Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:55:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở Campuchia  (Đọc 40864 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thangbs
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #20 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2013, 09:37:17 am »

Cộng hòa Khmer (1970-1975)

     Cộng hòa Khmer chính thức tuyên bố thành lập vào ngày 9 tháng 10 năm 1970,  là chính quyền quân sự thuộc phái cánh hữu thân Mỹ doTướng Lon Nol và Hoàng thân Sisowath Sirik Matak lãnh đạo, hai người đã lên nắm quyền từ cuộc đảo chính ngày 18 tháng 3 năm 1970với việc lật đổ Hoàng thân Norodom Sihanouk, nguyên Quốc trưởng chính phủ Vương quốc Campuchia.

     Nguyên nhân chính của cuộc đảo chính là sự khoan dung của Norodom Sihanouk đối với các hoạt động của Bắc Việt trong phạm vi biên giới quốc gia, đồng thời cho phép cho phép các nhóm quân kháng chiến Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trang bị vũ khí hạng nặng nhằm kiểm soát thực tế trên khu vực rộng lớn ở miền đông Campuchia. Một yếu tố quan trọng khác là tình trạng thảm khốc của nền kinh tế Campuchia, một kết quả gián tiếp từ chính sách trung lập mà Sihanouk theo đuổi thông qua chủ nghĩa chống Mỹ đầy rủi ro.

     Với việc loại bỏ Sihanouk, Vương quốc Campuchia hiện tại chuyển sang thể chế cộng hòa, mặc dù ngôi vua đã chính thức bỏ trống trong một khoảng thời gian dài kể từ cái chết của vua Norodom Suramarit. Một nhân vật của chế độ mới thuộc phái cánh hữu và là người theo chủ nghĩa dân tộc; đáng kể nhất, nó đã kết thúc giai đoạn Sihanouk hợp tác bí mật với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiến đến việc liên kết giữa Campuchia với Việt Nam Cộng hòa trong chiến tranh Đông Dương thứ hai đang diễn ra.

     Cộng hoà Khmer bị Mặt trận Giải phóng Thống nhất Campuchia (FUNK) phản đối trong phạm vi biên giới Campuchia, một liên minh được hình thành tương đối rộng giữa Sihanouk, nhữngngười ủng hộ ông và Đảng Cộng sản Campuchia. Các cuộc nổi dậy đều do Lực lượng Giải phóng Quốc gia Nhân dân Campuchia (CPNLAF) thực hiện: họ được hậu thuẫn bởi cả Quân đội Nhân dân Việt Nam (PAVN) và Mặt trận Giải phóng Quốc gia (quân giải phóng, được biết đến với tên gọi Việt Cộng), những người chiếm đóng một phần lãnh thổ Campuchia đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh ác liệt với Nam Việt Nam.

     Bất chấp đặc điểm quân phiệt hùng hậu của nước Cộng hòa Khmer cùng số lượng viện trợ quân sự và tài chính dồi dào do Mỹ cung cấp, trên thực tế thì quân đội (Lực lượng Vũ trang Quốc gia Khmer, viết tắt là FANK) nước Cộng hòa chỉ nhận được sự huấn luyện yếu kém, tệ nạn tham nhũng tràn lan mất kiểm soát và không có khả năng đánh bại cả CPNLAF và lực lượng Bắc Việt của PAVN và NLF. Trước sức tiến công dữ dội từ hai bên, cuối cùng nhà nước Cộng hòa Khmer đã sụp đổ vào ngày 17 tháng 4 năm 1975 khi phe Cộng sản chiếm được thủ đô Phnom Penh
Logged
thangbs
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #21 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2013, 09:42:30 am »

Campuchia Dân chủ (1975-1979)

     Campuchia Dân chủ còn gọi là Khmer Đỏ là một nhà nước ở Đông Nam Á từ năm 1975 đến năm 1979. Ngay sau khi giành chiến thắng, Đảng Cộng sản Campuchia (CPK) ra lệnh sơ tán dân ra khỏi tất cả các thành phố và thị trấn, đưa những người dân thành thị tới những vùng nông thôn để làm việc như những nông dân, bởi vì CPK đang muốn tái lập lại xã hội thành một hình thức mà Pol Pot đang thai nghén.

     Hàng nghìn người đã chết đói và chết vì bệnh tật trước khi CPK giành được chính quyền. Hàng nghìn người chết đói hay chết vì bệnh tật trong thời gian tản cư sau đó và vì những hậu quả của nó. Nhiều người trong số đó bị buộc phải rời khỏi các thành phố và định cư tại những ngôi làng mới được lập nên, thiếu lương thực, dụng cụ lao động và chăm sóc y tế. Nhiều người từng sống trong các thành phố và đã đánh mất khả năng tự kiếm sống để tồn tại trong môi trường nông nghiệp. Hàng nghìn người chết đói trước khi mùa màng được thu hoạch. Thiếu ăn và suy dinh dưỡng - ở bờ vực của nạn đói – là điều xảy ra liên tục trong nhiều năm. Đa số các lãnh đạo quân sự và dân sự của chế độ cũ, những người không thể che giấu được nhân thân của mình đã bị hành quyết.

     Bên trong CPK, những lãnh đạo từng được đào tạo tại Pháp - Pol Pot, Ieng Sary, Nuon Chea, và Son Sen — nắm quyền lực. Một hiến pháp mới vào tháng 1 năm 1976 biến nước Campuchia dân chủ thành một nước Dân chủ nhân dân cộng sản, và một quốc hội gồm 250 thành viên đại diện cho Nhân dân Campuchia (PRA) được chọn ra vào tháng 3 để lựa chọn một kiểu lãnh đạo nhà nước tập thể, chủ tịch của ban lãnh đạo đó trở thành nguyên thủ quốc gia.

     Hoàng tử Sihanouk từ chức nguyên thủ quốc gia ngày 4 tháng 4. Vào ngày 14 tháng 4, sau khoá họp đầu tiên, PRA thông báo rằng Khieu Samphan sẽ làm chủ tịch hội đồng lãnh đạo quốc gia trong nhiệm kỳ 5 năm. PRA cũng lựa chọn ra 15 thành viên chính phủ do Pol Pot lãnh đạo với chức vụ Thủ tướng. Hoàng tử Sihanouk bị quản thúc tại gia.

     Chính phủ mới tìm cách tái cơ cấu hoàn toàn lại xã hội Campuchia. Những tàn tích của xã hội cũ bị xoá bỏ và tôn giáo bị đàn áp, đặc biệt là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Nông nghiệp được hợp tác hoá, và những gì còn sót lại của một cơ sở công nghiệp bị vứt bỏ hay bị đưa vào dưới quyền kiểm soát của nhà nước. Campuchia không có hệ thống tiền tệ cũng như hệ thống ngân hàng.

     Cuộc sống ở nước 'Campuchia dân chủ' rất ngặt nghèo và bạo tàn. Ở nhiều vùng trong nước, người dân bị bố ráp và bị hành quyết vì tội nói tiếng nước ngoài, đeo kính, bới rác kiếm thức ăn, thậm chí là than khóc khi có người thân qua đời. Những nhà doanh nghiệp thời trước và các quan chức bị săn đuổi một cách tàn nhẫn và bị giết chết cùng toàn bộ gia đình họ. Khmer đỏ sợ rằng những người đó có lòng tin là họ có thể sẽ đứng lên phản đối lại chế độ của chúng. Một số kẻ trung thành với Khmer đỏ thậm chí còn bị giết vì tội không thể kiếm đủ số ‘phản cách mạng’ để hành quyết.

     Những ước tính chính xác về số lượng người đã chết trong giai đoạn 1975 và 1979 vẫn chưa có được, nhưng có lẽ hàng trăm ngàn người đã bị hành quyết tàn nhẫn bởi chế độ đó. Hàng trăm ngàn người chết vì đói và bệnh tật (cả dưới thời Khmer đỏ và thời kì từ năm 1978). Một số ước tính về số người chết trong khoảng từ 1 đến 3 triệu người, trong tổng số dân năm 1975 của nước này là 7,3 triệu. CIA ước tính 50.000-100.000 đã bị hành quyết từ 1975 đến 1979.

     Các quan hệ của nước Campuchia dân chủ với Việt Nam và Thái Lan trở nên xấu đi nhanh chóng và gây ra các cuộc xung đột biên giới và những khác biệt về ý thức hệ. Trong khi là cộng sản thì CPK cũng là người Campuchia từ gốc rễ, và đa số các thành viên từng sống tại Việt Nam của đảng này đã bị thanh trừng. Campuchia dân chủ thiết lập những mối quan hệ chặt chẽ với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, và xung đột Campuchia-Việt Nam đã trở thành một phần của sự đối đầu giữa Trung Hoa-Sô viết với sự hỗ trợ của Moscow cho Việt Nam. Các cuộc xung đột biên giới ngày càng tệ hại khi Campuchia dân chủ tấn công quân sự vào các làng bên trong Việt Nam. Campuchia chấm dứt quan hệ với Hà Nội vào tháng 12 năm 1977 . Giữa năm 1978, các lực lượng Việt Nam tấn công Campuchia, tiến sâu khoảng 30 km trước khi mùa mưa diễn ra.

     Lý do để Trung Quốc ủng hộ CPK là vì họ muốn ngăn chặn phong trào liên kết toàn thể Đông Dương, và giữ vững ưu thế quân sự Trung Quốc trong vùng. Liên bang xô viết ủng hộ mạnh mẽ cho Việt Nam để giữ một mặt trận thứ hai chống lại Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột giữa họ với Trung Quốc và ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Từ khi Stalin qua đời, các quan hệ giữa nước Trung Quốc của Mao Trạch Đông và Liên bang xô viết trở nên lạnh nhạt hơn bao giờ hết. Cuối thập niên 1970 và đầu 1980, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xảy ra một cuộc chiến tranh ngắn (Chiến tranh Trung-Việt) về vấn đề này.

     Tháng 12, 1978, Việt Nam thông báo thành lập Mặt trận Campuchia thống nhất bảo vệ quốc gia (KUFNS) dưới sự lãnh đạo của Heng Samrin, một cựu chỉ huy trong quân đội Campuchia dân chủ. Mặt trận này bao gồm những người Khmer cộng sản còn ở lại Việt Nam sau năm 1975 và các viên chức ở khu vực phía đông – như Heng Samrin và Hun Sen – người từng chạy sang Việt Nam từ Campuchia năm 1978. Cuối tháng 12, 1978, các lực lượng Việt Nam tấn công tổng lực vào Campuchia, chiếm Phnom Penh ngày 7 tháng 1, và đuổi những tàn quân của nước Campuchia dân chủ chạy về phía tây sang Thái Lan.
Logged
thangbs
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #22 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2013, 09:48:00 am »

CHND Campuchia (1979-1993)

     Cộng hòa Nhân dân Campuchia là chính phủ của Campuchia được thành lập tháng 1 năm 1979 trong chương trình cách mạng của Mặt trận Dân tộc thống nhất Cứu quốc Campuchia (Kampuchean National United Front for National Salvation-KNUFNS) thành lập ngày 2 tháng 12 năm 1978 trong một vùng giải phóng từ Khmer Đỏ. Chính thể này tồn tại cho đến năm 1993.

     Bắt nguồn từ Chiến dịch phản công biên giới Tây - Nam (cách gọi của Việt Nam) là một loạt các chiến dịch quân sự do Việt Nam tiến hành nhằm trả đũa các hoạt động quân sự của quân Khmer Đỏ tấn công vào biên giới Việt Nam, giết chóc người dân Việt Nam, và đốt phá làng mạc Việt Nam trong các năm 1975-1978. Sau các xung đột biên giới lẻ tẻ từ năm 1975 đến 1978, cuộc chiến thực sự bùng phát vào tháng 12 năm 1978 sau khi Trung Quốc hậu thuẫn và ủng hộ mạnh các phương tiện vũ khí cho chế độ Khmer Đỏ. Ngày 25 tháng 12 năm 1978, 150.000 quân Việt Nam dưới sự chỉ huy của tổng tư lệnh Lê Trọng Tấn, một viên tướng từng trải qua các cuộc chiến vớiPháp và Mỹ, đã tiến vào lãnh thổ Campuchia. Hai tuần sau, ngày 7 tháng 1 năm 1979 quân Việt Nam đã tiến vào thủ đô Phnom Penh, họ đã thiết lập một chính quyền mới thân Việt Nam mà nòng cốt là lực lượng KNUFNS.

Thành lập chính quyền mới

     Ngày 5 tháng 1 năm 1979, 66 đại biểu Campuchia được triệu tập họp ở Mimot để bàn về việc thành lập một đảng cộng sản Campuchia mới. Đảng này lấy lại tên Đảng Nhân dân Cách mạng có từ thời 1951. Pen Sovann được đề cử giữ chức chủ tịch đảng. Những Uỷ viên thường vụ của đảng gồm Hun Sen, Heng Samrin, Chea Sim, Bou Thang, Chan Kiri và Chia Soth.. Ngày 8 tháng 1 năm 1979, đài phát thanh Phnom Penh loan báo Phnom Penh đã được giải phóng bởi những lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia. Một Hội đồng cách mạng được thành lập do Heng Samrin làm chủ tịch, khoảng mười ngày sau, hội đồng này ký một hiệp ước với Việt Nam, hợp thức hoá sự hiện diện của quân đội Việt Nam trên đất Campuchia.

     Tới mùa xuân 1981, hiến pháp mới của Campuchia được thông qua, sau đó là cuộc bầu cử toàn quốc để chọn ra 117 đại biểu quốc hội. Hun Sen được bầu làm Bộ trưởng Ngoại giao, Heng Samrin làm Chủ tịch nước, nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia chính thức được thành lập. Ba sư đoàn mới được thành lập và đặt dưới Bộ Quốc phòng, nhưng an ninh vẫn được duy trì chủ yếu dựa vào sự hiện diện của 180.000 quân Việt Nam mà lực lượng chủ chốt là Quân đoàn 4 do tướng Lê Đức Anh chỉ huy. Tuy vậy chính quyền này chỉ được một số nước xã hội chủ nghĩa công nhận. Các nước phương Tây, Trung Quốc và khối ASEAN vẫn tiếp tục công nhận chính phủ của Pol Pot.

Xây dựng lại đất nước
 

Căn cứ các lực lượng chống đối 1979-1984
Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã tiến hành xóa bỏ chế độ nông trại tập thể của chính quyền Khmer đỏ, phục hồi việc sử dụng tiền tệ và thương mại tư nhân, phục hồi nền nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên do những tàn tích từ chế độ cũ để lại nên xã hội vẫn đang bị xáo trộn, đầu thập niên 1980 Campuchia bị nạn đói, thiếu lương thực trầm trọng
Đến giữa những năm 1980, dưới sự điều hành của chính quyền mới, nền kinh tế truyền thống mới lấy lại được sự cân bằng, các cửa hàng và chợ búa hoạt động trở lại bình thường.

     Về quan hệ quốc tế, mặc dù chính quyền mới được một số quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa, trung lập như Ấn Độ công nhận và ủng hộ, nhưng vẫn không được thừa nhận ở các quốc gia phương Tây, ASEAN, Trung Quốc. Thậm chí ghế đại diện tại Liên Hiệp Quốc vẫn được dành cho chính quyềncũ là Khmer đỏ.

     Đến năm 1989, Việt Nam tuyên bố rút quân khỏi Campuchia. Chính phủ quyết định đổi tên Cộng hòa Nhân dân Campuchia thành Nhà nước Campuchia, tới năm 1990, theo sự đổi mới ở Việt Nam chính quyền cho phép tư nhân kinh doanh trong nền kinh tế, đồng thời chính phủ cũng tích cực phục hồi đạo Phật.

     Sau khi Việt Nam rút quân ra khỏi Campuchia, khả năng chấm dứt sự phong tỏa của phương Tây, ASEAN, Trung Quốc xuất hiện. Sau khi trải qua nhiều thương lượng ngoại giao với Úc và Indonesia đóng vai trò chủ chốt với 20 quốc gia họp tại Paris, Pháp tháng 10 năm 1991. Hội nghị này đã thuyết phục chính phủ Nhà nước Campuchia và ba phe phái đối lập thành lập một chính quyền liên minh chờ bầu cử quốc gia dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.

     Cuộc tổng tuyển cử tháng 5 năm 1993 do Liên Hiệp Quốc tổ chức, gần 90% cử tri đăng ký đi bầu với kết qủa ứng viên của đảng CPP (đảng Nhân dân Campuchia có 51 ghế, ứng viên đảng Funcinpec có 58 ghế, ứng viên đảng Dân chủ Tự do Phật giáo (BLDP) có 10 ghế.

     Hai tháng sau bầu cử, một chính quyền liên hiệp lâm thời được thành lập, đến tháng 9 năm 1993, quốc hội đã công nhận Sihanouk làm vua của Campuchia, đổi tên nước thành Vương quốc Campuchia, đứng đầu chính phủ liên hiệp là hoàng thân Norodom Ranariddh (đảng FUNCINPEC) làm thủ tướng thứ nhất và Hun Sen (đảng CPP) làm đồng thủ tướng thứ hai

Logged
dksaigon
Thành viên
*
Bài viết: 1027


« Trả lời #23 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2013, 11:27:49 am »

Một số tham khảo góp ý

"Thời kỳ hậu Angkor (1432-1863)

     Tính từ Năm 1431 là năm quân Ayutthaya chiếm kinh đô Angkor; chấm dứt  giai đoạn Đế quốc Khmer đến Năm 1863 là năm mở đầu thời kỳ thuộc địa của Pháp. Đặc trưng của giai đoạn này là những cuộc xung đột nội bộ tranh giành ngôi vua ở Campuchia, và nỗ lực của quốc gia này để tồn tại giữa hai đế quốc hùng mạnh của người Thái Lan ở phía Tây và người Việt ở phía Đông.

     Tuy quân Ayutthaya chiếm được và cướp phá kinh đô Angkor, nhưng người Khmer không dễ khuất phục. Họ đã kháng cự mãnh liệt. Vua Khmer lúc đó là Borommaracha II đã thành lập kinh đô mới, ban đầu ở Srei Santhor, rồi sau đó là Charktomok (Phnom Penh ngày nay). Vua xứ  Ayutthaya là Paramaraja II lập con trai mình là Indrapath làm vua Campuchia, nhưng ông này bị người Khmer ám sát . Cuộc kháng chiến chống quân Ayutthaya của người Khmer không ngừng nghỉ.
"

Khi dời đô từ Angkor về phía đông thì Longvek (Lovek) và Oudong là các kinh đô mới của Khmer cho đến năm 1595 thì triều đình khmer có chính biến, con của tiểu vương gốc Chăm Sri Jettha (Stec Kan hay Nay Kan) là Ram de Joen Brai (Prah Rama) xưng hiệu Ram I, dời đô về Srey Santhor.

"Năm 1593, Ayutthaya lần nữa đánh bại Campuchia, tàn phá Lovek. Người Thái bắt hàng nghìn thợ thủ công, học giả, nghệ sĩ và tu sĩ Khmer đem về kinh đô Ayutthaya, khiến cho Campuchia suy thoái nghiêm trọng. Từ đó, Campuchia trở thành một chư hầu của Ayutthaya suốt khoảng 30 năm, kinh đô đóng ở Srey Santhor (vị trí của huyện Srey Santhor, tỉnh Kampong Cham ngày nay) ở hữu ngạn sông Mê Công."

Srey Santhor nằm ở tả ngạn sông Mekong (theo từ hướng thượng nguồn) cách PhnomPenh khoảng 80km về phía thượng nguồn và cách TX Kampong Cham khoảng 40km, cùng với Ta bong Khmum (bờ đông Mekong đối diện TX Kampong Cham) là vùng tự trị của người Chăm ngụ cư ở Kampuchia sau khi Champa mất.

Năm 1596 vua Ram I bị người Tây Ban Nha ám sát,  Ponhea Tan con của Paramaraja IV được người phương tây ủng hộ trở về Longvek chiếm lại ngôi báu năm 1597 xưng hiệu là Paramaraja V.


"Vào khoảng năm 1623, Chey Chettha II cho phép nhà Nguyễn mở một đồn thu thuế ở Prey Nokor ( vị trí thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng gần thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
Năm 1658, vua Campuchia là Ramathibodey I (húy là Ang Chan, sách Đại Nam thực lục gọi là Nặc Ông Chân ) dẫn quân đánh nhà Nguyễn nhằm thu hồi lại Prey Nokor (Việt Nam gọi là Mô Xoài), nhưng bị quân nhà Nguyễn bắt được. Sau việc này, Campuchia chấp nhận làm chư hầu, cống nạp cho chúa Nguyễn. Đại Việt càng có cơ hội tiến vào lãnh thổ Campuchia.
...
Đến cuối thế kỷ 17, Khoảng 16 năm sau, Campuchia lại có tranh chấp ngôi vua. Vua Keao Fa II (húy là Ang Chee, sách Đại Nam thực lục gọi là Nặc Nộn ) bị em là Ang Su (Nặc Ô Đài) làm phản, kêu quân Ayutthaya vào giúp. Keao Fa II chạy sang Đại Việt nhờ chúa Nguyễn giúp. Quân Đại Việt sang giết đựoc Ang Su, nhưng chia Campuchia làm hai nửa. Nửa phía Đông do Keao Fa II làm vua với sự hậu thuẫn của chúa Nguyễn, đóng đô ở vị trí vào khoảng thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Nửa phía Tây do Chey Chettha IV (Nặc Thu) làm vua."


Theo nhiều sử liệu thì có thể chắc chắn rằng Prey Nokor là Sài Gòn và Mô Xoài là Biên Hòa (người Cam từ trước đến nay vẫn gọi Sài Gòn là Prey Nokor, người Cam gốc Hoa thì đọc thành "Phển kô").

Năm 1672 triều đình Khmer có biến, Thommo Racha (Nặc Ông Thu) nhờ Xiêm La và nhóm Chăm Java giúp; Ang Non (Nặc Ông Nộn) chạy sang Ðàng Trong cầu cứu. năm 1674, chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Ðình Phái đánh chiếm thành Udong. Ramadhipatih I chạy trốn vào rừng và mất tích. Con trưởng là Nặc Ông Thu (Chey Chetta IV) đầu hàng nhưng được chúa Nguyễn phong Ông Thu làm chánh vương cai trị Lục Chân Lạp, đóng đô tại Oudong, Nặc Ông Nộn (Ang Non) được phong làm phó vương cai trị Thủy Chân Lạp (miền Nam Việt Nam), đóng đô tại Prey Nokor (Sài Gòn).
Logged
thangbs
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #24 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2013, 02:03:38 pm »

Trong bài viết, có nhắc tới địa danh Prey Nokor và Mỏ Xoài.

Xin trích lại Lịch sử Prey Nokor và Mỏ Xoài:


Về Prey Nokor:

Dựa theo lịch sử và phát âm có thuyết cho là "Sài Gòn" là được phiên âm từ "Prei Nokor" hay từ "Thầy Ngồn" mà ra. Prei Nokor nguyên là dinh của phó vương Chân Lạp thuộc vùng Chợ Lớn tới chùa Cây Mai, là dấu vết của một "thành phố" có từ thời Tiền Angkor (theo nhà sử học Pháp Louis Malleret). Tuy nhiên không có tài liệu nào khẳng định rằng nơi đây từng tồn tại khu dân cư trước thế kỷ 16.

Ông Petrus Trương Vĩnh Ký là người đưa ra thuyết này. Trong tiểu giáo trình Địa lý Nam Kỳ, ông đã công bố một danh sách đối chiếu 187 địa danh Việt Miên ở Nam Kỳ, như Cần Giờ là Kanco, Gò Vấp là Kompăp, Cần Giuộc là Kantuọc và Sài Gòn là Prei Nokor.
Hai ông Nguyễn Đình Đầu và Lê Trung Hoa đều đồng ý với thuyết này, dựa theo lịch sử và ngữ âm.
Theo sử Cao Miên được dịch lại bởi Louis Malleret, vào năm 1623, một sứ thần của chúa Nguyễn đem quốc thư tới vua Cao Miên và ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor và Kras Krabei của Cao Miên để đặt phòng thu thuế. Tới năm 1674, Cao Miên có biến, chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm đánh và phá luỹ Sài Gòn. Vậy, từ 1623 tới 1674, vùng Prei Nokor, hay Sài Gòn, đã phát triển lắm.

Đó là theo sử sách, còn theo tiếng nói thì Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn), có nghĩa là "thị trấn ở trong rừng", "Prei" hay "Brai" là "rừng", "Nokor" hay "Nagara" là "thị trấn". Đây là vùng mà chúa Nguyễn đã mượn làm nơi thu thuế.
Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành Rai, thành "Sài", Nokor bị bỏ "no" thành "kor", và từ "kor" thành "gòn".

Tài liêu tôi trích có nói về Prey Nokor là gần Sài Gòn bây giờ, tôi nêu để tham khảo.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Tám, 2013, 02:25:49 pm gửi bởi thangbs » Logged
thangbs
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #25 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2013, 02:19:42 pm »

 Về Xứ Mỏ Xoài hay Mô Xoài:

Xứ Mô Xoài – Vùng Đất Đầu Tiên Người Việt Khai Phá Ở Nam Bộ
Nguyễn Đình Thống


Tổng hợp những địa danh liên quan đến xứ Mô Xoài, được chép trong sử sách triều Nguyễn
Mô Xoài là tên xưa của vùng đất Bà Rịa, là địa đầu của cả xứ Đồng Nai, là vùng đất mà lớp người Việt đầu tiên đặt chân vào khai phá.
Mô Xoài, Mỗi Xoài, Mỗi Xuy (có sách chép là Mũi Xôi) là tên một ngọn núi, cũng gọi là núi Trấn Biên (có sách chép là Tấn Biên), nay gọi là Núi Dinh, nằm trên địa phận thị xã Bà Rịa hiện nay.
Mô Xoài là tên một con sông, còn gọi là sông Hương Phước (có sách chép là Hưng Phúc), nay mang tên Sông Dinh, chảy qua địa phận thị xã Bà Rịa. Hương Phước (Hưng Phúc) là tên ngôi làng người Việt (Long Hương - Phước Lễ) đầu tiên ở vùng đất Mô Xoài.
Mô Xoài là tên của một vùng đất mà lớp người Việt đầu  tiên vào  Nam bộ khai khẩn. Vùng đất ấy sau được gọi là xứ Mô Xoài. Đó là một vùng đất bao gồm nhiều làng thuộc tổng An Phú (An Phú Hạ) xưa, những ngôi làng người Việt đầu tiên được thành lập trên vùng đất Nam bộ. Thống kê trong Địa bạ triều Nguyễn (tỉnh Biên Hoà) lập năm 1836, còn ghi rõ tên vùng đất này. Tổng An Phú Hạ có 7 thôn thì 4 thôn nằm trọn trong xứ Mô Xoài (Mỗi Xoài), tổng diện tích thực canh là 359 mẫu 9 sào 4 thước 3 tấc, chiếm 69% của cả tổng còn ghi tên 4 thôn nằm trọn trong xứ.
 
Đơn vị:   Diện tích thực canh:   Ghi chú (tổng diện tích)

Tổng An Phú Hạ   517.7.8.5   528.7.8.5
Đại Thuận thôn       Đất gò đồi
Long Hiệp thôn   36.4.7.9   xứ Mỗi Thơm, Núi Đất
Long Hương thôn   02.2.14.3   xứ Mỗi Xoài
Phước Lễ thôn   53.5.2   xứ Mỗi Xoài
Phước Lễ ruộng muối   03.8.12.0   
Long Kiên thôn   59.8.13.8   xứ Mỗi Xoài, Bưng Kỳ, Thị Định
Long Xuyên thôn   42.2.4.2   xứ Mỗi Xoài
Phước Long thôn   99.1.9.5   xứ Thao Lao


Mô Xoài còn được đặt tên cho thành (luỹ): lũy Mô Xoài – luỹ Hưng Phước, cũng gọi là luỹ Phước Tứ, lũy Bô Tâm, nằm cạnh Bàu Thành, nay thuộc thị trấn Long Điền, huyện Long Điền. Đây là dấu tích xưa nhất của người Việt từ buổi đầu lập nghiệp, mở mang vùng đất Nam bộ. Các nhà nghiên cứu cần quan tâm nghiên cứu đầy đủ về xứ Mô Xoài và những di tích còn lại để xây dựng phương án bảo tồn và ghi nhận những địa danh xưa nhất của vùng đất này./.
Logged
thangbs
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #26 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2013, 02:21:26 pm »

Vậy, Prey Nokor và Mỏ Xoài, Mô Xoài còn có nhiều khác biệt, xin hãy cùng công nhận hai, ba phía như thế đi.
Cám ơn.
Logged
thangbs
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #27 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2013, 02:56:32 pm »

Vương quốc Campuchia (từ 1993)

Campuchia (tên chính thức: Vương quốc Campuchia, chữ Khmer: ព្រះរាជាណាចក្រកម្ពុជា/Hán tự: 真臘/高棉; Tiếng Anh: The Kingdom of Cambodia), là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương ở vùng Đông Nam Á, giáp với vịnh Thái Lan ở phía Nam, Thái Lan ở phía Tây, Lào ở phía Bắc và Việt Nam ở phía Đông. Campuchia có ngôn ngữ chính thức là tiếng Khmer, thuộc nhóm Môn-Khmer trong hệ Nam Á.

Sau khi cuộc Tổng tuyển cử tự do được Liên Hợp Quốc đứng ra tổ chức tháng 5 năm 1993, các phe phái, chủ yếu gồm: CPP (Đảng Nhân dân Campuchia), FUNCIPEC (Đảng Bảo hoàng)và đảng của Sam Rensi phải mất đến 4 tháng mới thỏa thuận được cơ cấu phân chia quyền lực. Đến tháng 9 năm 1993, Quốc hội và Chính phủ mới được thành lập với nòng cốt là FUNCIPEC và CPP. Quốc hội nhất trí lấy tên nước là Vương quốc Campuchia. Đứng đầu nhà nước là Quốc vương Norodom Sihanuk. Thủ tướng thứ nhất Norodom Ranarit (Chủ tịch Đảng FUNCIPEC), Thủ tướng thứ hai là Hun Xen (Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia). Chủ tịch quốc hội là Chia Xim (CPP). Năm 1997, ông Ung Huot (FUNCIPEC) thay ông Ranarit giữ chức thủ tướng thứ nhất. Từ năm 1993 đến nay, Campuchia đã trải qua 4 lần tổng tuyển cử. Ở lần tổng tuyển cử thứ 4 năm 2008, Đảng CPP dù chiếm đa số, nhưng không thể tự mình thành lập chính phủ do không giành được tỷ lệ đa số ghế 2/3 cần thiết theo luật định. Chính vì vậy, CPP buộc phải tìm kiếm liên minh từ FUNCINPEC, trên tinh thần đoàn kết dân tộc. Sau 15 năm tái lập chế độ quân chủ lập hiến, Vương quốc Campuchia đã thu dược nhiều thành tựu lớn trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và quan hệ đối ngoại.

     Campuchia mở cửa và thân thiện với thế giới, sớm gia nhập WTO. Tuy vậy, kinh tế và mức sống vẫn phát triển chậm. Tổng GDP là 3.677 triệu USD (năm 2003), GDP bình quân đầu người 280 USD (2003) tren 30% dân chúng sống dưới mức nghèo khổ. Một phần do điểm xuất phát quá thấp (gần như bằng 0 sau giải phóng 1979) và một phần do quyền lực thực tế của chính quyền chưa hoàn thiện.

    Năm 1998, Polpot chết, tổ chức Khơ me đỏ tan rã. Tháng 6 năm 2003, Liên hợp quốc và Chính phủ Campuchia đạt được thỏa thuận về việc xét xử các thủ lĩnh Khơ me đỏ. Hai bên thống nhất lập một tòa án do các thẩm phán quốc tế và thẩm phán Campuchia cùng làm chủ tọa. Tuy nhiên, việc xét xử Khmer Đỏ diễn ra hết sức chậm chạp do những thế lực đã nâng đỡ Khơ me đỏ trước đây (Trung Quốc) cản trở. Phần lớn các nhân vật quan trọng của tổ chức này đã chết già mà không bị tòa kết án. Mãi đến cuối năm 2008, phiên tòa đầu tiên xét xử các thủ lĩnh Khơ me đỏ mới được mở. Người đầu tiên bị xét xử là Kang Kech Ieu, giám đốc nhà tù S21 (Tulsleng), người đã tổ chức giết chết hàng vạn người Campuchia mà Khơ me đỏ cho là thù địch trong hơn 3 năm cầm quyền của họ.

Chính trị Campuchia được nhiều người nước ngoài biết đến bởi thời kỳ diệt chủng của Khmer Đỏ, việc này gây ra những đổ vỡ lớn trong nội bộ những nước đã từng ủng hộ chế độ này.
Đất nước này được cai trị bởi Quốc vương Norodom Sihanouk sau khi ông trở lại làm vua vào tháng 9 năm 1993. Đây là chế độ quân chủ lập hiến và trên thực tế quốc vương không điều hành đất nước. Cuối tháng 10 năm 2004 Đức vua Norodom Sihanouk truyền ngôi lại cho Thái tử Norodom Sihamoni.
Đảng cầm quyền hiện nay là Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), thủ tướng đương nhiệm là Hun Sen.
Campuchia là thành viên của Liên hiệp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Nước này đã đạt được sự ổn định tương đối về chính trị từ thập niên 1990 trở lại đây.
Logged
thangbs
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #28 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2013, 02:58:32 pm »

Trên đây là những tư liệu lịch sử Campuchia dựa trên các tài liệu từ Wikipedia là chính.
Xin tiếp tục với các nhận định khác.
Logged
thangbs
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #29 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2013, 04:40:19 pm »

Xin kể về cuộc đảo chính năm 1997

Năm 1997 là một cột mốc vô cùng quan trọng của đất nước Campuchia. Cuộc đảo chính năm 1997 chấm dứt hoàn toàn dư đảng của thời kỳ cũ, loại bỏ được đảng bảo hoàng và đưa đất nước vào thời kỳ mới.

Cuộc bầu cử 1993 diễn ra dưới sự bảo trợ và giám sát của Liên hơp quốc, cơ quan quyền lực là UNTAC (Cơ quan chuyển tiếp Liên Hiệp Quốc tại Campuchia) . Lúc đó, Ông đại diện đặc biệt UNSYG Yasushi Akashi, và Trung tướng Tổng  tư lệnh John Sanderson là những người có mặt tại Campuchia để tiến hành những chức phận đã định. Cuộc bầu cử được tiến hành với tổng cộng đã có hơn bốn triệu người Campuchia (khoảng 90% cử tri hội đủ điều kiện đầu phiếu) tham gia vào cuộc bầu cử tháng năm 1993.
Hoàng thân Norodom Ranariddh thuộc Đảng bảo hoàng Funcinpec là người nhận phiếu bầu cao nhất với 45,5% phiếu bầu, tiếp đến là Đảng Nhân dân Campuchia của Hun Sen (nguyên là Đảng cộng sản) và Đảng Dân chủ Tự do Phật giáo (của Son Sann). Mặc dù chiến thắng, các Funcinpec đã phải đàm phán để liên hiệp với Đảng Nhân dân Campuchia, đảng do Hun Sen lãnh đạo.

Sau hội đàm, Hoàng thân Ranariddh và Hun Sen trở thành Thủ tướng thứ nhất và Thủ tướng thứ hai trong Chính phủ Hoàng gia Campuchia (RCG).  Đồng thời còn có hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hai Bộ trưởng ngoại giao…

Đảng Funcinpec bảo hoàng thắng lợi, và họ đã nghĩ loại được CPP ra khỏi vũ trường chính trị. Nhưng họ quên rằng, chính quyền nằm trên đầu ngọn súng ...khi nghĩ ra, họ bắt đầu củng cố quân đội, và không bao giờ nguôi ý định tiêu diệt đối phương. Họ đã sai ở chỗ, ở trong cùng một đất nước, dù là đảng phái đối lập đi nữa nhưng không thể coi đối phương là kẻ thù. Cùng lắm chỉ là kẻ đôi thủ khó chịu mà thôi. Hơn nữa, đối thủ còn có tiềm lực cực mạnh: họ giữ máy bay, tàu chiến, súng pháo hạng nặng và đội quân thiện chiến.

Sáng sớm 5-7-1997, người dân PhnomPenh không thể hiểu tại sao giao tranh lại bùng nổ trên đường phố. Họ sợ cuộc nội chiến quay trở lại giống như bóng ma hãi hùng từ trong quá khứ.
Dân Campuchia mở đài Tiếng nói Hoa Kỳ, họ nghe được Ranariddh tố cáo Hun Sen đã phát động cuộc đảo chính chống lại ông ta. Chính phủ liên hiệp đã được giải tán.

Phía Hun sen thì cho rằng:  Ông đã phải phát động trận chiến phủ đầu ác liệt chống lại các chỉ huy quân đội của Ranariddh, rằng những người này đã âm mưu thiết lập quân đội bí mật và di chuyển các lực lượng của họ đến Phnom Penh mà không có sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng. Để tăng thêm sự khiêu khích, ông Ranariddh đã nhập khẩu một khối lượng vũ khí rất lớn mà không có sự nhất trí của Bộ Quốc phòng.

Có nguồn tin cho rằng đúng hơn là cuộc giao tranh đã được sắp đặt và phát động bởi Ranariddh đang ở Phnom Penh vào ngay đêm xảy ra các cuộc xung đột, trong khi Hun Sen đang ở nước ngoài.  Người ta cho là nếu Hun Sen có ý định tiến hành cuộc đảo chính thì lúc ấy ông không đi nghỉ ở nước ngoài mà có mặt ở Thủ đô để điều hành diễn biến này.

Cơn thèm khát quyền lực đã đẩy Ranariddh đến một quyết định sai lầm lịch sử: Các tướng lĩnh của ông ta đã củng cố các đơn vị của họ bằng cách tuyển mộ quân Khơme Đỏ. Các cuộc đàm phán bí mật của Ranariddh với Khơme Đỏ nhằm mục đích gây dựng liên minh được xem là một nguyên cớ khơi mào chiến tranh. Một Ranariddh ôn hòa đã được thay bằng một chính khách thèm khát cân bằng lực lượng với Hun Sen, và do muốn có được sự che chở cho vị thế của mình bằng cách dùng lực lượng vũ trang. Đó là một sai lầm tai họa đã thách thức phe Hun Sen nổi lên.

Buổi sáng cùng ngày 5-7-1997, Hun Sen xuất hiện trên truyền hình của nhà nước. Ông nói với dân chúng hãy giữ bình tĩnh và cố thuyết phục binh lính trở lại các doanh trại của họ. Khoảng 3 giờ chiều, lần đầu tiên sự yên bình của Phnom Penh đã không còn nữa kể từ ngày giải phóng Campuchia vào năm 1979. Khi vệ binh kéo đến dinh thự của Chao Sambath, họ đã bị quân mai phục nổ súng từ bên trong và ở các vị trí gần dinh thự này. Khi ấy lực lượng vệ binh dùng xe tăng T-55 để biểu dương sức mạnh, nhưng quân chống đối đã bắn vào bánh xích của xe tăng bằng hỏa tiễn chống tăng. Vì khu vực chiến sự này dân cư đông đúc, nên lực lượng vệ binh không thể trả đũa tới khi các cư dân ở đấy rời khỏi nhà của họ.

Hậu quả của cuộc chiến này không ngờ đã đi ngược lại mục tiêu của những người phát động: Họ bắn cháy được vài xe tăng, phá hủy được một số công sở nhưng thất bại thì hoàn toàn. Sau trận chiến này, Thủ tướng Hun sen đã độc chiếm toàn quyền, chế độ hai thủ tướng, hai bộ trưởng bị bãi bỏ…đất nước Campuchia trở thành một thực thể thống nhất, có một chính quyền trung ương mạnh mẽ.

Những kẻ chơi dao đã bị đứt tay và trở thành những kẻ lưu vong hay những thây ma chính trị.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM