Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:11:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân  (Đọc 49270 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 04:20:57 pm »

CÓ ANH HÙNG LÀ VÌ CÓ TẬP THỂ ANH HÙNG, CÓ TẬP THỂ ANH HÙNG LÀ VÌ CÓ NHÂN DÂN ANH HÙNG, DÂN TỘC ANH HÙNG, ĐẢNG ANH HÙNG

                        HỒ CHÍ MINH








1. ĐẠI ĐỘI 32 BẢO VỆ ĐẢO CỒN CỎ
TRUNG ĐOÀN 270, QUÂN KHU 4


Đại đội 32 là đơn vị hỗn hợp gồm bộ binh và các phân đội công binh, cao xạ, hóa học, thông tin... làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Cồn cỏ (vị trí tiền tiêu của miền Bắc, cách đất liền 30km). Từ tháng 8 năm 1964, đảo đã bị máy bay, tàu chiến Mỹ đánh phá 841 lần bằng nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, mức độ rất ác liệt, thời gian kéo dài (có đợt 24 ngày liền). Cán bộ chiến sĩ đơn vị đã nêu cao cảnh giác, chiến đấu dũng cảm mưu trí, hiệp đồng chặt chẽ, đánh bại các âm mưu thủ đoạn của địch, giữ vững trận địa. Đơn vị đã bắn rơi 31 máy bay Mỹ, phối hợp với bộ đội hải quân bắn chìm 2 tàu, bắn bị thương 4 tàu Mỹ. Đơn vị có nhiều gương chiến đấu tiêu biểu như: khẩu đội Nguyễn Văn Mật, Nguyễn Văn Nhâm bị bom vùi cả người lẫn súng hoặc bị bom chậm nổ rơi trúng vị trí vẫn bình tĩnh dũng cảm tiếp tục chiến đấu bắn rơi máy bay; Thái Văn A bị thương vẫn đứng trên chòi cao quan sát địch; các đồng chí Vũ Đức Duệ, Bùi Thanh Phong, Nguyễn Văn Khánh bị sốt rét, bị thương nặng vẫn kiên quyết không rời vị trí chiến đấu v.v...

Đại đội đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, 4 Huân chương Quân công (hạng nhì và ba), 2 Huân chương Chiến công (hạng nhất và nhì); được thư khen của Bác Hồ, Bác Tôn. Toàn thể cán bộ chiến sĩ đều được khen thưởng. 49 đồng chí được tặng thưởng Huân chương.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đại đội 32 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





2. ĐẠI ĐỘI 9 BỘ BINH
ĐOÀN 565 QUÂN KHU 4


Đại đội 9 thành lập từ kháng chiến chống Pháp, chiến đấu trên chiến trường Bình - Trị - Thiên đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. Từ tháng 3 năm 1964 đến tháng 12 năm 1967, đại đội làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, tuyên truyền vận động những người theo phỉ và bảo vệ hành lang Bắc Nam của ta trong địa phận huyện Ma Ha Xay (Trung Lào). Đơn vị đã nêu cao ý chí quyết tâm khắc phục mọi khó khăn gian khổ (thiếu lương thực thuốc men, địa bàn rừng núi hiểm trở, ngôn ngữ bất đồng...) kiên trì thực hiện “3 cùng” với nhân dân, được nhân dân tin yêu đùm bọc, tạo thành thế bao vây cô lập vùng hoạt động của bọn phỉ, đã tiến hành tuyên truyền vận động được 30 người theo phỉ trở về. Đơn vị đã giúp nhân dân trong huyện nâng cao đời sống mọi mặt (tâng năng suất cây trồng, có nếp sống hợp vệ sinh, có lớp học chữ); giúp xây dựng lực lượng dân quân du kích ở các bản làng, nâng cao chất lượng bộ đội địa phương bạn và cùng bộ đội bạn đánh địch trên địa bàn, diệt 76 tên, bắt 5, thu nhiều vũ khí.

Vừa chiến đấu công tác vừa xây dựng nội bộ tốt, đơn vị có 100% cán bộ chiến sĩ tình nguyện giúp bạn lâu dài. 100% đồng chí thông thạo tiếng địa phương, không có đồng chí nào vi phạm kỷ luật quần chúng. Đơn vị còn tích cực tăng gia sản xuất tự túc (riêng năm 1965 sản xuất được 10 tạ lúa, bảo đảm 90% quân số công tác và chiến đấu).

Đại đội đã được thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất và 1 Huân chương Chiến công hạng nhì.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đại đội 9 đã được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





3. BỘ ĐỘI PHÒNG KHÔNG HÀM RỒNG
TỈNH THANH HÓA


Bộ đội phòng không Hàm Rồng bao gồm các đơn vị thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).

(Những lực lượng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng:
Bộ đội chủ lực: Trung đoàn 228 cao xạ 57 (Quân khu 3); Đại đội 1, Đại đội 2. Đại đội 5 cao xạ 57 (Trung đoàn 234); Đại đội 45 cao xạ 57 (Sư đoàn 330); Đại đội 21 cao xạ 14 ly 5 (Sư đoàn 350); Đại đội 17 cao xạ 37 (Sư đoàn 304): Đại đội 21 súng 12,7 ly trung đoàn 66 (Sư đoàn 304); Đại đội 23A và Đại đội 23B trung đoàn 57 (Quân khu 3). Riêng 2 ngày 3, 4 tháng 4 năm 1965 còn có 2 tàu hải quân 120 Phân đội 1, tàu 136 Phân đội 3.
Bộ đội địa phương: Đại đội 4; Đại đội 5; Đại đội 6 (tiểu đoàn 3) cao xạ 37 ly và Trung đội 11 cao xạ 14 ly 5 tỉnh Thanh Hóa. Đại đội 9 cao xạ (tiểu đoàn 4) tỉnh Thanh Hóa.
Dân quân: Đại đội dân quân tự vệ tiểu khu Nam Ngạn và Trung đội dân quân xã Yên Vực (lực lượng chủ yếu) ngoài ra còn có dân quân tự vệ Lò Cao, Nhà máy Điện. Nhà máy Nam Phát, thôn Đông Quang, tiểu khu Hàm Rồng và các xã Hoằng Long, Hoằng Lý, Hoằng Anh).


Địch đã dùng trẽn 1560 lần chiếc máy bay các loại, đánh phá cầu Hàm Rồng 315 lần với trên 1600 tấn bom đạn các loại bằng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi xảo quyệt. Bộ đội phòng không Hàm Rồng nêu cao ý chí quyết tâm làm tốt mọi công tác chuẩn bị để chiến đấu lâu dài và bảo vệ bằng được cầu (đã dùng trên 2 vạn ngày công san 5 ngọn đồi, tát cạn đồng lầy, cải tạo địa hình, bố trí các trận địa thật, giả, làm đường sá...). Các đơn vị đã đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm mưu trí, luôn rút kinh nghiệm, học tập lẫn nhau... Kết quả, qua hơn 600 ngày đêm chiến đấu đã đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của địch, bảo vệ vững chắc cầu Hàm Rồng và các mục tiêu khác trong khu vực, bắn rơi 78 máy bay địch, bắn bị thương nhiều chiếc khác (có 9 máy bay rơi tại chỗ).

Bộ đội phòng không Hàm Rồng đã được tặng thưởng 182 Huân chương Quân công và Chiến công các hạng (58 Huân chương cho các đơn vị, 124 Huân chương cho các cá nhân).

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Bộ đội phòng không Hàm Rồng đã được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 04:23:14 pm »

4. ĐẠI ĐỘI 4 SÚNG 12,7 LY
BỘ TƯ LỆNH 559


Đại đội 4 thành lập tháng 5 năm 1965, thuộc Quân khu 4. Tháng 8 năm 1965, đại đội chuyển về Đoàn 559 làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường 20. Mặc dù máy bay địch đánh phá ác liệt, đời sống rất gian khổ cán bộ chiến sĩ đơn vị vẫn tìm mọi cách khắc phục, bảo đảm sinh hoạt bình thường, quân số thường xuyên chiến đấu từ 90 đến 95%.

Đơn vị đã độc lập chiến đấu hơn 30 trận, bắn rơi 14 máy bay Mỹ, có 4 chiếc rơi tại chỗ, ngay từ loạt đạn đầu; bảo vệ người và vũ khí được an toàn, không có thương vong. Nhiều trận đơn vị đã mưu trí dùng lực lượng nhỏ mà thắng lớn như ngày 5 tháng 6 năm 1966, khẩu đội 5 bắn rơi 1 máy bay F105; ngày 17 tháng 6 năm 1966, khẩu đội 2 và khẩu đội 5 bắn rơi 1 máy bay F105...

Đơn vị kết hợp tốt vừa chiến đấu vừa xây dựng, chiến sĩ có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí và chỉ huy được khẩu đội.

Đại đội đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đại đội 4 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





5. ĐẠI ĐỘI 48 CAO XẠ 14,5 LY
TIỂU ĐOÀN 14, SƯ ĐOÀN 330, QUÂN KHU 3


Đại đội 48 thành lập tháng 3 năm 1964, từ tháng 1 năm 1965 đến tháng 7 năm 1965, đơn vị phối thuộc trung đoàn 213 chiến đấu ở chiến trường Lào.

Cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao ý chí quyết tâm, kiên trì chịu đựng gian khổ ác liệt khắc phục mọi khó khăn, đã đánh 47 trận (36 trận trên đất ta, 15 trận trên đất bạn), cùng các đơn vị bạn bắn rơi 43 máy bay địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ địa bàn hết sức quan trọng của bạn. Đơn vị đã chịu nhiều hi sinh tổn thất nhưng vẫn kiên quyết không rời vị trí được giao khi làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực Na Cay nơi trung ương bạn đứng chân, đơn vị bị địch liên tục đánh vào trận địa, có lần cán bộ trung đội đại đội không còn ai, một đồng chí khẩu đội trưởng (Nguyễn Hổng Quảng) đã lên thay thế tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. Đơn vị xây dựng nội bộ tốt, được nhân dân và bộ đội nước bạn tin yêu quý mến.

Đại đội đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba; 2 Huân chương Chiến công (hạng nhất, hạng nhì). 100% cán bộ chiến sĩ được khen thưởng.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đại đội 48 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.






6. TIỂU ĐOÀN 14 PHÁO CAO XẠ 37 LY
(TIỂU ĐOÀN NGUYỄN VIẾT XUÂN)
SƯ ĐOÀN 325, QUÂN KHU 4


Tiểu đoàn 14 thành lập tháng 3 năm 1953 (là 1 trong 6 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 đầu tiên của quân đội ta), trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã bắn rơi 9 máy bay giặc Pháp. Từ ngày 5 tháng 8 năm 1964 tiểu đoàn đã cơ động chiến đấu trên nhiều địa bàn nước ta và nước bạn (Lào). Trong thời gian hơn 2 năm, đơn vị đã hành quân trên 200.000km đồng bằng và rừng núi, qua nhiều trọng điểm địch đánh phá ác liệt (có lần địch ném 200 quả bom loại 500kg, bắn nhiều đạn các loại vào trận địa). Đơn vị đã nêu cao tinh thẩn quyết tâm, vượt mọi khó khăn ác liệt, chiến đấu mưu trí dũng cảm trong 400 trận đánh; đã bắn rơi 91 máy bay (trong đó có 23 chiếc rơi tại chỗ). Trong chiến đấu, nhiều cán bộ chiến sĩ đã nêu gương sáng, tiêu biểu là anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân (lúc đó là chính trị viên đại đội 3 trong tiểu đoàn) bị thương nặng vẫn động viên đơn vị chiến đấu bắn rơi 3 máy bay Mỹ. (Sau khi Nguyễn Viết Xuân hi sinh tiểu đoàn 14 mang tên Nguyễn Viết Xuân làm tên truyền thống của đơn vị mình).

Toàn tiểu đoàn luôn phát huy truyền thống tốt đẹp xây dựng đơn vị trưởng thành mọi mặt, đã được tặng thưởng 3 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì; các đại đội, trung đội trong tiểu đoàn đã được thưởng 14 Huân chương Quân công, 13   Huân chương Chiến công.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Tiểu đoàn 14 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 04:25:56 pm »

7. TIỂU ĐOÀN 20 PHÁO CAO XẠ
BỘ TƯ LỆNH 559


Tiểu đoàn 20 được thành lập trong chiến dịch Điện Phủ và đã lập nhiều thành tích trong chiến dịch lịch sử đó. Đầu năm 1965 tiểu đoàn rời sư đoàn 320 đi chiến đấu trên đất Lào. Từ tháng 6 năm 1965 tiểu đoàn về Đoàn 559 làm nhiệm vụ bảo vệ vị trí Tà Khống trên đường số 9 là nơi địch thường xuyên đánh phá ác liệt hòng ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn đã độc lập chiến đấu trên 100 trận với trên 600 lần chiếc máy bay giặc Mỹ (có lần một ngày phải chiến đấu với 52 lần chiếc máy bay địch).

Các đơn vị trong tiểu đoàn đều đánh rất dũng cảm mưu trí, đã bắn rơi 36 máy bay, bắn bị thương 39 chiếc khác. Riêng tại Tà Khống, đơn vị đã bắn rơi 24 chiếc, bắn bị thương 25 chiếc khác. Có trận, tiểu đoàn bắn rơi 7 chiếc (ngày 24 tháng 2 năm 1966).

Vừa chiến đấu vừa chú trọng xây dựng, tiểu đoàn đã đào tạo đủ số cán bộ đáp ứng nhu cầu của đơn vị mình, còn bổ sung cho các đơn vị bạn được 50 đồng chí. Nội bộ đơn vị luôn đoàn kết nhất trí, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, bảo đảm đời sống tinh thần, vật chất cho bộ đội trong điều kiện chiến đấu ở xa hậu phương rất khó khăn gian khổ.

Trong kháng chiến chống Pháp các đơn vị trong tiểu đoàn đã được tặng thưởng 3 Huân chương Quân công, 14 Huân chương Chiến công. Từ năm 1965 đến năm 1967, Tiểu đoàn được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng nhất.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Tiểu đoàn 20 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





8. ĐẠI ĐỘI 1 PHÁO CAO XẠ 57 LY
TRUNG ĐOÀN 234  BỘ TƯ LỆNH PHÒNG KHÔNG


Đại đội 1 thành lập tháng 5 năm 1963; tháng 6 năm 1964 đơn vị nhận nhiệm vụ đi chiến đấu ở chiến trường Lào, tháng 2 năm 1965 bảo vệ cầu Hàm Rống, tháng 7 năm 1965 bảo vệ đơn vị tên lửa, từ tháng 2 năm 1966 bảo vệ khu Trung ương Đảng Chính phủ ta ở Hà Nội.

Trong hơn 3 năm chiến đấu trên nhiều chiến trường và nhận các nhiệm vụ khác nhau, đại đội 1 luôn là đơn vị giỏi của trung đoàn, là 1 trong số đơn vị giỏi nhất loại pháo cao xạ 57 ly của Quân chủng Phòng không - Không quân. Khi cơ động chiến đấu trên địa hình rừng núi phức tạp hiểm trở, đơn vị đã khắc phục khó khăn đảm bảo an toàn người và vũ khí đến địa điểm trước thời gian quy định. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, đại đội cũng là một trong số đơn vị đánh tốt nhất, luôn phát huy hỏa lực chính xác, hiệp đồng kịp thời, ăn ý... chỉ trong thời gian 5 tháng đã bắn rơi được 6 máy bay phản lực Mỹ và góp phần cùng các đơn vị bạn bắn rơi nhiều chiếc khác. Tính chung trên các chiến trường, đại đội 1 đã bắn rơi 9 máy bay, góp phần cùng các đơn vị bạn bắn rơi nhiều chiếc khác; đồng thời đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng.

Đại đội luôn chú trọng công tác xây dựng đơn vị, luôn là đơn vị khá của trung đoàn về các mặt công tác chính trị - tư tưởng, huấn luyện, bảo quản vũ khí khí tài, vệ sinh phòng bệnh v.v...

Đại đội đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng ba.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đại đội 1 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





9. TIỂU ĐOÀN 61 TÊN LỬA
TRUNG ĐOÀN 236
QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN


Tiểu đoàn 61 thành lập tháng 5 năm 1965. Cán bộ chiến sĩ đã nêu cao ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, khẩn trương tiếp thu và làm chủ loại vũ khí hiện đại nhất của quân đội ta lúc đó. Tháng 8 năm 1965, ra quân đánh trận đầu tiểu đoàn tiêu diệt gọn 1 tốp 3 máy bay F4H của giặc Mỹ. Từ đó đến cuối năm 1967 tiểu đoàn 61 đã đánh 30 trận, bắn rơi 23 máy bay, trong đó có nhiều trận diệt gọn cả tốp, có trận đánh rơi máy bay RF101, luôn bảo đảm an toàn lực lượng của ta. Trong chiến đấu, cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn đã bình tĩnh, dũng cảm, phát huy tốt tính năng về kỹ thuật, chiến thuật, 100% nhân viên chiến đấu đều hoàn thành nhiệm vụ.

Đơn vị luôn chú trọng các mặt công tác, xây dựng nội bộ, đặc biệt công tác phát triển Đảng (riêng năm 1966- 1967 đã kết nạp được 49 đảng viên).

Tiểu đoàn đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 1 Huân chương Chiến công hạng nhất.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Tiểu đoàn 61 tên lửa được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 04:28:22 pm »

10. ĐẠI ĐỘI 1 KHÔNG QUÂN
TRUNG ĐOÀN 921
QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN


Đại đội 1 thành lập năm 1956, từ đó đến năm 1964 đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện lái máy bay chiến đấu MIG17 tại nước bạn. Về nước, đại đội tiếp tục hoàn thành chương trình huấn luyện nâng cao và chuyển loại MIG21.

Ngày 3 tháng 4 năm 1965, đại đội bước vào chiến đấu. Tính chung đơn vị đã đánh 13 trận, bắn rơi 16 máy bay Mỹ (MIG 17 bắn rơi 12 chiếc, MIG21 bắn rơi 4 chiếc); trong chiến đấu luôn mưu trí, dũng cảm, vận dụng thuần thục các kỹ thuật và linh hoạt về chiến thuật, lấy ít đánh nhiều, lấy ưu thế tinh thần áp đảo địch để giành lấy thế chủ động; nhiều trường hợp đã buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta. Hấu hết cán bộ chiến sĩ đơn vị đều lập công trong đó nổi lên gương chiến đấu dũng cảm mưu trí của Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh, Lâm Văn Lích... trong các hoàn cảnh cực kỳ hóc hiểm vẫn tiêu diệt được địch, ta an toàn.

Đơn vị chiến đấu và xây dựng nội bộ tốt, luôn giữ vững vị trí lá cờ đầu trong thi đua. Toàn đại đội đã được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công hạng nhì và ba; các đồng chí đã tham gia chiến đấu đều được tặng thưởng Huân chương.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đại đội 1 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





11. ĐẠI ĐỘI 1 KHÔNG QUÂN
TRUNG ĐOÀN 923
QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN


Đại đội 1 Không quân được bạn giúp xây dựng huấn luyện tháng 4 năm 1965 về nước. Trong tám tháng cuối năm 1965, đơn vị đã khắc phục khó khăn, dẫn đầu trung đoàn, đạt chất lượng cao trong các chương trình huấn luyện bay phức tạp.

Từ năm 1966, đại đội bắt đầu ra quân chiến đấu, tính đến cuối năm 1967, đơn vị đã đánh 18 trận, bắn rơi 21 máy bay địch (gồm các chủng loại AD6, C47, A4D, F8, F105 và máy bay không người lái). Nhiều trận, địch đông gấp 4, gấp 6 lấn ta (như trận 19 tháng 7 năm 1966 ở Vĩnh Phú, trận 5 tháng 9 năm 1966 ở Nam Hà, trận ngày 16 tháng 9 năm 1966 ở Hải Hưng v.v...), các biên đội trong đại đội vẫn giữ vững đội hình, lấy tinh thần áp đảo địch, bị địch bám đuôi đã quay lại đối đầu hoặc vòng gấp bám đuôi địch hay chọc thẳng vào sườn làm rối loạn đội hình chúng. Khi địch bỏ chạy đã nhanh chóng bám sát đến thật gần mới nổ súng, tiêu diệt gọn nhiều tốp máy bay địch.

Đại đội đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công (hạng nhất và hạng nhì); 100% cá nhân tham gia chiến đấu được tặng thưởng Huân chương các loại.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đại đội 1 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





12. PHÂN ĐỘI 7
THUỘC KHU TUẦN PHÒNG 2, BỘ TƯ LỆNH HẢI QUÂN


Phân đội 7 thành lập ngày 12 tháng 10 năm 1959, có 4 tàu, làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển phía nam Quân khu 4.

Các tàu của ta sức cơ động kém rất nhiều so với tàu địch. Song phân đội đã kiên trì phục kích tiêu diệt được 2 tàu biệt kích, vừa bảo vệ bờ biển, vừa góp phần củng cố lòng tin tàu ta có thể đánh tàu tốc độ nhanh của địch. Từ ngày 5 tháng 8 năm 1964, địch nhiều lần cho các loại máy bay hiện đại đánh phá vùng biển, tìm diệt lực lượng hải quân ta. Toàn phân đội đã nêu cao ý chí, quyết tâm vượt qua khó khăn ác liệt, đánh địch 37 trận, trận nào cũng chủ động nổ súng, cùng các đơn vị bạn bắn rơi 30 máy bay địch.

Ngày 5 tháng 8 năm 1964, tại khu vực sông Gianh phân đội đã nổ súng hút địch về mình cứu được 1 tàu quốc doanh. Sau đó đơn vị chiến đấu với lực lượng lớn máy bay địch. Tàu bị cháy, thành tàu thủy nước tràn vào; người bị thương, nhưng cán bộ chiến sĩ vẫn đánh trả quyết liệt, bắn rơi 1 máy bay địch mới trở vể cảng.

Ngày 31 tháng 8 năm 1965, Phân đội có tàu 181 đã một mình chiến đấu với 36 chiếc máy bay địch suốt trong 2 giờ. Cán bộ chiến sĩ có người hi sinh và hầu hết bị thương, nhưng anh em vẫn bám súng đánh địch quyết liệt đến khi tàu chìm hẳn.

Phân đội đã cứu được 18 thuyền của nhân dân (trong đó có 4 thuyền đánh cá Trung Quốc), và 84 người dân bị đắm thuyền.

Toàn phân đội đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba. Tất cả các tàu và 100% cán bộ chiến sĩ trong phân đội được khen thưởng.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Phân đội 7 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 04:30:29 pm »

13. ĐOÀN 125 VẬN TẢI BIỂN
BỘ TƯ LỆNH HẢI QUÂN


Đoàn thành 125 được lập tháng 10 năm 1961, trang bị tàu nhỏ hoạt động độc lập dài ngày trên biển trong mọi điều kiện thời tiết, trong vùng địch kiểm soát gắt gao. Cán bộ chiến sĩ có quyết tâm cao, bình tĩnh linh hoạt xử trí nhiều tình huống tưởng chừng không thể vượt qua để đưa vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Có nhiều chuyến anh em phải tự tìm bến; nhiều lần vừa đi về chưa kịp nghỉ ngơi, có lệnh anh em lại hăng hái lên đường.

Từ một đơn vị vận tải nhỏ lúc đầu chỉ có bốn thuyền gỗ, đến năm 1967 Đoàn đã được trang bị tàu khá hiện đại, đội ngũ thủy thủ, thợ máy có tay nghề vững vàng tự sửa chữa được những hư hỏng máy móc thiết bị trên tàu.

Các đơn vị trong Đoàn đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng nhất, 2 Huân chương Quân công hạng nhì, 3 Huân chương Quân công hạng ba, 26 Huân chương Chiến công các loại.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đoàn 125 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





14. ĐẠI ĐỘI 4 CÔNG BINH
TIỂU ĐOÀN 2, TRUNG ĐOÀN 7 BỘ TƯ LỆNH CÔNG BINH


Từ tháng 8 năm 1964 đến cuối năm 1967, Tiểu đoàn 2 hoạt động ở chiến trường Lào, vừa bảo đảm giao thông, vừa xây dựng cơ sở, củng cố vùng giải phóng của bạn.

Đại đội bảo đảm giao thông trên cung đường dài hàng trăm cây số qua những vùng rừng núi khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp lại có nhiều thổ phỉ và máy bay địch đánh phá ác liệt dai dẳng. Yêu cầu về thời gian mở đường rất khẩn trương, việc cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men rất khó khăn. Cán bộ chiến sĩ đơn vị đã nêu cao quyết tâm khắc phục mọi khó khăn gian khổ, vượt qua bom đạn ác liệt, có thời gian mỗi ngày phải làm việc từ 18 đến 20 giờ. Vừa làm đường đơn vị vừa tổ chức chiến đấu tiễu phỉ và đánh trả không quân địch, bắn rơi 1 máy bay AD6...

Hầu hết cán bộ chiến sĩ thông thuộc ngôn ngữ và phong tục tập quán của nhân dân địa phương, thực hiện “3 cùng” với nhân dân. Đơn vị đã chữa bệnh cho 132 người, được nhân dân tin cậy. Đại đội còn xây dựng cơ sở ở 36 bản, vận động được 2707 người về bản làm ăn, tổ chức được 88 người vào dân quân du kích.

Đại đội đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đại đội 4 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





15. TIỂU ĐOÀN 25 CÔNG BINH
BINH TRẠM 1, BỘ TƯ LỆNH 559


Tiểu đoàn 25 được thành lập tháng 4 năm 1958, thuộc sư 305. Từ năm 1964 đơn vị chuyển sang làm nhiệm vụ mở đường, bắc cầu, bảo đảm giao thông trên các đường số 7, 9, 12. Tiểu đoàn đã nêu cao ý chí quyết tâm vượt qua bom đạn, khắc phục khó khăn, đã phá 150 quả bom chậm nổ, làm trên 100km đường vòng, đường tránh; mở 186km đường mới, bắc hàng trăm cầu các loại (từ 5m đến 80m) bảo đảm được giao thông thong suốt cho gần 53 vạn lượt xe vận chuyến trên đường số 9 và các khu vực Xiêng Phan, Châu Pha Năng, Khe Nhu Tây Trường Sơn.

Đơn vị đã chú trọng làm tốt công tác xây dựng nội bộ - bảo đảm tốt đời sống tinh thần vật chất cho bộ đội trong điều kiện tiếp tế có nhiều khó khăn; đã đào tạo bối dưỡng nguồn cán bộ đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và còn cung cấp cho trên đủ cán bộ để tổ chức hai khung tiểu đoàn.

Toàn tiểu đoàn đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba; 3 Huân chương Chiến công các hạng.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Tiểu đoàn 25 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 04:32:29 pm »

16. ĐẠI ĐỘI 2 THÔNG TIN
TRUNG ĐOÀN 134 CỤC THÔNG TIN LIÊN LẠC


Đại đội làm nhiệm vụ bảo vệ đường dây điện thoại từ Hòa Bình đến Nghệ An dài hơn 500km. Phần lớn đường dây mắc qua địa hình rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Đơn vị đã nêu cao quyết tâm vượt qua khó khán, ác liệt để hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1966, để khắc phục đường dây bị lụt làm gián đoạn (2 lần nước lụt làm ngập hơn 7 km đường dây, gãy 62 cột), cán bộ chiến sĩ đơn vị đã phải ngâm mình dưới nước 2 ngày đêm liền kéo, đẩy, dựng cột, rải dây. Kết quả đã khôi phục thông tin thông suốt.

Trong hơn 3 năm, địch đánh phá đường dây 528 lần, làm đứt 2180 quãng dây, đổ 345 cột; có đợt địch đánh 180 lần trong 14 ngàv liền... đơn vị đã bám sát đường dây. nhanh chóng khắc phục hậu quả, bảo đảm thông tin luôn luôn thông suốt.

Đơn vị luôn chú trọng công tác huấn luvện cho cán bộ chiến sĩ, tổ chức huấn luyện kỹ thuật cho 1432 dân quân tự vệ ở dọc tuyến đường, nhờ đó nhiều lần đường dây đứt được dân quân, tự vệ tự động giúp sửa chữa kịp thời.

Đơn vị còn giỏi tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, khắc phục khó khăn trong việc tiếp tế, tự lực xây dựng doanh trại, tiết kiệm cho công quỹ số tiền lớn, luôn đảm bảo 98% quân số công tác.

Đại đội đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công (hạng nhì và ba).

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đại đội 2 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





17. ĐẠI ĐỘI 9 ÔTÔ VẬN TẢI
TIẾU ĐOÀN 734 - CỤC VẬN TẢI TỔNG CỤC HẬU CẦN


Đại đội 9 được thành lập tháng 4 năm 1965, làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho tiền tuyến. Trên những cung đường đơn vị vận chuyển địch đánh phá rất ác liệt cán bộ chiến sĩ đã dũng cảm vượt qua bom đạn luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch vận chuyển và giữ gìn xe tốt. Trong điều kiện vận chuyển khẩn trương nhưng đơn vị luôn chấp hành nghiêm các chế độ bảo dưỡng xe. Đêm chạy trên đường, ngày tranh thủ bảo dưỡng xe. Những ngày chờ đợi đã trở thành những ngày tu sửa bảo quản xe. Nhờ vậy. mặc dù đường xấu, xe cũ nhưng hệ số kỹ thuật xe vẫn vượt quy định từ 15 đến 20%. Đặc biệt trong năm 1966, do yêu cầu nhiệm vụ xe đơn vị hoạt động cả 30 đêm trong tháng. Có trung đội 4 tháng đã chạy tới 51.125 km an toàn. Nhiều lần vận chuyển trên những đoạn đường có đèo cao, vực thẳm, máy bay địch bắn phá phía trước, phía sau nhưng cán bộ chiến sĩ Đại đội 9 vẫn dũng cảm đưa xe tới đích an toàn.

Đại đội 9 đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đại đội 9 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





18. DÂN QUÂN DU KÍCH XÃ VĨNH GIANG
THUỘC KHU VĨNH LINH - QUÂN KHU 4


Vĩnh Giang là xã ở bờ Bắc sông Bến Hải, nên địch thường cho biệt kích, gián điệp lén lút ra phá hoại. Từ cuối năm 1964, địch dùng máy bay đánh phá liên tục vào xã. Dân quân du kích đã nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên tuần tra canh gác nghiêm ngặt, đã bắt được 52 tên gián điệp biệt kích (có 20 tên rất nguy hiểm). Dân quân du kích đã làm nòng cốt xây dựng làng xã chiến đấu, trổng 1000 bụi tre, 200.000 cây quanh làng, đào hàng ngàn công sự, hàng ngàn mét địa đạo... đã tổ chức chiến đấu tốt, bắn rơi được 1 máy bay phản lực Mỹ.

Dân quân du kích Vĩnh Giang còn làm nòng cốt trong phong trào tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, dẫn đầu khu vực Vĩnh Linh; 100% đồng chí đã tham gia làm nhiệm vụ trong gần 2 năm, mỗi người đi từ 7 đến 17 chuyến chuyên chở trên biển, đã có nhiều gương dũng cảm mưu trí chiến đấu với máy bay, tàu chiến địch.

Dân quân du kích đã tình nguyện bám những nơi khó khăn nguy hiểm để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, góp phần quan trọng xây dựng Vĩnh Giang thành xã dẫn đầu về mọi mặt của khu vực Vĩnh Linh.

Đơn vị đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Dân quân du kích xã Vĩnh Giang được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 04:34:50 pm »

19. ĐẠI ĐỘI DÂN QUÂN TỰ VỆ TIỂU KHU NAM NGẠN
THỊ XÃ THANH HÓA


Tiểu khu Nam Ngạn ở phía Nam cầu Hàm Rống khoảng 600 mét, là nơi địch liên tục đánh phá ác liệt từ ngày 3 tháng 4 năm 1965. Đại đội dân quân tự vệ của tiểu khu đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên 90 trận, góp phần cùng quân dân khu vực Hàm Rồng bắn rơi 78 máy bay Mỹ, bảo vệ được cầu. Trong chiến đấu, cán bộ chiến sĩ đơn vị đều bình tĩnh, dũng cảm, bị thương không rời vị trí. Đơn vị đã động viên và gương mẫu đóng góp hàng ngàn công xây dựng trận địa, đường sá, ngụy trang cấp cứu thương binh... Không quản khó khăn nguy hiểm, không tiếc mồ hôi xương máu. Đặc biệt trong trận ngày 26 tháng 5 năm 1965, đại đội đã chủ động hiệp đồng với tàu hải quân chiến đấu đánh máy bay địch, vận chuyển đạn, cấp cứu thương binh; có đồng chí bị thương vẫn không rời vị trí, tiếp tục chiến đấu cho đến khi hi sinh.

Dân quân tự vệ Nam Ngạn còn nêu cao vai trò xung kích trong sản xuất, xung phong nhận làm những ruộng ở sát mục tiêu, bị địch đánh nhiều lần, vẫn bảo đảm cấy hết diện tích.

Đơn vị đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhất; 10 cá nhân được tặng thưởng Huân chương trong đó Ngô Thị Tuyển được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đại đội dân quân tự vệ tiểu khu Nam Ngạn đã được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





20. ĐẠI ĐỘI TỰ VỆ PHÂN XƯỞNG SÀNG CỬA ÔNG
XÍ NGHIỆP THAN CẨM PHẢ


Đại đội tự vệ phân xưởng sàng xí nghiệp than Cẩm Phả 5 năm liền là đơn vị tiên tiến của Quân khu Tả Ngạn.

Trong 2 năm 1965, 1966 đại đội đã chiến đấu với máy bay Mỹ 11 trận, góp phần cùng quân dân Cửa Ông bắn rơi 17 máy bay Mỹ. Nhiều lần địch đánh vào nhà máy, có ngày chúng đánh 3 đợt liên tục, anh chị em bị bom vùi vẫn không rời trận địa. Trong các trận chiến đấu, đại đội luôn luôn có mặt phục vụ bộ đội xây dựng trận địa, di chuyển pháo, tiếp đạn, tải thương, thay thế pháo thủ. Đại đội còn tích cực xâv dựng hệ thống hầm hào, tổ chức cảnh giới báo động, vì vậy trong 2 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ không một công nhân tự vệ nào của nhà máy bị thương vong.

Trong lao động sản xuất, anh chị em tự vệ luôn gương mẫu làm nòng cốt dẫn đầu phong trào bám sát nhà máy “địch đến là đánh, địch đi là sản xuất”.

Năm 1965, Đại đội được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đại đội tự vệ được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





21. DÂN QUÂN DU KÍCH XÃ TÚ NANG
HUYỆN MỘC CHÂU, TỈNH SƠN LA


Xã Tú Nang gồm 12 bản nằm dọc theo đường số 6 là xã có truyền thống trong kháng chiến chống Pháp. Dân quân du kích xã Tú Nang là đơn vị mạnh, luôn luôn giữ vai trò nòng cốt bảo vệ trị an cũng như sản xuất của địa phương.

Ngày 18 tháng 2 năm 1966, máy bay Mỹ đến đánh phá xã Tú Nang, các chiến sĩ dân quân du kích đã bình tĩnh chờ máy bay địch vào đúng tầm bắn có hiệu quả mới nổ súng bắn rơi 1 chiếc A6A.

Dân quân du kích xã Tú Nang 6 năm liền là đơn vị tiên tiến nhất của tỉnh Sơn La được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba.

Ngày 22 tháng 12 nám 1967, Dân quân du kích xã Tú Nang được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 04:37:37 pm »

22. TRUNG ĐỘI DÂN QUÂN THÔN TÂY
XÃ NGƯ THỦY, HUYỆN LỆ THỦY, TỈNH QUẢNG BÌNH


Từ năm 1964 đến năm 1967, ba năm liền trung đội dân quân thôn Tây, xã Ngư Thủy là đơn vị tiên tiến. Cán bộ chiến sĩ trung đội là lực lượng nòng cốt của địa phương đã vượt qua bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, bám biển đánh bắt cá. Trung đội còn xây dựng trận địa phòng không giặc đến là đánh.

Ngày 2 tháng 3 năm 1966, giặc Mỹ cho 6 máy bay đến đánh phá xã Ngư Thủy, trung đội đã bình tĩnh dũng cảm bắn rơi 1 máy bay phản lực Mỹ bằng súng bộ binh.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Trung đội dân quân thôn Tây được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





23. ĐỒN CÙ BAI (235)
CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG VĨNH LINH


Đồn biên phòng Cù Bai ở biên giới Việt - Lào, sát giới tuyến quân sự tạm thời. Nhiều năm công tác, chiến đấu trong những điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, cán bộ, chiến sĩ luôn lạc quan, hết lòng hết sức giúp đỡ địa phương xây dựng cơ sở chính trị, giữ vững an ninh biên giới, phát triển sản xuất. Đồn đã làm tham mưu cho chính quyền địa phương vận động nhân dân rời bản cũ xây dựng bản mới để kết hợp vừa chiến đấu vừa sản xuất. Trong đó đã xây dựng được xã Hướng Lập là lá cờ đầu vể bảo vệ trật tự trị an.

Đồn Cù Bai đã phối hợp với đơn vị bạn bắn rơi 8 máy bay Mỹ, đồng thời nâng cao cảnh giác trấn áp bọn phản động diệt và bắt bọn gián điệp, biệt kích.

Đồn được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, 5 Huân chương Chiến công các hạng, được Bộ công an, Bộ giáo dục, Bộ văn hóa, Bộ y tế tặng cờ và bằng khen.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, đồn Cù Bai được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





24. ĐỒN CHA LO (111)
CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG QUẢNG BÌNH


Đồn Cha Lo, nằm trên đường chiến lược số 12 sát biên giới Việt - Lào. Cán bộ chiến sĩ luôn vững vàng trong thời bình cũng như thời chiến vận động nhân dân xây dựng xã, bản đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu, bảo vệ trị an vùng cửa khẩu. Đồn Cha Lo luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, đã xây dựng nhiều trận địa đánh máy bay địch, bắn rơi 2 chiếc, bắn bị thương nhiều chiếc khác.

Đồn đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 1 Huân chương Chiến công hạng nhất.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, Đồn Cha Lo được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 04:40:04 pm »

25. ĐỒN CẦU TREO (93)
CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG HÀ TĨNH


Đồn Cầu Treo nằm trên đường chiến lược số 8 sát biên giới Việt - Lào. Nhiều năm liền cán bộ, chiến sĩ đồn Cầu Treo bền bỉ xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ trị an. Đồn đã đập tan nhiều âm mưu phá hoại của bọn phản động, diệt và bắt nhiều toán gián điệp, biệt kích, giữ vững an ninh biên giới. Đồn Cầu Treo đã tích cực đánh máy bay địch, bắn rơi 6 chiếc.

Đồn đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì, nhiều năm là Đơn vị Quyết thắng, 100% cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng.

Ngày 22 tháng 12 năm 1967, đồn Cầu Treo được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





26. TRUNG ĐOÀN 280 PHÁO CAO XẠ
QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN


Trung đoàn 280 đã tham gia chiến đấu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bỉnh, cơ động nhiều nơi, bảo vệ một số mục tiêu đường xa dân, ở nơi rừng núi hiểm trở rất nhiều khó khăn về điều kiện sống và chiến đấu.

Vũ khí cũ (pháo 90 và 85 từ kháng chiến chống Pháp) xuống cấp nhanh, hỏng hóc nhiều do thường xuyên cơ động trên mặt đường xấu xóc... Trung đoàn đã có quyết tâm cao, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, luôn tìm ra cách đánh phù hợp khắc phục chỗ yếu phát huy chỗ mạnh của vũ khí, nắm quy luật hoạt động và chiến thuật của địch để giành thế chủ động, chớp thời cơ đánh địch có hiệu quả. Đơn vị đã bắn rơi 177 máy bay Mỹ gồm 20 chủng loại (có 49 chiếc rơi tại chỗ) đặc biệt có 2 chiếc “cánh cụp cánh xòe”. Trung đoàn 280 là đơn vị bắn rơi nhiều máy bay nhất trong số các trung đoàn pháo cao xạ trong toàn quân. Đơn vị còn phối hợp với trung đoàn 214 bắn rơi 79 chiếc khác.

Đơn vị kết hợp tốt chiến đấu và huấn luyện, đã xây dựng được 5 tiểu đoàn vững để bổ sung cho chiến trường miền Nam, bồi dưỡng đào tạo được hơn 700 cán bộ từ trung đội đến tiểu đoàn. Hầu hết chiến sĩ được huấn luyện thành các “pháo thủ toàn năng”.

Công tác xây dựng nội bộ được chú trọng. Đời sống tinh thần vật chất cán bộ chiến sĩ được chăm sóc tốt, đảm bảo 95 đến 98% quân số khỏe thường xuyên, giữ gìn bảo quản vũ khí tốt.

Trung đoàn giữ quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân chật chẽ, luôn hiệp đồng với các đơn vị bạn lúc thường cũng như lúc chiến đấu.
Trung đoàn đã được tặng thưởng 4 Huân chương Quân công (2 hạng nhì, 2 hạng ba).

Ngày 18 tháng 6 năm 1969, Trung đoàn 280 được Chủ tịch nưốc Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





27. TRUNG ĐOÀN 214 PHÁO CAO XẠ
QUÂN KHU 4


Trung đoàn 214 được thành lập tháng 7 năm 1957. Năm 1963 đơn vị về Quân khu 4, từ 1965 đến cuối tháng 10 năm 1968, Tiểu đoàn chiến đấu ở Vinh, sông Gianh, Ròn, Xuân Sơn, Đá Mài, Long Đại là những trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt. Trung đoàn và các đơn vị thuộc quyền đều đánh tốt trong nhiều quy mô và hình thức chiến thuật. Tính chung, trung đoàn đã bắn rơi 162 máy bay Mỹ các loại (có 53 chiếc rơi tại chỗ, 18 chiếc rơi ban đêm). Ngoài ra đơn vị còn phối hợp với trung đoàn 280 bắn rơi 79 chiếc khác.

Có nhiều trận, trung đoàn lập thành tích xuất sắc: 1 ngày trong tháng 9 năm 1965, đơn vị đã bắn rơi 6 máy bay; trong 1 tháng chiến đấu ở Xuân Sơn và Long Đại, mặc dù địch dùng nhiều thủ đoạn, bay nhiều hướng, nhiều tầng, khi đánh ồ ạt, khi đánh nhỏ lẻ, có ngày chúng đánh hàng trăm lần... đơn vị đều tìm cách đánh có hiệu quả, bắn rơi 9 máy bay (có 5 chiếc rơi tại chỗ), bảo vệ được các bến phà.

Đợt chiến đấu tháng 8 năm 1967, mỗi ngày đơn vị bắn rơi 1 máy bay (tổng số 13 chiếc, có 2 máy bay B57, 6 chiếc rơi tại chỗ, 3 chiếc rơi ban đêm). Từ năm 1968, địch dùng nhiều vũ khí hiện đại và cách đánh tinh vi xảo quyệt hơn, trung đoàn đã nghiên cứu tìm ra cách đánh phù hợp, trong 10 tháng vẫn bắn được 53 máy bay địch.

Trung đoàn kết hợp chặt chẽ chiến đấu và xây dựng, đơn vị trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt: cán bộ các cấp có trình độ tổ chức chỉ huy quản lý tốt, chiến sĩ thành thạo sử dụng vũ khí khí tài, đảm nhiệm được nhiều chức trách, đã có 579 đồng chí được đề bạt cán bộ các cấp. Công tác nuôi quân, bảo quản vũ khí khí tài đều được làm chu đáo.

Trung đoàn đã được tặng thưởng 2 Huân chương Quân cồng hạng nhì, 1 Huân chương Quân công hạng ba.

Ngày 18 tháng 6 năm 1969, Trung đoàn 214 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 04:42:38 pm »

28. TIỂU ĐOÀN 6 PHÁO CAO XẠ 37 LY
TRUNG ĐOÀN 270, QUÂN KHU 4


Từ năm 1965 đến tháng 10 năm 1968 tiểu đoàn 6 chiến đấu ở khu vực Vĩnh Linh. Cán bộ, chiến sĩ có quyết tâm cao, sẵn sàng chiến đấu tốt, trong mọi tình huống máy bay địch đánh ngày đánh đêm, đánh tập trung hay đánh lén, đánh nhiều độ cao, nhiều hướng đều bị cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 6 phát hiện trừng trị. Đơn vị đã đánh 725 trận, bắn rơi 109 máy bay Mỹ. Có trận hơn 20 lần chiếc máy bay địch quần đảo trong suốt 4 giờ liền quyết diệt các trận địa của đơn vị, anh em vẫn bình tĩnh chờ địch vào đúng tầm bắn hiệu quả, nổ súng chính xác, bắn rơi tại chỗ 4 chiếc (1 AD6, 3 máy bay lên thẳng) góp phần quan trọng cùng đơn vị bạn bắn rơi thêm 3 chiếc khác. Có lúc vừa phát hiện đơn vị bạn bị máy bay địch ném bom, tiểu đoàn đã nhanh chóng cơ động đến và nổ súng được ngay, bắn rơi 3 chiếc, bảo vệ đơn vị bạn được an toàn.
Chiến đấu khẩn trương, ác liệt, đơn vị vẫn chú trọng làm tốt công tác xây dựng nội bộ. Cán bộ các cấp từ khẩu đội trở lên đều có trình độ tổ chức chỉ huy quản lý huấn luyện bộ đội tốt, các chiến sĩ đều đạt loại giỏi trong huấn luyện, mỗi người có thể thao tác thành thạo nhiều số trong khẩu đội. Tiểu đoàn luôn bảo quản tốt vũ khí khí tài; bảo đảm quân số khỏe 98%, nội bộ đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm.

Tiểu đoàn đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì, 2 Huân chương Quân công hạng ba.

Ngày 18 tháng 6 năm 1969, Tiểu đoàn 6 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





29. TIỂU ĐOÀN 64 TÊN LỬA
TRUNG ĐOÀN 236 SƯ ĐOÀN 361
QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN


Tiểu đoàn 64 thành lập tháng 5 năm 1965, chỉ sau 3 tháng huấn luyện đơn vị đã bước vào chiến đấu. Từ đó đến tháng 10 năm 1968 tiểu đoàn đã cơ động chiến đấu ở các khu vực thuộc Vĩnh Phú, Yên Bái, Nam Hà, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nội. Tiểu đoàn có quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, nắm vững khoa học kỹ thuật, bảo quản tốt vũ khí khí tài, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, có lệnh là mở máy được ngay, bắn chính xác (tỉ lệ 4,6 quả đạn hạ 1 máy bay). Tiểu đoàn đã bắn rơi 40 máy bay Mỹ ,(có 2 máy bay trinh sát hiện đại RF4C) nhiều trận đánh hay như ngày 26 tháng 7 năm 1965 với 3 quả đạn, hạ 2 máy bay địch ở độ cao 19km. Trận 26 tháng 8 năm 1965 tại Việt Trì, bằng 1 quả đạn bắn rơi 2 máy bay; trận 17 tháng 1 năm 1967 hạ 2 máy bay trinh sát RF4C tối tân bằng 2 quả đạn; trận 20 tháng 10 năm 1967, tiểu đoàn bị nhiều máy bay địch bắn vào trận địa vẫn phát huy hỏa lực bắn rơi 2 máy bay địch.

Tiểu đoàn đã phấn đấu trưởng thành nhanh chóng, luôn tranh thủ huấn luyện kỹ thuật chiến thuật cho cán bộ chiến sĩ, đơn vị đã bảo quản tốt và tự sửa chữa được 252 lần hỏng hóc khí tài mà theo quy định phải thợ chuyên môn mới sửa được. Tiểu đoàn còn đào tạo được 38 cán bộ quản lý và chỉ huy đáp ứng yêu cầu của đơn vị và cung cấp cho trên.

Tiểu đoàn đã được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công hạng ba, 4 Huân chương Chiến công (hạng nhì và hạng ba).

Ngày 18 tháng 6 năm 1969, Tiểu đoàn 64 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





30. TIỂU ĐOÀN 1 PHÁO BINH 100 LY
TRUNG ĐOÀN 164, QUÂN KHU 4


Tiểu đoàn thành lập năm 1950 lấy tên là tiểu đoàn 53 Thái Bình, tháng 12 năm 1953 ghép vào Trung đoàn 50 Quân khu Tả Ngạn, từ năm 1967 đến tháng 5 năm 1968 chiến đấu ở khu vực Vĩnh Linh. Tiểu đoàn có quyết tâm cao, bất kỳ lúc nào có lệnh là nổ súng được ngay, bắn chính xác. Các đơn vị trong tiểu đoàn đều đánh giỏi trong nhiều quy mô và hình thức chiến thuật (đánh nhỏ lẻ, đánh vừa, đánh tập trung cả tiểu đoàn cũng như đánh hiệp đổng binh chủng). Tính chung, tiểu đoàn đánh 304 trận, với 3432 viên đạn đã tiêu diệt được 2700 tên địch, phá hủy 102 xe quân sự (trong đó có 28 xe tăng), 5 máy bay lên thẳng, 8 khẩu pháo, 5 kho xăng, 3 kho quân sự lớn, 2 lô cốt, 10 nhà lính; bắn chìm 8 tàu hàng, bắn bị thương nhiều tàu chiến, tàu hàng khác. Đơn vị còn tham gia chi viện đắc lực cho bộ binh, tạo điều kiện cho bộ binh tiêu diệt 7000 tên Mỹ - ngụy, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh khác.

Đứng chân nơi địch thường xuyên đánh phá, đơn vị đã bị 59 lần máy bay, pháo binh địch đánh vào trận địa nhưng do làm tốt việc ngụy trang phòng tránh nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại.

Tiểu đoàn kết hợp tốt chiến đấu và xây dựng, cán bộ tổ chức, chỉ huy quản lý tốt; hầu hết pháo thủ các số đều có thể thay thế cho nhau; tiểu đoàn đã đào tạo được 100 cán bộ từ tiểu đội đến tiểu đoàn. Bảo đảm đời sống mọi mặt, đơn vị luôn có 99% quân số chiến đấu và công tác.

Tiểu đoàn đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng ba.

Ngày 18 tháng 6 năm 1969, Tiểu đoàn 1 pháo binh được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM