Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:05:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Hà Nội nhớ về Hà Nội ( phần III)  (Đọc 218858 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chiensivodanh
Thành viên
*
Bài viết: 383


MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MN-VN


« Trả lời #380 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2013, 11:40:35 am »

Buộc lòng phải khen : Có người đẹp lão quá nha .E - hèm !

Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #381 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2013, 10:25:27 pm »

TÌM LẠI NÉT THANH LỊCH CỦA NGƯỜI HÀ NỘI

Người Tràng An xưa với lối sống thanh lịch có tiếng được cả nước biết đến như một nét đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thế nhưng nay, không ít người đã phải nghi ngờ thốt lên: Hà Nội thanh lịch nay còn đâu.

"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".

Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang đưa Hà Nội vào khúc ngoặt mới. Quá trình đó sẽ nâng tầm vóc Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung ngày càng văn minh, hiện đại. Đó là cả một quá trình lâu dài, và cần chú trọng yếu tố con người. Hướng tới Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vấn đề xây dựng người dân Thủ đô văn minh, thanh lịch cũng được chú trọng, giữ được nét đẹp tâm hồn đặc trưng của người dân thủ đô.

Hà Nội tính từ thời định đô cũng đã có tuổi một ngàn năm. Trong khoảng thời gian ấy đã thu hút được bao nhân tài từ các địa phương về đây sinh cơ lập nghiệp, tạo ra các phố phường. Các thế hệ đi trước đã đem đến những phong tục, nền nếp của địa phương mình, rồi chắt lọc những gì tinh túy nhất. Cho nên Thăng Long – Hà Nội đúng là đã tiếp thu tinh hoa của mọi vùng rồi nâng cao nên và tạo ra những nét đặc trưng của riêng mình. Người Hà Nội đã trở thành biểu tượng tập chung nhiều đức tính tốt đẹp của dân tộc, mà đặc biệt là tính thanh lịch.


Thanh là thanh tú, thanh nhã. Lịch là lịch thiệp, lịch sự. Đó chính là tính cách của một nếp sống, một lối sống đầy tính văn hóa. Người thanh lịch là người mà từ trang điểm, phục sức, nói năng, giao tiếp, ăn mặc, đi đứng làm lụng đều được chăm chút cân nhắc chỉnh tề, không buôn tuồng dễ dãi. Vốn là người nghiên cứu về Hà Nội đã hơn sáu mươi năm nay, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã nói: “Tiến tới Hà Nội 1000 năm thì có nhiều vấn đề nhưng tôi chỉ mong xây dựng con người cho văn minh và thanh lịch, chúng ta tạo được lớp lớp người Hà Nội văn minh và thanh lịch. Có câu văn minh thể hiện trên đường phố, chỉ cần đi một đoạn trên đường có thể thấy xã hội có văn mình hay không. Đó là những cần nhiều thời gian hơn nữa để nâng cao ý thức cộng đồng.”

Cuộc sống đô thị hóa với tốc độ nhanh cùng sự du nhập của văn hóa phương Tây đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống của đại bộ phận giới trẻ nói riêng và những người dân Thủ đô nói chung. Ta có thể bắt gặp ở đâu đó trên đường phố một trận cãi cọ chỉ vì chênh nhau nửa bánh xe, những người đàn ông cời trần đi xe máy, những cô gái trẻ ăn mặc thiếu vải, những hành vi cư xử thô lỗ...Song đó chỉ là mặt trái mà chúng ta cần khắc phục. Nhưng trên hết những nét đẹp vẫn còn hiển hiện trong cuộc sống thường ngày. Người Hà Nội vẫn giữ được cái chất thanh lịch đặc trưng riêng của người dân Thủ đô. Cái tài hoa thanh lịch có thể nhất thời bị che lấp bởi những thứ xấu xa, lộn xộn nhưng nó vẫn được ủ, được giữ bền trong tâm thức số đông của người Hà Nội và vẫn biểu lộ ngày nay.


Những truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của người Hà Nội đang được khơi dậy, cấu trúc lại và nâng cao qua các phong trào “người tốt việc tốt”, “Nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”, tất cả góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc… Điều này, cần ý thức tự giác của mỗi người dân. Có nhận thức được vai trò hành vi cư xử của mình đối với cộng đồng, mỗi người dân mới chủ động lựa chọn cách xử sự của mình để tạo nên một xã hội văn minh.

Để làm được điều này cần sự thực hiện đồng bộ của nhân dân Thủ đô nói chung. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã bày tỏ niềm mong ước của mình “ “Hà Nội đáng yêu lắm, rất đáng yêu. Thành phố mỹ lệ, hào hoa, anh hùng, và trí tuệ. Tôi mong sao đường phố Hà Nội, người và người trong cách đối đãi cư xử văn minh thanh lịch, biết thương yêu nhau, biết đoàn kết nhau, biết giữa gìn cái nề nếp cũ, ăn nói uyển chuyển mềm mại, lễ độ, mặc nền nã, lịch sự…”

Hải Trang (Người Hà Nội)

http://nhipsonghanoi.vn/Tim-lai-net-thanh-lich-cua-nguoi-Ha-Noi-a26.html
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #382 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2013, 10:30:28 pm »

VẪN CÒN ĐÓ, GÓC HÀ NỘI YÊN BÌNH...


Giữa không khí náo nhiệt của phố phường Hà Nội, ít ai biết, trong căn nhà cổ 87 Mã Mây (Hà Nội), có một cụ đồ vẫn cần mẫn, lặng lẽ vẽ lên những bức tranh thủy mặc, góp phần làm nên một góc Hà Nội yên bình.

Cụ đồ nói tiếng Tây như… “gió”

Đó là nghệ nhân Nguyễn Bá Dần, 75 tuổi. Vốn sinh ra và lớn lên ở ngõ chợ Khâm Thiên, ông Dần ngày ngày bắt xe buýt lên phố cổ để theo đuổi cái “nghiệp” của một nhà Nho – đó là viết thư pháp và vẽ tranh thủy mặc. Ngày còn nhỏ, cậu bé Dần theo mẹ ra Hồ Gươm chơi, vô tình gặp một ông đồ ngồi viết chữ đã làm ông say mê từ đó. Ông đồ ấy chính là người đầu tiên và là người thầy duy nhất dạy cho ông sự say mê và cách thổi hồn mình vào những nét chữ. Từ ấy đến giờ đã qua nửa đời người, ở cái tuổi thất thập cổ lai hi nhưng dường như sự say mê vẽ tranh và bình thơ của ông vẫn vẹn nguyên như ngày ông còn bé.

Ông Dần cho biết, tranh thủy mặc và dòng chữ thư pháp được bắt nguồn từ Trung Quốc, được vẽ bằng bút lông, dùng thuốc nước hoặc mực nho trên giấy xuyến chỉ (loại giấy làm thủ công nhưng rất cao cấp, trắng, mịn, chứ không phải hơi vàng ngà và sần như giấy dó của tranh Đông Hồ). Họa sĩ vẽ thủy mặc phải tích đủ nội công lại đầy cảm xúc, ý tưởng rồi mới hạ bút, vì đặc điểm của giấy xuyến chỉ là rất thấm mực, bút vẽ nét nào ăn nét ấy, không thể sửa chữa. Sắc màu của mực đậm hay nhạt tùy vào nét bút đưa đường nét và tạo hình thế nào, tạo ra thay đổi bất ngờ.Ngắm nhìn những bức tranh mà ông vẽ với chủ đề Thăng Long xưa, cầu Long Biên, hay cây tre, cây trúc, những gánh hàng rong, hay những chú cá chép bơi lội tung tăng, đủ cho thấy tâm hồn đẹp của ông đồ này.


Điều lạ là, dù mải miết với những nét bút, giấy mực, song mỗi lần du khách Tây lại gần, ông lại ngừng bút và say sưa giảng giải cho du khách nghe bằng đủ loại tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung. Thấy tôi tỏ vẻ ngưỡng mộ, ông cười: “Có gì đâu, chẳng qua là nghề mà. Làm lâu rồi thành quen, tiếp xúc nhiều rồi thành biết hết mà. Ấy thế, nhưng hai đứa con tôi học ngoại ngữ đủ cả, nhưng thu nhập chưa chắc đã bằng tôi đâu”.

Cần lắm sự đam mê

Yêu nghề, say nghề đến mức dù đã trải qua nhiều công việc như làm thợ khắc bút, thầy lang… song ông Dần vẫn không thể bỏ cái nghiệp vẽ tranh thủy mặc. Bởi thế, từ khi ngôi nhà cổ ở địa chỉ 87 Mã Mây được bảo tồn, ông đến đó, ngày ngày thả hồn theo nét vẽ và thậm chí đôi lúc kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch. Ông Dần bảo, thường mỗi bức tranh thủy mặc ông vẽ mất chừng 15 - 20 phút, mỗi bức bán khoảng 150.000 đồng. Ai hỏi mua thì ông bán, nhưng cũng có những lúc “cái hứng” của một nhà nho xưa nổi lên, ông lại tặng cho khách mà chẳng lấy tiền. Chỉ cần khách hiểu và ngắm nghía bức tranh với cảm xúc lạ, ông sẽ không chần chừ đàm đạo về tranh cùng khách.

Ông tâm sự: “Với chất liệu là giấy dó, việc vẽ tranh thủy mặc cũng kì công lắm, đòi hỏi sự chuyên tâm và kiên nhẫn. Khi vẽ cho những người nho nhã, thư sinh thì nét bút phải mềm mại, uyển chuyển, nếu người đó là một vị tướng thì nét bút phải dứt khoát, khỏe mạnh như chính con người của họ”. Khi tôi hỏi các con ông có ai theo nghề? Ông thở dài: “Chúng nó trẻ người, và cũng không đủ tâm, đủ tầm để học cái nghề này. Muốn viết được thư pháp và cao hơn là vẽ tranh thủy mặc, cần lắm sự đam mê. Nếu không có cái tâm và không say được thì tốt nhất không nên học, vì mỗi câu thơ, mỗi nét bút vẽ trong đó là cả một tâm hồn, tình cảm, nếu không có cảm xúc và tâm huyết thì nét chữ khô và ít có hồn lắm”. Ông Dần lo lắng, không biết mai này có ai còn nhớ đến thú chơi nho nhã này nữa không?

http://nhipsonghanoi.vn/Van-con-do-goc-Ha-Noi-yen-binh-a25.html
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #383 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2013, 12:00:54 pm »

NGƯỜI KHẮC BÚT CUỐI CÙNG BÊN HỒ GƯƠM

Bàn tay thô kệch của ông lão gần 80 tuổi cầm dụng cụ tự chế có cán buộc dây chun và đầu kim loại được mài nhọn đưa đẩy trên thân chiếc bút. Hơn 50 năm qua, cụ làm nghề viết chữ lên bút dù đến nay nó chẳng còn thịnh.

Ngày xưa, trước khi ra chiến trường, các nam thanh nữ tú thường khắc bút làm tặng phẩm hoặc kỷ niệm. Trên thân bút, họ khắc tên, ngày sinh, ngày nhập ngũ, vẽ hình đôi chim bồ câu hay khung cảnh quê hương. Ngày đó, chiếc bút máy được xem như một "báu vật" theo người lính trên những chặng đường hành quân, trong các trận đánh cam go, lúc viết thư về nhà và cả khi đã hy sinh. Trước ngày lên đường, họ đi thăm phố phường, ra bờ hồ ăn kem và không quên ghé vào mấy cửa hàng khắc bút tấp nập người đứng đợi phía ngoài đền Ngọc Sơn, Hà Nội.


Hơn 50 năm qua, ông Quý vẫn gắn bó với nghề khắc chữ lên bút dẫu cho nghề này ngày càng ít người biết tới. Ảnh: Bình Minh.

Với người thợ khắc bút duy nhất còn lại ở Hà Nội, ông Lê Văn Quý, khung cảnh một thời "thịnh vượng" ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí. Lần nào nhắc lại, ông cũng hân hoan vui vẻ xen lẫn tự hào. Nửa thế kỷ qua, hình ảnh về nghề thời thượng những năm 60 luôn ở mãi trong ký ức của người thợ già. Đến nay, ông Quý vẫn đều đặn đi làm với đồ nghề là chiếc hộp sắt han gỉ, bên trong đựng bút khắc, thước kẻ và cục tẩy…

"Khắc bút hả cháu ơi?", ông Quý vui vẻ hỏi khi thấy chiếc xe máy tấp vào "cửa hàng" của mình gần đền bà Kiệu. Biết khách chỉ gửi xe, ông vẫn đon đả xếp cho họ rồi trầm ngâm đếm số tiền lẻ lẫn trong mớ vé xe cũ. Đã nửa ngày trời chưa có ai khắc bút nên ông kiêm luôn chân giữ xe cho khách vào tham quan đền Ngọc Sơn.

Cầm chiếc bút bi nhỏ tí có thân làm bằng inox, ông Quý quan sát kỹ trước khi quyết định mở hộp lấy đồ nghề ra khắc cho đôi bạn trẻ. Chưa đầy một phút, tên của đôi uyên ương ấy được viết bằng nét chữ uốn lượn lồng vào nhau hiện lên trên thân bút. Không thật hài lòng với "tác phẩm" này do vỏ bút bóng, chữ khó nổi, người thợ hẹn khách lần sau ghé lại.


Ông Quý cho hay, ngày xưa mỗi chiếc bút khắc giá chỉ 2 hào. Ảnh: Bình Minh.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở Hưng Yên, ông Quý chỉ học đến lớp 3 rồi nghỉ. Trước khi bén duyên với nghề khắc bút, ông Quý là thợ đóng giày ở Hà Nội. Sau này khi dép cao su được ưa chuộng, nghề của ông trở nên ế ẩm. Trong một lần lang thang dọc bờ hồ, phố cổ, trông thấy các cửa hàng khắc bút tấp nập khách ra vào, ông quyết định chuyển sang nghề khắc bút. Từng học vẽ truyền thần một thời gian nên ông Quý thấy mình có thể vẽ đẹp và mềm mại.

Người thợ già có hàm răng móm mém, đôi mắt tươi vui kể, ngày ấy, ông đi khắp các cửa hàng bán đồ văn phòng phẩm để mua lại những chiếc bút hoặc vỏ bút vỡ, hỏng và chiếc compa để về tập viết ở nhà. Lúc đầu tay còn ngượng, cứng nên nét chữ của ông thô xấu. Sau hai tháng tập luyện, ông Quý tự tin xách đồ nghề với tấm biển "Khắc bút bằng tay, 2 phút lấy ngay" ra ngồi trước cửa lối vào đền Ngọc Sơn. Năm ấy, ông mới ngoài 20 tuổi.

Thấy bút khắc bằng tay vừa rẻ, giá chỉ 2 hào, khách hàng lần lượt đổ xô sang cửa hàng của ông Quý. "Lúc bấy giờ, một bát phở giá 3 hào, khắc bút đã 2 hào rồi nên cuộc sống cũng tạm đủ. Bình thường chỉ 2 phút là xong, những hình vẽ cầu kỳ mất nhiều nhất 5 - 10 phút. Những chiếc bút khắc cả chữ cả hình, giá là 5 hào", ông Quý nhớ lại.

Khách hàng của ông chủ yếu là những thanh niên sắp lên đường nhập ngũ. Trước khi đi, họ được phường, quận tặng khăn mặt, kem đánh răng, quyển sổ, chiếc bút làm quà. Nhiều trường hợp hy sinh, khi gia đình bốc mộ, mọi kỷ vật đã mục nát duy chỉ còn chiếc bút máy với nét khắc trên vỏ vẫn còn nguyên.

Trong cuộc đời làm nghề khắc bút, ông Quý còn nhớ lần một cụ già tìm đến đưa cho ông chiếc bút. Chiếc bút cũ kỹ được tìm thấy dưới mộ của con trai cụ già. Dùng phấn tô lên dòng chữ trên bút, ông Quý nhận ra nét chữ mình khắc. Người khách lớn tuổi xúc động cảm ơn ông Quý vì nhờ chiếc bút, gia đình đã tìm được con mình. Có người lính khắc bút của ông năm xưa may mắn trở về, họ mang theo chiếc bút ra chỗ ông Quý ngồi để "nhận người quen".

"Họ đưa bút cho tôi rồi hỏi đây có phải bút bác khắc không? Hóa ra trước khi đi chiến trường, cậu ấy từng đến chỗ tôi khắc bút. Tôi vui và tự hào lắm", ông Quý chia sẻ. Các du học sinh trước khi đi nước ngoài thường qua nhờ ông khắc chữ lên tranh sơn mài làm quà cho bạn. Không ít lần, ông còn vinh dự được khắc chữ trên tặng phẩm dành cho các nguyên thủ quốc gia sang Việt Nam làm việc. Ông nhớ vẻ ngạc nhiên, trầm trồ của những người khách nước ngoài khi cầm chiếc bút có hình khắc sáng tạo.

Có lần, vị khách người Trung Quốc muốn ông khắc con gì "hay ăn chóng lớn" lên bút. Ông suy nghĩ rồi khắc hình chiếc đầu lợn ngộ nghĩnh. Cầm chiếc bút, người khách thích thú bởi thợ khắc hiểu ý mình rồi ngạc nhiên khi biết ông mới học đến lớp 3. Nhiều du khách muốn lưu lại hình ảnh ba miền của Việt Nam lên bút, ông Quý nghĩ ra cách chọn biểu tượng của từng vùng rồi ghép lại. Với hình ảnh làng quê Việt, ông chọn cây tre được minh họa bằng những đốt tre và đàn chim đang bay trên bầu trời. Mỗi "tác phẩm" hoàn thành, ông đều diễn giải và nhờ phiên dịch giúp khách hiểu.

Nhiều khách nước ngoài từng ghé "cửa hàng" ông một lần, lần sau quay lại Việt Nam vẫn tìm đến ông Quý để nhờ khắc bút làm quà. Ngưỡng mộ sự sáng tạo và tài hoa của ông Quý, một đôi vợ chồng (vợ gốc Việt, chồng người Anh) nhất định đòi biếu thêm tiền so với mức tiền công 50.000 đồng. Lần thứ hai về Việt Nam, họ mang theo 50 chiếc bút để nhờ ông "làm đẹp" cho chúng.

Hiện tại nghề khắc bút ngày càng ít người biết tới, cửa hàng của ông Quý vắng khách qua lại nhưng người thợ già vẫn duy trì công việc như một thú vui. Không chỉ khắc bút, ông Quý còn nhận khắc trên tranh sơn mài, điện thoại di động, bật lửa hay laptop. Mỗi hình khắc giá 20.000 đồng nhưng có ngày ông chẳng kiếm được đồng nào. Hôm may mắn, ông chỉ đủ tiền ăn và tập thể hình.

Nếu như trước đây ông đến với nghề vì mưu sinh thì giờ, ngồi thảnh thơi dưới gốc cây, trông dăm ba chiếc xe, thi thoảng khắc bút cho khách và chuyện trò rôm rả với những người bán hàng nước lại khiến ông thấy khỏe ra. 6 người con đều thành đạt và đều đặn trợ cấp cho bố mẹ hàng tháng nên cuộc sống của vợ chồng ông Quý không phải lo nhiều tới miếng ăn.

Hàng ngày, ông dậy lúc 5h sáng, tập tạ một giờ ở trung tâm thể hình, lo đồ ăn tươm tất cho vợ rồi đi xe máy ra "mở hàng". Vợ ông bị tiểu đường và bệnh phổi đã nhiều năm nay nên mọi việc trong nhà đều đến tay ông. "Tôi vẫn sẽ ngồi đây khắc bút tới khi nào sức khỏe không cho phép. Chẳng làm giàu được với nghề này nhưng nhiều người vẫn tìm đến tôi nhờ làm đẹp cho món quà của họ là tôi vui rồi", ông Quý nói rồi vội vàng thu dọn đồ đạc để về nấu cơm tối cho vợ.
 
Theo Bình Minh VnE

http://nhipsonghanoi.vn/Nguoi-khac-but-cuoi-cung-ben-Ho-Guom-a77.html
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #384 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2013, 12:06:55 pm »

NHỮNG QUÁN BÚN ĐẬU MẮM TÔM NỔI TIẾNG HÀ NỘI

Món ăn bình dân được bán phổ biến trên khắp các phố lớn ngõ nhỏ, chinh phục không chỉ người dân thủ đô mà còn khiến du khách phương xa phải lòng, nhớ nhung mãi hương vị dân dã mà đầy lôi cuốn.

Bún đậu mắm tôm vốn là món ăn đơn giản, dân dã của Hà thành. Bên cạnh phở, bún chả, bún ốc hay bún thang, bún đậu góp phần làm phong phú thêm hương vị ẩm thực tinh tế nơi mảnh đất kinh kỳ. Rất nhiều du khách phương xa khi có dịp đặt chân tới thủ đô nhất định phải tìm cho được quán bún đậu mắm tôm để thưởng thức bởi theo họ không nơi đâu bún đậu có được hương vị đặc trưng và đúng điệu như ở Hà Nội.

Sở dĩ gọi bún đậu là món ăn bình dị, dân dã bởi những nguyên liệu để tạo nên món ăn hết sức đơn giản, rẻ tiền. Chỉ cần dăm miếng bún lá nhỏ xinh, vài bìa đậu rán vàng, một bát mắm tôm pha chanh, ớt ăn kèm rau sống là thực khách đã có thể có một bữa ăn ngon lành. Tuy nhiên, qua thời gian cùng với nhu cầu, tâm lý của thực khách là món ăn phải có đạm thì mới no lâu, chắc dạ nên bún đậu giờ đây được biến tấu thêm với chả cốm, thịt lợn chân giò luộc hay có khi thì ăn với lòng, tràng luộc.


Bún lá và đậu Mơ được cắt miếng nhỏ, thực khách có thể chấm mắm tôm hoặc nước mắm. Ảnh: Phương Phương

Thành phần và cách chế biến đơn giản là vậy nhưng để có một suất bún đậu ngon thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Đậu phụ phải là loại đậu Mơ làm ở làng Mai Động (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) mới ngon hơn cả bởi đậu Mơ có độ mịn, thơm và béo ngậy đặc trưng không thể nhầm lẫn. Bún cũng phải là loại bún lá xinh xinh được nắm nhỏ như lòng bàn tay chứ không phải loại bún rối như các món bún khác.

Và phần quan trọng nhất, được coi là "linh hồn" của món ăn chính là thứ mắm tôm nồng mùi không phải ai cũng ăn được nhưng khi đã "cảm" được thì chỉ có "nghiện" mà thôi. Thậm chí nhiều người còn nhận xét rằng ăn bún đậu mà không có mắm tôm thì sự hấp dẫn của món ăn giảm đi quá nửa.

Mắm tôm ngon phải được gia giảm khéo léo, rưới thêm một chút mỡ rán đậu, khi ăn đánh với nước cốt chanh hoặc quất cho đến khi bông bọt là chuẩn nhất. Từng miếng bún được nắm chắc nịch ăn cùng với đậu, chả cốm rán vàng đẹp mắt, thịt chân giò thái mỏng, tất cả hòa quyện trong vị đậm đà, thơm ngon đặc trưng của mắm tôm, kết hợp hài hòa với mùi thơm nhẹ của rau kinh giới tạo nên món ăn bình dân chinh phục biết bao thực khách.

Dưới đây là một vài địa chỉ quán bún đậu có tiếng ở Hà Nội:

- Bún đậu Trung Hương số 49 ngõ Phất Lộc, Hàng Bạc, Hoàn Kiếm.

- Bún đậu ở ngõ Trạm, Hàng Bông, Hoàn Kiếm.

- Bún đậu ngõ Tràng Tiền, Hoàn Kiếm.

- Bún đậu Gốc Đa, số 4 Ngõ Gạch, Hoàn Kiếm.

- Bún đậu ở 39A Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm.

- Bún đậu Việt, ngõ 31 Hàng Khay, Hoàn Kiếm.

- Trong chợ Thành Công.

- Bún đậu chị Thoa số 31 Láng Hạ, Đống Đa.

- Bún đậu chị Nga đầu dốc Hàng Than, Ba Đình.


Theo VnExpress[/b][/i]

http://nhipsonghanoi.vn/Nhung-quan-bun-dau-mam-tom-noi-tieng-Ha-Noi-a51.html
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
sudoan5
Thành viên
*
Bài viết: 790


Bao giờ cho đến ngày xưa


« Trả lời #385 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2013, 01:39:52 pm »

   Cây đa bên đền Bà Kiệu đối diện đền Ngọc Sơn nay vẫn còn có một ông thợ già khắc bút. Xưa khi đi qua đây được nghe tiếng tiêu, sáo trúc véo von của ông Lê mù ngồi bán bên cạnh.

Logged

chiensivodanh
Thành viên
*
Bài viết: 383


MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MN-VN


« Trả lời #386 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2013, 09:08:07 am »

   Cây đa bên đền Bà Kiệu đối diện đền Ngọc Sơn nay vẫn còn có một ông thợ già khắc bút. Xưa khi đi qua đây được nghe tiếng tiêu, sáo trúc véo von của ông Lê mù ngồi bán bên cạnh.



Không rõ ở Hà nội ? người dân làm nghề điêu khắc họ có nhập máy Laser về để làm nghề điêu khắc không . có nhiều loại máy ,khắc trên tất cả các chủng loại và chất liệu ,từ khắc trên mê ka ,nhựa dẻo đến sắt thép ,nhôm đồng ,đá ......

Xuất xứ của máy từ : MỸ ,NHẬT, ĐÀI LOAN ,TRUNG QUỐC... đều có riêng Việt nam chẳng sản xuất được gì .
Mỗi máy trị giá khoảng trên 100 triệu ,hoạt động chừng một năm là gỡ vốn . Việc khắc biển số nhà bằng mê ka chừng 10 phút là xong vừa đẹp vừa sâu , khắc trên vỏ bút máy cũng vậy chừng 2 phút .

Vậy là các máy móc hiện đại đã đảy các nghệ nhân điêu khắc ra khỏi cuộc chơi .
Logged

sudoan5
Thành viên
*
Bài viết: 790


Bao giờ cho đến ngày xưa


« Trả lời #387 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2013, 10:09:18 am »

   Gần nhà tôi, phố Hàng Mắm


   Vẫn chưa thấy có máy móc gì đâu bác CSVD à!. Mãi mấy năm nay chỉ thấy họ khắc bia bằng cái máy (bút) nó cứ phầm phập nên nhanh hơn búa đục thôi. Thợ khắc bút bằng tay thì ở những thập niên 6 70, xưa có lão Thông say ngồi ở bến tàu điện bờ hồ tay nghề của lão hơn hẳn ông Quý cây đa ở trên bây giờ, song thời gian sau bên dãy nhà mậu dịch 12 có mấy tiệm khắc bút bằng máy nhưng vẫn không địch nổi với lão Thông say vì không có cảnh đôi chim bồ câu, hồ Gươm… Grin
Logged

sudoan5
Thành viên
*
Bài viết: 790


Bao giờ cho đến ngày xưa


« Trả lời #388 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2013, 11:43:00 am »

    MDQD 12 bờ hồ bây giờ


   Mậu dịch thiếu nhi còn đâu

Logged

binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #389 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2013, 12:14:02 pm »

Không rõ ở Hà nội ? người dân làm nghề điêu khắc họ có nhập máy Laser về để làm nghề điêu khắc không . có nhiều loại máy ,khắc trên tất cả các chủng loại và chất liệu ,từ khắc trên mê ka ,nhựa dẻo đến sắt thép ,nhôm đồng ,đá ......

Xuất xứ của máy từ : MỸ ,NHẬT, ĐÀI LOAN ,TRUNG QUỐC... đều có riêng Việt nam chẳng sản xuất được gì .
   Gần nhà tôi, phố Hàng Mắm
   Vẫn chưa thấy có máy móc gì đâu bác CSVD à!. Mãi mấy năm nay chỉ thấy họ khắc bia bằng cái máy (bút) nó cứ phầm phập nên nhanh hơn búa đục thôi.

 Máy Laser khắc trên mọi chủng loại vật liệu thì có rất nhiều bác CSVD ạ, bác sudoan5@ không biết đấy thôi, khu vực phố hàng Mắm gần nhà bác Thắng là phố làm bia mộ của HN xưa nay, do nhà chật diện tích nhỏ nên họ không thể đặt được cái máy lớn nên vẫn duy trì nghề thủ công cọc cạch đục gõ hoặc phầm phập vậy thôi.

 Về máy móc thiết bị hiện đại của thời bây giờ thì bác CSVD cứ yên tâm đi, trên Thế giới này có cái gì mới là HN có thể có, mua bán giao thương cũng không khó khăn gì đâu nếu xét thấy cần sắm cho mục đích sản xuất kinh doanh. Cách đây hơn 10 năm những nét đục chạm tinh xảo trên thép trang trí đã được ứng dụng trong thi công xây dựng rồi.

 Bác CSVD nói: VN ta chẳng làm được cái máy gì cũng không đúng đâu. Cheesy Thợ cơ khí của VN ta thật ra rất giỏi và rất nhiều sáng tạo trong sản xuất, chỉ có điều chúng ta chưa tập hợp được những tài năng đó để "thi đấu" trên thị trường Thế giới thôi, nên họ làm ăn kiểu mạnh ai người đó tự phát triển và không đưa ra được những sản phẩm nổi đình đám thôi. Xin ví dụ: Cơ khí Đông Anh (gần Phủ Lỗ) sản xuất ra máy móc phục vụ sản xuất chế biến lâm sản trên cơ máy móc của TQ nhiều lần, từ độ bền đến tiện lợi cho người sử dụng vì nó được tính toán từ công năng thao tác và chế tạo phù hợp với yêu cầu của công việc, nhiều thiết bị phụ kèm theo rất thực tế, đúng yêu cầu của thị trường và có giá thành rẻ hơn cả của TQ, khi cần chỉnh sửa hay sửa chữa những dụng cụ đó cũng rất nhanh và thuận lợi, giá thành rẻ. Nhiều máy móc của cơ sở này xuất xưởng thì đến máy móc của Nhật nhập khẩu về cũng phải khóc "Dưng rức" đấy. Có những thời điểm, máy móc nhập khẩu của nhiều nước mang về, từ hàng cũ dùng rồi đến hàng mới tinh đều ế ẩm chẳng ai mua. Trong khi đó, nếu muốn mua máy móc của cơ sở này thì phải xếp hàng chờ. Chẳng nói đâu xa, longtrec@ có thể mua máy của TQ cho sản xuất tại thị trường Nga, vậy mà vẫn "mò mẫm" về tận VN tìm gặp anh Hòa sản xuất tàu ngầm tại Thái Bình để hợp tác chế tạo máy móc ứng dụng trong sản xuất, sẵn sàng trả giá bằng máy móc của TQ và "khuyến mại" 1 chuyến đi Nga cho công việc. Theo BY thì các kỹ sư cơ khi VN ta không thua kém ai đâu, nếu chúng ta có những khuyến khích đúng mức thì những sản phẩm mang nhãn hiệu MADE IN VIETNAM sẽ đi tới thị trường Thế giới chỉ là trong tương lai gần. Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM