Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:23:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời quân ngũ  (Đọc 242595 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #390 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2014, 11:12:09 am »

              
 ( tiếp theo )               Sang chiến trường K – lần 2


Một ngày đầu tháng 1/ 1987 tôi tháp tùng đ/c TMT lên kiểm tra tuyến và chỉ huy việc rút quân ra Lếch khi mùa mưa đến . Xe chạy qua thị xã Công pong chàm, chúng tôi tiếp tục theo đường 7 qua ngã ba Sê cun rồi rẽ phải để về bến phà preechs đam lên đường 5. Khi chờ phà qua bến Preechs đam tôi chợt nhớ ngày cùng sư đoàn bộ 320A chờ sang sông Tông lê sáp. Gốc cây mà cô gái phiên dịch người K đứng khóc nức nở còn kia . Ngày đó vượt sông khi khói thuốc súng chưa tan, còn hôm nay chúng tôi vượt sông trong cảnh thanh bình thơ mộng . Lên quốc lộ 5. Xe chạy qua U đông . Xác 5 xe tăng của ta bị địch tập kích đốt cháy vẫn còn nằm nguyên . Một vết “đen” đáng xấu hổ của chí nguyện quân ngày nào trong chiến dịch giải phóng !.  Không hiểu sao ta để lại dấu tích lâu quá mà đáng lẽ nên “dọn” phi tang ngay . Qua ngã ba Ta cô chúng tôi gé vào thị xã công phông chư năng ăn trưa rồi tiếp tục đi thẳng theo quốc lộ năm lên Thị xã Pua xát .

Đến đầu thị xã chúng tôi theo đường 56 đi khoảng 5 km thì vào doanh trại tiểu đoàn 3 của trung đoàn nghỉ. Lúc này trời đã chạng vạng tối. Doanh trại vắng teo. Đón chúng tôi là đồng chí Nhâm trợ lý hậu cần tiểu đoàn và vài người lính ở lại trông coi bảo vệ doanh trại . Bởi theo lệnh của trung đoàn, tất cá nhân vật lực phải ưu tiên cho tuyến trên . Mỗi đai đội chỉ để lại hai người nên quân số ở lại chủ yếu là ốm yếu, vận dụng để bảo vệ doanh trại . Đồng chí trợ lý hậu cần ở ngoài này vừa chỉ huy chung , vừa mua thực phẩm để gửi vào tuyến khi có xe vào .

Sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục lên đường . Đến thị trấn Lếch chúng tôi đi theo con đường xuôi bờ sông Lếch về doanh trại D2. Ở đây cũng như doanh trại D3 cũng chỉ có mấy người lèo tèo coi nhà cửa còn toàn tiểu đoàn đã vào xóm 5 nhà thi công nâng cấp đường, bảo đảm cơ động cho các đơn vị quân khu chín và các đơn vị quân đội nước bạn .
Thị trấn Lếch lúc này là nơi đóng quân của sư đoàn bộ sư đoàn339 QK 9 . Các trung đoàn đều chốt giữ theo trục đường 56 cho đến tận biên giới thái lan . Thị trấn heo hút này là căn cứ của Pôn pốt sau chiến dịch giải phóng chạy về co cụm ở đây . Chính nơi đây sư đoàn 31 QĐ3 đã  phải hao người tốn của mới làm chủ được thị trấn ở nơi heo hút này .Bộ tổng tham mưu của địch là căn cứ Rô viêng ( nơi chúng tôi thi công , công trình K 5 phòng thủ biên giới giúp bạn mùa khô năm sau - năm 1988 ) mãi đến tháng 5/ 1979 F31 mới đẩy được địch dĩ nhiên cả cơ quan đầu não về bên kia biên giới thái ( tư liệu này do @tailienson cung cấp ) . Mãi 9 giờ sáng chúng tôi mới lên đường . Điều đó ở bên K giai đoạn này ai cũng biết . Xe của ta chỉ được chạy sau khi các chốt đường tiến hành tuần đường xong , thậm chí có nơi phải rà mìn xong mới được chạy .

Vượt qua sông Lếch đã thấy ngay sự hoang vắng . hai bên đường toàn là rừng khooc  thỉnh thoảng có vài núi đá sát đường . Đó là những nơi trọng điểm địch thường  phục xe của ta . Vì vậy các vị trí đó đều có lính ta chốt giữ vậy mà vẫn bị phục . Có thể nói là nó rất liều ( hay không biết ) có lúc địch bố trí phục xe vận tải của ta chỉ cách tổ chốt đường  khoảng trên dưới 100m . Ngồi trên  xe đồng chí Tham mưu trưởng  kể chuyện trước thời Pôn Pốt dân K còn ở tận  xóm hai mươi nhà cho đến cầu quyết thắng . Nhưng bây giờ dân thì qua sông lếch là không còn gặp dân nữa . Tất cả cầu , ngầm trên đường 56 này , trước lúc địch chạy sang bên kia biên giới hoặc vào rừng sâu đều bị đánh sập hư hỏng . Cầu hiện nay đang sử dụng trên tuyến đường này là cầu công binh, do trung đoàn 269 công binh của bộ thi công qua nhiều mùa khô . Đồng chí TMT Nguyễn đức Xin quê ở Vĩnh phú . Đồng chí là một người có thâm niên ở chiến trường K . Trưởng thành từ chuyên ngành vượt sông nên trình độ lắp gép cầu phà đạt đến trình độ chuyên gia . Về tài bơi lội thì có lẽ chỉ thua con cá kình biển đông . Sau này huấn luyện vượt sông tại bến phà công pong chàm tôi mới thấy cái tài này được thể hiện . Cả tiểu đoàn 1 chuyên cầu phà không ai bơi bằng đồng chí TMT . Đó thực sự là một tấm gương cho mọi chiến sỹ noi theo .

Đúng là “ gập gềnh biên giới ”. Xe chạy cả buổi mới gặp một hai cái xe o tô chạy ngược chiều . Họa hoằn mới thấy một tốp chiến sỹ đi trên đường . Tuy nhiên với con mắt của người lính trinh sát dạn dày kinh ngiệm , tôi cũng phát hiện một số chỗ cư trú của các tổ chốt đường lính của sư đoàn 339 lúc ẩn, lúc hiện ở hai bên đường . Đến gần Rô viêng chúng tôi gặp gặp một tốp chiến sỹ đang khênh võng vội vã . Hỏi mới biết sáng nay có một đồng chí vào rừng bị dính mìn vướng nổ,  may mà không chết . Các đồng chí đang khênh thương binh ra bệnh xá trung đoàn . Qua Phum Rôviêng khoảng hai mươi km chúng tôi đã lên tuyến . Lúc này theo quy định của quân khu sau bốn giờ chiều  xe không được chạy nữa .( Trong trường hợp đặc biệt thì sẽ có lệnh của cấp sư đoàn điện báo cho các đơn vị làm nhiệm vụ chốt đường ) . Bởi chúng tôi đã thấy nhiều chiến sỹ chốt đường xuất hiện đang cầm cành cây kéo trên mặt đường để dánh dấu . Tuy đây là biện pháp thủ công nhưng hiểu quả rất cao. Sáng dậy tiếp tục đi tuần đường , nếu thấy có vết chân người thì đó là địch ra gài mìn hoặc vận tải hàng vào nội địa . Nhờ biện pháp này ta đã phát hiện nhiều chuyến vượt đường tải vũ khí đạn dược,quân lương của địch . Chúng đi nhiều lần đã tạo thành lối mòn trong rừng và nơi địch thường vượt qua .
 
Sở chỉ huy tiền phương trung đoàn đóng quân ngay cạnh mặt đường 56. Do đồng chí tham mưu phó chỉ huy. Có hai đồng chí kỹ sư công trình tốt nhiệp ĐHKT quân sự . Bên phòng kỹ thuật thì có đ/c Khoát  đi học ở Liên Xô về là phó phòng phụ trách kỹ thuật xe máy. Do đơn vị thi công cơ giới nên việc bảo đảm phụ tùng thay thế sủa chữa là rất cần thiết . Nó quyết định đến sự hoàn thành nhiệm vụ . Chúng tôi ở đây rất gần sông Lếch . Đó là nơi cung cấp thực phẩm rất quan trọng cho bộ đội . Cá sông  nhiều và rất ngon. Lính công binh thì thuốc nổ không bao giờ thiếu…( còn nữa )



« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2014, 11:25:44 am gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #391 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 10:11:10 am »

              
           (  Tiếp theo )        Sang chiến trường K lần thứ hai   

Sáng hôm sau chúng tôi bắt tay vào công việc chuyên môn của mình. Bởi đ/c TMT lên thay thế cho đ/c TMP về trung đoàn . Còn tôi thì thay phiên cho công việc của một đ/c trợ lý TM khác , phụ trách cơ quan bộ tiền phương . Gần nơi chúng tôi ở, có một đội thi công cơ giới của bạn do kỹ sư Von Na chỉ huy . Người kỹ sư này học ở pháp về . Rất giỏi về chuyên môn kỹ thuật cầu đường . Cùng ở ban tác huấn với tôi , có ba kỹ sư thì một người tốt ngiệp ĐHGT còn hai người thì học ở trường ĐHKTQS . Anh em ở cùng ban  , qua nhiều năm làm việc với Von Na ai cũng khen và phục anh này . Ông nói tiếng Việt rất sõi .
. Trong  thời kỳ chế độ Pon pốt , ông phải dấu tung tích của mình là nhà khoa học mới tồn tại . Ông kể cho chúng tôi nghe những ngày đen tối sống trong chế độ của tên bạo chúa ( Có bác cựu nào ở F339 giai đoạn này ,chắc sẽ biết đội thi công của nước bạn K và đ/v chúng tôi trên đường 56 ). Có lần ông sang ăn cơm với chúng tôi . Ông kể ông không thuộc đảng phái nào . Ông chỉ tôn thờ vua Xi ha nuc. Ông đi lên đây là do ông Chia xim ( chủ tich quốc hội lúc đó phải không nhỉ ? )trực tiếp đến nhờ ra tay xây dựng lại đất nước .

Do thường thi công cả mùa khô , thời gian 6-7 tháng  nên chúng tôi làm nhà ở đàng hoàng . Làm nhà ở đây không khó. Cây rừng thì nhiều vô kể . Hơn nữa, nhà ở của các đơn vị F339 di chuyểnliên tục,  họ để lại nguyên như vậy cho các đơn vị nào đó đến sau ở. Chúng tôi chỉ việc dỡ về và dựng lên . Lợp bằng cỏ tranh săng và thưng cũng bằng loại cỏ ấy.

Công việc của tôi là cùng anh em trong ban tham mưu giám sát chất lượng công trình . Đôn đốc hai tiểu đoàn công trình thi công theo đúng tiến độ kế hoạch . Bởi nếu không xong thì cũng phải rút ra vì mùa mưa xe không ra vào được do lũ ở khe suối nhiều . Và như vậy trung đoàn không hoàn thành nhiệm vụ .

 Cơ quan bộ còn có một tiểu đội trinh sát công binh và một tiểu đội thông tin, cơ yếu . Tôi xây dựng ngay phương án đánh địch tập kích bảo vệ cơ quan và tổ chức luyện tập phương án . Tiếp theo tôi cũng đề nghị TMT duyệt kế hoạch đánh địch tập kích của D3 , D2 tránh bị động khi bị tiến công được TMT nhất trí ủng hộ . Để bảo vệ cho xe máy thi công . Có nhiều hôm tôi phải trực tiếp chỉ huy tiểu đội trinh sát công binh tăng cường cho  D1, D2 chốt đường cho an tâm . Chúng tôi làm đường nền đá mặt đường rải đất cấp phối .  Đại đội 6 tiểu đoàn 2 chuyên nổ mìn phá đá cung cấp cho cả hai tiểu đoàn . Có bốn máy ép hơi của Liên xô để khoan và phá đá nên tốc độ khai thác rất nhanh . Đội thi công cơ giới của nước bạn có nhiều  xe máy  công trình của các nước tư bản mới cứng lính ta nhìn mà thèm ước .

Những ngày ở trên tuyến đường 56 tôi thường hay viết thư cho một cô sinh viên mà tôi chưa hề biết mặt . Đây là cô bạn gái học cùng lớp với cô gái duccuong quen khi đi cùng chuyến tàu vào TP HCM để sang K . Cô ấy bảo cả lớp vẫn thường viết thư cho bộ đội ở biên giới , hải đảo. Nhưng với riêng tôi hai năm liền viết thư cho nhau đã gửi gắm tâm hồn tình cảm của mình trong đó . Những lá thư này đã động viên tôi rất nhiều . Cứ mỗi lần viết thư đi là những ngày mong đợi hồi âm.

Đầu tháng 5. Những cơn mưa đầu mùa xuất hiện . Cũng báo hiệu mùa thi công công trình đã hết . Chúng tôi phải tiến hành kéo quân ra ngay nếu không kịp thì có khi phải ăn chực nằm chờ cả tháng nước rút may mới ra được . Thực tế đã xảy ra trong đơn vị . Ra không kịp nước lũ về  xe máy công trình phải nằm lại  và chúng tôi phải cho hẳn một tiểu đội nhân lực ở lại để tổ chức bảo vệ. Bài học này cấp chỉ huy nhớ mãi .

Giữa tháng 5 năm đó ,chúng tôi rút về hậu cứ Lếch để mùa khô năm sau lại trở vào tiếp tục công việc . Tôi thay mặt cơ quan TM ở lại trên này để giám sát việc việc quản lý quân nhân và duy trì kỷ luật quân đội . Ở đây xa trung đoàn nên đã có trường hợp chỉ huy cho lính “đi phép trộm” quá chức trách quyền hạn của mình . Đồng thời đôn đốc đơn vị nhanh chóng đi vào huấn luyện theo lịch huấn luyện của cơ quan TM đã thông qua .

Cuối tháng 8/ 1987 tôi theo xe tiểu đoàn về trung đoàn để thi đấu thể thao. Năm đó trung đoàn tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chuyền giữa bốn đội . D1, D2, D3 và cơ quan bộ trung đoàn . Như tôi đã viết ở trên .  D2, D3 cách xa trung đoàn hơn 200km thế mà vẫn thi đấu giao lưu thể thao! Không riêng đ/v tôi mà các đơn vị bên này vẫn vậy . hàng năm vẫn tổ chức thi đấu, hội thao như bên nước mình

Cuối năm đó đơn vị cho tôi đi công tác được về nước.  Nhiệm vụ ,  thẩm tra lý lịch một số chiến sỹ quê ở huyện Vũng liêm – tỉnh Đồng tháp . Giai đoạn này cán bộ ta đi buôn hợp pháp rất nhiều . Sống môi trường nào phải nhanh chóng thích nghi môi trường đó nếu không mình bị lạc hậu ngay . Tôi cũng theo một số sỹ quan , QnCn ra chợ Công phông chàm mua thuốc lá zét, he ro vải nhung…về bán tại chợ Tân bình , rồi lại mua hàng gọn nhẹ đưa sang . Đi công tác kết hợp đi buôn lấy tiền làm lệ phí công tác là chuyện đơn vị nào bên này cũng thế cả . Bất kể chức vụ g ì. Các xếp to thì đã có lái xe mua hàng hộ . Đã đi là thắng lợi . Bởi trước khi về VN , lính thông tin qua máy 15W đã hỏi trực tiếp người mua hàng về giá cả .  Còn khi trở lại K thì thường là thuốc tây, đá lửa vv…Giai đoạn này tôi có một thằng bạn lái máy bay trực thăng Mi-8 tên là An người TP Vinh thường bay vào Pua xát và có khi vào tận lếch chở lính bị cấp cứu về V175. Kết hợp với mấy tay làm chuyên gia làm rất nhiều phi vụ  buôn “ khủng ” .Hầu như nhu yếu phẩm của F339 là do kíp lái này cung cấp nên khi rút quân về nước hắn có hàng bơ vàng .

Về Huyện Vũng liêm tôi phải đi đến ba xã . Đi đâu có ge xuồng chở đi. Lần đầu tiên tiếp xúc ăn ở với đồng bào Nam bộ tôi thấy phong tục cách sinh hoạt khác rất nhiều so với miền bắc . Họ sống vô tư thanh thản chứ không lo nghĩ làm ăn hì hục như ngoài bắc mình . Trong ba trường hợp xác minh thì có một trường hợp con của dân vệ . Trước đây thời ngụy quyền “ có thành tích” nên địa phương có ý kiến ngược chiều .

Hoàn thành chuyến công tác . Tôi lại ra chợ tân bình mua hàng chờ xe sang K . Chuyến đi về nước này nói chung là mỹ mãn . Sau này tôi được đi về nước công tác một lần nữa . Nghĩa là  kết hợp đi buôn một chuyến nữa . Vẫn thắng lợi nhưng đến chợ xa mát vào đổi tiền Ria thì bị tráo tiền do mất cảnh giác. May mà thất thoát không nhiều lắm . Năm sau đơn vị rút quân về VN. Lúc này chỉ huy mới nói ra sự thật, không thành văn , không đưa vào nghị quyết . Đó là tạo điều kiện cho cán bộ kiếm thêm , đỡ đần hậu phương miền bắc vốn khốn khó …( Còn nữa)
Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #392 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 10:24:15 am »

   Chào bác Đức Cường, đọc các bài viết của bác hay quá, ngoài những câu chuyện về chiến đấu, công tác, sinh hoạt ra, em có cảm giác như được đi...du lịch, theo chân bác khắp các địa danh chiến trường BGPB - Tây Nam ấy !  Grin

   Như vậy là bác được xuất ngoại những hai lần, trên này có khi hiếm bác nào được đi công tác nhiều như bác nhỉ. Đến đoạn này bác ...kỹ kỹ chút ạ  Grin :

   Những ngày ở trên tuyến đường 56 tôi thường hay viết thư cho một cô sinh viên mà tôi chưa hề biết mặt . Đây là cô bạn gái học cùng lớp với cô gái duccuong quen khi đi cùng chuyến tàu vào TP HCM để sang K . Cô ấy bảo cả lớp vẫn thường viết thư cho bộ đội ở biên giới , hải đảo. Nhưng với riêng tôi hai năm liền viết thư cho nhau đã gửi gắm tâm hồn tình cảm của mình trong đó . Những lá thư này đã động viên tôi rất nhiều . Cứ mỗi lần viết thư đi là những ngày mong đợi hồi âm.
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #393 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 04:10:02 pm »



Từ Rô viêng đi phía tây độ 10-15km mình có cảm giác gần biên giới thái , gần ngã ba cô công puốc sát và thái nhưng lão quang can nói còn xa lắm
Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #394 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 10:36:29 pm »

 + Cảm ơn linhquany đã gé thăm nhà đời quân ngũ . Nghĩ lại, cũng nhờ đời lính nên bước chân hành quân không mệt mỏi đi khắp mọi nẻo đường tổ quốc . Và còn xa hơn , sang tận đất nước chùa tháp . Chuyện về cô sinh viên cũng khá dài . linhquany và phancong bloc đều muốn biết thêm về đời tư thì duccuong xin chân thành cảm ơn và sẽ viết ở những trang sau . Đó là một mối tình lãng mạn thơ mộng của tuổi trẻ . Nhưng bởi sự éo le trong cuộc sống  nên cuối cùng duccuong vẫn nhận thất bại  Grin

+ Cảm ơn tailienson đã cung cấp cho bài viết của duccuong mảnh bản đồ Rô viêng . Nhìn vào bản đồ , kỷ niệm xa xưa lại tràn về . Con sông Lếch chảy qua Rô viêng hàng ngày cả trung đoàn ăn uống tắm giặt và bắt cá . Con sông này duccuong còn lý do không quên nữa là tại Rô viêng , duccuong bị cá Cóc mà lính ta hay gọi là cá Pon Pốt ( cá cóc - loài cá chuyên ăn thịt kể cả cắn thịt người để ăn . khi ăn thịt người nó ăn hẳn một miếng lõm sâu vào thịt bên ngoài vết  cắn tròn như cái cúc áo ) cắn đứt cả đầu ngón chân phải cấp cứu tại trạm xá trung đoàn vì đứt dây động mạch .Máu pun bắn như một cái vòi nhỏ !
 Duccuong nhớ mang máng từ Rô Viêng lên biên giới còn khoảng 40km nữa . Cách cảng Cô công rất xa như quangcan nói là đúng rùi . vì hai tỉnh khác nhau. ( Cô công đi theo trục đường 4 ?).

Thân ái
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tư, 2014, 08:38:16 pm gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #395 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2014, 08:11:58 am »


 ngày 30/4 /1979 Tiểu đoàn 2  E 866 chúng tôi được tăng cường C BB2 ( d1) và 5 xe tăng , 7 xe thiết giáp , 1 C pháo 37mm, 1c pháo 105 và gần 30 xe vận tải đủ chở quân -  tấn công phía sau Lếch thọc sâu vào Rô viêng trong 1 ngày  đánh tan Bộ TTM của Tà mốc tại đây
  Trong ngày e 977F31 tấn công Lếch từ hướng Tây bắc xuống , cừng Q đoàn 4 làm chủ Lếch , thu nhiều con dấu vùng của pốt
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tư, 2014, 08:35:12 am gửi bởi tai_lienson » Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #396 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2014, 11:01:50 am »

      
 ( tiếp theo )                                        Sang chiến trường K lần thứ 2


Mùa khô 1988 tôi cùng cơ quan trung đoàn bộ tiền phương lại vượt qua sông Lếch hành quân vào Rô viêng . Rô viêng cách thị trấn Lếch khoảng 40 km . Đường 56 mới qua một mùa mưa mà đã bị xói mòn nham nhở . Rô viêng là tên của một phum khá lớn . Quan sát kỹ thì mới phát hiện có dân đã ở vì có nhiều cây thốt nốt và ruộng hoang .

 Năm nay không hiểu lý do gì mà chúng tôi phải vào sớm hơn hằng năm . Khi mà những cơn mưa theo mùa chưa tạnh hẳn . ( sau này mới hiểu ý định của cấp chiến lược . Ta rút toàn bộ quân về nước nên phải làm gấp trước lúc về ) Trung đoàn bộ đóng bên cạnh D3 . Còn D2 thì đóng quân ở phía dưới khoảng 4km . Ở khoảng giữa là nơi đội thi công cơ giới của nước bạn , vẫn do kỹ sư Von Na chỉ huy . Ở đây khá lý tưởng vì có con sông Lếch chảy qua nên việc sinh hoạt cũng như đời sống bảo đảm hơn .

Cạnh trung đoàn bộ là một đơn vị bộ binh của QK 9. Sư đoàn 339 có cả một xưởng cưa gỗ chuyên làm phản nằm cho bộ đội . Ở đây là căn cứ của Pon pốt nên một số dấu tích sở chỉ huy vẫn còn . Chúng tôi thấy có rất nhiều xác ô tô nằm trong rừng sâu . Có lẽ chúng phải bỏ lại để chạy bộ khi F31 ( quân đoàn 3) của ta tiến công vào nơi này .

Tuyến đường 56 này là huyết mạch của công trình phòng thủ của nước bạn . Con đường đi giữa bạt ngàn rừng già vào tận biên giới Thái . Mà biên giới này là hang ổ của chế độ Pon Pốt – iêng sa ry . Ở phía trên chúng tôi còn có hai trung đoàn bộ binh của F339 phải nằm giữ đất cho bạn cả mùa khô lẫn mùa mưa nên lính tráng rất vất vả . Nhìn lính đơn vị bạn di chuyển đi qua mà thương hại . Lính thì bệnh tật ốm yếu . Đầu tóc tốt như thổ phỉ . Rau cỏ thiếu nên da anh nào anh nấy xanh rì .

Chính vì vậy.  Để bảo đảm cho bộ binh có sức chiến đấu lâu dài nên ta và bạn phải đầu tư làm con đường này nhiều năm nay, để xe có thể chạy vào được cả mùa mưa . Công trình này là một trong nhiều hạng mục công trình được gọi là công trình K5. ( công trình phòng thủ biên giới của bạn ).

Hằng ngày chúng tôi ra mặt đường cùng với anh em . Lính nhân lực trong đơn vị 100% là người nam bộ . Chủ yếu là hai tỉnh Đồng tháp và An giang . Còn lính kỹ thuật ( lái xe, lái máy. Thợ kỹ thuật sửa chữa, lính thông tin vv…) và cán bộ là người bắc . Lính nam bộ thường hay đi cài bẫy thú rừng . Tháng chín năm đó khi mùa mưa chưa chấm dứt thì có ba chiến sỹ củaC8 D3 hy sinh do đạp phải mìn bẫy thú của lính cũ để lại. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ ảnh bi thương này . Hôm đó trời đã tối . Khi biết ba chiến sỹ đã bị hy sinh chúng tôi điều xe vào chở ra cho nhanh, kịp trước lúc trời tối . Xe vào gần đến nơi thì bị BAN . Điều tiếp xe khác vào cũng bị tương tụ . Cuối cùng phải tổ chức  bộ . Đêm hôm đó cả tiểu đoàn không ngủ bởi anh em phải lấy phản nằm tốt để đóng hòm . Tiếng búa đóng đinh vang lên trong đêm mưa rừng như tiếng sét trong tim nghe thật xót xa .

Lính  bẫy thú bằng mìn rất tinh tai . Đêm ngủ vẫn để ý tiếng mìn, nghe thấy tiếng mìn nổ là biết thú đã trúng bẫy và đơn vị sẽ có thịt thú rừng ăn . Nếu ra hiện trường mìn nổ mà không thấy thì cứ lần theo vết máu là sẽ về đến chỗ nó phải nằm ,không thể đi được xa được . Một lần lính C8 D3 bẫy mìn được một con beo to như con bò mộng của ta . Dĩ nhiên cán bộ trung đoàn  có vài cân đơn vị biếu bồi dưỡng cho cấp trên . Bộ xương đó anh em gom lại sau khi ăn đưa ra ngoài Thị xã Pua xát bán được một chỉ vàng . Tôi nghe lính 339 nói vùng này bò tót rất nhiều và anh em đã cải thiện cho đơn vị được phải đến chục con .

Thực phẩm thiếu . Tôi cho anh em đi đánh cá bằng mìn , có tổ chức đàng hoàng . Nếu không cho thì anh em cũng đi đánh trộm. Họ có ăn một mình đâu . Chỉ một quả mìn 200gam thì cả đại đội được bữa tươi tươm tất . Nhưng cũng vì ăn cá suối mà cả tiểu đoàn 2 bị ngộ độc . Chuyện là, ở khe suốt bên K. Có loại cá như cá trắm bên ta. Nó hay ăn hạt mã tiền . Chính vì vậy lính ta ăn loại cá này vào dịp cây mã tiền ven sông rơi hạt, và cá ăn hạt này dẫn đến người ăn bị ngộ độc .

Tính tôi thích tò mò và mạo hiểm . Ngày nghỉ tôi thường rủ thằng em lính trinh sát cắp súng vào rừng săn chơi . Gặp thú thì bắn , nếu không thì ném mìn kiếm ít cá cho cơ quan cải thiện . Một hôm tôi theo bờ ngược dòng sông lếch mải mê với cảnh đẹp nơi hoang dã mà  quên là mình đã đi rất xa đơn vị . Tôi mất bình tĩnh khi nhìn thấy hai gùi trên tảng đá ven bờ suối . Để trấn tĩnh và dành thế chủ động tôi xả một tràng AK vào hai bên bờ phía trên . Nhưng trả lời là sự im lặng tĩnh mịch của rừng xanh . tôi bảo chú em cảnh giới tiến lại kiểm tra . Thì ra đó là hai bao gạo bỏ trong gùi không thể lý giải được lý do vì sao nằm vô chủ ở đây. Nhìn gùi gạo chưa bị mốc . Tôi biết đây là của lính Miên để lại hoặc thất lạc khi vận chuyển tiếp tế chưa lâu . Hai chúng tôi quay lại ngay . Về đến cơ quan trung đoàn , tôi báo việc này cho đ/c TMP biết nhận định của mình . Sau đó tôi soạn bức điện gửi mặt trận . Chỉ hai ngày sau một đại đội bộ binh của F339 đã phải đi truy quyét trong rừng .

Đầu tháng 10 thức ăn khan hiếm. Bộ đội ta thiếu chất rau trầm trọng . ( bởi thịt , cá cất được chứ rau không cất gữi được ). Nhân có xe ra để chở xăng dầu vào . Tôi cử hai đ/c lính thông tin theo xe ra mua thực phẩm . Trên đường về đến gần cao điểm1197 gần phum Sbang  (không có dân ) thì bị lính  Pôn pốt dùng mìn c lây mo phục . Đồng chí lái xe ( tên là Tịnh ) hy sinh tại chỗ . hai đồng chí thông tin là đ/c Hiến quê ở huyện thanh chương và Nho quê ở huyện đô lương bị thương nhẹ .

Vị trí địch phục xe chỉ cách chốt đường của bộ binh ta khoảng 100m ! Bởi khi đi vào chúng tôi vẫn quan sát thấy tổ BB này có lều che trên lèn đá ẩn hiện trong tán lá cây . Sau khi đi viện điều trị về đồng chí Hiến kể lại  .khi xe chạy qua khu vực lèn đá thì một quả B41 bắn trượt qua đầu xe . Tiếp theo là quả mìn định hướng c lây mo hắt đúng buồng lái . Lái xe hy sinh tại chỗ hai đ/c thông tin tuy đều đã bị thương nhưng vẫn chạy được quãng đường 3km về tiểu đoàn 2 báo ra cứu viện . khi D2 ra đến nơi thì bộ binh F339 đã cứu viện . Địch không dám ra đường đốt xe . Thực ra lúc đó bên ta không ai nổ súng cả . Sau này hai đ/c đi viện về tôi có tâm sự với hai đ/c là “ bây dại quá. Phải nổ súng trấn áp lại ngay. Bỏ chạy làm sao nhanh hơn đường đạn được!”.

Xe 0 tô được kéo về trung đoàn ngay . Nhìn trần ca bin lỗ chỗ như một cái sàng . lái phụ còn sống là điều may mắn …( còn nữa ) .
            
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tư, 2014, 08:45:14 pm gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #397 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2014, 12:22:53 pm »

                                                        
                                                  chuyện kể thêm về liệt sỹ Tịnh

Người lái xe vận tải mà Duccuong kể trên là chiến sỹ lái xe của tiểu đoàn 3. quê ở thị xã Hồng lĩnh tỉnh Hà tĩnh . Anh nhập ngũ 1982 đã có vợ con trước lúc hy sinh.
Tại TP Vinh có ban liên lạc trung đoàn 269 của Nghệ - Tĩnh . Do đồng chí Hào nguyên là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 E269 từ năm 1987 - 1988 ở K. Hiện nay là giám đốc công ty thiết bị y tế Việt- Lào . Có trụ sở tại chợ Vinh , làm trưởng ban liên lạc . Hàng năm cứ ngày 30/4 là anh em lại về hội tụ, theo hình thức luân chuyển địa phương .
Năm 2008 ban liên lạc do đ/c Hào và đ/c Đài ( nguyên tiểu đoàn phó tiểu đoàn 2 ) ra Bộ tư lệnh Công binh đề nghị giúp đỡ công việc cho con gái đ/c Tịnh . Chúng tôi được BTL cho biết đây là trường hợp liệt sỹ cuối cùng của Binh chủng Công binh. Đoàn cán bộ binh chủng do đ/c chính ủy trưởng đoàn đã vào tận gia đình đ/c để thắp hương và xác minh để có biện pháp giúp đỡ.
Nhờ công tác chính sách của binh chủng nên con gái đ/c Tịnh đã có công ăn việc làm. Nơi làm việc đó là chi nhánh viễn thông viettel tại Hà tĩnh.
Khi cô gái này lấy chồng thì xin thôi không làm việc nữa . Chồng đi Hàn quốc về nên Kinh tế khá vững .
Hàng năm đến 30/4 chúng tôi vẫn mời vợ chồng hai cháu về dự. ( không mời mẹ vì mẹ đã lấy chồng mới. Cũng là một thương binh ).
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tư, 2014, 08:47:49 pm gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
Zin Ba Cầu
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1001



« Trả lời #398 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2014, 12:27:11 pm »

     
 ( tiếp theo )                                        Sang chiến trường K lần thứ 2


Mùa khô 1988 tôi cùng cơ quan trung đoàn bộ tiền phương lại vượt qua sông Lếch hành quân vào Rô viêng . Rô viêng cách thị trấn Lếch khoảng 40 km . Đường 56 mới qua một mùa mưa mà đã bị xói mòn nham nhở . Rô viêng là tên của một phum khá lớn . Quan sát kỹ thì mới phát hiện có dân đã ở vì có nhiều cây thốt nốt và ruộng hoang .


Vị trí địch phục xe chỉ cách chốt đường của bộ binh ta khoảng 100m ! Bởi khi đi vào chúng tôi vẫn quan sát thấy tổ BB này có lều che trên lèn đá ẩn hiện trong tán lá cây . Sau khi đi viện điều trị về đồng chí Hiến kể lại  .khi xe chạy qua khu vực lèn đá thì một quả B41 bắn trượt qua đầu xe . Tiếp theo là quả mìn định hướng c lây mo hắt đúng buồng lái . Lái xe hy sinh tại chỗ hai đ/c thông tin tuy đều đã bị thương nhưng vẫn chạy được quãng đường 3km về tiểu đoàn 2 báo ra cứu viện . khi D2 ra đến nơi thì bộ binh F339 đã cứu viện . Địch không dám ra đường đốt xe . Thực ra lúc đó bên ta không ai nổ súng cả . Sau này hai đ/c đi viện về tôi có với hai đ/c là “ bây dại quá. Phải nổ súng trấn áp lại ngay. Bỏ chạy làm sao nhanh hơn đường đạn được!”.

Xe 0 tô được kéo về trung đoàn ngay . Nhìn trần ca bin lỗ chỗ như một cái sàng . lái phụ còn sống là điều may mắn …( còn nữa ) .
            


 Chào Đức Cường sao mà cái chuyện pot phục xe của đơn vị bạn nó giống bên F302 trên lộ 68 Kalanh đi Samrong - núi cóc- núi Hồng- Alongven của bọn tôi đến thế. Chắc là cùng chiến thuật , bài vở của chúng dạy nhau, nó lợi dụng sự chủ quan của lính chốt đường của ta và trà trộn vào dân, giả làm du kích bạn cùng sự gan lì của chúng nên cũng gây  thiệt hại đáng kể cho ta. Xe jeep của E bộ E88 F302 lên sư bộ nhận quyết định phong anh hùng cũng bị phục trong trường h ợp lọt khe chốt như thế, chính ủy Tư Thương và hầu hết cán bộ trên xe bị hy sinh đấy...
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #399 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2014, 01:28:05 pm »

Rô Viêng/ Phum Roveang nằm trên đường 12 bác giai nhể,  Grin
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM