Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:00:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nó và tôi  (Đọc 23230 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhuthin
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #10 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2013, 06:50:55 pm »

HỌA - PHÚC
   


     Mới lọt lòng, ba má  mong hắn luôn gặp điều tốt lành, bởi thế đặt cho hắn tên là Phúc. Cho đến giờ, đã sáu mấy tuổi rồi, cái tuổi coi như bước nốt chặng cuối của cuộc đời, hắn chẳng hiểu mình gặp họa hay phúc nữa.
     Gia đình hắn thuộc tầng lớp công chức quèn. Ba hắn tằn tiện gắng cho hắn ăn học nên người. Ngặt nỗi hắn ham chơi. Chẳng dại gì mà không chơi. Đất nước binh lửa liên miên, tâm trí nào mà học hành. Mấy thằng bạn vừa đầu quân năm ngoái nghe nói đã thiệt mạng. Cố mà hưởng chút mùi đời. Học hành chểnh mảng, nhuận mất mấy niên học, cuối cùng hắn cũng không thoát khỏi quân dịch. Cũng may, hắn được chọn vào binh chủng thiết giáp chứ không phải xách súng chạy bộ. Sau ba tháng trong quân trường đầy cam go thử thách, hắn được biên chế vào đơn vị thiết kỵ  trấn giữ miền biên thùy. Ấy là một cái họa. Đầu năm 1972, Cộng Sản mở cuộc tấn công ồ ạt qua giới tuyến, chiếc M113 của hắn trúng đạn ngay trận đầu. Hắn kịp nhảy ra khỏi xe thoát chết nhưng không thoát khỏi mấy họng AK như chực sẵn, đón hắn về trại giam. Ừ mà thôi, trong cái rủi có cái may, coi như giữ được cái mạng, chịu khó nằm trong trại vài năm chờ ngày hòa bình.
    Nhưng nghe nói, chế độ tù đày của Cộng Sản khắc nghiệt lắm, ăn uống thiếu thốn, lao dịch khổ sai, liệu hắn có qua nổi không? Đầu óc rối bời, hắn mường tượng ra viễn cảnh tương lai thật đen tối. Hồi còn đi học, hắn có đọc một tài liệu nào đó nói về công ước của Hội Hồng Thập Tự thế giới đối xử với tù binh chiến tranh. Sĩ quan tù binh được tôn trọng hơn hạ sĩ quan và binh lính. Hắn là một trung sĩ quèn bị bạc đãi là cái chắc. Bỗng dưng một ý nghĩ lóe trong đầu: Cứ nhận đại mình là sĩ quan, Cộng Sản làm sao mà biết được. Hắn sẽ được đối xử tử tế.
     Nghĩ là làm, mấy tay quản giáo không hề nghi ngờ. Trong tích tắc, hắn tự phong cho mình từ trung sĩ lên trung úy. Cái quyết định điên rồ trong phút giây nông nổi đã đưa đẩy cuộc đời hắn vào những tình huống thật bi hài.
     Trong trại giam, hắn chẳng được ăn uống gì hơn mấy tay lính quèn. Mà có lần, vô tình hắn thấy suất ăn của mấy quản giáo cũng vô cùng đạm bạc. Lương thực đa phần là mì, vài cọng rau rừng. Họ còn khó khăn thế thì làm sao mà hắn được đầy đủ. Thôi bỏ qua miếng ăn, nhưng là sĩ quan hắn bị theo dõi với chế độ đặc biệt. Cái món học tập chính trị làm hắn sợ hết hồn. Cả ngày ra rả nghe kể tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, rồi chính sách khoan hồng của chính phủ Cách Mạng. Tiếp đến là học về chủ nghĩa Mác. Đầu óc hắn căng như dây đàn. Thà đi cắt tranh, lấy gỗ làm lán, hay trồng mì, lao lực còn hơn lao tâm.  Càng nghĩ càng cay, không cái dại nào giống cái dại nào. Nhưng trót rồi kêu ai bây giờ. Một ngày ở tù bằng nghìn thu ở ngoài, khổ cực trăm bề, mới một năm mà hắn tưởng phải đến cả chục năm trời.
     Nhưng một biến cố bất ngờ đã đưa hắn rẽ vào ngả đường đầy hoa thơm trái ngọt. Ấy là cái phúc. Hiệp đình Hòa  bình Ba-lê được ký kết đầu năm 1973, mấy tháng sau hắn được đưa tới bờ bắc sông Thạch Hãn trao trả tù binh. Trường hợp của hắn thật lôi thôi, Cộng Sản trao trả trung úy Trần Đình Phúc, nhưng bên Quốc Gia chỉ công nhận có trung sĩ Phúc mà thôi. Lằng nhằng chuyện giấy tờ mãi, cuối cùng hắn cũng được trả về bên kia sông.
    Chuyện của “trung úy” Trần Đình Phúc được báo cáo ngay lên thượng cấp. Các phương tiện thông tin không bỏ lỡ cơ hội. Tên tuổi hắn được đánh bóng. Bỗng dưng hắn trở thành người hùng, đối mặt với lao tù Cộng Sản, tự nhận là một sĩ quan của quân lực VNCH, khí phách hiên ngang vượt qua mọi gian truân.
    Các tướng lãnh từ  Sài Gòn bay ra gắn luôn lên ve áo cho hắn hai bông mai sáng bóng kèm theo một chiếc mề đay đỏ chói. Đặc cách phong sĩ quan cho hắn lên trung úy thật chứ không hề rởm chút nào.
     Gõ đế đôi giầy da bóng loáng xuống mặt đường, miệng huýt sáo, chân bước theo nhịp quân hành, trở về doanh trại, hắn vô cùng sung sướng. Tên là Phúc làm sao mà họa mãi được.
     Nhưng ở đời mấy ai học được chữ ngờ, “cuộc vui ngắn chửa tày gang”, đầu năm 1975, chỉ một đòn của Cộng Sản tại Cao Nguyên, quân lực VNCH vỡ trận, phản ứng dây chuyền tan rã nhanh chóng, kéo theo sự sụp đổ của chế độ Cộng Hòa. Sao cái họa lại đến nhanh đến thế.
    Nếu còn là trung sĩ, hạ sĩ quan và binh lính chỉ phải ra trình diện có ba bốn ngày chính quyền mới, rồi về với gia đình. Còn hắn, Trung úy, diện sĩ quan, chuẩn bị tư trang khăn gói, kèm theo mấy chục ký gạo tập trung đi cải tạo. Thoạt đầu nghe phổ biến chỉ một vài tháng, không ngờ kéo dài ngót chục năm. Khốn nạn, mụ vợ không tha thứ cho cái quyết định tự phong sĩ quan xuẩn ngốc năm 1972 của hắn, có dịp lại chì chiết.
    Đã có kinh nghiệm trong trại tù binh Cộng Sản, nhưng hắn không khỏi ngỡ ngàng trước qui mô và bài bản của lần học tập cải tạo này.
    Thoạt tiên là cái lý lịch tự khai. Khai thế nào nhỉ? Nếu khai thực cái vụ tự phong quân hàm, thì chỉ làm trò cười cho quản giáo. Mà nếu nhận là sĩ quan thực thụ thì lại phải bịa ra trăm thứ chuyện vốn gây cho hắn vô vàn rắc rối đủi đen. Hắn viết đi viết lại mãi không xong cái bản lý lịch ba đời nhà hắn, từ trước năm 1945 đến nay. Thôi khôn ngoan chẳng lại thực thà. Có thế nào cứ khai như thế vậy.
 
   Tay quản giáo gọi hắn lên, chìa cái lý lịch tự khai của hắn ra, nghiêm sắc mặt:
   -  Anh chưa thành khẩn trước Cách mạng, yêu cầu khai lại. Đừng coi chúng tôi là con nít.
   -  Thưa cán bộ, hoàn toàn trung thực. Xin cán bộ cho thẩm tra ạ.
    Hắn khẩn khoản giải thích, thế nào cũng không xong, vẫn phải về viết lại. Lần này hắn cứ viết thế. Nghe nói, Cộng Sản thu được ở bộ Tổng tham mưu quân đội VNCH, tài liệu điện toán, ghi chi tiết từng người lính đến sĩ quan cấp tướng. Không thể bịa được.
     Cũng may, trường hợp của hắn khá nổi tiếng, họ thẩm tra và cho qua. Nhưng cải tạo học tập thì vẫn không tránh khỏi. Sáu, bẩy năm trời phiêu bạt, hết trại này đến trại khác. Ăn uống thiếu thốn, lao động vất vả nhiều chiến hữu của hắn không trụ nổi đã bỏ mạng. Chẳng hiểu sao, hắn vẫn tồn tại. Giờ hắn đã quá quen với việc khẩn hoang, trồng mì, cắt tranh, lấy gỗ, đào giếng v.v Nhưng hắn không thể quen được với việc học tập chính trị, tuần hai ngày.
   Sao họ nói giỏi thế, những tràng ngôn ngữ như những viên đạn nóng bỏng cứ xóay vào tai hắn, nhức nhối không sao chịu nổi. Sau mỗi buổi học phải viết thu hoạch. Hắn có nhập tâm đâu mà viết cơ chứ. Thành thử, bản thu hoạch của hắn đọc trước tổ, trước đội luôn bị đánh giá loại yếu. Tên là Phúc mà sao lắm họa thế này.
    Nhưng rồi hắn cũng được thả tự do, có lẽ họ thấy hắn không còn khả năng gây hại gì cho chính quyền mới nữa. Trở về căn nhà nhỏ trong một con hẻm ở Sài Gòn, nhìn căn nhà trống trơn mà ngao ngán. Vợ hắn đã bán sạch những gì có thể bán được để nuôi mấy miệng ăn và thỉnh thoảng tiếp tế cho hắn. Mấy viên gạch bông lát nền nếu cậy lên bán được, chắc cũng chẳng còn mà nhăn răng ra cười như trêu ngươi hắn thế kia. Về được là may rồi, nhưng biết sống bằng gì đây? Nhiều người cùng cảnh ngộ phó thác số phận cho biển cả, ra khơi tìm chân trời mới. Những chuyện rùng rợn nộp mạng cho hải tặc hay bỏ xác giữa trùng khơi nghe quá đau lòng. Nhưng hắn cũng chẳng có vàng đóng cho chủ tầu mà ra đi như vậy...(Còn tiếp)
    

                                                                                         Tháng 7, năm 2013
                                                                                                 Như Thìn
 

 
Logged
linhcnn72
Thành viên
*
Bài viết: 56


« Trả lời #11 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2013, 10:34:17 pm »

Đúng là ở đời không có cái dại nào giống cái dại nào, câu chuyện của anh chàng này làm ta liên tưởng đến chuyện " tái ông thất mã " trong " Cổ học tinh hoa ". Bây giờ là lúc cái họa đang rơi vào đầu, không biết đoạn sau liệu anh ta có được hưởng phúc không ?
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #12 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2013, 08:59:35 pm »

          Chào bác nhuthin! Chào các bác! Vâng đọc chuyện của bác  Chủ mà Tranphu341 cứ phải nghĩ, nghĩ mãi, nghì gần rồi lại nghĩ xa. Nghĩ trước, nghĩ sau. Vâng nghĩ mãi mà thấy cuộc đời này khó giải thích. Chuyện ngụ ngôn "Thái ông Thất mã'' Như các bạn nói cũng chí là một vấn đề. Chuyện của bác Nhuthin mang thêm tính dăn dạy cuộc đời nữa nên càng đọc càng phải ngẫn nhiều hơn!

           Tranphu chúc bác luôn có nhiều sức khỏe cùng nhiều chuyện, nhiều bài viết cho anh em và cho cuộc đời này!
Logged
nhuthin
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #13 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2013, 05:07:51 pm »

  
Họa - Phúc
( phần cuối)

... Giữa lúc ấy, “Chương trình ra đi có trật tự” và “Tái định cư mới” giữa chính phủ hai nước Việt - Mỹ được thực hiện. Hắn là một sĩ quan đủ thời gian cải tạo theo qui định, diện HO, thế là ok. Lũ bạn khốn kiếp, chẳng thấy mặt mũi đâu khi hắn thất thế bỗng ùn ùn kéo đến chúc tụng. Họ mạc, người thân, kẻ sơ trước kia lạnh nhạt, nay đều thân tình. Họ xúm vào giúp hắn tiền bạc, thủ tục giấy tờ, chuần bị hành trang cho cả gia đình hắn chờ ngày lên đường sang Hoa Kỳ. Ôi nước Mỹ, thế giới tự do! Niềm ao ước của cả triệu người trên hành tinh, đúng là phúc lớn. Hắn còn may hơn vì có chú em, hiện là nhân viên không lưu cho một phi trường  bên Mỹ, đã định cư từ lâu rồi. Hắn vội thông báo cho chú em ngày đoàn tụ. Trái với vẻ hồ hởi của hắn, chú em không mấy mặn mà với tin này. Thông cảm cho nó thôi, có lẽ do áp lực công việc.
   Những ngày đầu chân  ướt chân ráo tới đất nước xa lạ, hắn đưa cả vợ con tới tá túc nhà chú em cho đỡ tốn kém. Gặp lại anh sau bao năm lưu lạc, em hắn buông một câu xanh rờn: “Bên này thất nghiệp đầy rẫy, anh chị còn sang đây làm gì?” Câu nói như một gáo nước lạnh dội vào cái đầu đầy nhiệt huyết, hăm hở bước vào chân trời mới của hắn. Sao nó bạc bẽo và vô tình thế nhỉ? Chả gì cùng một giọt máu đào. Hắn tự ái nói:
 -   Anh chị nhờ chú dăm bữa rồi sẽ đi thuê nhà.
Giận quá thì nói liều thế  thôi chứ tiền đâu mà đi thuê bây giờ.
     Thằng em hắn đã thế, vợ con nó còn lạnh nhạt hơn. Sau màn chào hỏi lấy lệ, ai đi việc nấy, cấm cậy thêm nổi một lời. Cả nhà hắn đều chưng hửng, cảm giác thật bơ vơ xa lạ.
     Nhà có bốn, năm buồng rộng thênh thang. Cả gia đình hắn được xếp vào một buồng bé tí lại không có toillet khép kín. Thật bất tiện. Sáng ra, mấy cái phòng vệ sinh, vợ con thằng em mỗi đứa ôm một cái cho kịp giờ đi làm. Cũng đúng thôi, vợ con hắn thì vội gì. Nhưng với hắn lại là một vấn đề lớn. Vốn bị bệnh đại tràng mãn tính do nhiều năm ăn uống linh tinh, sáng nào hắn cũng đi nhanh về chậm vài ba bận. Nay thì nín nhịn. Không có gì khốn nạn đến thế. Hắn gồng người lên, nghiến răng lại cố kìm hãm cái lẽ tự nhiên của tạo hóa. Hắn cũng nếm trải nhiều cơ cực, nhưng có lẽ cực hình này là oái oăm hơn cả.
      Phải thuê nhà thôi. Hắn chạy đôn chạy đáo nhờ bạn bè giúp đỡ, vay mượn chút tiền. Nhưng có tiền cũng khó thuê bởi không có income ( Giấy chúng nhận thu nhập thực tế). Mà mượn thì rất khó. Ai dám cho hắn mượn bây giờ. Cũng may những người đồng hương hảo tâm lập ra một tổ chức thiện nguyện giúp đỡ những người mới định cư như hắn sớm ổn định cuộc sống. Cuối cùng hắn cũng thuê được nhà với tiện nghi tối thiểu và bắt đầu một cuộc sống mới. Lũ trẻ không phải lo, đã có chính phủ trợ cấp học phí và miễn phí bữa trưa. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng khá ổn, đã có chương trình trợ cấp bán phần. Hắn vẫn còn độ tuổi lao động, cần tìm việc làm. Đó là một thử thách cam go, nếu không có tiếng Anh và xe hơi. Không biết tiếng, chả nhẽ lại thuê phiên dịch đi kèm. Mà muốn biết tiếng thì phải đầu tư thời gian và tiền bạc. Đào đâu ra tiền bạc bây giờ. Vốn sinh ngữ của hắn quá nghèo nàn, chỉ đủ chào và trao đổi thời tiết trong ngày. Giờ phải học lại từ đầu. Tuổi hắn mà phải ngồi như con nít ê a thì sao chịu đặng. Thôi chọn lấy việc gì cần biết tiếng Anh tối thiểu, sau trau dồi thêm vậy. Nhờ cậy người quen tìm việc giúp, cuối cùng hắn cũng kiếm được một chân chạy bàn trong quán ăn của người Việt. Đành chấp nhận thôi, nước Mỹ không phải thiên đường cho những kẻ lười biếng và sĩ diện. Thỉnh thoảng mấy người quen đi xe hơi sang trọng đến quán ăn, hắn muối mặt phục vụ. Trông họ thật thành đạt, nếu chịu khó, cuộc đời hắn có lẽ cũng sẽ như họ trong tương lai. Trong lúc làm việc, hắn tranh thủ giao tiếp với đồng nghiệp và người bản xứ  bằng vốn tiếng Anh ít ỏi, hy vọng sớm được cải thiện khá hơn. Nhưng có một lần, chủ quán thân tình khuyên: “Ông mới sang chưa hiểu khác biệt văn hóa. Bên này họ rất ghét hỏi về đời tư của nhau. Giả dụ anh hỏi về vợ đồng nghiệp, biết đâu họ vừa đưa nhau ra tòa li hôn. Anh hỏi về con cái, mấy thằng vừa bị thất nghiệp cũng nên v.v . Tóm  lại gặp nhau, anh chào một câu, hỏi thời tiết là đủ. Đặc biệt chớ có hỏi thu nhập hàng tháng. Ông thấy đấy, họ giấu như mèo chôn chất thải. Bị trừ hết rồi còn đâu. Cái gì cũng mua chịu…”
     Từ đấy hắn ngậm tăm, mấy năm rồi mà vốn liếng tiếng Anh của hắn cũng chỉ  quanh quẩn dăm câu “ form” giao tiếp.
     Ấy là tiếng Anh, còn  xe hơi thì sao? Vay mượn, dành dụm, hắn mua được một chiếc xe còn tàm tạm, giá có 2000 USD để tiện đi làm. Hôm đi nộp đơn xin trợ cấp, nhân viên tiếp đơn nhìn chiếc xe chòng chọc. Mụ ta không tin chiếc xe chỉ có 2 ngàn. Phải 3 ngàn chứ không ít. Hắn phải viện đủ chứng từ ra mới khỏi bị làm khó dễ. Sau này hắn mới biết xe trên 2 ngàn sẽ không được trợ cấp của chính phủ. Tiền đâu ra mà dám mua hơn, mua thêm bảo hiểm một phía xe đã đội giá lên bao nhiêu rồi. Nếu bảo hiểm hai chiều thì còn tệ hơn nữa. Thật lắm rắc rối.
    Nghe bạn bè mách, ông có thẻ xanh rồi, nên làm đơn xin nhập quốc tịch. Sau này hết tuổi lao động, nghiễm nhiên được trợ cấp hưu trí. Cạy cục nộp đơn, phải thi mấy môn. Địa lý, lịch sử và hệ thống tư pháp Hoa Kỳ cố cày cũng có thể, nhưng môn tiếng Anh thì hắn chịu, không nhồi thêm được nữa. Thành thử, nhiều dịp đi thi mà kết quả chẳng có nổi một lần.
    Đã trải qua nhiều khổ ải, được như thế này cũng quá tốt rồi. Ở nước Mỹ, lo  miếng ăn, chốn ở không thành vấn đề. Nhưng con hắn sớm hòa nhập với văn hóa Phương Tây, chúng có nhiều nhu cầu vô hình và hữu hình cho bằng trang lứa. Hắn nai lưng lao động cũng không làm chúng thỏa mãn được. Nhưng sốc nhất vẫn là văn hóa. Hắn không tưởng tượng đứa con gái hắn mới mười lăm tuổi đã đưa bạn trai về phòng đóng sập cửa lại. Hắn đập cửa, con hắn bảo hắn là quê, xâm phạm vào tự do cá nhân, vi phạm pháp luật. Điên ruột hắn bớp cho một cái. Hai hôm sau cảnh sát đến hỏi thăm. Khốn nạn! Nó dám kêu kiện cả cha nó à?
    May quá, không phải vậy. Mụ hàng xóm thóc mách, thấy con bé có cái bớt nhỏ bên má nghi hắn đánh con tím mặt đã gọi cảnh sát. Sau vụ ấy, hắn hoàn toàn tôn trọng tự do của các con. Hắn rất buồn, con cái ngày càng xa lạ, cảm giác cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình.
     Nhiều lúc hắn nhớ quê hương da diết, loáng một cái đã gần hết một đời người. Những kỷ niệm buồn nhiều, vui ít lại ập về vò xé tâm can, ruột gan cứ cồn cào. Mảnh đất hình chữ S ở tận bên kia bờ đại dương, nơi hắn tưởng như không sống nổi phải khăn gói ra đi, vậy mà nay lại có ý nghĩa với hắn đến thế. Hắn nhớ con hẻm nơi hắn sinh ra và lớn lên. Nhớ Sài Gòn những trận mưa chiều bất chợt, đỏng đảnh như cô bạn mới lần đầu hò hẹn. Nhớ hàng me sân trường…Nhớ cả những buổi trốn học lượn phố.
   Nhớ đấy mà đâu dám về. Dành dụm được tiền vé máy bay rồi, chả nhẽ tay không có vài trăm biếu bà con, họ mạc. Trong nước, họ cứ tưởng hắn giàu sang lắm. Thư từ gửi sang, hỏi han thì ít, thầm trách móc thì nhiều. Phần mộ của ba, má hắn, của dòng tộc ai lo? Thỉnh thoảng cố gửi một vài trăm về như muối bỏ biển, hắn càng bị trách móc hơn. Các người cứ thử sang đây xem có nhặt được tiền từ trên trời rơi xuống không? Bực quá có lúc hắn nói thẳng toẹt.
    Mà trong nước những năm gần đây, bà con, bạn bè hắn làm ăn chụp giật kiểu gì mau giàu thế. Mấy thằng giờ cũng bày đặt đại gia, sắm xe mắc tiền, cho con du học ngày một nhiều. Mỗi năm chúng chi cho lũ con ăn bám năm sáu chục ngàn đô chứ có ít đâu. Số tiền bằng hắn làm quần quật mấy năm trời mới có được. Hồi tiễn hắn ra phi trường, chúng ngậm ngùi than thân trách phận vì không đủ tiêu chuẩn “Ra đi có trật tự”. Nay chúng được dịp nói dóc, biết tránh trước nỗi cực của kẻ tha hương. Có thằng, mấy năm trước còn viết thư xin hắn giúp chút tiền cho con ăn học. Hắn chẳng giúp được gì thì nặng lời trách móc. Nay cũng cho con sang đây. Thằng bé tìm đến tận nhà hắn, biếu bác chút quà ba gửi. Thật trớ trêu. Cầm cái phong bao nó đưa, tay hắn run run, mắt tối sầm.
     Ở đời, chẳng ai học được chữ ngờ, từ cái ngày lính thiết kỵ mất chiến xa, như “Tái ông thất mã”, hắn chua chát nghĩ đến thân phận bọt bèo : Họa- Phúc biết về đâu?

                                                                                         Tháng 7, năm 2013
                                                                                                 Như Thìn

 
 
Logged
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #14 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2013, 07:55:37 pm »

@nhuthin: Ở đời trong họa có phúc, trong phúc thấy họa, khó lắm bạn ơi. Thôi thì mình cứ tự bằng lòng với những cái mình có và nhìn sang, mơ ước những cái thằng bạn mình có! Grin

Mình nhặt được cái chuyện này thấy nó cũng hay hay, hợp với văn cảnh câu chuyện bạn kể, ném vào đây các bạn đọc chơi:

BẠN CỦA MỘT THỜI – VƯỢNG GIÀ

Vượng già hơn mình cỡ 4-5 tuổi gì đó. Hắn đi lính từ trước hồi tổng động viên năm 1979 và đúp lại từ khóa trên. Hồi vào trường Hải quân, mình toòng teeng quân hàm binh bét thì Vượng đã mang quân hàm hạ sỹ quan, nhưng giờ chẳng nhớ cấp bậc gì, mang máng là mình lĩnh phụ cấp hai mươi đồng thì hắn cầm những gần ba sọi.

Vượng người nhỏ thó, gày và sức khỏe yếu, nhưng bù lại, hắn dẻo dai và có khá nhiều mẹo vặt của một anh trai quê phố chợ, cộng với những kinh nghiệm mấy năm quân ngũ trước đó nên mình cũng phục hắn như bậc đàn anh.

Mình dân thành phố, từ bé chỉ biết chén nên nghe phổ biến mỗi đầu người phải tăng gia mấy chục kg rau xanh một tháng thì băn khoăn lắm, đến khoản nuôi lơn nữa mới kinh, chẳng biết xoay xỏa thế nào… Chiều hôm sau, sau buổi tập đầu tiên trong đời quân ngũ về doanh trại, còn đang mệt phờ thì Vượng già lên tiếng : đi tưới rau mày! Quay lại đã thấy hắn quần đùi bà bô rộng thùng thình. Khúc trên và khúc dưới cái quần gầy nhom bé tý, không khác cái tranh đả kích. Tổ 3 người  ra khu tăng gia lấy đồ đoàn rồi kéo nhau ra khu hố xí. Mình cũng bắt chước hai tên trong tổ cầm cái xẻng thọc vào ngăn dưới cầu tiêu nhưng thấy mình quăng xẻng ọe mật xanh mật vàng, Vượng cười, đẩy, xê ra đằng kia, rồi hắn hăm hở xúc, một lúc là gần đầy cái thùng phuy cắt nửa. Mình lúc này đã hoàn hồn, cùng thằng kia xỏ cái đòn rồi tòong teeng khiêng cái thùng cứt đủ loại về đổ vào hố ủ. Nhờ Vượng già chỉ bảo, mỗi tháng mình nộp ngon 15 kg rau cho nhà bếp, vẫn còn dư để bán lấy tiền uống nước mía với kẹo thèo lèo ở căng tin nhòe…

Vượng khá chịu học, nhưng cũng rất tội là sức học yếu quá. Cùng tổ ba người nên nghiễm nhiên mình được giao dìu dắt để Vượng cùng tiến bộ. Hề hề hề.. cũng phải thôi, cứt thối kinh khủng thế mà hắn giúp mình băng băng, mình giúp lại hắn học là phải quá rồi. Nghe nói các trường của Quân đội bây giờ chế độ nới lỏng khá nhiều, chứ hồi đó thì kỷ luật nghiêm đến vô duyên. Sáng học môn gì, giờ tự ôn chiều phải tuần tự theo đúng lịch mà giở sách, sai là ăn đòn ngay và luôn. Vậy nên chỉ còn buổi tối là có thể phụ đạo lại cho Vượng. Khổ cái, nhiều vấn đề khá khó và dài, sau một hồi nói nói giảng giảng, mình nổi cáu văng tùm lum. Hắn cũng cáu tiết vặc, cái ruỵt mẹ, mày cáu quát thế bố mày hiểu được cái rầu puồi, he he he… Những lúc ấy, vừa cáu vừa buồn cười, lại vừa bực cái chế độ kỷ luật khá dở hơi. Giá như giờ ôn chiều được kèm cho hắn thì tốt. Địt mẹ, cứ phải quy lát, nhìn hắn loay hoay tự đánh vật với bài, mặt nhăn trán nhíu như rặn ỉa trong khi thời gian cứ trôi đi…

Rồi thì cũng ra trường. Mỗi thằng một đơn vị. Mình chuyển về một lữ đoàn vận tải của bộ, tàu đi suốt. Lâu lâu mới gặp một thằng khóa cũ, hỏi thăm thì biết Vượng về một lữ đoàn tàu chiến thuộc một vùng Hải quân phía bắc. Rồi lại lâu lâu sau gặp lại mấy thằng bạn trong nhà máy đóng tàu Bến kiền. Trong cuộc rượu, một thằng bảo Vượng già được lên thuyền trưởng rồi. Hihihi… thuyền trưởng cái cóc khô gì, con thuyền gỗ bé tý tẹo ngang hai dài năm, Vượng vừa là thuyền trưởng, vừa là sỹ quan lại kiêm thủy thủ, thậm chí máy hắn cũng mần luôn vì cả ” tàu” biên chế có mỗi hắn, ngoài ra chẳng còn ai.

Đùng phát nghe tin Vượng lấy vợ. Hồi đó thông tin khó khăn nên chỉ một vài anh em gần gần là dự cùng hắn cho vui. Sau này tình cờ gặp, hắn mới kể lại chuyện đám cưới của mình. Chẳng hiểu dun dủi thế chó nào mà hắn lại tìm hiểu và yêu cháu chiếc gì đó của ông giám đốc một nhà máy đóng tàu lớn ở Hải phòng. Thế nhưng cả hai lại nghèo, như người ta nói là móc đít bảy ngày không thấy thối (vì có ăn cái chó gì đâu mà ỉa được). Hai đứa cưới đúng hôm mưa nên ướt lướt tha lướt thướt. Khách khứa đến hội trường của nhà máy đóng tàu uống chén trà, xơi cục kẹo qua loa rồi về. Hắn bảo hai đứa tao có quái tiền đâu mà ăn với uống mày, chỉ làm hai mâm cơm mời mấy người ở quê ra với một hai ông thủ trưởng, thế thôi. Tan cuộc cưới, hai đứa mới sấp ngửa đi tìm chỗ làm cái sự động phòng. Loay hoay mãi, lại phải chui vào cái nhà khách của cái nhà máy đóng tàu, nơi ông chú cô dâu đang làm giám đốc. Chả biết đêm đó hắn động được mấy cái (là người rất tế nhị nên mình không hỏi hắn chuyện này, hì hì hì…), nhưng 7 giờ sáng hôm sau bảo vệ đã cộc cộc gõ cửa vì phải giành phòng cho việc khác.

Rồi lại bẵng đi một thời gian khá lâu không gặp lại bạn bè nên chẳng hỏi thăm xem hắn thế nào. Năm 91 mình rời quân đội, đầu quân cho một công ty vận tải biển bên ngoài. Trong một lần đi làm thủ tục rời cảng cho tàu, vừa bước chân ra khỏi cổng, chợt nghe tiếng gọi giật, Hùng… Hùng… Ngơ ngác ngó quanh thì thấy Vượng già ngồi khểnh trên chiếc xích lô rung rúc, to bè thấp tẹt điển hình của xích lô Hải phòng. Ơ, anh Vượng, đi đâu đấy? Tao đạp xích lô chứ đi đâu. Rồi Vượng già nhất định bắt mình ngự trên chiếc xích lô của hắn và từ từ đạp. Suốt trên quãng đường 7 cây số, hai anh em ra rích nói chuyện. 6-7 năm mới gặp lại chứ ít gì. Vượng kể, sau hôm tân hôn ấy, hai đứa dẫn nhau đi loanh quanh ăn sáng rồi đứa nào lại về cơ quan đứa ấy. Buổi tối thì tùy mà mượn được nhà khách thì sang, còn không tao mang sẵn mảnh nylon, cứ chọn chỗ vắng mà rải ra tâm sự, rồi tẩn. Mẹ khỉ, như ăn mày ấy nhỉ. Hì, thì đ. có tiền phải chịu chứ sao mày. Rồi hai bên gia đình cũng gom góp giúp đỡ cho cặp đôi mua được một cái nhà 6 mét vuông trong cái hẻm ở ngã năm phụ sát bãi gỗ Lạc viên. Thế giờ vợ con anh thế nào rồi? À, có con một thời gian thì ông chú nó lo cho nó một suất đi xuất khẩu lao động ở bên Đức, con thì phải gửi về Hưng yên cho bà ngoại nuôi hộ. Nhưng sang đấy nó cặp mẹ nó với thằng khác, bỏ tao rồi. Nói xong, Vượng già nín bặt. Mình ngồi trước cũng im thít luôn, chẳng biết nói năng gì… Thế anh ra quân lâu chưa? À, vợ tao lúc đầu còn gửi tiền về cho nuôi đứa bé, sau nó đ. gửi nữa. Tao thì lương ba cọc ba đồng, chán quá tao xin ra quân rồi mua cái xích lô này đạp. Ui, mà ruỵt mẹ, đạp xích lô cũng hay lắm mày ạ. Tao mua cái đài này (hắn chìa cho mình xem cái đài pin nhỏ xíu bằng bàn tay), thích thì tao đi làm, hôm nào mệt, mưa, hay đ. thích thì tao ở nhà, nằm khểnh rồi nghe đài… Đến bến xuống tàu, mình rủ Vượng già vào quán làm quắn rượu, nhưng hắn nhất quyết từ chối, bảo hôm nào mày rảnh, mày qua chơi với anh, tao “lấu” cho mà ăn (cái sự bếp núc Vượng già khá chuẩn…). Thế rồi guồng sống cứ quay cùng thói bạc bẽo vô tâm của người đời, cho đến giờ mình vẫn chưa gặp lại Vượng lần nào. Mấy năm vừa rồi, anh em bạn bè khóa cũ gặp nhau, lần lần tìm được khá nhiều, thế nhưng Vượng già vẫn bặt tăm hơi. Có mấy thằng quê gần gần chỗ hắn bảo hỏi về quê cũng chẳng biết hắn đang trôi dạt nơi nào. Chẳng lẽ một con người sờ sờ như vậy lại tan biến không để lại tăm tích gì sao…"
Logged
nhuthin
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #15 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2013, 11:48:28 am »

LÊ MINH - NGƯỜI LÍNH TRINH SÁT DẪN ĐƯỜNG
 

     Tôi với Lê Minh( Tích Tường Như Lệ), cùng nhập ngũ một ngày( 6/9/1971). Anh học khoa Lý, tôi học khoa Toán trường ĐHTH Hà Nội. Khi huấn luyện tân binh ở Hà Bắc, tôi với anh cùng tiểu đoàn 6 nhưng anh ở đại đội 23, tôi ở đại đội 24 vì thế nên không biết nhau.

     Tháng 7 năm 1975 tôi được ra quân về đoàn 8/69 nằm chờ giải quyết chế độ chính sách và lấy giấy tờ trở lại trường đại học. Tôi gặp Lê Minh cũng ra quân cùng kỳ. Hồi ấy lính sinh viên các trường tề tựu ở đoàn 8/69 chờ ra quân khá đông. Nhưng tự nhiên chúng tôi hình thành một nhóm sớm thân nhau gồm: Lê Minh  trinh sát sư  đoàn, Đông nguyên sinh viên khoa Sinh, lính bộ binh C10, Hiền  nguyên sinh viên khoa Địa, lính đại đội pháo 14, Trung sinh viên Đại Học Thủy Lợi, quản lý đại đội 9 và tôi. Vì rảnh rỗi chúng tôi thường kéo nhau ra quán nước tán phét, kể chuyện trận mạc. Tôi khoái nghe chuyện Minh kể vì anh là trinh sát. Có lần một nhóm trinh sát của anh nằm trong trận địa của địch nắm tình hình. Một tên lính Cộng Hòa đến chỗ các anh nằm vạch quần ra tè ngay trên người các anh. Chỉ một tích tắc nữa, hắn sẽ phát hiện ra các anh mất. Buộc phải nổ súng. Anh chỉ kịp nghe thấy tiếng thốt lên bất chợt: “Sao lại bắn tui”, kèm theo cái xác đổ vật. Các anh vùng chạy thoát khỏi hiểm nguy. Có lần, vừa rẽ khỏi cánh rừng các anh chạm trán luôn một nhóm thám báo, cả hai bên đều ù té chạy ngược trở lại. Quá bất ngờ chẳng một phát súng nào, ai đi đường nấy. Có lần…Tóm lại rất nhiều tình huống hiểm nguy mà người lính trinh sát có nụ cười hiền khô đang ngồi trước tôi đây đã trải qua.

    Sau này trở lại trường học, chúng tôi vẫn duy trì mối quan hệ. Thỉnh thoảng Hiền lại rủ tôi đến nhà Lê Minh đánh cờ, hoặc chuyện phiếm. Tôi thấy góc nhà anh có dựng khẩu các bin M 2, nhà có cả Telephon. Hồi ấy chỉ cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước mới có điện thoại riêng. Nghe nói của ông già anh. Đem thắc mắc hỏi Hiền, hắn bảo : “ Ông không biết à? Bố Lê Minh là Lê Giới, từng lái xe cho Bác Hồ, nay là cục trưởng cục đường bộ, hồi chiến tranh cụ mang quân hàm đại tá phụ trách việc  vận tải chi viện cho tiền tuyến”.

   Ra thế. Một lần gặp cụ tôi cứ thấy quen quen như đã gặp ở đâu rồi thì phải…

   Một bận, Hiền bảo tôi, độ này tao thấy Lê Minh hay trinh sát gần nhà tao ( Hiền ở phố Trần Quốc Toản). Lắm lúc giáp mặt, chỉ thấy hắn chào qua loa rồi tâm trí lại để đi đâu ấy”. Thời gian sau hắn bảo : “ Mục tiêu trinh sát của Lê Minh là cô giáo trẻ tên Châu ở số nhà…” Ồ thảo nào. Kết quả của những chuyến trinh sát đầy bí ẩn ấy là một thiếp mời đám cưới mà tôi nhận được chẳng lâu la gì. Tôi bảo Hiền : “ Thôi coi như nó trinh sát trước cho anh em mình biết, lấy vợ có hay ho gì không?” Nó tiên phong trong đám lính về ở đoàn 8/69 năm 1975.

    Bẵng đi thời gian dài, bận làm ăn trong thời buổi hết sức khó khăn, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Có lần Lê Minh rẽ qua nhà tôi chơi, anh bảo đang tham gia một trung tâm luyện thi đại học ở Bách Khoa, cũng kiếm được. Tự cứu mình thôi, ông tính lương giảng viên đại học ăn thua gì. Anh bảo tôi, có muốn tham gia một lớp dạy ngữ văn anh giới thiệu. Thú thực, tính tôi hay tếu táo không hợp với nghề giáo. Đành chịu đói vậy.

   Cuối năm 2005, tôi bị một căn bệnh quái ác quật ngã, nằm bẹp giường. Lê Minh đến thăm, tặng tôi hai cuốn tiểu thuyết đang khá hót của một nhà văn Mỹ. Anh bảo tôi: “Lúc nào bớt chóng mặt thì đọc”. Tôi nghe anh, thỉnh thoảng đọc vài trang. Sau không dừng được nữa, nhân vật chính trong hai cuốn tiều thuyết đầy nghị lưc, đối mặt với hoàn cảnh khó khăn để tồn tại. Tôi thầm cám ơn Lê Minh tiếp cho tôi thêm sức mạnh chống chọi với bệnh tật.

  Thời gian sau, anh lại đến thăm tôi, cho tôi một túi tướng nấm linh chi bảo: “Ông uống cái này tốt cho sức khỏe đấy”. Anh còn tặng tôi một tập “ Những chuyện không thể quên- cười ra nước mắt” của anh. Tôi cho anh xem chiếc ba lô, ba cuốn nhật ký thời chiến, và bộ đồ trận của tôi. Anh giới thiệu với tôi trang Quân sử Việt Nam và nói: “ Khi nào ông đỡ, hãy tham gia trang này. Nó hợp với sở trường của ông. Hơn nữa những tư liệu sống của ông không thể nằm mãi trên gác xép được, rất phí”…

   Anh lại đóng vai người lính trinh sát, đưa những dòng hồi ức trận mạc lên trang. Trên trang tôi thấy anh luôn đi đầu…không hổ danh là người lính trinh sát của đại đội 20 năm xưa. Nhờ có anh tôi chập chững bước vào trang Quân Sử với những bài viết đầu tay, ngay khi còn trên giường bệnh.

   Tháng trước anh cùng đoàn cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa. Tôi không tham gia được vì sức khỏe không cho phép. Nhìn ảnh anh  trầm tư bên mộ các đồng đội. Tôi biết anh đang nén bao tâm trạng trong trái tim đầy nhân hậu cuả người lính từng  trải.

   Tuần trước hay tin anh ốm, tôi cố gắng đến thăm anh ở bệnh viện Bạch Mai. Độ này thời tiết khắc nghiệt khiến tôi lúc nào cũng cảm thấy chao đảo. Thăm được anh rồi về. Không còn sức ra 19 Ngọc Hà với anh em.

   Sáng nay bỗng nhận được tin dữ. Tôi choáng. Hiền ở Sài Gòn gọi ra cho biết. Tệ thật! Đáng trách thật! Mình lại là người phía sau, biết muộn.

   Tích Tường Như Lệ ơi! anh lại đi trước trinh sát dẫn đường. Chúng tôi rồi sớm muộn cũng theo anh. Rồi sẽ lại được nghe anh kể những “ Chuyện cười ra nước mắt”  ở thế giới bên kia.  Có điều anh đi vội quá chắng nhắn lại anh em lấy một lời. Tôi giận anh, tôi trách anh. Năm ngón tay, năm thằng ra quân năm ấy thế là đã mất hai, Đông và anh.

     Ông trời thật không công bằng. Chí ít cũng cho anh được cầm sổ hưu,  cho anh nghỉ công tác lấy một ngày, an nhàn bên  con, cháu.

   Giận mà giận, thương mà thương. Lòng này ai tỏ. Thương tiếc bạn vô chừng.


                                                                       11h, ngày 22/8/2013
                                                                                  NT

  

  
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tám, 2013, 05:40:05 pm gửi bởi nhuthin » Logged
nhuthin
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #16 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2013, 06:59:02 am »

KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHẬP NGŨ 6/9/1971-6/9/2013


G I Ỗ   T R Ậ N
[/b]
                                                                              


     Quê tôi xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Trên văn bản ghi là  Đông Tảo, nhưng dân địa phương hay gọi là Đông Cảo. Nhiều cuộc tranh cãi không ngã ngũ Cảo hay Tảo. Thôi thì gọi thế nào cũng được, miễn là gợi đến một địa danh có giống gà nổi tiếng cả nước. Nghe nói, năm ngoái có một đại gia tận tỉnh Đồng Nai ra mua một đôi gà giống tốt nhất làng giá 70 triệu. Mục thị sở tại, tôi đã thấy một đôi 30 triệu, một người bà con bán được.

     Ngoài giống gà khổng lồ có đôi chân vĩ đại, quê tôi còn nổi tiếng quanh vùng bởi một sự kiện xảy ra hồi kháng chiến chống Pháp. Đấy là ngày 23/10 năm Mậu Tý( 23/11/1948), được chỉ điểm, giặc Pháp bất ngờ vây càn bắt 42 đàn ông, trai tráng trong làng theo Việt Minh. Người chỉ huy du kích bị chúng cho chó dữ xé xác ngay tại chỗ. Chúng treo cổ luôn năm người  lên cây đa giữa chợ để thị uy. Còn lại chúng đem ra sông cái bắn chết vứt xác trôi sông. Cha tôi là một trong số bốn người may mắn không bị bắn. Chúng bắt bốn người làm phu khiêng vác và bia đỡ đạn khi chúng đi càn. Hai người vấp phải mìn của Việt Minh thiệt mạng, cha tôi cùng một người bà con họ xa, may thoát chết bị giải về tống giam ở Nhà Tiền Hà Nội. Mãi một năm sau, mẹ tôi mới hay tin ông còn sống.

    Kể từ đấy, cứ đến ngày 23 tháng mười âm lịch, cả làng lại làm giỗ trận. Đi đâu quanh thôn cũng thấy khói hương nghi ngút.

    Đã gần 70 năm trôi qua, cây đa lịch sử đã bị chặt bỏ để xây chợ đầu mối hai tầng. Thời buổi kinh tế thị trường, cây đa tốn đất lắm, mà lại chẳng sinh lời nên sớm bị bức tử.

    Nhưng, ngày giỗ trận quê tôi vẫn được duy trì. Hàng năm, đến ngày ấy, người già thì đăm chiêu, còn con trẻ thì vô cùng sung sướng vì cả làng được ăn cỗ. Thanh niên tụ tập đánh bài…vv.

  
 Những tưởng sự kiện đau lòng trên của quê tôi nhiều người biết đến, vậy mà hỏi mấy người ở Hà Nội chẳng ai hay. Hóa ra cũng thường thôi, họ bảo đâu mà chẳng có.

   Chị tôi làm dâu một gia đình gốc Vân Tảo, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây( nay là Hà Nội). Ngoài bố mẹ chồng, anh chị còn phải cưu mang một bà bác già đơn thân ở quê nhà. Thực ra, trước kia bà cũng có gia đình riêng. Nhưng một ngày, giặc Pháp đi càn, một quả mortier (đạn cối), rơi trúng nơi gia đình bà ẩn náu, giết chết hai đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Chồng bà mắt mở trừng trừng, chẳng nói một câu, vác con dao thái thân chuối to bản, sắc như nước, canh xác hai con đặt giữa nhà. Ông lấy chai rượu sủi tăm nút lá chuối ra tu một hơi hết sạch rồi cứ thế chặt hết các chi của mình cho đến khi gục chết bên xác các con.

   Hàng năm, chị tôi về quê chồng làm giỗ cho ông. Ngày giỗ ông cũng là ngày giỗ trận của cả làng. Nghe người già kể lại, cả làng trắng khăn tang. Ai cũng có bà con, ruột thịt bị sát hại.

   Hàng xóm của tôi là một cô giáo trẻ dạy một trường THCS, quê mãi tận Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Một sáng, thấy cô không lên lớp mà khăn gói chuẩn bị lên đường. Tôi hỏi thay một lời chào buổi sớm. Không ngờ cô giữ lại kể lể. Hôm nay là ngày giỗ trận ở quê cô. To lắm, không thể không về….Ôi! lại giỗ trận, sao mà lắm giỗ trận thế?

   Dịp rằm tháng bẩy năm nay, mưa sụt sùi bất thường. Có lẽ ông trời cũng khóc than cho những cô hồn vật vờ nơi đất khách. Có việc phải ra đường, đi đâu cũng thấy nhà nhà hương khói, cảnh vật thật sầu thảm y như ngày giỗ trận quê tôi.

   Sáng ngày mười sáu, hay tin Lê Minh đột ngột ra đi đêm qua, buồn quá. Nó thiêng quá, ra đi đúng ngày giỗ trận của trung đoàn tôi, trận rằm, mười sáu, tháng bẩy, năm Nhâm Tý, tức ngày 23- 24 tháng 8 năm 1972. Trung đoàn của tôi phản công, hòng phá thế bị cô lập cho đơn vị bạn giữ Thành Cổ Quảng Trị ở hướng đông, nhưng không thành. Hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh. Tôi có gen  “may mắn”  của cha  nên thoát chết.

   Dịp 27/7 vừa rồi Lê Minh còn trở lại chiến trường thắp hương cho các liệt sĩ hy sinh trận ấy ở nghĩa trang Triệu Long, Triệu Thành, vậy mà nay đã thành người thiên cổ.

  Sang năm, dịp này, gia đình Minh lại làm giỗ, hương khói cho anh cũng giống như gia đình anh Châu, thằng Hồng, thằng Đợi.. vv, hòa chung hương khói của cả một “trung đoàn” liệt sĩ.

   Ngồi nhà, nhìn ra ngoài trời mưa rơi, vẩn vơ, tôi nghĩ ngợi. Ngược dòng lịch sử, có ai bỏ công sưu tầm, thống kê những ngày giỗ trận của cả nước, sẽ là môt con số vô cùng lớn.

   Có thể nói, lịch sử “Dựng nước- Giữ nước” hào hùng của dân tộc ta gắn liền với lịch sử của những ngày giỗ trận. Danh sách những ngày giỗ trận ấy có thể còn nối tiếp, khi mà ngoại bang đang ngày đêm  còn dòm ngó biên cương.

                                                        
                                                                                                                                  Tháng 8/2013
                                                                                                                                           NT
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #17 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2013, 08:11:17 am »

           Chào Bác Chủ nhuthin! Chào các Bác! Tranphu341 đọc 2 mẩu chuyện Bác viết mà thấy gai, thấy nao nao cả người. Ngồi bần thần mãi, không biết viết gì nữa. Ngưỡng mộ Bác, Khen Bác, phục Bác, ca ngợi Bác thì trong trang những ai đã từng đọc chuyện kể của Bác thì đã khen, đã phục,đã ngưỡng mộ Bác thật nhiều.

           Chuyện bác kể cứ xa xăm lại gần gũi, xa xăm bới những điều Bác muốn gửi trong đó nó vượt xa những suy nghĩ nhỏ nhoi thường nhật. Nó vượt xa những điều thấp hèn của cuộc sống. Nó vượt xa những bon chen thấp hèn chốn Cung Đình, chốn Quan Trường hay những ồn ào Đô thị phồn hoa đủ neong đèn màu. Những điều bác nói nó là Tâm Linh, nó là dăn dạy. Nó là cái Tâm, Cái Đức, Cái thiện của con người.

          Chuyện bác kể nó gần gũi, thật gần gũi vì những tên người, tên đất, tên địa danh. Là người thực việc thực ngay ở trong ta, ngay ở bên ta, ta đã từng sống, từng chiến đấu ngay tại chiến trường. Ngay tại Quê nhà vv. Rồi cụ thể là Thằng A, Thằng B Gần gũi nhất là Lê Minh. Một người bạn, người đồng đội, một nhà khoa học là người viết là người đọc cùng trang sử này.

          Tranphu341 không thể nói gì hơn ngoài sự vô cùng trân trọng Bác. Tranphu341 luôn cầu chúc anh luôn khỏe mạnh cùng sự an lành, cùng nhiều niềm vui trong cuộc sống!
Logged
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #18 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2013, 05:55:34 pm »

Hôm nay, ngày giỗ của lính, thật là may mắn cho tôi và cũng có chút gì đó tri ân tôi đã nối mạng để cho tác giả và nguyên mẫu "ma xó vùng cao" gặp nhau. Như Thìn nói với tôi là chúng tao cám ơm mày đã khai quật giúp thằng này. Thế là sướng rồi.

Logged
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #19 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2013, 03:37:58 pm »

Chào bac nhuthin - Đọc bài viết của bác,duccuong có tâm trang giống như bác tranphu341. Suy nghĩ về nội dung bài viết rồi liên tưởng đến chuyện đời. Đọc bài " họa - Phúc " bác mượn câu chuyện của tên "trung úy" lính Ngụy tự phong để nói lên chân-thiện -mỹ của cuộc sống. Cuộc đời của hắn đã phải trả giá do căn bệnh " hám danh để cầu lợi", căn bệnh ảo tưởng nơi thế giới tự do để tìm miền đất hứa.
 Với lối văn kể chuyện mộc mạc vô tư khách quan. Không nhìn qua lăng kính nào. Nhưng bác đã đưa được người đọc hãy nhìn vào lịch sử và hãy tin tưởng vào tương lai.
   Nếu coi đây như là một chuyện ngắn thì với tôi đây là một trong những chuyện ngắn hay nhất. Cảm ơn Bác nhuthin.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Hai, 2013, 04:00:24 pm gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM