Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:41:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sông Côn mùa lũ  (Đọc 77810 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #140 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 08:58:16 pm »

Trước cổng khu quân lương, nhiều người đàn bà và con nít lóng ngóng chờ đợi, nách ôm những bọc nhỏ có lẽ đựng vài thứ cần thiết như quần áo, thức ăn đường. Lính quân lương đi ra đi vào, mặt mày lạnh lùng để từ chối những lời thăm hỏi hay gửi gắm. Đám đông trước trại ngày càng ồn ào, tiếng con nít khóc chen lẫn tiếng mẹ chúng chửi mắng, quát tháo. An gặp Ngạnh đang cố thoát ra khỏi đám đông để lên phủ, níu lại hỏi:

- Chuyện gì mà ồn thế anh?

Ngạnh trố mắt nhìn An, giọng giận dữ:

- Đến cô mà cũng đến đây à?

- Ô hay! Sao anh hỏi vậy? Tôi đi chợ về thấy người ta bu quanh đây. Có chuyện gì vậy?

Ngạnh hiểu không phải An đến để nhờ vả mình, nên kéo An ra phía đường, vừa thở vừa nói:

- Cô coi thiên hạ có điên không? Tự nhiên nghe đồn là giặc sắp đến nơi, nên hoảng lên.

- Nhưng họ chạy đến đây làm gì?

- Họ nghe chúng tôi cho chuyển kho lên Tây Sơn thượng, nên nghĩ có lẽ trên đó an toàn, ùn ùn kéo nhau đến xin quá giang. Cô coi, bồng bế dắt díu nhau như thế kia, trông có thảm không. Mỗi lần chúng tôi có việc phải ra cổng, họ bu vào làm tình làm tội như là hổ vồ mồi. Quần áo, trông mà khiếp!
 
An lo âu hỏi:

- Nhưng tại sao lại cho lệnh chuyển kho trong lúc này?

Ngạnh giơ hai tay lên trời than:

- Thế mới lạ! Ngoài phố đã thế, trong này không giữ được trật tự thì còn gì nữa! Không biết chuyện chuyển kho đã dự tính từ lâu, hay mới quyết định đây?

- Anh Lợi đâu rồi?

- Tôi cũng chẳng hiểu. Chắc lên trên phủ. Cô đi đâu về thế?

- Tôi vừa bảo với anh là vừa đi chợ về. Ngoài phố sắp loạn lên đấy, anh có biết không?

- Tụi du thủ du thực của Lý Tài chứ gì!

- Vâng. Họ chạy về đây lúc nào thế?

- Sau khi bị vỡ ở trận Cẩm Sa. Bọn theo Tập Đình trốn đi, khiến bọn theo Lý Tài hoang mang, một số bỏ trốn về đây, một số Lý Tài tập trung lại được, hiện còn đóng ngoài Tam Quan.

An nhớ đến Chinh, lo lắng hỏi Ngạnh:
 
- Anh nghe tin ấy ở đâu thế?

- Anh Lợi nói.

- Sao hôm qua anh Lợi không nói gì với tôi cả.

Ngạnh cười:

- Cô quên ư? Hôm qua ông Huệ chưa về Cù Mông, anh ấy như con gián sợ mặt trời...

An đỏ mặt đưa mắt lườm Ngạnh. Anh ta tự thấy đã đùa quá lố, nghiêm mặt lại. An bảo:

- Thôi tôi phải về. Chắc cha tôi biết nhiều tin tức mới. Anh vào làm việc đi. Tôi về nhé!

*

*     *


An chờ cha về ăn cơm trưa, nhưng ông giáo bận họp trên phủ không thấy về. Cô còn đang bồn chồn, không hiểu cha có việc gì không, thì Thọ Hương tới.
Nét mặt kinh hoàng của Thọ Hương khiến An lo lắng thêm. Cô tưởng người bạn gái bé nhỏ mang tin buồn đến cho cô. An thảng thốt hỏi:

- Việc gì thế Hương, chị sợ quá! Hương chỉ chờ có thế. Cô gái ôm chầm lấy An mà khóc nức nở. An hoang mang không dám hỏi thẳng Hương về tin tức Chinh, hay hỏi lý do vì sao ông giáo không về trưa nay. Diễn biến của tình thế nhanh quá, đã vượt ra ngoài tầm tay An. Cô chới với không biết hỏi ai để biết rõ ràng hiện nay chúng ta đang ở đâu, sắp tới điều gì sẽ xảy ra. An tin rằng Thọ Hương biết hết, và nét mặt kinh hoàng của Hương là một điềm báo dữ. Chờ cho Hương bớt nức nở, An mới gỡ tay cô gái ra, dỗ dành:

- Em đừng khóc nữa. Em thương chị, chị cảm ơn lắm. Chị đã quen với những rủi ro mất mát rồi. Em đừng lo chị buồn. Cứ nói cho chị biết đi. Gia đình chị đã gặp chuyện rủi ro gì?

Thọ Hương ngạc nhiên nhìn An, không hiểu. Thọ Hương hỏi:

- Chị nói gì vậy?

- Thế tại sao em khóc?

- Em lo quá chị An ơi!
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #141 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 09:00:07 pm »

An làm mặt đàn chị, an ủi:

- Không việc gì phải lo, Thọ Hương. Thắng bại là chuyện thường. Hương nhớ không, năm ngoái quân ta rút về tận Bích Khê, mà có sao đâu.

Một lần nữa, Thọ Hương lại ngỡ ngàng hỏi:

- Chị nói gì, em không hiểu gì cả.

An trố mắt nhìn Thọ Hương, giọng đã hơi bực.

- Không phải em khóc vì lo giặc sắp đến ư?

Thọ Hương bật cười, tuy nước mắt còn đầm đìa trên má:

- Không. Em lo chuyện của em.

- Chuyện của em là chuyện gì?

Thọ Hương đã bắt đầu bình tĩnh, vừa thút thít vừa ngập ngừng nói:

- Sáng nay, cha mẹ gọi em lên bảo em phải lấy chồng.

An thích thú reo lên:

- Đi lấy chồng mà khóc như đi đưa ma! Đừng con nít thế! Em đã lớn, đã đến tuổi lập gia đình rồi, em biết không. Nhưng cha mẹ gả em cho ai thế?

Thọ Hương càng do dự hơn trước, gương mặt pha lẫn thảng thốt và vui mừng khiến An thêm tò mò. An giục:

- Em lấy ai thế? Chỉ có một mình chị, việc gì mà ngượng.


Thọ Hương mím môi để lấy thêm can đảm, rồi liều lĩnh nói nhanh:

- Cha muốn gả em cho Đông Cung.

An không tin tai mình, vội hỏi lại:

- Em nói sao? Gả cho Đông Cung à?

Thọ Hương đỏ mặt không dám nhìn An, cũng không dám lên tiếng xác nhận. Cô chỉ gật đầu, răng trên cắm chặt lấy môi dưới để không bật khóc vì xấu hổ. An mừng rỡ ôm chầm lấy bạn:

- Thế mà khóc! Chị không hiểu nổi em nữa, Hương ơi!

Chị mừng cho em. Lấy Đông Cung, em có thấy hết tầm quan trọng của chuyện đó không? Lấy Đông Cung! Mai sau Đông Cung lên ngôi, em sẽ thành...

Thọ Hương sợ hãi cắt lời An:

- Chị đừng nói nữa.Chính điều đó làm em lạnh đến tận xương sống. Em ngộp thở,như đột ngột bị một trái núi đổ sập lên người. Nghe cha em nói xong, em chết điếng, rồi mếu máo khóc. Cha em giận quá quát lên. Em vội chạy ra đây tìm chị. Làm sao đây chị An?

An cười, bảo:

- Làm sao? Chẳng lẽ đấy là một tai họa nên chị phải cứu em thoát nạn! Đừng trẻ con thế Hương! Em sợ cái gì? Em không xứng đáng để làm hoàng hậu sao? Em không xấu thua ai. Cha em đang có quyền thế. Đông Cung hiện đang ở đây, cái ăn cái uống cũng nhờ một tay cha em bảo bọc. Cả đến hai viên đại thần theo hầu Đông Cung cũng nem nép khúm núm khi thấy cha em đến. Hơn nữa, không có cha em thì liệu Đông Cung có còn giữ được mạng sống hay không, chứ đừng nói hy vọng mai sau sẽ lên nối ngôi chúa. Nghĩa là Đông Cung có thể lên ngôi hay không lên ngôi, là do cha em định đoạt. Cái ngôi vua Đông Cung sắp ngồi là do cha em dựng cho, Thọ Hương thấy chưa, có gì đáng sợ đến nỗi phải mếu máo?

Thọ Hương thấy An nói có lý, phần nào đã yên tâm. Cô bớt hốt hoảng. Nhưng nỗi lo ngại vẫn lởn vởn, mơ hồ. Thọ Hương rụt rè nói:

- Nghe chị thì em...thì em thấy bớt sợ. Nhưng... nhưng em cứ lo lắng.

- Em lo điều gì nữa?

Thọ Hương đột ngột hỏi:

- Lấy chồng là sao hở chị?

An lúng túng không biết trả lời thế nào. Chính cô cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc vợ chồng. An chỉ mới hiểu mơ hồ rằng một người đàn ông và một người đàn bà cùng chung sống trong một mái nhà, thương yêu nhau, lo lắng cho nhau, xa nhau thì nhớ, mất nhau như cha An mất mẹ thì đau đớn như đứt từng khúc ruột, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trước mọi may rủi trên đường đời. Vợ chồng sống với nhau tất có con cái, mừng rỡ khi con mạnh khỏe, khổ sở trằn trọc khi con đau ốm...Chắc chắn còn có nhiều điều nữa An chưa hiểu hết. Nhiều điều bất thường, lạ lùng, như cảnh vợ chồng giữa anh Kiên và người vợ góa viên cai cơ, như chuyện người vợ đào hát của anh kép Mịch lấy viên khâm sai lạng, như chuyện gấu ó chửi mắng nhau thậm tệ giữa những cặp vợ chồng lính phủ... Thế nào là vợ chồng? Thế nào là một cuộc hôn nhân đáng mơ ước? Thọ Hương chờ mãi chưa thấy An trả lời, nên giục:
 
- Chị, lấy chồng là thế nào? Em lo vì chưa hiểu gì cả!

An đành thú thực:

- Chị cũng chưa hiểu, làm sao trả lời em được.
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #142 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 09:00:54 pm »

Thọ Hương bật cười:

- Em đã đui lại tìm hỏi đường chị mù. Nhưng em không tin chị đâu. Chị giả vờ không biết để khỏi trả lời em đó thôi. Chị lớn tuổi hơn em, chị phải hiểu.

An vội nói:

- Chị nói thật mà! Chị chưa hiểu gì đâu.

Thọ Hương tin An thành thực, quay lại giọng tâm sự:

- Em thấy trước khi trở thành vợ chồng, hai bên phải biết nhau, phải thương nhau đã. Cũng như chị với...với chú Tám. Chị cứ để em nói, vì em hiểu chị, em thương chị. Chú Tám lúc nào về cũng tìm em để hỏi về chị. Chú ấy tức cười lắm. Muốn hỏi chuyện chị mà cứ loanh quanh. Nào những là: Thọ Hương đã học được đến đâu rồi? Thọ Hương thêu đẹp hơn kỳ trước chú về đây nhé! Thọ Hương có thường đi chơi với ai không? Em biết tận tim đen của chú, nên cứ trùng trình không đả động gì đến chị cả. Cuối cùng chú Tám phải đỏ mặt lên, lí nhí hỏi thẳng chuyện của chị. Đấy, em nghĩ nếu mái sau thành vợ thành chồng, thì người chồng phải là kẻ luôn luôn nhớ tưởng đến vợ như chú Tám với chị, và người vợ cũng nhớ tưởng lo lắng cho chồng như...như.

An cắt lời Thọ Hương:

- Thôi, em chỉ nói nhảm.

- Không, chị để em nói. Mà thôi, em chưa nói chị đã hiểu rồi. Em nghĩ đó là tình thương yêu phải có giữa vợ chồng. Nhưng chị An ơi, chị nghĩ xem, nếu em lấy Đông Cung, thì đâu có những lo lắng cho nhau, nhớ tưởng đến nhau như trường hợp chị với...với chú Tám. Em chưa bao giờ được nói một câu với...với ông ấy. Ông ấy cũng chưa từng nhìn thẳng vào mặt em. Ông ấy chưa tính em thế nào, thích cái gì, không thích cái gì. Em cũng vậy. Em chỉ thấy được một lần ông ấy đi ra ang tự múc nước rửa mặt. Như vậy đã đủ để thành vợ chồng chưa?

An không biết trả lời thế nào, chỉ đáp bừa:

- Nhiều khi trước khi lấy nhau, hai đàng chưa hề gặp mặt nhau. Người dân dã thì có thể đã gặp nhau trên đường đi làm đồng, hay trên đường đi củi, còn dân quyền quí sống cấm cung thì không bao giờ con cái được ra khỏi nhà. Đến ngày cưới, chú rể mới biết mặt cô dâu. Thế mà sau ngày cưới, vợ chồng vẫn thương yêu nhau thắm thiết.

Thọ Hương không thỏa mãn, thắc mắc:

- Nhưng hôm đám cưới, cô dâu chú rể nói gì với nhau đây? Nhất là khi nhà gái đã ra về?

An cười:

- Lúc đó cô dâu không nói gì cả. Cô chỉ khóc.

- Vậy thì đáng sợ quá.

- Không sao đâu Hương. Nhờ cô dâu khóc mà chú rể mới có dịp dỗ dành. Từ đó họ làm quen nhau.

Hai cô gái cùng cười to. Cười xong, Thọ Hương vẫn bồn chồn thất thần:

- Nhưng em vẫn sợ! Chị An, làm sao đây?

*
 
*     *


Xế chiều, trong vòng thành phủ không khí hớt hải xao xác chẳng khác nào không khí một thành phố bị bao vây. Mọi người, nhất là những người đàn bà, cứ thắc thỏm đứng ngồi không yên, hết chạy quanh hỏi thăm tin tức lại về nhà thúc giục con cái thu vén quần áo, lương thực, cất giấu đồ quí giá, cột gói sẵn những thứ cần thiết chuẩn bị chạy giặc. Thuyền chở gạo của kho quân lương ngoài bến sông bị những kẻ liều lĩnh ùa xuống chiếm chỗ để tản cư. Rào trại kho bị phá. Từng toán những đàn bà con nít nheo nhóc ôm xách đủ thứ lỉnh kỉnh thất tha thất thểu trên những con đường trong phủ, tuyệt vọng ra về sau khi không tìm được chỗ quá giang lên Tây Sơn Thượng.

Không thể để cho tâm trạng sợ hãi bao trùm khắp phủ như một màu tang tóc! Hỗn loạn đã bắt đầu rồi! Không có biện pháp quyết liệt, chắc chắn phủ Qui Nhơn sẽ tự tan rã đổ vỡ trước khi quân Trịnh vượt quá Châu Ổ, và quân Nguyễn tiến tới sông Cầu. Đó là nhận định chung của tất cả mọi người trong buổi họp trưa hôm đó, do Nhạc chủ tọa.

Một số những biện pháp khẩn cấp được ban hành.

Nghiêm lệnh loan đo khắp phủ dọa chém tại chỗ những lính đào ngũ hay lang thang khắp nơi để cướp phá. Ban đầu lính truyền hiệu còn dè dặt, chọn những nơi nào không có bọn tàng quân của Lý Tài tụ họp để loan tin. Nhưng rồi chúng cũng nghe được. Chúng cười hô hố, cho đó là chuyện đùa bỡn, nên từ chuyện đi săn rượu cúng chuyển sang đi săn những tên truyền hiệu. Chúng bắt một anh lính rủi ro nhập bọn, đẩy ra đi phía trước, ấn mũi gươm sau lưng để buộc anh ta cầm loa loan báo cho khắp hai phố phủ biết theo lệnh trên, những nhà nào còn cất giấu rượu thịt phải mau mau đem nộp cho “các Ngài Hòa Nghĩa quân”, bất tuân sẽ bị đốt nhà bêu đầu ngay lập tức. Thật táo tợn đến độ không còn có thể nương tay được nữa. Nhạc đích thân dẫn một toán quân đông đảo ra bao vây phố phủ, bắt hết bọn tàng quân du thủ du thực. Một vài tên vì sợ mà tỉnh rượu hoặc vừa tỉnh rượu nên biết sợ, trốn vào nhà dân trú. Nhưng với cái bím trên đầu, với hơi men nồng nặc và cách ăn bận xốc xếch, chúng trốn đi đâu! Nhạc bắt gọn tất cả bọn cướp bóc làm náo loạn phố phủ và trước khi trời sụp tối, trong ánh sáng u ám của bầu trời chạng vạng và tiếng trống tùng-bi-li thê thiết, 28 cái đầu lần lượt rơi trên bãi đất trống trước cổng thành.

Việc dời kho, do quyết định hấp tấp của Nhạc, cũng được hoãn lại. Lương thực gạo mắm đã lỡ đem xuống thuyền hoặc đóng lên yên ngựa thồ, thay vì đem lên phía tây, được lệnh chuyển ra phía bắt tiếp tế cho các toán quân đóng dọc hai bên quan lộ, hoặc ứng trước cho quân dịch trạng. Một số nữa tăng cường cho quân lương mặt nam. Chuyện dời kho bị xem như tin đồn nhảm do bọn xấu loan truyền, hòng lừa gạt những kẻ nhẹ dạ để kiếm chác. Trật tự mau chóng được tái lập, những bà nội trợ thở phào nhìn đống quần áo cột gói vất bừa bãi giữa gian nhà trống như dấu tích sự nhẹ dạ. Con nít được mở cơm dỡ ra chia nhau mà ăn, lại cười nói bi bô, chỉ hơi tiếc không được dự một cuộc đi xa nhọc nhằn nhưng hào hứng.
 
- Ngay đêm ấy, gánh hát bội của Mịch trình diễn vở tuồng Phụng Nghi Đình trên cái rạp lộ thiên cho dân chúng xem. Tiếng trống chầu, tiếng kèm, tiếng sanh, tiếng hát, tiếng cười nói chen nhau, mau chóng xua đi những ám ảnh của buổi sáng xao xác. May mắn là con người mau quên, nhất là những người thời loạn!
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #143 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2009, 08:55:01 pm »


Chương 31


Tiếng trống hát đêm đêm giục giã, cái bụng phệ của Đổng Trác, cơn ghen của Lã Bố, giọng hờn dỗi, mơn trớn của Điêu Thuyền trở thành đề tài bàn tán hào hứng cho dân, lính khắp phủ. Nhất là tài nghệ diễn xuất của Mịch trong vai Lã Bố. Gần như hơi thở dồn dập của ghen tuông và phẫn nộ trong tuồng tích cũng là hơi thở của cuộc đời thực, nên Mịch đóng vai Lã Bố trong trạng thái xuất thần. Không còn là tuồng, chính là đời Mịch. Chính anh đau xót, tuyệt vọng; chính anh phẫn nộ đến nghẹn ngào trước mất mát to lớn của cuộc đời mình; giọng hát Mịch vừa lâm ly vừa trầm thống, thổn thức giữa căm giận, gào thét mà yếu đuối trước trắc trở bất công trùng điệp, và khi Mịch phạm tội sát nhân, đâm phập lưỡi gươm gỗ vào nách anh kép đóng vai Đổng Trác, động tác ấy chẳng những đã thuần thục trên sân khấu biết bao năm mà còn được thực hiện ngay trong đời sống. Khán giả say sưa theo dõi cách diễn xuất và giọng hát của Mịch, quên dần các tin đồn.

Gánh hát của Mịch diễn liên tiếp sáu buổi tối, hôm nào người xem cũng kéo đến chật ních khu đất trống gần thành. Đến hôm thứ bảy thì dân phủ lại được tận mắt chứng kiến lần đầu trong đời một loại tuồng lạ: đám cưới của Thọ Hương.

Chưa bao giờ phủ Qui Nhơn có một biến cố quan trọng và kỳ lạ như vậy: một vị Đông cung lưu lạc vào chỗ xó núi hiu quạnh hoang dã lấy con gái yêu của một trại chủ quyền thế đang lên. Mũ áo, cờ xí, chiêng trống, nghi lễ đều rực rỡ, xa xỉ, náo nhiệt, trang trọng, đồ sộ chưa từng có. Cả phủ thực sự vào hội. Mọi người không còn kiên nhẫn ngồi nán trong khuôn cửa lấy một khắc, kể cả những người già nua lão nhược. Người ta đổ hết ra đường, mắt mở to thu hết màu sắc rực rỡ, tai thu hết mọi tiếng động giục giã, mời chào. Do nhu cầu chính trị. Nhạc dốc hết của kho ra đãi đằng tất cả mọi người, phân phát vải vóc cho người già và trẻ con để chia sẻ khắp thiên hạ tin mừng tân hôn. Ai nấy đều hả hê, no bụng, no tai, no mắt. Chỉ có một thoáng mây mờ: ai ai cũng thấy nét mặt chú rể trong đám cưới buồn hiu, gần như sợ hãi. Những kẻ lạc quan bảo nhau:

- Trông Đông cung tội nghiệp chưa! Ông ta chưa quen với phong tục náo nhiệt của bọn dân núi chúng ta. Có lẽ trong cung phủ ngoài kinh đô, các ông hoàng bà chúa quen nói nhỏ nhẹ, cười mỉm và bước lốm thốm như thỏ. Không sao! Nhập gia tùy tục, vài hôm rồi Đông cung sẽ quen đi!

*

*     *


Sau ngày cưới ba hôm, buổi chiều, Thọ Hương tìm đến thăm An. Tự nhiên giữa hai người có một bức tường ngăn cách vô hình, khiến cách chào hỏi, nói năng của họ vào giây phút đầu có vẻ gượng gạo lạnh lẽo.

Không phải vì An có mặc cảm trước địa vị mới của Thọ Hương mà tự buộc mình sửa đổi cách tiếp xử. Không. An chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ấy. Cô chưa phải vào đời để thấy hệ lụy của nghi thức xã hội, sự cần thiết của giả dối. Cái khiến An e dè, nhìn Thọ Hương như một khách thể biệt lập xa lạ, là lòng tò mò muốn quan sát sự biến đổi trên gương mặt, trong cách đi đứng, kể cả trong giọng nói của một người con gái vừa đi lấy chồng. Lấy chồng? Biết bao lần An thắc mắc về hai tiếng đáng sợ ấy! Thiếu nữ ngây thơ và quen thân này vừa lấy chồng được mấy hôm. Có gì biến đổi giữa Thọ Hương những ngày cũ và Thọ Hương hôm nay? An đăm đăm nhìn vào mắt Thọ Hương: nước da có hơi tái đi, đôi mắt sâu ươn ướt như sẵn sàng tuôn lệ, đôi vai xuôi, và khi Thọ Hương nói, An ghi nhận thêm cái giọng khao khao xa lạ.

Phần Thọ Hương, khi thấy An thay đổi thái độ, cô xấu hổ nghĩ rằng người chị thông minh hiểu biết hết mọi sự này chắc chắn đã biết nỗi xót xa tủi nhục của mình. Thọ Hương hốt hoảng bảo An:

- Chị đừng nhìn em thế!

An lo lắng hỏi:

- Sao em xanh thế Thọ Hương? Em đau phải không?

Thọ Hương chỉ chờ có thế. Cô ôm chầm lấy An, khóc tức tưởi mãi không thôi.Tiếng khóc khác hẳn hôm trước. An không dám hỏi gì, lặng lẽ ôm bạn, nước mắt cứ từ từ chảy trên má. Cô hiểu Thọ Hương đang đau khổ cùng cực, một nỗi khổ tâm không thể chia sẻ cho ai khác ngoài An. Đôi vai Thọ Hương rung lên từng hồi theo nhịp thổn thức, nước mắt Thọ Hương bắt đầu thấm qua vai áo An, truyền cảm giác nóng ấm lẫn tê dại. Chờ thật lâu cho Hương bớt thổn thức, An mới hỏi:

- Em có đem khăn theo không?

Thọ Hương vừa thút thít vừa gật đầu, tay chỉ vào bọc trái của chiếc áo lụa màu vàng nhạt. An rút cái khăn tay vải sa mỏng thơm nức, đưa lên lau mặt cho bạn. Thọ Hương để mặc cho An săn sóc mình với vẻ nũng nịu tin cẩn của một đứa bé. An hỏi:

- Em không dồi phấn ư?

Thọ Hương thút thít, lắc đầu.

- Cũng không tô son nữa. Như thế không được đâu, Hương ạ. Mình đã lấy chồng, không thể cẩu thả ăn mặc thế nào cũng được, trang điểm qua quít cho xong như thời con gái! Đông cung con nhà vương giả quen thấy những người đẹp son phấn tô điểm đẹp đẽ cẩn thận. Lại thêm bây giờ mọi người nhìn em khác hẳn trước kia. Em tô điểm không phải chỉ cho riêng em, mà còn vì nhiều người, vì danh giá của Đông cung. Nhiều khi đàn ông họ dễ chán khi thấy vợ mình tóc tai dã dượi, mặt mũi nhợt nhạt... Đột nhiên Thọ Hương thút thít nhiều hơn rồi khóc òa. An sợ hãi lay vai Hương hỏi:
 
- Chuyện gì thế Hương? Chị có nói điều gì làm em buồn không? Nói cho chị biết để chị khỏi lo lắng, nói đi.
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #144 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2009, 08:55:42 pm »

Thọ Hương cố dằn cơn nức nở nói:

- Không. Em khóc vì... chuyện riêng của em. Chị yên tâm. Chị An ơi, em khổ lắm!

- Nhưng vì sao em khổ, nói cho chị biết đi. Chị có thể giúp gì cho em không?

Thọ Hương lắc đầu:
 
- Chị không thể làm gì được đâu. Em cũng chẳng biết làm sao nữa. Chẳng biết oán trách ai!

An cố cười vui để an ủi bạn:

- Coi kìa! Hương nói như một bà già chán đời sắp cắt tóc vào chùa! Có việc gì trên đời là hoàn toàn bế tắc đâu! Em kể cho chị nghe đi!
 
Thọ Hương bớt khóc, nhưng vẫn thút thít lắc đầu. An phải gợi ý để tìm ra manh mối:

- Đông cung có nói điều gì nặng lời với em không?

Thọ Hương lắc đầu.

- Em có làm điều gì phật ý Đông cung không?

Lại lắc đầu.

-Từ hôm cưới, cha em có tranh cãi gì với Đông cung không?

Thọ Hương suy nghĩ một lúc, rồi lắc đầu.

- Hay mẹ trách mắng em vì không chịu trang điểm?

Thọ Hương bật cười nói:

- Không, không phải thế đâu.

Giọng An có vẻ gắt gỏng:

- Thế thì chuyện gì nào?

Thọ Hương nhìn An, bắt đầu lo ngại An giận. Cô lấy chiếc khăn trong tay An tự chùi nước mắt, hỉ mũi, rồi nói:

- Em khổ... vì... vì hình như Đông cung không thương yêu em chút nào hết, chị An.

An vội vàng hỏi:

- Do đâu mà em dám nói liều thế?

Thọ Hương thở dài, ngần ngừ, một lúc, rồi nói:

- Mấy hôm nay em ngủ một mình.

An hốt hoảng hỏi:

- Thực thế sao? Đông cung ngủ ở đâu?

Thọ Hương cười gượng, cố làm ra vẻ bất cần:

- Ông ấy muốn ngủ ở đâu chẳng được. Em cũng chẳng để ý. Ông ấy sai lính hầu vào mang chăn nệm đi, chăn nệm cũ trước kia của ông ấy đó chị.
 
An tức giận hỏi:

- Nhưng phải có cớ gì chứ? Đêm tân hôn em có làm gì khiến Đông cung phật ý không?

- Không. Sau khi lễ tất, em chờ mà sợ hãi, hồi hộp. Chờ mãi không thấy gì. Em mệt quá, về sau ngủ vùi. Hôm sau ông ấy bảo do say rượu. Rồi buổi tối lại sai lính hầu đến mang chăn nệm.

- Cha em biết chuyện này chưa?

Thọ Hương hoang mang hỏi lại:

- Có nên cho cha em biết không? Chuyện xấu hổ giữa vợ chồng, cho cha em biết làm gì. Chẳng lẽ em nói cho người ta biết em ham chuyện vợ chồng. Nhưng chị An ơi, có phải vợ chồng người ta khi mới lấy nhau đều như thế cả không?

An thành thật đáp:

- Chị cũng không biết nữa. Nhưng có lẽ... có lẽ không giống hẳn như vợ chồng em.
 
Thọ Hương trở lại thút thít, run run bảo An:

- Em biết thế này thì ở vậy đừng đi lấy chồng. Không hiểu thành vợ chồng có gì vui đâu mà làm lễ lạc rộn rịp, chúc tụng ồn ào, giăng màn treo trướng... Em khổ quá. Em sợ căn phòng lạnh lẽo đó, không muốn về nữa.

An tìm cách an ủi bạn:

- Đừng nói dại thế. Chỉ mới có mấy ngày. Chị nghe chuyện nhiều cặp vợ chồng lấy nhau cả năm mới bắt đầu nói chuyện với nhau, cười đùa, thương yêu nhau. Có thể trong hoàn cảnh bơ vơ, xa quê hương, xa thân thích, Đông cung lo buồn nên hơi khác thường. Vả lại chỉ mới có mấy ngày, Hương thấy không? Vui lên đi, đừng chán nản. Mọi sự đâu sẽ vào đấy. Chờ ít hôm nữa xem sao. Có gì khác, em đến cho chị biết. Còn đối với cha em, thì... thì em nên dè dặt. Đừng nói gì vội. Sợ có nhiều hiểu lầm nguy hiểm, em hiểu không? Thọ Hương cảm động gật đầu. Cô nhìn An với đôi mắt trìu mến, và nói:

- Lúc nào đến đây, nghe chị nói, em cũng thấy yên lòng. Nhưng không có chị thì mọi sự lại ngổn ngang như cũ. Em vẫn sợ căn phòng lạnh lẽo đó quá, chị An ơi!

*

*     *


Thọ Hương về rồi, chính An lại sa vào vũng băn khoăn! Đã hai mươi hai tuổi đầu, An không quá ngây thơ để tin những lời an ủi của mình. Cô chắc chắn rằng Đông cung đã nhất quyết không chịu chung chăn gối với Thọ Hương, như một phản ứng trước cuộc cưỡng hôn do nhu cầu chính trị. An thương hại Thọ Hương, thương hại lây cho thân phận đàn bà. Cô thút thít khóc một mình, tưởng tượng nỗi hiu quạnh của một cuộc đời cô độc, không có ai để chia sẻ những niềm vui nhỏ, những nỗi buồn vô cớ, không có ai để hàn huyên những chuyện tầm phào vô vị, nhưng cần thiết để ý thức thêm sự phức tạp của đời sống. Rồi lan man nhảy từ chuyện này sang chuyện khác, cuối cùng An quay trở lại chuyên chăn gối. Cô nghĩ:
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #145 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2009, 08:56:26 pm »

- Thật tình mà nói, đến tuổi này mình cũng chưa rõ chuyên chăn gối như thế nào. Nhưng nhất định đã là vợ chồng, thì phải ăn cùng mâm với nhau, tối ngủ chung một giường, quấn quít ôm ấp nhau, cười cợt âu yếm nhau. Tóc hai người xòa trên cùng mặt gối, hơi thở tìm hơi thở. Thế nào người chồng cũng áp mặt vào mái tóc dày của vợ để hít hương thơm thoang thoảng, rồi lần tìm hương thơm của gò má, hương thơm của chiếc cổ trắng, cả đến hương thơm của mồ hôi.

An đỏ mặt nhớ lại lần bắt gặp Lợi áp mặt lên chiếc áo lót của mình, xấu hổ vì cảm giác ngây ngất bất chợt không biết từ đâu đến. Cô đưa tay vuốt ve cổ, rồi ấp lên ngực trái. Tim cô đập mạnh, máu nóng chạy rần rật trong người. Đầu vú cô cứng lại, cảm giác tê dại khác thường lan từ ngực tỏa khắp thân thể An. Có thể nào nằm gọn trong vòng tay chồng mà không có những cảm giác khác thường như ta đang cảm thấy không? Chuyện chăn gối là gì? Ôm ấp hôn hít nhau, xấu hổ tê dại trong vòng tay nhau đã phải là tình chăn gối chưa? An nhớ đến những lời chửi rủa tục tĩu giữa những người vợ lính, nhớ đến sự thô bỉ của các từ ngữ mỗi bên dùng để tạt vào mặt đối phương như một chất nước dơ bẩn nhớp nháp, rồi băn khoăn tự hỏi có thật đó là phần chính yếu của tình vợ chồng. Trời hỡi! Nếu thế thì ghê tởm quá. Khủng khiếp quá! Sao cha mẹ nỡ đẩy đứa con gái trong trắng yếu đuối vào những chuyện dơ bẩn ấy! Càng nghĩ An càng hoang mang, càng xấu hổ cho thứ xúc cảm vụng trộm tội lỗi của mình vừa trải qua. Cô nghĩ:

- Phải rồi, tình vợ chồng phải có gì thanh cao hơn kia! Tìm hơi ấm trên thân thể nhau, hít mùi tóc trên mặt gối, ve vuốt ôm ấp trong bóng tối, chẳng qua chỉ là những điều tầm thường dung tục chẳng khác nào con đực đến mùa đi tìm con cái. Loài người phải khác với loài vật. Phải như anh ấy. Nhớ thương ta mà cố giấu trong trầm tĩnh điềm nhiên. Biểu lộ của tình cảm đẹp và nhã như việc gửi biếu một tập thơ Đường. Ta tìm ra rồi. Nhất định đó là tình yêu đúng nghĩa, và nếu ta lấy được anh ấy, những gì sẽ xảy ra sau đêm tân hôn ta chưa biết, nhưng chắc chắn đó cũng là tình chăn gối đúng nghĩa. Những gì đã xảy ra cho các cặp vợ chồng khác như giữa vợ chồng những người lính quanh An, giữa Đông cung và Thọ Hương, đều là bất thường, bệnh hoạn, tục tĩu, dơ dáy, đáng xấu hổ. Hôn nhân của bọn họ chỉ là một cuộc đày ải, một nỗi bất hạnh. Chỉ có mối tình của mình với anh ấy mới đúng với lý tưởng, và nhờ ơn trời, nhờ sự phù hộ của mẹ, mà mình lấy được anh ấy, thì tình vợ chồng của mình mới thật là vợ chồng. Không phải là “cái nợ đời” của nhau như trong lời ca dao. An cảm thấy hy vọng tràn trề, niềm hân hoan vô bờ khiến cô yêu thương tất cả mọi người, vì tất cả mọi người đều đáng thương do không may mắn như An. Trước mắt có một cô bé đáng thương là Thọ Hương. An nói nhỏ một mình:

- Em cứ yên tâm đi Thọ Hương. Em trong trắng ngây thơ như vậy, Trời không bao giờ nỡ làm khổ em đâu. Cứ tin chị đi. Em phải tìm được tình yêu thực sự như chị đã tìm được, và sẽ hạnh phúc!

*
 
*     *


Sau đám cưới của Thọ Hương, Nhạc đưa Đông cung cùng với Nguyễn Phúc Tịnh đi khắp hai phủ Qui Nhơn Quảng Ngãi để trấn an dân chúng, ổn định trật tự sau tình trạng rời rã dáo dác do hậu quả trận Cẩm Sa. Công việc chưa xong thì Huệ đã cho người báo tin không vui ở mặt trận phía nam: Châu Văn Tiếp đã ra mặt về hẳn với Tống Phúc Hợp, và đang chuẩn bị gấp rút để tiến chiếm phủ Phú Yên

Lòng Nhạc rối bời. Bất chấp những dao động tai hại có thể gây ra trong dân chúng, ông sai Lợi thồ hết của cải quí giá trong phủ lên Tây Sơn thượng. Nhờ rút kinh nghiệm lần trước, lần này việc dời kho kín đáo và mau chóng hơn. Mặt bắc quân Trịnh vẫn vẫn tiếp tục tiến. Tây Sơn ở vào thế bị hai gọng kìm nam bắc siết dần lại. Nếu không tìm nhanh giải pháp, chắc chắn chỉ có một con đường chết!

Lòng ông giáo cũng rối như trại chủ. Ông lo cho Chinh ở mặt trận phía bắc, lo cho Lãng ở mặt nam. Ông coi đời mình như bỏ đi. Nhưng nếu cả hai mặt trận đều vỡ, thì An ở đây sẽ thế nào? Cho nên chính ông cũng bồn chồn như một người có trách nhiệm, như một người trong cuộc. Mà tại sao không? Lâu nay tuy Nhạc đối với ông lúc thì vồn vã ân cần, lúc thì ghẻ lạnh xa cách, nhưng vào những lúc tình thế căng thẳng, bao giờ Nhạc cũng tìm hỏi ý kiến ông. Vì vậy, ngay khi biết tin Nhạc vừa từ Hà Liêu về, ông giáo vội tìm gặp Nhạc. Nét mặt Nhạc vẫn còn nguyên vẻ phẫn nộ và lo lắng lúc ông giáo vào. Không úp mở giấu diếm, Nhạc nói:

- Hắn một mực lắc đầu không chịu lên ngôi. Chắc lại nghe lời ton hót của hai lão Nguyễn Phúc Chất và Nguyễn Phúc Tịnh. Hắn không biết phận cá chậu chim lồng hay sao chứ? Chẳng lẽ hắn không sợ chết? Hay hắn tưởng không bao giờ cha vợ dám giết chàng rể?

Ông giáo chờ cơn giận của Nhạc hạ bớt, mới hỏi cho biết tình hình thực sự ở mặt nam. Lại có dịp cho Nhạc nổi giận lần nữa:
 
- Lão Tiếp lại đầu hàng Tống Phúc Hợp. Quân phản bội! Đồ chó má! Chúng nó toàn là một lũ chuột nhắt lúc yên thì bu đến hũ gạo, lúc có biến dáo dác tán loạn, vội quì gối đầu hàng địch, không biết đến nhục nhã, liêm sỉ. Cháy nhà mới ra mặt chuột, người xưa thực hiểu hết tâm địa con người. Nhưng chúng nó tưởng nhà sắp cháy rồi sao? Thầy giáo, thấy có tin là nhà sắp cháy hay không?

Ông giáo chậm rãi đáp:

- Nhất định không thể cháy được. Không ai để cho nó cháy đâu. Có lửa lớn thì cũng có tài lớn để trị hỏa. Tôi có chút ý này, ông cả có muốn nghe không?

Nhạc cảm động khâm phục vẻ tin tưởng trầm tĩnh của ông giáo, mừng rỡ nói:

- Thầy cứ tự nhiên. Lúc nào ý kiến thầy cũng đáng nghe cả. Tình thế hiện nay nguy hiểm hơn các lần trước, chắc thầy đã biết. Bọn chết nhát đã trốn, cứ để chúng trốn. Những người còn lại trong phút gian nan này mới thực sự là anh em thân tín của ta. Số đó còn nhiều. Và rất tự tin. Thầy yên tâm, không ai để cho nhà cháy đâu. Dĩ nhiên còn tùy ở cách đề phòng chữa cháy. Thầy có kế sách gì không?

- Tôi nghĩ ta không thể một mình cùng một lúc chống lại hai lực lượng phía bắc và phía nam được, Hoàng Ngũ Phúc và Tống Phúc Hợp không phải là những tướng tồi. Quân của họ đông, khí giới nhiều. Trong hai đạo quân địch, ta phải lựa chọn để hòa một bên, rồi dồn sức đánh bên kia. Ông cả muốn chọn bên nào để cầu hòa?
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #146 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2009, 08:57:02 pm »

Nhạc không ngờ bị ông giáo chất vấn, bối rối, hỏi lại:

- Xin thầy cho ý kiến trước. Thầy nghĩ ta nên chọn bên nào để cầu hòa?

- Nên chọn bên Chúa Nguyễn.

Nhạc đang ngồi dựa lưng biếng nhác buông thả trên trường kỷ, đột ngột bật dậy, chồm tới phía thầy giáo hỏi:

- Thầy nói sao? Chọn Nguyễn à?

Ông giáo đoán trước được phản ứng của Nhạc nên vẫn điềm tĩnh trả lời:

- Phải. Tôi thấy ta nên cầu hòa với Tống Phúc Hợp.

Giọng Nhạc gay gắt giận dữ:

- Bấy lâu nay ta đánh cho Phú Xuân thất điên bát đảo, bây giờ mở miệng cầu hòa thì ai tin? Mà nếu ta thực tâm cầu hòa thì có khác nào tự đóng gông để nộp mình cho quân ngũ dinh? Tôi thà chết chứ không đời nào chịu nhục!

Ông giáo nói:

- Tôi nghĩ mọi sự không đơn giản vậy! Ông nghĩ mà xem, cho dù ta cầu hòa Trịnh hay Nguyễn, thì chẳng bên nào dám tưởng ta đã quá yếu đến nỗi cứ việc kéo quân đến đây để đóng gông tất cả phủ Qui Nhơn. Chúng vẫn gườm chúng ta, không dám động binh đâu. Chúng sẽ làm gì nếu ta cầu hòa? Dĩ nhiên chúng chưa tin chúng ta thành thực nên vẫn ra sức cảnh giác ở ranh giới giữa hai lực lượng. Mặt khác, để vỗ về chúng ta, Tống Phúc Hợp hay Hoàng Ngũ Phúc không thể làm gì khác ngoài việc cấp báo về Gia Định hay Thăng Long để xin phong cho ông một chức gì đó, chẳng hạn chức tiên phong tướng quân hay là Tây Sơn trại trưởng. Một chức vụ chẳng làm mất gì cho chúng mà cũng chẳng thêm gì cho ta, vì dù không được sắc phong thì ông đã là Tây Sơn trại chủ, và đánh vào nam hay ra bắc thì ông cũng là tiên phong rồi! Cầu hòa không phải là tự nộp mình, chỉ là tạm liên minh với bên này để diệt bên kia.

Càng nghe ông giáo giải thích, Nhạc càng thấy đề nghị của ông có lý. Cơn giận đã hạ. Nhạc rót nước trà ân cần mời ông giáo rồi hỏi:

- Do đâu thầy bảo ta nên cầu hòa với Tống Phúc Hợp?

Ông giáo hỏi lại:

- Ông thấy hiện nay so lực lượng quân Bắc Hà và quân ngũ dinh, thì bên nào nguy hiểm cho ta hơn?

Nhạc suy nghĩ một lúc rồi đáp:

- Quân Bắc hà. Trận Cẩm Sa ta thua nặng vì không thiện chiến bằng quân Hoàng Ngũ Phúc.

- Thế thì ta nên cầu hòa với quân ngũ dinh. Cầu hòa với kẻ đang mạnh thì chắc chắn không bao giờ được. Tống Phúc Hợp nhất định cũng chưa tin ta cầu hòa thành thực, nhưng hiện Đông cung còn ở đây, quân ngũ dinh còn yếu, nhận lời cầu hòa để chờ thời cơ chỉ có lợi chứ không có hại.

Nhạc vội hỏi:
 
- Thầy định đưa Đông cung đi cầu hòa à?

- Không. Tôi không có ý đó. Nhưng ở đây còn có Nguyễn Phúc Chất và Nguyễn Phúc Tịnh. Ta cử một trong hai người đó!

Nhạc gật gù rồi nói:

- Thầy nói đúng. Tôi quên nghĩ đến hai lão ấy. Nhưng có tin được họ không?
- Họ đi mà một chân của họ còn bị giữ lại đây! Số phận họ đã gắn chặt với Đông cung nên cho dù bị bỏ lại Quảng Nam họ đâu dám rời Đông cung một bước. Chúa đã bỏ họ lại cho Đông cung tức là không còn tin ở họ. Ngoài việc theo sát Đông cung, họ còn chỗ nào dung thân nữa đâu.

- Thôi được. Ta giữ lão Tịnh lại. Nhờ thầy đi gặp Nguyễn Phúc Chất ngay hôm nay để sáng mai ta đưa lão xuống Cù Mông. Thư cầu hòa thầy cũng thảo giùm cho. Tôi tin hoàn toàn vào thầy đấy!

*

*    *


Đoàn cầu hòa của Nguyễn Phúc Chất đi rồi, ông giáo mới bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Ông đã đem hết tính mệnh của gia đình để đặt vào một nước cờ liều cuối cùng!

Thật vậy, ông hiểu rõ hơn ai hết cái thế nguy hiểm của mình. Nếu Nhạc không quá hoang mang để bớt phần nào sáng suốt, tất trại chủ đã thấy lập luận của ông giáo có nhiều phần chủ quan thiên lệch. Suốt đời, ông giáo vẫn không quên được chữ trung. Giải pháp hoàng tôn ông có công thúc đẩy Nhạc thực hiện đã bất thành. Hoàng tôn nhất định không chịu lên ngôi, khiến Nhạc ở vào thế khó xử. Phía bắc Nhạc phải đối phó với đạo quân hùng mạnh của Hoàng Ngũ Phúc. Phía nam, quân Tống Phúc Hợp có Châu Văn Tiếp giúp sức, thế nào cũng chiếm được Phú Yên. Giá hoàng tôn chịu lên ngôi vương, ông giáo sẽ hoàn toàn yên tâm, mạnh dạn khuyên Nhạc nên cầu hòa với quân Trịnh để củng cố lực lượng tiến về nam quét sạch tàn dư của các đạo quân trung thành với Duệ Tôn. Nhưng tình thế không như ý ông giáo. Không tôn phù được hoàng tôn, lại xui Nhạc bắt tay với quân xâm lăng Bắc hà để chống Duệ Tôn, ông giáo sẽ mang tiếng hai lần bất trung. Sĩ phu nam bắc sẽ phỉ nhổ ông, học trò sẽ xé Tứ thư trước mặt ông. Cho nên ông đã cố hết sức thuyết phục Nguyễn Phúc Chất để Chất bằng lòng cầm đầu phái bộ cầu hòa. Ông cũng dành trọn cả buổi chiều để thảo đi thảo lại lá thư gửi Tiết chế Tống Phúc Hợp. Lá thư khá dài. Đại khái ông biện minh rằng trước sau Tây Sơn vẫn một lòng trung với nhà Chúa. Phải dấy loạn chỉ vì Trương Phúc Loan tham tàn ỷ quyền lấn át cả minh quân khiến nhân dân ta thán. Chúa hiểu lầm mới đem quân vào chinh phạt, và bao nhiêu cuộc giao chiến đẫm máu chẳng qua chỉ vì hiểu lầm nhau, và Tây Sơn ở cái thế tự vệ chẳng đặng đừng. Cho đến lúc nghe quân Bắc Hà xâm phạm kinh đô, Tây Sơn muốn đem quân ra giúp để bảo vệ xã tắc, vừa đến Quảng Nam đang cơn nguy khốn vì Hoàng Ngũ Phúc lăm le cho quân vượt Hải Vân, nên Tây Sơn phải rước Đông cung về Qui Nhơn để bảo vệ. Hiện giờ giặc Bắc Hà đã ngạo mạn tiến vào tận Châu Ổ. Xã tắc lâm nguy. Tây Sơn trại chủ cùng tất cả thuộc hạ nhận thấy rằng nếu không nhân dịp này đứng ra báo đền ơn Chúa thì tiếng oan bất trung sẽ mang đời đời. Vì vậy, trại chủ mới nhờ Chưởng cơ Nguyễn Phúc Chất vốn là cựu thần của nhà Chúa mang thư xin hòa hiếu và xin được lập công chuộc tội v.v...
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #147 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2009, 08:59:00 pm »

Có lẽ chưa bao giờ ông giáo viết một lá thư với tất cả nhiệt tình và hứng thú như vậy. Ông viết thay cho Nhạc, thực ra là viết cho ông. Sức mạnh của nhiệt thành che lấp được những dụng tâm riêng tư của ông. Nhạc đọc lá thư, không thể chữa được một chữ nào. Chính Nhạc cũng bị những điều giả dối trong thư thuyết phục, thấy đâu là cơ hội cuối cùng để cứu vãn tình thế, xóa tan các ngộ nhận. Để thêm thế giá cho Nguyễn Phúc Chất, Nhạc ra lệnh cho Nghĩa, một đội trưởng xông xáo lanh lẹ đem năm mươi cấm binh theo hộ tống Nguyễn Phúc Chất. Đoàn cầu hòa ra đi khi trời vừa sáng, vó ngựa tung một dải bụi mờ trên đường quan lộ, tạo nên một cảnh bi tráng hiếm có.

Buổi sáng hôm ấy, ông giáo không vào phủ. Ông muốn được một mình nghĩ lại tất cả những điều vừa làm, tiên đoán những gì sẽ xảy ra, đo lường hậu quả. Càng nghĩ ông càng sợ. Mồ hôi toát ra ướt đẫm lưng áo mặc dù trời hơi rét. Tất cả tùy thuộc vào Tống Phúc Hợp. Viên Tiết chế lớn tuổi nhiều kinh nghiệm này đâu phải là một người cả tin vào lá thư ông giáo viết. Có thể hắn ngại chạm trán với quân Hoàng Ngũ Phúc nên không muốn lấn ra phía bắc đèo Cù Mông, kiên nhẫn chờ quân Trịnh quét sạch quân Tây Sơn rồi mới bắt đầu nhập cuộc. Nhưng phủ Phú Yên ở sông Cầu thì chắc chắn hắn phải chiếm cho bằng được. Mà đã chiếm phủ Phú Yên, thì cần gì phải nhận cầu hòa? Tống Phúc Hợp sẽ trả lời thế nào? Hắn có dám sai một tên tri huyện khác cầm đầu một phái đoàn lèo tèo vài ba tên lính ốm ra Qui Nhơn đòi Đông cung lần nữa để gián tiếp trả lời Nhạc, làm nhục Tây Sơn hay không? Hoặc trong cơn say sưa thắng thế, hắn còn nghĩ ra được nhiều trò hạ nhục kẻ thù độc địa, quái ác hơn? Ông giáo băn khoăn bồn chồn như thế suốt hai ngày, ngay ngáy chờ đợi những điều bất thường.

Những điều bất thường chờ mãi không thấy tới!

Ông chờ ba, rồi bốn ngày. Cuối cùng ông buồn cho trí óc lẩm cẩm già nua của mình. Có gì mà sợ hãi đến phát hoảng lên thế? Xưa nay trong lịch sử, được mất, hơn kém, may rủi có không, là chuyện thường tình! Hiệp nhận lời cầu hòa hay không, chưa phải là chuyện quyết định được vận mạng của Tây Sơn. Đó chỉ là một nước cờ, cả Nhạc lẫn Hiệp đều hiểu thế, một nước cờ tạm trên bàn cờ đang chuyển thế rối rắm. Ý tưởng đó trấn an ông giáo được một ngày. Đến ngày thứ sáu, ông thực sự lo ngại, không hiểu vì sao Nhạc không mời mình lên hỏi han việc gì cả suốt sáu ngày qua. Chính điều bất thường này mới là điềm báo xấu!

*

*     *


Quá khuya, ông giáo nghe có tiếng đập cửa vội vã và một giọng đàn bà kêu tên An nhiều lần. Mấy đêm nay ông lo lắng không thể chợp mắt nên không lâu sau ông giáo đã thắp được cây đèn dầu, và ra phía cửa lớn. Tuy sợ hãi, nhưng ông cũng cố lấy giọng bình tĩnh hỏi lớn:

- Ai đó?

Bên ngoài giọng đàn bà mừng rỡ đáp:
 
- Dạ con đây bác. Mở cửa cho con vào.

Ông giáo chưa nhận ra giọng nói của ai, tuy nghe quen quen. Ông hỏi:

- Con là ai? Khuya rồi có việc gì gấp không?

Giọng đàn bà trả lời:

- Dạ con là Thọ Hương. Có chị An ở nhà không bác?

Ông giáo giật mình, tay bắt đầu run. Ông đặt cây đèn dầu xuống nền nhà, lật bật vừa mở then cửa vừa gọi:

- An ơi, An. Dậy đi. Có cô Thọ Hương tìm.

An choàng thức dậy, nghe cha gọi vội vàng chạy ra nhà ngoài. Cửa vừa mở, Thọ Hương đã chạy vào nhà rồi tự tay khép cánh cửa lại, sợ có người nào khác trông thấy mình. An chưa hết hoang mang, hỏi Thọ Hương:

- Có việc gì thế em? Nói mau cho chị nghe đi!

Thọ Hương như người vừa trải qua cơn mộng dữ, mặt xanh ngắt, môi run lập cập không nói được. Ông giáo chen vào hỏi:

- Cháu đừng sợ. Có chuyện gì gấp lắm không?

Bấy giờ Thọ Hương mới vừa mếu máo vừa nói:

- Ông Nhật đem lính đến bắt Đông cung đi rồi!

An hoảng hốt hỏi:
 
- Thật vậy sao?

Thọ Hương run run nói:

- Dạ thật. Họ vừa dẫn Đông cung đi khỏi, em sợ quá, chạy ngay lại đây!
Ông giáo lo sợ hỏi:

- Có ai thấy cháu đến đây không?

- Dạ chắc không. Cháu chọn cái áo đen khoác ra ngoài, chắc không ai trông thấy. Hồi tối cháu thấy ông Tịnh lên gặp Đông cung xì xào to nhỏ lâu lắm, cháu đoán thế nào cũng có biến.

Ông giáo vội hỏi:

- Thế ông Tịnh có bị bắt không?

- Cháu không hiểu.

Rồi quay sang phía An, Thọ Hương kêu cứu:

- Làm sao đây chị An ơi! Em sợ quá. Cả một tòa nhà lớn chỉ còn một mình em. Về đằng mẹ thì lại sợ bị mắng. Làm sao đây chị?

An ôm choàng lên vai Thọ Hương, dẫn vào phòng trong:

- Em vào đây ngủ với chị. Chờ sáng mai hãy hay. Cha đóng giùm con cái cửa.
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #148 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2009, 08:59:57 pm »

Ông giáo chưa kịp cài cái then trong thì bên ngoài lại có tiếng chân người. Tiếng nặng của bước chân nhiều người đàn ông. Tiếng đập cửa. Ông giáo nghĩ: Có lẽ đến phiên mình”. Ông xốc lại cổ áo, cột lại lưng quần cho tề chỉnh trước khi mở cửa. Bùi Văn Nhật và một nhóm bốn, năm người lính cầm đuốc và gươm chờ trước ngạch cửa. Nhật hỏi:

- Khuya quá rồi, thầy giáo chưa ngủ sao?

Ông giáo cố cười gượng và đáp:

- Quí hóa quá. Anh có việc đi đâu ghé vào thăm tôi hẳn! Tuổi già đêm cứ trăn trở không chợp mắt được.

Nhật hỏi:

- Thầy biết tin gì chưa?

Ông giáo hồi hộp hỏi:

- Tin gì ạ?

Nhật mỉm cười, nhìn chăm chăm vào mặt ông giáo, chậm rãi dằn từng tiếng:

- Nguyễn Phúc Chất trốn luôn rồi. Cả thằng Nghĩa cũng vậy. Không biết chúng nó có liên lạc âm mưu từ trước hay không?
 
Rồi không chờ cho ông giáo nói gì, Nhật bảo:
 
- Thôi, chúc thầy ngủ ngon. Chà, gió lạnh dữ. Chào thầy!

*

*     *


Sáng hôm sau, ông giáo được mời đi dự lễ tế vong linh đội trưởng Lễ, anh ruột của Nghĩa kẻ phản bội. Ông nghe người ta xì xầm bàn tán về cái chết anh dũng này: Không hiểu do dâu, Lễ biết em có ý làm phản (nhân dịp hộ tống Nguyễn Phúc Chất vào Phú Yên cầu hòa với quân ngũ dinh bỏ trốn theo Tống Phúc Hợp). Dù đang bận chỉ huy một toán quân đóng ở cung Bình Điền, Lễ cũng cố đuổi theo em để thuyết phục, lấy tình cốt nhục khuyên em trở về. Tên phản bội chẳng không nghe lời anh khuyên, mà còn rút gươm đâm chết anh để lấy lòng tin của Nguyễn Phúc Chất. Nhưng thiên bất dung gian. Nghĩa vào đầu hàng Tống Phúc Hợp hôm trước, hôm sau Hiệp đã đem Nghĩa ra chém.

Câu chuyện luân lý “ở hiền gặp lành ở ác gặp dữ” thích hợp với tâm hồn đám đông nên lan truyền nhanh chóng khắp phủ , đi đâu cũng nghe thiên hạ bàn tán sôi nổi. Nhờ vậy, ông giáo mới biết đoàn cầu hòa do ông khởi xướng đã trở thành một đám phản bội. Từ đó, ông hiểu hết. Ông hiểu vì sao phải cho lính phủ đến bắt Đông cung đưa đi quản thúc nơi khác giữa khuya, vì sao Nguyễn Phúc Tịnh lo sợ tìm đến Đông cung xì xầm tối hôm trước theo lời thuật của Thọ Hương, vì sao Nhật đích thân đến “thăm hỏi” mình.
Ông thầy cúng Chỉ đứng ra làm chủ tế. Cuộc lễ kéo dài gần đến trưa, hết sức trang trọng vì hầu hết những nhân vật quan trọng đều đến tham dự. Gặp ai, ông cũng có cảm tưởng họ tránh không muốn nhìn ông, không muốn bắt chuyện với ông. Chỉ có Bùi Văn Nhật là vẫn tự nhiên như trước, có lẽ còn vồn vã hơn trước. Gần cuối buổi tế, Nhật đến gần ông giáo nói nhỏ:

- Trại chủ muốn gặp thầy sau cuộc lễ này. Thầy khỏi phải về nhà. Chúng ta dùng cơm trưa ngay tại dinh phủ!

*

*     *


Chỉ có Nhạc, ông giáo và Nhật trong phòng. Cả ba đều có những gương mặt ngái ngủ. Họ đã thức trắng suốt đêm qua, mỗi người vì một lý do khác nhau.
Nhạc ngáp thật dài trước mặt ông giáo mà không cần đưa tay che miệng như mọi khi, hất đầu mời ông giáo ngồi xuống chiếc ghế trước mặt. Nhạc than:

- Cái lão thầy cúng bày vẽ dài dòng quá. Tôi tưởng chỉ một chốc là xong, ai ngờ kéo dài gần đứng bóng. Anh Nhật đã bảo chúng nó sửa soạn dọn cơm chưa?

Nhật đáp:

- Dạ xong rồi. Khi có lệnh, chúng nó sẽ bưng lên.

Nhạc lại hỏi Nhật:

- Ta làm việc trước khi ăn trưa chứ?

- Dạ vâng.

Nhạc ngồi ngay ngắn trở lại, hướng về phía ông giáo nói:

- Những gì xảy ra mấy hôm nay, chắc thầy đoán biết rồi. Tôi nói gọn cho thầy rõ: Nguyễn Phúc Chất đã trốn vào với Tống Phúc Hợp, kéo theo hai thằng chó má Lễ, Nghĩa và mấy chục tên cấm quân. Không, tôi không lầm lẫn đâu. Kể cả thằng Lễ. Không may cho nó, vì chậm chân nó bị ta bắt lại. Một mình thằng Nghĩa bỏ đi đã quá đủ rồi! Tôi phải ra lệnh giết Lễ đi, rồi làm cho nó một buổi tế quan trọng. Thằng em cũng chẳng may mắn gì hơn. Nó chết nhục như một con chó ghẻ chứ đâu được cả phủ ca tụng như thằng anh vì Tống Phúc Hợp đã ra lệnh chém thằng em phản bội cách đây mấy hôm. Lão chưởng cơ Nguyễn Phúc Chất ở đây khá lâu, thực lực nội tình của chúng ta thế nào, chắc chắn lão đã kể tuốt cho Hiệp biết. Sau khi Châu Văn Tiếp qui hàng, bây giờ đến lượt Nguyễn Phúc Chất cung cấp đầy đủ tình hình Qui Nhơn, chắc chắn Hiệp sung sướng mở cờ như rồng gặp mây. Nhất định hắn sẽ dẫn đại quân tấn công ta trước. Hồi hôm, tôi đã cho chém lão Tả ngoại Nguyễn Phúc Tịnh để trừ hậu hoạn, và dời Đông cung lên quản thúc ở An Thái. Thằng Bốn Chiêu trên đó là người tin cậy được. Thầy thấy không, bao nhiêu chuyện quan trọng nhất tôi đều kể vanh vách cho thầy nghe, từ chuyện thằng Lễ khốn nạn cho đến chỗ tôi giấu Đông cung. Tôi đã lấy lòng thực mà đãi thầy, thì xin thầy cũng lấy lòng thực để giải đáp các thắc mắc của tôi với anh Nhật. Anh Nhật, anh hỏi đi.
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #149 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2009, 09:00:38 pm »

Nhật tằng hằng lấy giọng, rồi nói:

- Nguyễn Phúc Chất bị điệu về đây với Đông cung chẳng khác nào cá chậu chim lồng. Hắn đi đâu, nói với ai điều gì, người của tôi đều biết. Đội trưởng Nghĩa chưa từng gặp mặt Chất. Lễ ở tận cung Bình điền càng khó lòng gặp Chất hơn. Thế mà tại sao chúng liên lạc được với nhau để cùng đi trốn một lượt. Ngoài chúng ra, còn có ai khác xếp đặt, tổ chức, liên lạc giùm cho bọn chúng để việc qui hàng Tống Phúc Hợp được trót lọt. Thầy có biết kẻ đó không?

Ông giáo ngồi chết trân trên ghế. Lần đầu tiên trong đời ông biết thế nào là sự sợ hãi tột độ. Hàm ông cứng lại, hai tháng dương tê tê như vừa thoa dầu nóng. Ông hiểu qua rõ là hai con người cầm quyền sinh sát này đang nghi ngờ ông, đúng hơn là đang hỏi cung ông. Ông đang đứng trước một mối hiểm nguy lớn lao, chẳng những liên quan đến mạng sống của ông mà còn liên quan đến sự sống chết của các con. Ông tê dại cả người vì sợ hãi, đồng thời cũng biết nếu giữ im lặng lâu hơn, tức là đã mặc nhiên nhận tội. Với một cố gắng phi thường có lẽ do ý chí sinh tồn, ông giáo lấy được đủ bình tĩnh. Ông nói thật chậm, thật đĩnh đạc để giấu sự cảm động:

- Các ông đã lấy lòng thành đãi tôi, thì tôi cũng phải lấy tất cả chân thực, danh dự của nhà nho để đáp lại. Tôi biết ông cả và anh Nhật nghi tôi là kẻ xếp đặt từ đầu chí cuối cho vụ đào thoát phản trắc. Mới thoạt nhìn thì điều nghi ngờ có vẻ hợp lý. Chính tôi gợi ý cho trại chủ là nên cầu hòa với Tống Phúc Hợp. Chính tôi đến thuyết phục Chất. Chính tôi thảo lá thư. Nhưng xin các ông nghĩ sâu hơn nữa. Đây là lần đầu tôi nói chuyện với tên Chưởng cơ theo lệnh của trại chủ. Điều này chắc anh Nhật biết rõ. Tôi đã nói gì? Chắc anh Nhật đã biết, tôi xin thuật lại đại khái tôi lấy chữ trung để thuyết phục hắn, vì chẳng những hắn là người hoàng tộc mà còn là một nhà nho. Hắn đã nói hy vọng sau chuyến cầu hòa này, Đông cung và Chúa sẽ hiểu nhau hơn, và trại chủ với công phạt bắc sẽ trở thành bậc bề tôi lương đống của triều đình sau này. Hắn nhận ra đi vì tin như vậy. Hắn chưa bao giờ gặp hai ông Lễ, Nghĩa. Phải. Mà cả đến tôi cũng chưa từng gặp hai người đó. Tôi nhớ không lầm thì họ không xuất thân từ Tây Sơn thượng. Họ thuộc đạo quân Tuy Viễn thì phải. Không phải chính tôi đã cất nhắc họ lên chức đội trưởng, hoặc giao phó nhiệm vụ lớn cho họ. Tôi không biết chút gì về họ.
Nếu trại chủ kết tôi cái tội cả tin giao lầm việc lớn cho kẻ phản trắc, thì tôi xin nhận. Nhưng biết ai phản trắc ai không phản trắc, có lẽ anh Nhật đây giỏi dang hơn tôi. Còn nếu kết cho tôi cái tội liên lạc mưu phản, thì xin các ông cho tôi một chén thuốc độc ngay bây giờ thay cho bữa cơm trưa. Tôi thà chết chứ không thể nhận một cái tội không phải của mình.

Ông giáo dừng lại, nhìn thẳng vào mặt Nhạc chờ câu trả lời. Nhạc bối rối quay mặt đi. Ông giáo mừng rỡ. Như vậy là lời biện hộ của ông đã cảm động được trại chủ. Ông có cơ may thoát nạn! Quả nhiên giọng nói của Nhạc dịu lại:
- Thầy đừng hiểu lầm! Chúng tôi không bao giờ dám nghi oan thầy đâu. Giữa chúng ta với nhau, vào những lúc gay go như lúc này, không thể để bợn một chút nghi kỵ nào. Có gì không hiểu nhau, ta cứ nói thẳng, hỏi thẳng như vừa rồi, còn hơn giữ canh cánh trong lòng. Thôi, ta bỏ qua chuyện ấy đi. Lão Chất trốn, ta càng dễ rảnh tay để đối phó với tình thế. Anh Nhật, đã gọi Phạm Văn Thế chưa?

- Thưa chưa!

- Sao vậy?

- Bên kho chưa lo xong vàng lụa. Phải chọn thứ thật tốt. Người Bắc Hà họ sành ăn mặc và quí kim hơn ta nhiều.

Nhạc có vẽ bất bình:

- Nước đến chân rồi mà các anh cứ trùng trình chưa chịu nhảy. Anh bảo thằng Lữ lo gấp, chiều nay phải xong. Còn thằng Tuế thì chuẩn bị sẵn sàng để ngày mốt lên đường. Ăn cơm xong anh tìm nó cho tôi. Anh xem cơm đã có chưa?

Trong khi Nhật ra khỏi phòng để truyền lính hầu dọn ăn, Nhạc nói với ông giáo:

- Mấy lúc gần đây thấy sức khỏe thầy sa sút, tôi áy náy lắm. Có lẽ thầy nên tĩnh dưỡng một thời gian, gác hết mọi lo nghĩ. Thiếu thầy chắc mọi chuyện ở đây sẽ rối như tơ, nhưng quấy nhiễu thầy thế này, thật là bất nhẫn. Hay là thầy về An Thái an dưỡng vài tuần?

Ông giáo buồn rầu đáp:

- Cảm ơn ông cả. Tôi biết sức mình đã kiệt. Trí óc bắt đầu mông muội, lẩm cẩm- Tôi giúp các ông thì ít mà quấy các ông thì nhiều. Vâng. Để tôi về tính lại với cháu An xem có thể dời lên An Thái không. May ra xa cảnh tấp nập chen chúc, bệnh già của tôi có chậm phát tác hơn.

Vừa lúc đó, Nhật vào phòng mời ông giáo và Nhạc dùng cơm trưa. Nhạc cầm một hộp giấy cột giây chỉ đỏ rất tinh xảo trên bàn, đưa cho ông giáo:
- Thầy lấy tạm hộp nhân sâm này về dùng. Loại sâm quí của Tàu đấy. Thầy đừng ngại, tôi còn một hộp nữa. Vả lại, sức tôi còn tráng kiện. Ha ha, tôi còn đủ gân cốt để đẩy lui Tống Phúc Hợp đến tận Gia Định. Để thầy xem, tôi nói được là làm được.

*

*     *


Mấy hôm sau, ông giáo mới hay tin Phan Văn Tuế đã cầm đầu một phái bộ mang vàng lụa ra Quảng Ngãi dâng cho Hoàng Ngũ Phúc, thay Nhạc xin dâng ba phủ Quãng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên cho chúa Trịnh, đồng thời xin làm tiên phong để chinh phạt quân Gia Định. Đúng như lời ông giáo đã nói trước với Nhạc, Hoàng Ngũ Phúc chấp thuận ngay và phong cho Nhạc chức hàm: “Tây Sơn trại trưởng hiệu Tráng tiết Tướng quân”. Giải pháp hoàng tôn đã hoàn toàn thất bại!

Ông giáo không được mời lên hỏi han gì nữa. Ông hoàn toàn rảnh rỗi, nên đem mớ sách cũ ra đọc lại. Ông ngại ngùng không dám giở đến mấy bộ Tứ Thư, Ngũ Kinh. Ông chỉ đọc được vài trang thơ Đường, thích thú nhất là đọc Đỗ Phủ và Tô Đông Pha. Ông cũng bắt đầu đọc sách Phật, loại trước đây ông ghét cay ghét đắng. Điều đó nhắc nhở ông thấy rằng tận chiều sâu của cuộc đời ông, đã có một khúc quanh quan trọng trùng hợp với khúc quanh của lịch sử đất nước. Với đôi chút tiếc nuối và ngỡ ngàng, ông bắt đầu một cảm thức mới!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM