Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Tư, 2024, 02:00:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chân dung một quản đốc  (Đọc 41165 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #70 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2013, 03:10:10 pm »

Có đến hơn chục khẩu pháo 105 và 155 cất tiếng một lượt, từ các hướng: Trường đua Phú Thọ, Bình Điền, trại Trần Quốc Toản. Mặt đất gập ghềnh. Điểm hội tụ của các khẩu pháo là dãy lò gạch. Như vậy, sở chỉ huy bị lộ... Pháo chẳng qua là đợt mở đầu.

Từng ánh lửa lóe, hất gạch vụn rơi lộp độp trên nóc hầm.

Giữa tiếng miểng pháo chém gió rợn người, tổ trưởng tổ trinh sát kỹ thuật đến trước miệng hầm, báo cáo:

- Sắp ném bom... nó vừa lên tiếng trên bộ đàm, khi pháo bắn cấp tập. Trực thăng vũ trang sẵn sàng cất cánh từ trường đua Phú Thọ và chiến xa đang hướng về mục tiêu này...

Út Giảng ra khỏi hầm. Anh chỉ thị vắn tắt cho các cán bộ tác chiến. Trái bom đầu tiên của một biên đội Xcai-ray-đơ ném xuống khu vực, cái lò gạch đổ nghiêng, gạch cơ hồ lấp kín miệng hầm chúng tôi.

...Trong hầm còn Hương, Hai Cũ và tôi. Út Giảng, biết rằng từ phút này, trận chiến đấu trên mặt đất bắt đầu, đã dời sang chiếc hầm bên cạnh nơi đặt tổ thông tin vô tuyến.

Chiếc hầm chúng tôi âm phân nửa, trên chất nhiều bao cát, ngó ra cánh đồng. Ở đó, lố nhố nhiều xe bọc thép, số đông là loại M.113, cũng có vài chiếc M.41. Bọn lính, mũ sắt, chạy lúp xúp theo xe.

Xe bọc thép hạ nòng, nhả từng loạt đạn cày khắp cánh đồng. Nhiều ngôi mả đổ gục.

Chúng không vấp một sức kháng cự nào cả. Đạn đại liên xủi ngay cửa hầm chúng tôi. Khoảng cách giữa bọn Mỹ và tuyến phòng ngự của Mới rút ngắn dần. Tôi và Hai Cũ chen nhau quan sát. Hương, ngồi phía sau, luôn miệng nhắc chúng tôi:

- Chú Thắng với tía ngồi thấp xuống !

Một tiếng “uỳnh” rung chuyển. Chiếc M.41 dẫn đầu co giật, vụt đứng sững, ngập trong một biển khói đen quện.

- Lính của Mới chào nó rồi! - Tôi nói.

Đàn xe bọc thép, lổm ngổm như bọ hung, dừng lại. Các loại súng thi nhan rống. Rồi trận địa ta vụt im trở lại.

Một lúc sau, một chiếc M.41 mở mũi. Nó bò chưa được mấy thước thì một phát B.40 từ một công sự ngụy trang kỹ giữa đồng trống nã ngay mặt xe. Thêm một bựng khói vọt cao.

Trinh sát của ta phát hiện một đơn vị Mỹ-ngụy hỗn hợp đang men theo đại lộ, định đột kích sau lưng sở chỉ huy. Tôi hiểu rằng bọn này sẽ chẳng thể nào vượt qua nổi chiếc cầu nhỏ và sớm muộn gì cũng phải tháo chạy. Mối nguy hiểm là ở phía này, phía đồng trống cho phép chiến xa triển khai.

Đợt tiến công của địch tạm gián đoạn. Chúng cần dọn đường tốt hơn. Các tốp trực thăng vũ trang lại hoạt động - phóng hỏa tiễn vào các nơi chúng nghi là ổ đề kháng của quân ta. Tiếng hỏa tiễn nổ đanh, trùm hết trận địa.

Rồi, xe bọc thép tiến. Lại một chiếc nữa cháy.

Dù vậy, gọng kềm xe học thép vẫn cứ thắt. Một số lính của Mói đã bỏ tiền duyên, lùi ngay trước mặt hầm chúng tôi. Phạm vi xạ kích của trực thăng thu hẹp và bây giờ rõ ràng địch tập trung sức tấn công vào dãy lò gạch.

Mới, quần áo bê bết đất, đến hầm Út Giảng:

- Chú cho tập trung thủ pháo, đánh xuyên hông.. Chú ra lệnh cho X.10 ép phía hông kia. Năm phút nữa, chúng cháu xung phong... chính diện tạm thời cầm cự. Khi hai bên xuyên hông, cháu cho vỗ mặt thật mạnh...

Út Giảng đồng ý. Anh truyền lệnh bằng bộ đàm.

Mới xề sang hầm tôi, báo cáo. Nó gọi một tốp chiến sĩ đang ẩn trong đống gạch đến và ra lệnh gọn gay. Tốp chiến sĩ bắt đầu tháo các quả thủ pháo trên lưng nhấp nhổm chờ đợi.

- Cái thẳng khôn hơn cha nó! - Hai Cũ tấm tắc khen.

Hương vẹt Hai Cũ và tôi, ngồi ra miệng hầm. Cô rút một quả thủ pháo và cũng ở trong tư thế sắp sửa xung phong.

Trận địa sôi lên. Tiếng thủ pháo nổ ran hai bên hông đội hình địch.

Một tốp M.113 lù lù cách hầm chúng tôi vài mươi thước. Chiếc đầu tiên và chiếc thứ hai trúng thủ pháo, tốp lính của Mới đã lao ra đuổi theo hai chiếc toan thối lui. Chừng ba bốn tên Mỹ tuôn khỏi xe bốc cháy tựa đống gạch, bắn thẳng vào chúng tôi. Ba thủ pháo cùng lúc vụt ra - của Mới, Hương và - mèn ơi, của Hai Cũ, anh tranh với đâu được một quả, dập các khẩu súng chưa kịp bấm cò. Tôi nghe cả tiếng tiểu liên và súng lục từ hầm của Út Giảng.

Mới bỗng xô Hương vào hầm. Hai Cũ bị dồn sau phía trong, ngồi trước tôi. Mới chiếm cửa hầm. Thân hình lực lưỡng của nó che khuất hoàn toàn chúng tôi, như một bao cát to chắn đạn. Tôi chưa hiểu cái gì đang xảy ra, thì nghe Hai Cũ rú lên:

- Mới!...

Anh cố xô ra.

Hương bỗng nhô qua đầu Mới, thét thảng thốt:

- Anh!

Bằng một cái gạt cực mạnh, Mới hất Hương lộn vào hầm.

Tôi thấy một thằng lính Mỹ lầm lì chỉnh họng trung liên ngay cửa hầm chúng tôi.

Mới và Hương vung tay, khẩu súng ngắn của hai người chớp lên và họng trung liên cũng chớp, cùng một lúc... Một phát đạn thứ ba, chậm hơn, là của Hai Cũ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #71 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2013, 03:12:09 pm »

   hai mươi ba

Sau hiệp nghị Pa-ri, vùng giải phóng Đông Nam Bộ mở rộng. Tôi và Út Giảng từ Lò Gò sang Lộc Ninh bằng com-măng-ca, tạt vào thăm Hai Cũ.

Con đường Bổ Túc - Tống Lê Chân bị bánh các cỡ xe hằn, giữa nổi một đường gân, hai bên sâu hoắm. Chiếc com-măng-ca từng chặp lún sình, rụ ga hồng hộc.

Ngả rẽ vào nơi ở của Hai Cũ, vết xe càng loạn. Người ta đã đẵn gỗ lót mặt đường và những khúc gỗ chìm dưới lớp sình nhão, đỏ thẫm. Cày cầu bắc ngang suối lắc lư như đưa võng khi chiếc com-măng-ca rón rén lăn bánh trên nó, dán lên mặt cầu một vệt đất sét dẻo quánh.

Cơ ngơi của Hai Cũ nằm dưới tàu những cây dầu lá rộng. Vài mươi ngôi nhà cất tạm, nửa lộ thiên, đằng trước một đám rẫy. Vừa xa mưa, lá bằp non xanh mởn trải rộng giữa những gốc cây đen trủi - có vẻ đám rẫy vừa được đốt vội vã. Đến hằng ba bốn chục xc tải mang nhãn hiệu Liên Xô nép mình trong các bụi rậm.

Một xưởng sửa chữa ô-tô dã chiến. Cũng ánh hàn, cũng tiếng búa, tiếng máy xe...

Trạm thường trực gọi điện vào và Hai Cũ ra lệnh giữ chúng tôi lại. Đồng chí thường trực lễ phép mời chúng tôi ngồi đợi, đinh ninh là thủ trưởng của anh muốn tống khứ mấy ông khách không mời này. Đồng chí bảo vệ của chúng tôi nhụ nhĩ anh, anh lắc đầu:

- Cấp gì thì cấp ! Ông Hai bảo đợi thì phải đợi... Ông kia kìa...

Hai Cũ rảo bước.

- Các “huynh” quá bộ đến tệ xá mà không báo trước... - Anh bô bô khi còn cách khá xa chúng tôi.

Sau cái ôm chầm thân thiết, anh nhảy phốc lên xe cùng ngồi với chúng tôi, ra hiệu cho đồng chí thường trực - bây giờ vỡ lẽ - kéo cây chắn cho xe vào.

Chị Hai - gần 20 năm, tôi mới gặp lại, tóc bạc phơ - bồng một cháu trai lối một tuổi - rước chúng tôi vào ngôi nhà gọn gang, như hồi ở Bờ Cang - qua giàn bầu sai trái.

- Chà! Anh chị tệ lắm! - Tôi nói - Gả con Hạnh mà không cho tôi hay... Tới nó có con, tôi mới biết... - Tôi vuốt má bầu bĩnh của thằng bé. Thằng bé - đội mũ len, đi tất lon - nảy người, cười toe toét với tôi.

- Hạnh à, chào hai chú, đi con !

Một cô gái - nó hưởng những nét đẹp của cha: dong dãi, trắng trẻo - từ trong buồng bước ra, cúi đầu, mặt đỏ bừng. Tôi toan mắng yêu nó về vụ chồng con của nó thì vợ Hai Cũ đã bảo:

- Chú Tư rầy oan cháu... Nó đã có chồng, con gì đâu ! Thằng nhỏ là con của con Hương đó! - Chào ông đi, Khánh.

Tôi tròn xoe mắt. Thằng bé chòi hăng hái trên tay vợ Hai Cũ - Chị nựng nó:

- Ối, cháu tui giỏi quá !

Hương có lẽ đang bận bép núc, bây giờ mới ló mặt:

- Nghe khách, cháu tưởng ai... Chú Tư, chú Út khoẻ... - Nói được bấy nhiêu, Hương khóc òa. Nó gày hơn nhiều so với hồi Tết Mậu Thân.
Hương khóc, cả nhà Hai Cũ mủi lòng. Vợ Hai Cũ bệu bạo, con Hạnh cũng rơm rớm nước mắt. Hai Cũ rầy vợ con.

- Mấy chú mới tới, má nó và mấy đứa khóc giống đám ma, ai chịu nổi... Thôi, con Hương, con Hạnh lo bắt gà...

Anh cố bình thản, song giọng anh lại không bình thản.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #72 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2013, 03:13:52 pm »

Sau khi Mới hy sinh, Hương ngã bệnh. Nó rối loạn tâm thần. Theo đề nghị của Hai Cũ, chúng tôi chuyển nó về phía sau với Hai Cũ.

Tánh Hai Cũ ghét cái gì ướt át, mềm yếu, thế mà đối với Hương, anh chỉ một mực vỗ về. Anh đau vì mất đứa con trai đầu lòng, nỗi đau đó không nguôi ngoai về những đêm thanh vắng, Hương gào điên loạn:

- Anh Mới ơi! Đợi em với...

Anh bứt dứt, như chính anh gây ra cái tang ghê gớm này. Trong hoàn cảnh hết sức gay go sau Mậu Thân, anh cố thu xếp cho Hương về ở với chị Hai - trong vùng địch kiểm soái. Giao Hương cho vợ rồi, anh thắc thỏm. Hương mà có bề gì, thật anh không biết phải làm sao! Thỉnh thoảng, Hạnh báo tin Hương cho anh. Anh suy nghĩ và cuối cùng thấy rằng Hương cần lập gia đình. Chính anh đích thân chọn rể - anh coi Hương như con đẻ. Anh nhớ đến Thìn. Thìn đã về Nam, công tác ở ngành vận chuyển đường thủy thuộc Cục Hậu cần. Hai Cũ tìm Thìn. Trong khi đi tìm, Hai Cũ chắc mẻm chuyện con Hương sẽ xong ngay. Đến chừng gặp Thìn, anh ngập ngừng mãi. Ờ ! Dựng vợ gả chồng thời nay phải đâu tùy cha mẹ. Anh chưa hỏi con Hương. Anh lại chỉ quan hệ với Thìn trong công tác.

Nhưng, chẳng lẽ cất công mấy ngày đường, gặp nó, hỏi tình hình ăn ngủ, rồi thót lên Hon-đa về ? Sau cùng Hai Cũ nói. Anh nói hết, kể cả tình trạng tâm thân chưa ổn của Hương. Anh đưa ảnh của Hương cho Thìn xem, Thìn không ngạc nhiên chút nào về thủ trưởng của mình, còn thông cảm tấm lòng của một người cha. Cậu xin phép trả lời sau, cám ơn Hai Cũ.

- Bỏ mẹ! Nó không chịu!...

Hai Cũ tự trách; làm mất mặt Hương.

- Phải chừa cái tánh láu táu này mới được, nó còn trẻ, thiếu chi chỗ...

Hai Cũ về cơ quan, rầu rĩ, coi như xe lửa trật đường rầy rồi! Đùng một cái, Thìn biên thơ cho anh: Thìn đồng ý. Hai Cũ mừng rơn: phải vậy chớ !

Nhưng, Hai Cũ mừng không lâu: Lỡ con Hương không chịu thì sao ? Coi bộ nó nặng tình với thằng Mới quá! Anh trả lời cho Thìn. Thơ anh đầy lộn xộn: Trước hết, anh vui mừng được Thìn làm rể, kế đó, anh nói là chưa hỏi ý kiến Hương, nếu Hương không chịu thì Thìn đừng giận anh, dù không nên vợ nên chồng với con anh, anh vẫn nhận Thìn là rể. Kết thúc, anh khuyên Thìn “vững niềm tin” !

Anh đón Hương vào căn cứ. Chưa nghe anh nói hết, Hương khóc ào ào. Thây kệ ! Nó khóc cho vơi bớt... Vợ Hai Cũ bực anh, cằn nhằn cửi nhủi cả ngày. Nhưng chính chị với Hạnh làm mềm lòng Hương.

Anh lại viết thơ, mời Thìn đến.

Gần đám cưới, lúc mà Hai Cũ bắt đầu “say sưa với thắng lợi”, Hạnh bắn một phát “cà nông phản lực” làm Hai Cũ xửng vửng:

- Anh Thìn với chị Hương lấy nhau là vì thương tía !

Đâu có được ! Tụi nó ăn ở với nhau cho tới răng long đầu bạc mà chỉ vì Hai Cũ thì... anh chịu tiếng chửi chó mắng mèo sao thấu !

Anh sừng sộ với Thìn:

- Nếu mầy thương hại con Hương hay nể tao thì mầy còn thì giờ rút lại.. Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên !

Thìn thưa thật: Quả lúc đầu, cậu ta tội nghiệp Hương một phần, phần nhiều là tội nghiệp Hai Cũ, nhưng bây giờ, cậu ta yêu Hương.

Hai Cũ bảo Hương:

- Chẳng may thằng Mới hy sinh, tía không nỡ để con ở góa mãn đời... Tuy vậy, việc vợ chồng hệ trọng, ừ hay không, là tự con. Tía chỉ muốn con quên thằng Mới. Con có chồng mà không vui thi tía còn khổ hơn thập bội.

Hương cũng thưa: Cô ta thủy chung không bao giờ quên Mới. Cô bằng lòng lấy Thìn vì Thìn không ghen với người đã khuất. Thìn thương cô là do cô luôn nghĩ đến Mới. Theo cô đó là hạnh phúc.

Hai Cũ mở cờ trong bụng. Anh “lên lớp” Hạnh một bài. Hạnh vừa nghe vừa cười. Nó cười giống gì cà? Hai Cũ chịu thua.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #73 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2013, 03:16:56 pm »

*
*   *

- Chú Tư còn nhớ thằng Lộ không?

Hai Cũ nhắp chén rượu, hỏi tôi, tại mâm cơm.

- “Mã tà lét” Lộ, sau là thiếu úy, sao không nhớ ! Anh ruột Phẩm..

- Ừ, hắn đó đa... Còn thằng Dẻo?

Tôi quên phứt ai tên là Dẻo.

- Thì, cái thằng dính vào đám “chĩa” chú ở dốc Bà Bành đó !...

- Nhớ rồi... Dưới trướng cùa “thủ lãnh” Sáu Xít. Được anh phong làm thủ lãnh mà.

- Ừ... Tôi gặp hai đứa !

Hai Cũ khề khả kể: Tôi đi “công khai” từ Dầu Tiếng xuống Sài Gòn để từ Sài Gòn đi Cần Thơ. Chú cũng biết, tôi lạ gì ngữ xe cộ, lính tráng. Vậy mà, ngồi lên xe đò rồi, ớn xương sống, chớ lôi thôi sao? Liếc chung quanh thấy khá nhiều mặt rằn rện! Thằng thì đeo kiếng đen gọng bằng gọng bừa, thằng tóc phủ vai như đàn bà sanh non rụng tóc, thằng ngậm ống vố môi xệ cả tấc ! May số đông là dân sở đi làm ăn hoặc thăm bà con. Mắc để ý mấy tay “khả nghi”, tôi quên phứt một người ngồi cạnh tôi. Va bận quần áo nhà binh, tay áo xắn lòi dấu xăm... Đôi lần, tôi cũng có ngó qua va. Va đội mũ lưỡi mèo, màng tang thò cả bệt tóc muối tiêu. Va đeo cấp bậc thượng sĩ. Coi bộ nghèo lắm: áo quần không ủi, giày không đánh xi... Xe chạy khỏi Bến Củi, va ngó tôi thường hơn. Tôi nhột nhột trong bụng, nhưng làm gan, ngó thẳng va. Va ốm nhom, mắt trõm lơ. Hình như tôi đã gặp va ở đâu đó... Va tụt lột mũ, cười với tôi:

- Ông Hai mạnh giỏi!

Mặc dù va xởi lởi, tôi giật thót: chết cha! Đành phải đưa đẩy cho qua tang lề:

- Cám ơn, mạnh ! Còn chú ?

Va vò cái mũ:

- Dạ ! Mạnh thì mạnh mà cực lắm... Ông Hai còn nhớ con không?

Giọng nó hiền khô. Nó xưng “con” ngọt xớt, không có vẻ gì dụ khị tôi.

- Nhớ chớ! - Tôi làm hộ xăng xái, kỳ thật nhớ chưa ra. Va là ai cà? Quen với tôi hồi nào?

- Con là Dẻo ! - Va xưng tên.

- A ! Dẻo... - Tôi làm bộ niềm nở, tới lúc đó, vẫn truy không ra gốc tích va. Có lẽ va biết tôi vồn vã cho phải mà thôi, nên va nói, đúng hơn, va bỏ nhỏ, chỉ đủ mình tôi nghe:

- Ông Hai có lần muốn “bắn bỏ” con đó!

Tôi dường như ngồi trên đống lửa. Chú biết tôi hăm “bắn bỏ” hằng muôn đứa, thằng này thuộc thứ nào đây ? Tôi nghĩ, bây giờ mà “a de” thì chết, nên lấn thêm:

- Nhớ ! làm sao quên dược... Mà, chú còn tiếp làm bậy nữa không ? - Tôi nói bông lông vậy.

- Dạ ! Đâu đám... - Va nhỏ nhẹ.

Tôi trót phóng lao, theo lao luôn:

- Đâu dám...! Hừ... - Tôi “hừ” mà ngó chăm băm bộ quần áo lính của va.

- Dạ! Con, sau lần ông Hai phong làm thủ lãnh đó, bị Sáu Xít đòi cái mộc lại...

Tôi đã nhớ mài mại va, tuy chưa thật rõ.

- Rồi, cả nó với con, không đứa nào giữ mộc. Con chẻ chụm lửa. Tây kéo tới ào ào... Con bị bắt, phải vô lính... Con có nghe ông Hai “xử tử” Sáu Xít !

Thằng nó rành nhiều chuyện đây. Nhưng mà, tôi phong cho va làm “thủ lãnh” bao giờ ? Thủ lãnh là chức gì ?

- Cái cậu bị Sáu Xít tính đem giết đó, nhờ ông Hai cứu, người ta đồn làm quan lớn bên Việt cộng, phải không?

Đúng rồi ! Nó nhắc chú, tôi mới nhớ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #74 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2013, 03:20:01 pm »

- Con đi lính - lính sai vặt mà - tới ba bốn trào: Tây, quốc gia ông Bảo Đại, quốc gia ông Diệm, ông Thiệu... Cái số của con nó hèn đi lính hồi trai trẻ, nay già khú đế rồi, chưa bò lên chức chuẩn úy nổi... - Giọng va bùi ngùi. - Con bây giờ làm lính gác sở cao-su... Vợ cạo mủ, một bầy con. Vợ con đẻ năm một, tới Út Một, Ú Hai, Út Ba... Nói ông Hai thương, bữa đói bữa no. - Hình như va sụt sịt khóc.

Tôi hết sợ va. Va không phải là đứa tồi tệ.

- Con không theo được ông Hai, song cũng hỏi thăm hoài. Tụi nó nói ông Hai làm bự, đâu tới quan tư, quan năm Việt cộng lận... Con mừng cho ông Hai !

Nó khào khào bên tai tôi, giọng pha lẫn tự hào và tôn trọng.

- Ông Hai xuất kỳ bất ý đi xe đò một lần thì không sao, nhưng đừng đi thường, lỡ có đứa nhìn mặt, khó cho ông Hai...

Thằng biết điều quá! Nó nghèo chí tử, chỉ cần tố cáo tôi với đồn công an ngụy nào đó thì dư sức kiếm năm bẩy chục ngàn...

- Chú khá lắm... Qua khen chú... Sớm muộn gì nước mình cũng độc lập, hòa hình, chú rán giữ đừng làm bậy... - Tôi khuyên nó.

- Con mà làm bậy thì đâu còn sống tới ngày nay !... Ông Hai có đi miệt lục tỉnh, nên tránh bến Bắc. Ba Lộ làm thiếu tá biệt kích Mỹ, đóng ở Vĩnh Long... Ông Hai nhớ “mã tà” Lộ không ?

Tôi cám ơn va. Tôi bỏ túi va một ngàn đồng. Va nhứt quyết trả lại:

- Ông Hai cho con, con đội ơn... Mà, ông Hai đâu có làm ăn buôn bán gì sanh lợi, chẳng qua lãnh lương như con, sợ còn thấp hơn con... Ông Hai giữ tiền đó phòng hờ...

Tôi mời va thuốc, va nhận.

Nhân tiện, tôi hỏi va về gia đình cai tổng On: con Cách làm đĩ Tây đã thèm, làm đĩ Mỹ, Đại Hàn, bị thứ bệnh hoa liễu gì đó, kêu bằng “Hoa hồng Cao Ly” xì khắp mình mẩy, bây giờ ăn xin ngoài Vũng Tàu. Bang biện Đơ chết già. Thơ ký tòa bố Troa lên tới chức Tổng trưởng, táp kịch liệt, qua Tây ở rồi. Thằng Xanh không biết tin. Con Xết lấy thằng Phẩm, giải nghệ điếm nhưng hành nghề chứa điếm, mở tiệm tắm hơi. Con Yến vừa làm bé thằng Phẩm vừa ăn ở với một chệt già... À, hương quản Đực chết xanh cỏ hồi đồng khởi. Nó lên chức cai tổng, kháng chiến lần thứ nhất không khử nó nổi, kháng chiến thứ hai mới gạch được tên nó...

Tôi với Dẻo xuống xe ở Ngã tư Bảy Hiền. Tôi đãi va một bữa hủ tiếu... Va quyến luyến không nỡ rời tôi !

Hai Cũ kết thúc câu chuvện bằng câu:

- Tội nghiệp cái thằng !

Hai Cũ chạm trán thiếu tá Lộ trong một hoàn cảnh khác. Nghe lời Dẻo, Hai Cũ tránh bắc Mỹ Thuận. Anh theo ngả An Hữu - Cao Lãnh bằng xe lam. Anh định đi tắc ráng từ Cao Lãnh lên Long Xuyên, từ Long Xuyên xuôi xuống Cần Thơ. Đi vòng, tuy xa, song chắc ăn. Người giao liên - một phụ nữ đứng tuổi - tán thành cách “lộn rồng lộn rắn” của anh. Chị dặn Hai Cũ: Lên tắc-ráng, lính có hỏi, thì khai là con gái đau “bịnh đàn bà” nghe Long Xuyên có thầy Bảy Thiều giỏi nên đến hốt thuốc.

Cái tên Bảy Thiều dễ nhớ, vậy mà có mấy phút, anh quên béng. Ngồi vào tắc-ráng, anh kề vào tai chị giao liên, hỏi: - Bảy gì ?

Tắc-ráng đợi khách, chưa chạy. Anh lại quên tên ông thầy thuốc “bệnh đàn bà”. Chị giao liên nhắc. Anh nhẩm trong bụng. Ngó sông Cửu Long, ngó phía chợ Sa Đéc một hồi, anh quên lần nữa cái lên ông Bẩy. Chị giao liên tức bực, kề tai anh, nhấn mạnh:

- Bảy Thiều ! Dây Thiều ! Dây Thiều !

Chà ! Bảy Thiều đã khó nhớ, thêm món dây thiều cho nó rối... Đâu phải hễ dây chỉ có dây thiều ? Dây cót, dây luộc, dày mây, dây lác, dày lòi tói... thì sao ? Hai Cũ bần thần với cái tên của ông Bảy Thiều.

Anh không ngờ, trên bờ, một người mặc sơ-mi trắng ngắn tay, quần téc-gan chăm chú ngó anh. Chị giao liên thúc nhẹ Hai Cũ. Trông lên bờ, mắt anh và mắt người ấy đụng nhau. Một người da tai tái, môi mỏng, mắt một mí, loại mắt lươn. Anh than thầm: Thằng Lộ ! Thời của anh tới đây là dứt. Được ! Mầy cùng chết với tao... Anh quan sát; chừng bốn năm đứa đi với Lộ. Miễn tao giáp mặt với mầy, mầy phải chết... Lũ kia can thiệp không kịp đâu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #75 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2013, 03:22:28 pm »

- Anh Hai ! Mời anh lên bờ, tôi có chút chuyện muốn nói với anh. - Lộ nhăn nhở gọi Hai Cũ.

- Vén màn rồi! - Hai Cũ đứng lên. Anh nói thiệt nhanh với chị giao liên. - Đừng ra mặt... Báo cáo với mấy anh !

Hai Cũ bước lên bờ. Anh co tay.

- Ta nói chuyện hòa hình mà anh Hai! - Lộ giật lùi. - Tánh anh chưa đổi ! Thù tôi lắm sao ? Ở đây, anh không liều được đâu... Chúng tôi hạ anh trước khi anh đụng tôi! Nói thiệt đó... Tôi biết anh là ai, đi đâu... Tôi muốn bàn với anh lợi cả đôi bên...

Thằng “mã tà tét” này với mình còn mối thù “sặc máu mũi” năm xưa... Nó xổ giọng luỡi đường phèn là để bắt sống mình... Tao nói cho bây rành: đừng hòng bắt sống Hai Cũ. Giết mầy có thể khó, làm cho mầy giết tao, đâu khó !

- Anh Hai vô quán uống nước... Anh nhớ, tôi với anh đã từng uống nước ở đường 15 rồi... Cách nay tới hơn hai chục năm.

Ừ , vô quán thì vô ! Làm gì làm lẹ lẹ đi ! Hai Cũ hiên ngang kéo ghế ngồi. Lộ giữ khoảng cách “an toàn” với anh. Hắn kêu la-ve. Bọn của hắn quanh quẩn ngoài quán. Bây giờ Hai Cũ mới nhìn kỹ Lộ. Tuy da hắn láng lưỡng, mặt đỏ au, cả người nung núc thịt song tất cả những bề ngoài đó không che nổi cái già bao trùm hắn. Mắt hắn lờ đờ. Chân mày chen vài sợi bạc. Nhất là hơi thở mệt nhọc, tuổi hắn nhỏ hơn Hai Cũ song cơ bắp của hắn nhão nhẹt.

- Tôi theo anh từ An Hữu. Anh không thấy tôi mà tôi thấy anh... - Lộ nói - Tất nhiên, tình cờ gặp anh, tôi định bắt. Tôi là thiếu tá biệt kích Mỹ, bắt một cán hộ hậu cần cấp tá của Việt cộng, thế nào cũng lên lon...

- Sao chưa còng tôi? - Hai Cũ bốp chát.

- Anh chưa bị còng có nghĩa là tôi thav đổi ý kiến... - Lộ nhún vai.

- Đừng hòng dụ tôi...

- Anh Hai không biết mình biết địch gì ráo! - Lộ cười, bọt la-ve đóng vành môi, khiến cái cười của nó them đểu giả - Hồi anh Hai còn làm “vệ binh” mà tôi chưa dụ anh Hai được, huống hồ anh Hai đã kháng chiến hai lần...

Nó lừa banh làm hoa mắt thủ thành để chọc thủng lưới đây ! Đồ ranh con. Đầu tao có sạn, đến thằng cha mầy chưa qua mắt nổi, đừng nói mầy...

- Vòng vo tam quốc hoài ! Rao vậy là đủ, vô đề đi... - Hai Cũ hầm hừ.

- Anh Hai nóng nảy quá!... Được, tôi “vô đề”... Anh Hai là sĩ quan hậu cần “phía bên kia”. Người ta phái anh đi mua cái gì? Tụi Quân đoàn 4 hẹn bán cho anh cái gì ?

Thằng này nói chuyện bắt quàng!

Sự im lặng của Hai Cũ bị Lộ hiểu theo ý của hắn:

- Tôi không tra gạn để làm khó làm dễ anh đâu... Thôi, nói hay không, tùy anh. Tôi hỏi thẳng anh: anh trả một máy bộ đàm PRC 10 mới tinh, còn trong thùng, là bao nhiêu ? Máy PRC 25 ? Tỷ lệ trả bằng bạc Việt mấy chục phần trăm, bằng đô la mấy chục phần trăm? Tỷ giá hối đoái một đô-la ăn mấy chục đồng Việt ?

Hai Cũ bắt đầu hiểu. Anh gật gù, uống một hớp lave. Có lý rồi! Chắc mình không bị nó bắt đâu.

- Ngoài máy PRC, anh cần gì nữa ? Máy phát điện 10 ki-lô-oát, 25 ki-lô-oát. Hoặc công suất cao hơn; 100 ki-lô-oát. Toàn đồ nhà binh Mỹ chưa khui. Xe Honda 90, 100. Máy tàu 30 ngựa... Máy VTĐ... Phụ tùng ra-đi-ô... Dây diện, muốn mấy chục ngàn thước cũng có, dây cứng, dây “súp”, máy điện thoại, dây điện thoại, máy phát sóng siêu tần số... Hay thuốc, dụng cụ y tế... Thuốc nổ cũng có. Cần súng M79 không ? - Lộ liệt kê danh mục đủ loại.

- Tụi Quân đoàn 4 không dồi dào bằng tôi... cả Quân đoàn 3, cả Biệt khu Thủ đô... Tụi nó đã không dồi dào bằng mà giá thì cắt cổ... Lại không đảm bảo vận chuyển. Làm ăn với tôi, anh khỏe ve. Anh cho điểm đổ hàng dọc biên giới, chỗ nào cũng được. Tôi cho đổ bằng trực thăng. Nói thiệt, anh muốn tôi đổ gạo, tôi cũng đổ... Đổ dưới Lò Gò, tiện cho các anh hơn... Sao?

Trước khi chia tay, Lộ thổ lộ điều sâu kín trong lòng hắn:

- Anh Hai còn hăng... Tôi thì hết hơi rồi ! Đánh nhau mấy chục năm, ngán tới họng. Cha Thiệu hô hào đánh, kệ chả. Hội nghị Pa-ri thế nào cũng kết thúc... Ở với mấy anh, đâu xiết, tôi dông thôi. Mà sang Mỹ muốn khỏi làm bồi rửa chén, phẳi dằn túi nặng nặng... Tôi tốn cả triệu đồng lo lót mới xin được cái chức phụ tá biệt khu trưởng này... Chỉ cần một năm, tôi trả chức... Anh có các thứ để đánh Mỹ, tôi có tiền..

Rồi, nó trắng trợn:

- Anh không phải là sĩ quan hậu cần tôi đã bắn anh từ ngoài An Hữu kìa!

- Chú thất thằng Lộ “dễ sợ” không? Tôi sẽ móc họng nó đòi đủ số tiền nó táp của ta. - Hai Cũ tợp một tợp rượu, chùi mép, khẽ nhăn mặt...

Tôi nghe Hai Cù nói mà thấy vui trong bụng: Hai Cũ trước đòi lột da cai tổng On với Hai Cũ đòi móc họng Lộ - tới hai Hai Cũ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #76 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2013, 03:24:46 pm »

   hai mươi bốn

Đoàn xe dồn đống. Trưa tháng tư đổ hào quang. Ven lộ, những chiếc xe quân sự lật chỏng gọng, cháy bừng bừng, trời đã nóng mà như được chụm thêm củi. Nơi mé vườn cao su - lá vàng hoe - một tốp ngụy núp trong các công sự chưa chịu đầu hàng, bởi lâu lâu, một băng đạn phát ra từ đó nhắm vào đoàn xe chúng tôi mỗi lúc mỗi dài ra.

Út Giảng bực mình. Anh nhảy phóc khỏi chiếc com-măng ca, thân hình bé nhỏ của anh trong một loáng đã đến bên xe thông tin. Tôi cũng sốt ruột, cứ ngóng lên ngóng xuống.

Đằng trước hình như có một cây cầu.

- Điệu này, tụi Sân Dù tạm rạp trước mũi đột kích của quân đoàn ta, lại mò ra nổ sập cầu đây...

Tôi phán đoán với đồng chí trợ lý tham mưu cùng chung xe.

Đồng hồ tay chỉ 11 giờ hơn.

Út Giảng quay về. Anh càu nhàu:

- Một tăng của ta đứt xích, quay ngang cản đường. Tôi đã ra lệnh dùng một tăng khác húc nó.

Tôi nhẹ nhõm. Cấu chưa hề hấn.

Bỗng, súng rộ. Loại 12 ly 7 tự hành. Đạn quét sườn chúng tôi, có vẻ hung hăng. Tất cả chúng tôi lao xuống xe, nấp bên vệ đường. Một số lính của ta trả lời bằng các loạt tiểu, trung liên. Một lúc, cả pháo trên tăng ta cũng cất tiếng. Nlhưng, vẫn chưa bịt mõm được lũ tàn binh này.
Út Giảng, sau khi trao đổi với tôi, ra lịnh cho một đơn vị xe bọc thép của ta bung rộng vào vườn cao su. Lịnh của anh chưa được chấp hành thì từ phía cuối đội hình, ba chiếc com-măng-ca mui trần tách khỏi đoàn, men sát vườn cao-su, rồi như ba mũi nhọn, lao tựa cơn lốc thẳng vào những lùm cây đang lay động. Trên xe, nhiều cỡ súng nổ giòn.

- Sao xung phong bằng xe com-măng-ca ? Nguy hiểm quá! - Tôi hỏi Út Giảng. Anh lắc đẵu, không hiểu. Xe bọc thép của ta đã triển khai, nối đuôi ba chiếc com-măng-ca.

Một chiếc com-măng-ca vụt sựng lại chao đảo, rồi thấy rõ bóng người vọt xuống đất và họ nấp vào mấy gốc cao-su, tay tung thủ pháo, trong khi chiếc com-măng-ca trúng đạn, bốc lửa.

Xe bọc thép của ta dàn hình vòng cung, khép dần, như bàn lay chẹn cổ họng địch.

Đường đã thông. Dù cuộc chiến đấu bên sườn chúng tôi chưa kết thúc, chúng tôi vẫn cho xe nổ máy. Đoàn xe giống con trăn khổng lồ, quẫy khúc về hướng Sài Gòn.

Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm, Cầu Tham Lương. Sắp đến Bà Quẹo. Đoàn xe ngừng. Một sĩ quan từ xe thông tin đến báo cho chúng tôi lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch. Như thế, quân ta đã chiếm sân bay, Bộ tổng tham mưu và các cánh đang lọt vào trung tâm thành phố. Chúng tôi phải tiếp cận thật nhanh các mục liêu đã được phân công.

Giữa lúc Út Giảng nhắc lại các nhiệm vụ cụ thể của các đồng chí chỉ huy các đơn vị - anh đứng giữa, các đồng chí chỉ huy bao quanh, choán cả mặt đường - thì hai chiếc com-măng-ca mui trần trờ lti, cả hai đều xơ xác, đèn vỡ, đầu xe lỗ chỗ vết đạn. Mỗi xe chất đến chục người.

Út Giảng ngừng nói, nhìn hai chiếc com-măng-ca bướng bỉnh, chiếc trước thọc mũi sát nhóm sĩ quan. Anh gắt:

- Chạy đâu mà lộn xộn vậy ? Đơn vị nào? Lùi ngay !

Một người to lớn xuống xo. Ông ta trật chiếc nón cứng màu xanh, lấy khăn tay lau khói và bụi bám đầy mặt. Út Giảng sửng sốt:

- Ủa! Anh Hai...

Hai Cũ cười:

- Báo cáo. Đơn vị hậu cần...

- Bộ anh Hai xung phong hồi nãy hả? - rồi nhảy đến bên anh, hỏi.

- Cháy hết một xe rồi... Dồn ráo ban bệ lên hai chiếc. Thời buổi này hửi bụi phía sau, ai chịu nổi!

Hai Cũ không trả lời thẳng câu hỏi của tôi.

Phải nói rằng trong bộ quân phục màu lá cây dơ hầy, lưng súng ngắn, vai AK, ngực băng đạn, mái tóc lốm đốm bạc, Hai Cũ trông thật là đẹp.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #77 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2013, 03:26:51 pm »

*
*   *

Chiều hôm đó Út Giảng và tôi vào thành phố. Xe chúng tôi chạy chậm. Mặc dù có lệnh giới nghiêm và cuộc chiến đấu thựrc tế chưa dứt - súng vẫn còn nổ ở nhiều điểm, nổ dữ dội nữa - con đường Lê Văn Duyệt không có vẻ gì đã trải qua giờ phút hãi hùng. Người ta đồ xô đen nghẹt hàng hiên, ngắm nhau và ngắm chúng tôi. Ngọn cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng không biết được may tự hồi nào - trang sức con đường vốn khá dài này một màu chói lọi.

Tôi ngồi trên xe mà ngỡ mình trôi giữa dòng sông kỳ lạ. Thực tại sờ sờ đó, song, trong buổi giao điểm này, tôi tại muốn sống với quá khứ. Út Giảng - vốn ít lời - hỏi liên miệng đồng chí cán bộ từng lăn lộn ở Sài Gòn về đủ thứ chuyện. Cũng dễ hiểu thôi, Út Giảng sẽ làm việc trong Ủy ban Quân quản Thành phố.

Xe đến chợ Bến Thành. Một đám khá đông bộ đội, tự vệ vũ trang và dân chúng trộn lẫn vào nhau. Tôi dễ dàng nhận ra Hai Cũ trong cái biển người lộn xộn đó. Anh vẫn ăn mặc như trên đường hành quân cấp tốc trưa nay. Tôi chợt nhớ câu thơ của vua Trần: Người lính già đầu bạc kể mãi truyện Nguyên Phong.

Người lính già Hai Cũ hẳn là đang nhắc những kỷ niệm của anh trong 30 năm đánh giặc. Anh nói khá hăng. Không nghe lời, song tôi đoán anh sống lại những đoạn đời dọn trước cho cái ngày đảo lộn ghê gớm này. Anh vung tav, anh lắc lư người, anh ném tất cả sức lực vào câu chuyện.

Út Giảng và tôi rời xe, thả bộ gần anh. Mải miết nói, Hai Cũ không quay lại nên không hề biết chúng tôi đứng sau lưng anh.

- Hiểu chưa? Tôi nhắc cho các bạn nhớ; thành phố còn nguyên. Phải giữ gìn nó. của tụi mình chớ của ai? Phải không? Đứa nào tính phá nó, tính làm cho nó mẻ viên gạch thôi, cũng đáng tội xử tử...

Té ra Hai  Cũ không nói về cái đã qua. Những người nghe anh im lặng, thậm chí, có người há hốc mồm.

- Trần ai khoai củ mới giành đặng nước... Tôi nói không trúng sao? - Hai Cũ sừng sộ, không có lý do, nhưng anh đột ngột chuyển giọng - Ở đây, có bà con nào biết Tám Trà không ?

- Tám Trà nào? - Một người hỏi lại.

- Tám Trà là thằng cha có lẽ quê ở Hàm Tàn, Xuyên Mộc đi lính ngụy rồi trốn, ăn cướp miệt Sông Ray. Người va cao cao, xăm tay, da đen đen...

Tất cả nhíu mày, cố nhớ. Chắc họ nghĩ rằng Tám Trà liên quan gì đây với ông giải phóng trọng tuổi đang nói chuyện với họ - tướng dình dàng, súng ống lỉnh kỉnh đi tìm một tên ăn cướp.

Lúc đầu, tôi tức cười. Trên thế gian, có lẽ có cả muôn Tám Trà, hỏi khan giữa bôn binh Sài Gòn, sao mà ra manh mối. Song tôi không cười nữa. Tôi nhớ rồi. Tám Trà bắn chết Thử trong khi Hai Cũ tha mạng nó ở Sông Ray, cách nay 14 năm.

- Thôi được. Vậy, bà con nào biết tên Phẩm, hồi xưa làm quan cho Tây, vợ tên là Xết, hai người mở tiệm tắm hơi... Y có một lô vợ bé, trong đó, một tên là Yến...

Yên lặng một lúc rồi người ta lắc đầu.

- Không biết à ? - Hai Cũ tiu nghỉu.

- Còn một người nữa, y tên Dẻo, trước đi lính gác ở cao-su Dầu Tiếng, sau tản cư xuống Sài Gòn...

Kết quả vẫn không khá. Hai Cũ đành trở lại cái cốt của câu chuyện:

- Thôi được. Thế nào tôi cũng tìm ra... Bà con nhớ cho: lo làm ăn, đừng nghe đồn bậy bạ, phải coi chừng coi đỗi tụi phản động...

Anh từ giã đồng bào, cùng hai người bảo vệ bước đến chiếc com-măng-ca. Lúc đó anh mới thấy Út Giảng và tôi.

Hai Cũ chặp gót chân, Út Giảng ngăn anh. Song, Hai Cũ vẫn chào đúng điều lịnh.

Chúng tôi kéo anh lên xe chúng tôi. Út Giảng lầm bầm:

- Anh Hai thiệt kỳ! Chào gì mà chào...

Hai Cũ trả lời thật nghiêm:

- Mấy “huynh” đừng cự. Đây là vùng mới giải phóng. Dân người ta chưa hiểu, mình xô bồ quá đâu được. Xô bồ, họ tưởng tụi ở rừng loạn xà ngầu, chẳng cấp dưới cấp trên gì ráo. Về nhà, muốn sao thì tùy, còn giữa thiên hạ, cũng giữ lễ nghi chút đỉnh chứ !

Rồi, Hai Cũ vụt chắc lưỡi:

- Bậy ! Quên hỏi coi thiếu úy Đường bây giờ ở đâu...

Tôi nhớ chuyện anh bị bão, núp ở Hòn Hèo, nhờ một thiếu úy hải quân ngụy mà anh thoát nguy hiểm.

Tôi trầm ngâm: Hai Cũ xử sự có trước có sau...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #78 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2013, 03:29:35 pm »

   hai mươi lăm

Hai Cũ được giao làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản quận Thạnh Mỹ Tây. Trụ sỏ của anh đóng gần Xa cảng Miền Đông.

Hôm tôi đến thăm anh - trời sắp tối. Ngôi nhà hai tầng cất theo lối hiệu buôn Hoa kiều, tấm biển đỏ chữ vàng ghi tên cơ quan treo trên hai khúc gỗ mới dựng - nhà không có rào, không có cổng. Hai Cũ đặt văn phòng ở căn bìa, còn bốn căn thì biến thành kho. Qua cửa sắt, tôi thấy bốn căn kho chứa đủ thứ: hai chiếc xe hơi đến bốn hay năm chiếc mô-tô, những thanh sắt với nhiều hình thù, những bó dây điện, dây cáp, có cả mấy xe nước mía, xe hủ tíu, xe ba gác... Đại khái, ai cũng dễ có cảm giác đây nếu không là chi nhánh của “phú de”, thì là tiệm “lạc son”.

Hai Cũ đang tiếp khách ở gian sau, căn phố không ngăn chia. Anh ngồi ngay bàn viết, dưới ánh nê-ông, trong bộ quân phục. Mắt Hai Cũ vốn đã sâu, nay sâu hơn, những sợi tóc trắng rủ xuống trán, chập chờn bay theo gió của quạt trần. Lạ quá, cách nhau có vài tuần lễ, anh bỗng già hơn cả chục tuổi.

Khách ngồi đối diện với anh, trên chiếc ghế dựa lót nệm ăn mặc chải chuốt, bộ quần áo lớn, thắt cà-vạt, giày da. Tuổi khách chắc lối năm mươi.

Một cán bộ quân đội đón tôi. Anh ta mời tôi vào phòng khách, tức là phần trước của căn phố.

Tôi ngắm qua nơi làm việc của Hai Cũ. Trên cao ảnh Bác Hồ, dưới là hai lá cờ: quốc kỳ và cờ Mặt trận. Chỉ bấy nhiêu. Căn phố vừa trải qua biến cố: đèn, ổ khóa đồng hồ điện, v.v... bị gỡ. Ngav cánh cửa cũng không nguyên vẹn. Chiếc quạt trần quay như nghiến răng trèo trẹo có vẻ vừa lắp lại, không ăn khớp với dấu cũ. Mấy ngọn nê-ông treo tạm, chỗ những ngọn trước đây bây giờ chỉ còn cái bệt trắng in trên tường. Tủ bị đập, kiếng vụn xếp đống ngay góc phòng.

- Thưa chú Tư !

Một cô gái đứng sau lưng tôi hồi nào, tôi không hay. Nó là con Hạnh.

Nghe Hạnh chào tôi, anh cán bộ quân đội lật đật bật dậy, gãi đầu, xẻn lẻn.

- Bây xuống bao giờ ? Chị Hai có xuống không ?

- Dạ, con vừa xuống. Má xuống, rồi về. Bả lo mạ mong... Với lại, bả sợ thằng Khánh chạy nhong xe cán...

Hạnh vừa trả lời với tôi vừa ngó anh cán bộ:

- Anh Thìn chưa biết chú Tư sao ?... Tía nhắc hoài đó.

Thìn - chồng của Hương, đại úy, tôi đã gặp và ở Thạnh Phú - ấp úng:

- Dạ... chú không dè... Xin lỗi chú.

- Hương đâu ? - Tôi hỏi

- Hương công tác ở huyện Vĩnh Cửu, làm Trưởng phòng Xã hội.

- Còn con ? - Tôi hỏi Hạnh.

- Con à ? Lèm nhèm lắm, chú ơi !

Nó trả lời mà mặt đỏ gay. Thìn đỡ cho Hạnh:

- Dì Út là bí thư Đoàn Thanh niên huyện Vĩnh Cửu.

Tôi “à” thích thú. Chắc Hai Cũ khoái con gái út của anh làm “thủ lãnh” thanh niên một huyện, thủ lãnh thứ thiệt!

- Tía gặp chú chưa ? - Hạnh hỏi tôi, đánh trống lấp.

- Chú Tư mới tới - Thìn nói - Tía mắc khách...

- Ối ! khách của tía thì biết chừng nào cho hết!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #79 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2013, 03:31:23 pm »

Hạnh nói đúng. Năm bảy người đang đứng ngoài sân, chờ đến lượt mình. Qua cách ăn mặc của họ, tôi phân loại: vợ sĩ quan, sĩ quan trình diện, công chức, nhà buôn, tư chức...

- Con lo cơm cho chú Tư nghe ! Chú ăn với ông già một bữa... - Mạnh khẩn khoản mời tôi. Tôi cười:

- Ừ, ăn thì ăn... Mà có gì ăn không ?

Hạnh - và cả Thìn - vui ra mặt:

- Có chớ ! Có con gà bà già đem xuống... Chú ăn để ổng ăn một bữa cho ra ăn.

Hạnh nói xong, tất tả vào trong, lên thang lầu thoăn thoắt.

- Máy tuần nay, tía cháu đâu có cơm nước... - Thìn nói - ổng làm việc tới một, hai giờ khuya. Ngả lưng một chút thì đã dậy ra tiệm cà-phê, mờ sáng, ổng chạy xuống phường. Tám giờ, ổng về, hội báo. Vừa nghe, vừa nói, vừa nhai bánh mì - có bữa, gặm củ khoai lang. Rồi mười giờ, ông lên thành. Trưa trật mới về. Lùa chén cơm nguội ngắt. Từ hai giờ chiều cho tới tám giờ tối là khách... Ổng ăn chiều thường lúc ngoài đường vắng hoe...

Tỏi nheo mắt với Thìn:

- Ông cha vợ hùng hục cỡ đó, chàng rể theo chắc hụt hơi !

- Dạ...! - Thìn thú nhận - Dạ cháu muốn xỉu. Mà tình hình còn khó. Tụi tàn quân bắn lung lung, cháu can ổng, ổng “xạc” cháu rát da ! Chú nghĩ coi, hễ nghe súng nổ, là ổng lao tới. Đội bảo vệ phê bình ổng mấy chập, ổng ừ ào, rồi đâu vô đó. Có lần, ổng rượt một nhóm lính phá cầu Thị Nghè. Tụi nó chạy qua Bình Quới, ổng đuổi nà. Tụi nó phóng ba mô-tô, một chạy đoạn hậu, bắn thật dữ. Ổng cũng phóng mô-tô theo. Chú biết ai đèo ổng không? Cháu đèo. Khỏi Thanh Đa, đường tối om, cháu ngừng xe, ổng thét inh ỏi: mầy sợ chết thì mầy về nhà, tao lái xe vậy ! Cháu buộc phải đèo tiếp. May mà lực lượng của ta đóng ở Câu lạc bộ Thanh Đa tiếp viện, nên đến bến đò, túm được tụi nó... Một thằng nhảy xuống sông định lội qua Thủ Đức, ổng nhảy đùng, bắt sống nó dưới nước... Má cằn nhẵn, dì Hạnh cằn nhằn, ổng phớt tỉnh. Tới chừng Hương khóc, ổng mới bớt... Chú nói với ổng một tiếng cho gia đình nhờ !

Tôi lắc đầu. Có lẽ Hai Cũ quên rằng anh sắp đến tuổi 55. Thế nào cũng phải can ảnh thôi. Tôi hứa với Thìn.

Khách đã đứng lên. Hai Cũ cũng đứng lên, song không ra khỏi bàn. Anh ngó số lố nhố ngoài sân, rồi nhìn vào giấy chắc định mời người vào tiếp.

- Dạ! - Khách chưa chịu ra, nói lúng búng - Tôi hỏi như thế này khí không phải, song... song để tiện giao dịch, tôi xin ngài vui lòng cho biết ngài cấp bậc chi trong quân đội giải phóng và quí tánh tôn danh...

- Ông biết tôi là sĩ quan, thế đã đủ... Còn tên, cứ kêu tôi là Hai Cũ... Và xin ông đừng xưng hô ngài với tôi... - Hai Cũ rõ ràng khó chịu.

- Dạ ! Cám ơn ông Hai... Thiệt các vị cách mạng bình dân quá sức... Tôi mong ông Hai cứu xét đơn của tôi. Dạ ! Nếu ông Hai hạ cố, đến nhà tôi dùng bữa cơm thân mật, thì vạn hạnh cho vợ chồng con cái tôi... Thưa với ông Hai, tôi là nhà cách mạng, tôi sung sướng thấy cách mạng về thành... Cả chợ Thị Nghè đều biết tôi đấu tranh chống Ngô triều, chống Nguyễn triều như thế nào... Dạ, vợ tôi với con Cúc gặp ông một lần mà nhắc hoài... Thiệt người cách mạng...

- Được rồi! Nếu ông là người tốt, ông sẽ được đối xử tốt - Hai Cũ cắt ngang - Chúng tôi trọng những ai lương thiện... Chỉ có một điều, trước khi chúng tôi quyết định về hiệu sách và nhà in của ông, ông không được mở cửa, không được in. In thứ gì cũng không được. Bà ở nhà và cô con gái ông không cần đến đây... Thôi... Nhiều đồng bào đang chờ tôi...

Khách tiu nghỉu chào Hai Cũ. Ông ta muốn bắt tay mà không dám, còn Hai Cũ thỉ đã gọi:

- Thìn đâu ? Mời ông Sáu xe ba gác vô...

Khách lên xe hơi. Chiếc Pơ-giô 601 bật đèn sáng rực.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM