Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:59:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đinh Đức Thiện - Một chiến sĩ cách mạng trung kiên, một vị tướng hậu cần t  (Đọc 46792 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #70 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:25:32 pm »

Phải tuyển lao động nữ cho công trường!

Khi lấy thêm lao động ở địa phương vào làm việc ở khu Gang thép, anh Thiện nêu chủ trương phải tuyển một tỉ lệ nữ nhất định. Nhưng có những đơn vị không muốn nhận “phái yếu”, vì sợ không làm được việc nặng ở công trường. Anh phải giải thích: “Các đồng chí lo chị em yếu ư? Thế trong kháng chiến, chị me nữ đi dân công, gánh vác có kém gì nam giới, mà có khi còn dẻo dai hơn nữa. Phải quan tâm thích đánh đến đời sống, và đào tạo nghề nghiệp chu đáo thì chị em nữ làm năng suất không thua gì nam giới đâu! Vả lại, công trình của ta rất lớn, lại ở vùng đất rộng người thưa, đưa hàng nghìn anh em bộ đội đã trải qua bao năm đánh giặc, về đây công tác, chả lẽ cứ để anh em độc thân mãi ư? Nếu không có nơi để tìm hiểu, không có đối tượng để xây dựng “tổ ấm” tại chỗ, tất nhiên, anh em phải về quê lập gia đình, thì làm sao chúng ta có lực lượng công nhân, cán bộ ổn định được” Mọi người đều nghe ra và nhất trí.

Sau một thời gian xây dựng công trình, một hôm, Anh bàn với anh Trần Bảo, là Thư kí công đoàn khu Gang thép: “Chúng ta nên chọn chị em phụ nữ lao động xây dựng đưa đi bồi dưỡng thêm nghiệp vụ và nâng cao tay nghề, nhất là phải chú ý đến các chị em chưa chồng, tuổi cao mà cũng không được đẹp gái lắm, để chị em có công việc ổn định, thu nhập được khá hơn, thì mới dễ lấy chồng!”.

Ngày nay, ở khu Gang thép có biết bao nhiêu cặp vợ chồng đều cùng là cán bộ, công nhân viên trong nhà máy; một số đến tuổi nghỉ hưu, thì lại đến thế hệ con cái họ tiếp tục sự nghiệp của cha mẹ vào tham gia xây dựng và sản xuất trong khu công nghiệp. Mọi người lại nhớ đến chủ trương đúng đắn, mà nghĩa tình sâu nặng của anh Thiện để xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên lâu dài cho khu công nghiệp lớn đầu tiên của đất nước.

Bữa riêu cua trên đường vào tuyến lửa!

Tôi làm bí thư riêng của anh Thiện trong 10 năm vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp và khi hào bình mới được lâp lại. Anh phụ trách xây dựng khu Gang thép Thái Nguyên. Khi Anh trở lại quân đội thì tôi vẫn tiếp tục công tác ở khu công nghiệp.

Cuối tháng 12 năm 1966, Anh điện gọi tôi về gặp Anh ngay. Tôi về gặp Anh ở nhà riêng. Anh hỏi tình hình công việc ở Xí nghiệp Gang thép, rồi Anh hỏi thăm gia đình tôi ở Hà Tĩnh, nay địch đánh phá dữ dội như thế thì làm ăn, sinh sống như thế nào? Tôi trình bày hoàn cảnh rất khó khăn của vợ con ở quê nhà, và dự kiến tương lai phải tính chuyện đưa gia đình ra Thái Nguyên thôi. Anh bảo ngày mai Anh sẽ vào Đoàn 559 làm việc, và tôi hãy cùng đi với Anh, khi qua Hà Tĩnh, Anh sẽ gặp các đồng chí ở Tỉnh ủy, nhờ bố trí đưa gia đình tô ra ngoài Bắc. Tôi ngần ngại, sợ phiền Anh và các đồng chí lãnh đạo ở quê nhà, đang phải lo bao nhiêu công việc to lớn. Nhưng Anh bảo tiện chuyến, tôi cứ đi, không có ảnh hưởng gì cả vì đằng nào Anh cũng phải dừng chân ở Hà Tĩnh và làm việc với các đồng chí lãnh đạo ở Tỉnh. Thế là một lần nữa tôi lại được đi với Anh.

Anh tranh thủ đi vào ngày 24 và ngày 25 tháng 12, trong dịp lễ Nôen, địch tuyên bố ngừng ném bom. Cùng đi chuyến này có cả anh Hoàng Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân. Chuyến đi khá vất vả vì nhiều đoạn đường, cầu bị địch phá hỏng chưa kịp khôi phục, và phải đi tránh những chỗ còn nhiêu bom chưa nổ.

Qua nửa đêm, vừa qua ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), thì điện đài trong xe nhận được thông báo của Bộ Tư lệnh Phòng không: “Mục tiêu địch xuất hiện ở Quảng Bình… Sông Gianh… Ba Đồn… Kỳ Anh…”, Xe phóng nhanh, đến chỗ có bìa rừng thì dừng lại. Chúng tôi vội dắt hai anh xuống xe, đưa vào một khe núi cạnh đường. Vừa chạy được khoảng 50 mét, thì đã nghe tiếng máy bay, ánh chớp lòe và tiếng bom nổ ở đoạn đường xe vừa đi qua.

Gần sáng thì đến chỗ nghỉ. Đồng chí Binh trạm trưởng đến đón, dẫn các Anh và chúng tôi vào nghỉ tại mấy cái lán của Binh trạm, làm nhờ trong vườn nhà dân ở ven đồi, cách đường khoảng hơn một kilômét. Chỗ này ở xa các trọng điểm, lại khuất nẻo, các lán được bụi cây um tùm che khuất, có hầm hố ngay cạnh, nên mặc cho máy bay lượn đi lượn lại, chúng tôi vẫn yên trí nằm ngủ tới gần trưa mới dậy. Anh Thiện hỏi tình hình công tác của Binh trạm, rồi mọi người cùng đi ăn cơm trưa. Sau bữa ăn, ngồi nghỉ uống nước, nói chuyện một lúc, anh Thiện mời anh Hoàng Tùng tiếp tục đi nghỉ, vì đêm nay sẽ phải đi cả đêm. Anh bảo đồng chí Lư (bí thư), ở lại với anh Tùng. Anh rủ tôi và đồng chí công vụ đi chơi. Chúng tôi biết đây là thói quen của Anh: trên đường đi, mỗi khi dừng chân ở đâu, Anh không hay nghỉ trưa, mà thường ra đồng xem đồng bào làm ăn, đi bắn chim, ra ngồi chơi bên bờ suối, dưới bóng cây… Chúng tôi mang theo cây súng săn và một bi đông nước, cùng Anh ra cánh đồng nhỏ cách chỗ ở của Binh trạm khoảng một kilômét.

Đang nói chuyện rôm rả thì thấy 1, rồi 2, 3, 4… con cua bò dưới ruộng. Thế là ba thầy trò, cùng xắn quần, lội xuống nước bắt cua. Cua nhiều quá, không có cái đựng nên đồng chí công vụ phải cởi quần dài, buộc túm hai ống lại bỏ cua vào. Bắt một lúc, hai ống quần đã chứa đầy, hết chỗ đựng, đành phải thôi! Ba anh em lên bờ vào dưới gốc đa, ngồi vừa nói chuyện vừa nghỉ một lúc, rồi trở về Binh trạm.

Anh Thiện bảo kiếm một nồi nước nóng. Tôi nhờ cô cấp dưỡng đun hộ; cô hỏi: “Để Thủ trướng tắm à?”. Nhưng không phải. Anh dùng nước nóng rửa cua cho sạch. Hai cô cấp dưỡng, đồng chí công vụ và tôi cùng xúm vào làm với Thủ trưởng. Rửa xong, Anh hướng dẫn cho chúng tôi cách móc cua, cách giã cua, lọc nước cua và khều gạch cùng trứng cua, sao cho lấy được hết khỏi lãng phí. Anh bảo cho nước cua vào nồi, cùng mấy quả khế, nấu riê… Anh lại hướng dẫn chị em cấp dưỡng phải đun nhỏ lửa, và khi đã sôi đều mới đổ gạch, cùng hành, mỡ, rau thơm vào… Các cán bộ, chiến sĩ của Binh trạm cũng có mặt lúc đó với chúng tôi, tròn mắt ngạc nhiên, không hiểu sao mà thủ trưởng cũng biết cách làm ăn dân dã tỉ mỉ đến như thế!

Bữa cơm chiều hôm đó của chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Binh trạm có thêm món riêu cua, cùng rau ghém nõn chuối. Ai cũng khen ngon và thích thú! Trong bữa ăn, hầu như Anh không đụng đũa đến món thịt bò xào, do nhà bếp của binh trạm đã chuẩn bị để thết đoàn chúng tôi, mà chỉ ăn toàn riêu cua! Anh cũng không quên bảo chị em đem biếu gia đình chủ nhà một cặp lồng đầy. Bà cụ chủ nhà ăn xong, thấy ngon quá đến cảm ơn, hỏi cách nấu và nói: “Dạm trong ni, nhiều vô kể, mà bà tui không biết ăn ra ri, có biết mần mô nà…”. Anh Thiện lại hướng dẫn các kiểu nấu cua: riêu, canh, kho, rim, rán… Sau đó Anh tủm tỉm cười và nói với chúng tôi: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới mà!”. Chị em cấp dưỡng nói lại: “Không phải chỉ người già đâu, chúng cháu được ăn canh của của bác cũng thích lắm ạ”. Anh có vẻ rất khoái, nét mặt vui tươi, rạng rỡ hẳn lên!

Trong lòng tôi cảm thấy rất vui sướng, vì đã góp phần tạo ra cho Anh những giờ phút thư thái, ung dung, trước khi bước vào tuyến lửa, với bao công việc khó khăn đang chờ đợi Anh.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #71 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:34:13 pm »

MỘT VỊ TƯỚNG BÌNH DỊ!

NGUYỄN VĂN QUẢNG(*)

Thành phố Hồ Chí Minh, vào đông 1986, tôi đang đi tới gần ngã tư Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng, cạnh công viên Lê Văn Tám, Quận 1, thì đèn đỏ bật lên. Tất cả xe dừng lại. Tôi nhìn xang bên cạnh, thì thấy Thượng tướng Đinh Đức Thiện ngồi cùng một cán bộ cao cấp trong xe. Tôi vội chạy đến chào, vì từ lâu không gặp lại. Anh vẫn mặc bồ đồ bà ba “xông pha” như thuở nà! Sau cái bắt tay rất chặt, anh nhắn ngay: “Cậu còn nợ tớ “một cuộc”, nhớ chưa?”. Tôi vội nghĩ và nhớ lại: Thì ra không phải là một bữa “nhậu”, không phải một chuyến đi săn, không phải tiền bạc… Mà là đi xe cải lương!

Bởi có một lần, sau giải phóng Sài Gòn ít lâu, tôi có điểm qua sân khấu thành phố để Anh nghe. Tôi giới thiệu với Anh những vở tuồng, cải lương khá, có thể xem được, và nhắc lại những đoạn hay… Mỗi đoạn lâm li, đều rót theo âm điệu ngọt ngào… kèm theo vài câu vọng cổ… Anh thừa biết, nhưng vẫn tặc lưỡi, gật gật ở mấy nút kịch tuyệt vời! Anh Bảy khoái ngay và hẹn dịp nào rảnh rang, tôi phải đưa Anh đi cùng xem cải lương! Tôi còn “nợ” Anh là như vậy!

Nhưng sau do Anh bận công tác, tôi chưa có dịp gặp Anh. Tôi không ngờ bữa nay gặp Anh lại là lần cuối cùng, nên tôi vẫn chưa trả được món “nợ” này! Tôi bồi hồi nhớ lại một chuỗi kỉ niệm về Anh, ngày còn nổ súng và sắp đến hồi kết thúc…

Đang lo cho B2(1)

Khoảng mùa xuân 1973, tức là sau Hiệp nghị Pari, Anh cùng anh Tố Hữu, tỏng phái đoàn của Trung ương vào Nam, làm việc với Trung ương Cục, Quân ủy Miền. Đoàn cần tìm ra lời đáp, hơi thở, nhịp sống của chiến trường. Bộ Thống soái ta, trên tầm nhìn chiến lược, cần có dự đoán và giải pháp chiến lược phù hợp với tình hình thực tế đang phát triển…

Sau các buổi họp, làm việc với lãnh đạo, Anh tạt qua Cục Chính trị B2. Lúc đó, tôi đang phụ trách Phó Chủ nhiệm Cục. Anh đến ngay chỗ tôi làm việc, sục vào hầm luôn. Nhìn tấm bạt che lên cái bàn viết bằng vạt tre, đặt sát miệng hầm chữ “A”, Anh “chơi” luôn tôi một chặp: “Cái hầm của cậu vậy mà cũng chữ A hả? Gà bươi đã tróc nóc, chuột gậm chút xíu thì gỗ ấy cũng đi đời! Cậu chả biết cái c… gì. Đây này…”. Anh lấy bút chì vẽ lên giấy trắng trên bài viết của tôi cách thiết kế, kích thước gỗ, tre, đất để làm hầm… Xong Anh bảo: “Phải như thế này, mới trụ được như ở Thạch Hãn(2) mới chống nổi bom, và các loại đạn pháo, từ hạm đội Mĩ bắn vào… Biết chưa?”. Dĩ nhiên tôi cũng chống chế nhẹ nhàng, vì rất biết Anh, rất phục Anh, biết cả nhiều giai thoại về Anh. Tôi cứ dạ, dạ… theo cách Nam Bộ cho qua chuyện thôi. Dầu vậy, tôi vẫn “tháu cáy” lại Anh, để cố thăm dò Anh thêm một con “bài tẩy”:

- Thưa anh Bảy, đã mùa xuân 73 rồi chớ anh!

- Cậu lại lơ mơ hay sao rồi đấy? Nhớ nhé! Bọn tao đang lo, lo cho B2, lo cho chúng mày sớm được đầy đầy. Cả xăng dầu cũng sắp “chảy” vào Bù Gia Mập! Biết chưa?

- Dạ, dạ… Có biết.

Ngày tiễn Đoàn trở ra Hà Nội, các anh trong Miền bảo tôi “chiêu đãi” một đêm văn nghệ hỗn hợp: có văn công R(3), có các diễn viên nội thành Sài Gòn bị địch bắt vừa được trao trả, cùng diễn. Nghệ sĩ Thái Li chỉ đạo múa. Từ tiết mục đến tay nghề cũng tầm cỡ!... Lúc tàn cuộc, Anh khều tôi lại, hỏi:

- Cậu có rành văn nghệ không?

- Thưa anh Bảy, cũng biết chút đỉnh. Tôi đáp gọn.

Anh “đế” luôn: “Mày chả biết cái đ… gì cả! Chúng nó múa đẹp thế mà mày cho mặc nilông, làm sột soạt như giũ bụi trên sân khấu! Con gái văn công của mày đẹp thế, khăn rằn quấn cố, nếu trang phục mềm mại hơn nữa, thì sẽ tôn vẻ đẹp lên và tiết mục sẽ hay hơn gấp mấy lần!”. Rồi Anh tiếp luôn: “Khi đoàn xe vô, tao gửi tặng luôn cho chúng mày một mớ lụa Hà Đông. Được chứ!”.

“Cám ơn anh Bảy quá chừng. Rất mê!”. Tôi mừng rơn, vội đáp.

Chú thích
(*) Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam; Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội.
(1) Chiến trường Nam Bộ.
(2) Tên con sông nằm cạnh Thành cổ Quảng Trị.
(3) Hậu cứ của B2.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #72 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:35:09 pm »

Nước mắt xen tiếng cười!

Tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30 tháng 4 năm 1975, Anh Thiện là Phó Tư lệnh, phụ trách Hậu cần. Cái rađiôcátxét Toshiba của tôi kịp ghi âm sớm nhất lời Tổng thống ngụy tướng Minh lớn tuyên bố đầu hàng, đem ra phục vụ ngay tại hầm chỉ huy. Mọi người reo lên như sắp làm vỡ tung cả Sở chỉ huy. Tin vui lan nhanh vào các hầm cơ quan chiến dịch. Có lẽ trong đời tôi và cả các anh chỉ huy có mặt tại đó, có niềm hạnh phúc lớn là được chứng kiến cái giờ phút lịch sử có một không hay này! Mọi người đều dàn dụa nước mắt. Tôi lướt nhìn và nghe to hơn cả là tiếng khóc của anh Bảy Thiện. Anh vốn quen “ăn to nói lớn”. Anh em trong Sở chỉ huy đã truyền tụng câu Anh trả lời anh Dũng, Tư lệnh chiến dịch, hỏi về khả năng cung cấp đạn pháo: “Tôi bảo đảm đủ đạn pháo để các anh bắn cho cho con nó khiếp đến ba đời!”. Bây giờ thì Anh thoải mái thả cửa rồi! Mà cũng phải thôi. Tôi bỗng nhớ một lần anh tâm sự: “Năm Phòng có biết không, mình đã quen từng góc phố, thuở hoạt động bí mật ở Sài Gòn. Mình đã từng chân đất, đội nón lá cời, rảo bước khắp các đại lộ Nôrôđôm, Galiêni… Tao mong một ngày trở lại…”.

Và bây giờ, Anh lên xe ô tô để về nơi chốn ấy. Tuyệt vời quá! Nghĩ về Anh là như vậy. Nghĩ về mình, thì tôi cũng từ cái Dầu Tiếng này ra đi. Đây là nơi, tôi đã từng chỉ huy một đội biệt động, cùng du kích công nhân cao su, diệt bộ chỉ huy địch, phá gẫy cuộc càn quy mô lớn “Hành quân nhà lá” (Campagne chaumière) của Tây hồi mùa xuân 1952. Rồi năm 1954, tôi cũng hành quân qua đây, qua thị trấn Tràng Bảng, rồi rẽ tiếp về Cao Lãnh để xuống tầu tập kết ra Bắc. Đến nay, tôi cũng về đây, cũng qua Trảng Bàng để chạy thẳng về tiếp quản Sài Gòn… Hai mươi mốt năm: một chặng đường! Dĩ nhiên nước mắt tôi cũng tuôn ra dữ dội không sao cầm được. Ông Xuân Hồng đã dệt vào nốt nhạc của ông: “Vui sao nước mắt lại trào”. Chính xác quá!

Tiền cửa rừng!

Tại Đà Lạt, tháng 5 năm 1975, mưa sa nặng hạt. Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh mở Hội nghị sơ kết. Anh Bảy Thiện nhìn đám sĩ quan chúng tôi sau chiến dịch ăn mặc hơi “nhếch nhác”. Nước da, dù đã được phơi nắng khá nhiều nhưng vẫn chưa “mặn mòi” lắm, có lẽ từ gốc sốt rét rừng, lại do thiếu ngủ kéo dài. Anh gọi tôi đến và hỏi: “Cậu xem, cán bộ đang cần thứ gì, để “o bế” cho “ngon một chút”. Quân chiến thắng mà!”.

- Xe anh Bảy chó chở theo được bao nhiêu… tiền. Tôi nhanh nhảu hỏi.

- Có! Có thể đủ. Nhưng mức nào? Thứ gì? Bao nhiêu người?

- Thưa anh Bảy…. Tôi nhẩm tính, chưa kịp nói tiếp thì Anh cắt ngang, qua một cái phất tay:

- Mấy thắng ở liên tục trong này, từ hồi tụi bây đi tập kết là một. Bọn đi B sớm như mày, là hai. Mấy thằng cùng vô với tới chuyến này đi dứt điểm, là ba… Nói “mẹ” nó đi, được chưa.

Tôi bỗng nhớ cậu Định, Trưởng Ban Tác chiến Sư đoàn 9 ở trận An Lộc, bị B52 vùi mất xác, cùng Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn 1 chung một hầm, tôi vừa giao lại. Lúc còn sống cậu ta từng tâm sự với tôi: “Tin nhà nhắn lên, mẹ và em ở nhờ đất vườn một tay nhà giàu; lều của bà là 3 mảnh tôn ghép lại cạnh bụi chuối…”. Tôi bùi ngùi:

- Thưa anh Bảy, nhu cầu khiêm nhường: ai còn mẹ thì cần tiền trầu; ai còn con, cháu thì cần kẹo; ai còn vợ thì cần tấm vải. Nhất là mấy ông đi B lâu, lương để ngoài Bắc cả, không có ai ở ngoài đó!

- Ừ! Thì đấy, chi cho mỗi cậu mấy ngàn. “Tiền cửa rừng”, khao quan, khao quân. Được chưa!

Tôi mừng quá và cho Văn phòng lập danh sách ngay tại “trận”.

*
*    *

Anh là một vị tướng nổi tiếng vẹn cả đức, tài, thông minh, tháo vát, táo bạo. Trong nông ngữ Anh dùng, hình như không hề có cái từ “khó”. Anh cống hiến xuất sắc ở bất cứ cương vị nào. Anh rất quan tâm đến những người dưới quyền, mà không hề nghĩ đến việc nghĩa ơn. Anh có “chất nóng” trong người, nóng lòng vì công việc, có lúc cũng bốp chát, nhưng thương người hết mức, không hề gieo lại trong ai điều gì trách hận, sống trọn nghĩa, vẹn tình. Tâm hồn văn học của Anh khá phong phú. Anh thuộc làu làu nhiều thơ và tích tuồng. Anh không dạy đời, mà để lại cho đời một tấm gương tuyệt hảo!

Tôi “nợ” Anh không chỉ có thế, mà còn “mang nợ” Anh nhiều. Anh đi xa 10 năm rồi, nhưng chưa bao giờ Anh đã mất. Tôi nghĩ thế!
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #73 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:36:23 pm »

ANH THIỆN LÀ NHƯ VẬY

ĐẶNG VĂN THÔNG(*)

Khi anh Thiện được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, anh em cán bộ Giao thông, vận tải phía Nam bàn tán: Anh Thiện là người đã kinh qua các chức vụ Bộ trưởng Cơ khí - Luyện kim, Bộ trưởng Dầu khí, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, lãnh đạo Tuyến vận tải 559, nay về làm Bộ trưởng Giao thông - Vận tải, chắc là đa năng, thiên tài?

Qua quá trình công tác, anh em đã hiểu và nhận ra giá trị con người anh Thiện

Đó là:

1 - Đối với người, có cái tâm, trong cái tâm: có chân, có thiện.

2 - Đối với việc, có cái tâm, trong cái tâm: làm cho được, làm thật tốt.

3 - Trong đối nhân, xử thế.

a) có 4 cái ghét:

- xu nịnh

- khoe khoang

- lười nhác

- chạy dài

b) có 4 cái yêu:

- thẳng thắn

- tự trọng

- tương trợ

- dám chịu trách nhiệm

Anh Thiện là con người bình dị, thực tế, con người hành động, ít lời lẽ. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua.

Anh Thiện là như vậy!

Chú thích
(*) Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #74 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:37:20 pm »

CÂU ĐỐI TƯỞNG NIỆM ĐỒNG CHÍ ĐINH ĐỨC THIỆN

Giáo sư VŨ KHIÊU(*)

BÍNH TÍ NIÊN ĐÔNG NGUYỆT

                 THIÊN ĐỊA PHONG TRẦN CAN TỰ THIẾT
                 HẢI HỒ TUẤN KIỆT NHÃN NĂNG THANH

ĐINH ĐỨC THIỆN TƯỚNG QUÂN, ĐỆ THẬP KỊ NHẬT
VŨ KHIÊU BÁI ĐỀ

Dịch nghĩa:

MÙA ĐÔNG NĂM BÍNH TÍ

                 ĐẤT TRỜI GIÓ BỤI GAN NHƯ SẮT
                 HỒ HẢI ANH HÙNG MẮT NHỮNG XANH

NHÂN NGÀY GIỖ 10 NĂM THƯƠNG TƯỚNG ĐINH ĐỨC THIỆN
VŨ KHIÊU BÁI ĐỀ

Tôi xin phép có vài lời ngắn ngủi, bày tỏ tình cảm sâu sắc của tôi đối với đồng chí Đinh Đức Thiện, qua hai câu đối trên.

Vế thứ nhất:

THIÊN ĐỊA PHONG TRẦN CAN TỰ THIẾT
(Đất trời gió bụi gan như sắt)

mới chỉ nói được một phần khí phác kiên cường của người cộng sản, chẳng bao giờ sờn gan trước mọi gian lao, thử thách, trên con đường dài của cách mạng.

Tôi muốn qua vế thứ hai

HẢI HỒ TUẤN KIỆT NHÃN NĂNG THANH
(Bốn bể anh hùng mắt những xanh)

nói lên tâm đắc của tôi với một khía cạnh của con người Anh. Đó là tấm lòng bao dung và con mắt tinh đời của Anh đối với những kẻ tuấn kiệt chốn giang hồ.

Tôi được gặp Anh và từng làm việc với Anh cách đây đã gần 50 năm, nhưng thời gian gắn bó với Anh nhiều nhất là mở miền Nam sau ngày giải phóng. Anh có sáng kiến mở một lớp học chủ nghĩa Mác - Lênin cho gần 200 trí thức cao cấp nhất, đã hoạt động dưới chế độ cũ. Theo đề nghị của Anh, tôi được chỉ định tổ chức và phụ trách giảng dạy cho lớp đó. Học viên toàn là Bộ, Thứ trưởng và Giáo sư, Tiến sĩ trở lên. Trong những năm tháng đó, tôi đã cùng Anh gặp gỡ các anh, chị em ấy ở cơ quan, ở nhà riêng, trong hội thảo, trong liên hoan. Tôi không thể quên được tinh thần cởi mở và chan hòa giữa Anh, một tướng lĩnh của quân đội chiến thắng, một nhân vận cao cấp của Đảng cầm quyền, với bên kia là đại diện của tầng lớp thượng lưu dưới chính quyền đã sụp đổ, mặc cảm của anh, chị em này đã bịu xua tan dần.

Trong thời gian ấy, anh đã thể hiện một cách sinh động, tinh thần địa đoàn kết của bác Hồ và chính sách của Đảng ta đối với những người trí thức lầm đường hoặc chưa hiểu cách mạng. Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn Tịch thời Đông Hán đã có mắt xanh để nhận biết được giữa chốn trần ai, ai là hiền nhân và trí giả (Tôi còn giữ được gần 200 bài ghi cảm nghĩ của anh, chị em sau hai năm nghiên cứu, đối với Đảng,với chế độ và với anh Thiện). Giới trí thức dưới chế độ cũ rất quý mến và tin cậy Anh, chính vì Anh đã nhìn họ với cặp mắt khoan hòa và hiểu biết.

Chính vì thế, hôm nay tôi gửi đến để đặt trước bài vị Anh hai câu đối nói trên.

Chú thích
(*) Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.

HẾT
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:42:46 pm gửi bởi anhquaynop » Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM