Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:13:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc đời tôi - Một trăm giờ với Fidel Castro  (Đọc 91996 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 10:15:31 am »





CUỘC ĐỜI TÔI
Một trăm giờ với Fidel Castro

(HỒI KÝ QUA LỜI KỂ)


Người dịch: ĐỖ TUẤN ANH - HOÀNG MẠNH HIỂN

NHÀ XUẤT BẢN THÔNG TẤN - 2008

Số trang: 960
Kích thước: 16 x 24 cm

Số hóa: hoi_ls




Một trăm giờ với Fidel

Lúc đó là hai giờ sáng, và chúng tôi đã nói chuyện liên tục suốt nhiều giờ không nghỉ. Chúng tôi ngồi trong văn phòng riêng của ông ở Palacio de la Revolución (Dinh Cách mạng), một căn phòng giản dị, rộng thênh thang với trần cao và những ô cửa sổ lớn gắn rèm sáng màu nhìn ra một ban công rộng, đứng từ đó có thể nhìn thấy một trong những đại lộ chính của thủ đô Havana. Một tủ sách khổng lồ kê sát tường, và trước giá sách là một chiếc bàn làm việc dài, chất nặng sách và tài liệu. Tất cả đều gọn gàng, ngăn nắp. Đặt giữa những cuốn sách trên tủ và trên những chiếc bàn nhỏ kê hai đầu trường kỷ là một bức tượng đồng bán thân của “Vị Tông đồ của Tự do” José Marti, một bức tượng của Simón Bolivar, rồi tượng của Antonio José de Sucre1, và tượng bán thân của Abraham Lincoln. Trong một góc phòng là tác phẩm điêu khắc mang phong cách hiện đại của chàng Hiệp sĩ Don Quixote đang cưỡi trên con tuấn mã gầy giơ xương Rocinante của mình. Và trên các bức tường, bên cạnh một bức chân dung sơn dầu khổ lớn của Camilo Cienfuegos, một trong những trợ thủ đắc lực nhất của Castro trong căn cứ Sierra Maestra, là ba tài liệu được lồng khung: một lá thư viết tay của Simón Bolivar, một bức ảnh chụp nhà văn Mỹ Ernest Hemingway đang giơ cao một con cá kiếm to bự với dòng ký tặng (Tặng Tiến sĩ Fidel Castro - Chúc anh câu được một con như thế này trong cái giếng ở Cojímar. Để kỷ niệm tình bạn, Ernest Hemingway), và một bức ảnh cha ông, Angel Castro, khi mới từ xứ Galicia (Tây Ban Nha) đặt chân lên đất Cuba năm 1895.

Ngồi trước mặt tôi - cao lớn, vững chãi và vạm vỡ, với bộ râu quai nón gần như bạc trắng, vẫn mặc bộ quân phục màu xanh ôliu quen thuộc không một cuống huân chương hay bất cứ thứ đồ trang trí nào khác, và nhất là không một dấu hiệu mệt mỏi nào sau ngần ấy thời gian nói chuyện liên tục - Fidel trả lời bình tĩnh, nhiều khi bằng một giọng nói khẽ đến mức gần như chỉ còn là một tiếng thì thầm, rất khó nghe. Đó là thời điểm cuối tháng Giêng năm 2003, và chúng tôi đang bắt đầu đợt đầu tiên của không biết bao nhiêu cuộc trò chuyện dài không ngừng nghỉ đã đưa tôi quay lại Cuba nhiều lần suốt những tháng sau đó, đến tận tháng 12 năm 2005.

Ý tưởng về cuộc trò chuyện như thế này đã hình thành từ trước đó một năm, vào tháng 2 năm 2002. Khi đó tôi đến Havana để thực hiện một bài giảng tại Hội chợ Sách Havana. Joseph Stigliz, người từng giành giải Nobel về Kinh tế năm 2001, cũng có mặt tại đây. Fidel đã giới thiệu tôi với ông bằng câu: “Ông ấy là một nhà kinh tế học, một công dân Mỹ, nhưng là người cấp tiến nhất mà tôi từng biết. Đứng cạnh ông ấy tôi chỉ là một người theo đường lối ôn hòa”. Fidel và tôi bắt đầu nói vẻ toàn cầu hóa tự do mới và về Diễn đàn Xã hội Thế giới ở Porto Alegre mà tôi mới tham dự. Fidel muốn biết tất cả về sự kiện đó - những chủ đề đã được thảo luận, những hội thảo, các đại biểu tham dự, những dự báo... ông bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với phong trào toàn cầu hóa mới này: “Một thế hệ nổi loạn mới đã xuất hiện”, ông nói, “trong đó có rất nhiều người Mỹ. Họ đang sử dụng những phương pháp đấu tranh mới và khiến những tên đế quốc trên thế giới phải run rẩy. Tư tưởng còn quan trọng hơn vũ khí. Ngoại trừ bạo lực, còn thì tất cả các lập luận và quan điểm đều nên được sử dụng để chống lại toàn cầu hóa”.

Như mọi khi, những ý tưởng cứ thế trào ra như một dòng sông hối hả trong đầu Fidel. Stiglitz và tôi ngẩn ngơ nghe ông nói. Ông có cái nhìn rất toàn diện và sâu sắc về toàn cầu hóa, những hậu quả của nó và cách kiểm soát chúng; những nhận xét của ông, vừa sắc sảo vừa hiện đại, là minh chứng hùng hồn nhất cho những phẩm chất siêu việt mà các nhà sử học vẫn đánh giá cao ở ông: đó là cảm quan chiến lược, khả năng “đọc” một tình huống cụ thể, cùng khả năng phân tích nhanh nhạy. Bên cạnh những phẩm chất đó là vốn kinh nghiệm tích lũy suốt bao nhiêu năm lãnh đạo đất nước, kháng chiến và chiến đấu.

Trong khi lắng nghe ông nói, tôi chợt nhận ra rằng thật bất công khi những thế hệ trẻ ngày nay hầu như không biết gì về cuộc đời và sự nghiệp của ông và đáng buồn rằng, vô tình là nạn nhân của chiến dịch tuyên truyền chống Castro, rất nhiều người châu Âu mặc dù phản đối toàn cầu hóa tự do, đặc biệt là các thanh niên, lại coi ông như một tàn dư của Chiến tranh lạnh, một nhà lãnh đạo còn sót lại của một giai đoạn lịch sử đã hết thời, một người không còn đóng góp gì đáng kể cho những cuộc đấu tranh của thế kỷ 21.

Ngay cả ngày nay, và ngay cả trong những thành trì của cánh tả trên thế giới, rất nhiều người phê phán, hoài nghi, hoặc thậm chí thẳng thừng phản đối chế độ do Castro lãnh đạo tại Havana. Và mặc dù trên khắp châu Mỹ la tinh Cách mạng Cuba vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng nhiệt thành cho những phong trào xã hội cánh tả và rất nhiều trí thức, thì tại châu Âu nó lại là một chủ đề gây tranh cãi. Trong thực tế, ngày càng khó tìm được người - dù ủng hộ hay phản đối cách mạng Cuba đi nữa - khi được yêu cầu khái quát về Castro và những năm tháng lãnh đạo của ông, có thể đưa ra một quan điểm khách quan và đúng đắn nhất.


-------------------------------------------------------------------------------------
1. Joss Antonio de Sucre (1795-1830); ngưòi Venezuela) là sĩ quan chỉ huy quân sự rất tài giỏi trong các cuộc chiến đấu giành độc lập ở Nam Mỹ. Ông chiến đấu cùng với Miranda và các tướng lĩnh khác, thăng tiến rất nhanh trong hàng ngũ chỉ huy và ở độ tuổi 27 ông đã là Tổng chỉ huy dưới quyền của Bolivar, ông đã giành những chiến thắng lớn ở Pichincha và Junin, và trận chiến quyết định cuối cùng giành độc lập cho châu Mỹ La-tinh ở Ayacucho. Với vai trò là nhà tổ chức của Peru và Alto Peru, sau đó trở thành nước cộng hoà Bolivia, ông trở thành Tổng thống của Bolivia và giữ chức vụ đó trong 2 năm, mặc dù bản thân ông tuyên bố là Tổng thống suốt đời. Ông bị ám sát năm 1830 trong hoàn cảnh nào và vì lý do gì thì cho đến bây giờ vẫn chưa được rõ.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Ba, 2021, 12:30:22 pm gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 10:29:57 am »

Trước đó tôi đã xuất bản một cuốn sách ngắn về những cuộc trò chuyện với Subcomandante (Phó Tư lệnh) Marcos, nhà lãnh tụ lãng mạn và xuất chúng của lực lượng Zapatista ở Mêhicô. Fidel cũng đã đọc cuốn sách này và nhận xét rằng nó khá thú vị. Tôi đề xuất rằng ông và tôi cũng làm một việc tương tự, nhưng với quy mô lớn hơn. Ông chưa bao giờ viết hồi ký, và gần như chắc chắn ông sẽ không bao giờ viết, vì thiếu thời gian. Do vậy, đề xuất của tôi sẽ là một kiểu hồi ký phỏng vấn, mặc dù có hình thức là một cuộc trò chuyện; đó sẽ là di chúc chính trị của Fidel Castro, một bản tổng kết bằng lời của chính Fidel Castro về cuộc đời ông ở tuổi tám mươi và sau hơn nửa thế kỷ kể từ cuộc tấn công vào trại lính Moncada ở Santiago de Cuba năm 1953 - thời điểm mà nhiều người coi là dấu mốc đánh dấu sự xuất hiện trước công chúng của Fidel.

Rất hiếm người có vinh dự được đi vào những trang lịch sử và huyền thoại ngay từ khi còn sống. Fidel là một người như vậy. Ông là “vĩ nhân” cuối cùng trên chính trường quốc tế. Ông thuộc về thế hệ của những lãnh tụ vĩ đại - Nelson Mandela, Hồ Chí Minh, Patrice Lumumba, Amílcar Cabral, Che Guevara, Carlos Marighela1, Camilo Torres2, Mehdi Ben Barka3 - những người, để theo đuổi lý tưởng về lẽ phải của mình, đã tham gia vào hoạt động chính trị trong những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Họ cũng là những người hy vọng thay đổi một thế giới bất công và phân biệt, một thế giới bị phân cực trong Chiến tranh lạnh, giữa Liên Xô và Mỹ. Giống như hàng nghìn người tiến bộ và trí thức lỗi lạc trên thế giới, thế hệ đó đã hoàn toàn tin tưởng rằng Chủ nghĩa cộng sản sẽ hứa hẹn một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn, và mọi bất công, phân biệt chủng tộc và nghèo đới sẽ bị quét sạch khỏi bề mặt trái đất này chỉ trong vài thập kỷ.

Vào thời gian đó - tại Việt Nam, Algeri, Guinea-Bissau, trên hơn một nửa hành tinh - những dân tộc bị áp bức đã đứng lên. Hồi đó, hầu hết nhân loại vẫn còn rên xiết dưới sự áp bức nhục nhã của chủ nghĩa thực dân. Hầu như toàn bộ châu Phi và phần lớn châu Á vẫn còn nằm dưới ách cai trị của các nước thực dân phương Tây già cỗi. Trong khi ấy, những dân tộc ở Mỹ la tinh, dù về lý thuyết đã độc lập được hơn 150 năm, vẫn đang chịu sự bóc lột của những nhóm người thiểu số có đặc quyền và thường nằm dưới ách nô dịch của nhà độc tài tàn bạo (Batista ở Cuba, Trujilo ở Cộng hòa Dominica. Duvalier ở Haiti, Somoza ở Nicaragoa. Ydigoras ở Guatemala4, Pérez Jimenez ở Venezuela5, Stroessner ở Paraguay...), những kẻ được Washington hậu thuẫn đặt lên vị trí lãnh đạo.


-----------------------------------------------------------------------
1. Carlos Marighela (1911-1969) là nhà lý luận, nhà lãnh đạo, du kích quân theo chủ nghĩa Mác người Brazil, ý tưởng của ông lấy khu vực thành thị làm tâm điểm của cuộc đấu tranh du kích, đối lập với ý tưởng của Che Guevara lấy khu vực nông thôn để đấu tranh cách mạng. Marighela ban đầu là người theo Chủ nghĩa Cộng sản nhưng bị khai trừ khỏi Đảng khi ông phản đối những xu hướng cải cách của Đảng này, sau đó ông liên minh với Fidel Castro, ông là người sáng lập và là nhà lãnh đạo chính của ALN, Nhóm hành động giải phóng dân tộc.

2. Camilo Torres Restrepo (1929-1966) sinh ra trong một gia đình người Colombia khá giả ở Bogota, ông học luật nhưng sau đó lại theo học trường dòng và trở thành tu sĩ; ông được biết đến là “thầy tu du kích”. Xuất phát từ mối quan tâm của ông đến các vấn đề xã hội, ông nghiên cứu tình trạng nghèo đói ở thành thị và nông thôn ở Colombia, sau đó, thành lập Liên minh thống nhất nhân dân. Ông xuất bản một tờ tuần tin và trở thành nhà hoạt động chính trị, nhưng vẫn liên minh với Quân đội giái phóng quốc gia. Bị quấy rầy và ngược đãi, ông quyết định tiến hành cuộc chiến tranh du kích và bị giết ngay trong trận đánh đầu tiên vào ngày 15 tháng 2 năm 1966.

3. Mehdi Ben Barka (1920 - mất tích ngày 29 tháng 10 năm 1965) là chính trị gia người Ma-rốc thuộc Đảng đối lập, Đảng này năm 1962 bị buộc tội âm mưu đảo chính chống lại nhà vua. Ông sống lưu vong, và ở Algieria, ông gặp Che Guevara, Amilcar Cabral và Malcolm X. Từ đó, ông tiếp tục đi lại và cuối cùng đến Havana, nơi ông giúp lên kế hoạch cho Hội nghị Ba châu (Hội nghị các nước thế giới thứ ba) được tổ chức ở đó năm 1966. Ben Barka là một trong những nhà lãnh đạo của Phong trào các nước thế giới thứ ba xuất hiện trong giai đoạn này. Năm 1965, ông bị “làm mất tích” bởi lực lượng cảnh sát Pháp và từ đó không còn nghe tin tức gì nữa.


4. Miguel Ydigoras Fuentes (1895-1982) là Tổng thống Guatemala từ ngày 2 tháng 3 năm 1958 đến ngày 31 tháng 3 năm 1963.
Vào thời điểm cao trào của cuộc Chiến tranh lạnh, tháng 5 năm 1954, Mỹ quyết định lật đổ Tổng thống Jacobo Arbenz với sự hỗ trợ của Nicaragua và Honduras. Một loạt các sĩ quan quân đội lên nắm quyền lãnh đạo chính phủ Guatemala từ thời điểm đó, và Ydigoras, một vị tướng, nhậm chức năm 1958.

Theo lời kêu gọi của Mỹ, Ydigoras cho phép lực lượng lưu vong người Cuba chống Castro được huấn luyện ở Guatemala để thực hiện vụ xâm lược Vịnh con lợn năm 1961.

Do chiến thuật kẻ mạnh của Ydigoras, làn sóng phản đối ngày càng gia tăng, và bản thân ông ta bị lục lượng các sĩ quan quân đội thuộc cánh hữu lật đổ năm 1963, và lực lượng này lại đưa lên một vị Tổng thống còn đàn áp mạnh tay hơn, đó là Enrique Peralta Azurdia, ngưòi cho phép lực lượng tàn sát cánh tả được phép công khai hoạt động.

5. Marcos Perez Jimenez (1914-2001) là Tổng thống Venezuela từ 1952 -1958. Từ cuối năm 1948 đến 1952, Venezuela nằm dưới sự chỉ huy của một bộ chỉ huy quân sự trong đó có Perez Jimenez. Năm 1950, vị Tổng thống của nhóm lãnh đạo này bị sát hại và một thành viên khác lên nắm quyền, Perez Jimenez đứng đằng sau điều khiển. Năm 1952, diễn ra cuộc tổng tuyển cử, nhưng khi ứng cử viên của phe đối lập có khả năng giành chiến thắng, nhóm lãnh đạo này cho tạm ngừng cuộc bầu cử và đưa Perez Jimenez lên nắm quyền. Mặc dù Perez Jimenez được công nhận là đã có những hành động tiến bộ ở Venezuela, nhưng Chính phủ của ông ta vẫn bị coi là nhẫn tâm vì đã truy bắt và đàn áp tất cả các nhóm đối lập. Năm 1963, sau khi bị dẫn độ vẻ từ Mỹ vì tội biển thủ 200 triệu USD trong thời gian cầm quyền, ông ta bị buộc tội và bị cầm tù đến năm 1968. Ông ta qua đời ở Tây Ban Nha năm 2001, ở tuổi 87.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 10:42:13 am »

Fidel khẽ mỉm cười khi nghe lời đề nghị của tôi, như thể ông lấy làm thích thú trước ý tưởng đó. Ông nhìn tôi với ánh mắt tinh nghịch, và hỏi tôi với chút giễu cợt, “Ông thực sự muốn lãng phí thời gian nói chuyện với tôi à? Chẳng nhẽ ông không còn việc gì quan trọng hơn để làm hay sao?”. Tất nhiên là tôi nói tôi thực sự muốn, và không, tôi không còn việc gì quan trọng hơn thế. Có đến hàng chục nhà báo trên khắp thế giới, trong đó có cả những nhà báo nổi tiếng và uy nhất, đã dành bao nhiêu năm trời chờ đợi cơ hội được nói chuyện với Fidel. Đối với một nhà báo chuyên nghiệp, liệu còn có cuộc phỏng vấn nào quan trọng hơn cuộc phỏng vấn này - với một người được đánh giá là một trong những nhân vật quan trọng nhất trên thế giới trong vòng sáu thập kỷ qua? Chẳng phải Castro chính là nguyên thủ quốc gia nắm quyền lâu nhất trên thế giới hiện nay1? Để so sánh, chúng ta nên nhớ rằng cũng đúng ngày Fidel, khi ấy mới ba mươi hai tuổi, vào Havana trong chiến thắng sau khi đánh bại quân đội của Batista - ngày 8 tháng 1 năm 1959 - Tướng Charles de Gaulle tuyên thệ nhậm chức tổng thống đầu tiên của nền Đệ ngũ Cộng hòa tại Pháp.

Fidel Castro đã phải đương đầu với không dưới mười đời tổng thống Mỹ (Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon, Ford, Carter, Reagan, Bush cha, Clinton và bây giờ là Bush con), ông đã có mối quan hệ cá nhân và thậm chí là bạn bè thân thiết với nhiều lãnh tụ quan trọng nhất trên thế giới từ sau năm 1945 (Nehru, Nasser, Tito, Khrushev, Olof Palme 2, Willy Brandt, Ben Bella, Boumedienne 3, Arafat, Indira Gandhi, Salvador Allende, Brezhnev, Gorbachev, Mitterand, Giang Trạch Dân, Giáo hoàng John Paul II, Vua Tây Ban Nha Juan Carlos, Nelson Mandela...), ông còn quen biết nhiều trí thức, nghệ sĩ và nhân vật nổi tiếng trong thời đại của chúng ta (Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Ernest Hemingway, Graham Greene, Arthur Miller, Pablo Neruda, Jorge Amado, Oswado Guayasamin, Henri Cartier-Bresson, Oscar Niemeyer, Julio Cortazar, Jose Saramago, Gabriel García Marquez, Claudio Abbado, Yves-Jaccques Cousteau, Harry Belafonte, Angela Davis, Jesse Jackson, Danielle Mitterand, Costa-Gavras, Gerard Depardieu, Danny Glover, Robert Redford, Jack Nicholson, Steven Spielberg, Eduardo Galeano 4, Diego Maradona, Oliver Stone, Noam Chomsky và nhiều, rất nhiều người khác).

Dưới sự lãnh đạo của Fidel, đất nước Cuba bé nhỏ (với diện tích 100.000 km vuông và dân số khoảng 11 triệu người) đã theo đuổi một đường lối ngoại giao cực kỳ mạnh mẽ, với tác động vô cùng sâu rộng - hòn đảo này đã hiên ngang đứng vững bên cạnh nước Mỹ, bất chấp những nỗ lực của lãnh đạo siêu cường này trong việc lật đổ hay ám sát Fidel, và thậm chí là đẩy Cách mạng đi chệch hướng.


-----------------------------------------------------------
1. Tính đến tháng 12 năm 2006, Vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan, lên ngôi ngày 5 tháng 5 năm 2950, và Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh, lên ngôi ngày 6 tháng 2 năm 2952, là những ngưòi nắm chức vụ lâu hơn bất kỳ người đứng đầu nhà nước nào khác, bao gồm cả Fidel Castro, nhưng cả hai người này đều không được coi là nhà lãnh đạo chính trị của đất nước như Fidel Castro. Cả Thái Lan và Vương quốc Anh đều có Thủ tướng.

2. Olof Palm (1927-1986) là nhà lãnh đạo Đảng dân chủ Xã hội cúa Thụy Điển, là Thủ tướng của nước này từ 1969 đến 1976 và là Thủ tướng nội các cho đến khi qua đời vì bị ám sát.

3. Houari Boumedienne (1927 (hoặc 1932?) - 1978) sinh ra ở Mohammed Bou Kharrouba ở phía đông Algieri. Năm 1954, ông gia nhập Mặt trận giải phóng dân tộc Algieri (FNL) nhằm giúp sức cho cuộc đấu tranh du kích chống lại nước Pháp. Khi Algieri giành độc lập, ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng dưới quyền của Ahmed Ben Bella, nhưng năm 1965, ông cầm đầu một vụ đảo chính chống Ben Bella và thành lập một Chính phủ Xã hội Hồi giáo.

4. Eduador Galeano (sinh năm 1940) là nhà báo kiêm tiểu thuyết gia ngưòi Uruguay. Tác phẩm lịch sử nổi tiếng nhất của ông là Mạch nguồn của châu Mỹ La-tinh (1971), một tác phẩm đồ sộ giải thích lịch sử của châu Mỹ La-tinh từ người Tây Ban Nha cho đến thời kỳ chủ nghĩa tư bản Mỹ và sự thống trị về chính trị hiện tại.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 10:51:54 am »

Tháng 10 năm 1962, một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ ba đã suýt xảy ra khi chính phủ Mỹ kịch liệt phản đối việc Liên Xô triển khai các tên lửa hạt nhân tại Cuba - những quả tên lửa có chức năng hàng đầu là bảo vệ hòn đảo này và ngăn ngừa một cuộc xâm lược thứ hai giống như cuộc tấn công từng được thực hiện năm 1961 tại Vịnh Con Lợn với sự hậu thuẫn trắng trợn của quân đội Mỹ, nhưng cuộc xâm lược lần thứ hai sẽ do chính quân đội Mỹ thực hiện, với mục tiêu là lật đổ Chính phủ Cuba.

Từ năm 1960, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến kinh tế chống Cuba, và bất chấp sự phản đối ngày càng mạnh mẽ của Liên hợp quốc 1, đã đơn phương áp đặt lệnh cấm vận thương mại cực kỳ nguy hại lên đất nước nhỏ bé này, một lệnh cấm vận được củng cố vào những năm 90 của thế kỷ trước với Đạo luật Helms-Burton và Tu chính án Torricelli và mới đây lại được chính phủ Bush tăng cường thêm vào tháng 5 năm 2004 2. Lệnh cấm vận này đã hủy hoại sự phát triển bình thường của Cuba và góp phần làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế và tài chính vốn đã mong manh của đất nước này 3, với những hậu quả khốc liệt đối với người dân Cuba.

Mỹ cũng đã theo đuổi một cuộc chiến tranh truyền thông và ý thức hệ không ngừng nghỉ chống lại Havana, với những đài phát sóng đầy quyền lực - như Radio Marti và TV Marti - được bố trí tại Florida và phủ kín hòn đảo này với những luận điệu tuyên truyền giống như thời Chiến tranh lạnh. Chính quyền Mỹ, thường thông qua những mặt trận như Quỹ Tài trợ Quốc gia vì Dân chủ (NED), một tổ chức phi chính phủ do Ronald Reagan lập ra năm 1983, để tài trợ tiền cho các nhóm hải ngoại truyền bá các luận điệu thù địch chống Cuba.

Ví dụ, theo Associated Press, năm 2005 NED đã cung cấp 2,4 triệu USD cho các tổ chức hoạt động tại châu Âu nhằm làm thay đổi chế độ tại Cuba. Ngoài ra còn có Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), vốn phụ thuộc hoàn toàn vào chính phủ Mỹ và từ năm 1996 đến nay đã chuyển hơn 65 triệu USD cho các lực lượng chống Fidel Castro hoạt động chủ yếu tại Florida. Tháng 5 năm 2004, chính quyền Bush đã thành lập một quỹ bổ sung trị giá 80 triệu USD dành riêng cho việc tăng cường viện trợ cho các nhóm này  . Hàng chục nhà báo trên thế giới được trả tiền để truyền tải các thông tin sai lạc về Cuba.

Một phần khoản tiền này được sử dụng để tài trợ cho các tổ chức khủng bố thù địch với chính phủ Cuba - trong đó phải kể đến Alpha 66 và Omega 7. Những tổ chức này có trụ sở ở Florida, nơi chúng bố trí các trại huấn luyện và thường xuyên tung các nhóm biệt kích có vũ trang vào Cuba để thực hiện những vụ đánh bom và phá hoại, tất cả đều có sự đồng lõa trắng trợn của chính quyền Mỹ. Trong vòng 40 năm qua đã có hơn 3500 người Cuba chết vì các cuộc tấn công khủng bố, với hơn 2000 người bị tàn tật vĩnh viễn - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác - và cho đến nay hậu quả của những hoạt động khủng bố đó vẫn còn đè nặng lên đất nước này.

Năm 2005, ngang nhiên chà đạp lên chủ quyền quốc gia của Cuba - dưới chiêu bài hòn đảo này là “vấn đề nội bộ” của Mỹ - Washington đã trắng trợn bổ nhiệm chức danh “Điều phối viên phụ trách Chuyển đổi chế độ ở Cuba” cho một nhân vật tên là Cabeb McCarry, một người từng đảm đương nhiệm vụ này tại Afghanistan.


----------------------------------------------------------
1. Tháng 11 năm 2006, năm thứ 15 liên tiếp, trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ phiếu thuận là 184/4, Liên hợp quốc yêu cầu Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận về kinh tế và thương mại áp đặt đơn phương đối với Cuba.

2. Những biện pháp mới được thông qua ngày 6 tháng 5 năm 2004 cúa chính quyền Bush vô cùng hà khắc. Ví dụ, bất kỳ người Mỹ gốc Cuba nào đi thăm một người họ hàng bị bệnh ở Cuba mà không được phép của Bộ Tài chính, hay ở lại đất nước này quá 14 ngày trong vòng 3 năm, hay tiêu hơn 50 USD một ngày trong 14 ngày ở lại hòn đảo này, hoặc gửi tiền về cho bất kỳ người thân trong gia đình nào ở Cuba là thành viên của Đảng Cộng sản Cuba, sẽ có nguy cơ bị phạt 10 năm tù và 1 triệu USD. Xem Salim Lamrani, “Cuba et Vespoir d”un monde meilleur”, 28 tháng 12 năm 2006, ).

3. Từ năm 1961 đến năm 2006, sự thiệt hại đối với nền kinh tế Cuba do lệnh cấm vận của Mỹ ước tính là hơn 70 tỷ USD.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 02:00:03 pm »

Ngày 10 tháng 6 năm 2006, Ủy ban Hỗ trợ Cuba Tự do, do Ngoại trưởng Condoleeza Rice và Bộ trưởng thưong mại Mỹ Carlos Guitierrez làm đồng chủ tịch, đã trình lên Tổng thống Mỹ một bản báo cáo với kiến nghị cần làm tất cả những gì có thể để “chiến lược duy trì chế độ của Castro sẽ thất bại”. Tài liệu này cho biết tổng lượng tiền mà Mỹ đã gửi viện trợ cho những đồng minh của mình ở Cuba - những người mà nhà văn Ernest Hemingway, trong một văn cảnh hoàn toàn khác, đã gọi là “thê đội năm” 1  - lên đến 68,2 triệu USD, và khẳng định số tiền này được gửi trực tiếp tới “những người bất đồng chính kiến”, phục vụ cho công tác huấn luyện, mua sắm trang thiết bị và nhu yếu phẩm cần thiết.

Đây là một âm mưu không thể nào chối cãi được của một siêu cường nhằm gây mất ổn định tình hình của một nước nhỏ . Chủ tịch Quốc hội Cuba, Ricardo Alarcón, đã nói, “chừng nào chính sách này còn được duy trì, thì vẫn sẽ còn những người Cuba thông đồng với Mỹ, nhận tiền của Mỹ;... tôi không hề biết quốc gia nào lại không coi đó là một hành động tội ác”. Và ông đã hoàn toàn chính xác khi gọi đó là một tội ác nếu chúng ta biết trong bản báo cáo đó phía Mỹ đã viết gì: Vì những lý do an ninh và để bảo đảm tính hiệu quả, một số kiến nghị được xếp riêng vào một phụ lục tuyệt mật riêng biệt.

Bất chấp những đòn tấn công dai dẳng của Mỹ và hơn 600 âm mưu ám sát nhằm vào Fidel Castro, Cuba vẫn chưa bao giờ đáp trả bằng bạo lực. Suốt 48 năm trời, không hề có bất kỳ hành động bạo lực nào do Cuba khuyến khích hay tài trợ xảy ra tại Mỹ. Ngược lại - Castro còn ra một tuyên bố sau khi xảy ra những cuộc tấn công khủng bố vào New York và Washington ngày 11 tháng 9 năm 2001 rằng “thái độ thù địch của nước Mỹ đối với Cuba cũng không vì thế mà làm giảm đi nỗi thương cảm sâu sắc mà chúng tôi dành cho những nạn nhân của các vụ tấn công này... Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng cho dù quan hệ của Cuba với chính quyền Washinton có như thế nào chăng nữa, sẽ không bao giờ có kẻ nào từ Cuba bước ra để thực hiện một vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ”. Và để nhấn mạnh, Castro đã nói thêm, “Tôi sẵn sàng để họ cắt cụt bàn tay mình nếu họ tìm thấy bất kỳ lời nào có nội dung miệt thị hoặc xúc phạm nhân dân Mỹ. Chúng tôi sẽ chẳng hơn gì những kẻ cuồng tín ngu xuẩn nếu chúng tôi đi trách cứ nhân dân Mỹ vì sự khác biệt giữa hai chính phủ chúng ta”.

Để chống lại sự thù địch không ngừng nhắm vào Cuba từ bên ngoài, ở trong nước Chính phủ Cuba đã kiên định đường lối đoàn kết, thống nhất tuyệt đối. Cuba vẫn luôn duy trì nguyên tắc một đảng chính trị duy nhất, và đã rất mạnh tay trừng phạt bất kỳ sự chống đối hoặc khác biệt nào về quan điểm, áp dụng đúng theo phương châm của Thánh Ignatius Loyola: “Trong một pháo đài bị bao vây, mọi sự bất đồng đều là phản quốc”. Do đó, bản báo cáo năm 2006 của Tổ chức Ân xá quốc tế về nhân quyền đã lên án quan điểm của Chính phủ Cuba về các quyền tự do cơ bản (tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do đi lại) và khuyến cáo cả thế giới rằng “vẫn còn gần 70 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù Cuba”. Cho dù thong tin đó có chính xác hay không thì đây cũng là một thực tế mà Cuba khó cỏ thể biện minh một cách thỏa đáng. Cả với án tử hình cũng vậy, trong khi hình phạt này đã bị hủy bỏ ở hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới (trừ Mỹ và Nhật Bản). Không một ai tin vào dân chủ lại tán thành sự tồn tại của những tù nhân lương tâm và việc duy trì án tử hình 2 .

Tuy nhiên, những báo cáo gay gắt này của Tổ chức Ân xá quốc tế cũng không hề đưa ra bất kỳ cáo buộc nào việc có tình trạng tra tấn tù nhân tại Cuba, hoặc “sự mất tích”, thủ tiêu các nhà báo, hay các vụ ám sát chính trị, cũng như việc cảnh sát đánh đập người biểu tình. Cũng chưa bao giờ có một cuộc bạo loạn nào chống lại chế độ do Castro lãnh đạo - trong suốt hơn 50 năm qua của cuộc Cách mạng. Mặc dù vậy, những bản báo cáo đó cũng cho biết tại một số quốc gia trong khu vực nằm dưới sự theo dõi của báo chí và công luận - Guatemala, Honduras, El Salvador, Cộng hòa Dominica, thậm chí cả Mêhicô, đó là chưa kể đến Colômbia 3, - phụ nữ, các thành viên công đoàn, thành viên các đảng đối lập với chính phủ, phóng viên, linh mục, chánh án, thị trưởng, và lãnh đạo các hội dân sự vẫn liên tiếp bị giết hại một cách trắng trợn, và tất cả những sự vi phạm nhân quyền dã man đó cũng ít nhận được sự quan tâm và lên án của giới truyền thông quốc tế hơn.

Bên cạnh đó cũng phải bổ sung một thực tế rằng những quốc gia này, vốn nằm trong danh sách những nước nghèo nhất trên thế giới, đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ nghiêm trọng: quyền lợi kinh tế, văn hóa và xã hội của hàng triệu người bị vi phạm thường xuyên; tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao đến mức đáng hổ thẹn; tuổi thọ thấp; nghèo đói; vô gia cư; thất nghiệp; chăm sóc y tế thiếu thốn; nạn ăn xin, trẻ đường phố, và những khu ổ chuột; nghiện ngập và buôn bán ma túy; tỷ lệ tội phạm cao; và đủ các loại tệ nạn xã hội khác... tất cả những hiện tượng này không hề tồn tại tại Cuba.



----------------------------------------------------------
1. Cách diễn đạt “đạo quân thứ 5” xuát phát từ cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, khi tướng Franquista Queipo de Llano khẳng định rằng, quân đội của ông không phải chí có bốn đạo quân đang tiến về Madrid mà còn có đạo quân thứ 5 - đó là những du kích quân ủng hộ Franco trong lòng thành phố - chiếm lĩnh thành phố. Năm 1938, Ernest Hemingway (1899-1961) xuất bản một vở kịch, đó là vở kịch duy nhất mà ông viết, có tiêu đề Đạo quân thứ năm và đã làm cho cách nói này trở nên phổ biến.

2. Thực ra, từ tháng 4 năm 2003, ở Cuba án tứ hình đã được tạm hoãn thi hành. Trong báo cáo năm 2006 của mình, Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng trong tháng 12 năm 2005, “Hơn 30 tù nhân vẫn nằm trong danh sách tử hình. Không có ai bị xử tử”.

3. Trong báo cáo năm 2006, Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng, ở Colombia, “ít nhất 70 nhà hoạt động công đoàn và 7 người bảo vệ nhân quyền bị xử tử trong năm 2005. ít nhất 1.050 dân thường bị giết chết hoặc “mất tích” trong những hoàn cảnh không xảy ra đấu tranh trong nửa đầu năm 2005”. Ngoài ra, báo cáo này còn khẳng định, “hơn 2.750 trường hợp bị giết và “mất tích” lã do lực lượng bán vũ trang gây ra trong khoảng thời gian giữa tuyên bố ngừng bắn của AUC (Lực lượng tự phòng vệ thống nhất của Colombia) năm 2002 cho đến cuối năm 2005”. Bất chấp những hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn này, Chính phủ Mỹ vẫn dành cho Chính phủ Colombia khoản viện trợ tài chính lên tới 781 triệu USD trong năm 2005. (Xem nội dung bán báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế năm 2006 trên địa chỉ: http://www.web.amnesty.orti).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 02:06:37 pm »

Ngay cả chuyện tôn sùng cá nhân cũng vậy. Mặc dù gương mặt Fidel thường xuyên xuất hiện trên báo chí, trên truyền hình và trên đường phố, nhưng hoàn toàn không có bức chân dung chính thức nào, cũng như không hề có tượng đài, đồng xu, đại lộ hay công trình, đài tưởng niệm nào dành riêng cho Fidel Castro, hay bất kỳ lãnh đạo nào của Cách mạng đang còn sống.

Bất chấp sự chống phá không ngừng nghỉ từ bên ngoài, đất nước nhỏ bé này vẫn kiên cường giữ vững chủ quyền và đã đạt được những thành tựu cực kỳ đáng ngưỡng mộ trong lĩnh vực phát triển con người: xóa bổ sự phân biệt sắc tộc, giải phóng phụ nữ, xóa mù chữ, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh 1, nâng cao dân trí... Trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu y học và thể thao, Cuba đã đạt được những thành tựu mà nhiều quốc gia phát triển cũng phải ghen tỵ 2.

Cuba tiếp tục là một trong những quốc gia có chính sách ngoại giao năng động nhất trên thế giới. Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, nước này đã ủng hộ các phong trào kháng chiến có vũ trang ở một số quốc gia Trung Mỹ (E1 Salvador, Guatemala, Nicaragua) và Nam Mỹ (Colombia, Venezuela, Bolivia, Argentina). Lực lượng vũ trang Cuba, được gửi đi khắp nơi trên thế giới, đã tham gia trong những chiến dịch quân sự có ảnh hưởng quan trọng, đặc biệt là trong những cuộc chiến tại Ethiopia và Angola. Trong thực tế, sự can thiệp của lực lượng vũ trang Cuba vào Angola đã góp phần đánh bại những sư đoàn thiện thiến của Cộng hòa Nam Phi và rõ ràng là đã thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ phân biệt chủng tộc a-pác-thai ở Nam Phi và giúp Nelson Mandela được phóng thích, cựu tổng thống Nam Phi đã không bao giờ quên tình bạn với Fidel Castro và món nợ của ông đối với Cách mạng Cuba.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Cuba đã đóng vai trò lãnh đạo trong Phong trào Không liên kết và phát động một chiến dịch quốc tế sâu rộng nhằm từ chối việc thanh toán nợ nước ngoài của các quốc gia Mỹ latinh. Trong bối cảnh hỗn loạn của hệ thống xã hội chủ nghĩa sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu năm 1991, Cách mạng Cuba đã trải qua những năm tháng vô cùng gian khổ, một giai đoạn được gọi là “thời kỳ đặc biệt”, nhưng cuối cùng Cuba đã vượt qua, trước sự sững sờ của kẻ thù.

Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Cuba không còn phụ thuộc vào bất kỳ một cường quốc nào - không phải Tây Ban Nha, Mỹ hay Liên Xô. Cuối cùng thì cũng hoàn toàn độc lập, đất nước này bắt đầu một đời sống chính trị thứ hai - đứng về bên tả của phong trào cánh tả quốc tế, gắn bó chặt chẽ với tất cả các phong trào và lực lượng tiến bộ quốc tế, và là một phần trong cuộc tấn công quy mô lớn chống lại chủ nghĩa tự do mới và toàn cầu hóa.

Trong bối cảnh địa chính trị như vậy, nhờ vào những thành tựu của mình và bất chấp những tồn tại không nhỏ (những khó khăn về kinh tế, bộ máy hành chính quan liêu, nạn tham nhũng lan tràn ở cấp cơ sở, sự khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, thiếu thốn thức ăn và nhu yếu phẩm, thiếu năng lượng, thiếu rất nhiều phương tiện giao thông công cộng và cá nhân, các vấn đề về nhà ở, chế độ tem phiếu, và sự hạn chế một số quyền nhất định), Cách mạng Cuba vẫn luôn là nguồn cổ vũ lớn lao cho hàng triệu người bị áp bức trên hành tinh này.

Mặc dù Cuba hoàn toàn không có ý định “xuất khẩu” mô hình chính trị-xã hội của mình, tại nhiều nơi trên thế giới vẫn có vô số con người bị áp bức đang đấu tranh và nhiều khi phải hy sinh vì những mục tiêu xã hội giống như những gì mà Cách mạng Cuba đã giành được. Điều này đặc biệt chính xác ở châu Mỹ latinh, nơi mà sự đoàn kết với Cuba và sức hút từ hình ảnh Fidel Castro chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế.

Từ sau chiến thắng vang dội trong bầu cử của Hugo Chavez tại Venezuela tháng 12 năm 1998 đến tháng 12 năm 2006, trên khắp lục địa này đã có rất nhiều ứng cử viên cánh tả giành thắng lọi trong các cuộc tổng tuyển cử một cách dân chủ: Nestor Kirchner ở Argentina, Lula da Silva ở Brazil, Tabaré Vazquez ở Uruguay, Martin Torrijos ở Panama, René Préval ở Haiti, Michelle Bachelet ở Chile, Evo Morales ở Bolivia, Daniel Ortega ở Nicaragua và Rafael Correa ở Ecuador. Tại các nước khác, chỉ có những âm mưu gian lận phiếu mới ngăn được các ứng cử viên cánh tả giành chiến thắng - như trường hợp đã xảy ra vào tháng 7 năm 2006 tại Mêhicô với việc Andrés Lopez Obrador thất bại vì kém đối thủ 0,56% số phiếu.

Tình hình này tại châu Mỹ latinh được đánh giá là hoàn toàn chưa có tiền lệ. Chỉ mới cách đây chưa lâu, với những lý do khác nhau, chỉ cần một cuộc đảo chính quân sự (gần đây nhất là xảy ra ngày 11 tháng 4 năm 2002 tại Venezuela chống lại Tổng thống Hugo Chavez) hoặc một sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ (mới đây nhất là vào tháng 12 năm 1989 tại Panama nhằm lật đổ Tổng thống Manuel Noriegal) là có thể chấm dứt bất kỳ nỗ lực cải cách kinh tế và xã hội nào, bất chấp sự ủng hộ của đại đa số người dân trong nước. Chúng ta phải nhớ rằng các lãnh đạo được bầu lên bằng con đường dân chủ như Jacobo Arbenz tại Guatemala, Joao Goulart ở Brazil, Juan Bosch ở Cộng hòa Dominica và Salvador Allende ở Chile, bốn trong những trường hợp nổi tiếng nhất, đều bị lật đổ (lần lượt vào các năm 1954, 1964, 1965, và 1973) sau những cuộc đảo chính quân sự do Mỹ hậu thuẫn để ngăn cản những nỗ lực cải cách triệt để trong các xã hội quá bất bình đẳng - những nỗ lực cải cách có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ (trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, kéo dài từ 1947 đến 1989) và đã tạo ra một sự dịch chuyển của các liên minh mà Washington hoàn toàn không có ý định cho phép hình thành.


----------------------------------------------------------
1. Năm 2006, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh - tỷ lệ trẻ em sinh ra còn sống nhưng qua đời khi chưa đầy 1 năm tuổi - ở mức 5,3/1.000 em ở Cuba, mức thấp nhất ở khu vực châu Mỹ La-tinh và là mức thấp thứ hai ở châu Mỹ, chỉ sau Canada.

2.Trong báo cáo phát triển con người năm 2006 cúa Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNPD) đã đưa Cuba đứng vào hàng 3 nước đầu tiên trong tổng số 177 nước được nghiên cứu; có nghĩa là, Cuba đã được xếp vào hàng “các nước phát triển con ngưòi cao”. Cuba đứng ở vị trí thứ 50 sau Ác-hen-ti-na, Uruguay, và Costa Rica, nhưng đứng trên Mêhico, Brazil, Colombia và các nước khác ở châu Mỹ La-tinh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 02:16:30 pm »

Trong bối cảnh địa chính trị thời kỳ đó, mô hình thử nghiệm duy nhất mang màu sắc cánh tả vẫn còn trụ vững được chính là Cuba. Nhưng tất cả chúng ta đều chứng kiến cái giá mà đất nước này đã phải trả. Những áp lực và sự chống phá đã buộc Cuba phải gồng mình lên một cách khấc nghiệt nhất, và, để thoát khỏi sự cô lập về chính trị cũng như âm mưu bóp nghẹt về kinh tế do Mỹ áp đặt, phải dành hết ưu tiên cao nhất trong suốt hơn hai mươi năm cho một liên minh đặc biệt với Liên Xô xa xôi - sự sụp đổ đột ngột của siêu cường này tháng 12 năm 1991 đã gây cho Cuba những khó khăn tưởng như không thể vượt qua. Vì vậy, ngoại trừ trường họp của Cuba, tất cả những nỗ lực nhằm thay đổi cơ cấu sở hữu hoặc hướng tới một hệ thống phân phối tài sản bình đẳng hơn ở châu Mỹ la tinh đều bị bóp chết một cách tàn bạo...cho đến tận cách đây vài năm.

Tại sao một điều mà nước Mỹ không cho phép suốt hàng thập kỷ qua giờ đây lại được chấp nhận? Tại sao một làn sóng đỏ (hoặc ít nhất cũng là hồng) lại có thể quét qua ngần đấy quốc gia Mỹ la tinh mà không bị cấm cản như trước kia? Điều gì đã thay đổi? Trước hết, chúng ta phải nhận ra một lý do cực kỳ thuyết phục: sự thất bại, trên khắp châu Mỹ latinh của các mô hình thử nghiệm theo đường lối tự do mới trong những năm 90 của thế kỷ trước. Tại nhiều quốc gia, những chính sách này đã dẫn đến những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng và tệ hại: quá trình tư nhân hóa ồ ạt đã dẫn đến việc bán tống bán tháo tài sản quốc gia với giá rẻ mạt; tham nhũng tràn lan; nạn vơ vét trắng trợn trên quy mô quốc gia; sự bần cùng hóa của tầng lớp lao động và trung lưu; và sự hủy hoại của toàn bộ các ngành công nghiệp. Cuối cùng, và có lẽ cũng là hoàn toàn dễ hiểu, người dân đã đứng lên đấu tranh. Tại Venezuela, Bolivia, Ecuador, Peru và cả ở Argentina, các cuộc bạo loạn của người dân đã lật đổ ghế của những tổng thống được bầu lên một cách dân chủ nhưng lại tưởng nhầm rằng một khi giành chiến thắng trong tổng tuyển cử họ có thể làm gì tùy thích trong suốt nhiệm kỳ của mình - thậm chí cuối cùng còn phản bội cả cương lĩnh và nhân dân của chính mình.

Vì vậy, những cuộc biểu tình khổng lồ tại Argentina tháng 12 năm 2001, dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ tổng thống Fernando de la Rua, và đặc biệt là thất bại thảm hại của chính sách tự do mới trong giai đoạn 1989-1999 của Tổng thống Carlos Menem, xét theo góc độ nào đó, có thể được so sánh với sự sụp đổ của Bức tường Berlin ngày 9 tháng 11 năm 1989 tại châu Âu: sự phủ nhận cuối cùng của một mô hình giáo điều, kiêu ngạo và không được lòng dân.

Một lý do cơ bản khác: từ sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 và nhất là sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, những toan tính địa chính trị cơ bản của nước Mỹ, vốn được coi là “bố già” (theo đúng nghĩa của giới mafia) tại khu vực mà Mỹ coi là “sân sau” của mình, đã chuyển sang Trung và Cận Đông, những nơi vừa có dầu vừa có kẻ thù hiện tại của Mỹ. Sự thay đổi trọng tâm này đã cho phép xuất hiện một loạt các mô hình cánh tả tại châu Mỹ latinh, và rõ ràng là đã thành công trong việc ngăn ngừa không cho người hàng xóm khổng lồ phương bắc dìm chết từ trong trứng nước như trước kia. Đây là một cơ hội lý tưởng cho Havana trong việc phát triển các đồng minh mới nổi trong khu vực thông qua những thỏa thuận về kinh tế, chính trị với các đối tác này, đặc biệt là với Venezuela của Tổng thống Hugo Chavez. Chúng ta cần nhớ rằng tại Hội nghị Thượng đỉnh Mercosur ở Cordoba, Argentina năm 2001, Fidel Castro đã ký một hiệp định thương mại quan trọng với các quốc gia thành viên của tố chức này, trong đó có cả Brazil và Argentina. Đây không chỉ là thách thức công khai đối với lệnh cấm vận của Mỹ mà còn là minh chứng cho sự ủng hộ của các nước Nam Mỹ đối với đất nước nhỏ bé suốt nửa thế kỷ qua đã kiên cường bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình trước sự chống phá của siêu cường lớn nhất hành tinh.

Điều gì sẽ xảy ra khi Chủ tịch Fidel Castro qua đời - vì những nguyên nhân tự nhiên? Hiển nhiên là sẽ có những thay đổi nhất định, vì không ai trong bộ máy quyền lực của Cuba (cả bên Chính phủ, Đảng, cũng như lực lượng vũ trang) có được quyền lực như của Castro - một quyền lực giúp ông có được vai trò bằng bốn người khác: nhà tư tưởng, tư lệnh vũ trang 1, người sáng lập và nhà chiến lược cách mạng trong suốt 50 năm qua. Một số nhà phân tích dự đoán rằng hệ thống hiện tại sẽ nhanh chóng sụp đổ, hoặc bị lật đổ, như đã xảy ra ở Đông Âu sau khi Bức tường Berlin bị phá bỏ. Họ đã sai. Họ cũng chỉ là nạn nhân của ảo tưởng hão huyền vẫn luôn ám ảnh trong đầu những nhà tân bảo thủ Mỹ, những người tự huyễn hoặc mình rằng tất cả những chế độ chuyên chính, không có ngoại lệ, đều chỉ là những vỏ rỗng sẽ nhanh chóng tan tành sau cú huých đầu tiên. Chúng ta cần nhớ rằng chính lối suy nghĩ ảo tưởng này đã khiến Mỹ sa lầy tại Afghanistan và Irắc. Rất ít khả năng chúng ta sẽ chứng kiến tại Cuba xảy ra một sự chuyển đổi giống như ở Đông Âu trước kia, nơi một mô hình bị áp đặt từ bên ngoài vào và không nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân, đã sụp đổ tan tành trong một thời gian ngắn.

Ngày 31 tháng 7 năm 2006 có thể xem như bằng chứng thuyết phục cho nhận định này. Ngày hôm đó, sau một ca phẫu thuật phức tạp vì “xuất huyết đường ruột”, Fidel Castro, lần đầu tiên kể từ năm 1959, và cũng chỉ là “tạm thời”, đã chuyển giao tất cả quyền lực và trách nhiệm cho một nhóm gồm bảy quan chức chính phủ do Rául Castro đứng đầu  . Nhiều kẻ thù của ông đã vội vàng tuyên bố chế độ tại Cuba sắp sụp đổ đến nơi và dự báo về một sự nổi dậy của người dân. Quỹ Quốc gia Cuba - Mỹ ngay lập tức đã kêu gọi một “cuộc nổi dậy cả về dân sự và quân sự” để lật đổ chế độ. Và vào ngày 2 tháng 8, George W. Bush cũng kêu gọi một cuộc nổi dậy, ông ta đã truyền thông điệp của mình vào hòn đảo: “Chúng tôi ủng hộ các bạn trong nỗ lực thành lập một chính phủ quá độ hưởng tới nền dân chủ” và đe dọa sẽ trừng trị những người ủng hộ Cách mạng phản đối một “Cuba tự do”. Nhưng ngày tháng cứ thế trôi qua và đến cuối tháng 12, tất cả các nhà quan sát đều nhận định rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường trên đất nước Cuba. (Ngày 19/02/2008 vừa qua Fidel Castro đã tuyên bố rút lui khỏi cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng tư lệnh Quân đội Cuba, chuyển giao quyền lực cho em trai mình là Rául Castro - ND).

Mặc dù những đối thủ của ông thấy thật khó tin, sự thật là đại đa số người dân Cuba (mặc dù không phải là tất cả) đều trung thành với Cách mạng. Đó là lòng trung thành được xây dựng trên tình yêu nước - một tình yêu, không giống như những gì đã xảy ra ở các quốc gia cộng sản Đông Âu, bắt nguồn từ cuộc đấu tranh lịch sử của hòn đảo này trước những âm mưu thôn tính của Mỹ.


----------------------------------------------------------
1. “Chiến thắng bằng chính đôi tay của mình là những người chiến thắng cao cả hơn hết”, câu nói này của Alexandre Đại đế, một trong những nhân vật lịch sử mà Castro ngưỡng mộ nhất.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 03:02:18 pm »

Cho dù những người gièm pha ông có thích hay không, Fidel Castro vẫn có một vị trí xứng đáng trong ngôi đền vĩnh cửu tôn vinh những vĩ nhân đã đấu tranh kiên cường nhất vì công bằng xã hội và tình đoàn kết vĩ đại đối với những dân tộc bị áp bức. Như Frei Betto, nhà thần học Thiên Chúa giáo người Brazil và cựu cố vấn của Tổng thống Lula, đã nói, “Fidel Castro không chỉ giải phóng tổ quốc mình khỏi cái đói, mà còn khỏi cái dốt, tội phạm và nạn ăn xin, và sự quy lụy trước chủ nghĩa đế quốc”.

Vì tất cả những lý do đó - bất chấp sự bất bình của tôi trong tháng 3 và tháng 4 năm 2003 trước những án tù quá nặng dành cho các phần tử bất đồng chính kiến ôn hòa và án tử hình dành cho ba đối tượng cướp tàu - tôi cũng không thể không nghĩ rằng thật bất công khi Fidel Castro, một lãnh tụ xuất chúng bị báo chí phương Tây phê phán và lên án gay gắt, lại không có cơ hội giải thích mọi chuyện theo quan điểm của mình, và trực tiếp đưa ra những tuyên bố về cuộc đời đấu tranh cách mạng của ông.

Fidel Castro là một nhà hùng biện sung sức nhưng lại có rất ít những cuộc phỏng vấn dài, và trong suốt 50 năm qua mới chỉ có bốn cuộc trò chuyện như vậy được xuất bản: hai cuộc với Gianni Miná, một với Frei Betto và một với nhà văn, cựu Bộ trưởng người Nicaragua là Tomas Borge. Sau gần một năm chờ đợi, tôi nhận được thông báo ông đã đồng ý chấp nhận lời đề nghị của tôi, và ông sẽ có cuộc trò chuyện dài thứ năm, để rồi hóa ra đây lại là cuộc trò chuyện dài nhất và toàn diện nhất từ trước đến nay.

Tôi tự chuẩn bị rất công phu, như thể tôi chuẩn bị tham gia vào một cuộc thi marathôn. Tôi đọc đi đọc lại hàng chục cuốn sách, bài viết rồi báo cáo và tham khảo rất nhiều bạn bè, trong đó có nhiều người biết rõ hơn tôi về lịch sử phức tạp, những giai đoạn thắng lợi và thoái trào của Cách mạng Cuba, để có thể giúp tôi những gợi ý, những chủ đề cần xoáy sâu, đánh giá kỹ hơn. Chính nhờ họ mà tôi đã có thêm những câu hỏi phù họp để đặt ra với Fidel Castro trong cuốn sách phỏng vấn này.

Cuốn sách này thuộc thể loại hỗn hợp giữa hồi ký và phỏng vấn, vừa mang tính cổ điển - giống như cuốn Những cuộc trò chuyện với Eckermann của Goethe xuất bản năm 1835 1  - vừa mang tính hiện đại, vì những kỹ thuật ghi âm hiện nay giúp cho loại hình phỏng vấn này trở nên phổ biến hơn. Có thể xếp đồng thời cuốn sách này vào thể loại “báo chí” và “chính luận”. Báo chí bởi vì phỏng vấn là một trong những thể loại báo chí hành nghề của một phóng viên, mặc dù đây là thể loại mới mẻ hơn mọi người vẫn nghĩ: cuộc phỏng vấn hiện đại đầu tiên, giữa Horace Greely và lãnh tụ giáo phái Mormon Brigham Young được công bố trên tờ New York Times ngày 20 tháng 8 năm 1859. Và chính luận là bởi vì quy mô và chiều sâu của một cuốn sách sẽ giúp cho cuộc phỏng vấn bỏ đi được những yếu điểm thong thường là vẻ sắp đặt, cũng như tốc độ và sự ăn xổi vốn có của phát thanh, truyền hình và internet hiện đại.

Thời gian, đối với một cuốn sách, sẽ có diễn tiến chậm hơn, và vị thế của nó cũng khác - và xét theo góc độ này, điều đó sẽ cho phép người được phỏng vấn đọc lại những tuyên bố của mình, sửa đổi và hiệu đính, bổ sung những chi tiết bị quên mất, và thêm thắt những thông tin cần thiết. Một khi không bị ràng buộc với yêu cầu bức thiết vẻ “trực tiếp và độc quyền”, người phỏng vấn có thể sắp xếp các câu hỏi, tổ chức chúng thật hợp lý sao cho cuộc trò chuyện có nhịp điệu và tính xuyên suốt. Trong trường hợp này, tôi còn muốn cuộc phỏng vấn là một cuốn sách về lịch sử đương đại, và mong muốn đó đã khiến tôi bổ sung vào các tuyên bố của Chủ tịch Cuba rất nhiều những chi tiết và chú giải nhằm góp phần làm rõ bối cảnh, cung cấp thông tin về các nhân vật chính trị, văn hóa và lịch sử mà Castro và tôi dề cập đến, cũng như nhắc lại các sự kiện lịch sử; tôi còn thiết lập cả một bảng niên giám với những chi tiết so sánh rất hữu ích về thời gian và địa lý.

Trước khi chúng tôi ngồi xuống làm việc giữa không khí tĩnh lặng và hơi u ám trong văn phòng riêng của Fidel - vì phần đó của cuộc phỏng vấn đã được ghi hình cho một cuốn phim tài liệu 2  - tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn một chút về nhân vật của chúng ta, gần gũi với ông hơn, quan sát ông trong công việc hàng ngày, giải quyết những vấn đề quốc gia đại sự và cuộc sống riêng. Cho đến lúc đó, tôi mói chỉ nói chuyện với Fidel trong những lần gặp gỡ ngắn ngủi vì công việc, xoay quanh những chủ đề rất cụ thể cho các câu truyện mà tôi đang thực hiện tại hòn đảo này hoặc khi tôi đang tham gia một cuộc hội thảo hay sự kiện nào đó ở đây, ví dụ như Hội chợ sách La Havana, ông đồng ý với đề nghị đó, và mời tôi tham gia cùng ông tham gia một số chuyến đi trong vài ngày, cả trong Cuba (tới Santiago, Holgúin) và ra nước ngoài (tới Ecuador).

Trong suốt thời gian đó - trên chiếc xe công của ông, một chiếc Mercedes màu đen bọc thép nặng nề sản xuất từ những năm 1980, với một khẩu súng máy gắn trên sàn xe; trong chiếc chuyên cơ chủ tịch, một chiếc Ilyusin 11-18 cổ lỗ sỹ của Liên Xô đã ngừng sản xuất từ năm 1970; hoặc đi bộ, ăn trưa hay ăn tối - chúng tôi liên tục trao đổi về các chủ đề thời sự, những trải nghiệm của ông trong quá khứ, những mối quan tâm trong hiện tại, tất cả các chủ đề có thể, và không dùng máy ghi âm. Sau đó tôi sẽ sắp xếp lại nội dung các cuộc trò chuyện đó trong sổ ghi chép của mình từ trí nhớ, vì chúng tôi đã thống nhất rằng ông sẽ đọc lại và thay đổi những câu trả lời của mình trước khi cho xuất bản.


----------------------------------------------------------
1. Cuốn sách này dựng lại các cuộc đối thoại giữa Goethe và thư ký cúa ông, Johann Peter Eckermann, mặc dù tiêu đề của cuốn sách nghe có vẻ như là tác phẩm của Goeth, nhưng thực ra đó là sản phẩm của Eckermann. Cuốn sách này đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh bởi dịch giả John Oxenford (San Francisco: North Point Press, 1984).

2. Moi, Fidel Castro (Tôi, Fidel Castro), bộ phim kéo dài 652 phút phát hành trong hai đĩa DVD, do Editions Montparnasse phát hành, Paris, tháng 9 năm 2004.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 03:06:01 pm »

Những gì tôi phát hiện trong thời gian đó là một Fidel đời thường, có thể nói là ngượng nghịu, một người đàn ông lịch sự và niềm nở luôn tôn trọng và quan tâm tới người tiếp chuyện mình, ông nói chuyện với sự nhiệt tình và sôi nổi, nhưng vẫn giữ được nét kiểu cách và những cử chỉ của một tác phong lịch lãm cổ xưa đã giúp ông được xưng tụng là “quý ông Tây Ban Nha cuối cùng”, ông luôn quan tâm lắng nghe người khác, coi họ như những con người - đặc biệt là với những ngưòi ông làm việc cùng, các nhân viên và đội bảo vệ - và ông không bao giờ cao giọng. Tôi chưa bao giờ nghe thấy ông ra lệnh. Tuy vậy, cho dù đang ở đâu, ông cũng luôn khẳng định được quyền lực tuyệt đối của mình - đó chính là sức mạnh trong tính cách lãnh tụ của ông. Nơi nào có ông, ở đó chỉ có một tiếng nói: của ông. Ông ra tất cả các quyết định, từ lớn đến nhỏ. Mặc dù ông tham khảo ý kiến của các lãnh đạo khác trong Đảng và Chính phủ một cách rất tôn trọng và “chuyên nghiệp”, nhưng cuối cùng vẫn là Fidel quyết định. Không một ai trong bộ máy lãnh đạo xung quanh Fidel, kể từ khi Che Guevara hy sinh, có được tầm trí tuệ sánh ngang với ông. Về khía cạnh này, ông khiến chúng ta có cảm giác ông là người cô đơn, không có bạn bè thân thiết, không có người ngang hàng về mặt trí tuệ.

Theo như những gì tôi thấy từ trước đến nay, ông là một lãnh tụ sống rất khiêm tốn, giản dị, trong những điều kiện phải gọi là khắc khổ: hoàn toàn không có gì là xa hoa, sang trọng; những vật dụng thường ngày chỉ ở mức tối thiểu; thức ăn đạm bạc, lành mạnh và toàn là thức ăn chay. Cuộc sống của ông giống như của một quân nhân - tu sĩ. Hầu hết kẻ thù của ông đều phải thừa nhận rằng ông là một rất ít các nguyên thủ quốc gia không hề lợi dụng địa vị của mình để làm giàu cho cá nhân.

Trung bình mỗi đêm ông ngủ khoảng bốn giờ đồng hồ, và thỉnh thoảng nghỉ trưa khoảng một hoặc hai tiếng. Ngày làm việc của ông, cả bảy ngày trong tuần, thường kết thúc vào lúc 5-6 giờ sáng, khi bình minh bắt đầu hé rạng. Đã hơn một lần ông phải gián đoạn cuộc trò chuyện của chúng tôi vào lúc 2-3 giờ sáng vì, vẫn mỉm cười tươi tỉnh dù mệt mỏi, ông phải tham dự “một cuộc họp quan trọng”... Một hành trình, một chặng đường từ nơi này sang nơi khác, một cuộc họp, một chuyến thăm, một buổi xuất hiện trước nhân dân cứ thế liên tiếp diễn ra hết sự kiện này đến sự kiện khác, với tốc độ chóng mặt. Các trợ lý của ông - tất cả đều là những người trẻ tuổi và giỏi giang - ai nấy đều mệt bã người sau mỗi ngày làm việc. Họ hầu như ngủ gật khi đang đứng vì kiệt sức, không sao theo kịp nổi ông già tám mươi tuổi không gì đánh gục nổi kia.

Fidel lúc nào cũng yêu cầu phải có các bản ghi chép, báo cáo, điện tín, thông tin cập nhập tình hình trong nước và quốc tế, tóm tắt các bản tin trên truyền hình và phát thanh, kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý trong nước, ông thường xuyên nhận hoặc thực hiện những cuộc gọi qua điện thoại di động mà thư ký riêng của ông, Carlitos Valenciaga luôn mang theo... ông là người lúc nào cũng khát khao tìm hiểu, không bao giờ ngừng suy nghĩ, trăn trở và huy động trí tuệ của đội- ngũ cố vấn đến mức cao nhất. Luôn luôn sẵn sàng hành động, chỉ huy Ban Tham mưu của mình - đội ngũ những trợ lý của ông - chuẩn bị tinh thần tham gia vào những cuộc chiến mới mỗi ngày. Luôn sẵn sàng thực hiện lại cuộc Cách mạng với tinh thần tươi mới, ngày nào cũng thế. Không có gì xa lạ với ông hơn là các giáo điều, nguyên tắc, quy định, “khuôn mẫu” và những sự thật đã được phơi bày. Ông là tất cả những gì điển hình cho một nhà lãnh tụ chống sự giáo điều: Ngay từ trong bản năng ông đã là người luôn phá vỡ mọi rào cản - một người luôn lật đổ, chống lại những gì xưa cũ, độc đoán - hay nói một cách chính xác ông là một người nổi loạn.

Thật thú vị khi được quan sát Fidel Castro hành động - chẳng khác gì được chứng kiến chính trị không ngừng chuyển động. Lúc nào cũng tràn trề ý tưởng, suy nghĩ về những điều tưởng chừng như không thể suy nghĩ, tưởng tượng về những gì không ai tưởng tượng nổi, với một sức sáng tạo mà chúng ta chỉ có thể gọi là thiên tài. Theo nghĩa này, có thể nói rằng ông là một nhà sáng tạo chính trị, như những nhà sáng tạo khác trong các lĩnh vực hội họa hoặc âm nhạc. Không có ý tưởng nào của ông lại không phải là một ý tưởng vĩ đại, và sự táo bạo trong tư duy của ông phải nói là vô tiền khoáng hậu.

Một khi đã thảo luận và thông qua kế hoạch nào đó, không trở ngại nào có thể khiến ông lùi bước. Giống như de Gaulle từng nói, “Tòa Thị chính sẽ đứng vững”. Đó cũng là cách suy nghĩ của Fidel Castro. Tất cả đều như một câu ngạn ngữ Tây Ban Nha đã nói: un fait accomli - dicho y hecho, “Nói được, làm được”, ông nhiệt thành tin tưởng vào những gì mình đang làm, và lòng nhiệt thành của ông không chỉ khiến người khác tin vào điều đó mà còn thúc giục họ hành động. Đó chính là điều mà chúng ta gọi là sức hút của một lãnh tụ. Ông thường nói. “Chính tư tưởng sẽ làm chuyển hóa thế giới, giống như công cụ lao động chuyển hóa vật chất”.

Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng về sức khỏe bản thân trong tháng 7 năm 2006, Castro, bất chấp tuổi tác của mình, vẫn là một người đàn ông có vóc dáng vô cùng ấn tượng - cao 1,85m, vạm vỡ, khỏe mạnh. Từ vị Tư lệnh toát lên một sức hút mạnh mẽ với rất nhiều những vị khách mà ông đón tiếp, chủ yếu là những vị khách từ nước ngoài đến thăm, giống như các ngôi sao điện ảnh luôn biết cách làm thế nào để khai thác sức hút không thể phủ nhận đó.

Thông thái và hoa mỹ, Fidel Castro có một nhu cầu mang tính bản năng luôn thôi thúc ông phải giao tiếp với công chúng, ông biết rõ rằng một trong những phẩm chất chủ yếu của mình chính là khả năng hùng biện - thuyết phục và tạo niềm tin cho người nghe, ông giỏi hơn bất kỳ ai khác trong việc thu hút sự chú ý của người nghe, giữ chặt họ bằng sức mạnh của mình, quy phục họ, khiến họ như bị thôi miên, trước khi làm họ tự nổ tung trong những tràng hưỏng ứng nhiệt liệt vì phấn khích. Không có gì ngoạn mục và sinh động hơn cảnh Fidel Castro diễn thuyết. Bao giờ cũng đứng, thân hình lắc lư, bàn tay thường nắm chặt lấy micrô, giọng nói sang sảng như sấm, ánh mắt gắn chặt vào đám đông, đột nhiên ông ngừng lại... rồi giơ hai tay lên như một chàng cowboy đang thuần hóa ngựa hoang, giơ ngón trỏ ra và chỉ thẳng vào đám đông đang sững sờ kinh ngạc. Tất cả hoàn toàn đúng như những gì nhà văn Tây Ban Nha Gregorio Maranon đã nói, “một nhà hùng biện vĩ đại trước đám đông phải là người làm chủ được những cử chỉ của một nhà thuần phục sư tử”.

Nhà văn Gabriel García Marquez, người hiểu Fidel Castro rất rõ, đã miêu tả cách ông diễn thuyết trước đám đông như sau: “Bao giờ ông cũng bắt đầu nói rất nhỏ, rất khó nghe, lời lẽ rời rạc, lộn xộn, nhưng ông có thể tận dụng bất kỳ một tia sáng le lói, một đốm lửa nào, để đặt nền tảng cho những gì sắp nói, từng chút từng chút một, cho đến khi bất thình lình ông nổ tung - và hoàn toàn kiểm soát người nghe. Đó chính là nguồn gây cảm hứng mãnh liệt, một sức hút khiến người nghe phải ngỡ ngàng, choáng ngợp và không sao cưỡng lại nổi mà chỉ những ai chưa từng chứng kiến hoặc sống qua trải nghiệm huy hoàng đó mới đủ sức hoài nghi”.

Tài nghệ bậc thầy về nghệ thuật hùng biện của ông phải nói là phi phàm, như nhiều học giả đã phải thừa nhận, ở đây tôi không nói đến những bài diễn thuyết trước công chúng mà tất cả chúng ta đều biết, mà chỉ là những cuộc đàm luận giản dị sau một bữa tối nhẹ nhàng. Một dòng thác tuôn trào những từ ngữ rất đỗi bình dị nhưng lại có tác động cực kỳ sâu sắc. Một tràng dồn dập của ngôn từ đi kèm với những cử chỉ và động tác rất nhịp nhàng mà ông luôn thể hiện với hai bàn tay đầy tính biểu tượng của mình.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 03:08:42 pm »

Ngày 01 tháng 12 năm 2006, tại Havana, Rodrigo Borja, cựu tổng thống Ecuador, đã kể với tôi rằng một lần nói chuyện với Tổng thống Pháp khi đó là Francois Mitterand, Borja đã hỏi ông ta, “Xin hỏi lãnh tụ chính trị nào mà ông biết đã gây cho ông ấn tượng sâu sắc nhất?” Và Mitterand đã trả lời, “Tôi sẽ nói tên ba người: de Gaulle, Gorbachev và Fidel Castro”. “Tại sao lại là Castro?” Borja ngạc nhiên. “Vì khả năng nhìn thấu tương lai và cảm quan về lịch sử của ông ấy”, Mitterand nói.

Và sự thật đúng là như vậy: Fidel có một cảm quan sâu sắc vẻ bản thân mình trong lịch sử, cùng với đó là sự nhạy cảm cực kỳ tinh tế về tất cả những gì liên quan đến bản sắc dân tộc của Cuba. Ông luôn trích dẫn José Marti, người anh hùng dân tộc của Cuba, người mà ông đọc và nghiên cứu đi nghiên cứu lại nhiều hơn bất kỳ nhân vật nào trong phong trào xã hội chủ nghĩa và lao động. Trong thực tế, chính Marti là nguồn cảm hứng chủ yếu cho tư tưởng của ông. Bên cạnh đó, ông cũng luôn say mê tìm hiểu khoa học và những thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học. Bao giờ ông cũng phấn khích trước sự tiến bộ của y học, trước khả năng chữa bệnh cho trẻ em ngày càng tốt hơn - tất cả trẻ em trên thế giới. Và sự thật là hàng nghìn bác sĩ Cuba đang có mặt tại nhiều quốc gia nghèo nhất trên thế giới để chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo.

Luôn sôi sục một tình yêu đầy nhân văn và tinh thần đoàn kết quốc tế, ông có một giấc mơ đã được ông nói đến cả nghìn lần: Đó là mang được sức khỏe và kiến thức, y tế và giáo dục, đến mọi nơi trên hành tinh này. Liệu đó có phải là một giấc mơ bất khả thi? Một điều quan trọng phải nhắc đến là nhân vật văn học được Castro yêu thích nhất chính là chàng Hiệp sĩ Don Quixote. Hầu hết những ai từng trò chuyện với Castro, và thậm chí là cả những kẻ thù của ông, cũng đều thừa nhận rằng ông là một con người luôn theo đuổi những tham vọng cao quý, xuất phát từ khát khao về công bằng và bình đẳng. Phẩm chất này ở ông, điều làm chúng ta nhớ tới lời của Che Guevara: “Một cuộc cách mạng vĩ đại chỉ có thể được thổi bùng lên từ một tình yêu vĩ đại”, đã gây ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ đối với đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Oliver Stone. Vị đạo diễn này đã nói, “Castro là một trong những trí tuệ lỗi lạc nhất trên thế giới; ông là người cuối cùng trong thế hệ của mình và là một Don Quixote. Tôi ngưỡng mộ cuộc Cách mạng của ông, niềm tin của ông vào chính mình và sự trung thực của ông”.

Castro thích sự rõ ràng, chính xác, chuẩn mực và đúng giờ. Cho dù đang nói về bất kỳ chủ đề nào, ông cũng thực hiện những phép tính toán học với tốc độ chóng mặt. Fidel không chấp nhận những gì xấp xỉ hay gần đúng. Ông nhớ rõ cả những chi tiết nhỏ nhất. Trong những cuộc trò chuyện của chúng tôi, nhà sử học xuất chúng Pedro Alvarez Tabío thường ở bên cạnh Castro, giúp đỡ ông mỗi khi cần thiết để có những chi tiết chính xác nhất, như ngày, tháng, tên, tình hình cụ thể... Nhiều khi sự đòi hỏi cao độ về tính chính xác của Fidel xoay quanh ngay chính quá khứ của ông (“Tôi đến Sibonet lúc mấy giờ vào cái đêm trước khi tấn công Moncada ấy nhỉ?” “Vào giờ đó, giờ đó, thưa Tư lệnh”, Pedro trả lời); đôi khi lại liên quan đến một khía cạnh ngoài lề nào đó của sự kiện xảy ra đã lâu (“Tên của vị Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Bolivia người không chịu giúp Che là gì?” “Là thế, là thế”, Pedro nói). Như vậy là bên cạnh Fidel luôn có một bộ nhớ thứ hai, và Pedro, giống như Fidel, cũng làm tôi kinh ngạc.

Trí nhớ của Fidel phong phú và chi tiết đến nỗi dường như nhiều lúc nó ngăn ông suy nghĩ một cách tổng hợp. Những suy nghĩ của ông phân nhánh, tất cả đều liên quan tới nhau, hết nhánh này sang nhánh khác như một mạng lưới dày đặc. Quá trình theo đuổi một chủ đề nào đó thường dẫn dắt ông qua một loạt những ý tưởng liên quan, qua một loạt những hồi tưởng về một nhân vật, một tình huống cụ thể nào đó, trước khi gợi lên một chủ đề khác song hành, và một chủ đề khác, lại đến một chủ đề nữa, chủ đề nữa, cho đến khi chúng tôi đi rất xa khỏi vấn đề cốt lõi - xa đến nỗi trong giây lát người đối thoại bất giác e sợ rằng ông đã đi chệch hướng. Nhưng chỉ sau một thoáng Fidel đã quay lại lối đi ban đầu.

Không một lần nào trong suốt hơn một trăm giờ trò chuyện của chúng tôi mà Fidel đặt ra giói hạn về các câu hỏi hoặc các chủ đề mà chúng tôi có thể trao đổi. Ông không bao giờ yêu cầu tôi phải cho ông biết trước danh sách những câu hỏi hoặc các chủ đề mà sẽ được đề cập, mặc dù nếu ông làm vậy thì cũng là điều hết sức bình thường trong một dự án kỳ công như thế này. Ông biết - trước đó chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này - rằng tôi muốn đề cập tới tất cả, không có bất kỳ ngoại lệ nào, trong danh sách dài dằng dặc những lời chỉ trích, phê phán và nhận xét dè dặt mà kẻ thù cũng như một số bạn bè của Cách mạng Cuba đã đặt ra. Bản thân cũng là một trí thức, ông không hề e ngại việc tranh luận. Ngược lại, ông còn cần đến tranh luận, đòi hỏi phải tranh luận, và khuyến khích tranh luận. Lúc nào ông cũng sẵn sàng “tranh biện”, và với bất kỳ ai. Với hàng tấn lập luận. Và với một tài nghệ bậc thầy về nghệ thuật hùng biện. Với sự tôn trọng và tế nhị cao nhất dành cho người đối thoại, ông là một đối thủ luận chiến đáng gờm - với kiến thức vô cùng uyên bác - mà chỉ những kẻ có ác tâm và lòng thù hận mới có thể phủ nhận.

Nếu như có bất kỳ câu hỏi hoặc chủ đề nào còn thiếu trong cuốn sách này, thì sự thiếu sót đó hoàn toàn xuất phát từ năng lực hạn chế của tôi trên cương vị một người phỏng vấn, chứ tuyệt nhiên không có chuyện Castro từ chối nói về vấn đề này vấn đề nọ trong suốt sự nghiệp chính trị trường kỳ của ông. Bên cạnh đó, độc giả cần biết rằng có nhiều đoạn hội thoại lại trở thành độc thoại, vì có sự chênh lệch về trí tuệ giữa người đặt câu hỏi và người trả lòi. Trong những cuộc trò chuyện này, hoàn toàn không có mục đích luận chiến hay tranh cãi - người nhà báo là tôi không đứng về bên nào - mà chỉ là thể hiện “quan điểm cá nhân” về sự nghiệp và tiểu sử chính trị của một con người huyền thoại đã trở thành một phần của lịch sử.

Tôi chưa bao giờ có cảm tình với những người phỏng vấn tự cao tự đại lúc nào cũng chỉ chăm chăm tấn công người đối thoại của mình và luôn háo hức chứng minh rằng họ thông minh hơn, giỏi giang hơn và chuẩn bị tốt hơn người mà họ đang phỏng vấn. Loại nhà báo đó không bao giờ biết lắng nghe người được phỏng vấn, mà chỉ liên tục ngắt lời để cuối cùng người đọc cũng phải bực mình. Tôi cũng không thích những người coi phỏng vấn là một cuộc thẩm vấn trong đồn cảnh sát, ngồi bên này bàn là một viên cảnh sát còn người phạm tội ngồi bên kia, hoặc như một mối quan hệ phán xét giữa một quan tòa khắc nghiệt với một bị cáo đang ăn năn hối cải. Đối với loại phỏng vấn này, trước hết báo chí là một “phiên tòa” - thậm chí nhiều khi còn là một phiên xử kín - đứng trên tất cả các tòa án khác.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM