Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 04:59:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép về Nguyễn Công Trứ  (Đọc 29024 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« vào lúc: 22 Tháng Tám, 2013, 10:18:18 pm »

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép về Nguyễn Công Trứ

Quốc sử quán triều Nguyễn.
Nguồn: Vanhoanghean.com.vn



Mở đầu

Nguyễn Công Trứ người huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, thuở nhỏ phóng túng không câu nệ, có khí tiết. Gia Long năm thứ 2, vua đi tuần ra miền Bắc, Công Trứ là người thường, nhân đến dinh hành tại dâng kế sách. Năm thứ 18, Trứ đỗ Giải nguyên (thủ khoa). Đầu năm Minh Mạng sung làm Biên tu ở Sử quán.

Năm thứ 4, bổ thụ Huyện doãn huyện Mĩ Hào; nhiều lần thăng đến tham biện tỉnh Thanh Hoá; rồi vì có tang cha bỏ chức. Vua nghĩ Trứ là người thanh liêm, giản dị, sai mang cho Trứ 100 lạng bạc. Khi hết tang, đổi làm Tham tán quân vụ ở Bắc Thành; bỗng lại thăng lên Thị lang bộ Hình, quyền làm Hình tào Bắc Thành.

Năm thứ 8, vua xuống chiếu cho Trứ cùng viên Thông ngoại quản Tiền quân là Phạm Văn Lí hội quân tiến đánh tên giặc thổ trước ở Nam Định là Phan Bá Vành. Trước đây tên giặc ấy lẻn lút chiếm nơi bãi biển, tựa chỗ hiểm rủ nhau tụ họp. Công Trứ đặt mưu lược, thường đánh phá được. Vua bảo là: Nguyễn Công Trứ, gặp việc hết lòng làm không cẩu thả, thực không thẹn với sự uỷ dùng. Rồi sau Trứ bắt được Bá Vành. Vua xuống chiếu thư khen ngợi, và thưởng cho Trứ một hình núi bằng ngọc trắng, một hình con ngựa bằng mã não, một cái khánh vàng và triệu về triều.

Khoảng năm Minh Mạng, Trứ lấy hàm Tả Thị lang bộ Hình, Lĩnh Doanh điền sứ ở Nam Định. Trước đây, Công Trứ dâng thư kín nói việc 3 điều: 1- Pháp cấm phải nghiêm ngặt, để trừ tuyệt bọn giặc; 2- Thưởng phạt phải công minh, để khuyên răn quan lại; 3- Khai khẩn ruộng hoang, để cho dân nghèo có nghề nghiệp. Vua giao xuống cho đình thần bàn để thi hành. Rồi sai Công Trứ sung làm chức Doanh điền sứ. Công Trứ vào từ biệt trước mặt vua xin đi. Vua dụ rằng: Thuộc hạt Bắc Thành đã tiện yên, nên xua dân về làm ruộng. Phàm việc gì có thể dựng việc lợi, trừ việc hại cho trăm họ được thì cho phép tiện nghi thi hành. Công Trứ nên trình bày các công việc nên sửa làm, xin đem số dân một phẩm, chia làm ấp, làng, trại, giáp có thứ bậc khác nhau. Khi ông đến nơi, xem đạc đất hoang ở một dải Tiền Châu phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định, chia cấp cho dân cùng, gồm được 14 làng, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp, đinh hơn 2.350 người, ruộng hơn 18.970 mẫu. Xin lập làm một huyện, gọi tên là huyện Tiền Hải. Lại ở hai xã Ninh Cường, Hải Cát, được 4 làng, 4 ấp, 1 trại, lập làm 1 tổng, lệ thuộc vào huyện Nam Chân. Tổng Hoành Nha, được 5 ấp, 2 trại, 3 giáp, cũng lập làm 1 tổng, lệ thuộc vào huyện Giao Thuỷ. Còn về nhà cửa, trâu cầy, đồ làm ruộng, thì lượng lấy tiền của công tri cấp cho.

Lại xin đo đạc chia khẩn đất ở ven biển ngoài núi Hồng Lĩnh phủ Yên Khánh tỉnh Ninh Bình, được 3 làng, 22 ấp, 24 trại, 4 giáp, đinh hơn 1.260 người, ruộng hơn 14.600 mẫu, lập làm một huyện, gọi tên là huyện Kim Sơn. Về khoản nhu cấp (cho huyện ấy), hết thảy như lệ huyện Tiền Hải. Nơi nào đã thành điền, thì cho thu nộp tự năm nay, còn thì đợi ba năm sẽ bắt đầu thu thuế. Vua y lời tâu là phải.

Công Trứ lại nói: hai huyện mới lập ra và các ấp, làng đều là dân phiêu lưu di đến họp lại. Chưa có liên thuộc với nhau, xin định làm quy ước: 1. Sở đặt ruộng của nhà học; 2. Đặt kho của xã; 3. Cần việc dạy bảo; 4 Cẩn thận việc phòng giữ; 5 Gắng sức khuyên răn. Đình nghị cho là các điều ấy chưa thể vội làm được, bèn thôi không làm nữa. Tháng 4 năm thứ 10, ông về kinh tâu trả lời vua biết.

Năm thứ 11, ông được Thự Hữu Tham tri bộ Công, tạm giữ ấn triện bộ Hình; bỗng lại giáng làm Hữu Thị lang, sung làm công việc Nội các. Lại nhân việc bị tội giáng bổ Kinh huyện, rồi thăng Lang trung phủ Nội vụ.

Năm thứ 13, Thự Bố chính sứ Hải Dương. Vua lại cho 200 lạng bạc, là tỏ ý khuyên bảo gắng sức liêm tiết. Rồi lại thăng lên Tuần phủ, Thự lí quan phòng Tổng đốc Hải An. Trong bộ hạt ấy có bọn nghịch, lập tức sai quân dẹp bắt, trong hạt được yên. Trứ lại lưu ý đến việc khai khẩn đồn điền, nghiêm ngặt việc do thám mặt biển, thường dâng sớ xin thi hành.

Năm thứ 14, bọn đầu sỏ giặc là lũ Trương Nghiêm họp bọn lũ cướp nhiều huyện Tứ Kì, ông thân hành đốc quân đánh ở Thiết Tranh, phá được. Vua xuống dụ khen thưởng. Rồi sau có chỉ sai đi Tuyên Quang, cùng với Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên là Lê Văn Đức tiến đánh tên đầu sỏ phản nghịch là Nông Văn Vân; do hai bên tả hữu sông Lô chia đường đều tiến thẳng đánh vào tổ giặc ở Vân Trung. Quân đi đến đâu, giặc đều trông thấy bóng là chạy trốn, Trứ bèn dẫn quân về.

Năm thứ 14, Vân lại dựa chỗ hiểm rủ nhau tụ tập. Vua bèn cho Văn Đức sung chức Tổng đốc quân vụ Tuyên Quang, Công Trứ sung chức Tham tán, do đường Côn Lôn tiến quân, cùng Văn Đức hội họp thì Vân ngầm trốn. Có dụ sai mang quân về. Rồi sau giặc lại xâm lấn sát đồn Cao Bằng. Vua lại sai hội quân tiến đánh. Sau gặp quân ta đã lấy lại tỉnh thành Cao Bằng, Công Trứ xin chuyển đi Thái Nguyên, cùng với Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đình Phổ bàn tính việc quân định đến trung tuần tháng 9 hội đánh một loạt. Vua y cho. Lại sai Công Trứ sung chức Tham tán đạo Thái Nguyên. Đình Phổ, Công Trứ giữ đạo Thái Nguyên, hiệp cùng đạo Cao Bằng là Tạ Quang Cự, Nguyễn Tiến Lâm, Hồ Hựu; đạo Tuyên Quang là Phạm Văn Điển, Lê Văn Đức, tiến đến Vân Trung, thì giặc Vân lẩn vào hang núi. Đạo Tuyên Quang dùng kế hoả công, Vân bị chết cháy. Tin thắng trận tâu lên. Vua hạ lệnh cho quân ba đạo hát khúc thắng trận về kinh.
Trứ vào trước thềm ra mắt vua. Vua thân rót rượu ban cho để tỏ lòng yêu qúy đáp công. Lại thưởng cho các đồ chơi quý báu; và ấm thự cho một người con Trứ làm Hiệu uý vệ Cẩm y. Rồi lại sai Trứ về nơi lị sở trước.

Công Trứ coi giữ lâu ngày ở một địa phương lớn, chấn hưng, kiến thiết được nhiều. Lại thấy hình thể tiện lợi của tỉnh thành Quảng Yên, xin sửa đắp thêm, vua y lời xin.

Năm thứ 19, Trứ thân hành đem quân, thuyền từ Quảng Yên ra biển thẳng đến Tràng Sơn vây bắt bọn giặc ở mặt trước, cả phá được. Nhân thể, xin đóng quân nơi ấy, cấp cho đồ làm ruộng để khai khẩn. Năm sau, Trứ lại đi Tràng Sơn, tìm được tên đầu sỏ giặc ghép vào hình pháp. Ngoài ra còn chiêu dụ được hơn 180 người, lập làm Hương Hoá, biên vào sổ chịu thuế. Sau được triệu về kinh, thăng Hữu Tham tri; lại kiêm Tả phó Đô ngự sử.

Năm thứ 21, Trứ thấy Trấn Tây mãi chưa thành công, dâng sớ xin đi. Vua khen là giỏi và y cho. Sai Trứ sung làm Tán lí việc quân cơ ở Trấn Tây. Trứ vào từ biệt trước thềm xin đi. Vua dụ rằng: Phạm Văn Điển, Nguyễn Tiến Lâm, không lo gì họ không có sức mạnh, chỉ lo họ không có mưu thôi. Khanh là nho tướng, việc quân vẫn đã quen, cần phải xem xét cơ hội nên làm, để sớm lập công lớn, cho xứng với trách nhiệm ta uỷ cho.

Thiệu Trị năm thứ 1, Trứ cùng tướng quân là Trương Minh Giảng đánh phá 12 sở đồn luỹ cuả giặc, được gia một cấp quân công. Rồi sau quan quân chuyển về An Giang, định tội lỗi với các tướng biền Trấn Tây, tước hết quan chức của Công Trứ, lại sai Trứ cùng Phạm Văn Điển đi ngay quân thứ Lạc Hoá để hội đánh giặc. Mùa đông năm ấy, quan quân đánh phá được Lâm Sâm, giết được nhà sư người Phiên, Lạc Hoá được bình hết. Trứ được khởi phục chức Thị lang bộ Binh, Lĩnh Tuần phủ An Giang, ngăn giữ các đường trước sau.
Năm thứ 4, Trứ bị tội, phải phát đi làm binh ở miền ven biên giới Quảng Ngãi. Năm sau Trứ được khởi phục chức Chủ sự, Thự Viên ngoại lang bộ Hình, và quyền Thự Án sát sứ Quảng Ngãi, kế đến Thự Phủ thừa phủ Thừa Thiên.

Năm thứ 7, được thăng Thự Phủ doãn, lấy cớ là tuổi đến 70, xin nghỉ không được.

Tự Đức năm thứ 1, Trứ lại tâu nhắc lại lời xin trước, được vua ân chuẩn cho là lấy hàm Phủ doãn Thừa Thiên về nghỉ việc. Khi đã về nghỉ, làm nhà bên cạnh ngôi chùa trên núi để ở.

Năm thứ 12, có chỉ cho khởi phục, Trứ lại ra làm việc đánh giặc. Nhưng Trứ tự trình bầy là tuổi già suy yếu không làm nổi việc. Vua y cho. Rồi sau Trứ chết thọ 82 tuổi.

Công Trứ là người trác lạc, có tài khí, có tài làm văn càng giỏi về quốc âm, làm ra thi ca rất nhiều, khí hào mại, phổ đầy ở trong âm luật; đến nay hãy còn truyền tụng. Trứ làm quan thường bị bãi cách rồi lại được cất nhắc lên ngay; tỏ sức ở chiến trường nhiều lần lập công được chiến trận. Buổi đầu Trứ lĩnh chức Danh điền, sửa sang mới có trong một năm mà các việc đều có đầu mối, mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, thành ra mối lợi vĩnh viễn. Khi tuổi già về nghỉ, tức thì bỏ qua việc đời, chơi thú sơn thuỷ, trải hơn mười năm có cái hứng thú phớt thoảng ra ngoài sự vật. Đến nay người ta, phần nhiều tưởng đến phong độ khí khái của ông. Sau khi Trứ mất, các huyện ấp do ông lập ra đều dựng đền để thờ.

-------------------------------------------

(*) Khảo theo Đại Nam chính biên liệt truyệncủaQuốc sử quán triều Nguyễn (Tổng tài Cao Xuân Dục; Toản tu: Lưu Đức Xứng, Trần Xán), quyển 20, bản dịch của Đỗ Mộng Khương, Ngô Hữu Tạo, Nguyễn Mạnh Duân, Huy Giu, Trương Văn Chinh, Nguyễn Danh Chiến,Nxb. Văn học, Hà Nội 2002, tr. 410 - 415.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2013, 01:35:03 am gửi bởi Noitraitim » Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2013, 12:40:55 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần I)

Tiểu dẫn: Đại Nam thực lục chính biên là bộ biên niên sử Việt Nam (gồm 587 quyển) được biên soạn bởi tập thể các sử quan, trong nhiều thời kì của Quốc sử quán triều Nguyễn, ghi chép các sự kiện lịch sử nhà Nguyễn từ khi Nguyễn Ánh làm chúa (1778) đến đời Đồng Khánh (1887), và sau này được viết thêm đến đời vua Khải Định (1925). Bản dịch sang tiếng Việt do Tổ Phiên dịch Viện Sử học thực hiện được công bố lần đầu từ năm 1962 đến năm 1978, Nxb. Giáo dục tái bản năm 2002-2007. Phần khảo Nguyễn Công Trứ qua Đại Nam thực lục chính biên sau đây do ông Đinh Văn Niêm thực hiện gồm các thao tác.

1. Chọn trích toàn bộ những sự kiện có liên quan trực tiếp đến Nguyễn Công Trứ, ghép nối lại với nhau thành một “tiểu sử” Nguyễn Công Trứ trong “Quốc sử”. Phần văn bản trích được chúng tôi giữ nguyên lời văn, in bằng chữ đứng thường.

2. Người khảo đưa thêm lời dẫn, chú để giúp bạn đọc hiểu bối cảnh của văn bản đoạn trích, như ngày tháng năm sự kiện diễn ra, tóm lược những sự kiện liên quan, v.v… Phần này được in bằng chữ nghiêng (italic).

3. Để thuận lợi cho việc tìm kiếm các bản tấu sớ với tư cách là tác phẩm của nguyễn Công Trứ, chúng tôi cho in nghiêng, đậm các văn bản đó.

4. Những thông tin cần thiết khác được đưa vào chú thích ở cuối trang.

Trước đây đã có một số nhà nghiên cứu khảo về Nguyễn Công Trứ qua bộ sử này nhưng văn bản công bố chưa đầy đủ: Mai Khắc Ứng trong Tư liệu về Nguyễn Công Trứ (Sở VHTT Hà Tĩnh, 2001) đưa ra 200 sự kiện; Trần Nho Thìn trong Nguyễn Công Trứ - tác gia và tác phẩm (Nxb Giáo dục, 2003) đưa ra 40 sự kiện. Lần này, ông Đinh Văn Niêm đã khảo lục hết toàn bộ các sự kiện liên quan đến Nguyễn Công Trứ trong Đại Nam thực lục chính biên (10 tập tái bản của Nxb. Giáo dục) và đưa ra 261 sự kiện.

Quý Hợi Gia Long năm thứ 2, 1803.

[Tháng 8, vua Gia Long ra Bắc Hà nhận lễ tấn phong của nhà Thanh, ngày Bính Tuất, trú tại hành cung Nghệ An] Người huyện Nghi Xuân là Nguyễn Công Trứ điều trần mười việc. [Vua] sai bộ Lại duyệt kĩ để tâu(1). (Trang 570, tập I).
Kỉ Mão, Gia Long năm thứ 18, 1819

[Tháng 3] Sai Tham tri Hình bộ là Võ Đức Thông sung Đề điệu trường thi Nghệ An; Kí lục Quảng Bình là Hoàng Kim Hoán sung Giám thí. Lấy đỗ Hương cống 30 người (Trường Nghệ An Nguyễn Công Trứ, Đặng Huy Thuật, Hồ Minh Tĩnh, Nguyễn Năng Tĩnh, Hồ Sĩ Lâm, Lê Sĩ Thường, Nguyễn Chương Đạt, Bùi Văn Tán, Nguyễn Huy Triêm, Nguyễn Hữu Tố, Lê Hữu Tuệ, Nguyễn Đức Hiền, Phan Bá Đạt, Nguyễn Bùi Nhã) cộng 14 người (…). (Trang 985, tập I).

Canh Thìn, Minh Mệnh năm thứ nhất, 1820.

[Tháng 5] Triệu các Hương Cống khoa Kỉ Mão về Kinh, phái làm hành tẩu ở 6 bộ để học tập chính sự, cấp lương tháng cho mỗi người tiền 2 quan, gạo 2 phương (…)(1). (Trang 61, tập II).

Giáp Thân, Minh Mệnh năm thứ 5, 1824.

[Mùa hạ, tháng 5] Lấy Lang trung Lại bộ là Nguyễn Công Trứ, Lang trung Lễ bộ là Thân Văn Quyền đều Thự Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Hoàng Kim Hoán tâu rằng hai người ấy một người là khoa mục xuất sắc, một người thì quan thân quyền quí đều biết tiếng, có thể làm khuôn mẫu cho học trò, xin cử sung chức ấy, nên có mệnh này. (Trang 356, tập II).

Giáp Thân, Minh Mệnh năm thứ 5, 1824.

[Mùa đông, tháng 10] Lấy Thượng bảo Thiếu khanh Hoàng Quýnh thăng Thự Thượng bảo khanh. Lang trung Lại bộ là Đoàn Khiêm Quang và Thự Tư nghiệp Quốc Tử Giám là Nguyễn Công Trứ đều làm Thiêm sự Hình bộ. (Trang 383, tập II).

Ất Dậu, Minh Mệnh năm thứ 6, 1825.

[Tháng 7] Giáng Thự Phủ doãn Thừa Thiên là Bùi Tăng Huy làm Lang trung Lại bộ, Phủ thừa Vũ Doãn Đạo làm Lang trung Lễ bộ. Trước đây ở Thừa Thiên xảy ra việc trộm cướp, đã có nghiêm chỉ khiến nã bắt, chưa bắt được hết mà người bắt được lại để lâu không tra xét kết tội. Vua giận là lười biếng coi thường, giao xuống bộ Hình bàn xử. Bọn Huy bị giáng đổi đi. Lấy Kí lục Quảng Nam là Ngô Phúc Hội làm Phủ doãn Thừa Thiên. Thiêm sự Hình bộ là Nguyễn Công Trứ làm Phủ thừa Thừa Thiên. (Trang 442, tập II).
[Tháng 11] Chuyển bổ Phủ thừa Thừa Thiên là Nguyễn Công Trứ làm Tham hiệp Thanh Hoa. Tham hiệp Thanh Hoa là Đặng Văn Nghiêm làm
Phủ thừa Thừa Thiên. (Trang 460, tập II).

Bính Tuất, Minh Mệnh năm thứ 7, 1826.

[Tháng Giêng] Tham hiệp Thanh Hoa là Nguyễn Công Trứ tâu xin thân đem thủ hạ đi đánh bắt thổ phỉ. Vua y cho.

Trước đây vua nghe Thanh Hoa có tên tướng giặc là Lê Duy Nhiên chứa nuôi đứa con nghịch phạm Lê Duy Hoán tên là Lê Duy Lương, họp đảng ở địa hạt Ngọc Sơn và Nông Cống, mưu làm loạn, dụ trấn rằng: “Hạt ngươi có bọn tiểu nhân ấy lẩn lút mà người điềm nhiên không biết, thì trách nhiệm giữ ngoài khổn ở đâu? Hiện nay bốn cõi vô sự, trong nước lặng yên, sao có thể dung cho chúng phiến động lừa dối làm hại dân ta? Phải nên tra bắt ngay, chớ để lan rộng”. Thế là Công Trứ xin đi. Bèn sai Án trấn là Nguyễn Văn Hiến lượng phái biền binh lệ theo để sai khiến. (Trang 476, tập II).

[Tháng 2] Tướng giặc ở Thanh Nghệ nguỵ xưng Tiền bộ là Ninh Đăng Tạo tụ họp đồ đảng ở miền thượng đạo Diễn Châu cướp bóc giữ hiểm ở núi Cưa, thường quấy nhiễu cướp bóc các hạt Đông Thành, Quỳnh Lưu (thuộc Nghệ An), Ngọc Sơn, Nông Cống (thuộc Thanh Hoá) dân không được yên. Trấn thủ Nghệ An là Trương Văn Minh dâng sớ xin thân đem quân lớn đánh thẳng vào sào huyệt. Vua sai truyền dụ cho Án trấn Thanh Hoa là Nguyễn Văn Hiến cùng đi đánh dẹp. Quân của Minh đóng ở đồn Quán Cháo, quân của Hiến đóng ở đồn Đồng Loan, hẹn kì đều tiến. Tham hiệp Nghệ An là Nguyễn Đức Nhuận, Tham hiệp Thanh Hoa là Nguyễn Công Trứ cũng đều đem binh chia đường chặn bắt. (Trang 486, tập II).

Tháng 6, dẹp xong thổ phỉ ở Thanh Nghệ. Trước đây Trấn thần Thanh Hoa là Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Công Trứ và Trấn thần Nghệ An là Trương Văn Minh, Nguyễn Đức Nhuận hội nhau đánh tướng giặc là Ninh Đăng Tạo ở núi Cưa, giặc nghe tin tan vỡ, sào huyệt đã hết, lương thực lại không, quan quân chia đi lùng bắt, trước sau săn bắt được đầu mục và đầu thú đến hơn nghìn người. Tạo trốn đi xa, địa phương yên lặng, quan hai trấn đem sự trạng tâu lên.

Vua sai rút binh về, ban thư khen ngợi. Trước tiên phát the trừu và quạt trúc vân, khăn tay đem đến cấp cho; biền binh đi trận thì giao cho hai bộ Lại, Binh, xét công trạng lập danh sách, bàn khen thưởng, nhân dân thì giao cho bộ Hình bàn thưởng. Lại thấy số kẻ phạm bắt được rất nhiều sợ hoặc có lạm đến người vô tội, dụ sai kíp xét ngay, nếu có dân lương thiện bị giặc đà luỵ thì tha ngay. (Trang 512, tập II).

Tham hiệp Thanh Hoa là Nguyễn Công Trứ có tang mẹ, xin đưa tang về quê chôn cất. Vua y cho, ban cho 100 lạng bạc. (Trang 514, tập II).

[Tháng 10] Lại lấy Nguyễn Công Trứ làm Tham hiệp Thanh Hoa. Trước đây Trứ ở Thanh Hoa, có tang nghỉ, đến nay hết hạn, lại bổ dùng. Trứ vào bệ từ. Vua dụ rằng: “Trước kia hai trấn Thanh Nghệ trộm cướp nổi nhiều, vì trấn thần vỗ về chống giữ có phương pháp, dân nhiều người ra sức, bắt được 8, 9 phần 10 kẻ phạm, như thế thì dân ta có phụ gì triều đình đâu. Nay ngươi đến bảo rõ đức ý của triều đình, chiêu tập những dân xiêu tán, tiễu trừ những đảng giặc sót để cho biên phương yên lặng lâu dài, ấy là điều trẫm mong đợi”. Nhân triệu vào Đông các cho ăn. (Trang 546, tập lI).

[Tháng 12] Cho Tham hiệp Thanh Hoa là Nguyễn Công Trứ gia hàm Thị lang quyền biện Hình tào Bắc Thành. (Trang 559, tập II).
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2013, 01:34:10 am gửi bởi Noitraitim » Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2013, 12:48:16 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần I) – Tiếp

Đinh Hợi, Minh Mệnh năm thứ 8, 1827.

[Tháng Giêng] Đảng giặc ở Nam Định 5000 người cướp phủ Kiến Xương. Phó Thống thập cơ Oai thắng của Hậu quân là Phan Bá Hùng đánh nhiều trận, phá tan giặc; Phó Thống thập cơ Hùng dũng của Hữu quân là Phan Đình Bảo và Tham tán Nguyễn Công Trứ cũng đều đem quân chia đường tiến đánh. Bọn giặc bị quân ta giết chết và đánh bị thương nhiều, bèn vỡ chạy cả. Quan Bắc Thành đem việc tâu lên. Vua sai thưởng Bá Hùng gia một cấp quân công, Đình Bảo và Công Trứ đều hai thứ kỉ lục quân công, thưởng biền binh 15.000 quan tiền. (Trang 573, tập II).

[Tháng 2] Tướng giặc Nam Định là Phan Bá Vành chia phái đồ đảng ngăn chặn các đường thuỷ bộ ở huyện Thư Trì. Phạm Văn Lí đem thuỷ binh đánh tan giặc ở sông Bổng Điền. Vành đem quân vây Phạm Đình Bảo ở Chợ Quán. Lí bèn cùng Nguyễn Công Trứ chia quân ba đường đến cứu. Ngoài đánh vào, trong đánh ra, đảng giặc tan vỡ. Vành chạy đóng ở xã Trà Lũ (thuộc huyện Giao Thuỷ). Đảng giặc còn hơn 2.000 người đắp luỹ, đào hào, làm kế cố giữ đến chết.

Vua nghe tin, dụ Phạm Văn Lí rằng: “Ngươi gần đây nhiều lần báo tin thắng trận, trẫm khen người giỏi. Duy nay bọn giặc còn dám liên kết liều chết để chống quân ta, tưởng lòng căm thù của ngươi đáng phải giết giặc rồi mới ăn cơm, làm sao đã lâu dẫu thắng trận mà đầu tướng giặc vẫn chưa có đầu nào bêu lên, nhiều kẻ yếu phạm vẫn chưa trị tội. Hết đông sang xuân, để chậm chưa giết được thì lấy gì mà nêu rõ phép nước. Ngươi nên lập tức cùng với các đại viên cầm quân chia đường vây đánh. Bọn kia như du hồn đáy hũ, có khó gì mà không đánh một trận bắt hết! Trẫm vốn biết ngươi đủ làm xong việc, cho nên chuyên trách ở ngươi. Cố gắng lên! Cố gắng lên! Nếu chậm chờ trông ngóng, sợ công to từ trước không đủ bù với lỗi nặng đâu”.

Lại dụ Nguyễn Công Trứ rằng: “Ngươi trải làm quan trong ngoài, trẫm vốn đã biết. Mùa đông năm ngoái, Bắc Thành nhiều việc, sai ngươi gấp rút đi giúp đỡ việc quân. Vừa rồi cứ tâu báo thì ngươi cùng Phạm Đình Bảo cầm quân trước sau giết giặc rất nhiều, đã xuống chỉ ưu thưởng rồi. Duy bọn giặc nhiều lần thua mà quan quân chưa bắt giết hết được, khiến ta không khỏi ghì cổ tay mà tức giận. Hiện nay tình hình đánh giặc thế nào, ngươi nên cứ thực tâu lên. Sau này có việc gì khẩn yếu, cho được làm tờ nói thực, niêm phong tâu thẳng”. (Trang 579, tập II).

[Tháng 3] Cho Nguyễn Công Trứ làm Tả Thị lang Hình bộ, vẫn quyền lĩnh Hình tào Bắc Thành, Nguyễn Đức Nhuận làm Tả Thị lang Binh bộ, vẫn quyền lĩnh Binh tào Bắc Thành, Nguyễn Văn Mưu làm Thiêm sự Hộ bộ vẫn theo Hộ tào Bắc Thành làm việc. (Trang 595, tập II).

[Tháng 4] Triệu Thống chế lĩnh thập cơ Kính tiệp của Tiền quân là Phạm Văn Lí và Tả Thị lang Hình bộ quyền lĩnh Hình tào Bắc Thành là Nguyễn Công Trứ cùng Tả Thị lang bộ Binh quyền lĩnh Binh tào Bắc Thành là Nguyễn Đức Nhuận về kinh. (Trang 608, tập II).

[Tháng 5] Bọn Phạm Văn Lí, Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Đức Nhuận vào bệ từ để về Bắc Thành làm việc. Vua thấy thổ phỉ ở Bắc Thành dư đảng còn nhiều đứa ẩn nấp, dụ cho thành thần phái thêm biền binh theo bọn Lí sai bắt, hẹn trong 3 tháng dẹp hết giặc nấp để cho nhân dân được yên ổn, rồi đều về thành làm việc. (Trang 615, tập II).

[Tháng 7] Cho Quốc trưởng Vạn Tượng là A Nỗ đến ở Nghệ An.

A Nỗ ở Ba Động khẩn thiết xin nương tựa triều đình, bọn Phan Văn Thuý đề đạt lên.

Vua bảo bầy tôi rằng: “A Nỗ trú ngụ ở ngoài, ăn sương nằm gió, tình cũng đáng thương; vậy truyền lệnh cho Nghệ An, làm công quán ở ngoài trấn thành cho A Nỗ ở. Lại cho một đạo sắc dụ, 1000 lạng bạc, sai Nguyễn Công Tiệp mang đến nơi và đưa A Nỗ về trấn. Ngày A Nỗ đến trấn, cho chọn một người con hay cháu đến kinh chiêm cận.

Khi trước, A Nỗ bỏ nước chạy, em là Ấp Ma Hạt không chịu theo, A Nỗ đem mẹ và 4 con của Ấp Ma Hạt cùng đi. Đến bấy giờ Ấp Ma Hạt gửi thư cho con A Nỗ là Hạt Xà Bông mời A Nỗ về nước, lại xin mẹ con nó về để khỏi xiêu dạt. Tướng Xiêm là Xú Pha Hoạ Di cũng gửi thư cho A Nỗ nói đã xin lỗi vua Xiêm, vua Xiêm đã xá lỗi cho, đừng ngờ nữa. Phan Văn Thuý đem việc tâu lên.

Vua bảo bầy tôi rằng: “Thư ấy lời lẽ hư thực dẫu chưa biết rõ, nhưng A Nỗ đã về với ta, xử trí thế nào cũng nên định sớm. Nay Ấp Ma Hạt đã có thư ấy, nhân cơ hội ấy mà làm thì là trúng khớp. Vả mẹ con nó đã bị A Nỗ bắt giữ, có người khuyên trẫm bảo A Nỗ tha ra thì thế nào?”.

Tống Phước Lương tâu rằng: “Di địch cũng như cầm thú, không lấy nhân nghĩa bảo được; Ấp Ma Hạt đang ghét anh nó, thì thương gì mẹ con, giữ lại cũng chẳng ích gì”.

Phan Huy Thực nói rằng: “Đế vương chế ngự Di địch, vẫn cẩn thận cái thuật ràng buộc; chẳng bằng giữ lại một nửa để cho họ còn lòng quyến luyến để ngày sau có chỗ khu xử”.

Vua hỏi Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ, đều nói như lời của Thực. (Trang 644, tập II).

[Cũng tháng 7] Triệu Tả Thị lang Hình bộ quyền lĩnh Hình tào Bắc Thành là Nguyễn Công Trứ về kinh bổ dùng. (Trang 649, tập II).

[Tháng 9] Tả Thị lang Hình bộ là Nguyễn Công Trứ từ Bắc Thành về, vào yết kiến. Vua hỏi: “Gần đây giặc cướp hơi im đám, dân ta có thể yên ổn lâu được không?”.

Tâu rằng:

“Sau khi đại quân đi đánh dẹp, các đám giặc tuy đã tan, nhưng kẻ đầu sỏ chưa bắt được hết. Cứ thần xem thì chỉ tạm yên thôi”.

Bèn điệu bổ làm Hữu Thị lang Lễ bộ. (Trang 669, tập II).

[Tháng 10] Sai quan biên soạn sách Bách ty chức chế, lấy Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Hữu Thận làm Tổng tài, Thị lang Thân Văn Quyền, Nguyễn Công Trứ, Lê Văn Đức, Lí Văn Phức, sung chức Toản tu, chọn thuộc ty các viện 12 người sung Biên tu, 4 người làm Khảo hiệu hiệu san, 15 người Đằng lục, sai đặt cục ở Sử quán mà làm. Trước đây vua muốn sửa đặt chức chế, sai quan sáu bộ họp bàn. Đến nay tâu rằng: “Đặt quan chia chức là phép tốt đời thái bình. Tên quan đã định, chức chế thực phải nên làm. Huống chi bây giờ nhà nước nhàn rỗi, chính là lúc càng nên sửa sang trau dồi để làm phép tắc lâu dài, khiến cho các quan lớn nhỏ trong ngoài đều biết chức phận của mình mà cố gắng làm cho hết sức, thì mọi công việc mới mở rộng được. Vả lại chức chế là để tỏ rõ pháp điển sẵn có tất phải châm chước xưa nay, so đi xét lại. Xin đặt quan chuyên coi việc ấy mới có thể chóng xong”. Vì thế mà có mệnh này.

Dụ rằng: “Chức chế là quan hệ đến điển chương của nhà nước, nếu mỗi người đều giữ ý kiến riêng thì cũng như làm nhà ở cạnh đường, không bao giờ xong được. Các khanh nên chia việc mà chuyên làm để cho việc có thống thuộc, mới đến xong được”. (Trang 671-672, tập II).
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2013, 01:34:31 am gửi bởi Noitraitim » Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2013, 12:50:01 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần I) – Tiếp

Mậu Tý, Minh Mệnh năm thứ 9, 1828.

[Tháng 2] Lấy thự Hữu Thị lang Lễ bộ là Nguyễn Công Trứ làm Tả Thị lang Hình bộ, vẫn sung chức Toản tu chức chế. (Trang 708, tập II).

[Tháng 3] Lấy Tả Thị lang Hình bộ là Nguyễn Công Trứ lĩnh chức Dinh điền sứ. Nguyên trước Nguyễn Công Trứ dâng sớ nói 3 việc.

1. Lập phép nghiêm cấm để trừ dứt trộm cướp (Bắc Thành sau loạn Tây Sơn, tập tục kiêu ngoa, những bọn gian giảo, thấy lợi quên nghĩa, bắt cóc người, đào mồ mả để đòi tiền chuộc, tụ tập đồ đảng doạ nạt dân làng, tù trốn thì lấy nhà cường hào làm sào huyệt, tổng lí cũng lấy kẻ hung ác làm chân tay, để xưng hùng với nhau. Phàm gọi là làm loạn, không phải cứ đánh thành, cướp đất mới là làm loạn; người không ở yên thuận lẽ cũng là loạn. Ngạn ngữ nói: “Loạn thì chém” không dùng phép nặng không ngăn được loạn. Xin đặt thêm hương trưởng mỗi làng 2 người, để coi sóc nhân dân, khiến họ yên nghiệp làm ăn, ai du đãng trộm cướp thì báo quan ngay, nếu dung túng chứa chấp, việc phát giác thì tổng trưởng, hương trưởng, xã trưởng đều phải chém cả. Phàm cha anh không ngăn cấn được con em thì cho tự thú cáo trước, nếu giấu giếm đến lúc phát giác thì đồng tội. Như thế thì không ai dám phạm, mà trộm cướp yên tắt được).

2. Minh việc thưởng phạt để khuyến khích quan lại (Nay lại dịch tham ô thường làm hại cho dân là bởi chưa có cách khuyên răn. Xin phàm các địa phương, nên thải bỏ những người hèn kém bớt đi một nửa, và cho thêm lương, để giữ thanh liêm; định lệ 3 năm, xét một lần, ai liêm cần thì được cất nhắc, ai khinh nhờn pháp luật thì không cứ việc lớn hay nhỏ, tang nhiều hay ít, đều trị tội cả, khiến ai ai cũng biết giữ mình. Như thế thì tham chuyển thành liêm cả).

3. Vỡ ruộng hoang cho dân nghèo (Đời làm ăn xưa chia ruộng định của, dân có nghiệp thường cho nên ở yên nơi làng mạc không có gian tà. Ngày nay những dân nghèo túng, ăn dưng chơi không, khi cùng thì họp nhau trộm cướp, cái tệ không ngăn cấm được. Trước thần đến Nam Định thấy ruộng bỏ hoang ở các huyện Giao Thuỷ, Chân Định mênh mông bát ngát. Ngoài ra còn không biết mấy nghìn trăm mẫu, hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn, nhưng phí tổn nhiều, không đủ sức làm. Nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, nhà nước phí tổn không mấy, mà mối lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng. Vả lại bãi Tiền Châu ở huyện Chân Định hoang rậm, trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay khai phá ra, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác. Xin sai trấn thần khám xét, phàm những đất hoang có thể khai khẩn được, cho những địa phương giàu có chia nhau trông coi công làm, mộ những dân nghèo các hạt đến khai khẩn, như mộ được 50 người thì lập làm một làng, cho làm lí trưởng, mộ được 30 người thì lập làm một ấp, cho làm ấp trưởng; đều tính đất chia cho. Cấp cho tiền công để làm cửa nhà, mua trâu bò nông cụ, lại lượng cấp tiền gạo lương tháng trong hạn 6 tháng, ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn, 3 năm thành ruộng, đến chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc để phòng năm mất mùa cho dân vay. Những làng ấp mới lập ra gọi là “Quân lực bản”. Phàm các hạt xét thấy những dân du đãng không bấu víu vào đâu, đều đưa cả về đấy. Như thế thì đất không bỏ hoang, dân đều làm ruộng, phong tục kiêu bạc lại thành thuần hậu).

Đưa sớ xuống đình thần bàn thì đều cho là: “Điều nghiêm phép cấm cũng là biến thông, duy nói việc phạt thì Tổng lí, Hương trưởng đều phải chém thì chưa được phân biệt. Huống chi nói hình phạt mà không nói thưởng khuyên là thiên về một bên. Xin chước định rằng nếu có việc gian phi phát ra ở chỗ Tổng trưởng ở thì Tổng trưởng cùng với Xã trưởng, Hương trưởng đều xử tội nặng, nếu việc phát ở xã, thôn khác, chỉ bắt tội Xã trưởng, Hương trưởng, còn Tổng trưởng thì nên bắt tội trượng và cách chức. Trong 3 năm, Tổng lí giữ được ninh thiếp, thì do thành thần tâu xin khen thưởng, cho họ phấn khởi. Còn chức Hương trưởng thì cho mỗi làng chỉ đặt một người, cho khỏi bừa bãi. Đến việc cha anh không ngăn cấm được con em, trong ấy nếu biết tình thì nên bắt tội nặng, nếu không biết tình thì xét xử như luật, không nên cũng xử đồng tội. Điều minh thưởng phạt xin bớt lại dịch mà thêm lương bổng, thì lại dịch đã có định ngạch, người nào việc ấy, sao lại bỏ đi một nửa được? Lương bổng cũng đã có lệ, mà chỉ thêm lương cho lại dịch thì còn các chức việc khác thì sao? Duy trước kia chia ban, nay xin để cả mà phát lương dưỡng liêm cũng được rồi. Việc hạn 3 năm xét để thăng truất cũng có thể làm được. Điều khai khẩn ruộng hoang thì thực được ý nghĩa chăm nghề nông làm gốc. Nhưng nói phủ huyện đặt kho thóc thì lại gây thêm cái tệ của người giữ kho xin đem nộp vào kho ở trấn là tiện. Phàm làng ấp mới lập, đều cho thuộc vào huyện như lệ thường, không cần lập thêm danh sắc “quân lực bản” làm gì. Ngày nay Bắc Thành chứa tệ mà hạt Nam Định là nhất, ba điều trên xin đem thi hành ở Nam Định ba năm để xem thành hiệu thế nào”.

Vua nói: “Việc ấy nửa năm cũng đủ, cần gì phải đến 3 năm”. Bèn sai Nguyễn Công Trứ lĩnh chức Dinh điền sứ, hạn 6 tháng tâu lại. Nguyễn Công Trứ bệ từ. Vua dụ rằng: “Nay các hạt Bắc Thành dần yên, nhân dân hơi biết hướng theo giáo hoá có thể nhân cơ hội này, đưa dân về ruộng đất, khiến yên nghiệp làm ăn, dân có của thường thì có lòng thương, bọn trộm cướp tất phải tan đi mà ngầm hoá. Vả lại triều đình khai hoá không cái gì trước việc dạy dân chăm nghề gốc. Nay việc dinh điền đã giao cho khanh phàm việc có thể làm lợi trừ hại cho dân, cho tuỳ tiện mà làm, nên hết lòng xếp đặt sớm báo thành công, để yên ủi lòng trẫm mong đợi”. Hạ lệnh chọn một viên tư vụ, 10 người bát cửu phẩm và vị nhập lưu thư lại đi theo để sai phái.

Công Trứ lại tâu rằng:

“Bình dân Bắc Thành, trước vì giặc bắt hiếp đi theo có đến hàng nghìn sợ hãi trốn biệt không có đường về, không khỏi đi theo những tướng giặc còn trốn. Xin phàm kẻ nào hối quá hoàn lương, thì cho đến sở Dinh điền thú tội, theo sức mà cấp ruộng cho làm. Những chỗ ruộng đất rải rác có thể lập thành làng trại, đủ cho 15 người ở trở lên thì xin lập làm một trại, 18 người trở lên thì lập làm một giáp, đều đặt tên trại trưởng và giáp trưởng trông coi, thế thì đất sẽ không có chỗ bỏ không”. Vua đều y cho. (Trang 719-721, tập II).

[Tháng 9] Lĩnh Dinh điền sứ là Nguyễn Công Trứ dâng sớ xin trừ cái tệ cường hào.

Lời tâu rằng: “Từ lúc Hoàng thượng ta lên ngôi đến giờ, yêu nuôi dân chúng, ơn đức khắp tràn, nhưng mà thiên hạ vẫn chưa được đội ơn thái bình hết. Từ trước đến nay, những người bàn việc đều đổ lỗi cho quan lại mà không biết phần nhiều là tại hào cường. Cái hại quan lại là 1, 2 phần 10, cái hại cường hào đến 8, 9 phần 10, bởi vì quan lại là chẳng qua kiếm lợi nhỏ ở giấy tờ, đòi tiền ngoài lệ ở thuế khoá, cái hại gần và nhỏ, việc đã phát lộ, thì giáng cách ngay, rồi cũng biết hối. Còn cái hại hào cường, nó làm con người ta thành mồ côi, vợ người ta thành goá bụa, giết cả tính mạng của người ta, hết cả gia tài của người ta, mà việc không lộ, cho nên cứ công nhiên không kiêng sợ gì. Chỗ nào chúng cũng cùng nhau anh chị, chuyên lợi làm giàu, dối cợt quan lại, để thoả lòng riêng. Có công điền công thổ thì chúng thường thường bày việc thuê mướn làm béo mình, những dân nghèo cùng không kêu vào đâu được. Giáo hoá không thấm xuống dưới, đức trạch không đến khắp nơi, chưa hẳn là không bởi đó. Thậm chí còn ẩn lậu đinh điền, ruộng đến nghìn mẫu không nộp thuế, chỉ đầy túi của hào cường, đinh đến trăm suất không đăng sổ chỉ phục dịch riêng cho hào cường. Nay xin trích lấy một vài người đưa ra pháp luật và bãi lệ thuê mướn ruộng đất công”.

Sớ giao xuống cho đình thần bàn, đều cho rằng: “Cái tích tệ của hào cường, trăm khoé gian dối, trị tội để răn không có gì không nên. Duy ruộng đất công lệ được thuê mướn là để giúp việc khẩn cấp cho nhân dân, mà chỉ dùng về việc công mà định hạn chỉ 3 năm. Lúc mới dựng nước đặt ra lệ ấy, thông biến để tiện cho dân đủ làm phép thường, mà bọn hào cường chuyên lợi riêng cho mình là tệ do người chứ không phải pháp luật không tốt. Huống chi Bắc Thành to rộng như thế, sao lại không có một vài người bây thiếu. Nếu cấm chỉ hẳn việc thuê mướn ruộng đất công, thì người giàu xoay xở chẳng khó gì, mà người nghèo thì chẳng khỏi lúng túng, thực sự muốn cứu tệ mà làm quá đáng. Nay xin theo lệ cũ mà làm, mà nêu rõ điều cấm để trừ cái tệ gian dối lằng nhằng thì cũng được rồi”. Vua theo lời bàn.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2013, 01:35:31 am gửi bởi Noitraitim » Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2013, 12:51:42 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần I) – Tiếp

Lại vì việc dinh điền là việc mới bắt đầu làm, cho Nguyễn Công Trứ vẫn ở lại làm việc, đợi đến cuối năm về kinh phục mệnh. (Trang 766-767, tập II).

[Tháng 10] Lấy Thự Thượng thư Lễ bộ là Nguyễn Khoa Hào làm Thự Thượng thư Binh bộ, Hữu Tham tri Lễ bộ là Nguyễn Đăng Tuân làm Tả Tham tri Lễ bộ vẫn quyền lĩnh Khâm thiên giám. Thự Hữu Tham tri Hộ bộ là Lí Văn Phức làm Thự tả Tham tri, Hữu Thị lang là Thân Văn Quyền làm Thự Hữu Tham tri, Tả Thị lang Hình bộ là Nguyễn Công Trứ làm Thự Hữu Tham tri, Tả Thị lang Binh bộ là Trương Minh Giảng làm Tả Thị lang Hình bộ, Hiệp trấn Hà Tiên là Vũ Du làm Hữu Thị lang Công bộ. (Trang 777, tập II).

[Tiếp đó, cũng trong tháng 10] Bắt đầu đặt huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương, Nam Định. Một dải Tiền Châu liên tiếp bãi biển. Trước kia cây cỏ rậm rạp, bọn cướp hay tụ họp ở đấy, không ai dám đến gần; Đã có câu nói: “Ai dám đến đùa quấy ổ giặc mà chơi”. Lĩnh Dinh Điền sứ Nguyễn Công Trứ đến nơi, chiêu tập phủ dụ lòng người mới yên. Bèn đem đất Tiền Châu cùng đất đối ngạn bên tả, bên hữu đo đạc đất hoang chia cấp cho dân nghèo, thành 14 lí, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp, số đinh được hơn 2.350 người, số ruộng được hơn 18.960 (lí 600 mẫu, ấp 400 mẫu, trại 200 mẫu, giáp 120 mẫu. Cứ 100 mẫu, trừ đình chùa, thổ trạch đất mạ, đất già 30 mẫu, còn thành điền 70 mẫu. Trong số 15 mẫu thì định làm nhất đẳng một mẫu, nhị đẳng 2 mẫu, tam đẳng 12 mẫu).

Nhân thể đất liền lạc mà chia thành 7 tổng, tâu xin lập riêng một huyện gọi là huyện Tiền Hải, chọn lấy người nào hợp với người và đất bổ làm Tri huyện để vỗ về chăn nuôi. Lại được 4 lí, 4 ấp, 1 trại ở hai xã Ninh Cường, Hải Cát. Xin biệt lập làm 1 tổng thuộc huyện Nam Châu, được 5 ấp, 2 trại, 3 giáp ở tổng Hoành Nha, cũng biệt lập một tổng thuộc huyện Giao Thuỷ. Còn các ấp trại linh tinh đều theo tổng sở tại mà lệ thuộc. Về nhà cửa cùng trâu cày nông cụ của dân thì xin lấy tiền nhà nước chi cấp để dân được yên nghiệp làm ăn. (Tiền nhà cửa mỗi lí cấp 100 quan, mỗi ấp 60 quan, mỗi trại 30 quan, mỗi giáp 20 quan. Tiền trâu cày mỗi lí cấp 300 quan, mỗi ấp 180 quan, mỗi trại 90 quan, mỗi giáp 60 quan. Tiền nông cụ mỗi lí cấp 40 quan, mỗi ấp 24 quan, mỗi trại 12 quan, mỗi giáp 8 quan).

Vua y lời tâu. Bèn lấy Tri huyện Quỳnh Lưu là Vũ Danh Dương (người Sơn Nam) làm Tri huyện Tiền Hải. Sai Trấn thần chọn đất đặt huyện lỵ, tạm phái 5 người trấn lại, 20 người lính lệ theo để sai phái, hạn trong một năm, mộ đặt lại lệ đủ ngạch. Lại đặt một đồn, do thành thần phái quản cơ hay phó quản cơ đem 100 lính đóng giữ địa hạt để tuần phòng.

Trứ lại tâu rằng:

“Dân nghèo còn hơn 1000 người xin lĩnh ruộng hoang để khai khẩn. Trộm thấy ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô thuộc Ninh Bình, cùng chỗ đối ngạn với huyện Nam Châu thuộc Nam Định, một dải bãi biển còn nhiều đất hoang rậm, đất cấy lúa được chẳng kém gì Tiền Hải. Xin đến đo đạc để lập thành ấp lí”.

Vua sai Trứ cùng với đạo thần hội làm. Trứ thấy lại dịch cùng với hào cường có nhiều kẻ thông đồng gian giấu, bèn tâu xin đưa ra xử trị. Phàm ruộng đất lậu đều đem đạc hết.

Vua dụ rằng: “Cái thói điêu gian vẫn là đáng ghét. Nhưng lập pháp nên làm thế nào để tốt về sau, không nên hà khắc tỉ mỉ. Cần xem trong đó mà châm chước, khiến kẻ điêu gian sợ phép mà đổi mới, dân nghèo được nhờ lợi, mới hợp với đại thể của triều đình”. (Trang 778-779, tập II).

Kỉ Sửu, Minh Mệnh năm thứ 10, 1829.

[Tháng 3] Bắt đầu đặt huyện Kim Sơn, lệ vào phủ Yên Khánh, Ninh Bình. Lĩnh Dinh điền sứ là Nguyễn Công Trứ, ở phía ngoài đê Hồng Lĩnh đo được số ruộng hoang là 14.620 mẫu, chia cấp cho dân nghèo hơn 1.260 người. Lập thành 3 làng, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp chia làm 5 tổng, tâu xin đặt riêng một huyện gọi là Kim Sơn, chọn người hợp với địa phương làm Tri huyện để phủ dụ khuyên bảo. Nhà ở, lương tháng, trâu cày và điền khí của dân thì do quan cấp cũng như lệ huyện Tiền Hải. Ruộng thực canh và ruộng khẩn thành điền thì bắt đầu từ năm nay đánh thuế; ruộng lưu hoang thì năm Minh Mệnh thứ 13, bắt đầu thu thuế.

Vua cho là được. Bèn sai chọn đặt Tri huyện, chế ấn triện cấp cho, dựng huyện lỵ ở làng Quy Hậu, mộ lập lại và lệ đủ số (Đề lại 2 người, thông lại 8 người thuộc lệ 50 người), hàng năm cấp tiền công nhu 50 quan.

Công Trứ lại dâng sớ nói:

“Những làng ấp mới lập của các huyện Tiền Hải, Kim Sơn đều là nhóm họp dân phiêu lưu chưa có liên hệ với nhau. Xin định qui ước khiến họ biết sự kiềm thúc, lâu sẽ thành quen:

1. Đặt trường học:

Mỗi ấp, mỗi làng đều dựng nhà học, đón một thầy học, làng thì lấy ruộng 10 mẫu, ấp thì 8 mẫu làm học điền, miễn đánh thuế. Ruộng học điền ấy, phải góp sức cùng làm, đầy năm thu hoạch, lưu làm học bổng. Người đến 8 tuổi thì cho vào trường học, dạy cho các việc quét rửa, ứng đối, tới lui, các phép hiếu, trung, tín, kính, nhường rồi sau mới dạy văn hữu. Đến khi 16 tuổi đã hơi thành tựu thì theo thứ tự mà cho lên trường huyện, phủ, trấn. Nếu học không được thì cho đổi nghề khác. Đến như trại giáp thì mỗi trại lấy 5 mẫu, giáp lấy 3 mẫu mà phụ vào ấp hay làng.

2. Đặt xã thương: (Kho thóc ở xã)

Ấp và làng đều đặt xã thương chọn người tin cẩn để giữ, phàm ruộng khai khẩn thành điền, 3 năm về trước còn được miễn thuế, thì mỗi mẫu lấy 30 uyển thóc, đến sau đã thu thuế thì mỗi mẫu lấy 20 uyển, nộp vào kho. Khi thóc kém thì bán ra, khi hơn thì đong vào. Gặp thuỷ hại bất thường thì chiếu khẩu phần mà cấp cho, năm được mùa thì lại thu chứa y số.

3. Siêng dạy bảo:

Ấp, làng đều có Ấp trưởng, Lí trưởng. Lại lấy 25 nhà làm một tư có Tư trưởng, làng đặt thêm 2 Tư trưởng, ấp đặt thêm 1 Tư trưởng, do quan địa phương cấp bằng, theo các Ấp trưởng, Lí trưởng mà trông nom dân. Trong hạt mình cai quản, như có kẻ bất hiếu, bất đễ, bất thuận, bất kính cùng là du thủ du thực, giao kết với côn đồ thì phải nghiêm ngặt răn cấm, ví còn quen giữ nết xấu thì phải trình với Hữu ty xét xử. Nếu dụng tình giấu giếm thì Ấp trưởng và Tư trưởng cũng phải tội.

4. Cẩn phòng thư:

Phàm trong tổng có giặc cướp, phát ở chỗ nào, ở lí thì Lí trưởng cùng Tư trưởng, đem dân phu 30 người, ở ấp thì Ấp trưởng đem dân phu 26 người, theo Tổng trưởng, đến cứu gấp. Nếu thế lực không địch nổi, thì phải lẻn theo phía sau cho kì cùng dò xem giặc ẩn nấp ở đâu thì phải phi báo quan sở tại cùng các nơi lân tiếp cùng đến vây bắt cho được, để xử án. Nếu theo bắt bất lực, để bọn giặc chạy xa thì chiếu số của cải sự chủ mất thì bắt các Ấp, Lí trưởng trong tổng bồi thường.
Cai tổng, Lí trưởng, Ấp trưởng, Tư trưởng, đều theo luật trị tội.

5. Chăm khuyên răn:

Dân thường ở ấp, lí, có kẻ không theo phép thường, không chịu làm ăn, đã chuẩn cho Ấp, Lí trưởng được sát hạch, quan địa phương thì phải thời thường đi tuần xem xét, vào nơi nào, thấy phong tục thuần hậu, ruộng đồng mở mang, nhà không có người ăn chơi, đất không có nơi bỏ hoang, trong 3 năm, người cai quản không can án, thì cứ thực đề đạt mà chờ nêu thưởng. Nếu nhân dân lười biếng, đồng ruộng bỏ rậm, tập tục gian dâm, cùng nhau kiện tụng, thì Ấp trưởng, Lí trưởng đều bị chiếu luật trừng trị, chọn người cẩn tín nhanh, giỏi làm thay”.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2013, 01:35:49 am gửi bởi Noitraitim » Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2013, 12:56:18 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần I) – Tiếp

Vua giao xuống đình thần bàn. Cho rằng: “Việc dạy dân hoá tục, cố nhiên quan hệ ở khi đầu, mà thi hành phép trị phải có thứ tự, cũng nên cân nhắc việc hoãn, việc gấp. Trong lời xin của Công Trứ việc mở trường học vốn là một việc trong vương chính, nhưng làm ở khi dân đã đông lại giàu thì tốt, nếu làm ở khi dân lưu tán, mới nhóm thì chưa phải là việc cần kíp. Việc đặt xã thương, cũng là một mối chính trị hay. Song làm xã thương trước hết phải có của công, rồi sau tuỳ năm thu vào hoặc tán ra. Như hai huyện mới khai khẩn, số thu vào một năm chỉ đủ chi một năm, mà hạn mỗi mẫu lấy 30 uyển nộp kho, thì bữa ăn hàng ngày ở trước mắt cũng không đủ, còn đâu mà để dành phòng cứu đói khi khác, cũng chằng là việc hoãn làm trước việc gấp làm sau đấy ư! Điều này đợi sau sẽ thi hành, ngày nay chưa thể làm vội. Việc đặt Tư trưởng để chăm dạy bảo, thì làng đã có Lí trưởng chịu trách nhiệm hết việc trong làng; huống chi làng to đinh từ 50 người đến 150 người thì có lệ đặt một phó Lí trưởng, từ 150 người trở lên thì đặt thêm 2 phó Lí trưởng, sao đến nỗi làm việc không khắp mà phải đặt Tư trưởng thêm nhiều danh sắc như thế. Đến việc cẩn phòng thư và chăm khuyên răn thì đại ước việc đuổi bắt trộm cướp là trách nhiệm ở Tổng, Lí trưởng. Vả lại năm ngoái bàn định điều lệ đặt Lí trưởng và chương trình bầu Cai tổng, trong đó đã trách việc xét bắt kẻ oa trữ và giặc cướp, khuyên răn kẻ gian điêu, mong cho lầm lỗi thì răn bảo nhau, xóm giềng giữ nhau, ai làm xứng chức thì có thưởng, không xứng chức thì phạt, các qui điều thiết lập rành rành có thể căn cứ, xin do trấn thần Nam Định, đạo thần Ninh Bình sao lục nghị định trước mà gửi khắp cho bọn tổng lí vâng theo là được rồi”.

Vua cho là phải. (Trang 843-845, tập II).

[Tháng 4] Lĩnh Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ dâng sớ rằng:

“Trước ở Nam Định lượng đo số ruộng bỏ không ở các xã huyện Giao Thuỷ mà chia lập làng ấp. Có dân xã Liêu Đông là Phạm Nguyên Trung đem 70 lạng bạc nhờ người theo hầu là Lê Đình Thọ kêu xin, lại có dân xã An Đạo là Ngô Huy Phác đem 90 lạng bạc đến nơi ngụ sở kêu xin, đã đem người và tang đến Nam Định giam giữ để đợi án”.

Sớ giao xuống quan Bắc Thành tra bàn, cho rằng Công Trứ vâng mệnh đi dinh điền, có trách nhiệm vỗ về khuyên bảo. Nếu biết tự mình trong sạch mà giữ công bằng lấy uy tín dạy người thì ai còn dám tư túi. Bọn Phạm Nguyên Trung kia đem của đi van, ấy là dân hèn dùng kế trốn tránh; Lê Đình Thọ, nhận lời người nhờ cậy, chẳng qua là một người thuộc tòng, sao nên quá trách. Về phần Công Trứ thì nên tự xét và bảo cự tuyệt đi mà răn là phải. Nay lại bắt số bạc tang mà bày tỏ ở chương sớ, làm rác tai vua, thế là tự trị không nghiêm mà lại khép người vào pháp luật để cầu mua tiếng ngay thẳng cho mình đều là không phải việc nên làm của người quân tử. Xin giáng 3 cấp đổi nơi khác. Còn bọn Phạm Nguyên Trung thì phạt xuy, trượng rồi tha.

Vua bảo bầy tôi rằng: “Xét án thì phải tình lí thích đáng mới có thể phục được người. Nguyễn Công Trứ trù biện việc dinh điền, quả thật giữ được trong sạch công bằng thì cũng chỉ ở chỗ hết lòng mình thôi. Còn như Phạm Nguyên Trung và Lê Đình Thọ manh tâm trong tối, cầu cạnh, xin xỏ, thì làm sao biết trước được mà ngăn ngừa, bọn Nguyên Trung là đáng tội mà lại bảo không nên quá trách, sao thấy lí mờ tối thế? Vả trong án xét không có sự trạng rõ ràng sách nhiễu lấy tiền, thế là Công Trứ trị tội không phải không nghiêm. Duy nhận hối lộ có bạc tang ở đó mà người nhận, chúc thác lại là người nhà, nếu chỉ cự tuyệt và răn như lời thành thần nói, thì người nhà sách nhiễu mà bản quan tự tha, như thế có được không? Công Trứ không dám ẩn giấu, rõ ràng tâu lên, mà lại cho là làm nhàm tai là thế nào? Huống chi bọn Nguyên Trung tự phạm pháp luật chứ ai đặt vào? Công Trứ đi theo đường thẳng, tại sao lại cho là mua tiếng ngay thẳng. Đó chẳng qua là ý kiến sai lầm cho nên bất giác đã bàn quá đáng. Vậy truyền chỉ nghiêm trách thành thần mà Công Trứ thì miễn nghị”. (Trang 853-854, tập II).

[Tháng 5] Thự Hữu Tham tri Lĩnh Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ về Kinh phục mệnh, nhân tâu rằng:

“Khi trước đo đạc số ruộng hoang ở Ninh Bình, có khu ruộng, đất hoang ở xã Bồng Hải, khi bắt đầu phái đạc thì trội ra hơn 720 mẫu, dân không chịu kí nhận. Lại phái đạc lại chỉ trội lên có hơn 300 mẫu, ấy đều là do tệ lại dịch hào cường thông đồng giấu bớt. Muốn cứu xét lại thì địa thế xứ ấy là rộng, không phải 1, 2 tháng mà làm xong được nên không dám lưu lại để làm. Nay xin sắc cho đạo thần đạc lại, lấy số ruộng trội chia lập làng ấp, để gây nghiệp cho dân nghèo, mà trị tội kẻ gian giấu”.

Sớ giao xuống đình thần duyệt bàn. Cho là: “Ruộng đất rộng hẹp, nhất định không di dịch, sao lại có lí mới đạc thì trội nhiều, mà đạc lại lại ít đi. Nay nếu cứ địa giới Bồng Hải mà đạc hết cả, đem số ruộng hiện tại trừ vào ngạch hiện treo, thì đất chia rõ như bàn tay. Kẻ điêu xảo không thò ngón được, mà ruộng lậu có thể trích phát được. Duy nghĩ rằng, chính sách của vương giả, trước là dạy bảo, sau là hình phạt, mà người nhân đức đối với dân nên tỏ lượng rộng rãi dung thứ. Vậy việc khám đạc xin tạm đình hoãn. Nhưng dụ sai đạo thần, đòi họp bọn hào trưởng của dân đến tại công đường mà dẫn bảo khiến tự biết sợ hãi, hối cải. Xứ nào ẩn lậu bày thú cho hết, thì tội đáng bị cùng lệ thuế đáng thoái thu đều được khoan miễn. Nếu cứ một mực mờ ám ngoan ngạnh, cố ý gian lậu, đến khi phái viên khám đạc xét ra thì ẩn lậu tự 1 mẫu trở lên sẽ gia bậc trừng trị. Như thế thì kẻ ngu bướng được có đường đổi mới, mà ruộng hoang lậu không phải phiền về đo đạc nữa, mà dân mọn đều được hưởng lợi”.

Vua cho là phải. Rồi sau dân ấy thú nhận ruộng lậu hơn 630 mẫu và số ruộng hoang đã khai khẩn mà lậu thuế hơn 400 mẫu. Đạo thần tâu lên, vua đặc ân sai làm sổ đánh thuế mà tha tội. (Trang 857-858, tập II).

[Tháng 7] Hạt phủ Thừa Thiên có thuyền buôn chở thuê cho người Thanh đi đong gạo. Việc phát, phủ thần khinh suất nghị xử người mua trộm cùng người chở gian đều tội trượng, người biết chuyện (mà không tố cáo), tội xuy. Hình bộ duyệt lại, không trích ra việc ấy. Lang trung Vũ Đức Mẫn dâng bài lục đầu (Thẻ bài ghi chép đầu mục các án) lại không dâng bản án, chỉ đem phiếu nghị án tiến trình thôi. Vua chiểu nghị phê điểm. Sau liền nhớ ra, sai tìm bản án; thấy án ấy nghị xử có nhiều chỗ buông nhẹ, giao xuống bộ Lại bàn. Bộ xin xử tội quan đường bộ Hình giáng 2 cấp và đổi đi. Vũ Đức Mẫn cùng phủ thần Thừa Thiên giáng 3 cấp đổi đi.

Vua gia ân cho bộ thần Hoàng Kim Xán, Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Danh Giáp, đổi giáng 1 cấp lưu. (Trang 877, tập II).

[Tháng 8] Dời đặt đồn Liêu Lạc ở Nam Định. Trước kia Lĩnh Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ tâu rằng:

“Cửa biển Liêu Lạc ở Nam Định, thuyền bè công tư từ Gia Định ra Bắc đều do đường ấy mà đến Bắc Thành, giặc biển tất cũng rình chờ ở đó, thật là quan yếu. Từ trước đến nay, thủ sở đặt ở xã Quần Liêu, cách biển đã xa, binh giữ lại ít. Nếu thấy giặc biển, tất phải phi báo, đợi được thuỷ binh thành trấn tới nơi thì bọn giặc đã lảng đi về đông rồi. Thế là nơi quan yếu chỉ là đặt khống, giặc biển không yên được là vì đó. Thần từng đi qua nơi ấy, từ đồn Liêu Lạc trở xuống ước hai dặm, có một giải phù sa gọi là Đột Châu có thể đóng đồn được. Từ đấy đến biển chỉ chốc lát, ở chòi canh trông bốn bề xa đến đâu cũng thấy. Xin dời đồn Liêu Lạc đến đặt ở đấy.

Lại phái quản vệ 2 người, quản cơ 1 người, chiến thuyền 10 chiếc, đóng giữ đồn sở. Như thấy thuyền giặc qua lại trên biển, đem binh thuyền đóng thú đuổi bắt ngay, thì việc binh không đến nỗi chậm trễ nhỡ việc. Không những trừ tuyệt được bọn giặc biển nhỏ mọn ấy, mà bọn người Thanh vô lại cũng không dám dòm ngó hải phận ta nữa. Lại từ Nam ra Bắc, đường bộ do núi Tam Điệp, đã có đồn Bỉm Sơn (thuộc Thanh Hoá) lại có đồn Lí Nhân (thuộc Ninh Bình) đủ để hỏi xét, còn đồn Bồng Hải ở đối ngạn với đồn Liêu Lạc không phải đường chính thì nên bỏ đi”.

Vua sai quan Bắc Thành họp bàn với quan các Tào để tâu. Đến nay lời bàn tâu lên, cho là chỗ mà Công Trứ xin dời đặt đồn Liêu Lạc, 3 mặt Đông, Tây, Bắc đều là sông lớn, phía Nam giáp biển lớn, không phải là nơi dụng võ. Từ đấy qua sông Lạch Ngang, có một bãi cát, địa thế cao ráo, phía đông, tây, nam có sông lớn quanh, bắc giáp đồng ruộng, cách cửa Liêu hơn l.800 trượng, cửa Lạc hơn 1.600 trượng, mà đến biển cũng hơi gần, phàm thuyền ghe ra vào hai cửa biển ấy tất phải qua đấy. Nay xin bỏ hai đồn Liêu Lạc, hợp làm một đồn ở đấy, phái Quản cơ các quân một người lấy bản chức mà lĩnh chức án bảo kiêm việc thủ ngự, giản binh 1 Cai đội, 50 binh, mộ binh 1 Suất đội, 50 binh, thủy quân 1 Đội trưởng, 20 binh, cùng 4 chiếc ô thuyền cho lệ theo để đóng giữ. Phàm thuyền buôn đi lại thì xét hỏi, thuyền công ra vào thì hướng dẫn hộ vệ, khi vô sự thì theo hạt của mình mà tuấn xét, hữu sự thì tuỳ cơ đuổi bắt. Như thế mới nghiêm được việc phòng bị mà cương giới mặt biển mới yên ổn. Đến như đồn Bồng Hải thì thuộc riêng hạt Ninh Bình, từ Thanh Hoa ra Bắc, do đường quan lộ thì có đồn Bỉm Sơn, đồn Lí Nhân, theo dọc biển thì có đồn Chính Đại, đồn Càn và đồn Bồng Hải, cũng làm môi và răng giữ gìn nhau. Nay đồn Liêu Lạc đã dời xuống hạ lưu, mà đồn ấy lại bỏ thì nơi hai trấn giáp nhau, ví thử có kẻ gian tà thông đồng đi lại, hội họp nhau, thì ai hỏi xét. Vậy đồn Bồng Hải xin chớ bỏ. Vua theo lời bàn. Khi đồn làm xong, đặt tên là đồn Bình Hải. (Trang 889-890, tập II).

(1) Khảo theo Đại Nam thực lục chính biên, Quốc sử quán Triều Nguyễn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002.

(1) Lúc này Nguyễn Công Trứ 26 tuổi; 4 năm sau ông dự khoa thi Hương đầu tiên dưới triều Gia Long nhưng trượt; năm 1813 ông đi thi lần 2, đậu sinh đồ; năm 1819 ông đi thi lần 3 đậu Giải nguyên.

(1) Trong số đó có Nguyễn Công Trứ.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2013, 01:36:29 am gửi bởi Noitraitim » Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2013, 12:57:57 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần II)

Canh Dần, Minh Mệnh năm thứ 11, 1830.

Bọn sung luật lệ Tổng tài Hoàng Kim Xán, Phó Tổng tài là Lương Tiến Tường và Toản tu là Bùi Phổ, Biên tu là Lê Nguyên Trung đều tạm nghỉ việc ở bộ để chuyên làm việc hiệu chính luật lệ. Sai Thự Hữu Tham tri Hộ bộ là Ngô Phúc Hội, Tả Thị lang Hoàng Quýnh quyền giữ ấn triện Hộ bộ. Thự Tả Tham tri Hình bộ là Trương Minh Giảng, Thự Hữu Tham tri là Nguyễn Công Trứ quyền giữ ấn triện Hình bộ, phàm việc thường thì cho được tự làm, như có việc quan yếu thì phải nói với Kim Xán với Tiến Tường rồi mới được làm. Bọn Kim Xán thấy công việc luật lệ điều khoản nhiều lắm, tâu xin cho rộng thêm kì hạn. (Trang 44, tập III).

[Tháng 5] Thự Tham tri Hình bộ là Nguyễn Công Trứ tâu rằng:

“Từ Vĩnh Thanh trở về Nam đến Hà Tiên, đất rất màu mỡ, mà những ruộng cấy lúa được chưa khai khẩn hết. Xin đem các tù phạm an tháp ở đấy”.

Vua nói rằng: “Ngươi mới biết một, chưa biết được hai. Hà Tiên là chỗ biên thuỳ, tiếp giáp nước Xiêm, nếu thả cả bọn tù phạm ra đấy, quan sở tại quản thúc có chỗ không chu đáo, một khi chúng trốn đi, ở nước ta thì chúng là người có tội, đến nước khác thì chúng lại là người có công, tệ hại sẽ không nói xiết”. (Trang 62, tập III).

Tân Mão, Minh Mệnh năm thứ 12, 1831.

[Tháng Giêng] Thự Hữu Tham tri Hình bộ là Nguyễn Công Trứ và Thự Hiệp trấn Nam Định là Nguyễn Nhược Sơn đều bị phạt giáng chức. Trứ trước đi doanh điền ở Nam Định có tên quyền sai đội trưởng ở trấn là Phí Quý Trại có tiếng là hào phú, từng được theo đi để sai phái, đến nay Nhược Sơn vào chầu, Trại theo đi. Trứ với Nhược Sơn cùng bảo cử Trại làm Huyện thừa huyện Tiền Hải, Tả Thị lang Hộ bộ là Hoàng Quýnh trước đã làm việc ở Nam Định biết Trại không có tài năng gì khác, chỉ lo lợi riêng mà cầu cạnh, bèn dâng sớ hặc, đại lược nói rằng: “Trại chỉ là một kẻ hào phú ở Nam Định, ruộng đất công tư bị nó bao chiếm, dân nghèo vô sản nghiệp bị nó sai khiến, nếu việc cất nhắc này mà đắt, không những bọn sĩ phu khoa mục cống cử làm phủ huyện ở ngoài xấu hổ phải đứng cùng hàng mà một huyện Tiền Hải, tất lại sẽ là một nơi sào huyệt những kẻ trốn tránh. Huống chi quan tước là do các Tiên đế cùng Thế tổ Cao hoàng đế để lại cho hoàng thượng để đãi kẻ hiền tài trong thiên hạ, cho nhà nước dùng, cho nên dù một tự hay nửa cấp hoàng thượng cũng chưa từng lấy tình thân ái mà cho riêng ai. Hai gã kia nghĩ thế nào, mà dám lấy quan tước của triều đình làm cái quà của mình để thù đáp riêng. Xin trị tội để ngăn chặn con đường cầu cạnh, mà răn những kẻ bề tôi dối vua làm riêng”. Vua xuống chỉ khiến bọn Trứ tâu trả lời và giao cho đình thần đối chất nghị xử. Khi lời nghị tâu lên xin đều xử cách chức. Vua đặc ân đổi giáng bổ Trứ làm Tri huyện Kinh huyện, giáng bổ Nhược Sơn làm Tri huyện Tiền Hải. Phạt Quý Trại 100 trượng và truy thu lại văn bằng của thành, bắt phải về dân. (Trang 129-130, tập III).

Nhâm Thìn, Minh Mệnh năm thứ 13, 1832.

[Tháng Giêng] Dùng Nguyễn Công Trứ, người đã có chỉ giáng bổ Kinh huyện, làm Viên ngoại lang Nội vụ phủ. (Trang 273, tập III).

Sai Nội vụ phủ Viên ngoại lang Nguyễn Công Trứ và Bạch Xuân Nguyên hiệp cùng Thị lang Trần Chấn làm hộ lí ấn quan phòng của Nội vụ phủ, hễ có tấu sớ chuẩn cho cùng kí tên tâu lên. (Trang 274, tập III).

[Tháng 3] Thăng Nội vụ Viên ngoại lang Nguyễn Công Trứ lên Thự Lang trung cùng với Viên ngoại lang là Bạch Xuân Nguyên quyền giữ ấn quan phòng của Nội vụ phủ. (Trang 294, tập III).

[Tháng 5] Thự Bố chính Hải Dương là Hoàng Tế Mĩ vì bị lỗi, giáng luôn nhiều cấp, bèn ra lệnh cách chức, phải theo bộ Lễ ra sức làm việc để chuộc tội. Cho Nguyễn Công Trứ Lang trung Nội vụ, thăng Thự Bố chính Hải Dương. Điều Nguyễn Đình Tân Thự Lang trung bộ Công đi làm Thự Lang trung Nội vụ phủ. (Trang 314, tập III).

[Tháng 8] Cho Nguyễn Công Trứ làm Bố chính Hải Dương. (Trang 354, tập III).

[Tháng 9] Đổi bổ Tổng đốc Hải - Yên là Nguyễn Kim Bảng làm Tổng đốc Hà - Ninh, Lê Đại Cương lại về cung chức ở Sơn - Hưng - Tuyên.

Dùng Bố chính Hải Dương là Nguyễn Công Trứ làm Tuần phủ Hải Dương tạm giữ ấn quan phòng Tổng đốc Hải - Yên. (Trang 365, tập III).

[Nguyễn Bảo, tên phỉ trốn ở Quảng Yên, tụ họp hơn 10 chiếc thuyền của Thanh phỉ vào quấy phá, quan binh không dẹp được]. Vua dụ: “Vậy sai Lê Đạo Quảng tức khắc họp nhiều binh thuyền, hương dõng thượng khẩn đi nã bắt. Lại truyền dụ cho Thự Tổng đốc Nguyễn Công Trứ chọn ngay một viên lãnh binh được việc và 300 biền binh đầy sinh lực, chia nhau ngồi thuyền đi hội tiễu, không được trì hoãn một khắc nào”. Bây giờ vừa gặp tờ sớ xin đi trận của Công Trứ dâng đến. Vua dụ rằng: “Chí ngươi đáng khen, nhưng công việc ở tỉnh bề bộn, ta đã sai lựa một viên lãnh binh được việc có thể tin cậy để sai phái, ngươi hãy lưu lại ở tỉnh làm việc. Nếu bất chợt được tin báo về tình hình quan trọng khẩn yếu thì cho chuẩn một mặt tâu lên, một mặt thân hành đốc suất binh thuyền kíp đi, liệu cơ đánh dẹp”. (Trang 367-368, tập III).

[Tháng 9] Thự Tổng đốc Hải - Yên là Nguyễn Công Trứ tâu nói:

“Tỉnh Quảng Yên nhiều đất bỏ hoang, những chỗ có thể khai khẩn được hàng nghìn mẫu, duy có điều, dân ở đấy quen nghề đánh cá đi buôn, không thích làm ruộng. Vậy xin phỏng theo cách làm đồn điền xưa liệu phái lính thú, do nhà nước cấp lương ăn đồ dùng, sai đi khai khẩn cày cấy, chỗ nào nên phải đắp đê thì cho đắp lên. Đến lúc thu hoạch cứ số thóc làm được chia làm 3 phần, lấy 2 phần để vào kho, còn 1 phần cấp cho người vỡ ruộng. Sau khi thành ruộng, mộ dân lĩnh cấy, đánh thuế theo lệ công điền”.

Vua dụ sai Nguyễn Công Trứ phải thân đến tận nơi xem xét. Công Trứ liền hội đồng với Thự Tuần phủ là Lê Đạo Quảng chọn chỗ đất khoảng khoát có thể cày cấy được ở ba xã Lưu Khê, Vị Dương (thuộc huyện Yên Hưng) và An Phong (thuộc huyện Hoa Phong) cộng 3.500 mẫu. Nghĩ xin đắp đê chống nước mặn, dài hơn 2740 trượng, lấy lính thú Quảng Yên và phái thêm lính cơ Hải Dương góp sức cùng làm. Khi đê đắp xong liệu cho lưu lại khai khẩn. Vua ưng thuận. (Trang 383, tập III).

Thự Tổng đốc Hải - Yên Nguyễn Công Trứ, tâu nói:

“Trong tỉnh hạt, sông chia nhiều ngả quanh co khúc khuỷu, một dải biển đông có những 4 cửa biển (Ngải Am, Văn Úc, Đồ Sơn, Trực Cát) mà cửa Đồ Sơn rất là xung yếu, cách tỉnh thành ước một ngày đường. Năm trước có đặt đồn bảo Minh Liễn ở phía Bắc cửa biển ấy, cắt quân canh giữ, nhưng không có thuyền đi biển. Gặp khi có giặc biển, tất phải chờ báo tỉnh phái bắt, thì chậm trễ không kịp việc. Vả lại, về phía đông đồn bảo, gần ngã ba sông, trên bờ có một quả đồi khoảng khoát có thể đặt xưởng đóng thuyền. Sau có một gò đất cao, có thể đóng thuỷ quân sự. Vậy xin liệu phát cho 3 chiếc vừa thuyền ô vừa thuyền lê đặt xưởng ở đấy, rồi chọn lấy một quản cơ hoặc phó quản, 6 suất đội, 200 lính tả quân, 100 thuỷ quân đến đóng đồn ở đó. Nếu thấy thuyền giặc thấp thoáng ngoài khơi tức thì một mặt phi báo, một mặt đuổi đánh mới có thể khỏi sự chậm trễ, lỡ việc”.

Vua y theo. (Trang 384-385, tập III).

[Tháng 10] Tổng đốc Hải - An là Nguyễn Công Trứ, Tuần phủ Lạng Bình là Hoàng Văn Quyền và Tuần phủ Hưng Yên là Nguyễn Đức Nhuận đều thăng Thự hàm Tham tri bộ Binh, vẫn làm chức cũ. (Trang 391, tập III).

[Trong tháng ấy] Thự Tổng đốc Hải - Yên Nguyễn Công Trứ tâu nói:

“Gần về phía Bắc núi Đông Tràng ở hải phận Vân Đồn thuộc Quảng Yên, có núi Tây Hiền. Từ bên tả núi này đến Bạch Long Vĩ là Vụng Ba Làng. Năm trước, đã hỏi những người thủ hạ lão luyện về đường biển, đều nói những nơi ấy nhà ở đông đúc, không khác trung châu, phong tục hơi giống thời cố Lê; duy từ xưa đến nay, không nộp thuế, tiền cống. Giặc biển thường lấy đó làm chỗ đóng. Xét ra quan quân 2 tỉnh trước sau đánh lấy hơn 10 chiếc thuyền giặc. Chúng đã bị thua rồi lại kết đảng kéo đến ngay. Nếu không có chỗ tụ tập, sao nhanh chóng được thế? Vả lại xưa, giặc biển lén lút ló ra phần nhiều ở Hải phận Đồ Sơn thuộc tỉnh hạt. Nay chỉ có kế là dụ cho nó đến. Xin chọn lấy 200 người thủ hạ khá giỏi lội nước và 15 chiếc thuyền đánh cá nhanh nhẹn để làm kì binh, lại chọn lấy những nhân viên được việc trong tỉnh, cùng những biền binh đầy sức sống, tài bơi lội, chuẩn bị khí giới để đợi sẵn. Rồi mật sai các binh thuyền tuần dương rút về. Quân giặc thấy không có quân phòng bị, tất sẽ lại đến. Khi được tin báo, quan quân ta sẽ lập tức đi ngay, tuỳ cơ chặn bắt, sẽ có thể được toàn thắng. Nếu không thế thì xin cho thần thân đem thuỷ sư, cưỡi gió, rẽ sóng, đánh khắp sào huyệt giặc, đến tận Tây Hiền và Ba Làng, tuỳ tiện vỗ yên, đánh dẹp”.

Vua dụ rằng: “Ngươi là chức quan to ở biên cương, mắt trông thấy lũ giặc chưa yên e nỗi tro tàn lại bén, cho nên để ý mưu toan, muốn cho biên giới miền biển được yên lặng. Triều đình há có lẽ nào lại không ưu thuận nghe lời xin của ngươi. Nhưng vì Lê Đạo Quảng mới xin gia hạn để quyết diệt phỉ ấy, nếu đang còn trong hạn, đã vội sai rút về, thì Đạo Quảng há chẳng mượn cớ đó để nói cho tắc trách hay sao? Vậy hãy đợi hết hạn Đạo Quảng xin có được thanh thoả hay không sẽ xuống chỉ cho ngươi làm, chưa muộn”.

Trứ lại tâu nói: “Tỉnh Hải Dương còn nhiều tội nhân can án trốn đi. Đối với những chính thứ yếu phạm và tòng phạm, xin làm theo chỉ dụ năm Minh Mệnh thứ 11 [1830]. Đến như những kẻ phạm tội giết người hoặc đốt nhà mà lại bắt được, chém được hay tố cáo để bắt những tên phạm tội giết người hoặc đốt nhà, cũng xin được cho ra thú theo lệ chính, thứ yếu phạm”.

Vua sai bộ Hình bàn định, chuẩn cho hạn từ tháng 11 năm nay đến cuối tháng 4 sang năm, phàm tất cả những người can án trốn đi, luật trước không cho thú, nay nếu biết hối tội quay đầu về tình nguyện ra thú, thì không cứ có kẻ bắt được hay không đều cho cứ thực, làm thành danh sách tâu lên đợi chỉ. (Trang 407-408, tập III).

[Tháng 11] Thự Tổng đốc Hải - Yên là Nguyễn Công Trứ tâu nói:

“Từ trước đến nay, nguyên toàn hạt Bắc Thành hạng giản binh quen thói hư lậu, có khi 5 năm 1 lần đổi, có khi có 3 năm hay 1 năm 1 lần đổi mà trong đó phần nhiều lại thuê mướn người thay trong vòng 1 năm, thay đổi chia phiên ở hàng ngũ không được mấy ngày mới thuộc tiết mục chiêng trống, lại đổi một lũ buôn đay, bán rau đến, động có việc điều khiển, thì những phép tiến, lùi, đi đứng, đâm, đánh đều lờ mờ cả nên thường đến nỗi hỏng việc! Ngô Tử có nói: “Sở dĩ bị thua vì ở chỗ bất tiện, chính là thế”. Vậy xin: từ nay, phàm những người dân đi lính nếu muốn đưa người thay thế thì phải chọn con nhà đa đinh, giàu mạnh sức lực, tuổi đến 50 mới được thải về. Nếu còn theo thói thuê mượn như cũ, có tên không thực, hoặc làm khoán ước riêng, tự ý thay đổi cho nhau thì lí trưởng, hương mục đương thứ đều phải tội nặng. Người lính vin vào khoán ước tự tiện bỏ về, sẽ bị xử tội theo luật đào ngũ”.

Vua dụ bộ Binh rằng: “Lời tâu của Công Trứ rất phải. Nay, binh lính là để giữ nước. Những người đã lệ thuộc vào quân lính, tất phải ở lâu trong hàng ngũ để luyện tập thông thạo, gặp việc mới mong làm được đắc lực. Vả lại, những thói tệ hại ấy, từ trước đã nhiều lần nghiêm cấm, thế mà đến nay vẫn chưa bỏ được cái thói quen ấy. Ta tưởng chắc những riêng một hạt ấy như thế, mà các địa phương khác chắc cũng không ít. Đó đều bởi lũ quân và dân lâu ngày quen thói, nói theo lẫn nhau mà quan địa phương và viên quản suất không chịu để tâm xem đó thôi. Vậy truyền chỉ cho Tổng đốc và Tuần phủ các tỉnh ra cáo thị cho quân và dân trong hạt từ nay nên sửa bỏ vết xấu, nếu không chừa sẽ nghiêm trị cả”. (Trang 418, tập III).

[Tháng 12] Hải phận Đồ Sơn thuộc Hải Dương, có thuyền giặc biển đi qua thẳng về phía Đông. Thự Tổng đốc Nguyễn Công Trứ tâu xin chọn lấy 10 chiếc thuyền chài cho các thủ hạ mang theo khí giới, giả làm thuyền buôn, kéo cả ra biển. Giặc thấy đường biển không có phòng bị, tất đến cướp bóc. Nhân đó góp sức đánh bắt, cũng dễ thành công. Nếu chưa được toàn thắng thì chính thần xin thân hành đến thẳng sào huyệt Tây Hiền, Ba Làng diệt hết mầm ác. Vả lại thủ hạ ấy quá nửa là người Nam Định, xin theo sổ đinh, đòi đến, để điều khiển.

Vua dụ rằng: “Ngươi có chức trách coi giữ bờ cõi 2 tỉnh Hải Dương, Quảng Yên là thuộc hạt người, quân và dân ở đó đều thuộc hạ, há lại tuyệt nhiên không có người nào có thể sai khiển mà lấy người tỉnh khác mới là người sai phái được việc hay sao? Vả lại, ngươi đã là viên quan to, lại còn dùng một hạng người dùng làm thủ hạ đã là vô lí, huống chi trong đám ấy, chắc đâu không có kẻ lí lịch không rõ ràng và những đồ vô lại trà trộn mập mờ đề cầu may kiếm chác hay sao? Vậy các việc xin lấy thủ hạ không cho làm. Nếu ngươi biết tìm cách dẹp giặc để biển được yên, đó là chức phận của ngươi, thì không kể thuyền công, thuyền tư, cốt ngươi điều khiển được đúng để thành công, ta cũng chẳng ở xa mà ngăn cản. Có điều là ngươi không nên thỉnh cầu những việc chẳng hợp lẽ như thế, sẽ bị giao cho đinh thần nghị xét đấy”. (Trang 433-434, tập III).

[Cũng trong tháng 12] Tên giặc trốn là Trần Hữu Thường ở tỉnh Hưng Yên, năm ngoái, cùng với tên giặc biển là Nguyễn Bảo họp nhau ở Đồ Sơn (thuộc tỉnh Hải Dương) đem đồ đảng đến chùa Bi (thuộc tỉnh Quảng Yên) cùng nhau suy tôn tên tướng giặc Lê Duy Độ làm Minh Chủ: đúc ấn nguỵ, đặt quan chức nguỵ, tên Độ tự xưng là Lê hoàng, tên Thường xưng là Trung quân, tên Bảo xưng là Hậu quân, mưu toan làm việc trái phép. Đến bây giờ, tên Thường bị bộ biền Hưng Yên bắt được giết chết. Việc đó tâu lên. Vua bảo bộ Hình rằng: “Cứ như lời tâu, thì lũ tướng giặc này rõ ràng có người mà đi lại tụ họp, lại có đất, nên sớm dập tắt đi, chớ để lan tràn rộng ra. Vậy truyền chỉ cho Thự Tổng đốc Hải - Yên là Nguyễn Công Trứ tìm cách dò bắt cho kì được lũ Lê Duy Độ, chớ để lọt lưới; còn những quan quân lính tráng Hưng Yên, thưởng cho 50 lạng bạc”. (Trang 449, tập III).
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2013, 01:37:08 am gửi bởi Noitraitim » Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2013, 01:00:15 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần II) - tiếp

Quý Tỵ, Minh Mệnh năm thứ 14, 1833.

[Tháng Giêng] Thự Tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Công Trứ tâu nói:
“Kẻ đứng nguyên đơn tố giác về việc lậu đinh ít có xác thực, còn những dân bị tố có khi vì thế mà sợ hãi trốn tránh, dần dần trở thành xiêu dạt. Nay gần đến kì tuyển lính, xin thông sức khẩn các hạt: ai có muốn tố giác việc lậu đinh thì cho đưa đơn trong hạn tuyển lính tra xét; nếu tuyển xong mới tố cáo, thì không xét nữa và chiếu luật trái lệnh trị tội”.

Vua bảo bộ Hộ rằng: “Cái tội lậu đinh, trong luật đã nói rõ. Trước giờ chưa từng cấm người tố giác bao giờ. Duy lũ côn đồ hư hỏng, trả thù, báo oán, thường lấy sự đó để đe doạ làng xóm, cho nên ít được thực mà phần nhiều là vu. Văn án hãy còn nhan nhản ra đó. Thói ấy thật đáng ghét! Này các tỉnh Bắc Kì đương kì tuyển lính, nên truyền cho các Tổng đốc, Tuần phủ: sức khắp hạt mình, làng nào có ẩn lậu, cho cứ thực bầy tỏ; rồi Tổng đốc và Tuần phủ hội đồng với các quan khâm mạng tuyển lính làm việc tra xét, hễ kẻ nào tố cáo không thực thì kết tội nặng hơn. Nếu kì tuyển duyệt đã xong, trong số lính, số ngạch đã ổn định, nội một năm không được khiếu nại nữa, để lũ điêu ngoa không còn chỗ khua múa, mà dân ta mới được sống yên”. (Trang 464, tập III).

[Tháng 2] Thự Tổng đốc Hải - Yên là Nguyễn Công Trứ tâu nói:

“Từ tháng chạp năm ngoái đến nay, dân đói ở các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên và Nam Định, đến kiếm ăn ở tỉnh Hải Dương có đến hơn 3.000 người, nên giá gạo ngày càng cao”.

Vua dụ bảo rằng: “Trước đây, các tỉnh luôn bị bão, lụt, lúa má thiệt hại khá nhiều. Ta xuống dụ thăm hỏi, lại đem thóc kho hàng mấy vạn, để phát chẩn, bán rẻ và cho vay, tưởng những dân nghèo túng cũng đã tạm sống yên mà làm ăn rồi. Nay hạt ngươi lại có nhiều người xiêu dạt đến kiếm ăn như thế, há nên yên lặng ngồi nhìn? Vậy hãy lấy 1000 quan tiền, 2.000 phương gạo để phân phát cho ngay!”…

Thự Tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Công Trứ lại tâu nói:

“Thuộc hạt có các đồn Ngải Am, Văn Úc, Đồ Sơn, Phương Chử và Đồn Sơn, năm trước tạm quyền cho phó tổng và thổ hào sở tại đóng giữ, đem theo ước 30, 40 thủ hạ không chừng. Hằng năm, làm sổ danh sách, chỉ ghi tên suông thôi. Nay xin xét xem đồn nào xung yếu, thì liệu sai biền binh đóng giữ, mà bỏ hết các tên thủ hạ và chức sắc của họ đi”.

Vua chuẩn y. (Trang 472, tập III).

[Tháng 3] Tả phó Đô ngự sử viện Đô sát Hà Duy Phiên tâu nói: “Trước kia, Nguyễn Công Trứ dâng sớ kín tâu xin: Phàm trong tổng, xã nào, có kẻ chứa chấp giặc trốn, bắt người đòi chuộc mà các Tổng trưởng, Lí trưởng và Hương trưởng biết rõ nhưng không tố giác thì đều phải xử tử. Việc đó đã được bàn xét và đã chuẩn cho thử làm ở tỉnh Nam Định 3 năm nay. Đến bây giờ đã 6 năm rồi, thế mà quan sở tại và quan bộ Hình vẫn không phúc tâu, còn cứ theo thế xử đoán, thực e quá nặng”. (Trang 487, tập III).

[Tháng 3] Thự Tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Công Trứ tâu báo giá gạo xuống chóng và nói gần đây, dân đói kém đến kiếm ăn ngày càng nhiều, có đến hơn 27.000 người, chọn hơn 3.000 người gầy yếu mà phát chẩn cho. Tiền và gạo hiện đã gần hết, mà ngày lúa chín đợi hãy còn lâu, e khó khỏi chết rấp nơi ngòi lạch.
Vua nói: “Cứ xem sớ tấu, giá gạo đã hạ, ta hơi hả lòng. Duy dân ta, nạn đói chưa khỏi, ta rất áy náy, đã từng xuống dụ cho lấy việc làm để thay phát chẩn rồi. Những kẻ mạnh khoẻ, chắc chắn đã có sự giúp đỡ, còn lũ gầy yếu thì nên phát thêm cho tiền l.000 quan, gạo 2.000 phương, theo nhân khẩu mà phát chẩn cho. Sau đó, vì ngày gặt lúa mới hãy còn lâu, nên lại dụ sai liệu thêm tiền và gạo để tiếp tục phát chẩn”. (Trang 489, tập III).

[Tháng 4] Thự Tổng đốc Hải - Yên là Nguyễn Công Trứ tâu nói:
“Những phạm nhân đi trốn đã ra thú, hiện được hơn 200 người, mà hạn cho ra thú đã hết. Lũ giặc nhân ở các hạt khác, hễ có ai cũng muốn xin đến thú thì xin nên chuẩn cho”.

Vua dụ rằng: “Trước đây, cứ theo lời ngươi xin, ta thực muốn mở ba mặt lưới để cho kẻ phạm tội được đổi mới. Nay đã quá hạn mà số người ra thú hãy còn chưa hết thì lại cho triển một hạn nữa, cũng chẳng sao. Duy ở trong cũng nên phân biệt ngõ hầu mới không có tình trạng là buông tha kẻ ác để hại lương dân. Ngươi nên xét những kẻ phạm đó: hoặc vì lầm lỗi, hoặc bị thù hằn tiêu xưng, một khi xét nghiệm tình lí được xác thực thì chuẩn cho tha ngay. Ngoài ra, kẻ tội nhẹ, nếu dân xã muốn bảo quản thì cho; nếu không thì phải quản thúc, không nên bắt ép, rồi làm thành danh sách tấu lên, đợi chỉ. Nếu như các tội phạm ở hạt khác muốn ra thú thì đã có sở tại, sao lại xin phiếm làm gì?”. (Trang 548, tập III).

[Tháng 5] Thự Tổng đốc Hải - Yên, Nguyễn Công Trứ, dâng sớ nói:

“Theo lệ trước, mỗi đội ở các vệ, cơ đặt 4 suất thập. Năm Minh Mệnh thứ 12 [1831] bàn định việc san bổ cơ binh Bắc Thành, hễ đội nào nguyên có suất thập thực thụ hoặc thí sai khoá lệ rồi thì liệt vào hàng trên các binh lính, chứ không phải chia làm 4 thập; nếu không có [suất thập] thì không được đặt thêm. Vậy thiết nghĩ: xét mưu kế định việc đánh, liệu thế giặc, quyết đánh thắng, là do ông tướng. Khi ra quân kì, khi dùng chính binh dọc, ngang, biến hoá mà không rối loạn: đó là hình thức. Hình thức đó là cờ xí. Cho nên mỗi thập phải có trưởng thập giữ cờ làm hiệu cho quân, để làm chừng mực cho khi chia, khi hợp, hoặc trước, hoặc sau, hoặc tả, hoặc hữu..., cho nên hàng ngũ không rối loạn. Nếu trong một thập mà không có trưởng thập, không ai cai quản, thì khi thao diễn, khi đánh dẹp, tề chỉnh làm sao được?

“Nay xin cho trong các cơ, nguyên có suất thập thực thụ hoặc thí sai khoá lệ nếu có thiếu khuyết thì được chọn bổ mỗi thập một người trưởng, chuyển giữ cờ xí, nếu có ai trái quân luật, thì chỉ trách cứ vào thập trưởng.

“Lại nữa, từ trước đến nay, ở Bắc Kì, cái tệ doạ nạt bắt binh lính đóng góp đều ở Suất thập. Đó có lẽ vì dùng người cùng làng để cai quản lính cùng làng, ở quân ngũ thì là đội trưởng, ở làng là quan viên. Đối với những khoản phụ cấp theo lệ làng và những món chi dùng trong quân ngũ, chúng cứ tự ý làm cao lên hoặc hạ thấp xuống để bóc lột binh lính! Nay xin chọn người làng khác, đội khác để làm thì có thể bỏ được cái tệ ấy”.

Vua giao sớ ấy xuống cho bộ Binh bàn xét.

 Bộ Binh cho rằng: “Chủ chốt của việc dụng binh quí ở chọn tướng, tướng được người giỏi, thì huấn luyện có phương pháp, lính biết kỉ luật. Ra trận, đánh giặc, khi ngồi, khi làm, khi tiến, khi lui, ba quân đều như một người, không lo gì không tề chỉnh.

“Nay mỗi đội, đặt 1 suất đội, 2 đội trưởng, 2 ngoại uỷ, như thế tin rằng đã đủ coi quản gìn giữ lẫn nhau rồi, chứ sao còn phải chia thập, đặt trưởng, chỉ câu nệ theo phép cổ làm gì? Đến như trong một đội, có nhiều người cùng quê lệ thuộc vào, cũng là vì rằng lúc bình thường, họ đã là chỗ bà con, làng xóm với nhau, khi có việc thì họ chống đỡ bảo vệ lẫn nhau lại càng đắc lực. Nếu có hạng quan võ hèn kém, sinh ra những tệ doạ nạt, bóc lột, thì nên nghiêm hặc trừng trị, thì tự có thể răn bảo được người khác. Nếu cứ phải dùng người làng khác, chưa chắc ngày sau đã hết được mối tệ hại, mà các cơ trong 5 quân ở Bắc Kì, cứ rút chỗ kia bổ vào chỗ này, kể có hàng hơn nghìn, mà sổ sách rối bời, ngay trước mắt cũng đã bộn lên không sao kể xiết! Lời bàn của Công Trứ không thể làm được”. Vua cho là phải. (Trang 561-562, tập III).

[Tháng 5] Nguyễn Công Trứ, Thự Tổng đốc Hải - Yên thấy vùng Sơn, Hưng có động, làm sớ tâu xin thân hành đi đánh giặc, trong tập tâu có nói xin cho thần cầm cờ tiết để trấn thủ.

Vua bảo Nội các rằng: “Nước nhà khi mới chia đặt các tỉnh hạt, văn võ đều dùng cả, như lũ Đoàn Văn Trường, Nguyễn Đình Phổ đều là võ biền. Đó là dùng người tuỳ theo tài năng, thực là sự lo xa để trị nước, chứ đâu phải như người Tống chuyên dùng nho thần, gây nên cái hại là không mạnh lên được? Công Trứ lấy mình là quan văn, vâng chịu trọng trách ở trấn ngoài, cho nên lấy thế làm cảm khích mà xin đi, chứ vốn không phải có ý nghĩ gì, chỉ vì dẫn lời cổ ngữ, không ngờ lời và ý có sự thiên lệch, làm kinh động người nghe, thành ra không hợp đó thôi. Vậy sai bộ Lễ truyền chỉ ban quở”. (Trang 578, tập III).

[Tháng 6] Tướng giặc Hải Dương: ngụy xưng Thống lãnh là Trương Nghiêm, nguỵ xưng Tiền quân là Trịnh Bá Dao kết bè đảng hơn l.000 người, cướp bóc quấy nhiễu huyện lỵ Tứ Kì. Thự Tổng đốc Nguyễn Công Trứ trước phái Phó Lãnh binh Đồng Bá Huyên cùng Vũ Văn Khôi, Quản thủ Ninh Giang đem quân đi tiễu. Trứ lại thân đi điều khiển bọn Huyên, đánh nhau với giặc ở xã Thiết Tranh: giặc thua chạy. Quan quân đuổi giặc đến xã Nho Lâm chém được nguỵ Nghiêm, nguỵ Dao và 4 tên đồng đảng, bắt sống mười mấy tên. Trứ đem việc tâu lên.

Vua phê bảo: “Ta đương lúc sớm hôm chẳng yên lòng, được ngươi tâu báo bắt và chém được nhiều tên giặc, cũng được vui mừng, yên ủi đôi chút. Liền dụ thưởng cho Đồng Bá Huyên và Vũ Văn Khôi: Quân công kỉ lục, mỗi người một thứ, kim tiền Phi long hạng nhỏ mỗi người một đồng. Người chém được 2 đầu tướng giặc được thưởng 60 lạng bạc. Thưởng chung cho biền binh đi trận 500 quan tiền.

Trứ khéo biết điều khiển thưởng cho được kỉ lục một thứ, dưới tên còn ghi bị giáng 2 cấp trước kia, nay cho được khai phục cả”. (Trang 592, tập III).

[Cùng trong tháng] Án sát Hải Dương, Đỗ Tuấn Đại lạm dụng triện công để làm việc riêng, bị Thự Tổng đốc Nguyễn Công Trứ chỉ tên tham hặc, phải cách chức. (Trang 597, tập III).

[Tháng 6] Định rõ số lượng và màu sắc cờ hiệu cho các chiến thuyền và các quân cơ của 5 tỉnh lớn ở Bắc Kì.

Thự Tổng đốc Hải - Yên Nguyễn Công Trứ tâu nói:

“Cơ Chính võ và 2 cơ: Tả thuỷ, Hữu thuỷ thuộc tỉnh cùng các hạng thuyền Điện hải, Hải đạo, Ô, Lê, Sam bản do Nhà nước cấp đều chưa có cờ hiệu. Xin chi của kho chế cờ để cấp cho”.

Vua dụ bộ Binh rằng: “Quân đội có cờ, là để làm hiệu lệnh chỉ huy mà nghiêm chỉnh hàng ngũ. Đó là thứ rất cần dùng cho quân đội. Năm trước, đã từng chuẩn định: Ngũ quân Bắc Thành trước, mỗi cơ 1 lá cờ vuông, 40 lá cờ đuôi nheo. Sau đó chia đặt các tỉnh hạt, thì 5 quân ấy chia ra lệ thuộc vào 5 tỉnh lớn, số cờ hiệu đã cấp cũng đều mang theo. Nay, Nguyễn Công Trứ đem việc cờ hiệu của các quan quân chưa từng chế cấp, kêu xin cấp thêm. Nhân đó ta nghĩ: Các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Sơn Tây cũng có việc giống như vậy, theo lời bàn trước, mỗi cơ 40 cờ đuôi nheo, nay đổi định lại mỗi cơ 20 lá…”. (Trang 624, tập III).

[Tháng 7] Sai Thự Tổng đốc Hải - Yên, Nguyễn Công Trứ, phái 2 quản cơ thuộc tỉnh, đều đem 4, 5 trăm biền binh đến Hưng Yên và Bắc Ninh, theo các Tổng đốc, Tuần phủ chia phái đi hộ đê, đợi đến tháng 8, nước sông yên lặng thì rút về hàng ngũ. (Trang 659, tập III).

[Tháng 8] Thự Tổng đốc Hải - An, Nguyễn Công Trứ tâu nói:

“Các hạt trong tỉnh bị thuỷ tai, dân tuy đã được chẩn cấp, nhưng thế nước lên to gấp hai, nhà cửa không còn một tí gì cả. Vậy xin phát chẩn thêm cho một lần nữa. Vả lại, dân xiêu dạt, nhiều người phải đổ đi kiếm ăn. Vậy, xin cứ cách 3 ngày 1 lần chẩn cấp cho tiền và gạo”.

Vua ưng cho như lời đã xin. Vua lại cho rằng tỉnh có nhiều việc, sai rút một nửa biền binh do tỉnh phái đi hộ đê ở Bắc Ninh và Hưng Yên; sau đó mười ngày, đê điều đã giữ được vững rồi, thì rút về hết”. (Trang 698, tập III).

[Cùng trong tháng 8] Thự Tổng đốc tỉnh Hải Dương Nguyễn Công Trứ, tâu nói:
“Dân bị thuỷ tai ở trong hạt đã nhiều lần được chẩn cấp, ăn dùng hơi khá; duy có dân xiêu dạt phải đi kiếm ăn đến hơn 13.000 người, xin tính từng ngày cấp thêm cho”.

Vua dụ rằng: “Về việc chẩn cấp, lòng ta không hề ngại tốn, nhưng nghĩ: lúc mới lụt, nhân dân sở tại không kịp trở tay, nên vén xống áo để cứu cấp vẫn là phải; nhưng nay nước đã rút bớt rồi, chính là lúc họ nên tuỳ tiện làm ăn sinh sống, hoạ chăng có thể không đói được; nếu cứ oe oe đợi mớm, chẳng lo sinh nhai, thì đối với sự giúp đỡ nuôi dưỡng hiện nay ra sao! Ngươi nên tức thì phát tiền và gạo, theo khẩu phần, hậu cấp cho một lần nữa (người lớn: tiền 5 tiền, gạo 15 uyển; người nhỏ: tiền 2 tiền, gạo 10 uyển). Rồi, ngay trước mặt họ nên hiểu dụ cho họ về làng làm ăn, nếu đến kì cuối thu đầu đông này còn có tình hình vất vả túng thiếu thì cứ thực tâu lên, sẽ lại ban chỉ để quyết định”. (Trang 717, tập III).

[Nông Văn Vân ở Tuyên Quang tụ tập bè đảng làm phản].

 Ra lệnh cho Thự Tổng đốc Hải - Yên là Nguyễn Công Trứ mang theo Lãnh binh Hải Dương là Đồng Bá Huyên và dăm ba trăm biền binh được việc mau đến Tuyên Quang, hội đồng với Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên là Lê Văn Đức đánh giặc. Còn ấn quan phòng Tổng đốc Hải - Yên giao cho Bố chính Trần Văn Tuân quyền giữ.
Vua dụ rằng: “Nghịch phạm ở Tuyên Quang Nông Văn Vân chẳng qua là hạng tiểu yêu, tự đặt mình ra ngoài vòng sinh thành, chỉ vì quan địa phương không khéo xử trí, điều khiển lỡ làng, đến nỗi gây nên to chuyện! Đã có chỉ dụ cho Tổng đốc Lê Văn Đức tiến đến đánh dẹp. Hiện nay các quan quân được điều động đi đánh chắc đã tập hợp đông đủ rồi. Lại nghĩ: chỗ ấy đường sá nhiều ngả, tất phải phái thêm đại binh mới có thể sớm xong việc được.

“Ngươi nên ra đi, cùng với Lê Văn Đức đem quân các đạo nhất tề tiến lên, sớm bắt sống lấy tên giặc đầu sỏ Nông Văn Vân và bè đảng nó đem chém sạch đi để phép nước được tỏ sáng”. (Trang 738, tập III).

Nghịch phạm Nông Văn Vân ở tỉnh Tuyên Quang đốc suất vài nghìn đồ đảng chia ra đường thuỷ, đường bộ tiến sát tỉnh thành. Quan quân trong thành bắn đại bác ra, giặc đều lả lướt. Lãnh binh Trần Hữu Án đem binh và voi ra đánh, giặc bị thương và chết nhiều, vừa đánh vừa lùi. Án bị thương, bèn thu quân về thành để giữ…

Vua dụ Nội các rằng: “Nghịch Vân kéo đồ đảng quấy rối tỉnh thành Tuyên Quang, trên thành vừa bắn 1 phát đại bác, giặc liền kinh sợ tan vỡ kéo nhau chực trốn. Thế đủ biết chúng cũng chẳng làm được trò trống gì...

“Vậy truyền chỉ cho Thự Tổng đốc Hải - Yên là Nguyễn Công Trứ, nếu đã lên ngựa đi rồi, gấp đến hội với Lê Văn Đức tiến đánh cho kịp công việc thì càng tốt, nhược bằng chưa đi, thì nên lựa tính xem: nếu Trần Văn Tuân giữ việc trong tỉnh được thanh thoả, thì lập tức tuân theo lời dụ trước mà tiến đi; nếu tình hình hiện tại buộc phải ở lại mới giữ được, không lo ngại gì, thì chuẩn cho phái Đồng Bá Huyên đem quân hội tiễu cũng được, nhưng phải đi gấp tiến mau để khỏi đến nỗi chỉ uổng nhọc mệt mà chẳng nên công trạng gì”. (Trang 746-747, tập III).

Thự Tổng đốc tỉnh Hải Dương Nguyễn Công Trứ tâu nói:

“Đối với những dân xiêu dạt ở trong tỉnh, đã vâng lệnh chẩn cấp hậu cho một lần rồi, nhưng trong đó có nhiều người gầy yếu, không thể đi được; vậy xin hằng ngày nấu cơm để chẩn cấp cho”.

Vua y cho. (Trang 768, tập III).
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2013, 01:37:23 am gửi bởi Noitraitim » Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2013, 01:00:46 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần II) tiếp


[Tháng 9] Đức đem tin được trận tâu lên và nói: “… Vả nay, lũ giặc đang bị dồn dập tan vỡ, đáng nên thừa thắng, đuổi riết, nhưng đường núi nhiều ngả, cách trở sông ngòi, đã phái người theo hút do thám, thì ra giặc luôn mấy đêm đã xa chạy rồi. Đại binh dù có đi gấp đường, đuổi riết cũng không kịp được. Huống chi, từ tỉnh Tuyên Quang đến phố Vân Trung, châu Bảo Lạc, quân đi đến 14, 15 ngày đường, lương thực quân nhu, không tiện vận đi đường bộ, mà vận bằng đường thuỷ cũng chậm chạp khó khăn. Vậy xin tạm đình lại vài ngày cho quân nghỉ để dưỡng sức. Và phái quân hộ tống thuyền lương đi ngược lên trước, đợi Nguyễn Công Trứ tiến đến, tức thì cùng nhau bàn bạc chia đường đều tiến, trước hết đánh tan tổ giặc ở phố Vân Trung, rồi đánh rất dữ vào các châu Đại Man, Vị Xuyên và Lục Yên”.

Vua dụ rằng: “…Nay, quân quan được thắng lợi luôn, lũ giặc sợ bóng phải chạy tan. Nhưng các ngươi chưa bắt chém được tên đầu sỏ, còn chưa làm được hả lòng người. Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ thì nên nhân đà thắng này, tiến quân mau chóng, đánh thẳng vào tổ giặc ở phố Vân Trung, bắt chém tên giặc đầu sỏ là Nông Văn Vân và bọn tòng đảng là Ma Sĩ Huỳnh làm cho ra án mới là xong việc. Ta thể nào cũng hậu thưởng to hơn, ra ơn không tiếc…

Cho Lê Văn Đức làm Tổng đốc tiễu bộ Tuyên Quang thổ phỉ quân vụ, cấp cho ấn quan phòng “Tổng đốc tiễu bộ quân vụ; Nguyễn Công Trứ làm Tham tán quân vụ”. (Trang 775, tập III).

Tổng đốc đạo Tuyên Quang là Lê Văn Đức, Tham tán là Nguyễn Công Trứ từ tỉnh thành Tuyên Quang chia đường tiến đánh nghịch Vân.
Trước kia, nghịch Vân đã thua, sai đồ đảng họp đóng ở đồn Phúc Nghi, châu Đại Man và hai bên bờ sông Gâm, mưu toan dàn quân để chống cự.

Lũ Đức trước hết sai Lãnh binh Tuyên Quang là Trần Hữu Án đốc suất hơn 200 biền binh, 3 chiếc thuyền lê, 3 chiếc bản thuyền trang bị làm thuyền chiến và 3 chiếc thuyền chở lương, đi từ sông Gâm đến đồn Phúc Nghi. Quản cơ cơ Trung định là Vũ Tiến Mâu, Quản cơ cơ Hữu định là Nguyễn Văn Huấn và nguyên Án sát bị cách, đi đua sức làm việc ở trong quân là Lê Bỉnh Trung đốc suất 300 lính dõng, 2 chiếc thuyền lê, 3 chiếc bản thuyền trang bị làm thuyền chiến, 17 chiếc thuyền chở lương, đi riêng từ sông Lô đến đồn Ninh Biên.
Đức thân đem lính dõng và tuỳ tùng thuộc hạ hơn 2500 người, các hạng súng du sơn, đại luân xa, thần công, quá sơn 24 cỗ, voi chiến 10 con, từ sông Lô theo bờ bên tả sông Gâm tiến lên.

Trứ thân đem lính dõng và thuộc hạ 2400 người, các loại súng đại luân xa, quá sơn 19 cỗ qua sông Lô, theo bờ hữu bên sông Gâm tiến đi. Định ngày giáp lại đánh đồn Phúc Nghi để lấy đường đánh thẳng vào giữa sào huyệt ở Vân Trung.

Tờ sớ tâu vào, vua dụ rằng: “Lũ các ngươi nên đồng lòng làm việc nước, bày nhiều mưu hay, sớm báo tin thắng trận, tất có trọng thưởng”. (Trang 781-782, tập III).

Quân hai đạo của đạo Tuyên Quang, Tổng đốc Lê Văn Đức và Tham tán Nguyễn Công Trứ đã tiến đến đồn Phúc Nghi. Trước kia quân ta chia đường theo hai bên bờ sông Gâm tiến lên, đi đến đâu, giặc đều bỏ đồn trốn trước. Thổ dân ở gần quanh đấy đem nhau đến chỗ quân đóng xin đầu thú. (Trang 797, tập III).

[Tháng 10, Tuần phủ Lạng Bình là Hoàng Văn Quyền bị giặc bắt, quân quan bị thương và chết nhiều].

Vua bảo bộ Binh: “… Vậy, truyền dụ cho Tổng đốc Ninh - Thái là Nguyễn Đình Phổ liệu tính số quân và voi để lại, đủ để ngăn chặn trong hạt của mình, tức thì thống lĩnh quân và voi của Thanh, Nghệ và các tỉnh, đi ngay đến Lạng Sơn để đánh dẹp; Bố chính Hải Dương là Trần Văn Tuân lượng phái quân của tỉnh ấy năm trăm hoặc bảy trăm và voi trận hiện có, đi theo Đình Phổ để bắt giặc. Lại truyền dụ cho Tổng đốc quân vụ Lê Văn Đức và Tham tán Nguyễn Công Trứ: hiện nay giặc Vân đã đi đến thế tan vỡ, thì việc đuổi bắt cũng dễ dàng. Một mình Lê Văn Đức có thể đương được mặt đó; còn Nguyễn Công Trứ lập tức chia lĩnh 2000 hoặc một nghìn vài trăm biền binh, đi đường tắt, gấp đến Cao Bằng để tiếp viện, dẹp giặc. Vả lại, về mặt Lạng Sơn, đã phái Nguyễn Đình Phổ tiến quân đến đánh, Nguyễn Công Trứ nếu từ thượng du đánh ập lại, một mặt để tiếp viện cho Cao Bằng, một mặt để cắt đứt đường sau của bọn giặc ấy, thì càng được việc lắm. Nhưng việc quân khó lòng ở xa mà tính, nếu tình thế hiện nay chưa tiện chia quân thì cứ thực tâu lên để đợi chỉ, cũng không nên miễn cưỡng”. (Trang 805-805, tập III).

Vua sai đình thần truyền dụ cho Tổng đốc quân vụ đạo Tuyên Quang Lê Văn Đức, Tham tán Nguyễn Công Trứ rằng: “Tháng trước bọn người đem đại binh đi dẹp giặc ở Vân Trung, đến đâu không ai dám chống, bọn giặc sợ bóng gió, chạy trốn rồi. Nay hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng hiện bị bọn giặc bao vây. Về mặt Lạng Sơn, lần lượt đã trưng điệu biền binh ở các tỉnh hợp lại để dẹp, tin rằng có thể hẹn ngày thành công được. Duy ở Cao Bằng, đã lâu không có tin tức gì; nay bọn ngươi đem đại đội binh dõng, đã đến Vân Trung, nếu bắt được tên nghịch Vân, đóng cũi đưa về Kinh sư, càng tốt; nếu hắn đã trốn tránh trước rồi thì ta cũng không phải truy lùng khắp rừng, chỉ nên phá tan sào huyệt là đủ. Rồi, theo như chỉ dụ trước, sức cho thổ dân đem nộp súng điểu sang: cái còn tốt thì để dùng, cái đã hỏng thì huỷ bỏ đi, để cho chúng sợ oai quân của ta mãi mãi, thế là xong việc. Nhưng cũng tuỳ tiện mà làm việc, chớ nên để chậm. Cần phải gấp đường đi chóng đến Cao Bằng, đánh giải vây cho đồn núi Ninh Lạc, thì biền binh sẽ khỏi phải xông pha lâu ngày ở nơi sơn lam chướng khí, mà tỉnh thành Cao Bằng cũng chóng lấy lại được, mà việc đánh dẹp ở Lạng Sơn cũng được dễ dàng. Thực là kế hay nhất. (Trang 811, tập III).

Tổng đốc quân vụ đạo Tuyên Quang là Lê Văn Đức, Tham tán Nguyễn Công Trứ, tiến đến đồn Ninh Biên, đem tình hình trong quân tâu lên:
“Quãng đường đi qua Đại Man và Vị Xuyên, giặc sợ bóng gió, đều chạy trốn. Quân ta đuổi bắt sống và chém được hơn vài mươi đứa, thu được nhiều súng ống và khí giới. Có Thổ ty huyện Vị Xuyên là Ma Tường Huy (trước đã can án, giáng làm lính), tự đem thủ hạ, thổ dõng chém được tên đầu sỏ phỉ là Ma Tường Thường, và em nó là Mà Tường Ngân đem đầu đến nộp. Lại có con và cháu thúc bá của Thổ ty chết trận Hoàng Kim Thuận, là bọn Hoàng Kim Toan 5 người, tình nguyện đi tòng chinh, để báo thù cho cha. Còn các dân thổ Man ở tổng, lí, trại, động sở tại phần nhiều đến thú và xin quy phục trước cửa quân. Bọn thần đã vỗ về, yên uỷ rồi thả cho về. Duy bọn nguyên Thổ ty Vị Xuyên là Ma Trọng Đại và Thổ ty Đại Man là Ma Doãn Dưỡng nhiều lần ra thú và nói rằng: “Trước kia tên nghịch Vân nổi loạn, ra oai chết chóc, vì sợ ngọn lửa tàn ngược của nó nên không theo không được; nay tự biết hối, tội chết có thừa, xin trói mình ra thú và hàng phục. Nếu được khỏi tội chết, thì xin tập hợp thổ dân, đem đi gắng sức tòng chinh chuộc tội”. Vả lại, bọn này toàn là kẻ thứ yếu phạm trong bọn giặc, cố nhiên không được ở vào lệ chuẩn cho ra thú. Nhưng nay bọn thần đem quân đi sâu vào châu Bảo Lạc, đường núi vận lương, không khỏi nỗi lo về phía sau lưng. Tưởng nên nhân đó, dùng lối quyền nghi ngoài lệ thường, cho chúng tòng quân đánh giặc; cũng là kế cũ dùng người Man đánh người Man. Mà con đường phía sau Đại Man và Vị Xuyên, ta cũng có thể yên tâm”.

Vua dụ bọn Đức rằng: “Quan quân tiến đánh, đến đâu không ai địch nổi, xa gần đều phục. Ta xem lời tâu, rất khen ngợi, hả lòng. Nhưng về việc chém được và bắt sống được các phạm nhân không thấy nói khen thưởng, có lẽ vì trong quân không đem theo bạc lạng chăng?

“Vậy, truyền chỉ cho bọn Trần Ngọc Lâm và Hồ Sĩ Lâm: chỉ phát vài trăm lạng bạc kho, vài trăm đồng ngân tiền Phi long lớn và nhỏ đem đến quân thứ, lập tức thưởng cho ai có công trạng. Ma Tường Huy chém được những tên đầu sỏ phỉ là anh em Ma Tường Thường thật là hăng hái cố gắng, tự biết đổi mới, chuẩn cho thưởng thêm chức làm Đội trưởng và cho theo đi bắt giặc. Người con và cháu thúc bá của Hoàng Kim Thuận là bọn Hoàng Kim Toan, trước sau vì nước, nay lại thân hành đốc suất thổ dõng đi tòng chinh để báo thù cho cha. Vậy trước hết hãy truyền chỉ khen thưởng, lại thưởng cho người con làm Đội trưởng, đợi có công trạng, sẽ liệu bổ dụng. Bọn thổ ty Ma Trọng Đại, Ma Doãn Tường, trước bị cưỡng ép theo giặc, nay biết quay đầu quy thuận, cũng chuẩn cho tòng chinh...”. (Trang 832-833, tập III).
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2013, 10:52:36 am gửi bởi Noitraitim » Logged

NTT
Noitraitim
Thành viên
*
Bài viết: 54


WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2013, 01:03:50 am »

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về Nguyễn Công Trứ (Phần II) tiếp

 
[Tháng 10] Tuyên Quang đạo Tổng đốc quân vụ Lê Văn Đức và Tham tán Nguyễn Công Trứ từ đồn Ninh Biên đem binh và voi do hai bên tả hữu sông Lô, chia đường đều tiến hẹn kì hội tiễu ổ giặc ở Vân Trung. Họ làm tập tâu, vua biết và nói: Thỉnh thoảng căn cứ vào lời bọn Thổ ty Hoàng Kim Toan và nguyên Thổ tri châu Ma Trọng Đại đi lùng bắt bọn giặc trốn thì đã chém được 1 đầu và bắt sống được hơn 20 tên phạm. Lại nữa, thí sai Chánh đội trưởng Suất đội cơ tuyên hùng là Ma Doãn Bồi, từ sau khi Ninh Biên thất thủ, vẫn cố giữ đồn Tụ Long, không chịu theo giặc. Đến đây, Doãn Bồi sai cháu là Ma Doãn Đẩu đem thổ dõng theo đi quân thứ. Lại xét ra, từ Ninh Biên đến Vân Trung, đường sông có ghềnh thác nguy hiểm, thuyền lương khó tiến. Bọn Đức này đã trích lấy Quản cơ Nguyễn Văn Huấn đem hơn 50 lính lưu lại ở đấy canh giữ.

Vua dụ: …Sai thị vệ mang ban cho Lê Văn Đức một áo mổ bụng bằng đoạn tơ, màu quan lục, có thêu tám hoa mẫu đơn năm vẻ; và Nguyễn Công Trứ cũng một áo mổ bụng bằng đoạn tơ, màu lam, có thêu tám hoa mẫu đơn năm vẻ. (Trang 847, tập III).
Vua sai mật dụ Tổng đốc quân vụ đạo Tuyên Quang là Lê Văn Đức và Tham tán Nguyễn Công Trứ trước đã dụ bảo: Sau khi đánh phá tổ giặc ở Vân Trung, tiện đường kíp đi Cao Bằng, đánh giải vây đồn Sơn Bảo, lại chuyển về Lạng Sơn ngay, đánh dẹp dư đảng giặc, rồi do đường lớn Bắc Ninh khải hoàn…

Vua lại bảo đình thần: “… Nhân nghĩ đến các đạo binh đi đường Tuyên Quang, là nơi có nhiều sơn lam chướng khí. Quân ta đi trận lâu ngày, chẳng khỏi bị cảm mạo. Vậy truyền dụ bọn Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ: Nếu nay đã lên đường đi Cao Bằng thì theo dụ trước, chuyển đến Lạng Sơn do đường Bắc Ninh, kéo quân khải hoàn, cũng rất hay. Nếu hiện đến Vân Trung, mà tên nghịch Vân còn đang trốn tránh, quan quân còn phải dừng lại ở đấy, thì tất phải phá tổ, đào hang của chúng đập tan quét sạch, không để lại tí gì, khiến chúng sợ mãi oai trời, mới là xong việc. Một mặt, các ngươi phải chia phái thổ ty, thổ dõng hết sức lùng bắt, còn bắt được tên đích phạm là nghịch Vân, giải về nghiêm trị; một mặt khác, lập tức thống lãnh tướng biền, quân sĩ do đường cũ Tuyên Quang khải hoàn, rồi chuyển về Sơn Tây, Hải Dương nghỉ ngơi, không nên lại đi Cao Bằng làm gì nữa”. (Trang 849, tập III).

[Tháng 11] Vua dụ rằng: “Tổng đốc Lê Văn Đức và Tham tán Nguyễn Công Trứ đem đại binh đi đánh đến đâu không ai địch nổi chắc nay cũng đã phá tan được sào huyệt giặc ở Vân Trung rồi. Còn kẻ xuẩn động ở đồn Trinh ấy, chẳng qua là dư đảng đã bị thua đã tàn rạc đấy thôi. Nay ở tỉnh, số binh hiện tại không có mấy, thì không nên chia phái đi nhiều ngả, sợ càng tỏ ra ít và yếu. Bọn ngươi nên tuỳ cơ liệu tính: nếu bọn giặc ấy dễ đánh thì lập tức phái binh đi dập tắt ngay, chớ để lan tràn thêm ra; nếu đường xa khơi, thể cách trở, có sự bất tiện, thì rút binh về đóng giữ ở tỉnh thành. Nên đánh thì đánh, nên giữ thì giữ, phải cẩn thận xem xét tình hình mà làm”. (Trang 866, tập III).

Bọn phỉ Tuyên Quang tụ họp ở bến đò Bắc Nhự, xã An Định (thuộc châu Bảo Lạc) đón cướp lương thực của thổ dõng. Việc quân báo cũng bị ngăn trở. Viên thủ bảo ở Ninh Biên báo lên tỉnh. Thự Bố chính Trần Ngọc Lâm vì thấy số binh ở tỉnh có ít nên lập tức tư đến Sơn Tây cho điều biền binh đi đánh và uỷ người lên đường chuyển báo quân thứ Lê Văn Đức.

Việc đến vua biết. Vua dụ: “Đại đội binh dõng của Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ thẳng đến Vân Trung chắc nay cũng đã đánh phá được sào huyệt bọn giặc. Còn bọn ngăn trở ở đấy chẳng qua là những tên phỉ lẻ tẻ nhân kẽ hở, sinh sự đấy thôi. Nhưng chốn ấy là đường quân báo phải đi qua, trước đây, đại binh kéo đến, các thổ mục đều ra thú và qui phục cả. Một đường yên ổn phẳng lặng sao nay còn có việc cướp lương thực và ngăn chặn quân báo! Ngươi, Trần Ngọc Lâm, phải lập tức tới gần, truyền hịch điều động các thổ ty đã từng qui phục kíp đi trừ diệt, chớ để đến nỗi nảy sinh lan ra. Đến như những khi chuyển đệ văn thư chạy qua trạm đến quân thứ, nên nghĩ cách làm thế nào để hộ tống sớm đến quân thứ. Còn một giải ven đường từ tỉnh thành đến thứ quân, nên trách cứ thổ ty sở tại chia nhau đi tuần phòng hộ vệ...”. (Trang 872, tập III).

[Tháng 11] Tổng đốc quân vụ đạo Tuyên Quang Lê Văn Đức, Tham tán Nguyễn Công Trứ tiến đánh tổ giặc ở Vân Trung. Trước kia quân ta từ đồn Ninh Biên chia đường tiến lên, đạo quân Lê Văn Đức đi bên hữu sông Lô: qua nơi nào cũng có đồn giặc dựa chỗ hiểm, đón phục kích. Quan quân hăng hái tiến đánh, hoặc bắt, hoặc chém, giặc đều bỏ đồn chạy. Duy có một dải núi xã Văn Lãng vốn có tiếng rất hiểm (nơi núi ấy, vách đã đứng sững, cao vút, cây cối um tùm. Phía tả dòm xuống sông Gâm, sâu dường không đáy. Đường đi, quanh sườn núi lượn bờ sông, ngoằn ngoèo như ruột dê, hun hút như chim bay, quân tiến rất khó. Khoảng đời nguỵ Tây, người cha tên nghịch Vân là Nông Văn Liêm và bác ruột là Nông Văn Khoan, ẩn phục ở đấy bắn súng và dùng cả máy đá đánh sụt đá xuống, biền binh của nguỵ Tây đi đến đấy bị giết hại không kể xiết). Bọn giặc ước 500 tên tụ ở đỉnh núi, còn thì rải rác dăm ba tên chia ra mai phục ở bụi cây, chân núi rình kẽ sơ hở bắn súng và ở sườn núi vần đá ném xuống. Đức đốc suất đem súng đại luân xa và súng quá sơn nhằm vào bụi rậm bắn phá. Lãnh binh Nguyễn Văn Quyền đem binh dõng xông lên trước gắng sức đánh dẹp, giết giặc rất nhiều. Quân ta cũng bị thương, bị chết. Giặc lùi một bước, quân ta tiến một bước. Từ giờ Thìn đến giờ Mùi, mới có thể đi qua được chỗ hiểm. Giặc tan vào rừng, ở phía sau phố này có 1 đồn lớn. Khi quân ta mới đến, giặc bắn vài phát súng rồi chạy. Quân ta đuổi bắt được một tên, mới biết tên nghịch Vân từ sau trận thua ở Tuyên Quang lại từ Thái Nguyên đi Cao Bằng gây sự, còn sào huyệt chúng vẫn ở Vân Trung chỉ giao cho đồ đảng giữ đó thôi...

Đạo binh Nguyễn Công Trứ do phía bên tả sông Lô tiến đi; đến đâu thì phía trước, giặc cũng đã trốn đi rồi. Duy đến miền núi xã Mậu Duệ, gặp giặc, giao chiến, bắt sống và chém được vài tên, còn thì chạy trốn cả. Tổng lí sở tại phần nhiều đến cửa quân xin thú và quy phục. Man trưởng Mèo Trắng là Chúc Văn Đồng cùng đốc suất 100 người dân Man, lệ thuộc theo đi, gắng sức làm việc; cách vài ngày đạo quân Công Trứ cũng đến Vân Trung, hội quân với Lê Văn Đức, rồi liệu lực lượng để Phó Lãnh binh là Tổng Văn Uyển và nguyên Án sát được đi trổ sức làm việc để chuộc tội là Lê Bỉnh Trung, coi quản 300 binh dõng đóng lại ở Vân Trung hẹn ngày cùng tiến đến núi Ngọc Mạo dẹp giặc. Bọn Đức làm sớ tâu lên.

Vua bảo bộ Binh: “Trước đây, bọn Lê Văn Đức thống lĩnh đại đội binh dõng, tiến đi giải vây Tuyên Quang, đánh 1 trận thành công, thế mà không thừa thắng đuổi riết, lại từ tỉnh thành đến đồn Ninh Biên, việc hành quân có chậm trễ nhiều. Lại từ Ninh Biên đến Vân Trung, tính đường đi chỉ 6, 7 ngày, vậy mà quân đi kéo dài đến hơn 1 tuần. Cho nên nghịch Vân có đủ thì giờ qua Thái Nguyên đi Cao Bằng để gây sự. Đến nỗi Cao Bằng vì đó mà thất thủ, còn gia quyến bọn chúng cũng trốn trước, quân ta không bắt được 1 tên nào. Bọn Lê Văn Đức không thể chối lỗi được.

“Nhưng nghĩ: cuộc hành quân này, núi khe hiểm trở, đường sá lặn lội, khó nhọc rất nhiều, thế mà đốc suất được binh dõng mạo hiểm, xung phong, đi đến đâu giặc đều tan rã. Công nhiều, lỗi ít, cũng không thể xoá mất được công lao. Vậy thưởng cho Lê Văn Đức gia quân công 1 cấp, Nguyễn Công Trứ gia quân công kỉ lục 2 thứ. Cùng đi trận này, Lãnh binh Nguyễn Văn Quyền rất đắc lực, cũng gia quân công 1 cấp. Còn từ Lãnh binh trở xuống đến Suất đội đều thưởng gia quân công kỉ lục 1 thứ. Binh dõng và thủ hạ đợi sau khi kéo quân về, sẽ hậu thưởng: người nào chém được 1 đầu nguỵ tham tán, thưởng 20 lạng, bắt sống được một tên nguỵ tham luận, thưởng 5 lạng; còn đều 2 lạng.

Vả lại, nay đại binh đã đến tận tổ giặc, oai danh lẫy lừng khắp cả, tên thủ nghịch Nông Văn Vân hiện trốn ở miền núi Ngọc Mạo, ngươi nên truyền dụ cho Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ phải đốc thúc binh dõng hết sức lùng bắt”. (Trang 880-881, tập III).
Thự Bố chính Tuyên Quang là Trần Ngọc Lâm và Án sát Hồ Sĩ Lâm tâu lên… Vua dụ: “Bọn phỉ ấy chẳng qua là giặc tàn lẻ tẻ, thừa cơ nổi lên. Bọn ngươi lập tức nên lượng lưu biền binh để đủ để phòng giữ, còn thì cho theo Lãnh binh Trần Hữu Án mang kíp đi, hiệp với quân đã phái đi trước, hết sức đánh dẹp, cho sớm dập tắt. Và, nay đã xuống dụ cho bọn Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ đem quân về; các ngươi nên tìm cách thế nào, đem các bản dụ văn này và những ống trạm từ trước ấy, cốt chuyển đạt đến được quân thứ, cho biết mà tuân theo và khải hoàn được sớm”.

[Vua] Lại dụ bộ Binh: “Ngày nọ, thổ phỉ xuẩn động, nhiều lần đã phái quan quân chia đường tiến đánh - Nay bọn phỉ Thái Nguyên tan vỡ, đã sắp thanh bình. Đạo binh bọn Tạ Quang Cự ở Lạng Sơn cũng có thể hẹn ngày thu phục được Cao Bằng, quét sạch dư đảng. Còn bọn Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ ở Tuyên Quang, gần nay cứ lời tâu báo, cũng đã đánh phá được sào huyệt Vân Trung, hiện đang lùng bắt tên giặc Nông Văn Vân ở núi Ngọc Mạo, tin rằng rồi đây việc có thể xong. Vậy truyền dụ: Bọn Lê Văn Đức nếu đã bắt được hoặc chém Nông Văn Vân làm cho ra án thì tâu khúc khải ca, đem quân về cố nhiên là tốt. Ví bằng chưa giết được nghịch Vân, thì lập tức nên liệu để thổ dõng lưu lại chia đường lùng bắt…”. (Trang 895, tập III).

[Tháng 12] Vua lại truyền dụ cho bọn Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ: “Nếu đã bắt hoặc chém được Nông Văn Vân, thì theo dụ trước do đường cũ Tuyên Quang, mà khải hoàn, thì đã đành là hay rồi. Nếu quan quân còn ở địa phận núi Ngọc Mạo chia đường đi lùng bắt, thì khi tiếp được dụ này, cũng chuẩn cho liệu để ít nhiều thổ binh ở đấy tầm nã phỉ rồi lập tức theo chỗ gần, do đường Cao Bằng đem quân về, hoặc theo đường cũ, tuỳ tiện đấy”. (Trang 902, tập III).

Vua lại truyền chỉ cho bọn Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ: “Nếu đại binh đã đi đường cũ về đến Tuyên Quang, hoặc do đường Cao Bằng về tới Lạng Sơn thì lập tức trích trước lấy Trần Văn Lộc quyền sung Lãnh binh đang đi trận ấy và chuyển tờ tư cho Hoàng Văn Trạm quyền sung Lãnh binh Sơn Tây, đều do đường trạm, về kinh đợi chỉ lựa dùng. Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ đều về tỉnh cung chức”. (Trang 906, tập III).

Tổng đốc quân vụ đạo Tuyên Quang là Lê Văn Đức và Tham tán là Nguyễn Công Trứ tiến quân đến Ngọc Mạo thì giặc Vân đã chạy trốn rồi, nên không bắt được, bèn đem tình hình đánh dẹp và cơ nghi trù biện phi tấu về triều, nói:

“Đại quân từ Vân Trung tiến lên, qua xã Vân Quang đến núi Khúc Lĩnh, đường núi gập ghềnh rất là hiểm trở, bọn giặc hoặc mai phục ở nơi bụi rậm mà bắn súng ra, hoặc xếp đá làm luỹ ở sườn núi. Quân ta hò reo xông lên, giặc đều tan vỡ. Khi tiến vào trang Ngọc Mạo là nơi sào huyệt riêng của giặc Vân, bốn bề chung quanh đều là vách núi, giữa thì rộng rãi và có cánh đồng phẳng ước đến 2000 mẫu, số dân cư hoặc 3 nhà một hoặc 5 nhà một, ở thành thôn xóm, có hơn 50 nóc nhà ngói, hơn 100 nóc nhà tranh. Nhưng tìm khắp cả, không thấy một bóng người! Đã cho lùng tìm thì bắt sống được một tên nguỵ quản cơ và 20 tên đồ đảng, hỏi ra chúng đều nói giặc Vân đã gióc tóc và mang vợ con trốn sang địa phận nhà Thanh. Nay biết trời sang đông đã lâu, khí lam chướng rất nặng, binh dõng nhiều người bị bệnh mà chết. Mà từ trước đến nay, về quân lương vẫn cứ tiện đâu lấy đó, bây giờ cũng sắp cạn rồi! Phương chi bọn Lưu Trọng Chương, Hoàng Trinh Tuyên ở Lục An và bọn Nguyễn Quảng Khải, Hà Đức Tần ở Đại Man, hiện còn lọt lưới, cần phải một phen nã bắt, cho nên bọn thần đã thông cáo cho thổ dân ở Bảo Lạc, nếu ai bắt hay chém được giặc Vân đem nộp thì sẽ trọng thưởng. Vả lại ở 2 nơi xung yếu là tổng Đông Quang và tổng An Phú đều đã đặt đồn lớn và cắt lượt thổ mục cùng thổ dõng đóng giữ để thừa cơ vây bắt. Còn nhà cửa ở Ngọc Mạo và Vân Trung đều cho thiêu đốt hết cả. Rồi ấn định ngày, chia làm 2 đạo: một đạo đi Lục An, một đạo đi Đại Man, để lùng bắt bọn trùm phỉ và chiêu an dân chúng. Đến bấy giờ, nếu giặc Vân còn trốn tránh, chưa làm được thành án thì xin vát hết dân tráng 3 châu trong một huyện mà săn bắt khắp cả trong rừng, một tấc cỏ cũng không để sót, tưởng cũng không tốn công sức gì lắm!”.

Vua dụ rằng: “Chuyến hành quân này phá tổ, đào hang, tiến đi đến đâu không ai dám chống cự, tuy chưa bắt được tên đầu sỏ giặc, lòng người còn chưa thấy khoái lắm, nhưng trải qua biết bao gian hiểm, bắt được nhiều tù binh, thì công lao ấy kể cũng đáng thưởng. Vậy từ Tổng đốc, Tham tán xuống đến Suất đội đều thưởng gia quân công, cấp kỉ có khác nhau. Các binh dõng thưởng chung 1000 quan tiền...
“Vả, nay bọn giặc để tìm đường sống, hiện đã chạy trốn đi bốn ngả, tin rằng công việc cũng có thể xong xuôi. Bọn Lê Văn Đức nên theo mấy chỉ dụ lần trước, sớm rút quân về, nhưng chuẩn y cho lời tấu thỉnh của các ngươi được tiện đường trẩy qua 2 châu Lục An và Đại Man để đàn áp bọn phỉ một phen, rồi liền trở về”. (Trang 942-943, tập III).

[Tiếp đó] Vua dụ bộ Binh rằng: “Bọn giặc ở Vân Trung, trước đây, đã bị đại binh của Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ tiến đánh, sào huyệt tan tành, tướng giặc đã phải cạo đầu, chạy trốn, cầu sinh. Nay còn một vài đám lén lút tụ tập, đó chẳng qua chỉ là bọn lẻ tẻ tàn rạc mà thôi... Lại truyền dụ cho Bắc Ninh và Hải Dương liệu phái biền binh tiến đến chỗ tiếp giáp bọn giặc quần tụ, hợp sức hội tiễu, cốt chém hoặc bắt cho kì hết sạch bọn phỉ, đừng để sót lại một mống”. (Trang 971, tập III).

Vua sai truyền dụ cho Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đình Phổ rằng: “… Lại nữa, châu Đại Man thuộc Tuyên Quang còn có dư đảng quân giặc lén lút ló lên. Vậy, nên liệu sai 1 Quản cơ, 3, 4 trăm biền binh tiện đường tiến đi hội tiễu. Nếu đại quân Nguyễn Công Trứ về đến đấy đã đánh tan giặc rồi thì không cần sai phái nữa, khỏi phải lặn lội vất vả”.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2013, 10:53:54 am gửi bởi Noitraitim » Logged

NTT
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM