Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:50:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời quân ngũ  (Đọc 242588 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #350 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2014, 08:51:20 am »

Mấy ngày tết sau khi ăn sáng xong là lập trình kế hoạch hành quân. Vậy mà vẫn bị cháy giáo án do bị " phê " riệu tại nhà bạn bè .
 Bạn bè của Đức Cường hầu hết là bạn lính qđ3 cùng nhập nghũ 1977 . Năm đó gần 1000 người huyện Nghi lộc ( Nghệ an )đều vào qđ3 cả. trong đại đội 20 F 320  vào 9 người ,hy sinh ba người còn lại thương binh trở về . Về đời thường thì hai người bạn lại ra đi do tái phát vết thương sọ não ( đ/c Lượng giám đốc xí nghiệp thanh niên phường Nghi hải - TX cửa lò) và một người do bệnh tật. Vậy là chỉ còn bốn vị nữa . Tết này, chúng tôi đã hẹn gặp mặt đầu xuân theo thông lệ hàng năm tại nhà đ/c Tư ( phường nghi hải cửa lò ) là nhân vật thật trong câu chuyện " Nỗi đau nơi xóm vắng " mà ở trang 7 " Đời quân nghũ " tôi đã viết kể cho các đồng đội nghe.
  
Chúc các thành viên luôn mạnh khỏe bình an ( nhất là trong dịp tết này) . Sử dụng thời gian vui tết hiểu quả mà trước hết là ngày hôm nay mùng 4 tết.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Hai, 2014, 09:40:21 pm gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #351 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2014, 09:35:03 pm »

                
 “  Đời quân ngũ” đang hành quân thì nghỉ tết . Bác nào vui tết xong rồi thì cùng Đức cường  tiếp tục nhé.

                                     Trở lại tìm tử sỹ mất tích                                                                                                                                                      

Mấy anh em  đi theo đường 3 về hướng Ta keo . Đường hoang vắng . Họa hoằn mới có một chiếc ô tô vận tải của sư đoàn chạy qua . Chẳng ai nói  chuyện gì mà tất cả đều nóng lòng về đơn vị .

  Có lẽ không ai muốn nhắc chuyện trưa nay vượt qua nghĩa địa chưa chôn ấy bởi gê quá . Tôi đã từng khênh tử sỹ , cõng thương binh chẳng ngại ngùng gì , kể cả vào trận . Vậy mà chỉ câu chuyện đó , cứ ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ .

  Đến chiều tối, chúng tôi về đơn vị . Cũng như mọi lần, anh  em gặp nhau hỏi thăm tíu tít rồi mò lại mấy thằng đồng hương chơi . Đại đội 20 chúng tôi đóng ở rìa làng ( phum ). Lúc này dân ở đây mới lánh nạn  trong núi trở về nên cuộc sống rất tạm bợ . Do vốn tiếng k của chúng tôi quá ít ỏi nên rất khó diễn cảm biểu thị thái độ của mình . Bởi vậy chúng tôi ít khi tiếp xúc với dân làng mặc dù sống cách nhà họ không xa .

  Lần đầu tiên tôi được uống nước thốt nốt là ở đây . Đã là lính ở k ai cũng biết cây thốt nốt . Nó giống như cây cọ ngoài bắc nhưng cao và ít lá hơn . Trên cây họ treo một số ống tre ( mét ) để đổ nước thốt nốt và mỗi cây đều có thang dây để leo hàng ngày . Người dân thường đi đổ nước thốt nốt vào buổi sáng , bởi theo họ nước buổi sáng uống thơm ngon và mát hơn .

  Tôi nhớ rất rõ tại đây , một lần lên ban chỉ huy đại đội chơi, tôi đã đọc một bài báo Binh đoàn tây nguyên . trong số báo này có một bài thơ của đồng chí Lê đức Thọ viết cảm xúc của mình về sự hy sinh của đồng chí tư lệnh Kim Tuấn . Báo này được in ở thành phố Nha trang . Như vậy thời gian chúng tôi ở đây có lẽ vào cuối tháng 3 năm 1979 .( Tư lệnh hy sinh 17/3/1979 ).

  Lúc này cả sư đoàn 320A đã rút ra ngoài , hình như được nghỉ ngơi thì phải, vì không còn nge tiếng súng và không có ai trong đại đội đi công tác.( bám địch )  nữa . Hằng ngày chúng tôi đi tuần tra khá xa theo nhiệm vụ đại đội giao . Có khi còn phải mang cả lương khô ăn trưa , tuy vậy không gặp địch bao giờ . thỉnh thoảng phải vào dân xin nước . Họ nhìn chúng tôi với thái độ dò xét, sợ hãi . Chúng tôi đều rất lễ phép song cực kỳ cảnh giác vì ở đây cách vùng núi Đầu lâu xương chéo không xa .

  Khoảng đầu tháng 4/1979 . Toàn tiểu đôi tôi được bổ sung tăng cường cho đội tìm kiếm tử sỹ mất xác trong chiến đấu mà ta chưa có thời gian để tìm kiếm . Với riêng đại đội tôi chỉ có một đồng chí tên là Sơn người hà nam Ninh nhập ngũ 1978 mất tích khi đi luồn sâu lúc sư đoàn còn đóng quân tại cao điểm 200 ở rừng cao su My mút . Đây là một câu chuyện bi hùng duy nhất của  đại đội trong chiến tranh .( Đức cường sẽ xin kể lại câu chuyện này sau khi mạnh chuyện “ đời quân ngũ “ kết thúc) . Đoàn tìm kiếm do đồng chí Thuần trợ lý tác chiến sư đoàn chỉ huy . Đồng chí này nguyên là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 E64 . Chúng tôi được đi trên hai chiếc xe zin ba cầu . Lúc này đường 3 đã giải tỏa song thỉnh thoảng vẫn bị phục nên sư đoàn lệnh đoàn tìm kiếm phải đi về nông phênh bằng đường số( ?)  từ thị xã Ta keo đi Nông phênh. Chúng tôi mang theo đầy đủ trang bị chiến đấu bởi lúc này trên đất nước k không có chỗ nào cho tuyệt đối an toàn . Chúng tôi về Nông phênh  xe chỉ chạy mất một ngày,vậy mà khi mở chiến dịch giải tỏa đường 3, sư đoàn đánh gần một tháng trời . Đêm đầu tiên chúng tôi nghỉ đêm tại nông phênh . Thành phố đã được giải phóng nhưng vẫn vắng bóng người . Sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục lên đường . Chưa ra khỏi thành phố thì đoàn xe của chúng tôi bị KSQS của QK7 lên xe kiểm tra và giữ lại . Lý do trên xe có nhiều xếp túi bóng ni lông bắt chúng tôi  để lại . Tất cả đoàn, kể cả đoàn trưởng phản ứng kịch liệt giải thích cho các đồng chí KSQS hiểu đây là túi bóng đựng thi hài liệt sỹ nhưng anh em không hiểu cứ tưởng đấy là chiến lợi phẩm ! Chỉ có lính chiến đấu mới biết loại túi bóng trưng dụng này thôi, các đồng chí vệ binh không qua chiến đấu nên không biết là phải. Nhưng anh em cứ bắt đoàn chúng tôi  giao lại mấy bao tải túi ni lông thì mới mở ba ri e. Đồng chí Tòng đoàn trưởng vốn là một người nóng tính không giữ  được bình tĩnh lệnh cho tất cả xuống xe chuẩn bị chiến đấu . Chúng tôi mang hỏa lực chiến đấu xuống , súng cối giá càng như thật . Đồng chí Tòng yêu cầu cất ba ri e để đoàn hành quân làm nhiệm vụ .Nếu không thì tổ KSQS phải chịu trách nhiệm . Cuối cùng tổ KSQS phải  nhượng bộ mở ba ri e  để đoàn đi .
 
  Đến tối ,chúng tôi  về đến thị xã plây veng và nghỉ lại .Ở thị xã nhở bé này dân đã về nhưng còn thưa thớt . Điều thiệt thòi nhất là chúng tôi vốn tiếng k quá ít ỏi nên không thể bắt chuyện hỏi han hay tìm hiểu văn hóa của họ được . Buổi sáng hôm sau đoàn dừng lại tại “ cầu c10 ”. Cầu này do lính chiến E48 đặt tên, nằm ở phía bắc thị xã . Ở đây trong chiến dịch giải phóng ngày 2 và 3/1/ 1979 đã diễn ra trận đánh vô cùng khốc liệt mà bây giờ những người trong c9, c10 gặp nhau khi nào họ cũng nhắc  đến . Đánh chiếm đầu cầu cho đến khi chỉ còn ba (3) tay súng chiến đấu nhưng vẫn chưa vượt cầu được . cho dù hướng này có 6 xe tăng của lữ đoàn 273 quân đoàn hỗ trợ . Nhưng do địa hình hiểm trợ , chỉ có duy nhất một cầu mà cầu lại rất hẹp nên tổn thất của ta rất lớn .

  Chúng tôi chỉ đứng nghe các đồng chí E48 chỉ địa hình và kể chuyện . Mọi người đều nhói tim đau khi biết xung quanh chân cầu này xác bộ đội ta còn nhiều do tốc độ chiến dịch phát triển nhanh nên chưa lấy được. Một bộ phận đội tìm kiếm do cán bộ E48 chỉ huy ở lại làm nhiệm vụ . còn một xe tải chở chúng tôi tiếp tục chạy về bản Buôn sâm, cao điểm 105, cao điểm 200… để tìm thi hài liệt sỹ mất tích ...( còn nữa)
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Hai, 2014, 07:59:15 am gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #352 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2014, 07:50:34 am »

Hôm nay ngày 7/1 âm lịch . Ông Táo lại trở về quản lý trần gian . Giai đoạn chờ đón ngài  , mời các bác hành quân cùng đời quân ngũ nhé .

                                 Tiếp theo – Đi tìm xác tử sỹ mất tích

  Các địa điểm ( tọa độ) có người mất tích ở các đơn vị đều được xe chở đến tận nơi và do các sỹ quan chỉ huy tổ chức tìm kiếm . Mấy anh em C20 chúng tôi thì được xe chở về cao điểm 200 rồi tự đi bộ vào gần bản Xala, nơi tiểu đội đồng chí Sơn bị địch phục kích chạy lạc trong rừng rồi đi mãi không về . Toán trinh sát bị lạc hai người thì một người trở về được, sau ba ngày mất tích . Đó là đồng chí Viết quê ở xã Diễn tân- Diễn châu- Nghệ an . Khi bò về đến chốt C11 E48 thì ngất xỉu do đói khát và kiệt sức .

  Chúng tôi căn cứ vào mũ cứng, sao mũ, cúc quần áo quân trang và dây lưng chiến đấu để xác định đó là xác địch hay bộ đội ta . qua ngày thứ hai tìm vẫn không thấy, chúng tôi báo cáo về đoàn trưởng ( bằng máy 2w) xin chỉ thị . Chúng tôi được lệnh thay tọa độ tìm kiếm , bởi đồng chí có thể đi hẳn vào trong vùng địch song cũng không có kết quả . Địa hình rừng núi rất khó tìm, chứ không dễ dàng như vùng đồng bằng .

   Trong rừng cao su mênh mông này có một cái chùa cổ . Chúng tôi vào tham quan và hy vọng được phật phù hộ dẫn đường đi tìm đồng chí sơn . Không khí lạnh lẽo hoang vắng nơi cõi phật làm chúng tôi thấy gai gai . Khu vực này không có dân ở, không có sư chủ trì nên chúng tôi tự do đi xem . Đến nơi ông phật to nhất làm bằng gỗ tôi vòng sau lưng xem . Thấy có một cái lỗ nhỏ , tính tò mò của tôi trỗi dậy. Tôi thò tay vào thấy hai vật rất nặng , kéo ra thì đây là tượng phật làm bằng đồng, đen kịt. Một kiệt tác đúc đồng tôi chưa một lần được thấy . Ông phật thích ca ngồi tọa trên đóa sen nhưng đúc chỉ nhỏ hơn bàn tay nắm lại .Những đường nét chạm trổ hoa văn hết sức tinh xảo . Tôi nói với anh em xin phật đi theo để phù hộ rồi bỏ vào cóc ba lô .( thú thật sau này chuẩn bị về VN . Đơn vị chúng tôi liên tục bị báo động  di chuyển để kiểm tra quân tư trang . Sau nhiều lần cất dấu, tôi quyết định trả lại cho chùa . Đó một ngôi chùa thuộc tỉnh công phông xư phư khá gần sân bay phu chen tông .Tôi đã trả và đặt ngay trên bàn tay phật . Cho đến bây giờ không biết quyết định đó đúng hay sai nhưng tôi vẫn luyến tiếc . Bởi nếu bây giờ giữ được thì với tôi , đó là báu vật).

  Chúng tôi không tìm được thi hài đồng chí Sơn . Có lẽ đồng chí chạy lạc quá xa vào vùng đich nên bị bắt sống hoặc đã hy sinh . Ở bên này không ai đào ngũ được vì cánh lái xe đã được quán triệt không bao giờ cho ai đi nhờ về VN  . Cho nên đồng chí chắc chắn đã hy sinh .

  Chúng tôi được lệnh quay trở ra. Mọi người đều thấy lòng mình nặng trĩu nhưng đành bất lực . Gia đình bạn sẽ không có mộ phần để chăm sóc phúng viếng nhưng tổ quốc và nhân dân luôn biết ơn những người con vì tổ quốc mà hy sinh .

  Xe chạy trở lại cao điểm 105 và bản Buôn sâm để đón hai tổ tìm kiếm của hai trung đoàn rồi về ngã ba crech . Ở đây về đồn biên phòng xa mát rất gần . Kết quả tìm kiếm của hai tổ này khá mỹ mãn nên cả đoàn rất phấn khởi . Xe chạy qua cửa khẩu và đồn biên phòng Xa mát nhưng chúng tôi không thấy một ai, và cũng không có ba ri e chắn kiểm tra . Nhà cửa đồn tan hoang ,hình như đồn biên phòng này năm 1977 đã bị địch đánh chiếm và phá hủy .
   Đoàn tìm kiếm đi qua sân bay Thiện ngôn rồi về nghỉ tai xã Tân lập . Tổ của chúng tôi tìm ở khu vực mũi Lò gò Km 0. Sát sông vàm cỏ tây. Hàng ngày vào rừng đi tìm theo tọa độ được giao, tối lại ra Tân lập nghỉ . Dân ở đây 100% là việt kiều ở k chạy về .
  Tìm kiếm ở Lò gò có hai câu chuyện mà tôi luôn nhớ .Câu chuyện thứ nhất do sự vui đùa quá trớn của tôi lúc tuổi còn trẻ mà tý nữa thì bị đồng đội bắn . chuyện như sau :
   Hôm đó toán chúng tôi do anh Liên tiểu đội trướng chỉ huy đi tìm một đồng chí mất tích tại một bãi tráng ở sâu trong rừng . Con đường lâm nghiệp bắt đầu từ mũi Lò gò đi về hướng tây cỏ cây mọc đầy trên đường đi . Tôi thấy một cái đầu lâu bên đường , có lẽ của địch mà chiến tranh chống Mý để lại . Người đi trước tôi là đồng chí Nẳn , người dân tộc thiểu số ở tỉnh Hòa bình . Đồng chí này ít nói , rất cộc tính . chẳng hiểu trời xui đất đẩy thế nào mà cơn " hâm " lên .Tôi lấy chân ( tôi đi dày vải ) đá hất một cái . Không ngờ cái đầu lâu bay lên rồi đậu luôn trên ba lô đồng chí Nẳn . Đồng chí quay lại mặt giận tái rồi thét lên một câu “ tao bắn mày ” . Đồng chí lên đạn chưa kịp nâng lên thì anh em đã giằng ôm gì lại . Vậy mà đồng chí vẫn ngiến răng xả một loạt cho hả giận . Tôi phải nói lời xin lỗi mãi đồng chí mới tha cho . Thật không có cái dại nào giống cái dại nào . Một bài học thật đắt nếu không có anh em thì bị dính đạn là cái chắc, bởi anh này rất cộc tính . Hơn nữa, nếu ai đó cài lựu đạn thì hỏi rằng Đức cường có còn đường về quê mẹ không ?

  Chuyên thứ hai đó là hậu quả của chiến tranh .

Hôm đó, theo quy định khi đi tìm kiếm .Chúng tôi dàn hàng ngang cách nhau năm đến mười mét để không bỏ sót . Bỗng nhiên một tiếng nổ xé trời tiếp đó là tiếng kêu cíu của đồng đội chỉ cách tôi khoảng 10 m. Tôi biết ngay đó là đồng chí Định ở tiểu đoàn 17 công binh đi cùng chúng tôi . Đồng chí kêu nhiều quá . Tôi lao lại nhưng đồng chí Liên tiểu đội trưởng không cho . Đồng chí nói to:
-   Cứ bình tĩnh anh em đang vào cứu! .

Đồng chí bắt tôi phải rà mìn rồi mới được vào . Và đúng vậy ,tôi đã phát hiện được một quả lựu đạn cài vướng nổ, dây chắn ngang lối đi. Sau khi khắc phục xong , chúng tôi vào cấp cứu thì không phải một đồng chí mà cả đồng chí Dảnh trợ lý trinh sát sư đoàn cũng bị thương , nhưng đồng chí rất bình tĩnh không kêu la . Chúng tôi tập trung khênh ra thật vất vả bởi đường quá xa mà người thì ít . Mất bốn đồng chí khênh , nghĩa là chúng tôi phải vác thêm 6 khẩu AK nữa . Đồng chí khỏe nhất thì cho chạy bộ về tận xã Tân lập cách đây khoảng 7km để gọi xe vào. Chúng tôi khênh ra đến mũi Lò gò thì gặp ô tô của đoàn . Vết thương đồng chí Định khá nặng, máu ra rất nhiều . Đồng chí Dảnh thì nhẹ hơn . Ra đến xã Tân lập chúng tôi nhờ trạm xá xã sơ cứu một lần nữa vì đoàn chúng tôi chỉ có y tá đi theo nên khả năng cũng mức độ . Nhân dân thấy chúng tôi như vậy họ thương lắm . Nhiều người khóc bởi biên giới đã kết thúc chiến tranh mà bộ đội vẫn phải đổ máu . Xe chở hai đồng chí ra thi trấn Tân biên . Thật may viện quân y 211 của quân đoàn đã chuyển sang k nhưng vẫn còn một bộ phận thu dung ở lại . Sau này đơn vị ra bắc, tôi có gặp lại đồng chí này . Nghĩa là chưa đủ nặng phải về đoàn an dưỡng để làm thương binh . Nhưng với hơn một chục miểng vào người do tay tôi tự băng bó thì có lẽ tiền xương máu cũng 19-20 % . Lúc đó mà giám định cởi mở thì làm gì còn lính để mà chiến đấu ?.
  
    Chúng tôi đi tìm đồng đội mất xác trong chiến đấu lúc đó, không thể biết đó là nhiệm vụ giải quyết tồn đọng công tác chính sách để đơn vị chuẩn bị hành quân ra biên giới phía bắc . Xác tử sỹ tìm được, chúng tôi đưa về nghĩa trang của quân đoàn ở Tân biên . Chỉ ít ngày sau , đoàn chúng tôi lại sang k trở về đơn vị  bằng con đường qua cửa khẩu Mộc bài  để về đơn vị nhanh hơn .

  Tôi còn nhớ trong nhật ký lúc đó ,cả đi và về là 20 ngày . Chúng tôi về đến đơn vị . Sư đoàn vẫn ở chỗ cũ . Nhưng chỉ được ít ngày, cả sư đoàn lại lên đường hành quân về truy quét địch ở tỉnh Công phông chư pư .Lúc bây giờ khoảng cuối tháng 5/1979…( còn nữa )
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Hai, 2014, 08:09:09 am gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #353 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2014, 12:59:46 pm »

              Chào ban Duccuong Chào các bác! Đầu năm mới bác chủ đã có tiếp những bài viết về nhưng năm tháng chiến đấu tại K. ĐÚNG LÀ CÔNG TÁC THƯƠNG BINH TỬ sỸ VIỆC GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ CŨNG VÔ CÙNG KHÓ KHĂN CÙNG SỰ PHỨC TẠP. Nhiều khi chúng ta vẫn phải đổ cả Máu cùng sự hy sinh để làm tốt công tác này.

             Nhớ lại những ngày này của 35 năm về trước tình hình chiến sự đang vô cùng căng thẳng. Các đơn vị của Tranphu341 hầu như đều bị bon Pốt vây và chia cắt từng đơn vị như trong bài viết của Tranphu. Rất nhiều đơn vị và rất nhiều anh em mình đã hy sinh trong những ngày tổng phản công của chúng. Nhưng với tài năng của các chỉ huy cùng ý chí lòng dũng cảm tuyệt vời chúng ta vẫn là người chiến thắng.

            Tranphu341 vẫn đang rất háo hức nghe chuyện kể của bạn. Người lính Trinh sát dũng cảm một thời. Tranphu341 cũng đang động viên mấy anh em lính Trinh sát của Trung đoàn Tranphu tham gia viết kể lại những ngày tháng cam go ấy.

           Chúc bạn cùng đại gia đình luôn có nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui trong những ngày đầu Xuân mới này! Kính.
Logged
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #354 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2014, 09:29:24 am »

                                                
                                         Truy quét địch ở Công phông chư pư.

Tạm biệt  Ta keo , tạm biệt mặt trận đường 3 khói lửa đã để lại nhiều kỷ niệm trong đời quân ngũ . Chúng tôi theo đội hình sư đoàn 320 chạy về hướng thủ đô Nongphenh . Đến ngã ba giao điểm của đường 3 và đường 4 (sát sân bay puchentong ) cả đội hình hành quân rẽ trái theo đường 4 đi về tỉnh Công phông chư phư . Chưa đến thị xã thì chúng tôi rẽ phải khoảng 30km và trú quân ở đó.

Ngày hôm sau chúng tôi đi địa hình để làm quen với thực địa và cũng là để tuần tra khu vực đóng quân của sư đoàn . Bấy giờ có lẽ thời gian vào đầu tháng sáu, nhưng các làng bản ở đây không hiểu vì sao dân vẫn chưa trở về . Vườn không , nhà trống thật hoang vắng , tôi cảm giác có điều gì đó thật ngột ngạt bí hiểm . Có lẽ trước đây là dân loại hai nên đã bị chế độ Pốt lùa đi quá xa ?.

    Tại đây trong một lần đi tuần tra , chúng tôi đi qua một cánh đồng  hoang xa khu dân cư , không có dấu hiệu tồn tại sự sống ở đây . Hài cốt , tứ chi xếp thành từng đống , không có hài cốt nguyên vẹn .Chúng tôi thấy rất nhiều than đốt bằng xương chứ không phải than củi . Mọi người đều nhận định đây có thể là trung tâm hành quyết lực lượng chống đối của chế độ Pốt trước đây . Nếu không có hình ảnh này thì tôi vẫn chưa tin tuyệt đối sự tàn ác quá sức tưởng tưởng của chế độ Pôn Pốt mà các phương tiện thông tin đưa lại .

   Một lần khác chúng tôi đi công tác. Thấy mấy anh em lính thợ và lái xe kỳ cạch bên chiếc xe ben Ipa sơn xanh còn mới . Hỏi mới biết đây là xe chiến lợi phẩm ta mới thu được , và sư đoàn đang cho thợ kiểm tra để đưa về Việt nam đóng xe Ka . Chiếc xe ka duy nhất của sư đoàn 320A rất nhiều năm sau này chuyên chở cán bộ từ Gia lai ra bắc đi phép, một tháng một chuyến , chính là chiếc xe này . Năm 2000 tôi gặp đồng chí Vĩnh , nguyên phó tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 25 vận tải sư đoàn ( người xã Nghi hưng –Nghi lộc – Nghệ an ). Tôi có hỏi  chuyện về chiếc xe . Đồng chí cho biết chiếc xe vẫn hoạt động bình thường .

  Ít hôm sau toán trinh sát chúng tôi được lệnh gùi gạo vào trong rừng , nơi bộ binh sư đoàn đang tiến hành truy quét, để tiếp tế cho toán trinh sát khác hết LTTP và ở lại làm nhiệm vụ luôn . Ở đây rừng rất dày nhưng không có núi . Con đường vào là đường đất lâm nghiệp xe vận tải có thể chạy được . khu vực tác chiến này giống như vùng rừng Xa mát- Lò gò bên ta . Tuy rừng bằng nhưng còn khá nguyên sinh , cây hai bên đường ken dày . khi vào gần đến nơi, có một chiếc xe tải của ta chạy cùng chiều , chúng tôi vừa tránh cho xe chạy qua được 10m thì “ ùng…oàng ”kèm theo là những tràng AK dài xối xả . Quả B40 bắn trật  kéo theo một đuôi lửa ngay trước mặt .Chúng tôi nằm xuống tìm vị trí chiến đấu. Việc đầu tiên là nổ súng về hướng địch để trấn áp tinh thần ngay . Thực ra rừng mịt mùng, có thấy gì nhau đâu . Tôi tin rằng nếu địch phát hiện có tốp lính đang cuốc bộ ở đó thì không dám bắn . Tiếng súng địch cũng nhanh chóng im bặt. Phục kích vốn là như vậy . Toán trưởng chúng tôi dùng M79 “ pốc ”theo đường rút của địch mấy quả sau đó chúng tôi tiếp tục hành trình . Đi được 200 m thì gặp chiếc ô tô có số may mắn đó đang dừng lại bên tổ chốt đường . Nói đúng ra là may do gặp phải thằng xả thủ tồi. Lái xe cũng là một lính cựu rất kinh ngiệm chiến đấu đã kể lại cho chúng tôi nghe.( Với chúng tôi lúc đó, lính cựu  là lính thời đánh Mỹ chưa kịp ra quân . Trong đại đội tôi còn nhiều đồng chí như vậy. Nghe anh em cựu binh kể lại , có đ/c đã cầm quyết định ra quân trong tay chờ ra xe thì phải trả lại để đi vào mặt trận TN cùng sư đoàn ) Khi biết bị phục, thế là tăng ga phi nước đại , cho đến khi gặp bộ binh chốt đường thì dừng lại . trong tốp lính ngồi trên xe đi nhận hàng , thì chỉ có một đồng chí bị đạn thẳng bắn thủng bụng nhưng không chết . Trên xe vết đạn thẳng nham nhở .

  Mấy anh em gùi gạo đi tiếp chưa được bao lâu thì gặp một tốp bộ binh chạy nhanh qua đường, hỏi đi đâu vội thế, anh em chỉ phía trước nói : “ có đi lấy thịt bò thì đi ”. Chúng tôi tạm nghỉ, gửi gùi gạo đi theo hy vọng kiếm chác cải thiện một tý cho ngon miệng . không biết ai bắn được một con bò lạc đã lấy hết bốn đùi rồi . Chúng tôi chỉ có dao găm, khoét lấy được một ít rồi nhanh chóng đi ngay. Bởi ở lại lâu có khi bị oan do vệ binh hay cán bộ biết được sẽ bị tóm ngay .

   Đến trưa thì chúng tôi vào đến nơi . Mỗi gùi chỉ đựng được 25 kg , đi cả buổi , đường xa nên cũng bầm vai và mệt mỏi . Khu vực này có dân ở nhưng nhà ở rất thưa . Họ luôn nhìn chúng tôi với thái độ sợ sệt , dò hỏi . Còn chúng tôi đến gần họ hay vào nhà xin nước (“ hóp tắc te” là xin nước chè phải không nhỉ ?) )thì rất cảnh giác vì dù nam hay nữ , dù lớn hay bé, bọn họ đều mặc quần áo đen giống lính địa phương của chế độ Pôn pôt .
 
  Một hôm đại đội trưởng gọi lên giao nhiệm vụ đi tăng cường cho D18 thông tin sư đoàn đi rải dây. Nhiệm vụ củ thể của tiểu đội thông tin tăng cường là vận tải dây về D4 rồi nối dây từ D4 về D5 . Đường đến D4 có hai con đường . Nếu đi theo đường  an toàn thì phải cuốc bộ hơn 10km. Còn con đường tắt mà bộ đội ta thi thoảng vẫn tổ chức đi qua,  chúng tôi được cảnh báo là  khá nguy hiểm, chỉ dài khoảng 5km . Nhưng đồngchí đại đội phó thông tin quyết định đi đường tắt cho kịp . Phân đội thông tin có 11 đồng chí , trinh sát dẫn đường có 2 đồng chí . Do đồng chí đại đội phó thông tin phụ trách chung .

  Đến chốt của bộ binh chúng tôi nghỉ lại ăn cơm trưa . Được một lúc thấy dân trong rừng kéo ra cả già lẫn trẻ có đến vài chục người . Họ đói và rách quá. Họ không còn đủ sức để bế em nhỏ nữa . Nếu không cho ăn họ sẽ không còn đủ sức về bản quán . Các đồng chí bộ binh nấu cơm trong nồi 20 quân dụng chỉ được ăn một người một nắm nhỏ, phải nhịn để có cơm cứu dân. Khi đồng chí nuôi quân bê nồi cơm đến nhờ chia hộ rồi bỏ đi. Tôi thấy một cảnh hỗn độn diễn ra, một cảnh không còn tình ngĩa xóm làng gia tộc .Đó là cướp cơm. Trẻ em thì khóc lóc inh ỏi, người lớn có sức khỏe thì ăn nhồm nhàm. Một số bà già chìa tay xin họ không san sẻ.Thấy vậy tôi lao vào dằng lấy nồi cơm chỉ còn ít do dính cháy . Tôi trực tiếp lấy cơm trên tay một số người đang ăn, bỏ vào nồi rồi bắt đầu làm anh nuôi. Tất nhiên có mấy đồng chí thông tin thấy tôi làm như vậy động lòng hỗ trợ . Tôi chia cho trẻ nhỏ trước rồi đến người già và cuối cùng đến mấy vị to khỏe thì hết. tôi không quan tâm, do ấn tượng hình ảnh vừa rồi. khẩu phần ăn lương khô của tôi cho hết. Nhìn họ ăn, tôi nhớ lại hình ảnh cha mẹ tôi diễn tả nạn chết đói năm 1945 tại quê hương…( còn nữa )
Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
vaphothotu
Thành viên
*
Bài viết: 496


Một thời. Ai có nhớ?


« Trả lời #355 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2014, 06:04:16 pm »

Chào Duccuong.
Những ngày này tháng này của năm 1979, chúng ta đang ở  đường 3 Tà Keo. Tôi nhớ ngày mồng 3 tết(hay 13 tết gì đó) tiểu đoàn 4 có cử 3 đồng chí trinh sát, trong đó có tôi cùng với đồng chí Tân chính trị viên tiểu đoàn về thủ đô Nông Pênh để tìm 3 đồng chí trinh sát bị thất lạc(lí do là mải đi chơi không về kịp để hành quân).Về đến nhà khách cuả quân khu 7(?) ở Nông Pênh thì gặp ngay ba người thất lạc. Có lẽ vì đói  nên mấy vị đến đây.
   Đây là lần thứ hai tôi vào Nông pênh. Ngoài sứ mạng đi tìm người, chúng tôi còn có nhiệm vụ vinh quang nữa là áp tải hàng tết về cho đơn vị.Ngày mồng 7 tết(hay 17 tết)chúng tôi rời thủ đô.Trên đường về gần đến "nhà" thì ô tô bị địch phục kích.Rất may, cả hai quả b40 Pốt bắn đều không trúng xe.Nếu mà trúng chắc hết đường về quê mẹ rồi.
    Bài viết của bạn làm tôi nhớ về cái tết có một không hai trên đất bạn quá.Cả năm, cả tháng ăn gạo trắng, cơm trắng nhưng đến mấy ngày tết chẳng hiểu lí do gì mà lính phải ăn toàn bo bo, khổ hết chỗ nói.Đêm giao thừa, toàn bộ lính trinh sát cùng với lính vận tải tiểu đoàn phải đi gùi đạn lên chốt.Trời tối thui. Đi lạc vào đất địch.May phát hiện kịp thời nên rút êm không thì cũng ăn "kẹo tết" của Miên rồi.
Nói chung một cái tết đầy may mắn đối với vaphothotu.
Logged

Mời các đồng chí xem thông tin chi tiết trên Blog http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/         
 và blog Quê cha đất tổ http://blogtiengviet.net/Phan2
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #356 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2014, 09:40:43 am »

Cảm ơn Anhtho - Mở máy ra đã thấy có tin nhắn ,như một lời chào mở đầu ngày mới ai không phấn khởi. Hy vọng năm mới sẽ suôn sẻ như lời chúc của ĐỒNG CHÍ ANH THƠ. Dức Cường Vừa đi cùng con trai ra HN mới về trở về sáng nay.Cháu học năm thứ 4 HV ngân hàng . Cháu học giỏi nhưng bố cũng phải lo. Ở TP HCM gia đình ĐC có nhiều anh em nên cháu có tư tưởng Nam tiến . Sau này rất có thể cháu làm việc trong đó thì cơ hội giao lưu sẽ có nhiều hơn.
 Đức Cường một lần nữa cảm ơn gia đình anh chị đã tiếp đón chân thành nồng hậu trong chuyến du nam hồi cuối năm.
 Giáp tết nhận được tin nhắn của anh vetran trên MVH. Nói chuyện đã mua vé máy bay nhưng số không đẹp nên hủy bỏ. Hy vọng năm mới ĐC và phavo được đón vợ chồng hai bạn tại TP Vinh.
  Chúc gia đình bạn mạnh khỏe hạnh phúc. Vạn sự như ý .
Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
vaphothotu
Thành viên
*
Bài viết: 496


Một thời. Ai có nhớ?


« Trả lời #357 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2014, 08:30:26 pm »

Chào Duccuong
Mấy hôm nay bận công cán không vào trang được.Nay rỗi rãi, ghé qua trang thăm bác.
 Sao? Mấy hôm nay bận hay sao mà không thấy lên bài mới?
Logged

Mời các đồng chí xem thông tin chi tiết trên Blog http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/         
 và blog Quê cha đất tổ http://blogtiengviet.net/Phan2
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #358 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2014, 09:56:05 pm »

Cảm ơn bạn. Cũng không bận gì đâu nhưng rồi lễ hội , chùa chiền, gặp mặt đầu năm ...nên cũng khá mệt mởi . Nên có phần sao nhãng , ít vào trang MVH hơn trước đây.
Trong tháng hai này,CCB trên VMH ưu tiên quan tâm các topic viết về BGPB phía bắc nhiều hơn. Có lẽ sang tháng 3, "đời quân ngũ" mới tiếp tục hành quân được. Hiện ĐQN đã hành quân về đến công pông xư pư rồi.
 Lúc nào thì chúng ta gặp mặt đầu năm đây?
  Thân ái.
 
Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #359 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2014, 08:33:43 am »

                                        Truy quyết địch ở Công pông xư pư

Chúng tôi được đồng chí trung đội trưởng bộ binh chốt giữ ở đây cho biết . Cách đây một ngày địch đánh vào chốt sau đó rút theo con đường chúng tôi chuẩn bị đi. Nhưng trước đó các đơn vị hành quân đông thì không gặp địch nổ súng. Nhưng đi ít người là bị phục ngay . Như vậy đây có thể là một toán địch thường đi phục ở đường này nhưng đã bị ta đánh nhiều lần nên cũng nhát . Hơn nữa giai đoạn này trên các mặt trận, địch đang yếu thế do bị ta đẩy sâu vào trong vùng rừng núi . Các đồng chí nhắc đi nhắc lại phải cảnh giác cao và sẵn sàng đánh trả địch phục kích .

 Chúng tôi lên đường.
Trinh sát đi trước. Đó là nguyên tắc , nhiệm vụ dẫn đường mà . Trên bản đồ con đường nhỏ được thể hiện như một sợi chỉ đen ngoằn ngoèn xuyên qua rừng . Hai lần phải lội suối. Đây là những vị trí rất có lợi cho trận địa phục kích đối phương. Trong thâm tâm tôi vẫn lo bởi lính thông tin chúng tôi thường gọi là “ lính cậu” do họ ít vất vả và gần như không phải chiến đấu. Trong tốp lính thông tin này ai cũng phải gùi dây khá nặng . Hỏa lực chúng tôi chỉ có duy nhất một khẩu trung liên RPD và một khẩu M79 còn lại là tiểu liên AK. Cả đoàn quân hối hả đi theo con đường lâm nghệp vào rừng sâu . Chúng tôi đi khỏi chốt khoảng một km là đến suối.
 
  Đến đỉnh dốc chúng tôi dừng xốc lại đội hình. Lắng tai, chúng tôi có thể nghe tiếng nước suối chảy róc rách hòa trong tiếng xào xạc của gió rừng. Sự tĩnh mịch hoang sơ làm mọi người như linh cảm có điều gì nguy hiểm đang chờ phía trước. Bỗng nhiên tôi thấy chim và gà rừng bay loạn xị ở bờ bên kia về phía chúng tôi . Sự linh cảm có người làm cho tất cả  đều cảnh giác cao độ. Tôi ngồi thụp xuống và ra hiệu cho mọi người chuẩn bị chiến đấu. Những phút chờ đợi tiếng súng nổ thật nặng nề nhưng rừng vẫn chỉ có tiếng xào xạc của gió . Tôi nói với đồng chí đại đội phó :

-   Anh nên chia đôi người , một nửa iểm trợ cho bộ phận sang trước.

Tuy là lính nhưng lính trinh sát được đi nhiều với thủ trưởng sư đoàn hay sỹ quan tham mưu nên người cũng khôn ra . Bởi vậy, chúng tôi thường hay “ phán” với cán bộ tiểu đoàn hay đại đội trở xuống . Nge hay không là quyền của họ , nhưng họ rất chú trọng những lời nói của chúng tôi .

  Sáu người đi trước bắt đầu xuống dốc . Đây là dốc khe nên độ dốc lớn. Tôi chưa kip xắn quần để lội thì “ bầm, bầm…bàm” . tiếng đại liên bắn xối xả ngay trên đầu chúng tôi từ bờ bên kia. Bị phục rồi. Tôi nhìn lên bờ thấy anh em đang chạy toán loạn lùi về sạu . Trong tích tắc, tôi hiểu đã bị địch phát hiện. Nếu chạy ngược dốc theo đường cũ thì dính đạn ngay. Tôi chạy men theo khe lên khoảng vài chục mét . Cả tốp bốn, năm người đều chạy theo, trong đó có cả đồng chí đại đội phó thông tin. Men theo một rãnh nước chạy xuống suối , tôi nhảy bật lên bờ rồi lăn ngắn qua một bãi tráng nhỏ để tránh đạn thẳng ( thực ra đó là một cái rẫy hoang ) . Khẩu đại liên của địch vẫn khạc đạn nhưng bắn dọc theo trục đường mà một số đồng chí bỏ chạy . Lúc này chúng tôi đã có phần yên tâm để tổ chức đánh trả . Tôi cứ nhằm hướng địch đang nhả đạn để bắn. Đồng chí Đạt ( trinh sát cùng đại đội người thanh hóa ) nói:
-   Có thấy gì đâu mà bắn!
Tôi vừa bắn vừa nói :
-   Ông chờ nó sang bắt sống à?
Hiểu ý tôi, Đạt và đồng chí đại đội phó cũng đã nổ súng. Tiếng súng bắn trả của ta như là một liều thuốc động viên tinh thần cho nhiều người. Lúc này ở bộ phận iểm trợ mới nổ súng theo ( chết thật . Đúng là lính cậu!). Một đồng chí lính thông tin  cứ loai hoay với khẩu M79 mà không bắn . Tôi nói:
-   Bắn đi.
Đồng chí trả lời :
-   Mình không biết bắn!
 Tôi chỉ biết van trời rồi đưa khẩu AK báng xếp cho cậu đó . Không biết đồng chí đó có biết bắn nữa không .Còn tôi khoác luôn cả áo đạn vàng ươm đang đầy ,dựng nòng lên “ phốc” liên tục 7-8 quả rồi di chuyển ngay. Tôi còn nhớ viên đầu tiên nổ rất xa. Tôi dựng nòng điều chỉnh dần cho đến lúc thấy đạn M79 của mình nổ sát bờ trùm vào nơi khói hỏa lực phát ra phía bên kia . Lính chiến đấu ai cũng biết tiếng nổ đầu nòng của phóng lựu rất lớn nên rất dễ bị phát hiện mục tiêu . Đúng như vậy , khẩu đại liên đã quay sang hướng chúng tôi vừa nằm , khạc đạn . Lúc này các đồng chí thông tin  đã nổ súng như hỗ trợ chia lửa với chúng tôi . Đồng chí Đạt điểm xạ nhịp đôi ( hai phát một ) rất thiện chiến. Khấu đại liên của địch kéo từng tràng dài , khói thuốc súng bốc cao lên khỏi ngọn cây.Chính vì vậy trận địa hỏa lực đã bị lộ .Tôi tiếp tục dùng phóng lựu bắn thêm gần chục phát nữa vào đám khói đó . Đồng chí đại đội phó thông tin lúc này ở cách chỗ tôi nằm không xa, quỳ bắn sau gốc cây. Bờ bên kia tôi đã nghe được tiếng í ới địch gọi nhau nhưng không biết nói gì. Chúng tôi vừa bắn vừa lui về phía sau cho đến khi gặp anh em thông tin đang nổ súng hỗ trợ cho bộ phận chúng tôi rút về. Tiếng súng thưa dần rồi im bặt. Chúng tôi kiểm người ngay . Đủ cả, không bị thương vong .  Thế là tốt rồi . Nhưng cái bản đồ địa hình của đồng chí đại đội phó đã bị rơi ở dưới suối làm chúng tôi cũng trăn trở . Và rồi chúng tôi quyết định không tổ chức xuống lấy nữa . Lý do chỉ vì một cái bản đồ mà có thể phải thương vong là điều không nên . Cho dù rất cần bảo mật, bởi trong đó có chấm các vị trí trú quân của các đơn vị trong sư đoàn . Tôi nhớ lúc đó tôi có càu nhàu với mấy đồng chí thông tin vì lý do là chạy xa quá , nổ súng hỗ trợ không kịp thời. Đáng lẽ chỉ lùi khoảng cách vừa đủ để tìm vị trí thuận lợi, triển khai hỗ trợ cho bộ phận đang bị kẹt dưới suối .Khẩu RPD thì mang quá ít đạn nên bây giờ trở thành cục sắt . Vừa bực tức không hoàn thành nhiệm vụ, vừa bực mấy đ/c “ lính cậu ” thông tin tôi nói như quát:

  -Tại sao các ông bỏ đồng đội chạy? Nếu các ông đi trước, chúng tôi bỏ thì các ông nghĩ sao ?

Tất cả lính thông tin biết sai im lặng. Được nước tôi nói:
-Các ông nên rút kinh ngiệm. nếu nhát gan nó sang thì tự chết cả lũ.

  Nghĩ lại trong tình huống đó ai cũng hành động như nhau cả. Việc bỏ chạy về sau theo phản xạ tự nhiên là điều dễ thông cảm.

 Chúng tôi cùng nhau quay trở lại thì gặp anh em bộ binh khoảng hai chục tay súng tất  bật chạy ra cứu viện, vác cả cối 60 nữa trông thật tội nhưng tất cả đã an bài. Các đ/c nói rằng nghe tiếng súng biết các anh gặp địch chúng tôi ra hỗ trợ ngay. Trên đường về mọi người đều an ủi mình bằng vận may . Đạt nói với tôi :

 Nhìn thấy “ ông” ôm súng lăn lộn khi vượt qua bãi tráng , cứ tưởng bị thương!”.
   Tôi nói :
      - Các tư thế vận động trên chiến trường vận dụng lúc đó chứ lúc nào nữa. Đại liên nó bắn như vậy thẳng lưng đi mà chết à ?

  Ngày hôm sau bộ phận thông tin đi theo trục đường lớn không cần dẫn đường nữa . Hai chúng tôi trở về đơn vị …(còn nữa ).
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Ba, 2014, 08:42:04 am gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM