Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:03:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sông Côn mùa lũ  (Đọc 77965 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #180 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2009, 10:11:00 pm »

Ông giáo vui mừng tìm được người hiểu mình, reo lên:
 
- Anh nói đúng lắm. Tôi cũng nghĩ như vậy. Cách ngụy biện này còn nguy hiểm hơn cả chính sự xác nhận đời là sự cạnh tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua. Nó hợp lý hóa một điều bất đắc dĩ, như đem chuyện buồng the ra kể trước công chúng.

Huệ nói:

- Con nhớ có lần đã thưa với thầy là trước sau gì bọn cơ hội tứ phương cũng đánh hơi thấy mùi mật ngọt mà bu đến đây như một đàn ruồi. Chúng còn đông hơn, nguy hiểm hơn bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn du thủ du thực lâu nay nhan nhản quanh chúng ta. Nguy hiểm hơn vì chúng thông minh hơn bọn trộm cướp, được việc hơn bọn vong mạng dốt nát, ngoan ngoãn giỏi nịnh hơn bọn cố chấp hẹp hòi. Khó phân biệt được người thiện chí và kẻ xu thời cạnh tranh. Con nghe hắn lý thuyết dông dài, nhìn đôi mắt hắn láo liên, tự nhiên rờn rợn. Không hiểu tại sao con đâm ghét cay ghét đắng hắn ta. Rồi nhìn cái cười đắc chí của anh con, con ghét lây cả...

Huệ chợt nhớ đến giới hạn, vội ngưng lại. Dù sao đi nữa, anh không có quyền nói xấu anh mình. Ông giáo cảm động vì sự tin cậy của Huệ, ngầm hiểu nguyên do của sự phẫn kích, sự quá đáng trong cách xét đời xét người. Ông an ủi:

- Rồi mọi sự không đến nỗi bi quan như anh nghĩ đâu. Trên đời lẽ thiện vẫn sáng, và phải thắng. Những gì buồn khổ, bất như ý rồi cũng qua đi. Thời gian cuốn hết những thống khổ. Ông trời thật hay: vừa cho người ta trí nhớ, nhưng cũng cho người ta sự quên lãng. Ngày mai thức dậy, tối hôm nay đã thành một kỷ niệm. Mà kỷ niệm nào rồi cũng phải mờ, như một cái gương cũ.

Huệ đột ngột nắm tay ông giáo, giọng nói run run:

- Con cảm ơn thầy nhiều. Vâng, con hiểu lòng tốt của thầy. Ngày mai con đi xa rồi, không biết có mau được dịp trở lại thăm thầy hay không. Tuy nhiên dù ở đâu, xa xôi cách mấy, con vẫn không quên ơn thầy. Có điều này con thành thực thưa với thầy, là hiện nay vị thế của thầy bấp bênh lắm. Nguy hiểm là khác. Con nói chuyện qua với Bùi Văn Nhật và ông Chỉ, là hiểu hết. Cũng may anh con vẫn còn xem trọng những ý kiến của con. Nhưng con sợ... con vẫn sợ..
 
Ông giáo ôm lấy hai vai Huệ. Ông muốn khóc vì xúc động. Không ai hiểu ông bằng Huệ, không ai thấy rõ cuộc đời ông, tâm tình ông, cả sự nguy hiểm trắc trở về sau của ông bằng người học trò đang giữ vai trò lịch sử quan trọng này. Ông vỗ nhẹ vào lưng Huệ, cố dằn xúc động, lẩm bẩm:

- Cảm ơn anh. Tôi hiểu... Chúng ta quá hiểu nhau. Như vậy là quí lắm rồi, may lắm rồi. Ráng giữ gìn sức khỏe, và niềm yêu đời, Huệ nhé!

Hai thầy trò chia tay nhau dưới vòm sương khuya và ánh trăng thượng tuần lờ mờ. Huệ quay về dinh phủ, mắt còn xốn xang vì hình ảnh hai cái lồng đèn vẻ hình loan phượng treo trước cửa nhà ông giáo. Anh bước gấp như chạy trốn, lưng nhột nhạt vì ý nghĩ hai ánh sáng lay lắt ấy giống y hai con mắt tinh ranh đùa cợt trên nỗi đau khổ đầu đời của anh. Tới lúc vào hẳn trong dinh, nghe tiếng đàn tiếng hát Nhạc chiêu đãi sứ bộ, Huệ mới bớt ám ảnh ray rứt. Sau khi Mịch biểu diễn xong một đoạn ghen tuông trích trong vở Phụng Nghi Đình, Chỉnh cao hứng hát một bài quan họ Bắc Ninh để đáp lễ. Lời ca bài Trèo lên cây gạo như sau:

Trèo lên cây gạo cao cao
Bước xuống vườn đào thấy áo người phơi
Thấy áo sao chẳng thấy người
Như đứng nhà giột như ngồi chuồng chim
Thấy chuồng sao chẳng thấy chim
Để tôi chỉ quyết đi tìm một đôi
Tưởng rằng chim lẻ bắt chơi
Không ngờ chim đã đủ đôi cả rồi
.

Huệ ngồi phía sau sân hát, nên lúc anh bỏ về, không có ai trong cuộc vui hay biết gì!
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #181 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2012, 11:28:21 pm »

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tác giả của trường thiên tiểu thuyết nổi tiếng Sông Côn mùa lũ vừa qua đời lúc 22g15 ngày 2-7 tại nhà riêng (thành phố Westminster, California, Mỹ), hưởng thọ 72 tuổi.


Nhà văn Nguyễn Mộng Giác - Ảnh tư liệu

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác sinh ngày 4-1-1940 tại Bình Phú (Tây Sơn, Bình Định), định cư tại Mỹ năm 1982.

Ông tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm ban Việt Hán tại Huế năm 1963, từng dạy học tại trường Đồng Khánh (Huế), rồi  làm hiệu trưởng trường Cường Để (Qui Nhơn), làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục tại Bộ Giáo Dục (Sài Gòn).

Ngoài bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ (4 tập), Nguyễn Mộng Giác còn xuất bản nhiều tác phẩm khác, như: Nỗi băn khoăn của Kim Dung (tiểu luận), Bão rớt (tập truyện ngắn), Tiếng chim vườn cũ (truyện dài), Ngựa nản chân bon (tập truyện ngắn), Mùa biển động (tiểu thuyết, 5 tập)…

Nguyễn Mộng Giác là một nhà văn có nhiều đóng góp ở thể loại trường thiên tiểu thuyết, đặc biệt là bộ Sông Côn mùa lũ với bối cảnh thời Quang Trung, Hãng phim TFS (Đài truyền hình TP.HCM) đã mua bản quyền để thực hiện phim truyền hình nhiều tập.

http://tuoitre.vn/The-gioi/Nguoi-Viet-xa-que/500226/Tac-gia-Song-Con-mua-lu-khong-con-nua.html
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM