Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 08:04:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dọc ngang đất nước  (Đọc 18272 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #10 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2013, 10:43:56 pm »

NAM DU KÝ  SỰ
( Tản mạn trong chuyến lãng du về phươngNam )

Thứ bảy 23/7/2005
(Ngày thứ mười ba)


Đoàn đi thăm TP HCM còn tôi đi thăm anh chị em và bạn bè.


Chợ Bến Thành


Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh


Nhà thờ Đức Bà


Bưu điện Sài Gòn


Hội trường Thống nhất


Nhà hát thành phố


Sông Sài Gòn với cảng Nhà Rồng

Chủ nhật 24/7/2005 (Ngày thứ mười ba)

6h35, rời TP HCM.

Qua cầu Nguyễn Hữu Cảnh mới thấy thực trạng tồi tệ của nó, dư luận đã nói nhiều nhưng việc khắc phục chẳng tốt hơn 1 chút nào.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh

6h45, qua cầu Sài Gòn là quận 2, rồi đến quận 9, bên trái là quận Thủ Đức, đây là những quận mới của TP.

Cầu Sài Gòn

7h15, qua cầu Đồng Nai (+ 20 km = 3.194 km).

QL 1 đi qua khu vực nổi tiếng 1 thời với những địa danh của tỉnh Đồng Nai như Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, Dầu Giây, Long Khánh, Xuân Lộc. Những trận chiến ác liệt đẫm máu trước cửa ngõ Sài Gòn những ngày tháng tư cách đây 30 năm không thể quên. Đồng đội của tôi, những chiến binh quả cảm của Quân đoàn 2, của Sư đoàn 325, của Trung đoàn 101, của Tiểu đoàn 1, của Đại đội 3 đã từ bờ Thạch Hãn, Quảng Trị ngược lên Trường Sơn và từ miền Tây Thừa Thiên cắt ngang đường 1 tiến về giải phóng Huế ; từ đỉnh Hải Vân, các anh tiến đánh bán đảo Sơn Trà, giải phóng Đà Nẵng ; rồi băng qua duyên hải miền Trung công phá Phan Rang - Tháp Chàm, sân bay Thành Sơn ; để rồi một ngày cuối tháng 4 năm 1975 tại Long Thành ta và địch giành giật nhau từng góc phố, từng căn nhà để mở đường đánh chiếm Nhơn Trạch rồi căn cứ Cát Lái trên sông Sài Gòn và tiến về Sài Gòn. Các Anh đã ngã xuống trước giờ chiến thắng, 6.000 chiến sĩ của Quân đoàn 2 đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây nhưng các Anh luôn sống mãi trong lòng nhân dân, đất nước và đồng đội thân yêu.

Rừng cao su Đồng Nai

Đi qua Đồng Nai với những cánh rừng cao-su bạt ngàn xanh mướt thì đất Bình Thuận khô rang một mầu vàng của đất và của cỏ cây khô cháy. Đã 18 tháng nay vùng này không 1 giọt mưa, các dòng sông, dòng suối đều khô cạn.    

Biển và cát Bình Thuận

10h25, tới địa phận TX Phan Thiết (+ 166 km = 3.360 km). TX nằm sát biển, QL 1 mới đi phía ngoài cách 2km nên không biết TX thay đổi như thế nào so với 15 năm trước.

Biển Phan Thiết

11h40, đến thị trấn Chợ Lầu của huyện Bắc Bình (+ 63 km = 3.423 km).

Đi thêm 7km nữa ta đến Phan Rí, mầu xanh của biển đã ở ngay bên phải với những cồn cát trắng dưới ánh sáng mặt trời rực rỡ.

Đường qua Phan Rí

Qua huyện Tuy Phong với suối nước khoáng Vĩnh Hảo nổi tiếng, tới đây QL 1 đi sát biển với 1 bên là núi đá và ta tới địa phận tỉnh Ninh Thuận với bãi biển Cà Ná nổi tiếng.

Phong cảnh Cà Ná

13h50, tới TX Phan Rang (+ 81 km = 3.504 km). Vẫn cái nắng khô cháy nhưng thay vào những đồng cỏ khô xác là những cánh đồng nho và vườn điều, thanh long…

Tháp Chàm Phan Rang

Ngày 16/4/1975, sau khi giải phóng Đà Nẵng, e101 của tôi cùng đội hình của Sư đoàn 325 và Quân đoàn 2 đã tiến đánh phòng tuyến Phan Rang, sân bay Thành Sơn, Tháp Chàm. Tại đây nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống trong số đó có Quách Ngọc Mai, nó là xạ thủ B41 người Mường Thanh Hóa. Hai anh em chúng tôi cùng tiểu đội với nhau khi ở Nam Cửa Việt, Lệ Xuyên, Vân Hòa…

Từ Phan Rang có QL 27 qua nhà máy thủy điện Đa Nhim, vượt qua đèo Ngoạn Mục gặp QL 20 ở Liên Khương để tới Đà Lạt.

14h45, tới Cam Ranh (+ 43 km = 3.547 km). Đường 1 quãng này chạy gần vịnh Cam Ranh. Phía biển bị chắn bởi những cồn cát cao của bán đảo Cam Ranh. Cảng Cam Ranh là 1 cảng nước sâu nổi tiếng trên thế giới, nhưng bao năm qua người ta chỉ biết đến đó là 1 quân cảng vô cùng quan trọng của Mỹ trong chiến tranh VN. Sân bay Nha Trang đã chuyển về Cam Ranh, từ đây có đường ven biển chạy thẳng ra Nha Trang.

Một góc Vịnh Cam Ranh

16h15, tới Nha Trang (+ 69 km = 3.616 km). Cách 10km qua Tháp Bà Pô Na Ga là khu suối khoáng nước nóng và tắm bùn.

Cầu Xóm Bóng, Nha Trang


Tháp Bà Pô Na Ga

460 km.          
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Chín, 2013, 10:49:22 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #11 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2013, 10:23:45 am »

NAM DU KÝ  SỰ
( Tản mạn trong chuyến lãng du về phươngNam )

Thứ hai 25/7/2005(Ngày thứ mười lăm)

Ngày hôm nay đi thăm Tháp Bà Po Na Ga, Viện hải dương học, chùa Long Sơn, đi chợ Đầm, tắm biển. Nha Trang đẹp lên rất nhiều nhất là không còn cảnh nhiễu nhương của những người bán dạo và của thợ chụp ảnh.

Viện Hải dương học.


Chùa Long Sơn.


Bên ngoài Chợ Đầm.


Biển Nha Trang.

Giám đốc chi nhánh vốn là nữ học sinh miền Nam tập kết nên có nhiều kỷ niệm với thú ẩm thực của miền Bắc.

50 km.  
 
Thứ ba 26/7/2005 (Ngày thứ mười lăm)

5h20, rời Nha Trang.

5h30 qua đèo Rù Rì, bên phải là đầm Nha Phu mờ mờ trong sương sớm.

Đèo Rù Rì với cái tên nghe rất ấn tượng, là con đèo cuối cùng của miền Nam để vào trung tâm thành phố Nha Trang.


Đầm Nha Phu

Qua đèo Rọ Tượng, rồi đèo Bánh Ít đến thị trấn Ninh Hòa (+33km = 3.699km).

Từ đèo Rọ Tượng nhìn xuống biển


Đèo Bánh Ít

Tại đây nếu rẽ trái theo QL 26 đi hơn 150km ta sẽ tới Ban Mê Thuột.

Khí hậu của Khánh Hòa rất ôn hòa, cỏ cây xanh mướt khác hẳn với miền đất khô cháy Bình Thuận và Ninh Thuận.
 
6h25, đến thị trấn Vạn Giã của huyện Vạn Ninh (+ 25 km = 3.724 km). Tới đây đường ô-tô và đường sắt chạy sát bờ biển. Biển xanh biếc, tĩnh lặng với những xóm chài nép dưới rặng dừa xanh - đây chính là vịnh Vân Phong nổi tiếng với dự án xây 1 cảng dầu lớn ở miền Trung.

Vịnh Vân Phong

Đèo Cả đã ở phía trước đây là ranh giới giữa Khánh Hòa và Phú Yên. Núi Đá Bia sừng sững với huyền thoại vua Lê Thánh Tông đã đánh dấu cương vực của Đại Việt trên đường bình Chiêm cách đây hơn 500 năm.

QL 1 qua Đèo Cả...


... và núi Đá Bia

6h50 qua Đèo Cả (+ 33 km = 3.757 km), Vũng Rô ở ngay dưới chân đèo. Nơi đây là 1 địa danh nổi tiếng gắn liền với những chiến công huyền thoại của đoàn tầu ‘không số” của thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước.

Cảng Vũng Rô nhìn từ đèo Cả

7h25, qua cầu Đà Rằng đến địa phận của TX Tuy Hòa (+ 61 km = 3.818 km).Thị xã nằm phía biển, từ đường 1 nhìn thấy Tháp Nhạn nổi lên giữa biển trời xanh ngắt. Từ Tuy Hòa có QL 25 lên Tây Nguyên, đây chính là con đường 7 kinh hoàng trên đường tháo chạy khỏi Pleiku của quân đội Sài Gòn tháng 3/1975.

Cầu Đà Rằng và TX Tuy Hòa


Tháp Nhạn tại TX Tuy Hòa.


Núi Chóp Chài nhìn từ TX Tuy Hòa.

8h45, đến thị trấn Chí Thạnh của huyện Tuy An (+30 km = 3.848 km). Đầm Ô Loan nằm ngay bên phải đường 1.

9h15, thị trấn Sông Cầu nhìn ra vụng Xuân Đài, phong cảnh rất nên thơ với những làng chài nằm dọc bên bờ vụng.

Bãi biển Xuân Đài nhìn từ quốc lộ 1A

Qua thị trấn Sông Cầu 3km là QL 1D đi thẳng ra Quy Nhơn. Đoạn đường này 1 bên là chân đèo Cù Mông, còn bên phải là biển. Con đường mới này thực sự đã tránh được những mối nguy hiểm mối khi phải qua đèo, mặt khác là cho du khách cảm thấy thú vị khi băng qua những cồn cát trắng chạy dọc chân núi qua những khu du lịch sinh thái nằm sát bờ biển. Từ trên triền núi ta có thể ngắm nhìn Quy Nhơn từ xa. TX chạy ven bờ vịnh và đang khởi sắc kể từ khi QL 1D chạy qua. Trước đây du khách vào Nam, ra Bắc đi đến Diêu Trì ngoài QL 1 cũ phải đi gần 10km nữa mới tới được Quy Nhơn.

QL 1D tránh qua đèo Cù Mông theo ven biển ra Quy Nhơn.

10h00, đến Quy Nhơn (+48km = 3.848km)

TP Quy Nhơn hướng ra vịnh.

10h10, Diêu Trì – có Ga Gà nổi tiếng vào những năm sau giải phóng mỗi khi tầu Thống Nhất dừng tại đây.

12h20, đi qua thị trấn Tam Quan (+98 km = 3.994 km). Ngày xưa khi đến đây là rợp mát bóng dừa, rừng dừa nằm sát 2 bên đường giờ thay vào đó là những dãy phố xá với nhà cửa san sát không còn bóng cây.

Qua đèo Bình Đê (+12 km = 4.006 km) ta ta đi vào địa phận huyện Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi.

13h05, Sa Huỳnh đẹp hơn rất nhiều do có nhiều dự án đầu tư vào đây nên đã thu hút nhiều khách du lịch.

Bãi biển Sa Huỳnh

Đức Phổ, trong những năm chiến tranh là nơi tranh chấp giữa ta và địch và giờ đây nhiều người biết đến với cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Một người con gái Hà Nội chân yếu tay mềm đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân ở nơi đây. Chị ngã xuống như một người lính thực thụ. Những dòng nhật ký của chị để lại khiến cho người ta phải suy nghĩ và nhìn nhận lại định kiến của 1 thời về sự cống hiến của 1 lớp người trí thức HN trong sự nghiệp chung của cả dân tộc.

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm

14h05, TX Quảng Ngãi (+70 km = 4.076 km).

Qua cầu sông Trà Khúc, bên phải là núi Thiên Ấn, trên đỉnh núi có lăng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn

14h40, đến thị trấn Châu Ổ của huyện Bình Sơn (+17 km = 4.093 km). Qua sông Trà Bồng khoảng 9km có đường ra cảng Dung Quất.

Thị trấn Châu Ổ...


... và sông Trà Bồng

15h00, đến Chu Lai thuộc huyện Núi Thành của Quảng Nam (+15 km = 4.108 km). QL 1 và đường sắt chạy sát vụng biển.

Đài chiến thắng Núi Thành.

15h30, TX Tam Kỳ (+30 km = 4.138 km).

Thị xã Tam Kỳ

16h00, thị trấn Hà lam của huyện Thăng Bình (+23 km = 4.131 km), đây là ngã ba với QL 14E, đi thêm 75km sẽ tới Khâm Đức, huyện lỵ miền núi Phước Sơn.

16h50, thị trấn Vĩnh Điện (+23 km = 4.154 km).

Đường 1 mới tránh các điểm dân cư nhưng lại chưa đủ biển chỉ dẫn nên lòng vòng mãi tới 17h20 mới đến Hội An (+10 km = 4.164 km ).
 
Nghỉ tại KS Phú Thịnh II. KS đẹp, tuy không lớn nhưng rất hài hòa với khuôn viên xung quanh. Chủ KS này là 1 quan chức tại Chi nhánh Hội An nhưng lại có đầu óc về kinh doanh du lịch và rất am hiểu về văn hóa của Phố cổ Hội An.

 
498 km.
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười, 2013, 07:19:08 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #12 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2013, 09:47:18 pm »

NAM DU KÝ  SỰ
( Tản mạn trong chuyến lãng du về phươngNam )

Thứ tư 27/7/2005 (Ngày thứ mười bẩy)

Sáng đi thăm Phố cổ Hội An. Không gian thanh bình, tĩnh lặng của Hội An dường như làm cho thời gian chậm lại. Ngay cả khi đi qua chợ cũng vậy, nó không ồn ã như những chợ ở vùng khác, đây có lẽ là sắc thái chung của người Phố cổ Hội An chăng ?









8h50, rời Hội An.
 
9h15, Ngũ Hành Sơn (+20 km = 4.184 km). Các xưởng chế tác đá mọc lên như nấm, bụi đám tiếng ồn của các loại máy xẻ, máy mài làm cho cảnh quan dưới chân Ngũ Hành Sơn giống như một công trường khai thác đá.

Phong cảnh Ngũ Hành Sơn


Các tác phẩm làm từ đá Ngũ Hành Sơn


Xưởng chế tác đá

9h30, Đà Nẵng (+ 12 km = 4.196 km). TP mở rộng lên rất nhiều với nhiều đường phố lớn chạy dọc vịnh Đà Nẵng.

Cầu quay trên sông Hàn


Một góc Đà Nẵng

10h05, qua hầm Hải Vân (+17 km = 4.213 km). Đường hầm dài 6km thay cho 22km qua đèo, tuy mới đưa vào sử dụng nhưng đã bộc lộ những nhược điểm chưa phù hợp với thực tế của VN mặc dù đây là 1 đường hầm được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất. Xe cộ qua hầm hầu hết là xe quá đát nên lượng khí thải ra rất lớn nên thành hầm bám một lớp muội khói, đi trong hầm là đi trong 1 màn khói mờ mờ…

Trong hầm Hải Vân

Ra khỏi hầm là cảnh sắc tuyệt vời của bãi biển Lăng Cô, núi, rừng, biển, trời và những dải cát trắng như hút hồn du khách.


Đèo Phú Gia, đèo Phước Tượng, Phú Lộc, cao điểm 363...đồng độicủa tôi ngã xuống ở đây nhiều quá. Cái ngày định mệnh của tháng 3/1975 đó trong khi từ miề Tây Phú Lộc tiến xuống chặt đứt đường 1 ; c3 của tôi bị pháo địch chụp trúng đội hình do thám báo chỉ điểm. Anh Khảm c trưởng, anh Hùng c viên trưởng, Dư, Vụ và tấ nhiều anh em khác đã cùng tôi ở Thành cổ và Nam Cửa Việt đã nằm lại nơi đây. Các anh nằm ở đâu hay đã trở về quê hương. Các anh luôn sống mãi trong lòng nhân dân và các đồng đội thân yêu.

Đèo Phú Gia


Đèo Phước Tượng

11h30, tới Huế (+70 km = 4.289 km).

Chiều nghỉ đi thăm Huế trong trời mưa sập sùi.

Cầu Phú Xuân


Cầu Tràng Tiền


Chùa Thiên Mụ

Thứ năm 28/7/2005 (Ngày thứ mười tám)

6h35, rời Huế.

Mưa suốt dọc đường. Tạnh đi để chúng tôi vào Thành Cổ thắp hương cho đồng đội đã ngã xuống trong 81 ngày đêm của mùa Hè đỏ lửa 1972  .
 
8h10, tới Thành Cổ (+61 km = 4.350 km) thì trời tạnh ráo. Các Anh đã thấu hiểu tâm nguyện của chúng tôi. Xin nhận ở chúng tôi lòng biết ơn của những con người đang sống hôm nay, máu xương của các Anh đã đổ xuống nơi đây nhưng ngọn lửa của lứa tuổi 20vaanx luôn cháy bỏng trong lòng giúp chúng tôi là nốt những ước mơ mà các Anh đang viết dở.

9h45, tới Đông hà (+13 km = 4.363 km) , nghỉ tại nhà khách của CN Quảng Trị.

Đoàn đi Lao Bảo (+82 km = 4.445 km) , tôi ở lại để đi thăm anh em ở QT.

Chợ Đông Hà


Cửa khẩu Lao Bảo


Trung tâm thương mại Lao Bảo

238 km.  
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2013, 08:52:50 pm »

NAM DU KÝ  SỰ
( Tản mạn trong chuyến lãng du về phươngNam )

Thứ sáu 29/7/2005
(Ngày thứ mười chín)[/i]

6h35, rời Đông Hà.

Đang có áp thấp nhiệt đới nên mây vần vũ, lúc mưa lúc nắng. Đường ra Bắc qua 1 loạt địa danh đã gắn liền với tôi 1 thời tuổi trẻ: qua Gio Linh, Dốc Miếu nhớ Hà Thượng ngày xưa đi trồng sắn ; qua cầu Hiền Lương và Hồ Xá nhớ tới những ngày tháng 8/1972 từ Bãi Hà nhận vũ khí trang bị vượt thượng nguông Bến Hải để vào Cam Lộ qua suối La La ; rồi những ngày bị thương nằm tại viện 52 tại Vĩnh Thành và viện 48 ở Vĩnh Long…
 

Quảng Trị, nhớ một thời đã qua


Dốc Miếu ngày nay


Cầu Hiền Lương những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước...


...và ngày hôm nay

8h45, Đồng Hới (+88 km = 4.533 km).
 
Qua đất Quảng Bình nhớ tới những đêm mưa tầm tã hành quân dọc theo đường xe lửa xuyên Việt trong tiếng gầm rú của máy bay địch và tiếng rít của các loại pháo từ hạm đội 7 bắn vào. Ngoài đường 1 và trục đường 15 sáng rực dưới chớp lửa của bom B52, của máy bay tọa độ và của pháo hạm địch. Đường hành quân của chúng tôi đi ở giữa các quầng lửa đó. Nhớ tới những đêm trăng nằm tại các trạm chuyển thương trong các xóm nhỏ bên bờ Kiến Giang ở Mỹ Thủy, Hoa Thủy, Mai Thủy…trong sự đùm bọc của các mẹ, các chị, các em. Cái đêm vượt sông Gianh ấy, đi ngược lại đoàn quân là những đoàn thương binh và các cháu nhỏ  đưa ra Bắc học tập, bến phà trơn trượt dưới trời mưa tầm tã nhưng tất cả phải khẩn trương vượt qua trọng điểm đầy bom đạn này. Khi chúng tôi sang hết bên bờ Nam được 1 lúc thì bên bờ Bắc những quầng lửa của B52 chụp xuống và số phận của các thương binh và các cháu nhỏ bên ấy ra sao chúng tôi không rõ nữa…  

10 h 10 qua hầm Đèo Ngang.

11h40, qua TX Hà Tĩnh (+158 km = 4.691 km).

14h00 vào thăm nhà chị Ngọ tại xã Sơn Lộc, Can Lộc. Trước bàn thờ của ông cụ thân sinh ra chị Ngọ - Trung đoàn phó Nguyễn Xuân Lực, tức Ba Kiên - người chỉ huy anh hùng của e101A (sau này là Q16). Ông đã ngã xuống ở vùng Củ Chi, Bến Dược năm 1970. Ông được tuyên dương Anh hùng quân đội năm 1956 và lần thứ hai được truy phong AH lực lương vũ trang giải phóng năm 1973. Các thế hệ của e101 anh hùng đã bắt đầu từ mảnh đất Bình Trị Thiên khói lửa vì Độc lập dân tộc và vì sự nghiệp vẹn toàn của đất nước đã tung hoành ngang dọc khắp bán đảo Đông Dương trong suốt mấy chục năm từ tháng 9 mùa thu 1945 ấy. Hôm nay sắp tới kỷ niệm ngày thành lập Trung đoàn ( 5/9/1945 - 5/9/2005 ) nhớ lại các thế hệ cha anh và các đồng đội đã ngã xuống mới thấy cái giá cho ngày hôm nay không có gì có thể bù đắp được.

14h50, tới Vinh (+54 km = 4.745 km).


Cầu Bến Thủy

Nghỉ đêm tại KS Ngân Hà của Chi nhánh Nghệ An.

Thứ bảy 30/7/2005 (Ngày thứ hai mươi)

6h55, rời Vinh.

Trời vần vũ đầy mây khi mưa, khi tạnh báo hiệu sắp có bão. Kết thúc chuyến đi này vào hôm nay là đúng vì có thể ngày mai bão sẽ đổ vào.

11h40 cả đoàn ăn một bữa cơm cuối cùng với nhau tại Ninh Bình.  

14h45, về tới Hà nội (+300 km = 5.045 km ), kết thúc chuyến đi. Thắp hương lễ tạ trước tượng Cụ Lý, Cụ đã phù hộ chúng con suốt hơn 5000km suôn sẻ, không ai ốm đau kể say xe, không có sự cố nào xảy ra trên đường, cả đoàn về đến nơi vui vẻ, khỏe mạnh.

Trong hai mươi ngày, chúng tôi đã đi gần như suốt một nửa đất nước, vượt hơn 5.000km theo lộ trình, qua địa phận 33 tỉnh, thành phố, hàng chục thị xã, thị trấn, huyện lỵ…ghé thăm 17 CN NHCT của các tỉnh phía Nam. Chúng tôi đã đi theo QL 1 vào đến Đồng Hới, Quảng Bình rồi lên đường HCM cánh Đông ; qua 1 đoạn QL 9 để đi dọc Tây Nguyên bằng trục đường HCM và các QL 14, 20, 27 ; xuống miền Tây Nam bộ bằng QL 80, QL 91, QL 30 rồi trở ra Bắc bằng đường 1 ; băng qua nhiều sông, suối, kênh, rạch với hàng trăm cầu cống lớn nhỏ, qua 3 phà (Cao Lãnh trên sông Tiền, Vàm Rầy trên kênh Hà Tiên - Rạch Giá và 2 lần qua phà Vàm Cống trên sông Hậu). Chúng tôi đã vượt qua những cung đường hiểm trở nhất của Trường Sơn đoạn từ A Lưới tới Khâm Đức với những đỉnh dốc cao nhìn xuống chân chỉ thấy mây trắng ngút ngàn ; qua những đoạn đường mà chỉ cách 1 vài cây số là biên giới như La Lay (Quảng Trị), Ca Vin (Thừa Thiên), Châu Đốc (An Giang) và Xà xía, Mũi Nai (Kiên Giang). Chúng tôi cũng đã rong ruổi hàng trăm cây số suốt dọc bờ biển miền Trung với những phong cảnh tuyệt đẹp của núi non, biển trời Tổ quốc.

Tuy thế trên đường đi tận mắt thấy bà con mình nhiều nơi còn nghèo quá nhất là ở các vùng sâu, vùng xa nhà cửa như những túp lều lụp xụp ; nhiều vùng đã nhiều tháng khô hạn đáng lẽ ra ở đây phải coi việc giải quyết nguồn nước là hàng đầu ; nhiều khu công nghiệp mọc lên nhưng không ít các nhà máy xí nghiệp bỏ hoang hoặc hoạt động cầm chừng vì không có nguyên liệu hoặc do những nguyên nhân tế nhị khác…

Chuyến Nam du kết thúc mặc dù mới chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng để lại trong tôi những ấn tượng khó quên về thiên nhiên, về phong cảnh, về con người và những tập tục ở những vùng đất mà mình đã đi qua. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” đó chính là những gì chắt lọc được từ mỗi chuyến đi xa.    

Hà Nội, tháng 8/2005
                                                                                         
LXT

« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2013, 11:05:43 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM