Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 07:39:18 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cõi đời hư thực  (Đọc 39187 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #60 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2013, 02:10:26 pm »

*

Mất gần hai tuần Quế bận giải quyết công việc gia đình và chăm sóc mẹ ở bệnh viện, nên viêc khảo sát để kết luận dự án nuôi tôm giống ở Tiền Hải đành bỏ dở. Theo số liệu thu thập được, Quế nhận thấy vùng biển Tiền Hải không thuận lợi cho việc đầu tư nuôi tôm sú giống bằng vùng biển Thái Thụy. Độ mặn, tỷ lệ phù sa, sóng và độ nhiễm của môi trường ở Tiền Hải đều khó thích hợp đối với con tôm khó tính này so với vùng biển Thái Thụy. Thế nhưng chủ đầu tư lại một mực xin xây dựng trại giống Tiền Hải. Mãi gần đây, được tiếp xúc với các bác, các chú bên tỉnh đội và nghe bố nói chuyện, Quế mới phát hiện ra một điều kẻ thù của dân tộc không bao giờ từ bỏ ý đồ thôn tính đất nước. Chiếc tàu của người Pháp đánh đắm ở cửa sông Trà Lý, tọa độ người Mỹ xin được thăm dò máy bay Mỹ bị ta bắn rơi trong chiến tranh ở ngoài khơi, nối với cửa sông Ba Lạt tạo ra một tam giác ôm trọn vùng bờ biển Tiền Hải. Các chú bên tỉnh đội còn cho biết, thời kỳ tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, phía Mỹ đưa ra một danh sách có đến bốn tọa độ máy bay Mỹ bị ta bắn rơi ở vùng biển này. Tra cứu trong lịch tác chiến thời điểm bốn chiếc máy bay bị rơi đều không có chiến sự xảy ra. Rõ ràng chúng lợi dụng để thực hiện ý đồ khác.

Quế như người bắt được của, tính toán lại các dữ liệu đã thu thập, phóng xe xuống cửa sống Trà Lý xác minh tọa độ chiếc tàu người Pháp cho đắm. Xong việc, cô phóng xe dọc đê biển về chiếc lều coi tôm của Bắc. Gió lồng lộng hất tung mớ tóc trông Quế như chiếc buồm no gió dướn về phía trước. Kia rồi, cái lều hạnh phúc của Quế như chiếc nón úp trên mặt đê, nơi Quế thả nụ hôn đầu tiên, nơi Quế neo thuyền để tìm bến đậu.

Bắc đang ngồi trong lều đọc sách, bất ngờ thấy Quế đỗ xe trước cửa, anh ngẩng lên, nhắm mắt, há miệng, dang hai tay như vòng ôm chờ đợi. Nhìn bên lều, Quế thấy một chiếc đó tre úp dưới đất liền cầm lấy rón rén mang vào trong lều, từ từ ấn vào ngực Bắc. Bắc mở bừng mắt, thấy vòng tay mình ôm trọn chiếc đó tre. Anh lẳng chiếc đó sang một bên, nhoài người ghì lấy Quế trả thù. Quế xứng đáng được trả thù. Cô nằm gọn trong vòng tay Bắc, không chống cự giả vờ cam chịu, nói:

-   Cái đó bẹp mất rồi...

-   Bẹp thật à, xem nào?

-   Ơ, cái anh này, Em nói là cái đó đánh tôm của anh kia kìa.

-   Vậy mà, anh cứ tưởng... anh làm bẹp...

-   …

-   Cho anh xem... nào.

-   Ứ...

Bắc đặt bàn tay vuốt nhẹ má Quế, rồi như vô tình rơi xuống đậu vào khuy áo ở cổ. Quế giả vờ mất cảnh giác. Bắc nhẹ nhàng bật tung chiếc khuy. Làn da trắng nõn thoai thoải khiến Bắc không thể dừng lại được nữa, anh bật tiếp chiếc cúc thứ hai và tiện tay lật tung chiếc xu chiêng màu trắng. Hai bầu vú như hai trái bưởi non, có cái núm đo đỏ đậu trên cái quầng nâu nâu làm Bắc run lên như người được của. Tay phải Bắc phủ trọn bầu vú trái, hai ngón tay vân vê cái núm mềm; rồi Bắc vùi đầu xuống ngực Quế, miệng ngậm chặt bầu vú còn lại, thẩy cái lưỡi chơi đùa với cái núm lây lẩy.

Quế run rẩy, ngửa mặt, mắt nhắm, hai tay ghì chặt mái đầu Bắc vào ngực, rồi lại đẩy ra, lại ghì vào làm miệng Bắc tụt khỏi bầu vú mấy lần... Quế như người nghẹt thở, hai bầu vú căng cứng, toàn thân như trái bom sắp nổ tung...

Trước khi xuống đây, Quế dự định nói với Bắc nhiều lắm. Nào là Quế đã đủ dữ liệu để trình giám đốc sở không đồng ý cho đối tác đầu tư sản xuất tôm giống ở Tiền Hải, phải chuyển sang Thái Thụy. Không phải vì Bắc, mà vì lý do an ninh đất nước. Rồi chuyện mẹ Mạ phải chấp nhận cho hai đứa lấy nhau. Chuyện bố Củng ủng hộ nhiệt liệt, ngay cô Bằng cũng có cảm tình đặc biệt với Bắc. Thế mà bây giờ Quế chỉ ngồi trong lòng Bắc, im lặng hưởng thụ. Gió biển thổi thuờ thuờ vào mái lều, như người đàn ông chụm môi thổi vào mái tóc dài. Xa xa, ngoài khơi nước triều co lại, gồng lên như con đê bao màu sẫm đục. Một đàn chim mố trắng như bông sà xuống bãi lầy, xâm đất kiếm mồi. Một chiếc thuyền gắn máy đuôi tôm từ cửa sông Trà Lý phịch phịch đạp nước ra khơi. Bắc ghé sát miệng vào má Quế thầm thì:

-   Anh yêu em lắm.

- …

-   Quế ơi, hai đứa mình “ăn nhau” nhé?

- …

-   Chắc cưới nhau rồi, anh vò em đến chết thôi.

Quế vẫn im lặng để cho lời yêu của Bắc thấm vào từng tế bào ngọt lịm. Dưới bờ đê, gần chân lều một chú cáy lông bằng nửa bao diêm từ dưới lỗ chui lên, giương hai con mắt như hai bóng điện cao áp, ngơ ngác, cảnh giác. Cách đó vài mét có một con sứa nhỏ nằm xõa tóc như kẻ chết trôi.

-   Kia là con sứa, anh nhỉ?

Bắc đang mê mải kiếm tìm cảm giác trên mái tóc thơm và đôi vai tròn của Quế. Cho đến khi Quế gỡ tay Bắc, hỏi lần thứ hai, Bắc mới trả lời:

-   Ừ, sứa!

Quế còn nhớ, đã có lần Bắc đã kể về con sứa cho cô nghe. Sứa trông như một chiếc dù nhỏ lửng lơ trong nước biển. Phía dưới “chiếc dù” có hàng chục cánh tay tua ra nghều ngào như tua con bạch tuộc. Gặp tôm, cá chúng quờ các tua tóm lấy và phóng ra một thứ nọc độc làm con mồi chết, để đưa vào miệng. Anh bảo, có loại sứa màu hồng chứa độc tố mạnh đến mức có thể làm chết một con mồi lớn gấp hai, ba lần con sứa. Bắc cũng bị nọc sứa đốt bỏng rộp, sưng đau như bị lá han đốt.

Vùng biển của Bắc có nhiều loại sứa. Sứa rễ là loại tay tua ra như rễ dứa. Loại này trôi trong nước trông trăng trắng, hồng hồng màu bích ngọc, xung quanh màu vàng chanh rất đẹp.

Nếu gặp một loài sứa nhỏ hơn sứa rễ, thân màu xanh lơ, tua hồng tươi đó là sứa sen. Thỉnh thoảng Bắc còn gặp một loại sứa khá lớn, tán dù rộng hơn hai mét, tua dài gần hai gang tay. Loại này thân màu vàng tươi, có đường viền quanh màu đỏ thắm, xung quanh miệng màu hồ đào, xúc tu màu hồng. Gặp lúc nó bơi trong nước biển trông như chiếc đèn trang trí rực rỡ. Bắc nói:

-   Du lịch biển mà chỉ đứng nhìn sóng nước, mây trời, thì m một lần là chán ngay em ạ. Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu, khám phá sâu thêm một chút thì biết bao thú vị mà sách vở không thể nào có được.

Quế dí một ngón tay vào trán Bắc, mắt long lanh:

-   Biển cũng giống như anh đấy!

-   Anh mà là biển? Anh là biển thì đã nhấn chìm, nuốt chửng em từ lâu rồi.

Quế vênh mặt:

-   Thật không?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #61 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2013, 02:12:31 pm »

18

Quế bước vào phòng thấy cả bố và mẹ đều đắp chăn nằm im ro. Mẹ ốm đã đành, kiểu này chắc bố cũng có sự cố.

Thấy con gái về, chị Mạ từ trong chăn nói vọng ra:

-   Cơm mẹ để trong chạn. Bố con, từ sáng đến giờ mệt lắm. Chả thấy cô Bằng đâu.

-   Mẹ đỡ rồi chứ ạ? Bố con sao hở mẹ?

Quế sờ trán bố. Anh Củng thiêm thiếp như đang sốt, lắc lư cái đầu trên gối.

Tắm rửa, cơm nước xong, Quế ngồi vào bàn tiếp tục công việc đọc cho bố nghe.

Anh Củng bỗng rên hừ hừ, lắc lư cái đầu vẻ mệt mỏi. Quế ngừng đọc quan sát cử chỉ của bố, hỏi mẹ:

-   Có cần tìm cô Bằng không mẹ?

Chị Mạ hơi nhúc nhích trong chăn, mãi mới trả lời:

-   Tùy con...

Từ đầu tối chị Mạ thấy anh Củng có triệu chứng không bình thường. Ăn cơm xong, anh Củng lặng lẽ bần thần như người quên cái gì mà không nhớ ra, rồi lên giường nằm. Gần đây anh Củng ít nói hơn, cử chỉ chậm chạp và gầy rộc hẳn. Đặc biệt, nhiều lúc thấy miệng anh như muốn nói mà không nói được, há ra, hập vào, môi run run, lưỡi đưa lên, hạ xuống vẻ cứng queo, bất lực. Quan sát, có cảm giác như anh muốn thét nhưng không thét lên được.   

Bằng đến và khám bệnh, bắt mạch thấy nhịp tim bình thường. Chị lại đo huyết áp. Huyết áp 125/85, cũng bình thường. Kể ra ở bệnh viện thì phải điện não đồ may ra còn phán đoán được. Bằng nghĩ vậy, ngẩng lên nói:

-   Có lẽ phải đưa đi viện.

Đi bệnh viện, chị Mạ phải đi theo để chăm sóc chồng, trong khi chị chưa khoẻ. Còn Quế, nó đã nghỉ quá nhiều, làm sao cơ quan cho nó nghỉ thêm. Phải cố chạy chữa cho anh Củng, kéo dài một thời gian nữa, để Mạ khoẻ rồi sẽ tính. Quế cũng nghĩ thế.

Anh Củng bỗng vật cánh tay phải xuống chiếu và lấy hơi , thở dài thõng thượt. Có một con muỗi ngang nhiên lướt qua mặt Quế, qua mặt chị Bằng định đổ bộ xuống mặt anh Củng. Chị Bằng giơ hai tay vỗ đánh bốp. Anh Củng nảy người. Con muỗi vút qua mặt chị Mạ biến mất.

-   Pịch, pịch, pịch, phồ...

Miệng anh Củng bỗng phát ra những tiếng là lạ. Mỗi tiếng pịch là một lần không khí trong miệng phì ra, hai bờ môi rung lên theo nhịp pịch, pồ...

-   Choé!

Tự dưng môi anh Củng chành ra, ở đó vừa phát ra tiếng choé rất đanh.

-   Hỡi người con gái tôi yêu... ì... ì...

Chị Bằng suýt phì cười vì sau tiếng choé, anh Củng lại ri rỉ hát, rất êm ái, nhẹ nhàng và yêu đời.

Chị Bằng cười, nói:

-   Con lạy bố, bố yêu đời quá nên các con khổ.

Anh Củng mở mắt nhìn thao láo lên mái nhà, hai tay vật ra chiếu như người phát phiền, ngực dô lên, miệng thở dài thõng thượt. Chị Mạ ngồi xích lại, cầm hai cánh tay anh Củng đặt trở lại trên bụng. Anh lại vật hai tay ra, tiếp tục thở dài.

Quế buồn lắm. Buồn vì bố bệnh ngày càng trầm trọng. Buồn thêm nữa vì những trang Quế đọc cho bố nghe gần đây sao chán thế. Nó không gây cho Quế cảm hứng, lại gieo vào lòng cô một luồng khí u ám. Cả hai yếu tố cộng lại khiến cô ít nói, không được vô tư, tươi trẻ như trước. Chỉ những lúc nghĩ đến Bắc, đến tương lai hạnh phúc Quế mới cảm thấy vui sướng.

Chị Mạ lơ mơ cảm thấy rủi ro có thể ập xuống gia đình chị. Từ ngày lấy anh, chưa bao giờ chị được bình yên hưởng hạnh phúc. Hạnh phúc đến vói chị rất khó khăn và bao giờ cũng mang theo trái đắng. Cuộc đời lúc nào cũng đặt ra cho chị hai điều kiện: muốn có hạnh phúc phải nhận cả đắng cay. Thành ra có lúc cầm hạnh phúc trên tay mà rưng rưng nước mắt. Cái gì tạo ra thế? Mặc dù chị không muốn, không bao giờ muốn thế. Chị không lý giải nổi. Một cái gì lơ mơ hình thành trong suy nghĩ của chị, đó là số phận. Số phận là gì nhỉ? Cái gì điều khiển số phận? Chị suy ra từ cuộc đời chị và anh, thì cuộc đời là sự trộn lẫn giữa đắng cay chua chát và sung sướng hạnh phúc. Không có thiên đường và cũng không có địa ngục. Nếu cuộc đời chỉ là địa ngục, kinh quá. Nếu cuộc đời chỉ là thiên đường, không thể có. Ngay như lúc này đây, cái khổ của chị là anh Củng sắp từ giã cõi đời, bù lại hạnh phúc của chị là có con Quế mơn mởn đang vươn lên đón đợi tình yêu. Có lẽ giữa bất hạnh và sung sướng sẽ có chung mẫu số, đó chính là hạnh phúc.

Nghĩ thế, giải thích như vậy, chị Mạ cảm thấy thanh thản hơn. Ở đời không có ai được cả và cũng không có ai mất hết. Ta nghĩ nó được là nó được, ta nghĩ nó mất là nó mất thôi. Thực ra, ông trời không để ai thiệt thòi bao giờ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #62 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2013, 02:16:35 pm »

*

Chị Mạ cầm bức thư ông Lạm gửi từ miền Nam về. Chị sung sướng như cha con được gặp nhau, vội vàng cầm vào trong buồng khoe với anh Củng. Anh Củng đang nằm nghe đài, liền tắt bảo chị Mạ bóc ra đọc. Thư ông viết khá dài. Ông chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với con gái, con rể và cháu ngoại, ông răn đạy con gái như thuở nào chị chưa đi lấy chồng. Từng con chữ ấm áp, đầy ắp tình cha con khiến chị Mạ, anh Củng rất xúc động. Chị Mạ nghèn nghẹn không đọc tiếp được. Anh Củng ngồi dậy nắm lấy cổ tay chị để thông cảm và chia sẻ cùng vợ. Chờ cho chị Mạ bình tĩnh, anh Củng bảo:

-   Em đọc tiếp đi.

Chị Mạ lau nước mắt cúi xuống đọc:

... Cha nhớ trong kinh Phật có câu “y pháp bất y nhân Nghĩa là biết tuân theo lẽ phải, chứ không tuân theo người. Khổng Tử cũng nói: “Quân tử bất sỉ hạ vấn ” - người quân tử không xấu hổ khi hạ mình học hỏi điều hay của người thấp kém hơn mình. Ở ta, các cụ có câu: “Phục thiện ”, hàm ý là biết phục tùng lẽ phải. Cha đem tra lục chữ Hán thấy chữ thiện là tốt, cũng có nghĩa là đúng, là lẽ phải. Nói điều này, cha muốn trong cuộc sống các con phải biết làm theo lẽ phải, không nên căn cứ lời nói đó là của ai, dù là người xấu. Giả sử vợ chồng con có những lúc hiểu lầm nhau, có một người vừa đi cải tạo về để giải thích, can ngăn, không phải vì nó là thằng cải tạo mà không nghe lời nói đúng của nó. Trong khi đó, một người có địa vị đến khuyên bảo, lời khuyên không đúng thì các con cũng không thể nghe theo được. Cha thấy Mạ có lúc chỉ “y nhân ” chứ chưa “y pháp”. Ghét ai thì dù người ấy có nói đúng, con cũng không nghe. Cha không gần các con để giúp đỡ, sẻ chia và khuyên giải các con những lúc hoạn nạn khó khăn được. Các con có hàng xóm, có bạn bè, có chị Bằng bên cạnh. Nêu các con biết “y pháp bất y nhân” thì cũng như có cha, có họ hàng ruột thịt bên cạnh vậy...

Anh Củng kéo vợ áp vào mình. Anh hiểu nỗi lòng của vợ đối với người cha. Chị Mạ được cha chăm sóc, dạy bảo như một người mẹ. Ông vừa là cha, là mẹ, là thầy đối với con cái. Không giữ được cha ở lại miền Bắc để chăm sóc cho tròn chữ hiếu, chị Mạ khổ tâm lắm. Anh Củng hiểu, lỗi không phải ở anh. Nhưng chính vì anh, nên ông Lạm phải tiếp tục tha hương. Chị Mạ im lặng tựa vai chồng cảm nhận chia sẻ của chồng, rồi nâng bức thư đọc tiếp:

... Gia đình các con bây giờ gặp khó khăn. Anh Củng ốm là do chiến tranh. Chiến tranh cũng là mệnh của đất nước. Ốm đau là mệnh của mình. Đất nước có chiến tranh, mọi người dân cũng phải chịu mệnh của đất nước chi phối, không cách này thì cách khác, không trước thì sau. Nói như thế, cha muốn khuyên các con đừng cố buồn khổ tự vấn mình. Đón nhận nó một cách bình tĩnh. Xử lý mọi vấn đề trong nhà vừa phải trông ra ngoài, vừa phải được mình, được thiên hạ, phải mềm dẻo nhưng không mềm yếu (cha nói điều này chắc Mạ hiểu). Cha còn nhớ, hồi cha mới lớn, ông nội dạy cha cầm cày: “Đi cày chỉ nhìn vào đít trâu thôi không được, hoặc chỉ nhìn ra xa cũng không được. Vừa phải nhìn đít trâu, vừa phải nhìn xa ra phía trước con trâu. Chỗ đất mềm thì lỏng tay, chỗ đất rắn phải cứng tay”. Anh Củng ốm đau bệnh tật, Mạ phải chèo lái gia đình, quyết định mọi công việc nên cũng cần có cái chí của người đàn ông. Rồi đây cha cũng sẽ ra đi theo mệnh trời đã định, không biết có còn gặp được các con lần nữa không? Sinh có hạn, tử bất kỳ. Ở tuổi cha ra đi là lẽ thường tình. Cha chỉ tiếc không còn sức lực của cải để giúp đỡ các con...

Chị Mạ ngừng đọc, quay lại ôm vai anh Củng rưng rưng. Những người thân yêu nhất của chị đều sắp sửa từ bỏ chị để đi vào cõi vĩnh hằng. Cảm giác bơ vơ khiến chị ôm chặt lấy chồng như níu kéo. Anh Củng cũng xúc động bởi tình cảm và lời lẽ khúc chiết của bố vợ, đã đến lúc sắp về với tổ tiên mà vẫn hy sinh cho con cái. Anh cũng hiểu sức khoẻ của mình, hiểu căn bệnh quái gở rình rập, cho anh sống thêm ngày nào được ngày ấy. Suy cho cùng, người nhắm mắt nằm xuống là xuôi tay, buông hết sự đời. Mọi lo toan gánh vác - những công việc còn lại của đời trao lại hết cho người còn sống. Tội nghiệp Mạ, thương hơn nữa là con Quế. Cả đời nó, bao giờ cũng thiếu vắng cha. Anh cảm thấy mình có lỗi với con gái. Cái lỗi không làm tròn bổn phận người cha với con. Nếu có thể đánh đổi cuộc sống của anh, để con gái được hạnh phúc hơn lên, anh sẽ đánh đổi. Như đã thầm tính toán, anh Củng nói với vợ:

-   Em viết thư mời ông ngoại về.

Chị Mạ bỗng khóc nấc. Chị hiểu lời của chồng - anh chuẩn bị sự ra đi mãi mãi của mình. Không thể thế được. Dù anh chỉ nằm đó mê mê, sảng sảng. Dù có lúc anh lên cơn hành hạ chị cũng được. Anh là linh hồn, là trụ cột của gia đình.

Ngoài sân, con cún bỗng sủa hực lên một tiếng, rồi ư ử. Có tiếng líp xe rè rè. Có lẽ Bằng đến. Mạ buông chồng, vuốt tóc, kéo áo, chiết hai giọt ướt ở hai đuôi mắt rồi bước ra.

-   Cháu chào bác ạ!

-   Ơ, Bắc! Xe cháu làm sao thế?

Bắc dựng xe máy, gỡ túi quà bước lên thềm trả lời:

-   Dạ, không sao đâu ạ. Cháu có chút quà biếu hai bác ạ!

-   Anh cứ bày vẽ. Ơ này, cháu có ghé Quế chưa?

-   Dạ, thưa... từ nhà, cháu phóng thẳng lên đây. Quế sao ạ?

-   Không, ấy là bác hỏi thế. Nay nó đi làm, chiều tối mới về. Cháu phải ở lại đây với hai bác, đến mai mới được về đấy.

Chị Mạ đón túi tôm Bắc trao và bảo:

-   Cháu vào nhà thăm bác trai đi, hồi này ông ấy yếu lắm cháu ạ.

Bắc đến, Củng cũng vui hẳn lên. Anh đứng dậy bắt tay Bắc, kéo ngồi xuống giường, hỏi han tỉ mỉ, từ chuyện tôm cua hồi này thế nào? Đến chuyện gia đình thu hoạch lúa má ra làm sao? Kể cả chuyện Bắc còn hút thuốc lào nữa không?

Anh Củng ngồi nghe như dán vào miệng cậu con rể tương lai. Anh quý Bắc thực sự, không chỉ vì lý lịch rất “chính sách” của Bắc, mà cả tác phong, con người của Bắc. Quả thực, Bắc lên chăm sóc anh vài ngày, rồi trở về anh thấy nhớ. Dường như có Bắc ở bên, cái phần dương tính của ngôi nhà, của anh Củng được cộng hưởng, mạnh mẽ hơn lên. Anh cảm thấy mình hoạt bát hơn, mạnh bạo hơn, không yếm thế khi chỉ có một mình anh là đàn ông ở ngôi nhà này. Nhất là khi có Bằng đến nữa, thì hầu như cái vía của anh bị lấn át.

Bắc kể cho bố vợ tương lai nghe việc Quế đã chứng minh được với lãnh đạo sở ưu thế của vùng biển quê Bắc, có khả năng sản xuất được con tôm sú giống, buộc đối tác phải chấp nhận điều kiện của ta. Đặc biệt đề án của Quế biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh tế với quốc phòng, nên được các bác, các chú bên tỉnh đội ủng hộ, hứa sẽ báo cáo Bộ hỗ trợ. Bắc đã xin được giấy phép thành lập doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, với diện tích 52 hécta đầm, kéo dài 3 kilômét bờ biển. Bắc có ý định khoảng 100 mét bố trí một chòi canh đầm, kết hợp canh gác bờ biển, dâng chiến tuyến phòng thủ bờ biển ra 4 kilômét.

Anh Củng phấn khởi. Từ tin con gái, đến tin Bắc và tin luôn cả lớp người như tụi nó bây giờ. Chúng nó lạ lắm, như một thứ sinh vật chưa nhiễm khuẩn, chăm khéo, nuôi giỏi sẽ lớn lên, nhú ra những mầm khoẻ khoắn, thẳng tắp. Không như lớp các anh. Cuộc đời và chiến tranh đã bóp tuốt đến nhão nhoét. Cứng cỏi, trải trằn thật đấy, nhưng cũng không ít bệnh hoạn. Ví như cái thằng trưởng phòng tài chính huyện. Nó cũng là lính chiến đấy chứ. Nhưng nó là cái máy thu nạp những thói hư tật xấu, những mánh lới thủ đoạn mà chiến tranh và cuộc đời tạo ra. Người ta thì lọc bỏ những cái đó, còn hắn thì ngược lại.

Chị Mạ từ ngoài thềm nói vào:

-   Bắc ơi, nghe nói vụ này dưới cháu rau câu trúng lắm hả?

-   Dạ, cũng tùy bác ạ. Đầm của cháu vụ này thu được hơn chục tấn. Chỉ tiếc tỉnh nhà chưa chế biến được rau câu, nên hàng chạy ra Hải Phòng hết.

-   Nghe nói dưới ấy có nhà máy chế biến hải sản cơ mà?

-   Dạ có, nhưng họ quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc”, một người làm, hai, ba người cắp cặp nên thua lỗ và sập tiệm rồi.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #63 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2013, 02:21:12 pm »

19

Buổi sáng, bảy giờ chị Bằng đạp xe đến nhà anh Củng để thông báo một việc quan trọng. Vừa dắt xe vào sân chị gặp Quế dưới bếp bước ra bẽn lẽn chào:

-   Ơ, cái con này, sao không đi làm?

-   Hôm nay chủ nhật mà cô.

Vừa lúc đó Bắc cũng từ trong bếp đi ra. Chị Bằng dựa xe, quay ra:

-   A, thảo nào...

Quế cười:

-   Cô chỉ... trêu cháu.

Chị Bằng bước vào nhà ngồi xuống ghế, móc trong túi ra tờ giấy giới thiệu đưa cho Mạ.

-   Tao báo cáo xã, xã báo cáo Huyện đội, Huyện đội báo cáo Tỉnh đội. Các anh ấy quyết định phải đưa anh Củng đi viện. Đây giấy đây. Ngày kia, xe của Tỉnh đội xuống đưa đi.

Mạ cầm tờ giấy giới thiệu đọc lướt qua, rồi đặt xuống bàn phân vân.

-   Để ở nhà không được đâu, Mạ. - Bằng cố giải thích. - Tao là bác sĩ, tao biết. Đưa đến bệnh viện, phương tiện hiện đại, thuốc men đầy đủ, thầy thuốc có tay nghề cao. Người ta sẽ cứu được anh ấy. Nếu không may, thì cả mày và tao cũng không ân hận.

-   Lần trước đã đi mãi rồi, có ăn thua gì đâu.

-   Khổ, lần trước khác, lần này khác. Lần trước là Bệnh viện 108 Trung ương quân đội, Tây y. Còn lần này, cũng quân đội nhưng là bệnh viện y học dân tộc. Theo tao bệnh của anh Củng cứ “dân tộc” mà trị, có khi khỏi đấy mày ạ!

Chị Mạ im lặng hiểu ra.

Từ ngoài sân Bắc và Quế nghe cô Bằng nói thế, cùng đi vào ngồi xuống ghế. Cô Bằng bảo:

-   Không phải lo lắng gì đâu. Tụi bay cứ ở nhà, trên đó đã có hộ lý chăm sóc. Dăm bữa, nửa tháng lên thăm một lần là được... Bắc lên bao giờ cháu?

-   Dạ thưa, cháu lên hôm qua cô ạ!

Chị Mạ cầm tờ giấy giới thiệu đứng dậy vào trong buồng để thông báo cho anh Củng. Quế ngồi dịch vào trong, rót nước tiếp cô Bằng và cùng nghe cô Bằng nói chuyện với Bắc. Cô Bằng nói:

-   Này, lần trước cô nghe chưa rõ, hình như cháu bảo cả bố mẹ cháu đều hy sinh nhỉ?

-   Dạ, thưa - Bắc trả lời - bố cháu hy sinh thì đúng rồi. Còn mẹ cháu... cũng chưa chắc lắm.

Chị Bằng lắng đi vài giây như để hồi tưởng quá khứ. Chẳng lẽ lại đúng là nó. Trời phật phù hộ độ trì để chị tìm lại được đứa con thân yêu của chị thì... Chao ơi, chị sẽ sung sướng đến chết ngất. Thằng bé không có lấy một dấu vết gì để chị nhận ra. Khổ thế, khi sinh nó chị đã ngắm từ cái móng tay tí xíu đến cả những đường chỉ đơn sơ trong lòng bàn tay, lọn tóc mai bên bết ở thái dương. Chị ngắm hết ngày này qua ngày khác, đến nỗi phát hiện ra một chiếc lông mi của thằng bé bị gãy. Vậy mà chị không thể tìm ra được nét gì đặc biệt để bây giờ nhận biết. Chị chỉ linh cảm nó rất gần gũi với chị. Gần đến nỗi như thể chị đang ôm nó ở trong lòng. Nét mặt, giọng nói và nhất là dáng đi, giống lắm.

-   Cháu nói chưa chắc chắn là thế nào?

-   Dạ thưa, cách nay 5 năm cháu tìm về quê nội, được biết người ta đã gửi giấy báo tử bố cháu. Vì không còn người thân thích nên giấy báo tử xã vẫn giữ. Còn mẹ cháu, cháu chỉ nghe nói cùng đơn vị với bố... cho đến giờ vẫn không tin tức gì... Chắc là...

Chị Bằng chợt như thấy luồng khí nóng táp vào mặt. Tim chị loạn nhịp. Chị hấp tấp hỏi tiếp:

-   Quê nội cháu ở đâu?

-   Dạ thưa, quê nội cháu ở xã Y, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương ạ!

Chị Bằng cố trấn tĩnh để lặng đi một lúc. Trời ơi, suýt nữa chị lao tới ôm lấy thằng bé. Nhưng vì nó là một thanh niên cao lớn, đang ngồi bên người yêu, lại lỡ ra... Chị biết ngay từ hôm mới gặp đã có linh cảm. Nhất là nhìn nó từ phía sau, cái lưng hơi bè, đầu hơi ngẩng, đặc biệt cái phảy tay lòng bàn tay ngửa ra sau. Ghị hỏi câu quyết định:

-   Cô hỏi thế này không phải, cháu bỏ qua... Thế tên bố cháu là gì?

-   Dạ, bố cháu tên là Phạm Chí Cường ạ!

Chị Bằng hơi cúi người xuống bàn, đôi môi hơi mím để chặn cơn xúc động buột ra. Chị hỏi tiếp:

-   Còn nhỏ cháu cũng tên là Bắc chứ?

-   Dạ thưa, còn nhỏ cháu tên là Nam. Về dưới này vì trùng tên chú, nên bác đặt lại.

Chị Bằng cứ ngồi cúi mặt, cắn chặt hàm răng cố kìm không để tiếng nấc bật ra, nước mắt chảy xuống. Thế là chị đi tới đích rồi. Chị tìm lại được khúc ruột yêu thương của đời chị rồi. Hạnh phúc đến với chị thật khó, song cũng thật bất ngờ. Con ơi, mẹ có lỗi với con, lỗi lớn lắm. Bây giờ mẹ sẽ sống tất cả vì con, mà lẽ ra con được hưởng như tất cả những đứa trẻ khác. Bố con xấu số đã bỏ xác nơi rừng xanh núi đỏ, con thơ dại phiêu lạc bốn phương, để mẹ suốt đời đau đáu, ân hận.

Chỉ suýt nữa chị Bằng đã đứng bật dậy ôm Bắc vào lòng để khóc, để gào lên cho bõ những ngày thương nhớ. Chị quyết ghìm lại, che giấu bằng cách cúi xuống mân mê chiếc ống nghe, cắn chặt hai hàm răng - cử chỉ không bình thường đối với chị. Chị hiểu nhận con lúc này không có lợi cho con. Mạ đang có vấn đề với chị. Vấn đề đó Bằng hiểu và thông cảm cho Mạ. Bằng muốn và mong chờ Bắc - Quế hạnh phúc. Và nếu Mạ biết chị là mẹ của Bắc, điều đó có thể khiến Mạ kiên quyết không cho chúng lấy nhau. Bằng sẽ im lặng, cho đến khi nào hai đứa trẻ thành vợ, thành chồng... Chị xách túi vào buồng tiêm cho anh Củng.

Còn lại Bắc và Quế, hai người nhìn nhau đặt dấu chấm hỏi.

Cô Bằng hôm nay rất lạ? Cô hỏi những câu lạ, mặt cúi xuống, cắn môi cũng lạ, tay mân mê cái ống nghe rất lạ, rồi tự dưng đứng dậy đi như chạy vào buồng lại càng khó hiểu. Người ta bảo đàn bà lớn tuổi sống độc thân nhiều khi cũng điên điên, khùng khùng. Thật khổ cho cô Bằng. Xinh đẹp, giỏi giang là thế mà... khổ cho cô quá.

Bắc có cảm giác hình như cô Bằng có biết mong manh về bố mẹ của Bắc. Theo như Quế kể, cô Bằng cũng là thanh niên xung phong chiến đấu ở Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. Cô hỏi tỉ mỉ, nhưng có lẽ... sao cô lại không hỏi tiếp nữa.

Suốt đời Bắc khát khao có cha, có mẹ. Hồi nhỏ, mỗi khi đứng nhìn bạn nhõng nhẽo với mẹ, hờn dỗi với cha. Bắc thèm đến ngẩn ngơ. Lớn lên, chơi với bạn, bạn gặp khó khăn được bố mẹ tư vấn, hỗ trợ làm chỗ dựa tin cậy khiến Bắc tủi thân. Đời Bắc thế. Bắc thiệt thòi và cam chịu quen rồi. Cha mẹ đối với Bắc mãi chỉ là ao ước. Họ đã cùng nhau bỏ Bắc để trở thành người thiên cổ từ lâu rồi.

Thấy Bắc tư lự, Quế hỏi:

-   Anh sao đấy?

-   À, không. Không sao... Nay chúng mình sang cô Bằng chơi đi.

Quế hơi nhíu mày. Rất nhanh, miệng cô nở nụ cười tươi, đuôi mắt cong xuống. Cô nắm tay Bắc, giật.
Bắc biết Quế chiều Bắc, thực ra Quế muốn khác kia. Quế muốn đưa Bắc đi giới thiệu với bạn bè. Bắc cũng muốn thế. Song, với cô Bằng, Bắc cảm thấy có gì thiêng liêng. Điều đó nó vô hình, khó hiểu, lại rất cụ thể. Cụ thể mà không nắm bắt được. Mỗi lần gặp cô Bằng, gần cô, Bắc có cảm giác yên ấm lạ lùng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #64 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2013, 02:25:31 pm »

*

Buổi sáng, Bắc về dưới quê, Quế đi làm, chị Bằng ở bên nhà. Chị Mạ đang hái rau ngót ở vườn, có một người đàn ông mặc quân phục, không có quân hàm, quân hiệu, đi chiếc xe đạp tồng tộc, nhảy bịch xuống sân:

-   Ào ị! - Người khách nói.

Chị Mạ bê rá rau ngót nghiêng người nhìn cho rõ. Không thấy Mạ trả lời, người ấy đút hai tay túi quần, vắt vẻo đôi chân như đo chiều rộng cái sân, hỏi tiếp:

-   Ị o ỏi, ây ó ải à ủ ưởng ủng ông ạ?

-   Dạ, dạ...

Chị Mạ không nghe nổi, nên không biết trả lời làm sao.

Người khách cúi xuống tìm gì đó dưới đất, rồi chạy đến một góc sân nhặt một mẩu gạch viết xuống nền: “Đây có phải nhà thủ trưởng Củng không?”.

Chị Mạ:

-   Vâng, đúng ạ!

Người khách viết tiếp: ‘Tôi là lính cũ của thủ trưởng. Thủ trưởng có nhà không?”.

Chị Mạ:

-   Nhà tôi ở trong nhà. Ông ấy đang bệnh.

Người khách sốt ruột:

-   Âu?

Người khách xồng xộc bước vào trong nhà. Chị Mạ đặt rá rau ngót xuống sân, vội đi theo để đưa người khách vào buồng.

-   Ủ ưởng!

Vừa gọi, người khách vừa lao tới ôm chầm lấy anh Củng khóc rưng rức:

-   Ủ ưởng ơi, em ớ ủ ưởng óa. Em ìm mãi, ỏi ăm ãi, ới iết ủ ưởng ở ây. Ủ ưởng ốm ế ào ủ ưởng?

Người khách sờ nắn khắp người anh Củng, quay ra nói với chị Mạ:

-   Ủ ưởng ủa ôi ây.

Thấy vợ ớ người, anh Củng giới thiệu:

-   Đây là chú Hoè, bạn chiến đấu ở chiến trường của anh. Chú ấy, ở bên Nam Định em ạ. - Nói với Hoè: - Chú về phục viên, từ ấy, giờ làm gì?

Hoè kể, phục viên về làm ruộng, kết hợp buôn bán nhỏ, đã xây được nhà mái bằng to nhất xóm. Vợ làm ruộng giỏi, đi buôn cũng giỏi, sinh hạ được hai hoàng tử “đái ngồi”, nên bọn bạn nó làm câu đối trêu:

   “Vợ đẹp, con khôn l. ba cái
   Nhà cao, cửa rộng c. chỉ có hai hòn”


Hoè đã tìm và đến thăm nhà Hoà. Bố mẹ Hoà già yếu và khóc ghê quá. Hoè cũng đến được nhà đại đội trưởng. Đứa con gái lớn của anh đã lấy chồng và đã sinh con. Thằng cu, con đại đội trưởng lớn tướng, giống bố như bản phôtô. Hoè nói đến đâu, anh Củng dịch lại cho chị Mạ nghe đến đấy. Nghe họ nói chuyện, chị Mạ xúc động cũng muốn khóc, đành bảo:

-   Chú Hoè phải ở đây chơi với anh chị vài ngày. Bây giờ chị xin phép đi chợ kiếm cái gì cho anh em nhâm nhi.

-   Ông, em ỉ ở ến iều à ải ề ồi. À ã ỉ o ép i ế ôi (Không, em chỉ ở đến chiều là phải về rồi. Bà xã chỉ cho phép đi thế thôi).

Sau khi nghe anh Củng phiên dịch, chị Mạ cười, bước ra ngoài.

Trong căn nhà chị Mạ có gần một ngày sống trong không khí ngoài mặt trận. Anh Củng kể, Hoè kể. Hai người ôn lại những ngày gian khổ, chiến đấu ở chiến trường. Khi thì tiếng cười vô tư bay lên, lúc lại lắng xuống những giọt buồn. Họ bóc toang lòng mình cho nhau, ngay cả tiếng cười của họ cũng toang toàng như gió. Và, họ buồn cũng lạ lắm. Họ cầm tay nhau, cụng đầu nhau “song khóc”. Họ nâng ly chúc cho linh hồn thằng ấy, thằng nọ siêu thoát. Họ bảo: “Ly này cho thằng A, ly này cho thằng B. Tao và miếng cơm này là cho thằng D, vì ngày nó nhắm mắt chỉ ước ao được ăn một miếng cơm rồi chết mà cũng không được. Anh em kiếm mãi được một nhúm gạo, đem nhai, mớm vào miệng để cho nó nhắm mắt”.

Nửa bữa, chị Mạ xin phép đứng dậy, nói đã đủ rồi. Thực ra chi không làm sao nuốt nổi. Họ ăn thế, nói thế và khóc thế chị nuốt làm sao được. Cuộc đời họ chất đầy những chất liệu cay đắng, khiến họ không thể sống như những người bình thường được. Khiến họ không thể làm được, không bao giờ làm được những việc đại loại đồng nghĩa với vô ơn, trái nghĩa. Đừng cười họ, đừng nhạo báng họ. Hãy cố hiểu họ để thông cảm, mà nâng niu, thờ phụng và chỉnh đốn lại chính mình.

Chị Mạ nghĩ thế, chợt hiểu ra và nghĩ như thế. Nhưng anh Củng của chị cũng đã yếu lắm rồi, chị biết.

Ở ngoài bàn, hai người vẫn ngồi, vẫn uống, vẫn kể, vẫn cười và vẫn khóc. Tuổi trẻ của họ thật đẹp và ý nghĩa. Thật thiệt thòi cho ai sinh ra cùng thời với họ mà không được đi đến tận cùng cay đắng và vinh quang, không được bộc lộ hết khả năng của mình, không ngân lên được cung bậc tột cùng của tình cảm như họ. Thực ra đời con người có được sống bao nhiêu. Trong chuỗi dài vô tận của thời gian, đời người chỉ như một dấu chấm. Nó chỉ như một cung của bản nhạc dài vô tận. Đáng tiếc cái cung ấy không để lại ấn tượng.

Bữa cơm kéo dài đến ba giờ chiều. Trước khi ra về, biết bệnh tình của anh Củng, Hoè ôm lấy anh Củng khóc. Anh Củng gỡ tay Hoè nói:

-   Cậu yếu bóng vía bỏ mẹ. Anh em mình còn sướng chán so với những...

Chiều, gần tối, xã đội trưởng Khiêm thấp thểnh vung vẩy cái tay cụt đến thông báo ngày mai Tỉnh đội sẽ đưa anh Củng đi viện. Chị Mạ bộc lộ phân vân của mình, Khiêm giơ cái cùi chỏ giải thích. Cả xã chỉ có một Anh hùng Quân đội. Anh Củng bệnh nặng để ở nhà, mang tiếng xã không thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Hơn nữa, bệnh viện toàn những thầy thuốc giỏi, lương y như từ mẫu, họ sẽ điều trị tốt hơn ở nhà là cái chắc.

Xã đội trưởng Khiêm vừa đi khỏi, thì anh Củng lên cơn. Lúc đầu anh vật vã kêu đau đầu, đau dữ dội. Sau đó, anh lộn ngược cắm đầu xuống giường, tựa hai chân lên tường. Chị Mạ tìm cách đỡ anh xuống, anh không chịu; khuyên nhủ anh không nghe. Hết cách, chị lại mang nhật ký ra đọc. Đọc mãi, anh vẫn không hạ xuống. Chị luống cuống vơ lấy tờ báo đọc một bài, cũng không hiệu nghiệm. Thật sự nguy rồi. Anh Củng đã bị “nhèm nhật ký”. Chị chạy sang phòng Quế, thấy cuốn sách mỏng để đầu giường, chị cầm lấy chạy về phòng anh Củng mở đại một trang đọc thử:

   “Cõi người là cõi người ơi
   Ta theo trắng tóc đuối lời mênh mông
   Ngậm ngùi nép mé bờ trông
   Nắng tưng tửng nắng, mây bồng bềnh mây
   Cõi người là cõi người đây
   Cắt ngang ta nhát trắng gầy lệ rơi ”

            (Thơ Hữu Kim).

Anh Củng từ từ hạ chân xuống, nhưng vẫn cong người chúi đầu vào đống chăn vẻ còn đau lắm. Thấy có tác dụng, chị Mạ đọc liền hai bài thơ nữa. Anh Củng duỗi người từ từ nằm xuống và thiêm thiếp ngủ trong tiếng đọc thơ êm ả của chị Mạ. Ngoài trời, hoàng hôn đã buông, tiếng gió chiều vi vu ru anh vào giấc ngủ.

Khoảng nửa đêm, anh Củng bật dậy thét to một tiếng, hai tay vỗ vào đầu rất khổ sở. Chán, anh Củng lại lộn ngược cắm đầu xuống. Cả hai mẹ con chị Mạ tỉnh dậy, Quế vội lấy cuốn nhật ký ra đọc. Đọc mãi không thấy hiệu nghiệm. Chị Mạ bảo phải đọc thơ cơ. Tìm mãi, tập thơ đầu tối mới đọc để lộn đâu không thấy. Quế đành chạy sang phòng mình lấy chiếc cátxét mang sang, cắm điện, ấn một băng ca nhạc vào cửa. Tiếng hát trong vắt vút lên: “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm. Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương...”.

Anh Củng từ từ hạ chân xuống, từ từ duỗi chân, nằm xuống giường. Chị Mạ rút tấm chăn đắp lên người anh, nâng hai tay đặt lên bụng. “Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm, từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền...”. Cứ thế, tiếng hát du dương bồng bềnh, siêu thoát...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #65 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2013, 02:41:40 pm »

20

Từ sáng sớm, mọi người có mặt đông đủ ở nhà anh Củng: bí thư, chủ tịch, thương binh, xã đội, phụ nữ, thanh niên... Chị Bằng chuẩn bị thuốc tiêm cho anh Củng. Bắc cũng đã phóng xe lên để tiễn. Quế xin phép cơ quan nghỉ một ngày.

Anh Củng tỉnh táo hơn. Có lẽ đêm qua, giấc ngủ lần thứ hai sau bài hát “Tự nguyện ” được sâu hơn, nên anh thấy sảng khoái, dễ chịu.

Thế là anh Củng lại phải xa những người thân yêu của mình để vào bệnh viện điều trị. Không biết đợt điều trị này có kết quả không? Điều ấy còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có một yếu tố quan trọng nhất, chỉ có anh Củng biết đó là anh thích sống với những người thân yêu trong gia đình mình, xung quanh gia đình mình, nhất là đối với Quế - con gái anh. Anh muốn những ngày còn lại ít ỏi của đời mình, anh được sống cho con. Đứa con yêu thương nhất trên đời của anh. Đứa con bao giờ cũng bé bỏng và suốt quãng đời thơ ấu của nó thiệt thòi vì thiếu cha. Cứ nghĩ đến điều ấy, Củng chỉ muốn ôm lấy con vào lòng để khóc. Con ơi, dẫu cha có lại phải cầm súng tiếp tục xông vào lửa đạn để cho con được hạnh phúc, cha cũng sẵn sàng. Dẫu ác bệnh có cướp cha đi, thì điều đau đớn nhất của cha là không được chăm chút con nữa. Thế hệ các con sinh ra và lớn lên là một thế hệ mang màu sắc của chế độ mẫu hệ. Không phải thế, mà như thế. Đó là nỗi đau của cha, thế hệ cha.

Cha thương con bao nhiêu, cha thương thằng Bắc bấy nhiêu Nghĩ đến Bắc, cha không thể cầm lòng. Nó hoàn toàn xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Cha có lỗi với các con. Thế hệ cha mải mê đánh giặc, nên chưa có điều kiện chăm chút các con. Cả đời cha chiến đấu với cái ác. Cái ác hữu hình mà vô hình, có ở mọi nơi và mọi lúc. Khi nó ở trên trời lao xuống gây tội ác; lúc nó ở dưới đất nhả đạn, xỉa lê giết chết con người; lại có khi nó ở ngay trong hàng ngũ của chúng ta và bây giờ nó lại ở chính trong cơ thể - trong đầu cha để hành hạ. Con ơi cái ác không hình, không sắc, không mùi, không vị, không tính cách, không ngôn ngữ; cái ác núp dưới danh nghĩa này, dưới chiêu bài kia... nên nó tinh quái vô cùng, muốn sống lương thiện phải suốt đời cảnh giác mà chiến đấu với cái ác, con yêu ạ.

Khoảng 9 giờ chiếc xe Uoát của Tỉnh đội đỗ xịch ở cổng. Cán bộ chính sách, quân y và cán bộ huyện đội quân phục chỉnh tề xuống xe bước vào nhà.

Mọi người, chủ, khách thăm hỏi xã giao rồi bắt đầu vào công việc. Anh cán bộ Tỉnh đội giải thích về việc cần phải đưa anh Củng đi điều trị ở bệnh viện. Anh động viên chị Mạ, động viên gia đình yên tâm. Biết chị Mạ còn băn khoăn, anh bảo:

-   Lần này đưa anh Củng đi Viện Y học Dân tộc cổ truyền quân đội. Ở đó có ông Bành Khừu làm viện trưởng. Ông ấy giỏi lắm. Bệnh viện như công viên. Đang nhức đầu bước vào bệnh viện hết nhức ngay.

Mọi người cười. Anh Củng cũng cười. Một cán bộ đeo quân hàm thượng uý, nói:

-   Bố có cô con gái rượu xinh đẹp nhất sở đấy bố ạ. Chuyến này đi viện khỏi, về bố cho làm dâu Tỉnh đội bố nhé!

Mọi người lại cưòi. Anh Củng nói:

-   Nhất trí, nhất trí.

Quế bẽn lẽn liếc nhìn Bắc. Bắc im lặng lảng ra ghế ngồi. Anh cán bộ quân y nói:

-   Trước mắt cơ quan đưa đồng chí Củng đi, không cần gia đình phải đi theo. Khi nào cần, hoặc đi thăm chúng tôi sẽ báo. Hơn nữa, hôm nay xe cũng đã chật. Chị Mạ, cô Quế chuẩn bị tư trang cho anh Củng đủ dùng thôi. Đến bệnh viện người ta bắt mặc đồ bệnh nhân. Cơm bệnh viện lo, sinh hoạt có hộ lý giúp đỡ. Có lên cũng không có chỗ ngủ đâu. Thế nhé!

Chị Bằng rút trong túi ra cuốn sổ sức khoẻ đưa cho anh cán bộ quân y:

-   Đây là sổ sức khoẻ của anh Củng. Phác đồ điều trị ghi đầy đủ trong này cả. Tôi cũng đã nhận xét tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân. Anh cầm lấy bàn giao cho bác sĩ điều trị.

Một cán bộ Huyện đội lấy trong cặp ra một gói giấy vuông vắn đặt lên bàn trước mặt chị Mạ, nói:

-   Đây là lương tháng này của anh Củng, cộng thêm phụ cấp thương binh và Anh hùng quý bốn. - Anh rút tiếp một gói nữa - còn đây là số tiền ít ỏi của anh em Huyện đội quyên góp, giúp đỡ để anh Củng bồi dưỡng sức khoẻ, xin gửi lại anh chị.

Chị Mạ:

-   Các anh chu đáo quá. Thay mặt gia đình tôi xin cảm ơn!

Anh Củng:

-   Chú cho tôi gửi lời thăm sức khoẻ anh em trong cơ quan. Khỏi bệnh về tôi sẽ đến cơ quan chơi thăm, cảm ơn anh chị em.

Anh Củng lên xe, giơ tay vẫy chào mọi người. Xã đội trưởng Khiêm chạy lại giơ cái cuống tay cụt đập đập vào vai Củng bảo:

-   Đi chóng khỏi rồi về với tao nhớ!

Xe đi rồi. Bằng kéo Bắc và Quế về nhà mình. Chỉ còn Mạ ở nhà. Ba gian nhà vừa ăm ắp tiếng cười, tiếng nói giờ trống vắng như chùa Bà Đanh. Chị Mạ cảm thấy chống chếnh như diều lệch dây. Chị ngồi xuống ghế, lật lưng tựa ra sau, nhắm mắt tìm cảm giác thư giãn. Mới có hơn hai tháng, gia đình chị trải qua nhiều biến cố. Bệnh của anh Củng qua những giai đoạn nguy kịch, buộc gia đình chị phải đối phó và chấp nhận. Bản thân chị cũng lâm bệnh phải đi bệnh viện cấp cứu. Chuyện con Quế với thằng Bắc cũng không kém phần phức tạp. Nhất là chuyện giữa Bằng và anh Củng, vẫn là một dấu hỏi lớn, suốt ngày cắn cứa tâm can chị. Hai tháng như một chiến dịch của một cuộc chiến tranh, đưa tất cả thành viên trong gia đình chị vào thử thách. Trong khó khăn, thử thách chị cũng như mọi người trong gia đình phải bộc lộ hết khả năng còn tiềm tàng, tình cảm và sức khoẻ của mình. Rất may cho đến lúc này gia đình chị còn nguyên vẹn. Mọi người hiểu và thương yêu nhau nhiều hơn, gắn kết với nhau như một cơ thể sống. Đến mức, chị không dám nghĩ nếu một ai đó vì một lý do, tách ra khỏi tổ ấm gia đình. Đành rằng vẫn biết đó là quy luật muôn đời: Sinh - Lão - Bệnh - Tử là vòng tròn tất yếu của một đời người.

Còn nhớ hồi anh Củng mới về công tác gần nhà. Hàng ngày ăn cơm nhà, ngủ ở nhà. Lúc đầu, chị tưởng thế là chuyện bình thường. Nào ngờ, hai chiếc bát úp chung vào một chiếc rổ mới có chuyện. Đi ngủ, anh bắt đặt hai chiếc dép song song, quay gót vào trong. Người nằm ngoài để dép ở giữa, người nằm trong để dép chân giường. Trong khi, với chị chỉ phịch một cái, mông đặt xuống giường, chân tưng lên, hai chiếc dép văng ra gặp đâu để đó. Đêm dậy rà quơ vài vòng rồi cũng thấy. Vào bếp, anh dạy: “Đừng để chai xăng lẫn với chai nước mắm, dầu, tương thế này. Lầm là nguy”, Chị: “Nhầm làm sao được. Từ trước có bao giờ nhầm. Sao giờ có ông lại nhầm”. Ngay cả khi cười cũng lo anh để ý. Anh bảo: “Đàn bà con gái gì cười hơ hớ, trông thấy cả họng”. Những cái chuyện đại loại như thế dần dần tạo ra bầu không khí căng thẳng trong gia đình. Con Quế không chịu được, đòi dọn lên cơ quan ở. Thời kỳ đó, chị khó chịu lắm, mấy lần vợ chồng cãi nhau vì những chuyện không đâu. Thế rồi, mọi cái cứ từ từ ngấm vào chị lúc nào không biết. Chị quen và quen rồi lại thấy có lý. Con Quế bừa bãi bị chị chỉnh liền. Đến bây giờ chị hiểu anh, thấy anh không thể thiếu trong cuộc đời mình, thì lại đến lúc trời chuẩn bị cướp anh khỏi vòng tay chị.

Bắc chở Quế từ nhà cô Bằng về. Chị Mạ bị cắt đứt dòng hồi tưởng của mình. Như người bị lộ, một thoáng giật nhẹ trong cơ thể, chị Mạ chuyển trạng thái cười bảo:

-   Ngày mai nhà mình có giỗ, cháu Bắc ở lại nhớ!

Quế hỏi luôn mẹ:

-   Mời cả cô Bằng, chứ mẹ?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #66 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2013, 02:44:29 pm »

*

Khi thu dọn nhà cửa, sắp xếp lại giường chiếu, giặt giũ quần áo... chị Mạ tìm thấy một chiếc băng cátxét anh Củng gói ghém cẩn thận đặt trong hộp tủ đầu giường. Bí mật đây. Bí mật cuộc đời đây. Nếu không bí mật tại sao phải gói kỹ giấu riêng ở chỗ này? Giống như người ăn trộm, chị nhét vào túi áo, chưa yên tâm lại lấy ra giấu sau cái đài bán dẫn. Chốc nữa, xong việc lắp vào máy nghe thử xem nó là cái gì.

Mười giờ Quế về, chị Bằng cũng sang. Chị Mạ và Bắc sắp xong mâm cỗ bê lên bàn thờ. Chị Mạ rửa mặt mũi chân tay sạch sẽ, thay bộ quần áo mới để thắp hương cúng gia tiên. Hương trên bàn thờ lung linh, lan toả khiến cho không gian đượm buồn linh nghiệm.

Là dâu trưởng, anh Củng lại đi vắng suốt, nên việc giỗ chạp chị Mạ ở nhà đảm nhiệm và làm rất thạo, chu đáo. Thắp bao nhiêu nén hương, khấn như thế nào? Vái mấy cái... chị thuần thục như một thầy cúng. Khi khấn, chị thường chăm chú nhìn vào đầu nén hương. Ở đó, sự linh ứng được thể hiện. Nếu sợi khói uốn lượn ngoằn ngoèo là thần linh, tổ tiên đã về chứng giám. Còn sợi khói phun thẳng đó là sự phản đối. Chỉ những khi khói hương toả đều cuộn tròn, chị cảm thấy lời khấn được linh ứng. Những lúc như thế, đầu nén hương bỗng nhá đỏ, như điềm báo chấp nhận của thần linh và tổ tiên. Những lần không linh ứng, chị nhìn xuống mâm kiểm tra xem còn gì sơ suất. Có khi nút chai rượu chưa mở, có lần đĩa trầu thiếu quả cau. Chị sửa sang, bổ sung cho đủ rồi khấn lại. Y rằng tàn hương rụng, đầu nén hương đỏ hồng như hòn than gặp gió. Chị nghĩ, trần sao âm vậy. Cúng cáp là sự mời chào của con cháu với tổ tiên. Phải lễ phép, đầy đủ, chu đáo mới được.

Cúng xong, chị vào buồng lấy chiếc máy cátxét ra, tay cầm chiếc băng màu đen, trân trọng nói vói mọi người:

-   Hôm nay nhân ngày giỗ cụ. Trước bàn thờ tổ tiên chứng giám, tôi cho cả nhà biết một vấn đề hết sức quan trọng. Điều bất ngờ này, tôi cũng mới biết được từ sáng nay khi tìm thấy chiếc băng này do anh Củng để lại. Trong chiếc băng, anh Củng nói nhiều, dặn dò nhiều việc thuộc về gia đình riêng. Tôi chỉ mở cho mọi người nghe một đoạn có liên quan đến chúng ta.

Mọi người lặng phắc, chỉnh đốn lại tư thế đón đợi tin bất ngờ, quan trọng. Chị Mạ nhét chiếc băng vào máy, ấn nút Play. Từ trong máy tiếng anh Củng chậm rãi, xúc động:

“... Tôi biết ơn mình và con nhiều. Chín mươi mốt ngày qua là những ngày cực kỳ khó khăn của gia đình chúng ta. Cả đời tôi đi xa, để lại gánh nặng cho mình, giờ trở về tôi đâu muốn mình khổ thêm nữa. Nhưng sự đời đâu có phải muốn là được. Những ngày đầu bị bệnh tật hành hạ, tinh thần tôi khủng hoảng lắm, lại lo con gái không biết sau này có hiếu với cha mẹ và đất nước? Không hiểu sao, hễ nghe kể lại kỷ niệm của mình, tôi lấy lại được thăng bằng, trong đầu như có ngọn đèn thắp sáng. Sau rồi thành nhu cầu tinh thần không thể thiếu được. Lâu dần đâm nghiện. Nghiện rồi, nếu không có thì bứt rứt khó chịu, lên cơn. Mà nếu có, giống như người nghiện ma tuý, lập tức trở lại bình thường. Tôi nghĩ, điều này chắc chỉ xảy ra đối với những người có bộ não bệnh tật như tôi. Bây giờ tôi hiểu, tôi đã lầm. Con gái của chúng ta hiểu và biết ơn thế hệ cha anh bằng cách riêng của thế hệ chúng nó. Mỗi thế hệ có cách đi riêng của mình, mà thế hệ trước không thể vạch sẵn đường, áp đặt cho thế hệ sau. Cũng như thế hệ trước đến đích bằng đôi chân dép lốp. Còn thế hệ sau đến đích bằng cánh của một chiếc máy bay. Như thế là con gái có hiếu với cha mẹ. Có hiếu với cha mẹ là có hiếu với đất nước...

Chị Mạ ấn nút Stop, tua đi một đoạn, rồi mở tiếp:

“... Cho đến lúc này Bắc chưa phải là thành viên trong gia đình. Nhưng bác đã coi con như con đẻ. Con sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh không bình thường như những đứa trẻ khác. Những thiệt thòi vô cùng to lớn mà con phải chịu đựng, chính là do chiến tranh gây ra. Chiến tranh đồng nghĩa với tội ác. Vì vậy, con hoàn toàn xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Đó là bác tặng con một nàng công chúa của bác - Quế đấy. Một hạnh phúc to lớn hơn, trời đã đền bù cho con, đó là con đã tìm được mẹ - mẹ Bằng, mẹ đẻ của con đó. Con phải biết ơn cha mẹ con vì đã hy sinh cả cuộc đời, tính mạng cho thế hệ các con. Con biết ơn cha là nhà có phúc. Thế hệ sau biết ơn thế hệ trước là đất nước có hồng phúc, phồn thịnh...”.

Bắc đang ngồi trên ghế, bỗng dưng mặt tái nhợt, đôi môi tím ngắt run giật như người trúng gió, đôi mắt đờ ra như thể không tin những gì thực tại trước mắt mình. Bắc ngợp trong trạng thái mê hoặc, huyền ảo, lạc vào thế giới bên kia, mà từ lâu Bắc vẫn nghĩ cha mẹ mình ở đó. Trời ơi! Đây là mẹ mình, mẹ đẻ của mình. Sao ông trời lại vòng vo để đày đọa mẹ con Bắc lâu thế hở trời. Bắc ngạt thở quá, vì tim đập quá nhanh, quá mạnh. Bắc đã vụt đứng dậy như bản năng của một người tìm thấy báu vật, nhưng chân tay Bắc cứng đờ không thể bước tiếp được nữa. Rồi toàn thân như được trấi đất truyền âm, tạo ra một bước sóng khiến cơ thể Bắc rung lên. Ở đâu đó trên phím đàn người rung lên bản nhạc diệu kỳ bất tận và ở nơi đó phát ra một âm thanh cao quý nhất, ấm áp nhất, nhân hậu nhất: Mẹ!

Thế là Bắc có mẹ, còn mẹ. Mái đầu mồ côi nay đã có bàn tay âu yếm xoa dịu. Bàn tay người mẹ như chiếc ô che chở cho Bắc suốt đời. Bắc sung sướng quá, đến nỗi anh nấc lên bằng một tiếng khóc lớn. Lần đầu tiên Bắc khóc, được khóc, khóc như một đứa trẻ. Tiếng khóc như dỗi hờn khiến chị Bằng lao đến kéo ghì mái đầu của Bắc vào ngực mình như để đền bù và cũng nấc lên tức tưởi.

Quế xúc động, chạy vào buồng nằm khóc. Không biết cô khóc vì vui, hay khóc vì buồn. Chỉ biết cô không kìm nổi lòng mình trước lời giống như từ biệt của cha, trước tình cảm lớn của cha và niềm vui tột cùng cô Bằng trở thành mẹ của Bắc. Thế là Quế có hai người mẹ. Thế là Quế được làm dâu. Quế có mẹ chồng. Trời ơi sung sướng quá! Cha ơi, con có lỗi với cha nhiều lắm. Lẽ ra con cần phải hiểu cha, hiểu thế hệ của cha đã phải khổ cực thế nào chỉ để cho con, thế hệ con được hạnh phúc. Vậy mà con cứ thờ ơ, vô tư, coi việc hưởng thụ là đương nhiên, để cha phải đau xót. Con, thế hệ con đòi hỏi ở cha, thế hệ cha nhiều quá, trong khi chiến tranh đã vắt kiệt tâm sức của cha. Thái độ vô trách nhiệm, đòi hỏi là bất hiếu phải không cha? Một đứa con bất hiếu với cha mẹ là bất hiếu với Tổ quốc -   lời cha dạy con xin ghi nhớ.

Chị Mạ không nói gì, đứng dậy chắp hai tay trước bàn thờ lầm rầm khấn. Chị khấn thần linh, tổ tiên phù hộ độ trì cho chồng chị là Trần Củng ở La Quán thôn, Đông Y xã, Đông Hưng huyện, Thái Bình tỉnh gặp thầy, gặp thuốc, chữa chóng lành bệnh, trở về phụng thờ thần linh, tổ tiên để sáng mãi nghiệp tông.

Hết
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #67 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2013, 02:45:28 pm »



Nhà văn Bùi Thanh Minh

Sinh năm 1954
Quê quán: Thôn Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
Nơi ở: 3/202 phố Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội
Đại tá. Hiện là chuyên viên văn học Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó chủ tịch chi hội nhà văn Quân đội
 
TÁC PHẨM CHÍNH:

- Kể về một mối tình (tập truyện ngắn)
- Quà bất tử (tập truyện ngắn)
- Trên bến sông Trà (tập truyện ngắn)
- Đêm nổi bão (tập truyện ngắn)
- Biển cạn (tập truyện ngắn)
- Bên sông Trà Lý (tiểu thuyết)
- Cõi đời hư thực (tiểu thuyết)
 
GIẢI THƯỞNG:
 
- Giải thưởng truyện ngắn ( Trung ương Đoàn phối hợp Tuần báo văn nghệ )
- Giải thưởng Bộ Quốc phòng.
- Giải thưởng truyện ngắn của Báo Người Hà Nội
- Giải thưởng Lê Quí Đôn lần thứ 3.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM