Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:12:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép về Nguyễn Công Trứ  (Đọc 28957 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #30 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2013, 01:25:07 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần VIII) – tiếp

[Tháng 4] Vua dụ: “Địa hạt Trấn Tây thuộc về triều đình đã lâu, Tướng quân Trương Minh Giảng và bọn Tham tán, Hiệp tán có trách nhiệm trông coi toàn quyền một địa phương; bọn Kinh lược đại thần Phạm Văn Điển, Tham tán Nguyễn Tiến Lâm và Nguyễn Công Trứ cũng có trách nhiệm toàn quyền đánh dẹp. Người có toàn quyền trông coi một địa phương, nhậm chức không phải là không lâu, người được toàn quyền đi đánh dẹp, uỷ nhiệm không phải là không long trọng. Ta, buổi đầu nối ngôi chưa nghĩ đến việc khác, chỉ nghĩ ngay đến các tướng sĩ đi đánh giặc ở miền Tây, ở ngoài vất vả, trước tiên trích tiền bạc ra ban cho, xuống dụ uỷ lạo các tướng sĩ rất là chu tất ân cần… Ta lại nghĩ: Việc binh không thể ở xa mà liệu tính được, cho nên lại cho được tuỳ nghi mà làm, để [các khanh] được thi thố hết sở trường của mình. Mỗi khi có tâu xin việc gì, ta đều chiều lòng y cho, không có ngăn trở gì cả. Vì các khanh đều là hạng danh thần kì cựu, lịch duyệt việc binh, cho nên được ta tin cẩn chuyên dùng, để mở rộng mưu mô công việc, tuỳ cơ đánh dẹp nắm lấy phần thắng, cho đến thành công”. (Trang 137, tập VI).
Vua dụ: “… Ngày trước Phạm Văn Điển và Nguyễn Công Trứ tự mình xin đi, cũng đã dự bị sẵn kế cố thủ như ngày nay ư? Nếu không phải thế, thì xin đi một phen làm gì cho thêm rờm chuyện! Ta thực không hiểu việc làm của các khanh ra sao cả!
“Vả lại, sự thế ngày nay, không ngoài hai việc càn quét hay vỗ yên mà thôi. Nay việc càn quét đã không làm được tí gì mà việc chiêu dụ vỗ yên cũng chưa thu được công trạng.
   “Hiện nay, gần đến mùa nước lớn lại kế đến thời kì canh phòng mùa đông, việc vận lương cho quân lính có nhiều sự không tiện, mà bọn các khanh còn thu tay trong áo, điềm nhiên ngồi trông, chưa nghe thấy cử động việc gì thì còn đợi đến bao giờ mới đáng làm nữa? Nay chuẩn truyền dụ cho các khanh phải xem tình hình hiện nay, liệu tính như thế nào, nếu tình thế có chậm hay khó, thì một dải mạn sau Sa An phải tuỳ nghi trù liệu làm trước, cho được yên tĩnh, để bọn giặc không được ra vào thì thụt ở đấy làm ngăn trở cho việc vận lương đi lại. Lại trù tính công việc càn quét hay chiêu dụ, việc gì nên trước, việc gì nên sau, chỗ nào nên giữ, chỗ nào nên đánh phải lập tức đem việc mưu tính, việc đã làm, xếp đặt ra sao, cho đi ngựa trạm đem về, tâu lên minh bạch. Hoặc giả sức không làm nổi, chịu để cho người khác đến làm thay thì cũng cho cứ thực tình, lập tức về tâu, triều đình không thiếu gì người, đã có cách xử trí. Các khanh hãy nghĩ lấy, ta không nói đến hai lần”. (Trang 138, tập VI).
Vua bèn cho Thự Chưởng vệ Nguyễn Công Nhàn làm Chưởng vệ quyền sung Tham tán ở Trấn Tây; Tôn Thất Mậu làm Phó Lãnh binh, Nguyễn Công Trứ lại về chức Tán lí như cũ. (Trang 139, tập VI).
[Tháng 5] Tán lí Nguyễn Công Trứ mật tâu rằng: “Nước Cao Miên được triều đình trông nom đùm bọc đã lâu, lại đặt ra thành Trấn Tây để phòng giữ. Đã 8 năm nay, tổn phí tài lực không biết đâu mà kể, nhưng thổ binh thì không thể sai phái được, thổ dân thì không thể dạy dỗ được. Từ khi có việc binh đến nay, quan quân chết trận có đến hàng nghìn, cho đến súng đạn, khí giới bị hao tổn, tiền lương chi phát ra, thuyền bè phải vận tải, công và tư đều hao tổn cả. Ba Xuyên và Lạc Hoá cũng lần lượt không được yên tĩnh, các tỉnh thuê bắt đòi gọi, nông và thương đều vất vả cả. Sự thế hiện nay khác với năm ngoái, vì năm ngoái, nhân dân do sự ngờ sợ mà sinh biến loạn, năm nay đã có tên Giun làm tù trưởng, chí ở khôi phục lại nước, nên nhân dân đều một lòng liều chết. Tuy có quận chúa là Ngọc Vân nhưng họ cho là hạng đàn bà không kể chi đến. Chỗ nào cũng đóng đồn họp quân, nương chỗ hiểm để chống lại. Việc sai người đi dò la hoặc dẫn đường, hai việc ấy đều không thể làm được cả. Từ Thuyết Nột cho đến các xứ Long Trưng, Sa An, Cổ Tiêu và Long Sơn, hai bên bờ bắn xuống, ngăn giữ sự qua lại. Vả lại, thành Trấn Tây nhỏ bé, không thể dùng để giữ được, phải lấy con đê làm thành ngoài, mà đồ dùng để sửa đắp cũng không được bền chặt. Nay đến mùa nước lớn, nước sông chảy xiết, ngay như đối ngạn bên kia sông là đất Nhu Viễn và La Kết, lỡ ra có việc khẩn cấp đi lại còn không tiện, huống chi đến các nơi xa? Thành Trấn Tây bốn mặt đều phải đối địch với giặc, ứng tiếp không chu, nếu một phen không dùng đến đại binh thì không bao giờ xong việc được. Nói cho đúng, quân nhiều phải tốn nhiều, nhưng cũng chỉ thêm cho sự tốn phí mà thôi. Vì rằng, dù lấy được đất ở nơi ấy, cũng không thể cày cấy được, dù lấy được dân ở xứ ấy, cũng không sai khiến được. Song, đã sửa sang xếp đặt, công lao khi trước không nên bỏ đi cả. Nên nhân theo tình thế mà làm cho được việc. Năm trước, tên Yểm đã bó tay nộp mình, mong làm tôi tớ triều đình, nhờ lượng tiên đế, tuy đem giam cấm, nhưng vẫn hậu cấp cho tiền lương. Nay Hoàng thượng nối ngôi, ơn trạch rộng ban, dù kẻ tử tù cũng được khoan giam. Vậy xin ban sắc chỉ giao tên Yểm cho thành Trấn Tây trông coi. Y đã được tha về, thì đồ đảng của y cũng lần lượt ra thú. Đồ đảng đã chia rẽ, tất ngờ vực lẫn nhau, ta không còn phải lo về sau nữa, có thể đi thẳng một đường, dùng người Man để chiêu dụ người Man, bắt họ phải nơi nào giữ nơi ấy cho được yên. Còn kẻ nào cố chấp mê hoặc bướng ngạnh không chịu theo thì đánh giết cho một trận kịch liệt. Như thế là lấy tôi tớ của triều đình làm người sai khiến của triều đình”.
Sớ này giao xuống cho đình thần bàn.
… Lời bàn ấy dâng lên, vua phê bảo rằng: “Quần thần đã đồng ý, ta cũng tạm chuẩn y, nhưng phải cẩn thận công việc, đừng để có hối về sau”. Vua bèn sai bộ Hình mở xiềng xích tha cho Yểm, rồi cho đáp thuyền công đưa về Trấn Tây.(Trang 160, tập VI).
Phạm Văn Điển và Nguyễn Công Trứ được chỉ đi Ba Xuyên thì vừa gặp thành hạt có động, phải ở lại bàn tính làm việc. Trứ giữ đồn Bắc Đế, Đoàn Văn Sách giữ bảo Nhu Viễn, Cao Hữu Dực giữ đồn Kim Tháp, Nguyễn Công Nhàn giữ đồn Trấn Uy, Phạm Văn Điển quản đốc các thuyền binh đi đàn áp mặt trước thành lị Trấn Tây. Nhiều lần bắn nhau với giặc, bọn giặc bị thương và chết cũng nhiều. Quan quân bị thương và chết cũng gần bằng số của giặc. Bọn giặc lại nhân ban đêm, cắm rào, đắp luỹ ở ngoài đồn Nhu Viễn. Quân ta đêm ngày phòng bị nghiêm cẩn, bọn giặc không dám động đến, nhưng chúng vẫn ẩn nấp ở trong rừng, đào đất để ngồi ẩn…(Trang 161, tập VI).
… Bọn Công Trứ, Văn Sách và Tôn Thất Mậu chia hai đường thuỷ và bộ, ra ngoài thành tiến đánh. Phạm Văn Điển thì đóng quân ở Tiền Giang để làm ứng viện. Gặp giặc giao chiến, quân ta hai đạo đều bắn vào, bọn giặc chạy tan. Quân ta thừa thế, đánh phá hai đồn ở Thổ Sơn, đốt hết trại sách của giặc, đến tối mới thu quân về.
Vua phê bảo rằng: “Thừa thế ra đánh, làm cho quân lính thêm khí hăng hái, như thế há chẳng phấn khởi lòng người một chút ư? Hà tất cứ bo bo giữ đồn làm gì?”.(Trang 162, tập VI).
Vua lại bàn đến việc nước Xiêm và Chân Lạp, bảo các đại thần rằng: “…Việc tha bổng tên Yểm, từ khi Trấn Tây mới có biến động, quan khoa đạo đã từng nói đến. Nguyễn Công Trứ là Viện trưởng sao lại không dâng một lời bàn việc nên làm? Nay mới đến quân thứ, đã cùng nhau dâng tập tâu xin tha cho Yểm, chẳng là liệu việc muộn quá ư?… Tình hình nơi biên giới như thế, các đại thần có ý kiến gì nói cho ta biết”. (Trang 178, tập VI).
[Tháng 8] Bọn Phạm Văn Điển, Trương Minh Giảng, Nguyễn Công Trứ, Đoàn Văn Sách, Nguyễn Công Nhàn và Cao Hữu Dực dâng tập tâu mật nói: “Trước đây xin tha cho tên Yểm về, tưởng rằng cũng là một cơ hội để cho nó đi chiêu phủ bọn thổ dân. Nhưng từ khi tên Yểm được tha về, không thể tự lập được, cũng chỉ dựa vào ta cả. Nếu không dùng đến đại binh thì không bao giờ xong việc, mà biền binh thì khó nhọc đã lâu, số người bị ốm đau mỗi ngày thêm nhiều. Cứ giữ mãi thành không, chỉ tổn hại, chứ không ích gì. Xin rút hết quân về tỉnh An Giang, để cho binh lính được đỡ nhọc mà dân ở Nam Kì cũng được nghỉ ngơi”.
Tập tấu này được giao xuống cho văn võ đại thần họp bàn. Bọn Tạ Quang Cự, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Minh, Vũ Xuân Cẩn, Trương Đăng Quế, Lê Đăng Doanh, Hà Duy Phiên, Phan Bá Đạt, Doãn Uẩn và Phan Thanh Giản đều nói: “Hiện nay, sang thu, nước lớn, đường đi không thông đồng, nếu dùng binh thì lương vận không tiếp tục được, mà đóng đấy để giữ thì chỉ khó nhọc hão mà không có công trạng gì. Bọn chúng tôi đã tính đi tính lại vài ba lần cũng không có kế sách gì hơn. Chi bằng hãy tạm rút quân về An Giang, để cho vững mạnh bờ cõi căn bản của ta. Rồi sau sẽ nhân thời thế mà làm”.
Vua phê: “Sự thế hiện nay buộc phải như thế, chuẩn cho theo lời bàn mà làm. Các viên từ Kinh lược, Tướng quân cho đến Tán lí và Hiệp lí không làm được công trạng gì, đều giao cho bộ Hình nghiêm ngặt nghị tội từng viên có khác nhau”.(Trang 218, tập VI).
[Tháng 9] Quan quân Trấn Tây rút về đóng giữ ở tỉnh An Giang. Ngày hôm ấy, Trương Minh Giảng chết… Bọn Phạm Văn Điển và Nguyễn Công Trứ đem việc Giảng ốm chết tâu lên.
Vua nghe tin Giảng chết, phán rằng: “Giảng đảm đương sự kí thác nặng nề, chỉ vì việc trị dân và chống giặc không đúng phương pháp, cho nên thổ dân cùng nổi lên làm loạn, để triều đình phải bận đến việc phái quân đi tiễu bắt, đã lâu ngày mà chưa xong việc. Đã giao cho bộ nghiêm ngặt nghị tội. Không ngờ đại binh vừa mới về đến nơi, đã ốm chết rồi. Ta nghĩ: Giảng năm trước đây, làm Tham tán quân vụ, khiến giặc ở Biên Hoà và Vĩnh Long sợ mất vía, lại đánh được quân Xiêm ở Thuận Cảng. Công trạng rõ rệt, khắc vào bia đá cũng không thể mất được. Chuẩn cho truy đoạt lại chức Trấn Tây Tướng quân…
“Cho bọn Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Trứ, Đoàn Văn Sách, Nguyễn Công Nhàn và Cao Hữu Dực được giữ nguyên hàm quản lĩnh quan quân đóng giữ ở An Giang, hiệp đồng với nhau bàn công việc làm. Còn các chức hàm về Kinh lược, Tham tán, Tán lí, Đề đốc và Hiệp tán ở Trấn Tây của các viên này đều phải cách và thu lại cả. Những ấn triện quan phòng, cờ bài, cờ rồng và ấn quan phòng 2 đạo binh lương đều đem về bộ nộp lại cả. Các viên dịch trong ti An Biên khi trước, thì chia bổ vào những chân khuyết Thông phán và Kinh lịch ở sáu tỉnh Nam Kì; còn số thừa thì rút về Kinh có khuyết đâu sẽ bổ ”. (Trang 220, tập VI).
Định tội các tướng hiệu ở Trấn Tây. Bộ Hình đệ án tâu lên, khép Cao Hữu Dực, Phạm Văn Điển và Nguyễn Công Trứ vào tội trảm giam hậu, từ Lê Văn Đức và Nguyễn Tiến Lâm trở xuống cứ theo thứ tự, giảm tội dần.
Vua cho rằng trong buổi đi đánh dẹp, còn mong họ lập công báo đáp về sau, bèn giáng Hữu Dực làm Tư vụ bộ Hình, quyền Lĩnh Án sát tỉnh An Giang; Phạm Văn Điển thì cách chức hàm Tả quân Chưởng phủ, giáng làm Chưởng vệ, nhưng cho cách lưu, quyền Lĩnh Tổng đốc An - Hà, vẫn được giữ tước hầu; Nguyễn Công Trứ thì cách chức hàm Thự tả Đô ngự sử kiêm Tham tri bộ Binh, giáng làm Lang trung bộ Binh nhưng cho cách lưu, quyền Lĩnh Tuần phủ An Giang; Đinh Văn Huy giáng làm Viên ngoại Lang bộ Hình, Lĩnh Án sát Hà Tiên; nguyên Tuyên phủ sứ Hải Đông là Trần Văn Thông giáng làm Lang trung bộ Binh, Lĩnh Bố chính Hà Tiên; Lê Văn Đức và Nguyễn Tiến Lâm không phải chuyên làm việc ở Trấn Tây từ trước đến sau, đều phải giáng 3 cấp được lưu nhiệm. Nguyên sung chức Bang biện là Doãn Uẩn mới làm việc ở Trấn Tây có ít ngày được tha không bàn tội. Nguyễn Công Nhàn và Đoàn Văn Sách đều giáng 2 cấp được lưu nhiệm.
Lại sai Phạm Văn Điển và Nguyễn Công Trứ đến ngay quân thứ phủ Lạc Hoá hội đồng chia đi tiễu dư đảng giặc. (Trang 221, tập VI).
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #31 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2013, 01:26:14 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần VIII) – tiếp

Định rõ lại các điều cấm về việc bán trộm muối, gạo ở Nam Kì. Nguyễn Công Trứ tâu rằng: “Bọn con buôn gian giảo ở các tỉnh phần nhiều chở gạo, muối bán lậu cho thổ phỉ”. Vì thế lại định điều cấm rõ ràng lần nữa.(Trang 228, tập VI).
[Tháng 10] Bọn Nguyễn Tiến Lâm, Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Trứ đánh tan được Lâm Sâm ở Sâm Đô. Phủ Lạc Hoá đều yên cả. Trước đây, Lâm Sâm chiếm giữ ở Trà Vinh, đồ đảng của hắn có tên sư phiên dùng pháp thuật, yêu quái để cổ hoặc dân chúng, thổ dân nhiều người theo hắn. Quan quân đánh đã lâu chưa được. Đến đây, Phạm Văn Điển và Nguyễn Công Trứ đem quân đến, các đạo quân họp lại, chia sai các biền binh đến các xứ Hòn Lầy, Cà Vần, Trà Cú chặn giữ các đường lối xung yếu. Phạm Văn Điển vì bị ốm, lưu lại ở thuyền; bọn Nguyễn Công Trứ, Đoàn Văn Sách và Nguyễn Công Nhàn tiến đánh sốc Uy Dương, Nguyễn Tiến Lâm, Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Nghị tiến đánh sốc Thường Tụ. Khi quân ta đương đánh sốc Uy Dương thì bọn giặc chạy về sốc Thường Tụ, họp đồ đảng chống đánh lại. Bọn Tri Phương thúc quân đuổi đánh: giặc tan chạy về sốc Sâm Đô. Vì ngày đã tối, phải đóng quân lại, đến sớm hôm sau Tiến Lâm tiến đánh sốc Nghi Gia; Tri Phương, Công Trứ và Tôn Thất Nghị đem súng lớn đánh úp ở phía sau giồng Sâm Đô; Văn Sách, Văn Nhàn đánh ở phía trước giồng ấy. Hơn 3.000 phỉ cố giữ lũy, dàn quân chống lại. Quân các đạo của ta hăng hái tiến đánh, chém giết được rất nhiều. Quân ta thừa thắng, đuổi bừa, đến chỗ hồ nhỏ, thấy quân phục của giặc nổi dậy, quân ta phải rút lui một chút. Phó cơ Nguyễn Mân và Cai đội Lê Văn Bạch, cố sức đánh, bị chết trận. Công Nhàn và Tri Phương lại thúc quân đánh lại: giặc bị thua to, bỏ chạy. Lâm Sâm chỉ chạy thoát được một mình. Tên sư phiên tự thắt cổ chết ở cây xoài, quan quân tìm được xác, cắt lấy đầu đem bêu cho mọi người biết. Rồi luôn mấy ngày quan quân đi lùng bắt, thì bọn giặc đã bỏ đồn, trốn xa từ trước rồi. Cả mấy lần đánh phá được 13 sốc, lấy được 29 lũy, bắt sống được 9 tên, chém tại trận được 62 tên giặc, bắn chết được 156 tên, lùng bắt được 27 tên, lấy được khí giới vô kể. Có 7.683 người Thanh, người Thổ và người Kinh quy thuận. Bọn đầu sỏ giặc là Kiên Hồng (tức Tổng Hồng), Trần Hồng (tức Phù Mã Cung), Thạch Đột (lại có tên là Ba Lặc Đột) thế cùng, phải đến đầu hàng ở quân thứ, bị đóng cũi đưa về Kinh. Quân thứ đem cờ đỏ về báo tin thắng trận.
Vua mừng lắm, sai loan báo khắp cả Kinh sư. Lại dụ rằng: “Thổ dân ở phủ Lạc Hoá, là nơi yên vui đã lâu, thế mà tự nhiên có sự ngu tối gian ngoan, ngang ngạnh từ ngoài gây nên, tụ họp nhau như đàn ong, đàn kiến, nhiều đến 7000-8000 người, chống lại với ta, từ mùa xuân đến mùa đông, nhiều lần bị quan quân đến tiễu, chúng thường thường bỏ chỗ này đến chỗ khác, chui vào rừng rậm để sống lần hồi, đã bao lâu quan quân chưa làm xong việc. Nay quan quân các đạo họp lại đông kín như mây, một lòng hăng hái, đánh dẹp luôn mấy ngày, một trận đánh mà thành công, thực là nhờ oai hùng của Tiên đế để lại mới được thế. Ta nhận được tờ tâu, xiết nỗi vui hả, rất đáng khen ngợi. Chuẩn thưởng cho Nguyễn Tiến Lâm và Nguyễn Tri Phương mỗi người quân công một cấp. Khi trước phải giáng cấp ghi dưới tên trong sổ đều cho khôi phục hết. Lại thưởng cho Tiến Lâm một tấm bài ngọc khắc chữ “phúc, lộc, thọ” có dây đeo kết bằng trân châu, san hô. Nguyễn Tri Phương lại được thăng Thự Tổng đốc Long - Tường và được thưởng thêm một tấm bài ngọc khắc chữ “Cát tường như ý”, có dây đeo kết bằng trân châu, san hô. Nguyễn Công Trứ được khởi phục làm Thị lang bộ Binh, vẫn Lĩnh Tuần phủ An Giang, được thưởng thêm một tấm bài ngọc khắc chữ “Minh phượng triêu dương” có dây đeo kết bằng san hô…
“Thưởng riêng cho Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tri Phương mỗi người một đồng kim tiền Song long hạng vừa có dây đeo”. (Trang 236-237, tập VI).
Lĩnh Tuần phủ tỉnh An Giang Nguyễn Công Trứ và Thự Đề đốc Vĩnh Long Đoàn Văn Sách dời quân ra bến sông Vĩnh Tế, tâu lên rằng: “Vĩnh Tế là đường vận tải thông báo của tỉnh An Giang, phía Bắc sông này liên tiếp với Thất Sơn, phía Nam sông này liên tiếp với các núi Sâm Đăng, Châu Sâm, Bà Đê, Cần Thế, Lệ Chân, phàm những đường có thể qua lại, bọn thổ phỉ đều dựa vào chỗ hiểm, đặt đồn làm chước cố giữ. Gần đây, không thấy chúng ra vào, là vì từ bờ sông tới chân núi phần nhiều là ruộng hoang, lại có nhiều khe ngòi, sau kì tháng 8 nước lụt sâu dần, những thứ cỏ nước mọc lan dài ra, đi qua sẽ bị vướng vít. Nếu đến cuối mùa đông, khô ráo, một mớ lửa đốt cháy sạch mặt đất, chúng tất lại đến quấy nhiễu. Thất Sơn chưa dẹp yên, vẫn làm ngăn trở cho phía sau sông Vĩnh Tế, nên một phen hết sức tiễu trừ để tuyệt hết mối lo về sau. Nay từ bờ sông vào phía trong còn có nước đọng, nếu số quân tiến tiễu nhiều thì chia làm 5 đạo do những đường qua Vĩnh Tế, Tĩnh Biên, Tiên Nông, Vĩnh Thông, Vĩnh Gia cùng tiến lên. Nếu số binh ít thì chia làm 3 đạo, 1 đạo do đường thuỷ qua Mặc Cần, rồi ra phía sau Xoài Tốn, còn bộ Binh do núi Lệ Sam, chia làm 3 đạo; thế thì bọn thổ phỉ không thể trông nom được cho nhau, ta có thể dẹp yên hết. Xin cho điều động những binh 5 vệ Long võ, Trung bảo, Tả bảo, Thần cơ và Tiền bảo đang lưu thứ ở các tỉnh, kíp đi tới để kịp ngày hội tiễu, chắc trong vài tháng có thể xong việc được”.
Vua dụ rằng: “… Phàm mưu quý ở chỗ được vẹn toàn không nên nghĩ ở sự cầu may, dùng binh cốt tính cho trúng kế không nên vội, cầu lấy công thiện cận, nay truyền cho Nguyễn Công Trứ và Đoàn Văn Sách hãy xét trong hạt mình, phòng bị cho nghiêm, nên để lính thú lưu lại An Giang nghỉ ngơi cho được rỗi sức”. (Trang 248, tập VI).
Trước kia quan quân từ Trấn Tây trở về, tên Yểm tình nguyện tập hợp bọn thổ dân lại sung làm tiền khu đến nay, Phạm Văn Điển và Nguyễn Công Trứ đưa Yểm đi Lạc Hoá, sai ở đồn Bắc Trang chiêu dụ bọn thổ phỉ và tư sang tỉnh Vĩnh Long chọn cắt 5 viên Suất đội ở đội Long Nhuệ đi theo Yểm sai khiến. Bố chính Lê Khánh Trinh không chịu cho. Không bao lâu, bọn thổ phỉ phần nhiều do Yểm mà ra hàng, tranh nhau đưa đồ tặng Yểm, lại có kẻ gọi Yểm là quân trưởng nữa… [Vua] lại sai bọn Nguyễn Tiến Lâm, Nguyễn Công Trứ đem Yểm đi quân thứ, giao cho đi chiêu dụ dư đảng ở Thất Sơn và thổ phỉ ở các xứ Phong Nhương, Nghi Hoà phải mau quay đầu về với triều đình để lập công báo đáp. (Trang 249, tập VI).
 Vua sai Nguyễn Tiến Lâm và Tôn Thất Nghị đóng đồn ở bảo tuỳ cơ dẹp bắt hoặc phủ dụ; Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Nhàn, Nguyễn Lương Nhàn ở lại tỉnh An Giang, hội đồng với bọn Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Trứ bàn định làm việc. (Trang 250, tập VI).
“Lại truyền bảo Phạm Văn Điển, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Trứ, Đoàn Văn Sách, Nguyễn Công Nhàn và Nguyễn Lương Nhàn phải cùng bàn nhau chia ra các đường hiểm yếu ở Tiền, Hậu Giang và đường Đông từ Vĩnh Tế đến Hà Tiên, ngăn giữ cho nghiêm cẩn. Tuỳ theo tình thế hoãn hay cấp, nên đánh hay nên giữ, cho phép được tiện nghi làm việc”. (Trang 251, tập VI).
Lĩnh Tuần phủ An Giang là Nguyễn Công Trứ nghe Hà Tiên có tin cảnh báo liền quản đốc biền binh đi sang để hội hợp chống giữ, lưu Đoàn Văn Sách ở lại ngăn giữ bảo Vĩnh Thông và tâu lên nói: “Hà Tiên là đất xung yếu, phía Đông giáp tới Đông Hồ, Đông Nam tiếp giáp với biển có thể dựa vào thế hiểm trở thiên nhiên ấy được, duy hai mặt Tây, Bắc, đường bộ đi thông ba ngả, mà đồn Chu Nham, cách tỉnh vài chục trượng, chỗ luỹ đất đặt súng cùng đối diện nhau, bắn ra không tiện. Xin cho đặt vài ba cỗ súng lớn ở trên núi Bình Sơn trong luỹ để khống chế mặt Tây Bắc. Lại ở trên núi Tô Châu dựng một vọng lâu, đặt 2 cỗ súng lớn để khống chế mặt Đông Nam và cho triệt bỏ đồn Chu Nham để đỡ bớt binh lực”. Vua nghe lời tâu ấy. Không bao lâu, Trứ lại đem binh về sông Vĩnh Tế. (Trang 252, tập VI).
[Tháng 12] Nguyễn Công Trứ lại lựa phái 1000 biền binh hợp sức với Nguyễn Tiến Lâm đi hội tiễu bọn giặc còn sót ở Cái Đi, Cái Lần thuộc quân thứ Ba Xuyên.
Lời dụ của vua chưa tới, Nguyễn Công Trứ và Đoàn Văn Sách trước đã sai Nguyễn Lương Nhàn đem hơn 1000 binh đi sang hợp (với bọn Lâm) dẹp giặc.
Có người con trai tự xưng là con nhỏ của Anh Duệ Hoàng thái tử (tức là Thái tử Cảnh), ngụy hiệu là Hoàng Tôn, ở thành Nam Vang, họp tập những quân Xiêm, Lào, Kinh, Thổ, tới nghìn người. Nhiều kẻ vong mạng đến theo. Bọn quân thứ ở Vĩnh Tế: Nguyễn Công Trứ, Đoàn Văn Sách và Nguyễn Công Nhàn tâu lên rằng: “Sự thể ở nơi biên cương, sớm tối mỗi lúc một khác. Tên đầu mục người Xiêm, Chất Tri, rất tinh quái: trước đây đã đều lập tên ngụy Giun để thu phục vỗ về dân Miên, nay lại tạo ra kẻ nguỵ xưng Hoàng Tôn để cổ hoặc người Kinh. Chúng nói phao rằng Tiền Giang và Hậu Giang sẽ đều phái quân đến, nhưng ý chúng tất đến hai nơi là Hà Tiên, Vĩnh Tế trước vì Hà Tiên địa thế cách biệt mà chúng thì thuỷ, bộ sẽ tiếp ứng cho nhau. Vĩnh Tế, đường sông dài dòng, mà chúng thì tả, hữu đều có thể tiếp ứng sang. Vĩnh Tế một khi bị nghẽn thì Hà Tiên thế tất cô lập. Hiện nay chúng biết ta phòng bị nghiêm ngặt cho nên chưa dám kinh động. Duy ở biên giới, ta nên giữ vững rồi sau mới tuỳ thế đánh dẹp. [Chúng tôi] đã đặt thêm 2 đồn ở khoảng giữa Tiền Nông, Vĩnh Thông và Vĩnh Điền để chặn đường giặc, từ Tiền Nông đến Vĩnh Điền sửa đắp luỹ dài để cho giặc ngoài hết dòm dỏ”. Trứ, rồi chuyển về tỉnh An Giang bàn định việc tỉnh, lưu Đoàn Văn Sách ở lại giữ đồn Vĩnh Thông, Nguyễn Công Nhàn ở lại giữ đồn Tỉnh Biên sửa đắp luỹ đất.
Vua phán rằng: “Nguyễn Công Trứ từ khi ở Hà Tiên trở về Vĩnh Tế cùng với Đoàn Văn Sách và Nguyễn Công Nhàn hẹn ngày tiến dẹp Thất Sơn để yên đường sau. Nay lại đóng quân ngồi giữ, sao ngày trước nói ra dễ dàng mà nay nhút nhát như thế? Huống chi các đồn Vĩnh Thông, Tiền Nông, trước đây bọn tướng nhỏ Đoàn Quang Mật cũng còn có thể dựa hiểm, cố giữ, không ai dám làm gì. Nay đem đại binh đến đó ngăn giữ, tự có thừa sức, cớ gì lại phải đặt thêm 2 đồn, sửa đắp luỹ dài, để làm thêm nhọc sức quân? Có phải bày ra cách ấy để giữ mình chăng? Việc làm thật trái với cơ nghi việc binh mà chỉ tỏ cho người biết là mình yếu! Nay Nguyễn Công Trứ lại tự trở về An Giang bàn việc, thì bọn giặc ở trước mặt rồi, không biết còn về tỉnh bàn việc gì quan trọng hơn việc ấy nữa! Nay nên cho quân sĩ nghỉ ngơi, lấy sức nhàn rỗi đợi bọn mệt nhọc ở xa đến, thì hơn. Nếu những tin báo ở biên giới hơi thư, thì cổ vũ tướng sĩ chia đường thẳng tới Thất Sơn, đốt phá sào huyệt của giặc, để cho hết thảy được yên tĩnh, không nên đặt nhiều đồn, luỹ, để phí và vất vả cho nhân công làm gì?” (Trang 274-275, tập VI).
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #32 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2013, 01:26:45 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần VIII) – tiếp

Nhâm Dần, Thiệu Trị năm thứ 2, 1842.
[Tháng Giêng] Tỉnh Hà Tiên lại tâu: “Có 40-50 chiếc thuyền Xiêm và một chiếc kiểu Tây dương đến lấn bức bãi Thiển Môn ở Phú Quốc. Lại thấy thuyền giặc ước 30 chiếc đến đảo Hùng Chưởng (tục gọi đảo Móng Tay) đuổi theo quân thú binh ta”…
[Vua] lại sai một người trong bọn Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Nhàn, Đoàn Văn Sách, hiện quân thứ ở Thất Sơn đem biền binh đi mau tới để sắp đặt. (Trang 279, tập VI).
Đảng nguỵ ở Nam Vang (tức là kẻ nguỵ xưng Hoàng Tôn) đem cả quân Xiêm, Lào 5.000 người lẻn đến Sách Sô (thuộc phủ hạt Nam Ninh), lại có hơn 10 chiếc thuyền thổ phỉ đến đồn Cần Thăng dòm dỏ. Tổng đốc An - Hà Phạm Văn Điển phi tư cho Đoàn Văn Sách quản lĩnh biền binh đến ngay Hà Tiên sắp đặt công việc, Nguyễn Công Nhàn ngăn giữ đồn Vĩnh Thông, Nguyễn Công Trứ chuyển đi tuần tra ở Tiền Giang. Điển vẫn lưu lại An Giang sắp xếp mọi việc.
[Vua] lại dụ Phạm Văn Điển và Nguyễn Công Trứ rằng: “Công Trứ trước ở Hà Tiên đã từng xin trở về mau dẹp Thất Sơn để cho yên hết mọi trở ngạnh ở sau sông Vĩnh Tế. Trẫm đã chuẩn y lời xin ấy. Thế mà động gặp bọn giặc linh tinh, đều không dám tiến đánh, lại đặt đồn, đắp luỹ, chỉ làm mệt sức quân, rồi trở về An Giang lần lữa không tiến, lờ mờ không có chủ định như thế, còn ngày nào làm xong việc được! Theo tình hình hiện nay, nếu xét thấy bọn giặc quả thực mắc mưu lừa dối (của kẻ phao tin) thì nên liệu để biền binh ngăn giữ, rồi họp cả những binh hùng mạnh ở các đại đội tiến đánh, diệt hết bọn giặc tàn ở Thất Sơn, khiến cho chỗ ấy chóng được yên hẳn. Như vậy, các thuyền giặc ở ngoài biển và những bọn giặc linh tinh nghe oai tất phải trốn xa; không nên nhất nhất chia quân đi đóng giữ, thành ra tính lầm!”. (Trang 280, Tập VI).
Tổng đốc An - Hà là Phạm Văn Điển và Lĩnh Tuần phủ An Giang là Nguyễn Công Trứ tâu lên rằng: “Tỉnh Hà Tiên thám biết: tên thổ phỉ Phi Phủ họp binh ở Châu Sâm, muốn đến sông Vĩnh Tế quấy nhiễu, những thuyền của bọn đầu mục giặc đóng ở phận biển Quảng Biên hẹn nhau chia 2 đường thuỷ bộ đến đánh Hà Tiên. Về phận sông Ba Nam, 2 bên bờ đều có đồn trại, thuyền bè của bọn thổ phỉ, mưu định gây việc. Vả lại, bọn thổ phỉ ở Ba Xuyên, Thất Sơn chưa trừ hết, mà ở Hà Tiên, Tiền Giang có tin báo nguy cấp ấy thì những đồn Đa Phúc, Lô Khu ở Hậu Giang, đồn Cần Thăng ở Cam La và những đồn Tiên Nông, Vĩnh Điền ở Vĩnh Tế không thể không phòng bị trước cho nghiêm cẩn. Vậy xin lưu những biền binh vẫn đóng trước và những biền binh mới đóng, mới đưa đến, cứ theo các đạo để đủ sai phái”. Vua nghe theo.
Vua lại dụ rằng: “Phạm Văn Điển và Nguyễn Công Trứ đều là bề tôi có tiếng đã lâu, trước ở Trấn Tây, giữ mãi không thành, mặc cho bọn thổ phỉ lan khắp, đến khi về An Giang, mong những trước dẹp Ba Xuyên, sau đánh Thất Sơn, tuyệt đường đi lại kiếm chác của giặc, và cho quân dân nghỉ ngơi, ngồi chặn chỗ hiểm yếu để cho quân giặc tất đến phải chết. Thế mà đến nay, ở Ba Xuyên chưa quét sạch hết, ở Thất Sơn không tiến được bước nào, và cứ sai đi do thám lung tung, không được tin gì đích xác! Ở quân, động một tí là hấp tấp: nay dựng đồn lớn mai đắp luỹ to, việc nhiều, sức mệt, không lúc nào thôi (tháng Chạp năm trước, Nguyễn Công Trứ làm tờ tâu xin đặt 2 đồn Tiên Nông, Vĩnh Điền, lại sửa đắp luỹ dài ở 2 đồn ấy, như vậy không chút nắm vững, cử động trái ngược chỉ làm cho quân giặc coi khinh mà thôi. Sao không nghĩ thuyền giặc nghênh ngang ngoài biển đã gần 3 tháng lúc tiến, lúc lùi, chưa từng một lần nào với Hà Tiên đối địch thì chẳng qua chúng khoe thanh thế hão, có thể thấy rõ nghề mọn như con lừa của chúng thế là đã cùng…”.
Vua dụ các quan to ở 6 tỉnh Nam Kì rằng: “… Ở An Giang, bọn Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Trứ, Lê Quốc Trinh, Cao Hữu Dực trước đây còn bảo rằng đất Trấn Tây rộng rãi, thế tất khó dẹp; nay đã thuộc về bờ cõi của ta, không thể nói rằng khó khăn được nữa… Nguyễn Công Trứ đã nói: “Thất Sơn ở tại trong ruột cần xin tiễu diệt”, sao không làm ngay để đến nỗi cái lo ở trong chưa yên, sức chống bên ngoài lại đuối?… Trẫm sắp ra Bắc, lòng lo miền Nam, nay đặc dụ, cho bọn Lê Văn Đức, Nguyễn Đăng Uẩn, Ngô Văn Giai ở Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Lê Khánh Trinh… ở Định Tường, Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Trứ, Lê Quốc Trinh, Cao Hữu Dực ở An Giang, Nguyễn Tiến Lâm… ở Ba Xuyên, Nguyễn Công Nhàn, Đoàn Quang Mật… ở Hà Tiên, là những người đều có trách nhiệm giữ đất, cần phải hăng hái chống với giặc ngoài, phải giữ vững bờ cõi…”. (Trang 288-289, tập VI).
[Tháng 2] Tướng Xiêm là Ca La Hâm, Phì Phạt đem hơn 500 quân Xiêm, hơn 1000 quân Thổ và hơn 40 chiếc thuyền đến đóng ở bến phủ Quảng Biên; lại chở muối gạo lên bờ chứa tại một nhà để tạm ở Quảng Biên... Vua nghe biết việc ấy, nói rằng: “… Nay thuyền đồng ở Gia Định, đã sắp tới cõi, nên báo cho Nguyễn Công Trứ đi tới ngay, hợp sức cùng đánh…”. Ngay sau đó, Nguyễn Công Trứ đem biền binh ở đạo ấy đi tới, Đoàn Văn Sách đóng giữ đường bộ, cắt đặt binh thuyền giữ chặn cửa Kim Dư. Vua nói: “Làm như vậy cũng hợp sự cơ. Nếu giặc còn ở gần biên giới nên lập tức chia đường tiến đánh một phen để cho chúng khiếp sợ mãi mãi, mới được”. (Trang 302, tập VI).
Binh thuyền của Ô Thiệt Vương nước Xiêm đến đỗ ở Quảng Biên và phận biển đảo Nhĩ Dữ, núi Bạch Mã, số binh có tới vài vạn đóng đồn mọi chỗ, định mưu trước hết đánh úp Lô Khê rồi lấy Tô Môn, kéo đến bức tỉnh thành. Tỉnh Hà Tiên hoảng sợ, kíp tư cho tỉnh Vĩnh Long mau đem binh thuyền đến giúp. Tin báo đến, vua dụ rằng: “Giặc Man liên kết với giặc Xiêm mưu đồ dòm dỏ đất ta, hiện số binh của tỉnh không kém 4000-5000 và 2 đạo quân của Đoàn Văn Sách, Nguyễn Công Trứ kể cũng không ít, thế mà không tính được một mưu gì, lại phòng giữ sơ hở, để từ Lộc Giác đến Chu Nham chịu cho quân giặc đóng đồn trại, sao lại vô tài như thế... Thật rất phụ với việc được giao cho đi đánh giặc! Đoàn Văn Sách và Nguyễn Công Trứ đều giáng trước một cấp…”. Ngay sau đó, ở dải sông Vĩnh Tế, thổ phỉ kéo đến quấy nhiễu. Nguyễn Công Trứ nghe báo liền đem quân bản đạo đi gấp đêm ngày về An Giang; Nguyễn Tiến Lâm, Nguyễn Lương Nhàn chia nhau đi đến Tiền, Hậu Giang dẹp bắt. (Trang 303, 304, tập VI).
[Vua] sai Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tiến Lâm án giữ sông Tiền Giang, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Nhàn án ngữ sông Vĩnh Tế; Phạm Văn Điển, Nguyễn Lương Nhàn án ngữ mặt Hậu Giang. (Trang 311, tập VI).
[Tháng 2] Bọn Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Nhàn tâu lên rằng: “Tại dải sông Vĩnh Tế, bên hữu ngạn từ Vĩnh Thông đến Tiên Nông, bên tả ngạn từ Vĩnh Lạc đến Tĩnh Biên, bọn thổ phỉ kết đồn trại liên tiếp, thừa dịp vây bắn vào Tân Châu, An Lạc ở Tiền Giang, Đa Phúc, Cần Thăng ở Hậu Giang, càng ngày càng vây bức mà hiện số quân ta có ít, phòng giữ không đủ. Còn ở Hà Tiên hiện nay đã hơi thư việc, chúng thần đã tư cho Đoàn Văn Sách chuyển về giúp sức đánh dẹp. Nhưng Sách cho rằng thuyền giặc hãy còn đỗ ở ngoài biển Quảng Biên, hiện Sách đương chỉnh quân sắp thuyền tuỳ cơ tiến đánh, chứ không chịu trích phái quân đi giúp. Chúng thần trộm nghĩ: Sách làm việc ấy có 3 điều bất tiện: 1. Trong khi đại giá ra Bắc, không nên vội khai mối hiềm khích với nước bên; 2. Có bọn giặc to ở sau lưng mà lại vượt xa ra ngoài biển; 3. Vĩnh Tế là đường sau tỉnh Hà Tiên, nếu bị cắt đứt thì Hà Tiên không thể giữ được. Cân nhắc cho thích hợp trước sau, hoãn, cấp thì nên chuyển về An Giang, đợi cho đường sau dẹp yên rồi hãy tuỳ cơ tiến đánh”.
Vua thấy tâu, quở trách rằng: “Giặc Xiêm hôm nọ bị quan quân Hà Tiên chặn đánh, đã sợ oai, đêm trốn, thì ngoài ra, các đường Tiền, Hậu Giang, Vĩnh Tế chẳng qua là bọn giặc tàn linh tinh, chắc rồi cũng phải tan chạy. Huống chi giặc Xiêm vô cớ cất quân xằng bậy, giúp bọn làm càn, nên thừa lúc chúng thua chạy về, đánh riết một phen để chúng vĩnh viễn không dám tới dòm dỏ. Sao bảo là “khai hiềm khích với nước bên”, mà nêu ra ba điều không tiện? Thật đáng khinh bỉ! Lại như một đường Vĩnh Tế trước chỉ có một Nguyễn Công Nhàn đóng giữ cũng còn chặn được nơi hiểm yếu để giữ vững. Nay đã có Nguyễn Công Trứ lại có Tôn Thất Nghị đem binh tiếp đến, chắc cũng đã thừa sức, lại còn muốn Đoàn Văn Sách đến cùng họp một chỗ, sao kiến thức kém đến thế… Công Trứ vốn gọi là biết dùng binh sao lại tính đến thế, thật không thể hiểu!”… Rồi đó, Công Trứ mắc bệnh, vua cho Nguyễn Công Nhàn kiêm lĩnh cả số binh, liệu cơ phòng giữ hoặc tiến đánh. (Trang 316, tập VI).
[Tháng 5] Tuần phủ An Giang Nguyễn Công Trứ trước đây vì có bệnh, về tỉnh, xin lưu ở tỉnh làm việc. Vua bảo rằng: “Bọn giặc ở vùng đó đã trốn xa rồi, còn những chỗ Thất Sơn, Sách Sô đã phái đại binh đi đánh dẹp, không bao lâu có thể dẹp yên, chuẩn cho Công Trứ lưu lại tỉnh để làm việc, lại thường thường phái người đi thăm dò biên tình xứ Trấn Tây, tuỳ tiện sắp đặt để cho địa phương được yên, không cần phải lại đi quân thứ nữa”. (Trang 352, tập VI).
Thất Sơn đã dẹp yên. Người Thanh, người Thổ ra hàng, thú kể hàng nghìn (tên Yểm chia giao viên chức ở phiên trấn là Mộc Tức dụ được hơn 2.700 người và các hạng súng, khí giới, đem nộp; Phùng Nghĩa Phương dụ được hơn 1300 người; Tri phủ Ba Xuyên Lê Nhượng dụ được 4.500 người). Vua sai Nguyễn Công Trứ và Phùng Nghĩa Phương thay nhau đi sắp đặt, lựa chia lập ấp, thôn, đặt người trông coi, giúp đỡ sự khai khẩn ruộng đất cho cày và ở, để việc làm và chỗ ở được yên. (Trang 361, tập VI).
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #33 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2013, 01:27:10 am »


Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần VIII) – tiếp

[Tháng 2, nói về việc đào sông] Vua dụ Lê Văn Đức rằng: “… Một đoạn từ thủ sở Châu Giang ngang qua Tân Châu và An Lạc, giao cho Nguyễn Công Nhàn và Nguyễn Công Trứ trù tính công làm, rồi tâu lên”. Chưa bao lâu, tỉnh An Giang trù tính: “Nhân công dùng làm việc này phải tới 72.522 công, phải thuê 10000 dân phu ở 3 tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Định Tường và vát 2000 biền binh các hạng đi làm, ước tới 2 tháng mới xong. Nhưng hiện nay trời nắng dữ, nhân dân phần nhiều cảm nhiễm sinh bệnh, xin hãy cho tạm hoãn”. Vua y cho. (Trang 367, tập VI).
Vua lại dụ rằng: “Chuyến này biên giới đã yên, đại quân mừng chiến thắng. Đối với các đại thần nguyên sung chức Tổng thống, Tham tán, các viên Đốc, Phủ, Bố, Án và Lãnh binh các tỉnh Nam Kì hoặc vâng mệnh coi quân, hoặc giữ hạt chống đánh, đều đã nhiều lần hậu thưởng để nêu công lớn; nay vì còn ở trong 27 tháng quốc tang, vậy lấy vàng ban thưởng thay vào tiệc rượu ghi công để đáp công lao, khiến cho ơn đều nhuần thấm”.
(… Thị lang bộ Binh, Lĩnh Tuần phủ An Giang là Nguyễn Công Trứ; Chưởng vệ Lĩnh Tuần phủ Hà Tiên là Dương Văn Liễu; nguyên Lãnh binh nay hiện làm Chưởng vệ, quyền lĩnh ấn triện dinh Kì võ Nguyễn Văn Hoà… mỗi người được thưởng một đồng kim tiền Phú Thọ đa nam hạng nhỏ…). (Trang 384, Tập VI).
[Tháng 8] Tổng đốc An - Hà Nguyễn Công Nhàn và Tuần phủ An Giang Nguyễn Công Trứ tâu rằng: “Bọn người nhà Thanh và người Thổ ở Thất Sơn, Ba Xuyên về thú phần nhiều bị chết đói, tình hình rất bách thiết! Bọn thần đã lấy 1000 phương gạo kho cho vay đợi đến sang năm chiếu số nộp trả”. Vua dụ rằng: “Bọn chúng được liệt vào dân biên giới đã lâu, trước đây nhân thổ phỉ xui giục, cùng theo làm bậy, nay đã quay đầu quy thuận, tức là dân ta, há nỡ ngồi nhìn chúng đang như là trẻ con kêu khóc đợi mớm sao? Quan tỉnh gấp gáp giúp đỡ để cứu sự cấp bách, làm thế cũng phải, nhưng sau cơn binh lửa; tài sản hết sạch, chắc đâu sang năm đã nộp trả được! Vậy, phải xét xem nếu quả không đủ sức cày cấy thì nên liệu cấp ngay cho thóc giống, khiến chúng ra sức cày cấy để mùa màng được kịp thời. Lại nên gia tâm vỗ về cho chúng đều chóng được yên nghiệp, tỏ cái ý triều đình thiết tha vỗ yên dân chúng ngoài biên”. (Trang 396-397, tập VI).
[Tháng 10] Tổng đốc An - Hà là Nguyễn Công Nhàn và Lĩnh Tuần phủ An Giang là Nguyễn Công Trứ dâng tập trù nghị tâu rằng: “Số tiền và gạo hiện chứa ở kho tỉnh chưa được đầy đủ, xin cho nghiêm sức trong thuộc hạt và tư sang 2 tỉnh Định Tường, Hà Tiên mau đem tải nộp để đủ chi dùng”. Vua bảo bộ Hộ rằng: “Hai tỉnh An Giang và Hà Tiên là những nơi địa đầu xung yếu. Về việc tích trữ ở biên cương cần phải dự bị, huống nữa hiện nay số biền binh phái đi theo Kinh lược đại thần khá nhiều, sang năm sẽ lần lượt tới tỉnh, việc quân nhu rất tốn. Vậy sai 3 tỉnh Gia Định, Vĩnh Long, Định Tường, mỗi tỉnh lấy thóc kho ra xay thành 20.000 phương gạo và xuất tiền kho mỗi tỉnh 10.000 quan tiền, thuê ngay thuyền dân tải đi giao tỉnh An Giang thu chứa, cốt phải trong năm nay tải đến đề phòng chi dùng. Lại trước đây có chỉ do thuyền Thanh Loan chở 10.000 quan tiền công, chuyển giao cho Gia Định; đợi khi thuyền này đến thì do tỉnh Gia Định giao sang lại chuyển An Giang thu chứa, để được giản tiện”.
 
Vua dụ bọn Nguyễn Công Nhàn, Nguyễn Công Trứ rằng: “Trước đây, Thất Sơn đã dẹp yên, những người ra thú trước sau rất nhiều, quả là một lòng quy thuận yên phận làm ăn chưa? Bọn thổ phỉ Hà Âm, có ra vào nom dòm, thám thính hay không? Tên thổ mục Mộc Tức bấy nay chiêu dụ có đắc lực không? Tên Yểm và Ngọc Vân gần đây làm những việc gì? Và thổ dân còn có lòng yêu kính nữa không? Về hạt Ba Xuyên, trước sau chiêu tập, dân đã hồi phục như cũ chưa? Mọi việc ấy cần để tâm xét hỏi cho đích xác, tâu lên”.
Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #34 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2013, 01:28:02 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trú(Phần IX)

Quý Mão, Thiệu Trị năm thứ 3, 1843.
[Tháng Giêng] Vua thấy tỉnh An Giang là đất tiếp giáp Lạp Man, năm ngoái đã dụ sai thăm dò đích xác tình hình giặc, lâu chưa có tin báo, nay lại dụ Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn, Lĩnh Tuần phủ Nguyễn Công Trứ dò hỏi cho đích xác rồi tâu lên. Bọn Nhàn tâu: “Tên đầu mục Xiêm là Phi Nhã Chất Tri đã về Vọng Các, tên Phi Nhã Sô Phì Phủ Đăng đổi sang ở Trấn Tây, số binh chỉ có hơn vài nghìn.
Kể chức đầu mục thì Sô Phì Phủ Đăng không bằng Phi Nhã Chất Tri, kể số quân thì không bằng 1 phần 20 khi trước. Nếu ta đem binh thẳng đến Trấn Tây, có thể thừa được cơ hội tốt, chỉ vị đánh dẹp không khó mà giữ yên thì khó; nếu giữ yên không được thì đánh dẹp cũng chỉ khó nhọc mà vô ích. Vì người Thổ ngu tối, đa nghi, quân ta mới đến thì chúng giữ hiểm, chống cự, hễ thấy cùng bách thì chúng bỏ đất trốn đi. Ta ở lâu chiêu dụ, chúng vị tất đã về theo. Nếu lại xin triệt binh về thì đi không lại về không; chỉ thương tổn đến uy vọng. Vả, Trấn Tây địa thế bát ngát, trong mùa khô ráo, hành quân chưa được tiện; từ tháng 7 trở đi, nước ngập tràn đầy, đường bộ không thông, đội Chu sư nhanh nhẹn của ta có thể tung hoành đi lại. Lúc ấy, chúng đóng ở các chỗ núi, gò, sức kém, thế cùng, không thể không đem nhau quy phục, nhân đó, ta chiêu dụ vỗ về mới là đúng cơ hội. Huống chi bọn Lạp Man từng bị giặc Xiêm trăm đường sách nhiễu, không sao chịu nổi, đã chán cái bạo ngược của Xiêm mà nhớ sự khoan rộng của triều đình ta, chẳng bao lâu nữa tự cắn rứt lẫn nhau, nhân đó ta thừa cơ tiến sang thì Hải Đông, Hải Tây có thể lần lượt thu phục được cả”.
Vua dụ rằng: “Cái chủ yếu làm cho đất Man quy phục là ở đánh dẹp và vỗ yên mà thôi. Đương mùa khô ráo ở xứ ấy, quân ta tiến sang còn có thể thuỷ lục giúp lẫn cho nhau được. Nếu kì ngập lụt, nước chảy xiết, ngược dòng đi lên đã thấy chậm và khó, huống nữa ta có thể dùng thuyền nhẹ đi lại thì chúng tất sẽ đem thuyền nhỏ phục ở trong bụi lau, đám cỏ, ta có thể lùng hết các chỗ đầm vực mà bắt cá hết được không? Vả, việc dùng quân quý ở biết mình, biết người, trước cơ liệu địch tỏ hào không sai mới là tính toán vẹn toàn. Nếu chúng quân ít, tướng yếu, có thể thừa cơ đánh được thì nên đem toán quân mới đến của ta thẳng tiến đến Trấn Tây, đánh phá sào huyệt khiến cho dân Man biết rõ rằng giặc Xiêm không thể nhờ cậy được, càng thêm sợ sệt ta. Nhân đó, chọn sai bọn tên Yểm, Trà Long và các thổ mục đã quy thuận, tuỳ cơ sắp đặt, chia đi chiêu dụ, vỗ về, chúng tất sợ oai, nhớ đức mà quy thuận. Ấy là kế hay đó…”. (Trang 453-454, tập VI).
Tỉnh Hà Tiên tâu nói: “Hạt ấy là địa đầu sung yếu, có nhiều đồn trại, xin cho 2300 biền binh mà tỉnh Vĩnh Long và tỉnh An Giang phái đến trước, lưu lại để phòng thủ”. Vua nói rằng: “Lưu quân lại để tự vệ cho mình, là ý kiến thiên về một bên đó thôi”. Lại sai Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Trứ bàn việc ấy. Bọn Tri Phương xin bắt 500 quân ở tỉnh Gia Định và 300 quân ở tỉnh Định Tường hợp cùng với biền binh của hai tỉnh Vĩnh Long, An Giang hiện đóng ở đấy đều lưu lại để phòng thủ. Vua cho rằng sự đi lại thay đổi chưa thoả đáng chỉ chuẩn cho hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang đều phái một cơ binh đóng lại ở đấy, cứ 6 tháng đổi một lần. (Trang 481, tập VI).
Sai các quan đại thần bàn rõ sự nghi xứ Trấn Tây. Trước đây, Tổng đốc An - Hà Nguyễn Công Nhàn, Lĩnh Tuần phủ Nguyễn Công Trứ tâu lên nói: “Quân Xiêm ở lâu xứ Trấn Tây, dân bản xứ khổ về việc cung đốn. Phàm có việc phải bắt dân phu, phần nhiều trốn tránh; quân Xiêm cũng không thích ở lâu ở đấy, thường thường lẩn trốn, số quân không quá 5000-6000. Bên hữu ngạn sông Tiền Giang đã không có quân Xiêm đóng đồn. Chỉ có các đồn trại Ba Nam Đà và Lô An, cũng giao cho hào mục bản xứ và dân bản xứ phòng thủ mà thôi. Duy đường thuỷ về sông Hậu Giang là có phòng giữ; đường bộ thì từ Vĩnh Long đến Hà Âm không có phòng bị gì, có thể nhân cơ hội đó xin phái 9000 quân kinh thành và mỗi tỉnh 5000 quân, đủ số 30000, phái thêm một cơ quân có voi; lại chọn một viên Tổng thống chuyên lĩnh các quan đại thần, cốt đến tháng 11 hội đồng trù tính, chia đường để tiến đánh”. (Trang 490, tập VI).
Thị lang bộ Binh, Lĩnh Tuần phủ An Giang là Nguyễn Công Trứ, bổ thụ Tham tri bộ Binh, vẫn Lĩnh Tuần phủ An Giang. (Trang 499, tập VI).
[Tháng 10] Tổng đốc An - Hà Nguyễn Công Nhàn, Thự Tổng đốc Long Tường Nguyễn Tri Phương, Tuần phủ An Giang Nguyễn Công Trứ cùng tâu nói: “Việc đào sông Tân Châu ở tỉnh An Giang trước đã xin hoãn lại, nay đến tiết mùa đông khô ráo, xin thuê 5.000 dân phu khơi trước một đoạn dài (550 trượng), trong một tháng thì cho về, đợi sang xuân, sẽ làm tiếp”. Vua y cho. (Trang 548, tập VI).
Giáp Thìn, Thiệu Trị năm thứ 4, 1844.
[Tháng Giêng] Tỉnh An Giang có bọn Man, người Chân Lạp hơn nghìn tên, ngầm đến chỗ bên tả đồn Đa Phúc đắp luỹ, dàn thuyền làm thế nương dựa nhau. Tổng đốc An - Hà là Nguyễn Công Nhàn uỷ Lãnh binh Nguyễn Văn Hoàng đóng triệt đồn Đa Phúc. Bọn Tuần phủ An Giang là Nguyễn Công Trứ cũng thân đem biền binh đến đồn Cần Thăng, do sông Lô Khu ngược dòng đi lên. Sai người hỏi, thì có kẻ nói rằng triều đình đào sông để đánh úp thành Trấn Tây nên đầu mục nước Xiêm là Chất Tri và Nặc Ong Giun uỷ cho đến phòng ngự, không dám bới việc; người khác lại nói: đóng ở đó để tiện cho thổ dân đi lại trao đổi buôn bán, không có ý gì khác. Sức phải triệt đi thì chúng xin hoãn tuần nhật. Công Trứ cho rằng chúng đã cúi mình thuận theo, nên không muốn gây chuyện, hãy tạm cho, nhưng dời đồn Cần Thăng đến giữa bãi sông Đa Phúc để cho tiện sự đi lại. Việc đến tai vua. Vua lấy làm lạ, nói rằng: “Chỗ ấy ở vào khoảng giữa 2 đồn Đa Phúc và Cần Thăng, cách tỉnh thành lại không xa, cớ sao giặc Man đắp luỹ ngầm mà các ngươi có trách nhiệm không từng biết đến! Chức vụ ở chỗ nào? Phó Vệ uý Vũ Văn Tô, Hiệp quản Nguyễn Bích đều phải giáng một cấp”. (Trang 571, tập VI).
[Tháng 4] Sông Tân Châu ở An Giang đã đào xong. Mùa đông năm ngoái bắt đầu đào đường sông từ cửa sông Chu Giang ngang qua sông Tiền Giang, đồn Tân Châu (dài 3695 trượng), cuối năm thì nghỉ việc; mùa xuân năm nay lại làm. Thuê nhân công làm việc này, cấp cho tiền và gạo. Vừa một tháng thì sông đào xong (trên rộng 6 trượng, dưới rộng 3 trượng, sâu trên dưới 9 thước…). Tuần phủ Nguyễn Công Trứ, tâu nói: “Cửa sông Chu Giang cùng đồn Tân Châu cách nhau hơi xa, có một khu đất cao gọi là Giồng Tượng, giặc Thổ thường đến ẩn nấp ở đây. Vậy xin đặt một đồn ở đất ấy, trích lấy 50 biền binh ở 2 đồn Tân Châu và An Lạc đóng giữ. Lại nên dời đồn Chu Giang đặt lên phía trên sông Tân Châu để tiện việc tuần sát”. Vua y cho. (Trang 593, Tập VI).
Tổng đốc An - Hà là Nguyễn Công Nhàn, Tuần phủ Nguyễn Công Trứ, Bố chính Phùng Nghĩa Phương, Hộ lí Đề đốc Đoàn Quang Mật và Thự Bố chính Hà Tiên là Lê Quốc Trinh có tội, đều bị mất chức.
Trước kia, người thôn Tân Hựu tỉnh An Giang là bọn Đoàn Văn Quận đến Kinh kêu về việc thôn ấy đất rộng, người đông, và xin chia ra cho tiện việc công, nguyên quyền Lĩnh Bố chính là Lê Quốc Trinh cùng với Nghĩa Phương, Công Trứ và Công Nhàn đều đòi tiền bạc đút lót (hoặc 50 lạng, hoặc 70 lạng, hoặc 100 lạng) do Lại dịch trong tỉnh là Nguyễn Văn Uy và Nguyễn Văn Giao và Đội trưởng Nguyễn Công Pháp dẫn nộp, lâu không xử đoán ra sao. Vua dụ rằng: “Việc chia đặt thôn ấp, cũng không phải là tình hình bách thiết gì, sao lại đem nhiều của đút mà cầu cạnh như thế, rất không phải lẽ! Nhưng đã chỉ rõ người và việc ra, chưa chắc đã phải là bịa đặt, nói mò. Vậy chuẩn cho đều phải tâu lên nói cho rõ ràng, không được tự ý bênh vực chống đỡ cho sự trái lẽ… Bọn Nhàn đều dâng sớ, tự biện bạch. Duy có Nguyễn Văn Pháp thú nhận là có nộp 70 lạng bạc, mới giao xuống cho Pháp ti xét hỏi, thì cái số bạc ấy là Công Nhàn trả lại mà giao cho Văn Pháp. Trước hết, giáng Công Nhàn xuống 4 cấp, cắt lương một năm. Lại chuẩn cho bọn Công Trứ đều phải tâu riêng mà trần thú, sẽ chước lượng xử theo luật nhẹ”. Sau đó [bọn Công Trứ] cũng không chịu nhận. Công Trứ trước là chức Tham tán cầm quân, Công Nhàn xuất thân là Tì tướng, nay lại ở địa vị trên, Công Trứ vì thế bất bình. Công Nhàn nhòm thấy tâm trạng ấy, có ý chức hại ngầm Trứ. Đến đây, Công Trứ đi xem xét công việc khơi sông, Quang Mật bắt được Đội trưởng đồn Chu Giang là Mai Văn Thạch tự tiện hộ tống 4 chiếc thuyền buôn lậu. Công Nhàn và Nghĩa Phương hội đồng tra hỏi, nêu ra các tình lệ Công Trứ phái người đi dò thăm ở xứ Trấn Tây, mua riêng tê giác và đậu khấu, bèn tham hặc tâu lên. Vua sai Tham tri bộ Lễ Trần Ngọc Giao sung Khâm sai đại thần đem cả Lại khoa Chưởng ấn Cấp sự trung Đặng Kham đi đến ngay để tra xét. Khi Ngọc Giao đến, biết hết được tình trạng Công Nhàn vu cáo để buộc tội. Khi án dâng lên, Nghĩa Phương và Công Nhàn vì tội vu cáo bị xử phạt trượng, phát lưu; Công Trứ làm việc phần nhiều xuất lược, Quang Mật nghe Công Nhàn và Nghĩa Phương xui khiến, đều bị phạt trượng, cách chức.
Vua dụ rằng: “Công Nhàn xuất thân từ lúc làm Tì tướng, lên đến chức trọng trấn một địa phương, chưa từng làm được một việc gì! Trước kia, vụ án tham tang ở thôn Tân Hựu phát ra, ta đã châm chước, xử theo luật nhẹ; nay còn không nghĩ, đồng một lòng với nhau mà giúp nước, để che cái lỗi trước, thế mà cố ý bắt kẻ phạm tội vu cáo cho người khác, gây nên một vụ án to, đáng lẽ theo như án đã nghị xử, phạt tội phát lưu để răn những kẻ theo ý riêng mà bỏ việc công. Nhưng nghĩ: Công Nhàn năm trước đánh lui được giặc ở đất Sa Tôn, lập công ở sông Vĩnh Tế. Theo điều “nghị công” trong luật, đối với người có công cũng có thể lượng giảm. Vậy gia ân cho cách chức, đi hiệu lực. Nguyễn Công Trứ trước phái đi biên giới phía Tây, giao cho việc quân rất quan trọng để phí cả ngày giờ, không làm nên công cán gì, ta cũng đã bỏ qua cái lỗi trước, bổ cho làm Tuần phủ; gần đây cứ ôm gốc cây để đợi thỏ đến, mơ hồ mọi việc không chịu để tâm. Việc buôn gian chở hàng hoá tuy là có việc vu cáo nói không, nhưng xét đến chỗ sở hành, đại để là mượn việc công để làm việc riêng, tội tình không thể che giấu được. Nghĩa Phương, Quang Mật a dua với quan trên đáng lẽ xử cùng một tội, nhưng vì QuangMật chỉ ra được kẻ buôn gian, nên chỉ đổi phạt: giáng xuống chức Suất đội, cho theo sai phái ở tỉnh Hà Tiên. Công Trứ, Nghĩa Phương đều bị cách chức cùng với Lê Quốc Trinh cùng can vào việc tham tang, phải giải chức, giao cho Ngọc Dao xét nghị”. Sau đó, Ngọc Dao được đổi đi làm Tuần phủ tỉnh Định Tường. Vụ án này, đổi giao cho Nguyễn Tri Phương hội đồng với Tuần phủ, Bố chính, Án sát tra xét nghị xử cái án của Công Trứ, Nghĩa Phương và Quốc Trinh. Vì nhân chứng rõ ràng, đều kể cái số tham tang giảm đi một nửa nên xử phạt trượng và đồ. Khi án dâng lên, vua chuẩn cho đều sung quân: Công Trứ phát đi biên thuỳ tỉnh Quảng Ngãi; Nghĩa Phương, Quốc Trinh phát đi đảo Côn Lôn, truy thu số tiền tham tang trả lại cho những người đem lễ. Thôn Tân Hựu cũng không cho chia ra. (Trang 611-612, tập VI).
Ất Tị, Thiệu Trị năm thứ 5, 1845.
[Tháng 9] Cho viên bị cách là Nguyễn Công Trứ khởi phục làm Chủ sự bộ Hình quyền Viên ngoại lang; rồi lại đổi quyền Viên ngoại lang Đại lí tự. (Trang 768, tập VI).
Logged

NTT
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM