Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 06:40:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người lính Việt trong Thế chiến 2  (Đọc 25969 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #50 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2013, 05:26:15 pm »

Một trường hợp người ta cũng cho đó là cơ hội bị bỏ lỡ khi thời nhà Nguyễn, tàu Mĩ đến Đà Nẵng tỏ ý muốn giao thương, đặt quan hệ giữa 2 nước năm 1845. Vậy thực chất nó là thế nào ?  Bác tuanb5 thử xem bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân người Huế xem ý ông ấy đúng sai ra sao :

Trích

Tàu Constitution của Hoa Kỳ mở đầu cuộc chiến tranh
thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam thời Nguyễn


NGUYỄN ĐẮC XUÂN
http://sachhiem.net/NDX/NgDacXuan.php

   22 tháng 10, 2008
Sử sách đã nói nhiều đến chuyện quân viễn chinh Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược Việt Nam tại Đà Nẵng vào ngày 1.9.1858. Sự thật thì trước đó 13 năm (1845) một chiếc tàu Mỹ đã tạo điều kiện cho thủy quân Pháp đánh phá Việt Nam dữ dội rồi. Qua các nguồn tư liệu của triều Nguyễn, của các sử gia Pháp, Việt Nam và Mỹ, chúng tôi xin trình bày tóm lược sự kiện lịch sử ấy như sau:

Trong một cuộc hành trình đến vùng biển châu Á năm 1845, thuyền CONSTITUTION (thường gọi là Old Ironsides) của Hoa Kỳ (sử triều Nguyễn gọi là Hoa-Cân hay Ma-ly-can) cập bến Đà Nẵng. Thuyền trưởng là John Percival đến liên hệ với các quan lại phụ trách ở địa phương xin được tiếp xúc với triều đình Việt Nam để đặt mối giao hảo. Được tin, vua Thiệu Trị ở Kinh cử ngay viên ngoại lang Nguyễn Long đi hỏa tốc vào Đà Nẵng hiệp cùng Kinh lịch thuộc viên ở tỉnh là Nguyễn Dụng Giai đến thăm hỏi, làm việc với Percival.



Tin thuyền Mỹ vào Đà Nẵng đến tai giám mục Dominique Lefèbvre đang bị giam cầm ở ngục thất Huế. Giám mục liền viết một phong thư nhờ tín đồ Thiên chúa giáo là Nguyễn Văn Thất bí mật đem vào cho Percival yêu cầu người Mỹ can thiệp cho Giám mục được tự do. Người đem thư không may bị quân của Triều Nguyễn bắt được. Với tội “ngầm thông tin tức với thuyền nước ngoài. Thất bị chém bêu đầu và rêu rao khắp nơi cho mọi người biết”. Thông tin này đến tai thuyền trưởng Percival. Vì lòng trung thành với phương Tây và đạo Thiên chúa, Percival đã thực hiện một hành vi thô bạo trong lúc ngoại giao. Y đã dùng vũ lực bắt tất cả các quan lại Việt Nam đang giao thiệp với y xuống tàu làm con tin. Y bảo chỉ thả những người này sau khi được tin Giám mục Lefèbvre đã ra khỏi ngục thất.

Vua Thiệu Trị cho rằng Percival đã xúc phạm đến quốc thể Việt Nam. Ông nhất quyết không thực hiện sự đổi chác do người Mỹ này đưa ra. Tinh thần cấm đạo Thiên chúa, chủ trương “bịt cửa quan, cấm cửa cảng” của nhà vua thêm một lần được củng cố.

Biết không thể khuất phục được nhà nước Việt Nam bằng “con tin”, Percival sau một vài tuần khiêu khích ở Đà Nẵng đã ra lệnh thả các “con tin” và nhổ neo ra đi.

Sau thời điểm đó, vua Thiệu Trị cho rằng để Giám mục Lefèbvre trong tù còn nguy hiểm hơn là trả tự do cho ông, nhà vua cho phóng thích Lefèbvre và buộc nhà truyền giáo này phải đi Singapore. Lefèbvre rời Việt Nam được ít lâu rồi lại bí mật trở lại tiếp tục công việc giảng đạo mở rộng nước Chúa của ông [1].

Còn Ngoại lang Nguyễn Long và Kinh lịch Nguyễn Dụng Giai về triều thì bị vua Thiệu Trị khiển trách là thụ động: “bị người Ma-ly-can dọa nạt sao không biết chống cự?”. Hai ông đều bị cách lưu.

Rời Đà Nẵng mà không cứu được người đồng chủng, Percival rất ức. Y đón tàu của hải quân Pháp ngoài khơi kích động các tướng tá Pháp rằng “Giám mục Lefèbvre và người theo đạo Thiên chúa đang bị triều đình Huế bách hại hãy mau chân vào cứu!”. Người đứng đầu lực lượng hải quân Pháp ở biển Đông lúc ấy là đại tá Cécille.

Nhờ Hiệp ước Nam Kinh (1842), Anh quốc chiếm được Hồng Kông và mở năm cửa cảng. Pháp cũng nhận được các mối lợi tương tự qua Hiệp ước Hoàng Phố (1844), ngoài ra còn được Trung Hoa hứa cho tự do truyền đạo. Các nhà truyền giáo nhân đó nghĩ đến việc thúc đẩy các lực lượng quân đội Pháp can thiệp vào Việt Nam để có những đặc nhượng tương tự.

Trong lúc hải quân Pháp đang tìm một cái cớ để gây hấn với triều đình Huế thì họ gặp Percival. Hải quân Pháp vớ ngay cái lý do Việt Nam đang bách hại người Tây phương và con chiên Thiên chúa giáo, họ liền tràn vào để cứu người đồng chủng và yêu cầu triều đình Huế thực thi chính sách tự do truyền đạo.

Đầu năm 1847, trung tá de Lapièrre thay thế đại tá Cécille. De Lapièrre sai trung tá Rigault de Genouilly với một lá tối hậu thư viết cho vua Thiệu Trị. Lapièrre cho tàu chiến Gloire chạy theo sau tàu của Rigault. Nội dung lá thư trách cứ nhà nước Việt Nam rất nặng nề và đòi Việt Nam phải cho phép tự do giảng đạo Thiên chúa giáo như ở Trung Hoa. Quan tỉnh Quảng Nam ghi việc tâu lên. Vua Thiệu Trị sai tả thị lang bộ Lễ Lý Văn Phức vào ngay Đà Nẵng hiệp đồng cùng với tuần phủ Nguyễn Đình Tân, lãnh binh Nguyễn Đức Chung gặp hải quân Pháp, định ngày tiếp xúc.

Đến ngày hội thương, đại tá de Lapièrre (nhà Nguyễn gọi là Lạp-biệt-nhĩ) dẫn một đoàn “đồ đảng”, kẻ đeo gươm, người cầm súng đi thẳng vào công quán Việt Nam, quân hầu Việt Nam ngăn lại không cho vào. Chúng trao cho Lý Văn Phức một lá thư. Vì biết lá thư ấy xúc phạm đến quốc thể, Phức không dám nhận. Lạp-biệt-nhĩ quát tháo đe dọa, đặt lá thư trên ghế rồi bỏ đi.

Lý Văn Phức sợ hãi chạy về cấp báo với Triều đình. Vua Thiệu Trị khiển trách Phức đã “làm mất quốc thể” bắt giải chức, đóng gông, đem giam vào Tả đãi lâu, giao cho đình thần nghỉ xử. Khi Lý Văn Phức đi Huế, bọn hải quân Pháp tha hồ lên đất liền tiếp xúc với những người có đạo ở Đà Nẵng. Có 5 chiếc thuyền Việt Nam chuẩn bị đi miền Nam là Kim Ung, Phấn Bằng, Linh Phượng, Thọ Hạc, Vân Bằng còn đậu ở vũng Trà Sơn, thủy quân Pháp tưởng đó là những tàu chiến chuẩn bị tiến công tàu Pháp, thủy quân Pháp nổ súng tiến đánh các tàu Việt Nam. Các tàu Việt Nam bắn lại và các súng lớn trên các đồn ải chung quanh cảng Đà Nẵng trút đạn lên tàu hải quân Pháp. Sự kiện đó xảy ra vào ngày 14-4-1847. Gây tội ác xong, sáng ngày hôm sau de Lapièrre và Rigault de Genouilly cho hai chiếc tàu nhổ neo rời Đà Nẵng. Sự kiện này làm cho triều đình vua Thiệu Trị rất đau đầu. Thủ phạm châm ngòi làm bùng nổ cuộc chiến tranh Pháp Việt là một người Mỹ - John Percival. Được tin Percival gây hấn ở Việt Nam, Tổng thống Mỹ James Knox Polk (1845-1849) rất phẩn nộ. Percival không những không hoàn thành được nhiệm vụ tìm hiểu mà còn làm cho triều đình Việt Nam bất bình. Sử nhà Nguyễn cho biết, đầu năm Tự Đức thứ 3 (1850):

“Sứ nước Ma-ly-căn ở Tây Dương là Ba-ly-chi (không rõ tên tiếng Anh) chở một thuyền đến biển Đà Nẵng mang thư của nước ấy đến tạ lỗi, xin thông thương. (Trong thư nói: Bốn năm trước thuyền nước ấy đến nước ta lên bờ giết người, vua nước ấy (tức Tổng thống Mỹ) đã đem trưởng thuyền làm tội rồi; nay mong bỏ hết oán cũ đi, cho được thông thương hòa hảo” (Thực lục tập XXVII, tr.215).

Tài liệu lịch sử của Mỹ cho biết người xin lỗi triều đình Việt Nam là Tổng thống Zachary Taylor (1849-1850). Lời xin lỗi của Tổng thống Mỹ không lay chuyển được tinh thần cảnh giác của vua quan nhà Nguyễn. Bởi thế, vua Tự Đức nối nghiệp vua cha Thiệu Trị đã sai Tổng đốc Quảng Nam là Tôn Thất Bật và án sát Ngô Bá Hy (do Hoàng Văn Nghị làm thông ngôn) tìm cách từ chối không nhận thư xin lỗi của Mỹ. Ba-ly-chi khẩn thiết nói: “Nếu không đề đạt được lá quốc thư này lên Hoàng đế Việt Nam thì thuyền ông không dám trở về”. Tôn Thất Bật miễn cưỡng phải nhận thư từ chối mọi việc giao hảo khác. Ba-ly-chi xin đi tham quan núi Ngũ Hành rồi quay thuyền về.

Trong thời gian lưu lại cảng Đà Nẵng, một thủy thủ tàu Constitution tên là William Cook qua đời, hạm trưởng John Percival, xin phép quan trấn thủ thành Ðà Nẵng chôn cất dưới chân Núi Khỉ nằm trong rặng Sơn Chà. Sự kiệb ấy được ông George Thomas, thợ mộc trên USS Constitution ghi lại trong nhật ký của ông “William Cook qua đời và được chôn trên bán đảo với tất cả những nghi lễ cần thiết. Cờ trên chiến hạm hạ xuống nửa cột để tang cho thủy thủ Cook. Ðêm xuống nhiều tàu lớn [Việt Nam] thả neo chung quanh chiến hạm Constitution nhưng không quá gần, để có thể đổ bộ sang Constitution. Hạm trưởng John Percival trước khi rời cảng đã tặng cho các tu sĩ Phật Giáo tại địa phương 2 Mỹ kim để lo chăm sóc phần mộ của thủy thủ Cook”. (theo Trần Trung Sáng, NguoiVietBoston.com). Có thể xem William Cook là người lính Mỹ đầu tiên chết ở Việt Nam [2].

Việc tàu Constitution đến cảng Đà Nẵng năm 1845 là một sự kiện mở đầu cho trang sử triều Nguyễn đương đầu với đạo Thiên chúa và thực dân phương Tây. Vì thế mới đây (2007) có dịp sang Boston (Massachusetts, Hoa Kỳ) tôi đã đến tìm hiểu thêm về con tàu gây hấn “lịch sử” Constitution nầy (còn gọi là Old Ironsides).


Trước tàu Constitution ở Boston. Ảnh NBC

Bến tàu Constitution trong khu vực Công viên Lịch sử quốc gia Boston (Boston National Historical Park). Đấy là một chiếc tàu với ba cái cột buồm cao ngất. Tôi không tưởng tượng được chiếc tàu đã gây hấn ở Đà Nẵng năm 1845 lại lớn đến vậy.

Theo tài liệu trưng bày trong nhà Bảo tàng, chiến hạm được đóng vào năm 1794 tại Boston và được Quốc Hội Hoa Kỳ ra quyết định hạ thủy vào năm 1798, đích thân chính Tổng thống Mỹ phất cờ ra lệnh cho tàu hạ thủy lần đầu tiên. Võ tàu bằng sắt dày rất vững chắc, thành tàu mở nhiều cửa để đặt súng đại bác vì thế tàu Constutution còn có tên Tàu thành sắt cổ (Old Ironsides). Các cột buồm tàu Constitution là các cây gỗ cứng rắn chắc được chọn từ khắp nước Mỹ. Trên tàu đặt 54 khẩu đại bác. Constitution là “thủy tổ” của hạm đội Mỹ trên các đại dương ngày nay.

Tổng thống Mỹ trong ngày hạ thủy tàu Constitution (Old Ironsides). Ảnh tài liệu của Bảo tàng Hoa Kỳ.

Là một người đã dày dạn kháng chiến, có dịp tham quan tàu bè nhiều nơi ở Việt Nam và thế giới đầu thế kỷ XXI, mà lần đầu tiên tận mắt thấy Constitution tôi vẫn hết sức kinh ngạc. Thế mà 162 năm trước (1845-2007) thủy quân triều Nguyễn nhỏ bé dám đánh nhau với tàu Constitution thì quả thực quân đội ta lúc ấy cũng đã anh hùng rồi. Bảo tàng lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX không thể thiếu hình ảnh tàu Constitution.

Sự kiện tàu Constitution đến cảnh Đà Nẵng năm 1945 không phải là một sự kiện lịch sử lớn. Tuy nhiên nó đã bộc lộ cái tính chất đích thực của đối phương mà cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước suốt 130 năm từ cuối đời vua Thiệu Trị cho đến ngày Việt Nam hòan tòan được giải phóng (1845-1975) phải đương đầu. Cái tính chất đó là: Đạo Thiên chúa và thực dân đế quốc phương Tây dựa vào nhau để bành trướng ở Việt Nam. Nếu không nghiên cứu kỹ vấn đề nầy thì không thể giải thích được một cách đúng đắn việc mất nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Rất tiếc là giới sử học Việt Nam cho đến nay vẫn còn thấy “lấn cấn” khi đề cập đến đề tài nầy. Bao giờ thì giới sử học Việt Nam mới trả được món nợ nầy đối với dân tộc Việt Nam ?

Gác Thọ Lộc, Tháng 9.2008

Chú thích

[1] Giám mục Lefèbre cũng là người giới thiệu Trường Vĩnh Ký vào làm việc cho Pháp: “Tháng 12-1859 Jauréguiberry trở vào nội thành (Sài Gòn) mở rộng diện chiếm đóng ra Chợ Lớn. Nó thiếu một thông ngôn và cậy Giám mục Lefèbre tìm. Ông nầy chỉ Trương Vĩnh Ký. Trương Vĩnh Ký đưa tay’ (Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký con người và sự thật, Tp HCM 1993, trang 17)

[2] Theo Trần Trung Sáng, (NguoiVietBoston.com). Mới gần đây một toán chuyên viên và cựu chiến binh Hoa Kỳ đi tìm lại dấu tích của Người Lính Mỹ Ðầu Tiên Chôn Trên Ðất Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

-VietNam, The Valor and the Sorrow ( Việt Nam dũng cảm và xót đau)

-Đại Nam Thực Lục CB, các tập XXV, XXVI, XXVII của QSQ Triều Nguyễn,

-Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim,

-Hòang Việt Giáp Tý Niên Biểu của Nguyễn bá Trác,

-Từ điển Bách khoa Bratannica 2002 (Đĩa CD)

-Quốc Triều Chính Biên

-“Ðà Nẵng, nơi an nghỉ của người lính Mỹ đầu tiên” của Trần Trung Đạo, trích NguoiVietBoston.com

-Web: http://www.ussconstitution.navy.mil/

- Tài liệu điền dã ở Boston (Massachusetts)

Thôi trích.

Xem ra người Việt "bướng" ra phết, chỉ tiếc thời đó nhà Nguyễn không tự mình canh tân được như nước Nhật.
Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #51 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2013, 07:18:33 pm »


nước Mỹ bỏ lỡ cơ hội đồng hành với Việt Nam

Hihi, bác nhà báo vui tính thật đấy.

Vụ tàu Mỹ năm 1845, tôi chả thấy nhà Nguyễn có sự “bỏ lỡ” gì ở đây cả. Vả lại, triều đình Huế khi ấy đã làm tất cả những gì có thể-Dĩ nhiên theo cách nhìn nhận vấn đề của  nhà Nguyễn lúc đó.

Có người sốt ruột cho sự trì trệ kéo dài của đất nước trong giai đoạn đó: Dân tình đói khổ, loạn lạc liên miên. Ngoại bang o ép. Và người Mỹ đã đến, Họ sẽ mang lại sự thay đổi thần kỳ?

Nhưng theo tôi, chả thể nào đốt cháy giai đoạn 1 cách dễ dàng đến vậy đâu. Điểm mấu chốt để canh tân đất nước lúc ấy, nhà Nguyễn phải cải cách toàn diện xã hội và chính trị: Chuyển từ chế độ quân chủ phong kiến đã tàn tạ, sang chế độ quân chủ lập hiến. Bỏ kiểu thi cử văn chương thơ phú mà phải chọn thực tài, cử họ sang phương Tây học hỏi. Phát triển buôn bán. Mở cửa bang giao rộng rãi, cho hết kiểu tự đóng cửa mà rằng:  Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta. Hoặc thói mẹ hát con khen hay theo lối tiểu nông…vv

Khi dân giầu, nước mạnh, khoa học phát triển. Dẫu có “bướng”, có xua tàu nước ngoài  đi, nó chả vẫn sán lại ấy chứ Grin. Lúc ấy mới có thể tiếc rẻ cho nước nào đó bị “bỏ lỡ” dịp may được "chơi" với ta. Có phải không ạ. Grin

Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #52 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2013, 10:00:13 pm »

Nhất trí với bác tuanb5. Công nhận cha nhà báo thông minh thật.
Còn cũng có thể gọi đó là cơ hội. Nhật cũng bị các nước Mỹ, Anh, Pháp dùng chính sách pháo hạm ép phải mở cửa và họ đã tự lột xác mình. Gần đây hơn thì Nam Hàn. Bộ trưởng Bộ "Quyền lực" bác Bùi Quang Vinh đã nói người Việt rất giỏi, ta sẽ chẳng kém gì 2 thằng ấy. Cũng đúng, chúng nó cứ phải vác tiền sang cho mình tiêu thì mình hơn đứt chúng nó là cái chắc.
Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #53 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2013, 11:15:36 pm »

"Oánh" xông từ Pháp thông sang Đức, Áo, "oánh" tuốt lên tận Phần Lan, Na Uy khắp vùng Tây Âu cả, chán rồi "oánh" tiếp về tận Hạ Lào.


Đã lâu mới xem lại trang này, đọc thông tin của bác BY rồi chợt nhớ ra. Quả thật, trong Thế chiến 2 đã xảy ra 1 cuộc chiến tranh không tuyên bố giữa Thái Lan (được hậu thuẫn của phe Trục Đức, Ý, Nhật) và 3 nước Đông Dương anh em Grin (được sự hậu thuẫn của Pháp-Phe Đồng minh). Chiến tranh bắt đầu từ tháng 9-1940 và kết thúc bằng 1 hiệp định hòa bình được ký kết ngày 9-5-1941.

Do tầm mức không lớn, lại lọt thỏm trong 1 cuộc Đại chiến Thế giới nên có rất ít tài liệu ghi lại cuộc chiến tranh này. Hơn nữa, nó diễn ra chủ yếu ở biên giới Thái-Lào,K.
Cụ thể, bên đất K trận chiến diễn ra ở Battambang (Samrong, Sisophon). Bên Lào khu chiến trải khá dài rộng, từ Bắc xuống Nam Lào (Paklay, Pakse, MeKong)

Về tương quan lực lượng tham chiến, phía Thái Lan nhỉnh hơn. Họ có 44 tiểu đoàn bộ binh. Hải, Lục, không quân được trang bị tốt, kể cả xe tăng hạng nặng Landswerk 8 tấn với súng 100mm.
Phía Đông Dương có 41 tiểu đoàn bộ binh (tính cả 4 tiểu đoàn mới về nước, cập cảng Hải Phòng và Sài Gòn). Trang bị vũ khí có phần thua sút đối phương. Đặc biệt lực lượng không quân Pháp rất yếu do bị Nhật cướp mất phần lớn thiết bị để trao cho quân Tưởng Giới Thạch.

Ở mặt trận Nam Lào, từ ngày 12 đến ngày 19-1-1941 sảy ra 1 trận đánh lớn. Có sự tham gia của xe tăng và máy bay. Cả 2 bên đều tổn thất và bất phân thắng bại. Không biết Ông của bác BY có tham gia trận đánh này không? Grin
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #54 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2013, 11:55:19 pm »




Xe tăng Landsverk do Thụy Điển chế tạo được sử dụng rộng rãi trong thế chiến 2.
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM