Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 09:45:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chân dung vị tướng anh hùng, liệt sĩ Kim Tuấn  (Đọc 2464 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 18 Tháng Chín, 2013, 02:12:20 pm »

CHÂN DUNG VỊ TƯỚNG ANH HÙNG, LIỆT SĨ KIM TUẤN


Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2012.

Khổ 14,5 x 20,5
Số trang: 220

Số hóa: hoi_ls




Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2013, 02:14:14 pm »




Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2013, 02:22:01 pm »

LỜI TỰA CỦA ĐẠI TƯỚNG PHÙNG QUANG THANH


Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của đồng chí Kim Tuấn (2.7.1927 - 2.7.2012) - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tôi hoan nghênh việc tổ chức, xuất bản cuốn sách “Chân dung vị Tướng Anh hùng, Liệt sĩ Kim Tuấn”.

   Tuy chưa phản ánh thật đầy đủ, nhưng với trên ba mươi bài viết của người thân và đồng đội cùng những tư liệu quý, cuốn sách đã khắc họa những nét cơ bản chân dung Thiếu tướng Anh hùng, Liệt sĩ Kim Tuấn: Là thanh niên giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và tham gia quân đội. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Kim Tuấn lần lượt đảm nhiệm các cương vị chỉ huy từ trung đội, đại đội đến sư đoàn, quân đoàn; liên tục chiến đấu trên các chiến trường Liên khu 3, Trị Thiên, Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định lập nhiều chiến công vang dội. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, đồng chí là Tư lệnh Quân đoàn 3 chỉ huy nhiều chiến dịch giành thắng lợi lớn, góp phần giúp nhân dân nước bạn đập tan chế độ diệt chủng và xây dựng xã hội mới; đồng chí đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Cuộc đời chiến đấu của đồng chí Kim Tuấn là tấm gương cao đẹp về sự cống hiến hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân; cho sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của lực lượng vũ trang nhân dân ta.


  Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuốn sách “Chân dung vị Tướng Anh hùng, Liệt sĩ Kim Tuấn” có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục truyền thống, nhất là bồi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Chúng ta cần có thêm những cuốn sách như thế để góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hà Nội ngày 2 tháng 7 năm 2012
Đại tướng PHÙNG QUANG THANH
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2013, 02:25:48 pm »

LỜI ĐIẾU CỦA QUÂN ỦY TRUNG ƯƠNG



  Thưa đồng chí Kim Tuấn thân mến,
   Thưa các đồng chí,


  Đồng chí Kim Tuấn tức Nguyễn Công Tiến, Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân đoàn, Tư lệnh Quân đoàn 3, đã hy sinh hồi 14 giờ ngày 17 tháng 3 năm 1979 trong khi đang làm nhiệm vụ ở mặt trận.

   Thật vô cùng đau xót trước tổn thất to lớn này của Đảng, của quân đội và của gia đình đồng chí.

  Đồng chí Kim Tuấn sinh năm 1927, quê ở xã Phúc Lâm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình.

   Được giác ngộ trong cao trào Cách mạng tháng Tám, tháng 4 năm 1946, đồng chí tham gia quân đội, tháng 8 năm 1948 đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí liên tục chiến đấu ở chiên trường đồng bằng Liên khu 3, trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí đã chiến đấu trên nhiều chiến trường ở miền Nam và đã được rèn luyện trưởng thành từ chỉ huy trung đội, đại đội lên tới sư đoàn, quân đoàn.

   Qua các cương vị chỉ huy, đồng chí luôn luôn nêu cao tinh thần nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị, ý chí tấn công, tác phong xông xáo, tỉ mỉ, cụ thể và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng chí còn được anh em trong đơn vị tin yêu và bạn bè quý mến về tinh thần đoàn kết thương yêu đồng đội và đức tính gương mẫu, khiêm tốn, giản dị, cần cù.

  Trong những năm gần đây với cương vị Tư lệnh Quân đoàn, đồng chí đã đem hết tài năng, sức lực và trí tuệ của mình cùng với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chiến đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đồng chí đã tỏ ra là một cán bộ vững vàng, có tinh thần chiến đấu bền bỉ, có năng lực hành dộng và có phẩm chất tốt đẹp.

   Trên 30 năm liên tục chiến đấu, đồng chí Kim Tuấn đã cống hiến trọn cuộc đòi mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của các lực lượng vũ trang nhân dân ta.

   Đồng chí đã được Nhà nưóc tặng thưởng:

   - Một Huân chương Quân công hạng Hai.
   - Một Huân chương Chiến công hạng Hai.
   - Một Huân chương Chiến công hạng Ba.
   - Một Huân chương Chiến thắng hạng Hai.
   - Ba Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba.
   - Hai Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Hai, hạng Ba.

  Và mới dây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nưóc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định truy tặng đồng chí Huân chương Quân công hạng Nhất.

   Đồng chí mất đi, Tổ quốc, Đảng và nhân dân ta mất một người con trung hiếu, Quân đội ta mất một cán bộ gương mẫu, chúng ta mất một người đồng chí, đồng đội trung thực vô tư, gia đình mất một người con, người chồng, người cha thân yêu.

  Đồng chí Kim Tuấn không còn nữa, nhưng tinh thần và đức tính của đồng chí còn sống mãi trong lòng chúng ta.

   Càng thương tiếc đồng chí bao nhiêu, chúng ta càng quyết tâm phấn đấu bảo vệ vững chắc và xây dựng thành công Tô quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ra sức phấn đấu xây dựng Quân đội ta ngày càng lớn mạnh, chính quy, hiện dại, tinh nhuệ, thiện chiến, đập tan mọi âm mưu và hành động xâm lược nước ta của các thế lực thù địch, phản động..., hoàn thành thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta trong giai đoạn mới của cách mạng.

  Đồng chí Kim Tuấn thân mến!

  Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân đội ta mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng chí.

   Vĩnh biệt đồng chí, chúng tôi, những người bạn chiến đấu của đồng chí nguyện biến đau thương thành sức mạnh sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó.

   Xin vĩnh biệt đồng chí!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2013, 02:33:25 pm »

CHÚ KIM TUẤN THIÊNG LIÊNG ! 1
 

NGUYỄN CÔNG TIẾN 2
 

   Nhân tròn 55 năm ngày thương binh liệt sĩ 27 tháng 7 năm 2002, Đảng và Nhà nước tổ chức kỷ niệm trên toàn quốc.

   Nhân tròn năm sinh thứ 75 và năm thứ 23 chú yên nghỉ ở đây, gia đình ta tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm chú - người thương binh - liệt sĩ cấp tướng duy nhất của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

   Tôi là Thịnh và các em cùng gia đình chú ở Hà Nội và chú Hải đại diện cho các em và gia đình ở Hải Phòng đến thắp hương cho chú.

   Dự buổi lễ hôm nay còn có các ông chú, ông cậu và nhiều anh chị em trong ba họ Nguyễn Công, Hoàng Xuân, Lê Huy bên nội, bên ngoại gần gũi cũng đến thắp hương tưởng nhớ chú.

   Chú Kim Tuấn linh thiêng!

Khói hương trên mộ chú hòa quyện vào hương thơm nghĩa trang Mai Dịch và các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc đã thơm càng ngát thơm hơn, lan tỏa đến tất cả mọi nơi yên nghỉ của hàng vạn người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh cho cách mạng. Nhiều người cho đến nay còn chưa tìm thấy, chưa quy tập được. Trong số này cũng có cả người thân của chúng ta mà đến hôm nay mới được rõ, có 3 liệt sĩ trong họ Hoàng Xuân:

  + Một là liệt sĩ chống Pháp - Hoàng Xuân Quang, cậu em mẹ Hoàng Thị Bính của chúng ta. Hôm nay ông Hoàng Xuân Sắc em ruột của ông Quang cùng gia đình cũng có mặt ở đây.

   + Hai là liệt sĩ Hoàng Xuân Khang, em chúng ta hy sinh ở chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Liệt sĩ Khang là con ông cậu Hoàng Xuân Đài hiện đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các anh chị em ruột cùng gia đình của liệt sĩ Khang là Hoàng Xuân Lộc, Hoàng Thị Diệp, Hoàng Thị Mai... cùng gia đình và nhiều người ruột thịt cũng đều có mặt tại đây.

   + Ba là liệt sĩ Hoàng Xuân Định, anh họ của chúng ta hy sinh ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

   Còn hai liệt sĩ nữa là hai anh em ruột Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Văn Tương hy sinh năm 1967 và 1969 trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Quảng Trị. Liệt sĩ Dương và Tương là anh ruột của cháu Nguyễn Thụy Khuê, con rể chú, chồng cháu Nguyễn Thị Thanh Hà.

   Xin báo cáo qua với chú mấy điểm như vậy.

  Để nghị chúng ta để 1 phút mặc niệm chung thêm lần nữa.

  Chú Kim Tuấn thiêng liêng!

   Trong bài tưởng niệm chú ở đây nhân ngày thương binh liệt sĩ 27 tháng 7 năm 1997 cách đây 5 năm tôi đã nói: “Chúng tôi ngưỡng mộ chú bao nhiêu thì cũng tỏ lòng thương nhớ, kính trọng và biết ơn thầy, u bấy nhiêu vì đã hiến dâng cho dân tộc ta một người con anh hùng”.

  Hôm nay nhân buổi lễ này, tôi cũng tỏ lòng quý trọng và biết ơn đối với thím Khuê. Thím là một tấm gương tiêu biểu đáng kính của phụ nữ Việt Nam. Tôi không thể nói hết những đức tính cao đẹp của thím ở đây mà chỉ nói gọn là: trong sự nghiệp vẻ vang của chú có phần công lao đóng góp rất lớn của thím. Đối với gia đình, thím là người con hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ cả nội lẫn ngoại trọn vẹn, lại một mình nuôi hai con trưởng thành như ngày nay thật công lao không nhỏ.

   Đối với hai cháu Hà - Hiệu, bác cũng biểu dương hai cháu đã phát huy được truyền thống gia đình, noi gương bố rèn luyện, tu dưỡng, học tập, công tác ngày càng tiên bộ và đã trở thành những sĩ quan cao cấp trong Quân đội, thật đáng khen ngợi lắm. Trong gia đình, các cháu cũng đã thể hiện là những người con hiếu thảo hết lòng chăm sóc bố mẹ, ông bà bên nội, bên ngoại và đối xử với các bác, các cô, các chú và anh chị em trong họ hàng rất tốt, được mọi người tin yêu quý mến.

  Các cháu Thụy Khuê - chồng Hà và Thu Thủy - vợ Hiệu bác cũng có lời khen ngợi là những người con rất tốt, rất xứng đáng là rể quý, dâu hiền của gia đình.

Thưa chú Kim Tuấn kính mến!

  Bài đọc của cháu Nguyễn Công Hiệu đã nói lên đầy đủ tâm tư, tình cảm của mọi người trong gia đình, khẳng định sự mạnh mẽ, vững vàng, hứa hẹn tiền đồ rực rỡ của gia đình, xứng đáng với danh thơm được thừa hưởng của chú, một người con ưu tú do Đảng, Nhà nước và Quân đội đào tạo.

   Cuộc đời chú đã được người đời nói, ca ngợi trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Các nhà văn, nhà sử trong đó có cụ Hoàng Đạo Thúy là người thầy của chú ở Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa I đã viết rất cảm động về chú trong một bài ngắn nhưng cô đọng in trên báo Nhân dân khi cụ còn sống, vài năm sau khi chú hy sinh anh dũng.

  Nhà văn Tú Hào - bạn ở Mặt trận Tây Tiến năm xưa cũng mới có bài viết ngắn gọn rất nổi bật về chú in trong cuốn “55 năm Tây Tiến” xuất bản tháng 5 năm 2002.

   Đặc biệt hôm nay cũng tới dự tại đây có người anh rể của tôi, Đại tá Nguyễn Văn Vĩnh (đã nghỉ hưu), tác giả một số bài viết rất tâm huyết về chú và là người thường hay nói chuyện với tôi về chú.

  Từ đầu tháng 7, Tạp chí Truyền hình cũng trân trọng đăng ảnh chú và bài viết về gia đình vẻ vang đã sinh thành cô con gái giỏi giang Nguyễn Thị Thanh Hà của chú. Anh em bà con họ hàng thân thuộc rất đỗi cảm động và tự hào khi thấy xuất hiện hình ảnh gia đình chú trên vô tuyến truyền hình Việt Nam nhiều lần dịp này. Mỗi người đều nghĩ phải có trách nhiệm giữ vững và phát huy truyền thông vẻ vang do chú gây dựng nên. Người đời sẽ còn nói, viết và ca ngợi về chú nhiều bằng các thể dạng nghệ thuật phong phú khác nhau.

  Năm 2000 vừa qua, tập “Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh” do Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Hội đồng khen thưởng Nhà nước phát hành đã gửi đến biếu tận nhà ta. Đây là cuốn lịch sử ghi lại hình ảnh, thành tích của tất cả các anh hùng lao động và anh hùng các lực lượng vũ trang với đầy đủ các gương mặt từ chiến sĩ đến cấp tướng đã hy sinh và còn sống, duy nhất chú là Anh hùng, Liệt sĩ cấp tướng.

   Viết, nói về chú sẽ vẫn còn nhiều điều xoay quanh phẩm chất chính trị nhân văn, tinh thần yêu nước cao vời vợi, sẵn sàng xả thân mình không hề tính toán, lòng yêu thương con người vô hạn.

   Về tài năng quân sự, chắc hẳn vẫn xoay quanh bản lĩnh chỉ huy. Nội dung này còn có thể khám phá, khai thác, nói và viết nhiều.

   Suốt 32 năm cầm quân từ cấp đại đội đến cấp quân đoàn, chú đã thể hiện là một vị tướng chỉ huy tác chiến có nhiều phẩm chất phong cách mẫu mực: dũng cảm, mưu trí, tốc chiến tốc quyết, xuất quỷ nhập thần, giành thắng lợi vang dội mà tổn thất ít máu xương chiến sĩ.

   Ngay từ khi là một cán bộ sơ cấp, chú đã tỏ ra khôn ngoan, mưu trí, linh hoạt và kiên quyết. Những đức tính ấy luôn được phát huy trong quá trình tiến lên làm cán bộ trung, cao cấp, cán bộ cấp tướng có uy tín, có tầm cỡ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi còn nhớ như in buổi hành quân đêm tác chiến chống giặc Pháp càn quét vùng Cao Phong - Hòa Bình đầu năm 1947. Trong cuộc hành quân ấy, tôi đã đi trong hàng quân do chú chỉ huy. Chú đã phái trinh sát dùng đá ném vào bờ bụi rậm rạp ven rừng, những nơi nghi ngờ nhằm thăm dò phát hiện địch trước khi cho bộ đội vượt qua một bản của đồng bào Mường, tránh không để cho bộ đội bị bất ngờ. Hành động đó không có sách vở nào dạy, không có người thầy nào đã có sáng kiến như thế để truyền lại cho người đại đội trưởng 20 tuổi đời lúc đó xử trí tình huống sắc sảo, rất cẩn tắc như vậy. Do bí mật hành quân trong đêm, đòn đánh của ta đã tạo nên một đòn bất ngờ làm địch không kịp trở tay và nhanh chóng giành thắng lợi. Độc đáo thay và rất đỗi phù hợp hoàn cảnh tác chiến địch - ta lúc bấy giờ.

  Kể từ trận đánh đầu tiên khi chỉ huy cấp đại đội phục kích quân Pháp ở đèo Kém trên đường 6 kéo lên Hòa Bình và nhiều trận đánh khác ở cấp tiểu đoàn rồi cấp sư đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nguyên của chú đều có đặc điểm riêng về giành thắng lợi.

  Đặc biệt, trận tấn công chớp nhoáng đánh đòn sấm sét vào quân đoàn 2 ngụy - Sài Gòn rút chạy trên đưòng số 7 ở đoạn Cheo Reo - Phú Bổn ngày 16, 17 tháng 3 năm 1975 là một mẫu mực giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Thắng lợi đó đã góp phần quan trọng vào thế đánh địch như chẻ tre sau đó của bộ đội, hành quân thần tốc và thần tốc hơn nữa nhằm tiêu diệt địch, đánh sập hoàn toàn bộ máy quân sự và cai trị của Mỹ - ngụy, kết thúc công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà ngày 30 tháng 4 năm 1975.

  Trận này đã được đúc kết đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường quân sự Việt Nam.

  Vẻ vang thay Tướng quân Kim Tuấn!

   Gia đình, họ hàng, anh em, con cháu thân thuộc vô cùng tự hào về chú. Xin hứa tiếp tục phấn đấu cho xứng đáng vói danh hiệu cao quý của Nhà nước đã phong tặng chú.

   Chúng tôi vô cùng thương tiếc, biết ơn chú cùng tất cả các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho chúng tôi được hưởng cuộc sống yên bình ngày nay.

  Một lần nữa chúng tôi xin hứa sống, chiến đấu không ngừng vì mục tiêu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm cho dân giàu nước mạnh, đưa nước ta trở thành một nước tiên tiến có chế độ ưu việt, không kẻ thù xâm lược nào có thể khuất phục được.

---------------------------------------------------------
1. Bài phát biểu của gia đình trong lễ tưởng niệm Anh hùng, Liệt sĩ Kim Tuấn, Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 nhân kỷ niệm 55 năm ngày TBLS 27-7-2002.

2. Anh của Thiếu tướng Kim Tuấn

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2013, 02:38:26 pm »

NHỮNG DÒNG TÂM SỰ


LÊ THỊ TÚ KHUÊ *
 

   Anh sinh năm 1927 trong một gia đình viên chức đông con (10 con). Bố anh làm Trưởng ga Lai Khê - Hải Phòng. Quê anh, làng Phúc Lâm, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai - Hà Tây (nay là Hà Nội), là một làng nghề chuyên môn làm giò chả, nên mẹ anh mở một cửa hàng làm mặt hàng này tại Hải Phòng. Chính cửa hàng này đã nuôi sống cả gia đình.

    Lúc nhỏ anh cũng rất vất vả, là con thứ hai trong gia đình nên ngoài việc học hành, anh cũng phải làm lụng bươn chải cùng gia đình kiếm sống. Từ năm 1945, ở địa phương anh đã tham gia các phong trào Việt Minh trong hàng ngũ học sinh. Năm 1946, anh nhập ngũ vào học tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khoá I (trường quân sự đầu tiên của nước ta). Ra trường anh bắt đầu cuộc đời quân ngũ cho đến lúc hy sinh tại Mặt trận Cam-pu-chia, trong lúc giúp nước bạn giải phóng đất nước khỏi nạn diệt chủng của Khơ-me đỏ.    

    Anh ngã xuống ngày 17 tháng 3 năm 1979, lúc anh vừa 52 tuổi đời, 33 tuổi quân, trên cương vị Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 3, Phó Bí thư Đảng ủy Quân đoàn. Cũng trong năm 1979, anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký.

  Chúng tôi cưới nhau vào mùa xuân năm 1956. Câu chuyện chúng tôi biết nhau rất bất ngờ và thật đơn giản. Năm 1954, hoà bình lập lại, Hà Nội được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp. Bố mẹ tôi đều tham gia kháng chiến đã cùng cơ quan từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Tôi được nghỉ phép về thăm nhà (lúc đó tôi dang công tác trong quân đội, thuộc Trung đoàn 248, một đơn vị chủ lực của Liên khu Việt Bắc). Về đến nhà tôi gặp ông chú ruột, chú tôi cũng là bộ đội về họp tại Hà Nội. Tôi và chú cùng đi thăm lại những nơi quen thuộc của Hà Nội sau nhiều năm xa cách, đến bờ hồ Hoàn Kiếm thì gặp anh Kim Tuấn, anh là bạn học cùng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khoá I với chú tôi. Hai người tay bắt mặt mừng, nói chuyện với nhau quên cả sự có mặt của tôi, làm tôi cứ phải lẽo đẽo theo sau. Anh Kim Tuấn theo phép lịch sự xã giao thỉnh thoảng quay lại hỏi thăm tôi mấy câu, nhưng chỉ một lúc sau anh đã quay hẳn lại nói chuyện với tôi, đến lúc này chính chú tôi lại là người phải lẽo đẽo theo sau (sau này anh nói lại, anh đã mến tôi từ cái nhìn đầu tiên khi mới gặp và không thể dứt ra được nữa).

   Tôi về đơn vị trả phép, gần một tháng sau đồng chí Chính ủy của đơn vị gọi tôi lên nói là có việc. Tôi lên gặp thì đã thấy anh Tuấn ngồi đó, thấy anh tươi cười tôi cũng đoán ra được sự việc. Đồng chí Chính ủy nói ngắn gọn mấy câu là anh Tuấn đến gặp xin tìm hiểu đồng chí đó, tôi mỉm cười và đi ra ngoài. Mới đầu tôi cũng rất ngỡ ngàng vì không biết gì nhiều về anh. Anh đưa ra bức thư của bố mẹ tôi và của chú tôi. Thì ra anh đã nói với gia đình tôi rồi. Anh giới thiệu với tôi về anh, về gia đình anh, mới đầu tôi chỉ nghe, nhưng sau nói chuyện thấy anh cũng có những điểm đáng mến, toát lên ở anh là một con người thành thật, rõ ràng, rất đàn ông, đầy chất lính, một con người đáng tin cậy. Sau vài lần gặp gỡ và qua những lá thư, tôi đã nhận lời tìm hiểu. Lúc này anh ở Sư đoàn 320 đóng ở Kiến An. Tôi đóng quân ở Phả Lại cách nhau khoảng 40km, nhưng điều kiện, phương tiện đi lại rất khó khăn nên ít gặp nhau.

  Nhưng một việc bất ngờ đầy may mắn đã đến với chúng tôi, anh có quyết định chuyển công tác về làm Tham mưu phó Sư đoàn 332, Quân khu Đông Bắc. Đơn vị tôi, Trung đoàn 248 của Việt Bắc cũng chuyển về Đông Bắc. Cả hai đơn vị của anh và tôi đều đóng quân ỏ thị trấn Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh.

   Anh là cán bộ cấp trung đoàn nên lập gia đình phải báo cáo lý lịch của đối tượng tìm hiểu để cấp trên xét về mặt chính trị. Lúc đầu tôi cũng tự ái cho rằng mình đã là một quân nhân, việc gì phải khó khăn như vậy, anh đã động viên tôi và nói rằng, đây là quy định của tất cả mọi cán bộ quân đội ở cấp đó trở lên.

   Đầu năm 1956, sau khi được trên đồng ý, một tháng sau chúng tôi tổ chức lễ cưới. Đám cưới của chúng tôi rất đặc biệt. Sau này tôi dự rất nhiều đám cưới của nhiều người, nhưng cũng chẳng thấy có đám cưới nào được tổ chức như thế.

   Tiên Yên lúc đó là một thị trấn hẻo lánh với đồi núi vây quanh, dân hầu hết là người Hoa và các dân tộc thiểu số, vì thế mà khi có việc vui, được phép là anh em đi dự rất đông. Mới đầu lễ cưới định tổ chức trong hội trường, nhưng bộ đội đến dự đông, không đủ chỗ nên phải kéo ra sân tập của đơn vị. Lúc này hoà bình mới lập lại, tình hình khá yên tĩnh, không sợ bị địch quấy phá nên có thể tập trung đông người được. Gia đình chúng tôi về dự chỉ có bố mẹ hai bên, bố mẹ tôi ở Hà Nội, bố mẹ anh ở Hải Phòng, hồi đó việc đi lại rất khó khăn, các cụ về dự phải đi bằng tàu thủy, vì thế anh em họ hàng không có ai ngoài bố mẹ.

   Về vật chất lúc đó chúng tôi chưa có lương, mỗi tháng được phụ cấp mấy cân gạo tính theo tiền (4 hào/lkg). Chúng tôi chỉ có thể tổ chức được một bữa cơm mời bố mẹ hai bên và một số chỉ huy các đơn vị, số tiền còn lại dồn vào mua đường trắng, nhờ bộ phận anh nuôi nấu nước chè (chè tươi ở đó rất sẵn) đổ vào các thùng quân dụng, mỗi thùng nưóc chè đổ vào mấy cân đưòng, đó là tiệc mời các anh em đồng đội đến dự. Không biết có ai phổ biến cho anh em mà mỗi người khi đến đều mang theo 1 cái ca. Tôi nhớ lúc đó, mỗi người lính chúng tôi đều được phát một chiếc ca có vẽ ba lá cờ Việt - Trung - Xô do Trung Quốc sản xuất. Ai muốn uống nước thì tự rót lấy, không có tiếp tân.

   Lễ cưới diễn ra trong nửa tiếng đồng hồ theo đúng thủ tục. Chủ hôn rồi hai gia đình phát biểu những lời dặn dò tâm huyết. Sau đó là văn công sư đoàn biểu diễn văn nghệ, tất cả kéo dài từ 7 giờ tối đến 10 giờ đêm. Bộ đội xếp thành đội ngũ đến dự, rồi lại xếp thành đội ngũ ra về, những bó đuốc sáng rực khắp các nẻo đường.

   Đám cưới của chúng tôi hết sức đơn giản, không hoa, không rượu, không chụp ảnh, quà tặng là những quyển sổ tay bút máy, những vần thơ vui. Có đơn vị mang đến thùng rất to, bọc giấy đỏ, mọi người đều tò mò không hiểu là cái gì. Anh Tuấn nói đùa, các cậu cứ mở ra mà xem, không đợi nói hết, anh em ùa đến mở ra. Thật bất ngờ đó là một đôi sam biển, có lẽ mới mua ở chợ về nên còn tươi nguyên và với lời chúc “Suốt đời quấn quýt như đôi sam này”. Quần áo cô dâu, chú rể vẫn là những bộ quân phục bạc màu.

   Đám cưới tuy đơn giản nhưng rất tưng bừng vui vẻ, chan hòa tình đồng chí, đồng đội. Sau này khi có dịp gặp lại nhau, nhiều anh em vẫn nhắc lại kỷ niệm xưa, coi đây như một đám cưới rất hay, rất lạ và đầy ấn tượng.

----------------------------------------------------------
* Vợ Thiếu tướng Kim Tuấn
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2013, 02:42:52 pm »

   Sau ngày cưới chúng tôi thường ở xa nhau, mỗi người một đơn vị. Tôi không biết nhiều về công việc của anh, anh là người luôn giữ nguyên tắc bí mật trong công tác, biêt thế nên không bao giờ tôi hỏi. Thường câu chuyện tập trung xoay quanh vấn đề các con và gia đình... Chỉ những khi anh về, tôi mới biết thêm một chút ít công việc của anh qua các đồng chí cùng đi kể lại.

  Anh là người rất quan tâm đến chiến sĩ và những người xung quanh, ở chiến trường anh thường được cung cấp thuốc bổ như sâm, nhung và các loại cao dùng để bồi dưỡng sức khỏe khi làm việc. Chiến trường là nơi rất gian khổ, thiếu thốn đủ mọi bề, nên việc bồi dưỡng sức khỏe để có sức làm việc đối với người chỉ huy là điều hết sức cần thiết. Nhưng mỗi lần anh đi thăm các đơn vị quân y, bao nhiêu thuốc bổ thuộc tiêu chuẩn của mình, anh đều đưa cho các bác sĩ để dùng cho thương, bệnh binh. Còn với mình, anh cho rằng khỏe rồi nên không cần thiết phải dùng đến. Có lần đồng chí công vụ giữ lại một ít cho anh, nhưng anh lại bảo đem đưa nốt.

   Đối với anh em công vụ, lái xe, những người gần gũi anh, anh đều rất quan tâm, như đồng chí Nguyễn Văn Hai lái xe, lấy vợ nhiều năm nhưng chưa có con vì không có điều kiện về gặp gia đình. Khi anh về công tác tại Hà Nội ít ngày, anh đều cho đón vợ đồng chí lên nghỉ ở chiêu đãi sở để có dịp vợ chồng gần gũi nhau (quê đồng chí Hai ở Thái Bình). Có lần được nghỉ vài ngày ra bãi biển chơi, anh cũng cho đón vợ đồng chí lên cùng đi.

   Đối với các đồng chí khác cũng vậy, anh là người sống rất tình cảm, rất tâm lý. Nếu có điều kiện là anh về thăm tận nhà như đồng chí Thịnh công vụ quê Phú Thọ, đồng chí Luân, đồng chí Ngôn lái xe quê Hải Dương. Cho đến nay anh đã mất trên 30 năm, những ngày giỗ anh các đồng chí không quản đường xa, tuổi đã nhiều, vẫn về thắp cho anh một nén hương, và những lời khấn thật cảm động. Đồng chí nào không về được đều gọi điện hỏi thăm trong ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán. Gia đình chúng tôi rất trân trọng tình cảm của các đồng chí, thật đáng quý biết bao, tình cảm của các đồng chí thật tình nghĩa, trong sáng, vô tư mà chỉ có ở những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.

   Đối với gia đình, anh là người rất tình cảm và chu đáo chúng tôi ít được gần gũi nhau, đơn vị anh ở xa, rồi những chiến dịch, những trận đánh liên miên. Mỗi năm chúng tôi chỉ có thể gặp nhau vào những ngày anh về họp ở Hà Nội, tình cảm và những lời động viên thường qua những lá thư, chúng tôi đã hẹn với nhau dù bận đến đâu mỗi tuần cũng gửi cho nhau một lá thư. Anh đã thực hiện đúng như vậy, khi nào rỗi rãi thì viết rất dài vài trang giấy, khi nào bận hoặc đang chiến dịch, anh vẫn viết nhưng chỉ vài dòng, thư có lúc gửi tay các anh em ra công tác, nhưng chủ yếu vẫn là qua đường quân bưu. Có những lá thư chỉ một tuần đến nơi, nhưng có những lá thư đi trên đường mất hàng tháng hoặc hơn nữa, khi về đến nơi, những dòng chữ trong thư đã nhòe đi vì mưa nắng. Tôi đã xếp những lá thư theo thứ tự ngày tháng. Đây là món ăn tinh thần, nó đã động viên người ở hậu phương cũng như ở tiền tuyến yên tâm. Đối với tôi nó rất quan trọng, nó là nguồn động viên tôi khắc phục khó khăn, nuôi dậy con một mình trong hoàn cảnh rất căng thẳng của chiến tranh với nhiều khó khăn phải khắc phục.

  Nhưng thật đáng tiếc, năm 1976, lúc gia đình tôi chuyển nhà từ khu 1A Hoàng Văn Thụ về khu tập thể Nam Đồng, hôm đó anh cũng có nhà, chúng tôi đã đọc lại những bức thư, nhớ lại những kỷ niệm, anh nói “Hòa bình rồi việc trao đổi thư từ tin tức cũng dễ dàng hơn”, chúng tôi thống nhất đem đốt những bức thư này. Tôi không thể nghĩ rằng anh lại hy sinh trong những ngày đất nước đã hoà bình. Đến nay lòng tôi vẫn day dứt, tự trách mình, giá như vẫn còn lưu giữ được những quá khứ đáng nhớ của mình trong những lá thư đầy kỷ niệm này.

   Anh là người quan tâm đến gia đình một cách rất cụ thể, thiết thực. Khi về đến nhà sau những ngày dài ở xa, đầu tiên là anh sửa xe đạp. Nhà lúc đó chỉ có 2 xe đạp, 1 cho tôi đi làm, 1 cho hai con đi học. Đó là những phương tiện rất cần thiết, không có thì rất khó khăn. Anh biết thế nên lần nào về, anh cũng đều mang xc đạp ra sửa chữa lau dầu cho mẹ con ỏ nhà có phương tiện tốt để đi lại. Có lần anh vừa tháo xe đạp ra để chữa thì có lệnh từ trong báo ra là phải về đơn vị ngay có việc gấp. Lúc đó cơm đã dọn ra, nhưng anh vẫn cố tận dụng thời gian để lắp lại chiếc xe đạp, không kịp cả ăn cơm, vơ vội chiếc bánh mỳ mang lên ô tô để vừa đi vừa ăn.

  Cuối năm 1978 anh được điều động về Bộ Tổng Tham mưu nhận công tác mới. Lúc đó anh là Tư lệnh Quân đoàn 3. Công việc đã bàn giao xong cho người thay thế. Anh về qua Thành phố Hồ Chí Minh để mua quà cho gia đình trước khi ra Bắc, chính tại thời điểm này, anh lại được cấp trên giao nhiệm vụ quay lại quân đoàn, theo lời anh Lê Đức Thọ sau này nói lại với gia đình (anh Thọ lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) “Vì anh Kim Tuấn có nhiều kinh nghiệm ở chiến trường, nên vào thời điểm đó, chúng tôi lại phải quyết định anh quay trở lại giúp nốt cho chiến trường Tây Nam”. Anh đã sẵn sàng quay lại nhận nhiệm vụ chiến đấu giải phóng đất nước Cam-pu-chia khỏi nạn diệt chủng và anh đã hy sinh.

   Sau này anh Lê Đức Thọ nhiều lần đến thăm gia đình Trong ngày giỗ anh Tuấn, anh có vẻ băn khoăn như ân hận một điều gì. Tôi đã nói vói anh, anh Tuấn mất đi gia đình rất đau xót, hụt hẫng nhưng tôi rất hiểu những quyết định của anh, lúc đó anh là người chỉ huy cao nhất, quyết định của anh là vì công việc, là sự cần thiết của chiến trường. Tôi là người đảng viên cộng sản, tôi hiểu rõ điều này. Gia đình tôi không trách gì anh, chiến đấu là phải có hy sinh, nó rơi vào ai người đó phải chịu, biết bao xương máu đã đổ ra trong cuộc chiến tranh này. Gia đình tôi đã xác định, không oán trách ai cả.

   Sau này, lúc anh Lê Đức Thọ đã ốm nặng, anh vẫn có lần đến thăm gia đình tôi, anh đi phải có người dắt, rất yếu. Tôi rất cảm động về việc làm này, rất tình nghĩa và rất có trách nhiệm.

   Cuộc đời chinh chiến của anh có nhiều lúc rất nguy hiểm, cận kề với cái chết, xong không bao giò anh nói lại, sợ ở nhà lo lắng. Có một lần tôi xêp ba lô cho anh, thấy áo quân phục anh thủng lỗ chỗ. Hỏi anh, anh chỉ cười. Đồng chí công vụ cho anh kể lại: hầm của anh bị bom bi thả ngay ngoài cửa hầm, may anh ở sâu bên trong nên không việc gì, quần áo phơi ở gần cửa hầm đều bị bom làm thủng. Tôi đã cất chiếc áo này giữ làm kỷ niệm. Lần sau về anh mang bỏ đi, anh nói “Giữ lại làm gì để cả nhà phải lo lắng, anh không chết được đâu, bom đạn nó tránh anh”. Thực ra anh đã có lần bị thương, 1 mảnh đạn vẫn còn nằm trong người (anh là thương binh loại 5/6).

   Có lần hành quân trong rừng, đồng chí đi sau chống gậy chọc phải 1 tổ ong đất. Cả đoàn bị ong đốt, anh bị ong đốt nhiều nhất, quân y đã rút ra từng ngòi ong và cho anh uống thuốc giải độc, song anh vẫn bị đau nhiều, sốt rất cao. Một tuần sau, Bộ triệu tập về họp, anh về, các vết ong đốt vẫn còn sưng, nhưng anh vẫn tỏ ra vui vẻ. Anh bảo được ong đốt thế này chắc sẽ sống lâu, không sao cả. Ba ngày họp xong anh về ngay đơn vị, anh vẫn còn sốt. Mọi người khuyên anh nên đi nằm bệnh viện ít ngày, vì ở Trung ương có điều kiện thuốc men đầy đủ hơn, anh nói “Ra họp nhận chỉ thị thì phải về phổ biến triển khai ngay chứ nằm bệnh viện là thế nào”. Tôi biết anh là người như thế đấy, nhiệm vụ bao giờ cũng là trên hết, ít khi nghĩ đến bản thân mình.

  Tôi nhớ lại những năm tháng cuối cùng của anh. Cuối năm 1978, anh đột ngột về, anh nói “May quá anh lại về họp mấy ngày nhận nhiệm vụ, nhưng cũng là dịp để gặp em và các con”. Tôi hơi ngỡ ngàng vì không bao giờ anh nói như thế, kể cả những lần đi B dài, nay hòa bình đi lại dễ dàng hơn mà sao lại bảo là may. Ban ngày anh vào Bộ Tổng Tham mưu làm việc, tối về anh tranh thủ đi liên hệ việc làm cho con gái đầu lòng của chúng tôi. Cháu vừa tốt nghiệp đại học. Đi thăm con trai đang học năm thứ hai Đại học Kỹ thuật quân sự ở Vĩnh Yên, anh làm rất hối hả không đúng vối tác phong của anh thường ngày.

   Trong chiến tranh anh đi lại bằng ô tô, xe đón tận nhà tôi không phải tiễn. Từ ngày hoà bình anh ra Bắc, vào Nam bằng máy bay. Lần nào anh đi tôi cũng xin nghĩ việc để đi tiễn anh ra sân bay Nội Bài, anh vào sân bay là tôi ra về. Nhưng lần này rất lạ, vào sân bay rồi anh lại quay ra tới hai lần có vẻ bồn chồn. Anh dặn tôi và chú lái xe, khi nào nhìn thấy máy bay bay rồi mới được về và như có vẻ băn khoăn điều gì. Sau nghĩ lại tôi thấy đây có lẽ linh tính mách bảo một điều gì không lành mà anh cảm thấy.

   Được tin anh mất, tôi choáng váng, đất như sụp dưới chân. Các đồng chí trong quân đoàn ra nói lại diễn biến sự việc khi anh bị thương, tôi nghe nhưng hầu như không hiểu gì cả, tất cả đều mơ hồ. Sau ít ngày anh Đặng Vũ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói lại tình hình vói tôi.

  Đoàn xe của anh đang trên đường làm nhiệm vụ thì bị địch phục kích, anh bị thương nặng, đồng chí bác sĩ đi với anh hy sinh ngay từ phút đầu, điều kiện và phương tiện cấp cứu gặp nhiều khó khăn. Anh bị hôn mê có một lúc tỉnh lại, anh dặn dò các đồng chí đứng xung quanh và nhờ nhắn lại gia đình, sau đó anh lại hôn mê tiếp và không bao giờ tỉnh lại nữa.

   Anh dặn lại tôi, cố gắng nuôi dạy các con trở thành những người có ích cho xã hội và anh gửi lời xin lỗi tôi.

  Anh mất lúc 9 giờ sáng ngày 17 tháng 3 năm 1979 tức ngày 20 tháng 2 âm lịch.

  Tim tôi như ứa máu, nhưng tôi xác định phải bình tĩnh, hêt sức bình tĩnh, vững vàng, sự việc đáng sợ nhất đã xảy ra rồi, không thể lấy lại được nữa, phải sắp xếp lại cuộc sống gia đình khi không còn anh, và điều quan trọng là phải thay anh làm chỗ dựa vững chắc cho các con.

   Ngày tháng qua đi nhìn lại đã trên 30 năm, các con anh đã trưởng thành, con gái Nguyễn Thị Thanh Hà, con trai Nguyễn Công Hiệu đều đã có gia đình riêng, êm ấm, hạnh phúc, có 4 cháu nội, ngoại. Các cháu đều ngoan, học tốt. Có cháu đã tốt nghiệp đại học, có cháu đang là sinh viên.

  Hai con anh đã trở thành những sĩ quan cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam và từ lâu đã trở thành những đồng chí của anh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Tôi hiện nay tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng vẫn cố gắng sống vui, sống có ích chờ ngày về gặp lại anh ở cõi vĩnh hằng.

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2011
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2013, 02:06:35 pm »

KÝ ỨC VỀ ANH TÔI

NGUYỄN CÔNG HẢI*


   Trong gia đình gồm 10 anh chị em, Thiếu tướng Kim Tuấn là con thứ 2 và tôi là trai thứ 7, ở nhà anh có tên gọi Cường, nổi bật là người con hiếu thảo, trung hiếu vẹn toàn.

   Trong mắt chúng tôi, anh là người anh có tình bằng hữu, độ lượng, hay khuyên bảo các em những điều đúng đắn và tiến bộ để trở thành những người chân chính, cao thượng.

   Ký ức về anh đưa tôi trở về những ngày thơ ấu được anh bế ẵm, chăm sóc hồi trước những ngày “chạy loạn” khoảng cuối năm 1945 đầu 1946. Khi về Lai Khê - nơi cha tôi làm Trưởng ga thời đó, những lúc rỗi rãi, anh thường bế tôi lên tàu xuôi ngược một vài ga chơi. Đến chiều, anh lại dắt tôi ra sông tắm rửa sạch sẽ trước giờ ăn cơm. Đó là những kỷ niệm êm đẹp, thắm tình huynh đệ ruột thịt thuở hàn vi của tôi về anh.

   Tiếp bước thầy tôi bất chấp hiểm nguy và tích cực tham gia cùng dân quân cách mạng tiến hành tước vũ khí, bắt lính Nhật đồn trú tại ga Lai Khê giải về chiến khu vào tháng 8 năm 1945, anh đã hăng hái nhập ngũ và vinh dự sớm được vào học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn danh giá thời đó.

   Đầu năm 1947, thầy u tôi được tổ chức lên kế hoạch đưa về Hải Phòng đang bị địch chiếm làm cơ sở liên lạc của kháng chiến cùng 2 người anh khác của tôi, dưới anh Kim Tuấn, hoạt động quân báo. Thỉnh thoảng, người liên lạc chuyển thư của các anh tôi ở vùng kháng chiến gửi về nên thầy u tôi và các anh đang hoạt động quân báo rất phấn khởi, yên tâm, tin tưởng kháng chiến sẽ thắng lợi. Do có kẻ khai báo mà mạng lưới quân báo ở Hải Phòng bị địch phát hiện, hai người anh tôi hoạt động quân báo ở đó bị bắt. Sau đó chúng tôi bị mất liên lạc một thời gian, khi đường dây được nối lại thì gia đình tiếp tục nhận được thư của các anh từ vùng kháng chiến gửi về. Cha mẹ tôi rất vui mừng và càng quyết tâm ủng hộ kháng chiến.

  Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hoà bình ở Việt Nam. Theo Hiệp định, Hải Phòng phải chờ thêm 300 ngày mới được quân Pháp trao trả. Nhân dân Hải Phòng phải chứng kiến cảnh náo loạn của những người di cư vào Nam. Sau đó là cảnh tiêu điều vắng lặng trước ngày trao trả thành phố. Những ngày đó, ban đêm có lệnh thiết quân luật nên nhà nào nhà nấy đóng cửa từ 6 giờ chiều. Ban ngày, rất ít người ra đường nên phố xá vắng tanh vắng ngắt. Thỉnh thoảng, mới có một toán tuần tra liên hợp gồm 2 lính quân cảnh Pháp đi cùng 2 chiến sĩ công an áo vàng của ta chậm rãi thị sát thành phố. Đài phát thanh Sài Gòn tung tin là Việt Minh sẽ chỉ tiếp quản được môt thành phố chết. Nhưng ngược lại, 6 giờ sáng ngày 13 tháng 5 năm 1955, mấy anh em tôi trèo lên gác hai hé mở cửa ghé mắt nhìn xuống đường thì thấy ngay trước cửa nhà mình có một xc thiết giáp chở đầy lính Pháp quân phục chỉnh tề, súng ống đeo vai đang hướng mắt về phía ngõ Đồng Lùn vẻ lo sợ. Anh em tôi ra ban công nhìn sang ngõ Đồng Lùn và vô cùng ngạc nhiên vì được chứng kiến một khung cảnh vô cùng sống động của sự hồi sinh. Quân Pháp rút đến đâu, tức khắc đường phố được nhuộm đỏ cờ cách mạng đến đấy. Từ ngõ Đồng Lùn đến tận ngã tư trại lính khố xanh là cả một rừng cờ dỏ sao vàng nhanh chóng treo đầy cửa các nhà. Nhân dân thì ùa cả ra đường nhảy múa, cười nói rộn rã tưng bừng, mừng thành phố được giải phóng. Anh em chúng tôi vội quay vào chuẩn bị cờ để ngay sau khi quân Pháp rút khỏi cửa nhà là mang cờ ra treo ngay.

  Cũng ngày hôm đó, nhân dân Hải Phòng tưng bừng dựng cổng chào, chăng đèn kết hoa, còn thiếu nhi thì theo các chú bộ đội tập hát những bài ca cách mạng như: Hò kéo pháo, Giải phóng Điện Biên... để kịp sáng hôm sau đón đoàn quân chiến thắng trở về.

  Thật không thể bao giờ quên được hình ảnh đoàn quân về tiếp quản Hải Phòng sớm hôm đó, đi đầu là đội quân nhạc kèn trống vang lừng, theo sau là đội ngũ các anh bộ đội đều bước và cuối cùng là đoàn xe cơ giới. Nhân dân vui mừng đổ xô ra đứng hai bên vỉa hè chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.

   Một bất ngờ lớn, khoảng 19 giờ hôm đó, có hai người đầu đội mũ cốt tre phủ lớp vải xanh lá cây, bên trên là tấm lưới ngụy trang với ngôi sao vàng lấp lánh. Một người mặc bộ quần áo đại cán bốn túi, người kia mặc bộ áo hai túi, chân đi giày vải màu xanh lá cây, đó là hình ảnh bình dị của các anh Bộ đội Cụ Hồ khi về giải phóng Hải Phòng. Hai ngươi lặng lẽ đến trước cửa nhà tôi thì đứng lại quan sát, rồi người trước người sau bước vào nhà. Đó là cuộc về thăm gia đình của anh tôi sau mười năm xa cách, nó không ồn ào nhưng vô cùng xúc động. Cha tôi phát hiện ra người đi trước là anh tôi. Cụ sửng sốt hỏi: “Anh Cường đấy à?”. Người lính đi sau vội kính cẩn nói: “Thưa cụ, đây là đồng chí Kim Tuấn ạ”. Mọi người vỡ òa lên vì ngạc nhiên. Không tả hết niềm vui mừng, xúc động của giây phút tái ngộ hôm ấy. Cha mẹ, anh em mừng rỡ lao đến ôm chầm lấy anh. Thầy u cùng nắm tay anh hỏi: “Có đúng anh Cường đấy không?”, “Dạ, đúng con đây ạ. Nhưng bây giờ con là Kim Tuấn ạ. Sáng nay, trong đoàn quân đi qua nhà, con đã nhìn thấy thầy u, nhưng bây giờ con mới về thăm thầy u và các em được ạ”. Thầy tôi xúc động hỏi: “Anh vẫn được lành lặn và khoẻ mạnh đấy chứ?”. Anh đáp: “Dạ, con bị trúng nhiều viên đạn, nhưng may mắn là được các bác sĩ quân y kịp thời gắp ra và cứu sống. Hiện nay, vẫn còn mấy mảnh đạn nữa chưa lấy ra được đấy ạ”. Lặng một lát, anh ngậm ngùi nói tiếp: “Còn nhiều anh em khác kém may mắn hơn thì đã hy sinh”. Không khí buổi tái ngộ bỗng trở nên trầm lắng, đau buồn bởi sự thương tiếc những tấm gương hy sinh.

  Chiến thắng trở về, anh mới 28 tuổi, nhưng đã là môt cán bộ chỉ huy dày dạn chiến trận của Đại đoàn 320 và còn chưa có vợ. Còn tôi, đã đủ lớn để làm liên lạc giữa thầy tôi và anh, cũng như là người để anh có thể tâm sự lúc rỗi rãi.

   Thầy tôi thường sai tôi sang Kiến An gọi anh về. Đến chiều, sau khi ăn cơm xong anh đạp xe về gặp thầy tôi. Trong câu chuyện, bao giờ anh cũng xưng hô lễ phép, một điều thầy hai điều con. Tuy đơn vị đóng ở gần, nhưng thỉnh thoảng anh mới về nhà chơi. Nhà vắng vẻ vì phần lớn mọi người đã thoát ly, chỉ còn tôi ở nhà nên anh hay tâm sự với tôi. Anh nói: “Chiến tranh làm mình quên nhiều kiến thức đã học trước đây” và tỏ ra tiếc nuối vì không có điều kiện học cao hơn. Anh chấp nhận sự hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc, vì Tổ quốc để có ngày hôm nay.

   Rồi một hôm anh hỏi: “Cậu có biết bài Tình ca Tây Bắc không?”. Tôi trả lời là có. Anh nhờ tôi chép cho anh một bản. Tôi sưu tầm và chép cho anh một bản. Hôm sau anh về, tôi mang đàn ghi ta ra dạo đầu rồi vừa đệm đàn vừa hát cho anh nghe. Thế là anh hát theo tôi. Nhưng anh không thuộc lời nên chỉ hát theo kiểu không phát lời và chỉ ngậm miệng phát ra âm tì tí ti... Hai anh em cùng say sưa hát, trong không khí thân mật đó tôi hỏi anh: “Đi bộ đội chiến đấu chắc là vui lắm phải không anh?”. Anh chậm rãi nói nhiều điều với tôi: “Chiến tranh không phải là trò chơi trận giả như của các cậu đâu. Nó vô cùng khốc liệt. Những vết thương trên thân thể mình chứng minh điều đó. Nhưng mình không hãi hùng, đầu hàng hay có ý xin phục viên, chuyển ngành, mà vẫn sẽ phục vụ lâu dài trong Quân đội”. Sau đó, anh tâm sự: “Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất. Cậu hãy cố gắng chăm chỉ học hành, hăng hái tham gia các hoạt động tập thể, sẵn sàng cống hiến đời mình cho lý tưởng cao đẹp của Bác Hồ: Trung với nước - Hiếu với dân”. “Bất cứ làm việc gì cũng phải nhằm đến cái đích chiến thắng. Muốn vậy, phải vận dụng tối đa trí tuệ để kịp thời đưa ra những quyết định đúng đắn thì mới giành được thắng lợi”... “Mình là một thương binh nên rất thấu hiểu nỗi đau thể xác của đồng đội bị thương”. Mãi sau này tôi mới thấu hiểu hết lời của anh. Đó là thời gian thanh bình, ngắn ngủi nhưng chan chứa kỷ niệm ban đầu êm đẹp của anh em tôi.

   Sau đó, anh em tôi mỗi người mỗi ngả. Đầu đời, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng tôi dã không chần chừ xếp bút nghiên hăng hái nhập ngũ. Tuy nhiên, tôi không có duyên binh nghiệp, nhưng tôi vẫn tự nghiên cứu thêm binh thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có thể hiểu những điều anh nói ở trên. Điều cốt tử trong chiến trận là phải đè bẹp được ý chí của đối phương. Muốn vậy, phương án tác chiến phải hội đủ hai điều kiện: cần là ĐÚNG và đủ là TRÚNG thì mới đánh tan được ý chí của đối phương, mới tiêu diệt được nhiều quân địch.
 Trước ngày Mỹ ném bom miền Bắc, anh được đi học lớp quân sự cao cấp ỏ Trung Quốc, rồi chiến tranh đã cuốn anh ra sa trường đúng vào thời gian tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nên từ đó anh em tôi ít có điều kiện gặp nhau. Một lần, ngẫu nhiên tôi gặp anh về Hà Nội họp. Tôi hỏi thăm sức khoẻ và hỏi xem anh “thắng” những trận nào. Anh điềm đạm trả lời: “Đơn vị mình tham gia nhiều trận, gần đây nhất đã thắng trận ở Khe Sanh và bắt được một viên sĩ quan cao cấp Sài Gòn”. Sau lần gặp đó anh đi rất lâu, giữa hai anh em không còn mối liên lạc nào nữa.

   Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 đã giải toả tất cả. Nhưng rất lâu sau ngày chiến thắng, anh mới về thăm vợ con, gia đình bố mẹ và anh em. Anh tâm sự: “Trong suốt đời binh nghiệp, chiến thắng Cheo Reo gây ấn tượng lớn nhất đối với mình. Đó là một chiến thắng vang dội nhờ trí tuệ. Vì thế thương vong, tổn thất cho ta đã được giảm thiểu đến mức thấp nhất. Còn binh lính và sĩ quan địch bị bắt và ra đầu hàng rất đông. Chiến thắng này đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Sư đoàn 320”. Tôi nói: “Buôn Ma Thuột là một quyết định đúng và có sự chuẩn bị kỹ càng công phu, đánh trúng điểm huyệt của đối phương khiến chúng phải rùng mình. Nhưng Buôn Ma Thuột mới chỉ làm suy yếu đối phương chứ chưa hạ gục được nó. Phải đến Cheo Reo, là một ứng phó tức thời của ta, nhưng lại vượt ngoài tầm địch dự kiến những điểm bị phục kích, nên là đòn chính xác trúng tử huyệt, đè bẹp hoàn toàn ý chí của đối phương, tạo tiền đề vững chắc nhất, quyết định nhất dẫn đến thắng lợi cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh”.

  Đất nước đã thống nhất, nhân dân bắt đầu hưởng những ngày thanh bình hằng mơ ước. Nhưng, anh tôi, một thương binh, vẫn hiến thân cho binh nghiệp, vẫn một lòng một dạ “Trung với nước, hiếu với dân”. Lý tưởng đó đã không bao giờ phai nhạt trong tâm trí anh tôi. Vẫn phép công làm trọng, vẫn giữ trọn hiếu hữu gia phong. Không vướng gợn bụi bẩn trần gian, vẫn cùng đơn vị vững vàng trấn thủ biên cương để chống thiên tai địch họa cho dân cho nước. Rồi hoá thân, thoả “Chí làm trai bọc thân da ngựa” và thanh thản trở về với đất mẹ Việt Nam thân yêu. Anh để lại cho đồng đội, gia đình: vợ con, cha mẹ, anh em và tôi niềm thương tiếc khôn nguôi.

  Những dòng ký ức này em kính cẩn dâng lên hương hồn anh, người anh trai ruột thịt bình dị, khiêm nhường, cao thượng, vị tha, trung hiếu vẹn toàn, cầu mong anh sớm được siêu thoát.

Lán Bè, Hải Phòng
0 giờ 30 phút, ngày 5 tháng 6 năm 2011

---------------------------------------------------------
* Em của Thiếu tướng Kim Tuấn
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2013, 02:10:29 pm »

NHỚ ANH KIM TUẤN


NGUYỄN CÔNG THÁI*
 

   Thiếu tướng Kim Tuấn (tức Nguyễn Công Tiến), sinh năm 1927, là con trai thứ hai của hai cụ Nguyễn Công Hưng và Hoàng Thị Bính, quê ở xã Phúc Lâm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ, nay là xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

  Được giác ngộ trong phong trào Cách mạng tháng Tám, tháng 4 năm 1946, ông Nguyễn Công Tiến tham gia quân đội (học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn - khóa I) và kể từ đó ông có tên gọi Kim Tuấn. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 8 năm 1948.

  Trong kháng chiến chống Pháp, ông liên tục chiến đấu ở đồng bằng Liên khu 3.

  Trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã tham gia đóng góp trên các chiến trường trong cả nước, đặc biệt là chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

   Ông đã được rèn luyện trưởng thành từ chỉ huy trung đội, đại đội lên tới sư đoàn, quân đoàn.

   Qua các cương vị chỉ huy, ông luôn nêu cao tinh thần nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị, ý chí tấn công, tác phong xông xáo tỉ mỉ, cụ thể và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Ông còn được anh em trong đơn vị tin yêu và bạn bè quý mến về tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng đội và đức tính gương mẫu, khiêm tôn, cần cù, giản dị.

   Từ cuối năm 1977, với cương vị Tư lệnh Quân đoàn 3, Thiếu tướng Kim Tuấn đã đem hết tài năng, sức lực và trí tuệ của mình cùng với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh địch bảo vệ biên giới lãnh thổ phía Tây Nam nước ta và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng Khơ-me đỏ.

  Ngày 17 tháng 3 năm 1979, trên đường truy kích địch ở phía Tây Cam-pu-chia, Thiếu tướng Kim Tuấn đã bị địch bắn lén và anh dũng hy sinh tại đây.

   Trên 30 năm liên tục chiến đấu, Thiếu tướng Kim Tuấn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

   Do những thành tích và công lao đóng góp đó, Thiếu tướng Kim Tuấn đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý (Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì,...) và truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, đặc biệt ông đã được ghi danh trong tập “Chân dưng Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh” do Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương biên soạn và ấn hành.

   Sau khi mất, Đảng, Nhà nước và quân đội đã tổ chức lễ tang Thiếu tướng Kim Tuấn vô cùng trọng thể tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với sự tham dự của nhiều đồng chí lãnh dạo cấp cao của Đảng, Chính phủ và các tướng lĩnh quân đội (đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam,...), cùng nhiều cán bộ cấp cao các quân chủng, binh chủng, các quân khu, quân đoàn trong toàn quân đã đến viếng và chào tiễn biệt Thiếu tướng Kim Tuấn.

  Trong lời điếu của Quân ủy Trung ương do Thượng tướng Trần Văn Trà - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đọc có đoạn viết: “Đồng chí Kim Tuấn mất đi; Tổ quốc, Đảng và nhân dân ta mất đi một người con trung hiếu; Quân đội ta mất đi một cán bộ gương mẫu, chúng ta mất đi một đồng chí, đồng đội trung thực, vô tư; gia đình mất đi một người con, người chồng, người cha thân yêu.

  Đồng chí Kim Tuấn không còn nữa nhưng tinh thần và đức tính của đồng chí còn sống mãi trong lòng chúng ta.

  Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân đội ta mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng chí”.

  Linh cữu Thiếu tướng Kim Tuấn phủ Quốc kỳ được đặt trên một cỗ xe kéo pháo, nòng vươn cao hướng về phía trước, xung quanh xe phủ đầy hoa.

   Trời Hà Nội hôm đó trong xanh, nắng dịu. Khi đoàn xe tang đi qua các dãy phố dẫn tới nghĩa trang Mai Dịch, hai bên hè phố tấp nập người qua lại, nhiều người đứng lại hồi lâu ngắm nhìn đoàn xe tang đi qua với đôi mắt ngỡ ngàng vì được tận mắt chứng kiến buổi tang lễ trọng thể khác thường.

  Một sự ngẫu nhiên vào những ngày đó cả nước Việt Nam, đặc biệt hôm cử hành tang lễ Thiếu tướng Kim Tuấn tại Hà Nội, trên các dãy phố khi đoàn xe đi qua đều rợp trời cờ hoa, được tô điểm nổi bật bởi các băng-rôn đỏ rực sáng chói dòng chữ vàng: “Việt Nam bách chiến bách thắng”. Bởi chính những ngày cuối tháng 3 năm 1979 đó, biên giới phía Bắc đã giải quyết ổn thỏa, nhân dân Hà Nội và cả nước ăn mừng chiến thắng và nhiều người trong số họ có may mắn được đưa tiễn Thiếu tướng Kim Tuấn về nơi an nghỉ cuối cùng.

  Mộ Thiếu tướng Kim Tuấn đặt tại khu bên phải Đài tưởng niệm nghĩa trang Mai Dịch.

  Hình ảnh của Thiếu tướng Kim Tuấn được Ủy ban nhân dân xã Tân Ước trân trọng đặt tại nhà truyền thống của xã. Tên tuổi của Thiếu tướng Kim Tuấn cũng đã được khắc ghi trên bia ghi danh các anh hùng, liệt sĩ của xã.

  Hình ảnh của Thiếu tướng Kim Tuấn còn được đặt trang trọng bên phải bàn thờ Tổ dòng họ Nguyễn Công, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

   Gia đình Thiếu tướng Kim Tuấn hiện nay ở nhà số 8, ngõ 102/25, Trường Chinh, Hà Nội.

   Vợ là bà Lê Thị Tú Khuê - Bác sĩ nghỉ hưu, nguyên Trưởng phòng Y tế kiêm Bệnh viện trưởng Bệnh viện Nhà máy dệt 8/3, Hà Nội.

  * Con gái: Nguyễn Thị Thanh Hà - Tiến sĩ, Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội.

   Con rể: Nguyễn Thụy Khuê - Giám đốc Xí nghiệp sửa chữa Ô tô Tổng cục Đưòng sắt Việt Nam.

  * Con trai: Nguyễn Công Hiệu - Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện công tác tại Bộ Quốc phòng.

  Con dâu: Nguyễn Thị Thu Thủy - Cử nhân, hiện đang công tác tại Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam.

   * Các cháu nội:
  - Nguyễn Tú Uyên - Cử nhân Ngân hàng, công tác tại MB, Hà Nội.
   - Nguyễn Quỳnh Như - Sinh viên Đại học Công đoàn, Hà Nội.
   - Nguyễn Công Sang, còn nhỏ.

   * Cháu ngoại: Nguyễn Tuấn Linh - Sinh viên Đại học FPT, Hà Nội

---------------------------------------------------------
* Em của Thiếu tướng Kim Tuấn
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2013, 02:17:10 pm »

KÝ ỨC VỀ ANH TÔI - THIẾU TƯỚNG KIM TUẤN


NGUYỄN CÔNG CHƯƠNG*
 

    Khi còn nhỏ anh tôi đã rất hiếu động. Năm 1940, anh thường cùng một số bạn bè tập trận giả ở các hầm nổi ở ga Gia Lâm do Pháp xây dựng để tránh máy bay Nhật ném bom. Anh đặc biệt hay trêu con một người Pháp, có lẽ là Trưởng ga Gia Lâm lúc bấy giờ. Một lần anh tôi dùng vòi nước phun vào thằng bé này, u tôi bắt gặp đã mắng anh tôi rằng: “Con cứ hay trêu nó rồi thế nào cũng có lần bố mẹ nó trông thấy, họ sẽ đánh con đau không biết đường nào mà kể và đến lúc đó thì không ai can được đâu”.

  Vào khoảng năm 1944, những đêm trăng sáng anh thường để các em ngồi lên xe goòng rồi đẩy xe chạy bộ trên đường ray từ ga Lai Khê đến Phạm Xá hay chân cầu Lai Vu, rồi lại đẩy xe về. Khi nhớ về những giây phút đó tôi vẫn cảm thấy vô cùng vui, thú vị và đó là những kỷ niệm không bao giờ tôi có thể quên, những kỷ niệm mà trong đó vẫn thấp thoáng bóng hình của người anh trai yêu quý. Anh tôi có gương mặt phúc hậu, đôi mắt sáng, da dẻ hồng hào, căng đầy sức sống, càng lớn anh càng đẹp trai, anh là con người giản dị, đúng mực, quần áo thường không cầu kỳ nhưng luôn chỉnh tề, gọn gàng Anh hay hát, cởi mở và trên gương mặt luôn thường trực nụ cười, anh có nụ cười rất dẹp, bừng sáng và hiền hậu.

  Khoảng tháng 6 năm 1945 sau một bữa cơm chiều, tôi ngồi gần đó nghe được một số ý trong cuộc trò chuyện giữa thầy tôi và anh Kim Tuấn nói chuyện, mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Thầy tôi tâm sự: “Lúc này, nước ta có nhiều đảng phái, tổ chức mà phe phái nào cũng nói hay về mình và có phe còn nói xấu các phe cánh, đảng phái khác. Nhưng dư luận chung và thực tế chỉ thấy Việt Minh là có ảnh hưởng lớn hơn cả, được mọi người mến mộ, tin theo. Trong hoàn cảnh này nhiều thanh niên băn khoăn không biết nên lựa chọn con đường nào đi cho đúng, theo ý thầy con nên theo Việt Minh để giúp dân cứu nước”. Quả nhiên vài ngày sau dó, anh tôi không làm tập sự ở ga Lai Khê nữa. Anh đã tìm đường đến với Việt Minh. Rồi một thời gian sau có tin anh tôi đang theo học tại Trường Võ bị Trần Quốic Tuấn, cả nhà tôi ai nấy đều vui mừng.

  Xong khóa học, anh tôi được trở về thăm gia đình mấy ngày, trông anh đã khác trước rất nhiều. Đầu đội mũ chào mào nghiêng về một bên, quần áo chỉnh tề, chân đi đôi giày da cao cổ lại có đôi ghệt cài chặt bên trên cổ chân. Đúng là con người vừa được rèn luyện trong quân ngũ, tác phong của anh hết sức đĩnh đạc, nhanh nhẹn và đặc biệt anh luôn mang bên mình chiếc kèn ácmônica và thổi những bài hát ca ngợi cách mạng.

  Năm 1958, khi hay tin Thành đội Hà Nội lấy một số học sinh cấp III và sinh viên học ở Hà Nội vào bộ đội, anh Kim Tuấn đã động viên tôi viết đơn nhập ngũ. Bút tích lời đề nghị của anh tôi gửi Thành đội Hà Nội xin cho tôi nhập ngũ như sau: “... vào quân đội để học tập, rèn luyện chặt chẽ, sau này sẽ phục vụ tốt hơn cho xã hội”.

   Điều đáng nói ở đây, người đề nghị này là người đã ở trong quân ngũ 13 năm, trải qua bao vất vả hiểm nguy trong kháng chiến chống Pháp và đã bị thương mấy lần. trong người còn vài mảnh đạn và suýt chết hai lần.

   Sau khi tôi đã nhập ngũ, anh thường xuyên viết thư thăm hỏi tôi về mọi mặt, nêu phương hướng phấn đấu học tập, rèn luyện cho tôi. Khi tôi bị bệnh, sức khỏe giảm sút không thể phục vụ trong quân đội được nữa, anh tôi vô cùng băn khoăn, lo lắng, gửi cho tôi nhiều thư từ để thăm hỏi, bàn cách giải quyết, thể hiện sự quan tâm, thông cảm với tôi một cách ân tình. Sau này qua nhiều dịp trò chuyện về anh, tôi còn được biết không chỉ riêng tôi mà tất cả các thành viên khác trong gia đình, thậm chí một số người thân trong họ tộc cũng nhận được sự quan tâm, thăm hỏi rất thường xuyên, chu đáo của anh.

   Dưới đây tôi xin ghi lại một vài ý trong cuộc nói chuyện giữa anh Kim Tuấn với người anh cả của tôi (Tiến - Thịnh) và tôi vào thập niên 60 thế kỷ XX. Vào một buổi sáng đầu năm 1963, anh Kim Tuấn vừa tới cổng Bộ Quốc phòng thì gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhìn thấy anh, Đại tướng ra hiệu cho xe dừng lại, hai người trao đổi với nhau mấy câu. Sau khi biết anh tôi được đề bạt lên làm Cục phó Cục Quân lực thì Đại tướng chúc mừng và cho rằng anh tôi phù hợp có thể phát triển tốt hơn ở các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Sau đó anh Tuấn tâm sự cũng tự nhận thấy điều Đại tướng nói có lý, bởi ở đơn vị chiến đấu là nơi anh tôi có thể phát huy tốt nhất khả năng tổ chức chỉ huy, nên anh đã nhanh chóng đề đạt ý định đó với cấp trên. Ít lâu sau, anh tôi nhận quyết định trở lại Sư đoàn 320.

  Những cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 chuyển sang Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân mà tôi đã gặp khi còn tại ngũ, hoặc một số đồng chí công an Hải Phòng trước đây cũng ở Sư đoàn 320 mà tôi gặp sau này, khi biết tôi là em trai anh Kim Tuấn, đều hết lòng khen ngợi anh tôi và còn kể cho tôi nghe chuyện chiến đấu, cách anh tôi chỉ huy các trận đánh ra sao. Qua những lời kể đó, tôi biết được trong kháng chiến chống Pháp mặc dù còn trẻ tuổi nhưng anh đã tham gia hoặc tổ chức một số trận đánh khá táo bạo và nhạy bén trong xử lý các tình huống. Có lẽ vậy mà theo thiển ý của tôi mới có sự cất nhắc nêu ở trên.

  May mắn thay, nhờ có quyết định hết sức đúng đắn và sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà sau này anh tôi đã có dịp được thể hiện tài năng xuất chúng trên trận mạc trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, trận đánh Cheo Reo - Phú Bổn ở Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và cuộc tiến công chớp nhoáng sang Cam-pu-chia góp phần giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng.

  Nhưng cũng chính trong trận đánh này mà anh tôi đã ra đi mãi mãi, để lại sự tiếc thương vô hạn cho toàn thể gia đình và các đồng chí, đồng đội của anh.

   Từ lúc còn nhỏ, anh Kim Tuấn đã ít có cơ hội được sống gần gũi với gia đình vì phải trọ học ở những nơi xa chỗ thầy tôi làm. Từ năm 1945 đến năm 1979, anh phục vụ trong quân đội, nay chiến trường này mai chiến trường khác suốt từ Bắc chí Nam rồi lại sang tận cả Lào, Cam-pu-chia. Thời gian anh dành cho gia đình không có nhiều, nhưng anh vẫn thường xuyên quan tâm, hỏi han, dạy dỗ các con cẩn thận. Chính vì vậy, cả hai con anh đều trưởng thành, học hành giỏi giang và đều tiếp bước cha mình rèn luyện, làm việc trong quân đội, phụng sự đất nước. Cuộc đời và sự nghiệp của anh mãi mãi là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Chúng tôi kính trọng, yêu mến và tiếc thương anh rất nhiều.

Hải Phòng, ngày 9 tháng 7 năm 2011


--------------------------------------------------------
* Em của Thiếu tướng Kim Tuấn
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM