Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:53:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Có một cuộc đời và một tình yêu như thế - Phần II  (Đọc 200242 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #250 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2013, 05:20:21 pm »

   CB xin chào hai anh cả của 341. Chào tất cả các bác trên diễn đàn và các độc giả.

   Trước hết CB xin chia sẻ với những gì cơn bão số 10 vừa gây ra cho đồng bào suốt cả khúc ruột miền Trung. Người Thái Bình đã phải trải qua cơn bão Sơn Tinh vẫn còn chưa hết bàng hoàng. và cũng xin chúc mừng anh vanthang341ht với ngôi nhà cấp bốn tứ trụ vẫn vững vàng. Giống nhà em cũng vậy, cơn bão sơn tinh đổ bộ vào Thái Bình năm ngoái đã không lay chuyển nổi ngôi nhà cấp bốn của nhà em nằm nép mình giữa các khu nhà tầng của hàng xóm. Grin. Cảm ơn hai anh dù bận mải vẫn đến động viên cho những bài viết của CB. Có lẽ những lời động viên và sẻ chia của các anh chị em trên diễn đàn và người thường ngày vào đọc đã cổ động cho em có tôc độ viết câu truyện dài hơi được nhanh như vậy. Nhanh thôi chứ còn hơi ẩu.

 Anh tranphu341 à! CB cũng rất mong cầu cho kết cục thật của bức điện từ quê lúa của anh trai điện sang sẽ không phải là bố ốm.

   CB xin mời các bác được nghe tâm trạng của CB trong buổi tối trước ngày về thăm bố và những tình cảm của đồng đội khu lán Đông y của bệnh xá 581.
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #251 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2013, 05:27:23 pm »

Phần II

những ngày ở bệnh xá đoàn 581 và những câu chuyện buồn vui.

Tâm trạng Buổi tối trước ngày về thăm bố.

       Biết tin tôi nhận được điện buồn bố ốm nặng. Dãy nhà Đông Y mọi ngày tĩnh lặng mà lúc chập choạng tối nay bỗng xôn xao. Các anh trong cùng dãy nhà và bên khu khám bệnh đã đứng vây kín trước cửa phòng tôi và Quỳ ở. Mỗi người một câu động viên tôi bình tĩnh, hy vọng bố chỉ ốm qua loa. Còn tôi từ lúc cầm bức điện về đưa cho Quỳ xem rồi chạy vào gieo mình úp mặt vào cái gối mà khóc thút thít cho đến bây giờ.

      Tôi vẫn khóc.  Mặc cho mọi người động viên tôi cũng chẳng bỏ vào tai. Một lúc rồi mọi người cũng về phòng. Chỉ còn mình trưởng phòng của tôi còn đứng lại. Tôi đã nghe rõ tiếng anh.

-   Anh còn  tiền đây! Quỳ cầm lấy 5 đồng xuống nhà quản lý nói với anh Tưởng nhượng cho x  hai cân đường về làm quà cho bố. Còn sáng mai Quỳ bố trí, lấy xe đạp của anh đưa x ra bến xe Vĩnh Trụ sớm cho kịp chuyến 7 giờ về Nam Định, x còn phải đón một chặng xe tiếp nữa về Thái Bình.

-   Hẳn hai cân đường, tôi đã nghe rõ mồn một. Chắc gì anh Tưởng đã cho nhượng nhiều như thế! Hôm trước thấy chị Tre hộ lý xuống hỏi nhượng mình thấy anh Tưởng không đồng ý.

-   Tôi đã không để ý thấy thái độ của Quỳ thế nào mà chỉ nghe tiếng anh Nhung nói nhấn lại.

-  Quỳ cứ xuống nói với anh Tưởng đây là ý kiến của anh Nhung đề nghị? Không ngại đâu!

      Anh Nhung là bí thư chị bộ của bệnh xá. Là một trưởng phòng nên khi nói đến là ý kiến của anh chắc anh Tưởng sẽ có độ nể hơn.

      Trưởng phòng Nhung cũng đã trở về chỗ ở trên dãy nhà khám bệnh. Tiếng bước chân Quỳ đã vào nhà. Tay xách cái túi ni lon mỏng in rõ hai cân đường nằm gọn. Tôi mừng lắm, thế là ngày mai mình về đã có quà cho bố.

      Quỳ bật đánh xoè que diêm châm vào ngọn đèn kỳ. Ánh lửa hồng, đủ sáng trong căn phòng bé nhỏ.

Tôi trở dậy kéo chiếc ba lô trên giá xuống xếp sắp lại cho gọn. Cô bạn nhắc nhẹ.

-    Xếp hai cân đường vào cẩn thận, không là bục túi bóng ra vào quần áo. Hình như bất cứ việc gì Quỳ cũng như đã sành sỏi hơn người. Thật hạnh phúc từ hôm về đây ở với Quỳ mình đã học hỏi được bao điều hay ở bạn.

-   Xếp sắp xong ba lô, tôi đặt vào góc giường. Quỳ đã đến giờ ngồi vào giường lầm nhẩm đọc bài kinh thánh.

         Tôi bước ra cái sân đất trước nhà, cũng là lối đi cho bệnh nhân qua lại vào phòng khám bệnh. Ngôi nhà thờ để hoang tĩnh lặng, ngoài  vườn Mía gió lao xao, không gian sáng mờ, vầng trăng khuyết ngày mồng sáu đang treo lơ lửng trên đầu ngọn tre nhà cụ Bật phía bên kia ao cá, sau khu lán bệnh.

       Ngày còn bé ở nhà cứ tối tối vào mùa nghỉ hè, trời quang, mây tạnh. cả nhà ngồi giải chiếu dưới nền cái sân gạch trươc cửa nhà mà nhìn lên bầu trời nơi  có những chòm sao sáng trông na ná giống người đang cúi xuống là bố bảo. Đấy là ông Thần Nông đã gù rạp, và con Vịt nằm gần giải Ngân Hà là đã báo hiệu mùa cấy đã đến.

       Có những đêm hè trời trong, nền trời in những vầng mây nhỏ tròn màu trắng đục nằm xếp gối vào nhau trông như lớp vảy cá khổng lồ thế là Bố lại kể cho mấy cô cháu nghe những câu truyện tuyền thuyết về vảy con Tê Tê  và thế nào tôi và mấy đứa cháu cũng được nghe bố lại hát  theo điệu Trống Quân “ Trên trời.. này… có vảy Tê Tê, có anh… thời…. bảy vợ chẳng chê vợ nào” lại mấy nhịp phách miệng của bố đệm sau nhịp hát Trống Quân. Mấy cô cháu cứ nằm nghe rồi cười khấm kích khi nghe thấy còn có ông lấy hẳn bảy vợ. Cô cháu cứ nằm nghe truyện, ngắm cả trời sao rồi lăn ra thiếp đi lúc nào mà không biết.

      Giờ thì bố đang nằm ốm trên giường. Không biết bệnh tình của bố sẽ ra sao? Cầu mong sao cho bố được bình an mọi bề.

       Quỳ đã đọc xong mấy bài kinh buổi tối. Cô nàng đang thấy lục xục mắc màn cả cho tôi. Trở vào căn phòng. Tâm trạng buồn mênh mang, đầu óc rối bời, chỉ mong sao cho đêm nay trôi nhanh, trời đừng có đổi gió,  để sáng ngày mai mình được về nhà sớm thăm bố….

                                                                                     (còn nữa )




« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười, 2013, 09:52:04 am gửi bởi xuanv338 » Logged
anhtho
Thành viên
*
Bài viết: 1282


Một thời để nhớ !


« Trả lời #252 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2013, 08:48:58 pm »

Em vẫn theo dõi nhưng em không thể nói gì thêm ngoài chuyện âm thầm thưởng thức trang tiểu thuyết diễm tình, bi ai và không kém hào hùng gắn với lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chúc chị gái mạnh giỏi!
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười, 2013, 05:37:45 am gửi bởi anhtho » Logged

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Ho MiGia
Thành viên
*
Bài viết: 75


« Trả lời #253 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2013, 11:08:33 am »

    Em chào chị CB, chào các bác

  Hôm rồi nhân dịp về Đông Hoàng qua ngã tư Gia Lễ chợt nhớ đến " có một cuộc đời  và  một tình yêu  như thế" của chị Xuânv338

 Trên đường đi cố hình dung ra rặng bạch đàn năm xưa nơi ấy chị Chích và anh LL có nhiều kỷ niệm đẹp của ngày đầu gặp gỡ, nhưng dấu ấn về hàng cây chỉ còn trong dĩ vãng, thay vào đó là con đường rộng thênh thang, phẳng lỳ mới được năng cấp khá hiện đại.
  Vẫn còn đó những địa danh Thăng Long, Tống Khê, Vạn Toàn...  cái dốc cống cao cao có lũy tre làng cũng chỉ còn trong hoài niệm mà thôi. Cái tên chợ "Tìm" không biết có gợi lại cho Chích Bông kỷ niệm nào không? bởi chợ này có từ lâu lắm rồi, ngày xưa một tháng chợ chỉ họp có hai lần, ngày nay ngày nào chợ cũng họp nhưng nhưng hôm chính phiên thì mới đông vui nhộn nhịp, còn ngày thường thì cũng thưa thớt hơn. Huấn luyện tại đây mấy tháng chắc chị cũng có lần nghé thăm tham khảo giá cả thị trường.

   Còn chuyện ở bệnh xá 581 chị có trưởng phòng Nhung trên cả tuyệt vời đấy, em không quá đề cao hai kg đường, mặc dù thời ấy quả thực rất quý. Nhưng câu nói của bí thư chi bộ " cứ xuống nói với anh Tưởng đây là ý kiến của anh Nhung đề nghị? Không ngại đâu!" và còn dặn chị Quỳ lấy xe của anh chở chị ra Vĩnh Trụ sớm để kịp đi chuyến bảy giờ và về được nhà trong ngày thì em thấy anh là người rất có trách nhiệm và sống đầy tình nghĩa . Có một trưởng phòng như thế em tin mọi cán bộ, nhân viên trong phòng có được sự đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau lúc thường cũng như lúc khó khăn thật đáng trận trọng phải không chị?

  Chúc chị thượng lộ bình an, có nhiều niềm vui. Cầu mong Bác nhà bình an mọi bề như ước muốn của chị.

  Về nhanh rồi lên sớm tiếp tục câu chuyện còn giang giở chị nhé, mọi người vẫn đang hồi hộp chờ đón câu chuyện của chi đó.

  Em chào chị, chào các bác, các bạn.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười, 2013, 08:18:12 pm gửi bởi Ho MiGia » Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #254 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2013, 07:56:54 pm »

 Chị chích chào Ho Migia, chào anhtho. xuanv338 chào tất cả các bác trên diễn đàn. Ho MiGia và anhtho đã đến thăm nhà chị Chích rất vui.

 Ho MiGia ơi!  Thật là tiếc Em về Đông Hoàng mà không tin cho chị. Đúng đấy HomiGia a!. Nhiều lần chị đã qua con đường ấy. Điểm chia tay với T chỉ còn là trong ký ức. Hàng Bạch Đàn đã không còn, con đường gồ ghề những ổ gà năm xưa giờ trải nhựa mịn màng, đường mở rộng thênh thang. điểm nhớ còn lại là đầu bãi tha ma Đông Mỹ. Hôm nay bãi tha ma cũng đã đổi thay nhiều. đi trên đường 218 nhìn vào bãi tha ma trông như một thành phố mini. Ngày xưa bãi tha ma ấy là nơi luyện tập của C4 là lính nam của Đông Hưng, bãi tha ma ngày ấy là một bãi cỏ rông mênh mông, những ngôi mộ  nhỏ nhỏ chạy nối nhau trông xa như những hòn đảo nhỏ. Nó bình dị làm sao!

  Còn nói về anh trưởng phòng Trần văn Nhung của mình thời ấy! Đúng như Ho MiGia nhận xét. Anh Nhung là người lính quân y vẹn toàn Y đức, sống  chuẩn mực. Anh là bí thư chi bộ, là một trưởng phòng, anh có đến 10 năm liền là chiến sỹ quyết thắng, có nhiều bằng khen và giấy khen của cấp quân khu. Mình cứ nhớ anh Nhung thường lúc trái gió trở trời là bị đau hết các khớp xương. Làm được theo như trưởng phòng thật là khó lắm. Tuy chức vụ anh Nhung là vậy nhưng mình cảm thấy có vẻ mọi công việc lớn của bệnh xá khi triển khai các thủ trưởng của bệnh xá vẫn phải xin ý kiến của anh ấy trước khi quyết định.

  Từ ngày chuyển ngành về quê mình không được gặp lại anh ấy. Nghe nói những năm sau anh Nhung lên làm bệnh xá trưởng. Sau này rời áo lính anh không về quê Thái Bình mà ra lập nghiệp tại bãi cháy Quảng Ninh. Mình chỉ nhớ ngày ấy anh nhung nói vợ anh tên là Lều Thị Xuân, là y tá của bệnh viện Bãi Cháy. Thời còn làm ở bệnh viện công lập, nhiều lần đi cùng đoàn tham quan ra bãi cháy ở đến ba ngày ngoài đó mà không biết được địa chỉ của anh Nhung. Năm nay anh ấy đã 75 tuổi rồi. Hy vọng sẽ có một ngày nào đó mình được gặp lại anh Nhung.

   Chào Ho Migia, chào anhtho, chào tất cả mọi người.

  
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười, 2013, 09:56:45 am gửi bởi xuanv338 » Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #255 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2013, 04:10:20 pm »

Phần II

những ngày ở bệnh xá đoàn 581 và những câu chuyện buồn vui.

Gian nan hai chặng xe về

   Sương Thu buổi sớm đã xuống nhiều, trời lành lạnh. Tôi và Quỳ cũng vừa đánh răng rửa mặt xong. Trưởng phòng Nhung đã mang xe xuống cừa phòng và tự anh chằng giúp tôi ba lô vào một bên gác ba ga xe đạp.
 
-   Hai chị em đi cẩn thận nhé! Xe Liên Xô hơi cao một chút, chắc là đi được không sao đâu! Xe tối qua anh đã tra luyn vào xích xe, cẩn thận Quỳ lấy hai cái kẹp, kẹp hai ống quần lại, nhỡ luyn dây bẩn ra quần.

        Quỳ dong xe đi xuống hết dốc qua bờ ao nhỏ sang đường bên kia hai đứa mới dám lên xe. Quỳ lâu ngày chắc cũng ít đi xe nên lúc bắt đầu lên, đầu xe cũng ngoáy tít mấy vòng rồi mới lấy lại được thăng bằng. Anh Nhung vẻ không yên tâm lắm cứ đứng nhìn theo hai cô lính lai nhau đi cho tới lúc khuất khỏi rặng tre.

   Chuyến xe Vĩnh Trụ - Nam Định đã chật kín người. Ai cũng đã có vé cầm tay. Tôi cố len lên được cửa xe, người thì đã lọt được vào còn cái ba lô còn dắt lại. May anh phụ xe đỡ giúp và đưa hộ vào gầm ghế. Trong đầu tôi thì còn lo cho số phận của hai cân đường bên trong ba lô không biết có hệ gì?

    Xuống xe. Tôi vội vã chạy vào nhà chờ xe Nam Định. Người đợi xe đi các ngả đông như nêm cối, từng đống hàng hoá của người buôn xuôi, bán ngược, tiếng người rao hàng vặt, tiếng động cơ xe chuẩn bị chuyển bánh cứ dình dình. Mọi âm thanh nghe um hết cả tai.

    Tôi đeo ba lô đi lướt một vòng tìm nơi bán vé về Thái Bình. Người đứng xếp hàng mua vé đã thật dài, Tôi chỉ mong sao mình mua được vé chuyến xe tiếp theo. Không chắc mình đứng đến tận gần cuối hàng. Đứng trước tôi là một bác trạc đã trung niên, tay xách cái túi da trông vẻ lịch thiệp chắc là cán bộ nhà nước thì phải. Quay lại thấy tôi bác cười!

-   Cô bộ đội về đi về thị xã còn đi đâu nữa không? Người này trông thật khó xưng hô, nửa mình muốn xưng là cháu nửa còn định gọi bằng anh và tôi đã quyết định nhanh.

Thấy người đàn ông nhiệt tình vẻ vồn vã.

-   Dạ! Em còn về Quỳnh phụ  anh a!

Về Quỳnh Phụ. Đôi lông mày người đàn ông hơi chau lại vẻ như đắn đo suy nghĩ.

-   Thế thì cô sang dãy bên kia xếp hàng mua vé Nam Định – Hải Phòng rồi xuống ngang  đường có phải tốt hơn không? Về thị xã lại phải thêm một chặng xe nữa vất vả ra.

Trong giây lát tôi thoáng nghĩ trong đầu. Mọi lần mình chỉ về đến Thi xã rồi vào chỗ anh trai lấy xe về. Hôm nay bố đang ốm nặng biết đâu anh mình lại đang ở nhà chăm bố. Tôi gật nhẹ đầu cảm ơn anh

Tôi len ra khỏi hàng người, Nhìn sang dòng người đợi mua vé xe đi Hải Phòng khá đông, người đàn ông tốt bụng không quên gọi với hỏi tôi thêm.

-   Cô bộ đội có giấy đi công tác không?

-    Da! Sáng nay vội nên em không xin giấy tờ gì cả mà chỉ có bức điện nhà gọi về, bố em ốm mệt.

-      Thế thì tốt rồi, cô cầm bức điện  ra tay để mua vé, được ưu tiên hơn, họ chỉ bán mỗi chuyến có mấy chục người lại sang chiều mới có chuyến mới.
 
Đúng như thế thật! Giờ bán vé đã đến. Cô nhân viên vừa mở tấm cửa vuông nhỏ, nhà xe thông báo sẽ bán ưu tiên cho những người có giấy tờ đi công tác đặc biệt trước. Đây là chuyến xe thứ hai trong ngày. Bức điện trong tay tôi đã được diện mua chiếc vé ưu tiên. Thật là may mắn.

         Chuyến xe Thái Bình – Hải Phòng vào lúc 9 giờ 30 phút đã bắt đầu chuyển bánh.  Người xe đông như mắc cửi, tôi không còn nhìn thấy người đàn ông tốt bụng ban nãy để cảm ơn anh!

      Xe đã bắt đầu sang qua phà, đời lính đã mấy lần mình được đi qua chuyến phà này, tự nhiên những cái nhớ mông lung, mỗi lần qua chuyến phà này là  mỗi lần có những kỷ niệm khác nhau, tâm trạng khác nhau. Giờ đây tất cả nó cứ ùa về cùng lúc. Nước từ thượng nguồn vẫn cuồn cuộn đổ về, dòng sông Hồng sáng nay sao mênh mông quá, mặt sông hôm nay như rộng ra hơn nhiều so với mấy lần mình đã đi qua.

    Sớm muộn thì trưa nay thôi mình sẽ được về tới nhà. Tôi cứ thầm mong và hy vọng nhiều là. Trưa nay thôi! Mình chỉ về đến khóm tre sau nhà cụ Thuỳ là mình đã nhìn thấy bố đứng sau hàng Mận đầu ngõ của nhà mình mà cười thật vui và sẽ không còn dận cô con gái.....

                                                                (Còn nữa)




« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2013, 03:28:52 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
Ho MiGia
Thành viên
*
Bài viết: 75


« Trả lời #256 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2013, 11:38:51 am »

   Đúng là ở hiền gặp lành các cụ xưa nói đâu có sai.

   Chị Chích đi đâu cũng có quý nhân phù hộ, có người giúp đỡ chỉ bảo, chứ xếp hàng mua vé có mà đến sáng mai chị cũng chẳng mua được,  khi người  xếp hàng đông như quân Nguyên vậy. May chị nhanh trí chuyển "gam" từ cháu sang em nên được sự tận tình gúp đỡ của bác cán bộ Nhà nước kia đấy, bài học này đến nay vẫn còn nguyên giá trị Grin

  Con người ta khấm khá lên một chút là dễ quên đi những ngày khốn khó. Nếu chị không tả lại cảnh xếp hàng mua vé thì có lẽ hình ảnh ấy đã đi vào dĩ vãng nhiều người chẳng còn ai nghĩ tới. Dù rằng ấn tượng sâu sắc nhất của thời bao cấp là xếp hàng, đi mua gạo, mua thực phẩm, vé tầu xe... tất tần tật phải xếp hàng. Trong cái khó ló cái khôn, con người ta nghĩ ra nhiều kiểu xếp hàng khá kỳ quái như đặt hòn gạch, hòn đá, cái nón rách xí chỗ như một sự hiện diện của thân chủ, nhờ người trước người sau chúng kiến mà cũng được xã hội thừa nhận. Khốn nạn nhất là xếp hàng từ sáng đến trưa trời nóng nực, sắp đến lượt mình thì "hết vé" " Hết giờ làm việc" nhiều khi nghĩ tiêu cục biết thế này hồi còn ở bên K em giơ tay hay chân lên cho Pốt nó làm sứt tý da kiếm cái thẻ thương binh đỡ phải xếp hàng Grin

    Nói vậy thôi chứ xếp hàng là nét "đẹp văn hóa" của thời bao cấp , nó đồng hành với thời thiếu thốn khó khăn chung của xã hội phải không chị?

   Nhớ lại hồi 1981 em phải đi từ 2,3 giờ sáng xếp hàng mua vé để đến  19h30 có mặt tại  đơn vị ở Mĩ Đình ,Từ Liêm điểm danh nếu chậm thì thôi rồi lượm ơi, đừng nghĩ chuyện phấn đấu vào đảng nghỉ cho khỏe, ở các trường trong quân đội kỷ luật là lỷ luật sắt, không chấp nhận lý do, lý trấu gì cả, không nói chuyện chính trị, điều lệnh nghiêm minh, kỷ luật rõ ràng.

   Còn chuyện đến và ra khỏi "đảo quốc " nhà chị cùng  là cả một vấn để đấy, bao quanh đâu cũng là phà, nhiều hôm bọn em phải bỏ xe ba lô lộn ngược sang phà trước và nhờ đi xe khác cho rồi, nhất là những hôm lễ tết, xe xếp hàng dài hàng km lại ưu tiên xe con, xe quân sự, xe "làm luật" nghĩ mà mệt hết cả người. May mà ngày ấy mặc bộ quân phục dân cũng còn quý, còn yêu nên chuyện đi nhờ xe diễn ra như chuyện thường ngày xảy ra ở huyện.

    Ngày nghỉ luyên thuyên một chút về một thời đáng nhớ cho thời gian qua mau. Chào chị , chào các bác.
   
Logged
sydinh6316
Thành viên
*
Bài viết: 102


« Trả lời #257 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2013, 12:38:05 pm »

Xin chào anh xuanv338 , nghe nói anh là người thái bình vậy cho tôi hỏi anh ở huện nào vì tôi có 1 anh là D trưởng quê đông hưng tỉnh thái bình , nhờ anh biết thông tin gì cho tôi biết .
Anh Trần Xuân Thiết D trưởng D8 , Q16 , F5 .
Xin cám ơn
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #258 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2013, 01:23:36 pm »

      xuanv338 xin chào sydinh6316. Người khách mới lần đầu tiên tới nhà. Chị Chích chào Ho MiGia. chào tất cả các bác.
 Trước hết xin trả lời Sydinh6316. Lần đầu khách đến nhà mà chủ nhân cũng chưa biết được tuổi tác của khách nên cứ tạm gọi lấy tên nick. Vì nhiều người thân thiết dù tuổi lơn hơn họ cũng hay dùng gọi tên không cho tình cảm. Thế nhé sydinh6316 nhé!  Lần đầu xuanv338 chỉ biết gửi lời cảm nhiều tới sydinh.

    Việc sydinh muốn tìm lại đồng đội quê Thái Bình. Kể ra có địa chỉ tên quê hương thì dễ tìm hơn. Thôi được xuanv338 sẽ dần dò hỏi. Anh thiết thuộc thế hệ lính nào đề nghị sydinh PM tin cho xuanv338 cũng được. Chúc sydinh mạnh khoẻ. Nhớ cho thêm thông tin về D trưởng Trần Xuân Thiết cho dễ tìm hơn. (À sydinh lại nhầm rồi. xuanv338 là CÁI chứ không phải anh đâu? Sự nhầm giới đối với xuanv338 trên diễn đàn này sydinh không phải là người duy nhất. Không sao đâu! Grin

    Ho MiGia. Em cũng là người chịu nhớ giai cái cảnh thời bao cấp đến vậy. Đúng đấy em ạ! Thời ấy xếp hàng hàng ngày có khi cũng chả mua được nổi vé xe nếu không có giấy tờ đi công tác. Xếp hàng là văn mình nhưng việc chen lẫn cũng đầu không có. Còn chuyện chuyển gam xưng hô như Homi nói đúng tý thôi. thực ra ngày chiến tranh bộ đội được dân quý lắm. nhất là bộ đội nữ. mỗi lần về quê đợi xe, đợi tàu thấy có cô bộ đội vai đeo ba lô ngơ ngác là có mà bao nhiêu con mắt nhìn về để chia sẻ. Chắc họ thấy lếch thếch mà thương thôi.

    bây giờ CB lại mời mọi người nghe câu chuyện kể tiếp theo trên chặng đường về thăm bố.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2013, 01:37:28 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #259 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2013, 01:30:31 pm »

Phần II

những ngày ở bệnh xá đoàn 581 và những câu chuyện buồn vui.

Một con đường xưa – gặp lại cô bạn thuở học trò.

     Những ổ gà gập ghềnh, tiếng động cơ và tiếng còi xe, tiếng người chuyện trò trên xe. Thật là ồn ã. Nói gì cũng phải  nói thật to. Tôi đa có cảm giác như xe đang  dập dềnh trên những nhịp cầu Phao thì phải.  Có tiếng ai đó nói! Đến cầu Nguyễn rồi đấy.

Cầu Nguyễn! Vậy là cũng sắp đến gần ngã ba Đọ rồi ? Tôi lách thêm lên một bước giữa lòng xe, người đứng chật như nêm, tôi  cố xoay sở để kéo được chiếc ba lô tận trong gầm ghế.

-    Anh phụ xe ơi! Lát nữa cho em xuống chỗ ngã ba Đọ anh nhé!

Chị khách đi cùng đường đứng ngay cạnh tôi lên tiếng.

-   Cô bộ đội về làng Đọ à.?

-   Dạ không! Em chỉ đi qua làng Đọ thôi. Em còn phải đi xa chừng sáu, bảy cây số nữa nữa. Nhà em ở làng mãi bên kia bên đò Rồi Công chị ạ!.

-   Vậy chắc cô ở bên làng Cao Mộc! Thế là hai chị em thí nữa đi cùng đường cho vui. Tôi cũng đi về  Đông Phương chỗ làng Vàng đấy ! bên Cao Mộc chúng tôi lạ  gì. Bên này vẫn qua đò sang bên chơ Neo luôn. Thế là tôi đã có bạn đường.

    Xe đã dừng lại.  Hai người cùng xuống ngã ba Đọ. Cái ngã ba mà mình đã rất quen. Ngày còn bé mỗi lần theo bố Mẹ về quê bao giờ đi tới ngã ba này cũng được nghỉ giải lao. Có lần được Bố, Mẹ cho đi xe ngựa, có lần thì đi xích lô. Có lần thì lại phải đi bộ, thỉnh thoảng lại được Bố cõng đi một đoạn dài.

    Tôi dừng lại quán nước bên đường. Chiều tối qua nhận được điện cứ rối bời lên, rồi cũng chẳng nghĩ đến chuyện tạm ứng tiền phụ cấp tháng này. Trong túi cũng chỉ còn hơn hai đồng nữa. Quán nước lèo tèo, trông đáng giá nhất chỉ còn 9 quả chuối tiêu. Mình học y tá thày giảng chuối chín là rất bổ với người ốm và tôi đã mua tất chín quả chuối Tiêu với giá chín hào về thăm bố.

    Tay xách chín quả chuối Tiêu, tôi lên vai ba lô đi sau chị khách đi cùng đường dẽ phải rồi đi qua làng Đọ. Chị Khách đi cùng đường thì thao thao hỏi chuyện. tôi chỉ vâng và trả lời cho qua chuyện. Đầu óc tôi đang lung bung. Làng Đọ đây rồi. Cái làng lại làm cho mình nghĩ nhiều về Bố.

     Làng Đọ ! Cái làng cũng có cây tháp nhà thờ cao chót vót. Cái làng có những con đường toàn là gạch xây nghiêng. Cái làng lúc nào cũng có tiếng máy dệt vải dình dình, tiếng bịch….bịch….bèng…của những người thơ bịch bông. Cái làng có những đứa trẻ con  chắc chỉ cùng trang lứa với mình thôi hoặc lớn hơn một chút, mình chưa biết mặt chúng nó. Nhưng cho đến giờ tiếng vọng của câu hò kéo pháo «  hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo…….. » Câu hát từ cái góc sân kho của làng Đọ năm ấy đã vọng theo và đọng lại trong mình suốt mấy mươi năm, mình đã được nghe chúng nó hát rất hay.

     Lúc ấy mình đang được bố cõng trên lưng đi qua làng của chúng nó trên đường về quê Nội.  Những tiếng hát lanh lảnh của những đứa trẻ con thuở ấy giờ bỗng dưng lại đang văng vẳng vọng đến tai mình. Chắc bọn nó giờ cũng đã lớn cả rồi và biết đâu chúng nó cũng đã là người lính đang chiến đấu và còn mang theo cả câu hò kéo pháo năm xưa vào trận.

    Tôi vẫn bước theo người đàn bà tuổi đã trung niên qua làng Đọ và dẽ vào làng Vàng. Phải rồi! Qua làng Vàng và qua làng Thân Thượng, làng Rồi Công trong nữa thôi là tới bến đò Rồi.

  Nắng trưa đã tròn bóng. Mồ hôi đã thấm đẫm lưng tôi, dòng mồ hôi chảy dọc theo hai bên má thấm vào khoé răng thấy chan chát miệng. Bụng cũng đã thấy cồn cào nhưng nghĩ đến ăn thì lại thấy đắng ngắt miệng. Cung đường về tới làng mình không còn bao xa nữa. Chia tay với chị khách cùng đường ở gốc đa đầu làng Vàng. Tôi một mình đi theo con đường cao chệnh vênh  ven bờ kênh dài, hai bên đường cỏ May mọc dày, con đường nhỏ chỉ còn rõ một lối đi ở giữa. May mà quần bộ đội dày nên chỉ lác đác vài cái hoa Cỏ May găm lại.

        Ngày còn bé đi chăn trâu ngoài bãi tha ma đứa nào cũng thi nhau chạy vào đám cỏ May mong sao cho hoa bám thật nhiều vào ống quân rồi lại ngồi tụm đầu nhau vào một chỗ nhổ từng cái cho vào mồm nhằn nhằn có cái hạt nhỏ ri ăn ngầy ngậy và bảo nhau đó là hạt gạo.

        Cứ mải miên man, làng Thân Thượng cũng đã qua, làng Rồi Công trong đã đến. Đây là chợ Rồi. Ngày bé ở nhà mỗi phiên chợ Rồi mình thường theo chị Hướng gánh rau muống sang chợ bán. Giờ sao trông cái chợ vẻ như bé lại. Tôi dừng lại gốc cây si bên cạnh cái Miếu làng. Một tay vớ lấy cái mũ cứng quạt lấy quạt lể. Định bụng đứng nghỉ cho mát một tý rồi đi ra bến đò.

     Tôi đã giật thót mình. Bống dưng ở chốn quê này có tiếng người gọi giật.

-   Có phải tý x đấy không ? Còn nhớ ra tớ không ? eo ơi hồi này đi bộ đội về tông khác thấy (trông khác thế).

  Tôi quay vào trong ngõ nhỏ, một phụ nữ người thấp đậm đà đi ra. một nụ cười vẻ như gượng gạo. Tôi cũng đã nhận ngay ra, đó là Nhỡ. Tên đủ của bạn là Hoàng Thị Nhỡ. Bạn học cùng lớp với tôi cả mấy năm cấp II ở bên trường làng tôi. Mà sao bạn lại ở đây. Làng bạn cũng là Rồi Công nhưng lại là ở bên kia bến đò cơ mà. Tôi bình tĩnh hỏi thăm Nhỡ

-   Nhỡ ơi ! Ngày ấy các cậu bảo làng các cậu là làng Rồi Công bên kia bến Đò phải không ? Ngày ấy làng Rồi Công có đến hơn chục đứa phải sang làng tôi học. Ba năm học cấp II chúng nó không biêt đã phải đi qua bao nhiều chuyến đò đầy để sang trường học. Biết tôi đang ngờ ngợ.

-    Nhỡ cười gật đầu. Tớ lấy chồng sang bên này.

   Thì ra một Ngã ba sông, con đò nhỏ ngày ngày phải đi về hai bến. Thế là ! Cái bến nối đôi bờ Rồi Công trong và Rồi Công ngoài đã từng có một đám cưới của bạn tôi đi qua, con đò đã thay cho cây cầu nối hai bờ bến.

-   Thế chồng Nhỡ đi đâu ?

Người bạn gái không nói gì ! Rồi hai hàng nước từ trong khoé mắt Nhỡ cứ chảy tuôn. Câu nói run run như muốn kìm lại không để cho tiếng khóc.

-    Chồng tớ đi bộ đội. Cưới nhau được mỗi hai ngày là anh ấy đi  B. Giờ anh ấy bị hy sinh rồi. Nhỡ đã oà lên, tiếng khóc chứ không còn là tiếng nấc.
      Mắt, mũi tôi thấy cay xè và lệ chảy theo cùng bạn. Thật là thương cho Nhỡ. Hình ảnh cô bạn gái ngày xưa ngồi gần cuối lớp, mỗi lần thày gọi bạn đứng lên đọc bài. Sau câu chào lễ phép trước khi đọc bài" Thưa thày " là bắt đầu người nàng cứ đưa võng theo thói quen cho đến lúc đọc xong bài. Cả lớp cứ bấm nhau cười. Có mấy năm trôi đi không gặp lại. Giờ thì bạn đã trở thành là một người đàn bà goá bụa.

     Nhìn Nhỡ khóc để lộ hàm răng vẫn như xưa. Hàm răng Nhỡ hơi hô, màu hơi xỉn vàng, hai cái răng cửa nằm cách xa nhau bằng hạt gạo. Nhớ lại có lần mình được nghe chị Hưng Phúc hàng xóm bảo rằng. Đàn ông hay đàn bà mà răng cửa thưa thếch là thế nào cũng phải đi hai lần đò. Vậy răng cửa của mình có thưa đâu nhỉ ? Đúng là cuộc chiến tranh tàn khốc gây bao nhiêu đau thương, mất mát cho đến tận cùng ngõ xóm.

     Nhìn sang phía làng mình, tôi giật mình. Thôi chia tay Nhỡ thôi mình phải về nhanh để xem Bố thế nào !

Tôi nắm chặt bàn tay ram ráp của Nhỡ và chào bạn. Nhìn lại khuôn mặt âu lo của Nhỡ.
-    Mình về ! Hẹn một dịp khác mình sẽ vào nhà.

Tôi chia tay Nhỡ đi men theo con đường đầy cỏ ra bến Đò Rồi……
                                                  
                                                       (còn nữa)








« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2013, 03:37:24 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM