Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:04:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chân dung một quản đốc  (Đọc 41055 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #30 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2013, 02:38:55 pm »

Tám Kỷ tỉnh dần. Va bật đầu ngơ ngác nhìn cái quang cảnh mà va hết sức lạ lùng. Rồi, va cũng hiểu ra. Va ngó trân trân cái còng, ngó sang đồng bọn. Khi tôi nói về tình của Hai Cũ đối với va, va cố tìm kiếm Hai Cũ trong ngôi đình.

Kết thúc bản luận tội, tôi xin tòa dùng hình phạt tối đa. “Hình phạt tối đa” - từ ngữ ấy lúc bấy giờ chưa thông dụng. Tám đứa có vẻ bàng quan với nó.

Chánh án hỏi chúng nghe rõ lời buộc tội của ủy viên công tố đồng thời là chính trị viên đại đội không? Trừ Tám Kỷ, bảy đứa trả lời là có. Tòa lại hỏi chúng có điều gì đính chính không, bản buộc tội có điểm nào không đúng không ? Cũng trừ Tám Kỷ, bảy đứa lắc đầu. Tôi hiểu chúng tôi chưa phải đã kể ra đủ tội ác của bọn chúng.

Tám Kỷ đã hết say hẳn. Va lấy lại tư thế. Trước hết, va khinh khỉnh nhìn Hứng và tôi. Rồi y nghênh ngang trông ngược, trông xuôi, thậm chí nheo mắt đùa cợt với số nguời quen mà va chợt thấy. Thái độ của Tám Kỷ “dựng trán” bọn hộ hạ. Bảy tên kia cũng câng câng cúi đầu, mặt vút vắt, thậm chí xì xồ với nhau cái gì đó và cùng cười phá.

Hứng cố nén giận, anh tuyên bố dõng dạc:

- Bị can đã không một lời đính chánh, tòa xem như bản buộc tội của công tố ủy viên là chính xác. Tòa mời các vị lãnh đạo địa phương, đồng bào và đồng đội của bị can phát biểu.

Ngoài tiếng “khè” của ngọn măng-xông, không ai xin nói. Đồng bào sợ thù oán, các đồng chí địa phương thì thấy bản buộc tội cũng tạm được - các đồng chí đã góp nhiều ý kiến với tôi. Tôi chỉ chờ bạn bè của Tám Kỷ. Khác với Tám Kỷ, họ ủ rũ. Có lẽ họ không ngờ Tám Kỷ tồi tệ đến như vậy.

- Rồi chưa? Hạ màn sớm... Tụi tao còn về nhậu chớ !

Tám Kỷ đứng dậy. Câu nói xấc xược của va lọt vào giữa không khí thù địch với bọn va, chỉ làm cho va thêm bất lợi. Nhưng, Tám Kỷ làm gì hiểu được điều đó.

Va quay phắt lại, ngó số bạn của va.

- Tụi bây là đồ chết nhát! Thằng Thắng, thằng Hứng mới giáo đầu tuồng, bọn bây đã thót dái lên cổ... Từ rày đừng kêu bạn bè gì hết.

Và đứng chàng hảng, trỏ vào mặt tôi và Hứng:

- Tao cướp của tụi ở thành mắc mớ gì mà hai đứa mầy đem tao ra đây xài xể ? Những đứa tao giết, tao hiếp là cha, là mẹ hai đứa mầy hả?

Hứng hết kiềm chế nổi, anh hét:

- Đây là tòa án binh của đại đội...

Tám Kỷ cướp lời anh:

- Tòa án! Tòa án cái con c...! Tao không biết đại đội, tiểu đội nào ráo... Đây là gánh do Hai Cũ với tụi tao gom từng đứa, lượm từng cây súng lập ra... Hồi đó, hai đứa bây chun ở lỗ nào?

Tôi sôi máu. Không “nốc ao”thằng ba đá này trước tòa thì Đại đội 3 rã ngay. Tôi đang suy tính.

Tám Kỷ được thể, càng rống tợn:

- Tao không biết kháng chiến kháng chung, Việt Minh Việt mung gì ráo! Lính Hai Cũ là ăn cướp, ăn cướp hoài... Này, mở cổng lẹ, kẻo Hai Cũ bửa đầu hai đứa bây bằng búa !

Tôi toan gọi bảo vệ lôi chúng đi, mặc dù tòa chưa tuyên án. Bắn mẹ nó cho rồi! Nhưng, nơi cửa, một bóng cao lồng lộng theo ánh đèn, trải dài cả cái sân đình rộng. Hai Cũ đứng đó tự hồi nào.

Ngôi đình xôn xao. Một thoáng lo ngại trên mặt các đồng chí địa phương. Một thoáng hy vọng trên mặt các bạn bè của Tám Kỷ.

Hai Cũ lững thững bước vào đình.

- Hai Cũ, mầy có thấy mấy thằng chó nó hành hạ bạn mày ra thân thể như vầy không?

Tám Kỷ đưa còng cho Hai Cũ xem.

Hai Cũ đưa tay lên. Chết rồi! Tôi than thầm. Anh mà bộp cho Tám Kỷ một bộp tai đổ hào quang thì sau đó, bản án chỉ còn dùng để nhúm lửa ! Cả ngôi đình lắng đọng và tôi là người duy nhất tại đây hiểu cái tích tắc định đoạt này.

Hai Cũ vụt bỏ tay xuống, cùng lúc với tiếng thả phào của tôi mà tôi chắc người nào nghe không thể hiểu nổi lý do. Tôi muốn nhảy xuống ôm hôn anh.

- Tám Kỷ nói bậy... Trước khi chết, người ta nói lời khôn. Còn Tám Kỷ, nó không thể nói một lời nghe lọt lỗ tai...

Vậy là Hai Cũ đứng bên ngoài từ lâu.

Anh nói chậm rãi như anh bước vào. Ai cũng chờ Hai Cũ nói thêm, song, anh đã chậm rãi bước ra...

Tám Kỷ và cả bọn măt thần. Tám Kỷ kêu cứu:

- Hai Cũ ! Hai Cũ !...

Tòa đã có thể làm phận sự của mình như một tòa án thực sự. Bốn bản án tử hình, nếu kể luôn hai đứa đã bị bắn chết là sáu. Bản án sẽ được thi hành trong vòng hai tiếng đồng hồ nữa.

Tám Kỷ - tái xanh - từ chối không tắm rửa, thay quần áo. Ba đứa kia thì khóc sướt mướt, than trời trách đất, chửi Tám Kỷ đủ điều.

Đơn vị làm cho chúng một mâm cơm có rượu. Nhưng không đứa nào ngó tới.

Trong khi chờ đợi, tôi về cơ quan. Ngang nhà Hai Cũ, tôi thấy nhiều người tụ tập trước sân và nghe Hai Cũ thét giọng đầy nước mắt từ trong nhà:

- Thằng Cũ nầy không phản bạn !... Các người đừng nói nữa. Trời ơi!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #31 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2013, 02:40:29 pm »

*
*   *

Hai Cũ trở lại đình. Anh lặng lẽ đến bên Tám Kỷ. Cặp môi khô khốc của Tám Kỷ chợt nhuận máu. Nhưng đôi mắt vừa lóe lên đã tắt ngấm liền: người cận vệ của Hai Cũ bày trước mặt va chiếc mâm, trên đặt đĩa thịt gà xé phay, tô cháo và chai rượu. Hai Cũ xẹt quẹt đốt thẻ nhang. Tay anh run, nên xẹt mãi quẹt mới cháy. Anh kê nắm nhang vào lửa và cũng phải hồi lâu nhang mới bén. Từng que nhang lặp cặp trên tay anh. Rồi đến hai cây đèn cầy. Ann cắm nhang vào cái lon cát và cắm đèn lên khu chén.

Người ta bao quanh anh, thành kính đến mức huyền bí. Ngay tôi cũng thấy rờn rợn.

- Mầy ăn thịt gà đi... Tao tế sống mầy đó! - Anh nói rất khẽ, rất thân tình.

- Vong hồn mầy có oán trách tao, tao chịu. Tao có lỗi đã không cứu mầy. Mà, lỗi đó còn nhẹ. Lỗi nặng của tao là để mầy rơi vô chỗ vô phương cứu. Không bắn mầy thì tao phải đi ra Long Thành đầu Tây. Mầy cũng biết, tao đâu thể nào đầu Tây được... Ăn đi... Gà giò... cháo ngọt lắm... Làm một hớp rượu nghen.

Anh rót hai chung. Tám Kỷ không giữ nổi chung rượu, rượu đổ hết. Hai Cũ nâng chung, ực.

Anh nhìn quanh:

- Đứa nào muốn đưa thẳng Kỷ thì vô uống với nó !

Đôi người rót rượu. Tay họ rã rời không kém gì tay Tám Kỷ.

- Cũ... Mầy ngó ngón tay mầy đi, Cũ !

Tám Kỷ thu hết sức tàn, phều phào. Nhưng Hai Cữ không còn ở đó. Anh lần vào bóng tối chập choạng. Cúi gục dưới gốc sao cao vút. Hai Cũ khóc - đôi vai động đậy như bị lay dữ dội.

Bốn tội nhân đưọc khiêng đến bốn chiếc cọc. Người chúng đã mềm nhũn. Bốn lỗ huyệt còn bốc hơi đất ẩm, bốn quan tài mầu huyết dụ - một chiễc bằng gỗ vên vên có chạm hồi văn.

Hứng hỏi chúng có muốn bịt mắt không, không đứa nào đủ sức ú ớ.

Tiểu đội hành quyết đã dăng hàng ngang. Tiếng cò súng lên đồng loạt. Họ chờ lệnh của Hứng.

Hai Cũ rời bóng tối. Anh lừ đừ tiến lại Tám Kỷ.

Nước mắt vẫn chảy dài trên má anh, anh không chùi.

- Vợ con mầy, tao lo hết. Tao nói với con mầy là mầy trối: Đừng bắt chước mầy.

Giọng Hai Cũ như từ chốn xa xôi nào đó vọng về.

Tám Kỷ chợt tỉnh, khóc rống:

- Anh Hai ơi! Anh nỡ nào để tụi nó bắn bạn của anh ?

Hai Cũ lắc đầu:

- Tám Kỷ ! Có sức chơi có sức chịu... Còn một phút chót nầy, mầy nên tỏ ra mầy không phải là thằng hèn...

Hai Cũ lại lừ đừ bước về phía tiểu đội hành quyết. Anh móc trong túi một mảnh vải sô, chậm rãi vấn quanh đầu:

- Tao để tang cho mầy đó Tám ! Tao quấn khăn tang bằng bàn tay mất một ngón ở cầu Bình Lợi!... Mầy nói phải, không nên để người khác xử mầy...

Anh bảo một chiến sĩ trong đội hành quyết:

- Em đưa súng cho qua !

Hai Cũ đứng vào hàng, theo lệnh của Hứng, từ từ cất nòng súng lên, tay không có lấy một xao động nhỏ...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #32 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2013, 02:52:48 pm »

   mười hai

Câu chuyện ở đại đội vừa tạm yên. Chúng tôi đã có thể bắt đầu một số trận đánh, phối hợp với địa phương. Hai Cũ dự hầu hết các trận đánh ấy, đôi trận, anh đích thân chỉ huy. Dĩ nhiên, không phải trận nào cũng thắng cả. Sau những trận thua, Hai Cũ lầm lì. Anh hút liền lù tì gần suốt đêm, tàn thuốc đầy cái lon sữa. Thế nào Hai Cũ cũng gài một trận đánh khác, thường na ná như trận vừa thua.

Địch trong vùng bắt đầu dễ nể Hai Cũ.

Hai Cũ rất chịu buộc lính trong đại đội tập “tứ đại kỹ thuật” 1 , trời nắng chang chang, anh xoay trần với lính ngoài bãi bắn. Song, Hai Cũ ghét lính tập đi quân hàng, chào súng...

Trong đại đội, có một cán bộ vốn là bếp 2  sơn đá, được giao huấn luyện các động tác nhập môn này. Mỗi lần gặp anh - anh lên là Phố - Hai Cũ đều châm chọc:

- Ủa, bữa nay bếp Phố không “chan, húp” sao?

 “Chan, húp” là cách nói trại một khẩu lịnh của lính Tây: Canh bí đao ăn mát ! Chan, húp, chan, húp! 3 .

Phố đỏ mặt. Hai Cũ chưa tha anh:

- Này, bếp Phố! “Bánh tét mới ngon làm sao”... Chú không dạy luôn cho lính biết rống bài “tò te tí te” đó cho nó đủ bộ!

Đó là bài “Mạc-xây-de”, bị xuyên tạc đoạn điệp khúc:

Bánh tét mới ngon làm sao
Mức bí thơm tho bùi không
Mời anh nhắm nhí...


Nhưng phải nói rằng Haĩ Cũ ghét nhất là học chính trị. Anh đùa dai với tôi, đôi lúc tôi phát bực:

- Có mấy “hạt lúa “, “quả trứng”, học tới học lui hoài ! Lúa hễ gieo thì lên mạ, mạ cấy thành cây lúa, cây lúa trổ bông lúa... Mẳc mớ gì kêu hằng “quỷ thể của quỷ thể”... ma quỷ ở đâu đây ?

Anh nói chữ “hủy” ra chữ “quỷ”.

-----------------------------------------------------------------------
1. “Bốn kỹ thuật lớn” là bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn, đánh bộc phá.
2. Binh nhất
3. Khẩu lịnh (tiếngPháp): En avant, marche ! ... Un, deux.. (đằng trước, bước ! một, hai).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #33 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2013, 02:54:59 pm »

*
*   *

Hai Cũ và tôi được gọi lên phân khu. Đã có quyết định chuyển Đại đội 3 thành đại đội độc lập trực thuộc phân khu Duyên Hải.

Nói là “lên” phân khu, kỳ thực chúng tôi phải đi “xuống” Hắc Dịch, vùng Bà Rịa.

Đây là lần đầu, Hai Cũ lên cấp trên. Anh cũng muốn gặp một số người mà anh nghe danh nhưng chưa tận mặt.

Hai Cũ nhìn tổ chức qua con người. Với anh, nên hay hư tự người cầm đầu. “Nhà dột từ nóc dột xuống”. Anh đi chuyến này cốt tìm hiểu “cái nóc nhà”.

Chúng tôi đợi ở phòng thường trực suốt ba hôm, chưa gặp Bộ chỉ huy phân khu, Hai Cũ nhất định không chịu làm việc với các phòng.

- Vô nhà, chưa chào người trên trước ai đời lại đi chào em út.

Cái nếp tôn ti trong Hai Cũ nó thâm căn cố đế, khó mà cãi vã với anh. Tôi đành nhịn.

Trong ba ngày đó, Hai Cũ thả quanh vùng.

Một hôm, anh hỏi tôi, sau bữa cơm chiều:

- Theo chú, ông ủy viên chánh trị phân khu là người thế nào ?

Câu hỏi khó trả lời trong vài phút. Hơn nữa, tôi chưa rõ Hai Cũ hỏi với ý gì.

- Tôi gặp nhiều “anh chị bự” về đây... Họ đều lãnh chức tước của cách mạng, song...

Anh bỏ lửng câu nói.

- Thì cách mạng thâu nạp ai theo cách mạng! - Tôi nói theo lối thăm dò.

- Thiệt họ theo cách mạng không?

Tôi chưa biết phải trả lời như thế nào. Hai Cũ nói tiếp, sau một lúc trầm ngâm:

- Dầu quen hay không quen, tôi rành mấy chả như rành tánh tình tôi. Cùng một lò mà ! Nếu bề trên lấy đức vỗ về mấy chả, ai đứng được thì đứng luôn, ai tà vạy thì “quất ngựa chuối” ngay hiệp đầu... Ví bằng tính “phóng tài hóa thâu nhân tâm” thì sự cung kính chẳng qua theo của ban bố. Còn tiền, còn nhơn nghĩa. Hết tiền, thuyền ai nấy lạo... Làm cách mạng khác làm mướn... Tôi nói vậy chú thấy đúng không?

Tất nhiên, Hai Cũ nói đúng. Song, vì sao Hai Cũ nói như vậy, tôi nhìn anh lom lom.

- Sao chỗ ông ủy viên chánh trị nhiều cô gái trong thành ra vô quá vậy ?

Tôi lúng túng. Té ra, ba hôm nay, anh quan sát, nghe ngóng. Và anh thắc mắc.

- Chắc chú cũng như tôi, không rành chuyện ở phân khu... Nè! Tôi hỏi câu này, trả lời được thì chú trả lời, không trả lời được thì thôi, tôi không ép.

Hai Cũ rào đón - trái với thói quen của anh.

- ... Ông ủy viên chánh trị có phải cộng sản không?

Hai Cũ thừa biết một chính trị viên đại đội như tôi còn là đảng viên, hà huống một chính ủy phân khu. Anh hỏi mác tôi thôi.

Quả thật, Hai Cũ hỏi mà chẳng cần đợi tôi trả lời. Anh chép miệng:

- Ông Việt Minh Long Thành thiệt là “đạo cao đức quảng”.

Anh nói về anh Năm bí thư quận ủy. Anh hàm một so sánh.

Hai Cũ bỗng mất hăng hái gặp ủy viên chính trị phân khu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #34 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2013, 02:59:01 pm »

Rồi người ta cũng đưa chúng tôi vào cơ quan. Theo hẹn, ủy viên chính trị sẽ tiếp chúng tôi vào lúc 3 giờ chiều. Viên thư ký của ông thông báo giờ giấc khít rim: 3 giờ làm việc đến 5 giờ, 5 giờ rưỡi, ông mời cơm chúng tôi đến 7 giờ. 7 giờ rưỡi xem kịch...,

Hai Cũ hậm hực:

- Có bấy nhiêu thôi sao?

Viên thư ký trịnh trọng.

- Ông ủy viên chính trị trăm công ngàn việc.

Khi viên thư ký ra khỏi nhà, Hai Cũ nhiếc theo:

- Cái đồ nịnh thần ! ... Bao nhiêu vua chúa hôn ám cũng vì lũ hoạn quan. Thằng hoạn quan nầy lại không thiến, hại lớn đa!

Anh hỏi tôi:

- Chú có thấy thằng thơ ký giống y Sáu Xít không?

Đúng là tay thơ ký ăn mặc chải chuốt, đầu chải bri-ăng-tin láng lẩy, đeo kính cận...

- Cất công lội từ Long Thành về đây, đợi ba bốn bữa, ông ủy viên chính trị chỉ tiếp có mấy tiếng đồng hồ... Tôi không phải ham khoe khoang song phận dưới muốn trên nghe cho kỹ, rồi đâu phải vì buổi kịch mà về ?

Nếu không nể mặt tôi, Hai Cũ đã chửi thề ỏm tỏi rồi.

Không phải ba mà bốn giờ rưỡi, ủy viên chính trị phân khu mới gặp chúng tôi. Trong bộ ga-bạc-đin màu sáng, kiếng mát gọng vàng, ông chễm chệ trên chiếc ghế bành đặt trước một bức bình phòng căng da một con cọp. Tóc ông nhuộm đen - người ta nói tóc ông trắng, song tôi không thấy một sợi bạc nào cả..

Tôi chập gót chân chào ông. Có lẽ ông chờ Hai Cũ tư thế như vậy. Hai Cũ lẳng lặng bước vào phòng, lẳng lặng ngồi xuống ghế - ngồi mà không đợi mời.

Ông ủy viên chính trị - mắt thoáng tối - vẫn phải tươi cười hỏi thăm sức khỏe Hai Cũ. Anh trả lời nhát gừng, ông ủy viên chính trị liếc nhanh về phía tôi. Tôi biết ông khiển trách tôi.

Hai Cũ dán mắt vào tấm da cọp. Ông bả lả:

- Ông Hai thấy tấm da cọp này đẹp không? Anh em tặng tôi đó !

- Cũng được ! - Hai Cũ trả lời, giọng vẫn cộc lốc - Tôi có mấy tấm... Có hồi trước. Mà, da cọp do tay tôi bắn !

Ông ủy viên chính trị biến sắc. Tôi rối ruột. Điệu này “hư đường hư bột” ráo trọi!

Ủy viên chính trị, dù sao, cũng là tay bản lĩnh.Ông cười mỉm liền sau đó và bằng lối “chiêu hiền đãi sĩ”, hỏi han Đại đội 3. Hai Cũ trả lời chiếu lệ. Cho nên trong 30 phút, ông ủy viên chính trị nói là chính, ông nói lý do thành lập đại đội độc lập, tầm quan trọng của đại đội độc lập,.. Ông hứa hẹn. Trong các điều ông hứa hẹn, có một điều suýt chút nữa ông bị Hai Cũ “quét giò”. Hai Cũ dằn được, chỉ xì ra, khi anh và tôi về chỗ nghỉ, đợi bữa cơm:

- Bạc xanh! Tiểu đoàn phó!... Mồi đó, nếu quăng trước đây một vài năm, tôi đớp liền... Ông nầy lạc hậu thấy mẹ !

Đối với chúng tôi, bữa cơm “thân mật” là một cực hình. Bàn kê ngoài trời, phủ vải trắng tinh, khách khá đông. Số khách “anh chị bự” mà Hai Cũ gặp ở các quán nhậu quanh phòng thường trực chiếm số nhiều. Bưng dọn, rót rượu... do các cô, tóc phi-dê.

Chuyện râm ran Có ba loại chuyện. Một là thức ăn - món tái này “hết chỗ chê”, món nướng này thợ “Ác-căn-xen”  1 cũng đầu hàng, rượu này “o-ri-gin” 2  chánh gốc xứ Sâm-banh. Hai là các cô gái: cô em đẹp “quá chời”... Ba là về ông ủy viên chính trị: Anh Ba mình “thiệt là điệu”, cái đồng hồ Ô-mê-ga vỏ vàng tôi đeo là kỷ niệm của anh Ba, anh Ba không lên cấp tướng là bất công...

-------------------------------------------------------------------------
1. Arc-en-ciel, cửa hàng ăn ở Chợ Lớn.
2. Nguyên gốc

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #35 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2013, 03:06:38 pm »

Tất nhiên, một số cán bộ ngứa mắt trước cảnh dị hụ này. Đồng chí phó ủy viên chính trị là một trong số đó. Đồng chí - trong bộ bà ba đen, lưng hơi còng, mắt lộ - đổi chỗ ngồi, đến cạnh Hai Cũ và tôi. Vài người nữa cũng làm như đồng chí. Vô tình, bữa ăn chia hai nhóm.

- Mấy ông để vầy mà chịu được, tôi phục mấy ông sát đất !

Hai Cũ chẳng úp mở gì.

- Cám ơn đồng chí! - đồng chí phó ủy viên chính trị nói giọng trầm - đồng chí quan tâm đến những điều tác tệ này với thái độ của một người chân chính, ủy viên chính trị là nhiệm vụ Đảng đặt ra cho người đại diện của Đảng trong quân đội. Tiếc rằng, ở đây, ý nghĩa cao cả đó bị thay thế bằng một cái gì trái ngược hẳn. Tôi chỉ xin đồng chí Hai Cũ biết cho: chúng tôi khổ tâm hơn đồng chí, bởi vì đồng chí lâu lâu mới chứng kiến một lần, còn chúng tôi... Đây là hiện tượng bất thường... Hiện tượng nào cũng có nguyên nhân cả. Nếu các đơn vị trưởng đều có thái độ như đồng chí, chúng tôi đã tiếp đồng chí trong một không khí khác... Dù sao, đã đến lúc rồi! Đồng chí đừng thất vọng nhé !

Chưa ai dùng tiếng “đồng chí” với Hai Cũ thắm thiết như đồng chí phó ủy viên chính trị. Hai Cũ xúc động mạnh. Mắt anh ươn ướt.

- Đồng chí phó ủy viên chính trị ở tù từ năm 1929 đến 1945, mười bảy năm trọn -Tôi nói thêm với Hai Cũ khi chúng tôi bỏ bữa ăn nửa chừng (mà chẳng ai để ý) và sau khi đồng chí phó ủy viên chính trị hẹn làm việc ngày mai - Trước kia, đồng chí tham gia Quốc dân đảng, là lãnh tụ của đảng ấy. Bị bao vây tại trụ sở Đảng ở Hải Phòng, đồng chí bắn với cảnh binh đến viên đạn chót. Trong sở lính kín, đồng chí không hé răng, kể cả tên của đồng chí. Tên mà bây giờ chúng ta gọi - Trần Văn Độ - là do địch đặt bừa. Bị kết án chung thân, đồng chí giác ngộ chủ nghĩa cộng sản trong tù và vào Đảng... Nói đến cái chịu đựng, ít ai bì nổi với đồng chí. Thuở nhỏ, đồng chí phải bới rác tìm chút thức ăn thừa, có khi sống bằng trái me, trái sấu... Địch tra tấn đồng chí đến mức: đổ dầu lửa vào miệng rồi đốt dưới hậu môn, như luộc ruột gan đồng chí...

- Có vậy chớ! - Hai Cũ nghe xong, nhận xét.

Theo căn dặn của đồng chí phó ủy viên chính trị, tôi cắt nghĩa cho Hai Cũ về những ràng buộc nhất thời khiến cho Đảng không thể chỉnh đốn mau lẹ theo chủ trương, cái tình trạng hỗn loạn sau khi Bảy Viễn đầu Tây.

- Tôi hiểu - Hai Cũ nói - Tôi hiểu vì tôi cũng “vấy máu ăn phần” trong cái tầm bậy nầy... Song, Bảy Viễn chưa hết...

Hai Cũ ngồi mãi bên bàn. Tôi muốn để anh lắng.

Khi đưa anh gặp ông ủy viên chính trị, tôi hối hận. Tôi nghĩ là những cái ấy đập vào anh đều bất lợi... Nếu nó không khuấy cho tánh hung của anh trỗi dậy thì nó cũng tạo cho anh cách nhìn cách mạng méo mó. Bởi, chính tôi, tôi không dè ở phân khu rối beng như vậy. Bây giờ, từ trong mùng nhìn ra dáng tư lự của Hai Cũ trùm trong khói thuốc, tôi lại mừng. Hai Cũ sùng bái nhân vật A, B, trong kháng chiến - một số người sẵn sàng tô vẽ những nhân vật này như siêu phàm - và có lẽ không nên ngăn cách anh tiếp cận với sự thực. Anh há chẳng tự mình chống báng lối “phóng tài hóa thâu nhơn tâm” đó sao?

Đêm ấy, chúng tôi nghỉ cạnh nhà riêng ông ủy viên chính trị. Tôi thức giấc khi Hai Cũ ngả lưng lên vạt. Đồng hồ chỉ hơn hai giờ.

Tôi chưa dỗ trở lại giấc ngủ - và chắc Hai Cũ chưa ngủ - thì từ nhà ông ủy viên chính trị phát lên tiếng ồn ào.

- Đi đâu giờ nầy mới về ? - Tiếng con gái.

Tiếng trả lời - tiếng đàn ông - nhỏ quá, chúng tôi không nghe rõ.

- Kịch vãn hồi 11 giờ... Bây giờ là mấy giờ, biết không?

Lại tiếng đàn ông trả lời, nhỏ rí.

- Thôi đừng có già hàm... Tôi biết hết... Sao không ngủ luôn với nó cho tới sáng?

- Còn chối hả? Thằng thơ ký của anh là loại cầm thú... Đem vợ dưng cho người khác...

Hai Cũ bật dậy. Anh bật dậy như nghe báo động biệt kích. Tôi khoát mùng, chun ra. Anh đi đụi đụi đến nhà ông ủy viên chính trị, tôi định kéo anh lại mà không kịp.

- Đêm hôm, để cho người ta ngủ, nghe!

Anh vỗ cửa rầm rầm. Tiếng đàn ông bên trong “suỵt” người con gái.

- Đứa nào mà ngang quá vậy? - Tiẽng người con gái ong óng - Chuyện gia đình người ta, ai biểu vảnh lỗ tai nghe chi mà không ngủ được !

Tôi biết biến cố khó tránh khỏi rồi. Quả vậy. Hai Cũ đạp tung cửa, xông vào.

- Đồ ăn cướp! - Người con gái mặc đồ ngủ mỏng dính, đong đưa trên võng chửi Hai Cũ. Ông ủy viên ngồi ở mép giường. Cô ta còn quá trẻ. Với tuổi đó, nếu cô ta lặng thinh, tôi tin là Hai Cũ nhiều nhất tặng cho một bợp lai, rồi thôi.

Làm như không thấy ông ủy viên, Hai Cũ gầm:

- Mầy nói lại một lần nữa coi!

Cô gái - vẻ mặt chanh chua, cô già hơn tuổi quá nhiều - cười nửa miệng:

- Nên nhớ đây không phải là chỗ để bọn đầu trộm đuôi cướp làm loạn... Muốn làm loạn... về lấy lọ nghẹ bôi mặt đi!

Hai Cũ thộp đầu cô ta. Tất cả số tóc quăn uốn sát lọt gọn trong bàn tay thiếu ngón của Hai Cũ. Hai Cũ lôi cồ cô ta khỏi võng. Anh giữ hổng cô ta và tát. Tát mặt, tát trái.

- Đúng! Đây không phải chỗ để bọn lưu manh làm loạn... Đúng! Mầy bôi phấn thav cho lọ nghẹ...

Tôi không can. Tôi chỉ can khi nào Hai Cũ có thể đi tới án mạng. Ông ủy viên chính trị ngồi chết trân. Tôi biết ông không dám can.

Cô con gái, mất hồn, chỉ rên:

- Chết tôi!

- Chuyện trong buồng nhà mầy, tao không cần biết. Song mầy la lối, ai cũng nghc. Thiên hạ ngó tụi tao, tưởng ai cũng lang chạ giống thằng chồng mầy, đâu có được!

Máu ứa trên miệng cô ta. Chắc cô ta gẫy vài cái răng.

Hai Cũ, sau cùng, ném cô ta như ném con gà xuống đất.

Anh quay lưng trở ra -  thậm chí không thèm nhìn ông ủy viên, đang cố thu mình sao càng bé nhỏ càng hay. Tôi lẳng lặng theo anh. Bên ngoài, nhiều bóng người chen nhau dòm qua kẽ cửa.

Hai Cũ lên vạt. Anh thở đều đều, liền sau đó.

*
*   *

Cũng chẳng có chuyện gì ghê gớm xảy ra. Số đồng chí có trách nhiệm phân khu đã nghe báo cáo trước khi chúng tôi đến làm việc. Đồng chí phó ủy viên bắt tay Hai Cũ rất chặt:

- Ông Phan vương này vác cây giản về trào, đập tả đập hữu, lại nhè “cục cưng” mà đập, đúng là đã uống mật gấu !

Một đồng chí phòng tham mưu - đồng chí này đeo kính cận - nói đùa:

- Vua mà đút đầu vô, ổng cũng đập tuốt !

Đồng chí phó ủy viên cười, suýt sặc ngụm trà vừa uống.

- Cả anh nữa - đồng chí nói tiếp - ông Phan vương này thành kiến với ai đeo kiếng cận thị.

- Đâu phải vậy! - Hai Cũ chối, lừ tôi: anh nghi tôi báo cáo về cách nhận xét con người của anh.

- Thôi ! Ta bắt đầu làm việc...

Đồng chí phó ủy viên lật sổ, tìm đoạn ghi chú về đại đội chúng tôi...

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #36 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2013, 03:11:19 pm »

   mười ba

Trong chiến dịch Trảng Bom giữa năm 1951, phương án tác chiến của Đại đội 3 được thông qua, sau nhiều lần tranh cãi trong cán bộ.

Phân khu Duyên Hải đã giải thể - ông ủy viên chính trị bị huyền chức và công việc thẩm tra về ông tiến hành mấy năm liền. Có nhiều dấu hiệu nghiêm trọng. Ông ta từng ở tù. Mọi cái bắt đầu trong thời gian ông ta ở tù. Khó mà biết ông ta ở tù bao lâu. Bấy giờ, những năm giặc khủng bố trắng, sau Xô-viết Nghệ Tĩnh, ông ta - một đảng viên có cương vị cấp huyện - bị bắt. Người ta gặp ông ở Côn Lôn. Rồi, ông ta bặt tăm. Trong phong trào Đông Dương Đại hội, ông ta không hoạt động ở quê mà ở Sài Gòn, với một bí danh. Chánh phủ Mặt trận Bình dân bên Pháp đổ, ông ta lại bị bắt. Người ta lại gặp ông ở trại tập trung Tà Lài, Bà Rá, rồi Côn Lôn. Ông bị giam mỗi nơi một ít. Và, trong sửa soạn khởi nghĩa Nam Kỳ, ông cũng xốc vác một công tác gì đó. Ông bị bắt sát ngày cuộc khởi nghĩa, vẫn như trước, Tây giam ông lưu động.

Năm 1945, ông từ một đồn điền cao-su, hô hào cướp chính quyền. Ông nghiễm nhiên là cán bộ lãnh đạo tỉnh và sau đó, được chỉ định làm ủy viên chính trị phân khu, lúc Bảy Viễn làm phân khu trưởng.

Hội tụ các dữ kiện, Sở Công an Nam Bộ tìm thấy một làn chỉ đen xuyên suốt những năm hoạt động của ông ta. Nơi nào ông ta công tác, cơ sở trước sau gì cũng vỡ. Nơi nào Tây giam ông ta, tổ chức bí mật trong tù lần lượt bị phá. Trong vụ tảo thanh bọn phản động Bảy Viễn, nhiều oan án - có cái hết sức vô lý - được ghi nhận.

Dĩ nhiên, đó là lô-gích của Sở Công an. Còn phải thêm tài liệu nữa. Còn phải tìm đọc hồ sơ của ông ta trong cơ quan mật thám. Còn phải chờ xác minh của vùng ông ta hoạt động. Trong hoàn cảnh kháng chiến đi lại khó khăn, chờ một xác minh ở một huyện Hà Tĩnh - về một chuyện 15 năm trước - không thể nhanh được.

Hai Cũ hiểu rằng chẳng qua là vấn đề thời gian, chớ mọi cái đã thật rõ ràng.

Đại đội 3 - đại đội độc lập - bây giờ trực thuộc Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông. Ban chỉ huy đại đội thay đổi. Tôi, cán bộ tiểu đoàn, ở lại với đại đội cho tới xong chiến dịch. Hứng được đề bạt làm chính trị viên và Út Giảng làm đại đội phó.

Quan hệ giữa Hai Cũ và Hứng tốt hơn, song tính khí hai người khó giữ cho họ ăn ở với nhau như bát nước đầy.

Hứng phàn nàn Hai Cũ: “Ổng “độc tài” quá cỡ, chuyện công mà ổng đụng đâu ừ đó, không bàn thảo với ai hết, nói xin lỗi - ổng vừa vén quần đái vừa hạ lịnh, mà toàn lịnh “độc địa”: hốt tụi thám báo này đẩy cái lô-cốt kia... Khu cho mấy cây mọt-chê, ổng xách ra đồn bắn thử, chẳng đo đạc ngắm nghía, báo hại đám cấy chạy thiếu điều đứt ruột, may mà không ai bị miểng. Làm ăn kiểu ổng, có ngày cả đại đội vô trại giáo hóa nằm”.

Hai Cũ cũng có không ít cớ cự nự Hứng.

- Chú Hứng mà thiếu “hội ý” thì khỏi ăn cơm. Bữa nhậu mà chú cũng điều vô chương trình nghị sự. Thời buổi giặc giã, phải lanh tay lẹ mắt chớ đâu cà rịch cà tang như vậy được.

Hứng cho Hai Cũ lề mề, thiếu tác phong quân sự. Hai Cũ cho Hứng tối ngày bù đầu về những thứ “lặt vặt”: lính ăn mặc làm sao, nói năng làm sao... Hứng phạt cậu nào tập hợp trong hàng mà còn cười. Hai Cũ đứng trước hàng quân có khi quần vắt cổ.

Đồng chí cấp dưỡng của ban chỉ huy đại đội đứng tuổi, góa vợ. Một hôm, con gái của đồng chí đưa mẹ chồng lên thăm. Xuôi gia gặp nhau. Cậu bảo vệ của Hứng hỏi đồng chí cấp dưỡng:

- Bố già ơi! Tôi đố bố già cái gì rờ mát tay hơn hết ?

Đồng chí cấp dưõng ngơ ngác. Cậu ta bô bô:

- Nhứt rún chị nuôi, nhì đuôi rắn hổ !

Hứng xụ mặt. Cậu bảo vệ bị phạt đứng nghiêm trước cột cờ suốt buổi.

Hai Cũ không chịu: - Ừ, thì con nít nói bậy, rầy la là đủ, gì dữ vậy!

- Chú Hứng hễ mở miệng là tuôn danh từ “ra-phan”. Giống y cô cán hộ “dân vận” nói với bà má chiến sĩ: Má ơi, con “nắm vững” cái nồi, mà chưa biết “địa điểm” hũ gạo... Bà má chỉ cho cô hũ gạo. Cô hỏi: Má ơi, xúc gạo bằng “phương tiện” gì...

Hứng đâu chịu thua:

- Ai đời, giữa hội nghị toàn huyện bàn đánh tụi Bảo an lấn chiếm, ổng nói rùm: cái thứ mã tà tét đó mà chư vị nhợn tới nhợn lui. Tui nói thiệt, tui vừa gãi... vừa đánh, cũng rượt tụi nó són cứt!... Chịu nổi ổng không? - Hứng rầu Hai Cũ thưa như cái rổ sảo - May cho ổng bộ quần áo ka-ki - ổng có bộ nào ra hồn đâu - ông xỏ vô có một bận, hôm sau, không thấy, hỏi ổng, ổng trả lời tỉnh rụi: Thằng nhỏ mới vô lính, ở trần, tao cho rồi! Hễ ai than với ổng một tiếng thì muốn lột cái gì cứ lột: đồng bồ, súng lục, dép râu, vải dù. Phần ổng, không một xu dính túi, ăn một tán đường cũng ke re, mà ổng ký lịnh xuất, khi năm chục, khi một trăm... Nào cho anh A gởi về nuôi con, nào cho anh B mua hòm chôn bà già... Mấy tay xấu bu quanh ổng xin “bồi dưỡng”.

Hai Cũ chê Hứng keo kiệt:

- Làng tôi có lão hương cả tên Ngô Văn Công 1, va kén rể kỳ đời: ai cưới con gái va mà tốn ít nhứt thì va gả. Mấy cậu thi nhau khoe cái hà tiện của mình. Va lắc đầu: Tốn lắm! Tốn lắm ! Sau rốt còn ba cậu. Cậu thứ nhứt trình “kế hoạch”: mời hai họ ăn nồi cơm nếp nhão với thịt mỡ, mỗi người giỏi lắm ăn một muỗng, ngán tới óc o! Va bác: Ý! Nấu tới một nồi cơm nếp, còn thịt mỡ nữa... Bộ mầy in được giấy bạc sao chớ? Cậu ta cố nói thêm: nồi cơm nếp lưng một chút thôi, mình phơi khô, để dành. Còn mỡ thì thắng, có mất đi đâu ? Va cự chỏi lỏi: Mầy là thằng phá gia chi tử. Mầy coi, cơm nễp nở đầy nồi, đem phơi, nó teo nhách, phải dại không? Còn mỡ, nhà tao kỵ nó, ăn mỡ hại gan lắm !

Cậu thứ hai trình: mời hai họ ăn kẹo mạch nha. Trẻ còn răng, kẹo dính, ăn cả giờ chưa hết một lóng tay. Già rụng răng, có môn mấp bậy chớ nhai gì được. Va hơi xiêu lòng: Thằng này cao kế ! Tuy vậy, một tô kẹo mạch nha đâu ít tiền. Cậu thứ ba đến muộn. Cậu ôm một con gà mái đẻ với một miếng bánh tráng nướng. Vô tới cửa ngõ, cậu đi thụt lui - Trời đất ! Va kêu hãi hùng - Mầy làm đám cưới bằng một con gà mái đẻ! Chắc mầy là con Chú Hỏa.. Cậu rể tương lai thưa: Tía hiểu lầm rồi! Hai họ ăn một cái bánh tráng là quá sang, ăn thế nào cũng rơi vãi, con gà mái lượm chỗ rơi vãi, có phải lợi không? Va khoái chí - Giỏi, mầy là một nhà phát minh cỡ lớn! Mà tại sao mầy vô nhà tao lại đi thụt lui ? Cậu trả lời: Ấy, mỗi lần xây trở tốn hao sức lực, con tính hễ tía không gả thì con đi về, khỏi mất công quay lưng.

Hai Cũ cười đắc thắng, bảo Hứng: - Chừng nào đến làng, tôi dắt chú Hứng tới - Va còn đứa con gái nữa!

-----------------------------------------------------------------------
1. Ngô công là con rết.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #37 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2013, 03:20:44 pm »

Hứng - nhỏ hơn tôi vài tuổi - vào đời đồng thời với Cách mạng Tháng Tám. Với anh, chỉ có một cuộc sống - cuộc sống kháng chiến. Anh rời lưng trâu và cầm liền súng. Chân lý đến với anh từ những buổi học tập những trang sách báo những công văn. Bộ đội, sáng và chiều phải chào cờ. Hừng sáng phải tuần tra. Đêm phải gác. Sáng phải tập thể dục. Chiều phải hội ý, có việc hay không có việc đều phải hội ý răng rắc ! Thời dụng biểu đâu vào đó. Áo phải bỏ vô quần, thây kệ, áo bà ba cũng vậy... Hứng nhìn Hai Cũ - người tiêu biểu cho đại đội - phá vỡ điều lệnh (anh cho là “phá vỡ”) với bao nhiêu là uất ức!

Hai Cũ đi vào cách mạng khi đã có những năm tháng ngoài đời. “Ngoài đời” của Hai Cũ gồ ghề ra sao, chúng ta đã biết. Thật ra, mọi cái đều bình thường khi Hai Cũ còn bé. Anh ở một vùng đất gò trọc, ngoài cỏ may, không loại cây nào mọc nổi, kể cả đào lộ hột. Cha anh cạo mủ, mẹ anh lượm hột cao-su. Lên bảy, Hai Cũ tập sự cu-li trong sở: gỡ mủ đất, làm cỏ... Lớn hơn một chút, anh lái xe - cha mẹ anh mừng đễn nỗi cúng ông Địa một con gà dịp anh được nhận chân phụ lái xe chở mủ. Nhưng, một khi cầm vô-lăng rồi, Hai Cũ muốn bay nhảy. Anh bỏ sở, xin làm cho một hãng xe đò chạy đường Biên Hòa -Sài Gòn. Anh sống với nghề sửa máy, nghễ “lơ” - đôi khi cũng cầm tay lái - được vài năm. Trong vài năm đó, Hai Cũ giao du với nhiều hạng người trong xã hội. Anh sanh sứa học nghề võ và bắt đầu cho rằng sự an phận của cha mẹ anh là không đúng. Bên cạnh một xã hội lềnh lềnh, tuần tự mà cha mẹ anh cho là phần số - trời kêu ai nấy dạ - anh còn thấy một xã hội khác, luật lệ của nó xây dựng trên mỗi một chữ: dám làm. Anh thử và thành công ngay. Vụ cai tổng On đóng trăn anh như là giọt nước làm tràn ly nước. Anh bỏ nghề lơ, xông thẳng vào nghề giật dọc. Thời cuộc rối ren; Tây và Nhật, tay sai Tây và tay sai Nhật, chiến tranh, Đồng minh bắn phá, tình trạng suy đồi chung khắp đây đó... gợi cho anh ý nghĩ nâng cái nhóm giật dọc của anh thành một đảng cướp. Anh tự lý giải: chưa hẳn đánh cướp đã là tệ lậu nhất, còn bao nhiêu thứ đáng nguyền rủa thập bội, tỷ như tề, lính, cho vay cắt cổ, đi buôn “nhứt bổn vạn lợi”, chứa điếm, mở sòng. Hơn thế, Hai Cũ thấy rõ rệt mình bỗng tự do và được kính trọng hơn khi mình là ông Hai Cũ, chính đảng.

Anh chưa bao giờ suy tính xem: nếu Việt Minh không dậy, cái gì sẽ xảy ra với anh? Làm vương làm tướng hay dừng chân ở một đảng cướp - tất nhiên, với điều kiện không bị xử tử, ở tù rục xương hay bị bắn đổ ruột.

Đó là giả định, chớ Việt Minh đã dậy rồi. Anh theo Việt Minh. Theo Viêt Minh vì “ham vui”. Trong quan niệm của anh, theo Việt Minh là sự kế tục hợp lý con đường anh đã chọn. Theo Việt Minh, “anh thỏa chí bình sanh”... Những thứ: đồng đảng, súng... hồi nào phải lén lút, bây giờ nghiễm nhiên “danh chánh ngôn thuận”. Và, cứ vậy, anh rấn tới. Anh đinh ninh chẳng bao giờ anh đổi thay cách nhìn cuộc đời. Thế nhưng cuộc đời đã đổi thay và anh không rõ anh thôi “ham vui” và bắt đầu “khoái” kháng chiến từ cái mốc nào của một chuỗi biến động chung của đất nước và riêng bản thân anh.

Anh cười cợt cái mà anh cho là gò bó.

Hứng cười cợt cái mà Hứng cho là thiếu kỷ cương.

Tuy nhiên, cả hai cùng gặp nhau ở một tụ điểm:

Hứng công nhận Hai Cũ ham đánh giặc và đánh giặc giỏi. Hai Cũ không có chỗ nào chê trách Hứng về hướng đó.

Bởi vậy, dù cho mỗi sáng, Hứng đứng trước đại đội điều khiển tập thể dục, với khẩu hiệu: hàng dọc bên trái quay, tập thở, một, hai, một.... còn Hai Cũ thì bét bét sau hè, bái tổ rồi xuống tấn, đánh một bài “Mai hoa quyền” - hai người, sau đó, ngồi chung với nhau trên một tấm đệm, bản đồ trải rộng trước mặt.

Công lao của Út Giảng lớn biết mấy ! Tôi dám báo cáo lên phân liên khu tôi đã có thể yên tâm rời Đại Đội 3 chính là vì có Út Giảng. Anh thuộc số “hồi tụi mình”, cùng dự trận cứu Hai Cũ ở cầu Bình Lợi, Hai Cũ không thương anh bằng Tám Kỷ, anh không phải loại “có máu mặt” - song bù lại, Hai Cũ nể anh. Anh vừa gan dạ - với Hai Cũ, đây là đề thi số một - vừa biết tính toán, làm cái gì cùng lật mặt nọ mặt kia chớ không “a thần phủ”, sống rất giản dị - có chút đỉnh văn hóa - học lớp nhì. Anh vào cách mạng y như Hai Cũ, song hiểu việc phải trái sớm hơn Hai Cũ. Mỗi lần nhớ lời khuyên về Tư Chắc Cà Đao, Tám Kỷ - anh khuyên Hai Cũ “siết bù lon” mấy tay Trần Đoàn lão tổ kia nếu anh thiệt bụng thương họ - Hai Cũ đâm ra ngán Út Giảng:

- Cùng thời trong làng trộm cướp, sao thằng cha nầy sáng dạ hết biết.

Út Giảng hiểu mặt tốt và chưa tốt của Hai Cũ anh cũng hiểu như vậy về Hứng.

Trước khi đơn vị chuyển từ ven lộ 15 lên ven lộ 1, Huyện ủy Long Thành làm lễ kết nạp Út Giảng. Tôi và Hứng giới thiệu anh vào Đảng.
Tôi bàn với Út Giảng nên báo cho Hai Cũ tin này, trước khi làm lễ. Tôi và Hứng là đảng viên. Hai Cũ không có ý kiến gì. Chúng tôi “ngoại đạo” đối với gánh Hai Cũ. Còn Út Giảng, cật ruột của Hai Cũ, vô Đảng mà không nói. Hai Cũ dễ nghĩ bậy - hoặc cho chúng tôi gài “lính kín” trong người thân cận anh hoặc cho Út Giảng “phản”.

Nghe Út Giảng, Hai Cũ ngồi im khá lâu. Út Giảng đâm hoảng. Va mà lắc đầu một cái thì rối.

Lát sau, Hai Cũ mới thủng thỉnh hỏi:

- Mầy không vô Đảng được không?

Út Giảng càng quýnh. Hỏi giọng này là va hoác ra rồi ! Anh phân giải với Hai Cũ: vì anh xin vô Đảng, các đồng chí thấy được nên giới thiệu, kết nạp.

- Tao biết!... - Hai Cũ nói, vẫn thủng thỉnh - Bộ mầy tưởng tao “Huất Trì” hoài hoài sao? Tao muốn hỏi mầy: thiếu gì chỗ xin vô mà mầy không xin, nhè xin vô Đảng Cộng Sản ?

Út Giảng chưa hiểu ý Hai Cũ. Anh lại phân giải một hồi nữa: tính chất của Đảng, vai trò của đảng viên...

- Mầy cứ diễn thuyết với tao! Tao biết... Tao hỏi mầy vậy chớ mầy xin vào Đảng mà mầy đã liệu sức chưa? - Hai Cũ ngó thẳng Út Giảng.
- Làm cộng sản khó lắm !

Hai Cũ kết luận.

Liền đó. Huyện ủy kết nạp Út Giảng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #38 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2013, 03:26:33 pm »

   mười bốn

Sở dĩ phải bàn tới bàn lui phương án tác chiến vì cái đồn Gò Xoài bẹo gan Hai Cũ. Đó là cái đồn năm xưa anh nã súng lửa “chọc lét” nó và bị nó đá giò lái đến đỗi anh sém tiêu mạng, phải lủi về đám mía với mỗi cái quần xà lỏn. Bọn lính xưa kia bao chữ “O” anh chắc không còn ở đó, song cái đồn vẫn là cái đồn - ngạo mạn với bức tường dầy cộm như mời mọc Hai Cũ thử húc đầu vô lần nữa. Không nện cho nó tơi bời thì cái tức như bò đá năm xưa chưa tan và Hai Cũ còn mặt mũi nào nhìn dân Trảng Bom.

Hai Cũ bị cái đồn cuốn hút, bị vụ “rửa thù tiết hận” ám ảnh khi anh vừa đặt chân lên vùng đất quen thuộc này. Anh cất công “chăm sóc” nó. Vòng ngoài cửa đồn, sau vài hôm, anh đã thuộc làu như lòng bàn tay anh. Đồn tọa lạc trên một gò cao, từ bìa vườn cao-su đến nó bằng hai khoảng cột dây thép, hai mặt đồn ngó xuống cánh đồng, mặt kia day ngang con đường đá đỏ dẫn ra quốc lộ.

Đánh công kiên thì không ăn rồi. Hỏa khí của đại đội không đủ sức. Mà cường tập, cần một khối lượng thuốc nổ lớn, gần như không cách gì mang khối lượng thuốc nổ ấy sát đồn. Nơi xuất kích thuận lợi là vườn cao su lại bị ngăn cách với đồn bằng một dải đất trống, mà đồn ở vị trí cao, riêng khẩu đại liên mia-ra-đo đã khống chế một góc độ khá rộng.

Hai Cũ tìm phương thế khác. Hôm nào cũng vậy, vừa khuất mình là Hai Cũ biến mất và tờ mờ sáng mới về. Trong chu vi vài cây số quanh đồn, anh có thể kề tuồng bụng từng mô đất, vồng khoai lang, bờ mẫu. Anh không cần bản đồ, vẫn có thể kể vanh vách đâu có gốc điều, đâu có cần vọt, nhà nào tề lính, nhà nào dân làm ăn. Về cái món tên người trong xóm, anh y viên chánh lục bộ sở tại !

Tất cả cán bộ tiểu, trung đội đều phải bò theo anh, trần truồng như nhộng, dưới ánh sao...

Anh nắm giờ giấc chào cờ, điểm danh, đổi gác, thả rong của tụi lính đồn y anh là đồn trưởng.

Anh đòi đánh đồn theo một phương án đơn giản: cho một tổ bí mật cắt rào, gỡ mìn, bắt cầu qua hào nước, kéo vào một cái thang dựng ở góc trống trải nhất của đồn, ngay lô-cốt, chỗ hoàn toàn bất ngờ. Lựa đêm thứ bảy hay chủ nhật, thằng lính gác lô-cốt, thằng lính gác mia-đo cũng vậy - chúng chơi bời suốt đêm, hễ vừa đổi gác là ôm súng ngủ ngồi, chớ thấy cái bóng đen đen của nó mà sợ, nó ngủ như chết. Chỉ cần một cậu nhặm lẹ bò lên, diệt thằng lính lô-cốt thật êm thì coi như đã mở xong đột phí khẩu cho cả trung đội lặng lẽ vào đồn. Từ đó, đã giũ sổ cái đồn ! Theo phương án này mà không “ăn” thì cứ đem Hai Cũ ra sông Đồng Nai câu sấu !

Một phương án hay. Tôi nhận xét. Song, trên lại không giao Đại đội 3 đánh đồn Gò Xoài. Hai Cũ cố kêu nài, ban chỉ huy chiến dịch vẫn giao cho Đại đội 3 một nhiệm vụ khác. Hai Cũ thừa biết nhiệm vụ được giao quan trọng hơn đánh đồn nhiều song anh muốn chính tay anh kéo cờ đỏ sao vàng lên mia-ra-đo. Anh đề nghị Đại đội 3 được làm hai nhiệm vụ. Ban chỉ huy chiến dịch không thể đồng ý được. Hai Cũ đành đem hết tài liệu giao cho đơn vị bạn - được phân công đánh đồn Gò Xoài.

Hai Cũ là con người rộng rãi. Tuy tiếc hùi hụi trận đánh đồn, anh vẫn thiết tha mong cái đồn bị hạ. Cho nên anh trình bày cặn kẽ với ban chỉ huy đơn vị bạn các hiểu biết và suy nghĩ của anh. Anh còn hứa, nếu bạn thấy cần, Đại đội 3 sẽ biệt phái một tổ đã điều nghiên đồn Gò Xoài. Đồng chí cán bộ tiểu đoàn cám ơn anh, song, anh thấy đồng chí ấy không “mặn” về phương án của anh.

Thôi, phú thác cái đồn cho số phận nó, Hai Cũ bận lao vào công việc mới.

Lại xách cán bộ. mặt trời vừa lặn ra đi, khi gà gáy mấy hiệp mới nghe anh phủi chân leo lên ván, kéo chiếc chiếu đắp qua mình...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #39 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2013, 03:29:19 pm »

*
*   *

Đơn vị ém mí vườn cặp quốc lộ 1. Đại đội hạ quyết tâm đánh gần. Khi tiểu đội trung liên nổ súng thì có nghĩa là địch đã lọt vào trận địa phục kích, các khẩu đại liên bắn thật tập trung các mục tiêu được chỉ định và sau đó, toàn đại đội xung phong: lựu đạn, thủ pháo tiểu liên, lê... Hai Cũ trực tiếp nắm tiểu đội trung liên. Do Hai Cũ ứng tiếng giành chỗ gay go này, ban chỉ huy khó xử. Ban chỉ huy dự kiến Út Giảng chớ không phải Hai Cũ. Tôi thấy cặp mắt van nài đến độ đo đỏ của Hai Cũ, nên chiều anh. Để Hứng và Út Giảng bớt lo lắng, tôi nói rõ tôi sẽ cùng Hai Cũ quyết định tại chỗ. Hai Cũ vừa giãn cặp chân mày trước sự phân công mà anh ao ước, đã vội xụ mặt. Vậy là không phải anh mà tôi sẽ bắn phát súng mở màn.

Hiểu rõ điều đó - với Hai Cũ, hiểu cái gì bên trong anh không khó mấy, anh vụng nhất khoa giả đò - nên tôi trao đổi như vô tình:

- Tùy anh, nếu anh mở màn bằng súng lục cũng được, nếu anh quất cho tụi nó một tràng F. M. cũng được.

Hai Cũ, tất nhiên chọn khẩu F. M. Anh cười rạng rỡ.

Đại đội phục kích ở cả hai bên quốc lộ. Tiểu đội trung liên bố trí nơi địch bất ngờ nhất: ngôi nhà nền đúc của một thầy xu giàu có. Ngôi nhà trên dốc ngó xuống đường, tường bao ngoài cao ngang ngực - trên là chắn song sắt. Thật là chỗ trời dàuh cho bốn khẩu trung liên ra oai.
Ngôi nhà có một mảnh vườn chạy song song với lộ, nhưng cách lộ một đám ruộng nước. Không thể xung phong từ hướng này. Ở đây, đại đội bố trí hai khẩu Mắc-xim - tất cả tài sản của chúng tôi - một khẩu sẽ bắn vào giữa đội hình địch, một khẩu khóa đuôi.

Lực lượng chính của đại đội sẽ đánh từ phía bên kia lộ. Cặp lộ, phía bên kia, là một xóm nhà rải rác. Quân phải ém từ xa, trong vườn chuối.

Hai Cũ là tác giả chính của kế hoạch bố trí này. Anh trù bộ đội sẽ vào các nhà - có nhà dân, có nhà lính, có tốt, có xấu - đưa dân lánh sau hè. Bộ đội chỉ vào khi địch xuất hiện trên đường. Hoàn toàn có thề luồn bí mật theo đám chuối. Vấn đề chết sống là không để lộ từ khi ém cho đến khi luồn vào nhà. Lỡ một chủ nhà nào ra vườn sớm, phải giữ họ luôn.

Ém hai khẩu súng Mắc-xim thì đơn giản hơn. Mảnh vườn của tay thầy xu khá rộng, thông vói con suối. Chịu khó nằm dưới suối - giấu súng kín trong đám mật cật.

Gay go nhất là đột nhập nhà thầy xu.

Hai Cũ nghĩ nát nước. Nhà nhiều chó. Nó sủa um lên, một chút, giặc biết liền. Thực tế, qua khỏi nhà này, đã bắt đầu phố xá của ngoại ô thị trấn Trảng Bom.

Lúc đầu, Hai Cũ định phát loa kêu dân giết chó. Tức trong bụng thì nghĩ ẩu vậy thôi, anh cũng biết phát loa coi như trình với Tây: chúng tao sắp nổ, hãy liệu hồn! Anh không loại trừ chuyện thuốc chó.

Giả tỷ, khóa mồm bày bẹc-giê xong, làm sao chủ nhà mở cửa khi trời chưa sáng? Chẳng lẽ xoay qua dộng cửa? Sau cùng, Hai Cũ đi đến nhà thầy xu theo con đường riêng.

Anh cùng hai cận vệ thủ súng ngắn, mặc áo quần sạch sẽ, lựa lúc vừa nhá nhem tức là lúc bọn lính tuần ngày xong việc, bọn tuần đêm chưa tới phiên, đạp ba chiếc xe đạp đường hoàng quẹo vô cổng nhà thầy xu. Anh bịa một lý do gì đó ngồi với chủ nhà, đợi lúc không ai ra đường nữa vì chiếc xe tuần tra đã bật pha chạy rề rề. Lúc đó, anh và hai cận vệ thò “bửu bối” ra: chìa súng uy hiếp cả nhà. Anh phải đợi lâu - tôi cùng các chiến sĩ vác trung liên, qua suối, vào cửa sau khi trăng mùng mười lặn. Bầy chó bị nhốt, im re.

Hôm nay, lễ “cát-to dui-dê” (14 tháng 7) - Quốc khánh Pháp - thiên hạ kêu là lễ Chánh chung. Bộ Tư lệnh quyết định mở chiến dịch vào ngày này - vừa là thời cơ vừa để dằn mặt giặc. Những trận càn quét liên miên hàng tháng trước đó cho phép tụi chỉ huy Tiểu khu Trảng Bom yên trí. Không có trận đụng độ nào được thông báo chiến sự ghi nhận là “quan trọng”. Chỉ có du kích bắn lẹt đẹt.

Tướng năm sao Đờ Lát sang Đông Dương cuối năm ngoái muốn chứng tỏ rằng quân đội Pháp làm chủ tình hình ngon lành, sau hơn nửa năm thực hiện kế hoạch của y, nên ra lịnh tổ chức quốc khánh thật to. Diễu binh, diễu hành, thể dục thể thao, kẹc-mết... Trảng Bom, trong vành đai giữ Sài Gòn, không lý không ăn chơi một trận! Bọn chỉ huy tại chỗ định dành hai ngày: sáng ngày 14 duyệt binh, gắn mề đay, đọc nhật lịnh... sương sưong vậy, còn lại thả cửa cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm.

Suốt đêm, Hai Cũ và tôi không ngủ. Tôi ở trên lầu với chủ nhà. Lúc đầu, họ sợ Hai Cũ bắn - tướng có cô hồn của anh xài chỗ này thật thần hiệu - Song, dần đà, họ biết Vệ quốc đoàn thứ thiệt, nên đâm rên rỉ, oán trách nhoi. Nhất là vợ thầy xu. Con mẹ mưu mô đáo để: phần mụ ta kêu trời, kêu đất chưa đã, mụ ngắt véo đứa con lên một khóc ré inh ỏi. Tôi cố công nói, con mẹ cố công bù lu bù loa. Nào mấy ông giết tụi tui. Tây nó xử tử ráo, phá sập nhà, nào lựa chỗ nào không lựa, nhè cái nhà này, hai vợ chồng đổ mồ hôi xót con mắt mấy chục năm mới cất nổi v.v...

Hai Cũ lên lầu. Anh mới tằng hắng một tiếng, vợ thầy xu nép vào góc giường. Anh dằn mạnh súng lên bàn:

- Biểu im mà cứ ngo ngoe hoài. Bộ bà tưởng hễ Tây kéo lại thì bà yên thân sao chớ? Tụi tui mang súng vô chợ để chơi sao chớ? Tây nó rành vợ chồng bà quá, nó dư biết vợ chồng bà là của tụi nó, bị sợ tụi tui nên không dám la... Bà nói vậy, nó nghe nó cưng bà dẩu lên. Còn bà nhóp nhép cái miệng thì Tây có đến cũng chỉ làm lễ truy điệu cho bà thổi... Tui bắn bây giờ !

Hai Cũ biểu tôi xuống lầu. Anh ngồi đó tới gà gáy hiệp chót.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM