Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:07:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hình ảnh và tiểu sử tướng lĩnh Liên Xô  (Đọc 64552 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #50 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 02:52:21 am »

Bác Lốp lại cho nhà em hỏi tí: nguyên soái Konev được phong đại tướng vào thời gian nào ạ? Grin

Không thấy ghi là năm nào được phong từ thượng tướng lên đại tướng. Nhưng trong các tài liệu đọc được thì thấy ghi là đại tướng lúc là tư lệnh Phương diện quân Ukraina số 2, suy ra là thời điểm phong là cuối năm 1943. Điều này hợp lý, vì trong suốt quá trình chỉ huy Phương diện quân Thảo nguyên trong Chiến dịch Kursk, ông mang quân hàm thượng tướng và tháng 2 năm 1944 được phong nguyên soái.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
thainhi_vn
Thành viên
*
Bài viết: 705


« Trả lời #51 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 01:06:22 pm »

Bác Lốp lại cho nhà em hỏi tí: nguyên soái Konev được phong đại tướng vào thời gian nào ạ? Grin

Không thấy ghi là năm nào được phong từ thượng tướng lên đại tướng. Nhưng trong các tài liệu đọc được thì thấy ghi là đại tướng lúc là tư lệnh Phương diện quân Ukraina số 2, suy ra là thời điểm phong là cuối năm 1943. Điều này hợp lý, vì trong suốt quá trình chỉ huy Phương diện quân Thảo nguyên trong Chiến dịch Kursk, ông mang quân hàm thượng tướng và tháng 2 năm 1944 được phong nguyên soái.

Bên Wiki tiếng Nga ghi chính xác là ngày 26/8/1943. Nguồn từ đâu chưa rõ.
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #52 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 05:59:34 pm »

Cám ơn các bác.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #53 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2011, 08:51:59 pm »


Thiếu tướng V. F. Chistyakov (10.11.1906-23.04.1959)

Thiếu tướng Chistyakov Victor Feofanovich sinh ngày 10 tháng 11 năm 1906 tại Yasinovatskogo bây giờ, thuộc vùng Donets của Ukraine trong một gia đình công nhân người Nga. Sau khi tốt nghiệp trường công nhân, ông làm việc trong ngành đường sắt. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 1927.

Nhập ngũ năm 1931 và tốt nghiệp Trường phi công Luganskaya với quân hàm thiếu úy, ông tham gia sau đó cuộc chiến với quân phiệt Nhật trên cương vị biên đội trưởng, rồi trung đoàn phó Trung đoàn Không quân số 22, Lữ đoàn Cường kích trực thuộc Tập đoàn quân số 1. Trong các cuộc không chiến ở thời kì này, ông trực tiếp bắn hạ 3 máy bay đối phương, đồng thời tham gia tích cực trong các hoạt động yểm trợ bộ binh tấn công cũng như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, và bị thương.

Do lòng dũng cảm, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cùng với những thành tích đạt được trong thời kì chiến tranh với quân phiệt Nhật, ngày 29 tháng 8 năm 1939, ông được Xô-viết tối cao trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên-xô cùng với Huân chương Lenin. Sau này, khi có chế độ Huy chương Sao vàng cho những người được phong Anh hùng Liên-xô, ông cũng được nhận huy chương này và là người thứ 156 của các Lực lượng Vũ trang Xô-viết.

Từ tháng 11 năm 1939, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cường kích Cờ đỏ số 22, Trung đoàn Không quân Cờ đỏ số 56 trực thuộc Quân khu Transbaikal, và sau đó chuyển tới Quân khu Leningrad làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cường kích số 44.

Trong những năm diễn ra cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên-xô, ông là học viên của Học viện Không quân và là Trung đoàn trưởng của Trung đoàn Không quân dự bị số 6 của Quân khu Volga.

Sau chiến tranh, ông được phong quân hàm thiếu tướng và là phó tư lệnh không quân Quân khu Transcaucasian. Ông mất ngày 23 tháng 4 năm 1959 tại thủ đô Tbilisi của Georgia và được chôn cất tại đây.

Thiếu tướng Chistyakov đã được tặng thưởng Huân chương Lenin, Cờ đỏ, các huân huy chương của Nhà nước Mông Cổ. Tên của ông đã được đăt cho Trường Trung học số 2 tại thành phố Avdeevka thuộc vùng Donets, Ukraine quê hương ông.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
p_ngocquynh
Thành viên
*
Bài viết: 107



« Trả lời #54 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2011, 09:03:25 pm »

Bác Lốp cho hỏi có tướng Nga nào là người Việt không ? Vì em nghe đồn có 1 người Việt được đeo lon Trung Tướng HQ LB Nga nhưng không biết phục vụ trong hạm đội nào ?
Logged

Không có việc gì khó chỉ sợ tiền không nhiều
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #55 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2011, 09:33:19 pm »

Bác Lốp cho hỏi có tướng Nga nào là người Việt không ? Vì em nghe đồn có 1 người Việt được đeo lon Trung Tướng HQ LB Nga nhưng không biết phục vụ trong hạm đội nào ?

Cái này thì mình chưa có nghe đến bao giờ. Có khi bạn phải hỏi đ/c daibangden, thường trú của quansuvn tại Nga xem sao  Cheesy
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #56 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 07:02:55 pm »

Trung tướng Công binh D. M. Karbyshev (26.10.1880-18.2.1945)

Trung tướng Dmitry Mikhaylovich Karbyshev sinh ngày 26 tháng 10 (14 tháng 10 theo lịch Nga cũ) năm 1880 tại thành phố Omsk trong một gia đình sĩ quan Quân đội Sa hoàng người Nga. Năm 1892, khi mới 12 tuổi, bố ông mất, mẹ ông tần tảo nuôi ông trong hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Tuy nhiên, những thành tích học tập của ông hết sức đáng nể. Năm 1898, ông tốt nghiệp Trường thiếu sinh quân Siberian và được vào học tại học viện danh tiếng, Học viện Kĩ thuật Quân sự Nykolaiv tại St. Petersburg (ngày nay là Đại học Kỹ thuật Quân sự St. Petersburg), và tốt nghiệp ở đây năm 1900 với quân hàm thiếu úy.

Sau khi tốt nghiệp, ông được điều tới phục vụ trong Tiểu đoàn Công binh Đông Siberian số 1 của Quân đội Sa hoàng tại Manchuria (Mãn Châu), là chỉ huy đại đội (Đại đội Điện báo số 4) phụ trách các hoạt động điện báo chiến trường. Trong thời kì Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), ông là chỉ huy đại đội phụ trách điện tín, tuy nhiên vai trò của ông trong Tiểu đoàn  lại rất rộng bao gồm cả việc xây dựng cầu đường, trinh sát tuần tra. Trong trận Mukden - Phụng Thiên (20.2-10.3.1905), ông đã được trao tặng Huy hiệu Dũng cảm và trong một năm của cuộc chiến ông đã được tặng thưởng: Huân chương thánh Vladimir hạng Bốn với gươm và cung (2.9.1904), Huân chương thánh Stanislav hạng Ba với cung (4.11.1904), Huân chương thánh Anne hạng Ba với gươm và cung (2.1.1905), Huân chương thánh Stanislav hạng Hai với gươm (20.2.1905), Huân chương thánh Anne hạng Bốn (3.1905) và cho phép đeo gươm bên mình, cùng 2 huy hiệu khác. Với những thành tích trong chiến đấu, kết thúc cuộc chiến, ông đã được phong quân hàm trung úy.

Sự thất bại của Nga sa hoàng trong cuộc chiến với giới quân phiệt Nhật đã dẫn tới sự hoang mang trong binh lính và sĩ quan. Trong một nỗ lực cải tổ và nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội, Sa hoàng đã cho giải ngũ hàng loạt quân nhân. Karbyshev cũng nằm trong số này và được chuyển vào lực lượng dự bị động viên. Thời gian đầu, ông sống và làm việc tại thành phố Vladivostok. Năm 1907, Tiểu đoàn Công binh Pháo đài Vladivostok bắt đầu được thành lập, các sĩ quan chỉ huy có kinh nghiệm lúc bấy giờ là rất cần thiết, và ông được gọi lại vào phục vụ trong quân đội với chức vụ đại đội trưởng. Năm 1908, ông được phong quân hàm thượng úy, rồi sau đó tiếp tục được cử đi học tại Học viện Kĩ thuật Quân sự Nykolaiv ở St. Petersburg. Năm 1911, ông tốt nghiệp và là trong số những học viên đứng đầu, được phong quân hàm đại úy và được phép chọn đơn vị phục vụ. Chọn phục vụ tại pháo đài Sevastopol, Karbyshev lập tức được cử tới đây phục vụ trên cương vị đại đội trưởng Đại đội Địa lội của Pháo đài. Cùng năm này, ông được công nhận là kĩ sư quân sự và đượng phong quân hàm đại úy Quân đội Sa hoàng.

Trước nguy cơ biên giới Đế chế Nga bị tấn công vào thời kì sắp nổ ra cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, Karbyshev được cấp trên đề nghị lựa chọn một trong hai nơi phục vụ thay vì ở lại Sevastopol đó là Osovtsi và Brest-Litovsk. Và ông đã chọn đi tới phục vụ tại Brest khi đó thuộc Lithuanian. Ở đây, ông đã chỉ huy đại đội công binh phụ công việc xây dựng và củng cố các công sự và vị trí phòng thủ tại tuyến thứ 2 của pháo đài. Tuy nhiên, công việc của ông hết sức quan trọng bởi vì tuyến phòng thủ thứ nhất khi đó chưa được xây dựng. Tháng 11 năm 1914, Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất nổ ra, ông chiến đấu tại Carpathians trong biên chế Quân đoàn số 8 nổi tiếng của vị tướng tài năng A. A. Brusilov. Trong thời kì này, ông là sĩ quan phụ trách công binh của các Sư đoàn Bộ binh số 78 và 69 trực thuộc Quân đoàn súng trường Phần Lan số 22. Vào đầu năm 1915, ông tham gia vào trận tấn công Pháo đài Przemysl và bị thương vào chân. Do sự can đảm và dũng cảm trong chiến đấu, ông được tặng thưởng Huân chương thánh Anne hạng Nhì cùng gươm và được phong quân hàm trung tá. Suốt mùa Thu năm 1915 và Xuân năm 1916, ông tham gia chiến đấu bảo vệ các tuyến hậu cần quân sự Kiev. Ông cũng tham gia vào Cuộc tổng tấn công mang tên tướng Brusilov (4.6-20.9.1916) nổi tiếng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất. Cuộc tấn công này sau đó đã mang lại thắng lợi to lớn cho phe Đồng minh ba bên gốm Anh, Pháp, Nga (Phe Entenne) tiêu diệt hoàn toản chủ lực Đế quốc Áo-Hung và đã đưa tên tuổi A. A. Brusilov trở thành 1 trong 7 vị thống soái tài năng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất.

Khi Cách mạng tháng 10 Nga nổ ra, Karbyshev đang ở Mohyliv-Podilskyi. Ông nhanh chóng ra nhập Hồng quân Công nông, đứng về phía nhân dân và Chính quyền Cách mạng và trở thành sĩ quan Hồng quân vào năm 1918. Trong suốt cuộc chiến tranh bảo vệ Chính quyền Cách mạng non trẻ (1917-1923) chống lại các lực lượng Bạch vệ và sự can thiệp của các nước phương Tây, ông đã giám sát chỉ đạo xây dựng và củng cố một loạt các công trình phòng thủ, công sự quan trọng của Hồng quân tại nhiều vùng khác nhau: Simbirskogo, Samarskogo, Saratov, Chelyabinsk, Zlatoust, Troitsky, Kurganskovo, Ukreplennykh, và phụ trách công binh trong quá trình bảo vệ vùng đất vừa giành được Kakhovka, đồng thời giữ nhiều vị trí quan trọng trong Bộ Tư lệnh Quân khu Bắc Caucasian. Năm 1920, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Kĩ thuật Tập đoàn quân số 5 trực thuộc Phương diện quân Đông, phụ trách công binh trong cuộc tấn công của Hồng quân vào Lực lượng Bạch vệ tại Crimia, quá trình củng cố phòng thủ tại lãnh thổ giành được từ tay Bạch vệ tại Transbaikal. Mùa thu năm 1920, ông trở thành Phó Chủ nhiệm Công binh Phương diện quân miền Nam trực tiếp chỉ đạo lực lượng công binh của Phương diện quân trong các cuộc tiến công ở Chongara và Perekop.

Từ năm 1923 đến năm 1926, Karbyshev phục vụ trong Binh chủng Công binh Hồng quân, phụ trách Ủy ban Kỹ thuật. Tháng 11 năm 1926, ông là giảng viên tại Học viện Quân sự mang tên Frunze và được bổ nhiệm làm trưởng Khoa Công binh vào tháng 2 năm 1934. Năm 1936, ông chuyển sang giảng dạy tại Học viện Bộ Tổng Tham mưu Hồng quân. Năm 1936, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Khoa  Chiến thuật Thông tin Liên lạc và được phong học hàm giáo sư quân sự vào năm 1938. Năm 1940, ông được phong quân hàm trung tướng công binh. Trong cuộc chiến mùa Đông giữa Hồng quân và Phần Lan (1939-1940), ông ở trong nhóm chuyên gia xây dựng các công trình phỏng thủ được cử đến các tuyến mặt trận để tham mưu cho các đơn vị Hồng quân cách để phá Phòng tuyến Mannerheim do quân Phần Lan lập lên.

Trung tướng Karbyshev là nhà khoa học Xô-viết đầu tiên nghiên cứu toàn diện và sâu các vấn đề về phá hủy và xây dựng các công trình phòng thủ quân sự, đồng thời phát triển các biện pháp, cách thức đối phó trong quá trình tấn công và phòng ngự của quân đội. Ông cũng có một đóng góp đáng kể đối với các chiến thuật vượt sông và các chướng ngại vật nước trong quá trình chiến đấu của bộ đội. Cho đến thời gian trước Chiến tranh Thế giới lần Hai, ông đã công bố hơn 100 bài báo khoa học về các lĩnh vực Kĩ thuật Quân sự và Lịch sử Quân sự. Các tác phẩm của ông về những vấn đề thực tế cũng như lí thuyết về hỗ trợ kĩ thuật trong các trận đánh và chiến dịch, chiến thuật công binh là những tài liệu quan trọng trong quá trình đào tạo các chỉ huy Hồng quân trước chiến tranh. Karbyshev bảo vệ luận văn tiến sĩ khoa học quân sự của mình vào năm 1941. Rất nhiều lần, ông là Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ Luận văn Tốt nghiệp tại Học viện Công binh mang tên Kuybysheva. Ông cũng là thành viên của Hội đồng Tác chiến-Hành quân đồng thời là Ủy viên Hội đồng của Học viện. Ông thường xuyên giới thiệu và thử nghiệm các mô hình mới nhất về kĩ thuật công nghệ quân sự, và tham gia vào Ủy ban Biên soạn sổ tay cá nhân cho Hồng quân nói chung và Binh chủng Công binh nói riêng. Là nhà thiết kế xuất chúng, ông đóng vai trò quan trọng nhất trong công cuộc tái xây dựng các công trình phòng thủ ở biên giới phía Tây Liên Xô và là tác giả của rất nhiều các công trình xây dựng quân sự Xô-viết. Chính vì thế theo những gì sau này biết được thì không lâu trước chiến tranh, tháng 11 năm 1940, ông bị Gestapo đưa vào “sổ đen” hồ sơ mật.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #57 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 07:03:33 pm »

Ngay trước thềm chiến tranh, đầu tháng 6 năm 1941, trung tướng Karbyshev cùng một đoàn gồm nhiều kĩ sư quân sự của Hồng quân được cử đi khảo sát tình hình hệ thống các công trình phòng thủ tại biên giới phía Tây, để nghiên cứu khả năng nâng cấp và mở rộng khi chiến tranh nổ ra. Khi quân đội phát-xít tấn công, ngày 22 tháng 6 năm 1941, ông đang trên đường tới Tập đoàn quân số 3 và thành phố Grodno. Sáng sớm ngày 23 tháng 6, ông nhận được lệnh phải rút lui ngay lập tức khỏi những vùng nguy hiểm. Ngày 24 tháng 6, do nhiều con đường rút lui của Hồng quân đã bị cắt đứt, ông mới tới được sở chỉ huy của Tập đoàn quân số 10, giống như số phận của phần lớp các đơn vị Hồng quân ở Phương diện quân miền Tây, Tập đoàn quân số 10 bị bao vây và gần như thiệt hại hoàn toàn trong trận đánh Bialystok-Minsk, và bị kẹt tại đây. Ngày 27 tháng 6, toàn bộ sở chỉ huy bị bao vây, ông cùng một nhóm sĩ quan Hồng quân nỗ lực phá vây. Tháng 8 năm 1941, ông bị thương nặng trong một trận đánh gần sông Dnepr tại làng Dobreyka (nhánh sông này mang tên Berezina), vùng Mogilev thuộc Belorussia và bị bắt làm tù binh.  

Có một số thông tin trên báo chí Ukrainian cho rằng, ngay sau khi biết tin tướng Karbyshev bị bắt làm tù binh, Liên-xô đã đề nghị với Đức việc trao đổi ông lấy 2 nhà ngoại giao Đức. Tuy nhiên, Berlin đã khước từ lời đề nghị này với lí do là nó quá “khập khiễng”. Quả thật, ông là một món quà trời cho, vì ông là người hiểu và nắm rõ các công trình phòng thủ của Hồng quân Liên Xô. Và từ đó, phía Liên-xô hoàn toàn mất dấu vết của ông. Không biết thông tin này chính xác đến bao nhiêu, tuy nhiên phải sau khi chiến tranh kết thúc, Liên-xô mới biết được số phận cũng như tấm gương anh hùng của ông trong những ngày bị giam cầm bởi quân phát-xít.

Trại tù binh đầu tiên mà tướng Karbyshev được đưa tới là một trại tù binh nằm ở 1 thị trấn Ba Lan có tên là Ostrov Mazowiecki. Trong liền 7 tháng sau đó, ông bị hành hạ bởi bệnh tật (kiết lị nặng rồi sốt truyền nhiễm) khiến bị kiệt sức và răng rụng nhiều. Tuy nhiên, tinh thần của ông không hề bị giảm sút và lung lay. Tháng 10 năm 1941, ông tiếp tục được chuyển tới Zamosc, bị giam trong trại số 11 mà ở đó có ghi “tướng” (tức cho các tù binh cấp tướng). Để mua chuộc ông, điều kiện giam giữ cũng như ăn uống ở Zamosc tương đối dễ chịu. Theo nghiên cứu của một số sử gia người Đức, thì thời gian này giới lãnh đạo phát-xít có vẻ như đã bị làm cho tin về thái độ biết ơn và sự đồng ý hợp tác của ông. Tháng 3 năm 1942, ông được chuyển đến trại tập trung Hammelburh (Bavaria), nơi chỉ dành cho các sĩ quan tù binh Hồng quân. Đầu năm 1943, trại này do đại tá bộ binh Đức Pelita chỉ huy. Viên đại tá này nói được tiếng Nga, đã tốt nghiệp một trường cao đẳng tại St. Peterburg và từng phục vụ trong Đế chế Nga tại Brest. Người Đức nghĩ rằng như thế thì có thể thuyết phục lôi kéo được Karbyshev về phía họ, tuy nhiên họ đã nhầm và mọi âm mưu đều thất bại. Không từ bỏ âm mưu, Gestapo đưa ông về Berlin và giam giữ ông trong một xà lim cách biệt, thiếu ánh sáng và không cho đi lại. Sau khoảng 2 đến 3 tuần, Gestapo cử giáo sư người Đức Heizn, người mà ông đã từng gặp gỡ và quen biết trước chiến tranh, đến gặp ông. Vị giáo sư này đề nghị ông sang phục vụ họ với mọi đặc ân: tự do, sự đảm bảo vật chất sống, các điều kiện nghiên cứu khoa học… như một nhà khoa học Đức được sủng ái. Ngoài ra, ông còn được tiếp tục mang quân hàm trung tướng, được phép lựa chọn tùy theo ý mình hướng nghiên cứu, nơi làm việc… tất nhiên ngoại trừ “phía Đông”. Tuy nhiên, mọi kết quả chỉ là con số 0.

Nhận thấy không khuất phục nổi ý chí, cũng như tinh thần của Karbyshev. Phát-xít Đức đã bỏ mọi thái độ nhã nhặn trước đây, và chuyển ông lần lượt qua nhiều nhà tủ khổ sai cùng với việc tra tấn dã man, đối xử tàn bạo. Nửa năm sau đó, ông tiếp tục bị giam giữ tại Berlin, bị tra tấn dồn dập nhằm ép buộc ông gia nhập lực lượng phát-xít, “Đội quân phương Đông” của “Ủy ban Giải phóng Nhân dân Nga” do viên trung tướng phản bội A. A. Vlasov đứng đầu. Tiếp đó, ông bị đưa tới trại tập trung khổ sai Flossenburg và phải chịu một sự đối xử đặc biệt tàn nhẫn. Tháng 8 năm 1943, ông lại bị đưa đến trại tập trung khổ sai Nyurberh của Gestapo, rồi lần lượt các trại Auschwitz, Sachsenhausen và cuối cùng là Mauthausen, nơi ông hi sinh vào đêm 17 và sáng 18 tháng 2 năm 1945 – chỉ ít tháng trước khi chiến tranh kết thúc.

Theo những gì kể lại của những tù binh Hồng quân được giải thoát sau chiến tranh thì trong thời gian sống tại các trại tập trung khổ sai khác nhau của phát-xít, bất chấp các thủ đoạn khác nhau, bất chấp bị tra tấn, bất chấp bị bệnh tật và tuổi tác, Karbyshev vẫn không hề nao núng. Dù bất kì ở trại nào, ông cũng tham gia vào lãnh đạo phong trào đấu tranh của các tù binh, và là một tấm gương sáng về cách cư xử, về biểu tượng của tâm hôn hồn của một người lính Nga, một chiến sĩ Xô-viết. Bằng tất cả mọi cách, ông không ngừng khêu gợi trong họ lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và kiên cường đấu tranh trong ngục tù cũng như tinh thần lạc quan, tin tưởng vào ngày chiến thắng không xa. Ông từng nói “Lòng tin của tôi không bao giờ đi cùng những chiếc răng”. Karbyshev chính là nguồn cảm hứng cho nhiều tù binh Hồng quân trong những tháng ngày đen tối. Phương châm của ông là “Không mất lòng tự hào cho dù vào cảnh ngộ tồi tệ nhất”.

Trong một câu chuyện về những người anh hùng ở pháo đài Brest nổi tiếng in trong tác phẩm “Pháo đài Brest” của tác giả Sergey Smirnov, có câu chuyện kể lại của thiếu tá P. M. Gavrilov. Trong trận chiến bảo vệ pháo đài Brest, Gavrilov chỉ huy đồn phía Đông, bị bắt làm tù binh, bị giam tại trại tập trung Hammelburh cùng với tướng Karbyshev. Tuy nhiên, thiếu tá Gavrilov may mắn hơn tướng Karbyshev bởi ông đã sống được đến ngày chiến thắng để được giải thoát và chiêm nghiệm lời tiên đoán thần tình của tướng Karbyshev khi 2 người gặp nhau trong trại tập trung Hammelburh. Theo thiếu tá Gavrilov, thì có một lần ông hỏi trung tướng rằng bao giờ thì chiến tranh kết thúc. Và trung tướng đã mỉm cười và trả lời ông một cách buồn rầu rằng:

“Bao giờ ta ăn đủ một nghìn lần bữa xúp rau hổ lốn của chúng thì chiến tranh sẽ chấm dứt” – Ông đáp, rồi nói thêm đầy tin tưởng “Tất nhiên chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về chúng ta”.

Trong trại tù binh, mỗi ngày được ăn một lần, 1000 lần bữa xúp là khoảng 3 năm, từ năm 1942 đến năm 1945 là vừa đúng với quãng thời gian này.

Trước một thất bại không thể tránh khỏi trong một tương lai gần, phát-xít điên cuồng thủ tiêu tù binh. Ngày 17 tháng 2, tướng Karbyshev cùng một nhóm tù binh khoảng 400 người bị lùa ra khỏi nơi giam giữ, rồi được đưa vào nhà tắm và xả nước lạnh trong điều kiện thời tiết mùa Đông băng giá. Nhiều người cố gắng tránh khỏi dòng nước lạnh đều bị quân phát-xít dùng dùi cui đánh vào đầu cho đến chết. Trung tướng Karbyshev đã dũng cảm chịu đựng đến nửa đêm, và anh dũng ra đi vào sáng ngày 18 tháng 2 năm 1945 ở tuổi 65 khi những cơn gió lạnh làm ông biết thành một bức tượng đóng băng.

Để ghi nhớ công lao của vị kĩ sư lỗi lạc đã cống hiến cho Tổ quốc, và để ghi nhận sự anh hùng dũng cảm bất khuất của vị tướng trong những ngày ở trong tay quân thù, ngày 16 tháng 8 năm 1946, Xô-viết tối cao của Liên-xô đã quyết định truy tặng ông Danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô-viết cùng Huân chương Lenin và Huy hiệu Sao vàng dành cho những người anh hùng. Ngoài ra, ông còn được tặng thưởng: 2 Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Sao đỏ.

Ngày nay, để tưởng nhớ tới ông, tại lối vào của nơi trước kia là trại tập trung Mauthausen (Áo), nơi ông hi sinh, có một đài tưởng niệm ông. Đài tưởng niệm này lấy cảm hứng từ hình ảnh ông bị đóng băng khi hi sinh với hai tay khoác lên nhau và đặt trước ngực chịu đựng những làn nước lạnh trong thời tiết mùa Đông băng giá. Tác phẩm do nhà điêu khắc nổi tiếng V. E. Tsigal thực hiện. Nhiều đài tưởng niệm, nơi tưởng nhớ ông đã được dựng lên tại nhiều thành phố như Moscow, Omsk, Kurgan, Kiev, Tallin, Vladivostok. Nhiều tấm bảng tưởng nhớ ông cũng được gắn tại: Brest, nơi vị trí căn nhà ông đã sống và làm việc; Moscow, tại tòa nhà Phòng Đào tạo Học viện Kỹ thuật Quân sự nơi ông học tập, và ngôi nhà nơi ông sống; Samara, nơi ngôi nhà ông làm việc; Kharkov, nơi ông từng sống. Tên ông cũng được đặt cho một đại lộ tại Moscow, một hành tinh nhỏ của Hệ Mặt trời, tàu chở dầu, tàu thủy vận chuyển hành khách, nhiều trường học, công ty, các đường phố của nhiều thành phố, đồn biên phòng…


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #58 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2016, 11:43:48 am »

Em xin phép hỏi: Em biết đến nguyên soái Zhukov lần đầu tiên qua cuốn "10 đại tướng soái thế giới" trong bộ Thập đại tùng thư. Trong đó có nói đến việc ông từng là cố vấn quân sự của chính phủ Tưởng Giới Thạch giai đoạn đầu chiến tranh thế giới thứ hai.
Về sau em có được đọc hồi ký Nhớ lại và suy nghĩ của ông thì hoàn toàn không nhắc đến việc ông sang Trung Quốc làm cố vấn quân sự.
Còn trong hồi ký "Stalingrad trận đánh thế kỷ" của nguyên soái Chuikov lại có nhắc đến việc ông trở về từ Trung Quốc trước khi xảy ra trận Stalingrad.
Em dự đoán là mấy ông tác giả Trung Quốc của bộ Thập đại tùng thư đã bị lẫn lộn giữa hai nguyên soái (kiểu cùng là "cốp"). Nhưng em cũng không dám chắc lắm, vì nghe nói hồi ký Nhớ lại và suy nghĩ qua kiểm duyệt có bị cắt xén.
Bác Panphilov có cách nào kiểm chứng giúp em không ạ? Em xin cảm ơn.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #59 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 09:28:11 pm »

Cái này mình cũng chưa từng nghe nói bao giờ. Nếu có thông tin gì, mình sẽ nhắn bạn.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM