Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:14:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Hà Nội nhớ về Hà Nội ( phần III)  (Đọc 218868 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #190 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2013, 07:30:27 am »

         Vào những ngày này, toàn thể nhân dân và cả nước nói chung và nhân dân Hà Nội và các tỉnh phía bắc nói riêng đều hết sức đau buồn vì sự ra di của vị tướng huyền thoại, vị tướng của nhân dân và dân tộc Việt Nam Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không ai bảo ai, cũng không có tổ chức, hàng chục vạn người lạng lẽ xếp hàng để được vào ngôi nhà 30 Hoàng Diệu để tưởng niệm Đại tướng ( vì theo phong tục bàn thờ đặt tại nhà mới là linh thiêng). Mặc dù phải đi từ 3h sáng, phải chờ đợi cả ngày, phải đứng xếp hàng dài hàng km, dưới trời nắng nhưng mọi người vẫn tự giác xếp hàng rất trật tự, rất nhiều người già trên 80 tuổi, nhiều học sinh, sinh viên, nhiều người từ tỉnh khác nhưng chĩ có một tâm nguyện được vái Đại tướng tại bàn thờ tại nhà riêng. Việc tổ chức Lễ Quốc tang vị Đại tướng KHAI QUỐC CÔNG THẦN có công lao cực kỳ to lớn đối với đât nước, với dân tộc được toàn thể nhân dân, đồng tình ủng hộ để nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu và biểu hiện của truyền thống , đạo lý của người VN " uống nước nhớ nguồn", tính kế thừa của thế hệ sau đối với thế hệ trước.
         Hôm nay 10/10/2013 Kỷ niệm 59 năm Ngày giải phóng Thủ Đô cũng là ngày cuối cùng gia đình Đại tướng tổ chức đón các đoàn đến tưởng niệm Đại tướng tại nhà riêng để chuẩn bị cho lễ truy điệu và lễ an táng Đại tướng vào ngày 12,13/10 tại quê nhà. Chúng tôi những CCB đã đến tưởng niệm Đại tướng tại nhà riêng xin bầy tỏ lòng kính trọng, biết ơn đến Đại tướng TỔNG TƯ LỆNH xin chúc cụ yên giấc ngủ nghìn thu tại quê nhà Quảng Bình.

dòng người xếp hàng trước nhà 30 Hoàng Diệu



Dòng người xếp hàng trên đường Điên Biên phủ ( gần Bộ Ngoại giao )



Rất nhiều người đang hướng về ngôi nhà 30 Hoàng Diệu

Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #191 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2013, 10:22:35 pm »

Chiều nay, chiều cuối cùng người dân vào viếng Đại tướng Tổng tư lệnh tại 30 Hoàng Diệu :












Lộn xộn một lúc rồi các bạn thanh niên tình nguyện tham gia lập lại trật tự
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Mười, 2013, 10:41:27 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #192 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2013, 10:40:11 pm »





















Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #193 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2013, 10:51:33 pm »



“Sự ra đi ấy cũng là một mùa gieo hạt”!

Nguồn: http://motthegioi.vn/dac-biet/nha-tho-tran-viet-phuong-vo-nguyen-giap-nguoi-tri-thuc-hanh-dong/

Nhà thơ Trần Việt Phương từng là một thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng. Trước đó, ông từng làm thư ký cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong quá trình ấy, ông có nhiều cơ hội gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trí thức lớn của dân tộc.

Ông nhớ lại khoảng thời gian những năm 1960, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có ý tưởng thành lập Viện hàn lâm khoa học Việt Nam. Ở các nước phương Tây, Viện trưởng Viện hàn lâm khoa học phải là người có trình độ và đóng góp như tiến sĩ với 20 lĩnh vực khác nhau: 10 ngành khoa học tự nhiên và 10 ngành khoa học xã hội, họ thường được gọi là trung gia chứ không phải chuyên gia.

Những người tài năng như thế thường được phát hiện và bồi dưỡng từ năm đầu tiên của trung học cơ sở. Thế nhưng khi Đại tướng có ý tưởng thành lập Viện tại Việt Nam, các trí thức lúc bấy giờ đều nhất loạt đồng ý việc Đại tướng sẽ là viện trưởng của họ. Nhà thơ Việt Phương nói rằng, cái tôi của người trí thức rất lớn, họ không chịu phục tài những ai kém mình hoặc chỉ ngang bằng với mình. Thế nhưng, Đại tướng lại làm được điều đó bởi lẽ ở ông, tự thân đã có thứ ánh sáng của trí tuệ được trải nghiệm, được hun đúc từ một cuộc đời không ngừng học tập, chứ không phải từ bất cứ học hàm, học vị nào đó.

Dấu ấn của người trí thức Võ Nguyên Giáp

Ở Việt Nam, có những người  không có bất cứ học hàm, học vị nào như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng lại được nhìn nhận là một trí thức lớn. Là một trí thức có nhiều cơ hội gần gũi với Đại tướng, ông nhận định như thế nào về điều này ?

- Tôi cho rằng, đánh giá người trí thức không nên nhìn vào văn bằng, học vấn mà đánh giá ở kiến thức, trình độ, trí tuệ và cái tâm của con người đó, xem họ có đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước mình, đóng góp gì cho nhân dân của mình hay không.

Người trí thức không thể thiếu hai điểm: trung thực và sáng tạo. Nếu không có sự trung thực và sáng tạo thì không phải là trí thức. Sự sáng tạo ấy chính là dấu ấn để đời của trí thức mà không ai có thể thay thế được. Tất cả những điều đó đều có ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại trong lĩnh vực quân sự đã được cả thế giời này thừa nhận. Thế còn đối với giới trí thức Việt Nam nói riêng và tri thức Việt Nam nói chung, dấu ấn Võ Nguyên Giáp nằm ở đâu, thưa ông?

Theo tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người có hiểu biết khoa học toàn diện nhất ở nước ta. Điều đó thể hiện trong cách tiếp nhận và vận dụng kiến thức của loài người một cách linh hoạt. Ông là người có tư duy về sự sống. Ông nâng niu những biểu hiện nhỏ nhất của sự sống, càng nâng niu sự sống thì càng nâng niu con người bởi con người là một thành tố quan trọng của sự sống.

Những nhà khoa học lớn mà tôi biết như cố giáo sư Lê Văn Thiêm, giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Phan Đình Diệu, giáo sư Trần Văn Thọ, giáo sư Vũ Quang Việt…đều rất yêu quý và trân trọng người trí thức Võ Nguyên Giáp.

Có một đặc điểm nổi bật của các nhà trí thức, đó là cái tôi của họ rất lớn. Họ chỉ bị khuất phục bởi duy nhất một điều, đó là tài năng. Vậy theo ông, điều gì ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạo nên sự đồng thuận như thế trong giới trí thức ?

Những người trí thức càng ngày càng ít coi trọng bằng cấp, học hàm, học vị. Điều có trân trọng hơn cả là trình độ hiểu biết là những đóng góp cho nhân dân, cho đất nước. Cái tôi của người tri thức rất lớn, nhưng người trí thức chân chính liên tài chứ không ganh tài. Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp có điều đó. Tri thức mà ông tích lũy được không phải thể hiện qua bằng cấp mà đó là trí tuệ tự thân cộng với quá trình không ngừng trau dồi, học hỏi. Tôi thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số những nhà lãnh đạo hiếm hoi luôn tự cầm bút viết từ đầu đến cuối những bài gan ruột của mình.

Mặt khác, đã là một người trí thức chân chính thì không thể nào không trân trọng trí thức và tri thức. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người như thế. Trước đây, khi thủ tướng Võ Văn Kiệt còn sống, ông rấy quý trọng và ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngược lại Đại tướng cũng đánh giá cao ông Võ Văn Kiệt và coi ông như một trí thức.

Đại tướng là người có khả năng tiếp thu và chọn lọc thông tin từ cuộc sống. Ông cũng là người biết lắng nghe trí thức, biết lắng nghe nhân dân. Ông là người tầm sư học đạo từ các trí thức khác và từ chính nhân dân của mình. Điều đó tạo nên sức hấp dẫn với giới trí thức của người trí thức Võ Nguyên Giáp.

Năm 1940, hai ông Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Sau này ông Phạm Văn Đồng kể lại, chỉ vài tháng sau, Võ Nguyên Giáp đã đi diễn thuyết bằng tiếng Trung. Thời kỳ ở Việt Bắc, cả hai ông cùng ở với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Phạm Văn Đồng không nói được tiếng Tày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói được tiếng Tày, riêng ông Võ Nguyên Giáp nói tiếng Tày như người Tày. Sau này tôi có dịp chứng kiến Đại tướng tiếp đồng bào người Tày, ông nói tiếng Tày lưu loát sau cả nửa thế kỷ rời Việt Bắc.

Lâu lắm rồi, sự đồng cảm dân tộc mới lớn như lúc này

Tôi được biết, Đại tướng là người cổ súy cho sự phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam. Tôi cũng được biết, ông là một trong những thành viên của Ban nghiên cứu của Thủ tướng  nghiên cứu vấn đề này tại Việt Nam. Điều gì khiến Đại tướng lại tâm huyết với nó như thế ?

Mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội dân sự mà mối quan hệ đối tác tương tác bình đẳng với nhau, tạo nên một xã hội phát triển tốt đẹp – đó chính là lý do Đại tướng ủng hộ sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam. Khi tôi báo cáo với Đại tướng về vấn đề này như một người lính báo cáo với Tư lệnh của mình, Đại tướng hoàn toàn đồng ý bởi điều mà ông luôn trăn trở trong suốt cuộc đời mình đó là làm cho đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng và dân chủ hơn.

Tôi phải nói thêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có tư duy độc lập, ông không thần tượng ai hoặc bất cứ tư duy sách vở nào cả – đó là đặc điểm nổi bật ở người trí thức Võ Nguyên Giáp. Ông là một trí thức “đại nghi để tìm đại ngộ”. Sự nghi ngờ ở đây không phải là chủ nghĩa hoài nghi mà là sự nghi ngờ khoa học để tìm ra chân lý.

Đó có phải là lý do mà Đại tướng tham gia phản biện một số chính sách, quyết sách đối với các vấn đề lớn của đất nước vào những năm cuối đời để tìm ra chân lý: Một xã hội Việt Nam thịnh vượng, công bằng và văn minh ?

Tôi xin đính chính lại, không phải đến cuối đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới có những ý kiến như thế mà là suốt đời bởi như lời ông nói “tôi sống ngày nào cũng vì đất nước ngày đó”. Những năm cuối đời, những ý kiến của ông được mọi người chú ý hơn bởi khi ấy ông không còn đảm nhận chức trách nào cả mà đó chỉ là tâm huyết của một bậc lão thành có tấm lòng với dân, với nước.

Có một sự khác biệt đến vô tận giữa Đại tướng và một người đang nằm trên giường bệnh đó là khi ông không thể nói được nữa, người thân cận vẫn phải viết ra các phương án và nói cho ông nghe. Nếu ông đồng ý, ông sẽ gật đầu, nếu ông không đồng ý ông sẽ lắc đầu ra hiệu. Những điều đó khiến tôi kính cẩn nghiêng mình trước con người ông.

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại nhiều mất mát trong lòng người dân Việt Nam, nhất là các nhân sỹ, trí thức bởi từ lâu, họ đã coi ông như một điểm tựa tinh thần cùng đồng hành trong nỗ lực chấn hưng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, một dân tộc Việt Nam hùng cường, một xã hội Việt Nam công bằng và dân chủ hơn. Hình như lâu lắm rồi, đồng thuận dân tộc mới cao như lúc này ?

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại một sự mất mát lớn cho chúng ta. Nhưng đồng thời, sự ra đi ấy cũng là một mùa gieo hạt, gieo những hạt mầm gieo hạt tốt tươi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không đi mà chỉ về bên Bác Hồ. Sự đồng thuận dân tộc lúc này là cơ hội để chúng ta đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn – đó là niềm tin của tôi ngay trong lúc này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc cho những hy vọng của Đại tướng sẽ sớm trở thành hiện thực.

Tuấn Ngọc (thực hiện)
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #194 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2013, 10:52:38 pm »



Đại tướng đã nói gì về điện hạt nhân?

Giáo sư Phạm Duy Hiển là một chuyên gia đầu ngành nghiên cứu hạt nhân ở Việt Nam. Ông từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ phụ trách Viện trưởng Viện hạt nhân Đà Lạt. Cuộc trò chuyện với giáo sư Phạm Duy Hiển chỉ xoay quanh mối quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với khoa học hạt nhân và những trăn trở của Đại tướng đối với việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Võ tướng chỉ huy phát triển năng lượng hạt nhân cho hòa bình

Giáo sư Phạm Duy Hiển kể lại: Sau khi đất nước thống nhất, tại Đà Lạt còn lại một lò phản ứng hạt nhân được xây dựng từ năm 1963 nhưng đã bị rút hết nhiên liệu mang trở về Mỹ. Sau khi tiếp quản, Bộ Quốc phòng thành lập đoàn A1 quản lý lò phản ứng này.

Vào một tối mùa thu năm 1975, một sĩ quan đến tìm tôi chuyển lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời đến làm việc. Cả ngày hôm sau tôi cố phỏng đoán Đại tướng sẽ hỏi mình việc gì và sẽ phải trả lời như thế nào, nhất là nếu Đại tướng bàn đến chuyện rất nhạy cảm là chế tạo vũ khí hạt nhân.

Lúc này trong khí thế hừng hực ở nước ta, không ít người duy ý chí cho rằng sau khi thắng Mỹ thì việc gì ta cũng làm được. Trong số anh em khoa học cũng có xì xầm làm bom nguyên tử, không khéo lãnh đạo cũng có ý đồ đó chăng? Nếu có thì phản bác và giải thích như thế nào, nhất là trước một đầu óc siêu việt như Đại tướng?

Rất may mắn, điều đó đã không xảy ra (và trong suốt bao nhiêu năm tôi chưa bao giờ nghe ông nhắc đến chuyện này). Đến nơi đã thấy Đại tướng ngồi chờ sẵn cùng với Thiếu tướng Thứ trưởng Trần Sâm, anh Hoàng Đình Phu, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự cùng anh Nguyễn Quỳ, trung tá, phụ trách khối Hóa trong Viện.

Đại tướng thông báo việc Chính phủ quyết định xây dựng Viện nghiên cứu hạt nhân, nằm trong Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và công nghệ) và giao việc đó cho anh Nguyễn Đình Tứ (lúc này là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) và tôi (lúc đó là trưởng phòng Vật lý hạt nhân, Viện Vật lý) phụ trách. Đại tướng còn nói thêm anh Nguyễn Quỳ sẽ tham gia cùng hai anh.

Việc làm cấp bách ngay lúc đó là phải khảo sát và tính phương án khôi phục lò phản ứng hạt nhân do Mỹ để lại. Trong hai năm 1976-1977 tôi cùng với một số anh em từ các trường và Viện ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã ba lần lên Đà Lạt làm việc này.

Lúc này thực phẩm phải phân phối, ở Đà Lạt gạo thiếu quá, phải thay bằng bo bo. Trước khi đi, tôi lên xin Đại tướng viết cho “mấy chữ” để vào đó được mua gạo theo giá cung cấp. Đại tướng cười: “Thế tại sao dân ta có câu hát rất hay: thương chồng nấu cháo bo bo nhỉ?”.

Như không muốn để tôi phải ngượng quá lâu, ông thảo ngay mấy chữ ngắn gọn. Trong đoàn chúng tôi có phân công anh Nguyễn Hữu Xý, chủ nhiệm bộ môn Vật lý hạt nhân, Đại học Tổng hợp Hà Nội phụ trách hậu cần. Một hôm, liếc mắt vào phòng, tôi thấy anh đang đong từng lon gạo. Tôi hỏi cậu làm gì mà cẩn thận thế? Phải đong thử – anh trả lời – để biết còn bao nhiêu, chia ra cho đều, kẻo hôm cuối cùng lại hết gạo.

Năm 1981, khi phía đối tác Liên Xô đã lập xong thiết kế và cần phải bắt tay xây lắp lò phản ứng mới, Đại tướng lại gọi tôi lên thông báo “tôi và anh Tô(Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đã quyết định cử Phạm Duy Hiển trực tiếp vào chỉ huy công việc ở Đà Lạt”.

Trong thời gian xây dựng lò, Đại tướng hai lần lên thăm công trường. Một lần, làm việc xong đã muộn, Đại tướng yêu cầu tôi dẫn xuống nhà ăn. Mọi người đã ăn xong ra về, còn lại hai người ngồi trước hai đĩa cơm trong bóng tối mờ mờ. Ra khỏi cửa, Đại tướng than: ăn vậy mà làm hạt nhân à?

Đại tướng nhắc địa phương phải hết sức giúp chúng tôi cải thiện đời sống. Tuần nào, chúng tôi được cấp sữa tươi từ nông trường bò sữa. Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết thư cho các tỉnh duyên hải bán cá bể tươi cho Viện. Mỗi tháng một lần, anh phó phòng hành chính đưa xe tải xuống Phan Rang chờ chực thuyền về mua cá. Xe chở cá về qua trạm gác ở đèo Ngoạn Mục bị công an giữ lại, anh trưng chữ ký của Thủ tướng ra mới qua được.

Nhưng mối quan tâm hàng đầu của Đại tướng là an toàn trong vận hành lò phản ứng. Đại tướng yêu cầu chúng tôi mỗi tháng phải có một báo cáo tình hình gửi Hội đồng Bộ trưởng. Sau này có một số thông tin gây nhiễu báo động sự không an toàn của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, ông gọi tôi ra tường trình, kiểm điểm, sau đó yêu cầu mỗi tuần gửi báo cáo một lần, ngắn gọn nhưng đầy đủ, qua con đường mật điện của tỉnh”.

Đại tướng nói gì về điện hạt nhân?

Giáo sư Phạm Duy Hiển kể tiếp:

Một chiều chủ nhật, khoảng năm 2006, tôi tình cờ đến thăm không báo trước, thấy Đại tướng đang ngồi xem chương trình khoa học công nghệ trên VTV1. Tôi đến vào phút chót, chỉ thấy trên màn hình một vài gương mặt quen thuộc đang hô hào làm điện hạt nhân.

Đại tướng cau mặt: Làm một chuyện có thể dẫn đến Chernobyl mà sao thấy họ nói dễ ợt thế? Ý kiến anh về việc này thế nào? Dạ – tôi nói ngay – trước sau gì cũng phải làm điện hạt nhân thôi, nhưng không thể vội vàng được, dân ta còn thiếu kỷ luật công nghiệp, luật pháp chưa có, nhưng khó nhất là thiếu chuyên gia có tri thức.

Đại tướng trách tôi: Sao anh không nói ý kiến của mình? Anh và anh Tứ được nhà nước giao cho xây dựng ngành hạt nhân, anh Tứ mất rồi, còn anh? Tôi phân trần: Dạ, tôi nói đấy chứ! Nhưng tôi càng nói người ta càng xốc tới.

Rồi như một mệnh lệnh ngắn gọn phát ra trên chiến trường ngày nào, Đại tướng nói to: Tôi phải gọi ngay Việt Phương!

Mấy hôm sau, tôi đến nhà đã thấy Đại tướng ngồi chờ cùng với anh Việt Phương, anh Trần Đức Nguyên, người Quảng Bình, nguyên trưởng ban nghiên cứu Chính phủ, và GS TSKH Võ Hồng Anh, con gái đầu của ông, trước kia có thời kỳ nghiên cứu vật lý plasma ở Liên Xô.

Tôi trình bày kỹ hơn quan điểm của mình. Sau cùng, Đai tướng yêu cầu anh Việt Phương thuật lại chuyện này với Thủ tướng Phan Văn Khải, và “nếu cần tôi sẽ gặp anh Khải”. Tôi nghe nói lại, Thủ tướng Phan Văn Khải bảo anh Việt Phương “tôi phải đích thân đến thăm anh Văn, chứ sao anh Văn lại phải đến tôi”.

Mấy ngày sau, tôi nhận được một bức thư gửi Thủ tương Phan Văn Khải do anh Trần Xuân Giá ký, lúc này anh là trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng. Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá báo cáo Thủ tướng rằng nước ta còn nhiều nguồn tài nguyên, nhất là nhiên liệu tái tạo, chưa nên làm điện hạt nhân vội. Sau này nếu có làm, cũng không được vội vàng ồ ạt, an toàn cho môi trường và con người là trên hết. Viết mấy dòng này tôi bỗng thấy thương anh Trần Xuân Giá, vì sơ suất gì mà mang khổ vào thân.

Mấy ngày này, giới hạt nhân trong nước với đầy ân tình và tự hào chuyền nhau xem lại bài phát biểu của Đại tướng ngày 20/3/1984 trong lễ khánh thành lò phản ứng Đà Lạt. Cũng giờ đây, nhà nước đã chính thức quyết định làm điện hạt nhân, đối tác đang chờ, tín dụng đã mở, đồng hồ ghi tiền lãi đang điểm từng ngày. Trong khi đó, người am hiểu chưa có, pháp quy còn rất mong manh, mơ hồ, điện hạt nhân đắt lên sau tai nạn Fukushima, khó khăn trăm bề. Nhưng không dừng được rồi! Nếu ghi nhớ lời Đại tướng, chỉ còn cách bảo ban nhau không vội vàng, không được dẫm lên các sai sót kỹ thuật, biết đến đâu làm đến đó, dù chậm tiến độ cũng không được để cho người nước ngoài cầm tay ta làm việc của ta. Xin anh linh Đại tướng chứng giám!

Tuấn Ngọc (ghi)
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #195 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2013, 11:30:51 pm »


Thầy giáo Võ Nguyên Giáp khi dạy tại trường Thăng Long


Ngày 26/8/1945, Tư lệnh GPQ Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu ở Hà Nội sau khi giành được chính quyền.


Ngày 2/9/1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn một năm thành lập. Tại Hà Nội, Bí thư Tổng Quân ủy Võ Nguyên Giáp tuyên đọc Nhật lệnh của Quân ủy hội.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #196 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2013, 07:42:12 pm »

Viếng Đại tướng tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng:




















Phải nói rằng, công tác tổ chức buổi chiều không được tốt như buổi sáng. Các đoàn vào cả từ 2 bên cánh gà nên gây nhiều lộn xộn. Một đ/c VIP rút điện thoại gọi cho BTC. Tình hình sau đó được ổn định lại.

Còn buổi tối nay, lúc khoảng 22 giờ 30 :




« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười, 2013, 12:07:40 am gửi bởi qtdc » Logged
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #197 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2013, 11:46:50 pm »

Chỉ còn đêm nay, đêm cuối cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở lại với Hà nội để mai về với quê hương Quảng Bình, nơi an nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng. Hà Nội với Đại tướng, 78 năm kể từ năm 1935 lần đầu tiên Đại tướng đến với đất kinh kỳ với nghề viết báo rồi dạy học. Hà nội cũng là nơi  mà Đại tướng làm những chiến công hiển hách của mình, Hà nội Mùa Đông 1946, Hà nội Điện Biên Phủ trên không 1972.  Tổng hành dinh Hà nội chỉ huy Đại thắng Mùa xuân thống nhất đất nước năm 1975.
Hà nội cũng là nơi mà Đại tướng dạy học, là nơi Đại tướng trở thành Thánh hiền trong lòng người dân.
Hà nội với Đại tướng là quê nhà, là bạn bè, là đồng chí, sự nghiệp, là gia đình... Xin trích một đoạn trong "Chiến đấu trong vòng vây" của Đại tướng viết về người Hà nội sau cuộc chiến đấu quyết tử cho tổ quốc quyết sinh tại đường phố Hà nội 1946 :
"Chưa bao giờ tôi gặp một đoàn quân nhiều màu sắc phong phú đến như vậy. Đủ mọi lứa tuổi, từ em nhỏ nhi đồng, đến những người tóc đã hoa râm. Khá đông các chị. Quần áo đủ kiểu. Hàng quân danh dự hiên ngang với đồng phục kaki, mũ calô gắn phù hiệu nền đỏ sao vàng, khăn quàng quyết tử quân và súng tiểu liên. Số đông bộ đội mặc quần áo dân thường. Những bộ quần áo xanh công nhân, áo vét tông, áo bludông, mũ cát, mũ phớt. Những đôi giày dân sự màu đen, màu nâu. Lác đác màu áo lá cây của chiến sĩ vệ quốc đoàn. Chỉ giống nhau là mọi người đều mang vũ khí, thắt túi lựu đạn hoặc lựu đạn ngang lưng. Những bộ mặt được khói lửa chiến trường tôi rắn lại vẫn chưa mất đi những nét tài hoa, son trẻ của lớp thanh niên, học sinh Thủ đô.  "
...
Đêm cuối cùng Đại tướng ở lại với Thủ đô. Ngàn thu vĩnh biệt Đại tướng. Nhưng anh linh của Người sẽ trường tồn trên mọi miền đất nước Việt nam. Người trở thành vị Thánh của lòng dân .
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười, 2013, 12:19:55 am gửi bởi HaHoi » Logged
Quocngoaicu
Thành viên
*
Bài viết: 373



« Trả lời #198 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2013, 12:05:14 am »


Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội (1932 - 1939). Ông vừa dạy học, vừa học trường Luật, vừa viết bài cho các báo - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-trong-nuoc/Vo-Nguyen-Giap-thay-giao-day-Lich-su-vi-Tuong-day-nhan-van/84036.vtv#sthash.X2chRYUA.dpuf
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #199 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2013, 05:02:43 am »

http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/tuong-giap-qua-goc-nhin-cua-nha-tinh-bao-2893154.html

Tướng Giáp qua góc nhìn của nhà tình báo

"Võ Nguyên Giáp trước sau như một, là vị tướng của hòa bình và nhân dân", nguyên Cục trưởng Tình báo và Quân báo Lê Trọng Nghĩa, trợ tá thân cận cho tướng Giáp năm 1946-1968, bày tỏ.

Ở tuổi 92, mái tóc bạc trắng, giọng run run, ông Nghĩa vẫn có thể khiến người đối diện ấn tượng bởi ánh mắt sắc lẹm, từng lời nói chắc nịch và kiên cường. Nhắc đến cụ Hồ, tướng Giáp, về cách mạng Việt Nam, ông nhớ đến từng chi tiết nhỏ.

Ông Nghĩa xuất thân là một sinh viên khoa Luật, thông thạo nhiều thứ tiếng. Năm 23 tuổi (tức 1945) ông làm thuyết khách gặp gỡ Trần Trọng Kim, thuyết phục chỉ huy Nhật ở Trại Bảo an binh và tham gia đàm phán với Tổng chỉ huy quân đội Nhật ở Hà Nội. Chia sẻ về công việc của mình, ông nói: "Tôi theo dõi tất cả các vấn đề có quan hệ tới đối phương như Pháp, Mỹ, và các nước khác có liên quan đến cách mạng Việt Nam. Dựa vào những tin tức đó, Bộ Chính trị đưa ra chủ trương, quyết sách".


Đại tá Lê Trọng Nghĩa - Nguyên Cục trưởng Tình báo và Quân báo. Ảnh: Phan Dương.

Giai đoạn Cách mạng Tháng 8, ông Nghĩa đại diện chính quyền Việt Minh liên hệ với quân đội Nhật. Chủ trương lúc đó của Việt Nam là chỉ huy quân giải phóng đánh vào quân Nhật đang co cụm ở Thái Nguyên để mở đường Nam tiến. Ngày 23/8/1945 cách mạng thành công, ông Nghĩa thôi nhiệm vụ này, việc liên lạc do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chịu trách nhiệm. Đại tướng ra lệnh ngừng trận Thái Nguyên, giao hảo với Bộ chỉ huy tối cao của quân đội Nhật, tạo điều kiện để nhân dân cả nước giành chính quyền. Nhờ đó, giải phóng quân vào chiếm lĩnh Hà Nội và làm hậu thuẫn để chính quyền cả nước công khai ra mặt quốc dân ngày 2/9 trong bầu không khí hòa bình, không xung đột, đổ máu.

Ngày 22/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các ông Khuất Duy Tiến và Dương Đức Hiền tiếp xúc với phái bộ đồng minh do đại tá Archimedes Patti dẫn đầu. Theo ông Nghĩa, thời điểm này không có chức vụ chính thức nhưng Tướng Giáp đã làm nhiệm vụ của một Bộ trưởng Ngoại giao. Chính ông gặp gỡ với tướng Patti, và sau đó đưa đại diện phái bộ đồng minh đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc gặp gỡ này được xem là hội nghị ngoại giao đầu tiên của nước ta.

Trong cuốn hồi ký "Why Vietnam?" (Tại sao Việt Nam) của đại tá Patti (do Lê Trọng Nghĩa dịch) có kể lại rằng sau cuộc họp này ông Giáp đã nói: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Quốc kỳ nước chúng tôi được trương trong một nghi lễ quốc tế (sánh ngang hàng với cờ 4 nước đồng minh Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc) và Quốc ca của chúng tôi được cử hành để chào mừng một người nước ngoài. Tôi sẽ mãi mãi không quên...". Khi ấy, ông Nghĩa giải thích, Quốc kỳ nước Việt tung bay ngang hàng với cờ 4 nước đồng minh Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc.

Bằng 2 sự kiện đó, nhà tình báo Lê Trọng Nghĩa nhìn nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là ông tướng đánh trận mà còn là người gìn giữ hòa bình trong lúc đất nước hỗn loạn. "Với tôi, ông Giáp là người đóng góp có tính chất quyết định cho việc xây dựng đất nước Việt Nam độc lập và thống nhất ngay từ những ngày đầu", ông Nghĩa nắm tay chắc nịch, khẳng định.


Cuộc gặp mặt giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại diện quân đồng minh Đại tá (?) Patti được xem như hội nghị ngoại giao đầu tiên của Việt Nam. Lần đầu tiên Quốc kỳ, Quốc ca nước Việt sánh ngang với các nước trên thế giới. Ảnh tư liệu.

Năm 1950, ông Nghĩa được phong hàm đại tá và giữ chức Cục trưởng Cục tình báo và quân báo Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông trở thành trợ tá đắc lực của Đại tướng, nhất là trong trận Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, lúc đầu Bộ Chính trị đã quyết định phương án "đánh nhanh giải quyết nhanh". Tuy nhiên, thông tin tình báo của ông Nghĩa cho thấy thực dân Pháp đã "nằm lòng" kế hoạch của chúng ta và đã lên phương án tác chiến chỉ chờ quân ta nổ súng sẽ dập tắt. Tổng tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp đã hạ "quyết định khó khăn nhất cuộc đời" là chuyển sang "đánh chắc tiến chắc".

Ký ức của ông Nghĩa nhớ rõ thời kỳ ấy, kế hoạch ban đầu là quân chủ lực 308 sẽ tấn công vào lòng chảo Điện Biên Phủ. Cân nhắc tình hình kế hoạch bại lộ, ta đang nằm ở thế bị động nên tướng Giáp cho rút pháo ra khỏi Điện Biên, đồng thời quân chủ lực rút sang Lào, đánh nghi binh hòng phân tán lực lượng của Pháp - Mỹ. Nhưng ngay sau đó, Đại tướng lại quyết định không đánh nghi binh mà đánh thật xuống tận Luông Pha Băng. Phía Pháp nghĩ quân đội Tướng Giáp định cắt đôi Điện Biên, chiếm cả miền Bắc nên phải thay đổi kế hoạch, phân tán lực lượng đi các nơi. Nhờ đó Tướng Giáp đã chuyển tình hình từ thế bị động sang chủ động, nắm chắc được phần thắng.

"Cái độc đáo của ông Giáp là chuyển sang phương án mới. Quan trọng nhất là nổi bật được tính độc lập trong tư tưởng và trí tuệ của Việt Nam. Điều này phản ánh ông Giáp là người học trò tiêu biểu và được tín nhiệm nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh", ông Nghĩa nhận định.


Cục trưởng Quân báo Lê Trọng Nghĩa đang báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị về chiến dịch Biên giới 1950. Ông Nghĩa đứng giữa Phạm Văn Đồng và Hoàng Quốc Việt. Ảnh tư liệu.

Những năm 1967-1968, ông Nghĩa gặp những biến cố lớn, sự nghiệp cách mạng của ông dừng từ đó. Tận 22 năm sau, lúc về già ông mới có cuộc hội ngộ với người chỉ huy của mình. Ông nói chỉ cần đôi bên nhìn nhau đã rõ tất cả những nỗi đau phải chịu đựng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần là một nỗi đau lớn với người trợ tá thân cận này. Ông nói từng tiếng mạnh mẽ: "Ông Giáp mất tác động rất sâu sắc đến tâm hồn, tình cảm của tôi. Sự ra đi của ông Giáp là tiếng chuông rất quan trọng để nhắc nhở tôi là phải nhớ đến và làm theo tấm gương của ông suốt đời kiên trì vì nền hòa bình, độc lập của nước nhà".

Nhà tình báo Lê Trọng Nghĩa chia sẻ thêm, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang hướng tích cực, nhất là trong thời điểm Hội nghị Trung ương VIII vừa diễn ra. "Mọi người dân đừng chỉ có thương tiếc không, cần phải nhìn theo gương ông Giáp mà làm vì một nước Việt Nam có hòa bình, phát triển một cách sâu rộng và vững chắc", nhà tình báo 92 tuổi tha thiết.

Hình ảnh vị tướng gần gũi với người lính, nhân dân đã in sâu vào tâm khảm ông Nghĩa từ cái thời Tướng Giáp đội mũ phớt thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. "Tôi gọi ông ấy là Đại tướng đội mũ phớt. Vinh quang của ông ấy không phải thể hiện ở Cách mạng tháng Tám, trận Điện Biên Phủ, dìu dắt cách mạng đi qua hai cuộc chiến tranh vĩ đại..., mà vinh quang suốt đời của ông Giáp là vì nền hòa bình của Tổ quốc", người cựu trợ lý Tướng Giáp chia sẻ.

Nguyên Cục trưởng Cục tình báo và quân báo Lê Trọng Nghĩa sinh năm 1922, từng mang các tên Đoàn Xuân Tín, giáo sư Lê Ngọc và sau cùng là Lê Trọng Nghĩa. Trong đó Lê Trọng là tên của người thầy giáo đầu tiên của ông, còn Nghĩa với ý là khởi nghĩa. Ngày 10/3/1945 ông Nghĩa được giao trách nhiệm bảo vệ "thượng cấp" Trần Đăng Ninh vượt ngục Hỏa Lò. 19/8/1945 ông là Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội. Ngày 20/8/1945, Ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời trung ương, kháng chiến bùng nổ, ông là chánh văn phòng Bộ Quốc phòng. Năm 28 tuổi (1950) ông Nghĩa mang quân hàm đại tá, giữ chức Cục trưởng Cục Quân báo. Năm 1954, ông Nghĩa 32 tuổi phụ trách quân báo cho Sở chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ.

Phan Dương
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM