Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:41:44 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cõi đời hư thực  (Đọc 39170 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 16 Tháng Tư, 2013, 03:14:49 pm »

CÕI ĐỜI HƯ THỰC

Tác giả: Bùi Thanh Minh
Nhà xuất bản Hà Nội 2009
Khổ: 14.5 x 20.5, Số trang: 239
Nguồn: Việt văn mới

Tập hợp, bổ sung: hoi_ls



« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:57:07 pm gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2013, 03:19:26 pm »

1

- X ung pho… ong! Tất cả theo tôi, tụt quần ra! Vượt qua suối, đánh chiếm bằng được mục tiêu.

Trần Củng vừa hô, vừa nhảy từ trên giường xuống đất, tụt phăng cả quần dài, quần lót quàng vào cổ, quơ chiếc quạt cây làm súng vác lên vai, nồng nỗng lao ra sân, tiến về hướng bờ ao, đứng lại ra lệnh:

- Tổ một cảnh giới, tổ hai, tổ ba theo tôi vượt suối!

Trần Củng mặt phừng phừng như gấc chín, giơ cánh tay phải gân guốc khoát nửa vòng, rồi vác "súng" nhảy ùm xuống ao, cái dụng cụ "sung sướng" như củ phúng sì vắt vẻo cũng "tõm" xuống nước.

Chiếc quạt nặng, lại bị nước cản, Trần Củng không sao "xung phong" được. Lúc vác trên vai, khi ôm trước bụng, vừa lội, vừa ngã dúi dụi, nước ập vào miệng ằng ặc, ùng ục, bùn ngàu lên sùng sục. Vừa ngóc được đầu lên khỏi mặt nước, Trần Củng đã lớn tiếng hô:

- Không được bỏ vị trí chiến đấu. Tất cả tiến lên!

Chị Mạ đang cuốc đất ngoài mảnh vườn con sau nhà, nghe tiếng hô "xung phong" của chồng, lạnh toát cả người, vội bỏ cuốc chạy về nhà. Thấy anh Củng đang vật lộn với chiếc quạt cây ở dưới ao trong một trạng thái hết sức quyết liệt, nước mắt chị trào ra, rồi như bừng tỉnh, chị ào xuống ao, rẽ nước nhao về phía anh Củng. Khi chị ôm được anh để kéo vào bờ, liền bị anh hất ngã. Anh Củng vội vồ lấy chiếc quạt ôm ngang, hừng hực tuyên bố:

- Báo cáo đồng chí. Tôi không bị thương, vẫn tiếp tục chiến đấu được.

Hai vợ chồng vật lộn với nhau ở dưới nước như hai con trâu. Bùn, nước tung toé. Chiếc ao nhỏ như chao nghiêng, từng mảng bèo tây xô dạt vào bờ. Anh Củng, với một quyết tâm "dù có hy sinh" cũng phải "đánh chiếm bằng được mục tiêu". Vì vậy "đồng đội" có quật ngã để anh phải "bỏ vị trí chiến đấu" cũng không thể làm anh lùi bước. Chị Mạ, bằng giá nào cũng phải lôi được anh lên bờ để đưa về nhà. Thành ra hai bên co kéo khá quyết liệt. Chiếc quạt cây văng ra góc ao chìm nghỉm.

Như thường lệ, họ hàng, làng xóm lại kéo ra, mỗi người mỗi tay giúp chị Mạ mới đưa được anh Củng về nhà. Bị mọi người ghìm giữ trên giường, anh Củng vẫn gồng mình, nghiến răng, trợn mắt, hô:

- Chúng mày cứ bắn tao đi. Chết tao cũng không khai nửa lời. "Dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào, không bao giờ phản bội xưng khai".
Bác sĩ Bằng phải tiêm tiếp một liều thuốc ngủ, dần dần anh Củng mới bớt vùng vẫy, cơ bắp như mềm ra. Anh nói ít, rồi âm lượng nhỏ dần, đứt quãng, rời rạc, đôi mắt đờ đẫn và ngủ thiếp.

Mọi người ra về, chỉ còn Bằng neo lại. Chị Mạ lấy chiếc quần mặc cho chồng để thay cho chiếc chăn chiên. Chị lấy khăn mặt dấp nước, vắt khô ngồi tỉ tê lau rửa mặt mũi cho anh Củng. Tự dưng nước mắt chị lại ứa ra. Thấy vậy, chị Bằng vừa thu xếp đồ nghề, vừa hỏi:

- Làm sao mà mày lại để cho anh ấy lên cơn?

Chị Mạ quệt nước mắt, nói:

- Tao chỉ sơ suất một chút thôi... Cả ngày hôm qua tao đạp xe ba chục cây số sang Đông Hồ chỉ để nghe một câu chuyện về thời nhỏ của anh ấy để tối về kể lại cho anh ấy nghe. Cơm tối xong, nằm xem ti vi mệt quá ngủ quên mất, tỉnh dậy thì đã gần sáng. Thấy anh Củng ngủ ngon lành, tao cũng yên tâm đi nấu bữa sáng cho con Quế ăn đi làm, rồi mang cuốc ra vườn cuốc nốt chỗ đất còn lại trồng vạt rau ngót. Ai ngờ...

- Từ hôm xuất viện về anh Củng có hay lên cơn như thế này không? - Bằng xoay hẳn người ngồi đối diện với Mạ, hỏi như để bắt đầu tâm sự.
 
- Cũng chỉ thỉnh thoảng thôi. Ngày nào không được nghe một câu chuyện về quá khứ vinh quang của mình, y rằng ngày hôm sau anh ấy sẽ lên cơn tâm thần. Mà mày tính, hai mẹ con tao đã "sưu tầm" đến cạn kiệt.

Chị Bằng nhìn chị Mạ hỏi tiếp giọng của một thầy thuốc:
 
- Ngoài ra, anh Củng còn có biểu hiện gì nữa không?

- Mày thật thông cảm tao mới nói... Nhưng mà thôi, đó là chuyện riêng của vợ chồng tao.

Chị Bằng kéo ghế ngồi xích lại, đặt bàn tay mềm lên vai chị Mạ, giọng nhỏ:

- Mạ, mày với tao là bạn. Tao lại là thầy thuốc. Tao cần biết để giúp mày chữa chạy cho anh Củng.

Chị Mạ bỏ chiếc khăn mặt vào chậu nước, sửa cổ áo cho chồng, rồi bê chậu nước ra sân:

- Ra ngoài này uống nước Bằng ơi.

Ngồi tựa lưng vào chiếc ghế đối diện với chị Bằng, chị Mạ tâm sự:

- Tao cực lắm Bằng ạ... Mày thông cảm và giữ kín thì tao mới dám nói... Từ ngày bệnh anh Củng biến chứng, mắt mờ chỉ còn năm phần mười... Chuyện chăn gối thật kỳ lạ... có thời kỳ nửa năm ông ấy… hỏng hẳn. Nhưng thỉnh thoảng lại bùng lên những cơn bạo liệt khủng khiếp. Thường thì, mỗi tối mẹ con tao phải thay nhau kể một câu chuyện gì đó về quá khứ của anh ấy. Xuôi sẻ thì không sao. Nhưng nếu không may kể sai, hoặc vô lý chỗ nào, lập tức mắt anh ấy trợn ngược, miệng quát: "Vô lý, vô lý!" hoặc: "À, mày bôi nhọ quá khứ của bố hả?". Rồi bổ vào người để bóp cổ, đánh đập, lột xé tanh bành bất biết là ai. Có lần con Quế bị bố bóp cổ, lột xé, cũng may tao về kịp.

Chị Mạ sụt sịt khóc. Chị Bằng ôm lấy đôi vai nhỏ của bạn an ủi. Vừa khóc, chị Mạ vừa nói tiếp:

- Những lúc ấy thân thể tao như bãi chiến trường để ông ấy tung hoành ngang dọc, đủ kiểu. Mặt mũi bầm giập, có khi sưng húp đến mấy ngày không dám đi đâu cơ. - Chị Mạ gục đầu vào vai bạn tìm sự đồng cảm.

Vỗ về bạn một lúc, thấy yên yên, chị Bằng định nói một câu gì đó để động viên an ủi. Song chị cảm thấy mọi lời lẽ lúc này đều vô nghĩa, bèn ngập ngừng:

- Chung quy lại thì cũng tại chiến tranh cả thôi. Người ta đánh Nam dẹp Bắc, xông pha nơi hòn tên mũi đạn, thương tật đầy người, giờ về già mới thế, chứ ai muốn.

Chị Mạ không nói gì, ừ thì đó là tất - lẽ - dĩ - ngẫu rồi. Nhưng mà sao đời chị nó khổ. Dường như mọi nỗi khổ của người đàn bà ở cái làng này rót hết vào chị. Hai mươi tám năm làm bạn với anh Củng, là hai mươi tám năm thấp thỏm, lo âu, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Hạnh phúc của chị với anh Củng, chung quy lại chỉ có bốn chữ CĐ và CĐ (chờ đợi và chịu đựng). Cả một thời son trẻ thì chị chờ đợi anh. Lấy chờ đợi làm lẽ sống, làm động lực để chị vượt qua bao khó khăn để sống và nuôi dạy con cái. Bây giờ thì chị lại phải chịu đựng những cơn tâm thần của anh như thế này. Và cũng vì chịu đựng những cơn tâm thần của anh nên chị phải gồng mình lên để sống, lao động và tồn tại, để cho gia đình này nguyên vẹn, con gái chị thành đạt hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp, và một chút gì đó gọi là để gia đình chị giữ thể diện với bàn dân thiên hạ.

Anh Củng bỗng ho sù sụ, mỗi tiếng ho là một lần bật cong người. Chị Mạ vội quay trở vào, một tay đỡ đầu, một tay vuốt ngực cho chồng. Cho đến khi anh ngủ yên, chị mới trở ra. Chờ cho chị Mạ trở lại trạng thái ổn định, chị Bằng hỏi:

- Anh Củng cưới mày năm nào nhỉ?

- Anh Củng đi bộ đội sáu nhăm đầu sáu sáu đi "Bê". Trước khi đi về phép mười ngày. - Chị Mạ nói một mạch như cái máy - Ngày thứ nhất tắm giặt, nghỉ ngơi, nghe bố mẹ chỉ giáo. Ngày thứ hai lượn lờ sang làng xóm chơi bời thăm hỏi và lắng tai nghe ngóng tình hình. Ngày thứ ba xông thẳng vào nhà tao, đặt vấn đề với bố mẹ tao cho phép được tìm hiểu "em nó". Ngay tối hôm đó đã ngỏ lời cầu hôn với tao, lại còn yêu cầu tao ngày mai phải trả lời ngay tắp lự vì "thời chiến nên bộ đội ít thời gian lắm". Ngày thứ tư báo cáo lại với bố mẹ tao và xin phép đưa gia đình đến dạm ngõ. Ngày thứ năm, anh Củng đưa bố mẹ đến và xin cưới. Chiều hôm đó dẫn tao đi may một chiếc áo sơ mi xanh sĩ lâm, một chiếc quần xa tanh đen nhóng. Ngày thứ sáu cả hai đứa vào Uỷ ban đăng ký. Ngày thứ bảy chuẩn bị và đi mời bạn bè, họ hàng, làng xóm. Ngày thứ tám tổ chức cưới.

- Mày sinh con Quế năm nào nhỉ? - Chị Bằng cắt ngang lời chị Mạ.

Chị Mạ cất câu hỏi của chị Bằng vào một chỗ, vẫn say sưa:

- Anh Củng ở với tao đúng hai ngày, hai đêm rồi trả phép vào miền Nam chiến đấu. Tiễn chồng đi rồi, về nhà lẽ ra người ta nhớ chồng, đằng này tao chỉ nhớ mẹ, nhớ nhà. Đến tưởng tượng mặt chồng tao cũng phải lấy ảnh ra mới hình dung nổi... Anh Củng đi một mạch năm năm, không thư từ, không tin tức. Tao chỉ có chờ đợi và chờ đợi. Mãi đến năm 1970, anh Củng được tuyên dương Anh hùng, và được ra Bắc đi báo cáo, thỉnh thoảng tạt qua nhà dăm ba ngày, biếu bố mẹ cân đường cát, dúi cho vợ bánh xà phòng Liên Xô 702. Ngày đi thăm hỏi họ hàng, làng xóm, tối tiếp khách, chơi bời với bạn bè đến mười một, mười hai giờ khuya. Vợ chồng dành cho nhau tính bằng giờ. Tao sinh con Quế cuối năm đó. Anh Củng bảo: "Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng". Ai ngờ, tịt hẳn cho đến giờ. Cũng không hiểu tại sao? Ờ thôi mà cũng may, sinh thêm đứa nữa chỉ khổ cho tao.

- Sao ngày trước mày không đi khám xem tại ai để mà chữa chạy. Có thêm đứa con trai cũng tốt.

- Khám gì? Lão Nam, tao Bắc biết đâu mà khám. Mày biết không? Sinh con Quế xong, anh Củng lại vào Nam, bảy nhăm giải phóng có về phép một lần, bảy tám lại sang Cam-pu-chia đánh nhau. Mãi đến tám chín mới được điều về làm Huyện đội trưởng huyện mình. Cái số tao là số con rệp. Ông tao bảo đàn bà đứng chữ Mậu như tao khổ lắm. Mậu biến vi quả mà - suốt đời cô quả, cô độc.

Chị Bằng nhìn ra ngoài sân, ý canh chừng giờ giấc để kết thúc tâm sự. Chị hỏi sang việc khác:

- Viện một linh tám trả về, bệnh án ghi thế nào?

- Anh Củng bị khối u ở nền não, nhưng khối u lành, có dịch. Để tránh áp lực trong não, người ta đục não làm cái "ti ô" luồn dưới da xuống dạ dày để rút dịch trong não tránh cơn choáng ngất. Bây giờ khối u chèn vào bộ phận nào thì ảnh hưởng bộ phận đó.

- Sao mày không chuyển anh ấy đi viện tâm thần?

Chị Mạ giãy nảy:

- Sao được! Đến đó thêm điên ra ấy chứ. Nguyên nhân thì rõ rồi. Đến đó ai kể chuyện cho anh ấy nghe. Không có chuyện là lên cơn. Chứ mày bảo, có ai hơn được vợ con?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2013, 03:22:02 pm »

*

Mãi đến bảy rưỡi tối Quế mới đi làm về. Đường từ Sở nơi cô làm việc về đến nhà mười hai cây số. Thường thì cô đi làm bằng xe máy, sáng đi, tối về, trưa nghỉ tại cơ quan.

Nghe tiếng chào của con, chị Mạ như cây rau rút xoè lá tươi hẳn lên. Cả ngày chị lo lắng, chịu đựng chỉ chờ con gái về, mẹ con tâm sự cho khuây khoả. Chị hỏi con gái:

- Sao nay về muộn thế hở con?

- Việc đột xuất mà mẹ.

- Ờ, mẹ hỏi vậy thôi. Con đi tắm rồi ăn cơm kẻo nguội.

- Bố con đâu, hả mẹ?

- Đợi con mãi, bố mẹ ăn cả rồi. Bố con nay mệt, nên ngủ sớm.

Tươi cười nói với con vậy thôi, nhưng trong lòng chị Mạ lo lắng lắm. Chị lo không biết ngày mai đào đâu ra chuyện để anh Củng không lên cơn. Bệnh gì mà kỳ quái. Chuyện người khác không nghe. Chuyện đương đại không nghe. Chỉ nghe đúng chuyện của mình và phải là chuyện quá khứ. Thế mới khổ cho mẹ con chị. Nếu là chuyện hiện tại và của mọi người thì chị chỉ sang hàng xóm một lúc là vô khối. Đâu là chuyện giết người, chuyện tham ô, khiếu kiện, rồi chuyện đua xe máy, chuyện bẫy chuột nhưng lại chết người, v.v... không bao giờ hết được.

Quế bước vào phòng tắm, khép cửa, bật điện rồi lần lượt cởi bỏ hết quần áo thả vào chậu. Cô đưa hai bàn tay nâng bầu má đứng đối diện với chiếc gương lớn trong phòng. Quế hay ngắm cơ thể trần trụi của mình trong gương, và thích thú khi phát hiện ra một thay đổi trên cơ thể. Cô nhận thức được sắc đẹp của mình, và cô thầm biết ơn tạo hoá đã cho cô hưởng trọn và hoàn chỉnh những nét đẹp của cha mẹ. Vai cô thon với một đường cong thiên nhiên huyền ảo kết hợp với đường cong của cái cổ trắng ngần cao, quý phái. Da cô trắng hường mịn màng và dường như lúc nào cũng toả mùi hương phảng phất, eo bụng tròn ong óng, cặp đùi dài thẳng khít và chắc, hai cái mé đùi non mịn mát như tơ.

Quế đưa hai bàn tay xoa nắn kiểm tra cặp vú của cô. Cô có cảm giác hình như bộ ngực trinh tươi như trái bưởi non có đôi núm hơi vuông nhô, hồng tươi thêm một chút.

Chiếc vòi hoa sen xoà những tia nước mát lạnh vào khuôn ngực nây nẩy, chảy vuốt xuống bụng và lườn, xuống mé trong của cặp đùi non… rửa sạch phiền muộn, mệt nhọc trả lại cho cô cảm giác đồng trinh, tươi mát.

Ngồi vào bàn ăn, Quế nói chuyện với mẹ:

- Bên Sở Đầu tư đưa sang chỗ con cái dự án của một tay Đài Loan xin vào nuôi tôm giống ở vùng biển tỉnh ta, mẹ ạ.

Chị Mạ vừa ngồi chăm con gái ăn, vừa ngắm con, trả lời:

- Thế thì tốt quá còn gì.

- Nhưng mà con cứ lăn tăn. Tại sao nó không xin vào huyện Thái Thụy? Cứ nhất định phải là huyện Tiền Hải. Trong khi vùng biển Thái Thụy có độ mặn thích hợp hơn đối với con tôm sú, tránh được ảnh hưởng của dòng chảy sông Trà Lý và cửa Ba Lạt.

Chị Mạ nhẻ khúc cá kho đưa vào bát con gái, nhìn con âu yếm, nói:
 
- Con thử xem đằng sau cái tay Đài Loan đó là cái gì?

- Con là kỹ sư thuỷ sản, con chỉ biết nghiên cứu, tư vấn cho giám đốc Sở những vấn đề về kinh tế thuỷ sản thôi. Làm sao mà con biết những vấn đề khác. Hơn nữa những vấn đề đó chúng không thuộc nhiệm vụ của con.

Chị Mạ nói cho vui vậy thôi, chứ chị cũng chả biết được bao nhiêu công việc phức tạp của con. Con gái chị quá xinh đẹp, lại ngoan so với mong muốn của vợ chồng chị. Không biết rồi đây Quế đi lấy chồng thì chị xa nó làm sao nổi. Năm năm con gái đi học đại học, là năm năm chị sống như người tu hành, như thiếu vắng đi một cái gì rất quan trọng. Quế là niềm tự hào, là nguồn sống, là hạnh phúc của đời chị. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, suốt ngày chị phải chịu đựng bệnh tật của chồng.

- Mẹ ơi, hôm nay mẹ kể chuyện cho bố rồi ạ? - Quế đặt đũa xuống mâm, gạt thức ăn còn thừa vào chiếc bát và hạ giọng hỏi mẹ.

- Rồi!

Thấy mẹ buông thõng một câu, và nét mặt bỗng tối lại, Quế hiểu nỗi lòng của mẹ. Cô muốn làm một việc gì đấy hơn thế nữa để giúp mẹ mà chưa thể nào nghĩ ra nổi. Cô thương bố bao nhiêu, thì thương mẹ bấy nhiêu. Hàng ngày đi làm, hễ có điều kiện là cô làm một "phóng viên báo chí" để khai thác chuyện của bố. Nhiều đêm cô nằm vắt óc nghĩ ra một cái gì đó để cùng mẹ tháo gỡ khó khăn mà chưa có cách nào thích hợp.

Quế buồn, thật thững vào phòng riêng của mình. Cô khoá cửa, bươn người trên giường tìm yên tĩnh... Đôi mắt màu nâu của chàng trai sáng nay cô bắt gặp ở Sở giống như một tia chớp lại hiện lên làm người cô nóng ran. Ấn tượng, thật ấn tượng. Quế dậy, mở tủ lấy cuốn nhật ký bìa nâu và ngồi vào bàn, tìm cây bút ghi lại cảm xúc. Cô mở cuốn sổ, hàng chữ màu xanh chập chờn trước mắt:

"Ngày... tháng... mình còn nhớ hồi nhỏ, mình thường cất vó tép ở đoạn sông này...”.

Đọc đến đó, trong đầu Quế bỗng nảy ra sáng kiến. Cô gấp cuốn sổ lại, ấp vào ngực, mắt như nhìn vào mông lung quá khứ. Cô bật đứng dậy, mở cửa bước vội ra khỏi phòng:

- Mẹ, mẹ ơi!

Chị Mạ đặt chiếc "điều khiển từ xa" xuống bàn, quay lại thì Quế đã ngồi ập xuống bên cạnh, luyến thoắng:

- Con nghĩ ra rồi... hay quá mẹ ơi. Nhất định là được... Là thế này, để con nói đã... Bố có 9 tập nhật ký để trong tủ. Con chắc là bố ghi đầy đủ tất cả mọi chuyện vinh quang trong đời. Mẹ ơi, mỗi ngày mẹ con ta đọc cho bố nghe một chuyện. Trời ơi! Mẹ. Nhất định bố sẽ khỏi bệnh, ít nhất bố cũng sẽ không lên cơn nữa. Phải không mẹ?

Quế vui đến phát khóc. Chị Mạ ôm con gái xoa vào đôi vai tròn xuôi mềm mại. Chị cũng xúc động, tựa mái đầu vào mớ tóc mềm của con gái.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2013, 03:24:29 pm »

2

Ông Bí thư Đảng uỷ xã đeo chiếc xà cột đen bên hông, đầu đội mũ bê rê màu đất, giọng rất quan trọng. "Ở miền Nam đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc chiến tranh cục bộ, ồ ạt đưa lính Mỹ và chư hầu vào; đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng làm lung lay ý chí và quyết tâm của nhân dân ta trong nhiệm vụ giải phóng miền Nam, và để củng cố tinh thần ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Bởi vậy đợt này, các đồng chí lên đường sẽ là người đánh bại chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ".

Ông nói hay như đài, nhưng Củng chả hiểu mấy, chỉ cảm thấy mình quan trọng thật. Những cụm từ "chiến tranh đặc biệt", "chiến tranh cục bộ" Củng cũng có nghe sơ sơ trong những buổi mít tinh ở trường. Hình như nó ghê gớm lắm. Chả thế mà hôm qua Chủ tịch xã đã ký giấy lệnh cho Hợp tác xã Mua bán bán cho bảy anh em nhập ngũ đi đánh bại chiến tranh cục bộ mỗi người năm bao thuốc lá Tam Đảo. Trời ơi, sướng run. Cả xã này có năm trăm hộ, cả năm chỉ đến Tết Nguyên đán mỗi hộ mới được phân phối một bao thuốc lá. Vậy mà Củng được những năm bao lận. Củng cảm nhận được ánh mắt thèm khát của bạn trai, ngưỡng mộ của bạn gái. Thằng Khiêm tiến đến bên Củng, mắt gườm gườm, rít vào tai: "Tao sẽ tố cáo mày gian lận". Trời! Củng lạnh toát người. Thế này thì hỏng to rồi... Củng sẽ bị loại ra khỏi danh sách nhập ngũ và, mặt Củng sẽ trở thành mặt mo để bạn bè chế giễu. Sự thực, hôm đi khám tuyển nghĩa vụ trên huyện, Củng đã thuyết phục Khiêm khám hộ phòng số một.

- Tao chỉ nhờ mày mỗi việc đó thôi. Các phòng còn lại tao đủ tiêu chuẩn. Chỉ có chiều cao, cân nặng thì tao thiếu một tý. Mà mày lại thừa.

Thằng Khiêm lưỡng lự:

- Ông Xã đội trưởng lúc nào cũng ngồi ở phòng một. Ông ấy mà tóm được tao sợ lắm.

- Mày không lo. Tao sẽ mời ông ấy ra ngoài và giả vờ hỏi việc gì đấy. Khi họ gọi tên tao, mày nhanh chóng cầm phiếu sức khoẻ của tao vào khám. Nhanh thôi mà.

Củng đứng ngoài cửa chờ mãi. Thằng Khiêm mặt tai tái cầm chiếc phiếu khám sức khoẻ run run. Chờ đến gần lượt, Củng tiến đến bên bác Xã đội trưởng:

- Bác ơi, bác ra đây cho cháu hỏi một chút.

Củng khích vào người Khiêm khích lệ, rồi kéo bác Xã đội trưởng ra đầu nhà với vẻ mặt bí mật:

- Bác ạ, bố cháu bảo kiên quyết chống lệnh không cho cháu đi đợt này. Bác xem có cách nào thuyết phục bố cháu... để lỡ ra ảnh hưởng đến cả xã.

Củng cố làm ra vẻ quan trọng và kéo dài cuộc nói chuyện để cho Khiêm thực hiện "phi vụ" trót lọt.

Vậy mà, đến giờ phút này hắn trở mặt phản bội. Hay là không trúng tuyển, hắn ghen? Có lẽ thế. Củng chạy theo Khiêm, dúi vào tay hắn bao thuốc lá Tam Đảo.

- Khiêm ơi! Này cầm lấy...

Khiêm quay lại, mặt lạnh như kem:

- Á, ông định đút lót hả?

Củng nghe câu "đút lót” mà hết hồn, nụ cười dàn hoà trên môi tắt rụi. Không một lời hoà giải, hắn sải chân, ngẩng đầu, bước thẳng.

Suốt năm ngày chờ đợi lên đường, Củng thon thót lo. Cứ qua một ngày không thấy động tĩnh gì là Củng thở phào. Cho đến ngày giao quân hôm nay, Củng vẫn chưa hết lo. Người đông quá, Củng đưa mắt lục lọi trong rừng người tìm Khiêm. Không có. Hay là hắn tót vào Huyện đội báo cáo? Hoặc là hắn đi tìm cán bộ nhận quân để phản ánh. Cái thằng cha này chối tỉ chưa từng!

Người nêm cứng sân trường cấp hai. Một người ra đi, có đến mười người mang theo thương nhớ. Những người mẹ lặng lẽ quay đi nuốt nước mắt vào trong. Những cô gái bịn rịn cấu móng tay, những ánh mắt long lanh ánh lên một niềm tin son sắt, và những người cha say sưa ngắm con trai mình lớn khôn trong bộ quân phục màu Tô Châu như thể ngắm chính mình. Có sáu anh bộ đội đeo quân hàm đỏ đến nhận quân. Hai anh đeo xắc cốt, một anh đeo súng ngắn. Trông người nào cũng oai vệ. Mọi người nhìn họ kính trọng. Củng đứng từ xa chiêm ngưỡng.

Tập hợp xong, ông Chính trị viên Huyện đội, người to đậm, da ngăm đen, mặt vuông chữ điền, cánh tay đen đúa đầy lông, đứng trên bệ cột cờ sân trường. Bàn tay phải của ông nắm lại đấm từng nhát theo âm vực hùng hồn của giọng nói:

- Bắt đầu từ giờ phút này, các đồng chí đã là chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Một quân đội bách chiến, bách thắng, đã từng đánh bại thực dân Pháp và chuẩn bị đánh bại tiếp một tên đế quốc to hơn là đế quốc Mỹ - Ngừng một chút, như để nhấm nháp câu nói đầy trọng lượng của mình, ông nói tiếp - Cũng từ giờ phút này, các đồng chí nhìn thấy bố của anh bộ đội cũng như bố mình, nhìn thấy mẹ của anh bộ đội cũng như mẹ mình, nhìn thấy anh thấy chị của anh bộ đội cũng như anh chị của mình, và nhìn thấy vợ của anh bộ đội cũng như...

Ông đang hăng, nhưng nói đến đó biết lỡ lời, kịp ngừng lại. ở dưới có tiếng đáp lên: "Cũng như vợ mình". Cả ngàn người, già có, trẻ có, đàn ông có, đàn bà có,... cười như pháo nổ.

Mãi đến khi đoàn nhận quân đọc xong danh sách, Củng chuẩn bị một cuộc hành quân bộ về đơn vị, thì Khiêm như ở dưới đất chui lên, đen nhẻm, cầm tay Củng rơm rớm:

- Củng, tha lỗi cho tao... Chẳng qua tao thấy tủi vì không nhập ngũ đợt này. Thôi mày đi lập công cho to, báo về cho mọi người mừng.
Củng xúc động, lúng túng không biết nói lời nào cho phải, đành tìm xem có món quà gì kỷ niệm. Chả có gì đáng giá, bèn rút chiếc nắp bút kim tinh (chỉ có nắp thôi để cài vào túi áo cho sang) đem tặng Khiêm. Bất ngờ nhận vật kỷ niệm, hắn lúng túng sờ hết túi áo, lại túi quần chẳng có vật gì để tặng lại, ngoài cái thân hình kềnh càng đen đúa. Phía trước, trung đội trưởng của Củng đã hô "nghiêm", Khiêm lúng túng rồi rứt một túm tóc trên đầu dúi vào tay Củng.

- Tao... tao chẳng có gì kỷ niệm cho mày... chỉ... chỉ...

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2013, 03:26:23 pm »

*

Người cao to, da mai mái, lông mày dài như chiếc sao chổi, phết ngược; trừ lúc ăn uống, nói năng, miệng lúc nào cũng chụm lại, hai hàm răng cắn vào nhau, tạo cho khuôn mặt như nung nấu điều gì căng thẳng. Đó là trung đội trưởng, quê anh ở Quảng Ngãi, mới ở chiến trường miền Nam ra.

Củng được ở với trung đội trưởng trong ngôi chùa sạch sẽ và tĩnh lặng. Đầu giường có một bệ thờ, hễ mở mắt là thấy ngay ông bụt to lớn sừng sững như quả núi ngồi sắp bằng nhìn thẳng. Những đêm đầu vừa lạ nhà, lại có ông bụt ngồi trên nên rất khó ngủ. Trung đội trưởng hay dậy đốt thuốc, phả khói mù mịt, mắt găm xuống mặt bàn, trông cũng như bức tượng. Chắc là anh nghĩ về gia đình, quê hương đang mịt mùng khói lửa. Ba anh bị chính quyền Ngô Đình Diệm đưa lên máy chém xử theo luật 10/59. Má anh phát rồ, băng qua các họng súng, gào thét, chửi rủa, liền bị chúng xả súng bắn phọt óc, gục ngay bên xác chồng. Vợ anh bị bọn lính Pắc Chung Hy hãm hiếp cho đến chết rồi ném xác xuống rạch. Đứa con gái nhỏ của anh không biết phiêu dạt nơi đâu. Trông anh lúc nào cũng như ngọn đuốc bốc lên ngùn ngụt. Anh ném mẩu thuốc vào góc chùa, tắt đèn, chui vào màn nói chuyện. Anh hỏi:

- Ăn cơm quân đội, no heng?

Củng ăn rất ngon và no thực sự. ở nhà, suốt quãng thời niên thiếu, lúc nào Củng cũng chỉ có một ao ước được ăn một bữa cơm no, không độn. Thường thì buổi sáng đi học, mẹ chia cho một củ dong luộc thâm thâm, có hôm đang học đói quá tõa mồ hôi, gục xuống bàn. Bữa trưa mẹ chia cho hai lưng bát cơm độn khoai, hoặc củ dong. Buổi tối được hai lưng bát cháo. Có đêm đói không ngủ được. Lại có thời kỳ hết lương thực, mẹ phải giã cám, rây nhỏ nấu cháo chia cho cả nhà. Chị gái mang rổ ra ruộng khoai "phần trăm" tìm củ nào nhinh nhỉnh thì moi về. Chị còn hái cả cây rau muối, mỗi bữa luộc một rổ sề để ăn độn thêm cho bụng đỡ lễnh loãng.

Nghe Củng kể, trung đội trưởng ngậm ngùi:

- Đất nước miềng chiến tranh liên miên, dân miềng nghèo khổ quá. Bao giờ hết giặc...

Anh bỏ lửng cây nói, mắt nhìn lên đình màn như đang vẽ ra một viễn tưởng. Một lát, anh lại hỏi:

- Nhà cậu vào hợp tác xã rồi heng?

Nhớ lời cha dặn: "Khi nào khai lý lịch, con phải nhớ gia đình mình bần nông, vào hợp tác xã từ năm 1959. Trung nông hoặc vào hợp tác xã muộn là nguy đấy con ạ". Trung đội trưởng hỏi đi làm hợp tác xã có vui không? Không vui thì vào làm gì? Ông này chả hiểu gì cả. Bảy giờ, kẻng của đội sản xuất hô ba hồi chín tiếng. Xã viên, miệng còn ngậm tăm, tay cắp nón gọi nhau tập trung ở nhà đội trưởng. Đến đó người lớn làm một chầu chè xanh, thuốc lào; thanh niên tán gẫu, cấu chí nhau một hồi, khoảng bảy rưỡi, tám giờ kéo nhau ra ruộng. Ruộng gần đi nửa giờ, ruộng xa một giờ. Vừa làm vừa hát hò, đùa vui thích lắm. Chừng chín rưỡi giải lao. Các ông ngồi chuyện trò, hút thuốc; các bà bắt chấy, chải tóc cho nhau; thanh niên nam nữ đú đởn, chơi đùa. Có bà còn tranh thủ ra bờ ruộng móc được ối cua đồng. Khoảng mười rưỡi, lại hò nhau xuống ruộng lần nữa. Mười một giờ "hành quân" về. Thư ký đội chấm công, đội trưởng chi điểm. Điểm ở trong túi đội trưởng và chủ nhiệm hợp tác xã, cứ chi không bao giờ hết. Cuối vụ, cộng điểm lại. Đem số thóc thu được, trừ đóng góp cho Nhà nước để đưa ra mặt trận, còn lại chia cho tổng số điểm sẽ ra giá trị ngày công. Làm nhiều công thì nhiều điểm. Nhiều điểm được chia nhiều thóc.

- Điểm nhiều mà thóc ít thì lấy thóc đâu mà chia, heng? - Trung đội trưởng hỏi.

Ông này mới ở miền Nam ra, còn lơ mơ lắm. Mình phải giảng để ông ấy hiểu. Nghĩ thế, Củng nói tiếp:

- Nếu điểm nhiều, thóc ít thì giá trị ngày công thấp. Có vụ ngày công chỉ được một hào. Em nhớ có một lần bố em vác cày ra ruộng, được một lát đã lại thấy ông đánh trâu về. Mẹ em hỏi bố bảo: "Được nửa công rồi". Mẹ không hiểu hỏi nữa, bố cho biết ra đến ruộng ông nhặt được đồng năm xu giá trị bằng nửa ngày lao động, bèn đánh trâu về cho khoẻ người, khoẻ trâu. Ông cụ hay thật, anh nhỉ?
 
Anh nhổm hẳn người dậy, nhìn vào mặt Củng hỏi:

- Vào hợp tác xã chỉ làm có lúa thôi, heng?

- Tất cả trâu bò, lúa má, rau cỏ, linh tinh hết...

- Các thứ đó cũng đem chia đều, heng?

- Chia hết, rất công bằng. Ví dụ, trồng khoai lang đến khi thu hoạch, dây khoai chia đều cho những hộ có trâu. Củ khoai lựa ra làm ba loại: lớn, vừa và nhỏ. Căn cứ vào tổng số điểm của từng hộ, thư ký đội mang cân ra phân phối thật chính xác, không ai thắc mắc nổi.

Trung đội trưởng lại chui ra ngoài màn, xỏ chân vào dép, đứng dậy bảo: "Đái cái heng?". Anh mở cửa, ra ngoài vườn tè vào nồi hông. Nằm trong nghe ồ ồ như trước cống chảy. Một lát, anh bước vào nằm xuống giường, thò đầu ra ngoài hút thuốc và hỏi:

- Thịt heo ngoài Bắc miềng nhiều mỡ, ít nạc heng?

Chả mấy khi Củng tính đến lợn nạc, lợn mỡ, chỉ biết có thịt ăn là sướng lắm rồi. Thường thì cả năm được ăn thịt một lần, đó là vào dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù nhà nào cũng nuôi lợn, đó là nghĩa vụ mỗi lao động phải nuôi một năm 25 kilôgam lợn hơi để nộp cho Nhà nước cung cấp cho mặt trận. Ngoài chợ không bán thịt lợn bao giờ. Ai bán thịt lợn sẽ bị phòng thuế huyện thu. Chờ năm hết, tết đến đội trưởng lập danh sách ghép năm, sáu hộ chung một con lợn, báo cáo hợp tác xã mới được giết. Nên Củng và mọi người rất mong tết. Tết nào mẹ cũng thường cắt những miếng thịt dài, ướp vào bồ muối để ăn đến rằm tháng giêng, và rán mỡ cho vào chai ăn dần. Củng tỉ tê nằm kể cho trung đội trưởng nghe và kết luận:

- Nhà em nghèo nên được mọi người tôn trọng quý mến. Ai không may mà giàu thì bị xa lánh, nhục lắm. Nếu mang tiếng là tiểu tư sản thì mạt hạng không bao giờ tiến bộ được. Bố em đã một lần bị kiểm điểm vì tác phong tiểu tư sản và xa rời quần chúng vì bữa cơm nào cũng có rượu. Bố em không biết uống rượu. Mà rượu ở đâu để uống? Cả năm, đến tết mới được phân phối một chai 65 mi-li-lít rượu "quốc doanh". Ông có thói quen ngâm ớt vào chai làm dấm, đến bữa sai em mang ra. Bị quần chúng phát hiện, lầm là chai rượu...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2013, 03:28:26 pm »

*

Quế ngồi ở phòng ngoài chờ đợi kết quả thử nghiệm của mình. Ở phòng trong, tiếng chị Mạ vẫn đều đều. Chị Mạ đang ôn lại quãng đời đầy sóng gió của chồng. Hai người cùng nhau sống lại cái thời xa ngái, khốc liệt mà hào hùng, khổ cực mà vinh quang, đau khổ mà hạnh phúc. Bóng tối dày đặc của đêm cuối tháng càng làm cho ánh sáng của chiếc bóng điện tròn thêm rực rỡ.

Quế sực thở, hai mép hơi giãn. Những điều bố viết nghe nó buồn cười không chịu được. Quế chả tin, bố chỉ được cái bịa giỏi, bịa cứ y như thật. Không bịa, mà vừa qua Nhà nước hô hào toàn dân chuyển sang cơ chế thị trường, chính các cụ lại lo lắng sợ mất chế độ. Các cụ bảo chả biết cơ chế mới nó ra làm sao, nhưng cái cũ nó quen rồi, bỏ nó thì tiếc lắm.

Quế mang cốc nước vào buồng cho mẹ. Vừa đặt chiếc cốc xuống, mắt anh Củng bỗng trợn ngược, hai mép giật giật, hai cánh tay cong dần như người lên cơn kinh giật. Quế sợ quá, định bỏ chạy ra ngoài, nhưng chân tay cô líu ríu. Cô kêu cứu mà lời không thoát ra được, cứ ú ớ như người bị bóng đè.

Sau giây phút như cơn kinh giật, Trần Củng đứng vụt lao vào con gái, miệng hét:
 
- Vô lý! Đồ vô lý!

Chị Mạ đang mơ màng với trang sách, nghe tiếng thét bỗng giật mình bật dậy, thấy chồng bổ vào con gái đang rứt xé, chị liều mạng lao vào giữa, giằng con gái đẩy ra cửa:

- Con đóng cửa buồng lại, để mặc mẹ.

*

Bàn tay Trần Củng nhẹ nhàng di lên di xuống xoa cái vết bầm tụ trên ngực vợ với mong muốn làm cho vợ bớt đau. Được một lát, Trần Củng ngả mình nằm xuống bên vợ, giọng hối hận:

- Lần sau, hễ anh lên cơn, em với con cứ trói lại. Chắc một lát anh sẽ tỉnh.

Thấy vợ im lặng, Trần Củng áy náy giãi bày:

- Không hiểu sao khi gặp phải câu chuyện khó nghe, hình như cái cục trong đầu anh nó phình to dần, rồi va lắc tứ tung, không chịu được, mắt hoa lên, nhìn cái nọ ra cái kia... và không làm chủ được nữa.

Chị Mạ ứa nước mắt. Khổ thân cho anh quá. Chắc lúc ấy anh đau dữ dội lắm. Đầu tối, sau cơn tâm thần của anh, chị thì tả tơi như chiếc dãi khoai bị vò nát, còn anh vật ra khóc tức tưởi vì thương vợ, thương con. Chị cũng ân hận, lẽ ra chị phải cùng con gái chọn lọc, sắp xếp lại câu chuyện thì đâu đến nỗi.

- Tôi biết tôi sống thêm ngày nào là khổ mẹ con em ngày ấy. - Trần Củng rầu rĩ nói với vợ - Mình có cách nào để tôi ra đi... thanh thản...

Chị Mạ nhìn chồng như chưa bao giờ được nhìn. Trên khuôn mặt anh tưởng như quá quen thuộc. Nhưng nào chị đâu đã biết đến mặt khuất phía sau. Hình như, đó có thể là những tầng, những vỉa mà chị chưa đào bới để thấy cho được. Vợ chồng đầu ấp tay gối đấy, tưởng như đã hoà vào nhau làm một, ấy thế mà chị mới chiếm được phần xác của anh. Hồn chị còn vẩn vơ đâu đó, chứ nào đã nhập được vào với hồn anh.
 
Vừa nói đấy nhưng anh Củng đã khò khè ngáy đều. Được một lát bỗng đôi môi khô nứt của anh ú ớ như người mê:

- Ông Nhậm... Quyên...

Chị Mạ nhìn lên thấy đôi mắt anh Củng nhắm tít, mà miệng lại tủm tỉm cười. Mắt chị Mạ căng ra dán vào khuôn mặt anh Củng theo dõi từng cử động. Chị đặt ngón tay vào gần mũi anh thấy luồng khí âm ấm thở ra đều, khuôn ngực vẫn phập phồng theo hơi thở. Chị yên tâm nghĩ có lẽ anh đã ngủ. Khi anh Củng đã ngủ yên, tự dưng có gì đó trong chị thức dậy. Ông Nhậm nào nhỉ? Quyên là ai? Từ ngày lấy anh, chưa bao giờ chị nghe anh kể về một người con gái xẹt ngang đời anh, đại loại có cái tên Quyên. Suốt đời chị cặm cụi gồng lên chống chọi với cái đói, cái cô đơn, và lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi tin sét đánh có thể xảy ra. Một lòng chỉ đợi anh về. Chị gạt đi tất cả những gì có thể làm phai nhạt, vẩn đục ý chí chờ đợi anh, để một lòng trung trinh với anh. Đời chị, ngoài anh ra không có người đàn ông nào khác dù chỉ trong tâm tưởng. Chị nghĩ, ở quân ngũ anh còn khổ hơn vì kỷ luật nhà binh. Những người lính, họ không có ai khác ngoài vợ hoặc người yêu của mình. Họ không được phép. Đó là niềm tin về lòng thủy chung để Mạ và những người đàn bà ở hậu phương noi theo và gìn giữ mình. Vậy mà bây giờ lại ló ra một cái tên người con gái... Nghĩa là anh còn giấu chị, anh còn ém bông hoa trinh tươi ấy cho riêng. Nghĩ mà ức... Mình là vợ, vất vả tủi hờn là thế mà không xứng được làm một bông hoa ép khô trong cuốn sổ. Mặt chị Mạ nóng dần, rồi phừng phừng như nồi nước sắp sôi. Chị toan tắt điện bước ra ngoài, thì anh Củng cựa mình ú ớ:

- Quyên ơi... Ông Nhậm...

Chị Mạ quyết tìm cho ra mới được.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2013, 03:30:49 pm »

3

Ông Nhậm là người uyên bác. Gặp được ông, Củng hiểu thêm cái tầm văn hoá của người Việt mình. Cái tầm ấy cho ta khí phách mà thắng Mỹ. Hồi đó chiến tranh liên miên, cả miền Bắc sôi lên với khẩu hiệu "Mỗi người làm việc bằng hai. Tất cả vì miền Nam ruột thịt", vậy mà sáng nào cũng thế, ông Nhậm vẫn nhẩn nha ngồi thưởng trà. Không hiểu sao cứ nhìn ông uống trà, bên cạnh là cô cháu gái rượu xinh đẹp, Củng có cảm giác hoà bình đến nơi rồi. Nghe ông nói chuyện về văn hoá trà, Củng mới hiểu người Việt mình cũng nho nhã chả kém gì người Tàu. Ông gọi Quyên, cháu gái yêu vào ngồi cạnh Củng, bảo:

- Buổi sáng, khi trời đất tranh tối tranh sáng, đó là thời điểm âm dương giao hoà. Nếu vận động thần khí lúc này là có lợi cho sức khoẻ con người lắm. Bởi khi vận động nó bài tiết hết chướng khí tích tụ trong người, thay vào không khí trong lành lúc ban mai. Uống trà vào lúc này là để giữ cho thần khí được sáng suốt minh mẫn. Đây cũng là thời điểm tĩnh lặng có thể phát tiết ra cái thần thái linh thiêng, những ý nghĩ đúng đắn sẽ nảy sinh ra lúc này các cháu ạ.

Bộ đồ trà của ông gồm có một ấm để pha trà, một chén tống, một chuyên, bốn chén quân, một đĩa thành giầm, một chiếc khay, một hoả lò và chiếc ấm đun nước bằng đồng tụ.

Thông thường một bữa trà ông dùng nhất tống, tam quân. Nghĩa là một ấm, ba chén và dùng theo mùa. Đông ẩm ông dùng chén, ấm mang dáng khẩu mía, cao thành và dày sao cho nằm gọn trong lòng bàn tay. Hạ ẩm ông dùng chén thấp, choãng, mỏng hơn. Xuân, thu ẩm thì dùng chén hình quả nhót. Trôn chén đều có chữ "Thành Hoá niên chế" hoặc: "Khang Hy niên chế". Ông bảo thế mới quý. Khay là loại chân quỳ, gỗ trắc hay gỗ mít, hình quả đào. Bình đựng trà làm bằng sứ, nút lá chuối khô. Thông thường, ấm trà khi tháo bã rồi, không được kỳ sạch làm mất cao bám ở thành ấm, khi pha trà uống sẽ không đậm.

Bàn trà của ông, tối đa chỉ đến ba người uống để hạn chế tạp khách, mất đi ý nghĩa linh thiêng, tĩnh lặng, tao nhã của bữa trà. Ngồi uống trà với ông đều là người có tâm hồn đồng điệu, hoặc tri âm, tri kỷ.

Ông Nhậm nói:

- Bí quyết pha trà chung quy lại có bốn yếu tố: Nhất thuỷ, nhị trà, tam pha, tứ ấm. Nghĩa là, nước phải là nước mưa, nếu nước giếng thì giếng đá ong, không có mùi bùn và được đun sôi kỹ. Trà phải là trà búp nhỏ, săn, sao tẩm đúng quy cách. Muốn có loại trà đó, khi tưới cây chè phải dùng nước giải ngâm đỗ tương pha loãng, thì cây mới cho lá dày và mướt. Sau đó phải biết cách cất chè. Trà đã sao rồi gói vào từng gói 100 gam bằng 10 lớp giấy bản, cho vào trong hũ sành, nắp bằng gỗ gắn xi cẩn thận, đem treo dưới giếng đá ong từ năm đến sáu năm, khi lấy lên trà vẫn khô cong, thơm mùi cốm non, có thoảng vị ngòn ngọt và mùi đỗ xanh. Trà đó mới thật là quý. Khi pha trà thì phải rót nước sôi tráng ấm cho kỹ, tưới đều nước sôi lên chén. Sau đó cho trà vào ấm, rót nước sôi để vài phút rồi chắt hết nước trà trong ấm ra chuyên. Phải chắt hết để trà khỏi chín nhừ, sẽ nồng. Từ chuyên rót ra chén quân để uống. Nếu uống nữa thì rót tiếp nước sôi vào ấm.

Ông Nhậm nâng chén trà lên chiêu một ngụm vẻ sảng khoái, rồi đặt chén xuống, nâng chiếc ấm màu gan trâu lên ngang mặt ngắm, nói:

- Ấm là yếu tố cuối cùng... Thứ nhất Thế Đức gan gà. Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần. Các cháu biết không? Màu ấm một là màu gan trâu như cái này, hai là màu gan gà, ba là màu chu sa. Chu sa là quý nhất. Hình dáng ấm cũng quan trọng. Có loại hình trái lê, có loại trái cau, trái hồng. Quý hơn cả là hình bánh xe và tang trống. Thường ấm ở ta có bốn loại: Ngưu ẩm, quân ẩm, song ẩm và độc ẩm.

Đặt chiếc ấm xuống bàn, ông bảo Quyên chiêu thêm nước vào chuyên. Rồi ông vuốt chòm râu bạc, mắt như bay vào trời xa, gật gù:

- Trà Việt Nam mình là dược liệu quý. Lúc thảnh thơi ta nhấp một chén trà, gân cốt như được thư giãn, phiền muộn nhọc nhằn phần nào được hoá giải, đầu óc cảm thấy tỉnh táo, hưng phấn... Uống trà còn có ý nghĩa nhân văn và tâm linh nữa. Nó trọng chân, trọng thực và trọng cái hay cái đẹp, các cháu ạ. Nó thể hiện tâm hồn, tình cảm và nhân cách của người Việt Nam chúng ta. Đừng coi trà như một thứ nước thông thường uống cho đã khát mà ta thành tầm thường.

Nghe ông Nhậm giảng, Củng lại nhớ cha cũng đã có lần ngồi uống trà đàm đạo với bạn bè. Theo quan niệm của cha, trà là món quà tình cảm của con người. Từ những cuộc tiếp khách quan trọng của quốc gia, đến hội nghị, hội hè, đình đám, từ thành thị đến nông thôn và trong mỗi gia đình khi có khách đều phải mời trà. Mời trà như một lễ nghi. Trà còn giữ vai trò giao lưu giữa các tầng lớp trong xã hội, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng, đẳng cấp. Chén trà mời nhau đã làm mọi người xích lại gần hơn, xua đi những mặc cảm, giận hờn, làm mọi người sống với nhau thân ái hơn, thánh thiện hơn. Trà còn để làm quà tặng, lễ lạt cầu phúc, trong cưới xin, chúc phúc, v.v...
 
Ông Nhậm chợt lặng, đôi mày hơi chau lại vì ở phía thị xã Hải Dương vừa vọng đến tiếng bom rền của giặc Mỹ. Sau cái chíu mày ấy, miệng ông lại nở ra ngân nga:

   - "Bán dạ tam bôi tửu
   Bình minh sổ chản trà
   Nhật tân ư như thử
   Lương y bất đáo gia".

Cụ giải thích:

   - Nghĩa là:
   "Canh khuya ba chén rượu
   Sớm mai một tuần trà
   Mỗi ngày mỗi được thế
   Thầy thuốc không đến nhà”...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2013, 03:32:26 pm »

*

Chị Mạ ở ngoài đồng về đã thấy chiếc xe đạp mini màu xanh canh ngoài cửa. Chiếc xe quen thuộc luôn chở lòng từ thiện đến cho mọi người, nó không phân biệt đường nhựa hay đường đất, nhà cao hay cửa hẹp, hễ đâu có người ốm đau, hoạn nạn là nó bon tới, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, giông hay gió...

Biết chị Bằng đang khám bệnh cho anh Củng, nên chị Mạ giữ yên lặng, nhẹ nhàng đẩy cánh cửa khép hờ, bước vào. Bàn tay chị Bằng đặt trên ngực anh Củng bỗng giật nhẹ, vội quay ra mặt hơi biến sắc và cất tiếng hỏi, giọng to hơn thường ngày:

- … Những lúc ấy, anh thấy người thế nào?

Anh Củng:

- Không diễn tả được.

Chị Bằng giơ ngón tay ra hiệu cho chị Mạ giữ yên lặng, để chị tiếp tục việc của người thầy thuốc. Chị Mạ lặng lẽ quay trở ra dọn bàn nước để chuẩn bị tiếp bạn. Chỉ một lát, chị Bằng đã bước ra, đặt chiếc túi thuốc lên bàn, ngồi xuống ghế, gỡ búi tóc, ngậm chiếc cặp vào miệng, căng ngực búi lại tóc.

Đặt chén nước trước mặt chị Bằng, chị Mạ xoay người đối diện, hỏi:

- Mày thấy anh Củng hồi này thế nào?

- Cũng có khá hơn... tao thấy anh ấy vui, tinh thần có vẻ sảng khoái.

- Từ hôm tao với con Quế đọc đều chuyện cho anh ấy nghe, xem ra bệnh đỡ nhiều… Nhưng cũng sợ, buổi nào thành công thì không sao, nếu có gì sơ suất anh ấy lên cơn thật khủng khiếp... Tao đã đi một nhẽ, chỉ lo cho con Quế.

- Mày phải nhớ, không được bỏ thuốc, phải cho anh ấy uống đều.

Chị Bằng đột ngột đứng dậy ra về với lý do còn đi thăm bệnh nhân. Chị Mạ muốn giữ bạn lại chút nữa để giãi bày tâm sự như mọi lần, nhưng đành chịu. Chị Bằng dứt khoát bước ra ngoài. Chính cái "dứt khoát" ấy khiến chị Mạ càng thêm nghi ngờ. Bàn tay giật nhẹ, câu hỏi cố tình cao âm lượng và đột nhiên đòi về… tất cả đều không bình thường.

Cơm tối vừa xong, biết con gái hôm nay không về, anh Củng đã nhắc vợ:

- Tối nay em đọc tiếp cho anh nghe chứ?

Chị Mạ biết chồng đang nóng lòng muốn gặp lại Quyên trong quá khứ; miếng nước chè xanh như ứ lại nơi cổ họng, lằn da ở cổ, nơi yết hầu cồn lên chuyển động, hai hàng mi đen chợp nhanh. Tích tắc. Rồi tất cả trở lại trạng thái ban đầu. Lặng lẽ. Ngoài cửa, gió lẻn vào làm chiếc mành tre chao nhẹ. Nhà vắng vẻ quá. Vậy mà trong lòng chị Mạ bộn bề như phiên chợ. Nào cô Quyên xinh đẹp, nào Bằng dữ dội đáng yêu... hiện tại và quá khứ nhằng nhịt, đan cài vào nhau cắn cứa lòng chị. Dẫu gì thì chị cũng là đàn bà. Cái muôn thuở của đàn bà làm sao chị khác đi được. Chao ôi, ước gì chị có thể trút đi được cái muôn thuở đó mà sống vô tư được nhỉ. Ghen, nghĩa là yêu? Chưa đủ. Ích kỷ cũng là nguyên cớ của ghen, tham lam cũng thế... Anh Củng ơi, quá khứ của anh không có những Quyên, hiện tại không có những Bằng, thì đỡ cho em quá. Em sẽ cần mẫn, vô tư đọc cho anh nghe hàng ngày mà lòng không cồn cào, cắn rứt. Biết rằng càng đọc, càng hiểu anh hơn. Nhưng càng đọc, càng không chịu nổi những trang như thế này.

Anh Củng vẫn ngồi trên ghế, hai bàn tay đặt ngay ngắn trên đôi ngai, ngón cái gõ từng nhịp nhẹ, đôi mắt nhìn ra chiếc mành ngoài cửa vẻ chờ đợi và thách thức, cái vẻ khiến chị Mạ càng thêm bức bối. Thế kia thì rõ ràng trong đầu anh đầy ắp hình ảnh Quyên mộng mơ rồi. Lại lim dim đôi mắt, múm mím đôi môi như đang bồng bềnh trôi giữa giọt tiên... thôi rồi, chắc là đã.. Đàn ông mà, không ai thoát được cái thói trăng hoa. Bệnh rề rề ra thế mà còn hoa với nguyệt. Vậy thì làm sao Mạ còn đọc tiếp được chứ?

Anh Củng bỗng thở sâu một nhịp. Chị Mạ quay lại nhìn chồng. Nhìn mãi. Chị nhìn mãi như bóc từng lớp anh Củng ra để đưa vào kính hiển vi soi từng tế bào. Thở sâu, đó là trạng thái tâm lý gì nhỉ? Hồi anh Củng còn đi xa, nhiều lúc nhớ chồng chị ngồi chôn sâu vào kỷ niệm ân ái, kết thúc thường cũng bằng một nhịp thở sâu tiếc nuối. Trời ơi! Thế thì đúng rồi. Đôi môi kia, ai đã từng... vòng tay kia, biết đâu đã từng... Mình sờ sờ thế này, phục vụ đủ điều... mà trong đầu anh lại là hình ảnh người đàn bà khác. Ức chết đi được. Thế thì sống làm sao nổi.
 
Một cơn gió lạ giật mạnh chiếc mành, như thể có ai cầm chiếc roi vút nhẹ. Anh Củng, chị Mạ như bừng tỉnh. Anh Củng vịn ghế đứng dậy đi vào buồng, buông một câu:

- Đi nhỉ?

Chị Mạ nhìn dáng đi chập chững của chồng, trong lòng bỗng dâng lên nỗi niềm thương xót. Đống bọt sục sôi của nồi nước bỗng xẹp xuống. Chị đang làm nhiệm vụ của một thầy thuốc. Đúng thế, một thầy thuốc chữa bệnh tâm thần cho một bệnh nhân. Và đó là nhiệm vụ số một lúc này. Chị lặng lẽ gạt mọi vấn vít ngồi vào chiếc ghế kê bên giường, bật chiếc đèn bàn và làm nhiệm vụ...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2013, 03:34:31 pm »

*

… Ngoài sân, mưa đông kéo sụp bầu trời, đẩy những cơn gió nhọn như kim vào trong nhà. Trên chiếc giường đơn của cụ Thủ, giống như chiếc áo cụ mặc trên người, khó mà chống đỡ nổi mùa đông lạnh buốt. Trên lạch giường cụ lót mo cau. Trên những mảnh mo cau dày như tấm bạt, cụ trải một lớp rơm khô dày đến 20 phân. Trên rơm khô có đến bảy manh chiếu rách và một chiếc chiếu lành để phủ đi tất cả những gì bên dưới nó. Một chiếc quài bằng cói no căng bã chè và giẻ rách nằm vô tư ở đầu giường. Cụ bảo "gối cưới của tau đó, tụi bay". Tấm đắp duy nhất của cụ là một chiếc chăn chiên, lâu ngày những sợi bông rụng dần, còn lại chủ yếu là những sợi chỉ, căng lên trông như mắt lưới. Hôm nào trời dã man đuổi cái rét xuống nhiều, cụ tăng cường thêm chiếc chiếu. Cụ lọm khọm dém những sợi rơm khô, móm mém nói:

- No cơm tấm, ấm ổ rơm, anh ạ.

Tôi cúi xuống giấu đi giọt nóng vừa rơi vào khoé mắt. Cụ Thủ cũng như bà tôi, mẹ tôi và biết bao bà mẹ đang sống dưới bầu trời đầy bom đạn, và sẽ đến bao giờ những cái cảnh khó tưởng tượng này không còn nữa. Chiến tranh là một sự ép buộc, như người ta đành phải tung chăn xông ra giữa đêm đông để đánh trả bọn trộm cướp.

Một buổi tối cụ Thủ lạch bạch về, thận trọng vặn to ngọn đèn hoa kỳ, lôi trong cạp quần ra cuộn vải phin trắng lẳng xuống giường nói:
 
- Hai năm trời, bình xét hết hai buổi họp mới được miếng vải phin, lại có một mét ba, thiếu hai tấc nữa mới đủ cái áo. Rõ khổ.

Cụ rút trong tấm vải phin ra một cuộn vải màn xô, nói tiếp:

- Cái này cho con Quyên,... đàn bà, con gái còn sinh nở thì chả bình cho họ. Già tám mươi rồi, cần gì!

Quyên như bông hải đường rờ rỡ trong màu sắc đậm đà mà trinh tươi, cháu nội ông Nhậm ở nhà bên. Bỗng cụ Thủ chùi nước mắt bảo:

- Thanh niên trai tráng đi hết, còn lại đàn bà trẻ con. Rõ khổ.

Ngoài bếp có tiếng gõ cốp, cốp. Giật mình quay ra, tôi hỏi "ai đấy". Im lặng. Rồi tiếng Quyên thánh thót:

   - "Cốp, cốp, cốp
   Dê anh ngoan ngoãn
   Mau mở cửa ra
   Em đã về nhà
   Cho dê anh...”

- Cha bố cô, đứng ngoài đấy mà nghe trộm. - Cụ Thủ vừa đập muỗi phạch phạch vừa mắng Quyên.

Quyên bước vào nhà, sà vào giường ôm ngang lưng cụ Thủ, nũng nịu:
 
- Con nhớ bà quá!

- Tôi biết rồi! Cô nhớ cái anh kia kìa. Nhớ gì tôi. Rõ khổ.

- Ứ…

Tiếng kẻng báo động bỗng vang lên ba tiếng một dồn dập. Đèn tắt phụt. Cụ Thủ được dìu xuống đất. Tôi hô một câu thừa "tất cả xuống hầm!”. Chiếc hầm đào ngoài vườn chè. Trời tối như bưng lấy mắt, cụ Thủ không biết đâu mà lần. Tôi đành ghé lưng cõng. Cụ cầm chiếc quạt đập đập vào lưng tôi "để mặc bà, để mặc bà”. Nhùng nhằng mãi không được, tôi bảo Quyên ôm hai chân cụ. Thế là chúng tôi rinh được cụ xuống hầm. Trong hầm mùi ẩm mốc bốc lên hâm hẩm.

Máy bay Mỹ xé nát màn đêm yên tĩnh, lao vào như những con ma đêm. Có chiếc bay thấp sát mặt đất hét điếc tai. Súng các loại bắn lên, đạn vạch những đường đỏ lừ, đan vào nhau như lưới lửa. Bầu trời, mặt đất đổ ập vào nhau, rung lên, nghiêng ngả bởi tiếng bom, đạn. Tôi muốn nhảy lên mặt đất để quan sát, khốn nỗi vai tôi và Quyên dính chặt vào nhau. Điểm dính nóng dần làm cho trái tim không khác gì bom nổ. Bàn tay quờ được bàn tay. Cả hai bàn tay hấp tấp nắm chặt lấy nhau như không có gì đang xảy ra trên mặt đất. Vài sợi tóc Quyên ròi rọi vào má làm tôi như tê đi vì cảm giác lạ nhất trong đời mình.

- Lên đi tụi bay, kẻng báo yên rồi.

- Ô hay! - Vẫn tiếng cụ Thủ - Tụi bay điếc cả rồi hả? Rõ khổ.


Chị Mạ đặt cuốn sổ xuống bàn, tắt chiếc đèn bàn, ngả mình xuống bên chồng. Có gì đó trong máu cứ dâng lên, kéo chị Mạ nằm xuống và ôm lấy anh Củng. Chị muốn chứng minh anh Củng là của chị, của riêng chị. Dẫu rằng mấy chục năm làm vợ anh, là mấy chục năm chị chờ đợi và chịu đựng. Song anh đã là của chị, thì chị có quyền sở hữu trọn vẹn, kể cả ý nghĩ của anh, không ai được chia sẻ. Và mỗi lần nghĩ đến điều đó là chị háo hức cố chiếm đoạt anh, để chứng tỏ sự sở hữu của mình. Chị dâng hiến hết mình, để buộc anh trao cho chị cùng kiệt. Chị thoả mãn vì nghĩ mình chiến thắng.

Xong rồi, chị ôm ngang bụng anh, hỏi khi anh đang thiu thiu ngủ:

- Lâu rồi, anh có gặp lại chị Quyên không?

Rõ ràng câu hỏi chứng tỏ chị còn nghi ngờ chiến thắng. Chị cần moi móc thật kỹ, để tiêu diệt bằng hết đối thủ. Anh Củng nghe vợ hỏi thì ậm ờ. Đến khi chị hỏi lần thứ hai, anh mới tỉnh:

- Hồi mới về huyện đội công tác, anh có đến thăm nơi đóng quân cũ. Cụ Thủ mất lâu rồi. Ông Nhậm, ông nội cô Quyên cũng mới mất. Vừa bước vào sân anh đã thấy Quyên ngồi sàng gạo ở thềm. Chao! Mười chín năm rồi mà Quyên chả khác chút nào, cái eo lưng thon thả, mớ tóc quăn phủ xoà ngang vai, lấp đi một phần chiếc áo phin hồng thuở nào. Anh dựa chiếc xe đạp vào gốc mít lên tiếng: "Quyên! Chào em nhé". Quyên giật mình quay lại, mặt đỏ rần vẻ ngượng nghịu. Sợ Quyên không nhớ, anh tự giới thiệu: "Anh là Củng đây, Quyên ơi". Quyên đứng dậy, tay vụng về, miệng ấp úng: "Dạ... thưa... mẹ Quyên cháu đi dạy học chưa về ạ... bác là...". Trời! Anh lầm to rồi. Sao mà "giỏ nhà ai quai nhà ấy" chả sai chút nào.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2013, 03:36:27 pm »

*

Quế cởi bỏ chiếc xu chiêng cũ, lấy ra chiếc xu chiêng ngoại mới tinh chụp vào cặp vú ướm thử. Trời ạ! Sao mà vừa thế và xinh quá đi cơ. Cặp xu chiêng này phải đi với chiếc áo phông mới nổi. Cô mở tủ tìm chiếc áo phông Thái sọc tím mặc thử. Chao ôi! Làm sao mà cha mẹ lại tạo cho Quế bộ ngực hoàn mỹ đến thế. Quế khoanh hai tay trước ngực, nhắm mắt trước chiếc gương lớn gậm nhấm giây phút sung sướng.

Có tiếng gõ cửa, mẹ Quế lên tiếng:

- Con ơi, Quế ơi, mẹ vào được chứ?

Khi mẹ bước vào, Quế quay ra hai tay bím gấu áo kéo xuống, ngực cô căng cao, cô nghênh mặt:

- Mẹ thấy thế nào?

Chị Mạ lướt nhìn từ đầu tới chân, rồi đậu lại nơi bộ ngực tron trỏn của con gái, xuýt xoa:

- Con gái tôi hôm nay xinh quá!

Chị âu yếm xoa cặp má non mơn của con gái, dặn dò:

- Con phải thường xuyên xoa bóp làn da... kể cả cặp vú thì nó mới luôn tươi trẻ, nghe con. Ngày trước mẹ đâu có biết, nên bây giờ nó héo hẹo.

Quế ôm vai mẹ, ngồi xuống giường, nói:

- Con thấy ngực của mẹ vẫn đẹp như ngực con gái.

Chị Mạ cười:

- Vậy mà bố con vẫn chê mẹ.

Quế ngoen ngoẻn nói với mẹ:

- Đàn ông yêu bằng mắt. Mà mắt bố con lại bị mờ mất rồi... hay là con sắm cho bố cặp kính cận 10 đi-ốp để dùng mỗi khi gần mẹ.

- Cha bố cô.

Quế ôm ngang người mẹ, áp má vào lưng mẹ, hỏi:

- Hình như hồi này bố con khá hơn, phải không mẹ?

- Bố con đỡ nhiều... Cầu giời không có gì xảy ra... Dù sao bố con cũng như cây cột để mẹ con mình nương tựa.

- Tối nay mẹ nghỉ, để con đọc cho bố nghe, mẹ nhé?

- Ừ, nhưng con nhớ phải trông bố, thấy có gì khang khác phải gọi mẹ ngay.

Tối đó, vừa bước vào phòng của bố, Quế đã nhõng nhẽo:

- Bố ơi, bố trông con gái rượu của bố xinh thế này, lại cực kỳ ngoan mà chả có đứa nào nó dòm ngó đến. Con gái bố ê sắc rồi bố nhỉ.

Anh Củng thấy con gái vào thì vui ra mặt. Anh vừa ngơ ngơ nhìn vào mặt con, vừa vuốt mớ tóc dày của Quế:

- Con gái bố vẫn xinh, vẫn ngoan và sắp tới sẽ có một hoàng tử cưỡi tôm sú đến hỏi về làm vợ. Chỉ có điều...

Anh Củng vỗ vào vai con gái:

- Không phải... Chỉ có điều hoàng tử đội lốt con tôm sú, nên con không biết mà thôi.

- Bố!...

Quế biết bố cô rất ưa anh chàng chủ đầm tôm ở dưới Thái Thụy đẹp trai, thông minh, đã vài lần gặp cô để trao đổi về kỹ thuật đưa con tôm từ miền Nam ra ương. Anh chàng này lạ lắm, không phải trung cấp, kỹ sư gì nhưng những điều anh ta biết về con tôm, con cá, về thuỷ sản, thì còn lâu Quế mới theo kịp. Quế không muốn bố bàn sâu vào chuyện này, nên trở lại công việc.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM