy, anh thấu hiểu, cảm thông sâu sắc cuộc đời binh nghiệp đầy gian lao, khắc khổ, ác liệt nhưng cũng thật vinh quang và tự hào là người lính Bộ đội Cụ Hồ. Tuy vậy, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã lặn lội chiến đấu trong các cuộc chiến tranh, không sợ hi sinh xương máu để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc nay hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn, khi đất nước hòa bình, họ không có nhà ở, đó là một nhu cầu rất cấp thiết.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Quân khu 7 được cấp trên giao quản lí một khối lượng doanh trại, nhà ở, đất đai... do chế độ cũ để lại. Thời điểm này, Trung ương Đảng, Chính phủ đã óc chỉ đạo, cho phép Quân khu 7 giải quyết nhà ở cho cán bộ chưa có nhà ở hoặc nhà đã hư hỏng nặng. Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo chọn phương án nào tốt nhất để thực hiện chủ trương này.
   
Với cương vị là Phó Tư lệnh phụ trách chỉ đạo ngành Hậu cần - Kĩ thuật và xây dựng kinh tế, anh Mai Văn Phúc đã từ lâu ấp ủ tâm niệm làm sao để giải quyết nhà ở cho cán bộ chưa có nhà, đang sống cuộc sống vất vả. Đúng lúc thời cơ đến, anh đề nghị với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu trước mắt giải quyết nhà cấp 3, cấp 4 cho cán bộ chưa có nhà ở với phương thức hóa giá hoặc trả góp, phù hợp với nguồn thu từ đồng lương ít ỏi của cán bộ (cách giải quyết này, thời gian sau phù hợp với Nghị định 61/CP của Chính phủ ban hành).

Đề nghị của Phó Tư lệnh Mai Văn Phúc được Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu nhất trí cao và quyết định cử anh làm Chủ tịch Hội đồng hóa giá nhà của Quân khu. Lại thêm một nhiệm vụ mới mẻ nhưng rất nặng nề, phức tạp và nhạy cảm đối với anh. Với chữ “TÂM” của người cán bộ cần mẫn luôn hướng về đồng chí đồng đội thấu hiểu hoàn cảnh đời khó khăn của anh em, anh dồn tâm trí sức lực của mình cùng với Hội đồng hóa giá nhà Quân khu giải quyết nhà ở cho một số lượng lớn cán bộ, đúng theo chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh là: Đúng đối tượng được cấp nhà, không sai phạm về nguyên tắc, quy chế thể lệ xét duyệt.

Giải quyết được vấn đề nhà ở cho anh em cán bộ lúc bấy giờ đã tạo thêm niềm tin về chính sách của Đảng, Nhà nước, động viên mọi người an tâm công tác. Việc làm này đã tạo thêm một sinh khí mới trong lực lượng vũ trang quân khu, phấn khởi thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong thành quả đó có công đóng góp tích cực của Thiếu tướng Mai Văn Phúc - Phó Tư lệnh Quân khu.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM