Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:02:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những hòn cuội nhặt dọc đường  (Đọc 40435 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #10 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2013, 07:50:21 am »



    Đâu những nụ cười trầm tư tranh luận?

    Trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong Văn đàn nghệ thuật nổ ra cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh, một trong những cuộc tranh luận lớn nhất và kéo dài nhất (1935-1939). Hải Triều là người đứng đầu của phái "Nghệ thuật vị nhân sinh", đề cao giá trị nhân sinh của những tác phẩm như Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, hay Lầm than của Lan Khai mà ông gọi là những tác phẩm "tả thực xã hội", đồng thời kịch liệt phê phán quan niệm "Nghệ thuật vị nghệ thuật" - Ông được coi là người châm lửa cho cuộc "bút chiến" này, khi viết bài "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh" phản bác lại bài "Hai cái quan niệm về văn học" của Thiếu Sơn.

    Ông cho rằng nghệ thuật là vì nhân sinh và không thể đặt ra ngoài nhân sinh và xã hội, đặt nghệ thuật ra ngoài nhân sinh là "nguỵ biện", "phi lý" và "gian trá.

    Trận bút chiến gay go… Rồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ diễn ra. Rất nhiều văn nghệ sĩ lao mình vào cuộc trường kỳ gian khổ, để lại nhiều tác phẩm vô giá cho dân tộc, đầy phong vị lãng mạn với hình ảnh “Sương gió chốn sa trường”, “Ngựa hồng côn bạt”... Trận mạc càng ác liệt, gian khổ thì sự lãng mạn, tiếng nói tâm tình cá nhân càng cần thiết, nhưng nó dường như được “gác lại” để nhằm tới mục đích lớn lao là chiến thắng kẻ thù, thống nhất đất nước... Nghệ thuật cách mạng, không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn vị nhân sinh.

    Đáng lo ngại chăng là “thói quen tự kiểm duyệt”, một thứ rất khó thay đổi hồi đó, dường như ăn sâu vào một số người. Khi đã nhiễm, người nghệ sĩ không còn sức mạnh tác chiến độc lập nữa, trong đầu anh ta kè kè một “nhà phê bình”, nhà phê bình ấy kèm chặt như hình với bóng, duyệt tác phẩm khi chưa ai kịp duyệt, luôn nhắc nghệ sỹ: “Sáng tác cho ai, để làm gì?...”, một cách cứng nhắc.

    Cho mãi đến giữa thập niên 80, cùng với làn gió đổi mới, nhiều nghệ sĩ đặt lại những câu hỏi máu thịt liên quan đến “Sáng tác”, khi những vòng giây tự trói mình rơi xuống đất!

    Tôi đọc đâu đó trong bài “Giá trị của nghệ thuật“ có dẫn lời của nhà văn Alexandr Solzhenitsyn phát biểu trong diễn từ khi ông nhận giải Nobel văn chương (1972) như sau: “Nắm giữ Nghệ thuật trong tay, chúng ta tự cho rằng mình là chủ nhân của nó, hùng hổ điều khiển nó, đổi mới nó, cải cách nó, tuyên ngôn nó, bán nó lấy tiền, dùng nó để bợ đỡ những kẻ mạnh, coi nó hoặc như trò tiêu khiển trong các ca khúc thị trường, nơi tửu quán, hoặc như hòn đá hay cái gậy, bất kể cái gì tóm được, để phục vụ các đòi hỏi chính trị thoảng qua, hay các nhu cầu xã hội hạn hẹp. Nhưng, mặc cho mọi dày vò của chúng ta, Nghệ thuật vẫn không bị vấy bẩn, vẫn không vì thế mà đánh mất đi nguồn gốc của mình, vẫn luôn luôn, và trong mọi cách chúng ta dùng nó, rọi chiếu lên chúng ta một phần cái ánh sáng bí mật bên trong của nó. Nghệ thuật hé mở cho chúng ta, tuy lờ mờ, tuy ngắn ngủi, những điều không thể nào đạt được bằng lý trí. Như chiếc gương thần trong truyện cổ tích, nhìn vào nó ta không thấy chính mình mà chợt thấy một khoảnh khắc ta chẳng khi nào đạt tới, phóng tới, bay tới được. Và chỉ có tâm hồn đang thổn thức.”

    Những điều đó ám ảnh tôi không ít.

    Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm thường được xếp cùng nhau là ba bậc thầy của hội hoạ Việt Nam đương đại. Sáng dùng nét dày dặn, góc cạnh khi tạo hình các bức chân dung trong khi Phái thể hiện cái u buồn của phố nghèo Hà Nội bằng nét bút tự do và phóng khoáng. Cả hai hoạ sỹ đều yêu quý đất nước mình dù ít khi họ dùng các đề tài XHCN để bộc lộ lòng yêu nước. Nhưng hai ông tìm thấy ở sự vật của đời sống thường nhật cái ích dụng cho sự bộc lộ cá nhân riêng biệt, thường sử dụng ngôn ngữ hội hoạ tối giản để thể hiện không khí và cảm xúc đặc biệt Việt Nam trong tác phẩm của mình.

    Tôi nhớ đến những cây bút lý luận mỹ thuật gạo cội nước nhà, những nụ cười trầm tư của họ. Ai còn, ai mất? Tôi không muốn nói ở đây về tình yêu đối với nghệ thuật mà là vai trò của nghệ thuật trong xã hội chúng ta, điều mà lý luận hội hoạ nước nhà đã tốn không ít giấy mực. Nhất là khi đó đây “cái mới” hoặc nhân danh cái mới trong hội hoạ xuất hiện cứ kèm theo cái thái quá, mà thái quá bất cập... Tranh pháo đổi mới thuần tuý theo lối hình thức hơi bị nhiều, xưng xưng là chủ nghĩa hiện đại. Và hiển nhiên là khi người ta không biết nói gì về tác phẩm nghệ thuật, người ta sẽ nói về trị giá của chúng và còn tầm thường hơn, người ta bàn về đầu cơ trục lợi, lạm phát, giá biểu cho từng nghệ sỹ, lời lãi v.v… tóm lại là về tiền bạc.

    Em gái tôi, sinh 1970, thấy tôi vẽ mãi trận mạc, em bảo: “Anh “ăn hơi dầy” chủ đề này đấy, việc gì cứ phải xoáy mãi vào đấy? Đời còn bao nhiêu cái đẹp hơn. Anh vẽ ngựa hay thế cơ mà…”.

    Em gái tôi không sai. Nhưng tôi có lý, có tình của mình khi mê say những đề tài trận mạc này. Tôi chỉ có thể nói hóm hỉnh, nhắc cô ấy rằng nghệ thuật thì nhất thiết phải vô giá, bởi tự bản chất, nghệ thuật đã có cái quyền lực - có thể nói như phép phù thuỷ - để biến đổi được những vật dụng hay vật chất thông thường thành những thứ vô giá. Nếu đích thực nghệ thuật, chắc chắn nó vị cả nghệ thuật và nhân sinh. Thực lòng tôi nghĩ giản dị như vậy.

    Thời nào cũng thế, chẳng riêng họa sỹ trẻ mà già cũng có thể lồng lên như chiến mã, phá phách, tìm tòi, quằn quại. Học trò tôi hỏi: “Em tập mãi, vẽ theo thần tượng mình là họa X, Y... mà vẫn khô khốc, thế là sao hở thầy?”, hay: “Các hoạ sỹ trẻ sáng tạo bất chấp trường lớp dạy dỗ có phải liều lĩnh không?”.

    Trả lời câu hỏi này một cách đầy đủ, e khó như làm luận văn tiến sỹ, tiến sỹ thật chứ không phải tiến sỹ giả. Đơn giản, nếu muốn cố vẽ cho giống cách vẽ của thần tượng là tim mình đã đập bằng nhịp tim người khác. “Khô khốc” vì theo sao được cái “thần khí” của hoạ sỹ mình phục.

    Còn vụ “sáng tạo bất chấp”, có liều lĩnh không, chính xác hơn cái liều lĩnh này là gì? Thì liều lĩnh kia cũng có ba bảy đường. Loại trừ thứ liều lấy oai, có thể gọi điều này là một dấn thân, hội nhập vào một công cuộc, một nhu cầu bức bách không thể cưỡng được, nảy sinh từ nguồn hy vọng, từ tình đồng cảm sâu xa, vào niềm tin vào ý định sáng tạo đang nảy mầm.

    Tôi vẽ trận mạc mãi mà không chán, dù chẳng ăn giải gì, cũng không bán được. Chật cả nhà, mà cũng không vẽ theo cuộc vận động hay đơn đặt hàng nào, mà cũng đâu hẳn là đền ơn đáp nghĩa... mà đơn giản là tôi “thích”, thích thì làm cho thoả. Thế thôi! Dĩ nhiên là nghệ thuật đương đại đang làm mọi người bấn loạn vì khó hiểu, thậm chí khó chịu. Nhưng điều đó lại chính là nhiệm vụ của nó. Đương đại hay cổ điển hay lồng ghép cả hai thì hãy cứ sáng tác theo phong cách, ý thích của mình. Cái riêng càng rõ nét, càng hình thành phong cách riêng, càng có phong cách riêng thì càng nhiều người thích... Vấn đề là ai sẽ đem đến cho nghệ sỹ những phương tiện, điều kiện để họ thực hiện được nguyện ước của họ chống lại sự tẻ nhạt, và làm được một số lựa chọn trong đời sống?

    Ừ nhỉ, đã lâu lắm rồi không có những câu hỏi, những tranh luận hay như xưa. “Người ta có thể tạo ra một tác phẩm không có tính nghệ thuật được không?” Sao không thể có những tranh luận trả lời cho những câu hỏi đó?

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #11 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2013, 07:21:19 am »



 
  Những người lính mãi bé thơ

    1. Mùa đông 1966, bên hồ Thiền Quang (Hà Nội), dưới những cây đề rụng lá, có một cậu bé 15 tuổi gầy nhẳng, cổ cao, chân dài, vai khoác túi lưới đựng một quả bóng da vá những miếng chằng chịt với nhau bằng những sợi giây thép nhọn hoắt. Cậu rảo bước cùng lũ trẻ con đen đúa, lấm lem, nhễ nhại mồ hôi sau trận đá bóng ở hồ Bẩy mẫu, trở về nhà... Cậu bé cúi xuống lòng đường Trần Nhân Tông, nhặt lên một mảnh bom bằng gang dài chừng 15cm, rỉ sét, cạnh sắc lưa tưa. Đó là mảnh vỡ của những trái bom đầu tiên Mỹ thả xuống Hà Nội. Mảnh bom đó cậu bé giữ mãi...

    Sau cái ngày cậu nhặt được mảnh bom lên, hàng vạn trái bom Mỹ tiếp tục quăng xuống quê hương Việt Nam, lấy đi hàng nghìn vạn sinh mạng đồng bào cậu... Gần 50 năm sau, biết bao trái bom mìn còn chưa nổ, còn nằm im trong lòng đất...

    Cũng vào những năm giữa thập niên 60 đó. Đầu bên kia bán cầu, ở Bostol (Mỹ), phía Đại Tây Dương (cũng có thể là San francisco phía Thái Bình Dương), một lũ nhóc tóc vàng hoe, có đứa tóc bạch kim, tuổi trạc 15, 16 đang trượt pa-tanh trên đường phố. Nhìn chúng cắp nách những bàn trượt bóng lỳ bằng gỗ tần bì có in hình ông Già Tuyết, “đi” những cú điệu nghệ mà nếu không có độ dẻo của tuổi trẻ, chắc gãy xương như chơi..., không một ai có thể ngờ rằng, lũ trẻ đó, dăm bảy năm sau thôi, lớn bổng.

    Trong bộ quân phục tiện dụng, đầu đội mũ sắt bọc lưới, balô tiện nghi cho cả một gia đình trên lưng, áo giáp che ngực, giầy đi rừng, AR15 cực nhanh, la bàn, lương khô, thịt hộp, viên lọc nước, dao đa năng..., “lũ nhóc lớn bổng” đó đổ bộ xuống một cánh rừng, một bãi biển, một mỏm đồi lúp xúp cỏ gianh..., giao chiến với chiến sỹ Việt Nam, AK trên lưng, mũ tai bèo, dép cao su và bộ Tô Châu xanh lúc nào cũng đẫm mồ hôi.

    Trong số chiến sỹ ta có cả lũ trẻ tóc đen da nâu mồ hôi mồ kê nhễ nhại ngày nào đá bóng trên đường Hà Nội, đã kịp lớn lên, cường tráng.

    Rồi lính Mỹ đói, khát, nằm rừng, phục kích, tắm truồng dưới vòi phun nước từ trực thăng chở nước sạch từ Đà Nẵng ra... Rồi tổ ba người của ta lọt sâu vào địch hậu, cơm nắm hết, lương khô hết, phải ăn lá rừng, đêm hứng giọt sương uống, vì nguồn nước đã bị nhiễm chất độc dioxin. Rồi phi pháo đại bác rót ầm ầm, “Vua Chiến trường” khai hỏa trước. Trực thăng ào ào đội hình 10 chiếc một, ập đến như cơn lốc. Quân Mỹ đổ nhanh, chụp xuống cánh rừng lá đỏ thấp thoáng những mũ cối, mũ tai bèo lính ta... M72, M16 - súng cối địch nổ chát chúa... Những lính ta, những bè bạn xưa cùng phố gọi nhau. Bộ đàm hét inh ỏi... Quân đối phương kêu pháo cấp tập, cấp tập, rồi gọi trực thăng cứu thương. Rồi B52 tới.

    Lính tăng ta được lệnh vào tăng... Bom rơi chệch xe thì còn, “cả cái” trúng xe thì đi luôn cả xe. Nằm ngoài xe còn nguy hiểm hơn.

    Rồi quân Mỹ phản chiến. Đánh nhau chí chết. Quân ta ẩn hiện, ban đêm luồn vào căn cứ “thịt” lính Mỹ. Chúng trả đũa dã man bằng cách giết hết cả làng, toàn đàn bà trẻ con... Nhẫn tâm quá... Phản chiến! Bị chỉ huy nhốt vào côngtenơ 2 ngày dưới cái nóng trung phần, đỏ như tôm luộc.

    Rồi lính ta vào Cổ Thành, cho địa chỉ gia đình quê quán vào lọ penicilin, bọc nylon ra ngoài, trao đổi cho nhau, thằng nào sống nhớ đem về quê thằng chết. Rồi mưa rừng, vắt cắn, hổ vồ... Khổ quá! Quân đối phương chỉ mong hết chiến sự, về Sài Gòn xả láng...

    2. ...Thì tôi đã nói rồi, chiến tranh mãi cũng đến ngày kết thúc. 1975 cờ hoa. Chợ quân trang quân dụng trút ra từ tổng kho Long Bình, đồng hồ Senkô, máy ảnh Canon, trút ra từ các tiệm hàng kính vỡ toang hoác... May thành phố không nát vụn ra như Berlin sau đại chiến hai.

    Mãi mười mấy năm sau, phía Mỹ mới tổ chức được một cuộc triển lãm hội họa “Cái nhìn từ hai phía”! Những chú bé năm xưa đá bóng và trượt pa-tanh, trở về từ chiến trường, người học hành, người lao động kiếm sống... Họ đã tham gia triển lãm này, khai mạc tại Boston, đi vòng 15 bang lớn rồi bế mạc tại Hà Nội.

    Hôm bế mạc, họa sỹ lính hai nước gặp nhau, tóc muối tiêu, bình lặng vẻ bên ngoài... Trong khán phòng, giới thiệu danh tính, các họa sỹ Mỹ tròn mắt ngắm “Việt Cộng” năm xưa giao chiến. Toàn những ông hiền khô, có phần bẽn lẽn. Những người lính hai bên lúc tâm tình, y hệt lúc quẳng trái bóng hoặc bàn trượt pa-tanh ra một góc, mày tao ông ổng, dường như chưa có cuộc chiến nào nằm giữa khoảng thời gian từ lúc họ gầy nhẳng, mặt đầy lông tơ tới khi họ biến thành những cựu chiến binh phong trần, từng trải. Nhưng cuộc chiến đã để lại “chiến tích” nặng nề cho quân cả hai bên! Có bao điều không bao giờ, không có ai có thể tính đếm được, bù đắp được.

    3. Năm 1991, chính ở Boston (Mỹ), tôi nhận được một cú điện thoại của Denis Staout, cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, nay là thợ điện sống ở Hawai. Qua xem tivi, anh biết tôi vừa đến Mỹ (ngày ấy, từ Việt Nam đến Mỹ rất khó, nhất là cựu chiến binh). Và người cựu chiến binh ấy liền bay 5000 mai (khoảng 5000 km) từ Hawai đến Boston, chỉ để ăn cùng hoạ sỹ Dũng một bữa tối, trao cho anh cựu chiến binh ấy một kỷ vật chiến tranh - là chiếc vòng đeo cổ có gắn đầu con sơn dương bằng bạc... “Chiếc vòng này, mẹ tôi đã quàng vào cổ tôi ngày sang Việt Nam ở sân bay, như một lá bùa hộ mệnh. Từ cuộc chiến trở về, hằng đêm tôi không thể ngủ yên khi nhớ lại. Sự khốc liệt, những gương mặt người... Bà già, con trẻ... Rồi những “Việt cộng”, những du kích lọt vào tay bọn tôi, những đàn ông hàm vuông, môi dầy, vai rộng, chân ngắn, da ngăm đen, trước mũi lê của bọn tôi không khai một lời... Tôi trở về, chỉ mong có ngày sẽ trở lại dải đất hình chữ S, chiến trường năm nao tôi đã nướng tuổi thanh xuân vào mưa rừng, nắng lửa xứ ấy. Tôi tính tặng lại chiếc vòng này cho người “Việt cộng” đầu tiên tôi gặp...”, Denis Staout nghẹn lời với tôi.

    Tôi cầm chiếc vòng kỷ vật lên. Một sợi dây da màu đen săn lại bởi thấm mồ hôi và mưa gió. Hai đầu dây hai móc sắt, chính giữa là đầu một con sơn dương to cỡ ngón tay cái, đúc nổi rất tỷ mỉ, tinh xảo, những góc sừng cong vút ở chỗ lõm đen kịt lại, phần lộ ra sáng bóng, có chỗ mòn vẹt... Sợi dây có đầu sơn dương bạc đi qua chiến tranh ấy gợi nhớ những hòn bi ve trong vắt, mòn vẹt, những đồng hào khắc Bà đầm xoè mòn vẹt, sáng bóng của bọn tôi năm xưa, ngày ham đánh đáo đánh xèng thơ bé.

    Denis Staout vẫn nói như chìm trong hồi ức, thỉnh thoảng khịt mũi như vừa chơi xong với bọn tôi một trận giả, chờ phân thắng bại... Cạnh Denis, William Short cũng lắng nghe, thỉnh thoảng đệm vào một câu... Trận đánh thật ở tuổi thanh xuân, “trận giả” tuổi ấu thơ, những đứa trẻ trượt pa-tanh, những đứa trẻ đá bóng, lao đầu vào nắng lửa mưa rừng... ranh giới quá rõ ràng. Mà trận thật tuổi thanh xuân tàn khốc quá, bút mực nào đếm xiết...

    4. Ở bang Main (giáp Canada), tôi đã gặp Kewill, từng là thượng sỹ thám báo tham chiến tại Plâycu (Tây Nguyên). Anh ta nghe nói có một người lính Việt cộng vừa tới và muốn gặp. Tôi có thể từ chối cuộc gặp đó vì người cựu chiến binh này đang mắc bệnh tâm thần! Đó là một người cao gần 2 mét, tóc xõa chấm vai bết lại, quần áo xộc xệch, đặc biệt hai bàn tay rất to, vảy đóng cóc cáy từng lớp. Dân làng ở đó nói với tôi rằng, từ Việt Nam Kewill trở về Main, hằng đêm vẫn mơ thấy lửa cháy, thấy máu, thấy đạn nổ... Vợ anh đành bỏ anh đi, không một lời. Mẹ già đã mất. Anh sống bằng lòng hảo tâm của dân làng, lúc nhớ lúc quên...

    Tôi lấy ra một chiếc vòng xương đem theo từ Việt Nam, chiếc vòng cuối cùng có gắn một đóa hồng chạm từ xương động vật, tặng và nhìn thẳng vào mắt anh... Từ tròng mắt xanh đục, ứa ra những giọt nước mắt. Đột ngột Kewill quì trước tôi, run rẩy nói: “Thế là tôi thanh thản được rồi, tôi đã được một Việt cộng tha thứ, tôi đã có một đóa hồng...” Anh gào lên: “Tôi thanh thản rồi!...”. Tôi khóc, các cựu chiến binh Mỹ ngồi quanh đều khóc. Dường như anh ấy đã tìm được sự bình an, yêu lại được bản thân mình, đã nhìn ra được những điều đặc biệt của bản thân và của người khác. Tôi hy vọng anh ấy sẽ lại thấy tự tin. Biết yêu thương mình thì sẽ biết yêu thương người khác. Đức Phật mong cho tất cả nhân sinh trên cõi thế này chỉ hai chữ “thanh thản” mà thôi! Bình an, thanh thản, giản dị là chúng ta đã tạo lập mối quan hệ tốt đẹp với nhau, với tình yêu và sự thông hiểu. Bình an trong một con người chỉ có được trong trạng thái tâm trí không có sự lo sợ, mệt mỏi, stress… Bình an đương nhiên là phải vắng bóng sự bất an. Chúng tôi đã làm cho mình mạnh mẽ, làm mạnh mình bắt đầu từ tâm trí…

    5. Lại hai mươi năm nữa trôi đi. Những đứa trẻ bây giờ đã già lắm rồi, tóc không còn hoa râm nữa, bạc nhiều rồi, bệnh tật tàn phá cơ thể, nhiều người đã ra đi. Thế mà những đứa trẻ năm xưa, sau cuộc chiến Việt Nam, vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh. Chả cứ bọn trẻ ở Mỹ, bọn trẻ ở các nước cùng tham chiến, Úc, Nam Hàn, ... cũng thế.

    Kể từ cái ngày tiếng súng cuối cùng của chiến tranh bặt tắt, 34 năm sau (số thời gian gấp đôi tuổi lũ trẻ trượt pa-tanh và đá bóng) ở Sydney - Úc một trung tâm văn hóa, bảo tàng có tên là Casula Powerhouse lại tổ chức một cuộc triển lãm lớn về đề tài chiến tranh Việt Nam dưới cái tên “Nam Bang” (Tiếng nổ ở Việt Nam) tháng 4 năm 2009... Lần này, khác triển lãm “Cái nhìn từ hai phía” ở Mỹ do William Joiner Center tổ chức lần trước, là đề tài về hậu chiến nhiều hơn và hình thức biểu diễn đa dạng hơn...

    Trong cuộc “hành quân” tại Úc lần này, tôi đã gặp nhiều đứa trẻ như thế, và gặp cả William Short, lính chiến trong Sư đoàn Anh Cả Đỏ (Mỹ) năm xưa, người đã từng chống lệnh hành quân 1969 ở Bến Cát và bị nhốt vào côngtenơ, người đã cùng tôi tham gia “Cái nhìn từ hai phía” ở Boston ngày ấy.

    Người đầu tiên là chuẩn úy bộ binh Ray Beattie, gốc Ailen, dáng gầy nhẳng, từ cuộc chiến trở về, vợ bỏ, sống bằng trợ cấp cựu chiến binh, làm họa sỹ. Nhiều năm sau, hai chữ Việt Nam không dứt khỏi đầu được, lại lấy vợ là một phụ nữ Việt Nam, chị Bội Trân. Chị là nhà nghiên cứu nghệ thuật đã cùng anh chồng cựu chiến binh lập dự án tổ chức triển lãm“Nam Bang”.

    Cuộc sống của vợ chồng họ ở mức vừa phải, nhà thuê, xe trả góp... Bao nhiêu tiền dành cả vào các hoạt động vì Việt Nam. Ngày chia tay, chuẩn úy bộ binh Ray năm xưa tặng tôi một tấm ảnh đen trắng đặc biệt - Dưới rừng cao su nhiệt đới, Ray với AR15 trong tay và quân phục lính Úc đang xung phong... Anh hồn nhiên kể cho tôi nghe về chiến tích sau trận ấy, về những huân chương, y như bọn trẻ kể về cách đánh trận giả thủa ấu thời. Anh lái xe đưa tôi đi thăm Bảo tàng lịch sử Quân sự Úc ở Thủ đô Calbera, một bảo tàng hiện đại mà vào đó, gió cánh quạt trực thăng, cỏ lau cháy rạp, mùi khét lẹt của thuốc súng, âm thanh gầm rú của 10 chiếc trực thăng trong chiến đoàn trực thăng vận đang đổ quân, đạn pháo nổ, bộ đàm gào thét, liên thanh cấp tập... Trên màn ảnh rộng, rừng cây rạp xuống. Tôi xem và âm thầm khóc... khi thấy lấp ló trong bóng lá rừng ngày ấy là những chiếc mũ cối của đồng đội tôi... Không biết trong số họ, ai còn ai mất tới ngày nay...

    Ra khỏi phòng triển lãm, thấy mắt tôi đỏ hoe, Ray tỏ ra ân hận, như ngày xưa tụi trẻ vẫn thương tôi mỗi khi chúng ra đòn nặng trong những lần “trận giả”. Nhưng cái giá chúng tôi phải trả đâu phải như trận giả ngày thơ dại!

    Người thứ hai tôi gặp ở Úc là Trevor, một họa sỹ biếm họa, mang đến Nam Bang một tác phẩm đồ sộ gồm hơn 400 bức biếm họa. Định cư tại Tây Úc, độc thân, ông họa sỹ cựu chiến binh này mới thật đúng là trẻ con, đúng hơn ông là một trong “những đứa trẻ không biết già”, “những người già còn trẻ mãi”, vô tư, hồn nhiên. Khi nghe Trevor kể về các cuộc hành quân có chó becgiê dẫn đường săn lùng Việt cộng (anh là sỹ quan cảnh khuyển), hay khi nhìn ông cần mẫn dùng đinh ghim, găm hơn 400 bức biếm họa lên tường như ngày xưa huấn luyện chó, săn Việt cộng, lòng tôi tê tái, buồn vui lẫn lộn.

    Nhìn Trevor và Ray ăn, tôi thấy như gặp lại tụi trẻ trong đội bóng đá của chúng tôi năm xưa ăn bánh rán hồ Ha Le hoặc ăn kem Tiến Đạt phố Yết Kiêu ngày nào, hì hà hì hục, suỵt sà suỵt soạt... Ăn mà hùng hục như thế thì chỉ có lũ nhóc mà thôi!

    6. Sân bay Sydney. Chỉ còn vài phút nữa là tôi đã phải chia tay rồi, đứng kia là Short, lính Mỹ, và đây Ray , Trevor, lính Úc! Tôi kiên quyết nghiến chặt răng, quay gót ra sân bay... Chị Bội Trân và vợ con Short có cho tôi là người dứt tình, lạnh lùng không? Tôi không biết nữa, nhưng tôi phải kiên quyết thôi, vì biết, chắc chắn, nếu còn nán lại, còn nán lại, tôi sẽ khóc nấc lên mất...

    Những người lính chúng tôi, sao lại mau nước mắt như thế? Lúc xách cái valy lên, tôi thấy Trevor cũng khóc, cả Ray, cả Short nữa... Có lẽ bởi vì thăm thẳm những lính già chúng tôi, những góc bé thơ vẹn nguyên mãi mãi?

    30/4/2010

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #12 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2013, 07:45:11 am »

HỘI HỌA BẮC MIỀN TRUNG
NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN


Nhìn trên bản đồ, Tổ quốc thân yêu của chúng ta giống như một cái quang gánh, với hai thúng thóc ở hai đầu là hai vựa lúa châu thổ Sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long. Trong suốt hơn hai thập kỷ chống Mỹ gian nan, khốc liệt mà không một tấc đất nào trên dải đất này không ghi dấu chiến công anh hùng... Tuy nhiên, sự mất mát dữ dội nhất lại rơi vào người gánh. Về phương diện địa lý, đó chính là khu vực Bắc Trung bộ (bao gồm các tỉnh từ Thanh Hóa vào tới Thừa Thiên - Huế). Có thể tôi hơi thiên vị trong việc so sánh vì đây là mặt trận tôi có mặt trong cuộc chiến, và còn vì mọi sự so sánh đều vô nghĩa với bao sự tích anh hùng của dân tộc... Và trong chiến công chung đó, giới họa sỹ đã đóng góp một phần không nhỏ.

Với địa hình hẹp (quãng hẹp nhất ở Quảng Bình chỉ rộng gần 50km). Độ dốc lớn, quanh năm gió Lào, cát nóng, khí hậu khô cằn... Đã tạo nên tố chất của con người vùng đất này có những cơ thể săn chắc, đen sậm, vai rộng, tay dài và ý chí kiên cường, bền bỉ, chịu đựng gian khổ vô biên. Cũng do những biến cố lịch sử để lại, con sông Bến Hải trở thành ranh giới chia cắt hai miền, và như ta đã biết, nơi “giáp ranh” mọi sự trên đời đều là nơi ác liệt nhất. Ngay từ năm 1960, tôi đã nghe đến cuộc đấu cột cờ ở chân cầu Hiền Lương, hai bên thi nhau xây cột cờ cao hơn và cuối cùng phe Bắc thắng với cột cờ cao 36 mét. Cùng thời gian đó, các họa sỹ miền Bắc từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam đã vào tận Vĩnh Linh vẽ tranh cổ động tại chân cầu cổ vũ tinh thần quân dân giới tuyến và cả nước.

Từ năm 1964, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, khu vực bắc miền Trung trở thành cái túi bom bởi toàn bộ các tuyến đường xuất phát tiếp tế người và vũ khí, lương thực đều từ đây. Có thể nói, tất cả các thành phố, các tuyến đường từ Thanh  Hóa vào đến Vĩnh Linh đều “nát bét”. Ngay lập tức, thầy trò mỹ thuật hai trường (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và Trường Mỹ thuật công nghiệp) đã cử nhiều đoàn vào vẽ trong tuyến lửa, cùng ăn, ở và chiến đấu tại các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong và dân quân du kích địa phương. Các thầy cô Huy Oánh, Giáng Hương, Đỗ Hữu Huề, Trọng Cát, Lê Thiệp, Lợi Hoan Trang, Nguyễn Thụ đã nhiều lần đưa học sinh, sinh viên vào nơi tuyến lửa ở Đò Lèn, Hàm Rồng, Quảng Bình, Vĩnh Linh... ký họa dưới bom đạn đỏ trời, các thầy cô cao tuổi chí khí cũng không kém, thầy Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đức Nùng... dẫn học sinh vào tận Hồ Xá, Vĩnh Kim để vẽ quân và dân khu 4 sống và chiến đấu, nhiều ký họa và tác phẩm đến bây giờ ta không thể quên: “Lão du kích Hoàng Trường” của Đinh Trọng Khang, “Ngư dân Quảng Bình” của Đỗ Hữu Huề, “Trăng lên” của Nguyễn Văn Chung, “Trạm giao liên Trường Sơn” của Vũ Giáng Hương, “Bác vẫn cùng chúng cháu Hành quân” của Nguyễn Thụ và Huy Oánh, “Cầu Hàm Rồng” của Huy Oánh, “Sẵn sàng chiến đấu” của Quang Phòng... Trong gian khổ cực kỳ của cuộc chiến, nhiều đoàn sinh viên hành quân vào chiến trường bằng xe đạp, uống nước hố bom, nhiều học sinh sau đợt thực tập muốn ở lại cùng chiến đấu với các chiến sỹ, rồi về học sau..., nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã xung phong vào nơi tuyến lửa, nằm sâu công tác vùng này, vẽ và chiến đấu như những người lính thực thụ: họa sỹ Nguyễn Vinh tại Quảng Bình, họa sỹ Phạm Thanh Liêm, Nguyễn Hữu Song tại Vĩnh Linh, họa sỹ Lê Hàn tại Nghệ An...

Trong các mũi nhọn luôn có mặt trên trận tuyến hội họa ở bắc miền Trung thời chống Mỹ không thể không kể đến lực lượng hội họa trong quân đội, ngoài lực lượng được cầm bút chuyên nghiệp như các họa sỹ: Quang Thọ, Văn Đa, Huy Toàn, Phạm Thanh Tâm, Phạm Lực, Đinh Rú, Trần Thành Công, Quách Đại Hải, Phạm Việt... trên Phòng Văn nghệ quân đội...  Để lại trong lòng người yêu hội họa, những tác phẩm khó quên như: “Cồn Cỏ” của Quang Thọ, “Hành quân” của Văn Đa, họa sỹ Phạm Lực do yêu cầu của công tác mà chỉ sau một đêm đã vẽ xong 1 tranh cổ động cỡ lớn treo phục vụ chiến đấu trên vách núi. Ngoài ra còn phải kể đến lực lượng các họa sỹ trực tiếp cầm súng chiến đấu trong các đơn vị mà các anh chỉ có thể vẽ trong quãng nghỉ dọc đường hành quân, sau trận chiến đấu như: Phạm Mai Châu, Hoàng Tích Minh, Lê Duy Ứng, Trần Lê An, Nguyễn Hải Nghiêm, Trần Luận Tín ở sư đoàn 325 nổi tiếng, nhiều người đã hy sinh như Hồ Nia, Lê Minh Trịnh, Hoàng Tích Minh, Quách Thiện Thuật... Binh chủng công binh có Thành Chương và Tường Huân vừa tháo kíp bom xong là ký họa ngay với những bức chì than khó quên, binh chủng Thông tin có Nguyễn Cương, Phạm Ngọc Liệu, Thiết giáp có Lê Trí Dũng, Thế Hữu ở pháo binh, Phạm Ngọc Doanh, Nguyễn Đức Thọ, Đặng Chung, Đỗ Hiển, Vũ Huyên... ở Phòng không - Không quân. Nguyễn Trọng Đoan ở cao xạ pháo bảo vệ Hàm Rồng... Trên dải đất Bắc Trung bộ còn có một mặt trận vô cùng khốc liệt, đó là tuyến đường Trường Sơn, đường 559 anh hùng, để chặn tuyến đường huyết mạch này, Mỹ đã ném vào đây số lượng bom bằng hàng chục quả bom nguyên tử, chính tại nơi này, lực lượng hội họa của chúng ta cũng có mặt, hẳn người yêu hội họa những tháng năm gian khổ còn nhớ triển lãm tại Hà Nội ký họa của Bùi Quang Ánh, Hoàng Đình Tài với những tác phẩm “tuyệt chiêu”, ngoài ra còn có Đức Dụ, Ngân Chài với những ký họa mà sau này các anh dựng thành tranh lớn, “Giữa rừng” sơn mài của Hoàng Đình Tài, “Cổng Trời” sơn dầu của Đức Dụ, “Pháo qua Long Đại” khắc gỗ của Ngân Chài. Tất cả các anh đều mang theo trong mình trái tim người họa sỹ trong hình hài người lính. Nhiều bức ký họa tại chiến trường sau này trở thành những tư liệu quý để đẩy lên thành tác phẩm: “Vượt Trọng điểm” sơn mài của Lê Trí Dũng, “Trường Sơn năm ấy” sơn khắc của Phạm Ngọc Liệu, “Nối mạch máu thông tin” sơn mài của Nguyễn Cương, “Thành cổ 1972” sơn dầu của Nguyễn Hải Nghiêm, “Pháo chuyển làn” sơn dầu của Thế Hữu, “Trong lòng đất” sơn mài của Phạm Việt... Nhiều họa sỹ của Trường Mỹ thuật đã nằm sâu hàng 6 tháng trời tại tuyến đường này như: Đoàn của thầy Huy Oánh và các sinh viên Vũ Tấn Bá, Ca Lê Thắng, Nguyễn Văn Chư...

Tới đây, tôi thật sự trách mình vì kiến giải còn hạn hẹp nên không thể kể hết ra đây được tất cả các họa sỹ từng tham chiến trên mảnh đất anh hùng này. Năm tháng trôi nhanh, vật đổi sao dời, giờ đây mỗi lần trở lại qua những địa danh một thời trai trẻ bao giờ tôi cũng bổi hổi bồi hồi: Hàm Rồng, Truông Bồn, Đồng Lộc, Ba Đồn, Vĩnh Kim, Vĩnh Chấp, Vĩnh Nam, Hồ Xá... Hàng rào điện tử Mắcnamara không còn nhưng Dốc Miếu còn đó, Cầu Hiền Lương vẫn còn đây với dòng Bến Hải lặng lẽ trôi, vẳng đâu đây như còn tiếng hát của chị Tân Nhân với bài hát nổi tiếng “Câu hò bên bến Hiền Lương” năm xưa. Và cùng những cảm xúc đó, hình ảnh các họa sỹ từng lăn lội tại mảnh đất này lại hiện lên trong tôi như những kỷ niệm máu thịt không quên./.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2013, 08:59:58 am »

BÀI HỌC LÒNG NGƯỜI

TRỐNG RỖNG 1

Lúc 8 tuổi, đại lý sách gia đình nhập một loạt sách truyện Dân gian các nước của Nhà xuất bản Kim Đồng [loại quanh bìa sách có tia  sáng bao quanh]. Có một truyện tôi không nhớ của nước nào… Nói về lòng người! Đại để câu chuyện thế này: “Ở xứ nọ có 10 ông lão chơi thân với nhau. Ngày nọ, mười ông hứng khởi bàn nhau tụ họp uống rượu vui chung…Vào một ngày đẹp trời, các cụ hẹn nhau tập trung ở nhà ông lão có bộ râu dài nhất. Mỗi cụ đem theo một bình rượu và cùng đổ chung vào một cái bình lớn, sau đó ông lão có bộ râu dài nhất sẽ múc ra 10 cái cốc cho 10 cụ cùng thưởng thức…Khi đến chỗ tụ họp, ông lão râu quai nón đem theo một bình nước lã, bụng nghĩ: “Bình nước lã của ta nếu đổ lẫn với 9 bình kia thì sẽ chả ai phát hiện ra được…” Rủi thay, ông lão râu ba chòm cũng nghĩ và làm như thế. Ông lão có ria mép, ông lão  râu thưa, ông lão râu vểnh, ông lão râu hùm, ông lão râu quặp, ông lão râu ghi đông… và cả đến ông lão chủ nhà râu dài tới rốn cũng nghĩ và làm như thế…Lúc múc rượu ra uống, cả 10 ông đều …uống nước lã nhưng cả 10 ông đều nắc nỏm khen rượu ngon… Ngày ấy, đọc đến đó tự nhiên cảm giác trống rỗng ùa vào lòng. Như là sụp đổ một cái gì!

   TRỐNG RỖNG 2

Tôi còn nhớ, truyện này tôi đọc hôm trước khi lên đường nhập ngũ. Truyện kể về một cuộc báo thù! Vì hơi dài nên tôi xin phép độc giả tóm tắt đại để như sau: Ở một làng vô cùng hẻo lánh nọ xứ Phù tang có một lớp học. Cả làng có duy nhất một thầy giáo vì y là người duy nhất biết chữ giữa những người nông dân chất phác. Y có một cái tật là rất hay say rượu. Khi say, y hay đánh học trò…Những người nông dân bực tức nhưng không biết làm gì chỉ vì  không có y thì  không có ai dạy chữ cho con cái họ. Một ngày nọ, trong cơn say mất trí, y lấy cái liềm đánh vào cổ một bé gái, không may cứa đứt động mạch chủ làm em bé tử vong…Tỉnh rượu, y vọt khỏi cửa chạy trốn! Cha em bé, sau khi chôn cất con gái, lẳng lặng gói  túi quần áo, cất cái liềm đẫm máu vào bọc và lên đường đi tìm kẻ thù. Cuộc truy tìm tên giết người cực kỳ gian nan vì cứ mỗi lần ông sắp tóm được hắn, hắn lại biến đi như có ma báo nguy hiểm cho hắn…Nhiều năm trôi đi… cả hai người đều đã già. Cuộc săn đuổi đã dẫn họ trôi đến hòn đảo lớn thứ 4 của đất nước… Họ đã cùng phải âm thầm chịu đau khổ như nhau, cùng phải quần quật làm thuê để kiếm sống, cùng phải ra sức đánh hơi nhau… một để báo thù và một để chạy trốn…
   Cuối cùng, cả hai dạt đến một hòn đảo, hòn đảo hẻo lánh nhất trong quần đảo nhỏ nhất của quốc đảo bé nhất. Người cha đã như sờ tay vào kẻ thù…mặc dù y đã khôn ngoan như một con cáo, tìm đến ở nhờ trong một túp lều rách nát của một bà lão mù ăn mày, chỉ đến đêm mới mò ra bến cảng bốc vác thuê  kiếm tiền sinh nhai, ban ngày ngủ vùi âm thầm lẩn trốn. Người cha tìm đến tận nơi, tận túp lều của bà lão ăn mày, rút cái liềm ra và sờ vào cái ổ nằm của tên giết người như vẫn còn hơi ấm…Bà lão chậm rãi nói với ông rằng: Hăn vừa mới chết ngày hôm qua do cảm lạnh, vì tứ cố vô thân nên chính quyền sở tại đã… “Thủy táng” hắn!
   Trống rỗng!

TRỐNG RỖNG 3

Bạn tôi, một họa sỹ cựu chiến binh. Con gái anh cũng theo nghiệp cha, cháu sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Nghị lực, trong sáng và hoài bão lớn lao…Được giữ lại trường giảng dạy với cháu như là một phần thưởng nâng đỡ cháu phấn đấu! Năm ấy, ông trưởng phòng bảo cháu: “Phòng ta có 7 người, trên muốn có điển hình tiên tiến và chọn phòng ta lấy một chiến sỹ thi đua. Phải trẻ. Tôi già rồi, đã có tham khảo mọi ngưỡi thấy chọn cô là hơn cả vì nhiệt tình công tác, vì năng lực chuyên môn, nhưng nguyên tắc là phải bỏ phiếu kín ta nên làm cho đủ thủ tục báo cáo… Sau hôm bỏ phiếu kín, cháu thút thít kể với tôi trước mặt cha mình: “Cháu không nghĩ là cuộc đời lại như thế… Vì tự trọng, cháu không bỏ cho mình rồi, ông trưởng phòng chắc ủng hộ cho cháu vì thành tích chung của phòng và số phiếu thật không ngờ, đó là 1 trên 7 trước cuộc họp mọi người vẫn ôm hôn thắm thiết và ca ngợi cháu mà… Cháu không thể ở lại cái tập thể này được. Trống rỗng, đáng sợ quá!

TRỐNG RỖNG 4.

Thế rồi cháu tôi cạy cục chuyển được sang một Viện nghệ thuật. Bên đó có sẵn cô bạn thân đã là đảng viên, găp nhau, tay bắt mặt mừng… “Cậu yên tâm, với tài năng và ý chí như cậu, có tớ bên cạnh sớm muộn cậu cũng được đứng trong tổ chức, vào rồi thì mới tiến được…Thế rồi, tháng này qua tháng khác, năm nọ kế năm kia… Cô chả thấy chi bộ đả động gì cả mặc dù giấy chuyển sinh hoạt đối tượng từ đơn vị cũ đã nộp đầy đủ cho cô bạn thân… và thỉnh thoảng cô bạn cũng có đưa đẩy: kỳ này đang xét… hoặc… đợt tới trên làm khắt khe lắm… Cho đến một hôm. Bí thư chi bộ tình cờ gặp cô và hỏi thẳng: “Sao cháu phấn đấu tôt như thế mà không thiết tha gì vào Đảng à?”. Cô choáng người, không nói lên lời. Hóa ra, vì nếu giúp cô vào Đảng thì cô bạn thân thiết yêu quí sẽ gánh thêm một vật cản trên bước đường thăng tiến của mình… Cô cháu gái mất hết niềm tin vào cuộc sống… Ngay sau đó, lại tìm cách “di trú” một lần nữa, lần này vào tuốt thành phố Hồ Chí Minh… Chả biết rồi cháu tôi còn phải di trú bao nhiêu lần nữa trong cuộc đời này? Tôi thì thấy trống rỗng hoàn toàn…Nhưng hay nhất là sau khi nghe tôi kể lại chuyện này thì Trà, một học sinh của tôi, một thanh niên mạnh mẽ, cười sảng khoái và khỏe  khoắn nói rằng:  Lẽ ra chị ấy chả việc gì phải đi đâu cả, dưới cái Gầm Trời này thì ở đâu cũng thế thôi, khác nhau chỉ dưới hình thức này, khác mà thôi… Em thì em sẽ trụ lại, đánh đến cùng... Chả lẽ mình chân chính ngay thẳng lại sợ đứa tiểu nhân à?

   TRỐNG RỖNG 5

Trên đây, tôi đã điểm qua một vài trống rỗng của bài học lòng người… Nhưng ở đời lại có nhiều cái trống rỗng rất…hay! Tháng tám, mùa thu, tôi đang cày cục minh họa mướt mồ hôi thì máy di động tút tút, báo hiệu một tin nhắn…Đó là tin của Nguyễn thế Tường cựu binh thiết giáp, bạn thân tôi từ  Đồng hới nhắn ra [xin phép Tường đăng nguyên văn]: “Nắng vàng như mật ong trải dài trong buổi sáng đầu thu, gió biển hiu hiu thổi…nằm dài trên phản. ĐẦU ÓC TRỐNG RỖNG. Mẹ kiếp! Khoái thật!”
   
   TRỐNG RỖNG 6

Chả biết viết gì nữa! Dường như có một chiếc thuyền nan nhỏ nhẹ, xinh xắn bay qua mặt Người. Trong thuyền rỗng không, trèo lên, bay đi là hết!

   Mùa thu - Nhâm Thìn.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #14 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2013, 07:58:51 am »

CHUYỆN TRANH IN LƯỚI


Hôm nọ, được Nhà Triển lãm Đương đại của Hội Mỹ thuật Việt Nam mời dự lễ tổng kết một trại sáng tác in lưới. Được biết đây là trại thứ mấy về in lưới rồi chứ không phải là đầu tiên do thầy Lê Huy Tiếp dạy... Trời nóng quá, cái nóng 50 năm mới có lại, lớp học trên tầng 3, thầy Tiếp đang lo “cháy” điều hòa nhiệt độ, học viên từ miền xa đến, ngoài việc học ra còn thù tiếp bạn bè xưa, còn thăm thú phong cảnh Thủ đô... Thế mà kết quả khá phong phú... Nhìn các bức tranh in lưới với kỹ thuật “Tây” Ban nha, với chất liệu mực đặc chủng, với chất liệu giấy 16 EURO một tờ (khiếp). Tôi không khỏi nhớ lại kỷ niệm in lưới xưa cách đây tròn 40 năm. Thì là nhớ lại cho vui thôi, như là đem ví cái “đài bán dẫn” ngày đó với một dàn âm thanh khổng lồ của “Tây ban nha” bây giờ. Tịnh không có một ý gì khác. Càng không phải “ăn mày dĩ vãng”.

Năm 1972, vừa về đến đơn vị, chân ướt chân ráo, tôi  nhận được lệnh, lên Phòng Văn nghệ Quân đội gặp họa sỹ Phạm Lực và Đinh Rú, học cấp tốc kỹ thuật in lưới ta mới du nhập được từ Cu-ba về để in một số tranh phục vụ các đơn vị xe tăng trên các mặt trận A, B, C, K. Hý hửng vì sẽ được vài  hôm gần nhà (vì phòng Văn nghệ Quân đội ở số 4 Lý Nam Đế). Nào ngờ, vừa xuất trình công lệnh xong, nhà thơ Xuân Thiêm, (lúc bấy giờ là phó phòng Văn nghệ Quân đội) nói: “Ngày mai cả cơ quan sẽ đi sơ tán ở Bún Thượng - Hà Tây, các cậu sẽ tổ chức lớp ở đó...”. Thế là lại ba lô con cóc... lên đường. Tôi và anh Đinh Rú trú trong một nhà dân, kế trước là nhà anh Phạm Lực trưởng nhóm, hai ngày đầu chỉ đào hầm tăng-sê, mười ngày sau học, chủ yếu là thực hành, kỹ thuật theo kiểu “đài bán dẫn”. Thì có cái gì đâu, chẳng qua là phác thảo (càng đơn giản càng tốt, đỡ chệch khi “lắp ghép”, và hình ảnh càng to càng tốt, đỡ mất chi tiết), bước tiếp theo là can và trổ thủng chế bản, bước ba là dán chế bản vào khuôn lưới và cứ thế đặt giấy vào, là gạt! Thế mà vẫn trầy trật lắm, ngày ấy mực in kém do công nghệ in lưới mới du nhập vào nước ta, in thử vài bản, đem treo ở sân hợp tác xã (nơi có bếp ăn quân dụng của phòng Văn nghệ Quân đội) mưa xuống, mực chảy ròng ròng xanh đỏ... đến khổ! Có lẽ nửa tháng học này điều an ủi tôi là chiều chiều được ra sân kho hợp tác xã đá bóng với đội Thể Công trẻ (có Ba Đẻn - Khánh - Giáp...) vừa đi học ở Triều Tiên về và cũng sơ tán cùng thôn). Anh Lực, anh Rú cho xem một số tranh do Cu Ba in, kỳ công phết! Bác Hồ ngồi câu cá trong hồ, cây cỏ đủ cả, trên trời mây bay, mặt trời mọc, sóng nước cá vờn... nhiều chi tiết, phải cái độ cao của phần có mực in khá dày, sờ gợn cả tay (có lẽ do giấy nến chế bản dày sẵn) tốn mực lắm! Hoặc chân dung Chê Ghêvara chỉ hai màu đen trắng, đẹp tuyệt! Chúng tôi báo cáo cấp trên là cơ sở cung cấp mực “rởm” quá, phải mua chỗ khác thôi... Thủ trưởng Xuân Thiêm nhìn tôi, cái nhìn “biết trước mọi sự việc”... bởi hơn ai hết, ông hiểu số phận của một người lính binh nhì dưới đơn vị chiến đấu trước cơn bão lửa Quảng Trị đang đến gần sẽ thế nào? Ông mời tôi và hai người con trai của ông là Tùng và Chương, (lên thăm bố) đi ăn “đặc sản” Sơn Tây, đó là món óc đậu (phần tinh tuý của đậu phụ) mà không đả động tí gì đến tranh pháo. Một cuộc chia tay khó quên. Còn hai thầy Phạm Lực và Đinh Rú, hai ông thầy dễ tính và đại khái nhất trần đời thì ba chúng tôi sau một bữa kẹo lạc, chè xanh ở Ngã Tư Gạch là tôi rong buồm thẳng cánh vào Quảng Trị, giao thông hào, lũy tre xanh, đồng lúa xanh xa tắp, mực in với chế bản... chỉ còn là những ký ức xa vời.

Nhưng ở đời vốn có câu “có vay có trả” mà cái số tôi không ăn không được của ai cái gì bao giờ, đã được đi học thì phải có kết quả chứ. Từ chiến trường ra, tôi được binh chủng giao nhiệm vụ in gấp 1000 tranh in lưới gửi các Lữ đoàn xe tăng, mỗi lữ 200 bức. Anh Ẩn, thủ trưởng trực tiếp bảo tôi: “Cậu về Hà Nội làm việc với Hội Mỹ thuật, họ rất ưu tiên lính đấy, còn việc tổ chức xưởng in, vật liệu, địa điểm... thế nào tuỳ ý, nhân lực chỉ mình cậu, để tớ hỏi xem may ra mấy thằng bên tổ chiếu bóng rỗi thì giúp...”.

Tôi về Hội Mỹ thuật ở 51 phố Trần Hưng Đạo, xuất trình công lệnh và yêu cầu công tác. Cụ Mai Văn Hiến thường vụ Hội ủng hộ ngay, lại còn mách cho chỗ mua mực in không “rởm”. Cụ rất khoái khi tôi “nghe lời Cụ” (chẳng là lần trước vào chiến trường, dưới bóng cây si cổ thụ, cụ cầm lấy hai vai tôi và dặn rằng: “Nhớ đừng để mảnh bom nó chạm vào người đấy!” và tôi đã tuân theo lời Cụ dặn). Mà kể cũng lạ, các Cụ ở Hội Mỹ thuật làm việc trong một nhà hầm thấp lè tè như hầm dã chiến, mái hầm nhấp nhô lượn sóng, vào cái kho hoạ phẩm của anh Xuyền còn chật chội hơn, thế mà công việc vẫn đâu ra đấy, các họa sỹ từ cực Nam, từ Trung bộ, từ các chiến trường A, B, C, K vẫn được hỗ trợ ào ào... Họ đến Hội Mỹ thuật như trở về nhà mình, thân thương, máu thịt...

Thế rồi, dưới một cái lều bạt quanh mấy gốc hồng ở một cái làng tên làng Gô, dưới chân Tam Đảo, dây thép căng ra, chẻ tre làm kẹp, hàng trăm tranh cổ động “Đã ra quân là đánh thắng”, “Tiến công liên tục - Nổi dậy mạnh mẽ”, “Sẵn sàng”... đã ra đời. (Tất nhiên là vẫn rất “đài bán dẫn” nghĩa là chữ đi đằng chữ, hình người đi đằng hình người, vì thế chả sợ khớp với không khớp). Chả biết trên Trung ương các anh đã tiến đến đâu rồi, nghe nói các đại họa sỹ đã biết “chồng” màu, một số tài danh đã trổ bản chi tiết đến từng kẽ lá, đến cả lời kêu gọi của Bác dài hàng chục chữ mà khi in vẫn đủ vẫn nét, rồi hiện thời đã du nhập vào ta mấy loại “lưới in” mã số khác nhau tạo nên các “ganh” khác nhau, rất mê hồn...! Còn mực thì khỏi nói, gần như in xong khô ngay... Tôi nhìn “dàn” tranh của mình, đã hai hôm rồi vẫn còn dinh dính. Hôm nọ may được thằng Dĩnh từ Thanh - hội (Quảng Trị) ra, cho cái dù pháo sáng, cắt ra vừa hai khung lưới, in tàm tạm dù hơi bị “bít”. Thôi thì liệu cơm gắp mắm, có xuống đơn vị mới thấy, một cái bưu ảnh, một bức tranh, một mẩu báo cũ, một sợi dây đàn... là quý vô cùng, thân phận mình Trung ương chẳng phải, đại ương thì không, thế này là tốt lắm rồi... Nhất là cái khoản vệ sinh tẩy rửa sau in, ở đâu phải tiết kiệm xăng chứ xe tăng chúng em cọ thoải mái, cái lưới in bằng dù pháo sáng rất hay “bít”, phải dùng xăng cọ ngay cho thông không thì không in được.

Nghĩ lại cái ngày ấy khổ thế đấy!

Sau đó, tôi còn phải cõng cả cục tranh in lưới mấy chục cân vào Gio-linh, rồi đạn pháo phang cháy cả tranh, thế mới biết, một cái tranh xuống đến tháp pháo xe tăng, đến hầm ngầm trong hào chiến đấu có khi phải trả bằng máu.

Một thời đã qua rồi, nghĩ lại vẫn sợ, không ai muốn thời ấy quay lại. Nhưng vẫn tự hào về nó.

Từ ngày ấy đến nay cũng đã 40 năm rồi còn gì.

Một chút liên tưởng, trong lúc chờ thầy Tiếp lên lớp trong cái nóng 400 và trong nỗi lo “cháy điều hòa nhiệt độ” của thầy.

Đại xá.

Hè 2012
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2013, 08:04:20 am »

MONG MANH TAM GIÁC ... BECMUĐA *


Kẻ viết bài này tuy là một người vẽ nhưng số phận trớ trêu lại cho làm phóng viên chiến tranh trong những năm tháng khoác áo lính. Lại nữa, chuyển ngành ra quân lại vào công tác tại Báo ảnh Việt Nam (một tờ báo cực “prồ” về ảnh, tập trung những tay máy xuất sắc của Thông tấn xã Việt Nam). Cầm bút viết những dòng về đề tài Nude trong lĩnh vực hội họa và nhiếp ảnh này không khỏi nhớ đến những kỷ niệm xưa...

Kẻ viết bài này có một người bạn gần gũi, đồng ngũ, đồng nghiệp, con dòng cháu giống hẳn hoi, học hành tử tế, đến nơi đến chốn... Phải cái rất mê sưu tầm... ảnh nude! Ngày ấy, tôi có ngó một số bức, thấy cũng thường (xách dép cho Playboy)! Thế rồi tai bay vạ gió thế nào, anh bị bóc lịch 4 năm (không thiếu ngày nào) chỉ vì tội “Lưu hành và tuyên truyền văn hóa đồi trụy”! Kinh hoàng! “Một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài”. Ra tù được một ngày anh đến tôi chơi, thản nhiên! Thì cũng đành đổ tại cái số chứ làm sao bây giờ? Gặp phải cái hạn “Sinh xứ kiếp không do như bán thiên triết sỹ” hoặc là “Thiên hình - Dương nhẫn cả hai / Hội cùng Kiếp sát nay mai vào tù” thì có mà chạy đằng trời. Đúng là hình ngục nan đào. Ấy thế rồi, cái nghiệp nó ngoặc vào thân, anh bỏ hẳn vẽ, dứt khoát! Mua máy ảnh, chỉ chuyên chụp... Người đẹp thôi. Nhưng bây giờ dứt khoát “chú là chú, cháu là cháu”, ký hợp đồng hẳn hoi, tiền thuê mẫu phân minh, và anh đã thực sự thành danh trong vận hội mới, nổi tiếng về chụp ảnh người mẫu và sống tốt (của đáng tội, là họa sỹ khi chụp ảnh cũng có được cái lợi thế về cắt cúp bố cục, tạo nguồn ánh sáng, ý tưởng sáng tạo và chớp thời cơ bấm máy do được học nhiều năm về hội họa). Đời một con người đầy bất trắc và mong manh như thế đấy. (Kẻ viết bài này nói như thế là bởi vì năm ngoái anh lại bị đại hạn chấn thương sọ não trong khi vác máy đi chụp dã ngoại) chắc lại gặp hạn... Thiên hình? Khổ!

Cách đây nhiều năm, chưa có ở đâu như ở ta, xem một cái ảnh hơi “lộ” cũng dấu dấu giếm giếm, xuỵt xuỵt soạt soạt. Nếu bị lộ là bị ngay tội “mất dạy”, “thiếu đứng đắn”! Các thành viên Hội đồng đi duyệt triển lãm hễ cứ thấy tác phẩm nào “hở” một tý là “hạ xuống ngay cho an toàn”... Bên hội họa dũng cảm hơn, cách đây vài năm đã có triển lãm tranh Nude của hai họa sỹ, dư luận đánh giá cao về cả nghệ thuật lẫn lòng dũng cảm! Nhưng rồi sau đó bị chìm đi trong “sự im lặng đáng sợ”. Thực ra thì có gì to tát đâu! Chẳng qua là số người thích thì nhiều nhưng bảo mua về treo nhà một người đẹp trần trùi trụi ra như thế thì... cũng khó! Mà họa sỹ cũng phải bán tranh để sống chứ! Bên ảnh thì khó khăn hơn, vì nó “thật” hơn, Thái Phiên xin triển lãm mãi không được. Lê Quang Châu xin triển lãm mãi không được! “Ảnh của cậu đẹp thật đấy, nhưng cứ tạm cất đi đã”. (Vì chả biết cho triển lãm có được cái gì không? tai bay vạ gió thì khổ).



Thực ra, các cụ tổ nhà ta không nghĩ rằng có một ngày hậu duệ của mình lại sinh ra “cẩn thận” đến thế. Khoảng 2500 năm trước, trên thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái) các cụ còn gớm tới mức đúc cả một đôi “trai trên gái dưới” như không trên mặt thạp đồng. Các thế kỷ sau, trên điêu khắc đình làng, các phù điêu chạm nổi cảnh thiếu nữ tắm truồng bên đầm sen, hội họa thì có “đánh ghen” “Hứng dừa” khá lộ.. Bên Tây cởi mở hơn, thời Phục Hưng cao trào nhất, trên tường nhà thờ, trong vòm trần Thánh Thất đâu đâu cũng thấy tranh khỏa thân, cả đàn ông lẫn đàn bà, vẽ theo lối tả thực rất gần nhiếp ảnh. Sau này cả trong Siêu thực, Lập thể, Ấn tượng, Trừu tượng hình tượng “khỏa thân” cũng được đề cập đến... Gần đây, ở Việt Nam ta, họa sĩ Tô Ngọc Thành năm ngoái cũng vừa in một quyển sách tranh nude của riêng mình. Nhà xuất bản Văn hóa thông tin cũng vừa cho ra đời 2 cuốn sách tranh nhan đề “Cái đẹp vĩnh cửu” và “Tranh tượng khỏa thân”. Cả hai cuốn đều đăng tải toàn bộ các tác phẩm hội họa Nude đủ các chất liệu của hàng trăm họa sỹ trong và ngoài nước, từ cổ chí kim. Cũng góp phần vào sinh hoạt văn hóa văn nghệ đời thường của xã hội, một cách như nó vốn phải có. Đương nhiên, ta chưa bàn tới chất lượng nghệ thuật ở 2 cuốn này vội nhưng việc cho ra đời là một thành công. Gần đây nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu có cho tôi xem Maket tập sách ảnh mà ông định in dưới cái tên “Mong manh”. Ảnh đẹp, tác giả biết kết hợp người mẫu với các yếu tố phong cảnh dân gian Việt: Vườn chuối, vườn hoa cải, lồng chim, cái giại trước thềm, bức mành trong nắng, chum nước... và tôi thấy cũng “lành” với vẻ đẹp thanh khiết của cơ thể người và phong cảnh kỳ thú giản dị. Kẻ viết bài này từng có dịp lang thang nhiều thành phố trên thế giới, thấy nhiều nơi người ta dựng những tượng đài khỏa thân lớn như tượng thần Apôlông với bộ phận sinh dục đầy đủ chi tiết hẳn hoi, tượng “Tình yêu” nổi tiếng của Rôđanh, đôi nam nữ khỏa thân ôm hôn nhau say đắm giữa thanh thiên bạch nhật... Trẻ con xứ họ lớn lên được tiếp xúc với không gian mỹ thuật như thế sẽ thấy bình thường. Tự nhiên, vẻ đẹp của cơ thể rắn chắc, khỏe mạnh, những đường cong huyền diệu tạo hóa ban cho thấm dần vào “gu” của đứa trẻ, hình thành một cảm thụ cái đẹp trong sáng, lành mạnh. Qua đấy, ta thấy cốt lõi vấn đề là ở giáo dục thẩm mỹ con người. Thấy nó bình thường thì nó bình thường. Thấy nó “không đứng đắn” thì nó thành không đứng đắn. Ranh giới giữa hai khái niệm quả là mong manh! Nhưng chắc ở xứ ta, sẽ còn tốn nhiều giấy mực đây?!

Chả trách Lê Quang Châu định đặt cho cuốn sách ảnh của mình cái tên “Mong manh” là phải. Giương buồm ra khơi mà phải vượt qua cái “Tam giác quỷ” Becmuđa ấy, nơi mà ranh giới giữa cái sống và cái chết cách nhau bằng nửa sợi tóc thì... tốn giấy mực còn là may!

* Becmuđa là một vùng biển phía Tây Đại Tây Dương, nối ba đỉnh: Puectôricô, đảo Becmuđa và Bang Florida (Mỹ) tới nay đã có hơn 1400 tàu thuỷ, tàu ngầm, máy bay bị mất tích một cách bí ẩn khi đi vào vùng tam giác này, nó còn gọi là “tam giác quỷ”. 

Tháng 4/2012

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #16 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2013, 07:33:54 am »

                                           
Chân trời mơ mộng

Trong lịch sử đào tạo Mỹ thuật Việt Nam, có một khóa học đặc biệt, được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt, khi đất nước bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, năm 1964… Trưởng thành trong cuộc chiến vĩ đại đó, chính khoá học này đã đóng góp cho Mỹ thuật Việt Nam không ít gương mặt đặc biệt, nhiều người đã thành liệt sỹ…

Họ là những anh hùng trong nỗi nhớ, mãi sống trong ký ức chúng tôi - những học sinh hệ Sơ trung cấp 7 năm (được thành lập từ năm 1960 đến 1967 thì kết thúc). Nhất là trong những anh em hệ sơ trung cấp này, không ít họa sỹ tương lai đã trực tiếp cầm súng tham chiến trong cuộc chiến tranh bền bỉ, vĩ đại của Tổ quốc.

Năm 2010 có nhiều ngày kỷ niệm lớn, Đại lễ 1000 năm Thăng Long, 85 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cũng là năm Hệ Sơ trung cấp 7 năm của trường tròn 50 tuổi. Riêng tôi, tôi chỉ nhớ da diết các anh với cái thuở nào mới nhập trường, còn là “các em thiếu nhi” vừa hết cấp 1 phổ thông, đủ các dân tộc, cả những học trò miền Nam tập kết còn bé tý. Một khóa học không thể nào quên.

Dông dài, tôi nhớ cái mùa đông 1991 trong cái lạnh 200 âm ở Boxton - Hoa Kỳ, tôi bày triển lãm tranh cá nhân ở đó theo lời mời của Hội cựu chiến binh Mỹ. Trong một cuộc hội kiến thân tình, ngồi giữa nhiều người lính các màu da, tôi hỏi tuổi họ, hóa ra hầu hết đều sinh ra vào quãng 1948 - 1950… Một cựu chiến binh, anh William Short, nguyên lính trinh sát của sư đoàn Bộ binh số 1 (biệt danh Anh Cả Đỏ) có hỏi tôi: “Trong chiến tranh, có nhiều bộ đội phía các ông đào ngũ không?”. Tôi không biết sao anh ta hỏi vậy. Tôi cũng không có ý định làm con số thống kế đó. Để làm gì cơ chứ? Nhưng tôi không chút bối rối. Tôi trả lời: “Tôi nghĩ là không nhiều, dù những người lính hai bên đều là những con người, đứng trước cái chết, bản năng đều xui khiến trốn chạy…”

Vâng, đến bây giờ, tôi vẫn muốn khóc khi nghĩ lại giây phút ấy, khi tôi nhớ xa xót những bạn bè của tôi đã ra trận, đã hy sinh. Chính các anh chứ không ai khác, những người lính hoạ sỹ đồng đội của tôi, đã làm rạng danh quê hương xứ sở và cho trường ĐH Mỹ thuật VN, hồi đó là Cao đẳng Mỹ thuật VN, nơi mà các anh đã xếp bút lông, bảng vẽ, mang theo những chân trời mơ mộng riêng mình.…Tôi không lúc nào thôi tự hào về họ.

Hôm Ban tổ chức kỷ niệm hệ sơ trung 7 năm  tròn 50 tuổi đưa tôi một bản tư liệu, danh sách học sinh hệ 7 năm từ khóa 1 đến khóa 5 là 155 người, thì có tới 8 người đã hy sinh được công nhận liệt sỹ, trong số 21 người trực tiếp cầm súng lên đường ra trận. Đó là các liệt sỹ Hoàng Thượng Lân, Vũ Quang Long, Nguyễn Quang Việt, Hoàng Tích Minh, Hồ Nia, Lê Minh Trịnh, Phạm Văn Học, Quách Thiện Thuật…
Hồi ấy tôi thân với Hoàng Thượng Lân nhất. Chung nhau học hệ 7 năm, ngày nào cũng đi bộ đi học cùng vì nhà Lân ở phố Phù Đổng Thiên Vương, gần nhà tôi, khi đó ở phố Tô Hiến Thành. Chúng tôi hay rủ nhau đá bóng trong công viên Thống nhất, bơi tung toé Hồ Ha le, giờ là hồ Thiền Quang. Anh Lân nhập ngũ trước tôi 6 năm, vào bộ binh.

Từ ngày Lân ra trận, chúng tôi mất liên lạc. Cho tới lần đó tình cờ tôi gặp được anh ở chiến trường Quảng Trị, năm 1969.(Khi đó tôi là sinh viên năm thứ 2 vào thực tập tại Vĩnh Linh). Mừng vui khôn xiết, hôm ấy Lân chiêu đãi bạn cũ đồng môn ngay tại doanh trại của anh, một bữa cơm lính xôm ra trò. Rồi anh tặng tôi chiếc ca Mỹ và một chiếc võng dù, đều là chiến lợi phẩm Mỹ. Tôi còn giữ kỷ vật ấy mãi đến giờ.
Hai năm sau anh Lân hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, không xa cái nơi ngày nào chúng tôi đã mừng rỡ gặp nhau giữa chiến trường, nhắc bao kỷ niệm ấu thơ… Nhưng phải tới mãi sau giải phóng, tôi mới chính thức biết tin anh hy sinh khi hành quân vượt sông Sê băng hiêng.

“Tài hoa ra trận” - tập nhật ký Hoàng Thượng Lân để lại, ngập tràn cảm xúc và những sự kiện khó quên của một hoạ sỹ lính, đúng hơn là của chàng sinh viên mỹ thuật trong cuộc chiến. Viết về tình yêu, lẽ sống, tình đồng đội, tình quân dân trong chiến tranh máu lửa,  anh đều viết bằng phong thái ung dung của một người luôn làm chủ mình. Tôi cứ nghĩ đó là món quà vô giá đầy tình yêu thương anh tặng cho cuộc sống.

Còn với Vũ Quang Long, tôi nhớ lắm cái tính nóng như lửa, cương trực Trương Phi của anh, và cặp mắt ốc nhồi, cái đầu trọc. Anh được bạn bè rất quý. Lần tôi gặp anh cuối cùng là ở nhà anh số 2 phố Nhà Chung, năm 1968. Lần ấy Long được ra Bắc an dưỡng sau những trận đánh dữ dội… Anh với tôi cứ trò chuyện bên bậu cửa liên miên, hết chuyện này chuyện khác sôi nổi, quên cả vào nhà. Chúng tôi hẹn nhau sẽ sang quê anh chơi, làng Phù Đổng nổi tiếng vì là quê hương Thánh Gióng… Nhưng rồi điều đó không thực hiện được. Ngay sau đó Long đột ngột ra đi sau cơn sốt rét ác tính dữ dội, hậu quả của những tháng năm ở hầm, đói khát, và muỗi  rừng…Tôi đau xót tiễn anh về làng Phù Đổng, nơi an nghỉ mãi mãi những ký ức tuổi thơ  của anh…

Hoàng Tích Minh đặc biệt hiền lành và có tật nói lắp.Tôi không quên câu anh tâm sự trong lần cuối tình cờ gặp nhau ở phố Tràng Thi, năm 1971, trước khi anh vào chiến trường. Minh bảo: “Sau này hoà bình trở về, mình chỉ vẽ các mẹ, các chị thôi, desin đẹp mà “dân gian”  lắm!”. Tôi vào chiến trường năm 1972, vài tháng sau lần gặp đó. Vào tới Gio-Linh (gần nghĩa trang Trường Sơn bây giờ), tôi bàng hoàng nghe các o du kích địa phương kể: “Ba hôm trước ở chỗ ni có anh bộ đội bị đạn pháo ra máu nhiều quá hy sinh, có lẽ anh ấy là họa sỹ vì lúc dọn ba lô chúng em thấy có mấy bức vẽ!”. Chúng tôi không cầm được nước mắt khi nghe kể về  những bức vẽ đó. Đúng là  “Phớ” của chúng tôi rồi, ( Phớ là biệt danh từ bé vì Hoàng Tích Minh hay đội chiếc mũ như ông bán tào phớ). Còn bao đồng đội nữa đã ra đi mang theo những bức  phác thảo, những chân trời mơ mộng riêng mình…

 Quách Thiện Thuật hy sinh trong những trận đánh liên miên giành đi giật lại các cao điểm trên chiến trường Quảng Trị anh hùng. Riêng Phạm Văn Học đã bị mảnh bom phá hỏng hoàn toàn 2 mắt trong chiến dịch Lam Sơn 719. Đơn vị anh bị B52 tập kích, khi đồng đội  đưa anh vào tới quân y viện ở Hạ Lào thì vết thương quá nặng, anh không qua được. Nhớ lắm người bạn ấy, hay cười hiền và ít nói vô cùng.

Nguyễn Quang Việt lại hy sinh trong một lần trinh sát nhập sâu vào căn cứ địch tại Hòn Tàu (Quảng Nam). Riêng trường hợp Lê Minh Trịnh thật trớ trêu. Anh hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, từng vinh dự nhận nhiều huân chương chiến công… Sau này khi hoà bình, gia đình anh không may gặp hỏa hoạn cháy sạch tòan bộ giấy tờ. Khi đi xin cấp lại, chính quyền đã không công nhận xác minh lại cho Lê Minh Trinh. Gia đình anh chỉ còn biết về Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam xin giấy chứng nhận anh nhập ngũ từ trường.

Có một điều rất lạ là “lính 7 năm” có mặt hầu hết trong các sắc lính của quân đội ta: Thành Chương (bộ đội công binh). Lý Trực Sơn (cao xạ 37 ly phòng không, Tây Nguyên). Lê Trí Dũng (xe tăng). Hoàng Tích Minh (súng cối 82 ly sư 325). Phạm Mai Châu (súng 12 ly 7, sư 325), Lê Minh Trịnh, Hồ Nia (bộ binh quân đoàn 4). Lò An Quang (quân khu Tây Bắc). Sao Mai (Bắc Quảng Trị). Long Nam Cường (quân khu Việt Bắc). Lâm Đình Chiến, Lưu Phương Chính, Lê Huy Hạnh (sư đoàn 325 bộ binh). Nguyễn Đăng Dũng (tên lửa phòng không, không quân). Trần Luân Tín (thông tin hữu tuyến quân đoàn 2, được mệnh danh là con cá kình sông Thạch Hãn), Đinh Khắc Nhan (trinh sát quân khu 5), Võ Thủ Đức (lái xe Trường Sơn tuyến đường 559), Nguyễn Quốc Thành, Nguyên Thanh Bình (quân đoàn 2 anh hùng), La Bình (hải quân đoàn tàu  không số trên biển Đông, Sao Mai (Nguyễn Huỳnh Mai - E270 Bộ Tư lệnh Vĩnh Linh)…). Mang những chân trời mơ mộng hành quân như lính còn có các họa sỹ lăn lộn trên khắp các chiến trường bom đạn, như Lê Văn Thìn, Đoàn Văn Nguyên, Trần Trung Chính, Trần Hữu Tri, Hà Huy Thịnh, Nguyễn Viết Ngọc, Đào Công Huân, Trần Thanh Lâm.…

Lứa học sinh mỹ thuật hệ 7 năm còn cùng các thầy cô giáo Vũ Giáng Hương, Trần Huy Oánh, Lê Thiệp, Đỗ Hữu Huề, Trọng Cát, Đinh Trọng Khang…có mặt trên khắp các tuyến đường huyết mạch dưới lửa đạn, chịu trận cùng các đơn vị thanh niên xung phong Trường Sơn (C816, C892….). Họ san lấp hố bom, vẽ ký họa phục vụ chiến trường, ở Hàm Rồng, Đò Lèn, ga Nghĩa Trang, Núi Ngọc,… Những địa danh những kỷ niệm máu thịt, thầy và trò đều không thể nào quên.

Tôi ngồi đây, trong buổi chiều tà của dãy Trường Sơn, nơi từng hứng số lượng bom gấp hàng chục quả bom nguyên tử, nơi an nghỉ hàng triệu đồng đội của tôi, lặng lẽ nghĩ về cái nôi mình lớn lên, hệ Sơ trung cấp 7 năm Trường Mỹ thuật Việt Nam.

Thầy cô giáo của tôi ngày nay đã lên lão, là Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, được nhiều giải thưởng cao quý. Nơi đó các bạn cùng tôi đã trưởng thành. Dòng chảy thời gian có bào mòn đến thế nào, dù thời buổi bon chen có làm lòng người “chai sạn” đến thế nào, chúng tôi cũng không bao giờ quên những người bạn từng cùng học thời thơ ấu, ra đi trong một chiều ráng đỏ, xốc AK lao lên dưới làn đạn, hy sinh lặng lẽ không một lời…. Tôi ngắm chân trời như nói lời từ tạ. “ Những con đường mong đến, chưa đi…” vĩnh viễn trong tôi có đủ đầy gương mặt đồng đội, bạn bè, những khắc ghi có một thời như thế.

23/2/2011

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #17 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2013, 06:18:06 am »


SUY NGHĨ DỌC ĐƯỜNG 1

Suy nghĩ dọc đường thường là chuyện nọ xọ chuyện kia, lan man bất tận... Chẳng đầu chẳng cuối, nhưng nếu ta xâu chuỗi cả đống lủng củng ấy lại, vẫn có thể “tóm” được một cái gì đó... Cái “đó” có thể là tình người, lòng nhân bản, kinh nghiệm sống... và đôi khi, chỉ là một chút thú vị nho nhỏ! làm gia vị cho cuộc sống xô bồ này. Thôi thế là cũng tốt lắm rồi còn gì?

Trong những đợt hành quân đường đời, khi chiếc xe lăn bánh qua các nẻo đường, vượt qua những cây cầu, bao giờ tôi cũng bồi hồi, những cây cầu bắc qua các sông rạch mang những cái tên cổ xưa: cầu Gòn, cầu Bà Đen, cầu Ông Miễu, cầu Rạch Chiếc, cầu Hàm Luông... toàn những cái tên vừa lạ vừa quen, ghi những bàn chân to bè, ngón cái choãi ra theo thế “giao chỉ” của tổ tiên vượt đất vào dưới bóng cờ Chúa Nguyễn! Mắt nhìn những gò đống lau sậy ngút ngàn nơi giao tranh suốt 200 năm của quân Trịnh Nguyễn, tai rì rầm nghe chuyện của chú lái xe kể về con em dâu có khả năng “nhập đồng” đặc biệt, mỗi khi gia đình có việc gì cần kíp muốn “thỉnh” ông bà về để xin ý kiến. Thường thì thiên hạ phải làm lễ “cầu cơ” hương khói cẩn thận, họa chăng các cụ mới về, còn không thì công cốc! Đằng này, hương vừa thắp lên, lời khấn chưa dứt, con bé đã đảo lia lịa, say đứ đừ, mồm nói y giọng các cụ, truyền dạy điều gì đó (thường là trả lời điều cầu khẩn) lát sau, ngã vật ra, rồi lồm cồm bò dậy. Hỏi: “Mày vừa nói gì?”. Trả lời: “Không nhớ gì cả...!”. Nó đáng tin như chuyện đêm đêm 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc thường ra chải tóc gội đầu dưới gốc cây bồ kết mới trồng ngày nào mà xanh tốt, quả sai chĩu chịt...

Trong chặng đường trên đoạn đường Hồ Chí Minh mới rải nhựa, xe chạy bon 80km/h. Ngày xưa, chúng tôi phải leo đèo lội suối hàng tháng trời mới vào được A Sầu - A Lưới, sân bay A lưới vẫn còn đây, lại nhớ đoàn họa sỹ do thầy Huy Oánh dẫn đầu vào Trường Sơn, lúc đó khát, rét, mệt, muỗi rừng... lại có lúc 4 người ăn cả một cái đùi nai nướng không hết, lại có lúc ăn vã hàng chục con cá chình nướng đến nỗi phải quẳng đi, với nỗi tiếc kỷ vật thời chiến như cây gậy trúc Trường Sơn mà trên đó chằng chịt những địa danh đã in dấu chân của đoàn và ruột của nó đựng 8 cái gọng vó tự chế, khi cần giương ra là thành cái ô che mưa, nắng... Mệt đến như thế, nặng đến như thế mà sau 7 tháng gian nan khổ sở, họa sỹ Ca Lê Thắng vẫn cõng được một gùi phong lan rừng đủ loại về nhà... Nhắc đến đây, lại nhớ chuyến chúng tôi vào thăm chị ruột Thắng, chị Ba Du, một “việt cộng nằm vùng” trong đội quân tóc dài lừng danh năm xưa. Chị nhỏ thó, đặc một bà má Nam Bộ, giờ chị sống tại Mỏ Cầy Bắc, nơi cả đời gắn bó qua các cuộc đấu tranh, bốn lần bị Chính phủ Quốc gia cầm tù, tra tấn, chị hồn hậu kể về những lần gặp và nuôi giấu các họa sỹ Lê Lam, Cổ Tấn Long Châu, Hoàng Anh... Cầu Hàm Luông còn đó, rừng dừa nước vẫn còn đây... mà kỷ niệm dường như đã xa lắc, còn chúng tôi vẫn rưng rưng tận đáy lòng.

Trong các đợt công tác, bao giờ “vùng miền” cũng gây xúc động cho tôi. Ở Mỹ Tho, có một tác phẩm tôi thích, đó là một tranh vẽ trên các tấm ván gỗ xẻ mỏng ra, ghép lại và vẽ lên nó, vân gỗ còn nguyên, bố cục hoang sơ mà chặt chẽ, phảng phất nguyên thủy... nhưng té ra lại là của một họa sỹ ngoài bắc vào định cư ở đây, họa sỹ Hoàng Anh! Ở Buôn Ma Thuột, một tấm ván khắc đen trắng mộc bản khổ lớn, trên đó là hình người và rừng núi Tây Nguyên, rất Tây Nguyên, vì nó là “gỗ”, là rừng, là núi. Đêm về, mưa cao nguyên ẩm ướt, một mình với ly cà phê Ban mê, nghe “Phôi pha” của Trịnh, nghe “Đôi mắt Plâyku” của Nguyễn Cường  lại nhớ về những đô thị lớn với các trào lưu sóng dậy của “Hiện đại” rồi “Hậu hiện đại”, rồi có lẽ sẽ “Hậu hậu hiện đại” với những thuật ngữ rối rắm, với những ý tưởng siêu cuồng và những téc-ních kỳ quái, trong nhịp sống rùng rùng, ào ạt sóng dồn của nhạc Rốc, Ráp... của thi Hoa hậu, của tút, trát, bơm, xịt, nhồi, nặn, gắn, bắt vít, đục, khoét của kỹ thuật tân kỳ trên mặt toan mặt vóc, với những mối tình “Tháng”, tình “Tuần”, tình “Ngày”... tốc độ nhanh với nhịp sống đô thị thì nghe T.C và P.C.T kể hai mối tình “xưa” của những người thân của họ, lại thấy câu “bao giờ cho đến ngày xưa” thật hay. Mạo muội xin phép hai chiến hữu kể ra đây để thiên hạ cùng hay. Chả hóa cũng thú lắm sao? - Chuyện “Rang áo” của T.C như sau: Họa sỹ T.C có một cô em gái. Từ xưa, trong nhà con đàn, các cụ thường nói: “Sẽ có một đứa vất vả, gánh đau khổ cho những đứa khác...!” thì cô này, tên H hình như ứng vào câu nói đó! H học hành bình thường, không thích nghệ thuật như các anh chị em, hết phổ thông, học bồi dưỡng nghiệp vụ 1 khóa 3 tháng, và quen anh Dương, là bộ đội đi học, cùng lớp, giữa hai người nảy sinh tình cảm luyến ái, đúng hơn là H rất yêu Dương. Hết khóa học, anh Dương trở về đơn vị, ở một tỉnh khu 4, cuộc sống thời chiến cùng gian khổ ngày thường làm Dương sớm quên H. Tại Hà Nội, H một lòng nhớ người yêu, hàng chục lá thư gửi đi không có hồi âm, trong một khóa học sau, H quen một cô bạn cùng lớp người Thổ (Nghĩa Lộ), cô bạn nói: “Đằng ấy tương tư à? Theo tớ về nhà, tớ dạy cho một bài thuốc lạ, sẽ “gọi” được bạn đằng ấy về...”. Hết khóa học, H theo chân bạn gái lên Nghĩa Lộ, không biết hai cô làm gì trên đó, 6, 7 tháng sau H trở về Hà Nội, trong tư trang có 1 cái chảo, 1 bó lá rừng sấy khô... Rồi H nổi lửa, đặt chảo lên, cho vài cái lá vào, miệng lẩm bẩm điều gì... và đột ngột H cho vào chảo 1 cái áo, cái áo của anh Dương để lại, và rang, theo nhịp đũa, H vẫn đọc “chú” độ 30 phút, cuộc rang áo kết thúc, H cũng mệt lử... cả nhà tròn mắt... Cứ như thế, mỗi ngày một cuộc, độ 10 ngày sau, anh Dương lử khử về Hà Nội, gặp ông bố H và xin ông lấy uy quyền của một đấng sinh thành ra H, nói với H đừng rang áo nữa, trong đơn vị Dương ngứa ran không chịu được, cào cấu điên cuồng... và linh cảm thấy cảnh “rang áo”, và cũng trần tình. Con với em H cũng có cảm tình luyến ái, nhưng nhà con ở quê đã dạm cô hàng xóm cho con và chỉ chờ con nghỉ phép là hai gia đình tổ chức cưới, con cũng không ngờ H lại cảm mến sâu sắc đến thế...! Nghe ra, ông cụ hết lòng khuyên bảo H và Dương lại trở về đơn vị, nhưng lòng yêu thì khôn nguôi, thỉnh thoảng, H vẫn đem áo ra rang, cho đến một ngày, quá lửa, chiếc áo cháy mất, không còn gì để rang nữa. Một hôm, H gọi đứa em trai 17 tuổi ra và bảo, mày có thương chị không? Nó bảo: Thương chứ! Thế chị nhờ mày vào Hà Tĩnh, chỗ anh Dương công tác, giả vờ thăm anh rồi lấy cho chị một cái áo của anh được không? Thương chị, thằng em lẽo đẽo đường trường, nhờ xe bộ đội vào Kỳ Anh - Hà Tĩnh thăm anh Dương và “thó” được một cái áo như mệnh lệnh đã giao... Thế là màn rang áo lại tiếp tục, anh Dương lại lộn ra, nhưng lần này đích thân anh tước lại cái áo và về quê làm đám cưới cô hàng xóm... Một thời gian sau, tại quán phở xế nhà anh Dương ở Hải Dương (lúc này anh đã giải ngũ) xuất hiện một cô gái sạch sẽ, nhưng làm công việc rửa bát thuê cho quán phở. Đó là H... cô đã từ Hà Nội xuống Hải Dương xin rửa bát chỉ để... được nhìn thấy bóng hình của Dương hàng ngày đi làm và về nhà... Nghe xong, tôi rợn người nghĩ đến sự chung tình tuyệt đối, T.C bảo - Đúng! Tôi cũng có lần vâng lời bố, gặp nó để khuyên nhủ, thôi cái trò rang áo đi, đàn ông đàn ang thiếu gì... Nó bảo, anh không biết gì về tình yêu. Đã là tình yêu, thì trên đời này chỉ có Một. Chỉ yêu được Một Người mà thôi...! Tôi cũng gai người, lại trộm nghĩ, may mà đó là rang áo, ngộ nhỡ rang quần thì không biết sẽ làm sao đây?

Chuyện của P.C.T: Vào những năm 69, 70... họa sỹ còn là một chú bé, và có mấy bà chị, bà chị gần anh khá xinh, học sư phạm Vinh, một lần, chị ra ga Vinh mua vé tàu về Hà Nội thăm nhà, thấy người bán vé đang căng thẳng với một anh bộ đội, người anh chắc, đậm, ngăm đen, nóng như lửa, đang mắng người bán vé: “Chủ nghĩa xã hội là ưu việt, tự do đi lại, vào rạp hát, vào công viên, lên tàu hỏa... không cần mua vé, tại sao anh thu tiền bất chính”... Đương nhiên anh bán vé chỉ đưa vé khi có tiền, lúc ấy chị thấy thương, chắc anh vừa ở chiến trường ra chưa hiểu tình hình miền Bắc bấy giờ, chị bảo: “Đúng! xã hội chủ nghĩa là thế, nhưng hiện đang bán vé để lấy tiền ủng hộ miền Nam ruột thịt”... Và chị bỏ tiền mua vé cho anh... Đến Hà Nội, chị mời anh ghé qua nhà uống chén nước, anh bộ đội đồng ý và được cả nhà quý trọng, lúc này mới biết anh ra Bắc dự Đại hội anh hùng lực lượng vũ trang toàn quốc... Sau đợt thăm nhà, trở lại trường, chị lại mời anh đến nói chuyện chiến đấu cho nhà trường nghe, ngắm anh ngực đầy huân chương, dạn dày trong bộ quân phục giải phóng, mọi người đều tự hào, tin ở ngày chiến thắng và thầm nghĩ có lẽ đôi này cũng đẹp đây? Rồi người lính trở lại chiến trường, rồi chị ra trường và lấy chồng như bao cô gái đến tuổi lập gia đình khác, trong chiến tranh, tất cả đều phải nhanh, làm được cái gì phải làm luôn, và thế là chị lấy chồng. Vả lại, người lính năm xưa không hẹn ước gì, không một cái hôn, cả không cầm tay nữa... Đến ngày 7 tháng 5 năm 1975 (tức là chỉ sau ngày giải phóng miền Nam 1 tuần), một chiếc com măng ca xịch trước cửa, một người lính nhảy xuống, hoan hỉ bước vào nhà, bà chị lớn là người nhận ra anh đầu tiên, sợ thót tim, tiếp theo là cả nhà, không ai nói nổi một câu gì, giây lát, người lính hiểu tất cả. Anh cũng không nói gì, bên cạnh người cần vụ, anh khóc, không thành tiếng, hai hàng nước mắt cứ thế tuôn rơi, anh khóc rất lâu, rồi đứng dậy, khom mình chào cả nhà, lặng lẽ ra xe, và không bao giờ anh quay lại nữa...

Tôi có mặt trong những năm tháng đó, tôi biết lắm, những chuyện tương tự như thế ngày nay không còn nữa. Có một điều gần như là quy luật, càng trong gian khó, tình cảm càng đầy, và no đủ, người ta không coi trọng nó. Với tôi, tất cả kỷ niệm dĩ vãng ấu thời, nó lãng mạn, thơ mộng xiết bao dù vương đầy khói bom và bùn đất của những hầm tăng sê, giao thông hào mới đào, của mùi rơm rạ ngoài đồng, của những giọt sương long lanh trên lá sen già, của ruộng “guột” trong nắng mai, của vườn ổi đào trưa hè hoặc luỹ tre làng chiều hôm, xa xa là núi Hia mờ trong sương chiều, hoặc đàn cá mương tung tảy trong làn nước trong vắt sông Cầu nắng hè... và màu áo lính vẫy gọi trong tiếng súng chiến trường xa... Mãi sau này, và đến tận bây giờ, mặc dù bao nhiêu đợt các bạn cùng lớp đã về thăm nơi sơ tán cũ. Tôi vẫn không dám về, tôi sợ, dĩ vãng xa xưa, kỷ niệm êm đềm, mộng mơ trong trắng sẽ tan biến đi dưới những con đường rải nhựa, những nhà mái bằng hay những cây cầu mới... Nếu thế, có lẽ tôi khóc mất... Tôi muốn mãi mãi ký ức trong ngần ấu thơ đừng bao giờ tan biến, mãi mãi lắng sâu trong “miền cổ tích” rực rỡ của tôi. Cùng những người thân thiết ngày ấy mà tôi vẫn mang trong mình không bao giờ quên!...

Đã gọi là suy nghĩ dọc đường thì ngổn ngang lắm, đúng là chuyện nọ xọ chuyện kia, loạn xị ngậu, y như món nộm hoa chuối... Nhưng vị tất cơm gà cá gỏi đã địch được nó... Nó hỗn tạp thật, xe thì xóc nảy người, lên dốc xuống đèo, những suy nghĩ nhảy loạn lên...

Suy nghĩ dọc đường thì lộn xộn và thú vị.
Bởi nó là chính cuộc sống này.
Lủng củng và lôgic.

Nhưng nằm duỗi dài, nghe Flamengô dồn dập, kệ mẹ đời vẫn thú hơn, sẽ thêm hương vị nếu nhồi thêm một điếu vào tẩu... dù mình không nghiện.
Và lơ mơ kết thúc, cũng hơi dài rồi, còn gì để vào “suy nghĩ dọc đường” phần 2 vậy.

Chào!
Hẹn chuyến đi sau.
Lủng củng và logic

Ngày Toàn quốc kháng chiến
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #18 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2013, 04:14:14 pm »

SUY NGHĨ DỌC ĐƯỜNG 2


Lời dẫn:
Giống như suy nghĩ dọc đường 1, tôi vẫn phải thưa với bạn đọc suy nghĩ dọc đường thì bao giờ cũng trục trà trục trặc, lục cà lục cục, lủng cà lủng củng và nó cũng gập ghềnh theo nhịp bánh xe lăn, nhất là lúc qua ổ trâu, ổ gà... Tôi cũng không nhớ lần Nam hành này là lần thứ bao nhiêu trong đời nhưng lần nào cảm xúc cũng mạnh dù vẫn qua những địa danh cũ. Dịp tháng 4 này tôi lại Nam hành. Điểm đến là Huế để dự cuộc hội thảo Mỹ thuật Bắc Miền Trung. Vì lẽ đó, nếu như Huế có được nhắc đến hơi nhiều, mong bạn đọc thể tất cho.

Huế - chính là Hóa đọc chệch ra, Thuận - Hóa là tên đã được đổi từ hai châu Ô, châu Lý. Thuận là châu Ô (Quảng Trị) và Hóa là châu Lý (Thừa Thiên) ngày nay. Hai châu Ô, Lý năm 1306 vốn là của Chiêm Thành, song nó được vua Chiêm là Chế Mân dùng làm sính lễ cho nhà Trần để lấy công chúa Huyền Trân (con gái Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông bấy giờ). Nhưng than ôi! Duyên lửa của ông vua Chiêm Thành hào hoa với hoàng hậu Đại Việt chưa được bao lâu, dù đã hạ sinh được 1 hoàng tử khôi ngô thì một năm sau ngày cưới, nhà vua băng hà. Theo tục lệ của người Chiêm, hoàng hậu phải hỏa thiêu theo chồng. Tiên liệu nguy cơ đó, triều đình nhà Trần phái Nhập nội hành khiển, Thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung vào cứu Huyền Trân. Theo đó, phái bộ xin Chiêm Thành cho hoàng hậu ra tế ở bờ biển để “Chiêu hồn” và giã biệt tổ tiên. Người Chiêm tin đó là thật. Nhân lúc sơ hở, phái bộ đưa nhanh hoàng hậu lên một chiếc thuyền buồm nhỏ, nhẹ tếch ra trùng khơi. Lênh đênh trên biển 15 tháng Huyền Trân công chúa mới về đến Thăng Long. Thoát hiểm bằng đường biển, nhưng chắc khi “nhập cung” bà phải đi bằng đường bộ và phải đi qua hàng trăm cây cầu, hàng chục con đèo. Tôi lẩm nhẩm đếm chỉ kể từ cầu Đò Lèn vào Huế theo quốc lộ 1A đã có gần 100 cây cầu với những cái tên cổ tích: cầu Cấm, cầu Gia Lách, cầu Treo Vọt, cầu Trại Trâu, cầu Hói Sâu, cầu Nghèn, cầu Trìa, cầu Ái Tử, cầu Nhan Biều, cầu Biến Đá, cầu Phò Trạch, cầu An Lỗ... Phía đường Hồ Chí Minh thì tên nghe còn lạ hơn: cầu Ồ Ồ, cầu Thụp Núp, cầu Khe Ác, cầu Đập Bỉ, cầu Khe Mít, cầu Xà Manh... Bắc Trung Bộ địa hình vốn hẹp, độ dốc cao với hàng trăm khe lạch đổ nước ra biển, lắm cầu là phải. Qua cầu Đò Lèn và Hàm Rồng lại nhớ một thời các thầy Oánh, thầy Huề dẫn hai lớp 7 năm 1 và 2 vào thực tập đồng thời tham gia chiến đấu cùng các đơn vị Thanh niên xung phong năm 1965. Qua đoạn cầu Hiền Lương, nhìn chếch phía Cửa Tùng, nhớ 1969 cùng các anh chị lớp cao đẳng 1 đạp xe vào Vĩnh Linh vẽ, tôi mạo hiểm ra tận bờ sông ký họa, suýt bị dân quân địa phương bắt vì nghi vượt tuyến. Qua cầu Thạch Hãn lại nhớ tụi Hoàng Tích Minh, Lê Minh Trịnh, Phạm Mai Châu, Trần Luân Tín, Lê Duy Ứng, Nguyễn Hải Nghiêm, Trần Lê An... là những sinh viên Mỹ thuật nhập ngũ tháng 9 năm1971 cùng đợt đó có Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Nhuận Cầm... Tất cả các anh đều tham chiến tại thành cổ Quảng Trị 1972... Nhiều người đã hy sinh... Chắc Huyền Trân công chúa 700 năm trước trên đường về nhà chồng qua các đất Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh, Châu Ô, Châu Lý... cũng không thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó nó lại trở thành “ác địa” tới mức như  năm 1972. Nếu hành trình đi làm dâu xứ người được coi như một nghĩa cử hy sinh để mở mang bờ cõi:

“Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dạm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi”


Thì trong dân gian không khỏi có lời eo xèo:
“Tiếc cho cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”


Còn chính bà, dường như mượn lời ca trong điệu Nam Ai để tỏ lòng mình:
“Nước non ngàn dặm ra đi
 Cái tình chi
Mượn màu son phấn trả nợ Ô, Lý”


Ngày nay, Huyền Trân công chúa đã được vinh danh trong một ngôi đền tuyệt đẹp dưới chân núi Ngũ Phong (còn gọi là Trung tâm văn hóa Huyền Trân). Hậu đền có thờ cả Thái Thượng hoàng - Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam Trần Nhân Tông - phụ thân bà). Vừa qua, nhân dân Việt Nam có tổ chức lễ kỷ niệm 700 năm sự kiện bà vào Chiêm làm hoàng hậu rất long trọng. Cách đó không xa, cũng có một quả núi khác, tuy không cao lắm nhưng khí rất sáng. Tên là núi Bân. Ngẫu nhiên một ngày nọ, tôi đọc được bài “Còn đâu áo vải cờ đào” của tác giả Nguyễn Tường Bách viết năm 2004. Ông cho biết chính tại núi Bân này, người anh hùng áo vải Tây Sơn đã lên ngôi Hoàng đế, xuất quân thần tốc như vũ bão ra Thăng Long đánh tan 20 vạn quân Mãn Thanh xâm lược. Nguyễn Tường Bách cũng than rằng, bây giờ có còn ai nhớ đến sự tích anh hùng của núi Bân nữa? Nó đã bị rơi vào quên lãng, bây giờ người ta gọi nó là Cồn Mồ vì người ta đến chỉ để tranh giành đất xây lăng mộ... Nhưng ông đã không biết rằng, chỉ 3 năm sau, năm 2007 nhân dân Việt Nam đã khởi công xây một tượng đài Hoàng đế Quang Trung cao sừng sững bằng đá (mẫu do nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ sáng tác). Tượng đá cao ngất trời mây giữa quảng trường mênh mông, sau lưng là một bức phù điêu hoành tráng kể về các chiến công của quân và dân Việt đánh thắng xâm lược Mãn Thanh dưới tài chỉ huy bách thắng của Hoàng đế Quang Trung. Đúng như lời Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã nói:

“Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”


Sau chiến tranh, sau mấy chục năm bao cấp, rồi đổi mới. Mỹ thuật Việt Nam cũng góp tay vào thay đổi bộ mặt đất nước. Dọc theo dải đất miền Trung khô cằn và khắc nghiệt. Vào một buổi chiều tà, chúng tôi dừng chân ở Ngã ba Đồng Lộc. 40 năm trước, xe tăng hành quân qua nơi này, khi đó ở đây giống y như trong tranh của họa sỹ Lê Huy Hòa, nghĩa là không còn một lá cây ngọn cỏ, hố bom chồng lên hố bom, quang cảnh như trên mặt trăng, sao Hỏa vậy... Thế mà bây giờ cây cối tốt tươi một vùng quanh khu mộ 10 cô gái Thanh niên xung phong hy sinh ngày 27 tháng 4 năm1968 vì bom vùi. Và quanh nó có đến mấy cái tượng đài. Qua Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh, Hiền Lương, Dốc Miếu, Huế... đâu đâu cũng thấy tượng đài, tượng đài xứ ta phải cái na ná giống nhau, ngắm các công trình đó, ta phải liên tưởng là nó được dựng nên sau những trận mưa “duyệt” của những người cầm tiền có cùng một trình độ hiểu biết gần giống nhau. Còn tượng đài các anh hùng dân tộc thì như “anh em một nhà” kể cả y phục dù các cụ sinh ra cách nhau hàng thế kỷ. Quảng Trị thì tôi chưa được lịch duyệt, nhưng chỉ lướt qua khu Thành Cổ thì lạ thay lại chưa thấy tượng đài? Hay người ta cho rằng, bản thân khu thành nát bét gạch đá, thấm đẫm máu người đã là một tượng đài hoành tráng, oai hùng rồi? Nói thế thôi, chứ tôi biết phía đông nội thành, gần nhà bảo tàng có một đài tưởng niệm nho nhỏ, đài xây hình cuốn sách mở ra hơi giống một lá cờ, phía trước có một ngọn lửa nhỏ hình cây bút kiêu hãnh, khiêm tốn. Đó là Đài kỷ niệm các sinh viên ra trận và tham gia 81 ngày đêm ở Cổ thành đẫm máu này. Kinh phí xây dựng và mẫu thiết kế do những người còn sống góp vào, sáng tạo và xây nên... Phía sau là hơn 10 phù điêu kể về chiến công của các anh từ khi còn trên giảng đường, rồi nhập ngũ, rèn luyện, chiến đấu, đoàn kết quân dân, tình đồng đội... như thế nào... Khi tôi vào thắp hương, trời mưa, đài kỷ niệm lại không có mái. Tôi cắm hương và lầm rầm khấn, cầu cho quốc thái dân an và xin chữ bình an. Kết thúc tôi bảo: “Nghe nói năm nay “trên” định tổ chức giỗ cho các ông to đấy, vì là năm chẵn mà”. Mưa như thế, mà bát hương bốc cháy đùng đùng! Lạ!

Đã 40 mùa hè đỏ lửa qua rồi kể từ cái ngày xách túi quần áo lên xe commăng ca nhập ngũ, xe rời sân trường dưới trời mưa bụi, giữa sân 42 phố Yết Kiêu chỉ còn một bóng người tiễn biệt... Tuổi trẻ sáng trong, mãnh liệt và chân thật! Trải qua dâu bể bụi trần quăng lên quật xuống, cái gì tốt đẹp nhất thì vẫn còn mãi. Núi cao băng qua thời gian, sông dài vượt qua năm tháng, suy nghĩ dọc đường thì gập ghềnh như thế, nhưng nó đã giúp tôi nói lên được cảm xúc của mình. Và quan trọng là nó thật!
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #19 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2013, 09:32:28 am »

SUY NGHĨ DỌC ĐƯỜNG 3

Tháng 3.
Tháng 3 nào tôi cũng có một cảm giác cô đơn.
Nó là tháng của sinh thành - Là tháng của chia ly…
Là tháng của bông sen đơn độc đầu mùa mọc lên giữa một đầm sen toàn cọng sẫm đen khô khẳng, đổ ngang đổ ngửa vừa trải qua một mùa đông giá buốt. Dọc quốc lộ 1,vào tận Huế, bao nhiêu là đầm sen…Toàn sen tàn, đẹp một cách lạ kỳ, nó mang nhiều tính báo hiệu… Báo hiệu cho nắng vàng tháng 4, cho những cơn mưa rào tháng 5 cá rô rạch ngược, cho chói chang nắng rát cổ tháng 6, cho những cơn bão đầu mùa tháng 7, cho gió heo may tháng 8…

Tháng 4 nắng vàng. Trong chiến hào Gio Linh 39 năm trước. Từ cái đài Orionton  chạy pin phát đi một bản tin buồn: “Đại danh họa Picasô đã từ trần…” Giữa  vùng quân đóng xen kẽ với địch nơi mà những người lính có thể ra đi cùng Picasô bất cứ lúc nào.Tôi thầm thắp một nén hương trong lòng cho bậc trưởng thượng nghề Họa, cầu xin Ông phù hộ cho cuộc chiến sớm kết thúc. Ông là Tướng tiên phong trong hầu hết các trường phái hội họa trên thế giới, Nhớ giai thoại ông trả lời mấy bà quí tộc trong một triển lãm tranh [trừu tượng] của mình . Mấy bà sau khi xem khắp lượt xong, gặp ông và hỏi [đại ý]:  “Thưa ngài! Ngài vẽ gì mà chúng tôi chả hiểu gì cả...?” Picassô trả lời [đại ý] : “Thưa các quí bà, họa sỹ chúng tôi phải học “tử công phu” như thế nào mới vẽ được như thế này. Thì người thưởng thức cũng phải “học” để hiểu đấy ạ…”
Phải học! Cho dù học ở đâu…Học ở nhà trường, học ở bạn bè, học ở sách vở, học ở cuộc đời…Biết bao họa sỹ tự học mà thành danh…Cho dù đi con đường nào thì vẫn phải vững vàng về cơ bản [xin hãy hiểu đúng nghĩa từ cơ bản]. Những người tinh mắt không khó khăn gì để phân biệt tác phẩm Trừu của một người vững vàng cơ bản với một người khoác áo đương đại giả vờ.
Sự thật bao giờ cũng chỉ có một.

Tháng 5. Đó là tháng khi tôi gieo quẻ có tên là Phong Thủy Hoán.[Gió mây tan]. Quẻ của sự thay đổi. Trong những cơn mưa rào đầu hạ như quất vào mặt, cá rô rạch ngược lên tận đường nhựa là khi lòng người rất dễ đổi thay, sấm sét mây mù dễ làm lòng người chao đảo… Tháng 5 cũng là tháng khởi đầu những cơn bão, của mùa bão… Nhà nghiên cứu Dịch học Xuân Cang giải nghĩa: Hoán là thay đổi, là lìa tan. Như gió thổi tan mây mù trên mặt sông . Lìa tan là buồn thương nhưng lìa tan cũng có mặt tốt của nó, ví  như gió thổi mạnh xua tan mây mù để trời sáng lại. Quan trọng là tùy Thời mà thôi…Vâng! Chữ Thời quan trọng lắm, tôi biết. Có lần một họa sỹ trẻ tự dằn vặt với tôi: Em thật chán! Em đã rất phấn đấu rồi mà mãi vẫn không được cái giải nào… Tôi an ủi: Đó là em chưa gặp Thời thôi! Vào một lúc nào đó, ở một triển lãm nào đó với một hội đồng nghệ thuật nào đó ta sẽ là hoa hậu, thật đấy, tôi đã thấy khi vào giải khu vực anh chỉ là giải C. Vậy mà, lên giải trung ương anh lại được giải A… Đó là do Thời, do bối cảnh đã thay đổi. Vận mệnh cũng đổi thay theo Thời! Mặc  dù  vậy, tôi vẫn phải giơ hai tay lên trời mà thốt lên rằng: Ôi! Hoán ơi là Hoán.

Tháng 6. Nắng như đổ lửa. Chả có gì phải nghĩ khi ông trời  bắt phải chịu như thế. Nghĩ gì nữa khi sờ vào bất cứ vật gì trong nhà cũng bỏng tay.

Tháng 7 thì nhiều điều làm ta suy nghĩ. Đi Quảng Trị vào lúc nào? Mưa bão đến thì đối phó ra sao? Giông tố bão bùng thì con người cần gì? Sự can trường? Có  một người anh lớn dạy tôi: Hãy cứ nghĩ tất cả mọi khốn khó trên đời đến với anh như là Trời đặt ra để thử thách lòng can đảm của anh...Anh sẽ thêm sức mạnh để vượt qua…Ông nói thêm: Trả xong một mối thù, ta đã thắng một trận…Nhưng nếu tha thứ cho kẻ thù, ta sẽ chiến thắng suốt đời! Trước những lời thị phi, nhưng mưu mô hiểm độc, những lời đàm tiếu, những ánh mắt hiểu lầm của người thân…nhẫn nhục được mới là can đảm!
Tôi thì tôi thấy rất cần buông thả! Vứt tất cả ra khỏi thuyền…Thuyền không sẽ đi mau.   
      
 Tháng 8. Gió heo may về, buồn hiu hắt. Có người hỏi rằng việc quái gì hay buồn thế . Tôi bảo thằng người mà cái mặt lúc nào cũng hơn hớn lên vì thỏa mãn, tôi tài lắm, tôi giàu lắm , tôi thành đạt lắm, tôi được nhiều giải lắm, cả nhà tôi…lắm lắm…Thì chịu thế chó nào được?
Cứ mỗi lần đi công tác. Cho dù có hôm do cả đoàn ham việc để lỡ độ đường, lặn lội nửa đêm vẫn chưa tìm được chỗ ngủ… Cho dù có hôm cố chấm cho xong đến hơn 1 giờ trưa mới xong các giải…Gìa trẻ lớn bé dắt nhau ra phố tìm hàng cơm…Đi từ đầu phố đến cuối phố hơn 10 hàng cơm đều…hết sạch! Suýt tụt áp huyết…Cho dù gặp đợt thời tiết giở quẻ, hành trình trục trặc, hết người này ốm vừa khỏi lại đến người khác, thay nhau đi mua thuốc chữa bệnh…Cho dù hành trình gian nan suốt từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Gió mưa nắng lửa, đói rét khô hanh bốn mùa lắm khi cảm nặng nằm lại giữa đường… Thì cứ nghĩ đến đôi vợ chồng trẻ họa sỹ địa phương nghèo khó nhưng yêu nghệ thuật đến mức đèo nhau bằng xe máy chở 8 bức tranh từ Điện Biên sang Lạng Sơn để tham gia triển lãm khu vực… Nghĩ đến đoạn đường núi một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm và mong ước của họ là… chỉ được treo thôi là đã hạnh phúc lắm rồi. Tự nhiên lòng thấy xúc động. Nghĩ đến anh em họa sỹ địa phương chỉ được vẽ tranh cho mình sau khi hoàn thành bao phần việc ngoài nghệ thuật không thể từ chối. Nghĩ  đến bao công sức tiền của đổ vào tác phẩm mà theo các anh là phải “Cắt áo vợ - nợ cơm con”. Tham gia rồi, triển lãm bế mạc rồi… không được giải gì, đem về nhà không biết để vào đâu? Ở địa phương rất khó bán tranh.    Cứ nghĩ đến bao anh em ngoài giờ hành chính phải làm thêm, nào mở hàng càphê, nào kinh doanh ăn uống…để có chút tiền đầu tư vẽ…Tất cả những điều đó đã làm nên phong trào, ngày càng nâng cao phong trào. Đợt vừa rồi triển lãm khu vực ở Lạng Sơn. Một nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng đã nhận xét: Triển lãm lần này đã thoát khỏi tính nghiệp dư…

 Dọc đường tôi đi, những cảm xúc như thế cứ quẩn quanh. Nó lý giải cho mình cả những câu chuyện…hài hước trong đội ngũ chúng ta. Nhưng như tôi đã nói ở trên,Thuyền không ơi, thế là đi nhẹ nhất!

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM