Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:47:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồ Chủ Tịch và công tác ngoại giao của nước VNDCCH trong giai đoạn 1945-1946  (Đọc 16591 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 07:49:22 pm »

Chủ đề này tập hợp thông tin và hình ảnh về hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn sau khi thành lập nước VNDCCH và trước ngày "Toàn quốc Kháng chiến" 19/12/1946.

Để mở đầu, xin trích làm tư liệu thảo luận nhật ký hành trình của Cụ Hồ tại Pháp năm 1946 (cpv.org).


Cùng người lớn với khẩu hiệu trên tay, các em thiếu nhi Việt kiều trong trang phục dân tộc chào đón Bác Hồ tại sân bay Lơ Buốc Giê, ngày 22.6.1946. Nguồn: daibieunhandan.vn

Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp

Hồ Chí Minh toàn tập
Tập 4 (1945 -1946)

Đ.H.viết

BỨC THƯ GỬI CHO HAI EM

Em Xuân và em Lan,

Chắc các em cũng như tất cả thanh niên, tất cả đồng bào. Các em yêu nước cho nên các em yêu mến Cụ Hồ. Vì Cụ Hồ chỉ biết có nước chứ không biết có mình. Vì nước có cụ Hồ mà làm cho chúng ta càng yêu mến nước.

Anh còn nhớ hôm nọ, cả ngày hai em tỏ vẻ bǎn khoǎn. Hỏi ra mới biết: hai em nghe nói Cụ Hồ ho. Hôm sau hai em vội vàng gửi gói thuốc ho biếu Cụ. Em Nhàn và mấy chị em khác cũng làm như các em.

Khi phái đoàn ta qua Pháp khai hội thì Chính phủ Pháp mời Cụ Hồ qua chơi. Thấy nói Cụ đi bằng tàu bay thì hai em tò mò hỏi han: Đi máy bay có nhọc mệt không? Mấy ngày đến nơi? Thậm chí có bạn em lại rủ nhau viết thơ cho Cụ, xin Cụ cho đi.

Ngày Cụ sắp lên đường, gió mưa như trút, và dù hai em ở xa, hai em cũng cố đi biểu tình cho được. Không khác gì cả, chỉ mong được đi đến Học xá, được trông thấy Cụ Hồ.

Các máy bay còn đương bǎng đường sang châu Âu mà anh đã tiếp được những bức điện của các em và các đoàn thể đánh theo hỏi thǎm tin của Cụ.

Những việc nhỏ đó tỏ cho anh biết rằng: hai em và các bạn luôn luôn nhớ Cụ Hồ, muốn biết Cụ mạnh giỏi thế nào ? Ǎn uống ra sao? Đi những đâu? Gặp những ai? Nói những chuyện gì? Người nước Pháp đối với Cụ thế nào? Người các nước khác đối với Cụ thế nào? Biết bao nhiêu là câu hỏi muốn được trả lời.

Mấy bạn anh và anh được cái may theo Cụ sang Âu châu. Cho nên muốn các em vui lòng - nhưng phải chǎm học nữa vào cơ!- chúng anh tặng các em món quà này. Chúng anh ghi chép hành trình và công việc mỗi ngày của Cụ gửi về cho các em xem. ồ như anh đã trông thấy Xuân và Lan cười, đòi xem ngay, đây các em đọc.

Đ.H.

I

Chặng bay đầu tiên: Gia Lâm - Pégou 1.368 cây số -
Phong cảnh thành phố Calcutta - Lòng yêu nước của kiều bào ta ở bên nước Ấn Độ

Ngày 31 tháng 5

Từ tờ mờ sáng, hai bên đường từ Hà Nội sang Gia Lâm, anh em tự vệ đã đứng gác, cách 10 thước một người. Quần chúng rất đông.

Trong trường bay Gia Lâm, bộ đội ta, bộ đội Pháp, các đoàn thể, các bà con và đại biểu Hoa kiều đã chờ sẵn để tiễn chân Hồ Chủ tịch và phái đoàn. Khi xe Cụ Chủ tịch tới, tiếng hoan hô nổi dậy không ngớt. Cụ Chủ tịch, ông Phạm Vǎn Đồng, tướng Valuy và tướng Salan đi duyệt qua hai đạo binh Việt và Pháp. Quốc ca hai nước nổi dậy hùng hồn. Sau đó, các đại biểu tặng hoa. Hồ Chủ tịch cùng mọi người bắt tay ân cần từ biệt, rồi bước lên máy bay.

Hai chiếc máy bay Dakota kiểu Mỹ từ từ mở máy. Trên máy bay và dưới đất, khǎn tay vẫy lên như bướm bay, giữa tiếng hoan hô và tiếng máy nổ ầm ầm. Máy bay lượn quanh vòng rồi vượt nghiêng về phía tây.

Một chiếc cho anh em phái bộ. Một chiếc trên có Hồ Chủ tịch với ông Phạm Vǎn Đồng, ông Hoàng Minh Giám, bác sĩ Nguyễn Vǎn Luyện, ông Nguyễn Đệ và hai tuỳ tùng của Cụ Chủ tịch là các ông Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Đình Thiện, cùng với tướng Salan, ông Darcy, đại uý Cartier. Những người làm tàu, có trung uý Oignon, ông Sehacgla, thiếu uý Séguineau, thiếu uý Poicar coi vô tuyến điện, ông Dumas coi máy. Máy bay Dakota trung bình mỗi giờ bay chừng 280 cây số. Hôm nay bay từ Hà Nội đến Pégou, một trường bay gần Rangoon (kinh đô Diến Điện) đúng 1.368 cây số.

Khi gần đến Rangoon gặp cơn giông, phải bay cao hơn 4.000 thước tây. Vì vậy mà có người lạnh, mà khó thở, đau lỗ tai.

Trường bay cách thành phố Rangoon xa, đi lại không tiện. Phải ngủ lại ở Pégou. Nhà ngủ rộng rãi, thoáng mát, có đủ điện, nước. Sự ǎn uống thì do người Anh cung cấp. Họ tiếp đãi một cách rất lịch sự.

Sân trường bay này khác với những trường bay khác, toàn lót bằng những tấm sắt mỏng, lỗ chỗ những lỗ tròn to bằng cá ũi bát. Mỗi tấm sắt rộng chừng một thước, dài hai thước tây. Họ lót cặp díp trên một tấm, dưới một tấm. Sân bay xây bằng cách này thực tiện và mau chóng hơn làm bằng đá hoặc ciment.

Ngày 1 tháng 6

Sớm dậy, sau bữa lót dạ, bay đến Calcutta thì nghỉ lại. 1.093 cây số.

Khi đến trường bay, có một thiếu tá người Anh coi trường bay, cùng với đại biểu Toàn quyền Anh và lãnh sự Pháp đến đón chào Hồ Chủ tịch. Lãnh sự Pháp đưa Cụ đến nghỉ tại lữ quán lớn nhất ở Calcutta là lữ quán The Great Eastern. Sẽ nghỉ lại ở đó hai ngày.

Ngày 2 tháng 6

Cụ Chủ tịch đi thǎm vị Toàn quyền Anh, rồi đi xem thành phố Calcutta.

Thành phốalcutta rất rộng, hơn 4 triệu người. Trong lúc chiến tranh, quân đội Anh và Mỹ đóng ở đó rất đông. Bây giờ đã rút bớt nhiều. Có từng dãy phố cửa hàng vuông vắn chừng một thước tây, như một cái hòm. Hàng hoá sắp chung quanh, người chủ ngồi xếp bằng chễm chệ ngồi chính giữa tưởng như không bao giờ đứng dậy và cũng không có chỗ mà đứng dậy bước ra được nữa! Lại có 1 cửa hàng cũng vuông và to đúng như thế chồng trên cửa hàng đó.

Ngoài đường, từng lũ bò tự do đi nghênh ngang. Có lúc chúng nằm ngổn ngang giữa đường đi hoặc ngay trước hè phố. Người ta để mặc, không ai dám động đến, vì người ấn Độ xem bò là vật thiêng liêng.

Theo phong tục ở đây, đàn bà con gái rất ít đi ra ngoài. Buổi chiều gió mát, ngoài đường đông đặc đàn ông, nhưng không thấy đàn bà. Chiều hôm nay có cuộc đá bóng, hàng vạn người đi xem, mà không thấy một người đàn bà nào.

Tại các quán cơm, trong phòng đầy những người hầu. Một bàn 4, 5 người khách, cũng có đến 4, 5 người hầu.

Được tin Hồ Chủ tịch đến Calcutta, các báo ấn Độ và báo Anh đến phỏng vấn, và đǎng ảnh với tiểu sử của Hồ Chủ tịch. Họ mời Cụ Chủ tịch đến chơi, nhưng vì ít thì giờ Cụ chỉ đến thǎm được một báo. Cả toà soạn và công nhân xúm xít lại chào đón và tiếp đãi một cách thân mật. Các báo ấn Độ đều tỏ ý đồng tình với cuộc vận động độc lập của Việt Nam.

Có mấy kiều bào ta ở các tỉnh, nghe tin Hồ Chủ tịch đến Calcutta, cũng vội vã vượt mấy trǎm cây số về yết kiến. Nói chuyện mười phút đồng hồ, rồi lại vội vã ra về. Việc nhỏ mọn ấy cũng đủ tỏ tấm lòng yêu nước của đồng bào ta ở ngoại quốc.

Ngày 3 tháng 6

Hôm nay ông chủ tỉnh Chandernagor mời Hồ Chủ tịch đến chơi. Chandernagor là một thuộc địa của Pháp cách Calcutta chừng 60 cây số. Thật ra có thể nói thị trấn này là một bộ phận của Calcutta, vì từ Calcutta đến Chandernagor có nhà cửa phố xá liền nhau. ở Chandernagor rất yên tĩnh, buôn bán ít, không ồn ào như ở Calcutta. ở đây người ta cũng tiêu tiền ấn Độ, chứ không có tiền riêng.

Ông chủ tỉnh là một người thanh niên hoạt bát và nhã nhặn. Cả tỉnh chỉ có 4, 5 người Pháp. Hôm nay dân Chandernagor đang bầu cử một người nghị viên để tham gia quốc hội Pháp. Tất cả nǎm tỉnh thuộc địa Pháp ở ấn Độ được bầu một nghị viên. Ông nghị này là người ấn Độ.

ở Chandernagor, cũng có uớc 20 người kiều bào ta, vừa đàn ông, đàn bà và trẻ con. Trước kia ở Vân Nam, sau người Pháp đem về ở Chandernagor. Mọi người đều ở chung một nhà. Khi Cụ Chủ tịch đến thǎm, anh chị em vui mừng và cảm động lắm. Lúc Chủ tịch về, mấy chị phụ nữ cảm động khóc nức nở cố muốn giữ Cụ ở lại.

Buổi chiều, Cụ Chủ tịch thết tiệc Lãnh sự Pháp và những người tai mắt Pháp ở Calcutta và Chandernagor.

II

Từ ấn độ sang miền tiểu Á - Ai Cập, đất Anh đóng quân,
nhưng Ai Cập không dự chiến - đi xem "thành phố ma".

Ngày 4 tháng 6

Bay từ Calcutta tới Agra. Chừng 1.630 cây số.

Khí trời rất nóng.

Buổi chiều, Cụ Chủ tịch và anh em phái đoàn đi xem mấy nơi cổ tích ở Agra:

1. Lâu đài Delhi Gate do vua ấn Độ là Schab Djihan xây đắp từ thế kỷ thứ 17. Lâu đài này làm toàn bằng đá, rất to lớn và rộng rãi; kiến trúc rất khéo.

2. Lǎng Taj Mahab của bà Noor Mahab, vợ vua Schab Djihan xây bằng đá trắng. Chung quanh có vườn rộng, cây cối um tùm. Trước cửa có đài vuông cũng xây bằng đá trắng, giữa đài có hồ nước. Từ đài vào đến lǎng, hồ nước dài hơn hai trǎm thước, bờ hồ cũng toàn bằng đá trắng. Nền lǎng rất cao. Bốn góc có bốn tháp tròn, cũng bằng đá trắng, trong có bực thang lên đến ngọn tháp. Lǎng to lớn như một toà nhà vuông, hai từng trên, một từng hầm. Chạm trổ tỷ mỷ. Đi vào xem phải tháo giầy hoặc mang dép vải của những người ấn Độ chực sẵn cho thuê nơi cửa. Từng trên thì để mả giả. Dưới hầm mới chính là mả thật. Đứng bên mả mà nói to thì có tiếng vang dội khắp cả lǎng. Thường ngày có nhiều người Ấn Độ vào cầu nguyện.

Ngày 5 tháng 6

Từ Agra bay đến Karachi, 1.140 cây số.

Ông Tổng đốc người Anh là Sir Mudi mời Cụ Chủ tịch đến nghỉ tại Phủ tổng đốc. Anh em phái đoàn thì ngủ tại lữ quán. Buổi trưa, quan tuỳ tùng đưa Cụ Chủ tịch đi xem thành phố Karachi. Thành phố này buôn bán và công nghệ không có gì mấy.

Xem thành phố rồi đi xà lúp ra bể chơi.

Karachi tuy nóng nực, nhưng trong Phủ tổng đốc khá mát mẻ. Phòng ngủ có buồng tắm. Có sách vở, báo chí, giấy bút. Có đồng hồ. Có giấy in rõ cho khách biết giờ nào ǎn, giờ nào có xe đi đâu, muốn giặt quần áo thì nên thế nào, v.v..

Cách sắp đặt rất thanh nhã và tiện lợi cho khách. Ǎn uống thì giản đơn nhưng mà lịch sự. Trong lúc nói chuyện, ông Tổng đốc nói rằng: Chính phủ Anh ở Luân Đôn đã báo tin cho ông ấy biết có Hồ Chủ tịch đi qua đó và dặn ông tiếp đãi.

Chiều, lúc ǎn cơm có gặp Phó Toàn quyền người Hà Lan vừa ở Nam Dương về. Ông ấy tỏ ý vấn đề Nam Dương cũng còn khó khǎn.

Ngày 6 tháng 6

Từ Karachi bay đến Habagna. Đoạn này dài nhất: 2.610 cây số.

Trưa đỗ lại ở Schaba để ǎn cơm và lấy dầu. ở đây cũng rất nóng. Nóng đến nỗi không có cây cỏ gì hết. Trên tàu bước xuống, hơi nóng như lửa đốt. Mọi người phải vội vàng đến nấp dưới bóng cánh máy bay. Muốn cho có bóng mát, người Anh làm những cây và cỏ bằng kẽm, sơn màu xanh biếc. Đứng xa, trông thấy tưởng là cây cỏ thật. Một điều mà ai nấy đều nhận thấy là trường bay của người Anh tổ chức rất chu đáo. Khách muốn ǎn cứ việc qua bàn giấy lấy bông, rồi vào phòng ǎn thì liền có người nhận bông và đưa thức ǎn cho. Mỗi sân bay đều có một cửa hàng nhỏ bán các thứ cần dùng cho khách, như bàn chải rǎng, thuốc rǎng, kính, kẹo, thuốc lá, xi đánh giầy, các báo chí, v.v..

Habagna là đất xứ Irak; thành phố chưa có gì, chỉ có trường bay và những nhà cửa cho nhân viên và lữ quán cho khách qua lại, do người Anh quản lý.

Ngày 7 tháng 6

Từ Habagna bay đến Le Caire, 1.386 cây số.

Khi qua Jérusalem, máy bay có bay một vòng trên kinh thành để mọi người được xem lǎng chúa Jésus. Tiếc là không có địa đồ chỗ đó, nên chỉ thấy cây cối nhà cửa, không biết lǎng ở nơi nào.

Lúc đến, Le Caire có đại biểu sứ thần Pháp ra đón. Hồ Chủ tịch đến nghỉ tại sứ quán Pháp. (Sứ thần đi vắng). Các anh em Phái đoàn thì nghỉ tại lữ quán.

Nghỉ lại đây 3 hôm.
........
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Tám, 2013, 08:26:44 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #1 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 08:34:03 pm »

(tiếp)


Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn tùy tùng bên bờ biển Biarit, tháng 6.1946 (daibieunhandan.vn).

Ngày 8 tháng 6

Theo phép lịch sự, Cụ Chủ tịch cùng Tướng Salan và Đại biểu Pháp đi thǎm vua Ai Cập. Nhà vua đi vắng. Nội vụ đại thần là ông Mahmoud Siouf Bey thay mặt vua ra tiếp chuyện và mời uống cà phê, một thứ cà phê gọi là cà phê Ai Cập hoặc cà phê Turque, có tiếng là rất ngon, pha trong chén nhỏ xíu.

Quan nội vụ đại thần có thay mặt vua đến chào lại Hồ Chủ tịch. Nhưng Cụ Chủ tịch đi vắng. Ông ấy để thư và danh thiếp lại tỏ ý cảm ơn.

Le Caire là kinh đô nước Ai Cập, ở gần Địa Trung Hải, nằm trên bờ sông Nil. Dân số hơn 2 triệu. Thành phố đắp theo kiểu mới. Nhà cửa, phố xá nguy nga, trồng cây hai bên. Trên chợ dưới thuyền, cảnh thật sầm uất.

Mấy nǎm chiến tranh, tuy có quân Anh đóng trong nước, nhưng Ai Cập không tham chiến. Người Ai Cập lợi dụng dịp đó mà buôn bán trở nên giàu có khá nhiều.

Có các thứ báo bằng tiếng Ai Cập, tiếng Pháp và tiếng Anh.

Ai Cập tuy trong vòng ảnh hưởng của nước Anh, nhưng người Ai Cập lại ham vǎn hoá Pháp. Người Pháp có mở nhiều trường học ở đây.

Lúc này Ai Cập đương yêu cầu Anh rút quân đội đi. Cuộc đàm phán chưa có kết quả, cho nên không khí có vẻ nặng nề.

Hồ Chủ tịch và phái đoàn đi xem Viện khảo cổ Ai Cập.

Viện này nổi tiếng trong thế giới. Lúc đến, có ông Giám đốc Viện Prioton ra tiếp và dẫn đi xem. Ông là một nhà bác học Pháp, rất giỏi về khoa khảo cổ. Trong Viện này có những quý vật từ đời thượng cổ, cách đây đã 4, 5 nghìn nǎm. Những ngai, hòm toàn bằng vàng của các vua chúa đời đó. Những pho tượng bằng đá, những thứ vòng, xuyến, chén, đĩa bằng ngọc, bằng vàng, chạm trổ cực khéo. Nếu đem những thứ đó so với ngày nay thì thấy rằng: thủ công nghệ đời nay không hơn gì đời xưa.

Gần chiều, đi xem "Thành phố ma".

Đó là một nghĩa địa. ở gần bên thành phố. Nhà cửa, đường sá không khác một thành phố cho người sống ở. Nhưng suốt ngày lặng ngắt vắng tanh. Chiều lại mới có người đến cúng vái.

Cách đó không xa, có một pháo đài to lớn có lính Anh đóng. Đứng trên có thể xem suốt thành phố Le Caire. Pháo đài này đắp theo kiểu Mông Cổ. Trong cuộc đàm phán, Chính phủ Anh hứa trong vài tháng nữa sẽ trả pháo đài ấy cho Ai Cập.

Xem pháo đài rồi, đi xem Kim tự tháp. Xung quanh tháp, toàn là bãi cát, không có cây cối gì. Hình tháp ba góc, như cái bánh ú. Dưới to trên nhỏ, cao như hòn núi, toàn xây bằng những hòn đá vừa vuông vừa dài chừng 3, 4 thước tây. Đá đó đem từ nơi khác đến, cách đây có hàng trǎm dặm. Đời xưa chưa có máy móc, mà lấy được những hòn đá to như thế, đắp được những cái tháp cao như thế, thật là một công trình to lớn.

Gần bên tháp có một con thú bằng đá, đầu thì như đầu đàn bà, mình thì như mình sư tử, nằm trên cái bệ. Riêng cái bàn chân nó đã cao quá đầu người đứng. Đêm trời sáng trǎng, trông vào tượng đá, đượm một vẻ nghiêm trang thần bí lạ!

Chiều hôm nay, Sứ quán Pháp làm tiệc hoan nghênh Hồ Chủ tịch. Đến dự tiệc có các ông: Đô đốc Amalrich, giáo sư Jouguet, Tướng Salan, Nhà bác học Brioton, Bà Camborde, Bà De Bataille...

III

Một chặng bay dài nhất: 2613 cây số - biarritz, nơi cụ dừng chân trước khi đến paris -
kiều bào khắp thế giới đánh điện về biarritz.

Ngày 9 tháng 6

Sáng nay, được tin Paris nói: Chính phủ Pháp mời Hồ Chủ tịch đến Cannes (Pháp) tạm nghỉ, chờ Chính phủ mới thành lập, sẽ đón Cụ Chủ tịch về Paris.

Cụ Chủ tịch và mấy anh em trong phái đoàn đi xem Kim tự tháp Sekharat.

Tháp này lâu đời hơn tháp ở Le Caire. Và ở đây có những "mả chôn bò" đời xưa.

Mả ở trong một cái hầm sâu và rộng thênh thang. Vào xem phải có đèn đuốc. Cách một đoạn lại có một mả bò. Bây giờ chỉ còn hòm chứ bò không còn nữa. Hòm làm bằng đá, mài trơn lỳ hoặc có chạm trổ, dài hơn 3 thước tây, ngang chừng 2 thước, cao hơn 2 thước, đặt trên những bệ bằng đá. Đó cũng là những công trình to tát.

Vì tôn giáo đời xưa xem bò là một thứ súc vật thiêng liêng, cho nên kính trọng nó như thế. Bây giờ ở ấn Độ cũng vẫn còn kính trọng bò.

ở đây, đền chùa đời xưa di tích còn nhiều. Những di tích đó tỏ cho chúng ta biết rằng: nghề kiến trúc và chạm trổ hồi đó rất khéo. Nhiều tường vách trong đền chùa có những bức vẽ, tả đời sống của vua chúa đời đó, màu sắc vẫn còn tươi. Nhớ lại trong Viện khảo cổ có những cành lá và những xác người đã cách mấy ngàn nǎm vẫn còn nguyên vẹn, chứng tỏ rằng nghề chế thuốc đời xưa giỏi lắm.

Hiện nay có một nhà bác học người Pháp phụ trách xây dựng đắp lại những đền đài ở Sakharat.

Ngày 10 tháng 6

Hôm nay lại được điện Paris nói khác với điện hôm qua, mời Hồ Chủ tịch đến Biarritz, chứ không phải đến Cannes. Anh em có người đề nghị đi xem Ismalia ở trên kênh Suez. Có người lại đề nghị nghỉ cho khoẻ để mai đi.

Đi dạo các hàng bán sách. Người ta nói: ở đây có nhiều thứ sách Pháp mà bên Pháp không có bán, vì ở đây giấy rẻ, dễ in hơn. Cũng như xe hơi Pháp, ở Pháp lại khó mua hơn ở đây.

Khát nước, Cụ Chủ tịch vào hàng cà phê uống nước chanh. Hàng này cây nhiều, sân mát, khách ngồi đầy cả trong ngoài. Đương ngồi uống nước thì có một người đi lại, nói một cách rất lễ phép xin chụp ảnh Hồ Chủ tịch.

Anh em mỗi người mua một ít sách, rồi về soạn sửa để mai đi.

Ngày 11 tháng 6

Sáng sớm từ giã Le Caire, bay đến Bengasi, 1.090 cây số. Nghỉ lại ǎn cơm. Ǎn rồi lại bay. Bengasi thuộc xứ Tripolitaine, trước là thuộc địa ý, nay có quân đội Anh đóng. Có một ít tù binh Đức làm công tại trường bay.

Gần chiều thì bay đến Biskra, 1.523 cây số.

Thế là hôm nay bay xa nhất, cộng = 2.613 cây số.

Đến nơi thì có ông Tỉnh trưởng và ông Huyện trưởng người Pháp đón tiếp. Khí trời nóng nực, thành phố sơ sài. Nghỉ một lát, đi thǎm vườn cây chà là của ông Ben Ali, người Arabe, hội viên thành phố. Ông là nhà quý tộc bản xứ, có qua học ở Pháp.

Chiều tối, bên cạnh lữ quán có chiếu bóng ngoài sân, đứng trên hiên xem xuống cũng được. Đại khái chiếu truyện sau này:

"Nước quân chủ nọ có một ông vua trẻ con. Mẹ vua ở một nước bên Âu. Vua đi thǎm mẹ, theo trẻ con chơi đùa thích lắm. Lúc trở về nước, đi đến nửa đường thì được tin trong nước cách mệnh, lập nền cộng hoà. Vua bé chẳng những không buồn rầu mà lại vui mừng hớn hở, nói rằng: "Tôi không phải làm vua ngồi ngai vàng nữa! Tôi lại được chơi đùa vốc đất với trẻ con, sướng quá, sướng quá!".

Tin tức: Báo "Rạng đông" (Aurore) đǎng: Đã mấy tháng nay, mấy vạn người trong thành phố này không được ǎn một miếng thịt tươi.

Ngày 12 tháng 6

Bay từ Biskra (Algérie) đến Biarritz, 1.525 cây số.

Vì chính phủ Pháp chưa thành lập, chưa có ai chính thức đón tiếp Hồ Chủ tịch, nên Cụ nghỉ lại ở Biarritz vài hôm.

Biarritz là một bãi bể nghỉ hè ở miền tây nam nước Pháp, gần Tây Ban Nha. Phong cảnh tuyệt đẹp. Lâu đài và lữ quán lịch sự rất nhiều.

Cụ Chủ tịch và phái đoàn ở lữ quán Carlton, là một lữ quán rất lịch sự ở Biarritz.

Ngày 13 tháng 6

Hôm nay nhiều đại biểu kiều bào ở khắp các nơi trong nước Pháp đến chào Cụ Chủ tịch. Nhiều anh em cùng vợ con đến chào Cụ. Lại rất nhiều kiều bào quyên tiền nhờ Cụ Chủ tịch đưa về cho Tổ quốc. Tuy số tiền không là bao, nhưng tấm lòng hǎng hái yêu nước thế thật là quý báu. Cụ Chủ tịch có gửi thơ cảm ơn các kiều bào đó.

Rồi kiều bào ở Pháp, ở Anh, ở Mỹ, ở Nouvelle Calédonie và các nơi khác khắp thế giới đều có gửi điện chúc mừng Cụ Chủ tịch và tỏ lòng yêu mến Tổ quốc.

Ngày 14 tháng 6

Hôm nay cũng như mọi ngày khác, sớm dậy thì Cụ Chủ tịch và anh em ra bãi bể chơi chừng một tiếng đồng hồ. Đến lúc về đã có kiều bào hoặc các nhân sĩ Pháp đến thǎm.

Các đoàn thể Pháp, như Tổng Công hội (C.G.T), Hội Pháp - Việt, v.v. có gửi điện chào mừng và hoan nghênh Cụ Chủ tịch.

Hội Pháp - Việt mới thành lập được mấy hôm trước. Mục đích của Hội là giúp cho Việt Nam độc lập. Trong Hội có tất cả các đảng phái. Trong Ban trị sự thì có những người danh tiếng như ông Justin Godart, ông Francis Jourdain, Tướng Petit, v.v.. Phụ nữ thì như bà Joliot Curie, một nhà khoa học nổi tiếng toàn thế giới, bà Braun đảng viên cộng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp, bà Andrée Viollis, một nhà viết báo nổi tiếng khắp toàn cầu. Hội này mới ra một tờ báo hàng tuần nói về việc nước ta. Hội có giao thiệp mật thiết với kiều bào ta, nhưng hội viên toàn là người Pháp. Đã có một vài tỉnh lập ra Hội nhánh.

Về việc Hội nghị Việt - Pháp, chưa nhất định nơi nào. Các báo Pháp, báo thì nói sẽ khai tại Compiègne, báo thì nói sẽ khai tại Paris hoặc Chantilly, báo thì nói rõ sẽ khai tại Fontainebleau.

IV

Phái đoàn từ giã Biarritz đi paris - đi thǎm phong cảnh trong xứ basque
và dự những cuộc vui nhà quê - Bộ trưởng bộ quân giới từ paris xuống thǎm chủ tịch.

Ngày 15 tháng 6

Được tin Thượng sứ D'Argenlieu từ Sài Gòn về đến Paris.

11 nghị viên Algériens lập thành phái dân chủ, tên là "Union démocratique du Manifeste Algérien". Chủ tịch là ông Ferhat Abbas, Phó Chủ tịch Saadane và Nolefai, Thư ký Boutaren.

Ngày 16 tháng 6

Phái đoàn ta từ giã Biarritz đi Paris.

Hôm nay, Cụ Chủ tịch và mấy tuỳ viên đi xem làng mạc gần Biarritz, giáp giới Tây Ban Nha. Nước Pháp và Tây Ban Nha chỉ cách nhau một giòng suối nhỏ. Bên kia suối cách vài trǎm thước lại có chòi canh của Tây Ban Nha. Có một con đường xe lửa thông nước Pháp với Tây Ban Nha, nhưng vì tình thế chính trị, hiện nay hai bên đều đóng biên giới.

Ngày 17 tháng 6

Đi thǎm phong cảnh miền núi Pyrénée. Dân làng Sare đặc biệt tổ chức một cuộc múa và một trận đánh cầu "Pelote" để hoan nghênh Cụ Chủ tịch. 20 trẻ em gái và 20 cô thiếu nữ mặc áo quần địa phương, do một người thầy dậy múa chỉ huy múa theo nhịp âm nhạc. Pelote là một thứ cầu riêng của xứ Basque. Quả cầu giống quả cầu vợt (tennis) nhưng nặng hơn. Vợt thì đan bằng mây, dài hơn cánh tay, hình giống cái liềm, nòng vũm và rộng, đút tay vào được. Người đánh cầu chia làm hai phe, mỗi bên 4 người, đánh vào bức tường rất cao và rộng. Người phe A đánh vào tường, cầu nhảy ra, người phe B đón cầu đánh vào tường. Đánh đi đánh lại, bên nào đánh hụt bên ấy thua.

Người đến xem rất đông. Khi cuộc đánh cầu và cuộc múa xong, các chức việc trong làng mời Cụ Chủ tịch và anh em tuỳ viên đi uống rượu. Trẻ em xúm xít chung quanh. Cụ Chủ tịch chụp một bức ảnh với các em để làm kỷ niệm.

Trong khi chuyện trò, người làng nói một cách thật thà rằng: trong làng người nào cũng có buôn lậu, vì vùng này gần biên giới Tây Ban Nha.

Hôm nay các báo bắt đầu nói về việc nước ta.

ở Pháp thì vấn đề tǎng lương 25% cho những người lao động đương là vấn đề chính và gay go.

Đời sống của dân Pháp còn hạn chế. Thí dụ: bánh mì mỗi người mỗi ngày được 300 gam, rượu vang mỗi tháng 2 lít. Bơ mỗi tháng 50 gam, đường mỗi tháng nửa cân, thịt mỗi tuần 100 gam. Thuốc lá mỗi tháng 6 gói thuốc (mỗi gói 20 điếu) và 1 gói thuốc rời. áo quần và giầy, theo người làm trong lữ quán nói thì từ lúc chiến tranh đến giờ, họ chỉ mua được một bộ quần áo và một đôi giầy.

Ngày 18 tháng 6

Dân Pháp kỷ niệm kháng chiến. Khắp cả nước đều có cuộc vui. Sáng sớm, Cụ Chủ tịch đặt vòng hoa trước Đài chiến sĩ trận vong. Buổi chiều, dân sự nhảy đầm, đồng thời có cuộc "Múa bò". Người ta làm con bò giả bằng giấy, do hai người đội đi. Trên sừng bò cột các thứ pháo hoa. Khi pháo cháy thì bò xông vào những đám đông, mọi người đều reo cười, chạy tán loạn. Trò này giống trò múa sư tử ở ta.

Những việc chính trị trọng yếu trong ngày hôm nay:

Đại giáo chủ Hồi Hồi thân Đức mà từ trước đến nay bị giam lỏng ở Pháp, hôm vừa rồi trốn đi. Báo Pháp và báo thế giới ầm ĩ nói về việc đó.

Nước ý sắp sửa bỏ vua để lập chính phủ Cộng hoà.

ở Palestine, dân Do Thái bạo động.

Các báo đều đǎng kết quả cuộc tuyển cử ngày 2 tháng 6 vừa qua, so với cuộc tuyển cử ngày 21 tháng 10 nǎm ngoái.


.........
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #2 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 08:38:33 pm »

(tiếp)


Hồ Chủ tịch và thư ký Vũ Đình Huỳnh tại Pháp tháng 6 năm 1946

V

Đi thǎm suối nước nóng - từ biệt biarritz - chặng tiếp đón thứ nhất:
từ sân bay Bourget về khách sạn Royal monceau - các cháu bên Pháp gặp Bác.

Ngày 19 tháng 6

Đi thǎm xứ Dax. ở đây có suối nước nóng gần như nước sôi. Suối ấy mỗi ngày chảy gần triệu rưỡi lít, uống rất lành. Mùa rét có máy đem nước ấy vào nhà làm cho ấm. Người ta dùng bùn xứ Dax để chữa bệnh thấp. Có nhà tắm đặc biệt cho người có bệnh, họ lấy bùn phủ cả người hoặc nằm vào bùn nóng. Làm như thế ít lâu thì hết bệnh.

Đi thǎm Lourdes - Lourdes là một nơi phong cảnh rất đẹp. Có nhà thờ đạo nguy nga và có tiếng là thiêng. Hàng nǎm rất nhiều người đến cầu nguyện, nhất là cầu nguyện cho khỏi bệnh tật.

Ngày 20 tháng 6

Cụ Chủ tịch và mấy anh em tuỳ tùng đi câu cá thu với thuyền chài làng Handaye, gần Biarritz.

Thuyền ra cách bờ chừng 5 cây số thì bắt đầu câu. Cần câu dài như cây tre. Dây câu rất dài, mồi bằng vỏ bắp ngô, tước nhỏ như sợi tóc, cột vào lưỡi câu. Câu chừng 2 tiếng đồng hồ chẳng được gì. Đến khi gần trở về thì câu được 13 con, mỗi con cân nặng chừng 12 đến 15 cân tây.

Chiều nay, có ông Tillon, Bộ trưởng Bộ Quân giới và ba nghị viên Pháp đến Biarritz chào Chủ tịch. Mấy ông ǎn cơm chiều với Chủ tịch, rồi ngủ lại một đêm.

Ngày 21 tháng 6

Đi chơi quanh miền Biarritz. Trên bờ bể còn nhiều pháo đài do người Đức làm để đề phòng cuộc đổ bộ của các nước Đồng minh. Nhưng hiện nay đã bị phá huỷ hết.

Khắp vùng, đường sá thẳng thắn, rộng rãi, sạch sẽ, hai bên có giồng cây rất đẹp và mát mẻ. Tự vùng này trở lên phía Bắc có rất nhiều rừng thông. Những rừng thông giồng đã 150 nǎm nay, mục đích để che gió bể và ngǎn cát khỏi bay lấp ruộng nương. Đồng thời gỗ thông và nhựa thông bán được nhiều tiền. ở các rừng thông, người ta dùng lửa, củi phải rất cẩn thận, vì cây thông dễ cháy, và nếu không may mà cháy thì lửa chóng lan rộng ra ngay.

Ngày 22 tháng 6

Cụ Chủ tịch lên Paris.

12 giờ ở lữ quán ra đi. Các quan chức sở tại, đội cảnh sát và công an tề tựu tiễn Cụ. Trên sây trường bay có bộ đội bồng súng chào. Cụ Chủ tịch bắt tay mọi người và nói mấy câu cảm ơn, hết thảy đều tỏ tình quyến luyến.

Đúng 1 giờ trưa, máy bay cất cánh. Trên máy bay có cắm cờ Việt Nam, cờ Pháp. Trông xuống thấy phố xá, làng mạc, ruộng nương xanh, đỏ, man mác và phì nhiêu. Miền này không bị chiến tranh tàn phá mấy.

Gần đến Paris, máy bay liệng quanh một vòng ngắm thành phố Paris, và ngoại ô, to và rộng. Những cái dễ nhận nhất và thấy trước hết là tháp sắt Eiffel, lǎng vua Nã Phá Luân có nóc tròn và sơn bằng vàng, nhà thờ đạo "Sacré Coeur" trên gò Montmartre, Cửa Khải hoàn (Arc de Triomphe) có mười hai đường phố chầu lại, nhà thờ "Notre Dame" và nhiều ống khói của các nhà máy cao ngất, có cái đương nghi ngút toả khói.

Đúng 4 giờ 15, máy bay đỗ xuống trường bay Le Bourget. Khi tàu liệng thấp đã ngó thấy người đông như kiến trên sân.

Tàu vừa tắt máy đã thấy Bộ trưởng Bộ Hải ngoại, Bộ trưởng Bộ Nghi lễ đại biểu cho Chính phủ Pháp, các tướng, các đô đốc, đại biểu cho hải, lục, không quân ra đón Chủ tịch vào nhà ga. Từ trong nhà ga rải một đường thảm nhung đỏ dài ra đến chỗ lên xe ô tô. Khắp xung quanh và trong nhà ga, treo nhiều cờ Việt Nam và Pháp. Trên một đỉnh cột cao nhất trước ga, phấp phới một lá cờ đỏ sao vàng lớn. Ngoài thềm ga, có đại biểu các đảng, các đoàn thể Pháp và đại biểu kiều bào xúm lại hoan nghênh và hoan hô Chủ tịch. Một đại biểu phụ nữ Pháp tặng Cụ bó hoa và thân thiết hôn Cụ. Đại biểu kiều bào cũng tặng hoa.

Đội quân danh dự cử bài quốc ca Việt và Pháp. Cụ Chủ tịch và đại biểu Chính phủ Pháp đứng chào cờ, rồi đi duyệt binh. Hàng nghìn kiều bào, trí thức, lao động, binh lính, phụ nữ, nhi đồng, đủ mặt các giới hoan hô, mừng rỡ, tưng bừng rộn rã. Hàng trǎm người chụp ảnh và quay phim xúm xít chụp trước, quay sau.

Trước khi lên xe, đại biểu Hãng thông tấn Pháp đem máy truyền thanh lại xin Cụ nói mấy câu. Đại ý Cụ nói: Cảm ơn Chính phủ và dân chúng Pháp tiếp đãi một cách long trọng, mong sau này hai dân tộc Pháp và Việt cộng tác một cách bình đẳng, thật thà, và thân thiện.

Nói xong, Cụ Chủ tịch cùng đại biểu Pháp và ông trưởng đoàn phái bộ ta lên xe vào Paris. Trước sau, nhiều xe ô tô và mô tô của Công an cục Paris và Bộ Nội vụ đi hộ vệ và dẫn đường. Hai bên đường từ trường bay về lữ quán, cách mấy chục thước lại có một người cảnh binh đứng canh, cấm xe cộ và người không được đi lại. Dân chúng Paris đứng hai bên đường rất đông, nhiều chỗ xe Chủ tịch qua họ vỗ tay và hoan hô, tỏ tình hoan nghênh và thân thiện.

ở lữ quán cũng có một bộ đội danh dự đứng chào và canh gác. Trên cửa lữ quán tung bay một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn.

"Royal Monceau" là một lữ quán sang trọng ở Paris. Đã có sự sắp sửa trước phòng khách, phòng ǎn, phòng giấy, buồng ngủ, buồng tắm cho Cụ Chủ tịch và anh em tuỳ tùng. Chính phủ Pháp để 3 cái xe ô tô để Cụ dùng và mỗi khi đi đâu cũng có người theo hộ vệ.

Cuộc đón tiếp chính thức đến đây là một đoạn.

VI

Đại tướng Juin đến chào Chủ tịch - các cháu gặp Bác -
Ông thượng sứ D'argenlieu, ông Moutet và Hội Pháp - Việt đến chào Chủ tịch.

Ngày 23 tháng 6

Tất cả các báo Pháp đều đǎng lên trương nhất về cuộc đón tiếp Cụ Chủ tịch.

6 giờ 30, Cụ Chủ tịch và mấy anh em đi dạo rừng Boulogne. Tuy gọi là rừng nhưng kỳ thực là cái vườn rộng thênh thang, có non bộ, ao nước, hoa cỏ xinh tươi, cây cối um tùm, lại có sân đánh vợt, hồ bơi thuyền. Có hàng cơm quán rượu. Đây là một thắng cảnh ở Paris, nổi tiếng khắp thế giới.

12 giờ, Đại tướng Juin đến chào Cụ Chủ tịch. Ông Juin là một danh tướng, hiện nay giữ chức Tham mưu trưởng trong quân đội Pháp. Hồi tháng tư vừa rồi, ông ở Trung Hoa về có ghé xuống Hà Nội thǎm Cụ Chủ tịch. Ông là người có tài lớn nhưng tính tình lại rất giản dị.

Buổi trưa, anh em phái đoàn và ba đại biểu lính chiến Việt Nam ở lại ǎn cơm. Kế đó, các anh em trí thức ta ở Pháp đến chào Cụ Chủ tịch. Phần nhiều anh em là thầy thuốc, kỹ sư, trạng sư và một vài người hoạ sĩ, ai cũng náo nức muốn về ngay để giúp Tổ quốc.

5 giờ chiều, có 50, 60 trẻ em giai gái, lớn thì 13, 14 tuổi, bé thì chưa đầy nǎm. Có em thì cha mẹ là người Việt, em thì bố ta mẹ tây. Lắm em không hiểu tiếng ta, nhưng em nào cũng biết hát "Tiến quân ca" và "Hồ Chí Minh".

Nhân dịp Cụ Chủ tịch qua Pháp, các em đều mặc áo ta. Các chị phụ nữ cũng vậy. Nhiều chị em Pháp cũng mặc áo ta.

Cụ Hồ trao lá cờ của nhi đồng Việt Nam ở Hà Nội tặng nhi đồng Việt Nam ở Pháp, rồi Cụ mời các em ǎn bánh, uống nước trà. Các em hát múa, chơi đùa rất là vui vẻ. Lúc nào cũng xúm xít ríu rít bên Cụ, em thì đòi Cụ ẵm, em thì nắm lấy tay. Chẳng những các em không biết lạ mà em nào cũng tỏ vẻ như biết Cụ đã lâu, rất mến yêu và thân thiết.

Trước khi các em về, Cụ Hồ và các em có chụp ảnh kỷ niệm.

Hai hôm nay, nhiều nhà báo Pháp và ngoại quốc đến phỏng vấn, nhưng Cụ Chủ tịch đều từ tạ, và hứa rằng mai kia sẽ gặp chung tất cả các báo.

Hôm nay, Chính phủ Pháp thành lập, có 30 Bộ trưởng và Thứ trưởng. Đảng M.R.P 10 người, Đảng Cộng sản 10 người, Đảng Xã hội 7 người. Các đảng nhỏ có 3 người.

Ngày 24 tháng 6

Sáng sớm, Cụ Chủ tịch và anh em cũng đi dạo rừng Boulogne, chừng một tiếng đồng hồ.

8 giờ 30, hơn 100 anh em đại biểu kiều bào Nam Bộ đến chào cụ Chủ tịch. Sau khi nghe Cụ giải thích tình hình ở nước nhà, anh em đồng thanh hứa trung thành với Tổ quốc và ra sức ủng hộ chính phủ, để làm cho nước nhà độc lập và thống nhất. Nhiều anh em cảm động ứa nước mắt.

Buổi trưa, Bộ trưởng Moutet và nhiều người tai mắt trong chính phủ Pháp đến chào Cụ Chủ tịch. Tiếp đó, Thượng sứ D'Argenlieu cũng đến chào Cụ.

7 giờ chiều, Ban trị sự Hội Pháp - Việt đến chào mừng Hồ Chủ tịch. Trong đó có các ông: Justin Godart, Cựu Bộ trưởng, nhà kiến trúc sư danh tiếng, Francis Jourdain, giáo sư và nghị viên Rivet, giáo sư Baillet, Tướng Petit, ông hội trưởng Liên đoàn báo giới Pháp, trạng sư Nordman, vǎn sĩ Bloch, nhà lãnh tụ phụ nữ vận động bà Cotton v.v..

Ngày hôm nay rất nhiều kiều bào suốt ngày đến thǎm Cụ. Các nơi gửi thơ, đánh điện tín về cũng nhiều.

VII

Cụ chủ tịch tiếp các nhà báo, các nhà nhiếp ảnh và các nhà chiếu bóng -
những vị trọng yếu trong 3 chính đảng lớn nhất ở Pháp đến thǎm Hồ Chủ Tịch.

Ngày 25 tháng 6

6 giờ sáng, Cụ Chủ tịch và anh em tuỳ tùng đi thǎm mộ ông Khánh Ký.

Ông Khánh Ký là một người chụp ảnh có tiếng, trước có quen Cụ Phan Chu Trinh và nhiều nhà cách mạng Việt Nam ở Pháp. Tháng trước, ông Khánh Ký có gửi thơ tỏ ý muốn về nước và Cụ Chủ tịch cũng định giúp cho ông về. Chẳng may, trước mấy hôm phái bộ ta đến Pháp thì ông mất.

5 giờ chiều, Cụ Chủ tịch tiếp các nhà báo. Hơn 100 đại biểu các báo Pháp và báo ngoại quốc, nam có, nữ có, lại có nhiều nhà chụp ảnh và chiếu bóng. Có những người viết báo nổi tiếng như bà Tabouie Genevière, bà Simone Téry, ông Baillet, v.v..

Sau khi mời các nhà báo ǎn bánh và uống trà, Cụ Chủ tịch nói đại ý cảm ơn Chính phủ và nhân dân Pháp đã đón tiếp Cụ long trọng, thân mật; cảm ơn các báo tỏ tình thân thiện. Trước khi chưa chính thức gặp Chính phủ Pháp thì Cụ chưa tiện nói nhiều về chính trị. Chỉ có thể nói chung một câu là dân Việt Nam đòi thống nhất và độc lập.

Các nhà báo chuyện trò vui vẻ trong một tiếng đồng hồ.

Chiều 7 giờ, Cụ Chủ tịch tiếp các nhà lãnh tụ Đảng M.R.P (Đảng Cộng hoà bình dân, tức là Đảng của Thủ tướng Bidault): ông Francis Gay, Bộ trưởng, ông Michelet, Bộ trưởng, ông Schumann, Chủ tịch đảng và những uỷ viên Trung ương như: ông Collie, ông Gortès, ông Debay, ông Amaury, ông Terrenoire, ông Max André v.v..

Các báo đǎng tin rằng giấy bạc nước Hongrie mất giá đến nỗi người ta lấy giấy bạc 1000 làm đóm hút thuốc!

Vua Cao Mên là Sihanouk qua Pháp tháng trước, hôm nay từ giã Paris, trở về nước.

Ngày 26 tháng 6

7 giờ sáng, Cụ Chủ tịch đi thǎm anh em phái bộ ở lữ quán Sainte Anne và Louvre.

10 giờ, các đại biểu Liên đoàn ái hữu người Việt ở Marseille, Bordeaux, Toulouse và các tỉnh khác đến chào Hồ Chủ tịch và báo cáo tình hình của kiều bào ở Pháp.

5 giờ chiều, luật sư Bloncourt đến thǎm Cụ Chủ tịch. Ông Bloncourt là người da đen ở xứ Martinique. Tuy ông là dân Tây, có vợ Pháp, làm ǎn rất phát đạt, nhưng ông vẫn ra sức tranh đấu bênh vực cho các thuộc địa. Ông thường viết báo ủng hộ nước ta.

8 giờ, các vị lãnh tụ Xã hội Pháp đến thǎm Cụ Chủ tịch. Có bà Marty Capgras, Bộ trưởng Philip và Bộ trưởng Moutet, nghị viên Lussy, bác sĩ Boutbien, vǎn sĩ Rosenfeld, và những Trung ương uỷ viên Dechezelles, Roux, Stible, v.v.. Chuyện trò vui vẻ, 11 giờ khuya khách mới ra về.

Ngày 27 tháng 6

6 giờ sáng, đi dạo rừng Boulogne, quay về Trocadéro. Trocadéro xây đắp rất nguy nga. Một bên là Viện khảo cổ về loài người, một bên là Viện khảo cổ hải quân. Giữa là vườn rộng, có hồ nước. Đứng ở giữa sân trông thẳng ra thì thấy tháp sắt Eiffel và cả vùng chung quanh đó. Phong cảnh rất đẹp.

Trở về lữ quán, có mấy nhà báo đến xin chụp ảnh Hồ Chủ tịch.

1 giờ trưa, ông Sainteny mời Cụ Chủ tịch đến ǎn cơm ở nhà riêng ông ấy. Có 4-5 người Pháp chuyên môn về kinh tế ở nước ta, cũng đến ǎn cơm và nói chuyện. Họ đều tán thành hai bên Việt Pháp cộng tác một cách thật thà thì có ích cho cả đôi bên.

8 giờ chiều. Những vị trọng yếu trong Đảng cộng sản Pháp đại biểu cho 50 vạn đảng viên đến thǎm Hồ Chủ tịch.

Có các bà: Braun, Phó Chủ tịch Quốc hội, Jeannette, nghị viên, Vaillant Couturier, nghị viên, vợ chồng cụ Cachin.

Các ông: Thorez, Phó Chủ tịch Chính phủ Pháp, Duclos, Phó Chủ tịch Quốc hội, Marty, Trung ương uỷ viên, Mauvais, Trung ương uỷ viên, Billoux, Bộ trưởng Bộ Kiến thiết, Tillon, Bộ trưởng Bộ Quân khí.

Thế là trong mấy hôm nay, những người trọng yếu trong 3 đảng to nhất ở Pháp: Đảng Cộng hoà (M.R.P), Đảng Xã hội (S.F.I.O) và Đảng Cộng sản (P.C) đều có đến thǎm Hồ Chủ tịch.

VIII

Đại biểu phụ nữ các nước đến thǎm Hồ Chủ Tịch - cụ tiếp đại biểu hội thanh niên thế giới.

Ngày 28 tháng 6

Sáng sớm, đi chơi vườn Saint Cloud, một thắng cảnh gần Paris.

12 giờ trưa, Đại tướng Juin và tướng Devèze đến chơi.

Chiều 8 giờ, đại biểu phụ nữ các nước đến thǎm Cụ Chủ tịch. Có: bà Sportisse, người Pháp làm nghị viên cho xứ Algérie, bà Barjonet, Trung ương uỷ viên Tổng hội phụ nữ Pháp, bà Kayser, bà Jacquier, luật sư, con gái cụ Cachin, bà Ricole, thư ký của Tổng hội phụ nữ Pháp; bà Passonaria, nghị viên Tây Ban Nha Cộng hoà, bà Hando, đại biểu ấn Độ trong Liên hiệp quốc, bà Mason, đại biểu phụ nữ người da đen ở Mỹ, bà Willish, đại biểu phụ nữ Mỹ, bà Alexandrovskaia, nghị viên Nga v.v.. Chị em phụ nữ Việt Nam thì có chị Châu.

Các bà nói chuyện về phụ nữ vận động ở các nước, rồi hỏi thǎm kỹ càng về sự sinh hoạt, tổ chức vận động của phụ nữ Việt Nam.

Hồ Chủ tịch trả lời, đại khái nói: Trong mấy mươi nǎm vận động độc lập, phụ nữ Việt Nam hy sinh khá nhiều. Chị Minh Khai là một người tiêu biểu trong thời kỳ đó. Đến lúc kháng chiến, chị em phụ nữ hǎng hái tham gia. Từ ngày dân Việt Nam tranh được chính quyền, phụ nữ đều ra sức gánh vác công việc. Nào giúp đỡ chiến sĩ, tǎng gia sản xuất. Nào chống nạn mù chữ, tham gia tuyển cử, Tuần lễ Vàng, Đời sống mới, v.v., việc gì phụ nữ cũng hǎng hái.

Các bà đại biểu nghe vậy, rất là vui lòng. Rồi ân cần gửi lời thân ái chúc phụ nữ Việt Nam gắng sức phấn đấu, và mong rằng phụ nữ ta sẽ giúp sức vào cuộc phụ nữ vận động thế giới. Các bà lại nói với Cụ Chủ tịch rằng: Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới trong cuộc khai hội hôm vừa rồi, đã công nhận đoàn thể phụ nữ Việt Nam làm hội viên.

Đó là một vinh hạnh lớn cho phụ nữ Việt Nam ta, nay đã có địa vị trong thế giới. Từ đây, phụ nữ ta cũng phải gắng sức làm thế nào để trong thì đoàn kết toàn thể chị em, đặng giúp việc xây dựng nước nhà; ngoài thì cộng tác với những đoàn thể dân chủ phụ nữ thế giới. Như thế mới xứng đáng địa vị của phụ nữ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Ngày 29 tháng 6

Sáng sớm, đi chơi rừng Vincennes. Cánh rừng đẹp này ở cạnh Paris, gần xóm lao động. Có thể nói rằng: Boulogne ở đầu Paris, là rừng của những người giàu có; Vincennes ở cuối Paris, là rừng của các lớp bình dân. ở đây có một toà pháo đài, trong mấy nǎm Pháp bị Đức chiếm, người Đức thường đem những người chí sĩ Pháp đến đó mà xử tử.

12 giờ, Thượng sứ D' Argenlieu mời Cụ Chủ tịch ǎn cơm trưa. Có ông Đồng, ông Giám, ông Hà, và mấy người đại biểu Pháp cùng ǎn.

Chiều 8 giờ, Cụ Chủ tịch tiếp đại biểu Hội Thanh niên thế giới, có người Mỹ, người Anh, người ấn, người Đan Mạch, v.v. và đại biểu của các đoàn thể thanh niên Pháp, như Thanh niên Công giáo, Thanh niên Dân chủ, Thanh niên Cộng hoà, Thanh niên Hướng đạo, v.v..

Tất cả hơn 20 thanh niên, trai có, gái có. Họ ân cần hỏi: Thanh niên Việt Nam đoàn kết thế nào? Tranh đấu thế nào? Sinh hoạt thế nào? Giáo dục thế nào? Giúp công việc kiến thiết thế nào? Mấy phần trǎm thanh niên đã tổ chức? v.v..
............
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Tám, 2013, 08:51:00 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #3 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 09:07:34 pm »

(tiếp)


Marius Moutet đón Hồ Chủ tịch tại Pháp

IX

Thanh niên thế giới gọi cụ là Bác Hồ - Kiều bào ta ở paris, các nhà vǎn trứ danh đến thǎm Cụ.

Mỗi câu hỏi, Cụ Chủ tịch phải trả lời 2 lần, một lần bằng tiếng Anh, một lần bằng tiếng Pháp.

Anh em thanh niên lại trình bày công việc của họ. Họ hứa rằng: Hội Thanh niên thế giới sẽ phái đại biểu đến thǎm thanh niên Việt Nam và mong rằng thanh niên Việt Nam sẽ phái đại biểu sang làm việc trong Ban Chấp hành của Hội Thanh niên thế giới. Họ nói với Hồ Chủ tịch rằng: mấy hôm trước Hội Thanh niên thế giới đã công nhận thanh niên Việt Nam vào Hội ấy.

Trong lúc chuyện trò thân mật, có mấy thanh niên đề nghị cùng Chủ tịch: thanh niên và nhi đồng Việt Nam gọi Hồ Chủ tịch là Cha, vậy xin Hồ Chủ tịch nhận làm Bác cho thanh niên thế giới. Mọi người đều vỗ tay tán thành. Hồ Chủ tịch vui lòng nhận lời và chúc thanh niên thế giới đoàn kết hơn và sung sướng hơn những lớp người trước.

Tất cả anh chị em thanh niên, không chia quốc tịch và phái biệt đều hǎng hái hứa rằng: họ ra sức ủng hộ cuộc vận động độc lập của dân Việt Nam.

Từ ngày Hồ Chủ tịch và phái bộ đến Pháp, các báo thanh niên thường nói đến việc nước ta.

Hôm nay các báo đǎng tin rằng: Thủ tướng của Nam Dương là ông Sharir bị bắt cóc.

Người Do Thái ở Palestine bạo động. Cảnh sát Anh bắt hơn 2.000 người.

Hội nghị "Tư tưởng Pháp" (Congrès de là Pensée) mời Cụ Chủ tịch đến dự hội. Vì Chủ tịch chưa chính thức gặp Chính phủ Pháp cho nên không tiện tham gia một cuộc hội họp công khai. Cụ có viết một bức thư chúc mừng. Đoạn Chủ tịch đọc thư ấy, tất cả các đại biểu vỗ tay.

Ngày 30 tháng 6

6 giờ sáng, Cụ Chủ tịch và mấy anh em đi dạo vườn hoa Monceau, ở gần bên lữ quán. Sớm quá, cửa vườn còn đóng. Người giữ vườn là một cựu chiến binh, nghe nói Hồ Chủ tịch là người ngoại quốc mới đến, (tuy Hồ Chủ tịch không cho nói tên tuổi) liền vui lòng mở cửa mời vào.

Việc tuy nhỏ mọn, nhưng cũng đủ tỏ rằng: người Pháp ở Pháp, thái độ lịch sự, rất kính trọng người ngoại quốc.

Trưa, Cụ Chủ tịch mời mấy vị đại biểu ở hội nghị Fontainebleau, đến ǎn cơm.

4 giờ, đi xem Viện khảo cổ về loài người, do giáo sư Rivet làm giám đốc. Trong Viện này có đủ các giống người trong thế giới, hoặc nặn bằng sáp, hoặc bằng hình ảnh. Lại có các thứ áo quần, các thứ vật dùng (chén, bát, thuyền, bè, nhạc khí, đồ chạm), v.v..

Nhiều dân tộc có những phong tục rất lạ. Có dân lấy đá mài rǎng thật nhọn. Có dân thì chạm trổ khắp cả mình. Có dân lại khắc vào má như những người hát bội ở nước ta vẽ mặt. Có dân giắt hai miếng gỗ tròn vào môi trên và môi dưới, làm cho miệng trều dài ra như cái mỏ vịt. Có dân thì lấy phấn trắng bôi khắp cả mặt, có dân ngậm lá cây làm cho rǎng đen sì. Và còn biết bao nhiêu thứ lạ nữa!

Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ.

Ngày 1 tháng 7

Sáng sớm, chị Thuỷ và mấy chị em kiều bào đến chào Cụ Chủ tịch. Từ hôm Hồ Chủ tịch lên Paris, kiều bào mừng rỡ lắm. Từ sáng cho đến chiều, suốt ngày có người đến, hoặc nhi đồng, hoặc phụ nữ, hoặc anh em. Tuy biết Chủ tịch bận khách nhiều, ít khi nói chuyện được, nhưng kiều bào cũng cứ đến hỏi thǎm anh em tuỳ tùng, biết Cụ mạnh khoẻ, thì vui mừng ra về. Nhiều khi kiều bào làm bánh, hoặc mua trái cây đem đến biếu. Sợ Cụ không nhận thì thu thu giấu giấu, để một nơi không cho Cụ Chủ tịch biết.

Vì Hồ Chủ tịch bao giờ cũng chỉ mặc một bộ áo (bộ áo vải vàng mà các báo Pháp thường nói đến, và cả nước Pháp đều biết), thấy vậy, có mấy kiều bào bí mật mua vải, sắp may cho Cụ một bộ khác. Không ngờ, Cụ biết được, ngǎn trở không cho may. Anh chị em rất ân ận, nhưng không thể làm sao!

Nói đến sự kính mến của kiều bào đối với Cụ Hồ không thể nào hết được, khiến Cụ rất cảm động.

Hôm nay, anh Vũ Cao Đàm, hoạ sĩ và điêu khắc, xin vẽ và nặn tượng Hồ Chủ tịch.

Trưa, mấy nhà vǎn sĩ Pháp đến thǎm Cụ Chủ tịch. Có bà Triolet, các ông Richard Bloch, Aragon, Moussinac, Séghers, Pierre Emmanuel, Borne, Masson, v.v.. Đây là những nhà vǎn sĩ có tiếng lớn, mà người Pháp và thế giới đương hâm mộ.

Có các ông Phạm Vǎn Đồng, Dương Bạch Mai, Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Vǎn Huyên, v.v. cùng Cụ Chủ tịch tiếp khách.

X

Thủ tướng Bidault đọc lời hoan nghênh Hồ Chủ Tịch - Hồ Chủ Tịch đáp lại.

Ngày 2 tháng 7

8 giờ sáng, nhà vǎn Léo Poldès đến thǎm Cụ Chủ tịch.

Bắt đầu từ hôm nay, Chính phủ Pháp chính thức đón tiếp Hồ Chủ tịch.

11 giờ, Bộ trưởng Bộ Lễ là ông Dumaine và các quan chức cao cấp đến lữ quán đón Cụ Chủ tịch đi thǎm Thủ tướng Bidault.

Lúc Cụ xuống lầu lữ quán, một đội quân danh dự sắp hàng hai bên, kính chào. Xe Chủ tịch đi giữa, trước là mấy xe Công an trưởng, Cảnh sát trưởng, Tỉnh trưởng v.v.. Sau xe Cụ có xe mấy vị tướng lĩnh, hai bên có đội xe mô tô hộ vệ. Từ lữ quán đến dinh Thủ tướng (ở phố Dominique), 2 bên đường, cách mấy thước lại có công an viên và cảnh sát đứng canh phòng. Suốt dọc đường, cấm xe cộ khác không được đi lại. Trước dinh Thủ tướng Pháp có treo Quốc kỳ hai nước. Đến nơi, một đội quân danh dự và đội âm nhạc cử Quốc ca hai nước kính chào. Cụ Chủ tịch duyệt binh rồi bước vào, thì Thủ tướng Bidault ra đón và giới thiệu các Bộ trưởng và nhân viên cao cấp. Xong rồi, Thủ tướng Bidault mời riêng Cụ Chủ tịch vào nói chuyện.

Chừng 10 phút, Cụ Chủ tịch từ giã ra về, Thủ tướng Bidault đưa ra đến cửa.

Lúc vào lúc ra, đều có rất nhiều nhà nhiếp ảnh và quay phim tới tấp làm việc. Trong 3 hôm, ngày 2, 3, 4, Cụ Chủ tịch đi đâu, khi đi khi về, đều có nghi tiết đúng như vậy. Hôm nay hai bên đường người đứng xem rất đông.

1 giờ rưỡi, Thủ tướng Bidault mở tiệc hoan nghênh Hồ Chủ tịch. Có đủ các Bộ trưởng, các vị trọng yếu trong Quốc hội, các tướng lĩnh cao cấp, đến dự tiệc. Ǎn gần xong, Thủ tướng Bidault đứng dậy đọc lời hoan nghênh, đại ý nói:

Thưa Chủ tịch,

Ngài đến Paris, là nơi mà lịch sử nước Pháp tập trung và hoạt động. Sự Ngài đến đây có một ý nghĩa rất cao xa. Nó làm cho tình thân thiện giữa hai nước chúng ta khǎng khít lại. Có một giai đoạn tình thân thiện ấy bị mờ ám, nhưng nó sẽ trở nên mạnh hơn, bền hơn, vì nó là sự khôn ngoan và vì ích lợi chung mà chúng ta đã hiểu rõ trong những khi sự biến.

Chúng ta muốn rèn đúc cái cảm tình đó trong sự tự do và lòng tin cậy: đó là những điều kiện nó đưa đến kết quả.

Thưa Chủ tịch,

Sự Ngài đến đây lại là một cái đảm bảo quý báu cho sự sáng tạo mới mẻ và nhân đạo: ấy là Liên bang Pháp quốc.

Vài hôm nữa, đại biểu của nước Ngài và đại biểu của nước Pháp sẽ gặp nhau ở Fontainebleau, là một nơi đầy lịch sử và vẻ vang.

Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau một cách thành thật, vì chúng ta đều tin theo chủ nghĩa nhân đạo, mà nhân đạo đó là cái nền tảng mà những nhà triết học Đông phương và Tây phương xây đắp mối quan hệ giữa những người tự do, để tìm sự tiến bộ, đó là lý tưởng của tất cả các xã hội dân chủ.

Chắc rằng chúng ta sẽ gặp nhiều sự khó khǎn. Nhưng chúng ta sẽ đối phó với những sự khó khǎn một cách thật thà với một lòng kiên quyết để chinh phục nó.

Tôi chắc rằng: chúng ta sẽ tránh những cái gì không hợp với công lý và không hợp với ích lợi chung.

Hồ Chủ tịch đáp lại, đại ý nói:

Thưa Chủ tịch,

Sự chiêu đãi ân cần của nhân dân và Chính phủ Pháp làm cho lòng tôi rất cảm động. Tôi xin thay mặt cho dân Việt Nam cảm ơn Chủ tịch và nhờ Chủ tịch cảm ơn nhân dân Pháp về thịnh tình mà nhân dân và Chính phủ Pháp đã tỏ với Chủ tịch nước Việt Nam.

Trong khi chưa được gặp Chính phủ Pháp, tôi có dịp đi thǎm một vùng nước Pháp, trông thấy phong cảnh tốt tươi, xét rõ nhân tình phong tục. Tôi đã ở qua xứ Basque. Dân ở đó tuy giữ trọn tiếng nói, vǎn chương và phong tục của họ, nhưng họ vẫn tự hào là dân Pháp. Các tỉnh Pháp khác nhau nhiều, nhiều đến nỗi làm cho thế giới lạ lùng, nhưng sự khác nhau đó không ngǎn trở nước Pháp là một nước thống nhất. Mai sau, Liên bang Pháp quốc tụ họp những dân tộc tự do và khác nhau, sẽ làm cho thế giới ngạc nhiên về sự đoàn kết và thống nhất của nó.

Chúng ta sẽ cùng nhau xây đắp Liên bang Pháp quốc trên cái nền tảng dân chủ thật thà...

Paris sẽ giúp cho Việt Nam và nước Pháp đoàn kết trong phạm vi Liên bang Pháp quốc; Việt và Pháp là hai dân tộc tự do, bình đẳng, đều có lý tưởng dân chủ, đều ham muốn tự do, hai bên đều muốn mật thiết liên lạc cùng với nhau bởi những mối cảm tình thân thiết.

Nhờ Paris mà Việt Nam bước lên con đường độc lập. Tôi chắc rằng: Việt Nam độc lập sẽ giữ một vai tuồng trọng yếu trên bờ Thái Bình Dương, đó là một sự vẻ vang cho nước Pháp.

Trong lúc bàn định mối quan hệ giữa nước Pháp mới và nước Việt Nam, chắc rằng hội nghị Pháp - Việt sẽ gặp những vấn đề khó khǎn. Song sự thành thực và lòng tin cậy của hai bên sẽ vượt qua mọi điều trở ngại. Chúng ta đã gạt bỏ đế quốc chủ nghĩa cường quyền và quốc gia chủ nghĩa chật hẹp, vì cả hai đều không hợp thời. Chúng ta đều có chung một lý tưởng triết học phương Đông và phương Tây, đều theo một giáo dục chung: "Mình chớ làm cho người những điều không muốn người làm cho mình".

Tôi chắc rằng theo những điều kiện đó thì cuộc hội nghị sau này sẽ có kết quả hay.

Thưa Ngài, tôi tin chắc: nhờ sự cộng tác thực thà và thân thiện, hai nước chúng ta sẽ làm gương cho thế giới. Chúng ta sẽ làm cho thế giới thấy rằng: do lòng tin cậy hai bên mà những dân tộc bình đẳng và tự do luôn luôn giải quyết được những vấn đề rất khó...
...........
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #4 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 09:12:02 pm »

(tiếp)


Thủ tướng Bidault tiếp Hồ Chủ tịch

XI

Thǎm mồ tử sĩ Đông Dương ở nghĩa địa Nogent Sur Marne - ba màn múa trên sân khấu Opéra(1)

Các quan khách trong tiệc đều cực lực hoan nghênh hai bài diễn vǎn của Hồ Chủ tịch và của ông Bidault.

Theo phép lịch sự, thì trước khi đọc, chủ gửi trước diễn vǎn cho khách xem, rồi khách cũng đưa diễn vǎn cho chủ xem. Nếu chỗ nào không đồng ý, thì hai bên cùng sửa với nhau.

4 giờ, Thủ tướng Bidault đến lữ quán thǎm Hồ Chủ tịch. Cũng đủ nghi lễ và đông người như khi Chủ tịch đến thǎm Thủ tướng. Nói chuyện 10 phút, Thủ tướng ra về. Một số quan khách ở lại uống trà, Hồ Chủ tịch thết.

Ngày 3 tháng 7

10 giờ sáng, nghi vệ đến đón Cụ Chủ tịch đi đặt vòng hoa trước mộ chiến sĩ vô danh, tại Cửa Khải hoàn. Đặt hoa, mặc niệm, rồi ký tên vào sổ vàng. Tướng Gentilhomme đến dự lễ.

11 giờ, Cụ Chủ tịch đi đặt vòng hoa trước mộ tử sĩ Đông Dương ở trong nghĩa địa Nogent sur Marne ngoài thành phố Paris. Hội đồng địa phương và nhiều kiều bào đến trước để tiếp đón Hồ Chủ tịch.

Lúc đi đường, dân chúng và trẻ em học trò Pháp vỗ tay hoan hô tỏ tình thân thiện.

1 giờ trưa, Bộ trưởng Moutet đặt tiệc hoan nghênh.

4 giờ, đi xem cung Versailles ở ngoài Paris. Cung này chẳng những có tiếng là nguy nga nhất thế giới mà lại có tiếng rất giàu về lịch sử. Trước kia, vua Pháp thường ở đây, sinh sống ǎn chơi cực kỳ xa hoa. Nǎm 1870, Pháp bại trận, Đức thắng trận, hai bên ký hoà ước ở cung này. Sau cuộc Thế giới đại chiến lần thứ nhất (1914-1918), hoà ước cũng ký ở đấy. Hồi đó, có người Việt Nam đã rải truyền đơn và gửi thư cho đại biểu các nước đòi cho nước Việt Nam độc lập.

Ngoài vườn rộng thênh thang, hoa thơm cỏ biếc. Nhiều pho tượng đá, hình như thần tiên. Lại có những vòi nước phun ra, hoặc lên cao thẳng tuốt như rừng cây trúc, hoặc rủ xuống trong vắt như tấm lụa xanh.

Ông Thị trưởng Versailles nói rằng: đã 7 nǎm, hôm nay mới có cuộc mở các vòi nước lần đầu. Kiều bào và quan khách Pháp đến dự khá đông. Địa phương có đặt tiệc trà hoan nghênh. Lại có ban âm nhạc đánh các bài đàn cổ điển.

8 giờ chiều, Chính phủ Pháp mời Cụ Chủ tịch đi xem nhảy múa tại rạp Opéra (nhà hát lớn nhất và có tiếng nhất của nước Pháp).

Trước cửa nhà hát, dưới ánh điện sáng trưng, quốc kỳ hai nước phất phới xen nhau. Từ ngoài cửa đến trong nhà, đội danh dự mũ đồng, gươm bạc, sắp hàng hai bên. Trừ phòng danh dự để dành cho Cụ Chủ tịch, các nơi đều có người ngồi chật, không hở chỗ nào. Chính phủ Pháp có tặng kiều bào 100 vé hát. Bà Bidault, bà Moutet và vài vị Bộ trưởng cùng ngồi xem với Hồ Chủ tịch.

Nhà hát Opéra rộng và đẹp hơn nhà hát lớn Hà Nội nhiều. Hôm nay có 3 màn múa. Màn thì 30, 40 người, toàn đàn bà cả. Màn thì vừa đàn bà, vừa đàn ông. Màn thì toàn trẻ em gái. Phần nhiều người múa đều mặc áo voan, quần sát da, đủ các mầu.

Trông vào họ, người ta có cảm tưởng như trông những đoá hoa, hoặc những con chim. Đời xưa, thi sĩ Trung Hoa tả người đàn bà múa thì nói xiêm áo họ như đám mây. Thực ra là không thể tả một cách nào thiết thực hơn!

Tuy chỉ múa chứ không hát, nhưng theo dịp âm nhạc cũng đủ tỏ tính tình mừng hay giận, buồn hay vui, yêu hay ghét. Nghề múa phải học từ khi còn bé, có khi 4, 5 tuổi đã bắt đầu học. Người ta gọi các em bé đó là "chuột". Các em "chuột" hôm nay múa khéo quá. Người xem khắp rạp vỗ tay không ngớt.

Những tài tử được tuyển vào Opéra, là những người giỏi nhất trong nước Pháp. Ban âm nhạc có hơn trǎm người, cũng là những tay đàn nhị giỏi trên thế giới.

XII

Nữ phóng viên tuần báo "ngôi sao" đến yết kiến Hồ Chủ Tịch -
Cụ Chủ Tịch đi thǎm lǎng vua napoléon, một vị đại tài nhưng tham lam.

Ngày 4 tháng 7

Sáng sớm, 8 giờ, đã có mấy phóng viên các báo đến. Trong đó có nữ phóng viên của tuần báo "Ngôi sao". ở Paris có 2 tờ báo tên là "Ngôi sao". Tờ báo hàng tuần tên là "Những Ngôi sao" có xu hướng tả, đối với nước ta tử tế. Tờ báo hàng ngày tên là "Ngôi sao chiều" có xu hướng thủ cựu, thường bịa đặt để nói xấu người Việt Nam.

Mấy hôm nay, Cụ Chủ tịch bận suốt ngày. Đến nỗi báo Pháp đã phải viết rằng: "Hồ Chủ tịch không có một phút nào rảnh".

10 giờ sáng, Cụ Chủ tịch đi viếng mồ những nghĩa sĩ ở Mont Valérien. Đây là một pháo đài lớn, trên một cái gò cao, đứng đó có thể trông thấy một vùng lớn Paris và ngoại ô. Trong thời kỳ Đức chiếm nước Pháp, nhiều người du kích Pháp bị Đức đem xử bắn tại đây. Bao nhiêu nghĩa sĩ đó hiện nay vẫn chôn một chỗ.

Lúc đến Mont Valérien, có đại tá coi pháo đài và bộ tham mưu với một đội danh dự ra đón. Quốc ca, chào cờ, duyệt binh, đặt vòng hoa, mặc niệm một phút. Trông thấy nghĩa sĩ Pháp vì độc lập tự do mà bị người Đức tàn sát, lại nhớ đến những nghĩa sĩ Việt, cũng vì độc lập tự do mà bị người khác tàn sát, khiến cho người ta thêm nỗi cảm động ngậm ngùi. Quyền độc lập tự do, ở nước nào cũng vậy, đều do xương máu của những nghĩa sĩ, và đoàn kết của toàn quốc dân mà xây dựng nên. Vậy nên, những người chân chính ham chuộng độc lập, tự do của nước mình, thì phải kính trọng độc lập, tự do của dân tộc khác.

11 giờ, đi viếng Lǎng vua Napoléon. Khi đến nơi có lão tướng Rodes và đội cựu thương binh đón tiếp. Ông Rodes là một vị tướng già, bị thương nhiều lần, cụt một tay, tóc bạc, râu bạc. Nhưng vẫn mạnh khoẻ. Tướng Rodes giới thiệu mấy người thương binh già. Hồ Chủ tịch bắt tay mọi người, rồi do tướng Rodes hướng dẫn đi xem lǎng.

Lǎng vua Napoléon ở chính giữa. Trước khi vào, tướng Rodes đưa cho Cụ Chủ tịch một chìa khoá to bằng vàng để mở cửa lǎng. Cửa này chỉ khi nào có quý khách đến thǎm mới mở. Đi xuống tam cấp bằng đá hoa thì đến mả. Quan tài làm bằng đá bảo thạch, sắc hồng, mài trơn lì, trông vào lóng lánh. Đá này do Vua Nga đời trước tặng. Chung quanh có lan can đá vây tròn. Đứng ngoài lan can trông vào, chứ không đến sát được.

ở những gian phòng chung quanh có những lǎng các công thần của vua Napoléon. Trên thì tượng đá, dưới thì quan tài bằng đá. Quan tài của con vua Napoléon, trước kia ở bên nước áo, trong lúc chiến tranh, Đức chiếm Paris, Hitler cho đưa về đó.

Napoléon là vị tướng có đại tài, đánh đâu thắng đó. Từ địa vị một người quân nhân thường, làm đến Tổng thống. Từ Tổng thống nhảy lên làm Hoàng đế. Làm Hoàng đế cũng chưa đủ, còn muốn làm chúa cả thế giới. Các nước hợp sức lại đánh. Kết quả ông Napoléon bị thua. Thua một trận thì tan tành hết cả. Bị các nước bắt giam ở đảo SHélène. Cách mấy nǎm thì chết tại đảo. ít nǎm sau Chính phủ Pháp mang xương cốt về Paris.

Nếu ông Napoléon mà biết dè dặt, không tham muốn quá chừng, thì chắc nước Pháp lúc đó không đến nỗi vì chiến tranh mà chết người, hại của. Mà ông Napoléon cũng giữ được địa vị Thiên tử trong một nước giàu mạnh ở Âu châu. Nhưng ông Napoléon đã làm con giời lại muốn làm cả giời, kết quả bị rơi xuống đất.

Thơ Trung Hoa có câu:

Xưa kia rất mực anh hùng

Mà nay nằm đó, lạnh lùng lắm ru!

Câu thơ đó thật đúng với hoàn cảnh Napoléon. Xưa nay đã nhiều người vì không "tri túc" (chừng mực) mà thất bại. Vậy mà người sau vẫn không biết nhớ những kinh nghiệm đời xưa.

Gần bên lǎng, cũng trong nhà đá, có nhà thờ để tụng kinh. Trong một gian phòng khác thì trưng bày những cờ xí thủa trước, những kiểu mẫu áo quần nhà binh, những tượng của các tướng có tiếng, những tranh vẽ những trận đánh to. Có một bức tranh rất khéo: vẽ mấy người lính và một khẩu đại bác. Bất kỳ mình đứng phía nào trông vào, miệng khẩu đại bác cũng quay theo phía mình.

XIII

Quần chúng pháp hoan hô Hồ Chủ Tịch - Cụ Chủ tịch đánh điện mừng nước phi luật tân độc lập.

1 giờ trưa, Thượng sứ D'Argenlieu làm tiệc hoan nghênh Hồ Chủ tịch ở lữ quán Ritz. Cũng đông khách như các tiệc trước.

5 giờ chiều, thành phố Paris hoan nghênh Hồ Chủ tịch ở toà Thị chính. Cũng cờ xí rực rỡ, cũng nghi tiết đường hoàng như các cuộc hoan nghênh trước. Nhưng lần này có vẻ dân chúng rõ ràng hơn. Tuy trời mưa, từ ngoài đường cho đến xung quanh sân, dân chúng vòng trong vòng ngoài, đứng chật như nêm. Chung quanh sân có đặt lan can bằng gỗ, để giữ trật tự cho dễ. Từ trên lầu đến ngoài cửa, đều có giải thảm đỏ. Có đội danh dự mũ đồng, gươm bạc sắp hàng hai bên. Quốc kỳ Việt và Pháp phất phới rực rỡ trên toà nhà Thị chính.

Xe Hồ Chủ tịch đi đến đâu, quần chúng Pháp đều hoan hô. Nhất là trẻ em và phụ nữ Pháp càng nhiệt liệt. Ông Thị trưởng Vergnolles cùng với Ban hội đồng thành phố Paris, Ban hội đồng quận Seine, đại biểu Chính phủ Pháp thì có các Bộ trưởng Michelet, Gay, Moutet, các tướng lĩnh, Đô đốc D'Argenlieu và những khách trọng yếu, ra tận cửa đón Hồ Chủ tịch. Phòng khai hội ở tầng trên, hàng nghìn người đã ngồi sẵn không hở chỗ nào. Đó là những người có giấy mời đặc biệt.

Hồ Chủ tịch vào, toàn thể đứng dậy vỗ tay.

Trên đài, Hồ Chủ tịch và ông Thị trưởng ngồi giữa, quý khách ngồi hai bên, quay mặt đối dân chúng. Ông Thị trưởng đọc bài diễn vǎn hoan nghênh, đầy ý nghĩa Việt - Pháp thân thiện. Hồ Chủ tịch đáp lại, đại ý nói: Paris là nguồn cách mệnh, Paris sẽ giúp cho các dân tộc được quyền độc lập.

Lễ nghi xong rồi, vào dự tiệc trà. Rồi Hồ Chủ tịch và ông Thị trưởng ký sổ vàng.

Lúc đi ra, Hồ Chủ tịch cho một em nhỏ Pháp một quả đào. Em nhỏ ấy ôm Cụ hôn. Mấy hôm sau, bố mẹ em nhỏ ấy mách lại rằng: về nhà em đó giữ mãi quả đào làm kỷ niệm, không cho ai động đến và cũng không chịu ǎn, và gặp ai cũng khoe.

8 giờ rưỡi, Cụ Chủ tịch đặt tiệc mời Chủ tịch Bidault, các Bộ trưởng, các vị trọng yếu trong Quốc hội Pháp và các tướng lĩnh. Phái bộ ta giúp Cụ tiếp khách. Chủ khách thân mật chuyện trò. Đến 12 giờ khuya mới tan cuộc.

Hôm nay chính là ngày Phi Luật Tân tuyên bố độc lập. Bốn trǎm nǎm nay, nước Phi Luật Tân bị hết nước này áp bức đến nước khác áp bức. Sau cùng là nước Mỹ cai trị. Nước Mỹ dùng chính sách khôn khéo, thừa nhận Phi Luật Tân độc lập. Như thế đã được lòng dân Phi, mà lại không mất lợi quyền người Mỹ.

Tại Manille là kinh đô Phi Luật Tân, sau 21 phát súng báo hiệu, 50 vạn người hoan hô. Từ đây, 18 triệu người Phi Luật Tân trở nên một dân tộc độc lập.

Hồ Chủ tịch có gửi điện chúc mừng. Chủ tịch Phi Luật Tân gửi điện trả lời cảm ơn.

Hôm nay, được tin Chính phủ Tchécoslovaquie vừa mới thành lập do ông Gơttwald là lãnh tụ Đảng Cộng sản làm Chủ tịch.

Chính phủ này là một chính phủ Mặt trận quốc dân, các đảng phái đều có tham gia, Đảng Cộng sản giữ những bộ Nội vụ, Tuyên truyền, Công tác, Thương mại; Đảng Xã hội giữ 3 bộ: Tư pháp, Giáo dục và bộ Buôn bán với nước ngoài; Đảng Dân chủ giữ 2 bộ: Công nghệ và Tiếp tế.

XIV

Nhiều yếu nhân trong tổng công hội Pháp và công hội thế giới đến thǎm Hồ Chủ Tịch -
họ bảo công hội thế giới sẽ phái đại biểu qua thǎm nước ta.

Ngày 5 tháng 7

Sáng 8 giờ, đại biểu báo "New York" là ông Campbell đến phỏng vấn Cụ Chủ tịch.

9 giờ, đại biểu dân tộc Malgache đến thǎm Hồ Chủ tịch. Các đại biểu lấy làm mừng rỡ thấy dân tộc Việt Nam đã bước lên đường độc lập. Họ nói: dân tộc Malgache rất đồng tình và ủng hộ cuộc vận động độc lập của nước Việt Nam.

10 giờ, ông bà thân sinh ra thiếu tá Mỹ Dewey đến thǎm Cụ Chủ tịch.

1 giờ trưa, vợ chồng ông Rosenfeld mời Chủ tịch ǎn cơm. Đồng thời có cựu Thủ tướng là cụ Léon Blum và ông nghị viện Lussy cùng ǎn cơm. Ông Rosenfeld là một nhà viết báo có tiếng. Ông điều khiển 20 tờ báo ở các tỉnh Pháp. Bà Rosenfeld là một nữ trạng sư. Hai ông bà hết lòng ủng hộ phong trào độc lập Việt Nam.

6 giờ, các ông nghị viên Algériens đến thǎm Chủ tịch. Nói chuyện về vấn đề Liên hiệp Pháp quốc.

8 giờ, các vị đại biểu Tổng Công hội Pháp đến thǎm Hồ Chủ tịch. Có các ông:

Léon Jouhaux, Tổng thư ký; Frachon, Thư ký; Saillant, Tổng thư ký Công hội thế giới; Monmousseau, Chấp hành uỷ viên và nhiều vị khác.

Các đại biểu ân cần hỏi thǎm tình hình lao động bên ta. Các ông rất chú ý về việc tổ chức và cách sinh hoạt của lao động ở Việt Nam. Các ông nói: Tổng Công hội Pháp và Tổng Công hội thế giới nay mai sẽ phái đại biểu qua thǎm nước ta, nhất là thǎm các đoàn thể lao động Việt Nam và ông Saillant nói: đoàn thể công nhân Việt Nam đã được Công hội thế giới thừa nhận.

Tổng công hội Pháp là một tổ chức rất to, rất mạnh. Trong mấy nǎm Pháp bị Đức chiếm, hội viên tranh đấu hǎng hái. Ngày nay, hội viên ra sức giúp vào việc khôi phục kinh tế. Trong Tổng hội có đủ các lớp lao động: công nhân xe lửa, công nhân hầm mỏ, công nhân thuyền bè, thợ may áo, thợ hớt tóc, người nấu ǎn, người giặt áo quần, công nhân nông nghiệp, các người viết báo, các người tài tử, các giáo sư, các khán hộ, v.v.. đều tổ chức vào Công hội. Hội viên chừng 6 triệu người. Đó là một lực lượng to lớn. Các đại biểu hứa rằng: sẽ ủng hộ cuộc vận động độc lập của ta.

Hôm nay được tin:

Quân đội Anh ở Le Caire đã giả lại pháo đài cho quân đội Ai Cập. Pháo đài này, khi Chủ tịch tới cũng đã vào xem cảnh. Quân đội Anh đóng tại pháo đài này từ nǎm 1889 đến bây giờ. Hôm nay theo hiệp định giữa nước Anh với Ai cập, quân đội Anh đã rút khỏi pháo đài.

ở Mỹ, giá hàng hoá tǎng lên vùn vụt. Từ hồi chiến tranh cho đến bây giờ, do Chính phủ hạn chế và phân phối, cho nên các thứ hàng hoá không tǎng giá. Nay Chính phủ không hạn chế nữa, các nhà buôn bán lợi dụng cơ hội ấy mà tǎng giá hàng. ở Mỹ toàn cả nước có nǎm nhóm tư bản to, họ điều khiển 250 hội buôn bán và công nghệ. Những hội này quản lý hai phần ba sản vật trong nước.

Ngày 6 tháng 7

Hôm nay Hội nghị Việt - Pháp khai mạc ở Fontainebleau, cách Paris chừng 60 cây số.

Đoàn đại biểu Pháp:

Các ông:

Pignon, Torel, Gonon, Mesmer, Bourgoin, Darcy, Đô đốc Barjot, Tướng Salan, Nghị viên Loseray, Nghị viên Juglas Callej. Trưởng đoàn là Max André.

Đoàn đại biểu Việt Nam:

Các ông:

Phan Anh, Bửu Hội, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Vǎn Huyên, Trịnh Vǎn Bính, Đặng Phúc Thông, Dương Bạch Mai, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Hà, Chu Bá Phượng, Huỳnh Thiện Lộc. Đoàn trưởng là Phạm Vǎn Đồng.
.........
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #5 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 09:21:43 pm »

(tiếp)

XV

Hội nghị Fontainebleau khai mạc - Hồ Chủ Tịch không tham gia hội nghị.

Chủ tịch là thượng khách của Chính phủ Pháp mời qua chơi, nên không tham dự vào Hội nghị Fontainebleau.

ở cung Fontainebleau có treo quốc kỳ Việt - Pháp. Khi hai phái đoàn tới, đội âm nhạc cử quốc ca hai nước. Ông Max André đứng dậy đọc diễn vǎn khai mạc. Đoàn trưởng Việt Nam là ông Phạm Vǎn Đồng trả lời. Trước là tỏ lòng cảm ơn Chính phủ và Đoàn đại biểu Pháp. Rồi nhắc đến việc vận động độc lập của dân Việt Nam. Ông Đồng nói tiếp:

"Trong lúc dân Việt Nam ra sức chống Nhật, thì chính phủ Vichy lại bán Đông Dương cho kẻ thù. Đến tháng 8 nǎm ngoái, dân Việt Nam nổi dậy tranh lấy chính quyền, tổ chức nước Cộng hoà dân chủ. Lúc đó Việt Nam đã thành một nước độc lập. Khắp Trung, Nam, Bắc phất phới lá cờ đỏ sao vàng. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, các địa phương đã bắt tay vào công tác trong cuộc hoà bình mới, để kiến thiết Tổ quốc Việt Nam.

Nhưng hoàn cảnh thình lình thay đổi: quân đội Pháp lại kéo vào, cuộc chiến tranh lại bùng nổ. Rồi đến Hiệp định ngày 6-3.

Chúng tôi lấy làm đau đớn mà phải nói rằng: người Pháp ở Việt Nam không thi hành đúng theo những khoản trong Hiệp định. Họ đã không đình chiến, lại tìm cách lấn thêm. Gần đây, họ lại chiếm vùng Kontum ở Trung Kỳ. Họ có những hành động táo bạo ở Bắc Kỳ, như việc chiếm Phủ Toàn quyền cũ.

Nhưng trước hết, chúng tôi hết sức phản đối sự chia rẽ Tổ quốc của chúng tôi, hết sức phản đối sự người Pháp ở Sài Gòn lập ra một nước và một Chính phủ Nam Bộ.

Thưa các ngài, Hiệp định ngày 6-3 đã để cho quân đội Pháp dễ dàng đi vào miền Bắc. Song đồng thời họ lại khiêu khích ở miền Nam. Chúng tôi phải nói thật rằng: cách hành động đó không giúp cho cuộc đàm phán thêm dễ dãi, không làm cho sự cộng tác giữa hai dân tộc Việt - Pháp có kết quả mau.

Chúng tôi muốn cộng tác. Vì chúng tôi yêu mến Tổ quốc của chúng tôi, cho nên chúng tôi muốn cộng tác với nước Pháp, trong một đại gia đình gồm những nước dân chủ tự do.

Chúng tôi muốn tham gia vào Liên bang Pháp quốc, xây đắp trên cái nền bình đẳng, bác ái.

Chúng tôi hiểu rằng: đó là chính sách của nhà đại chính trị là Chủ tịch Bidault, một vị lãnh tụ mà chúng tôi rất kính trọng. Chúng tôi tin rằng nếu theo chính sách đó thì cuộc đàm phán sẽ có kết quả hay".

Đoàn trưởng Việt Nam nói xong, thì đoàn trưởng Pháp đề nghị: Hôm nay tạm nghỉ.

11 giờ, Tướng Gentilhomme đến thǎm Cụ Chủ tịch.

12 giờ, mấy vị cố đạo Việt Nam ở Paris và ở Bruxelles đến chào Hồ Chủ tịch, rồi ở lại ǎn cơm trưa. Cả ông bà Nguyễn Mạnh Hà cũng đến.

Hôm đó, Hội kỷ niệm cố đạo Grégoire mời. Cụ Chủ tịch không đi được. Cụ viết thơ và phái người đến tham gia. Cố đạo Grégoire là một người rất hǎng hái trong thời kỳ đại cách mệnh Pháp. Ông ra sức đề sướng quyền tự do, bình đẳng cho tất cả các dân tộc, bất kỳ trắng, đỏ, vàng, đen. Ông kịch liệt phản đối dân tộc này áp bức dân tộc khác.

Chợ đen ở pháp rất phát triển - cụ chủ tịch có bầy cháu pháp - việt (1) .

Ngày 7 tháng 7

Hôm nay là ngày chủ nhật. Nhiều kiều bào tới thǎm chào Cụ Chủ tịch. Có các anh em lính chiến và lính thợ ở các nơi xa đến. Các anh em trí thức cũng đến đông, như bác sĩ Tiệp ở Perpignan về.

12 giờ, Tướng Salan đưa con và em giai là bác sĩ Salan đến thǎm Cụ Chủ tịch.

8 giờ chiều, thành phố Versailles mời Cụ Chủ tịch đi xem hội đốt pháo hoa. Có nhiều pháo thǎng thiên rất khéo. Các vòi nước phun ra, nơi thì như những bức tượng thuỷ tinh, nơi thì như những dàn hoa non bộ. Hội diễn ở bên bờ hồ. Chung quanh hồ là vườn hoa. Đèn chiếu sáng như ban ngày. Khi đốt pháo và mở nước thì tắt đèn. Hoa pháo lẫn với hoa nước, nước lẫn với pháo, cả nước cả pháo chiếu xuống mặt hồ, xem rất là đẹp. Lại có nhảy múa và âm nhạc. Cuộc nhảy múa rất đặc biệt. Những người múa mặc áo rất đẹp, tay cầm màn lụa lượn qua lượn lại, có các đèn xanh đỏ chiếu vào: từ xa trông vào như rồng bay phượng múa, hoa nở mây tuôn, cực là xinh đẹp.

Cuộc vui mãi tới 11 giờ mới tan.

Tin tức: Hôm qua Hội bệnh lao khai đại hội ở Paris. Đại hội sẽ làm việc trong 3 ngày.

Hội này có 3 vạn hội viên. Theo lời báo cáo thì nước Pháp có 80 vạn người ho lao.

Nǎm nay so với nǎm trước, số người ho lao tǎng thêm 30 vạn. Có nhà thương, nhưng ít quá. Đại hội yêu cầu làm thêm nhà thương, và phế bỏ cách bóc lột những người có bệnh.

Theo các báo Pháp thì chợ đen ở Pháp phát triển lắm. Trong một nǎm mà chợ đen bán lậu đến 50 triệu kilô bánh mì và làm 40 vạn cái bông giả. Chỉ trong 6 tháng mà bọn buôn lậu xoay được 195 triệu tiền ngoại quốc, 27 triệu tiền Pháp, 200 kilô vàng, 173 triệu hàng hoá khác. Từ tháng 1 đến tháng 6, sở kiểm tra bắt được 173 người buôn lậu.

Ngày 8 tháng 7

12 giờ, Cụ Chủ tịch tiếp vợ chồng ông Marane, cựu Chủ tịch quận Seine. Ông Coste, nghị viên Quốc hội. Vợ chồng ông Poldès, vǎn sĩ. Có mời cả vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Hà ǎn cơm với khách.

5 giờ, Đô đốc Missoff thết tiệc trà hoan nghênh Cụ Chủ tịch. Ông Missoff có nǎm người con trai đều tham gia kháng chiến, và một người con gái Jacqueline 13 tuổi, rất mến Hồ Chủ tịch, và gọi Cụ bằng Bác Hồ. Từ lúc đến Paris, Cụ Chủ tịch đã có một bầy cháu giai, cháu gái, Pháp có, Việt có.

Mấy hôm nay, báo Pháp và ngoại quốc luôn luôn nói đến việc nước ta.

Tin tức là: 1) Hãng thông tin Nhật "Kyodo" bảo rằng ở xứ Nagono, một người đàn bà nông dân đẻ ra đứa con gái có 2 mình, 2 đầu, 4 chân, 4 tay, nhưng 2 mông đít dính nhau.

2) Người Pháp, người Bỉ và người Thuỵ Sĩ thi viết chữ tắt. Người Pháp là cô Annes Guillot viết mỗi phút 288 chữ, được giải nhất.

3) Tỉnh Piète phía Bắc nước Pháp, trong thời kỳ chiến tranh, 40 vạn mẫu đất đều bị người Đức chôn địa lôi. Từ ngày hết chiến tranh, Chính phủ Pháp dùng 3.500 người Pháp và 38.000 tù binh Đức để đào địa lôi. Trong lúc đào, 48 người Pháp và 141 người Đức bị nổ chết, 59 người Pháp và 181 người Đức bị thương. Đến ngày hôm kia đào được 50 vạn quả địa lôi.

Hội pháp - việt là hội lập ra để ủng hộ nền độc lập Việt Nam hoan nghênh cụ chủ tịch - cụ chủ tịch đi gặp thủ tướng bidault, nói chuyện đến 12 giờ đêm.

Ngày 9 tháng 7

8 giờ sáng, ông Trive, là Giám đốc nhà máy ciment và nhà máy điện, máy nước ở Bắc Bộ, đến chào Cụ Chủ tịch.

9 giờ, ông Saravanne đến thǎm Hồ Chủ tịch. Ông là người ấn Độ, mới được dân ấn cử làm nghị viên trong Quốc hội Pháp (có 5 chỗ đất ấn là thuộc địa Pháp). Ông còn trẻ, rất thông minh. Đối với dân tộc Việt Nam nhiệt liệt tỏ tình thân thiện.

7 giờ chiều, ông bà Sainteny thết tiệc trà hoan nghênh Cụ Chủ tịch. Tiệc dọn ngoài vườn dưới bóng cây, trời mát, khách đến rất đông. Hai đoàn đại biểu Việt - Pháp cùng đến dự tiệc.

Ngày 10 tháng 7

8 giờ sáng, ông Bernard đến chào Cụ Chủ tịch. Ông trước làm quan nǎm. ở bên ta đã lâu. Nay đã gần 80 tuổi, nhưng còn mạnh khoẻ lắm. Ông hiểu rất rõ việc bên ta, và đối với cuộc xây dựng nền độc lập của ta, ông rất sốt sắng ủng hộ.

9 giờ, một nhà báo Mỹ đến phỏng vấn.

1 giờ trưa, Cụ Chủ tịch mời ông bà Sainteny ǎn cơm. Có cả bà thân sinh ông Sainteny và cụ Sarraut, nguyên Toàn quyền Đông Dương. Cụ Sarraut là thân sinh ra bà Sainteny.

5 giờ, luật sư Baptiste đến thǎm Hồ Chủ tịch. Ông là người da đen vào dân Pháp. Trong cuộc chiến tranh lần thứ nhất, bị thương cụt cả hai tay. Thế mà thân thể vẫn mạnh khoẻ, tính tình vẫn vui vẻ. Rất đồng tình với nước ta.

8 giờ chiều, Cụ Chủ tịch tiếp các ông Thoumyre, ông Trive và mấy người Pháp chuyên môn về các ngành kinh tế ở bên nước ta. Nói chuyện về cách Việt - Pháp cộng tác, làm sao cho dân Việt cũng có lợi, người Pháp cũng có lợi.

Ngày 11 tháng 7

8 giờ sáng, mấy anh chị em kiều bào Nam, Bắc đến chơi rồi cùng ǎn sáng với Cụ Chủ tịch.

9 giờ, các đại biểu nam nữ của Tổng hội giáo học Pháp đến chào Hồ Chủ tịch. Nói chuyện về vấn đề vǎn hoá Việt và Pháp. Các đại biểu mong Việt Nam độc lập mau thành công để vǎn hoá Việt và Pháp trao đổi một cách bình đẳng và thân mật. Khi ra về, các đại biểu ân cần gửi lời chúc anh em trí thức Việt Nam gắng sức giúp nước.

1 giờ trưa, Đại tướng Juin đến thǎm Cụ Chủ tịch.

6 giờ, Hội Pháp - Việt làm tiệc trà hoan nghênh Hồ Chủ tịch. Hội này là do những người Pháp có danh vọng lập ra, để ủng hộ cuộc độc lập Việt Nam. Các hội viên không chia đảng phái, tôn giáo và giai cấp, hễ ai đồng tình với Việt Nam là được vào Hội.

Hôm nay hội viên đến rất đông. Đại biểu Chính phủ thì có các Bộ trưởng Gay, Thorez, Tillon, v.v..

Đại biểu trí thức thì có các ông Jourdain, Aragon, v.v..

Đại biểu khoa học thì có ông bà Curie.

Đại biểu phụ nữ thì có các bà Cotton, Duchesne, v.v...

Đại biểu báo giới thì có các ông Vaillet, Cogniot, v.v..

Đại biểu Quốc hội Pháp thì có các ông nghị thuộc địa.

Đại biểu các nước cũng đông.

Có cả đại biểu Việt - Pháp trong cuộc Hội nghị Fontainebleau.

Kiều bào đến dự rất đông.

Chủ tịch Justin Godart và bà Curie đọc lời hoan nghênh có những câu thấm thía, thân mật vô cùng.

Hồ Chủ tịch cũng có đáp lại mấy lời cảm ơn Hội Pháp - Việt. Các nhi đồng Việt Nam hát quốc ca hai nước. Rồi có chớp bóng và múa hát, thật là vui vẻ.

8 giờ, Cụ Chủ tịch đi gặp Bộ trưởng Moutet.

10 giờ, Cụ lại đi gặp Thủ tướng Bidault, nói chuyện đến 12 giờ khuya mới về.

Tin là: Một nhà khoa học ở nước Colombie, nghiên cứu vô tuyến điện tìm ra một thứ ánh sáng rất ghê gớm, cách xa mấy dặm nó cũng có thể làm chết người.

Hồ chủ tịch tuyên bố với các nhà báo 6 điều - các nhà báo khen lời cụ chủ tịch đứng đắn và chân thành.

Ngày 12 tháng 7

9 giờ sáng, các kiều bào làm nghề thầy thuốc bào chế và chữa rǎng đến chào Cụ Chủ tịch.

Kiều bào ở Pháp, có nhiều người làm thuốc có tiếng như các bác sĩ: Lê Tấn Vinh, Trần Hữu Tước, Trần Bá Huy, Lê Đình Thi, Hoàng Xuân Hãn, v.v..

1 giờ trưa, ông Godart mời Cụ Chủ tịch ǎn cơm. Ông là cựu Bộ trưởng, nay làm Chủ tịch Hội Pháp - Việt, thường ra sức tuyên truyền người Pháp để ủng hộ cuộc độc lập của nước ta. Hai ông bà đều rất hiền hành, tử tế.

6 giờ, Cụ Chủ tịch tiếp các nhà báo. Đại biểu các báo Pháp và các báo ngoại quốc, những người chụp ảnh, quay phim đến cũng đông như lần trước.

Hồ Chủ tịch tuyên bố 6 điều:

1) Việt Nam đòi quyền độc lập. Độc lập không phải là đoạn tuyệt với Pháp, mà ở trong Liên hiệp Pháp quốc, vì như thế thì lợi cả cho hai nước. Về mặt kinh tế và vǎn hoá, Việt Nam vui lòng cộng tác với Pháp.

2) Việt Nam tán thành Liên bang Đông Dương, với Cao Mên và Ai Lao. Nhưng quyết không chịu có một Chính phủ liên bang.

3) Nam Bộ là một bộ phận nước Việt Nam, không ai có quyền chia rẽ, không lực lượng nào có thể chia rẽ.

4) Việt Nam sẽ bảo hộ tài sản của người Pháp. Nhưng người Pháp phải tuân theo luật lao động của Việt Nam, và Việt Nam giữ quyền mua lại những sản nghiệp có quan hệ đến quốc phòng.

5) Nếu cần đến những người cố vấn, thì Việt Nam sẽ dùng đến người Pháp trước.

6) Việt Nam có quyền phái sứ thần và lãnh sự đi các nước.

Cụ Chủ tịch nói tiếp:

"Tôi tin nước Pháp mới. Tôi có gặp nhiều người Pháp phụ trách, họ đều hiểu chúng tôi. Về phần chúng tôi, chúng tôi rất thực thà. Chúng tôi mong rằng người khác cũng thật thà với chúng tôi. Chúng tôi quyết không chịu hạ thấp chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không muốn hạ thấp nước Pháp. Chúng tôi không muốn đẩy người Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng chúng tôi nói với họ: các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người họ muốn bóp cổ chúng tôi.

"Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam. Chỉ có lòng tin cậy lẫn nhau và sự cộng tác bình đẳng, thật thà, thì mới đi đến kết quả thân thiện giữa hai nước".

Hôm sau, các báo đǎng rất nhiều và bình luận rất nhiều về cuộc nói chuyện đó. Nhiều báo khen lời Hồ Chủ tịch đứng đắn và chân thành.

Báo N.L. viết: Những lời đó tỏ ra rằng, Hồ Chủ tịch và Chính phủ Việt Nam quyết tâm dàn xếp sự quan hệ Việt - Pháp bằng cách hiểu biết nhau và lòng hữu ái giữa hai dân tộc. Thế mà có một vài tờ báo Pháp có cái thái độ thật là khó thương. Họ bày đặt những chuyện giả dối, vô lý để khiêu khích. Họ muốn phá cái tình thân thiện giữa 2 dân tộc Việt - Pháp, tuy làm như vậy là có hại cho Tổ quốc Pháp. Họ đã quên cái kinh nghiệm ở Syrie và Liban rồi sao?.

Tin tức thế giới:

Chính phủ ý mới thành lập.

Thủ tướng kiêm Bộ Nội vụ: ông Gaspari, Đảng Dân chủ.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ Ngoại giao: ông Nenni, Đảng Cộng sản.

Đảng Dân chủ giữ thêm 5 bộ: Canh nông, Giáo dục, Hải quân, Thương mại, Giao thông.

Đảng Cộng sản giữ thêm 4 bộ: Tài chính, Tư pháp, Hàng không, Tiếp tế.

Còn vài bộ khác do Đảng Xã hội và Đảng Cộng hoà giữ.

Hồ chủ tịch dự ngày quốc khánh của nước pháp


Hồ Chủ tịch tại Pháp ngày 14 tháng 7 năm 1946
............
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #6 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 09:27:07 pm »

(tiếp)


Tại Nogent-sur-Marne ngày 3.7.1946 (daibieunhandan.vn).

Ngày 13 tháng 7

Sáng sớm, Cụ Chủ tịch tiếp kiều bào.

1 giờ trưa, Đô đốc Barjot mời Cụ Chủ tịch ǎn cơm.

3 giờ, bà Rosenfeld - đại biểu báo "Phụ nữ" đến phỏng vấn Cụ Chủ tịch về phụ nữ Việt Nam. Hồ Chủ tịch nói rằng: Phụ nữ Việt Nam từ 18 tuổi đều có quyền tuyển cử và ứng cử, và trong Quốc hội Việt Nam có mười nghị viên phụ nữ. Nghe vậy, bà Rosenfeld lấy làm thích ý, và bà nói: mong lần tuyển cử sau, chị em phụ nữ Việt Nam sẽ trúng cử nhiều hơn.

3 giờ, báo hàng tuần "Grégoire" đến phỏng vấn.

8 giờ, ông Michelet - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mời cụ Chủ tịch ǎn cơm.

Ông Michelet là lãnh tụ Đảng Cộng hoà (M.R.P). Trong thời kỳ kháng chiến, có công trạng to với nước Pháp. Hai ông bà rất trung hậu. Tuy còn trẻ tuổi mà đã có 7 con.

Ngày 14 tháng 7

Hôm nay là ngày Quốc khánh của nước Pháp. Ngày 14 tháng 7 nǎm 1789, dân Pháp nổi cách mệnh chống vua chúa, chống phong kiến, phá ngục Bastille. Ra khẩu hiệu: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Cuộc cách mệnh đó mở đường cho các cuộc cách mệnh dân quyền trong thế giới.

Tự đó đến nay, nước Pháp lấy ngày 14-7 làm ngày Quốc khánh.

9 giờ sáng, Chính phủ Pháp mời Hồ Chủ tịch đi dự lễ duyệt binh.

Trên khán đài, Chủ tịch Bidault ngồi trước, kế đến ông Michelet, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và ông Tillon, Bộ trưởng Quân giới. Hồ Chủ tịch ngồi bên tay phải. Ông Auriol, Chủ tịch Quốc hội ngồi bên tay trái. Đại tướng Juin và Tổng bộ tham mưu ngồi giữa. Các Bộ trưởng và nghị viên ngồi sau. Sứ thần các nước ngồi một bên, về phía hữu. Các quý khách ngồi một bên, về phía tả.

12.000 người quân đội kéo qua. Trống rung cờ mở, khí tướng oai nghiêm. Lại có mấy ngàn công nhân đại biểu cho các xưởng máy quân sự cũng kéo đi qua với quân đội. Thật là quân dân hợp tác. Có mấy chiếc máy bay liệng qua liệng lại trên trời. Quân đội ǎn mặc theo kiểu Mỹ, rất gọn gàng. Súng ống, xe cộ cũng theo kiểu Mỹ, rất bệ vệ.

Trưa, có một cuộc biểu tình khác của dân chúng. Người đông như kiến, tiếng hò reo rầm một góc giời. Kiều bào Việt Nam ta cũng có tham gia. Khi họ đi qua, dân chúng Pháp hoan hô rất nhiệt liệt.

Tối, các nhà thờ, các công sở, các công viên, các rạp hát, các đình đài, đèn chiếu sáng chưng. Phố nào cũng có đám nhẩy đầm. Các con đường lớn người đông như nêm cối.

Gần 9 giờ, có 5, 6 nơi đốt pháo hoa. Đầy giời xanh, đỏ, vàng, tím, tiếng nổ đì đùng, như núi lửa sao sa! Cuộc vui mãi gần khuya mới hết.

Trưa hôm đó, Hồ Chủ tịch viết thơ cảm ơn Chủ tịch Bidault, đại ý nói:

"Tôi lấy làm sung sướng mà được cùng nhân dân Pháp chúc mừng ngày kỷ niệm vẻ vang. Trong ngày này cách 150 nǎm trước, nước Pháp đã làm cho thế giới biết và ham bình đẳng, tự do. Ngày 14 tháng 7 là lúc rạng đông cho quyền chính trị tự do và công bằng xã hội, cho cả các dân tộc và cả mọi người.

"Trong lúc mà dân Pháp và dân Việt đương tìm cách để thực hành sự cộng tác thật thà và thân thiện, ngày 14 tháng 7 lại càng có ý nghĩa đặc biệt đằm thắm cho hai nước chúng ta".

Tất cả kiều bào ở paris và đại biểu các tỉnh đến hoan hô chủ tịch - các chị em pháp lấy chồng việt cũng dắt con đến.

Ngày 15 tháng 7

Hôm nay, vợ chồng ông Poldès mời Cụ Chủ tịch về nhà quê chơi, cách Paris chừng 30 cây số. Đi qua làng X, là quê hương của ông Daguère, người đã tìm ra cách chụp ảnh. Vừa rồi, các nhà mỹ thuật Pháp có tổ chức một cái hội để kỷ niệm ông Daguère. Hội đó mời Hồ Chủ tịch làm danh dự hội trưởng. Nay nhân dịp Hồ Chủ tịch đi qua, những người đại biểu dân làng ra đón để cảm ơn. ở trong làng đó, có một cái bảng khắc bằng chữ đồng to: "74.000 người cộng sản chết vì Tổ quốc".

Nhà ông Poldès, rừng bọc xung quanh. Thanh vắng mát mẻ. Cây tốt hoa thơm. Ǎn cơm rồi, Cụ Chủ tịch kéo ghế nằm dưới gốc cây. Thật đúng câu:

"Thảnh thơi vui thú yên hà,

Tùng là bạn cũ, hạc là người quen".

Nghỉ ngơi đến 3 giờ, lại vội vàng phải về, vì có khách đợi.

5 giờ, có mấy nhà báo đến phỏng vấn.

Từ ngày Hồ Chủ tịch đến Paris, bận việc quá, chưa gặp được toàn thể kiều bào. 9 giờ tối hôm nay, kiều bào tổ chức một cuộc hoan nghênh ở Palais des Mutualités.

Trước 9 giờ, tất cả kiều bào ở Paris, và đại biểu các tỉnh đã đến đông đủ. Các chị em Pháp lấy chồng Việt cũng vui vẻ theo chồng dắt con đến tham gia. Chừng hơn 2.000 người, một nhà chật ních, cờ đỏ sao vàng bay phất phới, khẩu hiệu ái quốc cǎng đầy nhà.

Anh em thanh niên phụ trách giữ trật tự. Mỗi người đến thì các chị em phụ nữ gắn cho một ngôi sao vàng.

Đúng 9 giờ, Hồ Chủ tịch và phái bộ bước vào. Toàn thể đứng dậy hoan hô. Tiếng vỗ tay rầm rầm như sấm.

Các đoàn thể tặng hoa cho Cụ Chủ tịch và phái bộ. Lại vỗ tay, lại hoan hô. Kiều bào hát quốc ca theo âm nhạc. Anh đại biểu đọc lời chúc. Rồi Cụ Chủ tịch báo cáo tình hình trong nước và khuyên kiều bào: một là thân ái đoàn kết; hai là ủng hộ Tổ quốc và Chính phủ.

Kế đến, các ông Phạm Vǎn Đồng, Dương Bạch Mai và Đặng Phúc Thông báo cáo. Hồ Chủ tịch và ông Đồng trao cờ và thư các đoàn thể trong nước gửi tặng các đoàn thể kiều bào. Toàn thể lại vỗ tay hoan hô.

Trước khi tan hội, toàn thể đứng dậy hô khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn nǎm! Nam Bộ là đất nước Việt Nam!

Lúc Cụ Chủ tịch ra về, kiều bào đồng thanh hát bài "Hồ Chí Minh muôn nǎm".

Hôm nay kiều bào ai cũng nhớ lại rằng, mấy nǎm trước, khi ở nhà bước chân ra đi, Việt Nam còn là xứ thuộc địa. Nay nhờ đồng bào đoàn kết phấn đấu, mà nước ta trở nên một nước dân chủ tự do. Trông thấy Hồ Chủ tịch và phái đoàn cũng như trông thấy Tổ quốc yêu quý.

Lại trông thấy lá quốc kỳ Việt Nam rực rỡ bay trong nước Pháp. Lại trông thấy Chính phủ Pháp tiếp rước Hồ Chủ tịch một cách rất long trọng, và nhân dân Pháp đối với Hồ Chủ tịch một cách rất thân mật, ai cũng nhận thấy rằng lần này là lần đầu, mà dân Việt Nam được mở mặt, mở mày với người ta. Vì vậy cho nên hôm nay kiều bào ai cũng hớn hở, vui mừng, sung sướng.

Tin tức thế giới: 10 vạn công nhân xứ Iran bãi công.

Hồ Chủ Tịch đi thăm Normandie - Những tàn tích chiến tranh còn sót lại

Ngày 16 tháng 7

10 giờ, đi xem cuộc trưng bày kiểu nhà ở của người Mỹ tại Grand Palais. Những nhà này gọi là nhà "lắp", vì tường vách buồng the, cái gì cũng làm sẵn từng miếng. Tháo ra được, lắp lại được. Muốn ở đâu thì chở vật liệu đến đó, chỉ mất công lắp lại, bỗng chốc là có nhà ở. Thứ nhà này họ lắp bằng máy. Làm hàng trǎm, hàng nghìn nhà một lần. Cho nên mau và tiện lắm. Vì muốn giải quyết vấn đề thiếu nhà ở, cho nên có thứ nhà này. Nhưng giá còn đắt. Một nhà 4,5 gian buồng, giá đến 6,70 vạn tiền Pháp.

11 giờ, đi xem nhà trưng bày tranh vẽ.

12 giờ, đi xem nhà trưng bày đồ thêu. Những bức thêu này trước bị người Đức cướp đi, nay lấy lại được. Mỗi gian phòng, treo những bức thêu của một thế kỷ. Từ thế kỷ thứ 15, 16 đến thế kỷ này. Bức nào cũng khéo, cũng đẹp. Lại có một phòng trưng bày cách thêu thế nào.

4 giờ, bà Saunier, đại biểu tuần báo "Hành động" đến phỏng vấn Cụ Chủ tịch. Báo này là một tờ báo tiên tiến, thường viết bài bênh vực nước ta.

Từ ngày Cụ Chủ tịch đến nước Pháp, ở đâu hoặc đi đâu, cũng có 12, 15 nhân viên công an theo hộ vệ cả ngày đêm bất kỳ mưa nắng. Nghĩ đến công lao của mọi người, cho nên hôm nay Cụ Chủ tịch đãi tiệc họ. Theo lệ thường thì chỉ mời quan chức. Nhưng Cụ Chủ tịch muốn cho đông đủ mọi người. Mời tất cả không đủ chỗ. Vậy nên, ngoài Chánh phó Công an cục trưởng và Chánh phó Cảnh sát trưởng, thì mỗi hàng binh lính, công chức cử đến mấy người đại biểu, tất cả chừng 50 người.

Ngày 17 tháng 7

9 giờ, Cụ Chủ tịch đi thǎm miền Normandie. 4 chiếc xe hơi cùng đi. Có Hồ Chủ tịch, ông Sainteny, anh em tuỳ tùng, những người hộ vệ, 2 vợ chồng ông Hertrich và hai em nhỏ Việt kiều (Jacqueline và Régine).

Giời mưa phùn như mưa xuân ở nước ta, đường hơi trơn. Đi khỏi thành phố Evreux chừng 15 cây số thì một chiếc xe hơi bị lật đổ xuống bờ ruộng. Đầu xe hỏng hết. Tài xế lọt nằm ngang dưới xe, anh Thiện và ông Hertrich bị thương xoàng. Bà Hertrich bị gẫy xương vai. Tất cả mọi người cùng đưa vợ chồng ông Hertrich trở lại nhà thương Evreux rồi lại cứ đi.

Ngồi trên xe trông ra, xe tǎng và thiết giáp hỏng nát lổng chổng hai bên đường. Đó là dấu vết chiến tranh còn lại. Quá trưa đến Dauville. Dauville là một bãi bể nghỉ mát, sang trọng có tiếng.

Từ Dauville đi đến Caen. Caen là một thành phố khá to, nhưng sau một trận ném bom chừng 15 phút của máy bay Mỹ khi quân Đồng minh bắt đầu đổ bộ vào Bắc Pháp thì nhà cửa Caen sụp nát gần hết, chỉ còn vài bức tường đứng chơ vơ.

Từ Caen đến Courseulles và Aromanches. Đây là hai bãi bể mà quân Đồng minh đổ bộ tháng 6 nǎm 1944, để đánh vào nước Pháp. Mỗi chỗ dài chừng 5 cây số. Anh và Mỹ hoặc dùng tàu, hoặc dùng thuyền sắt đúc ciment vào nhấn chìm xuống bể, vòng cong như hình bán nguyệt, để làm cầu cho quân lên bờ. Quân Đồng minh đổ bộ ở đó hơn một triệu người. Đức tuy có xây đắp những pháo đài rất kiên cố. Nhưng vì Đồng minh thình lình đổ bộ ban đêm, cho nên Đức chống không nổi. Trước khi đổ bộ, có hàng mấy nghìn máy bay thả bom xuống những nơi có quân đội Đức. Hiện nay, trong vùng còn nhiều địa lôi Đức chôn khi trước, đào lên chưa hết. Và trong những đám đất đó, dân sự chưa dám cày cấy.

Hồ Chủ Tịch đi thăm trường làng - Đến Le Pin au Harras
Về Paris - Phó Chủ tịch Pháp mời Chủ tịch ăn cơm

Đến Bayeux, một thành phố khi trước khá thịnh vượng. Nhưng bây giờ nhà xiêu vách nát, quang cảnh tiêu điều.

Gần tối đến làng Aignervilles. Cụ Chủ tịch và anh em đến nghỉ ở nhà ông bà Sainteny. Bà Sainteny làm lý trưởng làng này. Đây là một trang trại lớn có nuôi bò, dê, lợn, v.v.. Nhà cao vườn rộng, lề lối một nhà giàu ở làng quê.

Khi đến, đã có Chủ tịch quận và Chủ tịch tổng đến chờ sẵn để đón Hồ Chủ tịch.

Ngày 18 tháng 7

Sáng dậy, thầy giáo làng dẫn các bé em học trò trong làng đến chào Cụ Chủ tịch. Hơn 20 trẻ em, cả trai cả gái, mỗi em cầm một bó hoa. Một em nói mấy câu chúc mừng. Rồi các em đến xúm xít đưa hoa và hôn Hồ Chủ tịch, tỏ vẻ thân mật.

Ǎn sáng xong, đi Viervilles, một bãi bể nghỉ mát. Khi trước, trong vùng bãi bể san sát lâu đài, dinh thự, nay chỉ còn đống gạch. Từ đó trở về, đi qua những thành phố, Saint Lo, Villersbocages, Thury- Hacourt, Argentan. Những chỗ đó, khi trước đều là phồn thịnh, nhưng nay phần nhiều chỉ còn vách nát tường rêu. Dưới trận mưa bom đạn, chẳng những nhà cửa tan hoang, mà lại rất nhiều người chết. Hiện nay những dân sự may mắn sống sót, không có nhà ở. Chính phủ phải làm những dẫy trại bằng gỗ để cho dân ở đó, khỏi nạn nắng mưa. Có lẽ chừng mười lǎm nǎm nữa, những thành phố ấy mới có thể xây đắp lại được.

Hai bên đường còn thấy những vườn táo, gốc vẫn còn đó, nhưng lá chưa mọc được, vì bị bom đạn nhiều quá. Xem đó có thể tưởng tượng những trận đánh kịch liệt đến thế nào.

12 giờ trưa, đến Le Pin au Harras. ở đây có một sở nuôi ngựa giống của Chính phủ. Ông giám đốc và những người đồng sự ra đón Hồ Chủ tịch vào. Sở này toà ngang dãy dọc, nhà rộng sân cao, cây xanh cỏ tốt. Một phong cảnh sầm uất khác hẳn với những vùng vừa đi qua. Ǎn cơm xong rồi, ông giám đốc cho quần ngựa ở sân trước để Cụ Chủ tịch xem. Đủ các giống ngựa. Ngựa toàn giống Arabe, ngựa toàn giống Anh. Giống lai Arabe và Anh, và giống Pháp. Đủ các thứ ngựa, ngựa đua, ngựa cưỡi, ngựa kéo xe, ngựa chở hàng. Con nào con ấy to béo mạnh mẽ. Ông giám đốc và những người đồng sự biết rõ tính tình và dòng giống của mỗi con ngựa. Họ biết bố mẹ, cô cậu của những con ngựa ấy.

Những ngựa ấy được chǎm nuôi một cách rất cẩn thận. Mỗi nǎm cho đi các nơi để cho các nhà có ngựa cái lấy giống. Hết mùa lại đem về.

Ông giám đốc có 12 người con. Có một cặp con gái sinh đôi đã lên sáu, trông rất kháu. Hồ Chủ tịch cùng hai em đó chụp ảnh làm kỷ niệm.

4 giờ ra về, 6 giờ đến Paris. Trong hai ngày đó đi chừng 600 cây số. Cảm tưởng chung là nước Pháp cần nhiều tiền, nhiều người và nhiều thì giờ để xây lại những vùng bị tàn phá.

7 giờ chiều, ông Phó Chủ tịch Chính phủ Pháp mời cụ Chủ tịch ǎn cơm.

Tin thế giới: các báo đǎng tin: ở Nga, tất cả các thứ hàng hoá đều hạ giá bốn mươi phần trǎm (40%).

Nữ văn sĩ Simone Téry thăm Hồ Chủ Tịch - Ông Rosenfeld phỏng vấn
Ông Tillon mời Hồ Chủ Tịch dự tiệc trà

Ngày 19 tháng 7

8 giờ, nữ vǎn sĩ Simone Téry đến thǎm Cụ Chủ tịch.

10 giờ, ông Rosenfeld đến phỏng vấn về cuộc hội nghị Việt - Pháp.

5 giờ chiều, bác sĩ Boutbien đến thǎm Cụ Chủ tịch.

8 giờ chiều, ông Tillon, Bộ trưởng Bộ Quân giới, đặt tiệc trà hoan nghênh Hồ Chủ tịch.

Phóng viên báo Franc - Tireur đến thăm -
Hồ Chủ Tịch đi thăm ông bà Joliot Curie, ông Francis Jourdain

Ngày 20 tháng 7

8 giờ sáng, phóng viên báo Franc - Tireur đến thǎm.

10 giờ, Cụ Chủ tịch đi thǎm ông bà Joliot Curie. Ông và bà Joliot Curie là hai nhà khoa học có tiếng khắp thế giới. Cả hai ông bà đều rất sốt sắng đồng tình với cuộc vận động độc lập của Việt Nam. Trong lúc nói chuyện, ông Curie tỏ ý rằng khoa học Pháp sẽ sẵn lòng giúp đỡ khoa học Việt Nam tiến bộ cho mau.

11 giờ, Cụ đi thǎm ông Francis Jourdain. Ông Jourdain là Tổng thư ký của Hội Pháp - Việt, tuy tuổi tác đã cao, nhưng vẫn ra sức giúp đỡ Việt Nam, không kể khó nhọc. Trong những ngày dân ta bị khủng bố gắt gao, ông và những người bạn ông ra sức kêu gọi ủng hộ ta. Những đồng chí chính trị phạm Việt Nam trong những nǎm 1929-30, cho đến lúc cuộc chiến tranh bùng nổ, người thì được tha, người thì được đối đãi dễ chịu hơn, sẽ luôn luôn nhớ đến ông già Jourdain.

1 giờ, Cụ Chủ tịch mời vợ chồng ông Dumaine ǎn cơm trưa. Ông Dumaine là Bộ trưởng Bộ Lễ, từ lúc Hồ Chủ tịch đến Pháp, bao nhiêu việc đi lại giao thiệp đều do ông Dumaine xếp đặt.

8 giờ chiều, đại biểu phụ nữ các giới đến thǎm Hồ Chủ tịch. Có các bà:

Bà Đô đốc Barjot,

Bà giáo sư Langevin,

Bà Godart, vợ ông Chánh hội trưởng Hội Pháp - Việt,

Bà Braun, Phó Chủ tịch Quốc hội,

Bà Joliot Curie,

Bà Sainteny, vợ ông đặc sứ ở Bắc Bộ,

Bà Bộ trưởng Tillon,

Bà Chánh vǎn phòng Guénée, v.v..

Phụ nữ ta có chị Trinh, chị Thuý giúp Hồ Chủ tịch tiếp khách.

Tin tức thế giới:

1) Sở xe lửa Luân Đôn xảy ra một cuộc bãi công lạ lùng. Hai người công nhân bị bắt, vì người ta vu cho họ lấy hai quả cà chua không giả tiền. Ba nghìn nam nữ công nhân nghe tin ấy lập tức bãi công, đòi thả hai người bị bắt. Hai người được tha rồi nhưng cuộc bãi công chưa kết liễu.

2) Theo báo Anh thì có 14.000 người Việt Nam lánh nạn qua Xiêm.

Đại biểu báo hàng tuần, Đoàn thanh niên thế giới đến chào Hồ Chủ Tịch -
Nhà văn  hào Nga Illya Erhenbourg tới thăm Chủ tịch - Đi xem hội máy bay
.........
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #7 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 09:33:02 pm »

(tiếp)


Thăm Normandy nơi Đồng Minh đổ bộ trong Thế chiến 2 (daibieunhandan.vn)

Ngày 21 tháng 7

8 giờ sáng có mấy đại biểu các báo hàng tuần đến thǎm Cụ Chủ tịch.

10 giờ, đại biểu thanh niên thế giới đến chào Hồ Chủ tịch. Đại biểu thanh niên 64 nước: Mỹ, Anh, Canada, Nga, ý, Thuỵ Sĩ, Ai Cập, ấn Độ, Tàu, Mã Lai, Palestine, Việt Nam, v.v.. Họ thay mặt cho 50 triệu thanh niên nam nữ đến Paris khai hội. Trước ngày khai hội, anh em thanh niên phái một đoàn đại biểu đến chào "Bác Hồ" và nói chuyện về thanh niên Việt Nam .

1 giờ, ông Laurentie, Chánh vǎn phòng Bộ Hải ngoại Pháp đến thǎm Cụ Chủ tịch.

2 giờ, ông Illya Erhenbourg đến thǎm Cụ Chủ tịch. Ông là một nhà vǎn hào Nga rất nổi tiếng trong thế giới. Những bài báo và những tiểu thuyết của ông viết, thường được các nước dịch đǎng.

4 giờ, Bộ trưởng Bộ Quân giới mời Hồ Chủ tịch đi xem hội máy bay ở sân bay Villacoublay.

Hôm đó có diễn tập các kiểu máy bay, các tàu bay không máy, các kiểu nhảy dù, các thứ pháo để ra hiệu.

Các máy bay, khi bay từng chiếc, khi bay từng đàn. Khi bay như thường, khi bay nhào lộn. Các phi công tỏ các môn bay tài giỏi.

Có một cô phụ nữ lái tàu bay không máy rất giỏi. Mỗi lần thi đua thường chiếm giải nhất. Khi hạ máy xuống sân, cô ấy tới chào Bộ trưởng Tillon. Ông Tillon giới thiệu cô đến chào Hồ Chủ tịch. Kế đó diễn tập bộ đội nhảy dù đánh nhau với bộ đội dưới đất. Lúc bộ đội nhảy dù yếu thế, thì ra hiệu cho tàu bay đến cứu . Máy bay đến thì bị súng cao xạ của quân địch bắn tứ tung. Các phi công phải hết sức khôn khéo và gan góc mới tránh khỏi đạn của địch và mới giúp được đội quân nhảy dù.

Đến dự hội có đại biểu quân sự các nước Anh, Mỹ, Nga, Trung Hoa, v.v..

Dân chúng đi xem có hàng mấy chục vạn người.

8 giờ, các Đô đốc Lemonnier, Barjot và Nomy đến thǎm Cụ Chủ tịch.

Tin tức: báo "Libé Soir" đǎng tin rằng: nước Pháp sẽ đòi Nhật bồi thường cho Đông Dương 235.000 triệu quan tiền tây, sẽ lập tức đòi Nhật một món vật liệu về xe lửa và vải vóc cần dùng cho Đông Dương. Đồng thời Pháp cũng toan đòi Trung Hoa bồi thường những sự tổn thiệt trong lúc quân đội Tàu đóng ở miền Bắc.

Phụ nữ kiều bào đến thăm Chủ tịch - xem máy Télévision - đi xem chiếu bóng

22 tháng 7

8 giờ sáng, chị em phụ nữ kiều bào đến thǎm Cụ Chủ tịch.

10 giờ, một ông cố đạo người Âu đến chào Cụ Chủ tịch. Ông sắp qua ta sǎn sóc về việc giáo dục của nhà chung.

12 giờ, ông Daniel Guérin, một nhà viết báo, đến thǎm cụ Chủ tịch.

5 giờ chiều, ông Công an trưởng Luizet phái người đem máy télévision để Hồ Chủ tịch xem. Máy này là máy vô tuyến điện truyền thanh trông thấy hình ảnh. Dùng máy này, trong lúc nói chuyện vừa nghe tiếng, vừa thấy người. Máy to bằng cái tủ sắt lớn. Từng trên có màn ảnh bằng kính, dài độ 60 phân, cao độ 50 phân tây. Hình ảnh tuy nhỏ nhưng rất rõ ràng, như ta đi xem chiếu bóng vậy. Máy này còn đắt tiền quá, chưa được phổ thông.

8 giờ, có nhân viên cao cấp sứ quán Trung Hoa đến chào Hồ Chủ tịch.

10 giờ, Cụ Chủ tịch và anh em đi xem chiếu bóng. Hôm nay chiếu ngày hội thể thao ở Moscou. Phim có màu sắc. 12 vạn thanh niên nam nữ, đủ các dân tộc ở Xô Liên, đến biểu diễn các môn thể thao. Người nào người ấy rất vạm vỡ mạnh khoẻ.

Tin tức thế giới:

1) ở nước Bolivie, tại Nam Mỹ, nổi cách mệnh, chết mất 2.000 người. Phái dân chủ thắng lợi, lập chính phủ mới.

2) ở Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc tuyển cử toàn quốc. 460 người được cử làm nghị viên.

- Các nghị viên người thuộc địa trong Quốc hội Pháp tổ chức thành một nhóm. Ông Lamine Gueye (người Sénégal) làm Chủ tịch. Ông Ferhat Abbao (người Algérie) và ông Momiville (người châu Phi) làm Phó Chủ tịch. Mục đích là để tranh đấu cho dân thuộc địa thoát khỏi những chế độ áp bức.

Nhóm ấy gửi lời chào dân Việt Nam.

Tiếp khách - đi xem nhà trưng bày người bằng sáp

Ngày 23 tháng 7

8 giờ, ông Dussart đến thǎm Hồ Chủ tịch. Ông là nhà viết báo, có đến nước ta. Vì ông viết rất thành thực về vấn đề Việt Nam, nhà báo sợ mất lòng những người Pháp có quyền lợi ở nước ta, mà không đǎng bài ông viết. Ông bỏ nhà báo ấy và nay ông phụ trách một tờ báo mới, thường viết bài bênh vực nước ta.

10 giờ, giáo sư Mus, một giáo sư ở Việt Nam đã lâu, đến chào Cụ Chủ tịch.

3 giờ, đi xem nhà trưng bày người bằng sáp. Người ta lấy sáp nặn thành tượng những người có danh tiếng. To bằng người thật. áo quần như áo quần thật.

8 giờ, ông Đặc sứ Sainteny mời Cụ Chủ tịch và ông Bộ trưởng Moutet cùng ǎn cơm.

Cụ Chủ tịch đi thăm ông Pierre Cot, Vincent Auriol, Duclos, Bracque - giả thích các báo

Ngày 24 tháng 7

9 giờ, Cụ Chủ tịch đi thǎm ông Bộ trưởng Pierre Cot. Đối với công cuộc tranh thủ độc lập của nước ta, ông rất tán thành.

10 giờ, Cụ Chủ tịch đi thǎm ông Vincent Auriol, Chủ tịch Quốc hội Pháp. Ông đau mắt, vừa bị mổ, nay đã hơi đỡ nên muốn gặp Hồ Chủ tịch.

11 giờ, Cụ đến thǎm ông Duclos, Phó Chủ tịch Quốc hội. Ông trước là một người thợ làm bánh ngọt, nay trở nên một nhà chính trị danh tiếng trong nước Pháp. Ông diễn thuyết và viết báo cực hay.

1 giờ trưa, Cụ Chủ tịch có mời một người phụ trách một tờ báo phản động đến ǎn cơm trưa. Trong lúc nói chuyện, người ấy đặt rất nhiều câu hỏi rất khó. Khi Cụ Chủ tịch trả lời lại thì họ vẫn tán thành. Tuy trong báo họ công kích ta, nhưng lúc nói chuyện thì vẫn tử tế.

Có vài tờ báo thường công kích ta. Sau Cụ Chủ tịch mời đến giải thích rõ ràng, thì họ lại đǎng những bài đứng đắn.

6 giờ, Cụ Chủ tịch đi thǎm cụ Pracque. Cụ Pracque là một nhà khoa học, gần 80 tuổi, nhưng vẫn mạnh khoẻ và siêng làm. Thấy Hồ Chủ tịch đến thì cụ ông cụ bà rất là vồn vã. Cụ Pracque là một lãnh tụ Đảng Xã hội.

Sau cuộc phỏng vấn Hồ Chủ tịch, một tờ báo ở Paris và 20 tờ báo ở các tỉnh của Đảng Xã hội có đǎng bài sau này:

"Trong cuộc tiếp kiến chủ bút báo ta, Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, có nói mấy điểm về quan hệ Việt Nam và nước Pháp.

1) Quan hệ chính trị.

Nước Pháp phải thừa nhận Việt Nam là một nước độc lập trong khối Liên bang Pháp quốc. Sự thừa nhận đó sẽ do một điều ước ký kết giữa hai nước.

Việt Nam độc lập, cần phải có ngoại giao độc lập với các nước ngoài, và có đại biểu trong Liên hợp quốc.

Hồ Chủ tịch nói thêm rằng: những người ngoại giao và những người đại biểu Việt Nam ở trong Liên hợp quốc sẽ cộng tác thật thà với đại biểu ngoại giao của nước Pháp, vì lợi quyền của các nước trong Liên bang Pháp quốc là giống nhau.

2) Quan hệ kinh tế.

Quan hệ kinh tế sẽ là bình đẳng. Việt Nam có thể cung cấp các thứ nguyên liệu và nước Pháp có thể cung cấp tư bản (vốn) và những người chuyên môn.

Hồ Chủ tịch nói thêm: Cách cộng tác đó sẽ có kết quả tốt hơn là cách bóc lột ngày xưa.

3) Quan hệ quân sự.

Việt Nam có quân đội của mình. Những người chuyên môn Pháp sẽ giúp đỡ để phát triển và huấn luyện quân đội Việt Nam. Quân đội Pháp có thể đóng một vài nơi, những nơi đó do hai bên quy định.

4) Quan hệ vǎn hoá.

Mối quan hệ vǎn hoá giữa hai nước đã có rồi và sẽ phát triển thêm. Việt Nam sẽ mời những nhà khoa học và giáo sư Pháp để giúp vào việc vǎn hoá. Nước Pháp sẽ có thể lập trường trung học, đại học tại Việt Nam.

Với một giọng nói rất cảm động, Hồ Chủ tịch kết luận rằng:

"Nước Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập và cùng chúng tôi gây mối quan hệ mới trên cái nền tin cậy và tự do thì nước Pháp sẽ thấy danh dự của mình, tinh thần của mình và hấp lực của mình ở Việt Nam thêm nhiều lắm. Mà như thế thì vững vàng, chắc chắn hơn là lấy chiến tranh hoặc sức mạnh hoặc thâm mưu để ép chúng tôi ký điều ước này, điều ước nọ".

Hồ Chủ Tịch đi thăm cụ Blum

Ngày 25 tháng 7

8 giờ sáng, Bác sĩ Blendreux đến chào Hồ Chủ tịch.

1 giờ trưa, ông Rosenfelt mời Chủ tịch đến ǎn cơm.

4 giờ, Hồ Chủ tịch đi thǎm Cụ Blum. Cụ Blum là lãnh tụ Đảng Xã hội, làm Thủ tướng nǎm 1936-1937. Đối với cuộc vận động độc lập nước ta, Cụ rất tán thành. Nǎm nay Cụ Blum 76 tuổi, nhưng ngày nào cũng viết báo, cũng khai hội. Tính vui vẻ hiền lành lắm. Trong mấy nǎm Pháp bị Đức chiếm, Cụ bị bắt giam ở bên Đức.

8 giờ chiều, Cụ Thoumyre, Tổng thư ký của Hội Kinh tế Pháp quan hệ với Đông Dương, đến gặp Cụ Chủ tịch nói chuyện tình hình kinh tế ở nước ta.

Tin thế giới:

1) Kết quả cuộc tuyển cử ở ấn Độ: Trong 389 người trúng cử, phe Quốc hội ấn Độ được 207 người, phe Hồi Hồi 73 người. Còn thì về đảng phái khác.

2) Nước Pháp mua lại 152 triệu quan những thứ hàng hoá quân đội Mỹ còn thừa lại.

Hôm 23, ở Thượng Hải có 7 vạn người Tàu biểu tình chống quân đội Mỹ đóng lâu ở Tàu và chống nội tranh.

Ông Anderson (Anh), Chủ tịch của Hội nghiên cứu sức nguyên tử, cho biết rằng: Người Anh có một thứ khí giới còn mạnh hơn, độc hơn bom nguyên tử, ấy là khí giới bằng vi trùng và hoá học.

Hồ Chủ Tịch đến thăm Fontainebleau

Ngày 26 tháng 7

9 giờ sáng, Cụ Chủ tịch đi thǎm Fontainebleau, nơi khai hội Việt- Pháp. Đến nơi có các đại biểu ta, các đại biểu Pháp, ông Quận trưởng quận Seine và quận Marne, Ban chấp hành thành phố, và các ông giám đốc Cung Fontainebleau ra đón tiếp.

Đại biểu nhân dân và thanh niên đến chào và tặng Hồ Chủ tịch hai bó hoa.

Quận trưởng và Ban chấp hành thành phố đặt tiệc hoan nghênh Hồ Chủ tịch, có các đại biểu Việt và Pháp dự tiệc.

Kế đó, các ông giám đốc đưa Cụ Chủ tịch đi xem lâu đài và rừng Fontainebleau. Lâu đài kiến trúc cực kỳ xa hoa. Ngày trước các vua Pháp thường đến nghỉ ở đây. Khi vua Napoléon thứ nhất thất bại, khởi hành từ đây từ biệt nước Pháp đi đến chỗ bị đày. Vậy nên có một sân gọi là "sân từ biệt". Trong lầu còn để những phòng sách, áo quần, giường nằm, những vật kỷ niệm, và một cái mặt nặn bằng sáp khi mới chết của vua Napoléon.

Chung quanh lầu có vườn rất rộng, rất đẹp. Chung quanh vườn có rừng. Trong rừng có nhiều nơi phong cảnh rất xinh đẹp. Đi dạo rừng về, Cụ Chủ tịch với tất cả anh em đại biểu ta ra ngoài vườn cỏ ngồi chơi nói chuyện. 6 giờ ra về Paris.

Từ ngày 30-6 đến nay, thiên hạ xôn xao về bom nguyên tử, 2 giờ chiều hôm qua (là 9 giờ sáng ở đảo Bikini), quả bom nguyên tử thứ nǎm nổ tại bể Bikini. Không trách thiên hạ xôn xao, bom nguyên tử thật là ghê gớm.

Quả thứ nhất:

Các nhà khoa học, nhất là khoa học Đức, tìm ra cách làm bom nguyên tử. Nhưng vì nguyên liệu khó và tốn kém nhiều, cho nên chưa làm được. Người Mỹ lấy được bí mật đó, đổ tiền ra làm. Cặm cụi mấy tháng trời, đến ngày 16-7-1945 đem quả bom đầu thử tại bãi cát New Mesico ở Mỹ.

Quả thứ hai:

Cách 20 ngày sau, là ngày 6-8, máy bay Mỹ ném một quả vào thành phố Hiroshima ở Nhật. Thành phố hoá ra tro, 8 vạn người thiệt mạng.

Quả thứ ba:

Ba hôm sau, máy bay Mỹ ném một quả nữa vào Nagasaki ở Nhật. Thành phố ấy có 26 vạn dân, 16 vạn người ở ngoại ô, hơn 10 vạn ở trong tỉnh. Bom nguyên tử rơi vào thành, 4 vạn người chết, nhà cửa tan tành, cầu cống sụp đổ. Vì hai quả bom đó mà Nhật vội đầu hàng.

Quả thứ tư:

Bom thả trên bờ sức mạnh như thế. Người Mỹ muốn biết nếu thả xuống nước, thì ra thế nào? Họ đem 73 chiếc tàu binh, to có, nhỏ có, đến bờ Bikini, sắp thành mấy vòng xa có, gần có. Ngày 30-6, máy bay Mỹ thả một quả cách trên mặt nước. Bom nổ. Lửa, nước và khói vun vút tung lên cao hơn ngàn thước. Ngọn lửa bắt đầu thì sắc vàng, rồi hoá ra đỏ chói, sau biến thành trắng xanh.

Kết quả là: 5 chiếc tàu chìm.

9 chiếc hỏng nhiều.

5 chiếc hỏng vừa.

9 chiếc hỏng ít.

20 chiếc bị dấu vết qua loa.

Quả thứ nǎm:

Lần này họ thử bom nổ dưới mặt nước. Họ sắp 77 chiếc tàu. Đắp 4 cái tháp để nghiệm xét bằng sắt và ciment. Dùng 26 máy chụp ảnh đặc biệt, hơn 10 chiếc máy bay do vô tuyến điện chỉ huy, không cần người cầm lái. Lại một đoàn máy bay có phi công. Họ thả một số lợn, dê và chuột trắng trên các tàu, để xem chúng sẽ chết hay là sống.

Những người đứng gần nhất cũng cách quả bom nổ 16 cây số.

Bom nổ, tiếng vang một góc trời. Cũng như lần trước, một vòi lửa và nước tròn gần 2.000 thước, cao hơn 1.500 thước vun vút toé lên giống như một cái nấm khổng lồ. Nhìn trong ảnh thì giống cái đầu một người đầm tóc quấn. Bỗng chốc mây khói mê man, mịt mù trời đất.

Kết quả là: 11 chiếc tàu chìm. Nhiều chiếc hỏng. Lợn, dê và chuột, con gần thì chết, con ở xa thì đau. Cách mấy hôm sau, không khí vùng đó còn độc, không ai dám đến gần.

Thử một quả bom mà tốn hơn 764 triệu bạc ta (110 triệu bạc Mỹ). Đó là còn tính rẻ, vì các chiếc tàu binh giá một trǎm phần, chỉ tính một phần.

Theo người Anh suy đoán, thì một quả bom nguyên tử có thể phá tan 3 vạn nóc nhà, làm hỏng 35.000 nóc nhà, làm hỏng vừa 5 vạn nóc nhà. Nghĩa là một quả bom có thể làm hư hỏng hơn 11 vạn toà nhà.

Trước ngày thử bom. Một bà người Mỹ, Chủ tịch "Hội bảo trợ súc vật" xin Chính phủ Mỹ chớ hy sinh những con lợn, dê và chuột. Nếu không, thì bà ấy tình nguyện đến Bikini để chết thay cho chúng nó.

Trong ngày thử bom, các hội viên "Hội bảo trợ súc vật" ở Cumberland nước Anh, gửi thơ cho Chính phủ, phản đối việc ngược đãi súc vật trong cuộc thử bom ở Bikini. Rồi kéo nhau đến nhà thờ tụng kinh cho linh hồn những con thú đó.

Khuya hôm đó ở Bruxelles là kinh đô nước Bỉ, mưa to gió lớn. Dân sự hoảng hồn hoảng vía, tưởng là bom nguyên tử đã làm bể quả đất, khiến cho nước Bỉ cũng bị vạ lây.

Buồn cười nhất là "Hội bảo trợ súc vật" ở Ferdinando Valley (Mỹ) đọc điếu vǎn các con thú chết ở Bikini. Ban đầu, họ đem âm nhạc nhà binh ra thổi, bị quân đội phản đối không cho thổi, vì lẽ rằng làm như vậy là khinh thường âm nhạc của nhà binh. Rồi họ muốn treo cờ rủ để chia buồn, lại bị dân chúng phản đối, vì lẽ rằng quốc kỳ là của người chứ không phải của súc vật. Tức mình, các hội viên ra lệnh cho chợ bán dê "mặc niệm" ba phút. Khi mặc niệm, dê kêu be be rầm cả chợ !
........
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #8 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 09:36:44 pm »

(tiếp)

Đi thăm anh em công binh - Đi gặp Thủ tướng Bidault - Kiều bào đến thăm

Ngày 27 tháng 7

7 giờ sáng, Cụ Chủ tịch đi thǎm anh em công binh ở Paris. Anh em ở đây đóng hai nơi, người không đông mấy. Chỗ ǎn chỗ ở cũng dễ chịu. Anh em người nào cũng mạnh khoẻ nhanh nhẹn. Cụ Chủ tịch đến thình lình, không báo trước. Vào đến nhà anh em mới biết thì vội vàng gọi nhau xúm xít lại tỏ vẻ rất vui mừng. Cụ Chủ tịch đi xem qua các phòng ǎn, phòng ngủ, rồi nói chuyện khuyên gắng anh em.

Bà con người Pháp nghe nói cũng kéo nhau đến trước cửa đứng xem rất đông. Lúc Hồ Chủ tịch ra về, anh em ta hoan hô, bà con Pháp cũng vỗ tay.

10 giờ, Chủ bút tuần báo "Con vịt bị trói" đến thǎm Cụ Chủ tịch.

12 giờ, Cụ Chủ tịch đi thǎm Thủ tướng Bidault.

3 giờ chiều, một số anh chị em kiều bào đến thǎm.

Hôm nay có tin tướng Leclerc đến Paris.

Về quê cách Paris mười cây số để nghỉ - đến ở nhà ông bà Aubrac.

Ngày 28 tháng 7

Sáng hôm nay, Cụ Chủ tịch và anh em tuỳ tùng đi về miền quê nghỉ cách Paris mười cây số, ở Soisy sous Montmorency.

Đây là nhà của ông bà Aubrac. Trong thời kỳ Đức chiếm đóng, ông Aubrac tham gia vào du kích. Bố mẹ ông bị Đức giết. Ông bị Đức bắt, sắp đem xử tử, may nhờ bà Aubrac cứu được. Ngày quân Đồng minh đổ bộ, ông Aubrac phụ trách việc kháng chiến ở vùng Marseille, quyền chính trị, quân sự và hành chính đều do ông giữ. Nay ông làm Chánh Vǎn phòng Bộ Kiến thiết.

Bà Aubrac làm giáo sư lịch sử và địa dư trong một trường lớn ở Paris. Lúc kháng chiến, bà cũng chỉ huy một đội du kích. Bà rất gan góc, đã lập được nhiều công trạng oanh liệt. Chồng bà bị bắt giam ở Lyon, sắp đến ngày xử tử. Ngày mà người Đức giải ông Aubrac cùng mấy đồng chí nữa đi từ nhà lao nọ sang nhà lao kia, bà đã cùng mấy người đồng chí đón đường đánh úp, giết chết mấy người lính Đức áp tải và cứu được tất cả mấy người đồng chí.

Ông bà Aubrac có hai con. Con giai lớn 5 tuổi và con gái bé 3 tuổi, rất ngoan và rất ngộ nghĩnh.

Hai ông bà nghe nói Hồ Chủ tịch muốn về nghỉ mát ở nhà quê, liền viết thơ mời. Lúc Cụ Chủ tịch đến, hai vợ chồng ân cần sǎn sóc.

Nhà này có 3 từng. Từng dưới có phòng ǎn, phòng khách và bếp. Từng giữa gia quyến ông bà Aubrac ở. Nhường từng trên để Hồ Chủ tịch và anh em tuỳ tùng ở.

Bên ngoài chỗ ở, có công an viên và cảnh sát địa phương canh gác. Bên cạnh lại có anh em của Tổng Công hội hộ vệ.

Về nghỉ ở đây, mọi người thấy khoan khoái dễ chịu lắm.

Chính phủ Pháp mời đi dự lễ khai mạc hội nghị hoà bình -
các bà mẹ Pháp có con đi lính bên ta yêu cầu cho con họ về Pháp.

Ngày 29 tháng 7

Hôm nay là hôm đầu tiên mà Cụ Chủ tịch được nghỉ ngơi không phải tiếp ai. Không đi thǎm ai. Kéo ghế ra vườn đọc sách, xem báo, nói chuyện cùng ông bà Aubrac và các anh em tuỳ tùng. Chơi đùa với hai cháu nhỏ.

Nhưng nghỉ ngơi không được bao lâu. Vừa ǎn cơm trưa xong thì có người của Chính phủ Pháp phái đến mời Cụ Chủ tịch đi khai mạc Hội nghị Hoà bình của 21 nước Đồng minh.

4 giờ chiều nay, các nước Đồng minh khai mạc Hội nghị Hoà bình.

Hội nghị họp tại điện Luxembourg là thượng nghị viện của nước Pháp. Điện này có lâu đài nguy nga, vườn hoa đẹp đẽ, đó là một thắng cảnh rất có tiếng.

Mở cuộc Hội nghị này tốn rất nhiều công của. Hội nghị có 21 đoàn đại biểu thay mặt cho 21 nước Đồng minh. Tính cả đại biểu, cố vấn, thư ký, người phiên dịch có đến hơn hai nghìn người.

Phải sắm sửa bàn ghế phòng khai hội chính, phòng khai hội cho các uỷ ban. Có ba máy truyền thanh, lúc diễn thuyết đứng chỗ nào nghe cũng được. Có sáu chỗ chụp ảnh và quay phim. Hai chỗ vô tuyến điện truyền đi khắp thế giới. Một chỗ vô tuyến điện đặc biệt, để cho các báo phỏng vấn những người trọng yếu, vừa nói chuyện vừa thu thanh. Hai trǎm phòng giây nói. Một sở giây thép, một sở máy in. Một sở địa đồ. Một sở cho các báo làm việc. Hai nhà ǎn, một nhà đại biểu, một tuỳ viên và các nhà báo. Một phòng để ai có việc gì đến hỏi. Hai trǎm chiếc xe hơi cho đại biểu. Những xe ấy ra đường được quyền đi trước. Có nhà riêng cho các đại biểu ở, đi có người dẫn đường, có người đi thông ngôn, có người hộ vệ. Nơi họp Hội nghị có người canh phòng. Tất cả 1500 người phụ trách những việc đó.

Hội nghị này, tuy gọi rằng Hội nghị Hoà bình, nhưng không bàn đến việc Đức và Nhật, chỉ bàn đến việc 5 địch quốc nhỏ: Hongrie, ý, Finlande, Bulgarie, Roumanie.

Vì vậy, người ta thường gọi là "Hội nghị 21" hoặc là "Hội nghị Luxembourg".

Trước ngày khai hội, Mỹ, Anh, Nga, Trung Hoa, Pháp đã bàn bạc cách giải quyết những vấn đề quan hệ với 5 nước nói trên, đã in thành 5 quyển sách to.

Cách sắp chỗ ngồi cho các đoàn đại biểu, người ta theo thứ tự A.B.C., v.v.. Vì vậy, đại biểu Abissinie ngồi phía cực tả mà đại biểu Nga (U.R.S.S) thì ngồi phía cực hữu.

Bản kê tên các nước, các đoàn trưởng
và dân số của mỗi nước





Trong đại hội dùng 3 thứ tiếng: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Mỗi người nói phải dịch hai lần.

Đoàn đại biểu Nga đông người nhất: 335 người. Đoàn đại biểu Canada ít người nhất: 30 người.

Người ta đoán trước rằng trong cuộc hội nghị này, Nga chắc chắn có 5 nước theo là: nước Bạch Nga, Ucraine, Yougoslavie, Tchècoslovaquie và Ba Lan.

Khối Anh - Mỹ thì có 9 nước theo: Australie, Belgique, Brésil, Canada, Grèce, ấn Độ, Zélande, Hà Lan, Nam Phi.

Pháp thì cô lập, không có vây cánh.

Lễ khai mạc rất giản đơn. Chủ tịch Bidault diễn thuyết. Đại ý nói mong các nước Đồng minh đồng tâm hiệp lực để xây đắp cuộc hoà bình. Ông Byrnes, đại biểu nước Mỹ nói mấy lời cảm ơn. Ông Elval đại biểu úc Đại Lợi đề nghị ba vấn đề:

1) Chương trình làm việc.

2) Cử Chủ tịch đoàn.

3) Cử ban xét quyền hạn các đoàn đại biểu.

Hội nghị giao ba vấn đề đó cho các uỷ ban xét định.

27 nǎm về trước (1919) ở Paris đã có một cuộc Hội nghị Hoà bình. Hồi đó cũng có "Tứ cường" là Mỹ, Anh, Pháp, ý. Thấm thoát chưa được 20 nǎm lại nổi cuộc chiến tranh tàn nhẫn hơn lần trước.

Có ai biết Hội nghị Hoà bình này sẽ giữ hoà bình được mấy nǎm?

Nơi khai hội canh phòng rất nghiêm ngặt. Trong 21 đoàn đại biểu không có một đại biểu hay cố vấn nào là đàn bà. Trái lại, 2 địch quốc thì có đại biểu và cố vấn đàn bà. Nước Roumanie có một đại biểu phụ nữ là bà Floria Boudasar. Bà là một uỷ viên của Hội dân chủ phụ nữ, lại là Chủ tịch Hội phụ nữ chống phát xít. Trong lúc chiến tranh, bà làm công tác bí mật. Bây giờ, bà chuyên môn về việc chống nạn mù chữ trong nước. Bà nói: trong nước Roumanie, nạn mù chữ hãy còn nhiều. Thầy dạy học thiếu. Chừng mười nǎm nữa mới huấn luyện đủ người dạy học. Từ 2 nǎm nay đã dạy được 10 vạn người biết đọc biết viết. (ở Việt Nam ta chỉ 5 tháng đã dạy được hơn một triệu người).

Một người phụ nữ nữa là bà Szabo làm cố vấn cho đoàn đại biểu Hongrie. Bà mới 22 tuổi, là một nữ học sinh, trong lúc chiến tranh có tham gia du kích. ở Hongrie, phụ nữ mới được quyền tuyển cử và ứng cử. ở Quốc hội có 11 nghị viên phụ nữ. Kinh đô có 20 hội viên thành phố là phụ nữ. Bà Szabo được cử vào uỷ ban thành phố. Bà viết báo giỏi, lại thạo việc quốc tế, cho nên được đại biểu Hongrie cử làm cố vấn.

Tin tức:

1) Hôm nay, nguyên soái Joinville cùng ông nghị Lucien Francois đem một số phụ nữ đại biểu cho những người mẹ Pháp có con đi lính bên ta đến Bộ Quốc phòng, yêu cầu cho con họ về Pháp. Họ nói rằng: phần nhiều gia đình những người lính đó nhờ con mà sống. Nay con đi lính đã mãn hạn mà chưa được về.

Tướng Joinville khẩn khoản đòi rằng cần phải dự bị một chiếc tàu để những người lính ấy về Pháp.

Người Chánh vǎn phòng của Bộ Quốc phòng hứa rằng trước 6 ngày, Bộ Quốc phòng sẽ trả lời một cách đích xác.

2) Những ông nghị người các thuộc địa khai hội hôm qua. Quyết định hết sức hoạt động làm sao cho các thuộc địa cũng được những quyền tự do dân chủ.

Họ phản đối những tin tức tuyên truyền bịa đặt để dèm pha họ. Họ quyết làm cho dư luận nước Pháp hiểu tình hình các thuộc địa. Họ sẽ hành động chung với các đoàn thể dân chủ của Pháp để gây ra một không khí thuận lợi trong việc xây dựng Liên hiệp Pháp quốc trên những nền tảng vững chắc, bình đẳng, bác ái.

Đi dạo rừng montmorency - đi thǎm Giáo sư Rivet, Bộ trưởng Moutet.
........
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Tám, 2013, 09:45:53 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #9 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 09:49:40 pm »

(tiếp)


Hồ Chủ tịch tiếp đại diện thanh niên dân chủ tại Pháp năm 1946

Ngày 30 tháng 7

Sáng 6 giờ, Cụ Chủ tịch cùng anh em đi dạo rừng Montmorency. Mặt giời đỏ chói như một mâm bồng lửa chiếu vào các đám mây đỏ đỏ, hồng hồng. Paris còn đương ngủ. Đứng trên rừng trông xuống, thấy kinh đô Pháp như một bức tranh khổng lồ. Trong cuộc chiến tranh vừa qua, kinh đô các nước Âu châu như Luân Đôn của Anh, Bá Linh của Đức, Vácxôvi của Ban Lan, v.v. đều bị tàn phá nhiều. Chỉ có Paris may mà không bị tổn hại. Nghe nói trước khi Đức sắp kéo đi khỏi Paris, họ đã đặt địa lôi các nơi dự bị làm nổ tung cả thành phố. Sau hình như quân đội Pháp và Đồng minh kéo đến chóng quá (18-8-44), người Đức không kịp phá thành phố. Đó là một việc may mắn cho dân Pháp. Mà cũng là may mắn cho thế giới, vì Paris chứa nhiều vật báu của vǎn hoá loài người.

Trong rừng này có một cây gỗ dẻ rất to, đẹp nhất nước Pháp. Thân cây tròn, bốn nǎm người ôm mới xuể. Quá mặt đất một chút có cành xoè ra như gọng ô khổng lồ. Lá xanh và rậm sum suê, đứng xa trông như một mâm xôi. Ai đi đến đấy, cũng muốn trèo lên cành ngồi một chút mới bằng lòng.

12 giờ, ông Bernard mời Cụ Chủ tịch ǎn cơm. Nhân dịp đó có ông chủ bút báo "Le Combat" (Chiến đấu) đến thǎm Hồ Chủ tịch. Ông Bernard chỉ có một người con giai đi đánh Đức bị tử trận. Người con dâu bị Đức bắt cầm tù 3, 4 nǎm.

3 giờ, Cụ Chủ tịch đi thǎm giáo sư Rivet. Giáo sư có hẹn với Chủ tịch Cộng hoà Tây Ban Nha, hai ba vị vǎn sĩ Pháp và hai ba nhà chính trị Mỹ đến chào Hồ Chủ tịch.

5 giờ, Tổng thư ký Hội Thanh niên Cộng hoà Pháp và vợ đến chào và tặng hoa Cụ Chủ tịch.

6 giờ chiều, Cụ Chủ tịch đi thǎm Bộ trưởng Moutet.

Chiều tối, Cụ mới trở về nhà.

Hôm nay, vì đi nhiều mỏi mệt, đêm ngủ Cụ Chủ tịch nói mê. Mấy anh em công nhân gác trong nhà mang máng nghe thấy tiếng, tưởng có chuyện gì, lặng lẽ cầm đòn vác súng đi lùng khắp nơi. Sau biết là Cụ nói mê anh em mới yên lòng.

Đô Đốc Muselier đến thǎm Chủ Tịch - đi thǎm bà Andrée Violis,
Giáo sư Langevin - ông Max André thết tiệc Hồ Chủ Tịch

Ngày 31 tháng 7

11 giờ, có Đô đốc Muselier đến thǎm Cụ Chủ tịch. Đô đốc là một người có danh tiếng trong hải quân Pháp. Ông rất kính trọng Cụ Chủ tịch nên thường đến thǎm Cụ luôn.

Buổi chiều, Cụ đi thǎm bà Andrée Violis. Bà là một nhà viết báo có tiếng. Mười mấy nǎm trước bà có qua bên ta xem xét, khi về bà có viết một cuốn sách tên là "Đông Dương kêu cứu", ra sức công kích chính sách tàn bạo của người Pháp thuộc địa và hết sức bênh vực dân ta. Bây giờ bà vẫn thường viết báo ủng hộ vận động độc lập của nước ta.

5 giờ, Cụ đi thǎm giáo sư Langevin. Ông là một nhà khoa học có tiếng khắp thế giới, người rất đạo đức trung hậu, hết lòng hǎng hái ủng hộ dân chủ và hoà bình. Ông có một người con gái học hành rất thông thái, làm nghị viên trong Quốc hội Pháp, người chồng bị Đức giết.

7 giờ, ông Max André, Trưởng đoàn đại biểu Pháp trong cuộc Hội nghị Fontainebleau, thết tiệc hoan nghênh Hồ Chủ tịch.

Cụ Chủ Tịch tiếp khách.

Ngày 1 tháng 8

9 giờ sáng, Cụ Chủ tịch tiếp vǎn sĩ Louis Castex, ông viết báo và viết nhiều sách.

11 giờ, có viên quan nǎm Fattainy lại yết kiến Cụ. Ông là người phụ trách anh em công binh Việt Nam ở Pháp.

8 giờ chiều, ông Billoux, Bộ trưởng Bộ Kiến thiết và ông D'Astier một nhà vǎn sĩ nổi tiếng đến thǎm Cụ Chủ tịch.

Tin tức thế giới: 1) Có tin nước Xiêm xin đem việc xích mích giữa Xiêm và Pháp ra Toà án quốc tế La Haye.

2) Chính phủ Anh vừa ra sắc lệnh bớt thời hạn về việc vợ chồng bỏ nhau. Khi trước cần phải 6 tháng thì việc bỏ nhau mới chính thức. Từ ngày 6-8 trở đi, chỉ cần 6 tuần lễ. Vì vậy, 6 vạn vợ chồng người Anh muốn bỏ nhau rất cảm ơn Chính phủ.

3) Công an cục nước Mỹ công bố rằng: từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 6 nǎm nay, ở Mỹ có 16.000 người bị xe hơi cán chết, 50.000 người bị thương.

4) Tướng Leclerc nói với các báo rằng: trong 9 tháng đánh nhau với ta ở Nam Bộ, hơn 1.400 lính Pháp chết và hơn 3.500 bị thương(?).

Phái đoàn Việt Nam kháng nghị việc triệu tập hội nghị Đà Lạt -
tiếp các nhà báo - đi thǎm ông Herriot, tướng Leclerc.

Ngày 2 tháng 8

Người Pháp ở Nam Bộ tổ chức Hội nghị Đà Lạt, mời người Lào, người Mên, tay sai của họ ở Nam Bộ và người Pháp đến họp, tự xưng là Hội nghị Đông Dương. Họ có ý muốn đem Hội nghị này đối kháng với Hội nghị Việt - Pháp ở Paris. Vì lẽ đó, đoàn đại biểu ta tạm đình cuộc Hội nghị ở Paris để tỏ ý kháng nghị.

Các báo Pháp đã bình luận sôi nổi về việc đình Hội nghị đó. Chính Bộ trưởng Moutet cũng ngỏ ý không tán thành cuộc Hội nghị mà ông Cao uỷ D' Argenlieu tự ý làm tại Đà Lạt.

9 giờ sáng, một nhà chuyên môn viết báo về kinh tế là ông Fleury đến phỏng vấn Hồ Chủ tịch.

10 giờ, ông Vương, đại biểu của Hãng thông tin Trung Hoa ở Pháp đến chào Cụ Chủ tịch. Ông Vương nói chuyện rất vui vẻ, viết báo rất giỏi và rất am hiểu tình hình thế giới. Ông thường viết bài nói về việc giao thiệp Việt - Pháp, gửi về đǎng trong các báo lớn ở Trung Quốc và những nơi ngoại quốc có Hoa kiều.

12 giờ, Cụ Chủ tịch tiếp ông Claude Morgan, chủ bút tờ tuần báo "Vǎn chương nước Pháp". Báo này toàn do các vǎn sĩ Pháp, có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức Pháp. Rất tán thành nền độc lập Việt Nam.

12 giờ, ông Aubay, nghị viên Đảng Xã hội, đến thǎm Cụ. Ông trước có ở bên ta. Tính tình rất giản dị và vui vẻ. Ông nói Việt Nam độc lập và thống nhất là một điều tự nhiên, không ai ngǎn trở được. Và hai dân tộc Pháp và Việt cần phải cộng tác một cách bình đẳng và thân mật, có lợi cho cả hai bên.

2 giờ trưa, Cụ đi thǎm cựu Thủ tướng Herriot, Chủ tịch của Đảng Cấp tiến. Cụ Herriot là một người rất có danh vọng trong nước Pháp. Trước kia làm giáo sư, được cử làm nghị viên, kiêm chức Thị trường thành phố Lyon đã mấy mươi nǎm. Đã nhiều lần làm Thủ tướng. Dáng người to béo, vẻ mặt hiền lành. Nǎm nay Cụ chừng 75 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh khoẻ lắm. Cụ làm việc không kém gì lúc còn trẻ. Ngoài công việc thị chính và nghị viện, mỗi ngày Cụ còn viết một bài báo và thường đi diễn thuyết.

Chiều hôm nay Cụ Herriot đến thǎm Cụ Hồ. Tiếc vì Cụ đi vắng. Cụ Herriot có để danh thiếp lại hỏi thǎm.

4 giờ, Cụ Chủ tịch đi thǎm tướng Leclerc ở Bộ Quốc phòng. Hôm sau ông Leclerc gửi thư ân cần cảm ơn Hồ Chủ tịch.

5 giờ, ông nghị viên Laminé Guyeye đến thǎm Cụ Chủ tịch. Ông là người da đen ở Sénégal. Làm nghề luật sư, được bầu làm nghị viên trong Quốc hội Pháp đã lâu. Ông là đảng viên Đảng Xã hội, Chủ tịch của nhóm nghị viên dân chủ do các xứ thuộc địa Pháp tổ chức nên, để cùng nhau tranh quyền tự do dân chủ cho các xứ đó.

6 giờ chiều, Cụ Chủ tịch đi thǎm Tổng bộ Đảng Xã hội Pháp. Tổng thư ký của Đảng là ông Daniel Mayer đón tiếp Cụ rất là thân mật. Trong khi trò chuyện, ông Mayer tỏ ý rằng: ủng hộ quyền tự do độc lập của các dân tộc là phận sự của những người tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội.

8 giờ tối, Cụ và anh em tuỳ tùng đi xem kịch tại nhà hát "Grand Guignot". Nhà hát này nhỏ. Nhưng có tiếng ở Pháp, vì chuyên diễn những tấn bi kịch hay là những tấn bi kịch kỳ quái làm cho người xem phải thất kinh rởn gáy. Những người yếu bóng vía và trẻ con không dám đi xem rạp hát này. Người ngoại quốc đến Paris, thường cố đi xem một lần cho biết mới thoả dạ.

Tin tức: Mỹ bán cho Pháp 75 chiếc tầu "Liberty", mỗi chiếc giá 54.506 đồng bạc Mỹ. Cộng là 40.837.950 đồng, một phần tư (1/4) số tiền đó Pháp sẽ trả bằng tiền mặt, còn lại sẽ trả dần trong 20 nǎm. Trong hồi chiến tranh, Mỹ đóng rất nhiều tầu kiểu này để chuyên chở quân khí.

Hồ chủ tịch đi thǎm ông chủ bút báo "L'ordre" và giáo sư Rivet - đến chơi nhà ông bà Bousquet.

Ngày 3 tháng 8

10 giờ sáng, nhà viết báo là ông Dussari đến thǎm Cụ.

11 giờ, Cụ đi thǎm ông Buré, chủ bút báo "L'Ordre". Ông Buré là một nhà viết báo có tiếng. Nǎm nay 70 tuổi.

Báo "L'Ordre" thường công kích ta. Nhưng khi ông Buré gặp Cụ Chủ tịch thì thái độ ông rất nhã nhặn. Hồ Chủ tịch đem tình hình nước ta và nguyện vọng dân ta nói chuyện rõ ràng, thì nhà viết báo lão thành kia tỏ ý cảm động. Sau đó, ông Buré phái một người đến yết kiến Hồ Chủ tịch, rồi đǎng một bài báo đứng đắn và có lợi cho ta.

5 giờ chiều, Cụ Chủ tịch đi thǎm giáo sư Rivet, một bực lão thành trong Đảng Xã hội Pháp. Giáo sư có phàn nàn về việc Hội nghị Fontainebleau tiến hành không thuận tiện, và bày tỏ ý kiến của ngài về vấn đề đó. Và hứa sẽ ra sức giúp đỡ để đi đến sự giao hảo giữa hai dân tộc Việt - Pháp.

6 giờ chiều, ông Bousquet, một đại biểu trong phái đoàn Pháp tại Hội nghị Fontainebleau, mời Hồ Chủ tịch đến chơi nhà ông ở ngoài Paris. Ông ở làng Chéron, cách Paris mấy chục cây số. Phong cảnh rất đẹp và thanh vắng. Một toà nhà xinh xắn. Một cái vườn nho nhỏ, nhiều thứ cây và hoa. Có cái chuồng con con nuôi thỏ và gà. Một cái sân hèm hẹp đủ đặt mấy cái ghế để ngồi nghỉ mát. Đằng sau vườn, có một dãy ruộng lúa mì. Thật là một thú điền viên. Ông Bousquet chừng 30 tuổi, học hành thông thái, tính tình nhã nhặn. Bà Bousquet là người Nga. Bà tiếp bạn hữu chồng một cách lịch sự và thân mật. Hai con một trai 5 tuổi và một gái 3 tuổi, xinh và ngoan lắm. Mới gặp nhau lần đầu, mà hai em quấn quýt chơi đùa với Cụ Chủ tịch không muốn rời ra.

Hôm ấy có các ông Phạm Vǎn Đồng, Dương Bạch Mai, Laurentie, D' Astierr, v.v. cùng đến chơi. 10 giờ đêm mới về.

Kiều bào và nhi đồng Việt Nam đến thǎm Hồ Chủ Tịch -
Tướng Morlière đến chào Chủ tịch - Cụ đi thǎm cụ Léon Blum.

Ngày 4 tháng 8

Hôm nay chủ nhật, có lẽ Hồ Chủ tịch và anh chị em tuỳ tùng được nghỉ một ngày thảnh thơi. Nhưng không ! 8 giờ thì anh em kiều bào và các em nhi đồng đã rải rác đến. Mọi người tới hỏi thǎm Cụ mạnh giỏi, rồi thì nhóm 3 nhóm 7, người ở trong nhà, tốp ở ngoài sân. Đồng bào thanh niên Nam Bộ đối với Cụ đặc biệt tỏ tình quyến luyến.

10 giờ sáng, tướng Morlière đến chào Cụ. Ông nói ông sắp qua nước ta. Cụ Chủ tịch gửi danh thiếp giới thiệu ông với Chính phủ ta, và gửi lời thǎm tướng Valuy.

Chủ và khách nói chuyện và uống trà ở ngoài vườn. Hơn một tiếng đồng hồ, ông Morlière mới cáo từ ra về.

4 giờ chiều, Cụ Chủ tịch đi thǎm Cụ Léon Blum tại Jonyen Jossas, một làng ngoại thành Paris. Nhà cụ Blum rộng rãi nhưng rất là giản đơn và thanh tịch. Chung quanh có vườn, giồng nhiều cây quả. Phòng Cụ làm việc rất nhiều sách vở. Cụ ông thì tiếp chuyện Hồ Chủ tịch, cụ bà thì sắm sửa nước chè và bánh trái... Rồi ba cụ ngồi chuyện trò rất thân mật. Cụ Blum tặng Hồ Chủ tịch một bức ảnh của Cụ khi Cụ đi Mỹ. Khi từ biệt, ba cụ hôn nhau như anh em chị em.

Tin tức: được tin đồng bào ta bãi công tại Sài Gòn - Chợ Lớn để phản đối Chính phủ bù nhìn tại Nam Bộ và đòi thống nhất ba kỳ của nước Việt Nam.

Cụ đi thǎm cụ auriol, Chủ tịch quốc hội Pháp và giáo sư Emile Kalm,
Chủ tịch hội nhân quyền pháp.

Ngày 5 tháng 8

Sáng nay, chỉ có vài kiều bào đến thǎm Cụ Chủ tịch nên Cụ có chút thì giờ xem sách và chơi với các cháu Jacqueline (nhi đồng Việt Nam) và hai con ông bà Aubrac ngoan lắm. Khi có ai hỏi thǎm Cụ, thì chúng nó giữ lễ phép, không bao giờ vào phòng khách. Nhưng thấy Cụ rảnh thì chúng nó liền đem nhau đến đòi Cụ chơi đùa với chúng nó.

Mỗi ngày, Cụ xem chừng 25 tờ báo, báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần và báo ngoại quốc. Báo có tin tức gì hay, Cụ lấy bút chì đỏ làm dấu vào, rồi bảo anh em xem.

Hôm nào nhiều khách thì Cụ thường thức xem báo đến hai giờ sáng. Anh em tuỳ tùng và các bác sĩ, cho đến cả vợ chồng ông Aubrac, thấy Cụ thức khuya dậy sớm quá, ra sức khuyên Cụ đi nghỉ sớm. Nhưng không có kết quả mấy!

4 giờ chiều, Cụ Chủ tịch đi thǎm cụ Auriol, Chủ tịch Quốc hội Pháp. Cụ Auriol là một trong những người lãnh tụ của Đảng Xã hội. Nǎm nay chừng 60 tuổi. Người có danh vọng, đạo đức. Cụ đau mắt, mới bị mổ, chưa thật khỏi. Nhưng cũng cố gắng tiếp Hồ Chủ tịch, vì lâu nay hai cụ chưa có dịp nói chuyện lâu.

Qua những lời hàn huyên, hai nhà chính trị nói chuyện Việt - Pháp hơn nửa tiếng đồng hồ.

5 giờ chiều, Hồ Chủ tịch đến thǎm giáo sư Emile Kalm, Chủ tịch Hội Nhân quyền Pháp. Cụ Kalm ngoài 60 tuổi. Râu tóc đều bạc, tính tình thành thật và nhiệt liệt, hết sức tán thành Việt Nam độc lập.

Trước kia, Cụ Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp làm án tử hình, rồi đày ra Côn Lôn, nhờ Hội Nhân quyền chống lại mà Chính phủ Pháp phải thả cụ Phan. Hội Nhân quyền lại thường giúp đỡ những chính trị phạm ta hồi Pháp thuộc. Lúc này, Hội đó ra sức ủng hộ Việt Nam độc lập và thống nhất. Sau cuộc Hội nghị Fontainebleau đình lại, Hội Nhân quyền viết thư và phái đại biểu chất vấn Chính phủ Pháp.

6 giờ chiều, Cụ đến thǎm ông Lussy, đảng viên Đảng Xã hội và đại biểu tại Quốc hội Pháp.

Ông bà Lussy và hai vợ chồng người Anh (một nhà kỹ nghệ) ở chung một nhà, bốn anh em và chị em mở rượu sâm banh mời Cụ. Chuyện trò thân mật, lúc ra về thì trǎng đã lặn.

Tin tức: hôm nay được tin cuộc xung đột xảy ra ở Bắc Ninh.

Đại biểu báo "l'ordre" phỏng vấn Hồ Chủ Tịch -
Hồ Chủ Tịch đi thǎm ông Vương Thế Kiệt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Hoa.

Ngày 6 tháng 8

4 giờ chiều, ông Charbonnier, đại biểu báo "L'Ordre" đến phỏng vấn Cụ Chủ tịch. Báo này thuộc phe hữu. Thường công kích ta. Nhưng sau khi nói chuyện với Cụ, ông Charbonnier viết một bài thật thà và êm dịu.

7 giờ tối, Cụ đi thǎm ông Vương Thế Kiệt, Ngoại giao Bộ trưởng và mấy vị đại sứ Trung Quốc tới dự Hội nghị Hoà bình ở Paris.

Tuy mới gặp nhau lần đầu, nhưng vì mối quan hệ thân thiện đã lâu đời giữa hai dân tộc Hoa - Việt, vả lại hai bên đều ở đất khách quê người, cho nên thái độ rất thân mật và chuyện trò rất vui vẻ.

Tin tức: ở nước Anh có một Hội nuôi trẻ con bồ côi. Có những người không có con đến Hội xin một vài đứa trẻ đem về nuôi. Hai nǎm vừa qua, 672 trẻ em nhờ vậy mà có gia đình ấm áp, được ǎn ở, được sǎn sóc tử tế.

Mấy người pháp ở sài gòn về đến chào Chủ Tịch - lực lượng hải quân hiện nay của Pháp.

Ngày 7 tháng 8

11 giờ sáng, có mấy người Pháp ở Sài Gòn mới về đến chào Hồ Chủ tịch. Có ông Canac đi với họ.

1 giờ trưa, ông D'Astier, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp, đến thǎm Cụ Chủ tịch. Nay ông làm nghị viên trong Quốc hội Pháp và chủ bút một tờ báo phái tả, thường đǎng bài tán thành Việt Nam độc lập.

Tin tức: Trước ngày cuộc Thế giới chiến tranh thứ hai bùng nổ, nước Pháp có 670 chiếc tàu thuỷ to và nhỏ. Trong cuộc chiến tranh, Pháp mất hết 213, chỉ còn 210 chiếc. Từ ngày hết chiến tranh, tức là giữa nǎm 1945 đến hết nǎm nay, Pháp mua và đóng thêm vào, nhưng cũng chỉ được 370 chiếc cả thảy, nghĩa là bằng quá nửa số tàu khi trước. Thành thử lực lượng dưới bể của Pháp cũng kém sút xa.

Cụ Chủ tịch đi thǎm ông Moutet và tướng Pellet -
Báo "Nhân loại" thường đǎng bài ủng hộ ta - ký giả báo ấy đến thǎm cụ Chủ Tịch.
.........
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Tám, 2013, 10:01:35 pm gửi bởi qtdc » Logged
Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM