Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:30:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chân dung một quản đốc  (Đọc 41135 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #50 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2013, 03:14:04 pm »

... Hai Cũ tỉnh dần. Anh ngỡ ngàng nhìn quanh: vì sao anh vô trạm xá? Rõ ràng đây là trạm xá. Y sĩ Thạnh kia kìa... Đã khuya rồi thì phải; bên ngoài tối như mực... Mãi một lúc sau, Hai Cũ mới nhớ. Sau khi thét gọi Hứng, anh kịp nhìn quả bom. Nó hình tròn. Kinh nghiệm nhắc anh trông quả bom hình tròn nghĩa là quả bom sẽ rơi ngay. Anh chỉ còn kịp đẩy Chín Thu... và anh không còn biết gì nữa.

Hai Cũ cựa mình, toàn thân rêm như bị dần. Ngực nặng. Tai lùng bùng... Một tiếng rên nho nhỏ, cạnh anh. Anh cố nghiêng người... - Hứng - da như chuột lột, đỏ hỏn -bôi chất mỡ gì đó...

- Vậv là y không kịp nhảy khỏi xe !

Hai Cũ lồm cồm dậy. Thạnh ngăn anh, song Hai Cũ gạt phăng tay Thạnh:

- Tôi khỏe rồi... Chú Hứng thế nào ?

Thạnh lắc đầu. Hai Cũ bước lại giường Hứng.

Hứng chợt bừng mắt... Anh nhận ra Hai Cũ:

- Anh Hai... ! - Hứng nói, khó nhọc - Anh xin vô Đảng, nghen... Tôi giới thiệu anh...

Thạnh gọi tôi - tôi đang giải quyết công việc với Út Giảng.

- Anh Thắng... - Giọng Hứng nhẹ như gió thoảng - tôi với anh giới thiệu anh Hai vô Đảng...

Từ khi bị hất khỏi chiếc xe nồi đồng đến giờ. Hứng mới mở miệng. Hứng nói được bấy nhiêu và cố chờ Hai Cũ, trước khi nhắm mắt... Hai Cũ đã gật đầu.

Chôn cất Hứng xong, Hai Cũ viết đơn. Anh vừa viết vừa nức nở:

- Tôi đoán trước Hứng sẽ chết. Sau vụ con Yến nó dằn vặt dữ tợn. Nó chuộc tội đó! Con Yến mà lọt vô tay tôi!

... Hai Cũ tập vật lộn với sóng trên thuyền đánh cá mong manh đi lại nhiều lượt ven biển từ Hải Phòng đến Vĩnh Linh trong những mùa khác nhau.

Đôi khi, anh cười một mình: tưởng là học chai máy xe hơi, ai dè cấp trên giao công tác cho anh là nhờ anh nổi tiếng sửa xe.

Tháng 6 năm 1961, chiếc thuyền máy trong Nam ra xin vũ khí. Chiếc tàu nhẹ hều, như một bọt nước trên đại đưong, trọng tải chỉ được 4 tấn. Nó rời bờ biển Bến Tre và đi mất nửa tháng. Đón các đồng chí lên cơ quan, anh không để họ yên một phút. Chuyện quê hương phận nào thôi, chuyện chính là đường đi nước bước. Anh hỏi, họ trả lời, cứ vậy, kéo dài mấy ngày.

Anh cho lôi chiếe thuyền lên ụ, tự mình xem xét, rà máy, gõ từng tấm be... Anh cùng chiếc thuyền chạy thử tới Vinh. Khi trở ra, anh mở toàn bộ máy tàu thay món này, chỉnh món kia cho đến khi anh ưng ý.

Hai Cũ báo cáo với cấp trên: anh xin được đi chuyến đầu với chiếc thuyền cũ kỹ này. Anh muốn đích thân quan sát lộ trình, bến bãi trước khi đưa hàng loạt tàu thuyền trọng tải lớn vào đường dây.

Trước hết, cấp trên cứ hỏi đi hỏi lại mãi: có cần Hai Cũ đi chuyến đầu không?

Anh cố gắng chứng minh rằng anh đi là cần, rất cần. Tánh của anh ai cũng biết, anh ghét lối chỉ huy năm ngón. Mà, theo anh, đưa vũ khí vào Nam hệ trọng lắm, anh em đồng chí ngóng chờ có lẽ mỏi mắt rồi, đưa thì phải lọt, đưa lẹ, đưa nhiều. Còn chuyện nguy hiểm, Hai Cũ quen kiểu lập luận: chưa chắc giặc biết thuyền nào là thuyền nào, biết chưa chắc đã bắn - nó tính bắt sống cũng nên, mà hễ áp vô thì ai bắt sống ai, cần coi lại -bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chìm...

Cấp trên nhượng bộ anh. Anh được đi. Đến “tiết mục thứ hai” gay go thập bội: cấp trên cho anh đi thuyền không, hóa trang làm thuyền đánh cá.

- Anh em trong cảnh dầu sôi, chờ chi viện, chừng gặp, chỉ thấy mấy thằng mập lù vô, trang bị toàn “ha tay giơ”, không khéo, họ đạp cho lọt xuống biển. Gì mà dữ tợn vậy ? Đằng nào cũng một lần đi, chở cho anh em một ít súng đặng qua cơn ngặt... Nghe anh em nói cảnh đánh giặc trong đó, sao nó thảm quá trời. So với hồi tụi này, anh em còn khổ hơn. Súng “mút” dài thòng, mỗi cây không quá chục viên đạn... Ác nhơn không?

Anh cự nhoi với đồng chí đại tá:

- Một tấn, anh đừng cho là ít... Tôi hỏi rồi, chục kí-lô cũng tốt nữa là... Đã nói là anh em thiếu, anh em nghèo... cả tỉnh, có vài khẩu trung liên, loại đúc hồi Bảo Đại còn làm trùm.

Sau cùng, anh được lịnh mang theo thuyền “một ít” súng đạn.

- Tôi nói một tấn ! Nếu cân quá một ki-lô, đem tôi ra bắn...

Anh chọn vũ khí. Ta chưa chuyển vũ khí phe xã hội chủ nghĩa vào Nam. Trong các loại súng, anh cân nhắc từng ly: tiểu liên - mà các-bin, tôm-xông là chính - mút Anh, mút Mỹ, trung liên. Phân nửa trọng tải, anh dành cho đạn.

Vũ khí đưa xuống thuyên, nghi trang cẩn thận. Anh gài bộc phá dưới gầm.

- Ta phải đưa vũ khí vào tận nơi. -Anh bảo cả đoàn khi mọi việc xong xuôi.- Lỡ nửa chừng giặc biết thì ta đánh. Tùy tình hình, ta quyết định cách đánh. Đánh mà thoát thì hay nhứt. Giả tỷ đánh mà không thoát thì ta cho nổ. Nổ thế nào để tụi nó cũng phải mạng đổi mạng với ta!

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #51 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2013, 03:16:31 pm »

Hôm sắp lên đường, Mới xuống thăm anh. Mới đã là một thanh niên 19, 20. Nó báo cho anh cái tin vui với giọng “đưa đám”. Nghe rồi anh ngó sững nó: nó đi học Liên Xô, theo ngành điện tử.

Mới cố xin vào Nam, không được.

Hai Cũ cũng phân vân. Ừ, thời buổi này, về giải phóng quê hương là phải quá... Mà, đi học cho tới nơi tới chốn đâu phải chuyện dễ. Anh dốt, cái khổ của kẻ dốt hành hạ anh nhiều năm. Theo nghề lục lâm, chữ nghĩa là thừa. Còn, tu tỉnh làm ăn, thiếu chữ nghĩa thật tức anh ách. Có cái mình đúng hơn một trăm phăn trăm mà vì kém chữ nghĩa, mấy tay có học nói một hồi, hóa ra mình trật. Cố cãi, song họ trưng ra sách này sách kia. tờ mấy, đoạn nào... mình đành cứng họng.

Hay là cho Mới đi học ?

- Con trốn về Nam... nói cho tía hay. Học thì thằng Hùng, đánh giặc thì con. Nhà tới hai trai, kéo nhau đi học ráo, “ê” không chịu được. Hùng cũng đồng ý với con.

Mới quả quyết.

- Ậy, có về thì xin phép đàng hoàng, đừng trốn...

Hai Cũ phải viết thơ cho nhà trường yêu cầu để Mới về Nam.

Thuyền chạy cặp bờ biển. Những ngày đầu, trong hải phận miền Bắc, không có việc gì đáng nói. Thỉnh thoảng, Hải quân ta xét hỏi, Hai Cũ trình giấy. Giấy của Hai Cũ “mạnh” thế, thường thường người ta xét hỏi, sau khi đọc giấy, bắt tay anh thật chặt. Một rắc rối nhỏ ở Quảng Bình: đội tuần tra dân quân nằng nặc đòi xét thuyền. Hai Cũ buộc phải ghé thuyền, đến Xã đội nhờ chuyển thơ lên Huyện đội. Sau đó, êm xuôi.

Ba giờ sáng ngàv 30 tết, thuyền rời hải phận Vĩnh Linh. Đêm đó, Hai Cũ thay bảng số cũ bằng bảng số mới, đốt tất cả giấy tờ đi đường của miền Bắc, lẩm nhẩm và nhắc các người cùng đi. Họ học thuộc lòng thẻ căn cước cùng các tờ khai báo mỗi khi tàu tuần Mỹ - ngụy xét. Đoạn từ Quảng Trị vào Bình Định, họ là dân Phú Yên đi đón luồng cá tránh rét phía Bắc. Đoạn từ Bình Định đến Phan Thiết, họ là dân Hàm Tân, đi đánh cá làm nước mắm. Đoạn từ Phan Thiết trở vào, họ là dân Cồn Cù, Trà Vinh, đi rê tôm. Trong thuyền, Hai Cũ là chủ. Những người khác đóng các vai: Tâm, con rể; Thử, người làm thuê - cả hai đã lái thuyền ra Bắc. Cao, y sĩ, Thìn, thợ máy, chuẩn úy, hải quân, cả hai đóng vai con Hai Cũ.

Trước khi nổ náy, năm người ăn kỳ hết hàng chục chiếc bánh chưng, với giò lụa nhận ở Đồng Hới.

Thuyền ra khơi. Cứ yên trí: máy thu thanh bán dẫn hiệu Sony báo trong buổi phát cuối cùng đêm hôm tin của Nha Khí tượng thủy văn cho tàu chạy ven biển: vùng Trung Trung Bộ trời tốt, gió nhẹ, tầm nhìn xa trên mười cây số.

Hai Cũ giao lay lái cho Tâm. Anh sắp xếp bàn thờ Long Vương, chưng hai trái dưa hấu Đài Loan thật to - Ban chỉ huy Đoàn 759 gửi mua từ Hồng Kông về cho anh. Có đủ nhang, đèn, hai phong pháo sản xuất lại Sài Gòn, gói trà Nghi Bồi Nhâm, mứt, hồng, chà là và luôn mấy gói thuốc lá Ru-bi - những thứ được sửa soạn từ lâu. Thêm mấy đòn bánh tét - cũng vừa nhận ở Đồng Hới. Hai Cũ trang trí bên trong thuyền ảnh đào cải lương, xi-nê. Một hình Ngô Đình Diệm lồng kiếng treo nơi dễ nhìn thấy nhất. Và ngọn cờ ba sọc cắm ở mui, phành phạch trong gió.

Trời chưa sáng. Hai Cũ xem đồng hồ: thuyền ra khơi hơn tiếng đồng hồ rồi. Anh ra lịnh thuyền cấn Nam.

- Chỗ này chắc vĩ tuyến 17.

Anh bảo anh em trong thuyền. Mọi người nhìn vào bờ, cố tìm một dấu vết phân chia. Chẳng có gì cả. Đất liền chìm trong vùng đen đục, tiếp với biển.

Khi trời sáng hẳn, Hai Cũ đoán thuyền đã dấn sâu vào phía Nam, dù cho bờ - cũng giống hôm qua - xanh thẫm màu núi.

Hai Cũ không hiểu vì lẽ gì lòng anh nôn nao. Trong cuộc đời nhiều đột biến của anh, anh chưa bao giờ có cảm giác lạ lùng như hôm nay. Anh không sợ. Song, anh cũng không vô tư như những lần sắp nổ súng.

Cuộc chiến đấu bắt đầu rồi ! Nó lặng lẽ như vùng biển sáng nay hay sẽ ồn ào trong cơn giông thế nào cũng ụp tới ?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #52 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2013, 03:18:49 pm »

Thuyền giữ cự ly với đất liền từ bảy đến mười cây số.Trong bao la, thuyền dường như đứng sựng. Những cồn cát chói chang nắng lùi một cách nặng nhọc và những mục tiêu trước mắt chỉ nhích tới dần.

Hai Cũ xem đồng hồ liền xì...

Khi mặt trời chen vào Trường Sơn, biển ngả sang màu tím, Hai Cũ nhẩm tính: đã vượt hơn trăm cây số và đã vào vùng đất Thừa Thiên.
Mặt biển vắng hoe. Giờ này, ai cũng lo đón ông bà.

Theo kế hoạch, Hai Cũ cho thuyền chạy sát bờ, nhân khi trời còn sáng. Khi các xóm ven biển khuất phía sau và trời sẫm, thuyền Hai Cũ tắt máy, đâm vào một vũng nhỏ sát núi. Dấu vết trong vũng cho thấy thuyền đánh cá từng tránh gió ở đây. Song hôm nay và giờ này cố sao để địch không phát hiện. Hai Cũ lên bờ quan sát một lối mòn dẫn tới vũng. Phía trên là gì, cả đoàn không ai biết. Chỗ này, Tâm đã ghé, nhưng chưa lên bờ.

Mọi người tranh thủ ăn. Hai Cũ quyết định thuyền sẽ nổ máy đúng giờ giao thừa và chạy suốt ngày mai ở cự ly tương đối xa bờ, cố tránh hải quân địch ở Thuận An và Đà Nẵng.

Hai Cũ bảo tất cả ngủ lấy sức, anh ngồi trên gộp đá khuất dưới tàn cây.

Gió biển lao xao, hơi lạnh. Thèm một điếu thuốc hết sức mà Hai Cũ không dám. Từ nhỏ đốn từng tuổi này, có lẽ đây là lần đầu anh ngóng giờ giao thừa căng thẳng nhất.

Chợt, Hai Cũ nghe trong gió tiếng rì rầm. Hình như của vài ba người. Anh tuột khỏi gộp đá, núp vào bóng tối, lắng nghe. Tiếng nói rì rầm theo gió, khi rõ là tiếng người khi hòa trong sóng biển.

Hai Cũ kề tai sát đất. Chân người nhón nhẹ bước trên lối mòn. Có khả năng họ sẽ đến đây. Đến đây, nếu chú ý họ sẽ thấy chiếc thuyền lắc lư trong vũng, dù nơi đó kín mít. Là địch, nhất định chúng sẽ khám xét. Và nhất định bọn anh sẽ chống cự... Vài ba tên lính, không có gì đáng ngại, bọn anh thừa sức vật cổ chúng. Đáng ngại là những khó khăn tiếp theo. Nổ súng, bọn anh khó thoát, ở đây thì không ai đuổi kịp anh, song làm sao vượt khỏi lưới địch giăng trên biển ? Bắt sống bọn chúng, không thủ tiêu, chúng sẽ báo động và chuyến đi coi như thất bại.

Thực sự Hai Cũ đã không còn đủ thì giờ để suy tính kể cả thì giờ đánh thức các đồng chí dưới thuyền. Trong ánh sáng hắt lên của biển, anh nhận thấy hai bóng đen sừng sững trên bậc đá, ven lối mòn đổ ra vũng, cả hai đều mang súng, họng súng vượt qua vai họ.

Một trong hai người rít thuốc. Điếu thuốc lóe lên và Hai Cũ thoáng nhận gương mặt xương xương của người hút.

- Hút nhanh đi ! Còn phải vượt lộ...

- Chi mà gấp thế... Đây vào thôn, một loáng là tới.

- Đề phòng chúng nó phục kích...

- Ái dà! Đêm ba mươi Tết, rút vào đồn, ở đó mà phục kích...

- Thôi, chẳng cãi với anh nữa... Cúi thấp, kẻo tàu tuần trông thấy...

- Lại tàu tuần !

Người hút thuốc che tàn thuốc.

Du kích ! Hai Cũ mờ cờ trong bụng song không đánh tiếng.

- Cái chi trong vũng, hỉ ?

Hai người ngồi xuống và họ vội nép vào gộp đá, đặt hai khầu súng trường, chờ đợi.

- Chẳng phải tàu tuần... Thuyền đánh cá !

- Hôm nay không có thuyền đánh cá nào lại núp trong vũng...

- Mặc họ...

- Mặc thế nào được? Nhỡ thám báo tìm căn cứ thì sao?

- Không mặc họ, làm thế nào?

- Gọi họ hỏi...

- Thế lộ mất...

- Anh giữ súng cho tôi... Tôi giả làm dân...

- Ừ, mà phải thận trọng...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #53 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2013, 03:20:58 pm »

Hai người nói rất khẽ. Song, Hai Cũ chỉ cách họ có một tảng đá. Không nên để họ gọi thuyền. Lỡ các cậu giật mình, bắn bậy...

- Hai cậu...

Hai Cũ vừa cất tiếng, hai du kích nhảy một cái rột...

- Đừng bắn! Dân chúng mà !

Hai Cũ thủ thế, vẫn nói điềm đạm.

Dưới thuyền, đã thức. Hai Cũ nói vọng xuống:

- Có hai cậu đây thấy thuyền, muốn hỏi... Tôi nói là thuyền đánh cá nghỉ máy... Chút nữa chạy. Chạy cho kịp sáng mai ăn Tết...

Hai du kích có lẽ đã hơi yên tâm. Một người chịu theo Hai Cũ xuống thuyền. Liếc qua thuyền - cánh đèn che kỹ trong khoang - người đó tin thêm một chút nữa: không phải là thám báo.

- Chạy trong vùng giới tuyến bau đêm, bác với mấy anh không sợ sao?

Giọng Thừa Thiên của họ khó nghe - Cả hai đã ngồi giữa khoang, uống trà. Hai Cũ biết rằng họ nhất quyết không tin là thuyền đánh cá. Thuyền buôn lậu ! Họ hỏi:

- Chở món gì rứa ? Ngược Bắc hay xuôi Nam ?

Khi nghe nói thuyền ngược Bắc - Hai Cũ buộc phải nói dối - cả hai người châm biếm:

- Đông Hà dạo nay khan gạo.

Khi chúng ta qua lại, lỡ độ đường, ghé tá túc trong vũng, có chi bất tiện không ?

Hai Cù dò hỏi.

- Cái này còn tùy... Nếu không có lính, thuyền buôn vẫn ghé. Có lính... Phải đấm mõm nó...

- Lính sư đoàn hay Bảo an?

- Đủ thú... từ Dân vệ đến sư đoàn... cả thám háo và bọn thủy quân lục chiến. Song, về chiều, ít khi có...

Hai Cũ chíp trong bụng. Vũng tuy không to, song thuyền 50 tấn và khi triều lên, thuyền trọng tải lớn hơn vào được.

Qua họ, Hai Cũ biết ở đây có một đơn vị du kích từ những gia đình kháng chiên cũ không chịu nổi chính sách trả thù của Ngô Đình Diệm. Mấy năm trước, họ bị lùa vào các trại tập trung, sau đó, lẻ tẻ trốn lên núi.

Tất nhiên, họ chỉ nói những gì cần nói. Họ hiểu rằng số thương buôn này la cà với địch, nếu không phải là người xấu thì cũng đang bịnh bép xép. Hai Cũ đoán đội du kích vừa nhen và địa bàn vùng biển chưa phải là cố cựu của họ. Họ thiếu súng, thiếu lương thực và với cấp trên.

- Phải tìm cách giúp họ! - Hai Cũ nghĩ thầm.

Nhìn anh du kích xanh xao và hai khẩu súng cổ lỗ của họ. Hai Cũ bàng hoàng. Nếu anh không lầm, họ đặt căn cứ trên quả núi đá này, chênh vênh mép biển và một khi giặc ngửi ra họ, khó mà tránh khỏi tổn thất.

Có lẽ ánh mắt của Hai Cũ bộc lộ đầy đủ tấm lòng của anh, nên một trong hai người nói:

- Biết là gian nan, song còn hơn đút đầu vô tròng của chúng nó... Vả lại, tình hình rồi sẽ sáng sủa ra thôi...

Người nói câu đó là một thanh niên. Khẩu súng anh cầm hôm nay chính là khẩu súng anh được phát trong Tổng đoàn Dân vệ. Anh trốn khỏi Dân vệ chưa lâu.

Hai Cũ còn biết: đội du kích chỉ được ăn chén cơm nóng giữa đêm - lúc họ vào nhà dân, ven quốc lộ. Mà chẳng phải đêm nào cũng thế. Có khi, hàng mươi ngày, họ ăn cơm khô, thậm chí sắn thái khô. Nước lã cầm hơi. Nước lã với họ, là món xa xỉ. Khắp vùng, không nguồn nước. Mùa mưa còn đỡ - hứng ni-lông để dành. Mùa nắng, vài thùng nước cho cả tháng. Đó là chưa kể nơi ở: rúc vào các hốc đá, ngày và đêm không ánh lửa. Nắng hay mưa, ngày hay đêm đều gay gắt. Ngay cột võng, họ cũng phải tỉ mỉ không để một dấu vết trên thân cây...

Càng nghe, Hai Cũ càng xốn xang. Giá mà anh tặng họ chuyến vũ khí này, rồi quay ra, lo chuyến khác ! Nhưng, Hai Cũ không được quyền làm như vậy...

Anh chỉ có thể để lại cho đội du kích mươi cân gạo, vài đòn bánh tét. Riêng hai khẩu Cạc-bin bá xếp và chục quả lựu đạn - trong số vũ khí phòng chiến đấu khi thuyền đụng giặc - Hai Cũ lén đặt trên gộp đá.

Thuyền nồ máy.

Khi hai du kích bu quanh gộp đá - Hai Cụ thấy hai bóng đen khoa chân múa tay - thuyền bắt đầu ra khỏi vũng. Ở nơi nào đó, tiếng pháo giao thừa vọng đến, rời rạc và buồn bã...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #54 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2013, 03:32:05 pm »

   mười tám

Chiếc hải thuyền lượn quanh chiếc thuyền đánh cá của Hai Cũ. Hải thuyền - loại tuần tiễu ven biển - phóng hết tốc độ, khẩu đại liên rà theo chiếc thuyền đánh cá và trong tiểu đội hải quân đứng đằng sau tấm kiếng chắn gió, thỉnh thoảng, một sĩ quan thu toàn bộ động tĩnh bọn anh qua chiếc ống dòm.

Hai Cũ phát hiện chiếc hải thuyền khi thuyền anh tách đoàn thuyền đánh cá, quay mũi hướng Tây Nam. Từ một cửa nào đó không rõ, chiếc hải thuyền lướt sóng băng băng, và vừa nhìn qua, Hai Cũ đoán chắc nó đang rình rập thuyền anh. Hôm nay, mồng bốn Tết, tất cả thuyền đánh cá vùng Tuy Hòa ra khơi “lầy hên” đầu năm. Người ta quăng mẻ lưới khai trương và sau đó, về bến. Có mẻ lưới thành công, báo hiệu một năm khấm khá. Có mẻ lưới vỏn vẹn vài con cá - chủ thuyền sẽ cúng Long Vương, thường là cái thủ lợn hoặc ít hơn nữa, cũng một cặp gà thiến.

Hai Cũ ra lịnh chạy máy nhỏ và thuyền xoay một vùng hình thoi. Trừ tài công - vẫn là Tâm - tất cả lên trên, chăm chú nhìn dưới nước.

- Đừng ngó tụi nó! - Hai Cũ căn dặn.

- Rẽ tay mặt, gấp! - Hai Cũ dõng dạc ra lệnh.

- Sẵn sàng buông lưới! - Giọng anh át máy nổ, tay chỉ rối rít. Nước biển một màu xanh trong suốt và thực ra, không có bóng dáng con cá nào cả, chứ đừng nói đàn cá.

- Chạy thẳng - Chạy thẳng tức là đến gần chiếc hải thuyền.

- Rẽ tay trái!

Chiếc hải thuyền bao vòng rộng, thuyền Hai Cũ khi khoan thai khi khẩn cấp, lộn quanh một mặt biển mỗi lúc mỗi thu hẹp.

Hai Cũ đột ngột chui vào mui.

Anh đốt nhang cắm lên bàn thờ Long Vương, chắp tay. Anh không khấn - dù điệu bộ anh hết sức thành khẩn - mà ra lịnh:

- Nhớ đừng ngó tụi nó !

- Buông lưới ! - Hai Cũ đã ra ngoài.

Lưới tung xuống biển. Thuyền chạy thật chậm. Hai Cũ nghe tiếng cười bên hải thuyền. Hẳn là bọn chúng chế nhạo anh. Chế nhạo cái gì đó - anh chọn nơi buông lưới “khai trương” không đúng, anh còn quá mê tín... và cái mà anh cần là chúng chế nhạo anh. Mới vào nghề mà ! Lạ biển mà !

Tiếng cười chế nhạo của bọn hải quân tuần tra cất khỏi ngực Hai Cũ - và mọi người - hòa đá tảng đè nặng từ khi hải thuyền giặc chờn vờn giống mèo chờn vờn chuột.

Màn kịch có lẽ suôn sẻ đây...

Mẻ lưới được chăm sóc cực kỳ nghiêm trang đã thất bại. Nó trống trơn, ngoài một ít cá vụn và rêu biển.

- Chớ có cười, nghe! - Hai Cũ lại dặn. Mọi người tiu nghỉu...

Khi Hai Cũ lại vào mui, hải thuyền lượn gần sát thuyền anh.

- Đừng vái thủy thần... Vái chúng tớ, chúng tớ xua cá cho, mà chúng tớ không thích vái bằng nhang đâu !

Hải thuyền, sau làn cười cợt đó, lảng xa...

Hai Cũ quyết định tiếp tục buông lưới, tiếp tục công việc rất chuyên cần. Rồi, với thái độ buồn phiền, anh cho thuyền chạy thẳng vào bờ. Ai biết được cái ống dòm đã chịu tha anh chưa?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #55 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2013, 03:35:33 pm »

*
*   *

Bản tin cuối cùng của đài Hà Nội cho hay sắp có gió to, biển động mạnh. Thời tiết xấu quả không phải lúc. Thuyền Hai Cũ đêm nay nghỉ ở Hòn Hèo. Hết gạo, nước uống cũng cạn. Anh định ghé Nha Trang - ở nơi thị tứ đông đúc, việc mua bán dễ dàng hơn vùng núi này. Hai Cũ biết Hòn Hèo khi xưa là căn cứ kháng chiến chống Pháp, nay là vùng trắng. Sự tuần tra của địch rất nghiêm ngặt. Trong vịnh Lương Sơn một hải đoàn đặc nhiệm của ngụy đang hoạt động bởi Hòn Hèo là một trong những điểm bị ghi là “mất an ninh”. Nếu biển động kéo dài, bọn anh buộc phải mò lên bán đảo tìm gạo nước và bao thứ rắc rối chắc chắn sẽ đến. Ngày mai, trời sáng, thuyền anh nhất định bị bọn hải quân đặc nhiệm gây khó dễ.

Hai Cũ nhiều lúc muốn chạy liền giữa đêm. Song anh thừa hiểu màn ra đa lập tức chỉ điểm hoạt động bất thường của thuyền anh và dù chắp cánh anh cũng không thoát.

Sóng ngoài khơi bắt đầu gầm thét. Chiếc thuyền con của anh lắc lư, chồm lên thụp xuống. Gió tăng cấp - Từng ngọn sóng quật vào vách núi và quauh thuyền thỉnh thoảng nghe những hòn đá lao xuống biển đánh “uỳnh”.

Hai Cũ biết rằng anh mà chậm thì, hoặc bão vùi thuyền dưới đáy biển hoặc thuyền phải tự phá hủy là điều gần như định mệnh.

... Trong ánh sáng mờ mờ, thuyền Hai Cũ chuyển vũ khí lên núi. Họ tìm được một vùng rậm rạp - có vẻ hẻo lánh. Vách núi dựng đứng. Họ phải thòng dây kéo từng bó súng, hòm đạn... Càng về khuya, gió càng dữ dội. Chiếc thuyền chồng chềnh đôi lúc như sắp lật. Đôi lúc, thuyền nằm gọn dưới những đợt sóng cao vọt. Tất cả ướt sũng.

Theo lệnh Hai Cũ, bốn người ở với thuyền. Đã gần sáng, gió vẫn chưa ngớt. Thuyền cứ vượt sóng, tiến sâu vào đất liền và loanh quanh đấy cho đến khi trời lên. Một thuyền đánh cá trốn bão. Tha hồ mà lục soát. Hai Cũ và Tâm ở với vũ khí... cả hai đều nhừ tử. Song, họ không dám ngả lưng.

... Trời sáng dần. Và cả hai hốt hoảng thực sự. Cái vùng mà họ ngỡ là rậm rạpchỉ rậm rạp trong bóng đen. Nó rộng bất quá vài công đất, nằm cạnh một đường mòn và bên kia đường mòn một triền dốc toàn cỏ dại.

Hai Cũ và Tâm, nhân sương chua tan, tức tốc ngụy trang nơi cất dấu. Họ cũng chỉ có thể dùng một ít cành cây khô phủ lên các gói ni-lông.
Sau khi cài dưới đống vũ khí quả mìn chen giữa các gói thuốc nổ và nối nó đến chỗ hai người núp bằng sợi dây điện - khi bất cập, Hai Cũ sẽ châm điện - hai người dán sát người trên mặt đất đẫm ướt thủ tiểu liên và lựu đạn. Họ rải lên mình một lớp lá cây.

Trời sáng hẳn.

Chỗ giấu vũ khí cách chỗ họ núp chừng mươi thước. Nói cho đúng, họ cũng chẳng thể lùi xa được nữa. Sau họ là vực thẳm và bên dưới, biển Đông đang vỗ sóng có vẻ còn hung hăng hơn đêm qua.

Đàn mối càng kéo hàng dài khua rào rạo, vẽ lên mặt đất đầy lá khô một đường đen uốn lượn.

- Lũ tiểu yêu này mà gặp các bọc ni-lông, coi như ni-lông thành khuôn bánh lọt ráo!

Hai Cũ than thầm. Anh tự trách là chưa tính kỹ: phải chi bọc vũ khí vào ni-lông thật kín, gặp trường hợp nầy là thả xuống nước cột dây vào gốc cây, hễ yên thì kéo lên, hay biết mấy ! Sáng kiến nầy bây giờ đã trễ rồi.

Anh và Tâm chỉ dám khẽ trở mình. Mặt trời lên cao, mỏm núi mà họ núp giống cái màn thưa giăng trước ngọn đèn, mọi động đậy nhỏ đều đễ bị phát hiện - ngay với mắt thường.

Hai Cũ không ngờ rơi vào đám rừng chồi “chó ngồi ló đuôi” nầy.

- Hễ có biến, ta phóng xuống nước, bám theo vách núi...

Tâm khào khào với anh. Hai Cũ cau mày. Tâm không hiểu một khi anh cắm sợi dây điện vào hộp pin mà anh đang kè kè, thì cả Hai Cũ lẫn Tâm dù không mnốn phóng xuống nước, vẫn phải phóng - chỉ có điều họ không tự ý làm việc đó và họ cũng chẳng còn tri giác chọn lựa đâu là vách núi...

Lời khuyên ân cần của Tâm kéo Hai Cũ về thực tại: Tâm còn trẻ. Thằng nhỏ thừa biết bám vào vách núi khỏi chết chìm, song giữa bốn bề trơ trụi, một tên xạ thủ hạng tồi nhất, với mươi phát đạn súng trường không thể không hạ một mục tiêu vừa to vừa cựa quậy trong tuyệt vọng như vậv. Giọng của Tâm không hề tỏ ra khiếp sợ. Trong khoảng trống và giữa sóng biển - có đợt cao đến trên ba thước - Tâm hình như vẫn tìm được chỗ dựa để vững lòng tin. Một người như Tâm không thể và không nên hy sinh ! Hai Cũ suy tính. Anh phải suy tính gấp trước khi mạng sống của Tâm hết phương cứu gỡ.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #56 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2013, 03:38:23 pm »

- Như vầy nè... - Hai Cũ lấy giọng bàn bạc công việc nghiêm túc - Hai đứa nằm một chỗ, không ổn đâu... Tâm quan sát kỹ phía triền núi, nếu không có bóng người, thì trườn nhanh sang mỏm bên kia, chọn nơi kín đáo núp... Chừng nào lính tới, hễ nó thấy chỗ nầy tôi nổ mìn, chú bắn rồi rút... Hẹn gặp sau đó, ở cuối vịnh. Ban đêm thì cú, cộng tròn năm...

Hai Cũ nói ngọt như mía lùi. Nhưng, Tâm trả lời, ngọt không kém:

- Chú Hai nè... Bây giờ sổng lưng lên thì lộ... Mà phòng xa thôi, chưa chắc đã có lính.

Hai Cũ biết rõ Tâm đã đoán ra ý định của anh.

- Cái thằng! - Hai Cũ chắc lưỡi - Chú đừng cãi... tôi ra lịnh cho chú đó !

Hai Cũ làm vẻ nghiêm - và vì anh ít khi làm vẻ nghiêm nên Tâm chỉ nghích đầu lên, cười ranh mãnh:

- Thôi mà tía vợ của con!

Cái thằng quỷ sống ! Phải chi con Hạnh trộng trộng, gả cho thằng nầy... - Hai Cũ thấy vui vui - Biểu nó đóng giả vai rể, nó xăng xái: “Được! Con cấy chục công lúa, nuôi con Hạnh của tía... Mươi năm có là bao!”. Cái thằng lì lì mà khéo tay khéo chưn, coi là bàn với bản đồ, giữa vơi vơi trời nước, vậy mà nói đâu trúng chóc đó!... Nó chết, uổng lắm! - Hai Cũ trở lại hoàn cảnh của hai người:

- Tao nói thiệt mà! Mầy bò qua bên kia... Bảo vệ thì chia hai mũi, sao chùm nhum có một chỗ ?

- Tía ơi ! Rể của tía ngu gì cũng dám cưỡi chiếc ghe bằng lá mít ra Bắc, không lẽ dễ bị tía gạt như vậy sao ?... Nói chơi với tía, chớ lính cỡ một trung đội, hai tía con mình đánh mút mùa... Cứ ba cái cục đá này mà xây vòng, - mặt trời lặn chúng chưa lên mỏm nổi. Tối, ta “vù”... Tía không nghe tụi con “chơi” với mười lăm tiểu đoàn ngụy ở Bình Khánh sao? Địa thế Bình Khánh đâu bằng ở đây... Thôi dẹp cái vụ “mưu kế” của tía! Còn nước không, cho con một ngụm...

Hai Cũ chưa kịp trao bình ton nước cho Tâm thì Tâm đã “suỵt”. Hình như dưới sườn núi có tiếng người. Đúng có tiếng người, tiếng lào xào, sau rõ dần, theo con đường mòn.

Hai Cũ và Tâm đổi tư thế. Họ đặt họng tiểu liên lên phiến đá trước mặt, tay tì vào cò...

- Hễ tôi ra lịnh, chú phải nhảy ngay xuống biển!

Hai Cũ cố dặn lần chót. Anh hy vọng Tâm rơi xuống nước lội khuất đâu đó rồi anh mới nổ mìn...

Tâm không gật đầu. Có thể Tâm không chịu mà có thể hết cơ hội để cục cựa: những chiếc bê-rê trắng đính hai dải lụa đen phe phẩy trong gió ló lên, theo con đường mòn... Đám thủy quân lục chiến ngụy ước chừng một trung đội, sau cùng rồi đứng cả trên mỏm, ngó ra biển.

- Hải Dương 1 đâu ? Hải Dương 1 đâu ?... Yết Kiêu 3 đây! Yết Kiêu 3 đây!

Một tên lính gọi vào bộ đàm.

- Sóng to lắm hả? Có gì lạ không?Không hả? Nói chuyện với trung úy...

Tên lính trao bộ đàm cho viên trung úy:

- Trung úy Thi đây... chào thiếu úy...

Viên trung úy bỗng cười phá:

- Ối giời! Vừa hạ nêu, đã kêu thiếu “nhiên liệu” ! Tuần sau, các bạn cặp bến Cam Ranh, tụi này cũng về đó, ta làm một chầu... sao ? Tất nhiên, nếu không bị Việt cộng cho theo ông bà ông vải... Hả ?

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #57 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2013, 03:40:21 pm »

Hai Cũ nhẩm tính: Hai loạt Tôm-xông đủ sức xô hết bọn này xuống biển. Song, chúng nó hẳn không chỉ có chừng ấy... Anh liếc nhanh Tâm. Nó đang dán mắt vào lũ thủy quân lục chiến, rất thanh thản.

- Thế nào cũng phải biểu nó nhảy trước... may ra thì thoát! - Hai Cũ vẫn nhủ thầm.

Viên trung úy tiếp tục nói bộ đàm. Cả tốp quay chung quanh hắn. Chúng đùa với một đơn vị hải quân nào đó đang tuần tra gần vùng biển quốc tế.

Bỗng, một tên, tự nãy giờ đứng hơi xa viên trung úy, đảo mắt nhìn quanh.

- Cầu trời nó không chú ý... - Hai Cũ rên rỉ trong bụng.

Tên đó đảo một vòng, rồi ngó ra biển, Hai Cũ chưa kịp thở phào thì nó đã quay lại. Nó chú ý cái đống lù lù này rồi ! Đứng vậy, nó tách đồng bọn, leo lên bậc, vẹt các cành cây.

Bây giờ, trông nó thật rõ qua nút ruồi khẩu Tôm-xông: một thằng thiếu úy, trẻ và bảnh trai, cổ đeo tượng chúa. Thằng thiếu úy bước thêm mấy bước. Nó khom người nhìn chòng chọc đống cành lá mà nó dễ dàng hiểu rằng để ngụy trang cho một cái gì đó. Nó kéo nhẹ một cành và, trước mắt nó, những bao ni-lông đầy mỡ bò. Nó vạch một bao và vội rụt tay, lấp cành cây vào chỗ cũ.

- Tự chúng bây mang đầu vào chỗ chết!

Hai Cũ nghiến răng. Thằng thiếu úy trông dễ ghét quá chừng. Trong phút định đoạt này, tim Hai Cũ đập trở lại bình thường. Anh chờ thằng thiếu úy hô hoán. Cả bọn sẽ ào vô và anh suy tính phát huy ở mức cao nhất băng đạn đầu tiên: anh sẽ đứng sổng lưng, quạt từ trái sang phải. Chắc chắn Tâm cũng sẽ làm như anh, theo chiều ngược lại.

Thằng thiếu úy quay lưng. Cái lưng này sẽ lãnh vài viên cỡ 12 ly, trong cự ly mươi thước, lỗ phá không to, song thằng thiếu úy chẳng có lấy nửa giây để xưng tội.

- Thiếu úy Đường chùn vô đấy làm gì? Có chi lạ không ?

Viên trung úy hỏi.

Chỉ vài tiếng đếm nữa thôi... Hai Cũ chống cùi chỏ sửa soạn bật dậy.

- Không có chi lạ!

Thằng thiếu úy trả lời. Hai Cũ tuy sửng sốt, nhưng chưa nằm ẹp xuống.

Thằng thiếu úy từ từ mở nịt. Nó làm trò gì đây ?

- Tôi chột bụng !

Nó nói to và trật quần. Cả bọn cười ồ. Viên trung úy bảo.

- Tào Tháo bị rượt!

Rồi bọn chúng thong thả theo lối mòn khuất dần nửa than, khuất dần cái bê-rê và chân chúng khua xa... mất hút.

Hai Cũ liếc về Tâm. Cậu ta cũng liếc về anh.

- Bị bão tạt vô, phải không?

Thằng thiếu úy hỏi. Dĩ nhiên, bây giờ, ở đây, nó còn hỏi ai nữa? Vậy là nó đã thấy hai người.

- “Tụi nó” đóng dưới chân núi đến xế... không lên núi đâu... Mà phải nằm thật êm... Chúc bình yên !

Thiếu úy đứng dậy, thắt nịt.

Hai Cũ giống như trên trời rớt xuống. “Nội tuyến !” Anh khẳng định. Anh cũng biết và chẳng ỉa đái gì. Nhà ai đẻ một thằng con... “hết biết” . Và tên Đường... Được rồi! Đường, thiếu úy, Thủy quân lục chiến thuộc đơn vị mang bí số Yết Kiêu 3. Bấy nhiêu là đủ cho chuyện đền ơn đáp nghĩa sau này.

Thiếu úy Đường đã đi xa. Tâm giọng ranh mãnh thầm thì.

- Dân xứ Quảng! “Bị bẽo, tẹt vô, phải nèm thẹt êm”...

Rồi, Tâm cười ục ục. “Cái thằng chết đến đít mà không bỏ tánh khỉ khọn”! Hai Cũ trao cho Tâm bình ton nước. Anh ngó ra đại dương. Biển hình như dịu đôi chút.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #58 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2013, 09:04:48 am »

   mười chín

Vào một buổi sáng, sau 24 giờ chạy một mạch từ Hòn Hèo, thuyền Hai Cũ buộc phải chọn nơi đỗ lại. Trên bản đồ, Tâm chỉ cho Hai Cũ vùng Sông Ray. Đành phải tìm một lạch con nào đó ẩn lạm. Máy trở chứng. Hai Cũ và Thử - cùng Tâm đưa thuyền ra Bắc, vốn xuất thân thợ máy Trường Kỹ thuật Cao Thắng, Sài Gòn - xoay đủ cách mà máy cứ hổn hển như lên con suyễn. Điệu này, không dám mạo hiểm bung ra khơi. Chết máy ngoài khơi, thuyền dạt nếu không vào Xuyên Mộc thì cũng Cấp. Cháy bô-bin thôi, cần vài tiếng đồng hồ thay bô-bin là xong...

Lạch con mà thuyền chui vào um tùm mật cật, dây mây, Hai Cũ cho rấn khá sâu. Máy tàu rống vang động cả khu rừng già... Họ trinh sát một vòng quanh nơi thuyền đỗ: hầu như không có lối mòn và dấu vết người ở.

Công việc tháo lắp máy không lâu lắm. Mặt trời chưa đứng bóng, máy đã nổ giòn. Nhưng, tất cả đều buồn ngủ nhất là sau bữa ăn cơm nóng, canh cá nục nấu dấm, cá thu kho. Vả lại, cần lấy sức trong chặng chót. Thẳng thét một đêm chính Nam và một buổi cấn Tây là họ đã lảng vảng bên ngoài vùng giải phóng Bến Tre rồi. Chậm mấy, đêm rằm họ cũng đến nơi...

Độ ẩn của rừng mật cật đẩy họ vào một giấc ngủ mê mệt, kéo dài. Khi Hai Cũ nghe tiếng người, anh phải cố gắng hết sức mới mở mắt nổi. Đầu nặng trĩu và anh cảm thấy ớn lạnh. Mặt trời đã nghiêng sau núi. Hai Cũ đánh thức mọi người. Mắt người nào cũng đỏ chạch.

- Ở đằng đó, có thấy gì không ?

Một giọng oang oang cất lên Irèn bờ, cách nơi thuyền đỗ vài chụọ thước là cùng.

- Không thấy!... Còn ở đẳng đó ?

Tiếng trả lời vang từ thượng nguồn, cũng khá gần.

- Chưa thấy, mà dấu chân thì rõ lắm...

Cành cây bị dẫm bật “rắc”. Hai Cũ ra hiệu. Tất cả cầm vũ khí và tản lên hai bên bờ. Hai Cũ mở chốt an toàn khẩu súng ngắn, chọn một chỗ thuận tiện: anh nhón nhẹ đến bên một thân cây đồ sộ trốc gốc ngã ngang.

- Chắc quanh đâu đây thôi... Tiếng tàu chạy vô đây, tiếng tàu rồ lên rồi ngưng, không nghe chạy ra...

- Ừ! Tao cũng tính như mầy...

Hai người đối đáp sát bờ lạch.

Một cái khoát tay vít tàu mật cật. Hai chiếc nón bành loại của biệt kích - hiện ra. Hai Cũ trông rõ người đi đầu: cao, da sậm, một vết sẹo dài trên má, trạc bốn mươi, khẩu Mi-mát lủng lẳng dưới nách. Người đi sau lùn hơn nên anh không thấy mặt, chỉ nhận được khẩu Ga-răng thò cao nghệu.

- Đây rồi !

Người sẹo mặt chợt phát hiện chiếc thuyền: Y tì ngón tay vào cò súng. Người thứ hai hạ khẩu Ga-răng.

Y cũng vào lứa sồn sồn, cánh tay trần xăm chi chít. Hai người mặc áo ka ki ngắn. Người sẹo mặt bỗng thét to:

- Toàn trung đội bao vây!

Từ một nơi gần đó, có tiếng hưởng ứng:

- Toàn trung đội bao vây!

Hai Cũ cười lạt. Trung đội cái cục cứt! Nội bộ tổng cộng ba tên... có thể là biệt kích... Chưa chắc. Biệt kích không trang bị như thế này. Quân giải phóng? Hai Cũ cứ ngờ ngợ. Quân giải phóng sao đội nón bành ? Thôi đợi coi !

- Ê ! Ai dưới ghe đó, ra biểu !

Người sẹo mặt lên giọng, sau khi ra hiệu cho người lùn lùi vào gốc cây, chĩa họng Ga-răng ngay cửa thuyền.

Một phút im lặng.

- Đạn ! Tao kêu mà cứ trốn hoài dưới dó...Tao bắn chết cha bây giờ...

Y khoát tay. Người lùn rùn thấp sắp sửa bóp cò.

- Ê ! Muốn chết ông nội hả ?

Hai Cũ chưa kịp phản ứng thì Tâm - đối diện với hai kẻ lạ mặt, núp sau gò mối - đã lên liếng, giọng gát kèo trên.

- Liệu khẩu Mát “o mèo” với khẩu tự động Mỹ chịu nổi băng Tôm-xông này không?

Tâm ngo ngoe nòng khẩu Tôm-xông trên gò mối.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #59 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2013, 09:06:44 am »

Người sẹo mặt thoáng bối rối. Y né vào một thân cây.

- Bọn bây bị vây rồi...

Y cố nói cứng.

- Ai vậy ai, cái đó “người anh em” nói hơi sớm.. - Tâm tiếp lục đùa cợt.

- Tụi bây ở đâu chun vô đây?

Người sẹo mặt đã ẩn kín, hỏi.

- “Người anh em” hỗn hào quá... Ai là “tụi bây” ? - Tâm không trả lời, vặn lại...

- Trên ghe có mấy đứa ?

Người sẹo mặt vẫn ngang bướng.

- Chừng một chục... Đủ sức chơi không? Có “Ép em”, có thủ pháo. Mời cả trung đội ông bạn tới, để vợ con mở cửa mả, màn tuần, giỗ kỵ trong một ngày cho gọn !

Cái thằng! Hai Cữ “chịu” Tâm. Nó dõng dạc, biết ta biết địch...

- Ghe chở cái gì ?

Người sẹo mặt hỏi, giọng bớt kênh kiệu.

- Ghe chở cái gì, chỉ khai với đồn quổc gia hoặc với giải phóng... “Người anh em” thuộc loại nào?

- Giải phóng! - Người sẹo mặt quả quyết.

- Còn lâu!... - Tâm cười rộ.

- Nè! “Giải phóng” không giỡn với mấy người. Đ. m... Tất cả bỏ súng xuống, giơ tay, ra khỏi chỗ núp... Chúng tôi có phận sự xét ghe...- Người sẹo mặt ăn nói lộn xộn.

- Giải phóng mà chửi thề! Xin lỗi, “Người anh em” - Tâm đùa dai - có xem tuồng hát bội không? Kép đóng vai Trương Phi quên đeo râu, hoảng quá, xưng rằng: Ta là Trương Phì em của Trương Phi... “Người anh em” là Trương Phì ! Bây giờ, xin mời Trương Phì bỏ khẩu Mát bắn ruồi xuống ! Cũng xin mời ông bạn của Trương Phì thụt ló sau gốc bằng lăng vui lòng dựng khẩu Ga-răng...

- Tụi nó chắc đông đứa...

Hai Cũ nghe hai người khào khào:

- Tụi buôn cần sa...

- Sao mầy biết ?

- Buôn cần sa mới có súng bén... Tụi lính!

- Thiệt tụi nó đông không?

- Đông!

- Làm cách gì chia với tụi nó ?

Hai Cũ nghe rõ hết. Đây là đám cướp! Anh vụt cười thầm.

Thấy là nên kết thúc trò đùa của Tâm. Hai Cũ tằng hắng. Cả hai lên ngớ người khi Hai Cũ chĩa khẩu P.38 vào chúng.

- Đứng yên! Cục cựa thì mỗi người lãnh một viên...

Súng của chúng sau đó bị tước. Tên thứ ba chém vè đâu đó gọi mãi vẫn không thưa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM