Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:01:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức chiến tranh - Hồi ký Vương Khả Sơn, CCB trung đoàn 271.  (Đọc 55825 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #30 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2013, 03:43:19 pm »

 Chúng tôi trở lại cứ Tân Phú một thời gian không lâu sau đó.

    Đêm 27 tháng 5, một đêm tối trời, chúng tôi gần một trung đội gồm cả bộ đội và du kích xã Tân Phú vào ấp để lấy gạo và làm công tác dân vận. Trong đội hình hành quân đêm ấy có Phạm Khắc Đính. Đính đi trước tôi chừng 25 mét. Vào đến giữa ấp, chúng tôi ai cũng nghĩ: thế là an toàn rồi. Vì thông thường, bọn địch chỉ phục kích ở bìa ấp mà thôi, ít khi chúng phục kích giữa ấp.

    Đang đi... Bỗng nhiều ánh chớp láo mắt và tiếng nổ chát chúa phía trước đội hình. Mảnh bay rào rào. Có tiếng la của bộ đội và du kích bị thương. Chúng đánh toàn lựu đạn mà không hề bắn một phát súng nào. Tôi nghe rõ tiếng Đính: "Sơn ơi, tao bị thương rồi!". Tiếp theo lại tiếng lựu đạn nổ gần chỗ Đính. Địch ném tiếp vào chỗ có tiếng la. Chờ dứt tiếng nổ, tôi vội nhào lại, dùng tay bịt mồm cậu ta lại, rồi rít qua kẽ răng: "Im mồm! Tao đưa ra! Mày la nữa, nó bồi tiếp lựu đạn, chết cả lũ!". Đính im bặt. Tôi ghé sát tai Đính nói nhỏ: "Bị thương ở đâu thì lấy tay bịt chặt vết thương lại!". Tôi xốc nách Đính, bảo nằm lên lưng mình, tay phải xách B40 và giá đạn ba trái của tôi cùng AK của Đính, rồi quàng tay trái giữ Đính trên lưng, chạy ra. Máu Đính rơi trên vai tôi nóng hổi. Được khoảng 50 mét, chúng tôi gặp ngay một cái hố. Cả hai nhào xuống. Vừa lúc ấy, bọn địch tung pháo sáng lên, rồi xả súng bắn vào những người đang chạy dạt ra phía sau. Tôi bảo Đính: "Yên trí! Nếu M79 hoặc lựu đạn rơi vào hố thì cả hai cùng chết. Đạn thẳng thì yên tâm". Lợi dụng ánh hoả châu, tôi băng cho Đính. Cậu ta bị một mảnh lựu đạn găm vào gò má bên trái, máu tuôn ra đầy mặt. Tôi bảo Đính bỏ tay ra (từ nãy đến giờ, Đính dùng ngón tay bịt chặt vết thương). Máu chảy tràn lên mặt. Tôi lấy băng buộc chặt vết thương, cầm máu cho Đính trong khi đạn vẫn chíu... chíu... trên đầu. Bây giờ, tôi mới có thì giờ quan sát. Chúng tôi đang đứng giữa một cái hố khoảng 6 mét vuông đầy gai tre, cao đến ngực. Dân chặt tre xong, quẳng gai xuống gần đầy một hố. Cơ thể chúng tôi bị gai đâm nát bét hết mà không hề thấy đau. Tiếng cối 81 ly và pháo địch giã theo phía anh em mình vừa chạy ra sau. Tôi cầm AK của Đính, cảnh giác đề phòng bọn địch có thể liều lĩnh xông tới. Nhưng chúng không dám. Chờ cho cối và pháo chuyển làn, tôi đẩy súng và đạn lên bờ, sau đó ngồi xuống bảo Đính đứng lên vai mình rồi nâng dậy để cậu ta leo lên bờ (hố sâu ngập đầu chúng tôi). Tôi trèo lên sau, bảo Đính: "Thôi an toàn rồi, bây giờ cậu bá vai tớ, tớ dìu đi, chứ không thể cõng được nữa! Mệt quá rồi!". Đính nghe theo, cậu ta quàng chéo AK vào vai rồi cà nhắc bước theo tôi. Men theo hướng đường cũ, quay lại. Đến một nhà dân, chúng tôi vào gõ cửa nhưng không ai dám ra, vì sợ. Tôi biết lúc này họ đang ở dưới hầm (trảng xê) trong nhà. Chúng tôi gặp mấy anh em vừa chạy đến, họ cho biết đã có mấy đồng chí hy sinh nhưng không lấy xác ra được. Trận ấy bọn địch xảo quyệt, ném toàn lựu đạn mà không hề bắn viên đạn nào nên ta không xác định được vị trí để phản kích. Đến lúc chúng tung pháo sáng lên, phát hiện ra anh em mình thì đồng loạt nổ súng. Lúc ấy, chúng tôi bị động hoàn toàn, đành phải rút lui...

    Sau ngày hoà bình trở về, tôi và Đính kể lại trận đánh này cho ông bà Cư (ông bà cụ thân sinh Đính) nghe, họ xúc động: "Gia đình ơn con để đâu cho hết, nếu không có con cõng ra thì giờ đây đâu còn thằng Đính. Con là người đã sinh ra nó lần thứ hai cho bố mẹ đó!". Từ đấy, ông bà và gia đình coi tôi như con đẻ.

Bây giờ thì Phạm Khắc Đính không còn nữa! Tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của Đính. Trớ trêu thay! Chiến trường gian khổ, bom đạn ác liệt như vậy mà không hy sinh, nay trở về trong thời bình, Đính lại chết trong oan ức, tức tưởi. Ngày Đính mất, tôi đến thắp hương khấn, rồi khóc và nói những điều này trước mộ cậu ta...

    Trận ấy, chúng tôi hy sinh và bị thương 9 đồng chí. Có 3 đồng chí du kích hy sinh, trong đó có Hồng (tên thật là Mò) và Trớ. Bình sinh, Hồng thường tâm sự với tôi. Hồng cho biết gia đình có 5 người con (Lần, Mò, Trong, Giỏ, Trắng). Hồng là con thứ hai. Chúng tôi thường gọi là Ba Hồng. Nghe Hồng kể nhà Hồng ở gần Lộc Giang. Trước đó, Hồng và tôi đã tham gia trận đánh phục kích trên Gò Nổi, gần đồn Lớn. Chúng tôi ngồi chung công sự. Hồng rất dũng cảm. Anh phụ trách mìn ĐH10. Chờ bọn địch vào gần mới điểm hoả, xé nát đội hình địch. Số còn lại tạt ngược vào chỗ chúng tôi, Hồng và tôi dùng AK và B40 tiêu diệt những tên chạy vào gần công sự. Nhớ nhất là hình ảnh lúc chờ địch vào, mặt Hồng đỏ gay, mồ hôi chảy thành dòng trên má. Khi nổ súng, tự nhiên mặt tái xám lại.

    Hồng hy sinh ở tuổi 19.

    Theo nguyện vọng của gia đình, chúng tôi bí mật chuyển thi hài anh về để gia đình an táng tại quê nhà.

Khác với Hồng, Trớ lại là con út của một gia đình cách mạng cũng ở Đức Hoà. Trớ kể, gia đình cậu có 7 anh chị em (Đang, Ngồi, ỉa, Cứt, Chảy, Trấn, Trớ). Trước đó hai người anh ruột đi giải phóng cũng đã hy sinh. Bây giờ đến Trớ. Tôi còn nhớ như in, Hồ Hữu Danh (quê Sơn Hàm, Hương Sơn, Hà Tĩnh) lúc nào gặp Trớ cũng trêu đùa về 7 cái tên gọi ngộ nghĩnh của gia đình cậu ta.

    Như vậy, đến thời điểm đó, gia đình Trớ đã có ba người con hy sinh vì Tổ quốc. Một tổn thất quá lớn đối với một gia đình!

    Có thể nói, giai đoạn từ sau Hiệp định Pari đến đó, liên tục chúng tôi phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau. Đây là thời kỳ vô cùng căng thẳng và ác liệt. Tổng số quân thương vong cũng rất lớn, tuy cục bộ từng trận thì không nhiều. Quân số không những không được bổ sung mà ngược lại còn bị tiêu hao qua các trận đánh. Duy nhất, tiểu đoàn chúng tôi chỉ được bổ sung một đợt quân gồm những đồng chí được phía nguỵ quyền Sài Gòn trao trả sau Hiệp định Paris mà ta gọi là lực lượng "Chiến thắng". Đại đội tôi được bổ sung gồm anh Năm (quê Thái Bình), anh Hà, anh Đức (quê Bắc Thái) cùng một số anh em khác nữa... Họ là những người không may bị Mỹ nguỵ bắt làm tù binh trong các trận chiến đấu ở những năm trước đây. Sau Hiệp định Paris, lần lượt được trao trả tại Lộc Ninh (Bình Long) hoặc một số địa điểm khác tại Tây Ninh hoặc Long An do hai bên quy định. Trong số đó, Đức được bổ nhiệm làm B phó (trung đội phó). Sau này (1974), anh hy sinh ở trận Gò Nổi.

    Chúng tôi đã từng tham gia bảo vệ cho các đợt trao trả tù binh như vậy của hai phía từ sau Hiệp định Pari tại khu giải phóng thuộc bưng Đức Huệ. Tuy nhiên, ít khi phía chính quyền Sài Gòn chấp hành nghiêm chỉnh quy định. Ngược lại, chúng luôn lật lọng và tìm cách phá hoại. Khi thì chúng không đến đúng hẹn, khi thì dùng phi pháo tấn công vào nơi quy định trao trả rồi đổ quân hòng đánh úp chúng ta. Chúng tôi đã nhiều lần chạm trán với bọn này nên hết sức cảnh giác và đương nhiên là chúng bị giáng trả quyết liệt.

    Gần hai tuần sau đó, chúng tôi lại được lệnh vào lại Tân Phú. Cũng như lần trước, đơn vị phối hợp với du kích cùng vào ấp để lấy gạo và làm công tác tuyên truyền. Đêm ấy, sau khi vào đến bìa ấp, trung đội chúng tôi chia ra hai mũi. Một mũi theo đường thẳng vào ấp, còn chúng tôi, rẽ vòng sang trái và hẹn gặp nhau tại một địa điểm đã định trước. Cánh chúng tôi vừa đi được khoảng 300 mét thì bỗng phía bên kia loé lên mấy ánh chớp liền đó là những tiếng nổ lớn của mìn clâymo. Tiếp theo là AR15, M79 cùng tiếng lựu đạn. Chúng tôi biết là các đồng chí bên đó bị địch phục kích rồi. Nhanh chóng, mọi người vận động nhanh rồi vòng lên đón đầu, phục chờ chúng quay về. Sau khi bắn chết mấy đồng chí của ta, chúng ném xác xuống giếng của dân rồi đốt mấy đống rơm gần đấy. Cách đó không xa, sau ánh lửa, chúng tôi thấy khá rõ bọn địch đi lại lộn xộn. Chúng không ngờ còn có một bộ phận chúng tôi ở bên này. Chúng tôi triển khai đội hình mai phục chúng ở con đường mà thường ngày, xe trâu qua lại đã thành rãnh. Hai bên, dứa dại mọc ngang tầm đầu. Chừng 10 phút sau, chúng bắn rộ lên theo hướng ra bưng, rồi im lặng, nhanh chóng rút khỏi chỗ đó. Bọn địch đi ngang qua trước mặt chúng tôi chừng 40-50 mét theo mấy bờ ruộng dân đã gặt xong từ lâu. Trời tối nên chúng tôi không nhìn thấy nhưng nghe chúng nói chuyện với nhau những gì không rõ. Mặc dù chủ động nhưng do địa hình mới lạ lại bị dứa che mất tầm nhìn nên đến lúc địch đi ngang qua trước mặt, chúng tôi vẫn chưa triển khai xong đội hình, lại còn vô ý gây ra tiếng động nên bị chúng nổ súng bắn trước. Từ chủ động trở thành bị động, chúng tôi bắn trả được mấy loạt rồi rút theo đường cũ. Bọn địch vừa bắn vừa lùi ra xa và gọi pháo từ Hậu Nghĩa nã theo hướng chúng tôi. Tuy không ai bị thương nhưng cũng bị một phen chạy bở hơi tai. éến 11giờ đêm, chúng tôi mới quay lại được nơi các đồng chí ta bị địch phục kích. Tất cả có 6 người hy sinh (có một nữ du kích) bị chúng ném hết xuống giếng. Chúng tôi phải dòng dây rồi thả người xuống để đưa thi thể họ lên. Một giếng nước, máu của các đồng chí chúng ta nhuộm đỏ lòm.

    Chúng tôi nhanh chóng chuyển các đồng chí hy sinh ra rìa bưng rồi giao cho du kích Tân Phú lo khâm liệm, mai táng trước khi trời sáng.

    Có thể nói, đối với chúng tôi, đây là một trận thất bại không đáng có. Bọn địch hôm đó không ai khác là đại đội thám sát ác ôn 773 của tiểu khu Hậu Nghĩa. Chúng đã từng phục kích, bắn chết 13 đồng chí Chiến sỹ thi đua của Trung đoàn hồi tháng 6 năm 1973 tại bưng Đức Huệ. Sau trận này, chúng tôi tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm một cách thẳng thắn. Xem thất bại này là một nỗi đau và vết nhục trong lịch sử tác chiến sau Hiệp định Paris của tiểu đoàn. Hôm đó, chỉ cần tỉnh táo một chút, chúng tôi đã tiêu diệt gọn đại đội thám sát 773 khét tiếng ác ôn này để trả thù cho đồng đội rồi.  
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #31 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2013, 03:43:31 pm »

 Chúng tôi lại quay về Gò Nổi. Nhiệm vụ chủ yếu lúc này vẫn là bám, nắm theo dõi tình hình địch ở các đồn bốt mới lấn chiếm. Đồng thời, lúc cần thiết thì tổ chức đánh nhỏ, lẻ nhằm tiêu hao lực lượng và ngăn chặn không cho chúng tiếp tục đóng thêm các đồn bốt khác.

    Hôm ấy, tôi, Nguyễn Hữu Dĩnh (quê Sơn Thịnh, Hương Sơn), cùng Chu Văn Lương (quê Quỳnh Lưu), nhận nhiệm vụ bám địch ở đồn Lớn (Lộc Giang). Cách đồn chừng 600-700 mét có một cây mức (lồng mức), tán lá rất dày và xanh. Chúng tôi thường trèo lên đó để quan sát địch từ ngay trong sân. Địch ra đến đâu, chúng tôi bám theo rồi rút đến đó. Đến chỗ thích hợp, bất thần nổ súng vào đội hình địch, tiêu diệt một số tên rồi rút lui.

    Tôi trèo lên cây lồng mức từ sáng sớm. Khoảng 7 giờ, đã thấy bọn lính đi lại lố nhố trong sân đồn khá đông, tôi nghĩ: "Hôm nay chắc chúng càn ra". Đang mải nghĩ phương án chặn đánh bọn này nếu chúng nống ra, bỗng có tiếng đề pa (tiếng nổ đầu nòng) rất tròn của cối 81 ly. Nhưng tôi đoán có lẽ chúng bắn đâu đó. Bỗng, rít... xoẹt... ầm...! Một tiếng nổ lớn cách gốc cây lồng mức chừng 3- 4 mét, gần dưới chỗ tôi ngồi. Khói trắng cuộn bốc lên che kín tán lá. Tôi biết ngay là trái cối điểm (chỉ điểm mục tiêu). Lợi dụng khói, tôi nhảy đại ngay từ trên ngọn cây chừng 4 mét xuống đất, chụp vội khẩu B40 dựng ở gốc cây, miệng hét: "Lương, Dĩnh đâu? Chạy!". Cả ba chúng tôi cắm đầu chạy như ma đuổi khỏi chỗ trái khói vừa nổ. Kinh nghiệm cho hay, nếu không nhanh chóng rời ngay khỏi đám khói đó thì chỉ một hai phút sau, cối sẽ cấp tập vào ngay. Đúng như chúng tôi dự đoán, chạy được chừng 300 mét thì cối từ đồn Lớn liên tục dội xuống chỗ khói vừa bốc lên. Hú vía! Tôi nói với Lương và Dĩnh: "Nếu quả đạn ấy mà là cối mảnh thì giờ đây chắc chúng mình đã nằm lại dưới gốc cây lồng mức cả rồi!" Cả ba cùng cười ngặt nghẽo rồi rút về cứ. Hôm đó, bọn địch nống ra Gò Nổi thăm dò, nhưng chúng sợ, không dám liều lĩnh mò vào. Có lẽ, qua ống nhòm, địch phát hiện ra tôi ngồi trên ngọn cây. Có lẽ khi ngồi trên đó, ngọn cây rung lắc nhiều quá, làm chúng chú ý.

    Mấy hôm sau, trung đội lại tổ chức vào Lộc Giang thực thi nhiệm vụ dân vận và móc nối với cơ sở để lấy gạo, thực phẩm và thuốc men. Hôm ấy, tôi bị mệt do vừa đi công tác về nên trung đội không bố trí vào ấp. Khoảng 4 giờ chiều, trời mưa, anh em tranh thủ bám địch để đi sớm hơn dự định. Lưu Xuân Tiết (quê Hoàng Quế, Đông Triều, Quảng Ninh - B trưởng) hôm ấy cũng bị cảm không vào ấp cùng anh em được, nên đã cử Nguyễn Văn Từ, B phó, quê Quảng Xương, Thanh Hóa, đi thay.

    Bây giờ, ở cứ chỉ còn tôi và Tiết. Về chiều, mưa càng nặng hạt. Chúng tôi bụng ai cũng cồn cào vì đói mà gạo thì đã gần hết. Tôi nghĩ, trong khi anh em đi công tác, họ cũng đang đói, mình ở nhà nấu cơm ăn một mình, không nỡ. Tôi bàn với Tiết: "Thôi, ông đang mệt, ở nhà, tôi đi nhổ sắn về, anh em mình luộc đánh chén cho đỡ đói." (ở Gò Nổi, dân cách mạng họ trồng mỳ (sắn) không nhằm mục đích thu hoạch mà chủ yếu lấy cớ đi làm, để liên lạc, cung cấp tin tức cho cách mạng. Mặt khác lo lương thực tại chỗ cho bộ đội, du kích phòng khi không có tiếp tế).

    Cởi bỏ hết đồ dài, trên mình chỉ độc một chiếc quần đùi, quàng thắt lưng với một quả "da láng" MK8 (lựu đạn mỏ vịt của Mỹ), một dao găm và một sợi dây dù (dây võng), tôi len lỏi giữa nhừng lùm cây lúp xúp để đến được nương mỳ. Cách chỗ tôi nhổ mỳ chừng 500 mét, có một cái bốt mới đóng trái phép, bốt Lộ 8. Tôi trông khá rõ thằng lính gác ngồi trên mi- đo (chòi gác). Còn nó, không để ý chỗ tôi. Hơn nữa do trời mưa, tôi lại luồn lách, lom khom đi giữa đi giữa những luống mỳ nên có chú ý cũng không thể thấy được. Tôi đã nhổ được một ôm khá to rồi. Đang định ra về, chợt nhìn sang bên cạnh, thấy một luống, cây rất tốt, nghĩ bụng: "Có lẽ củ to và nhiều lắm đây!" Vội bước lên một lùm cỏ xanh rờn để qua bên đó nhổ thêm vài gốc nữa. Ôi! Tôi bỗng thấy hun hút... hun hút... như đang rơi vào khoảng không. ùm...! Rồi chìm nghỉm xuống dưới mặt nước, sau đó tôi trồi lên. Tôi biết mình đã bị rơi xuống một cái giếng bỏ hoang lâu ngày. Ngước mặt nhìn lên miệng giếng, tôi thấy cỏ đã phủ kín và nước mưa nhỏ long tong trên mặt. Tôi nghĩ nhanh: "Thế là hết! Mình sẽ vĩnh viễn gửi lại bộ xương nơi lòng giếng này!". Tôi gắng sức hét lên một tiếng thật to thử xem có ai có thể nghe được không? Nhưng tiếng hét của tôi không thể lọt ra khỏi lòng giếng. Lúc này, tôi thức sự hoảng loạn. Có lẽ, trong quãng đời quân ngũ, chưa bao giờ tôi lại bị cú "sốc" tinh thần lớn như vậy. Kể cả những lúc bom đạn ác liệt và đối mặt với cái chết đến trong khoảnh khắc, tôi vẫn không nao lòng. Bởi lúc ấy, có đồng đội bên cạnh. Còn giờ đây, tôi thực sự đơn lẻ. Chẳng có ai ở gần tôi. Nỗi trống vắng xâm lấn tâm hồn và làm cho tôi hoảng sợ thực sự...Tuy nhiên, trạng thái tâm lý ấy cũng nhanh chóng qua đi, nhường lại là sự tỉnh táo. Một phản xạ tất yếu của người lính từng hứng chịu mưa bom bão đạn như tôi và trước sự lựa chọn giữa cái chết với sự sống, tôi nghĩ nhanh: "Mình không thể chết đói, chết rét dưới lòng giếng này được! Nếu không còn phương án nào khả dĩ thì mình sẽ rút chốt lựu đạn để kết thúc cuộc đời, trước khi cái chết mòn kéo đến!". Tôi nổi trong lòng giếng như con ếch và tiếp tục nghĩ cách thoát ra. Bất chợt một tia hy vọng loé lên trong đầu. Tôi nghĩ nhanh: "Người dân ở đây, khi đào giếng thường đào bậc so le hai bên thành giếng để tiện lên xuống" (đất ở Gò Nổi có kết cấu khá vững chắc, rất nhanh phong hoá). Tôi sờ tay vào thành giếng. Đúng như dự đoán. Hai bên đều có bậc. Nhưng lâu ngày nên bậc bị mòn và rêu bám trơn tuột. Tôi chợt nghĩ: "Mình sẽ dùng dao găm đào bậc để lên. Vậy là không chết nữa rồi!". Tôi thầm reo lên và thấy tinh thần phấn chấn vô cùng. Nó như động lực, tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Lấy hơi, tôi hụp lặn xuống mò dao găm dưới đáy giếng. Tôi rùng mình khi chạm phải một cái cọc sắt khoảng phi 12 ở giữa lòng giếng.....
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #32 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2013, 03:44:40 pm »

Nhưng may mắn thay, do lâu ngày nên nó đã rỉ ngang mặt đất rồi đổ gập về một phía. Nếu không, tôi đã bị xâu như con ếch từ đít lên đầu bởi thanh sắt ấy rồi! Tôi dùng dao găm, đào khoét theo bậc, hết bên này đến bên kia, gạt hết rong rêu rồi bám theo đó, leo lên. Cứ đào xong một bậc bên này, tôi lại cho bàn chân vào rồi dùng hai khuỷu tay khuỳnh ra hai bên để tạo lực và điểm tựa nhích dần lên để đào bậc bên kia. Rất may là lòng giếng hẹp. Nếu rộng quá độ dài của hai cánh tay thì chắc chắn tôi sẽ không có cách nào lên được. Tôi không biết mình đã đào bao nhiêu bậc. Mãi thật lâu, mới lên đến gần mép giếng. Đu người, nắm lấy búi cỏ, tôi kéo mạnh lên rồi bám lấy một búi khác, trườn nhanh lên thành giếng. Thế là thoát chết! Tôi thở phào. Lúc này, đã thấm mệt. Tay cầm dao găm, một mạch chạy về theo lối cũ và cố tránh những nơi cỏ mọc xanh tốt. Đúng là "kinh cung chi điểu". Con chim bị bắn chết hụt, nhìn thấy cành cây cong tưởng đó là cánh cung. Còn tôi cứ thấy những lùm cỏ xanh là tránh, sợ đó lại là miệng giếng. Cái giếng nơi tôi rơi xuống sâu đến trên13 mét. Chứa khoảng gần 2 mét nước. Nếu giếng không có nước, chắc chắn tôi chỉ còn là một đống thịt xương lẫn lộn!

    Thấy tôi đi đã quá lâu, mãi đến gần 7 giờ tối mới lục tục chạy về, Tiết hỏi ngay: "Sao lâu thế? Chờ sốt cả ruột! Tớ tưởng cậu bị địch bắt rồi!". Tôi thuật lại cho Tiết nghe, vẻ mặt cậu ta xúc động thật sự, rồi an ủi tôi: "Không chết là may rồi. Nếu không lên được thì bọn tớ cũng chẳng biết đâu mà lần, đành phải báo mất tích thôi!". Tôi bảo: "Thôi, cậu đi cùng mình, ra lấy sắn và các thứ về đi!". Tiết không ngần ngại, rút trong ba lô ra thêm sợi dây dù rồi với tay xách khẩu AK theo tôi, trở lại chỗ cái giếng. Chúng tôi chạy một mạch đến nơi. Lúc này trời đã tối hẳn. Tiết đứng giạng chân trên bờ, cầm sợi dây dòng xuống để tôi bám vào đấy thả mình xuống lòng giếng. Được hai phần ba, tôi tuột tay rơi xuống. Tôi lặn mò bó sắn và lựu đạn rồi bảo Tiết kéo lên. Tiết vốn to con (khoảng 70 kg) nên việc kéo tôi lên không khó khăn gì. Lên được hai phần ba giếng, tôi lại tuột tay rơi xuống lần nữa. Trầy trật mãi, một lúc sau, cộng với sức kéo của Tiết tôi mới bám được bờ. Sau này tôi mới tự hỏi tại sao mình lại ngớ ngẩn và đãng trí thế! Việc gì lại phải xuống giếng thêm một lần nữa trong khi chỉ có một trái lựu đạn và một bó sắn (!?) Nếu lần này xuống mà gặp điều rủi ro thì sao?!...

    Chúng tôi về đến “cứ”. Trời vẫn mưa. Không có củi khô, tôi chẻ một cây sào phơi quần áo để làm củi rồi cùng Tiết nấu sắn ngay trên giường ngủ dưới tán tăng nilon. Tôi tháo lưỡi xẻng kê lên để khỏi cháy giường.

    Hai chúng tôi ăn hết một xoong sắn lớn. Sau đó nằm nói chuyện chờ đến lúc anh em từ ấp chiến lược về. Tuy vậy, cái giá phải trả cho bữa sắn ấy là quá đắt. Với tôi, đó lại là một kỷ niệm nhớ đời.

    Câu chuyện sau đó đã trở thành một giai thoại trong đơn vị. Mãi đến bây giờ mỗi khi gặp lại đồng đội cũ, họ đều nhắc đến tình huống hy hữu đó.

    Cũng như lần vớt gạo trên sông Xê Rê Pốc ở Trường Sơn, tôi nghĩ, có lẽ tổ tiên đã dõi theo từng bước để phù hộ độ trì cho tôi dưới trời lửa đạn hay trong những phút giây hiểm nghèo nhất tưởng chừng không thể nào vượt qua nổi... 
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #33 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2013, 03:45:29 pm »

  ...Càng ngày, bọn địch có vẻ như càng nhận thấy sự hiện diện của một lực lượng quân sự bí mật nào đó ở khu vực Gò Nổi đang ngày đêm uy hiếp chúng mà chúng cần tìm hiểu. Bọn chỉ huy đốc thúc lính tăng cường nống ra thăm dò để phát hiện. Do vậy nhiệm vụ bám, nắm địch của chúng tôi ngày một nặng nề hơn.

    Chiều ngày12 tháng7 năm 1974, từ cứ "Trốn Lính" cách Gò Nổi chừng 1,5 km đường xuồng (gọi là cứ "Trốn Lính" vì cứ này có rất nhiều người đến tuổi quân dịch, không chịu đi lính cho nguỵ quyền Sài Gòn mà cũng không dám tham gia làm cách mạng đã trốn ra đây, được gia đình chu cấp, chờ ngày giải phóng để trở về), tôi cùng Ngô Quang Phô (quê Quảng Trạch, Quảng Bình), Nguyễn Văn Lưu (quê Nam Đàn, Nghệ An), Lưu có tật hay nháy mắt kép, sau này khi bám địch ở Gò Nổi đã vô ý dẫm phải quả B40 do ta gài để chặn địch, cắt đứt đùi phải, mất nhiều máu, hy sinh ngay sau đó), Kiều Gia Lâm (quê Xuân Hải, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và Lưu Xuân Tiết, bám lên Gò Nổi. Đến 16 giờ, chúng tôi mới lên được tới chỗ bọn địch. Tuy nhiên, trước đó chừng 20 phút, chúng đã rút. Tôi bàn với Tiết và Phô phải gài mìn lại phòng ngày mai chúng lại tiếp tục ra. Tôi dùng dao găm đào lỗ chôn mấy quả "Cá mòi" (loại mìn tự tạo, dùng vỏ hộp cá mòi, nhồi TNT, tra kíp vào làm mìn giẫm nổ).

    Đúng như dự đoán, sáng hôm sau, mới khoảng 8 giờ, đã nghe mấy loạt AR15 đì đẹt trên Gò Nổi. Chúng tôi được lệnh phải đi bám địch. Cả năm anh em lại lên xuồng. Tôi vừa ngồi trên xuồng vừa lau súng. Đi ngang qua chỗ cứ "Trốn lính", mấy người, trong đó có cả du kích, đang ăn sáng. Thấy tôi lau B40, một cô du kích bảo: "Mấy anh đi bám địch mà lau súng là dễ đụng tụi nó lắm đó nghen!". Tôi chỉ cười mà không tin. Tất nhiên vì đi trễ, nên cũng hết sức cảnh giác. Khoảng gần 10 giờ, xuồng mới cập bến. Neo xuồng xong, mọi người lần lượt bám lên. Phô, Tiết, Lưu đi mũi 1. Tôi và Kiều Gia Lâm, mũi 2 vòng bên trái. Thấy rất nhiều dấu giày của bọn lính, tôi nháy Lâm cảnh giác rồi bám dần lên đến chỗ ngã ba đường mòn mà chiều hôm qua tôi đã chôn rải rác 3 trái "cá mòi" kia. Đến đây, dấu giày chi chít. Tôi chỉ cho Lâm thấy mấy cái đầu lọc thuốc lá "Ru Bi" bọn nguỵ vừa hút xong, vứt xuống đấy. Đồng thời, tay chỉ vào chỗ có mấy trái mìn, nói nhỏ với Lâm: "Đây, chúng nó vừa giẫm nát chỗ này mà sao không giẫm phải "râu tôm" của trái mìn tớ gài nhỉ?!" Vừa dứt lời, chợt thoáng thấy một thằng lính bận đồ rằn ri, nằm dưới bụi tre gai lúp xúp cách tôi chừng 2 mét bật dậy, run lẩy bẩy, chụp súng kéo cò. Đạn bay xèo xèo qua mặt, qua đầu tôi và Lâm. Thật kỳ lạ, cả hai không hề “dính” một viên nào. Thì ra, thằng lính nằm phục kích chúng tôi, ngủ quên… Khi tôi thì thầm với Lâm, nó giật mình, chụp súng kéo đại cả băng 20 viên cực nhanh. Tôi quay đầu chạy chừng 5 mét rồi quay lại giáng một trái B40 vào ngay gốc bụi tre. Nhưng thằng lính đã nhanh chân hơn. Trước đó, nó đã nhảy khỏi chỗ ấy rồi chạy biến. Sỡ dĩ tôi không bắn ngay được vì khoảng cách giữa tôi và tên lính quá gần, B40 không thể phát huy được hoả lực. Tôi phải lùi lại khoảng 5 mét mới đủ tầm bắn (B40 bắn cự ly trong 3 mét, đạn sẽ không nổ vì chưa đủ thời gian cho viên bi trong rãnh an toàn xoay hết vòng của nó để rơi vào vị trí mất an toàn). Bây giờ thì các loại súng thi nhau nổ. Tôi chạy trong mưa đạn. Xung quanh, M79, AR15, đại liên bắn như mưa rào. Nhưng thật kỳ diệu, tôi không hề dính phải một mảnh hay một viên đạn nào cả. Còn Lâm, hoảng quá, rẽ phải, chạy ra phía đồng trống. Bọn địch phát hiện được liền chuyển hướng bắn theo. Tôi nghĩ, chắc Lâm không thể thoát khỏi làn đạn ấy. Tôi xách B40 cắm cổ chạy một mạch xuống đến chỗ giấu xuồng. Cùng lúc ấy, Tiết, Phô, Lưu cũng chạy về đến nơi. Chúng tôi nhanh chóng nhảy lên xuồng, bơi một mạch theo con rạch cũ. Bấy giờ mọi người mới hỏi: "Lâm đâu?!" Tôi kể lại. Ai cũng nghĩ Lâm đã hy sinh. Trên bờ địch vẫn bắn đuổi theo không tiếc đạn. Nhưng chúng tôi đã ra khỏi khu vực nguy hiểm rồi. Được một lúc, đang bơi, đột ngột thấy Lâm xuất hiện bên bờ rạch, mặt tái xám vì mệt, người ướt như chuột lột. Tất cả đều reo lên "Kìa! Thằng Lâm vẫn sống". Chúng tôi dừng xuồng, đón Lâm. Cậu ta lên xuồng, định thần rồi kể: "Khi tớ chạy ra hướng đồng trống, bọn địch phát hiện được liền bắn đuổi theo và hò la bắt sống...". Lâm cắm cổ chạy xuống đến triền bưng rồi chui vào cỏ trườn đi, sau đó mới định hướng, cắt bưng về vừa lúc chúng tôi đến và gặp tại bờ rạch (sau này, năm 1980, tôi gặp lại Lâm tại Vinh, cậu ta làm công nhân xây dựng).

    Chúng tôi cũng không hề biết rằng, trước đó đã có một tiểu đội du kích đi trước bám địch. Họ cũng không ngờ có mấy tên lính đang mải quan sát chúng tôi từ trên ngọn cây. Khi nghe tiếng súng AR15, mấy thằng này liền chửi: "Đ... mẹ! Đồ ngu! Biểu chờ tụi nó vzô để bắt sống, sao lại bắn sớm quá vzậy?". Các đồng chí du kích liền xả súng lên ngọn cây, mấy thằng đó trúng đạn rơi xuống. Họ lập tức quay trở lại rồi lên xuồng, nhanh chóng bơi ra theo hướng chúng tôi. Chúng tôi cùng gặp nhau ở cứ "Trốn lính".

    Tôi nói đùa với mấy anh em cùng đi: "Phải cảm ơn thằng lính đã ngủ quên dưới bụi tre. Nếu không thì một trong hai tình huống đã xẩy ra: hoặc bị bắt sống hoặc đã "nằm lại" trên Gò Nổi rồi".

    Lần ấy, sau khi trở về hậu cứ, tôi trực tiếp đề xuất ý kiến lên tiểu đoàn bộ. Nội dung là phê phán thói quan liêu, duy ý chí của cán bộ tiểu đoàn, suýt nữa đã đưa chúng tôi đến cái chết vô ích. Lẽ ra hôm đó, nếu cần bám địch thì tiểu đoàn phải có kế hoạch để chúng tôi chủ động đi sớm khi địch chưa nống ra. Đằng này, để chúng ra chiếm địa bàn trước rồi mới lệnh chúng tôi đi. Quả là một sự kém cỏi và chủ quan trong chỉ đạo tác chiến. Nhất lại là những cán bộ đã có thâm niên chiến trường như các vị ấy. Hôm ấy, chúng tôi thoát chết là điều nằm ngoài sự tưởng tượng.

    Hôm sau, cũng tại cứ "Trốn lính" này, tôi lại có một kỷ niệm khác. Vì hôm trước, khi vội vàng lên xuồng để rút nhanh ra khỏi tầm hoả lực của địch ở Gò Nổi, tôi đã nhúng toàn bộ bó liều phóng B40 xuống nước. Sáng hôm ấy, sau khi dập hết lửa ngọn, tôi cẩn thận để bó liều phóng trên bếp than cho nhanh khô. Không ngờ, chỉ ít phút sau, một đốm tàn lửa nào đó đã bắt vào liều phóng. Một tiếng x...ẹt...! Rồi trong chớp mắt, khói trùm kín cả vườn vú sữa nơi chúng tôi trú quân. Khói trắng dày đặc đến mức chỉ đứng cách nhau vài bước chân mà không thể nhìn thấy được nhau. Khói cuộn lên như có một bàn tay khổng lồ nào đó ném xuống vườn vú sữa một núi bông trắng xoá. Tất cả chúng tôi kinh hoảng vì sự việc diễn ra quá đột ngột, ngoài tầm kiểm soát. Kinh hoảng hơn là nhất định phen này sẽ không thể thoát bởi pháo, trực thăng và bom. Vì ở đây chỉ cần một sơ suất nhỏ, để lọt một tia khói hay tiếng động là lập tức pháo bầy đến ngay. Lệnh của tiểu đoàn phải chuẩn bị chiến đấu. Nơi chúng tôi trú quân thật bất lợi. Trước mặt là con rạch dẫn lên Gò Nổi. Phía bên trái là cánh đồng bưng trống trải. Sau lưng và bên phải cũng là đồng bưng. Cách chừng 200 mét là sông Vàm Cỏ Đông. Tàu địch thường xuyên tuần tiễu. Chúng tôi ở vào cái thế "cá nằm trên thớt". Không còn cách nào khác là ai nấy đều nín thở chờ đợi... Không khí căng thẳng như lúc chờ địch vào. Năm phút... Mười phút... Rồi ba mươi phút... không gian im lặng như nén đặc lại. Không hề nghe một tiếng đại bác hay tiếng trực thăng. Kỳ lạ quá! Chúng tôi nhìn nhau, chẳng ai tin vào tai mình nữa. Thời gian cứ dần trôi, mọi người cứ thấp thỏm, nơm nớp. Một giờ... Rồi hai giờ... trôi qua. Vẫn im lặng. Một sự im lặng đáng sợ! Cuối cùng, buổi sáng cũng đi qua mà không hề có động tĩnh gì. Rồi cả buổi chiều hôm đó cũng trôi qua trong im lặng. Tất cả chúng tôi thở phào. Thế là ổn! Không ai có thể cắt nghĩa được hiện tượng có một không hai này.

    Chiều hôm đó rồi cả ngày hôm sau và mấy ngày sau nữa cũng không có hiện tượng gì xảy ra. Lần ấy, nếu như mọi khi, chúng tôi sẽ no đòn vì bom, pháo. Và không biết hậu quả sẽ như thế nào. Đây cũng lại là một tình huống hy hữu, nằm ngoài quy luật của chiến sự vùng này.

   Tôi bị đại đội khiển trách vì tính bất cẩn. Đó là bài học về sự cẩn trọng cho tất cả chúng tôi khi ở chiến trường.

     Tại cứ này, tôi còn một kỷ niệm đáng nhớ khác. Hồi ấy, rất hiếm báo chí, sách vở, vì trong điều kiện chiến đấu. Chúng tôi "khát" báo lắm. Hôm ấy, tôi được một đồng chí du kích trao cho một tờ báo "Quân Giải Phóng", trong đó in trọn vẹn bài thơ "Nước non ngàn dặm" của Tố Hữu. Tôi đọc liền một mạch và duy nhất chỉ một lần với bài thơ dài như vậy mà đến bây giờ, tôi vẫn thuộc làu bài thơ này không sót một từ hay một câu nào. Tờ báo được chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát. Anh Vũ Duy Tòng cũng đọc và thuộc ngay bài thơ. Sau này khi trở thành thầy giáo dạy Văn trường trung học phổ thông, đến phần thơ ca chống Mỹ, tôi thường kể lại kỷ niệm này cho các em học sinh nghe. Những ánh mắt, những gương mặt hiện lên vẻ xúc động pha lẫn tự hào. Và ngay bài thơ "Nước non ngàn dặm" cũng có nhiều đoạn nhiều câu, khi làm dẫn chứng, cứ liệu cho giờ giảng cũng hết sức sát đúng, sinh động, gần gũi và có sức lay thức tâm hồn các em. Có thể nói, những năm tháng binh lửa ấy là nguồn cảm xúc và là vốn tư liệu sống dồi dào mà các thế hệ đồng nghiệp của chúng tôi, những người không kinh qua chiến tranh, dễ gì có được trong giờ giảng!...

    ...Tình hình ngày một căng thẳng hơn. Chúng tôi nhận được tin tình báo cho hay, địch đang rắp tâm điều một lực lượng, càn ra Gò Nổi. Chúng tôi chủ động chuẩn bị trận địa và phương án chờ đánh địch đồng thời dự kiến các tình huống có thể xảy ra.

    Ngày 30/7/1974, địch tập trung hai tiểu đoàn bảo an cùng các đơn vị địa phương quân khác, càn ra Gò Nổi. Từ sáng sớm, chúng đã gọi pháo từ Hậu Nghĩa, Đức Hoà, bắn dọn đường. Những trận mưa pháo dội lên trận địa chúng tôi, khói lửa mù mịt. Gò Nổi cây cối vốn khá rậm rạp, vậy mà sau mấy đợt pháo kích, địa hình trống hoác, cây đổ ngổn ngang. Chúng tôi biết rằng đây sẽ là một trận càn lớn vì địch đã đánh hơi được lực lượng chúng tôi. Trận này, chúng quyết đánh bật chúng tôi ra khỏi Gò Nổi. Hôm ấy, tôi và Trần Quốc Em (quê ích Hậu, Can lộc) cùng chung công sự. Em bắn trung liên RPĐ. Cậu ta là học sinh trường Cấp III Nguyễn Văn Trỗi, nay là trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (quê Can Lộc). Em học xong lớp 10 rồi gia nhập quân đội. Ngày còn đi học, Em học rất giỏi nhưng chưa kịp thực hiện ước mơ vào đại học thì có lệnh gọi nhập ngũ. Cậu ta vẫn thường tâm sự với tôi về những khát vọng của mình. Trần Quốc Em có dáng người thấp đậm, da ngăm đen, tóc dựng đứng, mặt lúc nào cũng đầy mụn trứng cá. Mắt một mí, ti hí trông buồn cười lắm. Đặc biệt, hội họp, cậu ta siêng phát biểu và hay lí sự. Đó là một đặc điểm làm cho mọi người dễ nhớ. Trần Quốc Em hy sinh trong trận đánh sau đó. Bị thương cụt đùi phải mà vẫn tỉnh táo lắm. Lúc xuồng chở đi, Em nghẹn ngào trong nước mắt: "Tao... chắc không... sống nổi ... Sơn ạ". Tôi vội quay mặt đi để giấu dòng nước mắt của mình trước người đồng hương bị thương nặng đang trong giờ hấp hối. Tôi động viên Em: "Không sao đâu mà! Cậu cứ yên tâm mà đi viện, nhất định sẽ qua khỏi!". Nói vậy nhưng tôi linh cảm rằng Em không thể nào qua nổi vì vết thương quá nặng. Quả nhiên, đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp Em. Đến trạm phẫu trung đoàn, Trần Quốc Em trút hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Long An.

    Còn hôm đó, khoảng 9 giờ, sau khi pháo kích dữ dội và trực thăng quần đảo, bắn rốckét và 20 ly xối xả xuống trận địa chúng tôi, bọn bộ binh mới mò vào. Các công sự tiền duyên nổ súng mãnh liệt tiêu diệt một bộ phận bọn lính gần nhất. Số còn lại chạy dạt ra. Trước công sự của Nguyễn Viết Kỷ (quê Thượng Lộc) và Nguyễn Văn Mậu (quê Minh Lộc), có mấy tên lính chết. Kỷ trườn ra lấy được một khẩu AR15. Khoảng 13 giờ, địch mở đợt phản kích để lấy xác. Một trái M79 rơi nổ trên nóc công sự, làm Mậu bị thương nặng vào đầu (Mậu nay là thương binh hạng 1/4 đặc biệt, đang sinh sống tại thị xã Hồng Lĩnh). Như vậy là công sự của Kỷ thiếu đi một tay súng. Trung đội trưởng Lưu Xuân Tiết truyền lệnh của đại đội, yêu cầu tôi thay Mậu. Công sự còn lại một mình Em. Tôi nói với Em: "Cậu ở lại, nếu địch phản kích thì phải phát huy hết hoả lực trung liên để chi viện cho bọn mình đấy". Nói xong, tôi ôm B40 trườn đến công sự nơi Mậu bị thương để thay thế Mậu và tăng cường cho Kỷ, trong khi trên đầu trực thăng quần đảo và pháo địch vẫn dồn dập bắn tới. Tôi đặt Mậu nằm xuống hầm, băng bó lại vết thương cho cậu ta rồi chuẩn bị đánh trả đợt phản kích mới. Từ nãy, tiếng L19 đã vè vè. Bỗng, ục... một tiếng, khói trắng trùm lên trận địa. Chúng tôi biết sắp có bom. Trên đầu đã nghe tiếng rít của A37, liền sau đó là liên tiếp những loạt bom giáng xuống trận địa, nhưng bom rơi ở cánh phải chúng tôi. Đã có mấy đồng chí ở trung đội 2 hy sinh vì loạt bom ấy. Đồng chí Nguyễn Văn Đức, quê Vĩnh Phú, nhập ngũ 1968 vừa từ đoàn quân "Chiến Thắng" do địch trao trả, bổ sung về đơn vị tôi làm trung đội phó, hy sinh ngay trong loạt bom đầu tiên. Đồng chí Thiện (quê Diễn Châu), trinh sát tiểu đoàn vừa được điều về cũng hy sinh. Lúc này bọn địch đã lùi ra xa và tiếp tục gọi pháo dội đến. Pháo bắn chụm làm tốc mất nóc công sự của một số đồng chí. Đồng chí Báo, trung đội trưởng, sau đó cũng bị thương. Tôi chia tay anh từ sau trận đánh ấy cho đến bây giờ, chưa một lần gặp lại. Hiện nay, Báo là trung tá, đang nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh.

    Từ đó đến chiều, địch chỉ mở một đợt phản kích nữa Nhưng chúng lại bị đánh bật ra. Sau đó thì chúng rút hẳn mang theo rất nhiều xác chết và bọn bị thương...   
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #34 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2013, 03:46:59 pm »

 Đêm ấy, sau khi chôn cất tử sỹ, chúng tôi xuống xuồng rút qua bên kia sông. Đó cũng là trận đánh cuối cùng ở Gò Nổi, để rồi sau đó, chúng tôi cuốn theo chiến dịch cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Từ sau giải phóng đến nay, tôi chưa một lần trở lại mảnh đất nhiều kỷ niệm ấy. Với Gò Nổi, tôi và nhiều đồng đội như vẫn còn mắc một món nợ lớn. Đó là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời cầm súng của chúng tôi. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên từng cảm thức:

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn
"

    Mảnh đất ấy đã trở thành "một phần tất yếu trong cuộc sống" của tôi!...

    Trở lại Hội Đồng Sầm để củng cố lại đội hình và sức khoẻ. Mấy ngày sau đó, chúng tôi được lệnh hành quân xuống Bến Lức để tổ chức các trận đánh giải toả hành lang sông Vàm Cỏ Đông nhằm chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân 1975.

    Với tôi và nhiều chiến hữu, Gò Nổi đọng lại biết bao kỉ niệm thân thương, vui buồn lẫn lộn, kể cả những kỷ niệm mà tình tiết của nó nghe như huyền thoại. Tôi nhắc lại kỷ niệm này: Hồi ấy, ở Gò Nổi, trong đội hình đóng quân của đơn vị, tôi đã tìm được một nơi trú ẩn mà tôi cho là lý tưởng trong điều kiện bom pháo dày đặc như vậy. Mỗi lần trở lại sau chuyến công tác hoặc chốt lại lâu ngày, tôi đều đến đó. Chỗ tôi nằm là giữa hai cây duối cổ thụ. Qua năm tháng và đạn bom, trên mình nó đã đầy thương tích. Nơi này chỉ trừ trường hợp bom hay pháo rơi trúng thì tôi mới chết, nếu không thì đó là nơi che chắn an toàn nhất. Giữa hai gốc duối là là một đám cỏ xanh tốt, nõn nà. Tôi thường trải tấm tăng nilon lên đó rồi vùi vào giấc ngủ ngon lành sau mỗi lần hành quân đến hay sau mỗi đêm công tác vào ấp chiến lược về. Có những thời điểm chúng tôi ở lại Gò Nổi gần 3 tháng. Ngày cũng như đêm, tôi vẫn nằm trên đám cỏ ấy. Cho đến một hôm, trong một lần phối hợp tác chiến, một đồng chí du kích địa phương cho tôi hay là giữa hai gốc duối đó, năm 1972, họ mai táng một nữ du kích hy sinh. Vì sợ bọn lính nguỵ càn ra phát hiện được, chúng dùng chất nổ quật xác lên, nên sau khi hạ huyệt, họ lấp đất rồi khoả bằng lại. Lâu ngày cỏ mọc xanh tốt. Thật không ngờ, suốt một thời gian dài, tôi lại nằm ngay trên mình đồng chí du kích ấy. Tự nhiên, tôi thấy gai gai, rồi chợt hiểu vì sao giữa hai cây duối đó lại có một bãi cỏ xanh tốt đến lạ kỳ như  thế! Nhưng kỳ lạ hơn là suốt quãng thời gian dài như vậy mà tôi không hề thấy chiêm bao hay báo mộng bất cứ một điều gì! Ngay chiều hôm đó, tôi vội chuyển vị trí nằm của mình. Đêm hôm sau, khi vào ấp chiến lược, tôi đến thẳng quán Sáu Tiệm - một cơ sở cách mạng ở ấp An Thuận - mua một nắm nhang lớn rồi sáng sớm hôm sau đến bên mộ cô gái- người liệt sỹ vô danh đó, thắp nén nhang tạ tội. Tôi cúi đầu lầm rầm khấn: "Xin đồng chí hãy tha thứ cho tôi. Thời gian qua, vô tình tôi đã làm một làm một điều lẽ ra là không thể. Đó là việc nằm ngoài ý muốn chủ quan của tôi vì tôi hoàn toàn không ngờ. Xin đồng chí sống khôn, thác thiêng, độ lượng bỏ quá cho tôi. Tất cả cũng vì nhiệm vụ đánh giặc, giải phóng đất nước. Xin đồng chí hãy phù hộ độ trì cho anh em chúng tôi, tai qua nạn khỏi. Tổ quốc và nhân dân đời đời biết ơn các đồng chí, những người con ưu tú đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của dân tộc!". Vừa dứt lời, một cơn gió thoảng qua, bó trầm tự nhiên bùng cháy. Bấy giờ tôi cũng không để ý, nhưng sau đó, kể lại chuyện này, mọi người ai cũng bảo lời khấn của tôi đã ứng nên bó nhang mới cháy thành lửa ngọn như vậy. Tôi chợt thấy vừa an lòng lại vừa lo. Có lẽ, cô gái dưới mộ kia - người đồng chí của chúng tôi - đã phù hộ độ trì cho tôi tránh khỏi mưa bom bão đạn nơi Gò Nổi ác liệt này.

    Trận Bình Đức (Bến Lức) diễn ra sau đó không lâu. Đó là những ngày cuối năm 1974. Lúc này chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh địch để chia lửa cho các chiến trường đồng thời tiêu hao, tiêu diệt một lực lượng của chúng; nhằm bức hàng, bức rút những đồn bốt lấn chiếm trái phép. Đặc biệt là những căn cứ dọc hành lang sông Vàm Cỏ Đông để chuẩn bị lộ trình cho đại quân ta xuống chiến trường trong chiến dịch mùa Xuân 1975 sau này.

    Hôm đó, chúng tôi được lệnh mai phục để chặn đánh bọn địch càn ra. Tôi cùng Vũ Duy Tòng chung một công sự. Trận địa phục kích của chúng tôi nằm ngay trong những ruộng khóm (dứa) đang vào mùa thu hoạch. Nơi ấy rất ít các loại cây gỗ để chúng tôi có thể chặt lát công sự. Tôi và Tòng chỉ đốn được một số cây bình bát lèo tèo như que gậy, không đủ lực chịu đựng để đổ đất lên. Do vậy, công sự hết sức sơ sài. Tôi bảo Tòng: "Thôi, tất cả phó mặc cho số phận."...

    Nằm phục đã hai ngày mà địch không ra. Cứ gần trưa và cuối buổi chiều, hai đứa chúng tôi thay nhau trườn ra bẻ khóm chín rồi lại trườn về công sự ngồi ăn. Mùi khóm thơm ngào ngạt. Vì thèm, nên chúng tôi ăn nhiều quá, chảy cả máu lưỡi. Chúng tôi nghĩ cách là vắt lấy nước, cho vào bi đông rồi uống.

     Ngày hôm sau, khoảng 8 giờ, từ xa, chợt chúng tôi phát hiện ra hai người đi vào trận địa phục kích. Họ gồm một nam, một nữ. Càng vào gần, chúng tôi nhìn kỹ thì đó là một người đàn ông và một cô gái. Chờ cho bọn họ lọt vào trận địa phục kích, đồng chí Vũ Văn Thường (quê Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An) ra chặn đường rồi mời vào xét hỏi. Họ khai là ba con đi làm đồng (vì ruộng gần đấy, ông già chỉ tay về phía đám ruộng) không biết bộ đội giải phóng về đây nên đã đi lạc vào. Họ xin được tha cho về, nhưng để đảm bảo bí mật cho trận phục kích, chúng tôi không thể để họ về được. Rất may, suốt cả ngày hôm đó địch vẫn chưa ra. Nếu chúng càn ra thì chắc cha con ông già cũng sẽ hứng chịu bom đạn như chúng tôi. Chiều tối hôm đó, sau khi thả họ, chúng tôi khẩn trương chuyển trận địa phục kích đến một địa điểm khác. Nhưng điều ít ai ngờ nhất là sau ngày giải phóng, khi chúng tôi chuyển quân đến ấp 3, xã Nhị Bình (Thủ Thừa, Long An), Thường, An và hai người khác tình cờ được bố trí ở ngay trong nhà hai bố con ông già bị bắt lần trước. Nhưng, vẫn chưa hết những điều ngạc nhiên là sau đó, chính cô gái bị Thường bắt giữ trong trận ấy lại đem lòng yêu Thường và đã được Thường "đáp trả" bằng tình yêu say đắm và mãnh liệt của mình. Một thời gian sau, được gia đình cho phép, họ xây dựng hạnh phúc với nhau. Hai "tù binh" dạo nọ, giờ đây một người là "phu nhân" yêu dấu, một người là "nhạc phụ" khả kính của Thường. Bây giờ thì Thường đã trở thành dân Nhị Bình rồi. Vì cưới nhau xong, cậu ta không về Bắc nữa mà ở rể luôn tại gia đình bên vợ. Nghe đâu, sau đó đời sống của Thường khá vất vả. Không rõ, hiện nay, hoàn cảnh ra sao? Đã 30 năm chưa một lần  gặp lại.

    Lại một điều nữa nằm ngoài quy luật thông thường đã xảy ra!

    ... Đại đội di chuyển trận địa phục kích đến một nơi khác. Chúng tôi không phải chờ đợi lâu. Ngày hôm sau, địch cho một tiểu đoàn nống ra càn quét. Đại đội một chặn đánh địch ngay trên đường chúng hành quân. Hôm ấy có mấy đồng chí phóng viên mặt trận B2 cùng tham gia trận đánh để quay cho bằng được tại trận những thước phim tư liệu phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của cấp trên. Rất may cho họ, lần này bọn địch đi đúng ý đồ chiến thuật của ta. Tổ quay phim gồm hai phóng viên nằm gần công sự với hai đồng chí của đại đội một. Khi một tốp 7 tên đi đầu hướng vào trước công sự của hai đồng chí đó, cách chừng 30 mét, ống kính quay phim quay xè xè rất nhỏ, thu lại hình ảnh của những tên này. Tới đó, chúng đột ngột dừng lại rồi giở bản đồ ra để tìm đường. Một tên đeo Côn 12, chống gậy, một tên khác mang máy thông tin vô tuyến điện PRC25. Tên chống gậy chắc chắn là chỉ huy. Nó dùng tay chỉ trỏ rồi nói gì với bọn lính đang dồn lên. Đột nhiên, nó chỉ thẳng vào chỗ chiếc máy quay phim đang xè xè quay, rồi nói gì đó, vẻ hoảng hốt. Cả bọn nhìn theo tay của thằng sỹ quan (chắc nó đã phát hiện ra cái gì đó). Chỉ chờ có thế, ánh chớp màu da cam do trái B40 của đồng chí bên cạnh đã nổ trùm lên tốp lính. ở đó không còn dấu vết gì, chỉ còn lại là một cột khói hình nấm bay lên. Tiếng nổ là hiệu lệnh của trận đánh. Tất cả các loại súng ở các cánh thi nhau trút đạn vào đám tàn quân tháo chạy thục mạng về hướng Bến Lức trong khi chúng tôi đồng loạt xung phong truy kích địch. Nhóm phóng viên mặt trận cũng lao lên ghi lại những hình ảnh sống động nhất của trận đánh này. Chúng tôi hoàn toàn làm chủ thế trận. Gần như không có tiếng súng đáp trả. Trận đánh diễn ra chóng vánh. Địch bị tiêu diệt gần hết, chúng tôi bắt sống 13 tù binh; thu 9 máy thông tin PRC 25 và phải dùng đến 3 chiếc xuồng mới chở hết số súng thu được.

    Thất bại nặng nề, bọn tàn quân tháo chạy về hướng Bến Lức rồi gọi pháo bắn ra bưng, nơi trận đánh vừa xảy ra. Đồng thời gọi trực thăng quần đảo và phóng hoả tiễn xuống trận địa. Chúng tôi chui xuống công sự tránh đạn. Tiểu đoàn ra lệnh không được nổ súng bắn trực thăng vì dễ gây lộ mục tiêu trận địa. Thấy ta im lặng và không có phản ứng gì, bọn "Cán gáo" chủ quan, liều lĩnh sà thấp xuống để phát hiện mục tiêu và bắn 20 ly vào những chỗ nghi ngờ. Đồng chí Viện (Quỳnh Lưu ở C3, D7, người gầy như que củi) thấy "ngon lành" quá liền chĩa nòng AK ra khỏi miệng hầm điểm xạ một loạt ba viên. Cả ba viên đạn găm vào sườn chiếc trực thăng"Cán gáo" khi đang sà xuống phóng rốckét. Lửa nhanh chóng bật ra từ hông nó. Và theo đà, đâm sầm xuống bưng, cách công sự tôi chừng 200 mét. Tôi trông rất rõ 3 tên nhào ra rồi chạy thục mạng trong khi hai chiếc còn lại bắn như rắc đạn xung quanh chiếc "Cán gáo" đang cháy với bán kính khoảng hai, ba trăm mét, nhằm bảo vệ cho ba thằng kia. Một trong hai chiếc còn lại liều mạng đáp xuống vớt ba thằng vừa chạy ra rồi vội cất lên, bay nhanh về cái bốt cách đó chừng 3 km. Chiếc trực thăng đó cũng vừa bị dính đạn do ta bắn lên. Tuy nhiên, nó đã chạy thoát. Một cột lửa và khói khổng lồ bốc lên cao cùng với tiếng nổ loạn xạ của các loại đạn, lựu đạn, rốckét trong chiếc "cán gáo" bị bắn cháy. Khoảng hơn hai giờ sau, đám cháy mới lụi dần. Nghe nói bọn lính nguỵ trên cầu Bến Lức khi thấy trực thăng cháy liền vỗ tay hoan hô. Thật khó hiểu (?!)

    Trận ấy, Viện được đề nghị tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì. Sau giải phóng, năm 1976 cậu ta trở lại trường đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1980, tình cờ tôi gặp Viện tại trường Đại học Sư phạm Vinh khi trên đường vào thành phố Hồ Chí Minh nhận công tác. Vì rất vội nên chúng tôi chỉ tâm sự với nhau được mấy phút rồi đành phải chia tay để Viện ra ga cho kịp chuyến tàu. Hai mươi lăm năm, kể từ ngày ấy đến bây giờ, tôi chưa một lần gặp lại Viện. Chắc là anh đã định cư tại thành phố Hồ Chí Minh.

    Đầu tháng 1 năm 1975, Trung đoàn 271 cùng quân đoàn 4 và các đơn vị bạn thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương tổ chức một lực lượng quân sự đủ mạnh nhằm tiến công giải phóng thị xã Phước Long và tỉnh Phước Long để thăm dò phản ứng của Mỹ- nguỵ. Trước đó, tại địa bàn Long An, Tiểu đoàn 7 chúng tôi cũng được học tập chính trị và nghị quyết của cấp trên về tình hình và nhiệm vụ chiến lược mới. Được quán triệt tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương: "Quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Tuy nhiên nếu thời cơ đến sớm thì sẽ chớp lấy và huy động tổng lực nhằm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975".

    Tôi bỗng nhớ đến hai câu thơ của một thi sỹ diễn tả cái cảm xúc đau đáu, khắc khoải khi nghĩ về đất nước trong đằng đẵng chiến tranh:

"Đất nước ba mươi năm cầm súng
Mà vầng trăng còn xẻ làm đôi..."

     Những vần thơ ấy vừa là sự ám ảnh vừa như nỗi niềm và động lực thúc giục chúng tôi xốc tới để góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đây là thời cơ không có sự lặp lại! Lịch sử dân tộc đang chuyển mình sang một bước ngoặt mới! Một ngày bằng mấy mươi năm!

     Phước Long là tỉnh thứ hai sau Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Mất Phước Long, Tổng thống nguỵ quyền Nguyễn Văn Thiệu hô hào: "Tràn ngập lãnh thổ", "Tái chiếm"... Nhưng những nỗ lực quân sự và ngoại giao của chúng đều bị vô hiệu hoá. Thiệu đành cay đắng chấp nhận mất Phước Long và kêu gọi để tang cho tỉnh này ba ngày. Đồng thời, một mặt làm mình làm mẩy với chủ Mỹ, mặt khác yêu cầu Mỹ đưa quân trở lại miền Nam và tái oanh kích miền Bắc. Quả là "chó cùng dứt giậu". Tuy nhiên thế và thời lúc ấy không cho phép Mỹ thực hiện được ý đồ đen tối đó nữa. Mỹ hoàn toàn không có phản ứng quân sự sau khi Phước Long thất thủ.

    Còn ta, xem đó là một bước ngoặt của cuộc chiến tranh giải phóng. Chiến thắng Phước Long đã mở ra một thời cơ mới, một cục diện mới, đẩy thế và lực của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển về chất lên một bước mới. Sau chiến thắng Phước Long, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh và xây dựng lực lượng quân đội, chúng ta đã nhanh chóng thành lập những quân đoàn để tạo những “quả đấm thép” quyết định trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến lược: "Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhât đất nước!"    
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #35 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2013, 03:47:12 pm »

Như vậy, nhiệm vụ của chúng tôi lúc này được cấp trên giao là tiếp tục đứng chân trên địa bàn thuộc các huyện Đức Hoà, Đức Huệ, Bến Lức và Thủ Thừa, tiếp tục tiến công giải phóng toàn bộ hệ thống đồn bốt dọc sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây để khai thông hành lang nhằm tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực và các phương tiện vũ khí, khí tài kể cả vũ khí hạng nặng như chiến xa T54, pháo tự hành... mở hướng tiến công Sài Gòn từ hướng Tây nam và Tây bắc. Có thể nói lịch sử sẽ không có sự lặp lại. Hai mươi mốt năm dồn lại cho trận đánh cuối cùng! Trong những ngày này, chúng tôi như đang sống trong không khí hội quân. Cả nước ra trận. Mặc dù chiến sự vẫn diễn ra càng lúc càng ác liệt. Đêm đêm tiếng hú của những giàn H12, ĐKB (một loại hoả tiễn được cải tiến, đặt trên máng đẩy, có sức công phá rất mạnh), cùng với những tiếng nổ kinh hoàng của nó trong các căn cứ địch, được xem là tiếng chuông cáo chung cho chế độ nguỵ quyền Sài Gòn thối nát, đang điểm!

    Những thắng lợi quân sự trên khắp các chiến trường, đặc biệt chiến thắng của chiến dịch Buôn Ma Thuột (từ 4/3 đến 3/4-1975) là trận mở màn then chốt, chiến lược đã tạo một phản ứng dây chuyền về sự đổ sụp nhanh chóng và không gì cưỡng nổi của chế độ nguỵ quyền Sài Gòn thối nát, đồng thời là hồi kèn xung trận thôi thúc chúng tôi quyết tâm chiến đấu, góp phần đẩy nhanh mục tiêu giải phóng đất nước đến đích cuối cùng.

    Bị thảm bại ở Tây Nguyên, các sư đoàn quân nguỵ đặc biệt là sư đoàn 22, 23 cùng một số sắc lính như thuỷ quân lục chiến, biệt động quân... tháo chạy về vùng ven hòng lập một tuyến phòng thủ từ xa, bảo vệ Sài Gòn. Bởi vậy, nhiệm vụ chiến trường lúc này trong đó có đơn vị chúng tôi là phải chặn đánh chúng để bảo vệ và giữ vững tuyến hành lang mới được khai thông, tạo điều kiện để đại quân ta mở hướng đột kích tiến đánh Sài Gòn. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với một lực lượng nhỏ bé, trang bị vũ khí thiếu thốn như chúng tôi. Nhưng với ý chí tất cả cho chiến thắng, tất cả để giải phóng miền Nam, nên nó đã biến thành sức mạnh vật chất. Ai cũng quyết tâm chiến đấu và quyết thắng.

    Ngày 19/4/1975, tiểu đoàn 7 nhận nhiệm vụ chặn đánh bọn địch nống ra giải toả hành lang sông Vàm Cỏ Đông. Con sông này, trước đây cũng như trong Chiến dịch Hồ Chí Minh có vai trò chiến lược cực kỳ quan trọng. Đó là con đường thuỷ huyết mạch để bộ đội ta tập kết vũ khí (kể cả vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo) cùng lực lượng các quân, binh chủng để tiến đánh Sài Gòn từ hướng Tây Nam (Đoàn 232, tương đương quân đoàn). Trước đó, một đơn vị bạn đã đánh chiếm căn cứ Lương Hoà nằm án ngữ bên bờ sông. Mất Lương Hoà đồng nghĩa với việc bỏ ngỏ hành lang này để cho ta mặc sức đưa người và khí tài xuống tập kết chuẩn bị cho chiến dịch. Bởi vậy, chúng tìm cách "tái chiếm". Địch huy động 2 tiểu đoàn "Thuỷ quân lục chiến" cùng 4 tiểu đoàn "Bảo an" càn ra, thăm dò để ngăn chặn ta. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng cách Sài Gòn chừng 25 dặm bay từ hướng Tây nam. Nên dù giá nào chúng cũng quyết giữ bằng được.

     Lực lực lượng chúng tôi duy nhất chỉ có một tiểu đoàn bộ binh.Tiếng là một tiểu đoàn nhưng thực tế mỗi đại đội chúng tôi chỉ có 25 đến dưới 30 tay súng mà thôi. Cấp trên tăng cường thêm 1 khẩu 12,7 ly; 2 khẩu ĐKZ 82; 2 khẩu cối 82 ly, còn lại là hoả lực B40, B41, trung liên, AK. Trong khi đó, bọn địch có 6 tiểu đoàn tăng cường. Nếu tính theo biên chế thì địch sẽ đông gấp 12 lần chúng tôi về mặt quân số. (Mỗi đại đội của chúng trên 60 tên), được yểm trợ bởi pháo binh từ Hậu Nghĩa, Bến Lức, Hiệp Hoà, trực thăng và máy bay ném bom.     
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #36 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2013, 03:48:16 pm »

Tám giờ, địch đổ quân bằng tàu chiến (“mặt dựng”). Hai tiểu đoàn “Thuỷ quân lục chiến” đi đầu, tiếp theo là bốn tiểu đoàn “Bảo an”. Chúng cắt bưng đi về hướng trận địa chúng tôi. Mũ sắt loang loáng dưới nắng sớm.

     Đơn vị chúng tôi bố trí đội hình giật cấp. Phía trước bên phải là đại đội 2 tiếp theo là đại đội 3, lùi xuống bên trái là đại đội 1. Hoả lực cối 82, ĐKZ 82 nằm ra phía sau. Khẩu 12,7 ly đặt trên bờ kinh (kênh) phía bên phải đại đội tôi nhằm phát huy tối đa hoả lực khi lâm trận.

     Chín giờ. Chờ cho tốp địch đầu tiên cắt qua trước mặt đội hình phục kích của đại đội 2, B40, B41 phát hoả, tiếp theo là khẩu 12,7 ly nhả đạn như mưa cắt ngang đội hình hành quân của 2 tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến. AK, trung liên, cối và ĐKZ 82 cùng các loại hoả lực ở các đại đội đồng loạt trút vào đầu địch. Sức căng của đạn 12,7 ly với tầm bắn 6 km đã cắt phạt cỏ bưng, xé nát đội hình chúng. Tôi và Đào Xuân Nhuận chung một công sự. Tôi nhảy khỏi công sự bắn liền 2 trái B40 vào đội hình co cụm của địch ở phía trước chừng 30 mét. Rồi băng lên xoay tay lắp quả đạn thứ 3 vào nòng, chuẩn bị bắn. Liếc mắt, thấy Nhuận ôm trung liên chạy sát ngay sau lưng, tôi hét: "Nhuận, tránh!". Cậu ta nhoài người né sang một bên. Tôi nhằm vào chỗ có tiếng la nhiều nhất, siết cò. Một quầng lửa màu da cam trùm lên chỗ đó. Tiếng la hét im bặt. Tôi tiếp tục lao lên, đẩy quả đạn thứ tư vào nòng. Trước mặt lúc này là một con kinh nhỏ rộng chừng 2 mét, nhưng bờ phía tôi thấp hơn nên khi nhảy, bị rơi xuống. Nhuận nhảy theo cũng vậy (trung liên cồng kềnh và nặng). Đánh mắt sang trái, cách chừng 25 mét, thấy lố nhố dưới mương rất đông những chiếc mũ sắt và áo rằn ri. Những họng AR15 đen ngòm chĩa thẳng về phía tôi nhưng tuyệt nhiên không có tiếng nổ hay tiếng rít của đạn. Chúng không dám bắn!? Không phải! Tôi chợt hiểu: AR15 vốn là loại súng bộ binh có tính năng ưu việt, gọn nhẹ, cơ động, phát huy hoả lực tốt, nhưng chỉ thích hợp với địa hình khô ráo. Do nhúng nước bùn nên bị kẹt đạn. Nếu không tôi và Nhuận đã bị hàng chục viên găm vào người và nhận chìm xuống kinh rồi. Tôi nép nhanh vào bờ, quay đầu đạn B40 chĩa vào bọn lính đứng dưới kinh siết cò. Một tiếng nổ và một cột nước vọt cao trùm lên bọn lính. Tôi không kịp nhìn nữa, vội nắm cành bình bát kéo mình lên khỏi lòng kinh. Nhuận leo lên theo. Tôi chạy lên phía trước, dưới chân có khá nhiều xác rằn ri gục chết do trúng đạn AK và B40. Nhụân ôm trung liên lao lên, quạt vào bọn lính đang chạy dạt ra hướng bờ sông Vàm Cỏ. Vượt lên khoảng 20 mét nữa, bất chợt chúng tôi thấy một thằng nằm sấp. Hai tay hắn nắm chặt lấy hai búi cỏ bàng, máu chảy đỏ cả một vùng nước bưng xăm xắp xung quanh chỗ nằm. Nhuận tiếp tục quạt trung liên vào bọn lính phía trước. Còn tôi, dừng lại cảnh giác, rồi cúi xuống nắm một cánh tay tên bị thương, kéo lật ngửa. Hắn dính một viên AK hay trung liên gì đó. Viên đạn xuyên từ sau bả vai phải rồi trổ ra trước ngực chếch lên gần chỗ xương đòn. Bọt máu sủi ra. Hắn bị thủng phổi. Mất nhiều máu. Mặt tái mét.

   Hắn luôn mồm xin tôi tha chết. Tôi hỏi:
   - Tên gì?
   - Dạ... em là... Hoành... Nguyễn ... Văn Hoành...
   - Đơn vị nào?
   - Dạ... Thuỷ quân... lục chiến.
   - Chức vụ?
   - Chuẩn uý... Đại đội phó...đại đội 3... tiểu đoàn 3... - Hắn thều thào.

   Tôi nhìn  trên ve áo hắn. Thằng này khai thật - tôi nghĩ.
   - Súng đâu?
   - Em... Bị thương, chạy... Rơi đâu mất...

    Quả thật, lúc này, ngoài chiếc ba lô nằm bên cạnh, trên người hắn chẳng còn gì. Tôi chợt thấy ái ngại cho hắn. Nếu bị thương nhẹ, tôi đã trói để giải về. Đằng này, hắn đã bị thương quá nặng. Bắn thì không nỡ, vì dù sao hắn cũng là "kẻ ngã ngựa", hoàn toàn mất khả năng tự vệ. Hơn nữa, chúng tôi đang làm chủ trận đánh. Vả lại, tại thời điểm đó, đơn vị chưa hề có ai bị thương vong gì cả. Nếu bắt, làm sao có thể cõng hắn được trong khi đồng bưng ngập nước. Tôi chợt nghĩ: "Mình sẽ khai thác một số thông tin cần thiết rồi phóng thích cho hắn để tương kế, tựu kế làm binh vận. Bọn "Thuỷ quân lục chiến" vốn rất cuồng tín và liều lĩnh. Biết đâu, khi thằng này được tha, chúng sẽ bớt hung hãn hơn. Điều ấy, sẽ có lợi cho trận đánh".

    Tôi hỏi:
    - Băng của mày đâu?
    - Em... Không... biết nữa! - Hắn đáp ngắt quãng.

    Tôi hiểu, khi bị thương, hắn tháo bỏ thắt lưng cho nhẹ để cố chạy. Đến đây, mất nhiều máu quá, kiệt sức, hắn gục xuống. Tôi giật vội 2 cuộn băng cá nhân của mình bên thắt lưng, xé ra, nối lại rồi thò tay định cởi cúc áo để băng, nhưng chật quá. Vậy là tôi cứ để nguyên cả áo, luồn qua nách, băng đại cho hắn.Vừa băng, tôi vừa hỏi:
    - Quê mày ở đâu?
Hắn đáp:
     - Dạ... Gần ngã ... ba ... Kiến Hoà... - Bây giờ, hắn đã biết là tôi không giết hắn, ngược lại, hắn đang được cứu.
    - Tỉnh nào? - Tôi hỏi.
    - Dạ... tỉnh... Kiến Hoà - hắn ngoan ngoãn trả lời.

    Lúc ấy, tôi không hiểu Kiến Hoà là tỉnh nào. Sau này hỏi mọi người, mới biết đó là Bến Tre.

    Băng xong, tôi tháo vội ba lô của hắn, kéo toàn bộ tư trang ra, để đầu hắn gối lên ba lô rồi đắp lên mặt và ngực một cái áo rằn ri. Lúc này, trời nắng gắt, nước bưng nóng như nước sôi. Tôi bảo hắn:
- Mày nằm yên đó! - Hoành nằm im lặng.

    Tôi lấy toàn bộ giấy tờ, phù hiệu, số hiệu sỹ quan cùng một cuốn nhật ký và ảnh (có rất nhiều ảnh khoả thân của phụ nữ cùng những cảnh làm tình của Hoành với các cô gái) đựng trong một cái túi. Đáng tiếc là toàn bộ kỷ vật chiến trường, trong đó có hai cuốn nhật ký của tôi có tên “Dọc đường Chiến tranh” được bắt đầu viết từ ngày11/11/1971 cùng hồ sơ của Hoành bị mất sạch do một trái pháo 105 li rơi trúng “bồng” - một kiểu ba lô cải tiến, vào ngày 26/4/1975.    
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #37 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2013, 03:48:28 pm »

Trong khi tôi băng bó cho Hoành, Nhuận tiếp tục ôm trung liên quạt mạnh vào bọn địch phía trước mặt. Lát sau, Nhuận quay lại nói nhanh: "Rút thôi Sơn ơi! Địch đang tổ chức phản kích!". Tôi nhìn Hoành lần cuối rồi quay lại, cúi xách vội khẩu AR15 bên cạnh xác một tên lính bị bắn nát ngực cạnh đó. Chợt thấy một cái túi vải dù, tôi tò mò, xách lên thấy nặng, đoán là lựu đạn nên thả xuống. Nghe lộp cộp, tôi nghi ngờ, vội mở ra. Ôi, thịt hộp! Có khoảng trên hai chục hộp dò 3 khoanh (loại này rất ngon nhưng mặn). Xách vội lên, tôi chạy một mạch về công sự tránh pháo. Lúc này, pháo từ Hậu Nghĩa, Đức Hoà, Bến Lức đã bắt đầu dội xuống trận địa chúng tôi để bọn "Thuỷ quân lục chiến" liều lĩnh mò vào lấy xác đồng bọn. Bị thua đau, tên Tư lệnh sư đoàn "Thuỷ quân lục chiến" đáp trực thăng đến trực tiếp thị sát và chỉ huy bọn lính. Một trái đạn B41 của đồng chí nào đó bắn đến, nổ trên không, gần chỗ chiếc trực thăng đang bay (B41 có tầm bắn 500 mét, khi hết tầm, nếu không gặp vật cản gì, sẽ tự động phát nổ), nó vội vã chuồn mất. Từ đó đến chiều, chúng tôi vừa ngồi hứng pháo vừa ăn thịt hộp và uống nước bưng. Có vài công sự bị sập, một số đồng chí bị thương do sập hầm, vì đất đồng bưng nhão nhoét.

    Riêng Hoành, sau đó, được đồng bọn đưa ra, rồi chở bằng trực thăng về ngay bệnh viện Cộng Hoà, cứu sống (bệnh viện dành riêng cho quân đội nguỵ, do mụ Sáu Thiệu vợ Tổng thống nguỵ quyền Nguyễn Văn Thiệu, quản lý).

     Bị thất bại nặng, ngay chiều hôm đó, chúng tràn vào nhà máy đường Hiệp Hoà, đập phá nhà máy này rồi lấy mỗi đứa một ba lô đường kính. Viên Giám đốc người Pháp bỏ chạy lên Sài Gòn.

     Hôm sau, chúng tôi được cơ sở báo tin bọn lính kháo nhau rằng: "Ông Hoành thật lớn phước (phúc lớn), bị thương nặng nhưng đã được một ông "Việt Cộng" nào đó ổng băng bó cho, rồi tha mạng...".

    Trận ấy, địch bị tiêu diệt trên 100 tên, 8 tên bị bắt làm tù binh (chưa kể tên Hoành); ta thu nhiều vũ khí. Đơn vị duy nhất chỉ một đồng chí không may hy sinh do cối 82 của ta "đấm lưng" (đất mềm, lún bàn đế nên bị rút tầm) và mấy đồng chí bị thương do pháo địch. Riêng Lưu Xuân Tiết, trung đội trưởng (người đã kéo tôi từ dưới giếng lên ở Gò Nổi) bị một viên đạn găm vào làm gãy đùi phải. Nay Tiết là thương binh nặng đang sinh sống tại xã Hoàng Quế, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh...

     ...Trận đánh lùi vào quá khứ đã 30 năm, nhưng kỷ niệm về nó thì vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi như mới ngày hôm qua. Không rõ số phận viên sỹ quan nguỵ có tên là Hoành, sau ngày ấy đến giờ ra sao?...

Tôi cầu chúc cho anh ta được bình yên, hạnh phúc trong mái ấm gia đình, và có thời gian suy ngẫm về những tháng ngày cầm súng đánh thuê cho Mỹ- nguỵ...

     ... Ngày 24 tháng Tư. Chúng tôi được lệnh phục kích chặn đánh tàn quân của sư 23 nguỵ, tháo chạy từ  Tây Nguyên về đây đã bị bọn chỉ huy thúc ép hành quân nhằm giải toả căn cứ Lương Hoà, đang bị ta bao vây. Căn cứ này án ngữ với mục đích ngăn chặn hướng tiến công của một đơn vị chủ lực thuộc Đoàn 232 đang tiến về Sài Gòn.

     Nơi chúng phục kích gần những khu ruộng mía của dân thuộc địa bàn xã An Thạnh, huyện Bến Lức. Cả ngày hôm ấy và mấy ngày sau, địch vẫn sợ, không dám ra giải toả. Chúng tôi vẫn kiên trì và quyết tâm mai phục để hốt gọn chúng.

     Đêm. Khoảng 12 giờ, khi chúng tôi còn chập chờn trong giấc ngủ, bỗng tiếng rít xé không khí của đại bác 105 ly bắn đến từ Bến Lức. Liền đó là những tiếng nổ chói tai vang lên. Khói trùm lên khu rừng tràm lúp xúp. Mảnh pháo bay vèo vèo, chặt phạt những cây tràm quanh chúng tôi. Tôi và Nguyễn Văn An (quê Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu) nằm chung một công sự. Dứt tiếng nổ, tôi chợt nghe tiếng rên nho nhỏ, liền bảo với An: "An ơi, lên xem thử có ai bị thương không? Sao tớ nghe có tiếng rên!?" An chần chừ không dám ra khỏi công sự. Tôi vội lao lên trong khói đạn mù mịt, rồi chạy ngay đến nơi có tiếng rên. Thì ra, đó là chỗ ngủ của Đồng (quê Diễn Kỷ, Diễn Châu) và Thuất (quê Bắc Thái). Hai người là nuôi quân đại đội. Một trái pháo nổ cách chỗ nằm chừng 1,5 mét. Xoong nồi văng tứ tung. Tăng, màn đổ sụp xuống che lấp họ (nếu nằm dưới công sự như chúng tôi thì chắc họ không chết). Nghe tiếng rên... tôi vội kéo đám tăng màn đẫm máu ra, rồi bước vào. Bàn chân tôi ngập trong máu nóng hổi của hai người (vì họ lót tăng nilon xuống dưới chỗ nằm nên máu đọng lại). Trời tối, không nhìn thấy gì. Chỉ có mùi tanh của máu quyện với mùi thuốc đạn khét lẹt. Tôi cúi xuống lay gọi thì một người đã hy sinh. Người kia vẫn còn rên, nhưng tiếng rên nhỏ dần. Tôi sờ nắn khắp thân thể rồi sờ lên đầu, chợt chạm phải một vật gì rất sắc, ngỡ đó là mảnh pháo găm vào nên cố sức rút ra nhưng không thể được. Tôi đành để hai người nằm đó, rồi chạy ngay đến công sự của Ban chỉ huy đại đội, ở phía sau cách chừng 50 mét, gọi anh Tống Minh Sướng, chính trị viên, quê Hà Bắc và anh Nguyễn Văn Lợi đại đội trưởng, quê Quảng Ninh cùng cậu Hệ, y tá quê Tuyên Hoá, Quảng Bình dậy. Tất cả vội chạy đến nơi hai đồng chí bị trúng pháo. Họ soi đèn pin vào chỗ hai người. Đồng đã chết từ lúc nào, còn Thuất đang rên nho nhỏ. Tôi bảo Hệ rọi đèn vào đầu Thuất. Đầu cậu ta vỡ toác, một mảnh xương lòi trắng hếu mà ban nãy tôi tưởng là mảnh pháo nên đã cố sức rút ra mà không được. Máu và óc lẫn bết vào tóc. Tất cả im lặng! Không còn cách gì có thể cứu Thuất được nữa! Tiếng rên nhỏ dần rồi tắt hẳn. Thuất đã trút hơi thở cuối cùng. Tôi vuốt mắt cho Thuất rồi cùng mọi người bế họ ra khỏi vũng máu.
Logged

Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM