Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:57:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức đường Trường Sơn  (Đọc 29791 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #30 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2008, 07:31:15 am »

Về phía không quân địch, tuy ta vẫn phải đề phòng khả năng Mỹ can thiệp bằng máy bay chiến lược B52, nhưng đối tượng tác chiến chủ yếu của bộ đội phòng không trong chiến dịch này là không quân chiến thuật nguỵ. Lực lượng chúng có ba sư đoàn với hơn 1.000 máy bay các loại. Số máy bay tiêm kích, cường kích F5, A37 có khoảng 300 chiếc, bố trí ở các sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ. So với thời kỳ còn quân Mỹ ở Việt Nam, thật là một trời một vực, nhất là tinh thần của bọn phi công đã suy sụp, thì lực lượng so sánh ở “mặt trận trên cao” rõ ràng là có lợi cho ta rất nhiều. Tuy nhiên không thể chủ quan.


Còn về nhiệm vụ của các đơn vị Phòng không-Không quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh được Bộ chỉ huy chiến dịch giao như sau:

-Yểm hộ các binh đoàn làm nhiệm vụ bao vây, chia cắt, tiêu diệt địch ở ngoài thành phố.

-Yểm hộ trực tiếp đội hình của các binh đoàn cơ giới thọc sâu. Bảo vệ cầu phà quan trọng, trên đường hành tiến, nhất là các cầu Bông, cầu Xáng, cầu Biên Hoà, cầu Sài Gòn và phà Cát Lái.

-Bảo vệ hậu phương và giao thông chiến dịch trên các hướng, nhất là trên trục quốc lộ 1 và 13.

-Phối hợp với pháo binh mặt đất khống chế sân bay Biên Hoà và Tân Sơn Nhất.

-Sử dụng không quân tập kích những mục tiêu có ý nghĩa chiến dịch đạt yếu tố táo bạo, bất ngờ.

Riêng nhiệm vụ sau cùng, chúng tôi chỉ biết vậy, còn tổ chức thực hiện ra sao thì không rõ.

Tất cả những tình hình nhiệm vụ và số liệu trên đây đều được chúng tôi thể hiện tổng quát lên sơ đồ tác chiến chiến dịch.


Những cơn mưa đầu mùa làm cho sinh hoạt của chúng tôi trong rừng cao su Lộc Ninh thêm ẩm ướt. Mỗi khi nghe gió thổi mạnh và nghe tiếng răng rắc của cây đổ, cành rơi tôi cứ thấy phấp phỏng trong lòng. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn cả vẫn là khả năng hành quân tới đích của các đơn vị phía sau. Những con đường ba dan đất đỏ, mùa khô, nền cứng, đi lại dễ dàng. Nhưng nếu có một trận mưa là mặt đường trở nên đặc quánh, bánh xe cứ bị đất dính chặt lại. Xe kéo rada, tên lửa cồng kềnh, đi trên những đoạn đường xấu, gặp mưa, liệu có thể đảm bảo thời gian?


Một buổi chiều, tôi cùng Phan Chiến Sĩ đang đi ven suối, bỗng gặp một cán bộ trẻ vóc dáng khoẻ mạnh, nét mặt rất tươi. Anh Sĩ giới thiệu với tôi: đây là Nguyễn Thành Trung, người của ta cài trong hàng ngũ không quân địch, sau khi lái chiếc F5E ném bom dinh Độc Lập, đã hạ cánh xuống sân bay Phước Long ngày 8 tháng 4 vừa qua. Tôi bắt tay Nguyễn Thành Trung, thầm phục người phi công quả cảm. Lúc đó, tôi đâu biết về một kế hoạch: đưa Nguyễn Thành Trung ra Đà Nẵng, huấn luyện cho các phi công lái MiG-17 từ miền Bắc vào, chuyển loại sang lái A37 của Mỹ để thực hiện chủ trương “Dùng máy bay địch đánh địch” do Thiếu tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Lê Văn Tri trực tiếp chỉ đạo, trong chiến dịch lớn sắp tới.


Xa nhà ai chẳng nhớ quê hương, gia đình, vợ con. Đêm nằm nhớ về Hà Nội, nhất là những ngày tháng này tôi chưa nghĩ ở ngoài kia chắc đồng bào Hà Nội và miền Bắc đang hướng cả về miền Nam. Dịp may đến với tôi thật bất ngờ. Một anh bạn từ Hà Nội vừa vào, trao cho tôi một lá thư nhà. Bóc vội phong thư, tôi đọc ngấu nghiến những dòng chữ thân thương của vợ “… Tình hình ở nhà bình yên. Cả tháng nay Hà Nội vui như Tết. Em mua cho hai con một tấm bản đồ toàn miền Nam, có in sẵn những lá cờ bé xíu ở phía dưới. Mỗi lần nghe tin miền Nam giải phóng đến đâu, là chúng tranh nhau cắt cờ, dán cờ. Quân Giải phóng tiến nhanh quá! Chúng dân cờ không kịp… Anh hiện nay đang ở đâu, làm sao em biết? Ngày thành phố Sài Gòn được giải phóng, chẳng phải là còn hai năm như anh dặn em trước khi ra đi, mà sắp đến nơi rồi phải không anh? Niềm vui được gặp lại mẹ và các em chắc chẳng còn xa, anh nhỉ! Chờ mong tin chiến thắng. Chờ mong tin anh mỗi ngày…”. Tôi đút lá thư vào túi áo mà lòng dạ nao nao, càng nhớ vợ con da diết, càng mong sao Sài Gòn sớm được giải phóng.


Một buổi chiều trong căn lán nhỏ, khi tôi và anh Phạm Sơn đang cùng nhau hoàn chỉnh những chi tiết cuối cùng trên tấm sơ đồ “Quyết tâm chiến đấu”, thì anh Quang Hùng bước vào. Bằng một giọng nghiêm trang, anh nói:

-Tôi vừa ở Bộ Tư lệnh Chiến dịch về. Báo các cậu một tin quan trọng: Bộ Chính trị vừa điện vào cho phép chiến dịch này mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Phạm Sơn và tôi đứng bật dậy, nói như reo:

-Thật thế hả anh? Ôi! Thích quá!-Tôi còn nhớ rõ nụ cười rạng rỡ của Phạm Sơn lúc đó.

-Chứ lại không thật à! Chính xác một trăm phần trăm! Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị ký tên đấy! Anh Tuấn trực tiếp phổ biến mà! Thôi! Cậu Lân nét chữ tốt, viết ngay tên bản đồ chiến dịch. Còn Phạm Sơn chuẩn bị cùng tôi sáng mai lên Bộ Tổng tham mưu thông quan kế hoạch tác chiến.

Lòng mừng vui khấp khởi, tôi nắn nót kẻ lên tấm sơ đồ cỡ lớn, một dòng chữ đậm: Quyết tâm chiến đấu của bộ đội Phòng không-Chiến dịch Hồ Chí Minh.


Tay cầm bút mà lòng tôi như trào một niềm vui khó tả. Ôi! Chiến dịch được mang tên Bác. Thật là hạnh phúc cho những ai được tham gia chiến dịch này. Tôi nghĩ: đúng rồi! Còn gì hợp lý hơn việc lấy tên của Bác đặt cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn.


Sài Gòn cách đây hơn 60 năm, từ bến Nhà Rồng. Bác của chúng ta đã ra đi tìm đường cứu nước. Sài Gòn, mùa thu 1945 đã cùng cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa. Gần một triệu đồng bào Sài Gòn trong ngày 25 tháng 8 lịch sử đã hướng cả về Cụ Hồ Chí Minh.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #31 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2008, 07:32:05 am »

Sài Gòn, mảnh đất đại diện cho miền Nam “đi trước về sau” trong cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ suốt ba mươi năm chống lại kẻ thù xâm lược, luôn được Bác Hồ dành cho một tình cảm đặc biệt. Theo lời Bác gọi, đồng bào Sài Gòn đã lập nhiều thành tích, đặc biệt là những chiến công vang dội của lực lượng Biệt động Sài Gòn, đánh thẳng vào sào huyệt, hang ổ của Mỹ, nguỵ đã làm chúng vô cùng khiếp sợ. Tiêu biểu cho tinh thần đánh Mỹ, tình cảm dành cho Bác kính yêu là Anh hùng biệt động Nguyễn Văn Trỗi, trước lúc hy sinh, “phút giây thiêng liêng anh gọi Bác ba lần…”.


Sài Gòn, trong những năm tháng dưới ách kìm kẹp của kẻ thù vẫn có những bà mẹ thầm kín cất giữ tấm hình của vị Cha già dân tộc. Vào những đêm giao thừa đón tết, vẫn có những cụ già, trước bàn thờ tổ tiên, lặng lẽ, kính cẩn thắp nén hướng, thầm khấn vái cầu mong cho Cụ Hồ ngoài ấy được luôn luôn mạnh khoẻ, bình an. Cụ Hồ Chí Minh đã trở thành hình ảnh thiêng liêng nhất đối với mỗi người dân Sài Gòn.


Giờ đây thành phố thân yêu đang mong chờ đoàn quân tiến vào giải phóng. Các ba, các má, các anh chị em trong đó, giờ này chắc cũng đang chuẩn bị, sẵn sàng nổi dậy, phối hợp tác chiến với đại quân giành thắng lợi cuối cùng.


Sáng 23 tháng 4, rời Lộc Ninh, Phạm Sơn và tôi mỗi người đi một hướng. Phạm Sơn đi đốc chiến ở trung đoàn 263 tên lửa. Còn tôi đi hướng Quân đoàn 3.

Theo đường liên tỉnh 17, quẹo sang lộ Trắng, vượt lộ Đỏ, qua suối Bà Chiêm, cầu Võ Tùng, tôi đến núi Ông, nơi trú quân của Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Chủ nhiệm phòng không Quân đoàn 3 là trung tá Nguyễn Cần. Vừa thấy tôi, Nguyễn Cần hỏi ngay:

-Phạm Sơn đâu?

Tôi đáp:

-Phạm Sơn xuống theo dõi trung đoàn tên lửa 263. Còn mình được phân công sang đây với cậu.

-Ôi! Thế thì còn gì bằng! Mày với tao sẽ cùng vào Sài Gòn nhé!

Nguyễn Cần, Phạm Sơn và tôi là bạn thân từ hồi 1952 ở chiến khu Việt Bắc, khi cùng là học viên dự khoá không quân, đoàn 33. Lúc đang ở Nam Ninh-Trung Quốc, chuẩn bị đi Thẩm Dương học lái máy bay MiG-15, thì đồng chí Nguyễn Chí Thanh, thay mặt Tổng Quân uỷ sang phổ biến chủ trương mới: “Chuyển tất cả cán bộ đoàn 33 sang học pháo cao xạ”. Thế là hết mộng “chiến công ngang trời”. Ba đứa chúng tôi cùng tuổi, rất thân nhau. Cần vẫn gọi tôi là “thằng bạn nối khố”. Từ khi còn là chàng trai cường tráng cách đây trên hai mươi năm, bây giờ tuy tuổi đã cao, nhưng Nguyễn Cần vẫn còn giữ được những nét đẹp trai như xưa.


Đi vào công việc, Nguyễn Cần rút tấm sơ đồ trong cặp ra, giới thiệu cho tôi biết nhiệm vụ của pháo cao xạ, tên lửa tầm thấp A72 trong đội hình Quân đoàn 3. Cac trung đoàn 232, 234, 593 và một đại đội tên lửa vác vai đã sẵn sàng, đang bám sát các Sư đoàn bộ binh 316, 320 và Sư đoàn 10 ở vị trí tập kết. Nguyễn Cần nói thêm: tớ cũng vừa đi thực địa, xuống các trung đoàn về đây. Khí thế lắm! Nhìn ra, thấy anh Luân và anh Như, hai cán bộ của cơ quan tham mưu quân chủng được tăng cường cho quân đoàn tuần trước, đang đi vào. Chúng tôi bắt tay nhau, chuyện trò vui vẻ. Nguyễn Cần lấy chiếc đài bán dẫn, bật công tắc. Bỗng nhiên vang lên tiếng nói của đài phát thanh nguỵ quyền Sài Gòn, nghe oang oang: “… Mấy ông biểu tôi làm cái việc mà mấy ổng, với nửa triệu linh, binh hùng tướng mạnh, xài gần 300 tỷ đô la, trong bảy năm trời, nếu không nói là bị Cộng sản đánh bại thì có thể nói một cách khiêm nhường rằng mấy ổng không có thắng. Vậy mà bây giờ mấy ổng bắt tôi làm cái chuyện đội đá vá trời… Phi lý! Phi lý! Phi lý!... Việt Nam Cộng hoà yêu cầu Hoa Kỳ phải nhanh chóng can thiệp và chi viện cho chúng tôi vũ khí, đạn dược.-Tới tấp! Tới tấp! Tới tấp!...”.


Thì ra là “tổng” Thiệu đang chửi quan thầy Mỹ. Bốn chúng tôi phá lên cười thích thú. Anh Luân bình luận: đúng là giọng điệu của một tên lính tẩy, một tên tay sai cùng đường, chết đến đít con cay. Sau đó, chúng tôi còn được nghe đài phát thanh nhắc lại bài phát biểu của Nguyễn Văn Thiệu thêm mấy lần nữa. Kiểu này thì nguỵ quyền Sài Gòn sắp sụp đổ đến nơi rồi.


Chiều 26 tháng 4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân của các Quân đoàn chủ lực 1-2-3-4 và Binh đoàn 232 dồn dập tiến công quân địch từ năm hướng. Quân đoàn 3 phụ trách hướng tây bắc: Đồng Dù, Củ Chi, Trảng Bàng, Hóc Môn, đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất.


Chiến sự trong hai ngày đầu chiến dịch, qua thông báo của quân đoàn, diễn ra trong thế thắng áp đảo của quân ta trên mọi hướng. Tuy nhiên ở một số nơi, quân nguỵ đã chống đỡ khá quyết liệt trước khi bị quân ta đè bẹp, như tại căn cứ Đồng Dù, căn cứ Nước Trong… Chiều 28 tháng 4, các quân đoàn chủ lực ta, cùng với bộ đội địa phương và lực lượng quần chúng nổi dậy đã bao vây chặt Sài Gòn. Tối hôm đó được tin thêm: một phi đội A37 do anh em ta lái đã ném bom khu để máy bay quân sự ở Tân Sơn Nhất. Tôi nghĩ ngay đến chàng phi công trẻ Nguyễn Thành Trung mà tôi mới gặp ở Lộc Ninh hôm nào. Sau đó là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận.


Đúng lúc ấy, tôi nhận được điện của anh Quang Hùng từ sở chỉ huy chiến dịch bên Căm Xe gọi xuống. Anh chỉ thị cho tôi tìm mọi cách bám sát bộ binh, để vài Sài Gòn thật nhanh, tìm địa điểm lập sở chỉ huy mới của quân chủng tại Tân Sơn Nhất.


Tôi chia tay Nguyễn Cần. Cần trao cho tôi một lạng cao ban long và một gói sâm Triều Tiên:

-Hôm nào gặp lại bà cụ, mày nói đây là quà của thằng Cần, bạn của con, biếu mẹ! Thôi, hẹn gặp lại ở Sài Gòn nhé!

Tôi cám ơn Cần, rồi lên xe. Xe chúng tôi chạy về Chơn Thành, rồi rẽ phải, theo quốc lộ 13 đi xuống Bến Cát. Vừa đi được một quãng, chúng tôi bị một cây ba-ri-e sơn màu trắng đỏ, chắn ngang:

-Bến Cát còn địch. Đề nghị các đồng chí quay lại!-Đó là tiếng nói nghiêm túc của một chiến dịch đội mũ tai bèo, đeo băng cờ Mặt trận. Không lẽ ngồi chờ, tôi đành bảo lái xe quay lại, mở bản đồ tìm lối khác. Thôi! Quay sang Đồng Xoài, rồi sẽ liệu.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #32 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2008, 07:33:02 am »

Đồng Xoài, một ngã năm toàn màu đất đỏ. Cây cối hai bên đường phủ kín một lớp bụi dày, chẳng còn màu xanh nữa. Cạnh ngã năm có cắm một cột mốc to, treo chi chít những mũi tên chỉ đường. Xe nào qua đây không biết lối, cũng dừng lại để xem. Tôi đến gần, thấy một tấm biển hình mũi tên, ghi: “367 đi tiếp Chơn Thành”. Thế là Sư đoàn pháo cao xạ 367 đã đi qua đây, theo đội hình của Quân đoàn 1 rồi. Xe cộ của các đơn vị vẫn nối đuôi nhau đi về các ngả. Có một xe lạc hướng, vòng đi vòng lại. Tiếng người gọi nhau í ới. Đến bên một chiếc xe Jeep, tôi hỏi anh cán bộ ngồi trên xe. Anh là người của Quân đoàn 4, có việc trở ra Phước Long. Anh gợi ý tôi nên đi hướng Vĩnh An, gặp đường 20, về tây Xuân Lộc, rồi theo đường 1 về Biên Hoà. Tôi nghĩ bụng lối này xa quá, nhưng chẳng còn đường nào khác, đành quyết định đi theo hướng anh bạn vừa chỉ. Vừa đi vừa thắc thỏm, vì không có máy thu thanh nên tôi không biết các cánh quân đã vào đến đâu rồi?


Xe qua Cầu Cây, đường trở nên xấu, vì là đường mới mở phục vụ chiến dịch. Bến phà Vĩnh An phía trước chật cứng hàng trăm xe chờ sang sông. Nhích mãi, nhích mãi, cố gắng len lỏi, xe tôi mới sang được bên kia phà.


Bỗng nghe hàng loạt đạn tiểu liên nổ giòn phía sau, tiếp theo là những tiếng hô: “Sài Gòn giải phóng rồi! Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng rồi!:. Tiếng la hét, tiếng reo mừng vang dội. Đạn liên thanh các cỡ bắn chỉ thiên, nổ rầm trời. Chúng tôi cũng hò reo khản cổ. Những chiếc đài bán dẫn đâu đó vang vang tin chiến dịch toàn thắng.


Chạy khoảng 10 kilômét, chúng tôi gặp đường 20. Thấy đường tốt, cậu lái xe mừng rơn: đi lối nào thủ trưởng? Tôi cười: nếu cậu muốn lên Đà Lạt nghỉ mát thì rẽ trái. Còn nếu muốn về Sài Gòn thì rẽ phải.

-Thủ trưởng tuyệt quá! Đường lạ mà sao thủ trưởng thành thạo thế!

-Cậu nên “khen” thằng Mỹ ấy. Đó là nhờ bản đồ của nó vẽ quá chính xác đấy thôi!

Đường tốt, xe chúng tôi lại bon bon. Đến Dầu Giây, gặp đường số 1, tôi cho xe chạy thẳng đến sân bay Biên Hoà. Đại tá Hoàng Ngọc Diêu, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân, Chủ nhiệm Phòng không-Không quân chiến dịch cũng vừa có mặt ở đây. Theo chỉ thị của anh Diêu, sáng hôm sau, ngày 1 tháng 5, tôi đi tiếp về Sài Gòn.


Xa lộ Sài Gòn-Biên Hoà rộng thênh thang, có những đường vạch sơn phân tuyến. Thỉnh thoảng có những “con lươn” bằng bê tông chạy dài chính giữa. Xe từ phía ngoài vào vẫn không ngớt. Có nhiều xe chở cán bộ dân chính vào tiếp quản. Xe nào cũng cắm cờ Mặt trận nửa đỏ nửa xanh. Xe tôi cũng cắm cờ. Cánh tay tôi cũng đeo xanh đỏ. Cờ giải phóng phần phật tung bay trong gió. Ôi! Náo nức và phấn khởi vô cùng.


Chiến sĩ ta trẻ măng, ngồi trên xe, vẻ mặt ai cũng hân hoan. Một chiếc xe khác, hình như chở đoàn văn công, chạy cùng chiều, cả nam lẫn nữ đều đội mũ tai bèo, nhưng hất tung về phía sau. Những cô văn công xinh đẹp, với mơ tóc dài bồng bềnh bay trong gió, đang hát vang bài cá: “Tiến về Sài Gòn".


Cầu Đồng Nai, cầu Sài Gòn thật đẹp! Và cả cầu Rạch Chiếc, vẫn còn nguyên vẹn cả. Tôi thầm nghĩ không biết có bao nhiêu chiến sĩ đặc công của mình đã ngã xuống những nơi đây, để cho quân ta tiến vào thành phố nhanh như cơn lốc? Hai bên xa lộ vắng vẻ. Nhưng trên đường thì đầy dẫy những áo quần, giày mũ của các sắc lính nguỵ tháo chạy, vứt bỏ ngổn ngang. Có nhiều xe nhà binh vô chủ, đậu rải rác.


Qua ngã tư Hàng Xanh (hồi đó, bà con ta gọi nơi đây là Ngã tư xa lộ), chúng tôi thấy người đông hẳn lên. Đồng bào thành phố, ăn mặc đủ kiểu, đứng chật ních trên vỉa hè, vẫy cờ, hoa chào các anh giải phóng. Trên các cổng nhà đều treo cờ, cả cờ Mặt trận và cờ đỏ sao vàng. Xen vào dòng xe ôtô của bộ đội là những chiếc xe gắn máy của người dân thành phố chạy ngược xuôi. Lúc ấy, tôi chẳng nghĩ đến đường ngược chiều hay thuận chiều gì cả. Cứ thẳng đường dự kiến mà đi.


Lẽ ra xe tôi cứ thẳng đường Tân Sơn Nhất, nhưng thoáng nghĩ đến dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của nguỵ quyền Sài Gòn, nơi tổng thống Dương Văn Minh vừa tuyên bố đầu hàng quân cách mạng, tôi liền bảo lái xe rẽ sang cầu Thị Nghè, qua đường Hồng Thập Tự. Gặp đường Đinh Tiên Hoàng, xe ngoặt trái, rồi rẽ sang đại lộ Thống Nhất (Lê Duẩn ngày na). Đầu óc tôi bỗng bừng bừng khó tả khi trước mắt tôi hiện ra một toà nhà đồ sộ. Tôi đoán đó là dinh Độc Lập. Trên đỉnh cột cao, lá cờ giải phóng đang tung bay, uốn lượn theo chiều gió. Đẹp đẽ làm sao! Tôi hình dung giữa lá cờ như có hình bóng Bác thân yêu đang giơ tay vẫy vẫy. Nhớ đến Bác, tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Tố Hữu:

“Miền Nam đang thắng mơ ngày hội
Rước bác vào thăm thấy Bác cười”.

Bây giờ không còn mơ nữa. Cả miền Nam đang trong ngày hội lớn. Cả Sài Gòn như đang đón Bác trở về sau hơn sáu chục năm trời xa cách. Bến Nhà Rồng năm xưa tiễn Bác ra đi, hôm nay như đang được đón Bác trở về, giữa lòng mọi người, và trên đài vinh quang chói lọi. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm đã kết thúc. Hẳn Bác rất vui lòng.


Hai bên đại lộ và trong dinh Độc Lập, xe tăng, xe pháo đậu san sát. Bộ đội ta tràn ngập các vườn cây bãi cỏ bên ngoài và bên trong dinh. Rải rác có những bếp cơm của anh nuôi đang đỏ lửa.Thấy một đại đội bốn khẩu pháo cao xạ 37 ly đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, tôi đến bên thăm hỏi tình hình. Anh pháo thủ cho tôi biết đây là khẩu pháo của tiểu đoàn 7, thuộc trung đoàn 284. Tôi mừng quá, nói lớn:

-Các cậu giỏi thật! Tiểu đoàn 7 cao xạ anh hùng của đường Trường Sơn, giờ đây đã có mặt giữa Sài Gòn.
Các pháo thủ nhao nhao hỏi:

-Sao thủ trưởng biết đơn vị bọn em?

Đúng lúc đó, một cán bộ chỉ huy vừa đến. Nhìn thấy tôi, anh đưa tay chào rồi đến bắt tay rối rít:

-Thủ trưởng Lân! Em là lính cũ của thủ trưởng hồi Điện Biên đây mà!

-A! Mình đấy à! Không ngờ chúng mình gặp nhau tại dinh Độc Lập này.

Minh kể cho tôi nghe chiến công của trung đoàn anh trong những ngày chiến dịch:

-Trung đoàn 284 có nhiệm vụ bảo vệ đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2. Dọc đường tiến quân, bọn em đánh tan tác máy bay địch đến ném bom, hạ thấp nòng pháo nã vào những lô cốt, những ụ súng ngầm hai bên đường, để yểm hộ bộ binh hành tiến. Có đơn vị còn chĩa súng bắn bị thương tàu chiến trên sông Đồng Nai nữa. Cũng ác liệt, nhưng thích lắm anh ạ!

Tôi nắm chặt đôi bàn tay rắn chắc của Minh không muốn rời.

-Thôi! Mình phải đi gấp. Hẹn ngày gặp lại! Tôi chào Minh và anh em pháo thủ, rồi lên xe hướng về Tân Sơn Nhất theo đường Lê Văn Duyệt (Đường Lê Văn Duyệt nay là đường Cách mạng tháng Tám).
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #33 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2008, 07:34:09 am »

Đường Lê Văn Duyệt quá hẹp, người lại đông. Xe cứ nổ máy nhích lên từng bước, chậm rì. Mỗi khi xe đứng, tôi tranh thủ nói chuyện với những người ở gần. Ai cũng thích tiếp chuyện với chúng tôi. Một ý nghĩ thoáng qua trong óc: Phải báo tin mẹ biết mình đã về. Tôi liền lấy sổ tay xé một mảnh giấy, ghi nhanh mấy chữ: “Thưa mẹ, con đã vào Sài Gòn. Sẽ về thăm mẹ và các em một ngày gần đây. Con: Lưu Trọng Lân”. (Ba ngày sau tôi đã được gặp lại mẹ và các em. Lá thư viết vội ấy đã đến gia đình chiều 1 tháng 5 năm 1975). Gấp bức thư lại, tôi nghiêng đầu ra ngoài xe, nói với anh thanh niên đang ngồi trên một chiếc Honda:

-Anh có thể chuyển giúp lá thư này đến gia đình tôi được không?

-Được thôi chú à!-Người thanh niên sốt sắng đáp.-Vậy nhà chú ở đâu?

-Số nhà 212/92, xóm Chùa, đường Trần Quang Khải, quận Một (Sở dĩ tôi biết được địa chỉ này là do anh Bảy Trung, một cán bộ hoạt động nội thành ra Bắc chữa bệnh kể lại).

-Ồ! Thế thì cháu sẽ đưa cho chú ngay chiều nay thôi.

-Cám ơn cháu nhiều. Chào cháu!

Tân Sơn Nhất trước mặt rồi, nhưng vào cổng nào đây? Sau một lúc hỏi thăm đường, chúng tôi rời ngã tư Bảy Hiền rẽ về Lăng Cha Cả (Lăng Cha Cả: nay là vòng xoáy nối các đường Hoàng Văn Thụ, Cộng Hoà, Lê Văn Sĩ, Bùi Thị Xuân) để vào sân bay bằng cổng số 5 mà bà con gọi là cổng Phi Long. Nhìn sang hai bên đường tôi thấy mấy chiếc xe tăng T.54 của quân ta bị bắn cháy. Tôi lặng người, chạnh nghĩ: cho đến những phút cuối cùng của cuộc chiến tranh, trước giờ toàn thắng, vẫn còn những đồng đội của tôi tiếp tục ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc!


Trình giấy, qua ba-ri-e do các chiến sĩ ta đứng gác, chúng tôi đi thẳng vào căn cứ sư đoàn 5 không quân nguỵ. Doanh trại rộng thênh thang. Tôi đi vào gian sở chỉ huy của bộ tư lệnh sư đoàn này. Vào phòng, một tấm mica dày cộm, to cao sừng sững đập vào mắt tôi. Thì ra đó là tấm sơ đồ đánh dấu đường bay, có ánh điện toả sáng giữa những lớp mica trong suốt. Tôi đem so sánh nó với tấm mica đánh dấu đường bay của ta, mà chúng tôi thường gọi là bản đồ 9x9 và 5x5 ở các sư đoàn, thậm chí ở cả Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, nơi đã từng là cơ quan đối đầu với bộ chỉ huy tập đoàn không quân chiến lược Mỹ trong cuộc chiến 12 ngày đêm cuối năm 1972, thì thấy phương tiện chỉ huy của mình nhỏ bé, đơn sơ quá! Nhưng kỳ diệu thay, những cái bé nhỏ đơn sơ ấy đã lần lượt chiến thắng mọi phương tiện chiến tranh hiện đại bậc nhất của kẻ thù.

Các anh trên Bộ Tư lệnh, sau khi đến xem xét, đã quyết định cho đặt sở chỉ huy tạm thời của Tiền phương Quân chủng tại đây.

Mấy hôm sau tôi xin phép thủ trưởng bộ tham mưu cho về thăm gia đình. Chiếc xe con cắm cờ Mặt trận chầm chậm đi vào con hẻm nhỏ và dừng lại trước căn nhà số 212/92. Bà con lối xóm ùa ra.

-Bà Lai ơi! Có chú giải phóng hỏi nhà bà đây nè!


Cửa mở. Hai em gái tôi chạy ra trước tiên, ngỡ ngàng. Ngày xa nhau cách đây 27 năm, khi mẹ tôi dắt díu hai em về vùng tạm chiếm, rồi theo một số đồng bào chạy vào Sài Gòn tìm gặp cha tôi, thì hai em gái tôi đứa lên 12, đứa lên 7, còn tôi đã là chàng thanh niên 18 tuổi. Giờ đây, tôi đã ở tuổi 45, các em khó nhận ra tôi là phải. Tôi vội vàng lên tiếng:

-Diệu Lan, Diệu Minh hả? Anh Lân đây!

Cô em út miệng cười tươi như hoa:

-Thư anh gửi, mạ (mạ: mẹ-tiếng địa phương miền Trung) và bọn em đã nhận được ngay chiều mồng 1 tháng 5. Ngày nào mạ và bọn em cũng mong anh về.

Cô chị thì rối rít gọi vào trong:

-Mạ ơi, anh Lân về. Mạ ơi, anh Lân về-và cô không quên ra đường mời chú lái xe vào chơi.

Tôi bước vào nhà ôm chầm lấy mẹ tôi. Mẹ tôi đã quá già. Gần ba mươi năm rồi còn gì. Ngước mặt nhìn con, mẹ tôi nghẹn ngào nói:

-Con ơi, ba con đã ra đi từ năm ngoái. Ba con đi quá sớm không đợi được ngày về của con.

Lời của mẹ làm tim tôi thắt lại:

-Thưa mạ! Con đã biết tin ba con mất, do một cán bộ làm việc ở phòng Lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Hà Nội-đọc được lời cáo phó trong một tờ báo từ miền Nam chuyển ra, báo lại cho con.

Mẹ tôi lau nước mắt, rồi hỏi han tình hình bà con mình ngoài bắc, tình hình con gái, con rể, con dâu, nhất là các cháu nội, cháu ngoại của bà. Tôi rút ví, lấy tấm ảnh hai vợ chồng tôi chụp với hai con, đưa cho mẹ tôi xem. Nét mặt mẹ hiện lên niềm vui rạng rỡ.

-Ôi! Hai cháu Quang và Lan Phương của bà dễ thương quá!

Chuyện trò đã lâu, tôi xin phép mẹ cho trở về đơn vị, hẹn hôm nào thư thả công việc, sẽ ở nhà với mẹ được lâu hơn.

Tối hôm ấy, một mình tôi leo lên tầng thượng của toà nhà Sở chỉ uy. Đứng trên tầm cao, tôi phóng mắt nhìn quang cảnh Sài Gòn về đêm, ngập tràn ánh điện. Lòng tôi lâng lâng tự hào, vinh dự được có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng thành phố. Hướng về phía tây bắc, xuyên qua màn đêm, tôi hình dung lại chặng đường hành quân vừa qua, dọc theo chiều dài đất nước, trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.


Đường Trường Sơn, con đường mang tên Bác kính yêu, đưa chúng con vào trận đánh cuối cùng của cuộc trường chinh ba mươi năm giành thắng lợi hoàn toàn, sẽ mãi mãi đi vào lịch sử quang vinh của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của Tổ quốc Việt Nam.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #34 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2008, 07:34:56 am »

Anh lái xe Trường Sơn

Xe các anh ra đi,
Trong mênh mông Trường Sơn Giữa trập trùng núi biếc
Giăng giăng bức màn sương

Đoàn xe đi, cheo leo
Giữa mông lung trời sao
Mồ hôi đầm lưng áo
Đèo mãi cao, còn cao

Xe anh đi mùa khô
Trong bụi mù đất đỏ
Áo anh đầy bụi phủ
Màu xanh thành màu nâu

Xe anh đi mùa mưa
Trong đất bùn lầy lội
Cùng suối lũ, mưa rơi
Làn da anh xanh tái

Từ bên Trường Sơn Đông
Anh qua Trường Sơn Tây
“Miền Nam" trong trái tim
Sống chết nào sá chi…

Xe anh mê mải vượt suối đèo
Trời khuya gió lạnh, giọt sương gieo
Xe nối theo xe, đi lầm lũi
Hàng nặng, băng qua những chặng đèo

Dù “địch đánh, ta cứ đi”
Qua nhiều trọng điểm vạn lần nguy
Bom nổ trước sau trùm khói lửa
Vẫn không ngăn được bánh xe quay…

Anh biết giờ đây bên xe anh
Bao chàng lính trẻ mắt long lanh
Bao cô em gái hồng đôi má
Tay vẫy, miệng cười, đôi mắt xanh.

Đã mấy năm rồi không nghỉ ngơi
Xư từng vỡ kính, bẹp bên tai
Nguỵ trang giàn lá che mắt địch
Anh vẫn vào ra những tháng ngày.

Qua núi qua non, anh cùng xe
Sớm tối bên nhau vượt dặm dài
Trước vành tay lái, anh nhìn thẳng
Với một niềm tin không chuyển lay

Ơi anh! “Anh lái xe Trường Sơn"
Bình dị tên anh giữa chiến trường
Thương mến xiết bao người dũng sĩ Tên anh còn mãi với con đường
Trường Sơn Tây, Xuân 1972
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM