Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:29:35 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vở cải lương: Tiếng Trống Mê Linh  (Đọc 35881 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« vào lúc: 30 Tháng Chín, 2013, 11:31:20 pm »

I. Đôi lời mở đầu:
Từ khoảng 3 năm trở lại đây, tôi thường nghe cải lương. Ban đầu cũng chỉ là tìm lại một vài vở hoặc làn điệu đã nghe từ bé, sau đó dần dần thích và mày mò tự tìm hiểu sâu thêm về các bài bản, làn điệu. Dựa vào việc đọc các bài viết, tham gia một số trao đổi và được sự chỉ dẫn trên các website, forum mà tôi cũng dần dần tích lũy được một chút kiến thức về cải lương. Bên cạnh đó, thông qua các website chia sẻ video, ca nhạc mà tôi có dịp xem lại các vở cải lương kinh điển, được trình diễn bởi các nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có nhiều vở rất hay về đề tài Dựng Nước - Giữ Nước như: Phù Đổng Thiên Vương, Tiếng Trống Mê Linh, Thái Hậu Dương Văn Nga, Câu Thơ Yên Ngựa, Bão Táp Nguyên Phong, … Đó thật sự là những viên ngọc quý trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam.

Tôi sẽ dần dần chép lại nguyên tuồng và đưa lên diễn đàn các vở cải lương trên. Tuy nhiên, do kiến thức về cải lương hiện giờ còn rất hạn chế nên tôi chỉ cố gắng “chép” lại là chính, còn về việc xác định các giai điệu, bài bản thì quả thật hiện tại tôi chưa thể nào đảm bảo chính xác 100% được. Nếu có chỗ nào chưa chính xác thì rất mong được mọi người chỉ ra, giải thích và hướng dẫn thêm cho, tôi xin chân thành cảm ơn. Đó cũng là cơ hội để tôi có thể bổ sung thêm kiến thức (như cách đây hơn 2 năm, trên diễn đàn ta, nhờ bác TS10 chỉ dẫn mà tôi biết được điệu Ngựa Ô Nam).

II. Một số lưu ý về cách sử dụng các kí hiệu

Tôi chưa bao giờ được đọc một kịch bản cải lương hoàn chỉnh, vì vậy dù có thể chưa được chuẩn và chính xác, tôi xin được đặt ra một số quy ước, kí hiệu như dưới đây:

1. Tên các điệu, bài bản được viết nghiêng trong cặp ngoặc vuông [], đặt tại phần mở đầu; khi kết thúc được đánh dấu bởi hai dấu bằng viết liền nhau: ==.
Thông thường thì trước mỗi điệu hát sẽ có một đoạn nói lối, ngâm, … trước khi bắt đầu vào phần giai điệu (gọi là “vô”), tôi sẽ đặt cặp ngoặc vuông ở ngay chỗ “vô”, ví dụ:

Cụ Đô Trinh:
(Nói lối, chưa có nhạc)
Giữa đêm khuya dưới vành trăng khuyết
Ta ngồi trên thềm đá của một cung điện từng vang bóng huy hoàng mà ôn cố tri tân
(nhạc bắt đầu).
[Ngựa Ô Nam]
(bắt đầu điệu Ngựa Ô Nam)
Sự huy hoàng lẩn khuất đâu đây
Trong rêu phong tường đổ, trong cả nền đá lạnh đâu đây.
...

2. Một điệu hát hoặc bài bản có thể có nhiều tên gọi, tôi sẽ dùng một tên gọi chính, sau đó ghi các tên gọi khác trong ngoặc đơn:
Ví dụ:
[Đảo Ngũ Cung (Nam Đảo)]
Do điệu Đảo Ngũ Cung còn có tên gọi là Nam Đảo.

3. Tôi dùng dấu hỏi để đánh dấu những chỗ tôi chưa rõ hoặc chưa dám khẳng định chắc chắn. Ví dụ:
+ [điệu: ?] chưa rõ điệu hát/bài bản
+ [Vọng Cổ, câu ?]: bài Vọng Cổ, chưa rõ câu nào (bài Vọng Cổ nhịp 32 có 6 câu)
+ [Xuân Tình, lớp ?]: điệu Xuân Tình, chưa rõ lớp nào (điệu Xuân Tình có 4 lớp)
+ [Xuân Tình, lớp 4?]: điệu Xuân Tình, có thể là lớp 4, nhưng tôi không chắc chắn.

4. Trong một điệu hát, đôi khi có những câu nói đệm thêm vào, những câu này không thuộc trong làn điệu hay bài bản, và tôi để trong cặp ngoặc đơn. Ví dụ:

Đông Bảng:
Bẩm chủ tướng,
Thưở xưa vị thành hoàng làng tôi chính là người rèn roi cho Thánh Dóng đánh giặc Ân,
Nay chúng tôi nối nghiệp tiền nhân rèn đôi gươm báu khắc lời tâm huyết tự nguyện vì nước quên mình,
[Xàng Xê, lớp Hò] (bắt đầu điệu Xàng Xê)
Kính dâng lên lòng quyết tâm hiến thân cho đại nghĩa,
Lâu nay chúng ta cắn răng đợi chờ cho đủ.
Giặc thêm bạo tàn, giết người quá lắm khắp cả nơi nơi

(Trưng Trắc: Điều đó Trắc tôi được biết.)

Đông Bảng: (tiếp tục điệu Xàng Xê)
Xin chủ tướng phất cờ khởi nghĩa
Để cứu dân lành thoát cảnh lầm than
Chúng tôi nguyện đứng cùng người trải mật phơi gan
Dẫu có nát thân hay thế nào cũng chẳng sờn gan


5. Trong các câu Vọng Cổ nhịp 32, sau các nhịp 24 và 32 thì sẽ có tiếng song lang, tôi đánh dấu bằng kí hiệu (SL). Tôi cũng sẽ chỉ ghi lại kí hiệu này trong các câu Vọng Cổ, các điệu khác cũng có thể có tiếng song lang, nhưng tôi không ghi lại.

6. Việc phân ra thành các cảnh, các màn cũng là do cảm tính của tôi, tôi không chắc chắn là chính xác.

7. Có một số từ tôi nghe không rõ thì sẽ dùng dấu 3 chấm

8. Chỗ nào cần ghi chú, tôi sẽ đánh dấu bằng cặp ngoặc đơn kèm theo chữ số, và chú thích ở cuối bài.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười, 2013, 12:48:14 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #1 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2013, 11:33:33 pm »

Tiếng Trống Mê Linh

Đoàn cải lương Thanh Minh (1976)

Giai đoạn lịch sử: Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán, năm 40





“Sắt son một dạ đền ơn nước
Muôn dặm đường trường vó ngựa tung,
Gươm báu khắc sâu lời nguyện ước
Quên mình rửa sạch mối thù chung.”

Link youtube, nguyên tuồng:
http://www.youtube.com/watch?v=AgXyS8PrMEk

[Nhạc nền đoạn giới thiệu mở đầu: điệu Cao Phi]

Nhóm kịch tác gia Trương Minh
sáng tác
Theo kịch bản Trưng Vương của Việt Dung.

Đạo diễn: Ngô Y Linh
Điều hợp trình diễn: Hà Duy
Họa sĩ: Lương Đống
Biên đạo múa và âm nhạc: Văn Khánh
Y trang: Tám Trống
Dàn nhạc Văn Khánh.
Tân nhạc: Lục Tích Hồng, Trần Văn Mùi, Đỗ Văn Ba, Phan Thành Nhàn, Lê Hiếu Đức.
Cổ nhạc: Phạm Văn Phụng, Trần Văn Trôn, Võ Phú Hạo.

Phân vai nghệ sĩ:

Thanh Nga : Trưng Trắc
Hà Mỹ Xuân: Trưng Nhị
Kim Hương: Nàng Tía
Ngọc Nuôi: Lê Chân
Bích Sơn: Thánh Thiên
Thanh Sang: Thi Sách
Văn Ngà: Tô Định
Hoàng Giang: Tào Uyên
Hùng Minh: Mã Tắc
Bảo Quốc: Chương Hầu
Quốc Nhĩ : Đông Bảng
Ba Xây: Đô Trinh

và toàn thể nam nữ diễn viên trong các vai khác và màn ca múa.
Và một số diễn viên khác
Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #2 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2013, 11:36:43 pm »

Màn 1 – Giỗ Tổ Đền Hùng

Cảnh 1



Dân chúng tập trung trên núi Nghĩa Lĩnh, múa hát chờ đợi đến giờ nổi trống đồng làm lễ.

Đông Bảng cùng cụ Đô Trinh bước ra:

Đông Bảng: Nghe đây nghe đây, tất cả đồng bào hãy nghe đây nghe đây. Hôm nay là giỗ tổ Hùng Vương, Thi tướng quân mời tất cả đồng bào tề tựu trước đền Hùng, chờ đợi đến giờ nổi trống đồng làm lễ tế cáo cùng Quốc Tổ. Đồng bào hãy nghe đây nghe đây ...

Chương Hầu (chạy ra): Nghe cái gì, nghe cái gì, tại sao các người dám tụ tập rầm rầm như vậy chớ?

Cụ Đô Trinh: Có việc gì không gã Chương Hầu?

Trưng Nhị bước ra, đứng cạnh Đông Bảng.

Chương Hầu: Thái thú Tô Định đã ra nghiêm lệnh, cấm mọi người tụ tập đông đảo, nếu người biết đó hả, mình không có yên đâu.

Đông Bảng: Nhưng dân ta không thể quên ngày giỗ Tổ được. Ông muốn yên thì hãy lánh mặt đi

Chương Hầu: Hừ, các người không sợ mất đầu à?

Trưng Nhị: Mất nước mới đáng sợ hơn chớ.

Chương Hầu: À, bà Trưng Nhị, Từ núi Nghĩa này đến chỗ đóng quân của đô úy Mã Tắc không xa lắm, hắn có thể đem cả giáp binh tới đây. Bà nên ra lệnh cho tất cả dân làng tản bớt đi

Trưng Nhị: Chị Trắc tôi đã nghĩ đến điều đó rồi, nhưng Đông Bảng hãy hỏi lại ý của mọi người cho Chương Hầu thấy rõ.

Đông Bảng: Hỡi đồng bào hãy nghe đây, hôm nay chúng ta tụ tập tại đền Hùng để làm lễ giỗ Tổ, có thể bị giặc bắt, vậy đồng bào nghĩ thế nào ?

Cụ Đô Trinh: Mất đầu cũng không sợ.

Mọi người đồng thanh: Mất đầu cũng không sợ.

Chương Hầu: Mất đầu lấy gì sợ ?

Trưng Nhị:
Chương Hầu đã nghe rõ rồi chớ.
Bá tánh không sợ mất đầu vì họ không muốn làm người dân mất nước
[Xuân Tình, lớp 4 ?]
Nên tất cả đã vượt núi băng rừng
về giỗ tổ Hùng xây dựng non sông
tự ngàn xưa làm rạng rỡ giống nòi.
Cụ Đô Trinh tuổi già suy nhược
từ Long Biên cũng lặn lội đến nơi này.
Đông Bảng kia nằm đợi đã bao ngày.
Góp mặt sớm nhất lại là nàng Thánh Thiên.

Chương Hầu:
Nhưng tôi mải lo việc của Tô Định cùng Mã Tắc từng xuống lệnh truyền
cấm chúng dân tụ tập đông người,
nếu ai cãi lời thì sẽ bị thiệt thân.

Đông Bảng:
Tô Định là thái thú, Mã Tắc là đô úy sang cai trị nước mình.
Lệnh của chúng là lệnh của sói lang,
thì sao lại bắt dân phải răm rắp thi hành?

Cụ Đô Trinh:
Huống chi đây là tục lệ, hàng năm dân chúng đến đền Hùng,
trước biết ơn người khai sáng sơn hà
sau muôn lòng quyết bảo vệ non sông.

Trưng Nhị:
Chương Hầu!
Tất cả những người có mặt,
nào xá kể gông cùm kềm kẹp
một dạ tìm về đứng trên núi Nghĩa
ví như hình đàn voi trên dải phù đinh.
Chín mươi chín con cùng một hướng quay đầu,
chỉ một con phản là bị chém chết ngay.
Tích cũ gương xưa để lại rành rành,
Ai người có mắt nên lấy đó mà làm gương
==

Chương Hầu: Hừ, ta vầy mà so sánh với voi được à. Voi khác người khác chứ bộ. Quan quân cai trị còn khác hơn nữa, tôi lo là lo chúng sẽ làm cỏ cả vùng này.
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười, 2013, 09:50:22 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #3 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2013, 11:39:08 pm »

Có tiếng vó ngựa, Thánh Thiên chạy vào.

Thánh Thiên:  Chị, đội kị binh của Mã Tắc đang tiến hướng về núi này, em phi ngựa về đây cấp báo.

Chương Hầu: Đó, tôi nói có sai đâu, thấy không, đô úy Mã Tắc đem quân tới đây mà. Ông ấy mà đem quân tới đây đó nghe, gươm tuốt ra khỏi vỏ, chém chém chém chém ...

Đông Bảng: Ông sợ thì ông hãy lánh mặt đi, để dân chúng ở đây người ta đối phó

Chương Hầu: Lánh mặt thì phải lánh mặt rồi. Để ở đây đô úy Mã Tắc nhận diện được thì nguy à, phải tìm chỗ chốn chứ, ngu ở đây à ...

Nàng Tía (gánh rượu đi vào):

Ai mua rượu không? Ai mua rượu không?
[Đoạn này có âm hưởng của dân ca Bắc Bộ, có thể là phỏng theo điệu Trống Quân]
Rượu ngon này là rượu của đền Hùng
Rượu … mà … … rượu ấm tình nồng

Chương Hầu: Rượu ấm tình nồng cái gì, nguy tới nơi rồi, ra chỗ khác cho tôi đi Nàng Tía.

Nàng Tía: Khoan đã Chương Hầu, mời ông xơi rượu cái đã, uống rượu này gan nhỏ thành to, mật lưng thành mật đầy, xin mời, xin mời mà ...

Chương Hầu: Cám ơn, cám ơn, cám ơn, để khi khác, để khi khác.

(Chương Hầu chạy mất)


Trưng Nhị:  Em, thôi đừng đùa cợt nữa.

Nàng Tía: Dạ thưa chị, em làm cho Chương Hầu mắc cỡ bỏ đi xa để em tiện báo cáo mấy điều cơ mật
[Cặp đôi bài bản: Ngũ Điểm - Bài Tọa (tên đầy đủ: Ngũ Điểm Mai - Tọa Ngọc Lầu)
Tuy nhiên trên các trang web hay gọi là: Ngũ Điểm - Bài Tạ
]
Với gánh rượu này em len lỏi vào địch quân
Tìm biết chúng hiện đang bất đồng
Tào Uyên thì muốn an dân trong khi Mã Tắc lại say máu người

Thánh Thiên:
Tin thêm là chúng tới nơi này,
nhằm thăm dò lực lượng chúng ta
rồi chúng sẽ ra tay diệt trừ

Trưng Nhị:
Tin tức thật là quý báu.
Ta mau vào trình với tướng quân
để người sắp đặt kế mưu,
bảo toàn nghĩa cả cho rạng danh đền Hùng.
==

Trưng Nhị: Cụ Đô Trinh và mọi người chuẩn bị lễ giỗ Tổ, chúng tôi sẽ trở lại đây ngay.

Cụ Đô Trinh: Đồng bào hãy nghe đây, giặc sắp đến đây ngăn trở không cho chúng ta làm lễ giỗ Tổ, trà đạp lên tập tục ngàn đời của chúng ta, dù có phải chết, chúng ta cũng quyết ngăn cho giặc không được tự ý hoành hành.

Đông Bảng: Phải, nổi trống làm lễ ngay đi cụ!
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười, 2013, 11:28:10 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #4 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2013, 11:48:12 pm »

Cảnh 2

Mã Tắc và Tào Uyên đem một toán quân Hán xông đến.

Mã Tắc:  Cận tướng, đốt hết, chém hết cho ta!

Tào Uyên:  Đợi lệnh ta, đợi lệnh ta, đợi lệnh ta. Lui tất cả.
Mã đô úy, không nên, không nên.

Mã Tắc: Tào quân thừa, lúc ở tại bản doanh, ông cứ lải nhải lặp đi lặp lại câu nói ấy, bây giờ đến đây còn muốn cái gì?

Tào Uyên: Mã đô úy quên đây là đền thờ của Hùng Vương sao ?

Mã Tắc: Đền thờ của Hùng Vương thì sao? Ta bất cần. Đối với cái bọn Giao Chỉ này này, nếu ta không ra tay để chém giết chúng đi thì làm sao có thể trừng trị chúng được chứ?

Tào Uyên: Thiên triều đã chiếm được Giao Chỉ hàng trăm năm, sự chém giết không ngừng tay, nhưng càng chém giết bao nhiêu thì chúng nó lại nổi lên chống lại bấy nhiêu. Theo tôi nghĩ, có thể ngồi ở trên mình ngựa lấy cả thiên hạ, chứ không thể ngồi ở trên mình ngựa để cai trị cả thiên hạ. Hừ. Đối với cái bọn man di này, cứ ràng đầu nó như ràng đầu ngựa, buộc mũi nó như buộc mũi trâu, cứ ràng, cứ buộc như vậy là thượng sách.

Mã Tắc: Phải ràng buộc chúng?

Tào Uyên: Ừ.

Mã Tắc: Bằng cách nào?

Tào Uyên: Luật pháp của thiên triều có nhiều khi bén nhọn hơn gươm giáo. Nhưng ta đánh rắn á, ta phải đánh trên đầu của rắn.

Mã Tắc: Đánh rắn phải đánh trên đầu của rắn?

Tào Uyên và Mã Tắc cười nham hiểm.

Mã Tắc: Thi Sách đâu? Thi Sách đâu?

Chương Hầu: Dạ, dạ bẩm đô úy, Thi tướng quân đang ở trên miếu Tổ.

Mã Tắc: Báo với Thi Sách rằng có Mã đô úy đến!

Chương Hầu: Tuân lệnh.

Mã Tắc: Trong tất cả các người đây chỉ có một thằng đó biết nói thôi sao?

Cụ Đô Trinh: Khổng phu tử của quý quốc có nói: “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, gã Chương Hầu tiếp chuyện với ngài cũng là lẽ hay thôi.

Thi Sách bước ra.


Tào Uyên (nói nhỏ với Mã Tắc): Đó, nó đó.

Thi Sách: Chẳng hay Tào quân thừa và Mã đô úy đem quân đến đây có việc chi chăng?

Mã Tắc: Ông Thi Sách đó à, ông có biết rằng luật của thiên tử cấm không cho tụ tập đông người hay không? Tại sao các ông lại không tuân lệnh?

Thi Sách: Giỗ tổ Hùng Vương là tục lệ ngàn đời, là dân Việt, chúng tôi không thể nào lãng quên được.

Mã Tắc: Nhưng trước hết các ông phải nhớ ở vào địa vị của các ông, lệnh của thiên triều là trên hết, biết chưa?

Thi Sách:
Mã đô úy, khuyên ông chớ nên đổ dầu vào lửa. Ở cương vị ông, nếu người dân của quý quốc bị người ta bắt phải quên đi
[Ngựa Ô Bắc (Lý Ngựa Ô Bắc)]
Tổ tiên lăng miếu cõi bờ
sống trong kiếp sống tăm tối thú cầm
có thể nào cúi đầu mà chịu nhục hay không?

Mã Tắc:
(Thôi câm đi!)
Tội của các ngươi quả thật là to gan
dám chống lệnh vua
lắm lời kiêu căng
Tổ tiên, cõi bờ, lăng miếu?
các ngươi dám chống lại lệnh của ta thì tội ấy khó dung tha.
(Cận tướng!)

Tào Uyên:
(Khoan!)
Mã đô úy hãy nên bình tâm xét lại.
Tục lệ thờ cúng tổ tiên là tục lệ lâu đời của người Việt.
Tôi tưởng ngài cũng lên tha thứ,
để tỏ ra mình là độ lượng khoan hồng.

Mã Tắc:
(Tất cả nghe đây)
Ta tha thứ cho một lần này, là lần thứ nhất các ngươi
mà nên nhớ rằng đây là một lần sau chót, nghe chưa.

Tào Uyên:
(Tất cả nhớ nhé)
Chúng ta mau quay gót trở về vì trời đã xế chiều,
và ta còn điều bàn bạc ở trung dinh.
==

Mã Tắc: Khoan! Lệnh của thiên tử đã truyền, phải thâu hết đồ đồng đồ sắt đem về Lạc Dương để xây dựng cung điện, nhưng tại sao chiếc trống đồng này các người lại không đem nạp? Tại sao ?

Cụ Đô Trinh: Cả vùng này chỉ còn có một trống đồng để tế trời đất, lễ tổ tiên, mà các ông cũng định tóm thâu hết à?

Tào Uyên (bước lên ngắm nghía chiếc trống đồng, rồi quay lại nói nhỏ với Mã Tắc): Trống đẹp thật, to thật, nó có khắc Chim Lạc biểu tượng của dân Nam vỗ cánh bay cao, chiếc thuyền lướt sóng hiểm nguy, Mặt Trời chói lòa ánh sáng. Đẹp!

Mã Tắc:  Cận tướng! Mang trống đồng về dinh cho ta!

Cụ Đô Trinh: Khoan! Không ai được động đến báu vật của chúng ta.

Mã Tắc: Tính mạng của các ông có giữ được không ?

Cụ Đô Trinh: Ta cần giữ trống chứ không cần giữ mạng.

Mã Tắc xông lên, Đông Bảng hô mọi người cản lại.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười, 2013, 12:04:18 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2013, 12:08:47 am »

Thi Sách: Mã đô úy. Ông lại nóng nảy nữa rồi. Đối với những người dân Việt chúng tôi tại sao  ông lại thích dùng gươm giáo như vậy?

Mã Tắc: À, là tại ...

Thi Sách: Chiếc trống đồng này không phải chỉ là vật riêng của những người dân tụ họp ở đây không đâu.

Mã Tắc: Sao bây giờ các ông lại muốn làm loạn với ta?

Thi Sách: Loạn hay không là do cách xử sự của ông.

Mã Tắc rút gươm, Tào Uyên cản lại: Khoan! Chớ nóng, đừng nóng

Tào Uyên:
Thi đại nhân! Ngài là một trang tuấn kiệt ở Châu Diên, lẽ nào không khu xử cho yên
[Mẫu Tầm Tử]
Có lý đâu để cho đáng tiếc cái chuyện này?
Tô thái thú có lòng mến ông,
nhiều lần phái tôi đến tận quý gia
tặng châu báu ngọc ngà,
tỏ lòng thân thiện

Thi Sách:
Tôi xin cám ơn người,
Nhưng trống đồng là báu vật thiêng liêng của một quận Châu Diên.

Mã Tắc:
Còn ta quyết đem đi cho bằng được,
Cận tướng đâu, mang trống đồng về dinh cho ta

Cụ Đô Trinh:
(Khoan!)
Muốn khiêng trống đồng phải bước qua xác của ta

Thi Sách:
Đô úy, hãy chờ tôi bàn lại với mọi người xem.

Mã Tắc:
Không! … …. có tướng lệnh đem trống đồng dâng nạp.
Bằng trái ý của ta thì các người sẽ toi mạng và nơi này sẽ biến thành bình địa.
==

Thi Sách:
Bình địa? ha ha ha ha ha ...


Thi Sách (bước lên dõng dạc):
Tổ tiên xưa khó nhọc, mới đúc lên trống đồng.
Gửi hồn thiêng đất nước, trong tiếng trống oai hùng.
Trống thúc trâu cày ruộng,
Trống gọi người đi săn,
Trống báo tin cướp dữ,
Trống xuống lệnh quên mình.

Cụ Đô Trinh: Đầu ta dù có rụng, vẫn quyết giữ trống đồng.

Đông Bảng: Giữ trống bằng sức mạnh, của đôi cánh tay này.

Nàng Tía: Giữ trống bằng đòn gánh, đập quân cướp tan thây.

Thánh Thiên: Giữ trống bằng tên sắt, cắm giữa ngực loài tham.

Trưng Nhị: Đánh cho chúng cuốn vó, dân mới được yên lành.

Mọi người đồng thanh: Đánh, đánh, đánh.

Mã Tắc: Thôi. Đánh đánh cái gì? Hừ, các người muốn tạo ra điều sát máu à?
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười, 2013, 12:59:27 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #6 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2013, 12:56:45 am »

Có tiếng vó ngựa, Tô Định đến.

Thi Sách: Kính chào Tô thái thú, rất tiếc là Tô thái thú đến gặp lúc chúng tôi đang tiến hành lễ Tổ, xin Tô thái thú hãy miễn thứ cho. Mã đô úy, thiết tưởng hồi nãy Mã đô úy cũng đã nghe chúng tôi nói rồi. Thưa bà con trăm họ, chúng ta quyết cử hành ngay lễ Tổ. Cụ Đô Trinh, mời cụ hãy nổi trống đồng tuyên thệ.

Cụ Đô Trinh: Tuân lệnh!

Mã Tắc: Bẩm thái thú, bọn họ ương ngạnh như thế là cùng, xin phép ngài cứ ra lệnh để tôi làm cỏ cả vùng này.

Cụ Đô Trinh vung tay định nổi trống, Trưng Trắc đi xuống, ngăn cụ Đô Trinh.

Trưng Trắc: Khoan, xin cụ hãy chờ giây lát!

Mã Tắc: Ít ra cũng phải có một kẻ biết sợ oai trời như Thi phu nhân đây thì mới có thể cứu sinh mạng cho dân cả vùng này chứ. Cận tướng, mang trống đồng về dinh cho ta!

Tô Định (từ lúc xuất hiện chỉ lẳng lặng đi lại quan sát, đến giờ mới lên tiếng): Khoan! Tất cả đợi lệnh ta! Mã đô úy, khi có mặt ta nơi đây, chỉ có ta mới là người có quyền ra lệnh.

Mã Tắc: Tuân lệnh!

Tô Định: Thi tướng quân vừa rồi cãi lệnh của Mã đô úy, tụ tập nơi đây để tế lễ gì phải không?

Thi Sách: Phải, vì dân chúng tôi không thể quên ngày giỗ Tổ được.

Trưng Trắc: Tô thái thú, Trắc tôi thường nghe nói, điều gì hợp với đạo lý dầu không ra lệnh người ta vẫn làm. Điều gì trái với đạo lý, dầu cho có ra lệnh, người ta vẫn không làm. Nay các ông cậy vào gươm sắc giáo dài để ngăn cấm tập tục ngàn đời của chúng dân là trái với đạo lý đó.





Tô Định: Đạo lý? Đạo lý? Đạo lý nằm ở trong tay của kẻ mạnh, lẽ nào Thi phu nhân cũng không hiểu điều đó hay sao?

Trưng Trắc: Hơn hai trăm năm trước, Tần Thủy Hoàng có lẽ cũng đã nghĩ như thế, xua năm mươi vạn quân xâm chiếm phương Nam, nhưng rồi cũng nếm mùi thảm bại

Tô Định: Cao kiến thay, nhưng có điều gì khiến cho Thi phu nhân không tin vào đạo lý của ta.

Trưng Trắc:
Chim cắt tuy bé nhưng có thể chống nổi con diều hâu lớn
Quả cân tuy nhỏ cũng có thể nhấc bổng ngàn cân
Chim cắt quả cân đã biết thuận chiều đạo lý,
đó là chuyện dông dài phù phiếm, tưởng Tô thái thú ngài hỏi để làm chi?
Chúng tôi là tiểu quốc, các ngài là đại bang,
các ngài đã xua quân chiếm đóng đất này, thì các ngài phải nên lấy nghĩa nhân, mà đối xử với chúng tôi
[Đảo Ngũ Cung (Nam Đảo)]
Như thế mới mong không tức nước vỡ bờ.
Nhớ chuyện Hán đế ngày xưa
tranh nghiệp bá với Hạng vương
thường lo điều nghĩa nhân
nên thắng rất dễ dàng
truyện ghi trong sách sử nước ngài
sao ngài không học lấy cho thông?

Tô Định:
Sử ta đã chép những chương gươm sắc bao phen ta xem nhiều uy lực.

Thi Sách:
Phu nhân!
Đối với mối nhục thù này,
Ta không thể phân phải trái được đâu.

Tào Uyên:
Thi Sách!
Tôi xin ông cần suy nghĩ thiệt hơn,
Nếu không máu dân nhuộm đỏ đền Hùng.

Mã Tắc:
Giờ ta chỉ cần lấy trống đồng,
Các người có dâng nạp hay không?
==

Thi Sách kiên quyết: Không!

Trưng Trắc: Phu tướng ...

Mã Tắc: Cận tướng, tuốt gươm trần xông tới, nếu kẻ nào ngăn cản, chém!

Tô Định: Khoan! Tất cả đợi lệnh ta!

Tô Định nhìn quanh quan sát động thái của mọi người khắp một lượt rồi cười nham hiểm: Xin thành thật cáo lỗi, cáo lỗi. Bổn chức đây rất tôn trọng tập quán của quý quốc. Hạ tướng của bổn chức không biết nên mới phạm lỗi. Xin thành thật cáo lỗi, cáo lỗi. Bây giờ quý vị cứ tiến hành cuộc lễ ngay đi.

Mã Tắc: Bẩm thái thú, như thế này nghĩa là sao ?

Tô Định: Im! Không phải lúc nào cũng dùng vũ lực. Người đàn bà đó đáng cho nhà ngươi khiếp sợ đó. Truyền lệnh lui quân!

Quân Hán lần lượt rút hết khỏi núi Nghĩa Lĩnh.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười, 2013, 01:04:32 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2013, 12:13:10 am »

Cảnh 3

Mọi người đứng im lặng phẫn uất.

Trưng Trắc: Phu tướng ...

Thi Sách: Tại sao nàng ngăn không cho nổi trống đồng? Tại sao nàng lại làm giảm khí thế quân ta chứ? Nàng hãy nhìn kìa, Đông Bảng, Đô Trinh, Trưng Nhị, Thánh Thiên, tất cả đều phẫn uất.




Đông Bảng: Thi phu nhân, nhà tôi đời đời sống bằng nghề lò rèn. Ba năm trước, chỉ vì rèn một con dao đi rừng để phòng thú dữ, cũng bị Mã Tắc khép tội và đóng dấu chữ vào trán này đây.

Trưng Trắc: Điều đó Trắc tôi được biết. Chúng đã dùng sắt đỏ in vào giữa trán. Đông Bảng đã nung sắt đỏ hơn để xóa dòng chữ ô nhục kia đi.

Đông Bảng:
Lửa lòng tôi nóng hơn sắt đỏ,
Cho nên tôi không còn tiếc thịt da bỏng cháy.
Hàng chữ trên trán tạo thành ám ảnh đêm ngày đẩy bước chân tôi
[Xuân Tình, lớp 4?]
Đi khắp nơi làm kẻ không nhà,
hằng mong quên được chuyện đau buồn,
của kẻ đã làm thân nô lệ
thế mà nào có được đâu.
Tôi đây sẵn sàng liều thân để chống giặc,
quyết không thể nào chịu nhục,
thì tại sao bà lại ngăn cản không cho?

Trưng Nhị:
Hay là chị sợ e lo thế giặc,
và không tin tưởng lòng dân đang phẫn hận?

Thánh Thiên:
Nếu việc nào cũng van xin nài nỉ,
thì còn gì là thể diện của người Nam?
Dầu cho ngày nay giữ được trống đồng,
thì nỗi nhục này còn nỗi nhục nào hơn?

Thi Sách:
Thôi thôi dẫu có chê trách nhau cho lắm lời,
việc đã lỡ rồi thì nên nuốt nhục là hơn.
==

Trưng Trắc:
Không!
Trắc tôi không phải là kẻ tham sanh úy tử.
Việc sống thác của riêng mình đã gác bỏ từ lâu.
Nhưng sống hay chết cũng phải làm sao có lợi cho cả vạn dân Nam
[Nam Ai, lớp Mái]
Đang quằn quại giữa bọn xâm loàn.
Nhất thời không nén được hờn căm
sẽ gây thảm họa đau lòng.
Giặc bạo tàn đã bủa vây
mà ta thì sức yếu cô đơn
chỉ một trận chiến khơi màn
là tan tác cả quê hương.
Chi bằng chúng ta nên nén dạ căm thù
Rồi lo tích thảo đồn lương
Giáo gươm quân sĩ luyện đều,
chờ cơ hội để vùng lên.
Khi chưa dậy như rừng sâu gió lặng
khi vùng lên như biển cả sóng gào.
Toàn dân với sức mạnh căm thù,
lo gì không đuổi được xâm lăng.
==

Cụ Đô Trinh: Đúng, đúng lắm. Thi phu nhân quả có tài thao lược, chỉ một khoát tay ngăn không cho già này giục trống, là đã nắm cả một ý đồ trọng đại cho mai sau. Hay lắm.

Đông Bảng: Đông Bảng tôi xin tâm phục.

Trưng Trắc: Đông Bảng, nước đã mất thì tránh sao được nhục? Đông Bảng đã cho chúng ta hiểu sâu hơn điều đó. Biết nuốt hờn căm làm sức mạnh. Chính lúc này, xin nhớ lấy hờn căm!
Phu tướng, giờ đây ta hãy tế cáo với tổ tiên thề lấy máu mà rửa nhục.

Thi Sách: Phải! Phải tế cáo với tổ tiên thề lấy máu mà rửa nhục. Cụ Đô Trinh, mời cụ hãy giục trống đồng tuyên thệ.

Cụ Đô Trinh: Tuân lệnh!




Cụ Đô Trinh nổi trống đồng,
Trưng Trắc giương cao ngọn đuốc, tuyên thệ:
 
Hỡi đồng bào trăm họ
Giặc Đông Hán đang xéo dày đất nước
Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang?
Thà chết mà đứng thẳng,
Không cam chịu sống quỳ
Đất nước Nam cẩm tú
Người dân Nam anh hùng
Trước đền thờ Quốc Tổ
Thề hi sinh giết giặc cứu non sông.

Mọi người đồng thanh:
Giết giặc cứu non sông!
Xin Thề!

« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười, 2013, 12:43:49 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2013, 02:04:16 am »

Màn 2 – Trong Một Khu Rừng

Cảnh 1

Tào Uyên đứng chờ trong rừng, đi đi lại lại. Chương Hầu lò dò đi tới từ phía sau kêu dạ một tiếng, Tào Uyên bị bất ngờ, quay lại đụng phải Chương Hầu.




Chương Hầu: Dạ, bẩm quân thừa, kẻ hèn này không ngờ được gặp quân thừa tại đây.

Tào Uyên: Ông có phải là Chương Hầu không ?

Chương Hầu: Dạ, bẩm quân thừa, nó đó.

Chương Hầu cúi rạp sát đất vái Tào Uyên.

Tào Uyên: Ông làm như ông không có xương sống vậy. Sao? Ông bảo rằng có điều cơ mật muốn cần báo với ta, tại sao không thân hành tới dinh trung ta mà cấp báo, lại hẹn gặp chỗ này?

Chương Hầu: Dạ bẩm quân thừa, xin ngài tha tội, tôi sợ lân la đến dinh trung thì tôi sợ thám mã của Thi tướng quân để ý.

Tào Uyên: À à, được rồi. Những lời bộc trực của ông chứng tỏ ông có lòng trung thành với thiên triều. Ta tạm tha cho đó nghe không.

Chương Hầu: Dạ, bẩm quân thừa, ngoài việc tận trung với thiên triều còn là lòng cảm phục của riêng tôi đối với ngài nữa chứ.

Tào Uyên:  Hả, ông cảm phục ta?

Chương Hầu: Dạ chẳng những cảm phục mà còn thương nữa.

Tào Uyên: Thương?

Chương Hầu: Thương lắm ạ, thương lắm.

Tào Uyên: Cám ơn! Này, ở đời ai cũng ưa nịnh, nhưng nịnh vừa vừa, nịnh quá coi hổng có vô.

Chương Hầu: Dạ, thiệt mà quân thừa. Tôi xin thề trước vong linh cả họ nhà tôi là tôi cảm phục ngài lắm, cho nên bất cứ chuyện gì tôi biết tôi đều tìm một mình ngài mà báo cho ngài biết. Dạ, tôi có chuyện này cơ mật lắm, dạ xin phép ngài.

Chương Hầu ghé tai Tào Uyên nói nhỏ một lúc




Chương Hầu: Bí mật lắm đó ngài, một mình tôi biết thôi đó ngài.

Tào Uyên: Đúng rồi, một mình ông biết là đúng rồi

Chương Hầu: Một mình thôi

Tào Uyên: Vì nãy giờ ta không nghe gì hết, ta chỉ nghe được mấy tiếng: xào xào, xọc xọc xọc xọc ….

Chương Hầu: Dạ, vậy thì tôi xin phép tôi được nói lớn. Dạ bẩm quân thừa, sau ngày giỗ tổ Hùng Vương, Bà Trưng tập hợp dân làng, luyện tập kiếm cung, tích thảo đồn lương ...

Tào Uyên ngắt lời: Chuyện đó ta biết rồi, ông không có chuyện khác để báo với ta sao?

Chương Hầu:
Dạ, có chớ. Dạ tôi muốn nói là trong đám người muốn gây loạn kia
[Khốc Hoàng Thiên]
không có tôi trong đó.
Thú thật là tôi nhát còn hơn con thỏ.
Sau này có trừng trị chúng dân,
xin nhớ tôi, khoan chừa.

Tào Uyên:
(Này!)
Nếu như ông muốn giữ cái mạng già,
thì phải nghe lời của ta.

Chương Hầu:
(Dạ!)
Dạ nếu như quan trên đây thâu dụng,
thân này làm khuyển mã nó cũng vui

Tào Uyên:
Ngựa trâu ta đâu có thiếu gì,
chỉ cần ông làm nội ứng cho ta.
Tin tức loạn quân như thế nào,
ông mau liền cấp báo chớ đơn sai.
==

Chương Hầu: Dạ, tưởng gì chứ chuyện đưa tin, báo tin tôi dư sức làm, dạ miễn là là ...

Tào Uyên: Im, bây giờ ông muốn đặt điều kiện hả? Muốn đặt điều kiện thì ngắt cái đầu để xuống đó rồi hãy nói.

Chương Hầu: Ngắt cái đầu để xuống đó, thì cái miệng nó hết nói rồi.

Tào Uyên: Thần khẩu nó hại xác phàm là cái chỗ đó đó. Ông có cái số làm tới quan đại thần, mà tại cái miệng ông nó kiềm hãm cái số đó. Nếu không giữ, ta e có ngày ông mất mạng

Chương Hầu: Dạ bẩm quân thừa, ngài vừa nói là tôi có số làm tới quan đại thần.

Tào Uyên: Ờ, à hả, ờ …

Cả hai đứng cười nham nhở với nhau một lúc.

Tào Uyên: Ta cho ông biết, ta vốn là nhà địa lý tài ba mà hoàng đế phái ta qua phương Nam chấn áp những ngôi đất phát vương để ngăn ngừa hậu hoạn. Ta thấy ngôi mộ tổ phụ nhà ông đang nằm ở trong mạch phát tả bậc văn khôi.

Chương Hầu: Tả bậc văn khôi?

Tào Uyên: Ờ.

Chương Hầu: Vậy là tôi có số làm tới quan thừa tướng, trời ơi!

Tào Uyên: Nhưng cửa Đền Hùng án ngữ làm sao phát được. Muốn phát được phải triệt hạ Đền Hùng thì họa may mới phát.

Chương Hầu: Triệt hạ đền Hùng?

Tào Uyên: Lẽ dĩ nhiên là nhà ngươi không bao giờ làm chuyện đó được. Này, nhưng hôm nay có binh của thiên triều rồi. lo gì cái chuyện đó không thành. Muốn thành sự thật đến dinh trung ta giúp cho

Chương Hầu: Ngài giúp cho?

Tào Uyên : Ừ.

Chương Hầu: Dạ đội ơn ngài, vạn đội ơn ngài

Tào Uyên vỗ đầu Chương Hầu rồi đi mất.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười, 2013, 05:27:16 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #9 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2013, 02:05:31 am »

Cảnh 2

Chương Hầu khúm núm một lúc rồi đứng cười một mình: Ta sẽ làm quan tể tướng, kẻ nào chạm tới tay ta thì … nát thây.
 
Từ xa vẳng lại tiếng rao rượu của nàng Tía: Ai mua rượu ngon không? Ai mua rượu ngon không?

Chương Hầu: Ngon thiệt không à ?

Nàng Tía đi đến, nhìn thấy Chương Hầu thì dừng lại.

Chương Hầu: Hừ, con nhỏ này sẽ nát thây.

Chương Hầu gọi rượu

Nàng Tía: Kìa Chương Hầu, bữa nay ông gọi mua rượu, chắc mật lưng muốn đầy, gan nhỏ muốn to phải không?

Chương Hầu:
Hừ, đừng có ăn nói cái giọng chèo đèo,
Ông cho biết chỉ nay mai,
[Mẫu Tầm Tử]
Ông là phụ mẫu chi dân.
Lệnh của ông tất cả phải tuân hành,
nếu muốn được hưởng giàu sang phú quý,
phải dịu dàng ngon ngọt với ông,
nàng nhất định chẳng có mất phần đâu.

Nàng Tía:
(Này,)
Rượu uống chưa mà ông có vẻ say,
hay mộng quan quyền làm cho ông ngất ngây?

Chương Hầu:
Khi làm quan ta tuyển chọn nàng,
làm thứ thiếp nàng có chịu hay không?
==

Nàng Tía: Ông làm quan?

Chương Hầu: Ừ.

Nàng Tía: Ủa, mà ông này làm quan gì vậy ha?

Chương Hầu: Để ta nhớ coi.

Nàng Tía: Ờ … , à, vậy là tôi biết rồi.

Chương Hầu: Biết rồi hả?

Nàng Tía: Dạ, em xin ra mắt ông quan đàng chi địa.

Chương Hầu: Đừng có nói bậy, mặt này mà quan đàng chi địa hả?

Nàng Tía: Không phải hả?

Chương Hầu: Hừ, ta sẽ là võ tướng.

Nàng Tía: Võ tướng?

Chương Hầu: Ừ.

Nàng Tía: Trời ơi, làm võ tướng gì đi cái tướng gì kì quá vậy, đâu có phải.

Chương Hầu: Tại sao nàng lại ăn nói trịch thượng với ta hoài vậy, hả?

Nàng Tía: Dạ, nếu mà ông làm võ tướng thì tài nghệ của ông cao lắm phải không ?

Chương Hầu: Ồ, không cao, không thấp, mà ta sẵn sàng hạ những người yếu đuối.

Nàng Tía: Chà, hạ những người yếu đuối?

Chương Hầu: Vậy mới chắc ăn

Nàng Tía: Được rồi, vậy tôi là người yếu đuối đây, mời ông, ông dám thử tài không?




Chương Hầu: Nàng đòi thử tài với ta?

Nàng Tía: Chứ còn sao, ông dám không?

Chương Hầu: Sao lại không dám, đợi ta suy nghĩ chút xíu.

Nàng Tía: Được.

Chương Hầu lẩm bẩm một mình: Đúng là thần khẩu hại xác phàm rồi, thử tài biết thử gì đây trời. Cái đòn gánh này mà nó đập chừng hai cái dám đi theo tả bậc văn khôi lắm à. Hừ, mà hổng được, hổng ra oai con nhỏ này nó hổng sợ. Mà ra oai rồi mình dám sợ hơn lắm à.

Chương Hầu: Chuẩn bị chưa?

Nàng Tía: Rồi.

Chương Hầu: Từ nãy giờ ta nhớ lại những miếng võ của ta từ kiếp trước, kiếp này ta đem ra  sử dụng. Chuẩn bị. Thủ.

Nàng Tía: Trời đất ơi, làm võ tướng gì thủ miếng võ tầm thường quá vậy?

Chương Hầu: Bởi vậy nàng đâu biết gì là võ nghệ, miếng võ của người ta công phu như vậy mà nàng cho là miếng võ tầm thường hả.

Nàng Tía: Chứ còn sao.

Chương Hầu: Miếng võ này nó không phải là miếng võ tầm thường, mà nó thuộc về miếng võ … tầm bậy. Hừ, tầm bậy mà nàng đừng coi thường nghe chưa, tầm bậy mà ta đánh nàng né dám hụt lắm à.

Chương Hầu bắt đầu “trổ tài”, vung tay vung chân được hai ba cái thì bị nàng Tía tát trúng má bên phải.




Chương Hầu: Ôi trời ơi!

Nàng Tía: Ơ, có sao không ngài võ tướng?

Chương Hầu: Hừ, đánh một cái chát rồi hỏi có sao không? Hổng có sao, mà ta sợ có trăng.

Nàng Tía cười

Chương Hầu: Đừng có cười, đừng có mừng, nàng đánh trúng ta bên đây là tại nãy giờ ta không chịu để ý. Bây giờ ta bắt đầu ta để ý bên đây.

Nàng Tía: Rồi sao?

Chương Hầu: Nàng có thể đánh trúng bên đây, nhưng mà đừng có hỗn.

Chương Hầu vung chân vung tay loạn xạ, bị nàng Tía lấy đòn gánh vụt cho mấy cái, Chương Hầu chạy mất.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười, 2013, 02:20:17 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
Trang: 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM