Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:05:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chân dung một quản đốc  (Đọc 41057 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 02:39:53 pm »

CHÂN DUNG MỘT QUẢN ĐỐC

Tác giả: NGUYỄN HIỂU TRƯỜNG

Tiểu thuyết (In lần thứ hai)
Số trang: 260

NHÀ XUẤT BẢN TÁC PHẨM MỚI
HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM -1984


Số hóa: hoi_ls






một

Hơi nóng hắt hừng hực. Xưởng lọt trụm giữa bốn bề nhà cao tầng, không có lấy một làn gió nhẹ. Ánh hàn chợt lóe, chợt tắt, bễ rèn phun ngọn lửa đỏ ối nhấp nhô, từng thanh sắt lóa vàng nhả hoa lấm tấm. Hàng dài xe, chiếc bẹp dí như người sứt mũi, chiếc trơ xương sườn, chiếc bị gỡ đèn trông giống đôi mắt hoắm của một đầu lâu. Bình gió đá, ê-tô, de, dây điện, xát-xi, nệm xe... ngổn ngang. Những bộ quần áo và cả những gương mặt bê bết dầu mỡ. Tiễng búa chan chát, tiếng gõ, nhất là tiễng gầm rú khi the thé, khi hổn hển của bao nhiêu động cơ ô-tô - chúng rống y hệt con bệnh chịu đựng một ca mổ đau thấu tim gan.

Mái tôn sẫm dồn cơn nóng gay gắt xuống xưỏng, na ná bình súp-de nén chặt.

Cả trăm thợ, người trần trùng trục, người áo phanh, ngực, mồ hôi mẹ mồ hôi con thi nhau xối xả, chiếc khăn lông của mỗi người ướt tựa nhúng nước.

Cái gì cũng oi bức: không khí, màu sắc, tiếng động, sự lộn xộn...

Hai Cũ - áo ba lỗ; quần “bò” xắn móng lợn, giày bộ đội đã bẹt gót - đưa tôi đi thăm xưởng. Anh là Phó Giám đốc Công ty Sửa chữa Cơ khí Thành phố, trực tiếp quản đốc xưởng này.

Tôi với anh quen nhau hơn 30 năm. Mối quan hệ đó là câu chuyện dài mà hôm nay tôi kể lại, bắt đầu từ đoạn cuối. Tôi không muốn độc giả bị đột ngột. Nhân vật chính của câu chuyện là Hai Cũ và như các bạn biết đấy, anh còn sống. Cần nói trước rằng tôi và anh có cái “duyên”, nếu gọi rằng “ly kỳ” cũng không quá đáng.

Anh lớn hơn tôi năm tuổi - lẻ hai tháng với sáu ngày. Còn tính giờ, tôi sinh vào buổi sáng, anh lại sinh vào đêm. Có lẽ vì vậy, anh thường bảo tôi: Số của chú thấy mặt trời trước tôi. Tuy nhiên, Hai Cũ không thuộc hạng tin ở số. Vừa rồi, nhân ngày sinh của anh - năm thứ 55 - tôi đùa:

- Nam Tào lỡ nhậu, chắc tới vài xị đế, nên ghi lộn sổ. Đáng lẽ anh tuổi Dần, tôi tuổi Tỵ mới phải.

Anh cười hề hề - anh đã thay đổi rất nhiều, trừ giọng cười lúc nào cũng “cha chú”:

- Tao mà đầu thai tuổi con cọp thì cũng phải thiến thôi.

Chị Hai hứ anh:

- Có suôi có gia rồi mà ăn nói không nên nết!

Anh dẫn tôi len lỏi giữa xưởng. Tôi biết Hai Cũ muốn tôi mừng cho anh như chúng tôi từng chia xẻ “lúc lên voi khi xuống chó” suốt ngần ấy năm. Cơ ngơi xưởng còn nới rộng và tôi tin Hai Cũ sẽ “trụ” luôn tại đây, với cái công việc ra lịnh cho những chiếc xe - hễ còn gọi là xe - phải xốc dậy, lao tới. Hẳn anh nói với chúng: Hãy noi theo tao!

Việc chọn nghề của Hai Cũ vào lúc tuổi anh đã xế chiều nó giản dị như cách anh trở nên một người thợ máy giỏi.

Dù sao, Hai Cũ cũng phải đứng trước một chọn lựa. Là một sĩ quan - anh ở trong quân đội hơn 30 năm - anh tự thấy khả năng phục vụ của anh tốt nhất hiện nay là làm cái gì đó hạp với sở trường. Sĩ quan quân đội trong thời kỳ mới đòi hỏi nhiều điều kiện - anh tự thấy mình đã già và khó lòng học hỏi các kiến thức hiện đại. Chính anh ký đơn xin xuất ngũ - sau khi chấm dứt chức vụ Chủ tịch Ủy ban quân quản Thạnh Mỹ Tây - ký đơn với bao nhiêu bùi ngùi, song quả quyết:

- Tôi ghét chàng ràng cản mặt lớp sau... - Anh bảo tôi và Út Giảng như vậy.

Bây giờ, anh nên công tác ở ngành nào ?

Út Giảng và tôi mỗi người một ý. Út Giảng muốn anh về ngành cao-su hoặc lâm nghiệp là thứ anh quen thuộc. Tôi gợi ý anh sang Cục đường biển - ở đó, cái vốn chở vũ khí trong đánh Mỹ của anh chắc xài được. Cả hai chúng tôi đều mong anh chọn một nghề mà anh thành thạo hoặc dễ thành thạo, bởi ngại anh gặp bỡ ngỡ.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:57:50 pm gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 02:40:54 pm »

Nhưng anh chọn ngành sửa chữa xe hơi. Sở dĩ như vậy một phần do đồng chí Bí thư Thành ủy. Đồng chí Bí thư Thành ủy vốn quen biết Hai Cũ; cho nên nghe Hai Cũ được xuất ngũ, đồng chí mời một bữa cơm vui. Trong câu chuyện thù tạc đó, đồng chí mời Hai Cũ:

- Tôi biết anh không phải là cán bộ kỹ thuật, chẳng qua học lóm và quen tay, song nói cho chín chắn: anh biết nghề. Anh biết nghề đủ giúp anh tổ chức ngành cơ khí, trước hết, ngành cơ khí sửa chữa xe hơi. Người giỏi kỹ thuật ở thành phố ta không thiếu, thiếu là cán bộ tổ chức biết nghề. Ở “Mũi Ken-nơ-đi” (1) , xưởng xe hơi của Hai Cũ đàng hoàng quá mà!

Hai Cũ chịu. Nhưng anh từ chối một cương vị cao hơn mà đòi trực tiếp quản đốc một xưởng.

- Tôi nhượng bộ anh - Đồng chí bí thư vui vẻ - Tuy vậy, tôi giao ước với anh: một là anh đừng tự ái khi người ra lệnh cho anh thấp cấp hơn anh. Anh nhớ cho: làm việc với một thượng tá không phải dễ làng đối với các đồng chí ở Sở Công nghiệp. Hai là, anh nên có chân trong ban phụ trách toàn công ty vì anh cần nhìn rộng hơn một xưởng. Ba là, chúng tôi có thể giao anh một nhiệm vụ khác - cũng cơ khí, công nghiệp thôi - và tôi hy vọng anh không khư khư thủ cái xưởng của anh. Đó là chuyện sau này, còn bây giờ anh cứ yên tâm ở xưởng.

Hai Cũ không “mặn” điều thứ ba. Nhè mấy ông “bứng” lên phụ trách Sở hoặc cao hơn thì gay to.

Tuy vậy, anh định “tùy cơ ứng biến”, nên bằng lòng...

- Hồi chưa giải phóng, xưởng nầy chỉ làm có bấy nhiêu công chuyện... - Hai Cũ gõ vào tấm biển to tướng - trước kia treo ngoài cổng, nay nếp ở xó: Garage Động Lực - chuyên môn rửa, vô dầu mỡ xe hơi.

- Bây giờ, sau một năm, xưởng nhận trung tu các loại ô-tô... Chỉ thiếu phần mộc và cơ khí. Mà hễ Sở ký cho phép hôm trước, tôi khai trương liền hôm sau! Mọi việc đều đã sẵng. Chỉ chờ ngọn gió Đông. Tôi là Châu Do đời Tam quốc !

Anh nói văn vẻ, song giọng ấm ức. Đôi chân mày rậm rì nhíu, vạch thành chữ “nhất” ngang tàng. Đôi chân mày của Hai Cũ từng là đầu đề cho bao nhiêu chuyện vui lúc chúng tôi cùng chung đơn vị.

- Muốn “đâm đơn” vô ông Hai Cũ phải canh cặp chân mày của ổng. Nó giống rừng le, khi nhướng lên thì đường thông, mọi sự đều trót lọt. Khi nó xụ, đường nghẽn, chớ xông bừa mà bị le xỉa đổ máu đổ mủ !

Lính tráng kháo nhau như vậy. Mỗi lần chúng tôi hành quân qua đồng trống, nghe hơi máy bay đầm già, lính tráng còn kháo:

- Đếch sợ ! Chừng này chớ đông hơn vẫn thừa chỗ. Tất cả chui vào cặp chân mày ông Hai Cũ thì... đến Thiên Lý Nhỡn trong truyện Tây Du cũng như mù!

- Sở trở bộ chậm hơn rùa ! - Anh tiếp, vẫn cau có - Mấy cha cứ mài lủng đáy quần, nhổ râu cằm rồi tán: Làm ăn phải chuyên sâu.

Anh bỏ lửng câu nói, đến lắc vai một người thợ đang rồ máy xe:

- Ngộp xăng ! Chùi lược xăng... Tiếng máy giống người bị nấc cụt đó !

Người thợ gặt đầu, tốp máy. Cười nhe hàm răng trắng bóng. Hai Cũ hỏi tôi: biết ai không ?

Anh nói luôn: “Thiếu úy” Đường ! Tôi “à” thích thú, còn Đường ngượng ngập, cúi gầm xuống máy.

- Chuyên sâu ! - Anh hầm hừ, tiếp câu bỏ dở - Chuyên sâu nghĩa là xưởng tôi làm đồng, nguội, rèn, rồi kéo qua xưởng khác làm mộc, rồi lại kéo qua xưởng khác nữa làm cơ khí, rồi kéo ngược về xưởng tôi làm điện... Vòng vo cả tháng. Tôi hỏi: Tại sao không tận dụng lao động, thiết bị của một xưởng, vừa tiết kiệm công sức, vừa mau. Hoàn cảnh của ta, vậy mới là chuyên sâu. Một cha nội trả lời gọn hơ: Ông giỏi sao không làm Bộ trưởng ! Chú nghe có nực không ?

- Rồi anh trả lời thế nào ? - Tôi hỏi.

- Tôi trả lời như vầy: Tôi không đủ tài làm Bộ trưởng, song tôi có thể thế chỗ của ông. Ít ra, tôi còn đuổi được ruồi... Cái ngữ...!

Tôi biết anh tự kềm chế. Bằng không, anh sẽ xắn xả vô mặt tay cạo giấy kia: “Ông là cái ngữ bỏ than đước Năm Căn vô háng không nhảy, làm ăn con mẹ gì!”.

Tôi nghĩ thầm: Hai Cũ còn sức lao, còn thích lao, còn “gây sự”. Chưa chắc anh không mắc chủ quan, song anh vẫn say sưa “gánh bàn độc mướn”. Cuộc đời giang hồ của anh, sau rốt, để lại trong anh một gia tài đáng quý: Luôn luôn muốn “cực thân”.

Chúng tôi đứng trước một xe tải nhẹ hiệu Pơ-giô. Anh bảo người thợ:

- Cua-roa dùng... nước không lên đủ, chạy nữa thì “lột dên”...

Anh lại tiếp tục đi với tôi.

- Tôi làm trận làm thượng dữ tợn nên mới có phân xưởng điện. Tôi “đấu” cho đến khi lập được phân xưởng mộc, cơ khí mới nghe! Chệt Chợ Lớn thứ gì cũng đúc, vô hộp, để nào Nhựt, nào Ý!.. Máy lão trong Sở thà mua thứ dịch vật nào đó xài ít bữa rồi vụt thì yên tâm, còn đồ mình sản xuất tốt hơn, mấy lão sợ. Sợ xưởng mình giàu, thợ mình giỏi, mấy lão hết chỗ xài cái dốt của mấy lão! Chạy đôn chạy đáo khắp xứ, tìm từng cái máy, tôi không thấy mệt mà ngồi xa-lông Sở chờ cấp “pet-mi”, sao tôi muốn đứt hơi!

Một người còn trẻ, ở trần, hấp tấp đuổi theo, chìa cho anh tờ giấy:

- Chú Hai ký tên, cháu lên Sở bây giờ.

Anh nheo mắt đọc, rồi kẹp cây viết bic giữa ngón trỏ và giữa, ký nguệch ngoạc.

- Giấy tờ, là giấy tờ... Em phải trổ tài ngoại giao với mấy ổng.

Người ấy quay đi, anh giới thiệu:

- Kỹ sư Hiển... có làm hãng Xi-trô-en bên Tây... Hăng, tốt. Chỉ sợ chịu cực không thấu.

Anh dừng một lúc:

- Chịu cực về cơm gạo là một phần.

Anh không nói hết câu, song tôi hiểu anh muốn nói gì.

Chúng tôi đến cuối xưởng. Một thợ nằm ngửa dưới gầm xe tải Liên xô, thấy Hai Cũ, gọi:

- Ông quản đốc làm ơn chỉ giùm ern... Loại “Din” này lạ quá!

Người thợ xưng “em” tóc đã đốm bạc. Hai Cũ chui xuống gầm xe, hất ngọn đèn lên, nhặm lẹ không khác lúc lâm trận khi xưa:

- Thắng hả?... Tật của loại Din 131A thường ở chỗ nầy... - Ừ... chỗ nầy... Siết con ốc chặt vô !

Ra khỏi gầm xe, anh hỏi:

- Tuần rồi, chú không dự lớp sao?

Người thợ trả lời là không.

- Phải đi chớ ! Để biết cấu trúc các loại xe... Nghe một lần là rành.

Anh chùi tay vào quần, dắt tôi quay lại, chợt nghiêng tai:

- Cậu nào chỉnh “ga” chiếc Mẹc-xơ-đéc chở khách không đúng...

Tôi chưa nhìn thấy chiếc Mẹc-xơ-đéc mà anh nói, còn tiếng động thì trong xưởng đâu cũng ầm ì.

Chiếc Mẹc-xơ-đéc nằm tận đầu xưởng. Hai Cũ dặn mấy câu với người thợ. Tôi trông mặt người thợ quen quen. Hai Cũ nhắc:

- Quên sao? Hoa tiêu Hoài !

Tôi mừng rỡ chào anh ta. So với lúc ở Thạnh Phú, Hoài già hơn song tươi tỉnh hơn.
Tôi bỗng nhớ, một lần, ở thủ đô, tôi cùng đi trong hành lang bệnh viện với một giáo sư khoa ngoại bậc thầy. Ngang qua phòng mổ, vị giáo sư càu nhàu:

- Hỏng rồi! Ca mổ hỏng rồi!

Ông xô cửa vào phòng.

Vị giáo sư kiểm tra ca mổ bằng mũi, qua cái mùi bốc lên từ vết mổ. Ở đây, Hai Cũ kiểm tra bằng tai. Tôi nói so sánh ấy với anh, anh cười bẽn lẽn:

- Tôi mà giáo... cái con khỉ!

Chúng tôi ngồi trong văn phòng. Kêu là văn phòng bởi có mấy cái bàn viết, máy đánh chữ, kỳ thật nó là một khoảng luông tuồng trong xưởng, vẫn dưới mái tôn nóng kinh khủng và giữa tiếng ồn ào nhức óc.

Chuông điện thoại reo Hai Cũ nhắc máy:

- A lô!... À, Hiển đó hả? Sao... Em nói lại... Cuối tháng trưởng phòng mới có ý kiến, đầu tháng, Ban Giám đổc mới xem xét?... Em có trình bày với ổng tình hình ứ đọng của xưởng không? Có à ? Ừ... Phải rồi... khôngcho làm mộc mà cũng không chỉ chỗ khác, xe cũ xe mới dồn đống, la liệt ngoài lề đường, cảnh sát phạt... Ổng nói sao? - Giọng Hai Cũ gay gắt - Ổng nói ổng không phải là Sở Công an lo dẹp đường... Vậy, công an phạt, ổng tính sao ?... Hả ?

Hai Cũ che máy, bảo tôi:

- Thằng cha nầy đâu dưới đất nẻ chui lên! Thằng chả bảo: Công an phạt thì cũng Nhà nước phạt Nhà nước, đừng lo mà tổn thọ!

Anh tiếp lục nói vào máy:

- Thôi được... Để qua lên Sở...

Anh gác máy, nặng tay:

- Thằng cha nầy nhẩy phóc lên ghế trưởng phòng, chưa kịp phủi chân, định nhảy phóc lên ghế phó giám đốc... chẳng biết trời trăng gì ráo mà khoái lên lớp...

- Lên lớp giống gì ? - Tôi hỏi.

- À! Đại khái thẳng phê bình tụi nầy sao sửa xe tốt, nhiều vậy mà lại quá hà tiện giấy!... Ngữ nầy, chết phải liệm bằng pơ-luya.

Anh còn lầm bầm một tiếng gì đó, cố không cho tôi nghe. Tôi bật cười:

- Anh Hai tiến hộ hung!

Hai Cũ nhìn tôi, thăm dò.

- Cả buổi nay, tôi không nghe anh Hai xài một tờ “giấy năm trăm” (2)  nào hết!

Anh cười theo tôi:
- Đ. m.! Cái thằng dai hơn đỉa!

----------------------------------------------------------------------
(1)  Mỏm đất nhô ở biên giới Việt - Campuchia, thuộc Bình Long. Gọi vui của các chiến sĩ trong kháng chiến.

(2)  Tiếng lóng ý nói chửi thề.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 02:41:56 pm »

hai

Đoàn xe lửa qua khỏi Trảng Bom đã lâu. Hành khách chộn rộn. Sắp đến Hố Nai.
Dạo nàv, máy bay Đồng minh hay đánh phá, nên xe phải chạy đêm.

Tôi đứng lên, ngó mống qua cửa sổ. Các lô cao-su thẳng tẳp như nghiêng mình xoáy ngược, lễ phép nhường đường cho đoàn xe lao vun vút, thi với vầng sáng phía đông mỗi lúc mỗi lớn dần. Cụm mây màu hồng giống miếng bông khổng lồ hút nhanh cái phần đùng đục còn sót lại của đêm tàn.

Một bà sồn sồn ngồi cạnh tôi cũng đứng lên. Bà nhắc thử đôi gióng. Hai gióng đặt hai cần xé mít, có trái chín buông mùi thơm phưởng phất.

Người nào đố trong toa ngủ gật chưa đẫy giấc, ngáp một tiếng át cả tiếng còi xe.

Bỗng từ toa hạng nhì vọng xuống:

- Cướp!

Có cả giọng ồ ề của một tên Nhật:

- Tô-kei! Nusumu!

- Tukamete gô!  (1)

Toa tôi nhốn nháo, ngóng lên toa trên. Vừa lúc đó, ở đầu toa, hiện ra một gã cao lớn. Nếu gã không dáo dác thì khó mà nghĩ rằng gã chính là tên kẻ cướp. Ánh đèn xe tuy tù mù song đủ soi gã: quần áo ngắn, râu lún phún, mũi dọc, cằm bạnh, da trắng trẻo. Đôi chân mày của gã rậm đen, mắt sâu và sáng quắc.

Gã nhảy gọn gàng qua gióng gánh ,ngổn ngang. Đã nghe tiếng lao xao ở toa trên, có lẽ người ta sắp đuổi kịp gã. Gã hướng về phía cửa xe.

Tôi chụp cây đòn gánh của bà bán mít, giơ cao. Mấu đòn gánh chạm mạnh nóc xe. Tôi quyết giáng cho gã một đòn chí tử, nên dậm chân, nghiến răng trợ oai:

- Đồ ăn cướp cạn !... Bỏ tay ra!

Tay gã kè kè nơi bụng, chắe đang nắm chặt vật cướp được.

- Ê! Làm gì coi bậm trợn vậy hả “tụi”?

Gã cười cười nhìn tôi, đôi chân mày - gã đứng càng gần, tôi càng thấy rõ đôi chân mày cực kỳ rậm rạp của gã - nhướng nhướng như giễu cợt. Tôi chợt nhận ra cái thớ thịt cuồn cuộn trên bắp chân gã

- Y có “nghề” !

Tôi nghĩ liền đến cú đá của Sáu Cường. Xem võ đài tôi chứng kiến cú đá thần sầu quỷ khốc đó, đến nỗi cỡ Đông Phương Sóc vang danh lục tỉnh mà còn thiếu điều dập d... là! Mà gã này mường tượng Sáu Cường.

Hành khách nín thở chờ ngọn đòn gánh của tôi. Tôi lưỡng lự.

- Qua giựt của tụi Nhựt, mắc mớ gì chú nhỏ?

Gã thản nhiên, dù gã đang ở đứng tầm quật của tôi khi đầu toa lố nhố lính Nhật, gã vỗ đùi đánh “bách” nhẹ nhàng phóng qua cửa.

Lính Nhật nổ súng. Tôi kịp thấy gã lăn mấy vòng và mất hút vào bụi cây.

Xe giảm tốc độ. Tôi sực nhớ mình còn giương cây đòn gánh nên vội vàng hạ xuống.

Bà bán mít bĩu môi. Chẳng rõ bà bĩu môi vì ngại cây đòn gánh sứt móc hay vì cái gì khác, bởi bà nói trổng:

- May mà không đập “ổng”. Đập “ổng” thì bây giờ đã nằm ngay cán cuốc dưới đường rầy...

Xe ngừng. Bọn Nhật, bọn hai hô (2)  ùa xuống, chân nện rào rạo ven đường, chạy ngược về nơi gã ăn cướp vừa nhảy.

Một sĩ quan Nhật lê thanh gươm trên sàn xe, vỗ vai tôi - ý chừng hắn trông thấy tôi và cây đòn gánh:

- Dô tô !  (3)

Bà bán mít phun bãi cỗ trầu:

- Bộ “ổng” mới mần ăn lần thứ nhứt sao ? Tụi bây mà mò tới chỗ, còn thấy đống cứt của “ổng” là giỏi !.. Bắt cái máu đẻ chớ bắt...

Hành khách cười ồ. Tên sĩ quan Nhật ngơ ngác, chẳng hiểu tại sao thiên hạ cười...

-----------------------------------------------------------------------
(1) Đồng hồ! Ăn cắp! Bắt nó!
(2) Bọn lính ngụy thời Nhựt.
(3) Tốt
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 02:43:36 pm »

*
*   *

Lối nửa tháng sau vụ lộn xộn trên xe lửa, tôi ngồi trong một quán cơm đường Ba-tay, con đường buôn bán sầm uất nhất của chợ Biên Hòa.

Bàn tôi còn trống. Mải ăn, tôi không để ý một người vừa ngồi chỗ đó... Chắc là khách như tôi. Nhưng, tôi có cảm giác người đó nhìn tôi. Tôi ngước lên. Một người mặc áo sơ-mi màu hột gà. Đôi chân mày rậm rì nhướng nhướng... Cha mẹ ơi ! Gã ! Chính gã.

Gã lập tâm tìm tôi. Tôi đinh ninh như vậy. Gã tìm tôi vì cây đòn gánh. Gã “hỏi tội” làm lanh của tôi. Dân “đá cá lăn dưa” thù dai, ai mà không biết !

- Mạnh giỏi hả chú nhỏ?

Trái với sự chờ đợi của lôi, gã hỏi mà giọng hiền khô. Tôi lấy lại bình tĩnh quan sát gã. Gã không có vẻ hề hấn chút nào trong vụ truy đuổi của bọn Nhật.

- Qua đi ngang tiệm, thấy chú nhỏ, nên ghé thăm chơi...

Tôi thở phào. Nghe tôi thở, gã hỏi:

- Bộ qua dữ dằn lắm sao?

Tôi đột nhiên hỏi gã:

- Tụi Nhựt bắn, mà không trúng chớ?

Gã cười, coi như tôi hỏi một câu ngớ ngẩn:

- Nhựt bắn thì làm sao trúng được!

Rồi gã than vãn:

- Cái đồng hồ của thằng quan Nhựt bán được có đồng rưỡi bạc! Thứ “Ô-tô-ma-lắc”... Chú nhỏ biết không, tụi Nhựt “rít chúa”, xài đồ “lạc son” không!

Gã bắt chuyện. Còn tôi, tôi lúng lúng. Nên nói chuyện với gã không? Một tên cướp giật có thể, như ý bà bán mít, một tên cướp giật chuyên nghề.

Dẫu sao, gã giật của Nhật, đúng là mắc mớ đến tôi ? Gã không giật của bà bán mít, hay của hành khách toa hạng tư như chúng tôi. Cứ nhớ thái độ của hành khách bữa đó thì rõ.

Tôi tự lý luận và nhìn cặp chân mày “sâu rọm” của gã mà tôi thinh thích. Có lẽ tôi cũng thích đôi mắt sâu như lọt trong hố, cái trán nhô có vẻ khiêu chiến. Và, bộ đá. Gã đích thị Sáu Cường chẳng sai. Hèn chi gã “phi thân” cái rẹt lúc xe lửa đang lao mà giống con chim sà xuống bãi cỏ.

- Chú Sáu nhảy xe tài quá trời!

Rốt cuộc, tôi vẫn nói và vẫn cho gã là Sáu Cường.

- Ối! Nhảy xe là thứ ruột của qua. Qua là lơ xe mà...

Tôi bắt gặp gã nhìn thèm thuồng đĩa cơm tôi đang ăn dở chừng. Gã hỏi, không hề ngượng ngập:

- Chú em còn tiền không?

Tỏi gật đầu. Tôi có bốn cắc.

- Qua đói!

Giọng gã tha thiết. Tôi gọi một dĩa cơm sườn, y như của tôi.

Người bán đang múc cơm vào dĩa thì một khách ngồi trong góc - chắc ngồi từ trước - bước đến bàn chúng tôi, vỗ vai gã:

- Anh Hai! Qua bàn em nhậu.

Khách vận áo xá xẩu lãnh đen láng bóng, người đẫy đà mặt nhung nhúc thịt, hai hàm răng bịt vàng khè.

- Anh Hai dùng chi? Gà quay nghen? Hay gà rút xương ? Hay bò xào củ hành ?

Khách cười mơn. Tôi đồ trong bụng gã mà nghe cái thực đơn này, ắt chịu liền.

Lạ quá! Gã không cục cựa. Mắt vẫn hau háu nhìn dĩa cơm mà người bán đang rưới lớp mỡ.

- À! - Khách làm như sực nhớ - Tiệm nầy có món sườn ngâm dấm, nhậu la-ve đã ghê !... Em kêu, nghe anh Hai... Ngồi đây cũng được.

Dĩa cơm sườn đặt trước. Gã gạt phắt tay khách giọng lạnh lùng:

- Tao hô không là không!

- Auh Hai kỳ thấy mồ! Gì chớ cơm sườn, em dám mời anh Hai suốt đời, mãn kiếp...

Khách người to rầm mà giọng eo éo y lại cái, nghe thật chướng.

- Tao ăn với chú nhỏ đây...

Gã trả lời rồi bỗng đấm bàn, chén đũa nhảy dựng.

- Mày khiêng con heo quay lại biếu tao đổi dĩa cơm sườn nầy, tao cũng ỉa vào con heo quay của mầy !

Gã đã cúi xuống, cầm miếng sườn, cạp ngon lành. Khách xẻn lẻn rút lui.

Dĩa cơm sạch láng. Gã vét từng hột còn sót. Thấy vậy, tôi gọi dĩa thứ hai.

- Chú nhỏ tốt bụng thiệt tình! - Gã cười rạng rỡ - Để qua kêu, cũng một cắc thôi.

Gã gọi dĩa cơm trắng với con tôm càng ram.

- Nè chú nhỏ! Hễ làm ơn thì làm ơn cho trót. Chú cho qua một ly rượu bìm bịp. Năm xu... Mấy bữa thiếu rượu, con sâu men nó cựa, buồn ngủ thấy mồ tổ! - Ăn xong dĩa cơm, gã bảo tôi.

Tôi hơi tức cười về gã. Người sao vô tâm vô ý đến thế. Vừa quen, gã đã suồng sã như tôi và gã từng uống máu ăn thề không bằng!

Song, tôi vẫn thết gã một ly rượu. Gã nâng cái ly đen đen, ngửa cổ, ực một hơi một.
Chùi mép xong, gã quay tìm người khách. Khách vừa ra khỏi quản, sau khi ném lại cái liếc sắc như dao, không biết cho gã hay cho tôi.

- Ủa, va đi hồi nào? Chú nhỏ biết ai đó không? Không biết hả? Mười Lụa, anh-dít-ca-tơ (1)  của Ty lính kín...

Chắc giữa gã và Mười Lụa xích mích. Tất nhiên, chung quanh các “mối” làm ăn của mấy gã. - Tôi nghĩ thầm.

Gã nói, giọng tức giận:

- Qua mà thèm rình rập... Thằng chó đẻ!

Một lúc sau, gã dường như quên tay Mười Lụa, vỗ bụng:

- Mới lưng lửng thôi! Sức qua còn nổi một dĩa nữa ngặt chú nhỏ chắc ít tiền...

Tôi móc tiền trả. Người bán thối lại 5 xu.

- A! - Gã reo lên - Chú nhỏ còn 5 xu, cho qua bao thuốc.

Gã mua gói “Con Rồng” Đại Nam, rút một điếu mời tôi. Tôi lắc đầu. Gã châm lửa rít hơi dài.

Tôi còn 2 xu. Giữ 2 xu làm gì ? Tôi đưa luôn cho gã,

- Giận lẫy hả? - Gã cười, trìu mến - Được, 2 xu thì quý 2 xu. Chiều, qua ăn bậy tô cơm tấm!

Gã nhét 2 xu vào túi, nheo mắt:

- Chú nhỏ muốn đặt cho qua thứ sáu, thứ nnrời lăm, hai chục, tùy chú nhỏ. Song đừng kêu qua là chú... Qua hơn chú nhỏ được mấy tuổi mà trèo đèo làm chú? Kêu bằng anh, hiểu chưa?

Gã bỏ đi. Có lẽ gã nói đúng: coi mòi gã lớn hơn tôi không bao nhiêu.

Tôi bỗng tiếc: Quên hỏi gã có phải là Sáu Cường không ?

Đến đường rẽ vào bến xe, gã quay lại, vẫy tôi.

---------------------------------------------------------------------
(1) Điểm chỉ viên.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 02:45:34 pm »

ba

Bẵng hơn một năm, tôi không gặp anh. Ký ức về anh mở dần trong tôi. Cho đến một hôm.

Năm 1944, vùng tôi bỗng nổi lên một đám cướp khác mọi đám cướp. Không thiếu gì đồn đãi đã thành truyền thuyết về đám cướp này. Cướp nhà ai thì báo trước. Chỉ cướp nhà thiệt giàu - giàu không do làm ăn chân chất. Chuyên đánh làng lính, chủ sở, tiệm buôn... Hễ êm ả mời họ vô thì họ chỉ lấy vài món có giá, còn bày đặt đóng cửa la làng hay chống cự thì họ giần cho mềm xương, đập phá tan tành, đến cái gáo uống nước cũng nát ngấu. Đảng trưởng tên là Hai Cũ. Chẳng ai rành lai lịch y ta. Có người quả quyết: Hai Cũ biết tàng hình, súng bắn không lủng. Tả hình dáng y ta mỗi người một phách. Kẻ thì nói y ta nho nhã, kẻ thì nói y ta bậm trợn. Nhưng ai cũng giống nhau ở chỗ: cặp chân mày Hai Cũ vừa rộng vừa dài, giống hai bệt mực tàu kéo thẳng, tác y ta dềnh dàng mà không thô...

Nghe vậy, đôi khi tôi nghĩ đến anh ta. Song nửa tia nửa ngờ. Người ta gọi Hai Cũ là “ông Hai”. Tất nhiên trong vùng không hiếm người được tôn vai “ông”. Các bậc tuổi tác - được gọi “ông” do phong tục tập quán. Các chức việc làng, thiên hạ gọi “ông” là hoặc nịnh hoặc xỏ.

“Ông Hai” của Hai Cũ, sánh chăng là sánh với “ông Ba” - con Cọp ba móng đã thành ma ma phật phật trong huyện đường rừng nhằm dọa người yếu bóng vía. Một “Ông” khác: Quan Vân Trường - chễm trệ trên các trang thờ. “Ông Hai” cỡ em em hai “ổng” đó !

Hôm đó, tôi đi xem gánh Bầu Hỉ hát tuồng “Tiêu Anh Phụng loạn trào” ở chợ Cây Đào. Chưa tới giờ, thàng Phẩm - học cùng lớp cùng trường với tôi - rủ tôi vô nhà nó chơi, nhà nó ngó ngay chợ mà chợ thì dùng phân nửa làm rạp hát. Cha của Phẩm là hương hào Ngọ. Hương hào trước kia, chớ bây giờ mở tiệm cầm đồ. Anh của Phẩm là Lộ, đội mã tà. Anh rể là hương quản Đực, hương quản đương niên hành sự làng Bình Thạnh. Tôi không mấy gì ưa Phẩm - con cái làng lính, lại giàu có. Nhưng nó đã rủ, không vô nhà nó coi cũng kỳ. Vả lại, ngồi chơi một lúc, chừng nào gánh hát kéo màn thì qua, chớ vô rạp sớm nóng bức lắm.

Hai đứa tôi nhìn Lộ chùi khẩu súng hai nòng. Khẩu súng đcn nhánh, Lộ nhờ thế anh vợ mua về đi săn thú. Nói cho ngay, trong làng có hai khẩu súng thôi, đều của anh em nhà Lộ, họ đeo nhỏng nhảnh vậy có ý dằn mặt cướp.

Dưới ánh măng-xông, Lộ làm vẻ quan trọng. Và kỳ cọ báng súng đã thèm rồi thụt nòng, thụt một cái lại nheo mắt đưa nòng súng lên ngó một cái. Mà va ngó thẳng ra đường, cửa tiệm mở hoác, ai qua cũng dừng lại một chút trầm trồ đội Lộ chùi súng. Làm như thể dưới tầm súng hai nòng của đội Lộ, chợ Cây Đào yên như bàn thạch!

- Xe cá (1)  đổ gần chục người ở ngã ba, người nào cũng hì hợm !

Mẹ của Phẩm - có lẽ xên ngang chếnh tứ sắc - hớt hải bước vô nhà, líu lưỡi. Ba của Phẩm đang cộng sổ tính lời, nghe vợ nói, xô bàn toán qua một bên, kéo cánh cửa.

Lộ vẫn ngồi điềm nhiên giữa nhà, nâng khẩu súng đã chùi xong rà một vòng, nhắm mấy chú nhỏ đang thè lưỡi nép vào cột.

- Có gì đâu mà tía má quýnh quáng...

Ba Phẩm dừng tay, ngóng ra ngoài. Một xe cá thứ hai ngừng ngay chợ. Trên xe, cả chục người nai nịt gọn gàng.

Ba Phẩm kéo mạnh cánh cửa.

- Khép chi vậy ?

Lộ hỏi cha mà lại vác cây song hòng cài cửa, lắp vội lớp cửa thứ hai - cửa ván gõ thật dầy.

- Bà con cô bác chợ Cây Đào nghe đây!

Tiếng loa. Trống của gánh Bầu Hỉ ồn quá, tôi nghe không rõ loa gì. Giờ này, chẳng lẽ Sơn Đông còn bán thuốc ?

- Nghe đây... Tại tui là gánh Hai Cũ...

Bây giờ thì rõ rồi. Không chỉ nhờ loa nói lớn, trống hát im, mà vì thiên hạ chợ Cây Đào náo loạn:

- Đảng ông Hai Cũ !

Cửa các nhà trong chợ đóng rầm rầm. Đèn đuốc vụt tắt. Ba Phẩm vặn ngọn măng-xông lụi mà quên xì hơi, đèn phun dầu,, mùi ngột ngạt. Căn tiệm chỉ le lói ngọn đèn đậu phộng trên trang thờ Quan Vân Trường.

Mẹ Phẩm từ nhà trên đi xuống nhà dưới, lại từ nhà dưới đi lên nhà trên, vừa đi vừa rên !

- Chết rồi.. chết rồi...

Giữa lúc,tiếng loa như khắc từng lời:

- Nghe đây! Bà con cô bác đâu yên đỏ. Không đóng cửa ! Nổi đèn lên !...

Tiếng cửa mở vang đều khắp chợ. Ánh sáng cũng đã xuyên kẹt vách vào tiệm.

- Nghe đây, gánh Hai Cũ bữa nay túng tiền, mượn đỡ vài chục cây lụa, cây hàng tiệm chú Hía... Chú Hía nghe rõ chưa ?

Chú Hía trả lời mau mắn, tuy giọng khàn khàn:

- Hà, dõ dồi... Ngộ mời ông Hai vô nhà uống nước...

- Cám ơn chú Hía, khi khác - Tiếng của đảng cướp mà tôi lại như từng nghe quen - Sắp nhỏ đâu! Vô tiệm chú Hía lấy đúng 10 cây lãnh, 10 cây xá-xị... Đứa nào lấy thêm một tấc, tao chôn sống!

Nhà Phẩm lặng trang, trừ tiếng khấn của mẹ Phẩm:

- Quan đại đế! Ngài cứu nhà con phen này... Nam mô Hớn Thọ Đình hầu...

Loa bây giờ chĩa vô nhà Phẩm:

- Nghe, đây! Đảng Hai Cũ tới thăm ông hương hào Ngọ... mượn vài chục lượng vàng xài đỡ... thứ vàng mà ông hương hào xiết của mấy người cầm đó!

Giọng loa như bỡn cợt, bỗng chuyền sang hung hăng:

- Mở cửa !

Ba Phẩm run lẩy bẩy. Mẹ Phẩm ngồi phệt xuống đất chắp tay ngó trang:

- Quan hầu .. Đại đế...

Lộ khoác khẩu súng, theo thang leo lên nóc.

----------------------------------------------------------------------
(1) Xe hai ngựa, không mui, dùng chở hàng. Trước, chuyên chở cá, nên có tên đó.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 02:46:07 pm »

- Tao biểu mở cửa! Hương hào Ngọ nghe không?

Tiếng giận dữ của đảng cướp mà tôi nghe quen quen ấy.

Hai phát nổ điếc con ráy, lửa nháng. Mẹ Phẩm mếu máo:

- Ông ơi! Mở cửa đi ông...

- Pháo tre... - Lộ nói vọng xuống. Anh đang vẹt ngói, dỡ rui.

Tôi nghĩ Lộ sắp bắn cướp. Nhứt tràng hỗn chiến tại đây, mình vô can vô cớ mà bị kẹt! Khổ quá.

- Lấy chày vồ ! - Người nói tiếng quen quen ra lịnh.

Đến hai ba chày vồ thi nhau nện đùng đùng. Cửa vẫn chắc khừ.

Lộ chĩa súng ra ngoài. Ba Phẩm kêu thất thanh:

- Đừ... ng... L... ộ...

Nhưng Lộ đã bóp cò. Hai phát đạn ria vọt lên trời. Vậy là va không dám bắn cướp mà bắn chỉ thiên.

Tôi nghe ngoài cửa có tiếng cười gằn:

- Ngon! Hương hào Ngọ gan ruột đầy mình. Mầy tưỏng cửa nhà mầy là thành đồng vách sắt, khẩu súng lửa của thằng mã tà Lộ là cà-nông... Tao muốn gọn mà mầy sanh sự... Bà con coi hát trễ là tại mầy... Bây đâu, khiêng cây cột gõ bên tiệm chú Hía qua đây mau...

Mẹ Phẩm vụt vô bếp - moi trong đống than ra cái quả sơn đỏ - chắc vòng vàng tiền bạc trong đó. Bà đem quả nhét dưới đít lu nước, chưa nhét xong lại đem đút vô kẹt tủ, rồi ngẫm nghĩ sao đó, lẩy bẩy leo lên trang, đặt sau tấm màn.

Từ phía nhà làng Bình Thạch, trống mõ hồi một nổi lên inh ỏi. Có cả hai phát súng lửa.

- Đ. m. ! Tụi làng Bình Thạch giỡn mặt với Hai Cũ sao chớ! - Vẫn giọng quen ấy - Cho bốn phát! Mời hương quản Đực giỏi thì mang đầu tới đây...

Bốn phát súng kế tiếp. Súngchớ không phải pháo tre.

Hình như răng Lộ đánh bò cạp khi va can mẹ - bà lại mò lên trang.

- Má cứ xọc xạch hoài... Để đó...

Va bảo Phẩm:

- Phẩm, tắt đèn...

Cánh cửa rùng mình. Tôi biết đảng cướp khiêng gốc cột gõ vừa dài vừa nặng, chạy lấy trớn rồi lao gốc cột vào cửa. Cửa chắc thì chắc, song chịu sao thấu.

Phẩm trầy trật lắm mới trèo lên đưọc cái trang, nó thổi tắt ngọn đèn đậu phộng, lúc mẹ nó luồn qua nách nó, bê cái quả xuống. Thang chật, hai mẹ con dồn với nhau, mẹ Phẩm trật tay, cái quả rơi xuống đất, cùng tiếng thét thất thanh của bà:

- Trời đất ơi... Bớ làng xóm ơi... Cướp...

Bà buông tay, rơi phịch theo cái quả.

“Rầm” ! Cánh cửa đổ kềnh, ánh sáng ngoài phố tràn vào nhà. Cái quả bật nắp, vàng bạc - dây chuyền, vòng, cà rá, hoa tai - văng tứ tung.

Có đến mấy họng súng chĩa vô nhà.

- Thầy đội, muốn bắn thì bắn đi... Còn không, thả cây súng xuống... Mời thầy xuống luôn!

Người có tiếng nói quen quen chính là anh ta, anh chàng tôi gặp độ nọ. Anh chẳng có gì thay đổi, ngoài chiếc áo bành tô xám khoác ngoài.

Lộ thả cây súng xuống rồi lục tục đứng trước đám cướp. “Bốp” ! Hai Cũ - không phải Sáu Cường như tôi đề quyết - táng cho Lộ một cú thẳng cánh. Máu mũi ướt mặt Lộ.

- Cho mầy giỏi bắn. Đồ mã tà tét mà cũng làm tàng!.... Tao lấy sạch bữa nay... Ở đó mà đợi hương quản Đực tiếp viện! Va lò mò tới, tao cho va thành hương quản cái !

Rồi, Hai Cũ ra lịnh:

- Lượm hết ! - Anh ta chỉ số vòng vàng trên nền.

Mẹ Phẩm giống kẻ chết rồi, khư khư ôm cái quả trống trơn, mắt toàn tròng trắng.

Bộ hạ Hai Cũ giật phắt cái quả, nhặt nhạnh mọi thứ bỏ vào.

Tôi thấy mình nín lâu ắt có hại nên lòn ra ngoài. Song, một tay cướp xô tôi chúi trở vô, hỏi:

- Chạy đâu?

Hai Cũ bây giờ mới nhận ra tôi:

- Ủa! - Anh ta chưng hửng.

Mẹ Phẩm xếp chè he, lạy như tế sao:

- Trăm lạy ngàn lậy các quan, các thầy, các ông... Xin nhờ phước thương giùm...

Bà lần đến níu chân Hai Cũ. Hai Cũ không để ý, anh bận nhìn tôi trân trối:

- Nhà chú nhỏ đây sao ?

Tôi đứng yên. Đáng lẽ lắc đầu, tôi lại không làm như vậy.

- Trả cái quả cho bà ta ! - Hai Cũ ra lịnh, giữa sự ngơ ngác của thủ hạ.

- Xin lỗi chú nhỏ. Qua không biết! - Hai Cũ nói khẽ với tôi.

- Tha cho lần này ! - Hai Cũ bảo gia chủ.

- Buồm!

Anh ta hô dõng dạc, quay lưng ra cửa, vứt cây súng của Lộ trên ghế.

Hai chiếc xe cá lọc cọc rời chợ Cây Đào.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 03:00:17 pm »

bốn

Buổi sáng mà lính mã tà (1)  - có lính sơn đá (2) phụ lực - kéo lên Rạch Đông bao vây khu rừng già nơi Hai Cũ đóng trại cũng là buổi sáng tôi bị bắt.

Lúc đầu, hương quản Đực mời tôi rất điệu: “Em ra nhà làng, có chuyện nhờ em”. Hắn nói cho mẹ tôi yên tâm: “Thím khỏi lo, chú Thắng là người thiệt thà, làng muốn chú giúp cho vài việc giấy tờ, chú học ở Sài Gòn mà! Cũng đôi ba bữa mới xong...”.

Dù hắn ngon ngọt, tôi vẫn phập phồng. Tất nhiên, tôi chưa rõ vì sao làng Bình Thạch mời tôi.

Khi tôi đến nhà làng, tiếng trái phá nổ rền trên rừng Rạch Đông dội về. Có lẽ, từ sau đêm Cộng sản dậy năm 40, dân vùng tôi mới có dịp nghe Tây bắn cà-nông.

- Cho chết mẹ tụi thằng Cũ!

Hương quản Đực khoái trá. Khi đó, tôi mới hiểu những chiếc cam-nhông đầy nhóc lính ỳ ạch leo dốc ông Hoàng chiều tối hôm qua là Nhà nước Lang Sa đi đánh Hai Cũ. Và, tôi cũng hiểu luôn tại sao tôi phải ra nhà làng.

Hương quản Đực trở mặt nhấp nháy. Hắn thạch nộ với tôi:

- Chắc mầy biết làng đòi mầy ra đây để còng đầu mầy... Đồ tiểu yêu!... Nghe tao hỏi: Mầy với Hai Cũ ăn chịu với nhau bao lâu rồi ?

Hắn dừng một lúc, tháo dây nịt nhét đầy đạn súng hai nòng đuôi vàng cháy, đặt lên bàn:

- Khai ngay thì tao giảm nhẹ tội cho... Bằng gian dối thì vô Ông Yệm (3)  đợi đủ tuổi ra Côn Lôn...

Tôi bực mình: Cái gì mà “ăn chịu” với Hai Cũ.

- Mầy đừng già hàm! Đừng tưởng học trò Sài Gòn có quyền lẽo lự... Thày Thì, có bằng cấp “đít-lôm”  , làm tới bực thày giáo mà tao còn đóng trăn được... Nếu mầy không phải phe đảng với Hai Cũ, tại sao bữa tụi nó đánh nhà ông bà nhạc tao, nó chào mầy ?... Tao biết ráo trơn... Mầy hò hẹn với nó ở chợ Biên Hòa, ăn nhậu linh đình... Có phải Hai Cũ sai mầy vô làm nội ứng nhà ông bà nhạc tao không? Nói đi ?

Thằng cha nầy tầm bậy ! Bữa đó, không có tôi, chưa biết ông bà nhạc của hắn còn cái chén ăn cơm không, Hai Cũ tưởng lầm tôi là con cháu trong nhà, nên nương tay cho. Đáng lẽ cả nhà hắn cám ơn tôi chớ !... Hèn chi mã tà Lộ nói giọng móc họng, khi gánh Hai Cũ “buồm”:

- “Đầu mục” của đại vương Hai Cũ mà tao không biết!

Phải dè sự tình tráo trở thế này, tôi lắc đầu hắt, để hương hào Ngọ sập tiệm cho rồi !

Tôi kể lại cho hương quản Đực chuyện tôi và Hai Cũ quen nhau. Nghe xong, hắn trề môi dài thượt.

- Mầy nói vậy, dốc ông Hoàng nó tin ! Tụi ăn cướp mà cũng có nghĩa khí... Bộ Hai Cũ coi mấy cắc lớn hơn bạc ngàn sao ?

Hắn vặn tôi. Thú thật, tôi “hoang mang”. Chuyện thì rõ như ban ngày: tiệm cầm đồ chỉ hư có mỗi cánh cửa. Hai Cũ không đụng đến một xu nhỏ của tiệm dứt khoát là vì tôi. Còn tại sao Hai Cũ coi trọng tôi đến cỡ đó thì tôi bí.

Hương quản Đực vặn tôi, song tôi thấy hắn “hoang mang” chẳng khác tôi. Hắn đành bỏ lửng:

- Để rồi mầy coi! Nhà nước còng đầu Hai Cũ về đây, nó khai tuột, mầy giỏi mà chối...

Hương quản Đực lầm bầm một lần nữa:

- Ăn cướp mà cũng bày đặt nghĩa khí!

Hương quản Đực hạ lịnh phó tuần kiểm còng chân tôi. Tôi không đủ thì giờ để rầu. Tôi tự an ủi: Họ vu oan giá họa mình, đâu còn có đó... Bởi, tiếng súng miệt Rạch Đông vẫn ầm ì.

Hai Cũ quả là “bán trời không mời Thiên lôi”, chớ phải chơi sao! Anh ta đâu thuộc hạng ăn cướp “lục lục thường tài”. Buộc Nhà nước Lang Sa đẩy cà-nông lên thụt, thật không hèn ! Tôi đọc nhiều sách nói về những tay hảo hán, song phần nhiều bên Tàu, đời xưa.
Hai Cũ lại bằng xương bằng thịt, tôi gặp mặt, biết tên... Tự nhiên, tôi ái ngại: Trái phá nổ trúng chỗ anh ta ở không ?

Chiều, đám lính kéo về. Tay nào tay nấy đều bèo nhèo như gà chạy rót. Nghe họ nói, tôi biết lính chưa lọt vô trại Hai Cũ. Tôi bỗng khoái trong bụng, quên khuấy cái còng đang siết chân tôi.

Đội Lộ làm mặt lạ, không nhìn tôi, chắc sợ tôi quảng cáo cái sự “anh hùng” của va: đưa mũi cho Hai Cũ nện. Va đeo súng để o mèo. Đội đã vậy, lính lác đánh đấm gì nổi. Tôi tức cười nhớ Hai Cũ kêu Lộ bằng mã tà tét...

Ngày hôm sau. Ngày hôm sau nữa. Súng tiếp tục ì đùng. Chiều chiều, đám lính lại kéo về, mệt mỏi. Vẫn chưa vô được trại của Hai Cũ.

- Ối! Cầu lính hết hạt Biên Hòa ào một lượt họạ may đụng sợi lông chưn của ông Hai… Người ta lão thông binh thơ đồ trận, dễ gì quánh phủng...

Phó hương kiểm, mỗi khi nhà làng vắng, hay rà rê với tôi. Ông ta không giấu sự ngưỡng mộ Hai Cũ - và do ông ta xếp tôi vào hàng ngũ Hai Cũ, nên cũng nể nang tôi.

- Cướp mà như ông Hai, cầu Trời khấn Phật cướp sanh con đẻ cháu dài dài...

----------------------------------------------------------------------
(1) Garde civile locale: Một thứ bảo an thời Pháp.
(2) Do chữ: “Soldat”, lính tập, lính chính quy.
 (3)Trại trừng giới dành cho vị thành niên.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 03:08:38 pm »

*
*   *

Tôi đang chập chờn thì nghe tiếng lạo xạo. Mười Lụa - vẫn áo xá xẩu - đang dặn phó hương kiểm:

- Lo cơm nước cho chị nầy với thằng nhỏ... Kiếm một tấm đệm...

Dưới ánh tọa đăng, tôi thấy một phụ nữ nách một đứa nhỏ - hai, ba tuổi, lối đó -khóc rấm rức. Chắc chị đã khóc nhiều nên mắt sưng vù.

- Ăn uống rồi, chị ngủ ở đây... - Mười Lụa chỉ gian đối diện với gian tôi đang nằm - Đừng có trốn nghe? Lính gác chung quanh, họ bắn chết, đa !

Mười Lụa xăm xăm lại chỗ tôi. Hắn co giò đá vào người tôi:

- Hôm thấy mặt mầy, tao đã biết. Thiệt tướng học trò mà bộ giò ăn cướp!... Cho mầy giỏi đãi rượu, mời cơm Hai Cũ...

Mười Lụa nghinh tôi một cái, xong bảo người đàn bà:

- Tôi cấm các người chuyện vãn...

Hẳn kêu phó hương kiểm lại gần, phụ nhĩ cái gì đó tay chỉ chị đàn bà.

Chị ta không ăn, chỉ đút cho thằng nhỏ. Thằng nhỏ ăn no, nghẻo một bên chị, ngủ say. Suốt đêm, tôi nghe chị khóc - khóc mà không nói một lời.

Mờ sáng, Mười Lụa, đội Lộ, hương quản Đực dẫn chị đi. Thằng nhỏ nằm chèo queo trên manh đệm, ủ trong chiếc áo bành-tô.

Nó thức giấc khi phó hương kiểm mở còng cho tôi đi ngoài. Nó khóc ré, đòi mẹ. Phó hương kiểm dỗ gì nó cũng không nín.

Tôi bồng nó sang chỗ tôi, cho ăn. Thằng nhỏ ăn hết hai chén cơm. Thức ăn chỉ là miếng khô nướng.

- Cháu mấy tuổi? - Tôi hỏi nó.

- Ba! Nó trả lời, giọng nhão nhẹt.

- Cháu con của ai ?

- Má !

- Ba cháu tên gì ?

Nó ngơ ngác. Phó hương kiểm đang dọn dẹp chén bát, hỏi:

- Tía mầy tên gì ?

- Cũ !

A, con Hai Cũ. Hèn chi cặp chân mầy nó đã bắt đầu rậm. Vậy thì ugười đàn bà kia là vợ Hai Cũ.

- Con nòi đa! - Phó hương kiểm lại nhận xét.

Gương mặt ông ta bỗng sụp buồn, ông thở dài:

- Quánh không lợi ông Hai, họ lập mưu. Mà, cái mưu không đường đường chánh chánh một chút nào...

Phó hương kiểm còng tôi trở lại, mang chén bát xuống nhà bếp.

Thằng nhỏ ý chừng mệt, co ro trong lòng tôi, ngủ tiếp.

- Điệu này Hai Cũ bó tay mất. - Tôi nghĩ.

Tôi càng lo hơn khi tiếng súng lặng yên suốt buổi sáng. Hai Cũ mà ra, phải còm róm trước tề. Đội Lộ lên nước, trả thù cú đấm sặc máu mũi, Hai Cũ chịu sao thấu... Tôi bỗng muốn: Hai Cũ đừng đầu hàng. Haì Cũ mà không đầu hàng, lính tráng làm chi được anh ta.

Thằng nhỏ phà hơi thở vào tôi Mặt bầu bĩnh cửa nó dễ thương quá chừng... Nhìn thằng nhỏ, tôi lại chao đảo: Hai Cũ không ra thì thằng nhỏ với mẹ nó ở tù.... Mới bây lớn mà vô tù.

Gần đứng bóng, tôi nghe tiếngxe thắng ngoài đường. Chút xíu nữa thôi, trắng đen sẽ rõ... Tôi ngóng ra cửa. Thôi rồi ! Tồi than thầm, y như chính tôi bại trận. Hai Cũ đi trước với vợ, Mười Lụa, Đội Lộ, hương quản Đực theo sau.

Hai Cũ mặc áo py-gia-ma lua, quần lẫnh lưng vận, đi giày hàm ếch, đội nón nỉ. Tay anh ta không bị còng. Cách ăn mặc và đi đứng của anh ta giống một tài phú dạo mát với vợ...

Vợ Hai Cũ thì cặp mắt vẫn đỏ chạch. Tôi thật lạ lùng về anh ta.

- Ủa!

Hai Cũ nhìn sững tôi. Nhưng anh ta đã cười.

- Thất kinh, hả chú nhỏ?

Vừa hỏi tôi, Hai Cũ vừa xốc thằng con đang ngủ vùi trong lòng tôi.

- Mới! Tía đây con...

Anh hun nó. Hun trơ hun trất. Thằng nhỏ choàng thức, nhìn ra mẹ, đưa tay đòi bồng. Hai Cũ trao con cho vợ rồi chống nạnh nhìn đám tề lính xếp hàng sau lưng anh. Lúc vắng anh, hương quản Đực “thằng Cũ nọ, thằng Cũ kia”. bây giờ xếp ve.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 03:20:33 pm »

- Mấy người già đầu hết ráo sao ngu như heo vậy? - Hai Cũ nạt, chẳng khác nào cai tổng nạt là -  Ai bày mưu độc sử bắt chú nhỏ nầy ?

Anh ngó thẳng hương quản Đực với mã tà Lộ:

- Nó là con hay cháu chi đó của hương hào Ngọ mà...

Tôi biết Hai Cũ lầm, nên nói đầu đuôi cho anh nghe:

- Vậy sao! Bậy quá hé... Phải biết vậy, qua lấy ráo... Té ra, tụi nó đền ơn em làm vậy...
Thôi được!

- Nè ! - anh “phán” - Chú nhỏ này có ơn với tui nên tui đền ơn. Không như mấy người.., Cục cứt còn có đầu có đít, nhà của mã tà Lộ thì lấy ơn làm oán... Thả ra ! Thả liền!

Hương quản Đực liếc Mười Lụa. Mười Lụa ngần ngừ.

- Sao ? Cãi tui hả ?

Giọng Hai Cũ càng sẵng:

- Giả tỷ chú nhỏ là gánh Hai Cũ, tui biểu thả, mấy người dám không nghe sao? Vậy thì đừng có trách! Tui sẽ khai với Tây là hương hào Ngọ mới thiệt đồng đảng của tui...

Hai Cũ quyền lớn quá ta. Tôi được mở còng.

- Bây giờ, mấy người dọn cho một bữa ăn. - Ra lệnh rồi, Hai Cũ hỏi tôi:

- Chú nhỏ muốn ăn giống gì ?

Tôi im lặng. Bao nhiêu câu hỏi trong đầu chưa được trả lời, ăn uống chi mà vội.

- Chú nhỏ hổng thèm ăn thứ của mấy người,.. Coi như món nợ của tui với chú lần sau mới tính được. Còn bây giờ, mấy người lo bữa cho tui.

Hai Cũ kê một dây một dọc các món, trong đó có sườn ram và tôm càng.

- Cho một thùng nước ấm ấm tui tắm thằng nhỏ coi!

Hai Cũ thậm chí không gọi ai, chỉ nói trổng, vậy mà lát sau có thùng nước.

Hai vợ chồng kỳ cọ thằng Mới, Mới thích quá, tóe nước vào tía, hai tía con cười nắc nẻ.

- Tới phiên tui tắm.., Mà nước tui lắm phải do hương quản Đực với đội Lộ xách... Người khác xách, tui không chịu...

Tôi ngờ mình nghe làm. Sao lại quá quắt như vậy? Nhưng, chính hai tay ấy khệ nệ khiêng thùng nước đặt ở chái cho Hai Cũ tắm. Tòi từng xem đám cúng đình, hương quản Đực nâng thùng nước giống như hương cả Thá - tía của y - thỉnh cái sắc thần hoàng, một niềm cung kính.

Cơm xong - bữa cơm nào khác bữa tiệc - Hai Cũ ngồi uống nước trên trường kỷ. Không có tay tề nào dám ngồi với anh ta. Hai Cũ lên giọng:

- Tui chịu ở tù mới ra đây. Vậy, mấy người cho vợ con tui về...

Vợ Hai Cũ lại khóc. Hai Cũ vỗ vễ:

- Nín đi, mình! Nhớ làm y như tui dặn...

Anh bồng thằng Mới, hun một chặp nữa.

Tôi đâm ra phục Hai Cũ: Vợ anh ta không phải là trang bóng sắc, chị có nước da bánh mật, tay to bè - tay của người củi lục làm ăn.

Hai Cũ tiễn vợ ra đường. Không có một dấu hiệu lo lắng nào trong anh.

Tề lính bu quanh mâm cơm rượu do Hai Cũ đãi. Anh bảo tôi:

- Chú nhỏ ở chơi, muốn về chừng nào thì về.

Tuy nôn nả thoát khỏi nhà làng, tôi vẫn thèm nói chuyện với anh.

- Lúc mới gặp, tôi nghi anh là Sáu Cường.

- Sáu Cường đánh võ đài hả?

- Ừ !

- Qua mà thèm làm Sáu Cường!

- Sao vậy?

- Đưa mặt cho thiên hạ đấm ăn tiền, tục tĩu thấy mẹ!

- Còn ăn cướp, bộ không tục tĩu sao?

- Có thứ cướp tục tĩu, thứ không?

- Thứ nào ?

- Thằng hương hào Ngọ cho vay cắt cổ. Thằng mã tà Lộ bỏ cớ cộng sản vô nhà người ta tống tiền. Thằng Mười Lụa mắt láo liêng, dòm tới cái quần lót của đàn bà. Thằng hương quản Đực ăn hối lộ từ nửa xu trở lên... Chú nhỏ thấy tụi nó có thúi ình không?

- Thôi được... Tại sao anh không sợ làng bắt chị Hai với cháu Mới?

- Sợ chớ! Bởi vậy, qua dặn phải trốn cho xa...

- Còn làng lính tại sao sợ anh?

- Sợ chớ! Trái ý qua, qua vượt ngục!

- Vậy thôi ?

- Thì vậy thôi... Qua vượt ngục trong địa phận tụi nó. Tây cạo đầu tụi nó! Mà, hễ vượt ngục thì qua quánh nhà tụi nó ngay tức khắc...

- Vậy thôi ?

- Chú nhỏ tối dạ quá ! Qua còn bạn bè. Tụi nó ngán bạn bè qua...

- Thôi được... Khó vượt ngục lắm !

- Dễ ợt… Qua muốn vượt là vượt...

- Tôi thấy họ thù anh lắm.

- Biết vậy… mà tụi nó không dám làm ẩu đâu... Chú nhỏ lo cho qua, qua cám ơn...

- Lần nầy, anh tính vượt ngục không?

- Ê! Đừng hỏi chuyện “thiên cơ bất khả lậu”!

- Chừng nào gặp được anh ?

- Chú nhỏ xạo dữ !

- Tôi hỏi thiệt: Tại sao anh đi ăn cướp?

- Chà! Nói tới mai còn chưa hết, vắn tắt như vầy: Phải chi không đi ăn cướp được thì qua đã không đi.

Tôi bịn rịn từ giã Hai Cũ. Anh ta dặn tôi - mà cũng là dặn làng lính:

- Chú nhỏ về nhà, kẻo bà già trông... Kẻ nào đụng tới chú nhỏ thì kẻ đó táng gia bại sản!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 03:27:49 pm »

*
*   *

Tôi được thả độ mươi ngày thì tin Hai Cũ trở về rừng lan tràn khắp vùng, không ai là không biết. Mỗi người nói một cách. Người nói xe bít bùng chở Hai Cũ về tới khám lớn, mở cửa ra, xe trống trơn, Hai Cũ chỉ để lại có mỗi... bãi nước đái còn sôi bọt! Người nói quan ba chánh tham biện mời Hai Cũ đi hóng gió ngoài Ô-cấp, cho “đầm” theo đấm bóp, Hai Cũ không chịu, “bổ sua” tham biện rồi “phi hành” mất tiêu ! Người nói Hai Cũ nhảy xuống sông Bình Lợi, “độn thủy” một cái rẹt lên Trị An...

Đồn đãi đủ kiểu. Điều chắc chắn là Hai Cũ về rừng thiệt tình và Hương quản Đực trốn biệt, mã tà Lộ hét léo hánh miệt nầy, tiệm cầm đồ Hương hào Ngọ hạ bảng.

Tin tức có đầu có đuôi là do phó hương kiểm. Ông ta kiếm tôi, làm ra vẻ bí mật mà giọng thì oang oang - ông ta khoái đến mức như trúng số độc đắc.

- Nè! Quá tay quá chưn... Xe chở “ổng” tới dốc cầu Bình Lợi, một tốp lính “hai hô” chận xét. Mười Lụa trình giấy, họ không chịu. Họ mở cửa xe... “ổng” phóng xuống đất, tay còn còng. Sáu lính mã tà áp giải không dám cục cựa. Riêng Mười Lụa móc súng... “Ổng” bắt họng súng... Ớn chưa? Mười Lụa bóp cò. Đạn tiện ngón tay cái “ổng”. Ghê chưa? “Ổng” xáng cho Mười Lụa nguyên cái còng lên đầu.,. Tốp “hai hô” - đồng đảng của “ổng” - ăn có thêm, Mười Lụa thành đống thịt bầy nhầy... Mã tà run sợ phát rét. “Ổng” tha hết...

- “Ổng” giữ lời hứa: Không trốn ở Bièn Hòa... Bực quân tử ăn một đọi nói một lời, phải không? - Phó hương kiểm làm như là người thay mặt cho Hai Cũ.

- Mã tà Lộ chưa tới số nên không theo áp giải... - Phó hương kiểm hít hà, tiếc rẻ...
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM