Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:29:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo vết xích xe tăng - Tập 1  (Đọc 67342 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #60 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 03:58:56 pm »

Đúng 2 giờ ngày 29-4- 1975 lực lượng đi trước  xuất kích đi đầu đội hình là đại đội bộ binh và Đại đội 3 Bộ binh cơ giới, trên đường tiến quân xe tăng và thiết giáp đã dùng hoả lực chi viện cho bộ binh diệt các toán nhỏ bảo an dân vệ, tiến đến gần quận lỵ Tân Uyên, địch dùng lực lượng phòng ngự mạnh ngăn chặn, Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc nhanh chóng chỉ huy 2 xe thiết giáp K63 lên trước được sự chi viện của xe tăng, dẫn 1 tiểu đoàn bộ binh chia thành nhiều mũi tiến công quận lỵ Tân Uyên. 

Hai xe K63 của Đại đội 3 đi đầu do tiểu đoàn trưởng bộ binh cơ giới Tô Văn Dần chỉ huy, các chiến sĩ xuống xe chiến đấu. Ngay từ phút đầu các chiến sĩ bộ binh cơ giới đã dùng B40, B41 diệt 5 hoả điểm của địch rồi cùng xe tăng nhanh chóng thọc sâu chi viện cho bộ binh tiến lên tiêu diệt toàn bộ quân địch ở quận lỵ Tân Uyên mở thông đường.

Cuộc chiến đấu đang phát triển thuận lợi thì đồng chí tiểu đoàn trưởng Tô Văn Dần bị thương, anh bí mật tự băng bó tiếp tục chỉ huy chiến đấu, nhưng sức đuối dần và anh - người chỉ huy tiểu đoàn bộ binh cơ giới vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Tân Uyên vừa được giải phóng.

Trên đường tiến quân lại gặp địch ở căn cứ Lái Thiêu (với 4 tiểu  đoàn) chống trả quyết liệt. Trung đoàn Bộ binh 27 tổ chức thành 3 mũi tiến công, Đại đội 3 Bộ binh cơ giới và xe tăng làm thành mũi nhọn trên các hướng tiến công. Trong trận chiến đấu này, Hoàng Thọ Mạc là người chỉ huy rất dũng cảm chủ động linh hoạt chỉ huy Đại đội 3 tiêu diệt nhiều địch, bảo toàn lực lượng, ít thương vong. 

Ta tiến về phía nam Chi khu Lái Thiêu, trinh sát phát hiện phía trước cầu Vĩnh Bình bắc qua sông Sài Gòn địch tổ chức phòng thủ mạnh: 2 bên cầu, có bộ binh, cơ xe tăng thiết giáp, có chướng ngại vật, mìn chống tăng và mìn chống bộ binh... Địch ngoan cố giữ cầu bằng bất cứ giá nào.

Đại đội 3 Bộ binh cơ giới lại được giao nhiệm vụ cùng Đại đội Bộ binh 10 dẫn đầu Trung đoàn 27 tạo thành mũi nhọn nhanh chóng tiêu diệt địch không để địch phá cầu Vĩnh Bình. 

Nhận thức tầm quan trọng của nhiệm vụ, đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc và cán bộ chiến sĩ Đại đội 3 quyết tâm chiếm và giữ cầu Vĩnh Bình bảo đảm cho chủ lực nhanh chóng tiến vào bắc Sài Gòn.  Hoàng Thọ Mạc nhanh chóng tổ chức đại cuội cùng bộ binh được sự chi viện của hoả lực xe tăng tiến thẳng về hướng cầu Vĩnh Bình, chiếc xe K63 đi đầu bị địch bắn hỏng, bộ binh bị chững lại.  Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc lợi dụng địa hình xe 454 của mình vượt lên phía trước. Chỉ huy cả đội hình chi viện cho nhau để tiến thẳng vào cụm cố thủ của địch ở đầu cầu.

Anh ra khỏi xe tập trung B40 - 41 cùng hoả lực bộ binh đến gần, bất ngờ nổ súng bắn cháy liên tục 3 xe M48 và diệt nhiều lính giữ cầu, buộc địch phải lùi từng bước chống trả yếu ớt và tổ chức giải mìn ngăn chặn.

Hoàng Thọ Mạc nhanh chóng hạ lệnh cho toàn bộ chiến sĩ thuộc đại đội của mình xuống xe bám sát địch, tiêu diệt bộ binh và xe tăng địch đang rút chạy trên cầu và chi viện cho công binh của Trung đoàn bộ binh 27 tháo gỡ mìn. Cầu đường thông đến đâu, Đại đội 3 bám chiếm ngay đến đó. 

Gặp hàng rào bằng thùng phuy xăng kết hợp dây kẽm gai và các tấm bê tông địch dựng lên để ngăn chặn cản đường. Đại đội 3 Bộ binh cơ giới tiến lên cùng xe tăng dùng hoả lực chi viện cho bộ binh nhanh chóng đánh chiếm, sau đó cho xe xông lên húc đổ và vượt qua chướng ngại vật đuổi đánh địch mở thông cầu.

Đang chỉ huy Đại đội 3 chiến đấu. Trong giờ phút quyết định mở thông cầu Vĩnh Bình thì đại dội trưởng Hoàng Thọ Mạc bị thương, tự băng bó kiên quyết tiếp tục chỉ huy đại đội chiến đấu đánh bật địch ra khỏi cầu. Nhưng bất ngờ một loạt pháo tầm xa của địch bắn trúng đội hình. Thấy một chiến sĩ mới chưa kịp nằm xuống, đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc đã lao tới nằm đè lên đồng đội cứu sống chiến sĩ. anh đã anh dũng hy sinh đúng lúc mở thông cầu Vĩnh Bình. Cả đội hình của Sư đoàn 320B dồn dập vượt cầu Vĩnh Bình tiến về Sài Gòn... giờ toàn thắng sắp điểm.

Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc đã được tuyên dương: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 12 tháng 9 năm 1975.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #61 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 04:16:59 pm »

THỜI GIAN KHÔNG LÃNG QUÊN

Đại tá Hà Tiến Tuân


Năm 1972, từ chiến trường Lào về, tôi nhận nhiệm vụ ở Ban Tác chiến Binh chủng thay anh Trần Doãn Kỷ. Đang giúp Bộ Tư lệnh theo dõi hoạt động xe tăng trên các chiến trường, khoảng tháng 9 tôi và anh Phạm Lạng được lệnh bàn giao công việc, nhận nhiệm vụ mới. Lúc đầu cũng không biết sẽ đi đâu sau được tập trung giao nhiệm vụ, mới biết được đi học tiếp ở Liên Xô.

Đoàn chúng tôi gồm 10 anh em, tất cả đã được học ở Liên Xô một lần, nhưng dở dang. Tâm tư lúc đó là ngỡ ngàng: Chiến tranh đang diễn ra quyết liệt, chiến trường lúc này cần cán bộ, mình lại đi học, mà học dài hạn tận bên Nga.

Anh Đào Văn Xuân, Phó chính uỷ Binh chủng đến giao nhiệm vụ, đại ý nói rõ chủ trương của Quân uỷ Trung ương là phải tích cực chuẩn bị mọi mặt, trong đó có việc đào tạo cán bộ, cho giai đoạn cuối của chiến tranh; Anh căn dặn là phải học cho tốt, giữ nghiêm kỷ luật, đặc biệt là đoàn kết quốc tế, sẵn sàng khi về sẽ góp phần với Binh chủng tham gia  những trận quyết chiến cuối cùng. 

Sau một thời gian chuẩn bị ở một làng nhỏ cách thị xã Lạng Sơn 5 km, chúng tôi ra ga Đồng Đăng vào buổi tối. Khung cảnh nhà ga thật yên lặng, bình tĩnh; khác hẳn cảnh ồn ào náo nhiệt của những lần đi trước đây ở ga Hà Nội. Mọi thủ tục được tiếng hành dưới ánh đèn bàn.

Người đi thì đông, người tiễn chỉ có một: anh Tâm, Hiệu trưởng trường Văn hóa Quân đội. Bắt tay mọi người, anh chỉ nói một câu: “Cố gắng học tập cho tốt nhé”.

Rời đất nước, lòng dạ bâng khuâng. Trên đường đi, thấy cảnh thanh bình, náo nhiệt của các thành phố, làng mạc ở Trung Quốc, Liên Xô, chạnh nghĩ đến đồng bào ở nhà, ngày đêm vất vả, vừa lo sản xuất, vừa chống trả địch bắn phá; nghĩ đến đồng đội ở chiến trường; tự nhủ kỳ này phải học cho ra học, quyết không để xảy ra vụ gì tai tiếng cho đoàn.

Ra đón chúng tôi ở ga, có đồng chí Đại tá Đơ-rai-zơ-đốp. Vừa gặp mặt, đồng chí đã vui vẻ nói: “Tưởng là ai, hoá ra toàn là người quen cũ cả”.  Không khí ban đầu thật hữu nghị. Khi được phổ biến chương trình học tập, qua bàn bạc thống nhất trong đoàn, chúng tôi đề nghị chỉ học 3 năm chính khoá, bỏ một năm dự khoá, vì vốn liếng tiếng Nga dù sao vẫn còn đủ để đi ngay vào chương trình chính.

Đồng chí Trung tướng, Phó Viện trưởng nói với tôi: “Đề nghị bỏ năm dự khoá của các đồng chí là rất tốt, có cơ sở ở trong nước, chiến tranh chưa kết thúc mà phải học lâu quá thì không lô-gíc lắm phải không?  Chúng tôi chấp nhận nguyện vọng của các đồng chí.  Tuy vậy, ban đầu là có khó khăn đấy, các đồng chí cần cố gắng.

Khi báo cáo lên Đại Sứ quán và Binh chủng, đề nghị này của chúng tôi được chấp thuận.  Chúng tôi bắt đầu năm học thứ nhất khá vất vả.  Do bỏ tiếng Nga khá lâu, nên phần lớn anh em tiếp thu giảng, đọc tài liệu chỉ hiểu được 30-40%. Cách giảng dạy của Học viện là giới thiệu bài của giáo viên chiếm rất ít thời gian, còn học viên phải tự nghiên cứu, đọc sách giáo khoa, chuẩn bị nội dung trả lời kiểm tra của thầy hoặc thảo luận ở lớp (xê-mi- na).

Đoàn chúng tôi gồm 4 anh đã học 1 - 2 năm ở Học viện (anh Thường, Định, Hai và tôi) 4 anh học ở trường tăng Tát-sơ-ken (Cương, Thọ, Lạng, Thểu) và 2 anh La, Trung vốn học ở trường Kỹ thuật ô-đét-xa.  Vì vậy trình độ không đồng đều, nhất là vốn tiếng Nga.

Chúng tôi khắc phục bằng cách học tập thể: Một số anh học khá, nhất là anh Lạng trình bày tóm tắt nội dung một số bài khó, tạo vốn cho anh em khác tự nghiên cứu thêm, còn việc chuẩn bị “xê-mi na” nhất là với môn Lịch sử nghệ thật quân sự... Địa lý quân sự... thì phải phân công mỗi người chuẩn bị một số vấn đề, trình bày cho Tổ để có cơ sở phát triển khi lên lớp.

Dần dần sang những năm tiếp sau, tình hình có khá hơn, mỗi người có thể tự lo lấy cho mình, ít dựa vào tập thể. Tuy vậy trình độ diễn đạt bằng tiếng Nga vẫn còn hạn chế, cách cú, ngữ pháp chưa thật chính xác, Nhưng các đồng chí giáo viên vốn quen dạy học viên nước ngoài, nên chỉ cần học viên nói đúng nội dung là được.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #62 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 04:17:41 pm »

Cường độ học tập hằng ngày rất cao. Thường chúng tôi học một mạch trong Học viện đến 8 giờ tối, sau đó về nhà tới 11 - 12 giờ đêm. Hồi đó, ngoài đoàn chúng tôi, còn có lớp đào tạo kỹ sư... gồm các anh Thụ, Mỹ, Tần, Lương... Đây là lớp cán bộ trẻ, có trình độ văn hoá và tiếng Nga tốt, học tập thuận lợi hơn chúng tôi, nhưng cũng miệt mài cần cù không kém.

Các giáo viên giảng dạy cho chúng tôi phần lớn là đã qua cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giúp đỡ chúng tôi rất tận tình. Tôi không thể nào quên giáo viên chủ nhiệm (phụ trách môn chiến thuật), Thiếu tướng Va-xi-hép, Anh hùng Liên Xô, ông rất nghiêm trong giảng dạy, nhưng lại tình cảm trong quan hệ đối xử; với kho kinh nghiệm chiến đấu của bản thân, ông truyền đạt cho chúng tôi nhiều dẫn chứng thực tế.

Tuy vậy Học viện cũng rất chú ý đến kinh nghiệm của ta; khi tổ chức hội nghị khoa học, anh Lạng được mời trình bày một số kinh nghiệm sử dụng xe tăng ở chiến trường Việt Nam. Bộ môn phòng không nêu kinh nghiệm sử dụng súng 12,7mm gắn lên xe tăng PT76 đế bắn máy bay bay thấp, bổ nhào, và lấy số lượng 12,7mm có trong đơn vị để tính hệ số tương quan lực lượng địch ta về phòng không.

Trong lần tập bài chiến thuật, có tình huống đơn vị ta bị B52 đánh phá, mức thiệt hại (ghi trong giáo án) nêu ra quá cao, chúng tôi góp ý với đồng chí đại tá giáo viên là qua kinh nghiệm thực tế ở Việt Nam thì nếu bị B52 đánh vào đội hình bộ binh đang cơ động, thương vong có thể nhiều nhưng nếu ở trong công sự thì không thể tới mức đó. Kiến nghị đó được đồng chí Thiếu tướng Trưởng khoa chấp nhận. 

Hồi đó, do cuộc kháng chiến chống Mỹ có tiếng vang lớn trên thế giới, chúng tôi cũng được thơm lây. Ra đường, trên tàu xe chúng tôi thường được người dân bắt chuyện, hỏi han về tình hình chiến sự và điều quan tâm nhất là bao giờ thì giành được thắng lợi? Cuối 1972, khi biết tin Mỹ dùng B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, gặp ai cũng hỏi thăm, nhất là các cô giáo tiếng Nga, các bà mẹ làm dịch vụ trong “ốp”, các tướng lĩnh, sĩ quan nghe tin ta bắn rơi khá nhiều máy bay B52, gặp chúng tôi đều bắt tay chúc mừng, giơ ngón tay cái tỏ ý hoan nghênh miệng nói: “Mơ-látxơ (cừ khôi).

Một đồng chí đại tá nói với tôi: “Chúng tôi được thông báo sơ bộ là các bạn anh ở nhà sử dụng tên lửa rất giỏi, hiệu xuất chiến đấu cao; kinh nghiệm đánh B52 của các anh sẽ giúp chúng tôi hoàn thiện thêm lực lượng phòng không”. 

Với các sĩ quan quân đội các nước bạn, chúng tôi giữ được mối quan hệ hữu nghị tất đẹp, chủ động giao tiếp, thái độ thân tình cởi mở và bao giờ cũng bày tỏ biết ơn đối với sự ủng hộ của nhân dân các nước anh em. Nhưng thân tình hơn cả là các đồng chí Cuba. Vì cùng ở chung một tầng, nên gặp gỡ nhau luôn, chuyện trò trao đổi thoải mái, không câu nệ điều gì.

Có một việc mà đến bây giờ tôi không thể quên: Đó là về các đồng chí sĩ quan Đông Đức, tháng nào cũng vậy đến ngày lĩnh lương, một chiếc bàn  được kê ngay ở hành lang của khu Hệ xã hội chủ nghĩa - Trên bàn đặt một miếng bìa cứng đề chữ:

“Giúp đỡ Việt Nam”. Các sĩ quan Đức lĩnh lương xong, từng người đến đưa khoản tiền ủng hộ của mình, đồng chí thu tiền ghi vào danh sách. Hình ảnh quen thuộc đó diễn ra đều đặn hàng tháng trong suốt 3 năm học. Tôi thường đến bắt tay và ngỏ lời cám ơn, câu đáp lại của bạn là “Có gì đâu, đây là nghĩa vụ của bọn mình.”.

Về quan hệ với các sĩ quan, học viên Liên Xô, có một câu chuyện cảm động: “Một hôm, có một đồng chí thiếu tá Nga gặp tôi, hỏi có phải trước đây tôi đã học ở trường tăng Ta-sơ-ken? Đồng chí tự giới thiệu là thời đó đồng chí cũng học ở trường trong biên chế C4. Lấy trong ví một bức ảnh, hỏi tôi có nhận ra ai không - Tôi lặng người khi nhận ra đó là ảnh đồng chí Trưng, cùng một trung đoàn với tôi ở đoàn học viên do anh Đào Văn Xuân làm trưởng đoàn. Về nước đồng chí Trưng vào chiến trường và hy sinh ở Thừa Thiên - Huế. Tôi kể lại trường hợp hy sinh của đồng chí Trưng cho đồng chí thiếu tá Nga. Anh xúc động buồn rầu nói: “Chúng tôi kết bạn với nhau, tấm ảnh này tôi giữ đã 10 năm nay, luôn mong có dịp gặp lại nhau, không ngờ...”.

Tình cảm của người Nga Xô viết là như thế đấy, đôn hậu, thuỷ chung với bạn bè.  Năm 1973, khi Hiệp định Pa ri được ký kết.  Đồng chí Lê Đức Thọ trên đường về nước, có ghé qua Mát-xcơ-va. Trong buổi nói chuyện với cán bộ Sứ quán và lưu học sinh ta, đồng chí kể qua về diễn biến đàm phán, và phân tích những nội dung chính của Hiệp nghị. Cuối buổi nói, đồng chí kể một mẩu đối thoại.với Hăng ri Kit-xinh-giơ: sau khi ký kết xong, Kitxinh-giơ nói:

- Tôi đề nghị ngài Cố vấn tạo điều kiện cho tôi sang thăm Việt Nam. Và lúc đó tôi sẽ xin đi vào đường mòn Hồ Chí Minh, để hiểu thêm về các Ngài, nhất là để tìm ra nguyên nhân tại sao xe tăng của quân đội Ngài vào đến tận miền Đông Nam Bộ mà chúng tôi không hay biết gì ?

- Chúng tôi sẵn sàng tiếp Ngài khi có dịp thăm đất nước chúng tôi. Việc đưa xe tăng vào sát Sài Gòn với chúng tôi không có gì là lạ. Đối với các Ngài, với bao nhiêu phương tiện trinh sát hiện đại, nào là máy bay, thám báo, “cây nhiệt đới... mà không phát hiện ra các đoàn xe tăng của chúng tôi vào chiến trường. Đó mới lạ!
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #63 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 04:18:20 pm »

Tôi ngồi nghe đoạn này, thấy sướng trong bụng. Sau trận Làng Vây (1968), lần lượt các đoàn xe tăng của ta đi vào Tây Nguyên (B3), Liên khu V(B5), miền Đông Nam Bộ tạo thế bố trí chiến lược mới, tăng khả năng đột kích cho các đơn vị chủ lực trên các chiền trường chính. Nhờ trình độ hành quân bí mật thật tuyệt vời nên khi xe tăng ta xuất hiện ở trận Lộc Ninh, địch mới biết là xe tăng đã vào đến Nam Bộ (B2)

Những tháng cuối năm học thứ 3, chúng tôi bước vào giai đoạn nước rút cuối cùng: Chuẩn bị bảo vệ luận án tốt nghiệp, và thi quốc gia, học tập rất căng, không có thời gian để nghe chương trình thời sự hàng tối. Một hôm đồng chí Thụ vào báo tin “Đài đưa tin ta giải phóng Buôn Ma Thuộc ở Tây Nguyên”. Ít ngày sau đó, tin chiến thắng được thông báo liên tiếp. Không khí trong đoàn Việt Nam và bê bạn náo nức hẳn lên. Các đồng chí Cuba sang hỏi tin tức liên tục, đề nghị treo một bản đồ Việt Nam ngay trong “ốp”, hàng ngày giải phóng đến đâu thì đánh dấu vào đó.

Đến ngày 30-4, tin ta đánh chiếm Sài Gòn được phát ra, làm sôi động cả Mat-xơ-va. Gặp ai cũng tươi cười, bắt tay chúc mừng. Có bà mẹ Nga nói với tôi: “Tin giải phóng Sài Gòn đến với chúng mày làm tao nhớ lại hồi đó khi tao nghe tin Béc-lin đã rơi vào tay Hồng quân”.

Các cuộc mít tinh được tổ chức ở khắp các cơ sở Trong Học viện chúng tôi, Ban lãnh đạo cũng tổ chức một cuộc “mít tinh long trọng”  (theo cách gọi của Bạn lúc đó) chào mừng chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam.

Đại diện Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tổ chức một cuộc họp để thông báo tình hình chiến thắng, nhưng chủ yếu là để bày tỏ lòng biết ơn bạn bè quốc tế đã giúp đỡ nhân dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung trong sự nghiệp giành độc lập thống nhất Tổ quốc. Rất đông khách đến dự, ngoài các bạn Xô viết còn có nhiều đoàn các nước khác.

Trong khi tôi đang trò chuyện với các sĩ quan Nga, đồng chí Đại sứ Cuba (ở Nga) đến chúc mừng. Với tiếng Nga khá thông thạo, đồng chí ca ngợi ta hết lời và nói thêm “Thắng được Mỹ, đánh chiếm được Sài Gòn là chuyện vĩ đại rồi, nhưng có điều thú vị kỳ lạ nữa là mới vào Sài Gòn ngày 30-4, mà ngay sáng 1-5 đã có cuộc mít tinh mừng ngày Quốc tế lao động với hàng vạn người tham gia, trong không khí tưng bừng, nhưng rất trật tự, an toàn”.

Tôi đáp lại: “Thực ra tuyệt đại bộ phận dân Sài Gòn tuy sống dưới chế độ Mỹ - nguỵ nhưng vẫn một lòng hướng về cách mạng và đã từ lâu mong muốn ngày được giải phóng”.

Nhưng rồi chúng tôi cũng phải tạm gác niềm vui chiến thắng, tập trung vào thi cử. Mười anh em đều bảo vệ tất nghiệp luận án và qua các buổi thi quốc gia trót lọt. Kết thúc khoá học, anh Phạm Lạng đoạt Huy chương Vàng, một số đồng chí đạt bằng đỏ, còn lại là khá. Anh Phạm Lạng học tập thật xuất sắc giáo viên Nga khen anh nói tiếng Nga không kém gì người Nga, viết bài tiếng Nga được cô giáo khen như một nhà báo Nga, rất thông minh, học tập siêng năng, cần cù.

Thành tích học tập đoàn chúng tôi có công sức giúp đỡ đáng kề của anh Lạng. Tên anh được khắc trên bảng danh dự bằng đá cẩn thạch đặt trong Phòng Truyền thống Học viện. Với thành tích này, anh góp phần mang vinh dự cho Quân đội và Binh chủng Thiết giáp Việt Nam. 

Tôi xin kể một chuyện khá lý thú với tôi trong đợt học ở Học viện. Đó là vào dịp thi Quốc gia, tôi vào thi môn “Chủ nghĩa Cộng sản khoa học”. Bất ngờ đồng chí Chủ tịch Uỷ ban thi quốc gia vào dự. Ông là Thượng tướng, Tổng Thanh tra quân đội Xô viết, sau 1975, ông sang Việt Nam làm cố vấn số 1, bên cạnh Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Sau khi trả lời đầy đủ các câu hỏi chính và phụ của ban giám khảo, tôi chuẩn bị ra phòng, thì đồng chí Thượng tướng gọi lại: Đồng chí thiếu tá, môn thi của đồng chí đã hoàn thành, tôi muốn hỏi đồng chí một số vấn đề.  Tôi nói rõ: một số câu hỏi ngoài phạm vi sát hạch, đồng chí hãy yên tâm.

- Tôi sẵn sàng, thưa đồng chí Thượng tướng.

- Ai lãnh đạo cách mạng ở Nam Việt Nam ?

- Đảng Lao động Việt Nam.

- Thế Đảng Nhân dân cách mạng là thế nào? 

- Chỉ là tên gọi khác của Đảng Lao động Việt nam, các đảng viên Đảng Nhân dân cách mạng và các Uỷ viên lãnh đạo Đảng Nhân dân cách mạng đều là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. 

- À, như vậy là chỉ có một Đảng thống nhất! Vậy ông Nguyễn Hữu Thọ là người như thế nào? 

- Một luật sư yêu nước. Theo tôi biết thì ông đã là đảng viên.

- Công việc thống nhất đất nước sẽ như thế nào? Liệu có lâu không ?

- Đồng chí Thượng tướng, kể từ 30-4 đất nước chúng tôi đã thống nhất hoàn toàn. Sau này chỉ còn lại những biện pháp hành chính và đối ngoại. 

- Đồng chí có thể nói công cuộc kiến thiết kinh tế ở miền Nam sẽ được tiến hành như thế nào ?

Đến đây, tôi lúng túng trả lời chung chung:

- Kinh tế Việt Nam rồi cũng sẽ đi vào qũy đạo của miền Bắc tiến lên xây dựng nền kinh tế quá độ, xã hội chủ nghĩa. ông gật gù nói:

- Không đơn giản thế đâu theo tôi thì miền Nam Việt Nam đã bước vào giai đoạn tiền tư bản xử lý vấn đề cần có biện pháp thích hợp.

Sau cùng ông chúc tôi hoàn thành thi quốc gia thành công và không quên cám ơn về buổi trao đổi bổ ích. Khi công tác ở Việt Nam, làm việc với anh Đào Huy Vũ, ông còn nhớ và có hỏi thăm về đoàn chúng tôi và riêng cá nhân tôi.

Tháng 6- 1975, chúng tôi rời đất nước của Lê-nin quê hương cách mạng Tháng 10. Đến tận bây giờ nghĩ về đất nước Xô viết, tôi không thể nào quên được những ngày ăn học ở Nga, được quân đội và nhân dân Xô viết nuôi dưỡng, rên luyện với bao tình cảm ấm áp, đầy tình nghĩa bạn bè quí mến nhau.  Tôi muốn gửi lời chân thành cảm ơn Nhân dân Xô viết, tuy chế độ Xô Viết không còn, nhưng dư âm Xô viết sẽ đi vào lịch sử không thể nào xoá được.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #64 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 04:32:28 pm »

LỮ ĐOÀN 215 TIẾN VÀO CHIẾN DỊCH

Đại tá Trần Ngọc Vân,
nguyên Lữ trưởng Lữ đoàn 215


Mùa xuân 1975, Lữ đoàn xe tăng 215, lực lượng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh đang đứng chân trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, được lệnh “Thần tốc” hành quân vào chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Theo mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Binh chủng, đoàn hành quân gồm 3 Tiểu đoàn xe tăng: Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 215, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn xe tăng 206, Quân khu 1. Tổng số 95 xe chiến đấu trong đó có 31 xe tăng PT-76 và 64 xe tăng T-54 và T-59. Các đơn vị phục vụ cho hành quân gồm 3 xe bảo đảm kỹ thuật, 2 xe téc chở dầu, 1 xe đại xa chở công binh tiền trạm, 1 xe bọc thép BRĐM - 2 xe làm xe chỉ huy và nhiều xe vận tải bảo đảm hậu cần kỹ thuật.

Ngày 15-3-1975, Tiểu đoàn 4 (xe tăng PT76) xuất phát, tiếp đến Tiểu đoàn tăng 315 và Tiểu đoàn tăng 1/206. Hành quân lấy tiểu đoàn làm đơn vị, tiểu đoàn nọ cách tiểu đoàn kia 1 ngày đêm. Để giữ được cơ động lực lượng vào chiến trường, chúng tôi đều tổ chức hành quân vào ban đêm. Kế hoạch hành quân đã được Bộ Tư lệnh Binh chủng phê duyệt. 

Ngay từ những ngày đầu xuất phát, tin chiến thắng của Trung đoàn tăng 273 giải phóng thị xã Buôn Ma Thuộc trong chiến dịch Tây Nguyên đã động viên thôi thúc chúng tôi mau xốc tới chiến trường. Các Tiểu đoàn xe tăng đêm đi ngày chuẩn bị kỹ thuật đã nâng dần tốc độ hành quân, vượt qua những cung chặng dự định, bảo đảm an toàn đến đích từng đêm hành quân.

Đường Trường Sơn năm 1975 đã tốt hơn nhiều so với mấy năm về trước. Việc bảo đảm xăng dầu cho xe tăng được các binh trạm trên đường Trường Sơn chuẩn bị chu đáo nên mỗi điểm tiếp dầu đều được cấp phát nhanh chóng không phải chờ đợi.  Suốt chặng đường hành quân từ Hà Tĩnh đến Bản Đông (đường 9 - Nam Lào) đoàn hành quân chúng tôi đã bảo đảm 100% đầu xe đến đúng vị trí an toàn. 

Khi chúng tôi vừa đến đường 9 lại được tin quân ta đã giải phóng Huế. Mọi cán bộ, chiến sĩ chúng tôi tràn ngập niềm vui sướng, càng nô nức chuẩn bị hành quân thật tốt để sẵn sàng nhận nhiệm vụ trên giao. Trước tình thế mới của chiến trường, ban chỉ huy hành quân chúng tôi bàn bạc cùng các Tiểu đoàn: “Phải tranh thủ điều kiện thuận lợi nâng cao tốc độ hành quân hơn nữa, để kịp đón thời cơ.

Thế là chúng tôi lại chuyển hành quân từ đêm sang hành quân vào buổi chiều và đêm, vừa đi vừa chuẩn bị, không nghỉ dài theo các cung đường như trước nữa. Hành quân trong khí thế hừng hực của chiến trường, lại được sự động viên và chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Tư lệnh Binh chủng ở hậu phương, mọi người chúng tôi quên cả mệt nhọc, càng đi càng khoẻ, càng đi càng nhanh, đến đâu dừng chân nghỉ ngắn là anh em miệt mài kiểm tra sửa chửa xe cộ, nguỵ trang chu đáo không để lộ vết tích, giữ gìn bí mật lực lượng của đơn vị.

Trong quá trình hành quân, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi được biết ta đã giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, thế thắng như chẻ tre. Khi vào binh trạm ngã ba biên giới để nhận xăng dầu thì được binh trạm truyền lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh là: “Hành quân thần tốc, nhanh chóng đến điểm đã định”.

Tâm trạng mọi người lúc này vô cùng sôi động đã thôi thúc chúng tôi bằng mọi cách phải đi mau tới nơi qui định đầy đủ an toàn và bí mật. Cuộc hội báo của ban chỉ huy hành quân diễn ra nhanh chóng để bàn thực hiện mệnh lệnh hành quân thần tốc, chỉ trong buổi chiều và đêm hôm đó đã được truyền đến mọi cán bộ chiến sĩ của 3 tiểu đoàn.

Thế là đoàn chúng tôi đã hoà nhập ngay với khí thế hào hùng ra trận trong niềm tin chiến thắng. Lúc này quân địch đang thất bại liên tiếp trên các hướng chiến lược, không còn đủ sức để dùng không quân, biệt kích ngăn chặn trên đường hành quân như trước nửa. Kế hoạch trên đường hành quân chúng tôi lại được bổ sung: hành quân cả ban ngày và ban đêm, mệt đâu nghỉ đó, đỡ mệt lại tiếp tục hành quân, nhiên liệu được chuẩn bị bổ sung cho từng đại đội trong quá trình cơ động mà không phải dừng lại vào các trạm để bổ sung, xe nào hỏng dừng lại sửa chữa và tiếp tục đuổi theo đội hình hành quân.

Khẩu hiệu thần tốc và thần tốc hơn lừa được chiến sĩ xe tăng vừa đi vừa hô vang, vừa đi vừa ca hát. Tất cả chung một ý chí: mau tiến về phía Nam, tiếng xích sắt của xe tăng làm rung động cả núi rừng Tây Nguyên. Đến sông Pô Cô đơn vị công binh bảo đảm cầu phao qua sông còn đang sửa chửa, chúng tôi cùng xe pháo của sư đoàn bộ binh 10 Tây Nguyên dừng lại bên bờ chờ đợi.

Đêm đó thật là thơ mộng của những ngày hoà bình ở vùng mới giải phóng và cũng vô vùng sôi động trong tâm trạng sắp vào trận đánh. Hai bên bờ cầu phao đèn đuốc sáng như sao sa, tiếng cười, tiếng reo hò chiến thắng ngân vang khắp núi rừng. Đoàn chúng tôi vượt sông xong, nhanh chóng dồn đội hành quân ngay hướng về nơi qui định với nhịp điệu thần tốc tràn ngập niềm vui giải phóng.

Thế là sau hơn 30 ngày đêm hành quân liên tục gần 1500 km đường Trường Sơn với khí thế hào hùng ra trận trên 90% lực lượng đã đến đầy đủ các vị trí tập kết chiến dịch đúng thời gian qui định đã tăng thêm sức mạnh đột kích của các binh đoàn, góp phần tích cực vào chiến thắng vang dội của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nhiều năm đã đi qua, nhưng những cán bộ chiến sĩ chúng tôi không thể nào quên được những kỷ niệm trong cuộc hành quân thần tốc trên đường Trường Sơn tiến vào chiến dịch Hồ Chí Minh.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #65 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 04:42:50 pm »

ĐỒNG TIỀN ĐẪM MÁU

Đại tá Trần Vĩnh Đại,
nguyên Đại đội phó Kỹ thuật,
Đại đội xe tăng 9, Tiểu đoàn 198.
 


Lâu quá rồi, đã trên 30 năm những cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn xe Tăng 198, những người đã tham gia trận chiến thắng làng Vây năm xưa (7-21968) chưa có dịp gặp lại nhau. Nhân đón xuân Nhâm Ngọ, ngày 2-2-2002 tức ngày 21 tháng Chạp năm Tân Ty), hơn 100 anh em mới có dịp gặp nhau, ở Hội trường UBND xã Thuỵ Hà, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình.

Thật là bồi hồi, xúc động, ôm chặt lấy nhau, ai nấy nước mắt rưng rưng.

Trong cuộc họp mặt thắm tình, nặng nghĩa ấy Thiếu tướng Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp Đoàn Sinh Hưởng xin phép được trao lại di vật của liệt sĩ Nguyễn Tiến Chén cho vợ liệt sĩ là chị Bềnh, nước mắt đầm đìa, hai tay run run đỡ lấy chiếc khay, vừa khóc vừa nói: “Đã mấy chục năm nay, tôi chỉ mong có một tấm hình, hay một di vật của chồng để thờ cúng, lưu lại cho con, cháu. Đến đây tôi cảm nhận được tình đồng đội, đồng chí nó quý làm sao, tôi xin gửi lại di vật này để ở Bảo tàng để chồng tôi mãi mãi ở với đồng đội của mình” Nói xong chị oà khóc…

Hầu hết chúng tôi không ai cầm được nước mắt, liếc nhìn, Đại tá nguyên Phó chính uỷ Binh chủng Đào Văn Xuân, tôi thấy bác tóc đã bạc trắng đang lấy khăn lau nước mắt, ngày anh Chén hy sinh, bác Xuân đang có mặt tại Tiểu đoàn 198.  Nhìn những giọt nước mắt cửa chị Bềnh, vợ liệt sĩ chúng tôi bồi hồi nhớ sau chiến thắng làng Vây, Tiểu đoàn 198 được lệnh ém quân tại chiến trường đường số 9. Đại đội 9 Tiểu đoàn 198 trú quân ở Ki-lô-mét 14,5 miền Tây.

Tiểu đoàn 198 được Tư lệnh Binh chủng chỉ định một ban chỉ huy trung đoàn nhẹ để trực tiếp chỉ huy và lãnh đạo đơn vị. Anh Nguyễn Văn Lãng-Trung đoàn phó Trung đoàn xe tăng 203 đảm nhận chức vụ chỉ huy trưởng. Tôi nguyên là Đại đội phó kỹ thuật của Đại đội 9, được rút về ở cơ quan của ban chỉ huy trung đoàn nhẹ và đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ cơ quan đó. Anh Nguyễn Tiến Chén là cơ công, có tài năng, một chiến sĩ quân đội dũng cảm trong chiến đấu, trong sinh hoạt ở đơn vị là con người hiền lành, sống giản dĩ và khiêm nhường. 

Tôi khó quên hình ảnh anh Chén trong trận đánh vào cứ điểm làng Vây. Anh được phân công đi trên xe của đại đội trưởng Ngô Xuân Nghiêm (nay anh Nghiêm là Đại tá đã nghỉ hưu và là người chủ chất tổ chức buổi họp mặt này). Nhiệm vụ anh Chén là kịp thời sửa chữa đài trên xe tăng, đảm bảo cho thông tin của đại đội trưởng thông suốt.

Quá trình chiến đấu xe của đại đội trưởng bị trúng đạn. Mảnh đạn của địch xuyên thủng vỏ thép và chẳng may mảnh đạn ấy lại xuyên qua một quả đạn xuyên thép đang ở trên giá đạn trong xe. Xe tăng bốc cháy và làm đứt đây điện hệ thống tự động chữa cháy của xe tăng. Anh Chén đã cùng số thành viên trong kíp xe tăng nhanh chóng dập tắt đám cháy rồi dùng bạt che nòng pháo quạt cho bớt khói, nối được điện và bật quạt cho thông gió, bớt khói và cùng đồng đội tiếp, tục sửa chữa đảm bảo cho xe tăng tiếp tục chiến đấu. 

Đến một đoạn xe tăng gặp chướng ngại vật, mặc dầu cả đội hình xe tăng chìm trong “mưa bom, bão đạn” của quân thù, nhưng anh đã vượt ra khỏi xe, ra hiệu cho xe tiếp tục vượt qua, đảm bảo cho đại đội trưởng nhiều thời gian chỉ huy toàn đại đội, gồm 11 xe tăng tiếp tục chiến đấu...

Anh Chén là con người mà cả đơn vị yêu mến, không những anh chỉ linh hoạt dũng cảm trong chiến đấu, mà trong khi trú quân ở chiến trường anh luôn hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì. Là cán bộ kỹ  thuật, nên tôi không bao giờ quên những ngày đơn vị giấu quân ở Trường Sơn. Thời gian mưa kéo dài, nên có đến trên dưới 80% số đài xe tăng cũng bị ẩm nên lệch tần. Anh cần mẫn tháo đài ra sấy và sửa chữa đảm bảo 100% số đài sẵn sàng chiến đấu. Có những đài hỏng nặng, lại không có sơ đồ mạch nên anh đã trèo đèo lội suối sang Đại đội xe tăng 3 để học thuộc sơ đồ rồi trở về vẽ lại và dạy cho anh em khác. :

Anh còn có những sáng kiến có giá trị như dùng dây điện thoại để nối các máy nói trong xe của các xe tăng trong đại đội với nhau, để các xe có thể liên lạc, không phải dùng mạng vô tuyến, để giữ bí mật nơi trú quân. Nghĩ đến trường hợp trước khi hy sinh của anh, mắt tôi nhoà đi, không thể viết tiếp...

Lần ấy Đại đội bắn được con nai, sống ở chiến trường khá thiếu thốn, phải chia nhau từng thìa muối để ăn dần và tiết kiệm, trong hoàn cảnh ấy mà lại có thịt nai thì thật là “đại tiệc”. Tôi nhận lệnh của anh Nguyễn Văn Lãng đi xuống Đại đội 9 để nhắc đơn vị chia cho các đơn vị bạn, phần còn lại của đơn vị dù ít cũng phải đảm bảo ăn dè trong vài ngày. 

Gặp tôi anh Chén nói: “Anh Đại ơi, tôi muốn được ăn thịt nai cho thoả nỗi thèm” nhưng đến lúc ăn tôi thấy anh ăn rất ít, ý để nhường cho những đồng chí khác. Anh Chén, người đồng chí của tôi là như vậy đấy. Viết đến đây, trước mắt tôi lại hiện lên hình ảnh anh Chén, ngồi ăn và đang gắp thức ăn, những hạt muối...

Tin đơn vị bị bom, anh Chén hy sinh, là Bí thư chi bộ, tôi được phái xuống để làm biên bản, bàn giao di vật liệt sĩ. Tôi xúc động tay run run khi mở túi áo ngực trái, nơi những hạt bom bi xuyên thủng trái tim anh, trong túi áo có để cuốn Điều lệ Đảng đẫm máu và rách bươm và ba đồng tiền anh để dành để đóng Đảng phí cũng đẫm máu...  Không hiểu làm sao, như “linh tính” mách bảo, tôi rất lo, thời gian chiến tranh này không biết các di vật kia có đảm bảo về được hậu phương không, đến tay người vợ của anh không.

Thế là tôi rút cuốn Điều lệ Đảng của tôi, thấm vào máu anh và đánh tráo cuốn điều lệ Đảng của anh, sờ túi, tôi chỉ còn một tờ tiền giấy nên chỉ đánh tráo được một đồng.  với hy vọng sau chiến tranh tôi sẽ cố tìm đến gia đình để trao lại di vật cho vợ con anh. Sau chiến tranh tôi không có điều kiện tìm được gia đình liệt sĩ Chén, người đồng chí thân yêu.  Đã trên 30 năm tôi vẫn để trên bàn thờ nhà mình những di vật ấy, vẫn thắp hương cho anh. 

Khoảng năm 1998, tôi bị nhiều cơn huyết áp cao, sợ mình có thể đột ngột ra đi, di vật của Đồng Đội có thể bị thất lạc, nên tôi đã báo cáo với Bộ Tư lệnh Binh chủng và bàn giao “di vật vô giá” ấy cho Bảo tàng Binh chủng...

May sao nhân dịp tổ chức cuộc gặp mặt các cựu chiến binh tăng thiết giáp của Tiểu đoàn 198, sau 34 năm (2 - 2 - 2002) tôi đi lần mò các gia đình, tìm đến nhà các đồng đội thuộc tỉnh Nam Định tôi gặp đồng chí y sĩ của đơn vị đã khâm liệm cho anh Chén, tôi mới biết địa chỉ của vợ anh Chén: Thôn Đốc Tín, xã Đốc Tín, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Tôi lại đến Hà Tây tìm gặp gia đình và mời chị Bềnh đến dự buổi họp mặt.

Thế là tôi đã đạt được nguyện vọng đưa di vật về cho gia đình liệt sĩ (còn các di vật bàn giao ngày ấy đã thất lạc).

Viết bài này, tôi coi như thắp cho anh Chén và đồng đội tôi đã hy sinh trong chiến đấu “ba nén tâm nhang”.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #66 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 05:17:01 pm »

NHẬT KÝ LẦN THỨ NHẤT
VÀO CHIẾN TRƯỜNG B5

Đại tá Hồ Hùng Thái,
Nguyên Cán bộ trong Chỉ huy
Tiểu đoàn 198 hành quân vào chiến trường.


Ngày 1- 10- 1967. Em Phương yêu! 

“Vinh dự biết mấy, khi anh biết cầm khẩu súng trường nhè vào đầu bọn xâm lược mà bắn, thì lúc này vinh quang biết bao, anh và các đồng chí của anh chỉ huy đoàn xe bọc thép vượt đồi, băng suối, bơi qua sông, xông ra mặt trận dùng xích sắt nghiến nát quân thù, dùng pháo bắn tan hầm ngầm, ụ pháo, bắn cháy xe tăng, xe bọc thép của địch, dùng súng 12,7 ly bắn rơi máy bay bay thấp, vượt hàng rào phá tan đồn thù. Người chiến sĩ ấy một khi hiểu được lý tưởng cao đẹp. Không có gì quí hơn độc lập tự do, thì họ sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng đó phải không em?  Đêm đoàn xe đã đi được 60 km dừng lại nghỉ tại xóm Kạn, xã Tân Phong, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình. Ở dây nông thôn trồng chanh, cam đang mùa thu hoạch.

Đêm 2 - 10 đã đi được 52 km nghỉ ở xóm Bùi. Ở đây những người dân tộc thiểu số tỉnh Hoà Bình đang đi làm thuỷ lợi và thu hoạch lúa sớm. 

Đêm 3 - 10 đã đi được 60 km nghỉ lại ở thôn Giác, xã Mai Sơn, huyện Ngọc Lạc. Tại nông trường Cửu Long, những cây cao su bạt ngàn tươi tốt, đã bắt đầu thu hoạch. Một xã mà con số nghỉ hưu 150 người, đang nuôi tằm bằng lá sắn, các nam nữ thanh niên đang về đây học tập.

Đã qua 3 chặng hành quân ngày và đêm 4-10 anh nghỉ lại đây.

Đêm 5-10, ngày thành lập Binh chủng đi được 60 km nghỉ tại thôn Yên Thắng, xã Yên Lệ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Ở đây lòng dân đã động viên người chiến sĩ. Họ sẵn sàng cung cấp các vật liệu để cho xe qua khi gặp sa lầy cần cứu kéo.  Cả 5 đêm nay anh không thể nào quên được những bàn tay của chiến sĩ bộ binh mỗi khi gặp nhau lại đưa tay lên xe nắm chặt bàn tay của người chiến sĩ Tăng - Thiết giáp, động viên nhau ra tiền tuyến giết giặc lập công.

Đường còn dài anh còn phải tiếp tục đi cùng những khối thép thân yêu trong các đêm trăng, lấy ánh sáng của trăng làm ngày. Chắc những đêm này cu Vĩnh nhớ bố nó lắm.

Đêm 6- 10 anh đã đi 49 km nghỉ tại làng Xanh, xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An (nông trường 19/5). Những người con gái xứ Nghệ bắt đầu ni, mô để quen thuộc. Nói đùa anh đít dầu, đầu mỡ: Họ mua những cân cam, những lít mật ong của nông trường, cơ sở kinh tế quốc doanh. 

Đêm 7-10 đi được 63 km, nghỉ tại hợp tác xã Thống Nhất, xã Minh Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An cạnh các cô gái công trường họ sẵn sàng gánh cho người chiến sĩ xe tăng những gánh nước đượm tình quân dân với anh bộ đội chủ lực. Cùng tranh nhau tắm rửa nước suối trong lành. 

Đêm 8-10 đi được 65 km nghỉ lại ở Trại Trưa, Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An. Quê hương của Xô viết Nghệ Tĩnh. Mảnh đất đã ghi lại những trang sử hiển hách của dân tộc, đã làm cho bọn đế quốc Pháp phải suy nghĩ. Báo hiệu cho tất cả các bọn đế quốc: Một dân tộc quyết giành độc lập tự do không phịu làm nô lệ, đã đoàn kết một lòng thì các mưu mô quỉ quyệt của bọn đế quốc không tài nào bắt họ làm nô lệ lần nữa.

Và cứ thế anh đi tiếp. Một ngày giời mưa tại Km 8,5 Binh trạm 14 Bố Trạch, Quảng Bình, anh tập làm thơ:

                  Khe Tà Lang, Khe Rinh
                  Hai con khe trên đất Quảng Bình
                  Chiều nay xe tôi qua
                  Hai con khe đã nhuộm màu máu đỏ
                  Bom đạn Mỹ phá nổ
                  Phá đường ngầm thẳng thành cong
                  Đồi xanh thành trọc.
                  Ruộng phẳng nổi cồn,
                  Cây cối trụi đen,
                  Chim muông lặng ngưng hót
                  Nhưng vang tiếng người chiến sĩ giao liên
                  Xe đoàn mô đó? 
                  Có bao nhiêu xe?
                  Xe đoàn 198!
                  Quê hương các cô ở đâu ?
                  Chưa kịp nghe trả lời
                  Thì một giọng lanh lảnh.
                  Xe các anh đi đường ni
                  Miệng nhoẻn nụ cười
                  Tay cách tay một quãng.
                  Tiếng xe gầm…


Ngày 3-11-1967 anh ở nhà tổng kết lại tình hình hành quân cung 3 và chuẩn bị ngày mai đi dự sơ kết Đại đội tăng 9.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #67 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 05:17:44 pm »

Đang suy nghĩ như vậy thì anh Lê Quang Phước, Phó Chính uỷ Trung đoàn 203 đến rủ đi lên Km 14,5 họp, thực tình anh cũng chưa muốn đi, vì ngại xếp chăn màn tăng bạt. Nhưng nếu đi một mình lại buồn nên thu xếp đi cùng anh Phước. 15 giờ xuất phát. Ra đường hai anh em vừa đi vừa trao đổi những gương anh dũng của các nữ đồng chí thanh niên xung phong, tinh thần hăng hái vô tư của họ, thương họ vì sốt rét mà da xám mét. 

Đến km 14,5 khoảng 17 giờ thì một tốp máy bay F4H bắn vào đoàn Ô tô ta cháy một chiếc. Anh và anh Phước đang đi nghe tiếng rú cả hai cùng nằm xuống cạnh đường, thì nghe tiếng súng báo tắc đường các chị em thanh niên xung phong đã sẵn sàng ra mặt đường làm nhiệm vụ. Chỉ khoảng 30 phút sau thì đã nghe hai tiếng súng nổ báo thông đường và trở về lán chị em hò hát, thi nhau nô đùa. 

Họ hò những câu: “Tiếng ai lanh lảnh chuông đồng, phải chăng là tiếng người chồng của em” một thanh niên trong đoàn vận tải Ô tô hò lại: “Tiếng anh lanh lảnh chuông đồng, tiếng này chính thực tiếng chồng của em”. Anh và anh Phước đang nói về cái tuổi yêu đời của họ trong lửa đạn thì cậu Côi chạy đến báo:

- Trung đội 2, Đại đội tăng 9 bị bom, đồng chí Diện hy sinh; đồng chí Chuẩn; đồng chí Đổng bị thương. Hai anh em lặng người suy nghĩ. Thương anh em lại tự trách mình chọn vị trí trú quân chưa thật chu đáo để xảy ra việc đáng tiếc này.

15-11. Đêm 14 âm lịch trăng sáng. Trời mưa, khí hậu hơi lạnh của cảnh núi rừng mùa đông trên đất Quảng Bình. Tổ ba người gồm anh, anh Tuấn, anh Phước đi theo đoàn lại gặp nhau trao đổi, kiểm điểm với nhau về tâm tư trách nhiệm, giúp nhau về tác phong, thái độ Động viên nhau làm tốt nhiệm vụ mà Đảng uỷ đã giao cho.

Đại đội 9 Tiểu đoàn 198 lần đầu va chạm với cái sống cái chết, với sự thương vong làm cho họ suy nghĩ: Sợ bom, sợ mìn lá, sợ tiếng chim lợn kêu trong rừng. Song họ cũng lớn lên trong lửa đạn, lại cùng nhau luyện tập để liên hoan với Binh trạm.  Yêu cầu về văn hoá, một tác dụng lớn của công tác tuyên truyền cho lớp người trẻ. Nó dẫn dắt họ làm cho họ tăng thêm sĩ khí, tự hào với Binh chủng của mình.

Mười ba giờ ba mươi phút với quân phục mới, tóc cắt ngắn, trang điểm lại con người cùng các đồng chí trong đoàn văn nghệ của Binh trạm liên hoan chúc mừng nhau những thành tựu đã đạt được trong mấy năm làm con đường 20 này. Cô Bích Mậu ngâm bài thơ Aki, hát bài hò Huế về giao thông vận tải. Xe đồng chí Thành trình diễn lại “Vở chèo xe ta”, gây khí thế chung cho những con người đang lao động trên con đường 20 và các khách hành quân qua con đường 20 này.

17 giờ 30 phút điệu múa quạt xong cũng là tiết mục cuối cùng của buổi liên hoan ban ngày. Đồng chí Nguyễn Bá Hồng, đội phó, lên phát biểu lời cảm ơn. Đồng chí Lê Quang Phước lên bắt tay các diễn viên của hai đoàn, còn anh là một thành viên tích cực vỗ tay động viên sự thành công của buổi liên hoan.

Mỗi người cùng mừng thành công bằng tràng vỗ tay dài nói lên lời hứa hẹn gặp nhau trong những buổi hên hoan to lớn hơn, đàng hoàng hơn. Ghi cho nhau những dòng kỷ niệm, chụp chung với nhau những tấm ảnh để nhớ nhau trên chặng đường gian lao để có ngày thắng lợi hoàn toàn lại gặp nhau. 

Tính đến hôm nay đã được gần 1 tháng. Những khối thép đã được chuyển bánh trong ban ngày sương mù dày đặc, vượt dốc ba thang, nơi đã có câu ca: “Máu đổ ba thang muôn ngàn thắng lợi”, vượt cao điểm 38 nơi mà máy bay B52 của Mỹ thả bom lấp hàng trung đội công binh của ta ngày 3 - 8 - 1966.

18 giờ Đại đội 9 đã vượt các cao điểm Aki, Cà rùng, 49, mỗi nơi đều có một chuyện lịch sử, đều có những gương anh hùng nhưng chỉ còn đồi trọc nhấp nhô do bom đạn Mỹ đã đổ xuống đây một mét vuông là một tấn sắt thép, mỗi cao điểm là có những bài thơ tuyệt diệu do lao động và chiến đấu mà con người sáng tác nên.

22 giờ - đoàn xe đã đến ba-ri-e biên giới Lào - Việt, tạm dừng lại đây trong đêm trăng rằm sáng tỏ.  Trăng rằm trên đất nước bạn sao quá sáng, làm cho anh nhớ thêm những ngày tham gia chiến dịch Sầm Nưa, đánh địch trước khi nổ súng chiến dịch Điện Biên Phủ tính đến nay đã 13 năm, Anh lại cùng chiếc xe tăng thân yêu của lục quân chạy nhanh trên mảnh đất Trung Lào.

Tại đây anh đã gặp đồng chí Lê Đăng Dần, trước là Chính uỷ Trung đoàn 36 nay là Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 308, đồng chí Duy Sơn trước đây là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 79 nay là Tham mưu trưởng Sư đoàn 304 và rất nhiều bạn quen khác.như Thế Hùng, Ngọc Trác (chính uỷ Trung đoàn 66) cùng trên đường ra mặt trận tiêu diệt quân thù để giành lại độc lập tự do thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc Trong trao đổi câu chuyện tâm tư tình cảm lại nhớ đến cu Vĩnh, đứa con đầu lòng không biết hiện nay nó đã biết làm gì rồi? Vì khi đi nó còn quá bé, nhưng anh đã hẹn với nó, ngày hết Mỹ nguỵ cha con gặp nhau.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Bảy, 2009, 05:48:55 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #68 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 05:50:53 pm »

23 giờ 5 phút, đoàn xe dừng lại Km 72 để chuẩn bị cho xe vượt qua cua chữ A và đèo Pu La Nhích. Sau khi vượt qua anh làm thơ Cua chữ A:
 
Không phải A thường, A hoa mà là Hoa Rông tích
Của ngày xưa viết tập lớp nhất thời Tây
Em hình dung được phức tạp hay không
Để anh kể mắt thấy tai nghe và lòng suy nghĩ
Trong đánh Pháp Khâu Vát 1, Fa Đin 2 anh vượt
Trong củi than Thượng đọt đá nện 3 em trèo
Đèo cao thác nước đá tái mèo
Gió lùa thối mạnh rào rào rừng cây
Chim vỗ cánh không người giương cung 
Thú vồ mồi làm anh rợn gáy 
Nhưng ở đây mắt anh trông thấy
Cua chừ A khúc khuỷu đá đanh.. ? 
Bên vực sâu, bên vách đứng chênh vênh
Trời trăng sáng mắt anh trông thăm thẳm
Đất lô nhô màu đỏ màu đen ,
2 giờ máy nổ xe bon ,
Ì ì số 1 tâm hồn lâng lâng.


Tại rừng Trung Lào Sa va Na Khét. Gần hai tháng hành quân anh đi qua bao nhiêu chặng, bao nhiêu cung trên các trục đường 6, 12A, 15, 30, 8, 20, 12B. Hầu hết là những con đường chiến lược mới mở dọc dải Trường Sơn trùng điệp, men theo các triền núi, vượt qua bao đèo dốc, sông rộng nước chảy xiết như sông Lam, sông Mã, sông Cả, sông Linh Cảm. 

Khi vượt sông Linh Cảm anh ghi lại một kỷ niệm không thể nào quên. Đó là cũng là đêm trăng sáng, xe tăng - thiết giáp không được vượt (bơi) theo bến phà của Ô tô mà phải vượt qua trên một đoạn sông là công binh của Đoàn 559 đã chuẩn bị bến lên bằng một khung gỗ rộng hơn thân xe là 1m. Dòng sông chỉ rộng khoảng ba thân xe. Xe xuống theo bến gỗ chuẩn bị là được còn xe lên theo bến gỗ thì không tài nào lên được, vì nước chảy làm thân xe không tài nào thẳng như họ tưởng.

Anh và anh Ngô Xuân Nghiêm (đại đội trưởng đại đội Tăng - Thiết giáp) làm đủ phương cách, dùng sào chống, dùng dây tời kéo cho đầu xe vào khung gỗ mà đầu xe không sao vào thẳng được. Kéo, chống mãi gần ba, bốn giờ đồng hồ. Trời sắp sáng đành phải cho xe Đại đội 9 bơi xuôi dòng đến bến lên xuống của Ô tô quay lại khu vực giấu quân để hôm sau bơi qua theo bến phà của Ô tô em ạ!

Lại hành quân vào mùa mưa lũ, đường mới làm độ sạt lở nhiều, các trục đường đều bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Gian khổ khó khăn là vậy, nhưng hôm nay 21 tháng 12 năm 1967 đoàn xe ra mặt trận đã vào khu tập kết cuối cùng. Đại đội tăng 9 ở Ha Xinh Ta Xinh phía nam đường 9- Đại đội xe tăng 3 ở Nậm Khang trên trục đường 9.  Như vậy là từ đây anh cùng Đại đội 9 chuẩn bị cho trận đánh lớn của chiến dịch Khe Sanh, Mậu Thân 1968.

Ngày 24 tháng 11 các anh Quang, Giang đi nhận nhiệm vụ ở mặt trận. Đại đội 3 và Đại đội 9 chuẩn bị mọi mặt về kỹ thuật. Cán bộ đi nghiên cứu chuẩn bị chiến trường khu vực phía Tây đường 9 gồm các cứ điểm Chuội San, Làng Vây, quận ly Hướng Hoá.

Ngày 21 tháng 12 năm 1967 các anh Giang, Phước (Nguyễn Văn Phước)... của Đoàn 198 cùng cán bộ Tiểu đoàn đặc công của Trung đoàn bộ binh 9, Sư đoàn 304 lên đài quan sát của bộ binh, do chủ quan không bố trí trinh sát chu đáo trước nên bị tụi biệt kích chúng phục kích bắn vào đội hình quan sát làm cho đồng chí Tô Cầm, tiểu đoàn phó đặc công hy sinh; đồng chí Ngọc, Tham mưu trưởng Trung đoàn bộ binh 9 hy sinh; đồng chí Phan, trung đoàn trưởng Trung đoàn bộ binh 9 bị cụt chân còn cán bộ của Đoàn 198 đi sau như anh Dương Đằng Giang, Tham mưu phó, anh Lãng Trung đoàn phó rút lui kịp an toàn.

13 tháng 1 năm 1968, Bộ Tư lệnh B5 chính thức giao nhiệm vụ cho xe tăng.

- Bước một: Tiêu diệt Chuội San, Làng Vây, Hướng Hoá. Trước mắt đơn vị xe tăng cùng bộ binh chuẩn bị kỹ cứ điểm Chuội San, Làng Vây, khi có lệnh chính thức là tham gia chiến đấu được ngay. 


____________________
1. Đèo Khâu Vát trong chiến dịch Nghĩa Lộ.
2. Đèo Pha Đin trong chiến dịch Điện Biên Phủ
3.  Lúc ở nhà đi hái củi, đốt than ở núi Thượng đọt đá nện
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #69 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2009, 05:53:30 pm »

Làng Vây được đặt bí danh là A2, trong chiến dịch Khe Sanh là một cứ điểm mạnh do một tiểu đoàn biệt kích nguỵ chiếm đóng và có cố vấn Mỹ.

A1 trong hệ thống phòng thủ đường 9.

Đêm 21 tháng 1 năm 1968 ta giải phóng thị trấn Hướng Hoá.

8 giờ ngày 24 tháng 1 năm 1968 ta giải phóng Tà Mây có xe tăng của Đại đội 3 tham gia.  9 giờ ngày 6 tháng 1 năm 1968 được các anh Lãng, Giang, Phước giao nhiệm vụ đưa đồng chí Hải đi trinh sát, cũng lên đài quan sát hôm trước để quan sát toàn bộ khu vực tác chiến Làng Vây. 

11 giờ 30 phút ngày 8 tháng 1 năm 1968 anh cùng đồng chí Hải, Mạn, Chức đến đơn vị đặc công để gặp đồng chí Thinh, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bộ binh 1 và một số các đồng chí khác trong đó có đồng chí Sinh xã đội trưởng xã đội Thuận đi trinh sát cứ điểm 320 và 230. ở đài quan sát đã xác định được vị trí của 320 và 230 con sông chảy vào Làng Trài và toàn bộ cứ điểm 320, 230.

Hình dung được bố trí đội hình tiến công trên hướng đường 9 còn quan sát phát hiện được trên cứ điểm tiền tiêu của địch có đường Ô tô đi từ đường 9 chạy lên và chạy vào 320. Sau đó cùng anh Hai đến gặp anh Hoà đen của Sư đoàn 340 báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ trên hướng tây (đường 9).

Ngày 24 tháng 1 năm 1968 anh được anh Lê Quang Phước, Phó Chính uỷ Trung đoàn 203 đi cùng đoàn và anh Lãng giao cho cùng đồng chí Nguyễn Bá Hồng đơn vị phó của Đoàn 1 98 trực tiếp chỉ huy Đại đội 9 trên hướng Nam.

Gặp anh Tham mưu phó Sư 325 và anh Hồ Bá Thi, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 2 Sư đoàn 325 báo cáo tình hình và nhận kế hoạch cùng Đại đội 9, Đại đội bộ binh 7, hai đại đội đặc công của Bộ đi trinh sát đoạn làng Troài vào vị trí xuất phát xung phong.

Ở đây các đồng chí cán bộ đặc công đã nắm chắc địa hình khu vực dẫn bộ phận anh Nghiêm và các trung đội trưởng xác định đoạn đường từ làng Troài theo đường Ô tô đi lấy cát của địch về xây cứ điểm Làng Vây rất thuận lợi cho việc lên tuyến xung phong. Đội hình của xe triển khai bắn để chi viện cho công binh mở cửa mở.

Thống nhất vị trí mở cửa với công binh các anh được các đồng chí trinh sát đưa đi cùng anh Hồ Bá Thi vào vị trí chỉ huy cách hàng rào ngoài cùng của địch khoảng 100m. Vị trí của anh cách vị trí của anh Hồ Bá Thi 50m, tiện cho việc trao đổi tình hình xử trí các tình huống giữa xe tăng và bộ binh trên hướng tiến công chủ yếu.

Đi trinh sát đoạn này gặp rất nhiều khó khăn. Trong điều kiện đêm trăng sáng, lần thứ nhất ta vào lúc 12 giờ đêm bị địch phát hiện dùng đại liên bắn ta không thực hiện được, đoàn phải rút ra. Lần thứ hai vào 10 giờ đêm lại gặp đàn voi đi ầm ầm ta đành phải rút ra. Lần thứ ba, ta vào ngay lúc 9 giờ tối (mới đầu hôm thì yên lặng thực hiện được các nội dung mà đồng chí Lê Bá Nuôi đã kiểm tra. Ta rút ra an toàn.

Do tình hình chuẩn bị nhiều mặt chưa thật chu đáo nên đơn vị phải nằm lại khu tập kết đến 12 hôm. Có thời gian nên công tác chuẩn bị cơ động, chuẩn bị kỹ thuật, hiệp đồng chiến đấu giữa xe tăng với đặc công đột kích (1,2,3) và bộ binh, công binh làm đến tận từng xe, Trung đội, Đại đội của đơn vị xe tăng làm được kỹ trên bàn cát, việc huấn luyện giữa xe tăng và bộ binh cũng thực hiện được.

Xác định cách đánh của xe tăng với đột kích 1, 2 với mũi thọc sâu do đại đội trưởng Đại đội 9 thực hiện khi đã chiếm được đầu cầu thì xe của đại đội trưởng Đại đội 9 cùng đặc công thọc sâu vào sở chỉ huy khu vực 104 phải lướt qua các hoả điểm ngăn chặn trong hành động của mũi thọc sâu và bắt liên lạc với Đại đội 3 trên hướng đường 9 của Trung đoàn 24, Sư đoàn 304.

Khu C104 do đại đội biệt kích (C mặc phọc) là đại đội ác ôn được ăn theo tiêu chuẩn lính Mỹ, cũng là khu của cố vấn Mỹ và có hầm ngầm. Còn trung đội trưởng Trung đội 3 vẫn ở vị trí tuyến bắn dùng hoả lực tiêu diệt các hoả điểm ngăn chặn các đợt đột kích trên từng mũi tiến công sẵn sàng bước vào chiến đấu trong tung thâm cứ điểm. 

Có hai điểm suy nghĩ nhất là nếu lái xe không lái được dốc 36 độ của rãnh nước Pésai vượt lên Khe Húc rồi xuống sông Sê Pôn theo dòng sông bơi đến bến làng Troài; thứ hai là khi xe còn bơi giữa dòng sông làng Troài bị phi pháo oanh tạc gây thương vong đảo lộn tình hình phải cứu kéo nhau mãi giữa dòng sông mà sáng thì giải quyết ra sao, dẫu rằng trước đây Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 202 đã có diễn tập cho xe bơi dưới dòng sông Cà Lồ, đoạn gần đồi Thanh Tước núi Thanh Tước (ở Vĩnh Phúc).
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM