Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:20:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tình đồng đội ! (Phần 1)  (Đọc 192655 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ngocquyen C6
Thành viên
*
Bài viết: 891


« Trả lời #440 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2013, 03:35:28 pm »

CUỘC HÀNH TRÌNH THEO KÝ ỨC NGƯỜI CCB F 356 - PHẦN II . ( Tiếp )

  

  
   Ngoài ra một số ghế đá tặng UB  Grin.



  

Anh xin chú bức ảnh này làm kỷ niệm ! Cảm ơn chú vì chú chụp rất nét ! anh sẽ mang tấm hình này đến xưởng của bác thợ làm ghế đá để bảo bác ấy làm cho mấy chiếc về đặt chỗ cửa hàng chị KIM THANH !!!
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #441 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2013, 03:40:51 pm »

CUỘC HÀNH TRÌNH THEO KÝ ỨC NGƯỜI CCB F 356 - PHẦN II . ( Đoạn kết )

   Trước khi kết thúc " phóng sự ", này em xin có vài lời tâm sự, riêng của cá nhân em .

   Trước tiên em xin bày tỏ lòng cảm kích chân thành, sâu sắc tới các CCB. Những người đã trải qua cuộc chiến trở về đời thường ngày hôm nay. Cho dù còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng tấm lòng, nghĩa cử của mọi người đối với ác đồng đội đã từng vào sinh ra tử , cùng chiến đấu thật là cao cả, đầy ý nghĩa.

   Không chỉ riêng các CCB mặt trận Hà Giang, mà qua các phương tiện thông tin, em biết khắp nơi, các CCB các mặt trận, chiến trường khác nhau cũng từng có những hành động tương tự như vậy. Tưởng nhớ và tri ân những người đã ngã xuống trong công cuộc Bảo vệ Tổ quốc, bằng những công trình tại các chiến trường xưa.

   Xin bày tỏ thêm một chút về sự tôn kính những vị cao tăng. Tuy đã rũ áo bụi trần, khoác áo tu hành nhưng Thượng tọa Thích Quang Vinh, từng là một người lính ban pháo sư đoàn 356 cùng đệ tử của mình, đã không quản ngại đường xa xôi, vất vả lặn lội lên tận điểm cao làm lễ cho các vong linh anh hùng liệt sĩ.

   Và cũng như các CCB, xin cám ơn sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan, chính quyền địa phương cùng những doanh nghiệp, nhân dân Thanh Thủy. Đã giúp cho công việc suôn sẻ, thuận lợi.

    Một điều nữa. Em rất kính trọng những người chị là vợ, bạn hay đồng đội của các CCB. Sự sát cánh đóng góp công sức của các chị cũng là rất lớn mọi lúc, mọi nơi trong công việc...

 
   Thưa các bác và mọi người !

   Chiến tranh đã lùi xa. Mọi quá khứ đau thương tưởng chừng như đã khép lại. Liệt sĩ cũng là một phần của lịch sử giữ nước, CCB cũng vậy. Khắp nơi trên đất nước Việt Nam còn rất nhiều liệt sĩ chưa thể tìm thấy danh tính hay hài cốt. Đó cũng là nỗi đau của tất cả mọi người khi hướng về quá khứ.

   Nhưng dù gì thì cuộc sống cũng cần tới tương lai. Mọi sự giao hảo đã trở lên bình thường. Đối phương xưa kia nay đã thành bạn bè. Chắc chắn các thế hệ sau không quên ơn những người đã xả thân vì nghĩa. Trân trọng những gì cha anh giữ gìn bằng xương máu. Và cũng có nhiệm vụ khác là phải xây dựng một cuộc sống cho tương lai đầy đủ, ấm no hạnh phúc, quan trọng là không có chiến tranh. Trẻ em sinh ra sẽ có đôi mắt trong sáng, ngây thơ, không gợn hằn khói súng, như em bé tại thung lũng trước cửa hang Làng Lò đây :




   Một lần nữa, em xin cám ơn tất cả các anh chị, cô chú CCB cùng các thành viên, người đọc trên diễn đàn quan tâm theo dõi bài viết của em. Cám ơn mọi người đã động viên, tạo điều kiện cho một phóng viên nghiệp dư, không bằng cấp được viết về câu chuyện trên. Chúc mọi người luôn vui khỏe. Tạm biệt !

   Tuyên quang, ngày 28/11/2013.

  
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười Một, 2013, 06:43:26 pm gửi bởi Linh Quany » Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
ngocquyen C6
Thành viên
*
Bài viết: 891


« Trả lời #442 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2013, 03:45:11 pm »

   Xin đươc phép thay mặt đoàn công tác XIN CẢM ƠN ĐỒNG CHÍ PHONG VIÊN LINHQUANY đã không quản đường xá xa xôi ,bỏ bê việc cơ quan ,bỏ con gửi hàng xóm ...để theo đoàn công tác ,vì tình nghĩa đồng đội ,đã nghi lại toàn bộ lộ trình cũng như những tình cảm sâu đậm giữa đồng chí đồng đội,tình quân dân sâu nặng ..để lại cho thế hệ mai sau nhớ mãi !!! xin chúc phóng viên và gia đình phóng viên mạnh khỏe ,hạnh phúc và được vong linh các liệt sĩ tại Vị Xuyên -Hà Giang phù hộ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống !!! XIN CẢM ƠN !!!!!!
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #443 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2013, 09:39:54 am »

 Chú em Linh Quany nhớ giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị tiếp tục cho phần 3 nhé ...
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #444 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2013, 11:01:58 am »

CHUYỆN ĐỒNG ĐỘI VÀ CÁI ĐIẾU CÀY.

   Hôm rồi em đi Hà giang cùng các bác CCB F 356, đến cửa khẩu Thanh Thủy, vào một gian hàng của người Tàu thấy họ bán mấy cái điếu ục đẹp quá, xem lại nhớ chuyện thuốc lá đá thuốc lào hồi còn ở lính .



   Em thì trước khi nhập ngũ hầu như không nghiện mấy món này ( có bập bẹ chút thời bãi vàng nhưng không sâu ). Nhưng đúng như câu ai đó nói " thằng nào ở nhà hư, đi lính ngoan ra một chút. Thằng nào ở nhà ngoan thì vào lính...hư đi một chút " , chỉ có mấy tháng huấn luyện tân binh là em chơi tuốt các thể loại, ngang cơ lính cũ luôn.

   Nói về chuyện trà thuốc của lính thì cũng lọ mọ...như với chị em khi vào bản vậy. Cứ nghĩ cảnh ông nào nghiện đứng gác ban đêm, mùa đông, dưới thời tiết lạnh buốt mà không có thuốc thì vật phê ngang với buổi sáng chưa đánh răng rửa mặt, phi một điếu say trợn cả mắt.

   Lính mới sẵn tiền nhưng khi thành lính cũ thì lúc nào cũng thấy thiếu tiền. Các thứ cảm thấy thừa ( quân trang không thừa, nhưng tự nghĩ là thừa ) đem ra "đô" hết ngoài quán cho cái gọi là " bổ sung dinh dưỡng, lấy sức khỏe rèn luyện để sẵn sàng bảo vệ Tổ Quốc". Cáu nhất là những lúc vật vã, ra ngoài dân họ không bán chịu, vì lính nhà ta bùng nhiều quá rồi họ cũng ngán, nhất là đơn vị nào hay di chuyển luôn xoành xoạch. Kinh nghiệm rút ra là : Khi hút thuốc lá, còn đầu mẩu ném vào gầm giướng, chỗ kin kín một tý, để thằng trực ban nội vụ đi kiểm tra vệ sinh không phát hiện ra, bắt quét đi mất. Lúc không có lại lôi cái top đó ra lắp vào điếu cày bắn ro ro.

   Thường thì chỉ huy cũng không thích lính hút thuốc lào lắm ( nếu có chỉ huy cũng nghiện thì vô tư ). Thứ nhất là cái điếu nó cứ bốc mùi khai khai. Thứ hai, nếu ở nhà xây không sao nhưng đơn vị nào mà nhà tranh tre nứa lá thì các ông tướng toàn tiện tay bẻ vách nứa làm đóm hút thuốc lào. Với lính thì chẳng vấn đề, mùi giày thối còn kinh khủng hơn nhiều vẫn chịu được, vách thủng thì đi làm lại, đằng nào ngày nghỉ vẫn phải đi lấy tre nứa. Nước sông công lính mà, lo quái gì !

   Và xảy ra nhiều câu chuyện rất vui quanh cái điếu hút thuốc lào này lắm ...

   Nói chung nếu có bị cấm thì lính cũng đủ cách để xoay. Toàn con nhà nghèo, chuyên giật gấu vá vai trong cuộc sống quê nhà đi lính là chủ yếu, cho nên ba cái chuyện đó nhỏ như con thỏ. Lính ta vốn khéo tay, lắm mưu mẹo nữa, chả thế mà quân đội các cường quốc đôi khi phải nể phục vì chuyện bộ đội Việt Nam vừa giỏi ứng dụng vừa giỏi... phá vũ khí khí tài, trang thiết bị quân sự đó sao! Đó là chuyện lớn, huống chi mấy cái điếu.

   Nếu không hút được trong đơn vị thì các tướng giấu ra bụi rậm, tầm điếu được cắt ngắn tối đa cho tiện lợi, thi thoảng chạy ra bắn phát, ( kể ra hút điếu ngắn quá cũng không sướng, bất kỳ loại điếu gì các ...chị nhể  Grin) hoặc không làm từ các vỏ chai nhựa khoét lỗ tra nõ, cọng đu đủ cũng có thể thành một cái điếu, bí quá thì trong lúc đi đường bạn có thể vừa đi vừa bắn thuốc lào không cần điếu. Nắm bàn tay lại, tra thuốc vào chỗ ngón tay út quặp với má ngoài bàn tay, mồm dí vào chỗ ngón cái và ngón chỏ đang khoanh tròn, bật lửa rít thật nhanh không khéo bỏng tay, cũng đê tê mê ra phết !

   À ! tiện nói về điếu thì những bác nào trong Nam hoặc dưới xuôi chắc đa số chưa biết về điếu ục. Em giới thiệu luôn. Điếu ục thường là tầm, ống rất to, có cái đường kính như bát ăn cơm, ghé mặt vào mất hút gần nửa, nõ điếu là một đoạn trúc nhỏ, cách hút cũng khác điếu cày. Nếu điếu cày châm lửa bập hơi cho cháy thuốc xong ghé nghiêng thổi tàn đi, ngửa tầm gần ngang măt rít roét roét phả khói mù mịt, xong đập đầu vào tường vì lên mây, thì điếu ục lại để đứng búng vào nõ tóoc tóoc cho tàn nảy ra ( xì như điếu cày nước sẽ phọt lên mặt ) rồi rít xịt xịt, thả khói lờ mờ. Rất nhã.

   Lại nói về thuốc. Hồi đó chưa có nhiều chủng loại phong phú, nhãn mác đủ kiểu chân chua khói đặc như bây giờ, đa số chỉ là hiệu An Bình hay Vĩnh Bảo gói giấy tráng nhựa bên trong chống ẩm. Thêm một loại gói nhỏ như bao diêm, gọi là bóng mờ ( vì đựng trong túi nilong màu đen mờ mờ ) loại này chơi vào lúc bụng chưa có gì thì đúng là mờ mắt hơi lâu.

   Hồi nhỏ em thi thoảng về quê làm thuốc lào cùng ông ngoại. Vào cánh đồng thuốc rặm lắm vì lá thuốc lào toàn lông, mỗi lần đi hái xong về tắm mãi không hết rặm. Ngồi thái lá thuốc tươi mới kinh, nhựa của nó làm cùn dao rất nhanh cho nên phải để một viên đá mài bên cạnh, thi thoảng lại liếc dao một cái. Người ta có sáng chế ra một cái máy thái, gọi là cầu, nó như cái máy chém thì đúng hơn. Tuy nhiên thái bằng tay sợi nhỏ,mịn hơn, đương nhiên là sẽ ngon hơn. Sau khi phơi vài nắng, sợi thuốc héo quắt, vàng ươm, cuốn thành con cúi như cúi rơm đem cho vào chum đậy nắp bện lá chuối tiêu, phun chút rượu hay thứ nước gì làm bằng gạo nếp ( gọi là hồ ). Tiện có thằng cháu mang chè vùng cao về, buổi tối pha một ấm hãm thuốc lào, rít sòng sọc phả khói mù mịt, mùi thơm nồng nồng pha tý khét ngọt. Thế mới biết cái gu của lão Hạc thời xưa cũng thanh tao ra phết.

  ( còn nữa )
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
ngocquyen C6
Thành viên
*
Bài viết: 891


« Trả lời #445 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2013, 11:45:12 am »

Xong công việc anh em ta xả hơi một chút cho thư giãn cũng hay ? Nhưng chú mày nói tới điều úc của Dân tộc thì được chứ lại nói tới điều ục tàu ,làm anh dị ứng đỏ hết cả người ,huống hồ mang về hút thì có mà ung thư sớm ...
mình góp thêm một chút sản xuất thuốc lào;
trồng cây thuốc lào rất rễ ,nó lên nhanh và khỏe ,lá càng to càng tốt nhưng phải dày nếu dài là tuyệt vời .được như vậy thì chăm sóc phải tốt ...bắt đầu thu hoạch là bẻ từ lá gốc trước .mang về nhà đổ đống ngày hôm sau nó thu nhựa lại thì lá ko bị giòn và gẫy,cuộn lá theo con cuộn (mỗi cuộn to bằng phích nước dài 80-1m ) thái bằng dao cầu .thái xong mang ra phơi bằng các phên như phên phơi bánh đa nem .phơi một vài nắng thì tùy khi đã khô và vàng thì không phơi nắng nữa mà phơi sương (phơi đêm) được hai hoặc ba sương ta bắt đầu hồ .hồ lần thứ nhất : vẫn để thuốc trên phên phơi ta dùng bình phun xương (bình tưới cây cảnh) dung dịch phun là nước chè tươi đun khá đặc ,sau đó lại phơi sương một đêm,ngày hôm sau hồ lần hai cũng phun như vậy ,nhưng dung dịch phun là bằng nước cháo gạo nếp linh nhừ nhiễn lọc kỹ lấy nước trong ,sau đó lại phơi sương một đêm nữa ,đến sáng ta phơi nắng nửa buổi cảm thấy khô ta thu phên về để nguội (tránh dòn gẫy) ta dùng giao kéo cắt từng mảng như ta tráng trứng rồi cuộn lại bên ngoài cuốn bằng lá chuối khô được lau sạch,cuối cùng xếp vào chum vại bằng sành sứ đậy kín nắp bằng nilon để sang vụ sau thì dùng thì thuốc hút cực êm và say...
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #446 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2013, 11:47:50 am »

   Hê hê, em chỉ thấy điếu Tàu nhớ điếu Ta thôi bác Quyền ạ !

   Hồi này thì em không hút thuốc lào nữa cho nên không nhớ lắm về công đoạn sản xuất. Em chỉ thích mỗi ...Bia Hà nội cùng món lẩu thắng cố thôi !  Grin

   Thôi thì điếu Việt chính hãng

« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười Một, 2013, 11:54:53 am gửi bởi Linh Quany » Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
ngocquyen C6
Thành viên
*
Bài viết: 891


« Trả lời #447 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2013, 11:50:52 am »

Có ngay có ngay ! anh lúc nào cũng sẵn chỉ sợ chú ngại đường xa không về thôi Huh
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười Một, 2013, 10:31:14 pm gửi bởi ngocquyen C6 » Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #448 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2013, 11:57:13 am »

CHUYỆN ĐỒNG ĐỘI VÀ CÁI ĐIẾU CÀY ( tiếp theo và hết )

   Mỗi khi lên thao trường. Nghỉ giải lao anh em túm tụm lại quanh cái Rumine nước gạo rang. Bát nước vàng sậm truyền nhau cùng hàng chục ngón tay vê vê nhúm thuốc lào chờ đến lượt , tiếng cười đùa ồn ã pha với tiếng rít chói tai của cái điếu cày nghe rất vui .

   Đơn vị em hồi đó có hai thằng rất nghiện thuốc lào. Hai thằng này làm cho mọi người lắm phen vừa buồn cười, vừa sợ xanh mặt.

   Đầu tiên là thằng Bình " cối ". Người Mường ở Tam Thanh, Vĩnh Phúc. Cao to, đẹp trai nhưng hơi tồ tồ. Không phải cái đuôi tên của nó thế do nó làm xạ thủ súng cối. Mà thằng này có một cái điếu cày nhỏ xíu, rất đẹp, đi đâu cũng vác theo, kể cả khi hành quân đeo cạnh ba lô. Lúc nào dừng chân thì múc nước đổ vào điếu lại kêu tanh tách. Cái điếu của thằng này rât khó hút vì ngắn và bé. Một lần em thử, khói xộc vào cổ họng vừa nóng vừa cay ho sặc sụa, nhưng nó chưa bị ho bao giờ, thậm chí cả khi trong điếu không có nước vẫn rít xong mặt tỉnh bơ. Một phần lý do cho cái tên ấy nữa là nó có " khẩu cối " rất khủng. Đợt đi gỡ mìn trên Lào cai vào buổi trưa về nóng quá nó cứ tồng ngồng nhảy xuống con suối cạnh đường tắm, đúng lúc mấy cô trong bản đi nương về qua. Chắc thấy " cối " của nó ác chiến quá cứ đứng trên bờ nhìn cười ngặt nghẽo, mồm thì a lúi liên tục. Chị em người dân tộc được cái tự nhiên, không như chị em người Kinh mà vớ quả ấy thì kêu toáng lên rồi che mặt nhưng các ngón tay.... vẫn xòe ra để hở mắt.

   Thằng thứ hai là thằng Tuất " bọ chó ". Người loắt quắt. Cũng không phải nó có bọ chó mà gọi thế. Sở dĩ Tuất là chó, mà thằng này lại hay nhảy nhót cho nên đồng đội gán luôn cho cái biệt danh như vậy. Không nhớ quê ở đâu nhưng nghe nó kể cả làng nhà nó nghiện thuốc lào, từ bà già đến trẻ con. Thanh niên nam nữ tìm hiểu nhau tối ra sân kho hay bờ đê ngồi, đem theo cái điếu để bên, tán nhau chán nhạt mồm lại bắn một bi, rồi trao nhau những nụ hôn nồng nàn thoang thoảng mùi nước điếu.

   Hai thằng nghiện chơi rất thân với nhau, một thằng lành lành còn một thằng hơi quái. Thằng Tuất tính hay nghịch, mà toàn nghịch dại. Một lần trên thao trường thằng Bình " cối " đang ngửa cổ, vừa gân lên rít khói thì nó giật phắt cái điếu ra khỏi mồm. Ai dè thằng kia mắt trợn ngược, chân tay hươ hươ, mồm kêu khặc khặc như bị động kinh, sơ cứu mãi mới tỉnh. Tuất " bọ chó" thấy thế sợ quá mặt xanh lét, đứng run rẩy một chỗ cho đến khi bị B trưởng đá cho phát lăn lông lốc...

   Thằng Bình " cối " hiền nhưng cũng để bụng. Nó trả đũa còn buồn cười hơn. Hôm ấy thằng Tuất đang lúi húi cúi xuống chổng mông lên làm gì đó, nó đứng đằng sau chắp hai tay chọc một phát thật mạnh vào giữa khe đít. Thằng Tuất hét một tiếng nhảy tưng tưng, hai tay ôm đít, mồm kêu ắc ắc, mắt cũng trợn lên tận trán. Cú xỉa ấy làm thằng này mất mấy hôm không ....được, suýt phải cho đi viện để thông. Từ đó hai thằng cạch mặt nhau, thằng Tuất thửa riêng một cái điếu khác, không thèm hút của thằng Bình nữa....

***

   Thằng Tuất " bọ chó" vẫn chưa hết nghịch. Biết thằng Bình " cối " hay không để ý cho nên cứ rình thằng này để điếu ở đâu nó lại mang nhọ chảo đến bôi quanh vành miệng ( trò này hồi còn ở nhà em cũng hay làm, bôi vào điếu của ông nội ). Như đã nói cái điếu của thằng Bình hút không sướng cho nên ít người dùng ké, chỉ khi nào thật vật, không có cái điếu nào khác mới mượn nó, cho nên suốt ngày mồm thằng Bình " cối " đen nhẻm những hình tròn như cái chén tống trên mép. Chỉ khi anh em cười quá nó mới biết, không nhìn thấy ai bôi nhưng cũng đoán là thằng bựa kia, lầm bầm chửi rồi tụt xuống suối rửa mặt.

   Chỉ vì chuyện này thêm một lần nữa Tuất " bọ chó" tý dính đứng cột cờ. Số là chính trị viên đơn vị cũng thuộc dân đá thuốc lào hạng nặng. Ngoài bác ấy ra thì Ban chỉ huy đại đội không ai hút cho nên họ không thích điếu cày. Thi thoảng cơn nghiền nổi lên chạy xuống B mượn anh em bắn điếu xong về. Đúng hôm có đội kiểm tra của trung đoàn xuống làm việc, toàn bộ chỉ huy cùng tổ chuyên môn tổ chức họp quân chính báo cáo. Tranh thủ nghỉ giải lao bác ấy phi xuống, nhìn thấy Bình "cối" đang vê thuốc lào liền nói " Để anh hút trước cho, anh đang vội ! " rồi cầm xơi vã luôn đôi điếu. Thằng nào thằng nấy nhìn chính trị viên cố bụm miệng khỏi cười. Không thằng nào dám gọi sếp lại nói chuyện mép chỉ huy đang mọc tóe loe nhọ nồi của thằng Tuất " bọ chó " cả .

   Cả Ban chỉ huy cũng như nín câm trước gương mặt đầy ấn tượng của đồng chi cán bộ đường lối. Nhưng nhịn mãi cũng khó, thằng Hương "cò lả" , văn thư chịu không nổi xì ra phát rắm to tướng rồi lăn ra cười, khiến từ chỉ huy đơn vị cho đến các vị khách cũng bò ra theo. Chính viên ngơ ngác một lúc rồi cũng hiểu, mặt hầm hầm. Mấy chú lính chuyên môn ngồi đấy chắc mẩm trước sau cũng có thằng lên thớt. Bác này không nói gì nhưng âm thầm tìm cách trị thằng Tuất " bọ chó". Không hiểu sao đi đơn vị nào em cũng thấy các chính trị viên đều có tính...thâm trầm, nho nhã và thù dai cả.

   Nhưng cuối cùng thằng Tuất cũng không bị phạt hay làm sao hết. Lý do là cả nó lẫn thằng Bình đều được điều đi gỡ mìn tiếp một đợt mới trên Bát Xát - Lào Cai, ngay sau buổi hôm ấy. Cả hai thằng đều là lính cũ, có kinh nghiệm trên thực địa, người ta phong cho mỗi thằng một gạch vàng rồi đưa chúng nó cùng một số anh em lên đó, tiếp tục làm nhiệm vụ của những người lính công binh.

   Đúng là " ghét của nào trời trao của ấy ! " Hai thằng thế nào lại vào chung một tổ, nằm canh nhau một căn lều bạt. Thời gian trôi qua, chuyện cũ cũng nhạt đi, hai thằng lại nói chuyện với nhau. Thằng Tuất thì bị viêm phế quản cấp bỏ thuốc lào còn thằng Bình vẫn trung thành với cái điếu, lúc nào cũng treo trên lưng hay cạnh sườn, kể cả trong bãi mìn, cùng với cái túi cờ thuốn, que đóm và vài thứ linh tinh khác. Tất nhiên nồng mùi đặc trưng của thứ nước chuyên đem bôi trị hắc lào.

   Đi gỡ mìn thì đồng nghĩa là luôn đối mặt với tử thần. Mọi công tác bảo đảm an toàn luôn được đưa lên hàng đầu. Chiến sĩ hiểu là chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể làm họ mất mạng hay tàn phế suốt đời, cho nên ai cũng cẩn thận. Thằng Tuất " bọ chó " chỉ vì tính hay nhảy nhót, lên bãi ngồi mãi cuồng chân, đứng lên đi chệch ra ngoài đường phân tuyến, đá ngay phải quả mìn nhựa Guanta trong bụi cây ( loại mìn nhìn giống như lọ hồ dán, bên trong nhồi ít thuốc nổ cùng cát và thủy ngân, vấp phải vết thương không lớn nhưng nhiễm thủy ngân, không cấp cứu kịp thời sẽ chết ). Một tiếng nổ nhỏ phát ra cùng chút khói, Tuất ôm chân nhăn nhó gục xuống.

   Bình " cối " ở gần đấy vội lao tới cùng y tá băng bó, ga rô cho bạn. Nó xốc Tuất lên lưng cõng chạy một mạch qua mấy quả đồi ra trạm quân y. Chiếc điếu vẫn kêu lách cách bên sườn.

   Vừa đặt Tuất " bọ chó " xuống băng ca, nhìn đồng đội mặt xanh lét y như hôm giựt cái điếu cày từ mồm nó, mắt nhắm nghiền, miệng thều thào hỏi : " Tao có chết không mày ơi ? " Bình ôm mặt khóc hu hu như thằng trẻ con lên ba bị đòn, khiến bác sĩ trực cấp cứu phải đuổi nó ra ngoài.

   Ra tới cửa, nhìn thấy xô nước, Bình ta mới nhớ ra từ nãy giờ chưa ăn điếu thuốc nào liền đổ nước, tra thuốc. Lúc vừa nâng tầm ngang mặt chuẩn bị rít, nhìn thấy những giọt máu lấm tấm vương quanh cái tầm điếu lên nước nâu bóng. Nó thả điếu lăn lộn ho sặc sụa, nước mắt nước mũi chảy dài mãi không dứt.

   Lần đầu tiên người ta nhìn thấy Bình " cối" sặc thuốc lào như thế......

   Hết !
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười Một, 2013, 03:18:21 pm gửi bởi Linh Quany » Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
pb47vp
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1890


« Trả lời #449 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2013, 12:06:36 pm »

Được lắm chú phóng viên ạ, cái cảnh hút điếu ục phải biết toóc sái ra lòng bàn tay mới đúng là dân hút điếu ục thứ thiệt.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM