Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:34:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo vết xích xe tăng - Tập 1  (Đọc 67340 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #20 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2009, 12:41:59 am »

Để đảm bảo chỉ huy, lãnh đạo các tiểu đoàn hành quân và chiến đấu, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã lập ra hai ban chỉ huy Trung đoàn nhẹ.  Ban chỉ huy Trung đoàn 202, trực tiếp đi chỉ đạo Tiểu đoàn 397 gồm:

Anh Lê Quang Xỳ - Trung đoàn phó và anh Lê Đức Ổn - phó Chính uỷ Trung đoàn và một số cán bộ cơ quan trung đoàn.

Ban chỉ huy Trung đoàn 203, trực tiếp đi cùng Tiểu đoàn 297 và chỉ huy Tiểu đoàn 198 gồm:

Anh Lê Quang Âm - Trung đoàn trưởng và anh Lê Quang Phước - phó Chính uỷ. Do nhu cầu xây dựng trường 600 nên anh Phước được điều về và tôi đã giao nhiệm vụ cho anh Nguyễn Văn Liêm, Tuyên huấn Binh chủng xuống thay anh Phước trong chiến dịch.

Hai tiểu đoàn xe tăng T54, T34 lên đường, đây là lần đầu tiên sử dụng một số lượng lớn xe tăng hạng trung. Vì thế, từ các cơ quan Binh chủng, tới các đơn vị, đều hối hả, sôi nổi như không khí của ngày hội lên đường. Khẩn trương, vất vả nhưng thật là vui bởi vì đưa được mấy chục cỗ xe tăng mà mỗi xe nặng trên 30 tấn, lại còn kèm bao nhiêu thứ: nhiên liệu, vật tư kỹ thuật để sửa chữa thay thế. . .tất cả đến được chiến trường B, bí mật, an toàn, thì coi như là đã chiến thắng được 50% rồi.

Mọi mặt công tác: chỉ huy, kỹ thuật, hậu cần và công tác Đảng, công tác chính trị đều xoay quanh mục tiêu: bí mật, an toàn hành quân tới đích 100% người và xe.

Giữa tháng 10 năm 1970, tôi lên đường. Vào thời gian đó ở Bộ Tư lệnh và Thường vụ Đảng uỷ có: Anh Lê Ngọc Quang - Chính uỷ - bí thư, chưa có phó Bí thư. Anh Đào Huy Vũ - Phó Tư lệnh uỷ viên thường vụ, chưa có Tư lệnh. Tôi, Chủ nhiệm Chính trị sau chiến dịch tôi mới được bổ nhiệm Phó Chính uỷ Phó Bí thư. Anh Dương Đằng Giang, Tham mưu trưởng.

Như vậy, anh Đào Huy Vũ đã sang Lào. Còn tôi được giao nhiệm vụ thay mặt Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh đi chiến dịch, còn các anh Lê Ngọc Quang và Dương Đằng Giang ở lại Bộ Tư lệnh để theo dõi chung.

Để giúp cho lãnh đạo, chỉ huy hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã cử đi cùng tôi đầy đủ cán bộ của 4 cơ quan: tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật. Giúp tôi về chỉ huy có các anh Nguyễn Phước - Trưởng ban tác chiến Binh chủng và các anh Đinh Quang Tuệ, Mạnh Hùng. . . 

Trước khi lên đường, có một câu chuyện, nhỏ thôi, nhưng về phía lãnh đạo, tôi không thể không chú ý. Một đồng chí ở chính trị có nói với tôi: Anh Mạnh Hùng rất tốt, chỉ phải cái là chị vợ lại không thông cảm với anh ấy khi xa nhà đi chiến trường. Có ruột lần nghe nói chị ấy to tiếng trì triết anh Mạnh Hùng: “Anh chỉ biết đi chiến trường để sướng lấy bản thân, còn gánh nặng gia đình phó mặc cả cho tôi. Quả thật đời vợ bộ đội chiến tranh thật là vất vả. Chồng đi biền biệt, vợ ở nhà lo toan mọi thứ, nhất là khi đó là thời bao cấp, mọi thứ đều phải có tem phiếu mới mua được kể từ cái kim, cuộn chỉ . . . song mua được hàng có dễ như thời nay đâu!  Đối với nhân dân, phiếu chỉ bán cho mỗi người 3 lạng thịt/tháng. Chỉ riêng cái khoản xếp hàng đi mua thịt, gạo, dầu mỡ cũng rất cơ cực. Tôi nghe các con tôi kể lại, nhiều lần các cháu phải đi xếp hàng từ 4 giờ sáng để đến 7 giờ cửa hàng mở cửa mới mua nổi yến gạo hoặc ki lô thịt (theo tem phiếu).  Chính vì sự thông cảm ấy nên trước ngày lên đường tôi đến nhà anh Mạnh Hùng để vừa thăm hỏi, vừa nói chuyện để chị ấy yên tâm, vui vẻ tiễn anh Hùng lên đường vào chiến dịch. Vâng câu chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống như vậy, nhưng thật là khó quên của một thời chiến tranh chống Mỹ.

Vào tới Quảng Bình, chúng tôi đã có nhiều lần đi hiệp đồng với Sư đoàn 304 theo phương án: “Đề phòng địch tấn công ra Nam khu Bốn”. Tiếp theo vào Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh đoàn 559 để hiệp đồng chuẩn bị các phương án đánh địch khi chúng đánh ra đường số 9 - Nam Lào.

Sau khi bàn bạc với Sư đoàn 320, tôi cử các anh Nguyễn Phước, Đinh Quang Tuệ, Mạnh Hùng, đi trinh sát thực địa với cán bộ Sư đoàn 320 (có ảnh kèm theo). ) Trong khi cán bộ tham mưu đi trinh sát, tôi được lệnh: “Chỉ huy khối chủ lực chiến đấu sẽ do Bộ Tư lệnh tiền phương 559 đảm nhiệm”. Thế là chúng tôi cả “bầu đoàn thê tử” ba lô trên vai, hành quân vào Sở chỉ huy tiền phương.

Trên đường hành quân, vai đèo nặng, trèo đèo lội suồi tuy vất vả nhưng thật là vui. Anh Nguyễn Văn Lâm - trưởng ban Quân nhu Binh chủng, sức yếu nên qua suối bị trượt chân ngã, bò lổm ngổm mãi mới đứng lên được. Anh em khác trêu: ông Quân nhu ơi, Tết này cho anh em ăn ở đâu mà cứ bò ở suối thế.

- Ăn ở mồm ấy! - Lâm ướt như chuột lột, lại rét nên cáu, đáp lại.  Tất cả cười ồ lên.

Đi đến một đoạn đường mòn, phát hiện thấy tổ ong ta ở cạnh đường. Mọi người đang lưỡng lự: nên đi thẳng hay đi vòng. Anh Đỗ Bằng Quyền -cán bộ cơ quan chính trị reo to: có mật ong ăn Tết rồi, đề nghị Thủ trưởng cho dừng lại.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #21 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2009, 12:43:26 am »

Tất cả nhìn tôi chờ đợi.

Tôi hỏi Quyền: thế cậu ở nhà đã bao giờ lấy mật ở tổ ong chưa ?

- Nhiều lần rồi anh ạ.

Anh Quyền là cán bộ năng nổ, miệng nói tay làm. Tôi rất tin, nên đồng ý. Tất cả lùi về phía sau.  Quyền tiến đến tổ ong rừng, to như chiếc ba lô cóc.  Tôi thầm nghĩ: chiều nay cho nghỉ hành quân sớm, đi đào củ mài, củ môn để nấu chè. Có nồi chè mật ong nấu với khoai môn ăn tất niên thì tuyệt vời. Tôi nghĩ đến câu ca dao:

Đi thì nhớ vợ cùng con
Về thì nhớ củ khoai môn trên rừng.
 

Bỗng thấy anh Quyền kêu ối ối! rồi chạy bổ nhào tới chỗ tôi. Đằng sau bầy ong bay theo đen ngòm. Các anh Lâm, Liêm cười ré lên, vứt ba lô chạy lui Tôi vẫn đứng nguyên. Ong bu đầy mũ cối của tôi.  Tôi lấy tay bắt những con ong đang bám ở mặt Quyền. . . May sao anh Quyền mới thò tay chạm tổ, nên ong đuổi theo để “cảnh cáo" tí chút rồi quay về tổ. Anh em kéo đến, vẫn khúc khích cười. Anh Quyền gắt to : cười cái gì! Lúc đồng đội bị nguy, vứt cả ba lô chạy thục mạng, lại còn cười". Tôi hoà giải:

“Thôi Quyền ạ tại bầy ong rừng cả”.  Chiều nghỉ lại, trú quân ven suồl, thấy Quyền mặt sưng húp lên. Tôi nói vui: Tết nhất đến nơi rồi.  Chưa ai được tí gì, còn Quyền được bồi dưỡng “Vitamin O” . . .

Tất cả cười rộ lên.

Anh Quyền cũng phải phì cười. Thế đấy các bạn ạ, đời người chiến sĩ trong chiến tranh, vui nhộn đấy nhưng bao trùm lên tất cả các tình tiết đó, như những nét chấm phá, làm cho hương vị cuộc đời thêm thân thương. Có lẽ mãi mãi sau này, những người trong chúng tôi ngày đó, mỗi khi nhớ đến câu chuyện “Vitamin O”, không ai là không thấy bồi hồi xúc động và vui sướng. . . Có phải thế không các bạn?  .

Vào tới Sở chỉ huy tiền phương 559, Đại tá Nguyễn Hoà - Phó Tư lệnh và Đại tá Thế Thiện tiệp tôi và báo tin “Bộ Tổng tư lệnh đã thành lập B70 để chỉ huy, tiền phương 559 không còn trách nhiệm nữa”. Thế là lại hoả tốc hành quân đi gặp Bộ chỉ huy B70. Sau khi vào gặp Bộ chỉ huy B70, tôi cử anh Nguyễn Văn Phước, Đinh Quang Tuệ và một số cán bộ ở lại chỉ huy Sở B70, còn chúng tôi ở lại Lâm Trạch, tỉnh Quảng Bình ở gần khu vực Ban chỉ huy nhẹ 202 (tiểu đoàn 397).

Sau khi đi kiểm tra tình hình ở Đại đội 15, Tiểu đoàn tăng T34, anh Quyền lại có sáng kiến: Đi bẫy cheo cheo để ăn mừng ngày thành lập Quân đội 22-12-1970 vả lại cũng đã vào cuối thánh 11 âm lịch, sắp đến Tết Tân Hợi rồi. Tôi thấy ý kiến rất tốt nên hỏi, làm sao bẫy được?

Quyền nói: Cheo cheo rất khờ, bẫy dễ lắm.

Quả nhiên sáng hôm sau anh mang về một con.  Nhìn con thú rừng, đầu hươu, móng guốc, dễ thương quá. Tôi nghĩ phải giết thịt con vật đẹp này thì thật là tiếc. Đêm đông, tiết đông chí, ở trong rừng lạnh buốt thấu xương. Ngồi trong hầm uống nước chè xanh nóng, ăn thịt cheo cheo nướng thật thú vị.  Không biết do tình đồng chí gắn bó, cùng sướng, cùng khổ hay vì thịt thú rừng nướng mà chúng tôi cảm thấy ngon thế. Thật là một kỷ niệm về tết khó quên. Đã sắp tới ngày 23 tháng chạp Canh Tuất rồi “ông Công, ông Táo sắp lên chầu trời”, thế mà chúng tôi chỉ có mắm ruốc và vài hộp thịt. . .  May sao, anh Lâm quân nhu lên Hậu cần chỉ huy Sở tiền phương của Bộ, lễ mễ mang về nào măng khô, miến, kẹo, rượu Lúa mới, đặc biệt là thuốc lá Thăng Long bao bạc nữa...

Ngày ấy, đang thời bao cấp, mọi thứ phải có tem, phiếu mới mua được. Thuốc lá thuộc loại phiếu B chỉ bán cho cấp Tướng và Thứ trưởng trở lên, thế mà tết ấy, ở chiến trường lính xe tăng chúng tôi cũng được cấp. Anh Lâm tuyên huấn Binh chủng hét tướng lên: “Hoan hô hậu phương Hà Nội!”, “Thủ đô ta muôn năm!”.

Anh Lê Đức Ôn đùa: “Hét bé chứ, kẻo máy bay nó nghe tiếng, ném bom, hỏng nồi măng đấy”.  Tất cả cười bò ra, đến chảy cả nước mắt.  Chúng tôi ăn Tết Tân Hợi vào ngày 23 tháng chạp, ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời , không biết ông có báo cáo về tình hình lính xe tăng chúng tôi hay không.

Đón Tết Tân Hợi, bộ đội xe tăng - thiết giáp đã hoàn nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu.

- Ngày 5 tháng Giêng Tân Hợi (31-1-1971) Tiểu đoàn xe tăng T54 đã tập kết ở Bắc đường số 9.

- Ngày 9 tháng Giêng (4-2-1971) Tiểu đoàn xe tăng PT76 cũng đã tập kết ở Bắc đường số 9.

- Ngày 23 tháng Giêng (18-2-1971) Tiểu đoàn xe tăng T34 từ Lâm Trạch di chuyển xuống Sêpôn. 

Đây là lần đầu tiên, Quân đội chúng ta sử dụng tới 88 xe tăng các loại trong chiến dịch (33 xe tăngT54, 33 xe tăng T34, 22 xe tăng PT76). Gần trăm voi thép đã sẵn sàng xung trận.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #22 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2009, 12:44:21 am »

Ăn Tết xong, tôi nhận được điện của anh Lê Ngọc Quang ở nhà báo tin: Trên đã bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Thế Lâm về giữ chức vụ Tư lệnh Binh chủng. Anh Thế Lâm sẽ vào Sở chỉ huy của Binh chủng. Tôi rất mừng vì từ ngày thành lập Binh chủng (1965) tới nay, vẫn khuyết Tư lệnh, còn anh Thế Lâm đã từng giữ cương vị Tư lệnh khu V hồi đầu kháng chiến chống Pháp, rồi Tư lệnh Binh chủng pháo binh, mặt khác anh đã được đào tạo về tên lửa mặt đất ở Liên Xô, nên tôi tin anh sẽ chóng nắm bắt được về kỹ thuật chiến đấu của xe tăng. . .  Trong những ngày chờ đợi, anh em xe tăng chúng tôi thường nói đùa với nhau: Xe tăng của ta như những đàn mãnh hổ ở thế chuẩn bị vồ mồi.

Thời gian chờ đợi đã đến, ngày 8 tháng 2 năm 1971, quân Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn đã liều lĩnh mở cuộc hành quân đánh ra đường số 9 - Nam Lào. Chúng đặt tên là cuộc hành quân Lam Sơn 719, quân Mỹ - nguỵ đã tập trung một lực lượng rất lớn; Tới 550.000 quân trong đó có 15.000 quân Mỹ. . .Về phương tiện kỹ thuật có 318 khẩu pháo, 578 xe tăng, xe bọc thép, 1000 máy bay các loại, trong đó có 50 máy bay chiến lược B52. Âm mưu của chúng là đánh vào tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, đồng thời cứu vãn nguy cơ thất bại của kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh ở miền Nam. 

Không khí trong các đơn vị và Sở chỉ huy chúng tôi thật là căng thẳng. Các đơn vị chiến đấu không thể dùng điện đài báo cáo về. Đại đội xe tăng 9 thuộc Tiểu đoàn 198 đã nhận lệnh phối thuộc cho Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320, tiến đánh điểm cao 543. Lực lượng địch ở điểm cao 543 gồm: Sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3, Tiểu đoàn dù 3, tiểu đoàn pháo (thiếu 1 đại đội) và 1 đại đội công binh. 

Vào 11 giờ 30 phút ngày 25 tháng 2 năm 1971 ta nổ súng tiến công. Sau 5 giờ chiến đấu, đến 16 giờ 50 phút, quân ta đã làm chủ trận địa. Điều đặc biệt nhất là xe tăng PT76 số hiệu 555, trong Làng Vây năm 1968 đã “tả xung hữu đột” thì trong trận đánh điểm cao 543 lại xe tăng 555 xông xáo, dùng xích sắt trà sát các ụ pháo, hoả điểm của địch. Cuối cùng đã đè lên hầm chỉ huy, tạo cho bộ binh ta bắt sống lữ trưởng Lữ dù số 3 của quân nguỵ Sài Gòn - Đại tá Nguyễn Văn Thọ.

Sáng 26 tháng 2, anh Lê Xuân Kiện Phó Tham mưu trưởng Binh chủng đến Bộ chỉ huy tiền phương Binh chủng, báo cáo về diễn biến trận đánh.  Đến lúc đó tôi mới biết anh Lê Xuân Kiện đã đi cùng Sở chỉ huy tiền phương Bộ Tổng Tư lệnh vào chiến dịch .

Bộ chỉ huy tiền phương của Bộ do Trung tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh và Trung tướng Lê Quang Đạo - phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính uỷ. Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cũng có mặt ở Sở chỉ huy tiền phương.

Thấy các vị tướng ở cương vị chiến lược, lại là những người có tài năng và dày dạn kinh nghiệm chỉ huy, lãnh đạo các chiến dịch lớn, tôi nhớ lại lời của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, khi tôi và anh Đào Huy Vũ, thăm sức khoẻ ông ở Tam Đảo: “Sắp tới sẽ có đánh lớn ở khu vực đường số 9”. Như thế là Bộ chính trị, Quân uỷ Trung ương đã dự kiến và đã có phương án tác chiến trong chiến dịch - chiến lược này. Trong lòng tôi tràn ngập niềm tin ở thắng lợi. 

Về phía Binh chủng Tăng - Thiết giáp cũng đã hình thành một hệ thống Sở chỉ huy chặt chẽ: - Sở chỉ huy tiền phương Binh chủng Tăng Thiết giáp ở Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh. Ở Sở chỉ huy B70 có đại diện xe tăng là các anh Nguyễn Phước, Đinh Quang Tuệ, Mạnh Hùng... Bên cạnh các sư đoàn bộ binh được phối thuộc xe tăng có: Ban chỉ huy nhẹ Trung đoàn 203 và Ban chỉ huy nhẹ Trung đoàn xe tăng 202. Thế là trong chiến dịch này, chúng tôi lại có thêm kinh nghiệm về tổ chức cơ quan chỉ huy của Binh chủng trong tác chiến chiến dịch.

Sau khi nghe anh Lê Xuân Kiện báo cáo tình hình, Tư lệnh Nguyễn Thế Lâm quyết định rời Sở chỉ huy tiền phương vào ở trong Sở chỉ huy chiến dịch để nắm tình hình chắc hơn. Ý kiến đó hoàn toàn chính xác .

Một buổi sau khi đi giao ban về, anh Thế Lâm báo cho tôi một tin: Có một đơn vị của Tiểu đoàn 297 bị máy bay Mỹ đánh trúng, tình hình thiệt hại chưa rõ.

Tôi sốt ruột quá vì đây là lần đầu tiên xe tăng T54 ra trận. Ngay chiều hôm đó tôi ra khu vực bị ném bom, anh Thế Lâm lo cho tôi nên khuyên tôi chưa nên đi vội, nhưng tôi nghĩ: Lúc khó khăn này cần có mặt người lãnh đạo, với trách nhiệm Phó Bí thư Đảng uỷ Binh chủng tôi cần có mặt. Tôi cảm ơn sự quan tâm của Tư lệnh Thế Lâm và đi xuống đơn vị. Đến nơi trông cảnh cây đổ ngổn ngang, hố bom sâu hoắm, lở loét. Tôi tiếp tục đi xe lùng xúc khắp cả khu rừng địch thả chất độc hoá học, thật là kinh hoàng, cả rừng cây không còn chiếc lá, những thân cây to, nhỏ đứng đó khô đét, xám xịt một màu chết chóc . . .

Thật may, do được phổ biến về kinh nghiệm trú quân của xe tăng trong rừng, nên chỉ có một xe hư hỏng nhẹ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #23 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2009, 12:45:14 am »

Ngày 26 tháng 2 năm 1971, địch đã điều Thiết đoàn nguỵ số 17 và một chi đoàn của Thiết đoàn 11, gồm 70 xe tăng và xe bọc thép cùng Tiểu đoàn 8 dù, từ Bản Đông tiến ra phản kích chiếm lại cao điểm 543.

Đại đội 7 thuộc Tiểu đoàn xe tăng 297 và Đại đội 9 thuộc Tiểu đoàn xe tăng 198 được phối thuộc cho Trung đoàn Bộ binh 64, Sư đoàn 304 tham gia trận đánh.

Đây là trận đầu tiên loại xe tăng hạng trung T54 nặng 36 tấn có hoả lực rất mạnh. Tôi và tất cả anh em ở Sở chỉ huy xe tăng phấn khởi và cũng rất căng thẳng chờ đợi.

Do hoàn cảnh chuẩn bị gấp, đường sá không có chuẩn bị, lại đánh ban ngày, lực lượng phòng không ta không đủ khống chế trên không. . . Do đó xe tăng ta, vừa bị xa lầy, vừa bị hoả lực mạnh của không quân địch chế áp, cuối cùng chỉ có xe tăng lội nước PT76 và một xe tăng T54 lên chiếm lĩnh được đồi cao. Tuy có một xe tăng T54 lên được, song với uy lực của pháo xe tăng cỡ 100 milimét đã tiêu diệt và làm hỗn loạn đội hình xe tăng địch, tạo thuận lợi cho các chiến sĩ bộ binh tiêu diệt hoàn toàn Thiết đoàn nguỵ số 17.

Trong trận đáng này, Đại đội 7 có 10 xe tăng thì 9 bị hỏng và bị bom địch làm cháy. Quả thật được tin này tôi thấy bàng hoàng. Tôi lo lắng lắm, đêm nằm suy nghĩ mãi về truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”, vậy Tiểu đoàn 297 có đánh thắng không? trong cán bộ chiến sĩ xe tăng có chán nản, bi quan không?

Sáng 27 tháng 2, tôi sang Cục Chính trị (thuộc sở chỉ huy tiền phương của Bộ) , tôi gặp các anh quen cả, các anh đều là cán bộ Tổng cục Chính trị đi chiến dịch. Tôi trao đổi với anh Hồng Cư - Cục trưởng (anh Cư là Cục phó Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị), tôi trao đổi với anh về trận đánh của Đại đội xe tăng 7. Quả thật tôi có hơi buồn về thiệt hại quá lớn về xe tăng trong một trận đánh và bàu với anh phương pháp tiếp tục củng cố ý chí ra sao.  Anh Hồng Cư đã làm tôi ngạc nhiên về cách nhìn nhận của anh, nói đúng hơn là chính anh đã củng cố tư tưởng cho tôi.

Anh Cư đặt một tay lên vai như người đang vác cờ và nói: “nếu đánh thắng thì một đơn vị bị thiệt hại lớn, chỉ còn vài chiến sĩ thôi, nhưng những chiến sĩ còn lại đó có quyền tự hào vác lá cờ chiến thắng trên vai mình”. Nghĩ lại những kinh nghiệm chiến đấu của mình trong thời gian kháng chiến chống Pháp, tôi thấy anh nói đúng quá. Về biện pháp cụ thể tôi đã bàn với anh Hồng Cơ. Đề nghị Bộ chỉ huy chiến dịch ra quyết định tặng Huân chương kịp thời cho Đại đội 7.

Chúng tôi nhanh chóng nhất trí với mức “Tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất”. Sau đó anh- Hồng Cư bàn với tôi về ý định tổ chức triển lãm chiến thắng về chiến dịch Nam - Lào tại Hà nội. Quả thật về vấn đề đó rất hợp vì thắng lợi đã rõ ràng đến gần lắm rồi.

Anh Cư trao đổi với tôi xem có thể đưa cỗ xe tăng nào về triển lãm không? Chúng tôi nhất trí lấy chiếc xe tăng 555 về triển lãm sẽ làm một cái hầm, đặt xe tăng lên trên.

Sau triển lãm sẽ đưa xe tăng 555 vào Bảo tàng Quân đội. Thế là số phận vinh quang của xe tăng PT76 mang số hiệu 555 đã được quyết định. Tôi sang gặp tiếp anh Đinh Mộng Tiên - Trưởng phòng Tuyên huấn và trao đổi về khen Huân chương cho chiếc xe tăng ấy.

Mộng Tiên: Từ xưa ít khen một khẩu pháo, nay khen một xe tăng có nên?

Xuân: Xuất phát từ thực tế thì có thể khen.  Một cá nhân có thành tích còn khen vậy tại sao một xe tăng lại không nên. Hơn nữa, xe tăng đó lại là chiến công của một tập thể 3 người (xe tăng PT76 - biên chế có 3 người - 1 lái xe, 1 trưởng xe kiêm pháo thủ - 1 pháo thủ thứ 2 kiêm người nạp đạn) .  Thế là chúng tôi thống nhất mức khen cho xe tăng 555: “Huân chương Quân công hạng Ba” và xe tăng đó mãi mãi đi vào lịch sử và yên vị chỗ của mình là Bảo tàng Quân đội.

Sau khi nói lại tình hình trên với anh Thế Lâm, tôi giao nhiệm vụ cho hai cán bộ xuống gặp Ban chỉ huy Trung đoàn 203 và Tiểu đoàn 198, đế đưa ngay xe tăng 555 về Hà Nội.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #24 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2009, 12:46:16 am »

Các anh: Trần Ba - Cán bộ tuyên huấn Binh chủng, anh Ba đã được đào tạo thành cán bộ kỹ thuật ở Trường Cao đẳng kỹ thuật xe tăng ở Ki ép (Liên Xô). Anh Trần Xuân Liệu cũng là cán bộ Tuyên huấn và anh cũng được đào tạo kỹ về lái xe tăng ở Trung Quốc.

Hai anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa được xe tăng 555 về Hà Nội và còn kéo được một xe tăng M41 của quân nguỵ để bà con Thủ Đô thấy được mặt mũi chúng trong triển lãm.

Những đêm nằm chung lán với anh Thế Lâm ở Sở chỉ huy tiền phương Bộ Tổng Tư lệnh, đêm tôi chỉ đắp cái chăn dù, tôi vẫn mang theo mỗi lần đi chiến dịch. Đó là vật kỷ niệm của tôi từ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Chăn dù mỏng nên rét, thao thức không ngủ được.

Tôi nghĩ miên man về sự kiện: Trong trận đánh ở Tà Mây năm 1968, chỉ có một xe tăng vào được cứ điểm, tuy hành động “đơn thương độc mã”, “tả xung hữu đột” là rất đáng khen, song cái đó nói lên cái gì đây cần khắc phục. Do tổ chức chỉ huy? Do trình độ kỹ thuật của cán bộ chiến sĩ? Hay còn nguyên nhân nào khác nữa, có lẽ phải có một hình thức tổ chức bộ đội nào khác chăng?  Lại lần nữa trong trận đánh cao điểm 534 vẫn xe tăng một đường, bộ binh một đường và lại một xe “tả xung hữu đột” . . .

Mấy hôm sau, sau trận đập tan cuộc phản kích của Thiết đoàn 17 quân nguỵ, anh Thế Lâm báo cho tôi đi dự cuộc hội thảo bàn về vấn đề xe tăng.  Hội thảo này tổ chức ngay ở Sở chỉ huy tiền phương của Bộ.

Vì anh Thế Lâm mới về, nên tôi đi dự. Hội nghị gồm các anh ở Bộ Tổng Tham mưu, có cả anh Hoà Đen ở Viện Khoa học quân sự, người quen cũ của tôi thời Lục quân khoá V trong kháng chiến chống Pháp (1949) . Anh Hoà Đen công tác ở cơ quan khoa học quân sự.

Vấn đề lớn ở Hội nghị là: Làm thế nào để khắc phục hiện tượng xe tăng và bộ binh không bị chia cắt ý kiến thống nhất là cần nghiên cứu một dạng tố chức bộ binh có thể ngồi xe cơ giới, như vậy bộ binh mới có thể theo kịp xe tăng.

Tôi rất mừng vì những suy nghĩ của tôi lại trùng hợp với các anh trong cuộc họp. Cuối cùng, thay mặt Bộ Tư lệnh xe tăng, tôi tán thành một tổ chức bộ binh cơ giới, gọn nhẹ phù hợp với chiến trường và cách đánh ở Việt Nam. Sở dĩ nhấn mạnh điều này, vì tôi thấy nhiều anh có mặt, cũng như tôi, đã từng học ở các Học viện Quân sự ở Liên Xô, nên đều biết ở Liên Xô, ngày đó bộ binh đã cơ giới hoá, tên chung gọi là Bộ binh cơ giới.  Tôi cũng không ngờ rằng chính từ Hội nghỉ đó đã thai nghén ra Trung đoàn Bộ binh cơ giới đầu tiên của Quân đội ta vào cuối năm 1971. 

Sau khi Đại đội xe tăng 3 của Tiểu đoàn 397 tham gia diệt Lữ đoàn 147 thuỷ quân lục chiến quân ngụy ở cao điểm 550 ngày 22 tháng 3 và truy kích địch ở Bản Đông,ngày 25 tháng 3 năm 1971 chiến dịch đã kết thúc thắng lợi. Tôi thấy với trách nhiệm của người làm công tác Đảng, công tác chính trị, tôi phải đi các đơn vị để tìm hiểu thêm tình hình.  Tôi bàn với anh Thế Lâm, ý anh không muốn để tôi đi nhưng tôi thấy trách nhiệm phải làm nên đã cùng toàn bộ cán bộ cơ quan chính trị đi các đơn vị.

Sau khi gặp các anh: Nguyễn Phước ở B70, anh Lê Quang Âm ở chỉ huy sở Sư đoàn 304, gặp các đơn vị 297, 397, tôi trở ra, vì nghe tin chỉ huy sở quy định ai đã ở chỉ huy sở đi các đơn vị sẽ hạn chế về lại chỉ huy sở, vì để giữ bí mật, nên tôi về thẳng Quảng Bình.

Nghỉ ở Quảng Bình được vài ngày, bỗng nhiên anh Lê Ngọc Quang đến gặp tôi, anh cho biết mới ở Bộ Tư lệnh (Vĩnh Yên) vào tới nơi. Đi theo anh có một số cán bộ các cơ quan.

Tôi báo cáo vắn tắt tình hình với anh Quang, sau đó nói để anh biết ý định của tôi là: Chúng tôi không còn công việc gì để ở lại, tôi và anh em cơ quan sẽ trở về Bộ Tư lệnh.

Chiến dịch Nam Lào diễn ra cách đây đã 32 năm (1971 - 2002) tôi kể lại những chuyện trên cứ hình dung như đang xảy ra, trong mỗi câu chuyện những con người làm việc cùng tôi hiện ra rõ mồn một.

Tôi ghi lại, hy vọng các bạn tôi có dịp đọc cũng sẽ vui sướng vì những giờ phút đẹp đẽ trong chiến dịch mình đã sống và cống hiến. Tuỳ ở mỗi người đọc có thể rút ra những nhận xét cho riêng mình.  Còn tôi, tôi viết những dòng này và liên hệ với cuộc đời mình đã chiến đấu trong hàng ngũ vũ trang của Đảng từ đầu năm 1945 đến ngày nghỉ hưu (1988) tôi luôn làm tốt mọi nhiệm vụ.

Tôi tự đánh giá cuộc đời mình bằng 4 câu thơ:

Nợ đời đã trả, sử sang trang,
Chinh chiến đường dài chẳng rẽ ngang
Tấm thân bảy thước nghiêng vai đỡ
Trọn gánh tang bồng với nước non.


7. 1. 2002
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #25 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2009, 10:24:11 am »

TỪ HƯƠNG SƯ TRỞ THÀNH VỊ TƯỚNG XE TĂNG
                 
Trung tá Nguyễn Đình Phượng


Cán bộ cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp.  Nhiều người gọi ông với cái tên trìu mến và trân trọng “Tướng xe tăng”. Riêng tôi những năm tháng ít ỏi được làm lính dưới quyền ông đã cảm nhận thêm về tài năng, phẩm chất đạo đức của một vị tướng “Bộ đội Cụ Hồ”. Ông chính là Thiếu tướng Đào Huy Vũ. 

Ông tuổi Giáp tý sinh ngày 13 - 1 0 - 1924 trong một gia đình nông dân thuộc xã Xuân Canh - Đông Anh - Hà Nội, sớm giác ngộ cách mạng, anh thanh niên Đào Huy Vũ tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào thanh niên cứu quốc ở địa phương.  Vì nhà nghèo, để có tiền nuôi sống mình và tiếp tục hoạt động cách mạng ông vừa làm thầy giáo trường làng vừa tranh thủ đi bán rượu nhà tự nấu. Trong một lần đi bán rượu kết hợp với vận động quần chúng, ông bị nhà đoan bắt. Cuối năm 1945, ông tạm biệt các học trò lên đường nhập ngũ. Sau đó ít lậu, ông có mặt trong đoàn quân Nam tiến, vào chiến đấu tại mặt trận Buôn Ma Thuộc.

Cũng như nhiều tướng lĩnh khác của quân đội ta. Tuổi trẻ của Đào Huy Vũ là những cuộc hành quân chiến đấu trên các chiến trường. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ông có mặt ở hầu hết các chiến dịch lớn: Hoà Bình, Quang Trung, Tây Bắc, Điện Biên Phủ, Thượng Lào... Dù ở vị trí người chiến sĩ hay cán bộ trung đội cho đến trung đoàn trưởng ông đều tận tuỵ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Hoà bình lập lại trên miền Bắc được ít lâu (8 - 1956), ông được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn cán bộ chiến sĩ sang Trung Quốc học tập về xe tăng. Tháng 10-1959, về nước ông được giao làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 202 xe tăng đầu tiên của quân đội ta.

Đào Huy Vũ là con người của hành động. Từ khi còn là trung đoàn trưởng của Trung đoàn xe tăng 202 cho đến khi làm Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp ông luôn toàn tâm toàn ý xây dựng đơn vị cùng với tập thể Đảng uỷ, chỉ huy lực lượng Tăng Thiết giáp đủ sức đánh thắng kẻ thù. Đầu năm 1967, sau khi được cấp trên thông báo chuẩn bị để đưa xe tăng vào chiến trường, lúc đó với cương vị Phó Tư lệnh Binh chủng ông đã đề xuất nhiều phương án có giá trị về nghệ thuật quân sự.

Ông trực tiếp dẫn đầu một nhóm cán bộ bí mật vào chiến trường nghiên cứu tình hình. Sau khi Thường vụ Đảng ủy Binh chủng quyết định phương án hành  quân bằng xích ông lại là người trực tiếp điều hành, chỉ huy toàn bộ cuộc hành quân. Sau chiến thắng trận đầu ở Làng Vây, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nhiều phương án về xây dựng lực lượng cũng như tác chiến của bộ đội Tăng - Thiết giáp.

Tháng 6- 1970, ông tham gia đoàn cán bộ sang chiến trường nước bạn Lào, kẻ thù đã cướp đi con mắt trái của ông kinh nghiệm trận mạc cùng với kiến thức học được ở nhà trường đã giúp ông có một nhãn quan luyện quân, dùng quân khá sắc sảo. Ông am hiểu sâu sắc về khoa học quân sự và là người có kinh nghiệm trong sử dụng bộ đội Tăng - Thiết giáp trên chiến trường. Có thể nói từ trận đầu ở Làng Vây cho đến việc sử dụng Tăng - Thiết giáp trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 đều có công lao đóng góp của ông.

Nhớ lại, khi đội hình cánh quân “Duyên Hải” chuẩn bị tiến công Phan Rang, ông đề nghị trực tiếp đi với Lữ đoàn 203. ông nêu ý kiến: “Đây là lần đầu sử dụng tập trung cả lữ đoàn lại vận dụng tác chiến theo hình thức “đánh trong hành tiến”, vì vậy sẽ có nhiều cái mới nảy sinh. . .” . Thường vụ Đảng uỷ Binh chủng thảo luận và nhất trí phương án Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp đi trong đội hình chiến đấu của lữ đoàn, phương án này đã được Trung tướng Lê Trọng Tấn, chỉ huy cánh quân “Duyên Hải” phê chuẩn.

Đào Huy Vũ là người say mê nghiên cứu khoa học quân sự. Học tập, nghiên cứu luôn là niềm say mê và hứng thú của ông. Vốn là một nhà giáo nên việc học của ông luôn có bài bản và theo đúng nguyên tắc chặt chẽ do mình tự đặt ra. Nhiều cán bộ sống gần gũi với ông kể lại rằng, lúc nào ông cũng mang theo sách bên mình để học. ông cũng là người quí trọng sách vở, các anh công tác ở Thư viện Binh nhung hồi đó kể lại rằng, ông nhớ hết vị trí từng cuốn sách nói về khoa học quân sự và Tăng - Thiết giáp đặt trên giá trong Thư viện. Mỗi lần ra nước ngoài công tác học tập ông đều bỏ tiền cá nhân mua sách mang về góp vào thư viện Binh chủng. 30 tập Từ điển Bách khoa quân sự (Liên Xô cũ) hiện có trong Thư viện Binh chủng Tăng - Thiết giáp chính là do công sức của ông.

Suốt cuộc đời làm “Bộ đội Cụ Hồ”, Đào Huy Vũ đã nêu một tấm gương tốt về “Cần kiệm, liêm chính”. Không may bị căn bệnh hiểm nghèo, ông đã từ trần ngày 11 - 12 - 1986 , để lại niềm tiếc thương cho đồng đội.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #26 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2009, 10:31:05 pm »

BÀI THƠ NĂM ẤY

Nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh,
Tổng thơ ký Hội Nhà văn Việt Nam,
Tổng biên tập báo Văn nghệ,
nguyên trợ lý Tuyên huấm Binh chủng.
 


Đó là những ngày của năm 1970 đầy sôi động. Địch chuẩn bị đánh ra đường 9 - Nam Lào. Bộ đội ta thuộc các quân binh chủng rầm rập kéo về cắm chốt ở những địa điểm được tính toán trước, chuẩn bị bước vào chiến dịch lớn.

Binh chủng Tăng - Thiết giáp lúc ấy tập trung một lực lượng khá lớn ở khu vực Nam - Bắc đường số 9 sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Bộ Tư lệnh Thiết giáp phân công các đồng khí Tư lệnh Nguyễn Thế Lâm, Phó tham mưu trưởng Lê Xuân Kiện, Chủ nhiệm chính trị Đào Văn Xuân, và một số cán bộ Trung đoàn, trợ lý các cơ quan tham gia chiến dịch để trực tiếp chỉ đạo và giúp đỡ đơn vị.

Đoàn 198 hành quân từ phía Nam ra, đóng quân ở phía Tây đường 9, Đoàn 297, tiếp theo đó là 397 đã tập kết ở phía Bắc đường 9. Trong các khu rừng le, rừng nứa, bộ đội ta ở tư thế sẵn sàng xuất kích - Một trận bão đang hình thành bí mật, sục sôi vô cùng khẩn trương nhưng kẻ thù không sao biết được.

Những chiếc OV10, L19 bay vo ve tối ngày, những máy bay AC130 ra lượn thâu đêm, cả những máy móc điện tử (cây nhiệt đới) được tung ra khắp rừng cũng đều tỏ ra mù và điếc trước cuộc chuẩn bị vô cùng bí mật của quân ta. 

Vào một buổi sớm cuối đông, tôi được phòng chính trị cử phụ trách một đội chiếu phim vào phục vụ chiến trường. Nhiệm vụ chính của tôi là vào thâm nhập chiến trường, viết báo đồng thời kiêm phụ trách đội trưởng đội chiếu phim và thuyết minh. Tôi nhớ một trong hai bộ phim chính chúng tôi mang đi phục vụ là phim: “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”, phim phản gián đầu tiên của ta, anh em rất thích.  Ngoài ra, chúng tôi còn “cõng thêm” rất nhiều sách báo và thư từ. Trước khi lên đường, chúng tôi còn kịp đến thăm gia đình một số đồng chí đang ở chiến trường, ghi âm lời thăm hỏi của gia đình và nhận quà Tết cho người ở phía trước.

Tôi chỉ kịp học “nghề thuyết minh” được 2 tiếng đồng hồ, do đồng chí Thưởng hướng dẫn, thế là lên đường. Mọi thứ sinh hoạt sẵn trên xe, chúng tôi đi mải miết, tới đâu nghỉ đấy, chẳng có cung trạm gì hết. Háo hức, sôi nổi, đường ra trận như một cuộc hò hẹn, ai cũng sợ mình là người đến chậm. 

Lúc đầu chúng tôi còn chiếu được một vài buổi ban đêm, sau địch cho máy trinh sát dữ quá, mọi buổi chiếu phải thực hiện vào ban ngày. Một chiếc hầm thùng dài trên chục mét, rộng chừng bốn, năm mét, đó là rạp chiếu bóng chiến trường của chúng tôi. Sau sáu bảy buổi chiếu phim, cổ tôi khản đặc, máy móc nóng bỏng . . . nhưng vẫn thấy vui, đặc biệt là nhìn các đồng chí chiến sĩ ngồi xem chen chúc trong hầm, cảm động lắm và thương lắm. 

Buổi tối các đơn vị tổ chức trang hoàng hầm xe, lấy sỏi trắng xếp thành khẩu hiệu trên hầm đất đỏ. Giấy màu do chúng tôi mang vào lập tức biến thành trăm loại hoa và các hoạ tiết trang trí của đơn vị thật thú vị khi được chứng kiến các buổi học hát trong các hầm xe tăng. .

Vào một buổi chiều, tôi xuống Đại đội 6 thuộc Tiểu đoàn 397 chuẩn bị cho cuộc bình thơ buổi tối. Rất sung sướng được gặp nhiều bạn cũ thuộc Trung đoàn 202 thân yêu của tôi. Tôi được đưa về dự bữa ăn chiều với trung đội của đồng chí Lê Đức Tuân. Đồng chí Lê Đức Tuân trước cùng tôi phục vụ tại Ban chính trị Trung đoàn 202. Tuân giữ thư viện còn tôi là giáo viên văn hoá, hai đứa thân nhau từ đó cùng trạc tuổi nhau lại là dân học trò trước khi nhập ngũ, nên dễ thông cảm.

Trên đường vào chiến trường, tôi cho xe dừng ở bến phà Chương Dương - Hà Nội, mua đầy mấy sọt cải bắp để làm quà, vì nhận thư ở chiến trường, ai cũng nói thèm rau xanh, vào tới đây tôi gửi cho Tuân mấy chiếc bắp cải, anh em quí lắm chia cho cả Trung đội, mỗi bữa nấu dè vài tàu lá nhỏ trong một chiếc nồi quân dụng đầy nước, rau xanh đã biến thành thuốc quí.

Buổi chiều tôi đến, Tuân vui sướng hiếu khách liền hô “Ai còn thịt hộp mang tất cả xuống đây. Lập tức 5 người trên chiếc xe tăng T34 của Tuân mang ra cho 5 hộp thịt. Tuân còn hái đâu được một nắm rau tàu bay nhưng nấu vụng quá, nhuyễn ra như hồ nhão, đơm ra bát không còn nhìn thấy lá rau nữa, chỉ thấy sền sệt mùi hăng hắc như thuốc bắc nhưng bữa cơm vẫn ngon.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #27 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2009, 10:33:43 pm »

Tôi ăn thong thả, vừa ăn vừa nhìn mọi người. Và tôi ngắm chiếc T34 nằm trong hầm, vươn chiếc nòng pháo ngạo ngễ qua đầu chúng tôi. Tôi nhớ đến hình ảnh sau lúc Tuân hô “ai côn thịt hộp mang tất cả xuống đây” cả 5 người nhảy phắt lên thành xe. Hình ảnh ấy đập mạnh vào tâm trí tôi. Một chiếc xe tăng mà có 5 người, chiếc xe tăng khi còn ở hậu phương nhìn ngắm mãi, quen thuộc rồi, nhưng sao vào đây nó uy nghiêm quá, oai vệ quá và thiêng liêng làm sao.

Suốt bửa ăn tôi nghĩ lan man những ý tưởng xuất hiện dồn dập, những hình ảnh cứ tới tấp bay đến. Mấy anh em ngồi ăn bữa cơm đạm bạc với mình đây, ngày mai sẽ làm ra bao điều sấm sét xuống đầu giặc, có người còn, có người mất. Cuộc đời chiến đấu còn dài làm sao đoán được mọi sự bất ngờ. Tôi nghĩ vậy, và tự đáy tâm hồn, lòng yêu thương kính trọng cứ trào lên không gìm lại được. Tôi buông đũa trước tiên, vội vã lục chiếc túi vải, lấy giấy ra ghi vội lấy cảm xúc của mình “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, câu mở đầu rất thật, cứ thế câu trên gọi câu dưới, đoạn trước mở đoạn sau, tôi làm xong bài thơ.

Vào chiến dịch tôi được phân công đi thâm nhập thực tế ở Đại đội 9 Đoàn 198 vừa chiến thắng giòn giã trên điểm cao 543. Đồng chí Thịnh và Tề đưa xe phim ra ngoài. Trên chiếc xe ấy có bản thảo của bài thơ “Trên một chiếc xe tăng” của tôi gửi ra cho đồng chí Lê Lộng trưởng ban Tuyên huấn của Binh chủng lúc ấy.

Khi chiến dịch kết thúc tôi được đọc lại bài thơ in trên báo Nhân dân với bút danh thứ hai của tôi là Vũ Hữu, và được biết cả hai anh là Doãn Nho và Huy Thục đều phổ nhạc bài thơ này. Bài của anh Doãn Nho gửi đến Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị trước nên được dựng trước.

Đó là kỷ niệm của tôi về chiến dịch đường 9 - Nam Lào.

                    Trên một chiếc xe tăng
                                                 
                                                    Hữu Thỉnh

                    Năm anh em trên một chiếc xe tăng
                    Như năm bông hoa xoè cùng một cội
                    Như năm ngón tay trên một bàn tay
                    Năm anh em chung một ngọn đèn.

                    Vào lính xe tăng anh trước, anh sau
                    Nết ăn, ở người thì lạnh, nóng
                    Khi đã hát hoà cùng một giọng
                    Một đứa đau tất cả quên ăn.

                    Năm anh em mỗi đứa một quê
                    Đã lên xe là cùng một hướng
                    Đã lên xe là chung khổ sướng
                    Trước quân thù nhất loạt xông lên.

                    Năm anh em mang năm cái tên
                    Đã lên xe không còn tên riêng nữa
                    Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa
                    Năm trái tim một nhịp đập dồn

                    Một con đường đất đỏ như son
                    Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng
                    Một ý chí bay ra đầu ngọn súng
                    Một niềm tin nghiến nát mọi quân thù.
                                                       
                                                          Mùa khô - 1970
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #28 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2009, 10:49:12 pm »

NHỚ MỘT LẦN ĐI TRINH SÁT

Đại tá, PGS Đinh Quang Tuệ,
Nhà giáo ưu tú, nguyên chủ nhiệm
khoa Tăng - Thiết giáp - Học viện Quốc phòng.
 


Trận đánh chiếm điểm cao 543 bắc Bản Đông ngày 25 - 2 - 1971 của Đại đội 9 , Tiểu đoàn 198, Trung đoàn 203 phối thuộc Trung đoàn Bộ binh 64, Sư đoàn 320 tiêu diệt sở chỉ huy và căn cứ hoả lực Lữ đoàn 3, Sư đoàn Dù là trận then chốt quan trọng của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào.

Đây là trận xe tăng ra quân đầu tiên trong chiến dịch - là kết quả của cuộc chạy đua quyết liệt giữa ta và địch để tạo thời cơ cho xe tăng tham chiến. Chiến dịch có ý định sử dụng xe tăng tham gia đánh địch ở điểm cao 500, làng Sen. . . nhưng không kịp.  Để sử dụng xe tăng tham chiến trên điểm cao 543 ta phải khổ công trinh sát và bảo đảm cho xe băng qua một đoạn rừng non; để giữ bí mật trước chiến đấu, công binh phải cưa 1/3 đến ½ cây phía đối diện mũi xe để khi được lệnh xe tăng xông lên húc đổ cây xung phong vào căn cứ địch. Đó là một kỳ công.

Trận 543 ta chiến thắng giòn giã và liên tiếp những ngày sau Đại đội 9, Tiểu đoàn 198 và Đại đội 7, Tiểu đoàn 297 đã tham gia đánh bại địch từ Bản Đông theo đường 1 6 lên phản kích, bẻ gãy hoàn toàn cánh quân tiến công bắc Đường 9 của chúng, tạo thuận lợi cho ta tiến hành đại phá Bản Đông và giành toàn thắng cho chiến dịch đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công chiến lược mang mật danh “Cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ nguỵ, hòng cắt đứt đường cơ động chiến lược của ta”.

Trận 543 không chỉ có ý nghĩa chiến thuật, chiến dịch là bẻ gãy thủ đoạn dùng máy bay lên thẳng đổ quân đánh chiếm các điểm cao trên các hướng tiến công kết hợp với quân bộ lấy tăng thiết giáp làm nòng cốt nhanh chóng tiến công theo đường 9 và đường 16 làm cho ta không kịp đối phó.  Trận 543 còn có ý nghĩa chiến lược là đã tiêu diệt thành phần lực lượng dự bị Tổng hành dinh của địch vì: Sư đoàn Dù là một trong hai sư đoàn cơ động chiến lược của chúng và lần đầu tiên trong chiến tranh tính tới thời điểm đó ta mới bắt sống được một đại tá địch là đại tá Nguyễn Văn Thọ lữ đoàn trưởng cùng toàn bộ ban tham mưu Lữ đoàn Dù 3. 

Đây là điều chắc nhiều người đã biết. Song điều mà ít ai biết việc trinh sát và bảo đảm cơ động cho xe trong trận này khó khăn phức tạp đến đâu? Sau khi tham gia trinh sát thực địa với chỉ huy binh chủng hợp thành, bộ phận cán bộ đi trinh sát cụ thể tìm đường, hướng cho xe tăng xung phong gặp trở ngại, nên trận đánh đã không thực hiện được kế hoạch như chiến dịch dự kiến. Tuy sau đó ta đã khấn trương tổ chức trinh sát và bảo đảm cơ động cho xe tăng chu đáo, nên CT9 đã phát huy được cao độ khả năng chiến đấu, góp phần quyết định thắng lợi trận đánh.

Là người trong cuộc, tới nay đã hơn 30 năm tôi vẫn nhớ như in và thầm tự hào về mình đã góp phần nhỏ bé vào chiến thắng trên, đặc biệt là có quyết định chính xác trong chuyến đi trinh sát ngày 21 - 2 - 1971.

Là trợ lý Tăng - Thiết giáp của Binh đoàn cơ động chiến lược mới được thành lập mang mật danh B70 - lực lượng chủ công của ta trong chiến dịch, tôi đã được tham gia làm tham mưu cho Tư lệnh Binh đoàn và chỉ huy các cấp sử dụng tăng thiết giáp trong một số trận đánh chính. Xin kể lại một số kỷ niệm sâu sắc :

Ngày 5 - 2 - 1971 được trực tiếp đề đạt với Tư lệnh Binh đoàn Cao Văn Khánh về việc cơ động lực lượng tăng thiết giáp Binh đoàn theo ý định sử dụng, được Tư lệnh giao nhiệm vụ trực tiếp đi gặp Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sỹ Nguyên báo cáo xin ưu tiên cho tăng thiết giáp cơ động trước để kịp thời cơ tác chiến. Tư lệnh Binh đoàn giao cho tôi nhiệm vụ phái viên đốc chiến, trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu cho Trung đoàn Bộ binh 64, Sư đoàn 320 được tăng cường lực lượng phương tiện (trong đó có Đại đội 9, Tiểu đoàn 198, Trung đoàn 203) tiến công tiêu diệt địch trên điểm cao 543 bắc Bản Đông trong ngày 23 - 2 - 1971 và trực tiếp giúp đỡ đơn vị sử dụng tăng có hiệu qu .

Ngày 18 đến 20 - 2 - 1971, tôi đã cùng chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 64, Sư đoàn 320 và chỉ huy các đơn vị phối thuộc chiến đấu đi trinh sát thực địa. Ngày 21 - 2 - 1971 , Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 64 Khuất Duy Tiến cử Trung đoàn phó Nguyễn Văn Ngọc trực tiếp theo dõi chỉ đạo giúp đỡ Tiểu đoàn 19S tổ chức trinh sát cụ thể thêm. Thành phần đi trinh sát lần này có đồng chí Đào Xuân Vĩnh, Tiểu đoàn phó và đồng chí Lê Cối, Chính trị viên Tiểu đoàn 198, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Đại đội trưởng Đại đội 9 cùng 1 trung đội trưởng, 3 trưởng xe và lái xe của CT9; đi cùng còn có đồng chí Nguyễn Văn Ngọc và tôi.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #29 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2009, 10:49:24 pm »

Trên đường đi trinh sát ngày hôm đó chúng tôi đã gặp địch từ phía Bảu Đông theo đường 16 tiến công lên phía Bắc. Địch đã chiếm được kho hậu cần chiến lược của ta ở Ta Năng cạnh đường 16, ta không thể vượt qua để tới mục tiêu trinh sát và cũng khó vòng tránh vì máy bay địch trực tiếp chi viện cho quân bộ lùng sục sát trên đầu cùng một mũi tiến công phía đông bắc đường 16 đang tới gần uy hiếp, chúng tôi buộc phải tạm ngừng đối phó.

Nhờ lợi dụng được hầm “barie” tại điểm cao cạnh đường của công binh bảo đảm cơ động trục đường 16, các cửa hầm có điều kiện quan sát rộng, có thể đánh địch được nhiều hướng, đặc biệt là cửa hầm đối diện hướng tiến công của địch theo đường 16.  Đoàn cán bộ trinh sát chúng tôi đã lợi dụng hầm này tổ chức chiến đấu chặn địch, chờ thời cơ tiếp tục tới mục tiêu trinh sát là điểm cao 543 ở phía Tây Nam kho Ta Năng.

Chiếm xong kho Ta Năng địch tiếp tục tiến công về phía Bắc. Cán bộ trung đoàn tiểu đoàn chúng tôi thay phiên nhau trực tiếp theo dõi chỉ huy từng cửa hầm chiến đấu. Chúng tôi quyết tâm cố thủ diệt địch, còn người còn trận địa, chờ địch tới thật gần mới đánh; tính toán từng viên đạn, từng quả lựu đạn sử dụng tiết kiệm, tính cả tới tình huống dành viên đạn cuối cùng cho mình không để địch bắt sống.

Do có quyết tâm chiến đấu chính xác lợi dụng được hầm barie biến thành trận địa phòng ngự và tinh thần chiến đấu kiên cường nên suốt từ 8 giờ 00 đến 15 giờ 30 ngày 21 - 2 - 1971 chúng tôi đã chịu đựng 5 lần bom đạn máy bay địch đánh gần sát và trên nóc hầm, chống cự được 6 lần xung phong của bộ binh địch.

Lần xung phong thứ 7 địch tới gần cửa hầm không thấy ta bắn trả, tên chỉ huy từ phía sau xông lên hò hét xung phong bắt sống đối phương, khi tới gần sát cửa hầm đối diện với trục đường bị viên đạn chính xác của Đại đội trưởng Đại đội 9 Nguyễn Đức Hiển găm vào mặt, ngã gục nên không một tên nào dám xông lên nửa. Địch đã dùng khói mù nguỵ trang và kéo xác tên sĩ quan này về sau.  Qua gần một ngày tiến công được không quân trực tiếp chi viện, địch đã không vượt nổi hầm barie - trận địa phòng ngự kiên cường của bộ phận trinh sát ta, chúng buộc phải lui quân.

Không gian trở lại yên tĩnh, cán bộ chiến sĩ phân đội kho Ta Năng từ trong núi ra gặp chúng tôi đề nghị giúp đỡ họ trở về kho, đề phòng địch phục kích cùng hợp sức chiến đấu. Đây là yêu cầu hợp lý, vì đường đi trinh sát của chúng tôi là đi qua kho, nhất là thời điểm này, có qua kho Ta Năng mới có thể nhanh chóng đến gần quan sát hướng xe tăng tiến lên xung phong đánh địch trên điểm cao 543 trước khi trời tối. Tình huống đòi hỏi phải lựa chọn là tiếp tục hành trình trinh sát hay dừng lại để tổ chức đợt trinh sát khác; anh em bàn bạc 2 ý kiến trên chưa ngã ngũ, đòi hỏi người chỉ huy phải đưa ra ý kiến quyết định: Tiến hay lui đúng, lựa chọn không phải dễ.

Cuối cùng chỉ huy phân đội tăng và chỉ huy binh chủng hợp thành đi cùng thống nhất đề nghị tôi cho ý kiến quyết định. Trong đời chiến sĩ, trải bao lần hạ quyết tâm chiến đấu, lần này là khó khăn nhất, phải đấu tranh tư tưởng nhiều. Rút lui trong chiến đấu thường là điều tối kỵ; thường ảnh hưởng tới danh dự, uy tín cá nhân. Trước sự tín nhiệm  uỷ thác đó, tôi đã suy nghĩa tính toán kỹ:

Thời gian tác chiến theo mệnh lệnh còn lại gần hai ngày đêm, ta có thể kịp tổ chức một cuộc trinh sát khác vẫn đảm bảo; còn nếu tiếp tục hành trình đi qua kho Ta Năng có thể đáp ứng được yêu cầu giúp đỡ của phân đội kho, lại nhất cử lưỡng tiện; trời tối có thể nghỉ lại kho thuận lợi, sớm hôm sau có thể nhanh chóng tới gần hướng dự kiến cho xe tăng cơ động tiến công địch trên điểm cao 543.

Tuy nhiên, địch có thể gài bộ phận nhỏ hoặc gài mìn sát hại ta khi vào kho. Trong tình huống ấy, bất kỳ thành viên nào trong đoàn trinh sát bị thương vong cũng sẽ ảnh hưởng tới trận đánh. Tôi xác định chọn phương án “lui quân tổ chức cuộc trinh sát khác”. Mọi người đồng tình với quyết định của tôi nhưng trưởng kho Ta Năng thiết tha đề nghị: Các đồng chí không vào kho thì dừng lại làm hậu thuẫn cho phân đội kho vào xong hãy lui quân. Tôi thấy hợp lý nên đồng ý. 

Đoàn cán bộ đi trinh sát của chúng tôi chiếm lĩnh địa hình có lợi bố trí sẵn sàng yểm trợ cho phân đội kho về cơ sở của mình. Song điều không may đã xảy ra: anh em vào kho vấp mìn địch thương vong đáng kể, chúng tôi chỉ có thể góp ý với anh em về phương án xử lý hậu quả này sao tránh bị thiệt hại thêm.  Chúng tôi thực hiện lui quân để tổ chức cuộc trinh sát khác.

Được chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 64, Sư đoàn 320 cử thêm trinh sát và công binh của trung đoàn đi cùng bộ phận cán bộ đi trinh sát của Tiểu đoàn 198 sau đó và đã thực hiện được đúng yêu cầu bảo đảm cơ động nên CT9 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trận đánh. Tôi luôn tâm đắc: mình nhờ được Đảng, quân đội giáo dục rèn luyện, được đồng chí đồng đội tin cậy uỷ thác và nhờ bản thân tự đấu tranh thắng sĩ diện cá nhân nên mới có được quyết định lui quân chính xác kể trên.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM