Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:31:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời " bộ đội "  (Đọc 148116 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2013, 08:09:46 am »

Rùng Bắc mê có một màu xanh rất đẹp, nếu bác nào từng đi Na hang - Tuyên quang vào rừng nguyên sinh xem thì ở đây cũng y vậy . Những cánh rừng bạt ngàn gần như chưa bị khai phá nối tiêp nhau theo các triền núi. Sau những ngày đầu bỡ ngỡ tôi cũng bắt đầu thích khám phá xung quanh chỗ ở của mình. cứ hàng sáng nấu cơm , dọn dẹp và đun một nồi nước to cho anh em đi làm xong tôi lại tót ngay đi chơi ...

Cách lán chúng tôi ở khoảng gần một cây số là đất Cao bằng , ở đo có một bãi cát rất đẹp và nhiều hang động nằm chui trong các gềnh đá lô nhô dọc bờ sông, bờ cát có màu trắng tinh nhưng lại bị viền một màu đen như tôi đã kể, giống như viền đăng ten đen trên một chiếc khăn tay màu trắng, nước sông màu ngọc bích trong vắt có thể nhìn tận đáy, thỉnh thoảng có một vài người dân tộc bản xứ lại xuống đây lấy những chiếc mảng nứa đóng sắn giấu trong các gộp đá bơi sang bên kia, do không còn phải dấu kín chuyện lán trại nên tôi cũng đôi khi nhảy theo mảng của họ đi chơi cùng, mặc dù hai bên chẳng hiểu tiếng của nhau nhưng vẫn thấy vui. Có hôm mải quá không về kịp nấu cơm trưa cho anh em về suýt bị chửi nhưng khi nhìn thấy trong tay tôi một hai ống tre nhỏ chứa mật ong rừng hay xâu cua đá to đùng của mấy người bạn dân tộc tặng để tối nướng cua lên uống với rượu ngô pha mật ong thì mọi người lại vui vẻ bỏ qua ngay .

Ảnh minh họa !



Cuộc sống tuy kham khổ nhưng cũng không đến nỗi nào, khi đi chú tôi chuẩn bị cả bao tải cá mắm, tép moi cùng can mỡ lợn , vài hộp thịt hộp thỉnh thoảng mới mở ra một hộp nấu mặn ăn vì ở đây xa bản , không có chợ . Trên này rau cực hiếm, họa hoằn lắm mới được bữa cải nương cứng ngắc đầy lông . Anh Thao dấn tôi lên rừng chỉ cho một loại cây dây leo lá hình bầu dục nói đây là lá " vón vén", nhấp thử thấy chua chua rôn rốt. Đem về nấu với cá mắm bóp nhỏ làm canh ăn cũng ngon, ngoài ra còn lá lốt mọc đầy các bờ suối, nấu xong nêm ít súp cũng ngon tuyệt.

Tôi cũng mày mò hái những quả sung dại mọc cạnh suối về muối nhưng không thể ăn được vì sung ở đây to và chát lắm, cắn một miếng xong khé hết cổ họng chẳng lùa nổi cơm nữa. Một lần mò được ít ốc đá tôi nghĩ ngay đến món ốc ở nhà mẹ hay nấu liền đi nhổ một loại cây nhìn giông giống loại khoai mon ( tuy không hợp nhưng dải khoai nấu với ốc cũng tạm, thay thế khi thiếu các loại rau khác ) mọc ở chỗ bùn cạnh suối nấu món canh ốc, không ngờ ăn xong cả lán lăn ra đau bụng quằn quại, phải cạo mùn thớt cho mọi người uống để nôn ra hết . Trận ấy bị chửỉ một bữa nhớ đời vì sáng kiến của mình.

Cuộc sống cứ như thế kể ra cũng chẳng có gì là phức tạp lắm. Nếu cứ đều đều như này chắc khoảng thời gian ngắn nữa tới " tẩy " có vàng mọi người chia nhau, tôi ngoài tiền công ra nếu ông chú tôi được một .....chai 65 vàng thì tôi cũng được lọ Penĩilin làm vốn sau này lớn lên lấy vợ. Chắc các bác đọc chỗ này nghĩ thế phải không ạ ! . Nhưng mọi chuyện sau này diễn ra lại không theo chiều hướng đơn giản như vậy !
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2013, 09:15:45 am »

     Thế mà thấm thoát đã một tháng trời trôi qua, đã đến hạn tôi phải về nhà. Khi ông chú nhắc tôi chuẩn bị đồ đạc và cho người đưa tôi ra thị trấn , những người đồng hương đang công tác ngoài đấy sẽ bắt xe cho tôi về nhà. Tôi thực tâm không muốn về vì đang ở quen và có nhều chuyện rất hay, kỳ nghỉ hè còn những mấy tháng nữa nên tôi lại nì nèo ông chú cho tôi ở lại và dọa " Nếu chú bắt cháu về thì đi nửa đường cháu sẽ...trốn quay lại ..." làm ông nghĩ rất lâu xong cũng phải chiều tôi ( Ấy thế mà sau này tôi lại bỏ trốn tìm đường về, đi bộ mấy chục cây số đấy..).

    Công việc có vẻ không thuận lợi cho lắm. Xúc mãi mà vẫn chưa thấy vàng đâu, mọi người bắt đầu thấy trầm trầm hẳn , bắt đầu có tiếng xì xào chuẩn bị chuyển lán. Tôi hỏi chú tôi thì được trả lời " Tao muốn mày về ngay, ở lại có khi không tốt đâu cháu ạ " Câu nói ấy sau hóa ra đúng .

    Bắt đầu mùa hè là mùa mưa, mà mưa rừng thì khủng khiếp lắm, nó có làm không khí cực kỳ ẩm thấp, xung quanh lán dù đã được phát quang, đào rãnh thoát nước bao quanh như trại bộ đội nhưng do nằm dưới những tán cây rừng rậm rạp, thiếu ánh sáng nên không ăn thua gì. Nguy hiểm hơn thỉnh thoảng có cơn lũ suối đổ ra làm nước sông đột ngột dâng nên phút chốc, nếu gông bè không tốt thì nó sẽ cuốn phăng cả bè lấn người đi , đã bị trôi mất một bè sau cơn lũ như vậy.

    Những người dưới xuôi bắt đầu lăn ra ốm, mới khi đến làm lán chú tôi đã cho họ uống vài viên thuốc phòng, không biết thuốc gì toàn chữ Tàu , chả biết phòng gì nhưng vẫn thay nhau ốm rên hừ hừ. Tôi là người yếu nhất nhưng rất lạ không bị sao cả, có lẽ tôi sinh ra đã là người miền núi nên lam sơn chướng khí cũng ..hơi nể thỉ phải. Mấy lần chú tôi bắt tôi uống thuốc toàn len lén nhổ đi vì thấy đắng mà tôi có bệnh gì đâu. ( Sau này làm lính quan y mỗi lần phát thuốc cho bộ đội uống phòng nhớ lại chuyện này tôi ngồi canh me đến khi họ uống xong thì mới phát người khác, thế mà quay lại kiểm tra đầu giường vẫn có ông nhổ ra được mới tài ). Cứ nhâng nháo mãi chẳng chịu ốm cho.

    Quân số thi nhau ốm khiến công việc chậm hẳn, trong khi đó tiền và lương thực sắp hết. Tôi thấy mấy người bàn với nhau có vẻ lo lắng, mỗi một gàu múc lên là lại xô nhau vào ngó , thấy vẫn đầy đá xít lại lắc đầu thở dài, số vàng đấm máng tay tôi không rõ bao nhiêu, ai cầm nhưng hiểu là rất ít, mọi người chắc suy nghĩ để dành việc chuyển lán hay làm lộ phí để về chứ không dám đem ra bản bán mua các thứ như yếu phẩm đã cạn kiệt.

    Tôi cũng bắt đầu phải ra bè làm việc cùng mọi người , những người ốm nấu cơm thay tôi . Công việc chẳng có gì vất vả cả, do một người cắm sào cùng anh Thao ốm nên tôi ra thay người ấy. tôi chỉ việc trèo lên người anh Thao cùng gì cho chiếc sào làm sao ấn sâu gầu múc xuống lòng sông là được, ngày đầu ê ẩm cả người vì phải ôm ghì cây tre to quá, hôm sau tôi bảo với anh Thao đóng vào đầu cây tre một chiếc ngáng ngang để tôi trèo lên bám vào đó , vừa đỡ đau vừa khỏi đứng vào vai anh khó xoay sở. Thực ra là do tôi cũng muốn nghịch một chút, thế là tai nạn đầu tiên xảy ra với tôi làm mọi người xanh mắt .....


Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2013, 10:26:56 am »

Có lẽ cũng vì anh Thao chiều tôi nên mới làm như vậy, còn đúng ra tôi trèo vắt vẻo kiểu ấy làm anh càng khó trong việc điều khiển cây sào và trọng lượng của tôi cũng chẳng bao nhiêu để gìm được xẻng ( gầu múc ) xuống sông cả .

Nói về kỹ thuật chống sào . Nếu trong trường hợp đáy sông toàn cát thì chỉ cần một người thong dong cầm sào, là một cây tre nối với gầu múc, chủ yếu là giữ thăng bằng còn đâu do thằng quay tời kéo, dây cáp tời nối với đầu xẻng cứ thế mà lôi lên xóc cầu ngon choét !

Những lòng sông có đá sỏi nhiều thì bài trước tôi cũng nói sơ qua, nay nói lại dần cho mọi người hiểu kỹ thêm. Một người cầm sào rất khó đủ lực để gì nên phải hai, ba người cùng ôm sào đứng dạng chân hai bên thành bè tì cả người ấn sào xuống thật lực, trong đó người chính phải có kỹ thuật hay gọi là kinh nghiệm cũng được. Chỉ cần thả gầu chạm đáy một cái , sự va chạm dội lại lòng bàn tay là họ biết phải đưa gầu thẳng hay chéo, luồn lách trong gầm bè tránh đá hay cần thiết phải di dời bè chỗ khác khi gặp đá tảng. Đôi khi họ phải lặn xuống để xem, một người giữ sào còn một người lần theo sào tụt xuống kiểm tra...

Do tôi còn nhỏ, đứng vẫn chưa vững được nên anh Thao mới cho tôi trèo hẳn lên người anh gì sào như vậy. Làm thế anh rất mệt nhưng anh là một người khỏe mạnh, lực lưỡng ngang ông chú tôi ,cho dù tôi có nhảy nhót thì anh vẫn cười phà phà, thỉnh thoảng tôi có nghịch ngợm lấy hai ngón chân kẹp vào tai anh dứt dứt anh mới nhăn mặt " cẩn thận tao ném xuống sông bây giờ đấy ! ".

Một lần khi gàu chạm đáy, tôi bắt đầu trèo qua vai anh đu lên cái ngáng thì bất chợt mũi gầu va phải đá , đúng lúc bên đầu kéo tời bắt đầu quay mạnh, thế là mũi gầu trượt đi không bám xuống đồng thời đầu sào do có sức nặng của tôi đu đưa trên đó vật nghiêng làm bổng gầu lên. Tôi bị văng luôn xuống sông anh Thao không kịp đỡ, may là xuống sông chứ văng đập đầu vào đầu bè khéo tôi chết luôn hoặc bây giờ đang...đá ống bơ hè đường .

Anh Thao vội quẳng sào nhảy luôn xuống sông vớt tôi không kịp, vì nước tuy chảy không xiết nhưng tôi bị trôi đi một chút ( tôi không biết bơi ) cứ ằng ặc giã gạo. khi nổi lên anh thấy mọi người chỉ nháo nhác chỗ tôi đang nhấp nhô anh mới lao tới túm tóc đưa tôi lên bờ ...

Buồn cười là ở chỗ đúng lúc tôi rơi xuống sông thì cũng có tiếng " ùm " một cái gần bờ. Mọi người cứ tưởng ai đó nhảy xuống cứu tôi nhưng té ra không phải, là ông nấu cơm lang lom dom xách cái can nhựa 20 lít đang múc nước nghe tiếng kêu của những người thấy tôi ngã giật mình cũng lộn cổ xuống sông luôn. Tay này cũng không biết bơi nhưng may có cái can lên không chìm, cứ loay hoay ôm can kêu " Các anh ơi cứu em với " , gần bờ nên chỉ cần thò cái gậy ra kéo ông ấy lên là được.

Mọi người hôm ấy được một bữa vùa sợ vừa cuòi nôn ruột. Ông chú tôi bực lắm quát ầm ầm " từ sau tao bảo làm như nào thì làm như thế, cấm được thực hiện cái...tối kiến của mày. Một lần mày làm mọi người ngộ độc tí chết còn lần này thì mày sắp làm mồi cho Hà Bá rồi con ạ..." . tôi sợ quá líu ríu vâng dạ luôn mồm.

Các cụ nói " Họa vô đơn chí " cũng chẳng bao giờ sai , sau vụ uống nước sông chỉ vài ngày tôi lại chứng kiến một vụ trấn lột, đánh nhau mà tôi cũng là một nạn nhân.....
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2013, 03:20:48 pm »

Mùa này măng rừng mọc cung nhiều, đủ các loại , bọn tôi lấy về xào , luộc, kho hoặc nấu cùng mấy con cá suối còi câu được. Rất nhiều loại rau rừng cũng đua nhau mọc cạnh các bờ suối nhưng gần như không ai dám hái ngoài đám rau đắng hay ngót rừng ( loại này ít lắm, hình như chì còn sót sau mùa đông , ăn ngon nhưng tìm khó thấy ). Đến lúc thèm rau quá tôi mới dẫn anh em đến chỗ giấu mảng của mấy người dân tộc chèo sang bên kia tới nương của họ ...hái trộm cà lào ( đu đủ ) xanh về nấu. Những cái nương này họ trồng cà lào xung quanh và rất nhiều, ngạc nhiên cái là trồng nhưng lại không bao giờ ăn, một là mang về cho lợn hoặc cứ để nó chín rụng xuống đất, phí của !

Một người trong lúc mải chọc quả trên cây không để ý dưới chân dẫm vào " cạm ", là một loại bẫy thú rừng có hai cái ngoàm chi chít răng tre nhọn, chân dẫm phải hai cái ngoàm ngậm chặt lại sâu vào thịt, càng giẫy càng đau. Tôi không dám gỡ liền chạy về gọi anh Thao ra lấy dao cắt xong để nguyên những đầu nhọn ở chân bê người kia về lán. Tiện thể bê luôn một quả bí hay dưa của họ luôn sau khi chắc chắn không có ai canh cả.

Rùng già đã lấy đi mất hai trong đám quân số nhỏ bé của chúng tôi, hai người đó vì bệnh lâu quá phải về. Thêm một người nữa dính bẫy cũng phải cho ra ngoài bệnh xá xong về nốt, một người ngã nước chuyển sang nấu cơm không làm được . Các sếp đành bỏ một bè , chỉ còn một bè thay phiên nhau cày ngày lẫn đêm nhưng vẫn chẳng thấy tăm hơi vỉa vàng đâu cả. Mọi người rất chán nản và cuối cùng cái gì đến cũng phải đến. Một người tuyên bố bỏ cuộc và dẫn theo hai người của họ về. Chú tôi bắt đầu bị những cơn đau mắt hành hạ, mắt chú tôi do bị sức ép của bom tại chiến trường nên thỉnh thoảng lại đau ( chú tôi là thương binh, giờ này có lúc chú tôi không còn nhìn thấy gì nữa ) Đến lúc này thì không thể kiên nhẫn được nữa. Chú tôi quyết định mang số vàng ít ỏi ra bản bán lấy tiền mặt mua chút đồ tươi chia tay nhau và số còn lại chuyển bãi.

Chú tôi và anh Thao mang vàng ra bản, tôi cũng xin đi theo chơi cho biết . Bán vàng chú tôi mua hẳn một con lợn mán và can rượu ngô, con lợn và can rượu cho vào một ba lô cùng một túi xách chú tôi bảo anh Thao cõng về trước, chú tôi cùng tôi ghé qua nhà trưởng bản, hay chủ tịch xã gì đó mời ông vào uống rươu, khi vào nhà ngồi trên sàn tôi cứ thấy anh Thao nấn ná không về ngay mà ngồi nói chuyện bên kia đường, hóa ra có một cái quán tạp phẩm nhỏ và cô chủ quán mặc áo chàm cũng rất xinh đang tiếp chuyện anh chàng Vĩnh Phú này.

Lúc xong việc tôi với chú ra thì anh đã đã đi . Chú tạt quán mua thêm mấy gói bột canh, mì chính rồi hai chú cháu lững thững về,lúc đó trời cũng gần gần trưa. Qua đầu bản một đoạn tới chỗ ngoặt rẽ vào đường đi lán thì bống dưng có ba người đàn ông tiến ra chặn ngang đường chúng tôi. Nhìn mặt biết ngay trong đó có một thằng nghiện. Một người cầm con dao phát dài ngoằng, một người cầm chiếc côn hai khúc , người còn lại cầm chiếc gậy tre. Người to lớn nhất tay cầm con dao phát tiến tới hỏi " Ông anh cho bọn này xin chút đi, dạo này đói quá ".

Tình thế này lần đầu tiên xảy ra nên tôi há hốc mồm, chân tay run như cầy sấy. Chú tôi vẫn bình tĩnh kéo tôi đến trước mặt gỡ cái ba lô chứa mì chính, bột canh trên vai tôi ra từ tốn nói " Chúng tôi cũng mới làm, chưa có gì cả, thôi có ít thì dùng ít, biếu mấy người anh em chút vậy ! "

Mấy người kia có vẻ tương đương tự đắc lắm, tay cầm côn còn hoa hoa mấy vòng biểu diễn gió vù vù. Chú tôi một tay gỡ ba lô ra, một tay bóp mạnh vào vai tôi. Bất thần chú vung chiếc ba lô quật đánh bốp một cái vào mặt thằng cầm dao khiến nó lảo đảo ôm mặt rớt cả dao xuống đất. Tay kia chú ẩn vào vai tôi một cái thật mạnh làm tôi ngã lăn một vòng. Khi lồm cồm bò dậy thì tôi thấy hai thằng còn lại nhảy vào vụt chú tôi túi bụi, chú tôi lấy cái ba lô làm vũ khí vừa đỡ vừa vụt trả, miệng thì hét " chạy đi cháu, chạy nhanh về lán đi ..."

Đến giờ ngồi viết những dòng này tôi mới nghĩ mấy thằng kia chưa đủ tuổi để đánh nhau với ông chú tôi, nhưng ba người có vũ khí đánh một người thì chống cự cũng khó, với lại lúc đó tôi rất sợ không biết làm gì, tôi cắm đầu chạy thục mạng về lán hy vọng hô hoán mọi người ra kịp, chỉ hy vọng thôi vì lán còn rất xa. Đang chạy thì tự dưng tôi thấy có bóng người chạy lướt từ đằng trước tới rất nhanh, nhằng một cái đã tới trước mặt tôi. Thầm nghĩ " thôi chết ! chúng nó chặn đường " thì húc luôn vào người đó ngã bật ngửa ra , mắt nổ đom đóm ......
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Năm, 2013, 03:41:30 pm gửi bởi Linh Quany » Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #14 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2013, 04:19:11 pm »

Tôi vẫn đang trong tình trạng tối sầm mặt mũi vì cú va chạm mạnh quá thì được người nọ cầm tay kéo đứng dậy. Dụi mắt nhìn cho rõ tôi vội mừng rỡ kêu lêu lên :

- Anh Thao. Cư...ứu...u chú em với !

Anh nói trong hơi thở hổn hển :

- Em chạy ra kia trông đồ đạc đi . Rồi anh bẻ một khúc cây bên đường và lao vút đi !

Tối hôm ấy sau khi cơm nước xong ( tôi chưa biết uống rượu, hút thuốc ), mọi người ngà ngà hết ngồi nghe anh Thao kể lại câu chuyện như sau :

Lúc chú cháu tôi vào nhà trưởng bản, anh sang quán mua ít đồ về làm gia vi nấu ăn thì chợt nhìn thấy có mấy người trông mặt mũi dữ tợn đứng lấm lét ngoài bờ rào nhìn vào. Định về nhưng linh tính mách bảo là có lẽ họ đang theo dõi chúng tôi anh liền ngồi lại, khi tôi nhìn thấy anh bên đó cứ nhầm là anh đang tán gái nhưng không phải . Ở những nơi có bãi vàng này chuyện trấn cướp xảy ra như cơm bữa nên anh cũng nghi nghi. Được một lúc thì không thấy mấy người kia đâu nữa nhưng cảm giác vẫn chưa yên tâm nên anh ra về nhưng có tình lần khân chờ chú cháu tôi.

Đúng như linh tính của anh. Khi chú cháu tôi gặp bọn chúng thì anh cách đó khoảng trăm mét, nghe tiếng thét của chú tôi anh vứt luôn con lợn và can rượu xuống lao ngược lại, do tôi và anh chạy ngược chiều nhau cùng nhanh lên đâm vào nhau cú trời giáng...

Chỉ vài chục bước anh đã đến chỗ chú tôi. Tại chiến trường đã có một đồng chí dính đòn nằm vắt ngang qua gốc cây ven đường ngáy pho pho. Một nhát gậy chính xác của anh làm thêm một chú nữa nằm thẳng cẳng. Đồng chí còn lại tự dưng thấy rơi vào tình thế bất lợi khi mình có hai đối thủ, một với số đông còn không nhằn nổi thì quả này thật khó xử. Thôi thì dân bãi vàng chỉ nên anh hùng lúc lực lượng  áp đảo đối phương còn không thì bố mày " Tẩu vi thượng sách ". Kệ mẹ hai đồng đội đang yên giấc co giò chạy biến ...

Tôi lúc ấy mới đau ê ẩm người vì cú ngã do cái đẩy của ông chú ( vì tôi không hiểu cái bóp vai lên bị bất ngờ ) thêm cú húc nhau nhau với anh Thao làm tôi u một cục trên trán. Phải lấy dầu xoa mãi mới bớt. Tối hôm ấy tôi chìm vào giấc ngủ đầy hoảng loạn khi nghĩ về những biến cố xảy ra gần đây với tôi và mọi người.....
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #15 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2013, 04:23:19 pm »

Sáng hôm đó những người ra về chào tạm biệt chúng tôi xong xách những chiếc ba lô , túi lép kẹp lủi thủi ra về. Nhìn họ thật thương vì từ quân đến tướng thất tha thất thểu như bại trận. Biết làm sao được, trời cho ai người nấy được, giã từ sớm khi còn chưa quá muộn có khi lại hay. Nhìn theo họ mà tôi thấy buồn và nhớ nhà, tuy từ bé tôi cũng đã từng xa bố mẹ vào doanh trại bộ đội ở cùng các cô chú nhưng dù sao tôi vẫn được chiều chuộng, chăm sóc cẩn thận từng ly từng tý của các đồng đội cô chú tôi.

Nhưng thêm một tin nữa làm tôi buồn hơn. Đó là đến bãi mới chú tôi với người còn lại cũng chia tay nhau nốt vì cả hai người không còn lực phải mỗi người tìm một đối tác làm chung để họ đỡ đần cho phần tài chính ban đầu. Như vậy tôi với anh Thao phải chia tay nhau vì anh thuộc lính của người kia. Ở với anh một thời gian tôi coi anh như người anh trai vì anh rất tốt và quý tôi, chính anh cứu mạng tôi với chú cháu tôi đến hai lần ( Nhưng sau này chính chú cháu tôi nhìn anh lâm nạn lại không cứu được mới hận ). Mọi việc từ to đến nhỏ trong lán anh đều tháo vát, không ai chê trách được điều gì.

Nhiều đêm nằm cùng nghe anh kể chuyện thời lính tôi rất thích, cứ bắt anh kể đi kể lại cho đến khi tôi ngủ lúc nào không hay. Anh vốn là một người lính trinh sát đã từng chiến đấu chống quân bành trướng tại BGPB , khi ra quân anh cũng là một trong số nhiều những người lính có cuộc sống vất vưởng, tha phương cầu thực, làm đủ thứ, bốc vác , buôn lậu tuyến biên giới, đi làm vàng tại Na rì......cho nên chuyện đi rừng với anh là chuyện vặt, chính lần mới đến đi lấy tre vô tình bị lạc anh động viên mọi người đừng vứt tre đi phí công, anh mò mẫm vừa vác tre vừa định hướng dò đường ra đến suối gặp tôi làm tôi một phen hết hồn như đã kể .

Anh kể nhiều chuyện lắm, nhưng tôi chỉ nhớ mãi một câu chuyện mà khi anh kể tôi cười như nắc nẻ. Đó là một lần tổ anh có ba người đi phục bắt thám báo. Khi nhảy ra bắt không ngờ gặp phải thằng địch thuộc hệ cao thủ, chiến sĩ ta thấy mình số đông cũng chủ quan bị nó đánh gục mất hai người, còn mình anh áp sát vật nhau với nó. Biết mình không phải đối thủ nên anh cứ nhè dái nó mà bóp. Thằng Tàu kêu ầm ĩ, không biết nó chửi hay xin hàng , mặc kệ anh cứ bóp cho đến khi nó nhũn người ra thì mới dừng tay trói lại khênh về. ( Chú này chắc sau này nhỡ có tuyệt đường hậu sự chắc oán anh suốt đời ).

Lán chúng tôi có một người ( lâu quá tôi quên hết tên, nhớ mỗi tên anh Thao ) có tài thổi sáo rất hay, cứ khuya khuya làm xong lại mang sáo ra thổi. Bị mọi người phản đối bắt ra đầu lán thổi vì sáo thổi gần nghe không hay và rất...điếc tai. Nhưng trong rừng khuya mà nghe tiếng sáo thì thấy buồn gai người bỏ mẹ, mà thổi sáo trong rừng một thằng người Cao lan bảo đó là gọi ma thế là lại cấm hẳn. anh Thao thấy thế mới hỏi " mày biết đánh đàn bầu không " thằng kia gật bảo có. Anh liền lấy gỗ làm khung đàn xong kiếm một cái ống bơ sữa bò làm bát đàn ( không biết tôi nói đúng tên bộ phận không ? ) , dây cáp tước nhỏ làm dây đàn. Cây đàn đánh lên nghe cứ vừa tưng tửng vừa có âm thanh hơi choang choang nhưng luận một lúc cũng rõ vài âm tiết của bài hát mà người đánh đang thể hiện, kèm theo tiết tấu mấy cái nắp vung cũng hay hay. Thế cũng vui rồi, bãi vàng mà có văn nghệ thì nhất còn gì nữa....


Mọi người còn lại rất khẩn trương dỡ lán, tất cả tre nứa đem xuống buộc gia cố vào bè, chất đồ đạc lên đó. Sau đó mọi người xuống bè nhổ sào xuôi theo con sông Gâm ra hướng thị trấn.

Đi được một lúc thấy có vẻ chói nắng, con sông hình như rộng hẳn ra , hai bên bờ thấy thoáng hẳn, bãi cát to dần, các ghềnh đá thưa hẳn đi, lác đác một ngôi nhà sàn nằm lấp ló sau những bãi sắn hay ngô dọc bờ sông. Chúng tôi đã ra khỏi rừng già .

Đến gần trưa, bè chúng tôi tấp vào một bãi vàng bên bờ sông. Từ đó trở đi tôi chính thức mới nếm mùi bãi vàng thật sự và chứng kiến những điều tệ hại của nó .........
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Năm, 2013, 04:32:56 pm gửi bởi Linh Quany » Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 08:41:40 am »

Anh chúc mừng chú với đề tài mới, nhìn thẳng vào vấn đề khai thác đến tận cung uộc sống của con người trong những hoàn cảnh cụ thể. Anh rất mê cảnh quan sống động trong những tấm anh của em.  Chắc sau loạt bài này, @Linquany sẽ trở thành nhà văn thực thụ không chừng. Chúc em và gia đình mạnh khỏe.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #17 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 09:05:52 am »

   xuanv338 chào linh quany. Xin chúc mừng ông chủ của một topis mới. một topis viết không dễ một chút nào. Cô xuanv338 chúc lính Quany mạnh khỏe vào cuộc trên một bãi vàng đầy khốc liệt và mong rằng linh Quany sẽ cho mọi người thấu hiểu hơn góc khuất của xã hội hiện tại. Bài của linh quany mới vào được hai trang mà đã thấy hay lắm rồi. Cái khốc liệt có cả máu và mồ hôi, nước mắt được lính quâny kể lại rất thật dưới dạng văn học cũng rất sắc.

   Bãi vàng là nơi hội tập đa dạng những con người mà được cho là mặt trái của xã hội. Nhưng thực tế đó cũng là một cách mưu sinh cho cuộc sống.  Họ là những nông dân, là những người đi tìm cuộc sống giàu nhanh bằng cả sức người và tính mạng. Trong đó còn có cả những người đã có những năm tháng từng là lính, chiến đấu bảo vệ cho tổ quốc. Về với cuộc sống đời thường cũng vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống mưu sinh.  Mới có hai trang nhưng người đọc đã thấy được toàn bộ bối cảnh của một bãi đào vàng. Người đọc đang mong những câu chuyện tiếp theo của lính quan y thật hấp dẫn. Chúc cháu mạnh khỏe và mạnh mẽ trong bài viết..
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Năm, 2013, 05:40:42 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
huonghn76
Thành viên
*
Bài viết: 1166


WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 09:36:45 am »


         Cũng như bao người khác ,người lính khi về với đời thường không chuyên môn ,nghề nghiệp ,xã hội chẳng tạo cho họ được điều gì nên họ phải lao đi kiếm tìm cuộc sống mưu sinh .Họ sẵng sàng làm tất cả mọi việc ,mong tìm được miếng ăn ,mơ một phép màu có sự đổi đời nào đó .
            Trong cuộc sống hỗn độn phức tạp tại bãi vàng có những người lính họ vẫn mang trong mình được sự can đảm vựơt được qua những khốn khó để mưu sinh mong ngày mai tốt hơn .
             Mảng đề tài không mới nhưng LQY đã có một góc nhìn khác nên đã phản ánh được một khía cạnh con người trong đó có hình ảnh người lính trong đời thường , tác giả có cái nhìn nhạy bén nên đã nêu lên được tính cao đẹp của người lính trong cái mớ hỗn độn láo nháo đó ...Phải chăng đó câu chuyện thật về đời thường của tác giả .Chúc bạn phát huy được lối viết hay trong nghiệp văn chương này
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #19 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 03:30:45 pm »

  Cám ơn cô Xuanvui338 cùng anh Vetran và bác Huong 76 !

  Thật sự ra đây chỉ là một dạng ...phiếm đàm Văn nghệ cho vui thôi cô CB và các bác ạ ! Nếu nói theo phong cách văn chương thì còn lâu lắm mới đạt tới được . Nhưng những câu chuyện hoàn toàn là có thực, đôi khi có thể pha chút hư cấu lãng mạn cho nó bớt khô khan để người đọc đỡ ...nhức đầu !  Grin

  Anh Vetran : em sẽ cố gắng sưu tầm những bức ảnh sát với thực tế nhất để đưa lên giúp anh chị và những bác phía Nam có thể hiểu thêm về cảnh vật miền núi Việt Bắc , Tây bắc hoặc cố gắng mô tả chi tiết những gì em có thể tả được ( vì ảnh đi du lịch không thể soi được hết cuộc sống thôn bản dân dã và người đi du lịch cũng vậy, chỉ đi qua thôi ).

  Bác Huong 76 : Có lẽ trong câu chuyện về sau của em. Hình ảnh người lính khi về đời thường sẽ dần dần khác trước.  Khi đã lao vào cuộc sống dành giật miếng cơm manh áo những chốn này thì có lẽ họ chỉ còn những gì gọi là bản lính, ý chí được rèn luyện. Còn lại họ sẽ phải tuân theo một luật chơi mà nơi họ sống áp dụng. Có thể sẽ cao đẹp nhưng cũng có thể họ sẽ là những nhân vật rất...nguy hiểm vì chính bản lĩnh của họ được sử dụng cho những mục đích xấu !

   Em cũng mong các bác nào đã từng ở những chốn như này tham gia , bổ sung, chỉnh lý cho em nếu viết có gì sai vì em không thể nhớ, biết hết được qua câu chuyện của một cậu bé mới 14 tuổi !
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM