Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:15:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhìn lại Sơn Mỹ  (Đọc 25190 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 11:22:55 am »


Ở Mỹ, các sĩ quan bị truy tố hầu hết dược xét xử qua quít và được xá tội để cuối cùng mọi tội lỗi đổ xuống đầu con tốt đen duy nhất: Calley.

Tòa án quân sự Fort Benning xét xử Calley mở ra ngày 12.11.1970 và kết thúc ngày 31.3.1971, trở thành một phiên tòa kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, xét xử một vụ án thuộc loại xôn xao nhất và chia rẽ nước Mỹ một cách nghiêm trọng. Ba nhà báo của hãng tin AP Mỹ là Arthur Everett, Kathryn Johnson và Harry F.Rosenthal đã viết hẳn một quyển sách và gọi đó là “phiên tòa của thế kỷ” (The Trial of the Century). Sau khi cố sức giúp Calley gỡ gạc tội lỗi nhưng không thành, luật sư già Latimer bào chữa cho y bực bội nói toạc ra rằng Calley chỉ là “viên sĩ quan hạng bét bị đưa ra làm vật tế thần” mà thôi. Calley bị kết án tù chung thân, đuổi khỏi quân đội, tước bỏ các khoản lương và phụ cấp. Tuy nhiên chỉ một ngày sau khi tuyên án, Nixon đã ra lệnh phóng thích Calley khỏi nhà giam. Và đến năm 1975 thì Calley đã hoàn toàn được tự do. Calley sau này đã trở thành một ông chủ hiệu kim hoàn có tiếng ở Columbus, bang Georgia. Thảng hoặc có ai biết y vốn là kẻ sát nhân ở Sơn Mỹ, y thản nhiên đáp rằng y chẳng bao giờ bị ám ảnh bởi các xác chết ở Sơn Mỹ, y không có ý thức là y đã giết người!

Y không có ý thức là y đã giết người!

Nhưng vấn đề đâu phải là chỉ kết án Calley.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon hồi ấy trong khi phải thừa nhận những gì đã xảy ra ở Sơn Mỹ, đã cố vớt vát rằng đó chỉ là một “sự kiện riêng lẻ” (isolated incident). Dư luận Mỹ và thế giới không dễ gì tin như vậy, cũng không thể bằng lòng với việc chỉ xét xử Calley hay một ít can phạm nào đó - chưa kể sự xét xử như vậy là qua quít và quá thấp so với thực tế tội lỗi của các bị cáo. Bởi vậy, trước, trong và sau phiên tòa xét xử Calley, gần như toàn thể lương tâm loài người đã lên tiếng xét xử một cách công minh những kẻ phạm tội ác.

Sơn Mỹ đâu phải là “sự kiện riêng lẻ”. Terry Reid, cựu binh của Lữ đoàn 11, kể: “Đại đội chúng tôi đã được xem là đã giết hàng trăm. Trong lần chạm súng đầu tiên mà đại đội tôi thử sức, riêng trung đội tôi được xem như đã giết 40 người. Thế mà chẳng ai trong trung đội thấy một xác Việt cộng nào cả. Nhưng tôi thì chứng kiến rất nhiều thường dân bị bắn gục như những chiếc đĩa tập bắn”1. Còn anh cựu binh Ron Grzesik thì nói Sơn Mỹ là kết cục của một chuỗi tội ác đã bắt đầu từ những tháng trước đó. Anh ta mô tả cái chuỗi xích tất yếu ấy như sau: “Lần đầu tiên, anh chặn nhân dân lại, chất vấn họ, rồi cho họ di. Lần thứ hai, anh chặn nhân dân lại, đánh đập một ông già rồi cho họ đi. Lần thứ ba, anh chặn nhân dân lại, anh đánh đập một ông già rồi bắn chết ông ta. Lần thứ tư, anh tiến vào và quét sạch cả một ngôi làng”. Về mặt không gian, tội ác của quân đội Mỹ không chỉ diễn ra ở Sơn Mỹ, mà nó bao trùm lên cả đất nước Việt Nam. Đâu đâu trên đất nước Việt Nam, đội quân xâm lược giàu súng đạn cũng gây những cảnh giết người man rợ như phun hơi độc xuống hầm tránh pháo, dùng thuốc độc bỏ vào đồ ăn thức uống, đốt nhà trói người quăng vào lửa thiêu sống, bắn giết hàng loạt bằng súng bộ binh, dao găm và lựu đạn, dùng máy bay ném bom rải thảm ở cả hai miền nam bắc Việt Nam... mà nạn nhân là những thường dân không một tấc sắt trong tay. Thủ phạm cũng không chỉ có những yên hùng kiểu Calley, Meadlo hay Medina. Với chính sách hủy diệt tàn bạo, trong quân đội Mỹ đã sản sinh ra những kẻ giết người không gớm tay mà một trong những điển hình là đại tá George Patton, viên chỉ huy Trung đoàn 11 kỵ binh thiết giáp đóng ở phía nam Quảng Ngãi. Y thường hô hào binh lính của y rằng: “Tôi thích nhìn thấy những chân và tay bay lên!” Patton kỷ niệm Lễ Giáng sinh năm 1968 bằng việc gửi đi những tấm bưu thiếp với dòng chữ “Bằng an dưới thế” kèm theo những tấm ảnh chụp những xác “Việt cộng” bị chặt cụt chân tay và vun lên thành đống. Khi Patton sắp rời Việt Nam, y ném vào bữa tiệc chia tay y một chiếc đầu lâu được xem là của “Việt cộng”, trong khi cổ y đeo chiếc huy chương “Hòa bình” vừa được tặng thưởng! Chỉ riêng ở Quảng Ngãi, quân viễn chinh Mỹ và quân Nam Triều Tiên còn gây những vụ tàn sát tập thể đẫm máu hàng trăm, hàng nghìn người cùng một lúc ở Bình Hòa, Bình Châu, ở Khánh Giang-Trường Lệ, ở Diên Niên-Phước Bình... mà nạn nhân cũng chỉ là những thường dân vô tội. Ngay trong bom đạn chiến tranh, phóng viên người Nhật Shidưđô đã ghi lại rất nhiều hình ảnh chỉ rõ sự giết chóc, tàn phá dã man mà quân Mỹ, quân Nam Hàn gây ra trên khắp đất nước Việt Nam, sau này được in trong tập sách ảnh lớn Chiến tranh Giải phóng Việt Nam.

Được tặng thưởng huy chương "Hòa Bình" vì hành động như thế này với dân thường

Khi vụ Sơn Mỹ vỡ lỡ và Calley bị đưa ra tòa xét xử, có một số người Mỹ cuồng chiến đã ra sức bênh che cho Calley, có kẻ xem Calley như một anh hùng, có nhà truyền giáo ví Calley như “Chúa Kitô chịu nạn trên cây thánh giá”, thậm chí có kẻ còn trương khẩu hiệu đòi “Calley làm Bộ trưởng Quốc phòng!” Tuy nhiên những người Mỹ chân chính đã nói lên tiếng nói công minh của mình: phải xét xử Calley đúng với trọng tội của y, đồng thời không thể bỏ qua những tội trạng trầm trọng của cấp trên y, dù bàn tay của họ dường như không vấy máu. Các nhà tri thức lớn ở Mỹ chỉ ra rằng, kẻ phạm tội, đó là tướng Westmoreland, thậm chí là người đang ngồi trong phòng bầu dục của Tòa Bạch Ốc để điều khiển cuộc chiến tranh hủy diệt này. Dư luận liên hệ đến trường hợp tướng Đức Phemmi vì tội ác của binh lính dưới quyền mà bị tòa án Nuremberg xử 15 năm tù, tướng Nhật Yamashita vì tội ác của lính Nhật giết thường dân và tù binh ở Philippin mà bị kết án tử hình, với trường hợp của tướng Mỹ Westmoreland và những tội ác của binh lính dưới quyền ở Sơn Mỹ, ở Việt Nam.

Đối nghịch với việc xem Sơn Mỹ chỉ là “sự kiện riêng lẻ” và đưa Calley ra tòa xét xử cho qua chuyện, dư luận Mỹ và thế giới đều lên tiếng kết án: Sơn Mỹ nằm trong một chuỗi tội các của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và chính danh thủ phạm không ai khác hơn là chính quyền Mỹ, quân đội Mỹ.
___________________________________
1. Clay pigeons: Những chiếc đĩa bằng đất sét dùng để tung lên trời tập bắn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 11:30:09 am »


Trên thế giới, hầu như không nước nào mà báo chí không thuật lại, không đăng lại các bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ, và lên tiếng tố cáo cả cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, kéo dài của Mỹ ở Việt Nam.

Về tầm mức nghiêm trọng của vụ Sơn Mỹ, dư luận so sánh vụ thảm sát này với những cuộc thảm sát dã man nhất trong chiến tranh Thế giới thứ 2, dù là do bọn phát-xít hay do chính Mỹ gây ra. Ở Pháp báo Paris hằng ngày gọi Sơn Mỹ là một Oradour Việt Nam. Ở CHDC Đức, báo Nước Đức mới nói rằng cái gì xảy ra ở Việt Nam chỉ có thể so sánh với hành động tàn khốc của Phát-xít Đức ở Lidice (Tiệp Khắc), Oradour (Pháp). Ở Biêlôrútxia, ông Kaminxki so sánh Sơn Mỹ với vụ tàn sát do phát-xít Đức gây ra ở làng Katin mà ông là người sống sót duy nhất. Ở Anh, tờ Thời báo cũng viết: “Sơn Mỹ đứng ngang hàng với Guernica, Hiroshima, Sharpeville, đập vào lương tâm loài người, không thể tha thứ được”. Tờ Người bảo vệ nhấn mạnh, chuyện xảy ra ở Sơn Mỹ quá khủng khiếp đến nỗi không thể nêu lên một cách sơ lược như mọi điều khủng khiếp khác của chiến tranh. Tờ Người quan sát nhận định: vụ Sơn Mỹ phản ánh bản chất cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đó là hậu quả của sự can thiệp Mỹ. Báo Cầu chuyện hằng ngày: “Nếu điều đó có thực, nước Mỹ đi đứt”. Ở Hồng Công, tờ Đại công báo viết: “Sự tàn ác của bọn phát-xít Đức-Nhật trở thành mờ nhạt trước những tội ác mà quân Mỹ gây ra ở Việt Nam”. Tờ Tin Hương cảng hằng ngày viết: “Hàng trăm triệu người Mỹ sẽ bị lương tâm dày vò nặng nề và uy tín của quân đội Mỹ sẽ bị phá hoại nghiêm trọng. Những người lính được coi là bảo vệ hòa bình đã có những đặc tính của súc vật”. Ở Liên Xô, tờ Tin tức viết: “Hằng trăm làng mạc đã bị không quân Mỹ đốt cháy, hàng chục vạn nông dân Việt Nam bị chết vì bom đạn, napan... Chính chủ nghĩa đế quốc Mỹ là kẻ chịu trách nhiệm về vụ tàn sát Sơn Mỹ, cũng như về toàn bộ cuộc chiến tranh dã man chống nhân dân Việt Nam”. Ở Tiệp Khắc, tờ Tự do viết: “Tấn thảm kịch Sơn Mỹ chỉ là một chương rất nhỏ trong tấn thảm kịch lớn là cuộc chiến tranh xâm lược Mỹ ở Việt Nam”. Không chỉ trên các báo, các chính trị gia, các giới, các tầng lớp nhân dân ở các nước còn tổ chức nhiều cuộc mít-tinh lên án hành động tội ác của Mỹ ở Sơn Mỹ. Ở Ấn Độ, trước cuộc mít-tinh đông đảo, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn là Khrishna Menon so sánh tội ác của Mỹ ở Sơn Mỹ với tội ác của thực dân Anh thống trị Ấn Độ và nói: “Vụ tàn sát Sơn Mỹ chỉ là một mắt xích trong chuỗi dài tội ác mà bọn quân phiệt Mỹ gây ra ở Việt Nam”. Ở Thụy Điển, quần chúng mít-tinh ở Upxala phản đối tội ác chiến tranh của Mỹ và ra nghị quyết lên án Mỹ. Ở Pháp, thị trưởng La Souterrain là bác sĩ Parain nói: “Chúng ta đã biết thế nào là những hành động tàn bạo của phát-xít Đức trên đất nước chúng ta. Nhưng vụ tàn sát dân làng Sơn Mỹ của quân Mỹ còn vượt xa tội ác khủng khiếp của bọn phát-xít, khiến lương tri của chúng ta vô cùng phẫn nộ”. Ngày 19/12/1969, một cuộc họp báo ở Trung tâm thông tin quốc tế tại Paris đã được tổ chức với sự chủ tọa của huân tước Anh Bertrand Russell và nhà văn Pháp nổi tiếng Jean Paul Sartre. Những người chủ tọa cuộc họp báo một lần nữa lên án Mỹ phạm tội ác chiến tranh ở Việt Nam. Các giáo sư Mỹ dựa vào cuộc điều tra tại chỗ kết luận rằng chất độc hóa học Mỹ đã biến nhiều vùng ở Nam Việt Nam có quang cảnh như trên mặt trăng. Bà Claire Culhane người Canada làm việc ở bệnh viện Quảng Ngãi trong những năm 1967-1968 đã kể lại nhiều điều tai nghe mắt thấy về tội ác của lính Mỹ.


Trước khi bị giết

Về những kẻ tội phạm chiến tranh, dư luận đều cho rằng Calley chưa phải là thủ phạm quan trọng, càng không phải là thủ phạm chính. Ở Ai Cập, báo Al Mossawar viết: “Không ai có thể phủ nhận trách nhiệm của bộ chỉ huy cao cấp lục quân Mỹ về các tội ác chống lại nhân dân Việt Nam. Cho dù họ không ra lệnh thực hiện tội ác đó - Điều này thật khó tin - thì họ cũng đã biết và ỉm đi. Chính quyền Mỹ và nhất là Tổng thống Mỹ phải chịu trách nhiệm vì họ vẫn khăng khăng tiếp tục chính sách xâm lược ở Việt Nam, bất chấp sự phản đối của nhân dân Mỹ”. Ở Irắc, tờ Al Nour viết: “Tội ác diệt chủng của Calley không bằng tội ác của Abrams, kẻ biết rõ là máy bay trực thăng Mỹ đang dùng bom cháy làm gì và hậu quả của bom napan, bom hơi độc như thế nào. Nó cũng không nghiêm trọng hơn tội ác của Westmoreland, McNamara, Laird, Johnson, Nixon, những kẻ từ nhiều năm nay tiến hành cuộc chiến tranh, giết hại hàng vạn người Việt Nam...”. Ban thư ký thường trực tổ chức đoàn kết nhân dân Á Phi ra tuyên bố nêu rõ vụ Sơn Mỹ không phải là hành động riêng lẻ mà là một tội ác có tính toán nằm trong khuôn khổ chính sách đốt sạch, giết sạch của Mỹ ở Việt Nam.

Ở Mỹ dư luận đặc biệt sôi nổi hơn hết trong việc lên án chính quyền, quân đội và chính sách Mỹ ở Việt Nam. Tại Liên hiệp quốc, vụ Sơn Mỹ được đưa ra công khai tranh luận theo đề nghị của đại diện các nước Angerie, Liên Xô, Arabie Seoudite, Cuba. Đại sứ Cuba R.A. Quesada nói: “Tội ác ở Sơn Mỹ không phải là việc làm của một nhóm lính Mỹ. Đây là sản phẩm của một chính sách đã được vạch ra một cách cẩn thận, trong đó chính phủ Mỹ là người chịu trách nhiệm”. Các tầng lớp nhân dân Mỹ và các chính trị gia, các trí thức ở Mỹ đều lên tiếng bày tỏ thái độ của mình. Ông White Water phát biểu trên tạp chí Đời Sống: “Phải, điều đó thật là ghê tởm, nhưng lịch sử đã lặp lại điều đó và đây không phải là lần đầu tiên lính Mỹ giết đàn bà, trẻ em một cách man rợ”. Giáo sư Gabriel Kolko nói: “Nói về sinh mạng con người thì chính sách của Mỹ là biến miền Nam Việt Nam thành một biển lửa, biến cả dân tộc đó thành mục tiêu”, “Những tên tội phạm thực sự trong lịch sử không phải là những kẻ đã trực tiếp bắn giết”. Nữ nghệ sĩ điện ảnh Jane Folda: “Trung úy Calley là một con vật bị hy sinh. Những tội phạm chiến tranh thực sự là những kẻ đang cầm quyền ở Washington”. Thượng nghị sĩ Goodell: “Cuộc điều tra về những hành vi tội ác của quân đội Mỹ ở Sơn Mỹ không thể dừng lại ở việc trừng phạt một vài người lính”. Thậm chí trong công chúng Mỹ còn có người muốn làm thức tỉnh lương tâm của cả một đất nước - như bài hát “Chuyến tàu cuối cùng đến Nuremberg” của Pete Seeger sau đây:

Chuyến tàu cuối cùng đến Nuremberg. Chuyến tàu cuối cùng đến Nuremberg. Tất cả đã lên tàu.

Tôi có nhìn thấy trung úy Calley?

Tôi có nhìn thấy đại úy Medina?

Tôi có nhìn thấy tướng Koster và toàn thể ban bệ của ông ta?

Tôi có nhìn thấy tổng thống Nixon?

Tôi có nhìn thấy cả hai viện Quốc hội?

Tôi có nhìn thấy những cử tri, anh cùng tôi?

Chuyến tàu cuối cùng đến Nuremberg...
Nuremberg từng là nơi đặt tòa án quốc tế xét xử bọn tội phạm chiến tranh trong thế giới thứ hai. Bài hát rất có giá trị nhân bản ở chỗ, nó cảnh giác mọi công dân Mỹ không nên vô tình mà đồng lõa với những hành động tội ác và góp phần ngăn chặn tội ác chiến tranh phải là trách nhiệm của mọi người, của mỗi người.

Góp phần cho nhân dân thế giới thấu hiểu và cảm thông với những nỗi đau nhức nhối của Sơn Mỹ, của Việt Nam, không thể không kể đến Võ Thị Liên. Võ Thị Liên năm ấy mới chỉ là cô bé 13 tuổi, là một trong số rất ít người dân Sơn Mỹ may mắn thoát khỏi bàn tay của tử thần. Năm 15 tuổi, Võ Thị Liên đã đến nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Liên Xô, các nước Đông Âu, Bắc Âu, Tây Âu, Nhật Bản... để kể những đau thương mà mình và đồng bào mình đã trải qua, làm xúc động hàng triệu trái tim trên thế giới. “Cô bé Sơn Mỹ” Võ Thị Liên đã trở thành một biểu tượng của nỗi đau Sơn Mỹ, của nỗi đau Việt Nam và về sau chị luôn tích cực hoạt động cho từ thiện và hoà bình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 11:55:09 am »


4
NƠI ĐAU THƯƠNG THUỞ ẤY

Mùa xuân năm 1975, cuộc chiến tranh đằng đẵng 21 năm đã kết thúc. Sơn Mỹ cùng toàn thể đất nước Việt Nam vui mừng chào đón hòa bình, thống nhất, song nỗi lo trước mắt cũng không nhỏ. Làng quê Sơn Mỹ đã xơ xác tiêu điều vì bom đạn, nhà cửa đã hoàn toàn sụp đổ và một bộ phận lớn đất canh tác đã biến thành rừng hoang. Nhân dân ly tán trở lại làng cũ với sức sản xuất đã cạn kiệt và trên mình vẫn còn mang những vết thương nhức nhối. Họ lại dựng lều, vỡ đất, xây dựng lại cuộc sống từ đầu bằng đôi bàn tay trắng. Họ lại đào mương đắp đập để gieo trồng, đóng lại ghe thuyền đánh cá, trồng cói dệt chiếu, mở trường học cho con em và trạm y tế để chăm sóc sức khoẻ cho biết bao người bệnh tật do chiến tranh để lại. Với đức tính cần cù vốn có của mình và sự lãnh đạo, giúp đỡ chí tình của chính quyền dân chủ nhân dân, người Sơn Mỹ đã ra sức khôi phục lại diện mạo làng quê và phát triển sản xuất, trong khi những vết thương cũ chưa lành, thỉnh thoảng vẫn nhói lên trong tâm can họ.


Bảo tàng Sơn Mỹ

Trong bối cảnh bừa bộn đó, nhu cầu tìm hiểu về một nỗi đau đã khắc sâu trong trái tim toàn nhân loại của nhân dân Việt Nam và bầu bạn trên thế giới cũng là một vấn đề đặt ra rất quan trọng và cấp bách. Năm 1976, chỉ một năm sau chiến tranh và tám năm sau vụ thảm sát, khu Chứng tích Sơn Mỹ đã dược xây dựng là để đáp ứng nguyện vọng đó. Khu chứng tích bao gồm nhiều di tích và một nhà chứng tích được xây dựng bên con mương nơi Calley và đồng bọn đã tàn sát tập thể 170 dân làng. Sau đó, khu chứng tích lại được tu bổ thêm với một tượng đài và đã nhiều lần được tu bổ, để đáp ứng khách tham quan ngày một đông.

Đến thăm khu chứng tích Sơn Mỹ hôm nay, du khách có thể dừng lại trước bức tượng để cảm nhận nỗi đau khổ tột cùng của các nạn nhân Sơn Mỹ ngày ấy. Khuôn viên khu chứng tích đầy những hoa tươi và bóng cây rợp mát vốn là khu nhà ở với những hàng tre, những con đường vào xóm đầy vết chân trâu. Con mương dẫn nước hiền hòa thân thiết như thuở nào là nơi mà Calley và đồng bọn đã hành quyết người làng và chất đầy xác chết. Bên trong nội thất nhà Chứng tích, du khách có thể xem nhiều hiện vật còn lưu giữ lại được. Đó là chiếc mâm thau cũ lỗ chỗ vết đạn, một cái đĩa bể - những vật còn lại của mâm cơm - cái nón nhựa mà người chồng bà cụ Đốc thường đội và bộ đồ tang bà cụ đã dùng để tang chồng sau vụ thảm sát. Các hiện vật khác ở đây cũng có lai lịch tương tự như vậy. Chiếc áo, đôi dép của một cháu bé nào đó đã bị giết chết. Các loại chén đĩa, xoong chảo bị bắn thủng vỡ. Chiếc mõ tụng kinh và tấm ảnh của nhà sư Thích Tâm Trí còn tìm lại được. Trong các hiện vật đó có chiếc kẹp tóc của cô Nguyễn Thị Huỳnh, có thể là một người trong tốp phụ nữ trước khi bị tàn sát, trong một tấm ảnh nọ của Haeberle. Cô Huỳnh năm ấy vừa tròn 20 tuổi. Sau khi cô bị sát hại, người bạn trai yêu cô đã nhặt được chiếc kẹp tóc ấy, trân trọng gìn giữ nó suốt tám năm trời trước khi trao cho nhà chứng tích. Bên trong nhà chứng tích, bên cạnh những hiện vật gợi cho khách tham quan tìm hiểu về cuộc sống và cái chết của 504 nạn nhân là những bản kê, những sơ đồ, những lời thuyết minh và những bức ảnh về vụ thảm sát (của nhiếp ảnh gia Haeberle). những hiện vật và hình ảnh ấy vẫn gợi lên niềm xúc động mạnh mẽ ở người xem.



Chứng tích Sơn Mỹ - Mỹ Lai

Nơi đây đã thành một địa điểm được du khách quan tâm


Cựu binh Kenneth Schiel của đại đội Charlie thăm lại nơi xưa

Bên ngoài khuôn viên chứng tích, rải rác đó đây trong các xóm thôn là những tấm bia dựng lên ngay ở các địa điểm đã xảy ra các cuộc bắn giết. Đây là Tháp canh ở rìa làng, bên con đường đất nhỏ bên trong xóm Thuận Yên với 102 người bị bắn chết. Kia là cây gòn nơi 15 phụ nữ và trẻ em bị sát hại. Và trong vườn cô Phạm Thị Mùi, người bị lính Mỹ hiếp và ném vào lửa thiêu sống, là tấm bia ghi dấu nấm mồ tập thể của 11 người. Vẫn còn đây cái giếng nước mà ông cụ Trương Thơ bị đẩy xuống và bị ném lựu đạn theo. Trong bóng tre rợp mát, trên những đồng lúa xanh rờn, trong những căn nhà nhỏ nhoi và trong toàn bộ làng quê hiền hòa nơi đây vẫn còn ôm ấp những vết thương nhức nhối.

Ở xóm Mỹ Hội, thôn Cổ Lũy giờ những bóng dừa đã vươn cao, xanh rợp. Ngoài kia biển xanh vẫn xua những đợt sóng bạc đầu vào bãi cát vàng sạch sẽ, duyên dáng, đúng là một cảnh đẹp có hạng ở Việt Nam. Giữa khung cảnh trầm lắng thân thương ấy là tấm bia ghi dấu 97 người dân của xóm bị tàn sát ngày nào.

Cựu binh Mỹ trước tượng đài Sơn Mỹ

Sơn Mỹ, một góc nhỏ của đất nước Việt Nam, vẫn luôn là tiếng gọi lương tâm của mọi người trong nước và những người ở các phương trời xa xôi trên trái đất. Quả vậy, từ ngày hình thành, khu Chứng tích Sơn Mỹ đã thường xuyên đón khách đến thăm hàng ngày và số khách nước ngoài ngày càng gia tăng. Họ không chỉ là các tầng lớp nhân dân, còn là các nhà doanh nghiệp, các nhà khoa học, khách du lịch đủ mọi quốc tịch. Đặc biệt trong số khách nước ngoài, ngày càng có nhiều người Mỹ đến thăm Sơn Mỹ tỏ lòng cảm thông với những nỗi đau sâu thẳm mà chính quyền và quân đội nước họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam trong chiến tranh. Nhiều cựu binh Mỹ cũng đến thắp nhang cúi đầu tưởng niệm trước những người đã khuất, tỏ niềm hối hận về những gì mà họ hoặc đồng đội họ gây ra.

Dấu vết

Nơi “cầu nguyện” này chưa bao giờ vắng bóng người, nhất là trong ngày tưởng niệm hằng năm, ngày 16/3, bởi nó ghi lại dấu tích đau thương và luôn nhắc nhở loài người hãy luôn cảnh giác, bởi sau chiến tranh Việt Nam, loài người còn phải chứng kiến nhiều cuộc thảm sát kiểu Sơn Mỹ, ở nơi này nơi khác trên thế giới. Từ Sơn Mỹ lại như vang lên lời kêu gọi sau đây của Juliux Phuxích viết dưới giá treo cổ của bọn phát-xít Đức:

Hỡi loài người, hãy cảnh giác!



HẾT
Logged
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM