Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 12:59:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chân dung vị tướng anh hùng, liệt sĩ Kim Tuấn  (Đọc 2461 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #30 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2013, 04:06:30 pm »

NHỚ MÃI NGƯỜI CHỈ HUY DŨNG CẢM, SÁNG SUỐT, BAO DUNG


LƯU BÁ QUẾ


   Từ ở cương vị đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn..., đồng chí Kim Tuấn vẫn luôn luôn có tình thương đồng đội chiến sĩ, và anh dũng, bình tĩnh chớp thời cơ đánh địch giành chiến thắng...

   1. Người đại đội trưởng có lòng bao dung, độ lượng và tình thương đồng đội.

  Năm 1951, sau ngày thành lập Đại đoàn 320 ở Mống Lá, Nho Quan, Ninh Bình, Trung đoàn 48 được lệnh hành quân lên phía bắc tỉnh Sơn Tây, phối hợp với chiến trường trung du: Vĩnh Yên, Phúc Yên, mở chiến dịch đánh địch giải phóng cho dân ở huyện Quảng Oai, thị xã Sơn Tây bị địch o ép, áp bức, kìm kẹp... Sau hai ngày hành quân cấp tốc, trung đoàn đã đánh địch trong ba ngày đêm 13, 17, 18 tháng 1 năm 1951 tiêu diệt 9 đồn bốt và bức rút 3 đồn địch, tiêu diệt và bắt hơn 100 tên địch, thu được 1 khẩu pháo 105 ly.

   Đại đội 46 do đồng chí Kim Tuấn là Đại đội trưởng, tấn công đánh đồn Vật Lại; chiến sĩ Chuyên mở đột phá khẩu vào trước bị dây thép gai “bùng nhùng” xé toạc áo hở cả lưng, quần rách bươm hở cả dùi... Nhưng đồng chí đã anh dùng tiêu diệt ổ đề kháng của địch để đồng đội xung phong vào tiêu diệt quân lính trong dồn. Đồn bị tiêu diệt xong, đồng chí Chuyên còn vòng ra phía sau để kiểm tra xem còn tên địch nào chạy trốn. Khi qua sân nhỏ đồng chí thấy trên dây phơi có một số quần áo của lính phơi, đồng chí có rút 1 bộ ka ki của địch mặc thay cho bộ quần áo đã rách bươm kia.

  Hôm sau tiểu đoàn tập trung quân, đồng chí Tiểu đoàn phó Quốc Hùng thấy chiến sĩ Chuyên mặc bộ ka ki ngụy, nên đã kết tội vi phạm kỷ luật chiến trường (đã lấy chiến lợi phẩm) và hạ lệnh kỷ luật ở mức cao nhất.

  Hai đồng chí Chính trị viên của Đại dội 44 và 48 cùng đồng chí Đại đội trưởng 46 Kim Tuấn có ý kiến. Đồng chí Kim Tuấn phân tích tình, lý cặn kẽ nên đồng chí Quốc Hùng đã rút lệnh kỷ luật đồng chí Chuyên (nhưng yêu cầu phải làm tự kiểm điểm ở đại đội).

   2. Người Đại đội trưởng Kim Tuấn trong trận chiến đấu ngày 19 tháng 1 năm 1951 là một tấm gương anh dũng quả cảm.

   Địch tiếp viện quân từ Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc sang phản công quyết liệt hòng tiêu diệt Trung đoàn 48 chủ lực của ta (quân địch đông tới hai trung đoàn, phi pháo mạnh). Để bảo toàn lực lượng, ta vừa đánh, vừa hỗ trợ cho nhau rút. Đồng chí Kim Tuấn - Đại đội trưởng Đại đội 46 nhận nhiệm vụ chặn dịch và rút cuối cùng. Ngoài khẩu súng lục đồng chí còn sử dụng 1 tiểu liên “S.Tcl”. Vừa chỉ huy đại đội, vừa trực tiếp đánh chặn địch quyết liệt để đơn vị bạn và đồng đội rút lui. Trên đường rút lui, ngoài nhiệm vụ chỉ huy, đồng chí còn băng bó cho 2 đồng chí và dìu 1 đồng chí bị thương qua cầu tre vượt sông Tích Giang vào khu rừng “Vu Quy Ngọc Nhị” huyện Quảng Oai, Sơn Tây.

   3. Người tiểu đoàn trưởng có tác phong linh hoạt, sáng suốt, dũng cảm và quyết đoán, chớp đúng thời cơ đánh địch bất ngờ giành chiến thắng.

   Trong chiến dịch Tây Nam Ninh Bình (1953), đồng chí Kim Tuấn đã là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (Tiên Yên) Trung đoàn 48. Sáng ngày 28 tháng 10 năm 1953, tiểu đoàn lê dương cơ động và một tiểu đoàn ngụy Thái thọc sâu vào Sòng Cạn - Dốc Giang huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình hòng tiêu diệt quân ta. Tiểu đoàn Tiên Yên do đồng chí Kim Tuấn chỉ huy đã mấy ngày phục kích đón địch. Chớp thời cơ khi địch còn đang chân ướt chân ráo mới hành quân đến, Tiểu đoàn trưởng Kim Tuấn chỉ huy đơn vị vận động chiến chia cắt địch ra từng mảng để tiêu diệt. Bị đánh bất ngò, tiểu đoàn ngụy Thái tan rã, tiểu đoàn lê dương chống cự không nổi đành chạy về phía Rịa. Quân ta đã tiêu diệt và bắt gần 400 tên. Bắn rơi 1 máy bay trinh sát, 1 máy bay ném bom B26 của địch, góp phần vào chiến thắng chung của Đại đoàn 320. Tiểu đoàn Tiên Yên được Bộ Tổng Tư lệnh tặng “Huân chương Quân công hạng Ba”.

Ngày 15 tháng 9 năm 2011
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #31 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2013, 10:10:53 am »

NHỮNG KỶ NIỆM SÂU SẮC VỀ NGƯỜI ANH HÙNG,
LIỆT SĨ, THIẾU TƯỚNG NGUYỄN KIM TUẤN


Đại tá PHẠM HỮU DẬT

 
Câu chuyện thứ nhất: BỌC BẢN ĐỒ

   Sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tôi được điều lên công tác ở Ban Tác huấn Sư đoàn, lúc này toàn sư đoàn đang dốc sức hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho đợt “Đi sâu, đi lâu, đánh to thắng lớn, đánh đến thắng lợi hoàn toàn”. Tháng 11 năm 1971, đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường bắt đầu hành quân. Tôi được đồng chí Trưởng ban Tác huấn - Thiếu tá Nguyễn Văn Diệu giao nhiệm vụ di cùng Tư lệnh Sư đoàn, Đại tá Nguyễn Kim Tuấn, theo dưòng giao liên “Trạm Z”. Còn đội hình lớn đi và ăn nghỉ tại bãi khách của trạm giao liên.

   Hàng ngày khi đến trạm giao liên, nhiệm vụ của tôi là bố trí nơi ở của Tư lệnh, phân công vệ binh canh gác; nắm tình hình của trạm ra phổ biến cho đoàn ở bãi khách đồng thời nắm tình hình hành quân của đơn vị để báo cáo với Tư lệnh. Xong những công việc thưòng nhật, tôi thường mắc võng nằm cạnh Tư lệnh. Ông hỏi tôi nhiều việc về gia đình, về quá trình công tác. Một hôm ông hỏi tôi: cậu mang cái bọc gì trên nắp ba lô mà to vậy, tôi báo cáo với Tư lệnh đây là bọc bản đồ của Ban Tác huấn giao cho tôi mang vào chiến trường. Tư lệnh lại hỏi bản đồ vùng nào vậy, tôi trả lời là bản đồ toàn miền Nam. Nghe tôi trả lời, ông cười ngặt nghẽo, một lúc sau ông nói vói tôi: cậu giữ nghiêm kỷ luật như thế là tốt, đặc biệt là khâu bí mật. Nhưng là một trợ lý của cơ quan tham mưu mà cậu trả lời thiếu chính xác như vậy là không ổn, vì sư đoàn ta sẽ vào tác chiến trên một chiến trường nhất định, vậy thì bản đồ mang theo cũng chỉ ở khu vực đó thôi dúng không? Nghe ông nói rất chân tình, rất chuẩn xác nhưng lại rất nghiêm khắc, chính vì thái độ của Tư lệnh như vậy nôn tôi lại càng thấm thía. Sau này, tôi thường được cử đi theo Tư lệnh xuống các đơn vị, tôi cũng học được tác phong làm việc của Tư lệnh, đó cũng là những kinh nghiệm và những bài học bổ ích giúp tôi trong quá trình công tác trong quân đội sau này.



Câu chuyện thứ hai: “VẬY CÓ CHÍNH ỦY TRƯỞNG KHÔNG?”

  Tháng 7 năm 1972, sau 3 tháng nằm điều trị sốt rét ơ Kon Turn tôi trở về cơ quan công tác. Lúc này, Sư đoàn 320 đã chuyển xuống chiến trường Gia Lai. Vừa về đến cơ quan, tôi gặp Tư lệnh Kim Tuấn đang dứng nói chuyện với Trưởng ban Tác huấn Nguyễn Văn Diệu. Tôi báo cáo với Tư lệnh và Trưởng ban về tình hình sức khỏe và xin trở lại cơ quan công tác. Ngho tôi báo cáo xong, Tư lệnh cười bắt tay và nói với tôi “có cậu này về làm trực ban tác chiến thì tốt rồi”. Tôi hiểu câu nói của Tư lệnh đó là nhiệm vụ tôi phải làm trong thời gian tới.

   Sau 2 ngày tìm hiểu tình hình, sang ngày thứ 3 tôi chính thức đảm nhận nhiệm vụ tác chiến. Sư đoàn lúc này được tăng cưòng lực lượng nên địa bàn tác chiến trải khắp huyện 4, huyện 5 và kéo dài ra đến Thanh An, Lê Ngọc. Quá trình thực hiện nhiệm vụ tôi nhận được báo cáo của Tiểu đoàn 24 quân y ở khu vực đóng quân của đơn vị có một quân nhân tên là Nguyễn Đức Hải, không rõ của đơn vị nào, hàng ngày dùng thuốc nổ, lựu đạn đánh cá ở suối và dùng súng AK bắn thú rừng gần trạm phẫu của đơn vị gây mất an toàn, trật tự, đơn vị dã cho người ra can ngăn nhưng không dược. Tôi báo cáo với Tư lệnh Kim Tuấn về tình hình trên, ông lệnh cho tôi viết lệnh bắt giữ quân nhân Nguyễn Đức Hải đưa về giao cho Ban Bảo vệ giải quyết. Tôi viết xong đem sang xin chữ ký của Tư lệnh. Ông xem và gật gù nói xem ra cậu cũng hiểu về hành chính quân sự ra phết nhỉ, nhưng tôi hỏi cậu sư đoàn ta có chính ủy trưởng không? Tôi trả lời sư đoàn có Thủ trưởng Phí Triệu Hàm là Chính ủy và Thủ trưởng Bùi Huy Bổng là Phó Chính ủy. Đúng thế! Sao trong lệnh cậu lại viết là Tư lệnh trưởng, nhờ nhanh nhạy nên tôi nhận ra cái sai của mình, tôi báo cáo vâng em sai rồi, em sẽ sửa. Ông không trách mắng tôi mà chỉ ôn tồn nói: “Cậu viết lại lệnh cho chuẩn, chỉ đề là Tư lệnh Sư đoàn thôi, bỏ chữ trưởng đi rõ chưa”.

   Tuy là chuyện rất nhỏ, nhưng Tư lệnh rất cẩn thận và cũng rất kiên quyết, giúp tôi càng ngày càng trưởng thành trong công tác.



Câu chuyện thứ ba: “Ơ HAY, SAO CẢ SƯ ĐOÀN HÔM NAY LẠI KHÔNG CÓ GÌ”
.

  Tháng 8 năm 1974, tôi được đi cùng Tư lệnh Kim Tuấn xuống kiểm tra nắm tình hình sẵn sàng chiến đấu để chuẩn bị cho nhiệm vụ năm 1975.

   Hàng ngày theo chức trách tôi ghi chép lại toàn bộ kết quả làm việc của Tư lệnh, thống nhất kế hoạch với Trung đoàn 48 để báo cáo Tư lệnh, tối đến nắm tình hình của toàn sư đoàn báo cáo lại vói Tư lệnh.

   Sau bữa cơm chiều với Ban chỉ huy trung đoàn, ông về hầm nghe thời sự, tôi điện về trực ban tác chiến sư đoàn để nắm tình hình, sau đó báo cáo với Tư lệnh tóm tắt tình hình sư đoàn hôm nay không có vấn đề gì; nghe xong ông ngồi trên võng hút thuốc và nói vói tôi: “Ơ hay, sao cả sư đoàn hôm nay lại không có gì?”. Tôi liền bổ sung là báo cáo Tư lệnh tình hình không có gì đặc biệt ạ; ông cười và nói “Cậu này láu cá thật, báo cáo như vậy mói chuẩn”.

   Với lòng kính trọng đồng chí Tư lệnh Kim Tuấn, tôi kể lại những kỷ niệm và cũng là những bài học mà Tư lệnh đã dạy tôi trong quá trình tôi sống, chiến đấu, xây dựng Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #32 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2013, 10:12:39 am »

MỘT KỶ NIỆM VỚI TƯ LỆNH KIM TUẤN


Đại tá KHUẤT DUY HOAN


   Đầu năm 1973, tôi mới là Tiểu đội trưởng. Một hôm, bạn tôi là Nguyễn Trọng Luân ở trung đoàn bộ về đại đội nói với tôi: “Tớ nhìn thấy Sư trưởng rồi”. Tôi trừng mắt: “Bốc phét”. “Thật mà”, nó khẳng định: “Ông ấy xuống trung đoàn, mà cậu biết không, ông ấy nói chuyện với Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến toàn bằng tiếng Pháp”.

   Hôm sau, Luân về trung đoàn bộ. Tôi cứ vẩn vơ nghĩ Sư trưởng bằng tuổi cha chú mình, đi đánh giặc mấy chục năm mà vẫn giỏi tiếng Pháp. Kỳ thật rồi bâng khuâng nghĩ cái vốn tiếng Nga học mấy năm ở trường đại học mà mình chỉ đọc được thôi, chứ người khác nói thì có nghe được mấy từ đâu.

  Mùa xuân năm 1975, khi chúng tôi đang đánh đuổi địch trên đường 7. Tại trận ngầm Củng Sơn, chúng tôi chốt lại phía nam sông Ba. Gặp anh Kiều Thế người Thái Nguyên đang là trợ lý chính trị trung đoàn. Anh ấy bảo: “Hoan này, Sư mình nằm trong đội hình Quân đoàn 3 rồi đấy”. “Thật thế à anh?”. Quân đoàn! Ôi cái tên Quân đoàn nghe như thời còn nhỏ xem phim, đọc truyện của Liên Xô chống phát xít ấy, nghe mà sướng. Anh Thế bảo: “Cậu biết ai là chỉ huy không? Thiếu tướng Vũ Lăng đấy, “cụ Tuấn” nhà mình là Tư lệnh phó”.

   Suốt chặng đường đuổi địch trên đường 7 đến gần Phú Yên, tôi cứ lâng lâng, bọn cùng trung đội chưa cậu nào biết mà mình đã biết được là lính Quân đoàn mới tinh, vừa thành lập được một tuần. Sư trưởng nhà mình là Tư lệnh phó. Oai không!

  Cái đêm nằm trong hang đá Phú Yên trước trận đánh giải phóng thị xã Tuy Hòa, tưởng tượng ra “cụ Tuấn” dáng cao to, phúc hậu nói tiếng Pháp mà cậu Luân kể lại, cứ hình dung ra bố mình. Bố mình đau dạ dày chứ nếu không biết đâu cụ cũng vào đây... Rồi chiến tranh kết thúc ở Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử. Tôi đi học và trở về làm Quản trị trưởng đại đội. Suốt cả thời gian ở Đồng Dù tôi chỉ nhìn thấy Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hòe là “to nhất”. Thật may, trong ngày đón danh hiệu Sư đoàn Anh hùng, tôi mới được nhìn thấy Tư lệnh Kim Tuấn khi tôi đi trong đoàn diễu binh ngang qua lễ đài có vài giây. Trong bộn bề hân hoan và lại xa quá, tôi không thấy rõ, chỉ thấy Tư lệnh cười và vẫy chúng tôi như bao cán bộ khác trong niềm phấn khích ấy.

   Cho tới vài năm sau, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, tôi mới được gặp vị Tư lệnh Quân đoàn có một lần và rồi ông ra đi cùng với biết bao người lính của mình, ông hy sinh lẫm liệt như những người lính trận. Tôi trưởng thành từ trận đầu ở Xa Mát, Đà Ha, tới Phum Sâm. Từ Chính trị viên đại đội lên Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn. Mỗi trận đánh, mỗi mùa mưa, người lính Trung đoàn 64 chúng tôi luôn có sự dìu dắt ân tình của các thủ trưởng từ Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến đến Tư lệnh Quân đoàn Kim Tuấn.

   Càng về sau, tôi càng hiểu để làm người chỉ huy đến cấp sư đoàn, quân đoàn trong chiến đấu cần phải có một cái đầu đủ sức chịu đựng. Sau trận vượt sông Công Pông Chàm bằng sức mạnh đầu năm 1979, khi về lại hậu phương, Thiếu tướng Khuất Duy Tiến bảo tôi: “Trước giờ G (giờ nổ súng), Tư lệnh Kim Tuấn hỏi tớ: Ai chỉ huy bến vượt 2? Tớ báo cáo: “Đồng chí Khuất Duy Hoan - Tham mưu phó Trung đoàn 64”. Tư lệnh lại hỏi: “Có phải Hoan Phum Sâm không?”. Tớ thưa: “Phải”. Tôi chợt bồi hồi xúc động nhớ đến trận chốt giữ Phum Sâm của Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 do tôi làm Tiểu đoàn trưởng hồi đầu tháng 8 năm 1978. Trong giây phút nguy kịch nhất, khi xe tăng và lính Pôn Pốt tràn vào trận địa chỉ còn vài tay súng chốt giữ, tôi điện về trung đoàn và sư đoàn xin pháo binh bắn trực tiếp vào trận địa. Tư lệnh Sư đoàn Khuất Duy Tiến báo cáo Quân đoàn. Tư lệnh Kim Tuấn ra lệnh chỉ được bắn pháo đạn nổ trên không khi bộ đội đã ở hết trong hầm (sau này Thủ trưởng Tiến kể lại tôi mới biết). Thế đấy, một trận đánh mà người chỉ huy cấp trên lo đến từng chiến sĩ, sâu sát và hiểu đến từng chỉ huy cấp dưới hai, ba cấp. Tướng trận như ông lẽ nào Quân đoàn tôi không đánh thắng.

   Tôi gặp Tư lệnh Kim Tuấn chỉ ít ngày trước khi ông hy sinh. Khi ấy đơn vị tôi đang vào đợt truy quét địch ở Công Pông Xpư. Trận đánh kết thúc thì cơn mưa giông ập tới. Tôi đang cùng các phái viên trung đoàn kiểm tra trận địa. Đúng lúc ấy, Tư lệnh Quân đoàn Kim Tuấn đi qua, ông dừng lại hỏi: Đây là đơn vị nào? Chính trị viên đâu? Gọi cho tôi cán bộ tiểu đoàn. Được tin Thủ trưởng Quân đoàn tới, anh Nguyễn Thái Hiển - Chính trị viên tiểu đoàn và tôi vội chạy đến. Thoáng thấy nét mặt thủ trưởng buồn, ông hỏi: Cậu là Chính trị viên à? Vâng ạ - Thái Hiển trả lời. Bộ đội cậu đây phải không? Vâng ạ. Bộ đội cậu là phỉ? Vâng ạ. Cậu củng là phỉ? Vâng ạ. Chính trị viên Hiển biết mình lỡ lời rồi mà người cứ đứng ngây đơ ra, tôi cũng đứng ngây đơ ra. Tư lệnh quay đi trong dáng vẻ buồn rầu, tôi chợt thấy trên gò má sạm đen trận mạc của ông giọt nước mắt lăn nhanh. Ông không thể kìm được cơn giận khi nhìn thấy bộ đội đang cầm trên tay những quả vú sữa, những quả xoài chín mọng rụng đầy dưới gốc cây. Mặc dù ông biết những trái cây ấy bộ đội nhặt về cho anh em thương binh ăn tạm trong khi chờ xe đưa về tuyến sau cứu chữa. Vì ngày ấy theo quy định của trên, lính tình nguyện chúng tôi không được sử dụng bất kỳ thứ gì trên đất nưóc bạn, trừ củi đun và nước lã.

   Đã hơn ba mươi năm trôi qua. Tôi cũng đã trưởng thành đến cán bộ Quân đoàn. Càng nghĩ tôi càng thấy thương những người chỉ huy cấp trên của mình trước đây. Khi bước vào tuổi ngoài năm mươi, mắt phải đeo kính lão, xương cốt đã bắt đầu nhức mỏi mỗi khi trở trời, tôi lại nghĩ ở cái tuổi ấy các thủ trưởng ngày xưa vẫn xông pha trận mạc, đi nhiều hơn, lo nhiều hơn mà các ông vẫn vượt qua. Cái lúc Tư lệnh Kim Tuấn nhìn chúng tôi, những người lính trẻ như người con trai của mình đang đói, tôi hiểu người cha trong ông đang thương chúng tôi lắm.

  Viết những dòng kỷ niệm về ông, người Tư lệnh Quân đoàn một thời của tôi, tôi như đang nghĩ về chính người cha của mình...

Plei Ku, ngày 26 tháng 3 năm 2012
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #33 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2013, 10:15:30 am »

KỶ NIỆM VỚI THIẾU TƯỚNG TƯ LỆNH NGUYỄN KIM TUẤN Ở CUA CHỮ V


Đại tá LÊ HẢI TRIỀU


   Sáng ngày 12 tháng 3 năm 1979, tôi và anh Trần Đới lên chỉ huy Trung đoàn 66 nhận lệnh. Anh Bùi Thanh Sơn - Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 8, như sau:

   - Tiểu đoàn 8 được tăng cường 2 khẩu pháo 85 ly nòng dài, 2 khẩu cao xạ 37 ly, 1 khẩu cối 120 ly và 15 xe vận tải chở quân có nhiệm vụ đột kích đánh chiếm khu vực Cầu Sắt, rồi hành tiến, tiến công và làm chủ khu “Địa chất”. Thời gian bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 13 tháng 3.

   Giao nhiệm vụ xong, anh Sơn hỏi lại:

   - Các đồng chí có ý kiến gì không?

   Anh Trần Đới:

  - Nhiệm vụ Trung đoàn giao, chúng tôi xin chấp hành và hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

   Tôi xem bản đồ, từ cầu sắt đến khu “Địa chất” dài hơn chục cây số. Tình hình địch ở đây chưa nắm được. Theo tin của ta khu “Địa chất” là căn cứ hậu cần khá lớn của địch. Không biết chúng bố phòng ra sao. Tôi đem những điều phân vân này báo cáo anh Bùi Thanh Sơn và đề nghị anh tăng cường cho tiểu đoàn một tổ trinh sát. Anh Sơn nhất trí điều một tổ trinh sát cho tiểu đoàn. Cuối cùng tôi đề nghị:

   - Thời gian rất gấp, đề nghị Trung đoàn cho các bộ phận tăng cường, trước hết là cán bộ chủ trì đầu giờ chiều nay có mặt ở Tiểu đoàn để dự hội nghị quân chính tiểu đoàn thống nhất phương án.

  Anh Sơn:

   - Tôi nhất trí đề nghị của anh Triều. Theo tin ta vừa nắm được thì khu “Địa chất” là căn cứ hậu cần của Pôn Pốt. Trong quá trình phát triển chiến đấu, các anh vừa đánh địch mở đường vừa tìm hiểu địch. Khi đánh vào khu “Địa chất” không được phá xe phá pháo, phải tận thu để bàn giao cho bạn.

  Mờ sáng ngày 13 tháng 3 năm 1979, Tiểu đoàn 8 chúng tôi bắt đầu xuất kích. Xe đi đầu giá súng 12,7 ly, một tiểu đội bộ binh, một tiểu đội trinh sát, một máy 2W. Tiếp đến là xe tôi và anh Đới, ngay sau là 2 khẩu 37 ly, 2 khẩu pháo 85 ly đi trong đội hình Đại đội 5. Sau đó là đội hình Đại đội 6, Tiểu đoàn bộ, Đại đội 8 hỏa lực và cuối cùng là Đại đội 7. Gần đến cầu sắt, chúng tôi cho xe đi đầu dừng lại, trinh sát nhanh chóng rời xe, nắm địch. Lực lượng chốt giữ cầu sắt của địch có chừng 1 đại đội. Chúng tôi lệnh cho cối 120 ly, cối 82 ly bắn phá khu vực đầu cầu. Địch bị cối 120 ly của ta bắn trúng đội hình nên chúng hốt hoảng chạy tán loạn. Tôi cho pháo 37  ly hạ nòng bắn vào mục tiêu. Đạn 37 bắn thẳng, vận tốc lớn, nên không nghe thấy tiếng đầu nòng làm bọn lính Pôn Pốt rất sợ. Chúng tôi cho bộ đội vượt qua cầu Sắt theo con đường đất truy kích địch. Hai bên đường là những bụi cây lúp xúp, bộ đội dùng súng 12,7 ly và AK bắn thăm dò vào những nơi nghi ngờ, nhưng không thấy địch phản ứng gì.

   Tôi nói với anh Đới:

   - Cho bộ đội phát triển tiến công nhanh, chúng ta đã đến gần khu “Địa chất”. Khu này trước kia Pôn Pốt bắt dân khai thác đá quý. Nhìn từ xa nhà mái tôn to nhỏ, có cả máy sàng đãi đá.

   Anh Đới bảo:

   - Ta cho cối 120 ly bắn chặn đường rút, rồi dùng 12,7 ly và pháo 37 ly bắn thẳng vào quân địch. Bọn chúng không chịu được đâu, ta bắn 5-7 phút cho bộ đội xung phong.

   - Tôi nhất trí, anh cho triển khai đi.

   Trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, quân địch vội vàng vứt súng bỏ cả xe đang nổ máy tháo chạy. Tiểu đoàn 8 thu 36 xe ô tô (còn tốt), 2 khẩu pháo 105 ly và nhiều lương thực, thực phẩm. Trận đánh kết thúc lúc 12 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 năm 1979.

   Làm chủ khu “Địa chất”, tôi điện báo cáo Trung đoàn và đề nghị cho người đến lái xe, kéo pháo về. Trung đoàn điện cho chúng tôi: Triển khai đội hình khu vực “Địa chất”, chờ bắt liên lạc với Trung đoàn 24 từ Xăm Lốt đánh lên và sẽ cho người vào lấy xe, kéo pháo.

   Buổi chiều, tôi đang trao đổi công việc với anh Đới, bỗng nghe một tiêng nổ to như tiếng bộc phá. Lát sau, một pháo thủ chạy về, mặt tái nhợt, hổn hển:

   - Báo cáo Thủ trưởng, anh Thành, Trung đội trưởng hy sinh rồi.

   - Làm sao mà hy sinh? - Tôi hỏi lại.

   - Thủ trưởng lên trận địa pháo thì rõ.

  Tôi theo người pháo thủ, chạy lên. Nhìn Thành cả phần ngực và bụng giập nát. Tôi hỏi:

   - Làm sao lại thế này?

   Một pháo thủ trả lời:

   - Nghe trinh sát báo có một cụm địch cách hơn 1km, anh Thành cho nạp quả đạn, định bắn, không hiểu sao quả đạn lại không vào hết bầu nòng. Anh Thành loay hoay tháo ra cũng không được, đẩy vào cũng không được. Anh ấy lấy gậy sắt đánh vào hạt nổ, đầu đạn bay đi và lửa phụt lại vào người anh ấy.

  Tôi không trách Thành. Cái lỗi của cậu ta là bắn pháo chưa có lệnh. Khi gặp sự cố không báo cáo tìm cách xử trí mà hành động như vậy. Biết làm sao, chiến tranh mà. Suy cho cùng, Thành cũng chỉ lo việc đánh địch thôi. Tôi cho anh em khâm liệm Thành và dùng xe chở về hậu cứ.

   Hôm sau, chúng tôi được lệnh hành quân trở lại cua Chữ V, tiếp tục làm nhiệm vụ phòng ngự bảo vệ con đường vận chuyển của ta. Tối 15 tháng 3, anh Bùi Thanh Sơn điện cho tôi: “Sáng mai Tư lệnh Quân đoàn đến kiểm tra Tiểu đoàn 8. Anh phải bảo đảm an toàn cho Tư lệnh”.

   Tôi bàn với anh Đới:

   - Ngoài các tổ đã chốt, sáng mai cho một đại đội chia 3 tổ làm nhiệm vụ cảnh giới từ xa, cách khu vực chốt từ 1,5km đến 2km, hoạt động từ sáng đến chiều anh ạ.

   Đúng 8 giờ 30 phút, chúng tôi thấy đoàn xe đi từ phía đông lên. Đi đầu là 1 chiếc K63, tiếp sau là 3 chiếc Uoát. Đoàn xe đến cua Chữ V thì dừng lại. Tôi nghĩ chắc Tư lệnh ngồi trong xe bọc thép. Nhưng trong xe chỉ có một tiểu đội bộ binh. Tư lệnh ngồi ngay chiếc xe Uoát đi sau xe K63. Cùng đi có anh Bùi Thanh Sơn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66. Tôi và anh Trần Đới tiến lại gần Tư lệnh. Tư lệnh cười rất hiền và bắt tay anh em chúng tôi. Anh Sơn giới thiệu:

   - Báo cáo Tư lệnh đây là đồng chí Triều - Chính trị viên tiểu đoàn, người đã đón ông Hêng Xom Rin hồi tháng 10 năm 1978 ở Mé Mông, Mi Mốt, Công Pông Chàm. Còn đây là anh Trần Đới - Trợ lý tác chiến Sư đoàn vừa được giao làm Tiểu đoàn trưởng.

   Tư lệnh Kim Tuấn:

   - Tôi đã nghe thành tích của Tiểu đoàn 8 các đồng chí rồi. Các đồng chí đã góp phần cho cách mạng Cam-pu-chia thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước... Bây giờ các đồng chí cho tôi biết về cách bố trí phòng ngự và tình hình địch.

   Anh Trần Đới nói:

   - Báo cáo Tư lệnh, Tiểu đoàn 8 được giao nhiệm vụ bảo vệ cua Chữ V, một khu vực địch thường xuyên đánh phá hòng cắt con đưòng vận chuyển của ta. Phạm vi Tiểu đoàn bảo vệ là hơn 5km, chúng tôi bố trí ba đại đội, phía đông là Đại đội 5, ở phía tây là Đại đội 7, giữa cua Chữ V là Đại đội 6, Tiểu đoàn bộ và Đại đội 8. Chúng tôi tổ chức cho bộ đội đóng từng chốt cách mặt đường 500m về phía tây (phía địch). Sáng nay, chúng tôi tổ chức mỗi đại đội 3 tổ hoạt động rộng khoảng 2km, để phát hiện ngăn chặn địch đánh vào trận địa của ta.

   Thấy anh Trần Đói nói vậy, Tư lệnh khen:

  - Các đồng chí làm như thế là rất tốt. Phòng ngự tích cực, phải tổ chức nhiều tổ lùng sục phát hiện địch, đánh chúng ở ngoài trận địa, như vậy ta mói giữ thế chủ động được.

   Nói rồi, Tư lệnh bảo:

   - Bây giờ các đồng chí đưa tôi đến thăm một đơn vị làm nhiệm vụ phòng ngự.

   Chúng tôi đi trước, tiếp đến là Tư lệnh Kim Tuấn và những thành viên trong đoàn kiểm tra. Khi đến gần vị trí của Đại đội 6, anh em bí mật ngụy trang tốt, mọi người không phát hiện được. Đến khu vực chỉ huy đại đội, Đại đội trưởng Vũ Văn Tuấn đứng nghiêm báo cáo. Tư lệnh Kim Tuấn khen:

   - Các đồng chí giữ bí mật thế này là tốt! Tôi biểu dương ý thức cảnh giác cao của đại đội. Bộ đội sức khỏe thế nào, ăn uống có bảo đảm không? Tinh thần bộ đội ra sao?

   - Báo cáo Tư lệnh, bộ đội hôm trước đánh vào khu “Địa chất” thắng lợi, diệt được địch, thu được xe pháo, đơn vị không ai thương vong, anh em rất phấn khởi. Điều kiện sinh hoạt thì khó khăn, ăn uống kham khổ nhất là rau xanh không có nên số đông anh em đi kiết - Đại đội trưởng Tuấn nói.

   Quay sang anh Bùi Thanh Sơn, Tư lệnh Kim Tuấn hỏi:

   - Hậu cần sư đoàn, trung đoàn không lo cho bộ đội có rau xanh à?

   - Báo cáo Tư lệnh, trưóc đóng quân gần biên giới thì Sư đoàn, Trung đoàn còn đáp ứng được. Nhưng từ ngày vào sâu, nhất là làm nhiệm vụ truy quét thì không thể đáp ứng rau xanh được. Bộ đội phải ăn cá khô và đồ hộp.

   Nghe xong, Tư lệnh gật gật đầu như xác nhận, rồi nói vói mọi người:

   - Bộ đội ta rất tốt. Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Dù khó khăn, nhưng các đồng chí vẫn giữ nghiêm chính sách dân vận và quan hộ quốc tế, không tơ hào của dân bạn. Các đồng chí tiếp tục động viên bộ đội khắc phục khó khăn, làm tốt công tác truy quét địch, không cho chúng quay trở lại phá hoại thành quả cách mạng của bạn.

   Nói rồi Tư lệnh gọi tôi và anh Trần Đới lại chụp ảnh, tôi đứng một bên anh Đói đứng một bên Tư lệnh ngay ở chốt phòng ngự cua Chữ V.

  Chia tay Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 3 Kim Tuấn, nhưng hình ảnh vị tướng Tư lệnh quân đoàn ra trận địa động viên bộ đội, bất chấp hiểm nguy còn khắc ghi mãi trong tôi. Sự có mặt của Tư lệnh hôm ấy với Tiểu đoàn 8 ở cua Chữ V, đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Những ngày sau đó đơn vị đã tiến công đánh chiếm và làm chủ Pai Lin - một vị trí quan trọng trong tuyến phòng ngự của địch dọc biên giới Cam-pu-chia -Thái Lan.

  Mấy ngày sau, cả Tiểu đoàn 8 chúng tôi nhận được tin ngày 17 tháng 3 năm 1979, Thiếu tướng Nguyễn Kim Tuấn đã hy sinh trên đường đi kiểm tra Sư đoàn 31 ở Phum Tốc phía bắc thị xã Bát Tam Bang 40km. Tin Tư lệnh Quân đoàn hy sinh làm cho cả Tiểu đoàn chúng tôi đều vô cùng bàng hoàng thương tiếc ông. Nhất là những người đã từng gặp ông, nghe ông nói chuyện không ai cầm được nước mắt.

  Với tôi, hình ảnh Tư lệnh Kim Tuấn mãi mãi in sâu trong tâm khảm - một vị tướng thông minh, mưu lược, một vị tướng dũng cảm sẵn sàng đốì mặt với quân thù, một vị tướng luôn gần gũi thương yêu bộ đội như con em mình.

Hà Nội, cuối tháng 3 năm 2012
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #34 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2013, 10:41:12 am »

VỊ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN KÍNH YÊU


Đại tá NGUYỄN CÔNG DUNG


   Vào cuối tháng 2 năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên đang trong giai đoạn cài thế, toàn bộ đội hình của Sư đoàn 320 đã vào vị trí tập kết sẵn sàng bước vào chiến đấu mở màn chiến dịch tại khu vực Cẩm Ga - Thuần Mẫn. Khi đó tôi đang là Phó ban Quân lực Sư đoàn, bỗng một hôm nhận được lệnh lên gặp Tư lệnh Sư đoàn, Đại tá Kim Tuấn để nhận nhiệm vụ.

   Nhận được lệnh, tôi vội vã lên sở chỉ huy ngay, ngồi chờ tại bàn làm việc trong hầm chỉ huy của Tư lệnh, tôi có đôi chút cảm thấy phân vân, lo lắng, không biết mình sẽ được giao nhiệm vụ gì mới đây, nếu được xuống đơn vị chiến đấu thì thật may mắn, nhất là khi chiến dịch lớn sắp mở màn. Một lát sau thì Tư lệnh đi kiểm tra đơn vị trở về, thấy tôi đang ngồi chờ, ông mỉm cười, ôn tồn hỏi: “Dung đó à? Đợi mình lâu chưa?”. Tôi đứng nghiêm báo cáo: “Báo cáo Tư lệnh, tôi vừa có mặt theo lệnh của đồng chí!”. Ông bảo tôi ngồi xuống rồi ân cần rót nưóc chè hãm trong bi đông ra bảo: “Uống nước đi đã, rồi chúng ta sẽ nói về nhiệm vụ của đồng chí”.

   Chờ tôi nhấp xong ngụm trà, ông ôn tồn nói:

   - Thế này đồng chí Dung ạ, sư đoàn ta sắp bước vào một chiến dịch lớn. Diễn biến chiến dịch sẽ rất mau lẹ và phức tạp. Công việc chỉ huy tác chiến ở sở chỉ huy sẽ rất bề bộn. Vì vậy tôi cần có một trợ lý ở bên cạnh để theo dõi, cập nhật tình hình và ghi chép nhật ký tác chiến một cách tỉ mỉ, khoa học. Xem xét các cán bộ ở cơ quan tham mưu sư đoàn thì thấy đồng chí là phù hợp hơn cả. Vì thế tôi quyết định điều đồng chí lên làm việc tại sở chỉ huy một thời gian, đồng chí thấy thế nào?

   Tôi suy nghĩ rất nhanh và trả lời:

   - Em thấy rất vinh dự được Tư lệnh tín nhiệm giao cho nhiệm vụ này.

   - Thế thì tốt! - Ông vui vẻ rót thêm trà vào chén cho tôi rồi ôn tồn nói tiếp: Công việc của người thư ký tác chiến không chỉ là ghi chép tỉ mỉ diễn biến từng ngày của chiến dịch, theo dõi sát sao tình hình diễn biến quân số, trang bị, sức chiến đấu của từng đơn vị mà còn phải ghi chép tỉ mỉ các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, các ý kiến góp ý, đề nghị của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn và của các đơn vị cấp dưới, đơn vị phối thuộc với mình. Ngoài ra, thư ký còn phải biết xếp thứ tự các nhiệm vụ, công việc cần ưu tiên, cần giải quyết nhanh để nhắc cho người chỉ huy nữa.

   Tôi ghi nhớ trong lòng và trả lời:

   - Báo cáo Tư lệnh, tôi đã rõ nhiệm vụ. Tuy nhiên trong khi thực hiện nhiệm vụ có điều gì tôi làm chưa tốt xin thủ trưởng nhắc nhở, giúp đỡ.

   Ông gật đầu tỏ vẻ hài lòng rồi đưa tôi sang Ban Tác chiến Sư đoàn, giới thiệu tôi và giao nhiệm vụ cho Trưởng ban Tác chiến và các thành viên trực tại sở chỉ huy phối hợp, giúp đỡ tôi thực hiện nhiệm vụ.

   Chiều hôm đó tôi mang ba lô, trang bị cá nhân, ôm đống sổ sách mới nhận về ở cùng hầm chỉ huy vói Tư lệnh. Trong cuộc đời chiến đấu của mình, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được ở gần một vị chỉ huy cấp cao đến vậy nên ban đầu cũng có phần bỡ ngỡ. Ông hiểu ý nên đã luôn tỏ ra gần gũi, thân mật, tạo điều kiện cho tôi tự tin hơn trong sinh hoạt cũng như trong công việc của mình.

  Thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh, kể từ ngày 28 tháng 2 năm 1975, tôi bắt đầu ghi chép tỉ mỉ mọi diễn biến của chiến dịch và mọi động thái của sở chỉ huy cùng với các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên và cách xử lý thực thi các mệnh lệnh đó của Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Thi thoảng ông lại tới xem các ghi chép của tôi, nói chung ông rất hài lòng, nhưng cũng có khi ông góp ý nhắc nhở tôi phải ghi chép rành mạch tỉ mỉ hơn nữa. Và có lần ông còn nhắc:

   - Những việc này... cậu phải nhắc mình nhé. Khi vào chiến dịch, mọi việc sẽ rốì tinh lên, mình có thể quên những việc đó. Cậu phải thường xuyên nhắc mình mới được.

   Có lần có việc cần nhắc Tư lệnh, nhưng thấy ông vừa chợp mắt tôi ngại không gọi, sau đó bị ông phê bình:

   - Việc tác chiến là quan trọng. Sinh mạng của hàng trăm anh em phụ thuộc vào người chỉ huy. Giấc ngủ của mình chỉ là chuyện nhỏ, cậu phải nhớ điều đó.

   Trong sinh hoạt, lúc đầu tôi ý tứ tự xuống bếp ăn cơm. Sau đó ông không hài lòng nhắc tôi: “Ngay cả khi ăn, cậu cũng phải ở bên người chỉ huy. Từ nay nhắc công vụ lấy cả phần cơm của cậu về đây, anh em ta cùng ăn. Có khi vừa ăn vừa bàn công việc nữa đấy”.

  Những ngày chuẩn bị cho trận tiến công căn cứ Thuần Mẫn, mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên, Tư lệnh làm việc không ngừng nghỉ. Trong những ngày ấy, tôi bỗng nhận ra một phẩm chất đặc biệt của Tư lệnh Kim Tuấn, đó là khi tình hình càng sôi động, công việc càng nhiều ông càng tỉnh táo. Ông nghe báo cáo tình hình, cho chỉ thị xử lý công việc, phối hợp hiệp đồng với các đơn vị, bộ phận luôn luôn trong tư thế bình tĩnh, đĩnh đạc, không bao giờ cáu gắt, nóng giận. Ngay cả trong những tình huống gay cấn nhất, như khi đội hình của sư đoàn có nguy cơ bị lộ vì có tin địch bắt được chiến sĩ thông tin của ta đi rải dây, hay khi địch đổ quân biệt kích thăm dò vào tới sát nơi đóng quân của các đơn vị, ông vẫn rất bình tĩnh, tỉnh táo. Vì thê ông đã phán đoán chính xác rằng về cơ bản đội hình của sư đoàn chưa bị lộ, và ra lệnh cho các đơn vị không được manh động, ngay cả khi địch sục vào tới vị trí giấu quân thì cũng chỉ cho phép từng bộ phận nhỏ lẻ nổ súng tự vệ khi thật cần thiết, quyết không được bộc lộ đội hình lớn. Có trường hợp các đơn vị để cho bộ đội đi lại, đun nấu lộn xộn, ông biết được lập tức gọi chỉ huy nghiêm khắc nhắc nhở, nhưng vẫn vói thái độ điềm tĩnh, không cáu giận khiến cán bộ cấp dưới vừa nể phục vừa không dám coi thường những lời nhắc nhở của ông.

   Tôi cũng đặc biệt ấn tượng cách phối hợp làm việc của Tư lệnh Kim Tuấn vói Chính ủy Bùi Huy Bổng và Tham mưu trưởng Trần Ngọc Chung. Với các vị chỉ huy này, Tư lệnh luôn biết lắng nghe nhưng cũng sẵn sàng bình tĩnh tranh luận, bảo vệ ý kiến của mình khi cần thiết. Vì vậy, sự phối hợp của các vị chỉ huy sư đoàn trong những ngày chiến dịch Tây Nguyên diễn ra luôn nhịp nhàng ăn ý. Vào trước ngày diễn ra trận Thuần Mẫn, Tư lệnh đã đồng ý cho Tham mưu trưởng Trần Ngọc Chung xuống Sở chỉ huy Trung đoàn 48 để cùng Trung đoàn trưởng Lê Quang Bình chỉ huy chiến đấu. Trước khi anh Chung đi, Tư lệnh Kim Tuấn đã ân cần căn dặn:

   - Khi nổ súng thì anh là người chỉ huy cao nhất tại mặt trận. Trong trường hợp có những diễn biến mới, phức tạp mà mất liên lạc với sư đoàn thì anh bàn vói anh Bình cứ hành động theo cách các anh cho là tốt nhất, đừng chờ ý kiến của chúng tôi mà lỡ thời cơ.

  Ngày diễn ra trận tiến công căn cứ Thuần Mẫn là ngày hết sức căng thẳng ở Sở chỉ huy Sư đoàn. Các cán bộ tham mưu, tác chiến có mặt tại sở chỉ huy đều bồn chồn, đứng ngồi không yên, nhưng Tư lệnh Kim Tuấn lại hết sức bình tĩnh, tự tin. Ông động viên mọi người: “Chúng ta đã chuẩn bị tốt thế trận thì không có lý do gì lại không đánh thắng, các cậu cứ yên tâm đi”. Quả đúng như lời của Tư lệnh, trận tiến công căn cứ Thuần Mẫn đã diễn ra nhanh gọn. Cú đềpa cho chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân năm 1975 đã thắng lợi giờn giã. Tuy vậy ngay cả lúc đó, Tư lệnh Kim Tuấn vẫn hết sức thận trọng, ông yêu cầu Tham mưu trưởng Trần Ngọc Chung phải đích thân kiểm tra lại trận địa, xác minh các thông tin cho thật chính xác rồi mới yêu cầu nối máy để ông trực tiếp báo tin thắng trận lên Bộ Tư lệnh chiến dịch và cơ quan đại diện Bộ Tổng Tham mưu lúc này đã có mặt tại chiến trường để thay mặt Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp chỉ huy chiến dịch.

   Tôi không thể nào quên được thời điểm đặc biệt quan trọng trong cuộc đời cầm quân của Tư lệnh Kim Tuấn - đó là thòi điểm xuất hiện bước ngoặt của chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, sau khi ta đã giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột và liên tiếp đánh tan các cánh quân đổ bộ giải tỏa hòng “tái chiếm” thị xã Buôn Ma Thuột của địch. Lúc đó đại bộ phận lực lượng của sư đoàn đang căng ra để làm nhiệm vụ cắt đường 14 và đánh địch đổ bộ ở khu vực Buôn Hồ. Đêm 16 tháng 3 năm 1975, bỗng có điện thoại trực tiếp từ đồng chí Lê Ngọc Hiền, Tổng Tham mưu phó, trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cho Tư lệnh Sư đoàn 320. Mệnh lệnh nói rõ: Địch bắt đầu rút toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 và Quân khu 2 khỏi Tây Nguyên. Hướng rút quân đã xác định là theo trục đường 14 rồi theo đường số 7 qua thị xã Cheo Reo (tỉnh lỵ tỉnh Phú Bổn) để về co cụm ở các tỉnh ven biển miền Trung. Quyết tâm của Bộ là kiên quyết không để quân địch ở Tây Nguyên thực hiện việc rút lui thành công. Lệnh cho Sư đoàn 320 sử dụng ngay Trung đoàn 64, cơ động thật nhanh xuống phía nam Cheo Reo, hình thành các trận địa chốt chặn, giam chân địch tại Cheo Reo, đồng thời cơ động các trung đoàn 48, 9 và các đơn vị trực thuộc về khu vực Cheo Reo để thực hiện bao vây tiến công liên tục, tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch rút chạy trên đường số 1, không để cho chúng có cơ hội co cụm về các tỉnh ven biển miền Trung.

  Nhận mệnh lệnh xong, Tư lệnh Kim Tuấn lặng đi trong giây lát rồi nhẹ nhàng bảo tôi:

  - Địch đã quyết định rút chạy khỏi Tây Nguyên theo đường số 7. Cấp trên lệnh cho sư đoàn ta phải chặn chúng lại ở Cheo Reo để tiến công tiêu diệt. Cậu sang gọi Chính ủy Bùi Huy Bổng qua đây để bàn việc tác chiến.

   Tôi lập tức chạy đi, một lát sau Chính ủy đã có mặt tại hầm chỉ huy. Hai vị chỉ huy mở bản đồ, bàn bạc với nhau rất nhanh rồi Tư lệnh yêu cầu nối máy làm việc vói Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 Phạm Quang Bào. Tôi vừa lắng nghe vừa ghi chép vào sổ nhật ký tác chiến mệnh lệnh của Tư lệnh:

- ... Trung đoàn 64 ngay lập tức ra lệnh cho toàn Trung đoàn cơ động trong đêm, bằng mọi giá phải vừa hành quân vừa giao nhiệm vụ, cắt rừng mà chạy, nếu cần thì đốt đuốc mà đi... trong thời gian nhanh nhất có thể được, đưa lực lượng vòng xuống phía nam Cheo Reo, xây dựng các trận địa chốt chặn để khóa chặt quân địch trong thung lũng Cheo Reo. Không câu nệ đội hình, đơn vị nào tới được điểm chốt chặn trước thì cứ nổ súng, vừa đánh địch vừa xây dựng trận địa. Các đơn vị tới sau cũng lập tức bước vào chiến đấu ngay, làm sao cho đội hình địch rối loạn, không kịp phản ứng. Sau đó mới hình thành các tuyến chốt chặn, không cho bất cứ tên địch nào thoát khỏi thung lũng Cheo Reo. Các đơn vị khác trong sư đoàn cũng sẽ tới ngay sau các đồng chí để cùng bao vây tiến công địch...

  Tôi không nhó thật chính xác câu chữ, nhưng tinh thần mệnh lệnh của Tư lệnh là như vậy. Đặc biệt giọng nói của ông khi ra lệnh rất dứt khoát nhưng vẫn ôn tồn, kiềm chê xúc động, có lẽ ông không muốn làm cấp dưới rối trí do những diễn biến quá nhanh của chiến dịch. Không khí ở sở chỉ huy trong thời điểm ấy thật vô cùng căng thẳng.

  Đêm hôm đó ông thức trắng. Cứ ba mươi phút ông lại yêu cầu trợ lý tác chiến liên lạc với Trung đoàn 64 xem bộ đội đã cơ động tới đâu và đánh dấu trên bản đồ. Cho tới khi Trung đoàn trưởng Phạm Quang Bào báo cáo về, đơn vị đầu tiên của Tiểu đoàn 9 do Tiểu đội trưởng Nguyễn Vi Hợi chỉ huy đã ra tới điểm chốt chặn và bắt đầu nổ súng đánh địch, Tư lệnh mới thở phào nhẹ nhõm. Sau này, đồng chí Nguyễn Vi Hợi được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng từ ngày đó Tư lệnh đã đánh giá rất cao hành động của tiểu đội Nguyễn Vi Hợi. Ông từng nói rằng, lúc đó tuy mới chỉ có một tiểu đội ta xuất hiện, nhưng chỉ cần ta nổ súng là đội hình đang tháo chạy của địch đã hoảng loạn lên rồi.

   Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt phần lớn lực lượng địch tháo chạy bị dồn lại tại thị xã Cheo Reo, Sư đoàn 320 tiếp tục truy kích địch xuống tận đồng bằng ven biển, giải phóng tỉnh Phú Yên, bắt sống tên chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, phó tư lệnh quân đoàn 2 ngụy, viên tướng được tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh quân đoàn 2 và quân khu 2 địch, ủy nhiệm chỉ huy cuộc rút lui chiến lược khỏi Tây Nguyên. Tới đây, có thể nói cuộc truy kích lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam đã thắng lợi trọn vẹn.

  Sau chiến thắng này, cuối tháng 3 năm 1975, để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên). Tư lệnh Sư đoàn 320 Nguyễn Kim Tuấn được cấp trên bổ nhiệm chức Tư lệnh phó Quân đoàn.

   Trước ngày chia tay, ông gọi tôi lên và giao cho tôi nhiệm vụ mới, trở về làm Trưởng ban Quân lực Sư đoàn. Ông khen tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn vừa qua và căn dặn: “Làm quân lực cũng phải hiểu rõ nhiệm vụ của cơ quan tác chiến và của các ngành khác nữa”. Lời dặn dò đó của Tư lệnh Kim Tuấn, tôi luôn ghi nhớ trong lòng, ngay cả sau này khi được giao nhiệm vụ ở những cơ quan quân lực cấp cao hơn. Tôi cũng luôn dõi theo bước tiến của ông trên cương vị Tư lệnh phó rồi Tư lệnh Quân đoàn cho đến khi đột ngột được tin ông đã hy sinh trên chiến trưòng khi đang chỉ huy Quân đoàn làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn.

  Hơn 35 năm đã trôi qua, hồi tưởng lại những ngày được trực tiếp phục vụ Tư lệnh Sư đoàn chỉ huy tác chiến trong một chiến dịch lớn, tôi càng thêm quý trọng tài năng và nhân cách của ông. Những người chỉ huy tài đức vẹn toàn như vậy thực sự là niềm tự hào không chỉ của Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 mà của toàn thể Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hà Nội, ngày 2 tháng 10 năm 2010
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #35 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2013, 10:45:25 am »

VỊ TƯỚNG ĐI SUỐT CUỘC ĐỜI TÔI


NGUYỄN XUÂN SANG


      Về Thành phố Hồ Chí Minh công tác, tôi tranh thủ đến thăm Trung tướng Khiếu Anh Lân, trong căn nhà gác nhỏ ở số 6 phố Trần Cao Vân. Thấy tôi, đứa cháu nội của anh gọi to:

   - Ông ơi, nhà ta có khách!

   - Thế hả, ông xuống đây.

Ông xuống mở cửa đón tôi. Sau giây lát ông hỏi:

   - Có phải cậu Sang đấy không?

   - Vâng, “Sang đen” - lính của Thủ trưởng đây.

   - Sau cậu tìm thấy nhà tớ?

   - Vậy anh quên, em từng làm nhiệm vụ đồ bản sao?

   - Khá lắm! - Ông khen.

   Trước kia tôi là lính của cơ quan tham mưu còn anh là Tham mưu phó Quân đoàn. Sau 20 năm xa cách, thầy, trò gặp lại nhau. Nhìn anh già đi nhiều nhưng đôi mắt còn tinh nhanh, bước đi đĩnh đạc, vẫn còn dáng dấp của một thời trai trẻ. Anh tiếp tôi trong căn phòng được bài trí gọn gàng, ngăn nắp. Anh chỉ tôi ngồi vào ghế rồi với tay lấy chai rượu trên tủ, rót vào 2 ly nhỏ, nâng ly rượu anh nói:

   - Nào, xin chúc mừng cuộc hội ngộ!

   - Cảm ơn, chúc sức khỏe Thủ trưởng.

   - Cậu uống đi, rượu nếp chính hiệu đấy, đứa cháu ở quê gởi vào cho.

   - Ngày xưa Thủ trưởng ít uống thì phải?

   - Thì tớ có nghiện bao giờ đâu, bây giờ già rồi ngâm ít thuốc bổ mỗi ngày uống một vài ly nhỏ cho nó dãn xương cốt.

   Rồi anh cưòi khà... khà..., vẫn nụ cười đôn hậu, cởi mở như ngày nào. Đặt ly rượu xuống bàn, thấy anh thay đổi sắc mặt, giọng nghẹn ngào:

  - Giá như giờ này anh Kim Tuấn còn thì hay biết mấy!

  Tôi thoáng thấy đôi mắt già nua của Trung tướng, qua tròng kính trắng có những ngấn lệ. Tôi xúc động nghĩ đến tình cảm của những người lính già năm xưa, trong gian khổ, ác liệt của chiến tranh, họ cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, đồng cam, cộng khổ, dễ gì quên nhau được.

  Khi anh Lân nhắc đến Tư lệnh Kim Tuấn, trong cổ tôi như có cái gì đó vưóng víu khó thở. Vì nỗi thương tiếc Thiếu tướng Kim Tuấn.

   Tôi có may mắn được sống gần ông từ cuối năm 1977. Hồi đó mấy đứa chúng tôi vừa được điều về tiểu đoàn vệ binh của Quân đoàn. Tôi đang loay hoay sắp xếp lại giá ba lô, nơi để giày, để dép... Bỗng có một ông “già” mái tóc đã điểm bạc, khuôn mặt phúc hậu, nước da sạm trắng bước vào, tôi lúng túng quay lại.

   - Cháu chào bác ạ.

   Ông xòe bàn tay đầy đặn xoa lên đầu tôi rồi ông cười vui vẻ như cảm thông với cách xưng hô của cậu lính trẻ. Ông hỏi tôi giọng thân mật:

   - Cậu tên gì?

   - Em là Sang - tôi đổi cách xưng hô.

   - Cái gì Sang?

   - Dạ, Nguyễn Xuân Sang ạ.

   - Cậu học lớp mấy rồi - Bố mẹ cậu có khỏe không?

   - Bố, mẹ em vẫn khỏe, còn em vừa học hết phổ thông.

   - À , quê cậu ở đâu?

  - Quê em ở Hà Nam Ninh.

   - Thế thì cậu nhập ngũ đợt tháng 6 phải không?

   - Vâng ạ!

   Ông căn dặn:

   - Các cậu mói vào chú ý nhất là sốt rét nên ngủ phải nằm màn, đi vào rừng, nếu bị rắn cắn phải ga rô phía trên chỗ “nó” cắn... Rồi như chợt nhớ ra điều gì, ông quay sang nói với anh Quýnh - Tiểu đoàn phó quân sự:

  - Cậu kiểm tra quân y xem, đã cho anh em uống thuốc phòng sốt rét chưa.

   - Báo cáo Thủ trưởng: Rõ ạ - anh Quýnh trả lời.

   Rồi ông quay ra, đi về phía nhà ăn, nhà bếp... Lúc này mấy anh lính cũ xì xào: Tư lệnh Quân đoàn đấy. Tôi giật mình. Đi lính vừa vào đến quân đoàn đã được gặp Tư lệnh, ghê thật...

  Hình như hiểu được suy nghĩ của tôi, anh Lân nói tiếp:

   - Anh Tuấn là người rất thương lính. Hồi ở Cam-pu-chia, tối nào anh ấy cũng điện kiểm tra, nắm tình hình đơn vị, nhất là quân số xem anh em mình thế nào? Trận nào quân “hao” nhiều, anh như ngồi trên đống lửa cứ đi ra, di vào... À, hồi đánh vào phía Bắc đường 7, khu vực điểm cao 105 của Sư đoàn 31. Cái tay gì chỉ huy, mất hơn chục quân nhỉ? Anh lắc đầu.

   Tớ quên tên. Sau này tay ấy phải đưa về phía sau... Hôm đó thấy anh Tuấn gắt um lên trong điện thoại: “Con nhà người ta mười bảy, mưòi tám tuổi đầu, gửi gắm các anh, các anh làm ăn thế hả? Hỏi rằng ai đẻ kịp cho các anh?”. Mình biết tối hôm ấy anh Tuấn không ngủ được.

   - Lúc đó em còn là lính tráng nghe nói Tư lệnh nóng tính lắm? - Tôi cắt ngang lòi anh.

  - Nói nóng cũng đúng, nhưng anh là người quyết đoán và nghiêm khắc.

   Bên ngoài, trời chuyển gió. Cơn mưa cuối mùa ào ạt ập tới. Không gian thu hẹp lại, tối hẳn đi. Nhìn những hạt mưa rơi, anh Lân thở dài:

   - Ở đời, có những cái không theo ý mình! Con người như thế mà hy sinh sớm quá. Cho đến bây giờ tớ vẫn băn khoăn, về việc ký văn bản cam đoan mổ cho anh Tuấn...

  - Thưa Thủ trưởng, điều này bây giờ tôi mới được nghe lần đầu. Nếu có thể...

   Tôi chưa nói hết câu, Trung tướng nói tiếp:

   - Tớ hiểu ý cậu rồi... Hôm đó anh Tuấn đi thông qua kế hoạch đánh Tà Sanh của Sư đoàn 31 tại Xiêm Riệp: Ngày hôm trước anh đang bị ốm, Thường vụ, Bộ Tư lệnh hội ý, cử người khác đi thay. Anh không nghe, anh bảo: “Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, đánh vào sào huyệt cuối cùng của Pôn Pốt. Tôi là Tư lệnh Quân đoàn. Tôi phải đi”.

  Mọi người biết tính anh rồi, có ngăn cũng không được. Vì anh là một con người năng nổ, xông xáo nên phải đồng ý để anh đi. Đường lên Xiêm Riệp chưa an toàn nên Quân đoàn bố trí anh đi bằng xe bọc thép. Anh nói: “Có mình tớ lo gì, đi xe bọc thép nó tốn kém ra”. Nếu anh không đi xe bọc thép thì ngày mai anh nên đi bằng xe vận tải - mọi người góp ý như vậy. Vì ngày mai cũng có xe của hậu cần chở lương thực đi Xiêm Riệp -anh đồng ý. Nhưng hôm sau anh lại quyết định đi xe Uoát. Với tác phong của nhà chỉ huy quân sự, nên anh bỏ xe bảo vệ, vượt lên hàng đầu.

  Sau giây phút suy tư như nhớ ra điều gì, Trung tướng nói:

-  Mình nhớ rồi, hôm đó đúng vào ngày 16 tháng 3 năm 1979. Đang làm việc ở cơ quan, nhận được điện anh Tuấn bị phục ở núi Thơm, mình vội vàng xuống ngay chỗ phục kích. Anh bị thương nặng lắm, có nhiều mảnh đạn ở trong người anh. Các bác sĩ giỏi nhất được điều đến. Sau khi hội chẩn quyết định phải mổ, rồi yêu cầu mình ký vào bản cam đoan. Mình đắn đo mãi cuối cùng phải điện về Bộ Tư lệnh xin ý kiến và như cậu biết đấy mình đã ký, để sơ phẫu cho anh. Ngày mai mới có máy bay đưa anh về thành phố.

   Trời như sập xuống. Mưa xối xả. Những hạt mưa rơi vào mái tôn nghe đến rợn người.

   Ngừng trong giây lát, anh Lân trầm tư:

   - Giá như lúc đó có phương tiện nào đưa anh về ngay thành phố, nhưng cậu biết đấy đêm tối máy bay không xuống được mà đi bằng đưòng bộ, không an toàn.

   - Em nghe nói Thủ trưởng Tuấn mất trên máy bay?

  - Đau lắm cậu ơi! Trên chiếc trực thăng UH anh Tuấn tỉnh lại. Mình đã mừng, anh choàng tay ôm mình giọng thều thào: “Anh em mình có ai việc gì không”?

  - Mình giấu biệt chuyện cậu Hoa, cậu Quân bị hy sinh và trả lời: “Không ai việc gì đâu. Anh cứ yên tâm điều trị”. Mình thấy anh nói trong cơn thở gấp: “Lân này, có về Hà Nội gắng rẽ qua chỗ bà ấy nhà mình. Nói vói bà ấy dạy dỗ các con thành người, xin lỗi bà ấy và các cháu hộ mình. Cho mình... vĩnh... biệt”.

   - Cậu ơi - giọng Trung tướng lại nghẹn ngào: Trong cuộc đời bộ đội, mình đã chứng kiến nhiều hy sinh của đồng đội nhưng sự ra đi bất ngờ của anh là một mất mát quá lớn đối vói mình. Mình chỉ còn biêt ôm chặt anh vào lòng, nước mắt giàn giụa.

  - Đấy cậu thấy không? Một ông tướng, một vị Tư lệnh Quân đoàn lương tâm trong sạch trước khi chết còn lo cho đồng đội, vợ con, lo tiết kiệm cho quân đội, cho nhân dân từ lít xăng dầu. Quý thật!...

   Tôi thấy giọng ông gay gắt hơn, để ông bình tâm trở lại, tôi hỏi:

   - Vậy anh đã về Hà Nội lần nào chưa?

   - Mình về rồi, chị cũng còn khó khăn lắm có lúc chị cũng than phiền “anh ấy cứ đi biền biệt, vợ chồng lấy nhau mấy chục năm, nhưng ở với nhau có được bao nhiêu đâu”. Song chị lại nói: “Lấy chồng bộ đội là phải chấp nhận như vậy, nhưng được cái anh ấy quan tâm đến vợ con lắm. Viết thư luôn, đôi khi gửi cân đưòng, hộp sữa. Có lần tôi nói anh đừng gửi nữa ở nhà đã có tiêu chuẩn tem phiếu của em rồi. Anh không nghe, còn bảo: “Anh xin dùng một nửa là đủ rồi, gửi về cho con, nó bồi dưỡng để lấy sức mà học”. Đấy anh Lân xem thế có tức không cơ chứ?” và chị cười...

   Tôi để ý thấy nét mặt anh Lân vui hơn lúc trước, tôi cũng vui lây. Anh nói tiếp:

   - Đấy là trước kia. Còn bây giờ chị đã nghỉ hưu, các cháu trưởng thành cả rồi.

   Bỗng anh Lân dừng lại rồi đứng lên chắp hai tay phía sau đi đi, lại lại. Anh nói với tôi:

   - Những công lao và đóng góp to lớn của anh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý nhất: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng cao quý hơn vẫn là những tình cảm chân thành của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên dành cho anh.

  Bên ngoài, tan cơn mưa, trời Sài Gòn trong xanh cao vời vợi.

Thành phố Hồ Chí Minh,
tháng 11 năm 2000
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #36 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2013, 02:59:06 pm »

NHỚ NỤ CƯỜI ANH KIM TUẤN


UYỂN - HOÀI


   Suốt những năm dài kháng chiến chống đê quốc Mỹ xâm lược, anh Kim Tuấn gần như thường xuyên xa nhà, chỉ thi thoảng về Hà Nội công tác kết hợp vài ba hôm thăm gia đình. Tuy thời gian hạn hẹp, anh Kim Tuấn vẫn quan tâm đến thăm vợ chồng tôi cùng hai cháu Phương, Nam còn nhỏ. Điều đó động viên chúng tôi rất nhiều. Nhớ lại những năm 1965-1975, cả nước vừa có chiến tranh khốc liệt, vừa phải sống trong nền kinh tế bao cấp thiếu thốn đủ thứ nhưng về mặt tinh thần thì thanh thản hơn, mọi người vô tư, quan tâm đến nhau, thông cảm và sẻ chia vui buồn, đoàn kết cùng nhau thực hiện lý tưởng chung đó là đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước và xây dựng một xã hội no ấm, công bằng, văn minh. Tuy ít có dịp gặp nhau, nhưng chúng tôi luôn quý mến, kính trọng anh Kim Tuấn như người anh cả trong gia đình.

   Tôi khi ấy còn là một thanh niên “Ba sẵn sàng” và vợ đang công tác tại Nhà máy in Tiến Bộ. Tôi ở ngành nông nghiệp và cũng thường xuyên phải xa nhà đi các cơ sở địa phương. Vợ chồng tôi thường động viên nhau học tập gương anh Kim Tuấn - chị Tú Khuê, giỏi việc nước đảm việc nhà. Tôi nhớ một hôm vợ tôi đi làm về cầm theo một cái áo lính đã cũ sờn, nói là của anh Kim Tuấn gửi cho. Tôi vô cùng xúc động và rất quý chiếc áo đó, bởi nó đã từng thấm đẫm mồ hôi cùng bao nỗi vất vả nhọc nhằn của anh. Tôi đã mặc chiếc áo đó suốt mấy năm chiến tranh và cả một thời kỳ bao cấp. Hiện gia đình chúng tôi vẫn còn lưu giữ một tấm ảnh lớn mà tôi mặc chiếc áo lính anh tặng chụp cùng vợ con ở nơi sơ tán. Trong ký ức của chúng tôi, anh Kim Tuấn luôn là một người anh cả hiền lành, khiêm nhường, ít nói. Đã bao nhiêu năm trôi qua nhưng chúng tôi không thể nào quên được dáng dấp, giọng nói, ánh mắt và đặc biệt là nụ cười hiền hậu, thông cảm và sẻ chia, có sức truyền cảm lạ lùng của anh Kim Tuấn. Mỗi lần đến thăm chị Khuê và hai cháu Hà, Hiệu, chúng tôi như được gặp lại nụ cười và ánh mắt anh Kim Tuấn hiện hữu trên khuôn mặt của hai cháu đang trưởng thành theo bước cha mẹ mình.

  Cuộc đời chiến đấu và hy sinh của anh Kim Tuấn thật oanh liệt, hào hùng. Suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Cam-pu-chia, anh luôn dũng cảm, xông pha trên tuyến đầu.

  Đầu năm 1979, anh hy sinh khi đã hoàn thành sứ mệnh tiêu diệt bọn diệt chủng để bảo vệ nền độc lập cho nhân dân Cam-pu-chia.

  Từ lâu chúng tôi đã có ước nguyện đến thăm đất nước Cam-pu-chia láng giềng, là nơi anh Kim Tuấn đã anh dũng ngã xuống và cuối cùng điều đó cũng trở thành hiện thực. Vào tháng 9 năm 2009, vợ chồng tôi đã đặt chân tới đất nước Cam-pu-chia. Đi từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đến Thủ đô Phnôm Pênh có quảng trường và Tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam. Đến Xiêm Riệp nơi có Ăng Ko Thom, Ăng Ko Vát nổi tiếng... Đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được sự hiền lành, hiếu khách, hữu nghị, bác ái của nhân dân Cam-pu-chia đang nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, nô nức xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp, giữ vững, phát triển tình đoàn kết anh em, đồng chí với Việt Nam, các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Trong suốt quãng thời gian thăm nước bạn Cam-pu-chia anh em, chúng tôi bồi hồi như được đồng hành cùng anh Kim Tuấn trên khắp các nẻo đường, đến đâu cũng như gặp lại nụ cười hiền hậu, ánh mắt chan hòa của anh.

  Về lại cửa khẩu Mộc Bài, chúng tôi lưu luyến chia tay đất nước Chùa Tháp xinh đẹp. Nhìn qua biên giới nước bạn, như còn đâu đây bóng hình anh Kim Tuấn đứng vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi. Anh như còn tiếp tục sự nghiệp cao cả của mình.

Tháng 6 năm 2011
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #37 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2013, 03:00:41 pm »

LẶNG LẼ VÀ GIẢN DỊ NHƯ ANH


MẠC - THỦY


   Đấy là anh Kim Tuấn, một Anh hùng, Liệt sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam chúng ta.

  Đấy là một người anh, tuy đi xa đã hơn 30 năm nhưng bóng dáng vẫn hiển hiện gần gũi trong lòng mỗi chúng tôi, những người em trong gia đình. Anh Kim Tuấn và tôi cùng là con rể của ông bà các cháu. Tôi còn nhớ mãi những ngày đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ, trong nhiều năm tháng chúng tôi đều gửi con nhỏ nhờ ông bà giúp đỡ, trông nom. Mỗi lần nghỉ phép thăm ông bà ngoại, anh Kim Tuấn chăm chỉ lo mọi việc giúp đỡ vợ con. Ngày hè nóng nực, anh xoay trần sửa chữa xe đạp cho vợ và các em, giặt giũ cả quần áo cho các con, các cháu. Tuy có cần vụ và lái xe riêng, nhưng anh để cho các chiến sĩ ấy được ghé về thăm nhà. Mọi việc anh tự phục vụ.

  Tôi cũng không quên những bữa ăn do anh tự nấu mọi món để “cải thiện” cho cả nhà, mặc dù thời ấy thực phẩm rất khó mua bởi thời chiến tranh và bao cấp. Ngày ấy mọi người cứ trêu tôi là không biết học tập anh Kim Tuấn khi cùng là con rể phải nhờ vả bên ngoại mọi thứ! Nhiều lần tôi phải mượn câu thơ của một đại thi hào để chống chế:

   “Anh giỏi sự
   Tôi tài ca!”.


  Thế là anh Kim Tuấn tủm tỉm cười và lại lặng lẽ chuyển sang tiết mục gấp, rồi là quần áo và dắt các cháu sang chùa Quán Sứ xem nhà sư tụng kinh, niệm Phật...

   Sau ngày giải phóng miền Nam, có lần từ Thành phố Hồ Chí Minh tôi đi xe đò qua Lái Thiêu, lên Thủ Dầu Một và tìm đến nơi làm việc của anh Kim Tuấn. Mới giải phóng, công việc bộn bề, anh vẫn thu xếp thời gian trưa, tối cùng tôi trò chuyện và tiễn tôi về tận Sài Gòn, nơi tôi đang đi thực tế cùng một số nhà văn, nhà báo.

   Ấn tượng không bao giờ quên khi nhớ về anh là một con người giản dị, lặng lẽ trong lối sống; nhiệt tình, năng nổ trong công việc. Hơn ba mươi năm đã qua, nhưng mỗi lần nhớ về anh, tôi lại thấy hiển hiện ánh mắt và nụ cười hiền dịu của anh.

Kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7-2011
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #38 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2013, 03:02:01 pm »

ANH LẶNG LẼ - VÌ MỌI NGƯỜI
(Tưởng nhớ Anh hùng, Liệt sĩ Kim Tuấn)


NGUYỄN BAO


Khi đất nước vừa giành được chính quyền
Mới kịp viết những dòng đầu tiên:
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Khi mảnh đất Nam Bộ
Vừa bầm đen bóng giặc
Anh lặng lẽ đầu quân.

Anh âm thầm mượn giấy khai sinh
Từ chính anh ruột của mình
Cho đủ tuổi của người cầm súng.

Những năm tháng cách xa, ũủng âm thầm và lặng lẽ
Sau chiến sự nhọc nhằn, gian khó
Mỗi năm dành vài ngày phép ghé thăm nhà
Giúp vợ con lợp lại mái ngói xô
Đổ đầy bể nước,
Giặt vội chậu áo quần
                 trước lúc dắt con chơi.
Anh lặng lẽ
   ém quân
             những tháng năm dài
Rừng núi Tây Nguyên, xa khuất đường 19
Đợi ngày cùng đại quân
                       lao về phía biển
Chặn đường lui quân
                sống chết của quân thù!
Nhưng chiến tranh
               có bao chuyện không ngờ
Nào ai biết
              Anh bất ngờ
                       ngã xuống
Vì ngày mai đất nước
Vì hạnh phúc biết bao người thân thương
Biết ơn Anh
          Trọn một đời
                    lặng lẽ hy sinh!


Tháng 7 năm 2011
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #39 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2013, 03:04:29 pm »

MẤY LỜI TÂM SỰ KHI TÔI VIẾT BÀI THƠ:
“PHÚC LÂM, QUÊ HƯƠNG TƯỚNG KIM TUẤN”


HOÀNG THỌ VỰC*



   Mấynăm trước, tôi về quê dự việc làng. Đến lễ hội tôi có đọc bài thơ “Lễ hội Phúc Thụy” 12 khổ. Đọc xong, ông Hoàng Xuân Vũ có hỏi tôi: “Khổ thơ thứ 6 nói về Tướng Kim Tuấn thì ông có biết ông Kim Tuấn đã chỉ huy quân đội đánh tan đồn Phúc Lâm không?”.

   Tôi ngẩn người thú thật là “tôi đi xa không rõ lắm, tôi chỉ được các ông Thịnh, ông Thái là anh em ruột và ông Lộc là em họ kế về thành tích to lớn của Tướng quân Kim Tuấn, năm 1975 là Tư lệnh Sư đoàn 320 dự trận Buôn Ma Thuột ông Tuấn có đánh chặn địch ở Cheo Reo, Phú Bổn và đã thắng lớn, đánh tan rã cả quân đoàn 2 ngụy. Tiếp nhận hàng vạn tên lính ngụy đầu hàng. Đến cuối tháng 3 năm 1975 thì được vinh thăng là Tư lệnh phó Quân đoàn 3 của Quân đội nhân dân Việt Nam!”.

   Thế là ông Vũ bồi hồi kể về các năm 1951-1954 vùng quê Kẻ Chảy ta (gồm Phúc Lâm, Minh Thụy, Ước Lễ) đã bị giặc Pháp chiếm đóng. Chúng o ép nhân dân ta xây đồn bốt ở Phúc Lâm, cái đồn đó ở đầu làng ta lối rẽ lên Bồ Nâu để bắt phu, bắt lính khắp vùng nam Thanh Oai này.

  Ông Tuấn lúc đó (1951-1952) mới chỉ là Đại đội trưởng hoặc Tiểu đoàn trưởng thôi mà đã chỉ huy bộ đội ta phá tan cái đồn Phúc Lâm xây hình vuông. Ông Tuấn lúc đó còn trẻ lắm mới độ 24, 25 thôi mà tài đến thế. Sau đó, Pháp phá hẳn Chùa Phúc đi để xây cái bốt khác hình tròn. Đến năm 1954 được giải phóng, ta liền phá cái bốt đó và xây Ủy ban nhân dân và Phòng Truyền thống xã Tân Ước ở chính trên cái đồn đó. Tôi mừng quá, lần đầu tiên sau 60 năm tôi mới được ông Vũ, ông Tự kể về thành tích quê hương, nhớ lại những năm 1945-1950 giặc Pháp mạnh lắm, bắt hoặc giết được 1 tên lính Pháp, lính ngụy đâu phải là chuyện dễ dàng. Chỉ vài tên lính Pháp, lính ngụy ra khỏi đồn Thạch Bích -Thanh Oai để đi bắt gà, bắt lợn là dân làng ta đã phải chạy tản cư rồi. Đúng thế thật, năm 1949 giặc Pháp mấy lần tiến quân vào Ước Lễ giết người chặt đầu phơi thây ở Cổng Cầu và Quán Thanh Lương. Bà con ta rất lo sợ.

   Chính tôi phải đưa mẹ và các em vào Vân Đình, rồi chợ Sêu để định vào Thanh. Nhưng mới đi gần tới chùa Hương thì biết tin Pháp đã chiếm chùa Hương rồi. Tôi phải đưa gia đình lộn lại cầu Giậm vào chợ Bến, chợ Xồ rồi vượt đưòng số 6 vượt sông Đà để lên Việt Bắc. Khi đó tôi được tin mấy anh em của Kim Tuấn đã lên rừng kháng chiến. Đầu năm 1951, giải phóng thị xã Hoà Bình, tôi mới đưa gia đình vào Thanh Hoá.

   Viết đến đây tôi định thôi vì thấy tạm đủ rồi, nhưng tôi vẫn cảm thấy cần viết thêm về “gia phong” của gia đình Tướng Kim Tuấn mới thật là trọn vẹn:

   Năm 1996 có dịp ra Hà Nội, được gặp anh Thịnh là anh ruột của Tướng Kim Tuấn ngỏ lời mời: “Chẳng mấy khi ông cậu ra đây cháu muốn mời ông cậu xuống Hải Phòng thăm mộ và dự ngày giỗ của bố mẹ cháu”. Tôi lưỡng lự một lát rồi nói: “Lâu nay, tôi rất muốn xuống Hải Phòng thăm hai bác nhưng quá bận. Hôm nay anh ngỏ lời thế tôi phân vân lắm, nếu anh tổ chức đi ngay lúc này, hoặc chiều nay... cùng lắm là sáng mai thì tôi không thể nào từ chối được”. Thế là ngay hôm đó anh đã thu xếp để tôi được thoả mãn. Có đi tôi mới thấy tài tổ chức của một Đại tá quân đội. Anh ấy tính toán từng giờ từng phút của mọi nơi để chuyến đi thật thành công.

   Đến Hải Phòng, anh cho xe vào luôn chùa Đông Khê để thăm mộ hai bác. Nhìn thấy ảnh hai bác ở trên mộ tôi chảy nước mắt nghĩ tới công ơn của hai bác đối với gia đình tôi. Đó là năm 1955 tôi cưới vợ. Trong tuần trăng mật, tôi đưa vợ tôi từ Thanh Hoá ra thăm anh chị, đúng lúc anh chị hoàn thành ngôi nhà mới xây. Thế là vợ chồng tôi được hưởng cái ân huệ “mới tinh khôi” sang trọng dó. Hỏi trên đời còn có cái gì sung sướng hơn sự chiêu đãi quý báu của ông anh rể. Về nhà tôi đã làm thơ: Kính viếng hương hồn anh chị, có đoạn:

“Về thăm anh chị một ngày
Hải Phòng ướt đẫm mưa lầy đường trơn
Qua bao năm tháng gian truân
Hôm nay mới gặp người thân trong nhà
Ảnh còn lưu ánh mắt xưa
Mà âm dương đã cách chia đôi đường...”.


   Nhưng bất ngờ lớn nhất là khi làm lễ trước ban thờ ở nhà, tôi giật mình thấy bức Đại tự “Hiếu hữu gia phong” được bày trên bàn thờ kỳ lạ quá. Nó giống như in bức đại tự “Đại đức tất đắc” của bố mẹ tôi ngày xưa ở Hà Nội với hình ảnh rất dân tộc là một cành tre nằm vắt ngang ở mé trên với con chim nhỏ, nổi bật hàng chữ “Hiếu hữu gia phong” màu vàng trên nền then đen bóng loáng.

   Tôi ngẩn người ra ngắm mãi, rồi khẽ khàng thổ lộ: “Này anh Hải này, sao tôi thấy bức đại tự ở đây trang trí giống hệt bức đại tự ở trên nhà”... Tôi được anh Hải kể: “Bức đại tự đó là của ông ngoại tặng thầy cháu đấy”! Tôi ngỡ ngàng về sự tinh thông của thầy tôi đã sớm nhận ra những đức tính quý báu của người con rể, không bao giờ đánh mắng vợ con, không bao giờ cờ bạc rượu chè. Nuôi 9 người con đều nên người có ích.

   Anh Hải - một kỹ sư tài năng đã 2 lần được cử sang Liên Xô học tập lại kể tiếp về sự linh thiêng đến kỳ lạ của bức Đại tự. Số là những năm đầu kháng chiến, gia đình tản cư đi các nơi tới 1 năm. Lúc về, đi thuê chỗ khác, bức đại tự bị thất lạc ở tận đâu. Bất ngờ, một buổi sáng thấy hai người khiêng đi bán, đứng đúng ở trước cửa nhà cháu. Thế là bố mẹ cháu mua lại được, đúng là “Châu về Hợp Phố”... Mừng quá là mừng.

   Tôi nghĩ về gia đình riêng của Tướng Kim Tuấn:
   Con trai của anh là Nguyễn Công Hiệu, Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.
  Con gái là Nguyễn Thị Thanh Hà, Tiến sĩ, Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

  Lại nghĩ tới lời Bác Hồ căn dặn toàn quân phải “trung với nước, hiếu với dân”. Nghĩ về bức Đại tự “Hiếu hữu gia phong” thì thấy gia đình quân đội của Tướng Kim Tuấn thật là “công tư vẹn toàn”.


---------------------------------------------------------
* Cậu của Thiếu tướng Kim Tuấn
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM