Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:24:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Có một cuộc đời và một tình yêu như thế - Phần II  (Đọc 199973 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Ho MiGia
Thành viên
*
Bài viết: 75


« Trả lời #330 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2013, 09:38:56 am »

         Từ khi bỏ trường, ra chiến trường, với các bác như thế nào em không rõ, còn đối với Migia ngày ấy nó ngu ngơ, nó ngù ngờ, nó ngú ngớ, nó ngờ nghệch, nó ngô nghê, nó trong trắng, nó khờ khạo đến khó tả.

        Năm 1978 sau hơn một tháng huấn luyện chúng tôi có lệnh lên đường, một đoàn xe ca chở sang Nam Định đi tàu  Nam tiến, lên xe đến bến phà Tân Đệ thì tôi say chẳng biết gì nữa. Xuống chờ phà tôi thấy đoàn xe xếp hàng dài cả cây số. Sang đến bến tàu chúng tôi được phát , mỗi đứa ba cái bánh mì nguội và rắn như đá, vì say xe tôi chui xuống sàn tàu nằm nghỉ.

    Do đi đột xuất gia đình, bạn bè của chúng tôi ít ai biết nên chẳng có:

      - Tầu một bên và em một bên

     Rầm rập quân đi như nước chảy, không hoa, không giọt nước mắt, cũng không lời hẹn ước, chỉ “ Người ơi, người ở, đừng về”, và tiếng ồn ào, náo nhiệt, gọi nhau í ới, tiếng quát tháo của các vị chỉ huy chỉ sợ chiến sỹ  đánh bài chuồn

      Khoảng tám giờ đêm, tàu từ từ lăn bánh rời ga, tạm biệt thành Nam thân yêu, tạm biệt miền bắc XHCN, hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn. Trưa ngày hôm sau chúng tôi đến ga Thanh Hoá ( Ngày ấy tàu đi với tốc độ siêu rùa). Khi tàu dừng H nhảy xuống nhặt mấy cục đá cho vào mũ mang lên tàu. Lúc này những người buôn xô ra, kẻ mua, người bán tấp nập, chăn sợi, áo rét được chiến sỹ cho “Đi ở” bởi nghĩ “ anh ở trong này không có mùa đông”. Lẫn trong đoàn người đó có hai mẹ con cô gái, người mẹ khoảng 38, 40 tuổi còn cô con gái tầm tuổi chúng tôi...

      Từ trong toa tầu anh Đ vung tay và thế rồi... tôi ngửng đầu lên thì thấy cô gái đang ôm đầu, phía bên phải, máu chảy ròng ròng xuống mặt trông thật đáng th¬ương, một cô gái khá xinh, mặc chiếc áo trắng, lấm tấm vài giọt máu còn vương trên áo. Mẹ cô gái báo cáo lên chỉ huy cuộc hành quân. Cán bộ đại đội có mặt kịp thời điều tra, H khai nhận xuống tàu nhặt đá, còn anh Đ cầm đá ném cô gái, cán bộ yêu cầu anh Đ và H viết bản kiểm điểm, anh Đ không biết chữ vì mới học, năm 3 trường “đại học Ha Vớt Hoa Kỳ” nên phải viết hộ.

     Nội dung bản kiểm điểm nói vì nhớ nhà nên Đ mới mang đá ném cô gái, đúng là lý do“ Đậm chất lính nhà binh”. Thật ra biết viết mô đây? Hỏi trời, trời chẳng thấu, hỏi đất, đất không hay, sai 100% không gì chống đỡ nổi, mặt chúng tôi nghệt ra như Từ Hải mất sổ gạo...

     Đoàn tầu rúc lên một hồi còi dài, phá tan bầu không khí căng thẳng và từ từ lăn bánh, để lại đằng sau “ Tình quân dân cá - nước ” và bản kiểm điểm “anh hùng ca” mang tính “ Nhân văn sâu sắc” cùng mẹ con cô gái  đáng thương kia.

 Chiến tranh mà, mọi thứ đều cho qua, đều có thể cảm thông, để người chiến sỹ yên tâm, sẵn sàng đối mặt với quân thù. Không phải tất cả đều đổ tội cho chiến tranh, nhưng không có nó, các bạn tôi đâu có lỗi với mẹ, con cô gái ấy, cầu mong được lòng vị tha ở họ.

      Phần tôi sau khi giã từ quân ngũ về  làm thường dân, đi xin việc, gõ cửa ở đâu họ cũng nói: Biết anh từ chiến trường trở về, đáng lẽ phải ưu tiên sắp xếp cho anh một công việc nào đó để xứng đáng với công sức anh đã đóng góp cho đất nước này, nhưng ở đây các vị trí lao động phổ thông đã đủ rồi, chỉ còn vài vị trí làm việc bàn giấy, nhưng anh không có nghiệp vụ, thôi anh thông cảm, đi tìm ở nơi khác hoặc chờ khi nào xắp xếp được chúng tôi sẽ báo, anh cứ để hồ sơ lại. Thấy họ nói có lý, có tình, cảm động muốn rớt nước mắt nên cũng mát lòng, mát dạ, lòng đầy phơi phới, dậy tương lai.
 
      Nhưng cũng có tay Giám đốc thấy tôi đến tay không, biết tôi mới ở chiến trường ra, hắn nói đểu “Thế anh có bằng đại học, kỹ sư gì không?”. Cay mũi tôi trả lời “ Báo cáo anh tôi chỉ có bằng “TO QUOC GHI CONG” thôi, học hành làm mẹ gì nhiều, lắm chữ chỉ tổ cãi nhau. Biết thế này...éo đi bộ đội nữa, ở nhà đi học cho nó rồi, mặc cho chiến tranh, kệ ..ẹ nó, lúc nóng thì nghĩ xằng, chửi bậy vậy thôi, chứ tôi không ân hận vì đã là người lính, nếu đất nước bị xâm lăng, khi Tổ quốc cần tôi sẵn sàng một lần nữa lên đường.

    Tức mình về mua bố nó cái xe XH Tàu, làm phương tiện kiếm kế sinh nhai, chạy xe ôm, xe ta bon bon, vi vu trên khắp các nẻo đường, tự do, tự tại, thích ăn, thì ăn, thích nghỉ, thì nghỉ và hiểu “ không có gì quý hơn độc lập tự do” một cách sâu sắc hơn.
        
        Sau bao năm chinh chiến nơi đất bạn, vượt qua bao hiểm nguy, đã bao lần đối mặt với cái chết, anh Đ trở về với cuộc sống đời thường, cũng rất vất vả, phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời, con trâu đi trước, cái cày đi sau, đào sâu cuốc bẫm vì miếng cơm manh áo nơi quê nhà.

         Còn H nơi biên cương, sau nhiều lần thần chết gọi tên anh, song vào phút chót đều được đại xá hoặc tha bổng. Nhưng cuối cùng cũng không tránh được số phận, H ra đi mãi mãi, hiện nay anh đã là người thiên cổ, ngủ yên H nhé trong giấc ngủ ngàn thu.
                                                      
        Viết bài này tôi hy vọng, chính cô gái ngày ấy sẽ đọc được những dòng chữ này để mà cảm thông, để mà tha thứ cho hành động nông nổi của các bạn tôi thời trai trẻ.

          “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”

      Nếu H còn sống hoặc anh Đ biết được Quân sử Việt Nam này, chắc chắn các anh sẽ  mượn diễn đàn, có lời tạ lỗi đến mẹ con cô gái ấy, cho dù muộn mằn nhưng cũng đủ trải lòng, đủ để nhẹ nhành hơn, thanh thản hơn, trong những năm tháng còn lại trên cõi đời.
 
      Xin chân thành cám ơn chị Xuanv338 đã cho Migia gửi lời tâm tình, thành kính của những người chiến sỹ dại dột năm xưa, qua trang “có một cuộc đời...” đến với gia đình bà mẹ và cô gái kia cho dù muộn mằn, sau hơn ba lăm năm chưa nói nên lời.

     Cám ơn tất cả các bác, các bạn đã quan tâm theo dõi, chào tạm biệt.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười Một, 2013, 09:44:28 am gửi bởi Ho MiGia » Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #331 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2013, 11:04:50 am »

               Chào Cô chủ, chào bạn Ho-migia! Câu chuyện của bạn viết về những ngày tháng mới nhập ngũ cùng đồng đội lên đường vào chiến trường bảo vệ miền biên cương Tây Nam. Đã gây cho Tranphu341 thật nhiều trăn trở.
 
              Bạn cho Tranphu hỏi là người lình tên H đó là Liệt sỹ hay bị tai nạn hay do bạo bện mà trở thành người
"Tiên cổ". Dù bạn Đ còn sống và bạn H đã mất nhưng nghe chuyện sao Tranphu341 thấy "ghét" 2 cái đồng đội này thế. Ghét thật sự. Tại sao lính ra chiến trường đôi khi có nhiều hành động kỳ quặc. Nhưng sao 2 bạn đó không chọn cách chạy lại '' HÔN " cô gái đó một cái dù cho Mẹ cô gái và cô gái không đồng ý. Mà lại chọn nghịch lấy đá đáp vào mặt cô gái? Đúng ra ai đó phải cho 2 bạn ấy mấy cái tát mới đúng. Chuyện nghe mà bực mình! Buồn thật buồn!  Angry Angry Angry

             Tranphu341 chúc các bạn luôn vui khỏe!
Logged
Ho MiGia
Thành viên
*
Bài viết: 75


« Trả lời #332 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2013, 05:40:31 pm »

      Kính chào bác Tranphu341

     "Từ khi bỏ trường, ra chiến trường, với các bác như thế nào em không rõ, còn đối với Migia và các bạn em ngày ấy nó ngu ngơ, nó ngù ngờ, nó ngú ngớ, nó ngờ nghệch, nó ngô nghê, nó trong trắng, nó khờ khạo đến khó tả"
  
      Đọc bài viết của bác em cũng thật sự chia sẻ những bức xúc của bác, ở địa vị của bác, em cũng có suy nghĩ như bác thôi, hành động đó làm ảnh hưởng đến tình quân dân cá - nước, ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của QĐ nhân dân Việt Nam,đáng bị lên án...

     Như em đã nói " ai chiến thắng mà không hề chiến bại, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần" chính vì lẽ đó mà thay mặt các bạn em , em có lời xin lõi đến mẹ con cô gái ấy, đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại , mong mẹ con cô gái và các bác đạị xá. người Biết lỗi và  biết sửa chữa lỗi lầm của mình cũng là điều đáng  quý phải không bác?

       Người ta thường nói "khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già". Tuổi mười bảy, mười tám, khi xưa ở nhà vẫn còn phụ thuộc cha mẹ đã va vấp gì ngoài đời mà hành xử đúng mực được.

   Đây là câu chuyện có thật 100%  và cũng là tình cảm chân thành của em gửi đến người bị hại mong các bác hiểu và cảm thông

    Còn H sau khi xuất ngũ trở về địa phương  do mắc bệnh hiểm nghèo nên đã đi gặp các cụ Các - Mác, Lê-Nin rồi bác ạ

   Thôi chuyện buồn đã qua thì cũng cho qua bác nhỉ.

      Kính chúc bác vui, khỏe, hồn nhiên.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười Một, 2013, 06:12:12 pm gửi bởi Ho MiGia » Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #333 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2013, 07:43:08 pm »

    CB chào anh tranphu341. Chào Ho MiGia. Chào tất cả các bác. Ho MiGia có câu truyện cũng từ trong quá khứ. Nhưng bây giờ nghe kể lại dù chuyện đã lâu rồi mà vẫn làm người đọc thấy không vui. Đáng trách quá nhưng đã lâu chuyện cũ mình cho qua hơn nữa người gây chuyện ấy hôm nay cũng không còn. Sau việc làm như vậy chắc bạn ấy cũng sẽ trăn trở. Thôi . đó mới là một xã hội mà. Ho MiGia hôm nay cũng đã dũng cảm nhận lỗi thay cho bạn đó cũng là một tình bạn cao cả. Chúc mọi người có một buổi tối thật vui và nán lại nhà CB tiếp tục nghe chuyện "Có một cuộc......."
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #334 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2013, 05:01:51 pm »

Phần II   (tiếp theo)

những ngày ở bệnh xá đoàn 581 và những câu chuyện buồn vui.

  Gặp người kính Bắc.

      . Công việc của buổi chiều vẫn như thường lệ. Thư nhàn hơn buổi sáng. Chỉ làm những việc buổi sáng còn lại, đăng ký và trả kết quả cho các khoa, còn lại thời gian trực làm xét nghiệm cấp cứu là chủ yếu. Chiều nay trưởng phòng Nhung lại về đoàn bộ học chính trị. Biết chỉ có một mình nên tôi đã sớm gọn gàng công việc nhớ còn có xét nghiệm cấp cứu. xong việc tôi ngồi thư giãn.

  Ngoài khung cửa sổ, không gian nhỏ trước phòng Hoá Nghiệm mang đậm dán dấp của mùa Thu. Mối cơn gió lộng về. Nào lá tre khô, nào lá Bưởi xen ít lá xoan vàng úa từ bên vườn nhà ông Bật cùng rời cành bay lả tả  rồi quấn quýt lấy nhau xoay tròn rồi cùng gieo xuống mặt đường.  Bên kia dòng kênh vẫn là bãi dâu xanh, vẫn là những ruộng mía đang mùa thu hoạch.

 Hôm nay mình mừng cho anh Hào đã cắt sốt, sáng nay lúc minh đi qua lán bệnh trông thấy anh đã tỉnh táo hơn, anh không còn phải thấp thỏm lo phải chuyển sang QY viện 203 nữa rồi. Chắc chỉ mấy ngày nữa thôi thì anh ra viện. Anh Hào bây giờ không những đang là một bệnh nhân mà còn đang một ông Tơ giúp Đức để đưa cô gái đất Lúa về làm dâu nơi Kinh Bắc. Giờ thì mình đang buồn thế này lắm lúc mình tưởng như người đang trên mây gió vậy.

      Có tiếng động phía cửa ra vào. Tôi giật mình quay lại rồi theo phản xạ đứng dậy ngay, miệng ấp úng chào khách. Tự nhiên hai bên má tôi thấy cứ nóng lên bừng bừng. Người khách đang đứng trước tôi chính là Đức. Đức hôm nay thật bình dị trong bộ trang phục nửa dân, nửa lính. Chiếc áo sơ mi màu xanh trứng Sáo được sơ vin trong chiếc quần Gabadin Liên Xô màu xanh thẫm, chiếc xanh tuya màu mận chín của sỹ quan càng tôn lên dáng thư sinh của Đức. Hôm nay trông  anh béo lên nhiều, da hồng hào không xanh xao như những ngày còn nằm viện. Tôi lập bập kéo chiếc ghế gỗ mời anh ngồi xuống,  nhưng Đức lại ngồi vào chiếc giường sắt thường dùng cho bệnh nhân nằm lấy máu tĩnh mạch mỗi ngày. Thì ra anh ấy thật ý tứ. Cái giường kê nhìn từ sân vào phòng vẻ hơi khuân khuất.

       Hôm nay tôi mới được nhìn tận vào khuôn mặt Đức. Không biết anh đã bao nhiêu tuổi nhưng trông thật chững chạc tuổi làm anh. Những ngày nằm viện anh Hào đã thăm dò nắm được hết về hoàn cảnh gia đình, về quê hương, về năm nhập ngũ. Chả biết thông tin từ đâu mà anh Hào còn biết cả chuyện tôi mới được tin là người yêu đã hy sinh.  Những gì anh Hào đã biết thì Đức cũng biết là chuyện đương nhiên. Họ hiểu để cùng chia sẻ cũng có sao!

        Hôm nay Đức không phải là một bệnh nhân và là một người Khách từ xa đến chơi. Khách đến mà  không có nước, vì đây là phòng làm việc, chủ thì lúng túng chẳng biết nói gì đây câu trước tiên.
 
      Rồi Đức cũng thật khéo, anh đã chủ động nói lời chia buồn với tôi, động viên tôi hãy vững vàng để vượt qua những buồn đau. Ai cũng phải vượt qua cái quy luật ấy!  Thật xúc động với những tình cảm của một bệnh nhân, một anh thương binh, một người đồng đội đã quan tâm chia sẻ nỗi buồn với mình.Tôi cũng chỉ mới biết sơ sơ anh  là người quê Hà bắc qua anh Hào thế thôi. Có lúc cứ ngập ngừng định hỏi thăm xã giao về gia đình Đức nhưng cứ ngài ngại thế nào!

  Một hơi thở dài từ phía Đức. Anh chậm rãi trong giọng nói ấm áp của người Kinh Bắc anh tâm sự.

-  Em  ạ!  Anh cũng cùng nghề với em đấy! và cũng cùng với cả bố anh. anh là quân y sỹ. Bố anh  Là bác sỹ cũng là lính. Đã có những năm tháng ông công tác ở QY viện 108 rồi bố đã được cử đi vào chiến trường.  Nói đến đây Đức như nghẹn lại... Bố anh đã hy sinh.... Cả nhà anh đã đau đớn đến tột cùng khi nghe tin bố anh đã hy sinh. Trong lúc buồn đau chưa nguôi trong mẹ thì anh đã viết đơn xung phong lên đường để quyết trả thù cho bố. Mẹ khuyên can anh cũng không được. Rồi tới một ngày anh nhận lệnh lên đường mẹ đã điếng người, gạt dòng nước mắt chấp  nhận bổn phận thờ chồng và lại tiễn con vào trận. Anh nhập ngũ đầu năm 69 sau huấn luyện ba tháng đơn vị anh nhận lệnh lên đường đi chiến đấu. Hành quân dòng dã 6 tháng vào tới chiến trường B2 và suốt gần sáu năm anh chiến đấu ở đó. Mẹ bây giờ cũng yếu rồi. Hôm đươc ra Bắc, ổn định xong anh tranh thủ về thăm mẹ và gia đình được hai ngày. Cả nhà mừng mừng, tủi tủi. Trông anh thế này thôi nhưng vẫn con một mảnh đạn nằm trong phổi phải.  Giọng ấm áp Đức vẫn thủ thỉ đều đều.

-   Vùng quê anh cũng không đến đận nghèo lắm nhưng cũng chẳng giàu. Làng nằm ngay bên bờ sông Cầu, thuộc huyện Yên Phong, Hà Bắc.  Đức nhìn sang tôi mỉm cười.

-   Đã bao giờ em được đi Hội Lim chưa?

Một cái lắc đầu nhè nhẹ làm duyên tôi ngẩng lên nhìn Đức và chợt bắt gặp cái nhìn của anh làm tôi lại vội cúi xuống ngay.

-    Em chưa bao giờ được ra ngoài đó ạ!

  Những ngón tay cứ xoay tròn đều cái bút máy Cửu Long màu tím. Cái bút cứ xoay, người làm xoay cái bút, cả hai đều trong vô thức. Tôi chỉ ngồi chỉ nghe anh nói thôi.

      Đức như ngập ngừng giây lát, một tay đưa lại gãi gãi sau gáy, nụ cười tủm tỉm trong câu vẻ xa xôi.

-  Hôm về qua nhà mẹ anh mừng lắm, cứ xuýt xoa nói.

-    Ngần nấy năm vào chỗ bom rơi đạn nổ. Giờ còn sống về được nhà thế này là phúc đức lắm rồi. Bố mày đã linh thiêng phù hộ cho con. Năm nay 29 tuổi rồi, giờ thì lo mà lấy vợ có cháu cho mẹ bế. An dưỡng xong cho khoẻ rồi xem kiếm cái cô nào y tá thì tốt, quê ở đâu cũng được, ngành y nó biết chăm sóc con, lúc mẹ tuổi già nó chăm sóc mẹ!
  
      Tôi hiểu ý anh nhưng làm ra người chưa hiểu, vẫn ngồi lặng lẽ suy tư.

     Con đường đất ngoài khung cửa sổ. Bệnh nhân ra sông tắm đã đông. Chiều nay nắng Thu yếu ớt. Mới nửa chiều mà không gian đã chuyển dần sang màu Tím nhạt. Không gian như nhắc Đức đã đến lúc phải về. Từ bệnh xá về đội 4 nơi anh an dưỡng ở mãi làng quê tận giáp sông Hồng nghe anh nói cung đường phait đến 6 cây, mà anh lại phải đi bộ.

    Chia tay tôi Đức lấy từ túi áo ngực ra một tờ giấy phê đúp gấp làm tư. Giấy trần không có phong bì. Tôi đoán đó là một lá thư chăng? Đức đưa cho tôi. Anh mỉm cười trong ánh mắt đằm thắm.

-   Hôm nay lần đầu lên chơi với em mà chẳng nói được điều gì.  Cái gì anh muốn nói mà chưa nói được thì anh đã nói ở trong này.
 
     Tôi cầm lá thư từ tay Đức mà lòng bối rối. chẳng Biết nói gì đây trong lúc này. Chỉ biết cất lá thư anh vào trong túi áo bolu và mong đừng có ai quanh đây nhìn thấy.
 
  Đức ra về, tôi đi theo tiễn anh tới đầu hiên nhà, bước xuống con đường đất. Tôi đứng nhìn theo cái dáng thư sinh của Đức đã thoắt lên trên dốc đê, Bóng Đức cứ xa dần đến khi khuất hẳn sang bên kia cái cống cao nơi dẽ xuống con đường Cỏ.... bâng khuâng trong tôi một chiều Thu.........

                                               (Còn nữa)  
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười Một, 2013, 09:32:46 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #335 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2013, 08:33:18 pm »


     Người đâu gặp gỡ làm chi
  Trăm năm biết có duyên gì hay không.
     hi hi
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #336 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2013, 01:31:22 pm »

 
   xuanv338 xin chào tất cả các bác trên diễn đàn M&H. Ngày mai 20 tháng 11 ngày lễ hiến trương các nhà giáo Việt Nam. xuanv338 khó biết được thành viên nào trên trang nhà là người giáo viên để đến tại nhà chúc mừng.  Vậy nên lời chúc mừng xin được bắt đầu từ nhà mình đến muôn phương vậy.

   Nhân ngày nhà giáo Việt nam tôi xin chân thành chúc tất cả các thành viên trên trang đã từng và đang làm nhiệm vụ trồng người, cùng gia đình tràn đầy sức khoẻ và hạnh phúc. Chúc ngày 20- 11 thật vui thày , cô sẽ được đón nhận thật nhiều những bó hoa tươi thắm từ những cô cậu trò ngoan mang đến tặng.

   CB chào bác vanthang341. bác vanthang341 thật thâm thuý. Cách viết rất trẻ trung. Người kính Bắc hôm nay mà đọc được câu Kiều này thì lại buồn. Chuyện về người kính Bắc hồi sau sẽ rõ bác ạ. Những ngày này em đang mắc việc bận nên đến hôm nay cũng chưa viết được bài mới. Chắc mọi người đang chờ đợi để được nghe CB tâm sự nội dung lá thư của người Kính Bắc viết gì và cũng muốn nghe cô Hoá Nghiệm viên sẽ nói gì với người Kính bắc sau đọc những dòng thư. Kính chúc bác vanthang341, Chúc tất cả mọi người mạnh khoẻ, cùng vui chung với ngày nhà giáo Việt Nam.

  
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Một, 2013, 08:05:01 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #337 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2013, 09:14:59 pm »

Có một cuộc đời và một tình yêu như thế - đọc tuy chưa hết câu chuyện của bác xuanv338 nhưng duccuong cảm nhận chị có trái tim rất nhân hậu. Trái tim đó biết rung cảm chia sẻ vui buồn cùng mọi người và hơn nữa cả với thiên nhiên cỏ cây qua khung cửa sổ phòng hóa ngiệm. bởi vậy, duccuong còn nghĩ rằng phải thêm "một trái tim như thế" mới đủ cho những gì đã diễn ra theo trong "một cuộc đời" của chị.
  Duccuong có lẽ cũng như nhiều độc giả khác đang ngóng chờ bí mật lá thư của người kinh bắc. Người đọc hy vọng hồi kết câu chuyện sẽ có hậu như bao mối tình khác trong chiến tranh và nếu ai đó lần sau hỏi "em đã bao giờ đi hội lim chưa" thì bác sẽ trả lời"đó là quê nội..."
Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #338 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2013, 10:05:45 am »

 xuanv338 chào duccuong. Chào các bác. xuanv338 thật là có lỗi với người xứ Nghệ quá đi thôi. Khách từ mãi đường trong, xa xôi cách trở, ra tận đất Lúa mà chủ nhà đi vắng suốt, cửa nhà vắng tanh. Thôi thì chỉ biết nói câu lượng thứ. Cảm ơn duccuong. duccuong cũng chung tâm trạng của người đọc đang trông đợi người Kinh Bắc đã viết gì trong lá thư trao tận tay cô Hoá nghiệm....và cô Hoá nghiệm nhỏ thó như chim CB đã được về dự hội Lim chưa?... Hôm nay công việc vẫn còn luẩn quẩn, việc nhà rồi việc công xen vào là những cuộc vui của mùa cưới trong làng, ngoài xã, những niềm vui chung của con cái bạn bè, họ mạc. Vậy là "Có một cuộc đời....." vẫn đang lênh đếnh....

   xuanv338 xin được khất mọi người vài ba hôm nữa đấy ạ! Người quê Lúa chúc duccuong cùng gia đình mạnh khoẻ. hẹn có dịp nào đó mình tổ chức một cuộc vui hội ngộ tại thành phố Vinh mời cả anh cả vanthang341trong Hồng Lĩnh ra dự tiệc. Grin

 À nghe nói duccuong vô Sài Gòn có vào nhà anhtho không mà thấy im... im quá! duccuong vào nhà anhtho - vetran sẽ vui nhiều lắm.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Mười Một, 2013, 10:34:48 am gửi bởi xuanv338 » Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #339 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2013, 09:50:16 am »

Phần II   (tiếp theo)

những ngày ở bệnh xá đoàn 581 và những câu chuyện buồn vui.

   lá thư của người Kính Bắc.

       Bóng Đức đã khuất hẳn vào con đường gấp khúc phía bên kia cái cống cao. Trời chiều nay vẻ như nhanh tối quá. Bệnh nhân đi khám bệnh không nhiều. Con đường đất trước cửa phòng Hoá nghiệm đã lác đác người qua lại. Dưới lán bệnh chuyên khoa các anh bệnh nhân đang túm tụm, râm ran tranh luận nhau quanh bàn cờ tướng.

      Tâm trạng tôi lúc này thật khó tả làm sao? làm cho gọn mấy việc của buổi rồi còn đọc thư của Đức xem anh ấy viết những gì trong đó! Không hồi hộp làm sao được!  Có tiếng chân bước vào phòng. Đó là trưởng phòng

-      Em chào anh! Anh đã về đấy ạ! Hôm nay được nghỉ sớm vậy anh?

-   Họp hành gì đâu! Nghe thời sự ấy mà!

    Tôi thờ phào. Thật là may cho mình, Đức vừa mới về xong. Không có mà rếch việc đây! Trưởng phòng ít nói thôi nhưng mà nghiêm khắc lắm.

-   Anh đi về sớm tý nhé! x đã đăng ký vào sổ xong chưa? Nhân tiện đi qua mấy khoa anh trả luôn cho. Thế là mình lại may rồi. Trường phòng đã về ngay, còn mình ở lại đọc thư với lại cũng chưa hết giờ mà!

-   Anh Nhung đi rồi. Tôi kéo kín cái rido ngoài cửa sổ định bụng sẽ ngồi đọc thư của Đức. Chẳng hiểu sao tôi lại thấy bồn chồn mà đứng phắt lên đi ra đầu hiên nhìn ra cả một không gian chiều thấy buồn mà quyến rũ. Một quyết định nhanh chóng tôi quay ngoắt vào phòng tháo chiếc áo bolu, khoá cửa cho an toàn rồi cứ thế lững thững theo con đường lên khỏi dốc đê ngược về phía cái cống cao. Đoạn đường Đức vừa mới đi qua thôi,  mặt Đê gồ ghề như đang còn in những bàn chân của Đức mới nguyên trên nền đất.

       Giờ này chắc Đức vẫn đang còn đi trên đường về phía bờ sông Hồng, về cái làng mà nơi anh đóng quân, cung đường anh đi mỗi lúc một xa dần cái bệnh xá nhỏ ven bờ sông Châu.
 
       Tôi cũng đang chậm rãi đi trên con Đê trong chiều vắng. Gió Đông như đã lộng hơn nhiều. Cả Không gian chuyển màu tím xám, Chân trời phía Tây chiều nay vắng cả Hoàng Hôn. Ngoài sông người tắm đã không còn ai. Sóng nước sông Châu chiều nay cũng không được dịu dàng. Nó cồn cào, xô đẩy nhau từng đợt xoáy tròn chồm lên làm tan nát sóng. Ngồi ngoài bờ sông hôm nay chắc là lạnh lắm. Thôi mình xuống ngồi bên con đường cỏ phía trong Đê để đọc thư cho tĩnh tại.

      Tôi ngập ngừng rồi dẽ xuống con đường cỏ. Cũng đã lâu lắm rồi! Từ ngày chuyển nhà ra khu nhà thờ ở lán Đông Y, mình chưa trở lại nhà chị Mạnh và cũng chưa một lần đặt chân về con đường Cỏ.  Chiều nay anh chăn Bò cùng mẹ con Bò vàng đã về sớm. Chỉ còn lại con đường cỏ vắng tanh, vắng ngắt. Cái yên ả, tĩnh lặng nơi đây sao lại hợp cho tâm trạng của mình lúc này đến vậy.

    Ngồi dựa lưng vào một gốc Phi Lao. Tôi lấy từ trong túi áo ra lá thư của Đức. Tay run run mở trang giấy gấp. Anh viết gì đây và nói gì đây?  Cầm thư của Đức trong tay mà tâm trạng xốn sang nhớ về mùa Đông năm 71, khi lần đầu tiên tay mình run run bóc lá thư của T gửi vào từ đất lúa, mình ngồi đọc thư anh ở góc bờ tường cái sân kho dưới bóng cây Si của làng Đoài Hạ. Cái cảm giác lạnh lẽo khi sương sớm rơi làm ướt cả bờ vai, cái nhẹ nhõm trong tâm khi cơn ghen vừa giải toả, cái ấm áp là thường từ những dòng thư.  Cảm giác lang lâng của buổi sớm mùa Đông năm ấy lại dội về.

       Còn bây giờ lại là lá thư của một anh thương binh, một bệnh nhân hôm nào. Mắt tôi thấy hoa hoa khi mở trang thư, một tờ giấy phê đúp anh viết kín ba mặt giấy. Vào thư anh là mấy câu thơ.
” Nhận thư này đừng dận anh em nhé!/ Bởi vô tư nên cũng dễ vội vàng/ Khi cuộc đời mang nặng tình thương/ Dễ xúc cảm trước cái nhìn trìu mến.”

       Trang thư thư hai anh kể chuyện quê anh. Lá thư của một quân y sỹ đâu phải của nhà văn. Cả lá thư dài làm sao tránh lỗi. Nhưng đọc đến đoạn anh nói về đồng đất quê anh. Anh nói về tháng giêng của Hội Lim, anh tả con sông Cầu chảy qua làng anh, quanh năm  nước trong xanh dịu mát. Dòng thư mộc mạc thôi mà khiến mình đã hình dung được hết ra con đường về Kinh Bắc.
 
       Đọc hết lá thư anh mình mới hiểu được rằng. Thì ra Đức đã thu hình ảnh của mình vào thấu kính của mắt anh từ cái đêm mà cô Hoá Nghiệm vào lán bệnh lấy máu làm cấp cứu cho anh Tống nằm kề với giường anh. Đức đã bộc bạch nói lời chân thật trong thư “x ơi! Anh không nhớ được ngày, chỉ nhớ được rằng đêm ấy đã khuya lắm rồi, lúc em vào lấy máu xét nghiệm cho anh Tống, anh đã giả vờ là người đang ngủ, nhưng mắt thì he hé nhìn em. Anh nói đến đây em đừng có cười anh nhé!Chỉ được ngắm em mấy phút thôi qua ánh đèn Bão lờ mờ. Tự nhiên anh thấy trái tim mình xốn sang. Rồi anh đã chẳng có cách nào tiếp cận được em, buộc lòng anh phải nhờ anh Hào làm quen với anh y sỹ Bật giả vờ xin xét nghiệm tìm KST SR. Thực ra!  Anh có sốt tý nào đâu! Chỉ bị hơi đau vết thương tý thôi. Em thấy anh có tài chưa nào?” Đức cũng hóm thật. Thế mới biết con trai họ đều cũng giống nhau như vậy. Cái hóm hỉnh của Đức làm mình lại nhớ đến T, anh cũng hóm hỉnh chẳng kém tý nào.

      Giờ thì mình mới tỏ chuyện mưu mô của người Kính Bắc. Vừa buồn cười, vừa thấy hơi thương thương và mên mến pha chút hơi bừng bực. Vậy mà anh đã làm cho mình tổn bao thị lực phải căng cả hai mắt ra đến hàng giờ, tìm hàng trăm vi trường mà tìm chẳng thấy con KST SR nào. Còn anh thì đã  phải chịu đau oan tới hai lần vì  bị mình châm kim vào đầu ngón tay lấy đi những giọt máu đào quý hoá, chỉ với lý do lấy cớ làm quen cô Hoá Nghiệm.

      Cả lá thư dài của anh toàn là những lời yêu thương đằm thắm. Anh bảo hôm nào Mẹ và em gái xuống thăm. Anh sẽ dẫn mẹ lên để mẹ gặp em!

        Chiều nay thì anh đã được ngồi nói chuyện với em đến cả tiếng đồng hồ và lá thư đây anh đã làm mình khó xử. Mình vừa mới nhận được tin T hy sinh. Mà trong linh cảm của mình  hy vọng nhiều là T vẫn còn đang sống và nếu giờ mình lại tin T đã hy sinh thật thì sao?...

       Những cơn gió Đông từ ngoài sông Châu đuổi nhau tràn vào khắp bãi Dâu, cả bãi dâu dập dìu, đuổi nhau như những con sóng cạn, những ngọn Dâu non cứ xoắn xuýt vào nhau. Mình đã thấy lạnh.  Gấp lá thư bỏ vào trong túi áo tôi đứng lên nhìn lại con đường Cỏ, nhìn xa xa mái nhà chị Mạnh. Trời sắp tối rồi mình phải về thôi kẻo Quỳ lại mắng………

                                                              (còn nữa)


« Sửa lần cuối: 22 Tháng Mười Một, 2013, 02:03:07 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM