Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:33:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Luật sư Phan Anh và nhật ký hội nghị Genève  (Đọc 17638 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 09:43:40 am »

Luật sư Phan Anh - Bộ trưởng Quốc phòng một thời
Ngọc Phúc
Nguồn: vanhoanghean.vn


Việt Nam những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đứng trước những khó khăn tưởng chừng như không sao vượt qua nổi. Tình hình thế giới và trong nước đều không thuận lợi. Khó khăn lớn nhất đối với Việt Nam lúc này là cùng một lúc phải đối phó với nhiều thế lực quân sự thù địch của các nước lớn đông và mạnh đang có mặt tại nước ta: 200.000 quân Tưởng Giới Thạch đói khát đầy tham vọng, 26.000 quân Anh - Ấn vào giải giáp quân Nhật nhưng thực chất là mở đường giúp Pháp trở lại xâm lược nước ta.

Chúng đã ký hiệp định giao cho Pháp quyền giải giáp quân đội Nhật, tạo điều kiện cho 1.500 quân Pháp bị giam giữ được thả và vũ trang lại. Ngoài ra còn 60.000 quân Nhật chờ giải giáp cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn của chính quyền cách mạng.

Đối phó với thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta đã có nhiều sách lược mềm dẻo, khôn khéo để giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ. Chỉ trong vòng hơn một năm, từ ngày 2 - 9 - 1945 đến ngày toàn quốc kháng chiến 19 - 12 - 1946 ta bốn lần thay đổi chính phủ. Luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến được công bố ngày 2 - 3 - 1946. Nghĩa là sau cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên trong lịch sử nước ta, vào ngày 6 - 1 - 1946, chính phủ được thành lập để thực hiện chính sách "tạm hoà với Tưởng", Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội thêm 70 ghế nữa không bầu cho hai phái thân Tưởng. Cho đến ngày 3 - 11 - 1946 tại kỳ họp thứ hai Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố chính phủ mới - Chính phủ liên hiệp quốc dân được thành lập.

Luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tám tháng nhưng đó là một thời kỳ khó khăn trên chính trường, thời kỳ đầu xây dựng Quân đội cách mạng chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông đã có những đóng góp quan trọng cho nền quốc phòng non trẻ những năm đầu cách mạng.
Tại sao vào thời điểm lịch sử ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và quốc dân giao cho luật sư Phan Anh trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng?
Miền quê "địa linh, nhân kiệt"

Luật sư Phan Anh sinh ra ở đất Hồng Lam xưa nay nổi tiếng "địa linh, nhân kiệt" - một vùng đất linh thiêng sản sinh ra những con người hào kiệt để lại tiếng thơm muôn đời trong lịch sử dân tộc, từ Nguyễn Huệ, người anh hùng "áo vải cờ đào" đến nhà chí sĩ yêu nước chống Pháp Phan Đình Phùng; từ nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu đến Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương Trần Phú.

Quê ông làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong con mắt của vợ ông - "nàng dâu Nghệ Tĩnh" Đỗ Hồng Chỉnh thật là thú vị: "Một làng quê như bao làng quê Việt Nam. Nhà là gắn với vườn cây. Nhà nọ cách nhà kia bằng hàng rào cây. Làng nọ cách làng kia một luỹ tre xanh bao bọc. Địa thế quê anh có sông, có núi, có bãi bồi, có đồng ruộng - đẹp tuyệt vời. Anh thường thích dẫn tôi lên đỉnh đồi gần nhà để ngắm phong cảnh chung, ngắm dòng sông La, ngắm trạm bơm Linh Cảm, ngắm bến Tam Soa…" Không biết bà có quá yêu quê chồng mà viết thế không nhưng quả là miền quê Đức Thọ, Hà Tĩnh đẹp thật. Một không gian thoáng đạt, sơn thuỷ hữu tình và tình người sâu lắng. Hà Tĩnh không phải nơi chôn rau cắt rốn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhưng ông đã nói thay tình cảm của bao nhiều người dân đất Việt về Hà Tĩnh: "Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh". Không chỉ phong cảnh đẹp mà con người ở đây cũng đẹp và lịch lãm càng tôn thêm sức hấp dẫn của một vùng quê miền Trung. Nghề canh cửi có từ bao đời làm nên vẻ đẹp nên thơ của những cô gái Đức Thọ từ xưa đến nay. Thiếu tướng Hồ Đệ quê ở Nam Đàn khi nói với tôi về con gái Đức Thọ, dù ở tuổi 80 vẫn không quên một kỉ niệm: "Thời trai trẻ, một lần tôi cùng anh bạn qua cánh đồng Đức Thọ nhìn thấy những cô gái mặc váy đen, áo nâu non đang bắt cua. Anh bạn tôi bảo: "Làm đồng thì vậy đấy mà khi đi chợ cậu nhìn mê ngay. Nhớ kỹ nhớ". Đúng là đến phiên chợ, các cô ngồi bán hàng vải trong bộ đồ mới, cũng váy đen áo nâu non nhưng gọn gàng, trang điểm đẹp lắm". Ông nhận xét: "Con gái Nam Đàn quê tôi không có được cái xinh tươi, lịch lãm của con gái Đức Thọ".

Đức Thọ là quê hương của Phan Đình Phùng và Trần Phú đã thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Những câu thơ của một người con gái Đức Thọ viết về quê hương mình tặng luật sư Phan Anh ngày Luật sư còn sống, còn đọng mãi trong tôi:

"Quê mẹ ta ơi: quê Đình Phùng, Trần Phú
Đất lửa Anh hùng Xô Viết năm xưa
Đường đấu tranh lồng lộng ánh sao cờ
Theo Đảng ta đi, quê nhà giải phóng.
Ruộng đất về ta, con người, cuộc sống,
Cũng về ta và từng bước đi lên."

Phan Anh sinh ra trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống yêu nước. Truyền thống khoa bảng tộc họ Phan được ghi chép trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam và Quốc triều hương khoa lục được bà Hồng Chỉnh ghi chép lại trong hồi ký của luật sư Phan Anh, giúp chúng ta biết thêm về truyền thống hiếu học của ông cha xưa: "Phan Phúc Cẩn sinh năm 1458 đến năm 1475 đỗ đồng Tiến sĩ thời Hồng Đức thứ 6. Phan Dư Khánh sinh năm 1461 đến năm 1481 đỗ đồng Tiến sĩ đời Hồng Đức thứ 12. Phan Khiêm Thụ sinh năm 1722 đến năm 1757 đỗ đồng Tiến sĩ đời Cảnh Hưng thứ 18… Anh Phan là trực hệ của cụ Phan Dư Khánh…".

Ông nội luật sư Phan Anh là cụ Phan Văn Tao tham gia nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng khởi nghĩa chống Pháp những năm cuối thế kỉ XIX. Bà nội của Luật sư là cháu cụ Phan Đình Phùng bị bọn cường hào trả thù nên lâm vào cảnh nghèo khó, cả gia đình lưu lạc nơi đất Bắc kiếm sống.

Cụ Phan Điện thân sinh của Luật sư là một nhà nho yêu nước đồng thời là một nhà thơ trào phúng đầu thế kỉ XX. Thời kỳ ở Hà Đông, cụ Phan Điện thường đến quê cụ Nguyễn Thượng Hiền dạy học, khi cụ Nguyễn Thượng Hiền theo phong trào Đông du chống Pháp, cụ Phan Điện đưa các em cụ Hiền về Tùng Ảnh. Sự việc bị phát giác, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu bắt giam cụ một thời gian mới tha. Cụ làm thơ trào phúng phê phán, tố cáo bọn quan lại tay sai cho Pháp làm khổ dân ta. Thơ cụ cũng là tiếng nói phủ nhận một xã hội đầy rẫy bất công, ý thức nỗi nhục mất nước nhưng không mất niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Chí khí, tình cảm cùng với thơ văn của cụ đã góp phần làm nên nhân cách của hai người con nổi tiếng - những trí thức lớn của đất nước là Phan Anh và Phan Mỹ. Đó cũng là lý do vì sao nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cụ Phan Điện (1874 - 1994) tại xã Tùng Ảnh quê hương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức trọng thể ngày sinh của cụ. Diễn văn tại buổi lễ có đoạn: "Sinh thời, cụ Phan Điện là người học rộng, tài cao nhưng lận đận chốn khoa trường, điều đó làm cụ day dứt mãi đến già. Là người yêu nước, luôn luôn muốn giữ phẩm chất nhà nho trước thời buổi Tây - Tàu nhố nhăng, cụ bước vào nghề dạy học và làm thơ châm biếm những bất công của xã hội, tố cáo đả kích những kẻ bán bước cầu vinh nên được truyền tụng từ Bắc vào Nam. Cụ đã sinh ra những người con yêu nước, thông minh, làm những chức vụ lớn của Đảng và Nhà nước là hai ông: Phan Anh, Phan Mỹ".

Đôi câu đối cụ viết tặng hai người con trai của mình từ hồi Phan Anh, Phan Mỹ còn nhỏ, được luật sư Phan Anh gìn giữ coi như một phương châm hành xử cho mình:

Trung tín hành man mạch
Nhân nhượng hưng quốc gia.
(Nghĩa là: Đối với người nước ngoài thì giữ chữ trung chữ tín.
Phải thương yêu nhường nhịn thì quốc gia mới hưng thịnh.)

Đôi câu đối ấy xưa được khắc vào miếng xương mỹ nghệ treo ở số nhà 74 phố Hàng Bạc. Nay được sơn son thếp vàng treo trang trọng trên tường bàn thờ gia đình - hai chữ cuối vế đầu "man mạch" đổi thành "thiên hạ" là theo ý luật sư Phan Anh khi còn sống cho hợp, nhưng không làm thay đổi ý nghĩa đôi câu đối của cụ Phan Điện.
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 09:46:14 am »

Luật sư Phan Anh - Bộ trưởng Quốc phòng một thời (tiếp)

Lớn lên trong gian khó

Những năm cuối thế kỉ XIX, phong trào Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi được sự hưởng ứng của văn thân và nhân dân cả nước. Khi vua chạy ra Quỳ Hợp bị bắt thì Phan Đình Phùng là linh hồn của phong trào được nhân dân Đức Thọ nói riêng, Hà Tĩnh - Nghệ An nói chung tham gia rất đông. Thực dân Pháp và tay sai ra sức đàn áp dã man, Đức Thọ trở thành mục tiêu tiêu diệt của chúng vì thế mà đời sống nhân dân ngày càng cơ cực. Gia đình luật sư Phan Anh cũng khốn khổ không kém. Nhất là từ năm 1921, Phan Anh, Phan Mỹ mất mẹ đột ngột thì gia đình càng khó khăn hơn phải theo cha bỏ quê hương bản xứ mà đi. Những kỉ niệm về tuổi thơ nghèo khó lang thang nơi đất khách quê người không bao giờ phai trong tâm trí ông. Ông kể rằng:

"Trước đó, việc nuôi con nhỏ chủ yếu dựa vào sự nỗ lực lao động hàng xay hàng xáo của mẹ. Nay mẹ mất đột ngột, gánh nặng nuôi con chuyển sang vai thầy đồ. Bị nhà chủ đuổi, ba cha con dắt díu nhau đi tìm chỗ ở khác. Ba cha con đang đi trên đê thuộc xã Đại Từ, huyện Thanh Oai. Anh im lặng, Mỹ thì hỏi: "Tối nay ta ăn cơm ở đâu, ngủ ở đâu hở thầy?" Cha không trả lời được. Ba cha con còn đang ủ rũ thì gặp một bà ở làng bên. Bà này lên tiếng hỏi một câu vô tâm: "Hai chú đi đâu mà thất thểu như kẻ ăn mày thế kia!".

Từ đó thầy cho ra đời bài thơ "Hai chú":

"Hai chú đi đâu giống kẻ mày?
Vì chưng dân nước gặp hồi Tây.
Mắt trần nào kẻ người không biết.
Óc trẻ còn mong học mọi hay,
Trời đất năm châu dầu sóng gió.
Anh em một bụng giữ tin ngay
Ai ơi chớ vội khinh hai chú
Xoay xoả non sông cũng một tay."

Đến thị trấn Ứng Hoà, thầy để Anh ở tạm nhà bà phán Chí, và tiếp tục dắt Phan Mỹ lên đường đi tìm chỗ dạy học. Bà Phán cho Anh ở trọ tại một chái lợp gianh. Nhà đun rơm, Anh để lửa cháy to. Bà Phán sợ cháy nhà nên mắng Anh. Anh liền bỏ đi tìm cha, mặc dầu không biết là đi đâu… Gặp con, thầy lại tiếp tục đưa Anh ra Thanh Oai, vào ở nhà bà thông Hiên để chăn trâu. Công việc hàng ngày của Anh là vừa chăn trâu, vừa chuẩn bị rau lợn, vừa rửa những xảo bát đũa cơm thợ ở cầu ao. Đổi lại Anh được ăn, được ở, tối đến được học chữ quốc ngữ với Phan Quế là con bà chủ nhà".

Được cha giúp sức, từ trong gian khó Phan Anh, Phan Mỹ nuôi ý chí vươn lên bằng con đường học vấn. Để có điều kiện cho các con học tập, cụ Phan Điện cùng các con lang bạt qua nhiều nơi như Hà Đông, Kiến An, Hải Phòng… Phan Anh vào lớp học tư buổi tối ở thị xã Hà Đông thì gặp thầy giáo Cán. Thấy Phan Anh thông minh, ham học nên thầy nhận cho vào học lớp chính do mình phụ trách. Sau này khi Phan Anh làm luật sư, thầy giáo đã nhờ Phan Anh bào chữa khi thầy bị vu tội bán thuốc Đagénan. Từ năm 1923 đến 1925, Phan Anh, Phan Mỹ sống nhờ ở chùa Lũng Tiên, học lớp Nhì, lớp Nhất tại trường tiểu học Kiến An. Năm 1926, ông được tuyển vào trường Bưởi có học bổng ăn ở nội trú. Vào dịp nghỉ hè ông lại về Hà Đông tổ chức các lớp học tư để có tiền chi tiêu cho năm học tới. Kết thúc chương trình trung học, Phan Anh học tiếp bằng tú tài. Phan Anh nổi tiếng học giỏi, trong kỳ thi tốt nghiệp ông đạt thành tích hiếm có: đậu cả ba bằng tú tài - tú tài bản xứ, tú tài toán và tú tài triết học! Ra trường Phan Anh dạy ở trường Gia Long sau chuyển qua trường Thăng Long và theo học luật ở trường Đại học Đông Dương. Tốt nghiệp Đại học Luật năm 1937, ông được chính quyền cấp học bổng sang Pháp du học.

Lớn lên trong gian khó, ông ý thức sâu sắc nỗi khổ của người dân một nước thuộc địa. Luật sư cũng đặt cho mình trách nhiệm của kẻ sĩ là giúp dân giúp nước thoát khỏi ách thực dân, nô lệ. Trong bài xã luận đăng trên báo Thanh Nghị mà ông là một trong những người sáng lập, luật sư Phan Anh viết:
"Người ấy phải vì lợi ích dân chúng, là người quan sát không thiên vị và phải thường xuyên có liên hệ với nhân dân. Vì vậy kẻ sĩ có thể ảnh hưởng đến nhân dân và góp phần làm biến đổi xã hội".

Về nước năm 1939, ông từ chối lời khuyên của nhiều giáo sư Pháp nhập quốc tịch Pháp làm nghề thẩm phán. Ông làm nghề luật sư tham gia bào chữa cho đồng bào mình trong đó có các chiến sĩ cộng sản "vì nước quên mình" ở toà đại hình quân sự. Ông bào chữa vụ án xử bà Quang Thái - một chiến sĩ cộng sản kiên cường (vợ trước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), vụ đảng viên hội kín cộng sản Hoàng Minh Chính… Xin đọc bức thư của bà Đặng Thị Bích Hà, nhà sử học, vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi gia đình luật sư Phan Anh:

"Hà Nội, ngày 3 tháng 9 năm 2003

Thời kỳ đầu những năm 40, chính quyền thuộc địa Pháp thực hiện chính sách khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Năm 1942, nữ đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái bị thực dân Pháp bắt giam vì hoạt động chính trị chống Pháp. Một thời gian sau chúng đưa chị ra xử ở toà án thực dân. Lúc đó đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thoát ly sang Trung Quốc hoạt động. Ông thân tôi là học giả Đặng Thai Mai theo dõi sát sao vụ án. Anh Giáp là bạn đồng nghiệp, là đồng chí của ông những năm 1929 - 1930. Cả hai anh chị Giáp đều là bạn thân của cha tôi. Theo điều kiện ngặt nghèo hồi ấy chỉ có thể có thông tin qua báo chí của Pháp. Một hôm tôi đã đọc được tờ La volonté indochinoirse (Nguyện vọng Đông Dương) trong đó có tin phiên toà và bài bào chữa cho chị Quang Thái của luật sư Phan Anh. Mặc dù lúc ấy còn rất ít tuổi, tôi đã hiểu được nội dung phong phú của bài bào chữa. Luật sư đã cố gắng chứng minh rằng hoạt động của đồng chí Quang Thái là cao cả, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam. Tuy không đạt được mục tiêu cao nhất, bài viết của luật sư Phan Anh đã chứng tỏ sự dũng cảm của ông. Sau sáu thập kỷ, nhớ lại bài báo, tôi càng thấy rõ một sự thật trong chế độ thuộc địa hà khắc: nhiều người trí thức yêu nước đã đứng về phía cách mạng".

Đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước, phục vụ nhân dân

Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, ông luôn có ý thức tìm cách làm "biến đổi xã hội". Ngay những năm học ở trường Bưởi (1926 - 1930), Phan Anh đã nung nấu tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp xâm lược. Học sinh trong trường đã thầm thì với nhau về nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, luật sư Phan Anh tâm sự cùng đồng nghiệp: "Tôi nhớ mãi một đêm đông ở trường nội trú. Nhà trường không cho phép ai mang sách lên phòng ngủ, nhưng tôi đã nằm trong giường đắp chăn trùm kín, hé một khe nhỏ để đọc cuốn sách cấm. Đó là cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc. Chính cuốn sách đó đã góp phần quyết định hướng đi của đời tôi là học không chỉ để mưu sinh mà để góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước, phục vụ nhân dân".
Phan Anh hăng hái tham gia phong trào thanh niên, sinh viên yêu nước trong phong trào bình dân. Ông không chỉ là người tham gia mà còn là người tổ chức phong trào, được bầu là anh cả của phong trào thanh niên, sinh viên đấu tranh đòi tự do, dân chủ những năm 1935 - 1936. Ông đã trở thành hình mẫu lý tưởng cho một lớp thanh niên yêu nước những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945 - người trí thức đem tài đức phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước, đấu tranh cho nước Việt Nam tự do, độc lập. Vì mục đích lớn lao đó mà ngay cả việc ông sang Pháp học tập cũng là để hiểu thời cuộc, hiểu thế giới, hiểu chính nước đang thống trị Việt Nam để tìm cách đòi độc lập cho nước nhà. Một đoạn đối thoại giữa Luật sư và bà Đỗ Hồng Chỉnh thể hiện khá rõ về động cơ sang Pháp của ông:

"Anh kể tiếp:
- Anh sang Pháp với hai mục đích: Một là tiếp tục học luật, hai là tìm hiểu xã hội Pháp để hoạt động chính trị, phục vụ sự nghiệp ích nước lợi nhà. Và cụ thể là tìm được con đường giải phóng đất nước. Nhưng Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, những thanh niên Việt Nam ở Pháp như anh rất nóng ruột, vì ai cũng thấy đây là lúc phải hành động. Tháng 9 - 1939, anh cùng cô Đỗ Thị Thao tản cư ra khỏi Paris, lánh sang vùng Bretagne và cùng ở đó mấy tháng để theo dõi thời cuộc. Cuối cùng hai người cùng nhau quyết định trở về nước".

Những năm học cuối ở Pháp, ông chuyên tâm nghiên cứu pháp luật. Điều thu hoạch lớn nhất sau mấy năm sống ở Pháp là ông "đã đánh giá được tình hình quan hệ giữa ta và Pháp". Có lẽ theo binh pháp Tôn Tử - "Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng" cho nên việc hiểu biết kẻ thù của Việt Nam thời kỳ ấy là rất cần cho những ai đang tìm đường đánh đuổi thực dân giành độc lập, tự do cho đất nước! Về nước, song song với việc tham gia bào chữa cho đồng bào của mình, Phan Anh cùng một số trí thức yêu nước đứng ra lập tạp chí Thanh Nghị không ngoài mục đích hướng thanh niên, học sinh vào con đường phụng sự Tổ quốc. Sau này nhiều người vẫn nhắc đến "Phong trào sinh viên yêu nước Phan Anh" những năm 1941 - 1945 vì có một thời Luật sư là linh hồn của phong trào, là Hội trưởng Tổng hội sinh viên Đông Dương.

Có một điều, trong đường lối chính trị của Phan Anh không thiên hẳn về phái tả - thiên về tả nhưng ông muốn có một giải pháp ôn hoà hơn mà vẫn đạt được mục đích chính trị. Thực tế thì điều đó không thể có được. Chỉ có dùng bạo lực cách mạng, dùng sức mạnh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương mới đánh đổ được chế độ cũ thực dân phong kiến, xây dựng một chế độ mới - chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ông Vũ Đình Hoè kể lại cuộc gặp giữa luật sư Phan Anh và Dương Đức Hiền như sau:

"Phan Anh kể rằng:

Anh Dương Đức Hiền cách đây mấy hôm đến trình bày với anh hướng hoạt động của nhóm sinh viên yêu nước, muốn lao hẳn vào phong trào cách mạng, chiến đấu dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản, trong khi nhiều nhóm sinh viên khác lại muốn đi theo Đảng của ông Cường Để, Đảng Đại Việt quốc gia liên minh của ông Nguyễn Hải Thần, hoặc những phe đảng thân Nhật, thân De Gaulle(1). Số lớn sinh viên còn lại thì kiên trì đến cùng thái độ độc lập. Dương Đức Hiền đã yêu cầu anh Phan vừa lấy tư cách là nguyên Hội trưởng Tổng hội sinh viên vừa tình bạn thân giúp đỡ ý kiến. Đồng thời Dương Đức Hiền hỏi anh Phan: "Tại sao nhóm ta không tỏ xu hướng chính trị gì rõ rệt? Lúc này không hành động mà lại định ngồi viết báo". Và anh Phan trả lời: "Rất hoan nghênh nhiệt tình yêu nước sôi nổi của những nhóm sinh viên trẻ tuổi dám chọn con đường chiến đấu ngay từ bây giờ. Còn mấy cựu sinh viên lớn tuổi đã vào đời rồi thì sao? "Anh Phan kể lại cho Dương Đức Hiền nghe cuộc thảo luận hai tháng trước giữa "năm người bạn nối khố". Cuối cùng nhấn mạnh ý này của riêng anh: "Có lẽ trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, có nhiều nhóm khác nhau về chính kiến, về phương thức hoạt động là một hiện tượng tốt. Miễn là tất cả đều phải chân thành và hướng vào một mục tiêu: phụng sự Tổ quốc. Tất cả các con sông, to hay nhỏ, dài hay ngắn, đều đổ ra biển, chỉ làm cho sóng biển càng mạnh, nhấn chìm càng sâu bạch tuộc, thuồng luồng, cá mập".

Tư tưởng đại đoàn kết mọi tầng lớp trong xã hội phụng sự Tổ quốc, sau này trong cuộc gặp trí thức Hà Nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có dịp phát biểu và được giới trí thức đồng tình: "Nhân dân ta đang đứng trước một tình thế cần đoàn kết lại. Cách mạng nhờ đoàn kết mà thành công, giành được chính quyền. Nay để bảo vệ chính quyền, xây dựng nền độc lập, chống những âm mưu phá hoại từ bên ngoài và bên trong, đều chủ yếu là phải giữ vững và tăng cường đoàn kết". Sau đó ít lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội đồng Kiến thiết quốc gia gồm nhiều trí thức tiêu biểu của Hà Nội.
Từ Bộ trưởng Bộ Thanh niên đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 09:50:44 am »

Luật sư Phan Anh - Bộ trưởng Quốc phòng một thời (tiếp)

Những năm 40 của thế kỉ XX trên thế giới có nhiều biến động to lớn. Chiến tranh thế giới lần thứ Hai bùng nổ, phe phát xít đưa nhân loại vào một thảm hoạ diệt chủng đòi hỏi những người yêu chuộng hoà bình phải đoàn kết lại. Phe đồng minh được hình thành trên toàn thế giới để chống lại thế lực tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại.

Việt Nam là hình ảnh thu nhỏ của thế giới rộng lớn đó. Thực dân Pháp đô hộ nước ta hơn 80 năm trong phe đồng minh chống phát xít, nhưng chính phủ phản động lại đầu hàng khi quân đội Hitler tiến vào Paris. Phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương với ngọn cờ "Đại Đông Á" ngày một tả tơi. Nhân dân Việt Nam quằn quại dưới hai tầng áp bức bóc lột của cả Pháp và Nhật. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ có nhiều lực lượng chính trị có đường lối khác nhau. Từ năm 1941, Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 5 - 1941 xác định "nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương". Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân chuẩn bị giành chính quyền khi thời cơ đến. Nhật đảo chính Pháp hòng độc chiếm Đông Dương ngày 9 - 3 - 1945 tạo ra tình thế chính trị khủng hoảng sâu sắc làm cho những điều kiện tổng khởi nghĩa mau chín muồi. Từ ngày 9 đến 12 - 3 -1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ra Chỉ thị quan trọng: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Phan Anh và những người trí thức nhìn thấy sớm hay muộn phe phát xít sẽ thất bại, việc Nhật hất cẳng Pháp với thuyết "Đại Đông Á" là mị dân, lừa bịp, nhân dịp này đòi Nhật trao trả độc lập, tham gia thành lập chính phủ "giữ chặt các chức vụ hành pháp để có vai trò trong tương lai" vì ông hiểu "bên cạnh trận địa hành pháp còn trận địa kín nữa chứ". Trong bài trả lời phỏng vấn nhà sử học người Na Uy S. Tonesson tháng 8 - 1989, Phan Anh nói: "Với tư cách là người yêu nước, tôi đã quan sát tình hình ấy.

Chúng tôi không muốn bị cả người Pháp lẫn người Nhật lừa đánh mình. Nhóm trí thức chúng tôi không phải là một đảng mà là một nhóm, chúng tôi nghĩ rằng nhiệm vụ cấp bách là phải đuổi bọn Pháp ra khỏi bộ máy hành chính. Chúng tôi huy động sinh viên, chúng tôi đòi bọn Nhật làm việc đó. Khẩu hiệu thứ hai của chúng tôi là tạm thời ngồi làm việc với người Nhật, nhưng không phải là "đồng tác giả", không phải là kẻ hợp tác với họ; phải giữ thế trung lập". Đó cũng là lý do vì sao luật sư Phan Anh nhận lời tham gia chính phủ Trần Trọng Kim. Thái độ của ông là dứt khoát: "Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự. Chính với chính sách ấy mà chúng tôi thành lập chính phủ với khẩu hiệu như vừa nói là:
Đuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập. Trong chính phủ Trần Trọng Kim có một bộ mà chúng tôi phải suy nghĩ nhiều: Bộ "quốc phòng" hoặc bộ "quân lực" hoặc bộ "chiến tranh". Chính vì muốn giữ thế trung lập mà chúng tôi đã quyết định không có Bộ Quốc phòng. Người Nhật muốn có bộ ấy để lôi kéo chúng tôi đi với họ. Thay bộ ấy, chúng tôi lập Bộ Thanh niên. Phong trào Việt Minh đã nổi tiếng và gây được hiệu quả là vì được thanh niên ủng hộ. Chúng tôi xây dựng một phong trào thanh niên là nhằm mục đích quốc gia và mục đích xã hội. Phong trào thanh niên chúng tôi không hề xung đột gì với Việt Minh: Cùng theo đuổi một mục tiêu như nhau mà!".

Nội các Trần Trọng Kim được thành lập, ra mắt tại Huế ngày 8 - 5 - 1945, luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên.

Nói về luật sư Phan Anh, bà Đỗ Hồng Chỉnh - người bạn đời chung thuỷ của ông nhắc đến ba đặc điểm là: 1. Quan điểm hành xử là vì hoà bình, dân chủ. 2. Tính mục đích rõ ràng: chống thực dân Pháp, đế quốc. 3. Tính cách của ông là chủ động trong mọi công việc. Luật sư luôn ý thức về vai trò của người trí thức yêu nước phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Tham gia chính phủ không phải vì quyền lực. Ông kính phục Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, rất biết về những người cộng sản và phong trào Việt Minh nhưng vẫn không là người cộng sản. Trả lời câu hỏi của S. Tonesson: "Trước khi cộng tác với ông Kim, ông đã theo dõi hoạt động của Việt Minh?". Luật sư trả lời: "Lúc ấy ai mà chả biết tiếng Việt Minh. Tôi có cái may được làm luật sư, có lẽ là luật sư duy nhất cãi cho các chiến sĩ Việt Minh bị bắt đưa ra toà xử từ năm 1940 đến 1945. Làm nhiệm vụ này, tôi biết lắm chuyện. Mà cũng vì thế tôi quý Việt Minh. Ông đã rõ tôi không phải là cộng sản, đến nay vẫn không phải là đảng viên, nhưng tôi cộng tác với Đảng". Tính cách, bản lĩnh Phan Anh thể hiện rõ khi ông vào Huế theo lời mời của vua Bảo Đại thành lập chính phủ mới. Trong hồi ký, Phan Anh kể rằng: "Thời gian vào triệu kiến Bảo Đại còn khoảng một tháng, nên anh tranh thủ nắm thêm tình hình, trước hết là lực lượng tiến bộ, những phần tử yêu nước mà không tin vào Nhật, như bác sĩ Trần Văn Lai, Trần Văn Chương, Trần Duy Hưng… Tuy vậy, còn một tồn tại mà anh chưa cảm nhận đúng, đó là lực lượng to lớn của nhân dân đương tiến lên dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, của Bác Hồ. Một ví dụ cụ thể: bác sĩ Trần Duy Hưng đồng tình cùng đi vào Huế với anh, hai người hẹn hò với nhau: 5 giờ sáng ngày hôm sau, bác sĩ Trần Duy Hưng đến 74 Hàng Bạc để cùng lên đường. Nhưng buổi chiều trước ngày lên đường, anh Dương Đức Hiền lúc ấy cũng đã rút vào bí mật gửi đến anh một lá thư với lời khuyên: "Anh không nên vào Huế". Sáng hôm sau, anh Trần Duy Hưng cũng không đến. Nhưng anh vẫn quyết định cứ đi". Khi làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên, Phan Anh cho tổ chức Trường Thanh niên Tiền tuyến ở Huế cũng vì mục đích ấy. Bởi ông xác định: "Nhưng tôi cũng như Việt Minh là một động cơ. Việt Minh là động cơ lớn! Bộ Thanh niên là một động cơ nhỏ".

Sau khi chúng ta giành chính quyền, Việt Nam có tư thế một nhà nước có chủ quyền để tiếp quân đồng minh giải giáp quân đội Nhật nhưng lại đứng trước một tình hình quốc tế và trong nước cực kỳ phức tạp. Thách thức lớn nhất là phải đối phó với nhiều thế lực thù địch có lực lượng quân sự lớn mạnh đang tìm cách thôn tính nước ta. Nhờ có đường lối đúng đắn với những sách lược tài tình của Đảng Cộng sản Đông Dương đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã đuổi cổ được quân Tưởng và bọn tay sai bán nước, tổ chức toàn dân thành một khối để tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, tháng 11 - 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương phải tự giải tán rút vào hoạt động bí mật. Chỉ trong vòng hơn một năm, từ 2 - 9 - 1945 đến ngày Toàn quốc kháng chiến 19 - 12 - 1946 ta bốn lần thay đổi chính phủ. Luật sư Phan Anh được mời làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và nhà yêu nước có uy tín lớn Huỳnh Thúc Kháng được mời làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ - hai bộ quan trọng trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến do hai người không đảng phái nắm giữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh và quốc dân đồng bào giao cho ông một trọng trách lớn lao trong tình hình đất nước "ngàn cân treo sợi tóc". Việc cử luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không chỉ là "cơ cấu" theo yêu cầu của tình hình chính trị mà còn thể hiện niềm tin của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với giới trí thức yêu nước nói chung, với luật sư Phan Anh nói riêng. Giao cho Luật sư chức đồng thời cũng giao cho ông quyền - quyền lựa chọn những người tài đức đảm nhiệm nhiệm vụ của cơ quan Bộ Quốc phòng mà phần lớn là những trí thức yêu nước chưa phải đảng viên cộng sản như: Hoàng Đạo Thuý, Chính trị Cục trưởng; Phan Tử Lăng, Quân chính Cục trưởng; Vũ Văn Cẩn, Quân y Cục trưởng; Vũ Anh, Chế tạo Cục trưởng; Phan Văn Phác(1), Quân huấn Cục trưởng; Lê Văn Chất, Quân pháp Cục trưởng…

Đối thoại sau đây giữa Luật sư và nhà sử học người Na Uy thể hiện rõ hơn về niềm tin tham gia cách mạng, đảm nhiệm trọng trách của đất nước mà ông có được:

" - Trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử tôi làm Bộ trưởng Quốc phòng và để cho tôi chủ động tìm lấy những cục trưởng của bảy, tám cục đều là anh em trí thức, trong đó năm 1946 chỉ có một người là đảng viên…

- Nhưng nhiệm vụ chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam không phải thuộc Bộ ông, mà thuộc Quân sự uỷ viên hội đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

- Vâng, lúc ấy có sự phân công như vậy. Nhưng điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm với trí thức".
Chính phủ liên hiệp kháng chiến thành lập ngày 2 - 3 - 1946, luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngày 22 - 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33 về tổ chức Quân đội quốc gia, Sắc lệnh số 34 quy định tổ chức Bộ Quốc phòng.
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 09:53:08 am »

Luật sư Phan Anh - Bộ trưởng Quốc phòng một thời (tiếp)

Từ Trường Thanh niên Tiền tuyến đến Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn


Nói đến chính phủ Trần Trọng Kim không ít người thường nghĩ đến một chính phủ thân Nhật. Đúng là chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập khi Nhật hất cẳng Pháp hòng độc chiếm Đông Dương. Chính phủ Trần Trọng Kim gồm khá đông những người yêu nước muốn nước nhà được độc lập. Là người trong cuộc, luật sư Phan Anh ý thức sâu sắc:

"Chính phủ ấy, ngay khi ra đời đã tự coi như một mắt xích lâm thời, tôi có thể nói hẳn ra là, theo tôi nhận định, như là một công cụ phục vụ cho sự nghiệp giành độc lập. Chúng tôi đã tự coi không phải là người lãnh đạo phong trào, lãnh đạo đất nước, mà là những công cụ, những tay chân của công cuộc đấu tranh dân tộc. Và do đó sự chuyển tiếp từ chính phủ Trần Trọng Kim đến nền cộng hoà trong Cách mạng Tháng Tám diễn ra một cách tự nhiên suôn sẻ. Tôi có thể nói với ông rằng, với tư cách Bộ trưởng, chúng tôi trăm phần trăm ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Và sự thực là chính phủ ấy đã làm được nhiều việc có lợi cho dân tộc, cho cách mạng. Đó là những căn cứ pháp lý để xây dựng một đất nước độc lập và được quốc tế công nhận. Vì một nước Việt Nam thống nhất, chính phủ Trần Trọng Kim đòi từ tay Nhật những miền đất bị Pháp chia ra để trị với âm mưu chia nước ta thành ba. Thời thuộc Pháp, Nam Kỳ, Đà Nẵng và Hà Nội là đất nhượng địa. Nghĩa là dân cư ở những địa phương đó là thuộc dân của Pháp - được Pháp bảo hộ. Những đất thuộc địa ấy được chính phủ Trần Trọng Kim đòi lại. Chính phủ Nhật có văn bản chính thức trả lại Hà Nội cho chính phủ Việt Nam. Một buổi lễ long trọng được tổ chức, thị trưởng mới của Hà Nội là bác sĩ Trần Văn Lai và nhiều tượng đài, tên phố thuộc Pháp được xoá bỏ tại Hà Nội. Bác sĩ Trần Văn Lai sau hoà bình 1954 là Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội. Công việc đòi lại Nam Kỳ được tiến hành và chính phủ Nhật chấp nhận việc cử khâm sứ đại diện cho nhà vua tại Nam Bộ là Nguyễn Văn Sâm…

Nhưng có lẽ, một việc làm có giá trị lịch sử của chính phủ Trần Trọng Kim theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ Thanh niên là thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến ở Huế. Phan Anh đã thấy trước, tất nhiên là không nói ra, khả năng chúng ta phải đánh nhau với Pháp và vì thế phải có một trường quân sự đào tạo những cán bộ quân sự cho cách mạng. Trong Trường Thanh niên Tiền tuyến có một tổ chức Việt Minh - Phan Anh và Tạ Quang Bửu đều biết điều đó. Ngày 16 - 6 - 1945, luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và giáo sư Tạ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn thanh niên đứng ra thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến tại Huế.

Giáo sư Nguyễn Phước Hoàng, người trực tiếp giúp giáo sư Tạ Quang Bửu dựng trường nhớ lại:

"Lập luận của anh (Tạ Quang Bửu) thật rõ ràng: Nhật sẽ thua; quân đồng minh có quân Pháp theo đuôi sẽ vào nước ta. Nước ta cần có chính phủ để sẵn sàng giao thiệp với quân đồng minh. Ta cần có quân đội, cần đào tạo gấp sĩ quan, huấn luyện quân sự gấp cho thanh niên. Riêng với Pháp, tướng Đờ Gôn đã tuyên bố sẽ lập lại chế độ thuộc địa ở Đông Dương, ta phải có quân đội để chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa".

Học viên của trường phần lớn là những trí thức trẻ khoẻ có trình độ cử nhân, tú tài được huấn luyện quân sự bài bản. Đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến trở thành lực lượng bảo vệ các cuộc mít tinh, bảo vệ lễ ra mắt Uỷ ban kháng chiến Trung Bộ, tham gia tước vũ khí quân đội Nhật, bảo vệ phái đoàn của Chính phủ từ Hà Nội vào nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại rồi trở thành Giải phóng quân lên đường Nam tiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Học viên của trường ngày ấy tham gia kháng chiến nhiều người anh dũng hi sinh trên chiến trường ba nước Đông Dương, nhiều người chuyển ngành sang đảm nhiệm nhiều trọng trách về khoa học kỹ thuật. Riêng lĩnh vực quân sự, nhiều học viên trở thành những vị tướng tài giỏi của Quân đội nhân dân Việt Nam như: Trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, nguyên Tư lệnh bộ đội Tăng - Thiết giáp; Thiếu tướng Nguyễn Thế Lương, nguyên Phó tư lệnh bộ đội Đặc công; Thiếu tướng Võ Quang Hồ, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Đoàn Huyên, nguyên Phó tư lệnh bộ đội Phòng không - Không quân; Thiếu tướng Đào Hữu Liêu, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật; Thiếu tướng Phan Hàm, Thiếu tướng Mai Xuân Tần.
Phan Anh là người hiểu sức mạnh của thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước và cũng là người coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự cho cách mạng, cho quân đội để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế đến Trường võ bị Trần Quốc Tuấn cũng từ ý tưởng lớn đó:

"Có một việc của Bộ Quốc phòng mà anh đặc biệt quan tâm, đó là bên cạnh việc ban hành những Sắc lệnh tổ chức quân đội quốc gia có vấn đề đào tạo sĩ quan. Hồ Chủ tịch tán thành đề nghị của anh: thành lập Trường võ bị Trần Quốc Tuấn và bổ nhiệm Giám đốc nhà trường là anh Hoàng Đạo Thuý. Tiêu chuẩn tuyển thanh niên vào trường võ bị này là những thanh niên đã có bằng thành chung".

Bà Đỗ Hồng Chỉnh trong hồi ký viết về Trường võ bị Trần Quốc Tuấn cho biết: "Bác Hoàng Đạo Thuý còn cho em biết rằng: Chương trình đào tạo là do anh em cán bộ nhà trường tự đặt ra, có tham khảo chương trình Trường quân bị của Pháp. Học cả Tôn Tử, cả cách dùng binh của Trần Hưng Đạo. Học sinh võ bị phải học lái xe hơi, học về xe tăng, hòng khi cướp được xe của Pháp thì cũng biết điều khiển. Cuốn "quân quy" và sổ "quân tịch" là tác phẩm của anh Phan Tử Lăng… Biết chính phủ ta không có tiền, nên các anh đó khi xây dựng trường cũng không có chuyện xin tiền trong ngân sách nhà nước mà nhà trường đã tự giải quyết lấy. Điều đó quả là cừ khôi phải không anh, vì chỉ có những tấm lòng yêu nước mới có thể làm được".

Ngày 26 - 5 - 1946 đến thăm và tặng Trường võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây sáu chữ vàng: "Trung với Nước, Hiếu với Dân", Đại tá Phạm Chí Nhân, nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (nay là Cục Tư tưởng - Văn hoá), cựu học viên khóa I của trường nhớ lại: "Tháng 12 - 1946, khoá I Trường võ bị Trần Quốc Tuấn khẩn trương bế giảng. Xếp thứ 5 trong gần 300 học viên tốt nghiệp, cùng với 15 người đỗ cao và 1 đồng chí xếp cuối cùng, tôi được nhận phần thưởng của Bác Hồ. Một huy hiệu rất đẹp mang hình cờ đỏ sao vàng do bà con Việt kiều ở Pháp vừa biếu Người… Trong số học viên ra trường, mấy chục anh em được điều về Bộ Tổng tham mưu hồi ấy đóng ở ấp Thái Hà, chuẩn bị cho việc xây dựng bộ đội chủ lực của Bộ".

Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, nay là Trường Sĩ quan Lục quân I là một trong những trường đào tạo sĩ quan quân đội đầu tiên ra đời đến nay đã hơn 60 năm. Trường đã đào tạo, cung cấp cho các đơn vị trong toàn quân 8 vạn cán bộ trong suốt những năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 160 đồng chí cấp tướng, 26 đồng chí được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Trường vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 09:54:25 am »

Luật sư Phan Anh - Bộ trưởng Quốc phòng một thời (tiếp)

Từ Hội nghị Fontainebleau đến Hội nghị Genève

Sớm nhận rõ âm mưu Pháp không từ bỏ Đông Dương, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch chủ trương tranh thủ hoà bình để tổ chức lực lượng kháng chiến. Trong tháng 10, Bác Hồ gặp Sanhtơny - đại diện chính phủ Pháp ở Đông Dương mở ra cuộc đối thoại kéo dài trong 6 tháng. Hiệp định sơ bộ ngày 6 - 3 - 1946 giữa đại diện Chính phủ Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện chính phủ Pháp là Sanhtơny được ký kết tại Hà Nội. Hiệp định sơ bộ giúp chúng ta loại bớt một kẻ thù nguy hiểm là 20 vạn quân Tưởng, tạo điều kiện kéo dài thời gian chuẩn bị kháng chiến. Từ hiệp định sơ bộ giúp chúng ta cùng với Pháp mở hội nghị trù bị ở Đà Lạt (từ ngày 19 - 4 đến ngày 11 - 5 - 1946) sau đó là Hội nghị Fontainebleau tại Pháp (từ ngày 6 - 7 đến ngày 12 - 9 -1946).

Ngày 22 - 5 - 1946, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập một Uỷ ban nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Paris gồm 6 người: Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tường Tam, Phan Anh, Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh. Ngày 29 - 5 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 82 về việc uỷ nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng thay Chủ tịch Chính phủ đi vắng, ông Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch quân sự uỷ viên Hội thay Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đi vắng… 6 giờ sáng ngày 31 - 5 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn của Chính phủ do ông Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đi dự Hội nghị Fontainebleau. Luật sư Phan Anh cùng đi với cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng thuyết trình viên, chuyên về mặt pháp luật. Hội nghị nhằm đàm phán về địa vị của Việt Nam trong khối liên hiệp Pháp và mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, vấn đề thống nhất ba kỳ và việc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ… Luật sư Phan Anh đánh giá về kết quả Hội nghị Fontainebleau như sau: "Ở Hội nghị Fontainebleau, từng người trong phái đoàn nói chung, Bác Hồ nói riêng, đàm phán với chính phủ Pháp về Hiệp ước công nhận nền độc lập của ta từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9 đem lại một thắng lợi to lớn cho nhân dân ta trong dư luận Pháp và thế giới, làm cho vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế càng mạnh. Đàm phán ở Fontainebleau bế tắc, phái đoàn về nước. Một mình Bác ở lại Pháp chừng một tháng để cùng ông Mutet - Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại cố hàn gắn tình hình, bằng một hiệp định tạm sống với nhau ngày 14 - 9 là "hoãn binh chi kế". Cái đó đúng nhưng chưa nhiều người biết cái lớn của Hội nghị Fontainebleau và cái "tạm ước" này về mặt ngoại giao. Đó là ngoại giao không chỉ trên bàn giấy, để ra một văn kiện gì đó, mà cái hay, cái lớn hơn, cái cơ bản hơn đó là dịp để chúng ta tuyên truyền cái chính nghĩa của nhân dân ta trong nhân dân nước đối phương. "Ta đã đàm phán với toàn dân của nước đối phương" - đó là kết quả lớn của Hội nghị. Tại đây Bác Hồ đã tranh thủ được dư luận thế giới ủng hộ quyền độc lập dân tộc, thống nhất của đất nước Việt Nam".

Ngày 3 - 11 - 1946, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I Chính phủ liên hiệp quốc dân, luật sư Phan Anh thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đến toàn quốc kháng chiến, ông Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế được cử đi vào Nam làm đặc phái viên của Chính phủ, luật sư Phan Anh được Bác giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế rồi Bộ trưởng Bộ Công thương. Luật sư đã cùng chính phủ kháng chiến phát triển kinh tế góp phần làm nên chiến thắng trên khắp các chiến trường, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.

Sau chiến thắng hoàn toàn ở mặt trận Điện Biên Phủ, luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương lại tham gia Đoàn đàm phán tại Hội nghị Genève do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Hiệp định được ký kết vào ngày 21 - 7 - 1954 đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Lần đầu tiên trên thế giới, một hiệp định quốc tế có sự tham gia của nhiều nước lớn trên thế giới đã công nhận các quyền cơ bản của ba nước trên bán đảo Đông Dương, chấm dứt gần một trăm năm xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta.

Tại Hội nghị Genève, tuy hết sức bận rộn nhưng luật sư Phan Anh cũng đã dành thời gian ghi chép nhật ký quá trình diễn biến cuộc hội nghị quan trọng này. Tập nhật ký dày khoảng gần một trăm trang viết tay hiện lưu giữ tại gia đình luật sư là một tài liệu quý giá giúp chúng ta không những hiểu diễn biến của Hội nghị mà còn lưu giữ những kỉ niệm về tình đoàn kết, sự ủng hộ của các nước trong phe XHCN và nhân dân Pháp, nhân dân các nước yêu chuộng hoà bình trên khắp hành tinh.
Luật sư Phan Anh là một nhà cách mạng, một trí thức lớn của nước ta trong thế kỉ XX. Cả cuộc đời ông đã chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc cũng như vì nền hoà bình của các nước trên thế giới. Tên tuổi của Luật sư gắn liền với thế hệ thanh niên mang tên ông - "Thanh niên Phan Anh" những năm trước Cách mạng Tháng Tám và là một trong những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng, Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của luật sư Phan Anh đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh.

Sách Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam do Bộ Quốc phòng chủ biên "khắc bia" về ông:

"Phan Anh (1911 - 1990), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam dân chủ cộng hoà (3 - 11 - 1946). Quê Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Trước năm 1945, Chủ tịch Tổng hội sinh viên Đông Dương… Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hội đồng Kiến thiết quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ đi Pháp dự Hội nghị Fontainebleau. Năm 1947 - 1976, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ Công thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương, Uỷ viên Đoàn chủ tịch rồi Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam (1977 - 1990), Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và Uỷ viên thường vụ Hội Luật gia dân chủ quốc tế (1950 - 1990), Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ hoà bình Việt Nam (1978 - 1990), đại biểu Quốc hội khoá II - VII, Phó chủ tịch Quốc hội khoá VII. Huân chương Độc lập hạng Nhất. Kỷ niệm chương Bảo vệ hoà bình của Liên hợp quốc. Huân chương vàng Giôliô Quyri của Hội đồng Hoà bình thế giới".

------------------------------------

(1) De Gaulle trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945) từ Pháp sang Anh lập “Phong trào kháng chiến Pháp”; là Tổng thống Pháp sau 1945.

(1) Còn được gọi là Phan Phác.
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 10:04:54 am »

Nhật ký hội nghị Genève (Từ 10.4.1954 - 24.8.1954) [Kỳ 1]
Theo hồi ký của luật sư: Phan Anh.

…10/4

Đương họp Hội nghị thuế xuất nhập khẩu thì nhận được thư hoả tốc ở cơ quan gửi đến. Bóc xem thì có điện của Phan Mỹ (trong văn phòng của Bác) gọi về cơ quan, để "cấp trên" giao công tác.

14/4

Gặp Phan Mỹ và lên đường đi Genève cùng với hai người nữa bằng ô tô.

15/4/54

Từ Thái Nguyên lên Lạng Sơn.

- "2 giờ đêm tới Bắc Sơn: trái phá địch vẫn bắn đều vào quãng đường này, 15 phút một quả. Anh lái xe rụt rè, nhưng mình quyết tâm vượt. Lúc ấy 3 giờ, thấy bên kia đèo cũng có một đoàn xe sang. Việc này làm cho anh cầm lái mạnh dạn hơn. 4 giờ xe bắt đầu vượt chỗ nguy hiểm: giữa một luồng khói, bụi mù mịt do một trái pháo vừa nổ tung ngay bên đường. Thấy khói bụi, lại có mùi thuốc súng, anh tài xế hơi hoảng hốt, sợ trái pháo sau tiếp luôn nên mở ga thật nhanh.

Mình bảo anh lái nên đi thong thả. Mình không lo quả trái phá mới, nhưng chỉ lo anh loạng choạng không tránh kịp những hố bom bên đường, đưa xe xuống hố thì mới là nguy. Xe chạy qua chỗ nguy hiểm hết sức, chừng 10 phút. Chạy thêm một quãng đường, dừng lại, để anh công binh (anh này nhân có xe mình sang, theo sang đèo và cũng để dẫn đường cho xe) xuống. Bắt tay anh công binh. Gửi lời khen đoàn công binh sửa đường này. Anh công binh thích lắm. Nhưng, anh em không phải đợi sự cảm ơn, sự khen ngợi này mới thích, mới vui. Khi xe mình đến chỗ đường bị bắn phá và khi đoàn xe bên kia vừa sang, anh em đã nhảy lên reo:

"Thế chứ lại!".

"Anh em mình gia công chữa cho kịp, cho tối hôm nay xe đi được, thì y như rằng, xe đến!".

"Các anh ạ, các anh cứ đi đi. Đường chữa vừa xong, đi được đấy. Nó bắn mặc kệ nó. Nắm quy luật hoạt động của bọn chúng, cứ rình cho nó bắn một quả, nhẩy ngay lên xe, rồi vượt đèo. Đi đi các anh, vui quá".

Anh em vui như thế, hăng như thế, thì làm gì mà không được. Thằng Tây có biết không? Có biết tinh thần thanh niên Việt Nam không? Mày bắn, mày phá, bắn vào bờ tường, phá vào lỗ hổng. Mày phá thế nào nổi chí quật cường, lòng hăng hái của mấy đồng chí thanh niên đêm ngày bảo vệ đường. Mày càng bắn, càng phá, chúng ta càng hăng hái phục vụ. Mày có biết không? Anh công binh thì hăng hái sửa đường. Anh cán bộ đi xe công tác càng hăng vượt mọi khó khăn, không sờn lòng trước gian nguy! Vượt qua chỗ nguy hiểm, bọn mình mừng lắm. Mừng, đi đúng hành trình đã dự định. Chính vì quyết tâm mà mình đã tranh thủ được thời gian. Nếu không quyết tâm thì đã quay xe đi con đường số 3, mà mất thêm ba ngày. Anh lái xe lúc này cũng sung sướng. Anh hơi ngượng về sự rụt rè của anh lúc tới quãng đường nguy hiểm. Nhưng, anh chỉ hơi rụt rè thôi. Trước sự quyết tâm của ba anh em mình, trước sự phấn khởi của mấy anh công binh, anh đã sốt sắng thi hành ý kiến của đa số và đã mạnh dạn đạp ga! Nay được việc, anh cũng rất hể hả. Quãng đường này lại tốt, trăng lại tỏ, xe chạy càng nhanh.

6 giờ sáng đến Ba Làng. Nghỉ ở đây cả ngày.

7 giờ chiều lên xe.

10 giờ đêm đến Kỳ Lừa, ghé thăm chợ.

11 giờ đêm đến Nam Quan.

Lần đầu tiên mình xuất biên Việt - Hoa.

Xuất biên, qua một cửa ải lịch sử.

Xuất biên với một nhiệm vụ nặng nề.

Xuất biên giữa một phong cảnh tươi vui, hùng tráng, núi khe trùng điệp, trăng sáng như ban ngày, xe bon bon chạy trên đèo Sen Hồ, trên đèo Nam Quan. Tinh thần của mọi người đều sáng như bầu trời xuân lồng lộng ánh trăng. Cảnh nên thơ mà lại nghĩ đến người biết thưởng thức thơ, mình nảy ra mấy câu. Đến Bằng Tường viết gởi về cho nhà:

Trăng xuân

"Trăng xuân đẹp, trăng xuân trong,
Trăng xuân đưa khách, ruổi dong đường dài.
Núi khe hớn hở vui tươi,
Tiễn mừng lữ khách gửi lời nước non.
Gương trăng soi tỏ lòng son,
Ngày về thắng lợi, trăng tròn với xuân."

…12 giờ đêm đến Bằng Tường.

7 giờ sáng ngày 16/4, lên tàu hoả đi Nam Ninh.

19 giờ đến Nam Ninh.

Đồng chí V, ra đón. Mình cảm ơn đồng chí và gửi lời cảm ơn các đồng chí ở Bằng Tường. Lên ô tô, vì chưa tiện nói đến việc hành trình, mình nhắc lại chuyện Thao trước kia sang đã được đồng chí V và V phu nhân tiếp đãi chu đáo.

Đồng chí V hỏi thăm về bệnh trạng của Thao(1). Mình kể lại những ngày cuối cùng của Thao và sự cảm kích của Thao, của mình đối với sự săn sóc ân cần của các đồng chí bạn".
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 10:08:50 am »

Nhật ký hội nghị Genève (Từ 10.4.1954 - 24.8.1954) [Kỳ 1] (tiếp)

21 giờ, đồng chí V đưa ra ga Nam Kinh đi Bắc Kinh.

Ở trên tàu hai ngày, sinh hoạt rất thoải mái. Toa tàu rất sạch sẽ. Sự săn sóc của người phục vụ trên tàu rất chu đáo. Không những đối với mình, mà còn cả đối với bất cứ hành khách nào. Tinh thần, tác phong phục vụ của mọi người làm việc trên tàu thật là đáng khâm phục. Không khí dân chủ trên tàu cũng rất rõ rệt: có một sự thân mật, một tình cảm hồn nhiên giữa mọi người".

18 giờ ngày 18/4 tới V.X

"Đồng chí phụ trách ngoại sự xứ V.X ra đón ở ga. Cùng đi với đồng chí có đồng chí tham mưu không quân. Đến đây, thì mới biết Bắc Kinh được tin mình đến Nam Ninh đã cho máy bay đi đón. Nhưng, khi máy bay đến thì mình đã lên tàu hoả rồi. Đồng chí tham mưu lệnh cho máy bay trở về V.X đợi. Mình rất mừng, nhưng cũng hơi lo. Lo rằng: sở dĩ Bắc Kinh phải cho máy bay đi đón nghĩa là cần kíp. Nhưng không ăn khớp, nên chậm một ngày. Có ảnh hưởng gì không? Mình nghỉ đêm ở một khu ngoại ô. Đồng chí Trần phụ trách ngoại sự xứ giới thiệu: đó là một nơi phong cảnh rất đẹp. Đến nơi, trời đã tối. Ăn cơm xong, cắt tóc, rồi viết thư... Đêm mình nằm trong nhà, ngoài trời gió thổi từng trận, tiếng ào ào. Mình và anh em đều lo thời tiết xấu, máy bay không đi được".

19/4/1954

"Sớm dậy, thấy trời mưa, càng lo. Nhưng khi gặp đồng chí Trần thì biết là không sao. Đồng chí Mã, tham mưu không quân cùng đi với mình. Máy bay cất cánh lượn rất êm. Mình hồi tưởng lại lần đầu tiên mình lên máy bay:

Ngày 31/5/1946, sang đàm phán ở Fontainebleau.

Mình so sánh hai cảm giác:

lần này có một cảm xúc mới. Khi máy bay cất cánh lên, mình cảm thấy như một lực mạnh vô cùng của nhân dân, nhân dân Việt Nam anh dũng chiến đấu, nhân dân các nước bạn ủng hộ, sức mạnh vĩ đại ấy đương đẩy cánh bay lên, bay lên cao, bay một cách vững vàng mạnh mẽ. Mình cảm thấy mình, phi cơ, đồng chí tham mưu và các đồng chí hoa tiêu là một. Khác hẳn với lần trước. Nhất là sự săn sóc đầy nhiệt tình của đồng chí hoa tiêu, một thanh niên tươi vui, làm cho mình cảm thấy sự quan hệ sâu sắc mật thiết giữa nhân dân hai nước. Lúc máy bay sắp tới nơi, đồng chí đưa một tờ giấy để ghi cảm tưởng và ý kiến, mình ghi mấy câu (8 câu bằng chữ Hán, chưa dịch). Vừa viết xong, thì anh Hoan lên máy bay đón. Bắt tay nhau, đưa nhau xuống chào các đồng chí bạn ra đón: đồng chí B.T, B.L.L, các đồng chí B.Ng. B...Ngồi trên xe về nơi nghỉ, anh Hoan cho biết anh Tô đã đi từ ngày 17, mình sẽ đi cùng với anh Hoan và một số anh em khác vào khoảng 22/4. Thế là yên chí không chậm".

20/4/1954

"Nghỉ ngơi, xem tài liệu biết thêm mấy tin mới. Tin trong nước: quân ta mở đợt tấn công lần thứ ba (ngày 17) vào phía tây Điện Biên Phủ, chiếm được khu Bắc sân bay. Tin quốc tế: kế hoạch của Dulles thành lập Hiệp ước Thái Bình Dương. Tin này, các báo bàn luận nhiều. Mình nhận thấy: Một là Mỹ bị động trên trường ngoại giao, sự bị động ấy biểu lộ rõ rệt trong hội nghị Berlin. Mỹ muốn vớt vát, muốn cố xoay lại, giành chủ động trước khi bước vào Hội nghị Genève. Do đó, mà có bài diễn văn ngày 28/3 của Dulles. Nhưng, phản ứng của các nước đồng minh và phản ứng của nhân dân Mỹ làm cho bọn cầm quyền Mỹ lúng túng.

Hàng ngũ đồng minh chia rẽ. Dulees vội vàng sang Anh và Pháp (l3,14/4). Kết quả là phải nhượng bộ Anh, xếp kế hoạch "thống nhất hoạt động" thay vào đó "thống nhất ý chí!". Ý chí gì? Lập Hiệp ước phòng thủ Thái Bình Dương.

Nhưng, nội dung thế nào? Rất lờ mờ, chưa đâu vào đâu cả. Mà trong vấn đề này, Mỹ còn lỗ với Anh: Trước kia, Mỹ không chịu cho Anh tham dự Hiệp ước Anzus; Bây giờ, lại phải mở cho cả Anh, Pháp vào. Thế là tranh thủ chủ động, mà hoá ra càng thêm bị động.".

Nhân đây, cũng muốn xác nhận một tin tức, đó là việc báo chí sau này cho rằng: "Tổng thống Eisenhower đã quyết định không can thiệp vào Việt Nam thời kỳ Điện Biên Phủ. Nhưng chỉ sau đó ít tuần, Dulles đã lái chính sách của Chính phủ Mỹ theo hướng ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm chống lại Hiệp nghị Genève, để rồi cuối cùng đã bị sa lầy trong cuộc chiến tranh mà chưa biết bao giờ mới ra khỏi ký ức của người Mỹ.")

20/4/1954

"Dư luận của nhân dân thế giới (lời tuyên bố của Nerhu) và nhất là của nhân dân Pháp rất lãnh đạm và hơn nữa còn nghi ngờ đối với kế hoạch của Mỹ. Bài diễn văn của Dulles, lời tuyên bố của Ních-xơn (doạ dẫm Pháp: nếu Pháp rút ra khỏi Đông Dương thì Mỹ sẽ cho quân Mỹ thay thế) làm cho dư luận xôn xao, phản ứng thêm mạnh đối với những hành động khiêu khích, phá hoại của Mỹ. Ních-xơn vừa tuyên bố hôm trước thì hôm sau quốc vụ của Mỹ cải chính, cho đó là một lời tuyên bố không có giá trị chính thức. Nhưng, rất có thể, đó chỉ là một kế hoạch "đồng cốt". Chúng tung ra những chủ trương nọ, chủ trương kia, để thăm dò dư luận. Cho nên ta phải cảnh giác, không nên chủ quan. Phải vạch rõ mưu mô thâm độc của chúng, để dư luận thấy rõ và đề phòng."

21/4/1954

- "Bắt đầu kiểm điểm tài liệu của phái đoàn. Tài liệu khá nhiều nhưng hơi cũ. Cần thu thập những tài liệu mới, hiện có tản mạn ở các báo chí, các bản tin tức trong nước, và tin tức quốc tế".

"… Chiều nay, Lý Bộ trưởng Bộ Liên lạc đến ăn cơm, tiễn đoàn mình. Lúc ông đến, không có ai phiên dịch, mình ra chào, và cố nói chuyện. Nói được và thấy câu chuyện rất vui. Nửa giờ sau, anh Hoan đến. Lý Bộ trưởng giới thiệu mình là nói tiếng Trung Hoa rất "phiêu lương"(1). Đồng chí nói thêm: "Đó là một sự kỳ lạ. Vì Phan Bộ trưởng chưa sang Trung Quốc bao giờ." Anh Hoan giới thiệu lại, mình xuất thân nhà nho, trong nhà vốn đã học chữ Hán. Kinh nghiệm cho thấy: Một là nói được, dễ gây cảm tình hơn là dùng phiên dịch. Dùng phiên dịch, hoá ra trịnh trọng, mất vẻ tự nhiên. Hai là, những khi cần nghiêm trang, thì nên để anh em phiên dịch. Phiên dịch tăng vẻ nghiêm trang".

21/4/1954

"Ở Bắc Kinh hai hôm. Khí hậu, thời tiết, ánh sáng mặt trời ấm, da trời xanh mịn không gợn một tý mây. Cho nên những tiếng động: xa xa còi tàu, tiếng xe hơi, lọt qua mấy bức tường, qua những cửa phòng, đóng mấy lần kính, che mấy lần vải, cho đến màu sắc trong phòng ngủ (trắng trẻo, dịu dàng), cho đến màu sắc những mái nhà, những bức tường ngoài sân (xam xám, cũ kỹ...), cho đến hương vị không khí (Không khí trong phòng ngan ngát! Mùi của những căn phòng sạch sẽ khô ráo, có hơi ấm của các ống nước sưởi toả ra) không khí ngoài sân lành lạnh, kích thích, nhắc lại cho ta là mùa xuân đương tới. Sống trong khung cảnh đó mình nhớ lại những ngày sống ở Paris: sống đời học sinh ba năm, sống đời ngoại giao ba tháng. Hình ảnh Thao hiện ra bên mình luôn luôn...Hình ảnh cô nữ sinh viên đương đợi mình ở thư viện, làm mình phải xúc tiến bài vở cho kịp để cho ai khỏi phải mong chờ. Hình ảnh thiếu phụ trong hiệu thuốc, chăm locông việc gia đình, mong mỏi tin tức đàm phán, làm cho mình thêm hăng háithức khuya, dậy sớm, chăm lo công việc phái đoàn, để đến khi về khỏi phụ lòngai mong đợi. Cô nữ sinh viên ấy, thiếu phụ ấy, không tìm thấy đâu nữa:

Tìm đâu cho thấy cố nhân,
Lấy trường chiến đấu khuây dần nhớ thương.
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 10:11:24 am »

Nhật ký hội nghị Genève (Từ 10.4.1954 - 24.8.1954) [Kỳ 1] (tiếp)

Trên con đường chiến đấu, bây giờ có những hình ảnh xán lạn, chen vào những hình ảnh cũ của Thao, làm cho mình nhớ Thao mà không buồn. Nhớ mà lại vui, lại phấn khởi bội phần.

Trước hết là hình ảnh Bác, hình ảnh ngày làm việc của Bác, mà mỗi khi mình làm việc gì là cũng nhớ lấy làm tiêu chuẩn. Hình ảnh của Bác, ngày họp Hội đồng Chính phủ bàn về Hội nghị Genève với nét mặt trang nghiêm, đôi mắt sáng ngời của Bác, lúc Bác nghe mình phát biểu ý kiến, những lúc Bác gật đầu, Bác ghi sổ,…Tất cả những hình ảnh ấy còn in sâu trong tâm trí mình và luôn luôn thúc đẩy tinh thần mình. Rồi đến hình ảnh của em Phan Mỹ đón mình (tối 14).

Anh em mình lệ thường không bắt tay nhau (đối với người ngoài thì bắt tay), nhưng đêm hôm ấy, khi mình lên xe bỗng tự nhiên anh em nắm chặt tay nhau: Cảm động mà im lặng. Phan Mỹ chỉ nói "Thắng lợi". Qua nắm tay nóng sốt, chặt chẽ ấy, mình cảm thấy cả một bầu nhiệt tình anh em, đồng chí. Tình gia đình, tình Đảng không thể nào phân biệt được trong luồng nhiệt tình này. Rồi đến hình ảnh các con Long, Vân(1) đương vui vẻ thi đua học tập trong trường Thiếu nhi của Bác Hồ. Con Tân Hội sống bên bác Lập. Bác Lập săn sóc cháu, săn sóc em, với tình bác, tình chị và tình cách mạng của một đảng viên đối với một người có cảm tình với Đảng. Rồi đến hình ảnh anh công binh trên đường bị bắn phá, nhảy nhót, vui sướng vì đã chữa xong đường và thấy xe đi qua đường.

Rồi đến hình ảnh anh hoa tiêu trên máy bay, chăm nom các đồng chí Việt Nam từng ly, từng tý. Hình ảnh người thân cũng như người mới gặp, người nhà, cũng như người ngoài đều đượm một mối tình chung: mối tình nẩy nở trên một nghĩa cả mênh mông và vĩ đại."

22/4/1954

"Dậy sớm từ 4 giờ, 5 giờ ra sân bay. Các đồng chí Bộ trưởng Liên lạc, Thứ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ra tiễn chân. 6 giờ 15 phút, máy bay cất cánh. Phi cơ do đồng chí hoa tiêu Liên Xô cầm máy. Đây là một chiếc phi cơ của công ty Trung - Xô hàng không. Riêng chuyến máy bay, chỉ có Đoàn mình. Phi cơ bay qua dãy Vạn Thọ, rồi vượt qua một dãy núi cao trên có Vạn Lý Trường Thành. Ngồi trên máy bay, nhìn Vạn Lý Trường Thành như một sợi dây, chăng trên núi cao và rộng. Dãy núi cao, rộng như thế, không đủ làm bức thành ngăn cản ngoại xâm hay sao, mà lại còn cần xây một cái thành, thật không thấm gì với dãy núi? Đó là cảm giác ngạc nhiên của mình, trước cảnh núi vĩ đại ấy. Nhưng nghĩ kỹ, có lẽ tác dụng của Vạn Lý Trường Thành không chỉ ở cái thành, mà ở cái mặt thành dùng làm đường chiến lược để điều quân cho nhanh chóng.

Qua Vạn Lý Trường Thành, đến Nội Mông: Một cao nguyên mênh mông, không có sông ngòi, không có cây cỏ.

Rồi sang Ngoại Mông, vẫn cảnh cao nguyên trơ trọc. Núi không có một ngọn cỏ. Đồi trơ trọi không thấy một bóng nhà, bóng cây. Thỉnh thoảng có một vũng nước phẳng lặng như một cái hồ. Nhưng chung quanh không có một nóc nhà, một bóng cây và trên mặt nước không thấy một bóng thuyền. Phi cơ bay được bốn tiếng thì ở đằng trước xuất hiện thấp thoáng mấy điểm trắng trên mặt đất đỏ: đó là Oulanbator thủ đô nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ.

Phi cơ hạ dần xuống, thấy rõ cảnh cao nguyên, đồi đất trơ trụi, cây không có đã đành mà cỏ cũng không có. Màu đất đỏ (đỏ nâu) mênh mông, nhất nhất như nhau, chỉ điểm thêm những vạch trắng: đó là những mảnh tuyết cuối đông chưa tan hết. Ngồi trong máy bay trông ra ngoài, mặt trời chói lọi, gió thổi bụi đỏ mù mịt, ai cũng tưởng xuống sân bay sẽ nóng nực như ở sa mạc. Nhưng sa mạc thì có thực, mà khí hậu thì rét như cắt. Anh em vừa bước ra ngoài máy bay là bị cóng tay, gió thổi vào mặt, rét như cắt, có thể là 0 độ.

Định chỉ nghỉ ở đây 45 phút, nhưng đài báo tin có bão tuyết, nên phải nghỉ lại. Sau máy bay mình đi, có một máy bay chở mấy phái đoàn kinh tế, phụ nữ Trung Quốc… Ăn cơm xong, đi xem thành phố (do một đồng chí ở Bộ Ngoại giao Ngoại Mông chỉ dẫn).

Đặc điểm thành phố này là toàn nhà mới, mới làm từ cách mạng thành công và nhất là từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Phố xá chỉ gồm công thự nhà ở. Cửa hàng không thấy (có ở khu khác). Nhà dân là những cái lều vải có thể di chuyển được. Các dinh thự, công sở, trường học, y viện, nhà hát, rạp chiếu bóng, thư viện... đều mới xây dựng. Kiến trúc giản dị và xinh xắn. Có hai nhà máy: Nhà máy thuộc da và Nhà máy kéo sợi len. Thổ sản chính: chăn nuôi, lông cừu, sữa bò và da bò. Dân số của thành phố: 9 vạn người, trong đó có 7.000 Hoa kiều. Tổng số cư dân của nước Mông Cổ là 1 triệu. Hiện Oulanbator có đường xe lửa nối với Matxcơva, và đương kiến thiết đường xe lửa nối với Bắc Kinh. Nhìn cảnh vật ở thành phố, mình nhận thấy: Một là, địa lý thiên nhiên rất gay go: đất xấu, trời rét, (có khi xuống âm 40 độ), dân không có điều kiện định cư.

Hai là, chế độ mới đã cải biến điều kiện thiên nhiên mà tạo ra giữa bãi sa mạc một thành phố kiểu mới. Sự giúp đỡ của Liên Xô đã đưa lại những kết quả lớn lao đó. Rồi đây, với sự tương trợ của Trung Quốc, xứ Ngoại Mông ắt còn tiến mạnh hơn nữa. Ba là so sánh với Ngoại Mông, Việt Nam còn có những điều kiện thiên nhiên thuận lợi hơn nhiều, vậy khả năng kiến thiết của Việt Nam sau khi kháng chiến thành công có thể trông đó mà đo được".

23/4/1954

"6 giờ 30 lên máy bay. 11 giờ đến Iercut.

Lần đầu tiên qua biên giới vào nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Khách sạn hiện đại, buồng ăn xinh xắn. Trên trần trạm trổ hoa lá, đèn pha lê từng cụm, trên tường những hoạ sơn có giá trị mỹ thuật, ở cửa sổ những màn the lụa, ở cửa ra vào những tấm màn nhung…Trên bàn ăn, đồ sứ, đồ pha lê…Cách tiếp đãi của cô phụ trách niềm nở, tươi cười, nhanh nhẹn, chu đáo, tất thẩy đều nhắc lại cho mình những cảnh tráng lệ nhất của Tây phương. Đây mới chỉ là một thị trấn biên thuỳ, nhưng cảnh tráng lệ hơn hẳn những thị trấn trung bình ở các tỉnh của Pháp.

Đó là cảnh. Còn người, thì lại càng thấy rõ hơn nữa. Khi mới sang Tây phương, bước chân lên Marseille, mình cũng được một gia đình Pháp đón thân mật.

Nhưng những người khác, những người chung quanh đối với mình, nhìn mình bằng một con mắt tò mò…Mình tự thấy xa họ. Có lẽ mình tự nghĩ thế. Nhưng, dầu sao đó cũng là một cảm giác khó chịu. Bây giờ ở đây khác hẳn. Nụ cười của cô phụ trách khách sạn, nụ cười của các anh em hoa tiêu là một nụ cười người anh em. Mình cảm thấy một sự thân mật, một mối tình thắm thiết giữa họ với mình. Mối tình ấy lại làm cho những toà nhà kia, những đồ đạc tráng lệ kia, những chiếc ô tô, những máy bay đời mới kia đối với mình có một cái gì quý hơn là cái đẹp, cái tốt của nó. Giữa nó với mình có một mối quan hệ, cũng như giữa các đồng chí Liên Xô với mình có quan hệ đặc biệt. Phi cơ bay từ Iercut là một phi cơ lớn hơn phi cơ trước, bay rất êm. Êm hơn chiếc Đakôta mà mình đã đi năm 1946. Có phải vì cảm tình với bạn mà mình có cảm giác ấy chăng? Mình tự hỏi như thế. Nhưng, không. Sự thực là thế: Phi cơ này tốt hơn hơn, bay êm hơn. Và nhất là hoa tiêu giỏi hơn, chu đáo hơn.
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 10:12:53 am »

Nhật ký hội nghị Genève (Từ 10.4.1954 - 24.8.1954) [Kỳ 1] (tiếp)

17 giờ đến Novossibirsk…"

24/4/1954

"2 giờ đến Matxcơva.

Mình nhìn ra ngoài qua cửa sổ kính: trước đây một lúc chỉ thấy bầu trời với sao, với trăng. Bây giờ, người ta nói: đã tới Matxcơva. Nhìn ra, cũng chỉ thấy trăng, sao. Nhưng sao nhiều hơn, chi chít hơn, long lanh hơn. Sao trên, sao ở chung quanh, sao cả ở dưới, máy bay bay giữa sao, một hồ sao. Đó là hồ sao của Matxcơva. Sao từng cụm, sao nhiều hơn là sao trên giời, nhưng không thể phân biệt được với sao trên giời. Một chuỗi sao long lanh, chi chít kéo dài, từ chân trời này tới chân trời kia, song song với Ngân hà trên giời, đó là sông Matxcơva, đó là hàng triệu chiếc đèn điện, sao trên bờ sông Matxcơva, sông Ngân hà của hạ giới. Đó là thế giới thiên thai. Đó là thiên thai của nhân loại. Xuống sân bay, có anh Nguyễn Thương ra đón (Đoàn mình còn bí mật) về đến Sứ quán Việt Nam (nhà anh Cả)(1) đúng 3 giờ".

"8 giờ dậy, sang buồng Bửu, gặp Tường(2), Thanh Sơn!

8 giờ 30, định sang chào anh Tô(3),nhưng anh chưa dậy. Thì đúng lúc đó mình đương ngồi viết nhật ký, anh Tô vào. Tay bắt, mặt mừng. Ôm nhau hôn. Ôm nhau ở cả hai tay. Ôm nhau cả ở trong lòng. Cá nhân mến nhau đã đành. Nghĩa vụ, công việc, mà thêm mến nhau, hiểu nhau, kính nhau.

Lần Hội nghị Fontainebleau đã hiểu nhau, mến nhau, lần này, nhất định mối thân tình ấy còn tăng thêm nữa. Huống chi lần này, ngoài quan hệ cá nhân, còn có một điểm mới: về lý tưởng mình đã gần anh Tô hơn trước nhiều".

25/4/1954

"8 giờ họp Đoàn, định thành phần Đoàn và nhiệm vụ của từng đoàn viên. Đại biểu trước định là 6 (5 anh em chỉ định trước và thêm mình), nay lại rút xuống 3, vì các Đoàn đại biểu của các nước bạn cũng ít. Trao đổi qua ý kiến, mọi người đồng ý ngay. Ba đại biểu ấy là: anh Tô, Trần Công Tường và Phan Anh. Giữa Tường và Bửu chọn Tường vì hai lý do: Tường là Nam Bộ, Bửu lại là quân sự, mà quân sự và Đoàn Ngoại giao lại không thích hợp lắm (đó là ý kiến của anh Hoan). Cố vấn: Bửu, Hoan và hai Bộ trưởng Lào, Campuchia. Chuyên viên: Thanh Hà, Thanh Lê, Thanh Sơn. Bí thư trưởng: Bửu và Thanh Hà".

"Một tin mới về Hội nghị Genève: Nehru tuyên bố ông có một kế hoạch đề nghị với các nước tham dự Hội nghị Genève để giải quyết vấn đề Đông Dương. Kế hoạch này gồm 5 điểm: "Gây một không khí êm dịu trước Hội nghị, kêu gọi ngừng bắn, huỷ bỏ chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, các đối phương tham chiến thương lượng trực tiếp với nhau, các nước khác cam kết không can thiệp vào Đông Dương và đình chỉ ngay mọi sự viện trợ quân sự". Riêng đối với dự định thành lập tuyến phòng thủ Đông Nam Á, ông cho rằng: đó là một việc mà Ấn Độ không tán thành, vì muốn cho Đông Nam Á được hoà bình thì không nên lôi cuốn Đông Nam Á vào một khối quân sự nào cả". Những ý kiến của Thủ tướng Nehru khá cụ thể. Đề nghị của Nehru có lợi cho ta trong cuộc đàm phán ở Genève. Tối thiểu là những đề nghị ấy chống lại những âm mưu hành động của đế quốc Mỹ."

26/4/1954

"Đoàn họp bàn về hai văn kiện căn bản: bản tuyên bố chung và bản chủ trương cụ thể.

Tin tức hôm nay: ở nhà, quân ta đang thắt chặt thêm vòng bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân địch chỉ còn 3 cây số vuông. Ở Genève Hội nghị bắt đầu họp. Một vấn đề thủ tục khá rắc rối (địa vị cường quốc của Trung Hoa, hai bên Đông - Tây chưa thống nhất, đã được giải quyết bằng một đề nghị rất khôn khéo và xác đáng của ông Môlôtốp(1), chỉ có ba nước cắt phiên chủ toạ Liên Xô, Anh và Pháp.

Việc mình làm hôm nay ngoài sự tham gia vào hai văn kiện căn bản, mình chuẩn bị ý kiến và tài liệu về vấn đề Liên hiệp Pháp, xem lại tài liệu cũ của Hội nghị Fontainebleau, mình nhận thấy lập trường của mình vẫn còn thích hợp, tuy 7 năm đã qua. Như thế, càng thấy bọn thực dân Pháp ngoan cố quá, lạc hậu quá.

Đến bây giờ mà còn khư khư giữ quan niệm cũ rích về Liên hiệp Pháp theo Hiến pháp năm 1946! Sở dĩ nó ngoan cố, chính vì nó yếu. Càng yếu, càng rụt rè, càng phải níu lấy hình thức. Cho nên tất cả là thực lực. Thực lực về quân sự, về chính trị, về kinh tế. Có thực lực thì dám ăn, dám chơi, không câu nệ hình thức. Hình thức có, mà thực lực không có, thì hình thức vô dụng. Hình thức tuy có vẻ hẹp, nhưng nếu thực lực có mạnh, thì hình thức cũng phải mở tung ra. Cốt nhất là tranh thủ điều kiện, phát triển thực lực".
 -------------------------------
(1) Phu nhân Phan Anh.
(1)Tiếng Hán âm Việt là "pheo leng" có nghĩa là đẹp, tốt...
(1) Hai con trai của Phan Anh, Tân Hội là con thứ ba.
(1) Nguyễn Lương Bằng - đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.
(2) Tạ Quang Bửu, Trần Công Tường.
(3) Phạm Văn Đồng.
(1)Ngoại trưởng Liên Xô.
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2013, 11:47:27 am »

Nhật ký Hội nghị Genève (Từ 10.4.1954 - 24.8.1954) [Kỳ 2]

27/4/1954

"Buổi chiều đến, anh Cả vào thăm, nói chuyện với anh Hoan và mình. Anh thấy mình làm việc, giục nghỉ ngơi. Mình rất cảm kích cách ăn ở của anh Cả. Từ việc nhỏ đến việc lớn anh rất chu đáo.

Còn nhớ, những thứ thuốc của Thao, anh cho người đưa về giúp, không sai một ly. Khi ở nhà, mỗi khi gặp gỡ, anh thân mật hỏi han tin tức sức khoẻ của Thao khi đang điều trị....Khi đi Liên Xô, anh viết thư lại. Sang đây, từ nơi ăn chốn ở đến những vật dụng hàng ngày, anh rất để ý quan tâm đến anh em phái đoàn. Cả một tác phong hiếm thấy. Mình hiện đương đọc quyển La Moisson(2), trong đó tả một anh Chủ tịch nông trường, anh này rất sốt sắng, rất tích cực. Nhưng có một khuyết điểm lớn: thiếu sự thấu đáo nhân tình. Do đó, trong nhà vợ con xa cách, ở ngoài anh em không hả hê. Kết quả công tác do đó mà kém hiệu suất. Tác phong chu chí, thấu đáo nhân tình, thật là một tác phong của con người có đạo đức cách mạng. Trông thấy anh Cả, lại nhớ đến gương Bác, rồi lại hồi tưởng đến tác phong của Thày ta xưa chu chí, thấu tình trong việc to cũng như trong việc nhỏ".

28, 29, 30/4/1954

"Mấy hôm nay, bận công việc chuẩn bị văn kiện, cả ngày đêm, làm cho kịp, nên không có thì giờ viết nhật ký.

Về công việc: dồn dập. Vấn đề nhiều hơn. Tài liệu cần nghiên cứu cũng khá phong phú, e không đủ thì giờ xem hết.

Về tình hình thời sự: Hội nghị Genève, ngày đầu bàn vấn đề Triều Tiên. Đáng chú ý nhất là bài diễn văn của Ngoại trưởng Chu Ân Lai, thật là đanh thép. Đúng lý. Đúng tình. Đúng mức. Thật là lời nói của một dân tộc lớn mạnh. Không ai là không thể thừa nhận vai trò đại cường quốc của Trung Hoa mới. Qua ngày đầu, các Ngoại trưởng đã bàn đến sự triệu tập Hội nghị bàn về vấn đề Đông Dương.

Ai cũng mong đợi Hội nghị này, các báo đều đồng thanh về điểm đó. Vấn đề thành phần: Mỹ, Pháp "làm bộ" về vấn đề mời Việt Nam dân chủ cộng hoà. Thực sự không có Việt Nam dân chủ cộng hoà thì thương lượng với ai? Ai cũng thấy thế và các báo đều nói thế. Tin hôm nay cho biết: Vấn đề ấy đã được giải quyết. Chỉ còn cần biết xem các nước Đông Nam Á có dự không? Có thì càng tốt. Hiện các nước Ấn Độ, Miến Điện (Myanmar), Tích Lan (Sri Lanka), Đại Hồi và Nam Dương đương họp Hội nghị ở Colombo bàn vấn đề Đông Dương, bàn về những đề nghị của Thủ tướng Nehru. Tin cuối cùng cho biết, Hội nghị đã thoả hiệp tán thành hai điểm: ngừng bắn và đôi bên trực tiếp thương lượng. Dư luận thế giới càng ngày càng phản đối chủ trương kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ, đến cả trong nội bộ của Mỹ cũng có người phản kháng lời tuyên bố của Thượng nghị sĩ Johnson, thật hay.

Tình hình ở nhà: Mặt trận Điện Biên Phủ bị quân ta bao vây ngày một thêm chặt. Pháp nhờ Anh, Mỹ lên tiếng yêu cầu cho chở thương binh đi. Thật là một việc kỳ lạ, lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử chiến tranh".

1/5/1954

Dự lễ 1/5/1954 tại Hồng trường, mình có thơ:

"Nghiêm trang lời nhật lệnh
Hùng tráng nhạc quốc ca
Vang lừng tiếng súng nổ
Súng cùng nhạc chan hoà
 
Chan hoà ý nghĩa,
Ngày Tết của ta,
Tháng Năm mồng một,
Người gần người xa,
Con người lao động,
Bốn bể một nhà."
 
"Hướng về Thủ đô xã hội
Thấy tương lai rực rỡ nguy nga
Cùng chung một niềm tin sắt đá
Cùng chung một mối tình mặn mà
Sức lao động xoay trời chuyển đất
Tình lao động bay khắp hải hà
Mạnh, vui, sáng, đẹp, Hồng quân dượt
Mở nguồn vô tận ảnh, cờ, hoa
Trông quang cảnh Hồng trường trước mắt
Thấy Đại đồng thế giới không xa."
"Mấy lời ghi tặng, ai tri kỷ
Những niềm tươi đẹp của lòng ta".
1, 2/5/1954

"Hai ngày này là hai ngày Tết Lao động. Cảm xúc, thu hoạch thật là xúc tích. Những cái trông thấy, nghe thấy, vừa vĩ đại mà lại vừa xinh đẹp, vừa hùng tráng mà lại vừa thuần giản. Tứ thơ, hứng thơ rất nhiều. Thơ ở đáy lòng. Thơ ở chung quanh mình, thơ trong không khí. Thơ ở tiếng súng nổ ran. Tiếng vỗ tay chấm dứt bài diễn văn của ông Bulganine(1). Thơ trong tiếng nhạc Quốc ca hoà theo nhịp súng. Thơ theo nhịp bước đều đặn của những đoàn bộ binh, thuỷ binh. Thơ bay lượn với những hàng máy bay phản lực vùn vụt trên Hồng trường. Thơ ở nụ cười hớn hở của bà cụ già, ở em bé, ở cô thiếu nữ, ở cậu thanh niên bên cạnh mình, cùng mình vỗ tay hoan hô những đoàn biểu diễn. Thơ trên làn sóng người, ở con sông hoa dào dạt, chảy trước khán đài. Thơ nảy ra trên hàng nghìn đoá hoa, mọc từ hàng nghìn thiếu nữ, thanh niên, xếp hàng đều thành những hình vuông, kết thúc cuộc biểu diễn.

Thơ hùng hồn trong lời lãnh tụ
Thơ trang nghiêm trong nhạc quốc ca
Thơ mãnh liệt trong nhịp súng nổ
Thơ tươi vui trong làn sóng hoa người.

Thơ ấm áp, mặn mà, cảm động, kích thích trong lòng người, trong lòng ta, hoà ta với người thành một niềm vui sướng, tin tưởng, không bến không bờ, dào dạt theo sóng người đi mãi, toả khắp các phố, các đường, toả xa mãi đến chân trời… bay vút theo những làn máy bay phản lực, nẩy nở thêm, thêm mãi, đẹp mãi và tươi mãi với bể hoa trăm sắc, hoa trên cờ, hoa trên tay, hoa trên nụ cười của những đoá hoa người! Người tiến bộ,người trong trẻo, người hiênngang, người vui tươi, người hùng mạnh với lý tưởng tiến bộ, trong trẻo, hiên ngang, vui tươi và hùng mạnh. Cuộc biểu diễn ngày 1/5 bắt đầu bằng diễn văn, chấm dứt theo bản nhạc Quốc ca và tiếng đại bác. Cảm xúc hùng tráng. Tiếng súng dứt, Quốc ca dứt, lục quân tiến lên, thuỷ quân tiến lên. Cảm xúc trang nghiêm. Trên trời, một chiếc phi cơ khổng lồ, kèm theo bốn chiếc con, năm chiếc bay mà như một chiếc. Đó là, chiếc máy bay oanh tạc lớn nhất, lần đầu ra mắt thế giới. Theo sau đó, vùn vụt hàng mấy chục làn máy bay phản lực nhỏ hơn đủ các kiểu. Dưới đất, xe tăng, xe cơ giới. Anh Thao Ma (Lào) kể lại "Muốn nhìn tầu bay thì lại mất tầu bò, nhiều quá không biết nhìn cái gì!". Cảm xúc khoẻ và mới. Sau quân đội, tiếp theo những đoàn xếp thành hình vuông: áo trắng quần xanh, hoặc áo đỏ quần xám; thanh niên trai gái không mang súng nhưng cũng đều và cũng mạnh như bộ đội. Cảm xúc khoẻ và trẻ. Đi theo nhau, hay nói đúng hơn, không phải là đi, nhưng "chảy" theo làn sóng người, hay nói đúng hơn là làn sóng hoa, làn sóng cờ, làn sóng ảnh lãnh tụ, ảnh, cờ, hoa, như một con sông chảy trước khán đài. Cảm xúc đẹp, đẹp mặn mà, đẹp xinh xắn, đẹp hồn nhiên, đẹp đơn giản, đẹp của trời xuân tưng bừng, đẹp của cuộc đời xán lạn.
Logged

NTT
Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM