CÂU LẠC BỘ ĐỒNG ĐỘI E429:

T - Xuất phát từ TP.HCM lúc 3g sáng, xe chạy không nghỉ để đến nghĩa trang Tân Biên (huyện Tân Biên, Tây Ninh), nơi có gần 14.000 ngôi mộ liệt sĩ trên chiến trường Campuchia đã được quy tập về đây an nghỉ.
Kính cẩn thực hiện phần lễ và xin phép anh linh hai liệt sĩ để di chuyển các anh hồi hương, suốt chặng đường từ nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên về Cầu Ngang, Trà Vinh, anh Đặng Thanh Liêm ôm khư khư phần quách có hài cốt của anh trai, không dám rời tay: “Mẹ đang chờ anh về!”.
Ngày về
"Mỗi lần cầm tiền liệt sĩ của con trên tay mà buốt lòng bởi ngoài mảnh giấy báo tử, tui không biết con mình đang ở đâu"
Bà Trần Thị Miễn (77 tuổi, ấp Chà Và, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh)
Kể từ ngày nhận được thư gửi từ anh Phạm Thế Hoàng, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu chiến binh E429, về việc tìm thấy mộ của liệt sĩ Đặng Hồng Khánh, rồi anh Hoàng về tận nhà thăm và bàn cách đưa liệt sĩ trở về thì bà Trần Thị Miễn (77 tuổi, ấp Chà Và, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) đêm nào cũng thấp thỏm chờ đợi đến ngày được đón núm ruột của mình trở về.
“Kể từ ngày con đi, khi còn huấn luyện con hay viết thư về nhà cho mẹ. Nhưng kể từ khi con ra chiến trường thì không lần nào tui gặp được con nữa. Mỗi lần cầm tiền liệt sĩ của con trên tay mà buốt lòng bởi ngoài mảnh giấy báo tử, tui không biết con mình đang ở đâu. Nhờ các đồng đội của con mà giờ con đã về được với gia đình”. Sau giây phút xúc động lớn đón hài cốt của con trai phủ quốc kỳ do tận tay đồng đội của anh trao tặng, bà Miễn đã nói như vậy.
Cùng ở ấp Chà Và hôm ấy còn có một gia đình khác, một mẹ già khác đã đi bộ một chặng đường từ cuối ấp ra lộ đón con. Đó là bà Ngô Thị Châu, mẹ của liệt sĩ Trần Văn Đỏ. Đã hơn 20 năm nay sau khi anh nằm xuống ở chiến trường Campuchia trong khi làm nhiệm vụ quốc tế, ngoài tấm giấy báo tử, bà không nhận được thông tin gì về phần mộ của con. Liệt sĩ Đỏ là con trai lớn trong nhà, dưới anh còn một đàn em bảy, tám đứa lóc nhóc. Mới 16 tuổi, anh đã đi làm thuê phụ cha mẹ nuôi các em.
“Thế rồi nó xung phong đi bộ đội lúc nào tôi cũng không hay. Lúc biết, lên nơi huấn luyện gặp con, nó nói nó muốn chiến đấu cho Tổ quốc. Con thích vậy thì tui không cản, nhưng thiệt tình khi ấy tui lo lắm, bởi đã bao nhiêu người đi rồi đâu thấy tin tức gì về. Đến một hôm thấy từng đoàn bộ đội về nhà, những người đi trước, người đi sau đều đã về hết. Tôi cũng ra lộ đón con mà không thấy Đỏ đâu. Hôm sau, một người lính cùng đơn vị của Đỏ đến nhà đưa giấy báo tử. Nó xung phong nhập ngũ khi 19 tuổi, và 20 tuổi hi sinh. Ngày con đi cao lớn vạm vỡ, ngày trở về chỉ còn lại như đứa trẻ lên 3” - bà Châu nói và choàng tay ôm lấy phần hài cốt của đứa con lớn vừa được các đồng đội của anh đưa xuống xe.
“Đỏ xung phong đi bộ đội rồi hi sinh, một mình cha Đỏ không nuôi nổi bầy con nheo nhóc nên nhà có hai công ruộng tui đã mang đi cầm cố lấy thóc ăn rồi không chuộc lại được nữa” - bà Châu cho biết. Gia cảnh của bà Châu nghèo, các con lớn lên cũng chỉ làm thuê làm mướn, ngoài người con gái giáp liệt sĩ Đỏ ở gần nhà, giờ mẹ Châu ở một mình trong căn nhà tình nghĩa. “Các con lớn rồi lấy vợ lấy chồng, rồi lên thành phố làm thuê, không đứa nào có được một mái nhà. Bữa nay, nhờ các đồng đội rước anh Hai sắp nhỏ về mà không phải đứa nào cũng có tiền để về với anh” - bà Châu nói, nước mắt cứ chảy ra khi nhìn những người hàng xóm đến thắp cho anh Đỏ nén nhang tri ân sự hi sinh của anh trong khi thực hiện nhiệm vụ của Tổ quốc giao phó.
Giúp đỡ đồng đội
Câu lạc bộ đồng đội E429 là nơi tập hợp những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở Campuchia. “Mấy chúng tôi ở thành phố, tập hợp nhau lại để hỗ trợ nhau, giúp nhau cho ấm lòng đồng đội. Và rồi dù những đồng đội còn sống, nhiều người còn vất vả nhưng chúng tôi vẫn thấy mình may mắn khi đến thăm gia đình các liệt sĩ đồng đội, có mẹ phải ở trong những căn chòi lụp xụp mà không biết thông tin về phần mộ con mình ở đâu để tìm. Lại có mẹ biết mộ con ở nghĩa trang gần một tỉnh biên giới nhưng không có tiền, không biết làm thủ tục như thế nào nên chúng tôi nguyện bằng tâm sức của mình đưa các anh về với mẹ” - anh Phạm Thế Hoàng, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ đồng đội E429, nói về công việc mình đã làm như vậy.
Và bắt đầu từ năm 2009, với chừng 20 cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia khởi xướng thành lập câu lạc bộ để giúp đỡ đồng đội. Phần lớn trong số họ đều làm những công việc lao động tự do, lao động phổ thông.
Chỉ vào anh Trần Văn Sĩ, cựu chiến binh với nghề bán vé số dạo, anh Hoàng nói: “Bữa lên xe, Sĩ góp 50.000 đồng cho chuyến đi, tôi không muốn thủ quỹ lấy của Sĩ vì mỗi chuyến đi thế này Sĩ phải nghỉ bán vé số hai ngày. Hai ngày không bán vé số là bữa cơm của các con Sĩ sẽ phải eo hẹp nhiều bữa. Nhưng chúng tôi không thể không nhận sự đóng góp của cậu ấy bởi đây là tấm lòng của Sĩ với những đồng đội đã ngã xuống”.
Cũng giống như anh Sĩ là hàng chục anh chị khác mỗi năm ngưng làm ăn một vài buổi để tập trung đưa các đồng đội về quê. Tối 28-2, trước ngày diễn ra việc đưa liệt sĩ Đỏ và Khánh về quê, các anh đã tập hợp nhau lại, người đóng quách, người mua hương liệu, người mua cờ. Các chị vợ giúp chồng một tay bằng cách chuẩn bị đồ ăn thức uống trên suốt chặng đường dài: cà phê pha sẵn, thùng đựng đá viên, chả lụa, bánh mì, nước lọc...
“Vì đi xa những hai ngày, chuẩn bị sẵn thế này để vừa đỡ mất thời gian ăn uống, nghỉ ngơi dọc đường, vừa tiết kiệm tiền mua bán nữa - chị Út Thanh, người đã chuẩn bị cả hộp chà bông thật lớn để mọi người có thể bỏ thêm vào bánh mì, nói - Lần nào tui cũng đi theo mấy ổng cùng các chị em khác lo miếng ăn, nước uống. Tất cả mình đều tự làm nên vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tiết kiệm tiền và thời gian”.
Trích từ Tuoitre online số ra tháng 7 năm 2014