Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:51:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo vết xích xe tăng - Tập 1  (Đọc 67354 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #50 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 12:22:39 am »

Chúng tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ: giá như cây cầu Phú Bài không bị phá thì chắc chắn chúng tôi sẽ đến Huế trước 12h. Thế là gần 3 năm chờ đợi ngày về giải phóng Huế chúng tôi đã lỡ hẹn lần này.

Trên đường từ Huế ra Thuận An chúng tôi thấy lác đác cờ Giải phóng và nhân dân vẫy cờ chào mừng nên cũng đỡ lo, song càng đi càng thấy vắng lặng. Cang đến gần Thuận An càng thấy bưa bộn nhưnhx thứ mà quân nguỵ và người di tản vứt lại. Thôi thì đủ cả: xe tăng, xe thiết giáp, xe cao xạ tự hành, xe công trình, xe cao xạ tự hành, xe kéo pháo, xe GMC, xe Jeep, pháo 155, pháo 105, xe hon đa, xe đạp, va ly, túi xách…Tất cả ngổn ngang bừa bộn, có cái chưa kịp tắt máy, vẫn đang còn nổ, đặc biệt tịnh không một bóng người.

Trước tình hình đó anh Thận và đại đội trưởng bộ binh hội ý với nhau và cho rằng quân địch đang còn ẩn nấp đau đây nên quyết định gọi  chúng ra hàng đông thời vận động nhân dân quay về nhà. Trước hết bố trí đội hình xe tăng  để có thể sẵng sàng chiến đấu cao nhất đòng thời có thể chi viện cho nhau tốt nhất. Sau đó hướng ra phía biển xe 386 bắn một phát pháo và một tràng 12ly7. Khi dứt loạt đạn chúng tôi thông báo: “Huế đã được giải phóng, yêu cầu quân ngụy ra hàng sẽ được cách mạng khoan hồng, còn đồng bào cứ yên tâm trở về làm ăn sinh sống.

Tất cả vẫn im ắng, chúng tôi vẫn kiên trì thay nhau kêu gọi vài lần nữa.  Và thật là kỳ diệu! Từ trong bãi xe, từ các mô đất từ các chỗ khuất đâu đó...những cánh tay rụt rè giơ lên rồi cả người xuất hiện. Khép nép, sợ hãi họ tiến về phía chúng tôi. Người cởi trần, người còn bận quân phục, có người đã mặc thường phục và tết cả được gom lại phía sau xe 386.

Đến khoảng 8 giờ tối thì không chỉ có lính mà cả dân cũng lục tục kéo về cho đến hết đêm 25-3 thì lính hầu như đã hết mà chỉ còn dân trở về nhà. Chốt giữ Thuận An được 3 ngày đến 1 giờ sáng 29-3 thì chúng tôi nhận lệnh đi đánh Đà Nẵng.  Cả đại đội nhanh chóng lên đường. 

Cuộc hành quân đang thuận lợi thì một tin không vui đến với chúng tôi: một cây cầu ở đoạn gần Lăng Cô bị địch phá hỏng. Thế là lại phải chờ, chúng tôi tranh thủ kiểm tra xe cộ và nấu cơm ăn trưa. Ăn xong, cầu vẫn chưa khắc phục xong, trong khi đó người anh em Đại đội 3 từ phía sau đã vượt lên và với lợi thế xe bơi nước đã vượt được sông sang đánh chiếm đèo Hải Vân.

Sốt ruột quá chúng tôi kéo cả lên chỗ cầu để xem, lúc này công binh mới đang chuẩn bị làm ngầm, mà sông thì rất sâu nên không biết bao giờ mới xong. Cho đến giờ chúng tôi cũng không nhớ ai đó đã đề xuất một ý tưởng hết sức táo bạo: cho xe tăng đi qua cầu đường sắt để vượt sông.  Cây cầu đường sắt nằm ở phía thượng lưu cầu đường bộ vài chục mét, thân cầu bằng sắt rất vững chãi song khó khăn ở chỗ mặt cầu không có, chỉ có các thanh tà vẹt gỗ bắc trên 2 dầm cầu, mỗi thanh cách nhau chừng 50 - 60cm.

Sau khi xem xét, hội ý, chúng tôi quyết định cho xe đi. Từng chiếc một thận trọng bò lên cầu và với chân ga rất êm, rất nhẹ thận trọng từng chút một bò đi trong mềm trông chờ khắc khoải và hồi hộp của hàng trăm con mắt. Khi chiếc xe tăng đầu tiên vượt hẳn sang được bờ Nam chúng tôi vui sướng quá reo hò ầm ĩ.

Về Khánh Sơn chúng tôi khẩn trương chuẩn bị xe cộ để hành quân vào phía Nam. Lúc này, đơn vị có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đại đội tôi đã phải chia tay với người anh em Đại đội 3 để về đội hình Tiểu đoàn 1 là tiểu đoàn xe tăng chủ lực của Lữ đoàn 203.

Đến thời điểm này hai xe 282 và 389 cũng đã khắc phục xong và trở lại đội hình, chúng tôi cũng được bổ sung một số thành viên mới, trong đó Nguyễn Kim Duyệt - người Hà Nội, nguyên sinh viên Đại học Nông nghiệp về làm nạp đạn xe 380 của tôi.

Trong những ngày này chúng tôi được thông báo về bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh.  Cho đến giờ tôi vẫn không quên được những câu chừ hừng hực khí thế. “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa...”.

Sau gần một tuần chuẩn bị, những đơn vị đầu tiên của Lữ đoàn 203 đã lên đường. Đi đầu đội hình là Tiểu đoàn 4 - đơn vị cũ của chúng tôi và Tiểu đoàn 5, một tiểu đoàn mới được bổ sung về Lữ đoàn 203 từ Quân khu 5, đó là hai tiểu đoàn tăng thiết giáp bơi nước có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt các lực lượng phòng thủ vòng ngoài của địch ở khu vực Phan Rang - Hàm Tân.

Ngày 10-4-1975 chúng tôi lên đường. Đường tốt, xe mới được củng cố, tinh thần thì khỏi phải nói…chúng tôi tưởng mình được chắp cánh bay về Nam. Song, niềm phấn khích của cả đoàn như bị dội một gáo nước lạnh: cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn bị địch phá sập hai nhịp, mới chỉ được khắc phục bằng cầu tạm mà cầu này không đủ trọng tải cho xe chúng tôi qua.

Để chuẩn bị cho chúng tôi cơ động cấp trên đã cho công binh triển khai một bến phà quân sự ngay ở phía trên cầu. Nhưng thật ngao ngán, vì với loại phà này, muốn đưa được một xe qua sông phải mất trên  dưới hai giờ. Một phương án mới được đưa ra là đi vòng tránh cầu hỏng khi chúng tôi biết phía thượng lưu Câu Lâu hơn 10 km cũng có một cây cầu. Thế là cả đoàn xe tăng lại rầm rập cơ động dọc theo sông Thu Bồn hòng bù lai thời gian đã mất.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Bảy, 2009, 01:29:07 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #51 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 01:24:04 am »

Với sự cố gắng cao độ của công binh chúng tôi chỉ phải chờ đợi có hơn một ngày là qua được sông (theo tính toán ban đầu phải mất khoảng 3 – 4 ngày). Một dải đất miền nam vừa thân thuộc vừa lạ lẫm hiện ra trước mắt chúng tôi.

Chỉ sau 10 ngày hành quân, mặc những khó khăn trở ngại trên đường, ngày 24 – 4 – 1975 chúng tôi đã có mặt ở khu vực tập kết chiến đấu, đó là những cánh rừng cao su bát ngát ở Long Khánh, Đồng Nai.

Ngày 26 tháng  4 chúng tôi được phổ biến nhiệm vụ là sẽ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Toàn đội ai cũng háo hức, ở xe tôi sau khi đi nhận nhiệm vụ về, trưởng xe Luông gọi cả 4 anh em lại, với một vẻ mặt hết sức quan trọng nói về chiến dịch cuối cùng đã được mở và tấm bản đồ du lịch Sài Gòn cùng với lời dặn “Qua cầu Sài Gòn, đến ngã tư thứ bảy thì rẽ trái là đến dinh Độc Lập” được chúng tôi học thuộc lòng từ hôm ấy.

Ngày 28 tháng 4 năm 1975, xe 380 của chúng tôi được bổ sung cho đại đội 5 tấn công Nước Trong. Đó là một tuyến phòng ngự khá vững chắc của địch ở phía đông Sài Gòn, đến gần trưa, xe chúng tôi bị trúng một quả đạn, tháp pháo bị khoan thủng một lỗ đút lọt nắm tay, trưởng xe Luông và nạp đạn Duyệt bị thương nhưng Duyệt bị nặng hơn – cả một nửa người tả tơi, đầm đìa máu.

Mới được bổ sung về xe tôi chưa đây một tháng nhưng chúng tôi thân nhau lắm. Là trai Hà Nội mà sao duyệt hiền thế, nói năng thì nhỏ nhẹ, thùy mị như con gái, chơi đàn ghi ta rất hay. Đang học Đại học năm thứ hai thì Duyệt nhập ngũ,  và sau mấy năm chiến đấu ở bộ binh thì chuyển về làm nạp đạn ở xe tôi. Duyệt chịu khó lăm, trên đường hành quân, mỗi lần được nghỉ ngắn chỉ mấy phút đã thấy có ca sữa nóng bồi dưỡng lái xe, cong các chặng nhỉ dài thì bữa ăn của xe tôi bao giờ cũng ngon lành nhất.

Ki chúng tôi đưa hai anh em vào bệnh xá tiền phương Duyệt vẫn còn tỉnh táo. Lúc đưa ba lô của Duyệt xuống tôi và Thọ sững cả người vì cái ba lô mà Duyệt chăm chút cất trong vành tháp pháo chỉ có độc một bộ tăng võng, còn lại toàn là sách – chủ yếu là sách học tiếng Anh và từ điển mà Duyệt đã gom nhặt từ Huế, Đà Nẵng.

Lúc đó tôi không nghĩ là Duyệt sẽ hy sinh mà luôn tin rằng khi lành vết thương Duyệt sẽ trở về mái trường Đại học và số sách này sẽ giúp ích nhiều cho Duyệt. Song thật không ngờ - Duyệt vĩnh viễn ra đi sau đó ít giờ và đây là trường hợp duy nhất hy sinh trong chiến đấu của Đại đội 4 chúng tôi. Hiện giờ Duyệt vẫn đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành cùng hàng trăm đồng đội đã ngã xuống trong những ngày tháng tư ác liệt đó. 

Trưa 29-4 một lần nữa căn cứ Nước Trong bị tấn công và bị xoá sổ không mấy khó khăn bằng lực lượng bộ binh cùng 2 đại đội xe tăng 4 và 5. Thừa thắng xông lên, cả Lữ đoàn 203 hình thành mũi chọc sâu đánh đòn quyết định vào cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn.

Cho đến giờ và chắc chắn là cho đến lúc giã biệt cõi đời này tôi sẽ không thể nào quên cái cảm giác đã đến với mình trong buổi trưa lịch sử ấy, khi vết xích xe tăng cày nát thảm cỏ khoảng sân trước cửa dinh Độc Lập. Đó là một cảm giác hết sức khó tả vừa vui sướng, vừa tự hào vinh dự lại vừa đau xót nuối tiếc cho những đồng đội đã hy sinh không được hưởng niềm vui chiến thắng này.

Sau khi sà xuống đài phun nước giữa sân dinh lau qua bộ mặt lem luốc của mình tôi trở về xe và lặng đi trong ghế lái tận hưởng cái cảm giác đê mê khó tả ấy. Cúi nhìn đồng hồ công tư mét, dù nó đã bị hỏng trước đó mấy ngày nhưng tôi ước tính được chỉ số hành trình của chiếc xe 380 thân yêu này.

Vốn thỉnh thoảng có làm thơ, tứ thơ “Cây số cuối cùng  xuất hiện trong tôi và ngay lúc đó tôi ghi lại những cảm xúc của mình:

                Khi chiếc xe tăng dừng trước dinh Độc Lập
                Ta ngỡ ngàng - đây thật hay mơ?
                Cây số cuối cùng cuộc trường chinh dằng dặc
                Đến rồi chăng” .. Hai mắt bỗng dưng nhoà
... 

Mới đó mà cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta đã lùi xa hơn một phần tư thế kỷ - khi ngồi viết những dòng này - trong tôi vẫn nóng hổi những kỷ mềm về cái tập thể thân thương ngày ấy, về những người đồng đội đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi, chia nhau cả cái sống và cái chết.

Đồng đội tôi - 8 người đã vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Duyệt ở Long Thành thỉnh thoảng tôi còn được ghé thăm, còn Lạc, Lược, Luyến, Kiểm, Hùng, Tình, Chính giờ này ai biết các bạn đang ở đâu, chắc rằng xương thịt các bạn đã hoà tan vào núi rừng cây cỏ Trường Sơn mãi mãi.

Và hơn ba chục anh em khác về với đời thường, số phận đã đưa đẩy các anh tới bến bờ nào? Biết đến bao giờ chúng ta mới có thể được gặp nhau để cùng gọi một tiếng “Quê” thân ái, để cùng rửa mặt ở bồn nước trước dinh Thống Nhất, để cùng ngồi uống rượu ngắm pháo hoa trên cầu cảng Sài Gòn lộng gió... Có thể đó chỉ là một giấc mơ, song chúng ta hãy cùng hy vọng.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Bảy, 2009, 01:27:44 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #52 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 02:14:55 am »

GẶP LẠI LỮ ĐOÀN TRƯỞNG XE TĂNG ĐÁNH CHIẾM DINH ĐỘC LẬP

Trung tá Nguyễn Đình Phượng
Trợ lý tuyên huấn, Cục chính trị
Bộ Tư lệnh Tăng-Thiết giáp.


Một buổi sáng đầu tháng tư năm 1995, tôi đến khu tập thể quân đội bắ Nghĩa Tân, Hà Nội tìm gặp bắc nguyễn Tất Tài. Hai mươi năm trước đây bác là trung tá, Lữ đoàn trưởng lữ đoàn xê tăng 203 đơn vị được giao đột phá mở cửa, đánh chiếm dinh Độc Lập.

Sau khi cùng các đơn vị bạn giải phóng thành phố Đà Nẵng, Phan Rang, Phan thiết, Hàm Tân…Lữ đoàn 203 xe tăng được giao nhiệm vụ đẫn đầu đội hình thọc sâu của Binh Đoàn Hương Giang tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Bác Nguyễn Tất Tài xúc động kể:

Sang ngày 28-4-1975, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, tư lệnh Quân đoàn 2 trực tiếp xuống đông điền Ông Quế trao cờ quyết thắng cho Lữ đoàn 203 và chỉ thị: “Phải nhanh chóng phát triển tiến công, cắm cờ chiến thắng lên nóc dinh Độc Lập, bắt nội các Dương Văn Minh đầu hàng”.

Sau phút giây giao nhiệm vụ Đảng ủy Lữ đoàn hop chớp nhoáng, xem xét lại phương án tác chiến và đề ra một số giải pháp trong chiến đấu. Đang lo không biết đường vào dinh Độc Lập thì may thay Chính ủy Bùi Tùng nhặt được tấm bản đồ du lịch Sài Gòn. Bông ai đó reo lên: Từ cầu Thị Ngè qua 7 ngã tư rồi rẽ trái.

Như có một luồng điện, mọi người truyền nhau câu: Qua 7 nhgax tu quẹo trái là vào dinh Độc Lập.

Đung 14h30’ngày 29 – 4, đội hình thọc sâu của Lữ đoàn được lệnh xuất kích. Trên tháp pháo các xe tăng đều viết dòng chữ “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng” băng sơn, bằng phấn, bằng kem đánh răng và bất cứ thứ gì có thể kẻ lên được ý chí và quyết tâm của người lính.

Kể đến đó bác Nguyễn Tất Tài nhấp một ngụm nước chè, rồi đưa cho tôi một tờ giấy:

- Tôi cho anh xem cái này. Tôi đã giữ nó 20 năm nay như một kỷ vật chiến trường.

Đây chính là bức điện viết tay của Thiếu tướng Nguyễn Hữu An. Bên góc trái, bút tích của bác Tài: “Nhận lúc 24h ngày 29-4-1975”. Nguyên văn bức điện như sau: “Anh Tài – Tùng, 7 chiếc xe tăng và một bộ phận bộ binh ta đã đến cầu xa lộ Biên Hòa gặp bộ phận đặc công 116 giữ 2 ngày nay. Tình hình như vậy là thuận lợi, do đó phải mạnh dạn tiến lên, đừng dể tàn binh lẻ tẻ cản trở. Cố gắng đưa toàn bộ đội hình của các anh sang bên tây cầu đêm nay để 3 -4 giờ sáng 30 -4 là ta xốc tới được Sài Gòn, chiếm xong cầu Rạch Chiếc và cầu Tân Cảng (tức cầu Sài Gòn).

Tôi nói anh Ân cho 2 Tiểu đoàn của Trung đoàn 9 tiến về phía cầu xa lộ Biên Hoà. Các anh thi hành khẩn trương và giữ liên lạc với tôi thường xuyên. Mục tiêu vào Sài Gòn là dinh Tổng thống, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Ngân hàng, Đặc phủ uỷ Trung ương Tình báo. Ký tên: An.”

Tôi hỏi bác Tài:

- Trên đường tiến công vào Sài Gòn, khu vực nào địch chống cự ác liệt nhất.

- Khi rút chạy, địch đã phá sập cầu Sông Buông. Công binh Lữ đoàn phải khắc phục để xe tăng cơ động. Gặp địch ở Long Bình và ngã ba Vũng Tàu cho nên mãi 4 giờ sáng 30-4, Lữ đoàn mới qua cầu sông Đồng Nai.

« Sửa lần cuối: 12 Tháng Bảy, 2009, 02:42:37 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #53 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 02:43:03 pm »

Chúng tôi hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị đặc công chiếm giữ cầu rồi phối hợp đánh địch. Chúng dùng pháo bắn chặn vào đội hình Lữ đoàn dọc theo xa lộ. Tôi lệnh cho một phân đội Lữ đoàn đánh chiếm căn cứ Thủ Đức. Tại đây chiếc xe tăng 707 đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và cả 4 thành viên trong xe đều hy sinh anh dũng. Khi đến cầu Sài Gòn, cả đơn vị dùng tốc độ để vượt nhưng do cầu hình vòm nên xe tăng địch ở phía tây cầu quan sát thấy xe tăng ta mà ta thì không phát hiện được chúng. Hai chiếc xe tăng dẫn đầu đội hình bị địch bắn cháy.

Giữa lúc đang gặp khó khăn, tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ nhô người khỏi tháp pháo chỉ huy bộ đội vượt cầu. Một loạt đạn bên tây cầu bắn sang, anh bị trúng đạn hy sinh ngay trên tháp pháo. Lữ đoàn phó Trần Minh Công nhảy lên xe tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ vừa hy sinh để chỉ huy vượt cầu. Địch thấy sức áp đảo mạnh của ta liền bỏ chạy về phía ngã từ Hàng Xanh, xe ta bám sát, bắn cháy một xe tăng địch. Chúng lại ngoan cố ngăn chặn tại cầu Thị Nghè, ta bắn cháy hai xe tăng M41 của địch.

Nhờ có mệnh lệnh tiến công bằng văn bản đã được bộ đội học thuộc và có bộ đội đặc công chỉ đường, chúng tôi tiến vào dinh Độc Lập từ hai hướng. Theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Lê Duẩn) và đường Thống Nhất do xe 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận và xe 390 của chính trị.viên Vũ Đăng Toàn dẫn đầu. Đạn súng các cỡ đang nổ vang trên đường phố. Cờ ba sọc của nguỵ quyền vẫn bay trên nóc dinh Độc Lập.

Pháo thủ xe 843 đề nghị bắn trực tiếp vào dinh Độc Lập vì không có dấu hiệu địch đầu hàng. Nhưng Bùi Quang Thận bình tĩnh quan sát, hô tạm dừng, ra lệnh lái xe tăng tốc độ cùng với xe 390 húc đổ cánh cổng dinh và nhanh chóng tiến vào trong sân. Tiếp đó cả đội hình tăng của Lữ đoàn dàn hàng ngang, ghếch nòng pháo về dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của Mỹ nguỵ. Tôi ra lệnh cho bộ đội không được bắn, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tôi nhìn đồng hồ, lúc đó là 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975.

Hai mươi năm qua, lịch sử đã ghi nhận chiến công của Lữ đoàn 203 xe tăng. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ chiến thắng lên nóc dinh Độc Lập. Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn cùng một số cán bộ, chiến sĩ đơn vị bạn trong Binh đoàn và chiến sĩ biệt động Sài Gòn thay mặt Quân giải phóng, tuyên bố tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của nội các nguy quyền Dương Văn Minh.  Sau năm 1975, đồng chí Nguyễn Tất Tài đã trải qua nhieeud cương vị công tác, Phó hiệu trưởng trường sỹ quan chỉ huy kỹ thuật xe tăng, Hiệu trưởng trường hạ sỹ quan xe tăng 2, rồi Phó tư lệnh binh chủng Tăng – Thiết giáp. Nhưng sau đó, năm 1987, đang làm việc thì căn bệnh xuất huyết não ập đến.
 Tôi hỏi bác về phần thưởng sau ngày chiến thắng. Bác Tài nói giọng pha chút ưu tư:

- Lữ đoàn 203 đánh địch từ Đà Nẵng vào đến Sài Gòn luôn có đồng chí Thiếu tướng Nam Long, Phái viên của Bộ đi cùng, đồng chí Nam Long đã nói trong cuộc họp của Lữ đoàn: “Đánh xong Phan Rang tôi sẽ đề nghị trên thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, đánh xong Phan Thiết sẽ là Huân chương Quân công hạng Nhì, và chiếm dinh Độc Lập sẽ đề nghị thưởng Huân chương Quân công hạng nhất”, Đảng ủy Lữ đoàn còn đề nghị cấp trên tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba cho tôi.”.

64 tuổi đời, gần 50 tuổi quân, cả một đời trận mạc đầy hy sinh gian khổ nhưng Đại Tá Nguyễn Tất Tài khi rời quân ngũ vẫn giữ phẩm chất Anh bộ đội cụ Hồ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #54 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 03:07:37 pm »

TẤN CÔNG PHỦ TỔNG THỐNG NGỤY

Đại tá Bùi Văn Tùng,
Nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203


Bản thảo lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh

Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân đội cộng hòa hạ vũ khí vũ khí đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao hoàn toàn chính quyền từ trung ương đến địa phương cho Chính Phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Bản thảo của Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh.

Tôi đại diện lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, đơn vị chiếm dinh Độc Lập chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống thống chính quyền Sài Gòn.

Chúng tôi đại diện lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố:

- Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn.

-  Chấp nhận sự đầu hàng của tướng Dương Văn Minh - Tổng thống Việt Nam cộng hoà - Tổng thống chính quyền Sài Gòn.

Đó là hai văn bản nằm trong Viện bảo tàng. Còn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Binh đoàn Hương Giang là một trong hai cánh quân ở hướng Đông cùng với ba cánh quân trên các hướng khác tấn công thành phố Sài Gòn, “thủ đô” của chính quyền nguỵ.

Để phá vỡ tuyến phòng thủ bên ngoài, Bộ Tư lệnh Binh đoàn dùng ba đại đội xe tăng phối thuộc cho ba sư đoàn bộ binh tấn công trên một diện rộng 80 cây số kéo dài từ Long Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Để đột phá vào nội thành với chiều sâu 50 cây số phải tổ chức đơn vị có hoả lực mạnh và tính cơ động cao.

Tư lệnh Binh đoàn quyết định lấy Lữ đoàn xe tăng 203 làm chủ, phối hợp thêm một tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 28 Sư đoàn 325, một tiểu đoàn pháo 105 ly thuộc Lữ đoàn pháo mặt đất 164, một tiểu đoàn công binh thuộc Lữ đoàn công binh 219 và một tiểu đoàn pháo cao xạ thuộc sư đoàn pháo phòng không. Toàn bộ lực lượng này tổ chức thành một Binh đoàn cơ giới thọc sâu, giao cho bộ chỉ huy Lữ đoàn xe tăng 203 chỉ huy tấn công trong hành tiến.

Nhiệm vụ trước mắt đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là dinh Độc Lập - phủ Tổng thống nguỵ, nhiệm vụ tiếp sau là nếu bộ máy chính quyền này rút chạy về miền Tây thì tiếp tục truy kích, tấn công giải phóng thành phố Cần Thơ. Khi giao nhiệm vụ, Tư lệnh giải thích thêm:

“Tấn công trong hành tiến là dùng hoả lực mạnh của xe tăng bắn tiêu diệt, chế áp các loại mục tiêu ngăn chặn, dùng vỏ thép dầy và tính cơ động cao kiên quyết tiến lên. Các mục tiêu địch còn sót lại sẽ do đơn vị tiến sau Binh đoàn cơ giới giải quyết. Phải dùng tiểu đoàn xe tăng mạnh dẫn đầu đội hình của Binh đoàn”.

12 giờ trưa ngày29 tháng 4 đơn vị bạn đã chiếm được căn cứ Nước Trong: Tư lệnh ra lệnh cho Binh đoàn cơ giới xuất kích. Tàn binh địch ở Nước Trong (Long Thành) chạy về Sài Gòn đã phá sập cầu sông Buông. Binh đoàn tạm thời dừng lại chờ công binh sửa cầu.

Tranh thủ thời gian Tư lệnh bổ sung thêm nhiệm vụ chiến đấu và giải quyết công việc trong lúc Bộ Tư lệnh chiến dịch chưa vào kịp. Khuya hôm đó chúng tôi tấn công địcn tại Long Bình, ngã ba Vũng Tàu, 4 giờ sáng ngày 30 tháng 4 toàn bộ đội hình vượt qua cầu xa lộ sông Đồng Nai. Binh đoàn Đặc công Nam Bộ đánh chiếm và giữ cầu đã hoàn thành nhiệm vụ, anh Tống Viết Dương chỉ huy đề nghị chúng tôi cho đặc công lên xe hiệp đồng chiến đấu, chúng tôi chấp thuận. 

Trên đường tiến chúng tôi luôn bị các loại hoả lực địch bắn vào đội hình. Trận đánh tại Thủ Đức địch đã bắn cháy của ta một xe tăng, năm anh em trên xe đều hy sinh. Tiến về cầu xa lộ sông Sài Gòn, một xe thiết giáp chỉ huy bị trúng đạn, bốn cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương, 8 giờ 30 sáng tiểu đoàn xe tăng dẫn đầu đội hình đã tiếp cận cầu xa lộ sông Sài Gòn.  Địch phòng thủ ở đây có tổ chức với đủ các loại hoả lực. Tư lệnh lệnh cho chúng tôi dùng hoả lực áp chế, nhanh chóng vượt qua chiếm cầu, không được chạm trễ vì địch có thể phá sập cầu.

Chúng tôi lệnh cho tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn xe tăng 1 triển khai hoả lực chế áp mục tiêu địch trên và bên kia cầu, cho xe tăng tăng tốc độ vượt qua chiếm cầu. Sau khi đã dùng hoả lực chế áp, tiểu đoàn trưởng xe tăng Ngô Văn Nhỡ cho hai xe tăng tăng tốc độ vượt cầu. Hai xe tăng tiến lên đều bị địch bắn hỏng. Tình thế lúc này rất khẩn trương, Ngô Văn Nhỡ mở nắp cửa xe, nhô nửa người ra khỏi tháp pháo, quan sát kĩ từng hoả điểm địch, chỉ huy trận đánh. Địch bên này cầu đã bắn trúng anh, anh hy sinh nằm vắt ngang bên tháp pháo, tay vẫn chỉ về hướng cầu.

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #55 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 03:07:54 pm »

Địch lợi dụng thế cong của cầu, bố trí xe tăng M48 đứng trên cầu phía tây, bên ta chỉ thấy ló lên tháp pháo. Lữ đoàn phó Trần Minh Công lên trực tiếp chỉ huy. Anh tập trung hoả lực bắn cháy được xe tăng M48 đứng trên cầu. Xe cháy, lửa và khói bốc lên bao phủ một đoạn cầu. Lợi dụng khói lửa che khuất, chúng tôi nhanh  chóng cho đội hình vượt qua chiếm cầu, tiến vào thành phố.

Địch còn tiếp tục dùng xe tăng, xe thiết giáp ngăn chặn ta từ ngã tư Hàng Xanh và cầu Thị  Nghè, đều bị xe tăng ta tiêu diệt và vượt qua. Thành phố Sài Gòn rộng lớn có rất nhiều tuyến đường,  nếu không rành địa hình thì rất dễ lạc đường. Khi giao nhiệm vụ, chúng tôi đã phổ biến rõ: đến ngã tư Hàng Xanh rẽ trái tìm đường Hồng Thập Tự vượt qua bày ngã tư, đến ngã tư thứ bảy quẹo trái, đó là dinh Độc Lập.

Toàn bộ đội hình chúng tôi tiến vào không một xe nào bị lạc. Hai xe tăng dẫn đầu đội hình, xe 843 do đại đội trưởng Bùi Quang Thận trực tiếp làm trưởng xe chỉ huy và xe 390 do Vũ Đăng Toàn chính trị viên đại đội làm trưởng xe chỉ huy. Gần đến cổng hai xe tăng tốc độ, xe 843 húc cổng chưa sập bị kẹt, xe 390 lao vào húc đổ cổng sắt tiến thẳng vào toà nhà lớn, ba xe tiến sau tiếp tục lao vào sân dinh. Đội hình còn lại được lữ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tài chỉ huy hình thành thế bao vây theo các trục lộ xung quanh dinh đề phòng địch phản kích.

Đơn vị ngụy quân bảo vệ dinh thấy đội hình lớn xe tăng của ta nên đã vứt súng đầu hàng tập trung ngồi ở góc trái sân. Bùi Quang Thận nhảy xuống xe chạy lên sân thượng toà nhà, tại đây anh xé rách diềm cờ ba sọc và kéo lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam lên, đúng 11 giờ trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Kỷ luật chiến trường của bộ đội Binh đoàn Cơ giới rất nghiêm túc, nhất nhất chấp hành lệnh của người chỉ huy. Đơn vị xe pháo sẵn sàng chiến đấu trên xe có một bộ phận bộ binh, công binh phối thuộc và đặc công hợp đồng chiến đấu tiến vào vây quanh các cửa lớn trong dinh. Chúng tôi phái một bộ phận ra đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân và cảng Sài Gòn. Bộ chỉ huy và chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn tất cả có mặt trong dinh. Tôi xuống xe thiết giáp tiến nhanh vào toà nhà lớn.  Phạm Duy Độ, đại đội trưởng đặc công (đơn vị hiệp đồng lên xe từ cầu xa lộ sông Đồng Nai) thấy tôi chạy ra báo cáo: “Anh em ta đã vây bắt cả nội các nguy kể cả Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ trưởng vào giải quyết”.

Theo điện cấp trên vừa cho biết, các cánh quân đang tiến vào miền tây Nam và các đảo chưa giải phóng. Tôi không ngờ và rất mừng là anh em ta đã bắt được Tổng thống nguỵ ở đây, phải bắt y tuyên bố đầu hàng ngay lập tức để đỡ tốn xương máu. Anh em rẽ lối để chúng tôi vào. Minh thấy tôi có thể ông nghĩ tôi là người chỉ huy đứng đầu của trận đánh này, ông nói: “Chúng tôi chờ các ông đến để bàn giao”. Tôi đáp: “Các ông chẳng còn gì để mà bàn giao, chỉ có đầu hàng không điều kiện. Sau vài lời bàn cãi với viên phụ tá đứng cạnh, cuối cùng Minh chấp nhận ra Đài phát thanh.

Tại Đài không thể để Minh tự do tuyên bố nên tôi đã thảo lời đầu hàng đưa cho ông ta. Bộ Tư lệnh của tôi chưa vào kịp nên tôi lại tự thảo bản chấp nhận đầu hàng của Minh. Sau khi xem bản dự thảo, Minh chỉ đề nghị cho bỏ hai chữ “Tổng thống”, tôi phân tích đầy đủ lý lẽ Minh đành chấp thuận để nguyên. 13 giờ hôm đó hai lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện và chấp nhận sự đầu hàng được phát đi trên các làn sóng của Đài Phát thanh Sài Gòn. 

Tôi đưa Minh trở lại dinh Độc Lập thì Bộ Tư lệnh Binh đoàn Hương Giang đã có mặt trong dinh.  Tại đây Bộ tư lệnh Binh đoàn đã thảo bản thông cáo số một và cho phát đi ngay chiều hôm đó. 5 giờ chiều chúng tôi được lệnh bàn giao dinh lại cho đơn vị bạn và rút ra khỏi dinh. Chủ nhiệm chính trị Lê Minh chỉ bàn giao lại vỏn vẹn có một đùm chìa khoá nặng vài ki lô.

Ba ngày sau tại Binh đoàn có cuộc họp thủ trưởng các sư, lữ đoàn và các Cục. Mở đầu cuộc họp, Tư lệnh nói: Hôm qua ở Bộ chỉ huy chiến dịch các anh rất khen đồng chí Tùng thảo lời đầu hàng cho Minh chính xác và đọc lời chấp nhận đầu hàng dõng dạc của người chiến thắng. Qua tôi các anh gửi lời về khen ngợi đồng chí Tùng. Cả cuộc họp vỗ tay. 

Ngày 17 tháng 5 tại phòng khánh tiết dinh Thống Nhất (Dinh Độc Lập cũ) có cuộc họp các thủ trưởng năm cánh quân đón mừng Bác Tôn. Sau khi Bác có lời khen ngợi quân đội đã góp phần giải phóng thành phố Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn liền Nam và chỉ thị nhiệm vụ cho quân đội. Đại tướng Văn Tiến Dũng cho tôi kể lại trận đánh chiếm dinh Độc Lập và buộc Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Sau khi kể xong Đại tướng bảo tôi đến để Bác Tôn hôn quân đội. Tôi không ngờ lại được nhận vinh dự này. Tôi nghĩ đến các anh hùng và trăm ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh giải phóng này ngay cả trước giờ cuộc chiến tranh kết thúc. Bác ôm chặt tôi, tôi chùn chân xuống để đón nhận những chiếc hôn của Bác, quá cảm xúc nước mắt tôi trào ra đẫm cả má Bác. 

Kỷ niệm 20 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi muốn ghi lại một kỷ niệm hay đúng hơn là một sáng kiến về tài nghệ tổ chức và chỉ huy chiến đấu của Thượng tướng Nguyễn Hữu An nguyên Thiếu tướng Tư lệnh Binh đoàn Hương Giang. Anh đã từng là trung đoàn trưởng trong chiến tranh chống Pháp, chỉ huy bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh đã lăn lộn nhiều năm trên các chiến trường chống Mỹ.

Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975 là Tư lệnh Binh đoàn Hương Giang, anh cùng với Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ huy giải phóng Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng. Anh chấp hành mệnh lệnh thần tốc của Đại tướng Tổng Tư lệnh tổ chức Binh đoàn hành quân trên một đoạn đường dài non một ngàn cây số với tất cả vũ khí, khí tài nặng. Anh chỉ huy phá vỡ tuyến phòng thủ từ xa của địch, giải phóng Phan Rang, Phan Thiết, Bình Tuy, chỉ huy một cánh quân hướng Đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Binh đoàn xe tăng chúng tôi suốt cả cuộc chiến tranh chống Mỹ chỉ được sử dụng đi phối thuộc chiến đấu cho bộ binh. Lần này, anh tận dụng hoả lực mạnh, vỏ thép dày và tính cơ động cao của xe tăng tổ chức thành một Binh đoàn Cơ giới thọc sâu, lấy xe tăng làm chủ tấn công trong hành tiến đánh chiếm phủ Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn. Anh đã không những góp phần quan trọng để Lữ đoàn xe tăng chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ mà còn rút ra một kinh nghiệm thực tiễn đối với Binh nhung Tăng - Thiết giáp để tổ chức huấn luyện, một trong những hình thức chiến đấu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của chiến tranh nếu xảy ra với qui mô lớn. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #56 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 03:34:11 pm »

ĐẠI ĐỘI ĐẶC CÔNG CƠ GIỚI CHÚNG TÔI NGÀY ẤY

Đại tá Lê Như Hoà,
nguyên đại đội trưởng Đại đội Đặc công cơ giới
(thuộc Phòng Đặc công Cơ giới Miền J16)


Một số cựu chiến binh thuộc Binh chủng Tăng Thiết giáp chúng tôi đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, gặp nhau đón xuân Nhâm Ngọ (2002). Trong không khí vui tươi đầu xuân, mọi người đều mừng vui trao đổi những tin về thành tựu của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Một đồng chí đọc một câu thơ:

                     Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
                     Bạn đời ơi ! vui chút mới trời hồng

                                           (thơ Tố Hữu “Ý Xuân”1939)

Nhưng rồi, tự nhiên, có lẽ theo tính của những Anh bộ đội Cụ Hồ, mọi câu chuyện lại chuyển sang cái ngày dân tộc Việt Nam đã trải qua - một thời chiến tranh.

Tôi bồi hồi nhớ tới trận đánh đầu tiên của anh em chúng tôi, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ cách đây vừa tròn 36 năm về trước. Tôi không thể nào  quên được sự vui mừng, rạo rực trong lòng, khi được công bố tên mình vào danh sách được chọn đi học xe tăng ở Trung Quốc vào năm 1956.

Trong số người được đi học xe tăng, lớp đầu tiên ấy, hầu hết là những cán bộ, chiến sĩ đã trải qua nhiều năm tháng chiến đấu gian khổ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như các anh: Đào Huy Vũ trưởng đoàn học sinh, Dương Đằng Giang, phó đoàn, cùng các anh Lê Xuân Kiện, Mai Văn Phúc, Nguyễn Văn Phước, Phùng Văn Minh... 

Sau khi tốt nghiệp chúng tôi là những người trong số 202 cán bộ được trực tiếp góp phần vào xây dựng trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội ta - Trung đoàn xe tăng mang số hiệu 202.  Những ngày đầu tiên xây dựng đơn vị thật là hào hùng sôi nổi. Hàng ngày, vào những giờ bảo dưỡng, chăm sóc xe, ai nấy như muốn vuốt ve, trìu mến những cỗ xe tăng nặng 32 tấn ấy.

Cũng trong những ngày ấy, cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Mỹ ở miền Nam ngày càng nóng bỏng. Hai mươi vạn quân xâm lược Mỹ đã đổ bộ vào miền Nam. Những người lính xe tăng chúng tôi ngày ấy trong lòng luôn day dứt một câu hỏi: “Đến bao giờ mới được đi chiến đấu, Đêm đêm trong giờ phát thanh “Đọc chuyện đêm khuya”, mọi người lặng đi, khi nghe cô phát thanh viên ngâm đoạn thơ:

                     Đồng bào ơi, anh chị em ơi !
                     Hỡi lương tâm tất cả loài người
.
                                    (Tố Hữu “Thù muôn đời, muôn kiếp không tan” -1959)

Những đêm như vậy, nhiều anh em lính xe tăng chúng tôi đã khóc, nhiều đồng chí cả đêm không thể ngủ được... Trong không khí ấy, nhiều anh em đã làm đơn xin vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Sung sướng biết bao vào tháng 2 năm 1964 đợt đầu tiên được lên đường vào chiến trường miền Nam. Đoàn đầu tiên này do anh Mai Văn Phúc, nguyên tiểu đoàn trưởng xe tăng dẫn đầu, tôi cũng được lên đường vào dịp ấy.

Vào tới miền Đông Nam Bộ (B2) chúng tôi được giao nhiệm vụ: “chiếm xe của địch để đánh địch và xây dựng lực lượng xe tăng ở chiến trường. Chúng tôi được tổ chức thành “Ban cơ giới Miền” vào năm 1964 - mật danh là B16.

Từ 1964 đến 1965 một số đoàn khác từ Trung đoàn xe tăng 202 lại lên đường, đặc biệt là đợt vào năm 1965, có rất nhiều cán bộ từ trung đội trở lên đều được đào tạo về xe tăng ở Liên Xô như các anh: Trần Văn Khuê, Bùi Tân, Đào Cao Tuy, Nguyễn Văn Em...

Thêm lực lượng cán bộ, chiến sĩ xe tăng vào chiến trường nên đến năm 1966 thành lập “Phòng cơ giới Miền” mật danh J16 và có một đại đội đặc công cơ giới mật danh là C40.

Lãnh đạo chỉ huy phòng cơ giới là các anh Mai Văn Phúc, Bùi Tân. Lãnh đạo chỉ huy Đại đội 40: Tôi là trưởng, anh Hà Vũ chính trị viên và anh Trần Nhật Chiêu là Đại đội phó về kỹ thuật. Anh Chiêu học ở trường đào tạo về kỹ thuật sửa chữa xe tăng ở Trung Quốc. 

Từ các anh ở Phòng cơ giới đến mọi cán bộ, chiến sĩ Đại đội 40 chúng tôi, ai ai cũng nóng bỏng một quyết tâm: “Phải bám sát địch để tạo thời cơ, khi đã có thời cơ phải đánh địch để chiếm xe của địch, xây dựng lực lượng Tăng - Thiết giáp ở chiến trường.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #57 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 03:34:58 pm »

Đầu năm 1966, Đại đội 40 chúng tôi được giao nhiệm vụ: “Phối hợp với binh địch vận để thực hiện nội công, ngoại kích đánh vào hậu cứ trung đoàn thiết giáp nguỵ đóng ở Gò Đậu, tỉnh Bình Dương.  Sung sướng biết bao khi được giao nhiệm vụ ấy Toàn đại đội bàn bạc nghiên cứu và hạ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên, các anh còn tăng cường cho đại đội một số cán bộ trung đội...

Để chuẩn bị thật chu đáo, đảm bảo chắc thắng, từ Phòng cơ giới Miền (J16) và các cơ quan của Miền như Phòng địch vận và các cơ quan địa phương chỉ đạo, giúp Đại đội 40 chúng tôi tập trung vào các việc lớn như:

1. Nắm thật chắc tình hình địch, phải vẽ được sơ đồ căn cứ của địch, để nghiên cứu chuẩn bị và luyện tập các phương án chiến đấu. Phòng địch vận Miền và tổ chức Đảng và cơ sở địa phương đã giúp đỡ và tạo nhiều thuận lợi cho anh Hà Vũ chính trị viên đại đội cải trang thành hạ sĩ quan quân nguỵ vào tận nơi quan sát vẽ sơ đồ và móc nối với cơ sở của ta trong trung đoàn thiết giáp nguỵ. Anh Hà Vũ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khi anh Hà Vũ trở về báo cáo tình hình nhân mối ở trung đoàn thiết giáp nguỵ có 8 nhân mối trong đó có 2 là đảng viên Cộng sản, mà 1 đồng chí đang giữ cấp thiếu uý thiết giáp nguỵ, 1 đang là đối tượng cảm tình Đảng, 2 là cơ sở tin cậy, 1 là cảm tình với cách mạng.

Ai nấy đều thấy công lao âm thầm, bền bỉ của các cơ quan binh địch vận, của tổ chức Đảng và nhân dân địa phương đã tạo dựng được cơ sở rất tin cậy, chắc chắn ở ngay trong hàng ngũ của địch. Chúng tôi càng có cơ sở vững chắc tin tưởng ở thắng lợi của trận đánh.

2. Công việc thứ hai là tổ chức nghiên cứu về xe tăng M41 và xe thiết giáp M113 của địch, nhưng không có xe thật mà chỉ nghiên cứu trên các bản vẽ nên cũng hạn chế nhiều. Đây cũng là một nhược điểm lớn, nên sau này xe thì chiếm được nhiều mà đưa về được ít.

3. Công việc thứ ba rất quan trọng đó là xây dựng 2 phương án tác chiến và tập theo 2 phương án đó, Phương án 1: Đánh kiểu Đặc công biệt động, tức là cải trang thành lính nguỵ bất ngờ tập kích thẳng vào cổng chính, kết hợp với cơ sở, trong đánh ra ngoài đánh vào. Phương án 2: Đánh theo hình thức đặc công bộ binh, tức là lực lượng ta luồn sâu bí mật áp sát các mục tiêu, sau đó cùng cơ sở đồng loạt nổ súng tấn công...

Ngoài hai phương án tác chiến trên, cấp trên bổ xung nhiệm vụ nhằm khuếch trương thắng lợi của trận đánh cả về các mặt chính trị và quân sự.  Cụ thể là: Sau khi đánh chiếm được xe tăng và thiết giáp của địch:

- Dùng một số xe cho chạy về hướng Sài Gòn phao tin là đảo chính để gây hoang mang cho địch và thực hiện nghi binh, tạo thêm thế cho trận đánh. 

- Dùng một số xe, hợp đồng với lực lượng địa phương của tỉnh đội Thủ Dầu Một tấn công Dinh tỉnh trưởng, kho bạc và phá nhà tù Phú Lợi giải thoát cho nhân dân và các chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm ở đó.

- Số xe còn lại chạy về hướng Bông Trang, Nhà Đỏ hiệp đồng với Trung đoàn 2, thuộc Sư đoàn Bộ binh 9 tấn công địch trên quốc lộ 13. 

- Cuối cùng đưa xe còn chạy được về căn cứ. 

Rõ ràng, chúng tôi thấy được với các nhiệm vụ trên thì trận đánh không còn ở phạm vi một trận của đặc công cơ giới chúng tôi nữa, mà đã trở thành một trận đánh lớn cả về mặt quân sự và chính trị. 

Còn trận đánh vào hậu cứ trung đoàn thiết giáp nguỵ chỉ là trận mở đầu, là ngòi nổ của một trận hiệp đồng nhiều lực lượng, tấn công nhiều mục tiêu. Chúng tôi 38 cán bộ chiến sĩ Đại đội 40 rất sung sướng được nhận nhiệm vụ trận mở đầu ấy.  Trong số 38 cán bộ chiến sĩ đại đội bao gồm: 4 cán bộ đại đội,  2 cán bộ trung đội, 12 chiến sĩ lái xe tăng, 12 pháo thủ xe tăng, 2 chiến sĩ quân y. Trong số này có 17 là đảng viên Cộng sản, 21 đoàn viên thanh niên. 

Vì là trận đánh lớn, nên Miền đã thành lập Ban chỉ huy chung gồm có: 

- Anh Tạ Minh Khâm sư trưởng Sư đoàn bộ binh 2.

- Anh Sáu Dự trưởng Phòng binh - địch vận. 

- Anh Một Hữu tỉnh đội trưởng tỉnh đội Thủ  Dầu Một.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #58 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 03:42:43 pm »

- Anh Bùi Tân chính trị viên phòng cơ giới Miền (J16).

Còn Ban chỉ huy Đại đội 40 chúng tôi phân công: 

- Tôi, đại đội trưởng chỉ huy lực lượng đặc công.

- Anh Hà Vũ chính trị viên, chỉ huy lực lượng cơ sở. Khi nổ súng anh Vũ sẽ chỉ huy chung cả hai lực lượng. Mọi mặt chuẩn bị đã xong, tất cả đã sẵn sàng.  Ngày 18-9-1966 có lệnh xuất kích, chúng tôi ra quân đánh theo phương án I, sẽ cải trang thành lính nguỵ, đi xe Ô tô của nguỵ kết hợp với cơ sở bên trong đột nhiên xông thẳng vào cổng chính và tấn công.

Toàn đơn vị đã đến vị trí xuất kích thì cơ sở đến đưa thư có nội dung: “Cho vắng hoãn. Anh Hai xuống gấp kịp phiên chợ Hai”. Như vậy cơ sở đã mật  báo là không thể đánh theo phương án I, phải dùng phương án II.

Đơn vị lại bí mật rút về căn cứ.

Ngày 23 tháng 3 năm 1966, có lệnh xuất quân, đánh theo phương án II: Lực lượng đặc công chúng tôi bí mật luồn sâu ém quân quanh căn cứ và đợi giờ thống nhất cùng cơ sở nổ súng tấn công. 

Là trận đánh đầu tiên, ý nghĩa rất lớn, nên Miền và Phòng cơ giới tổ chức lễ xuất phát rất nghiêm trang. Vào hồi 18 giờ 30 phút ngày 23.3. 1966, tại khu rừng Chồi thuộc ấp An Thạnh, Lái Thiêu làm lễ xuất quân. Rất đông các đại diện tổ chức Đảng và các đoàn thể địa phương đến tìễn chân. Đồng chí Hai Trung bí thư Huyện ủy thay mặt Đảng bộ huyện chúc mừng thắng lợi. Trong số đông nhân dân có nhiều bà má, chắc các mẹ cũng như chúng tôi đều cùng một ý nghĩ: Ra quân khí thế hừng hực thế này, còn lúc về biết được ai còn ai mất.  Các má xúc động lấy khăn chấm nước mắt. 

18 giờ 45 phút ta đã bí mật luồn sâu áp sát quanh hai khu vực để xe tăng M41 và xe thiết giáp M113. Tất cả hồi hộp chờ đợi giờ nổ súng. Anh Hà Vũ chính trị viên đại đội đang đi bắt liên lạc với cơ sở. Đến 19 giờ 59 phút theo đúng hiệp đồng với cơ sở anh Hà Vũ phát lệnh cho cơ sở nổ súng, mở đầu cho trận đánh.

Tiếng súng tiểu liên nổ từng loạt đanh gọn, xen lẫn tiếng nổ của lựu đạn, thủ pháo nổ khắp nơi.  Địch hoảng loạn bí động không đối phó nổi vì từ trong ra ngoài chỗ nào cũng có tiếng súng của ta.  Ta đã chiếm được xe tăng của địch và sử dụng ngay trong chiến đấu. Sau một giờ chiến đấu ta đã làm chủ căn cứ. Tiêu diệt và làm bị thương 200 tên, phá huỷ hoàn toàn khu thông tin, phá huỷ và chiếm được 27 xe các loại. Bắn cháy và làm nổ tung kho xăng và kho đạn.

Theo phương án chiến đấu, ta đã sử dụng ngay một xe tăng M41 và 10 xe thiết giáp M113 khuếch trương thắng lợi trận đánh. Sử dụng 3 xe thiết giáp M113 chạy về hướng Sài Gòn và tung tin là đảo chính, chạy đến cầu Bình Phước thì huỷ xe, người rút về căn cứ.  Sử dụng 2 xe M113 tiến về thị xã Thủ Dầu Một hiệp đồng với tỉnh đội Thủ Dầu Một chiến đấu. Sử dụng 1 xe tăng M41 và xe thiết giáp M113 chạy về hướng Bông Trang, Nhà Đỏ hiệp đồng với Trung đoàn bộ binh 2, Sư đoàn 9 chiến đấu. 

Tất cả các xe sử dụng chiến đấu sau đó đều huỷ bỏ chỉ đưa được 1 xe tăng M41 về căn cứ, xe tăng này do anh Phùng Văn Mười đảng viên Cộng sản, được cài vào làm thiếu uý nguỵ lái về. Trận đánh đầu tiên của Đội đặc công Cơ giới chúng tôi đã giành thắng lợi to lớn.

Nhân Tết Nhâm Ngọ, nhớ lại trận đánh đầu tiên ấy, tôi bồi hồi nhớ lại bao khuôn mặt thân thương. Tôi nhớ đến 12 đồng chí đã hy sinh và mất tích trong trận đánh. Tôi nhớ đến hình ảnh anh Trần Nhật Chiêu, đại đội phó kỹ thuật, bị thương nặng, trước khi chết còn hô to như nhắc nhở chúng tôi: “Quyết lấy cho được xe địch!”. Những ký ức về một thời chinh chiến sẽ mãi còn lại trong mỗi con người chúng ta.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Bảy, 2009, 03:56:32 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #59 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 03:57:16 pm »

TRƯỚC GIỜ TOÀN THẮNG

Đại tá Lê Quang Xỳ,
nguyên Phó Tham mưu trưởng
Binh chủng Tăng – Thiết giáp.


Gần 30 năm qua, tôi nhớ Lữ đoàn Bộ binh cơ giới 202 được chuyển giao cho Quân đoàn I từ 11-2-1973 với biên chế gồm 4 tiểu đoàn chiến đấu (Tiểu đoàn tăng 198 và 3 tiểu đoàn Bộ binh cơ giới 66 và 244, Lữ đoàn chuyển từ bắc Quảng Trị ra đóng quân tại Tĩnh Gia - Thanh Hoá. Đại đội 3 Bộ binh cơ giới nằm trong biên chế của Tiểu đoàn 66 là đơn vị đã từng tham gia biến đấu liên tục trong 83 ngày đêm trong chiến dịch Quảng Trị nóng bỏng năm 1972.

Năm 1975 tình hình trên chiến trường miền Nam đang phát triển thuận lợi, dồn địch vào thế bị động đôi phó. Ngày 18-3-1975, Quân đoàn nhận lệnh lên đường chiến đấu. Tiểu đoàn 66 được lệnh hành quân gấp theo trục đường Vinh - Đông Hà - Phú Lộc - Quế Sơn - Khâm Đức  qua Tây Nguyên vào khu tập kết Đồng Xoài.

Chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện, Đại đội 3 đã cấp tốc tổ chức độc lập hành quân với điều kiện vừa trinh sát khắc phục đường sá, bến vượt, tự sửa chữa xe pháo, tự liên hệ bảo đảm nhiên liệu hậu cần để hành quân tới đích.

Được sự giúp đỡ chi viện của các đơn vị bạn và nhân dân dọc đường hành quân, đơn vị liên tục trong 18 ngày đêm vượt qua 1300 km đến vị trí tập kết đúng kế hoạch, bí mật an toàn.  Đây là thành tích kỷ lục thần tốc táo bạo đầu tiên của Đại đội 3 và Tiểu đoàn Bộ binh cơ giới 66.  Đến ngày 16-41975 toàn Lữ đoàn đã đến vị trí tập kết chiến dịch đầy đủ.

Lữ đoàn được phổ biến: “Quân đoàn 1 có nhiệm vụ tiến công trên hướng bắc Sài Gòn, mục tiêu đánh chiếm là: Bộ Tổng Tham mưu và Lục quân công xưởng quân nguỵ và các vùng phụ cận...

Tư lệnh Quân đoàn quyết định sử dụng Lữ đoàn Bộ binh cơ giới:

- Tiểu đoàn Bộ binh cơ giới 66 phối thuộc cho Sư 320 B bộ binh tiến công trên hướng chủ yếu, đảm nhiệm mũi thọc sâu đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu nguỵ, khu binh chủng, tiểu khu Gia Định, Lục quân công xưởng Gò Vấp.

- Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 244 phối thuộc cho Sư đoàn Bộ binh 3 1 2 tiến công căn cứ Phú Lợi, Bình Dương, bao vây chia cắt tiến tới làm tan rã Sư đoàn 5 nguỵ tên trục đường 13 không cho ứng cứu Sài Gòn.

- Bộ phận còn lại Đại đội 73 và Tiểu đoàn 244 Bộ binh cơ giới, đại đội cao xạ tự hành 57mm làm dự bị bảo vệ chỉ huy Quân đoàn. 

Được quán triệt nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ toàn lữ đoàn sôi nổi khẩn trương tranh thủ từng giờ từng phút chuẩn bị cho trận đánh vào thành phố Sài Gòn.

Ngày 27- 4-1975 tại khu vực tập kết chiến dịch Lữ đoàn 202 tổ chức lễ tuyên thệ.  Trước giờ phút trang nghiêm ấy, đại đội trưởng Đại đội bộ binh cơ giới 3 Hoàng Thọ Mạc thay mặt đơn vị tuyên thệ và hứa “Chúng tôi đã thấy hết vinh dự và trách nhiệm của mình các đồng chí cứ tin tưởng ở cán bộ chiến sĩ Đại đội 3, dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ dù phải hy sinh tính mạng nhưng  Sài Gòn phải được giải phóng, miền Nam phải được giải phóng…”

Theo kế hoạch tác chiến của Sư đoàn Bộ binh 320B thì Trung đoàn Bộ binh 27 được tăng cường Đại đội 3 Bộ binh cơ giới và 1 trung đội xe tăng tổ chức thành bộ phận đi trước mở đường cho chủ lực của sư đoàn thọc sâu vào mục tiêu chủ yếu.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM