Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:25:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đinh Đức Thiện - Một chiến sĩ cách mạng trung kiên, một vị tướng hậu cần t  (Đọc 46795 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #60 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2013, 12:09:04 pm »

TÌNH BẠN GIỮA HAI VỊ TƯỚNG

NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN

Lúc sinh thời, Thượng tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Kĩ thuật, là một người chỉ huy năng động, với những sáng kiến táo bạo, nhạy cảm, rất quyết đoán trong lãnh đạo cũng như điều hành. Những quyết định của Anh đều có suy nghĩ, có cơ sở. Mặt khác Anh có cá tính riêng: trực tính, hay phản ứng mạnh, có lúc nóng nảy, nói lớn tiếng.

Thế nhưng trong quan hệ, người mà anh Thiện quý trọng thích gần gũi lại là nhà khoa học, cả ngày chỉ biết cặm cụi với nghiên cứu, tính toán: Thiếu tướng - Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Anh Nghĩa có đức tính hiền lành, giản dị, khiêm tốn đến mức Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng cho biệt hiệu là “Ông Phật làm súng”.

Anh Thiện thường xông pha vào thực tiễn chiến đấu, sản xuất, đời sống, giao thiệp rộng rãi, có vốn sống phong phú và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Ngược lại, anh Nghĩa có hạn chế về thực tiễn, nhưng chưa đựng một kho tàng trí thức khoa học và công nghệ, luôn luôn tổng kết các vấn đề một cách sâu sắc.

Sự gặp nhau giữa thực tiễn phong phú với những kiến thức sâu rộng của hai vị tướng là đầu mối vun đắp tình bạn, tình đồng chí bổ sung cho nhau.

Về cá tĩnh cũng vậy, nếu anh Thiện hay “bốc lửa” thì anh Nghĩa lại khoan thai, nhẹ nhàng, có các biện pháp hữu nghị để “hạ nhiệt” nhanh. Vì vậy, những cuộc đàm đạo giữa hai vị tướng luôn sổi nổi, chân thành và cởi mở.

*
*    *

Sau mỗi đợt đi công tác xa, dài ngày trở về, anh Thiện thường chủ động đến thăm, kể chuyện và trao đổi với anh Nghĩa về nhiều chuyên đề: thời cuộc, công tác bảo đảm hậu cần ở chiến trường, tình hình trong và ngoài nước… Trong lần đi khảo sát tại chỗ, kiểm tra việc mở đường tiếp tế cho bộ đội ở chiến trường miền Nam, anh Thiện cảm nhận các khó khăn, gian khổ đồng thời cũng rất khâm phục và ngạc nhiên trước những cố gắng phi thường của các chiến sĩ hậu cần tại chỗ. Anh kể lại với anh Nghĩa:

- Tầm vóc chúng nó rất nhỏ bé, loắt choắt, mỗi đứa cân nặng chỉ độ 40 - 50 kg, kể cả quần áo, giầy dép, với sức tôi (anh Thiện vốn cao lớn), có thể nhấc bổng cùng một lúc hai tay hai đứa. Ấy thế mà, chúng vác những bao gạo 70 - 80 kg đi băng băng trong lúc có máy bay địch quần đảo trên đầu. Tôi kể lại, có người không tin, nêu ra nào lí thuyết cân bằng, lực tác động, phản lực… rồi phân tích lung tung.

Sau khoảnh khắc suy nghĩ, anh Nghĩa thân mật trao đổi:

- Cơ thể con người là một bộ máy phức tạp và kì diệu, một bộ máy hoàn chỉnh mà khoa học đã và đang tiếp tục nghiên cứu, khám phá, một bộ máy đặc biệt, lúc cần thiết có tác động điều tiết, hiệu chỉnh, bổ sung từ sự điều khiển của não bộ. Khi xem sét sự vận động cơ năng của nó, còn phải tính đến sức mạnh ý chí không đơn thuần theo toán học, cơ học một cách máy móc. Cơ năng và ý chí con người trong hoàn cảnh chiến đấu trường kì như chúng ta, phải quan tâm đến việc sử dụng và bồi dưỡng liên tục, phục hồi đúng mức trước và sau khi lao động vất vả. Kinh nghiệm khi chiến đấu căng thẳng, mọi người hăng hái tham gia như “mình đồng chân thép”, nhưng hòa bình trở lại thì biết bao bệnh tật xảy ra, nào đau thần kinh, đau dạ dày, đau ở lục phủ ngũ tạng…

Anh Thiện lắng nghe những lời phân tích chân thành, khúc chiết.

Anh Nghĩa còn đề xuất việc cần giúp đỡ, đôn đốc tổ chức nghiên cứu các loại vũ khí tự tạo tại chỗ, phù hợp với yêu cầu chiến trường, phục vụ tốt cho chiến tranh nhân dân. Anh khẳng định: “Vũ khí tốt tân chỉ phát huy hiệu quả ở các chiến dịch, các trận đánh tập trung, còn bất ngờ tung các lực lượng nhỏ vào đô thị, hay đánh các tuyến giao thông thì rất cần những loại vũ khí gọn nhẹ, dễ sử dụng và vận chuyển. Tất cả đều phải nghiên cứu sản xuất tại chỗ”.

*
*    *

Sau những kì họp Nội nghị Trung ương, anh Thiện thường trao đổi với anh Nghĩa, một mặt để nói ch oanh Nghĩa biết những chủ trương mới, mặt khác cũng bàn bạc với anh Nghĩa về các biện pháp tổ chức thực hiện. Khoảng đầu năm 1970, Nghị quyết Trung ương có nêu: “phấn đấu đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính”. Vốn là người lãnh đạo hậu cần, thường xuyên phải chăm lo đến đời sống bộ đội, anh Thiện rất tâm đắc về nguồn thực phẩm dồi dào: có nhiều thịt, trứng, sữa để cung cấp thêm chất đạm cho bộ đội. Riêng anh Nghĩa, khi nghe kể lại đã có ý kiến rất phân vân, không tin tưởng lắm. Với tầm suy nghĩ sâu sắc và thói quen nghề nghiệp, anh thẳng thắng trao đổi với anh Thiện:

- Khi nói tới “chăn nuôi là ngành sản xuất chính” thì giá trị sản phẩm chăn nuôi đạt được phải chiếm một tỉ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp. Muốn đạt được phải đề cập đến một ngành sản xuất mang tính công nghiệp, có quy mô lớn với các biện pháp về giống, thức ăn có chất lượng cao, thú ý, vệ sinh chăn nuôi… Với hình tượng ẩn dụ, các loại súc vật đó được xem như những chiếc máy trong dây chuyền chế biến công nghiệp có nhiệm vụ chuyển hóa lương thực lúa, bắp, khoai, ngô, sắn… (đạm ở cấp thấp) thành thực phẩm thịt, sữa, trứng (đạm cấp cao).

Anh Thiện hiểu vấn đề và nhận xét:

- Như vậy khó thật đấy, cần phải có khối lượng lương thực khá lớn, mới đẩy mạnh được chăn nuôi, trong lúc sản lượng nông nghiệp của ta chưa đủ cung cấp theo mức bình thường cho người dân!

- Không phải chỉ có thế, mà còn phải có hàng loạt biện pháp nữa thì yêu cầu đã nêu trên mới có kết quả. Còn nếu chỉ để thực hiện theo khẩu hiệu: “Tích cực, đẩy mạnh, phấn đấu…” thì lại là việc khác.

*
*    *

Nhớ lại cuối những năm 50 đầu những năm 60, khu Gang thép Thái Nguyên là một công trình xây dựng lớn nhất do anh Thiện phụ trách Tổng chỉ huy quản lí thi công. Nước ngoài viện trợ, cung cấp thiết kế và thiết bị toàn bộ, nhưng còn nhiều mặt hạn chế. Phía Việt Nam thì rất mới mẻ, xem như một công trình đầu tay. Trong quá trình xây dựng lại gặp chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ.

Không ít ý kiến, dư luận phê phán chủ trương xây dựng công trình này. Ở cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản của Nhà nước, anh Nghĩa thông cảm sâu sắc hoàn cảnh, đặc điểm của công trình và vai trò chỉ huy trực tiếp của anh Thiện ở hiện trường. Bằng nhiều biện pháp tích cực, huy động lực lượng các cơ quan Nhà nước, cán bộ khoa học, kĩ thuật, anh Nghĩa hết lòng giúp đỡ tháo gỡ khó khăn cho công trình, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng khu liên hợp gang thép đầu tiên.

Từ trước đến sau, anh Nghĩa vẫn đánh giá khu Gang thép Thái Nguyên là cái lò cung cấp cho ngành đúc, luyện kim non trẻ của đất nước những cán bộ quản lí và công nhân kĩ thuật đã qua tôi luyện, thử thách. Riêng anh Thiện là tiêu biểu cho ý chí gang thép như đặc tính riêng của sản phẩm của khu công nghiệp anh xây dựng.

*
*    *

Biết anh Thiện là người nóng tính… hay phê phán mạnh, nói bốp chát làm cho một số người mới gặp e ngại, nhất là các trí thức trẻ, anh Nghĩa thường giải thích: “mỗi người đều có cá tính riêng: anh Thiện tuy có lúc “ác cái miệng” nhưng lại “thiện cái lòng”; tiếp xúc, làm việc cần chuẩn bị chu đáo, khiêm tốn, thẳng thắn thì không có gì đáng ngại…”.

Trong những năm kháng chiến chống Mĩ, một vài lần anh Thiện được đi cùng Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đến các nước xã hội chủ nghĩa để đàm phán kí kết hiệp định viện trợ kinh tế và quân sự, để các nước anh em giúp đỡ vũ khí, trang bị cho chiến trường và các nhu cầu cần thiết cho nền kinh tế kháng chiến. Cuộc đàm phán nhiều khi kéo dài, vì cần phải trình bày sao cho bạn thông cảm, thông suốt với các nhu cầu của ta; phía bạn thì cũng còn phải trao đổi trong nội bộ, xin thêm chủ trương của lãnh đạo…

Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị vẫn điềm đạm, trầm tĩnh, kiên nhẫn thuyết phục bạn. Còn anh Thiện thì lại sốt ruột muốn giải quyết cho nhanh. Chẳng khác nào Lưu Bị và Trương Phi đi cầu Gia Cát Khổng Minh!

Kể lại với anh Nghĩa, an còn tỏ vẻ bực tức: “chiến trường thì nóng bỏng, mà cứ ngồi bàn bạc, mặc cả kéo dài, từ ngày này sang ngày khác, chẳng khác nào như đi ăn xin…”.

Anh Nghĩa nhẹ nhàng trao đổi: “Nếu ta có cần một tỉ đô la, thì đâu có phải bàn cãi gì nhiều. Vì độc lập, thống nhất đất nước anh Nghị đành phải chấp nhận kiên nhẫn thuyết phục để đảm bảo lợi ích trực tiếp của dân tộc. Còn phần bạn, dù sao đánh Mĩ cũng chỉ là lợi ích gián tiếp mà thôi”.
*
*    *

Vượt lên những sự khác biệt về cá tính riêng và trình độ, tình bạn của hai vị tướng gắn bó rất mật thiết chân thành trong suốt cuộc đời của hai người.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #61 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2013, 12:10:41 pm »

MỘT VỤ KỈ LUẬT

Thiếu tướng, PGS. ĐẶNG HUYỀN PHƯƠNG(*)

Những ngày đầu tháng 2 năm 1954, từng đoàn xe ô tô, xe đạp thồ, dân công… nườm nượp lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ. Hôm ấy chiếc xe cuối cùng của đơn vị chúng tôi vừa ngụy trang xong, thì trời cũng hửng sáng. Mọi người tranh thủ chợp mắt lấy sức, để tối nay còn đi tiếp… Các đồng chí quản lí, anh nuôi thì hì hục đào bếp Hoàng Cầm để lo bữa ăn cho anh em.

Suốt cả đêm căng thẳng, mệt mỏi vì phải tranh chấp từng đoạn đường với con “đầm già” (cánh lính nhà ta gọi máy bay cánh quạt, chỉ điểm mục tiêu của quân Pháp như thế). Cứ hễ nó lượn khuất sang bên kia đèo, thì chúng tôi lại tranh thủ “vù ga” chạy được một quãng; nếu nó lượn vòng lại thì phải tắt máy, tắt đèn, đứng chờ nó lượn vòng khác mới đi tiếp… Nếu gặp những đoạn đường bị bom làm sụt lở, hoặc đường đèo quá hẹp, thì phải đỗ lại, chờ xe bên kia đèo sang hết mới đi được. Vì vậy, suốt đêm vất vả, căng thẳng mới qua được mấy chục cây số trên đoạn đường trọng điểm này, để tối nay vào giao hàng ở kho tiền phương chiến dịch. Đơn vị chúng tôi vận chuyển xăng, nên khi đến chỗ nghĩ, phải vần hết các phuy xăng trên xe xuống, lăn đi cất giấu ở các hốc đá, bụi cây ven đường, ngụy trang kín đáo cả xe lẫn xăng rồi mới yên tâm ngả lưng, chợp mắt được.

Đang lúc mơ màng, tôi bỗng nghe có tiếng quát tháo từ phía mấy chiếc xe giấu ngoài bìa rừng: “Đoàn xe nào đây? Ai lái những xe này? Ai là chỉ huy?”. Chỉ nghe tiếng quát mà không nghe thấy tiếng mấy cậu lái xe nằm cạnh đấy trả lời. Chắc anh em mình sợ, không dám lên tiếng… Tôi nghĩ bụng thế và nhổm dậy, nhìn về phía có tiếng quát thì thấy đồng chí Đinh Đức Thiện, Cục trưởng Cục Vận tải đi về phía xe tôi, vừa đi vừa quát tiếp: “Chúng nó đâu cả rồi? Dậy ngụy trang lại mau, hay để máy bay nó ném bom, đốt trụi cả khu rừng này?”.

Tôi thầm nghĩ: chuyến này đến lượt đơn vị mình “ăn” kỉ luật đây, trong khi anh Thiện đi thẳng đến trước mặt tôi và hỏi :”Ai lái chiếc xe này?”. Anh nhìn tôi, vẻ ngờ ngợ dường như đã gặp tôi ở đâu rồi. Chắc anh nhớ lại gần bốn năm về trước (tháng 5 năm 1950), khi tôi về Cục Vận tải gặp anh nhận công tác. Tôi trả lời: “Báo cáo, tôi ạ”.

Anh khó chịu cau có nhìn tôi, gắt gỏng: “Ngụy trang như thế này à? Đi từ xa, có nhìn rõ cả mấy bánh xe!”.

Tôi vội chống chế: “Đồng chí đi dưới đất mới nhìn thấy chứ máy bay ở trên trời không nhìn thấy đâu ạ!”.

Có lẽ câu trả lời của tôi càng làm anh bực bội, nên anh lại quát tiếp: “Lại còn cãi à! Có đi ngụy trang lại không, hay muốn “ăn” kỉ luật”? Ai chỉ huy đơn vị này thì bảo “nó” đúng 1 giờ chiều vào binh trạm kiểm điểm và nhận kỉ luật… Anh nói xong, bực tức bỏ đi ngay, nên tôi không kịp trình bày, giải thích gì thêm nữa.

Khi nghe tiếng quát tháo ầm ĩ, anh em trong đơn vị cũng đã tỉnh dậy cả và được chứng kiến cuộc đối thoại căng thẳng giữa tôi và “ông” Cục trưởng nổi tiếng là nóng như lửa. Không ai bảo ai, mọi người đều đi ngụy trang lại xe và hàng… cả đơn vị ái ngại bảo tôi về việc chiều nay phải vào binh trạm nhận kỉ luật. Anh em đồng thanh: “Nếu có bị kỉ luật thì chúng tôi cùng chịu…”.

Ôi! Tình cảm đồng chí, đồng đội, ngọt bùi, đắng cay cùng chia sẻ, sao mà thiêng liêng thế! Tôi là người chỉ huy đơn vị, nếu đơn vị có khuyết điểm, phải kỉ luật thì một mình tôi gánh lấy, chứ không để anh em phải chịu! Tôi nghĩ vậy và thầm cảm ơn anh em.

Buổi chiều hôm đó, cả đơn vị tranh thủ kiểm tra, sửa chữa xe rồi hội ý rút kinh nghiệm và bồn chồn chờ đợi xem kết quả tôi vào Binh trạm để kiểm điểm và nhận kỉ luật ra sao.

Đúng 1 giờ chiều, tôi vào đến Binh trạm bộ. Lúc này tôi mới biết thêm là đồng chí Đinh Đức Thiện cùng một số đồng chí khác, thay mặt đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến dịch trên toàn tuyến và hôm nay đến tuyến Binh trạm này. Cán bộ các đơn vị trong khu vực thuộc tuyến Binh trạm được triệu tập về họp đông đủ. Chuyến này không khéo đơn vị mình được “bêu danh” giữa “chốn ba quân” đây! Tôi nghĩ vậy, và lẳng lặng đi vào phòng họp.

Không ngờ, vừa nhìn thấy tôi, đồng chí Đinh Đức Thiện liền sẵng giọng, hỏi ngay: “Cán bộ chỉ huy đi đâu, mà lái xe phải đi họp thay?”. Tôi vội trả lời: “Báo cáo, tôi là chỉ huy đơn vị xe, mà sáng nay đồng chí đến kiểm tra đấy ạ!”. Có lẽ hơi ngạc nhiên về câu trả lời của tôi, đồng chí hỏi thêm: “Đồng chí là lái xe cơ mà?”. Tôi vội giải thích: “Báo áo, một đồng chí lái xe là chiến sĩ thi đua được lệnh về Cục họp, đơn vị không có lái xe dự bị, nên tôi phải lái thay, để khỏi mất một xe phải nằm lại”.

Đồng chí nhìn kĩ tôi, vẻ mặt dịu hơn, chậm rãi hỏi: “Ai để các cậu đói, mà gầy gò, xanh xao thế này?”. Nghe giọng nói và thái độ của anh lúc này, có thể đoán ra là anh đang xúc động. đây là điều hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. “Ông” Thiện bây giờ khác hẳn “ông” Thiện tội gặp buổi sáng!

Tôi thong thả trình bày: “Anh em lái xe suốt đêm trên đường, tinh thần luôn căng thẳng vì đường đèo dốc, chật hẹp khó đi, trên trời thì máy bay địch thường xuyên bay đi, lượn lại, nên chỉ dám đi đèn gầm. Cái lo nhắt là kế hoạch vận chuyển lần này lại chở xăng phuy, nếu gặp một xe trúng đạn là có thể cháy cả đoàn xe. Ban ngày chỉ chợp mắt được một lúc lại phải dậy chuẩn bị cho chuyến đi tiếp; vả lại máy bay cứ vè vè trên đầu, nằm không yên, nên anh em vừa căng thẳng, mệt mỏi, vừa thiếu ngủ cả tháng nay ạ?”.

Anh ngồi im, lắng nghe tôi nói… Anh không nhắc gì đến chuyện “kiểm điểm” hay “kỉ luật”, mà ân cần dặn dò tôi về chú ý chăm sóc sức khỏe của anh em, vì chiến dịch còn dài ngày và nhắc nhở anh em dù vất vả, mệt nhọc như thế nào, căng thẳng đến mây cũng khôn được chủ quan, coi thường địch, phải ngụy trang xe và hàng chu đáo, nhất là xăng dầu phải cất giấu kĩ xa nơi để xe. Nói xong, anh quay sang ra lệnh cho đồng chí chỉ huy Binh trạm bắt con lợn to nhất trong chuồng và cử người khiêng ra đơn vị, bồi dưỡng cho anh em lái xe.

Một lần nữa, tôi lại bị bất ngờ, ngạc nhiên và xúc động trước cử chỉ nghĩa tình đó của anh. Mới sáng nay, anh còn quát tháo ầm ĩ cả bìa rừng. Thế mà bây giờ anh lại rất nhẹ nhàng và hào phóng với tôi như vậy. Ôi phong cách thật đáng quý của một người chỉ huy cấp trên: đối với công việc thì nghiêm túc, kiên quyết nhưng quan hệ với đồng chí, đồng đội, đối với cấp dưới thì nhân ái, nghĩa tình.

Tôi vừa đi vừa miên man nghĩ, cho tới khi về đến nơi giấu xe. Lúc này, cả đơn vị đang chuẩn bị xe và cũng đang sốt ruột chờ tôi đi họp về. Từ xa, anh em đã nhìn thấy hai người đi sau tôi khiêng một con lợn khá nặng, oằn cả đòn.

Chuyện gì lạ thế này? Ai nấy đang xì xào, bàn tán về kỉ luật thì bây giờ lại thấy tôi đi họp về, có cả người khiêng lợn đi theo! Anh em chạy lại, vây quanh chúng tôi và hồi hộp chờ đợi nghe tôi thông báo kỉ luật… Tôi thong thả nói: “Chúng ta nhận “kỉ luật con lợn!”. Mọi người chưa hết ngạc nhiên, tôi lại nói tiếp: “Giao cho đồng chí quản lí và các anh nuôi “kỉ luật” con lợn ngay buổi chiều nay, đồng chí nào chuẩn bị xong xe, thì đến giúp anh nuôi một tay; bây giờ đã 3 giờ chiều rồi, cần khẩn trương giải quyết xong trước 5 giờ để kịp lên đường đi tiếp”.

Cả đơn vị reo lên, vui sướng: “Ôi, thật là tình huống bất ngờ”. Tôi nhắc nhở anh em: “Này! Đứng có tưởng cứ ngụy trang sơ sài để lần sau lại nhận “kỉ luật con lợn” nữa đâu nhé! Lúc đó sẽ kỉ luật con người đấy!”.

Có nhiều tiếng nói to đáp lại: “Vâng! Chúng tôi sẽ ngụy trang tốt hơn, để lần sau lại nhận được con lợn to hơn nữa”. Cả đơn vị cười xòa, vui vẻ, mỗi người một việc, khẩn trương chuẩn bị để đến tối hôm đó, lại tiếp tục lên đường vào tuyến hậu cần chiến dịch…

*
*    *

Những ngày tháng chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ thật khẩn trương, sôi động ấy, tuy đã đi qua hơn 42 năm rồi, nhưng cuộc tiếp xúc với đồng chí Đinh Đức Thiện lúc đó, ban đầu thật căng thẳng, nhưng sau lại thật tình nghĩa, thì mãi mãi tôi không quên.

Chú thích
(*) Nguyên Phó Chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #62 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:04:50 pm »

KHÓ KHĂN NÀO CŨNG CÓ CÁCH GIẢI QUYẾT

TRẦN VŨ HOA(*)

Trong những ngày sôi động của mùa xuân 1975 lịch sử, Quân đoàn 1 đã nhận được lệnh hành quân từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu. Ngày 19-3, những đơn vị đầu tiên của Quân đoàn lên đường và ngày 1-4 là những đơn vị cuối cùng.

Đội hình hành quân của Quân đoàn đi bằng nhiều phương tiện khác nhau: xe lửa, tầu biển, máy bay, nhưng chủ yếu bằng ô tô với gần 2.000 xe vận tải của đơn vị, của Cục Vận tải và của Đoàn 559, trải dài trên đường số 1, đường đông Trường Sơn, rồi chuyển sang tây Trường Sơn, thẳng tiến vào miền Đông Nam Bộ. Khi Quân đoàn bắt đầu vào tới chân đèo Nưa ở tây Trường Sơn thì nhận được mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên làn sóng điện, được truyền tới khắp các đơn vị, tới từng cán bộ, chiến sĩ với nội dung ngắn gọn mà thôi thúc:

                 “Thần tốc, thần tốc hơn nữa,
                 Táo báo, táo bạo hơn nữa,
                 Tranh thủ từng giờ, từng phút,
                 Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam.
                 Quyết chiến, quyết thắng”

Từ đó, Quân đoàn hành quân với tốc độ cao, ngày đêm không nghỉ. Chỉ sau 10 ngày đi từ miền Bắc, Sở Chỉ huy phía trước của Quân đoàn và một số đơn vị đã tới Đồng Xoài. Và sau đó, ngày 14-4 đội hình toàn Quân đoàn với đầy đủ trang bị kĩ thuật cũng đến khu vực tập kết. Chỉ huy Hậu cần Quân đoàn phân công nhau, mỗi người đi một hướng. Tôi được chỉ định thay mặt Chủ nhiệm Hậu cần ở Sở chỉ huy cơ bản trong quá trình hành quân và chiến đấu.

Một ngày sau khi đến Đồng Xoài, tôi cùng các Trưởng phòng nghiệp vụ, theo Tư lệnh và Chính ủy Quân đoàn lên Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền ở Lộc Ninh. Trong khi Tư lệnh và Chính ủy báo cáo tình hình và nhận mệnh lệnh tác chiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch, thì chúng tôi đến Cục Hậu cần Miền. Đồng chí Bùi Phùng và các trưởng ngành đã tề tựu đông đủ và tiếp đón chúng tôi rất nồng nhiệt. Tôi đã báo cáo tình hình bảo đảm hậu cần cho các đơn vị hành quân thần tốc từ miền Bắc vào, tình hình quân số, trang bị, khả năng của hậu cần Quân đoàn và đề nghị Miền giải quyết một số nhu cầu cần thiết cho Quân đoàn bước vào chiến đấu.

Cục Hậu cần Miền đã giải quyết các đề nghị của chúng tôi rất nhanh chóng và chu đáo. Nhưng riêng yêu cầu tăng cường phương tiện vận tải thì đồng chí Bùi Phùng nói Miền cũng khó khăn và hứa sẽ xem lại tình hình rồi nghiên cứu trả lời sau. Chúng tôi biết Hậu cần Miền không có khả năng giải quyết.

Sau buổi làm việc đó, chúng tôi phấn khởi, nhưng cũng còn canh cánh bên lòng nỗi lo không có đủ phương tiện vận tải để cơ động đội hình toàn Quân đoàn từ Đồng Xoài vào đến Sài Gòn. Tôi báo cáo lại tình hình với Tư lệnh Quân đoàn, rồi đề nghị ở lại một ngày đến gặp đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần để xin tăng cường lực lượng vận tải.

Ngay tối hôm đó, đồng chí Đinh Đức Thiện đã tiếp tôi trong lán của đồng chí ở Sở chỉ huy Lộc Ninh. Sau khi báo cáo tình hình hậu cần và các đề nghị đã được Cục hậu cần Miền giải quyết rất tốt, tôi đã trinh bày tín toán giữa nhu cầu và khả năng của chúng tôi không đủ xe vận tải để bảo đảm cho Quân đoàn hành quân thần tốc vào chiến đấu giải phóng Sài Gòn. Cụ thể tôi xin được tăng cường một tiểu đoàn ô tô của Tổng cục. Làm việc đến 11 giờ đêm thì anh Thiện bảo hãy đi nghỉ. Anh còn suy nghĩ, rồi sáng mai sẽ giải quyết tiếp. Đồng chí Thông, bí thư gọi chị em nuôi quân mang cháo gà lên. Anh ăn cùng tôi, vừa ăn vừa thân mật hỏi thăm sức khỏe của tôi. Anh cho tôi một củ sâm Triều Tiên để bồi dưỡng, rồi bảo sang nghỉ ở lán bên cạnh. Anh cùng đồng chí bí thư còn tiếp tục làm việc đến hai giờ sáng…

Tôi đặt mình nằm, thao thức không sao ngủ được vì lo lắng không rõ Anh có giải quyết cho không? Liệu có xe cho đơn vị kịp hành quân không? Sáng hôm sau, anh Thiện gọi tôi sang sớm và nói là tình hình phương tiện vận tải đang có khó khăn. Anh cũng không có lực lượng dự bị… Tôi thoáng nghĩ: “Thế là hỏng rồi, bây giờ làm thế nào đây?”. Nhưng rồi Anh cười rất đôn hậu bảo tôi cứ yên tâm vì khó khăn nào rồi cũng có cách giải quyết! Ngay sau đó đồng chí bí thư đưa cho tôi 5 tờ giấy đánh máy có cữ kí của Anh và đóng dấu đỏ của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Tôi ngỡ ngàng chưa hiểu ra sao, thì Anh ân cần động viên tôi phải chịu khó vất vả một chút, hãy cử năm tổ cán bộ, mỗi tổ cầm một tờ lệnh này, đi cắm chốt ở các đầu mỗi giao thông để thu thập, huy động những đơn vị vận tải chiến lược, kể cả xe lẻ trên đường quay về, sau khi đã dỡ hàng, thu gom cho đủ một tiểu đoàn - 100 xe - cho Quân đoàn.

Tôi vô cùng cảm động và phấn khởi, chào tạm biệt Anh và lên xe về đơn vị. Sau khi báo cáo cho Tư lệnh biết, tôi cùng cơ quan hậu cần, tổ chức ngay các tổ cán bộ đi cắm chốt để thu gom xe. Và thật bất ngờ, chỉ sau ba ngày, chúng tôi đã thu gom đủ 100 xe thuộc tiểu đoàn 51 của Đoàn 559. Đồng chí Tư lệnh rất mừng, quyết định tăng cường tiểu đoàn xe này cho sư đoàn bộ binh 320, để cùng với 200 xe tải trong biên chế của Quân đoàn, cùng với xe tăng, xe kéo pháo,xe đặc chủng hình thành một lực lượng cơ giới mạnh đủ để cơ động đội hình Sư đoàn 320, mũi chủ công của Quân đoàn, thực hiên cách đánh tần thốc, táo bạo, tiến công Bình Dương trong hành tiến, rồi thọc sâu vào Sài Gòn, đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy, phối hợp cùng các mũi tiến công trên các hướng khác giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975.

Bây giờ đã trên 20 năm, ngồi nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy rạo rực, hồi hộp như đang ngồi nghe Anh nói ở Sở Chỉ huy Lộc Ninh… Mãi mãi nhớ Anh, người chỉ huy cao nhất của ngành hậu cần, người hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, luôn luôn lo cho chiến trường, lo cho bộ đội, lúc nào cũng tìm mọi cách giải quyết khó khăn để bảo đảm cho bộ đội tác chiến, giành thắng lợi.

Chú thích
(*) Nguyên Trưởng phòng Tham mưu Cục Hậu cần Quân đoàn 1; Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #63 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:06:49 pm »

HÃY VẬN DỤNG TRÍ KHÔN, DÁM NGHĨ, DÁM LÀM!

Đại tá NGUYỄN HỮU CÔN(*)

Sau Tết Mậu Thân 1968, tôi ở Mặt trận B5 được về Bộ dự Hội nghị tổng kết và tập huấn. Gặp tôi, anh Thiện nói:

- Cậu bây giờ ở B5 hả? Kế hoạch cho từng chiến trường, Tổng cục và Bộ đã duyệt, cứ thế mà thực hiện và báo cáo kịp thời. Nhân dịp về tập huấn, nói với Văn phòng bố trí gặp tôi, báo cáo thật ngắn gọn hai điểm sau đây:

1. Tư lệnh Mặt trận có yêu cầu cụ thể gì trong công tác hậu cần?

2. Các anh có khó khăn gì muốn Tổng cục chi viện thêm?

Thật là dịp may hiếm có. B5 là cửa ngõ vào các chiến trường, bị địch đánh phá rất ác liệt. Hậu cần B5 phải phục vụ các chiến dịch lớn, nhu cầu vật chất, kĩ thuật tuy được ưu tiên nhưng còn muôn vàn khó khăn. Được Thủ trưởng Tổng cục cho gặp, phải báo cáo thế nào đây? Tôi trao đổi với các đồng chí bên cơ quan Tham mưu cùng ra họp để báo cáo với anh Thiện:

- Ngoài kế hoạch từng đợt chiến dịch và kế hoạch bảo đảm thường xuyên của đơn vị, đồng chí Tư lệnh Quang Trung yêu cầu Hậu cần phục vụ chiến thuật “chốt tấn công” (còn gọi là kiềng ba chân, hổ vồ mồi”). Hậu cần phải bảo đủa đủ vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm để chốt giữ và đánh dài ngày, cho nên đề nghị Tổng cục cho B5 xin thêm, ngoài kế hoạch đã duyệt: đạn cối 82, mìn bộ binh, mìn phóng, lương khô, mì chính, ruốc và thịt hộp.

Về khó khăn chính của Hậu cần B5 là: tuyến vận chuyển bộ quá dài (trên 10 cung), lực lượng vận tải và dân công thường có ít, nên khôn bao giờ hoàn thành được khối lượng vận chuyển ra phía trước.

Một khó khăn nữa là sức khỏe của bộ đội, nhất là của cán bộ giảm sút, do gạo kép phẩm chất, mốc, mọt, thực phẩm thiếu chất tươi, nên xin Tổng cục cho một đợt bồi dưỡng đặc biệt, tăng thêm định lượng thực phẩm trong vài tháng.

Sau khi nghe báo cáo anh Thiện nói:

“Anh đã báo cáo rõ ràng như anh Quang Trung đã trao đổi với tôi. Yêu cầu của các anh không lớn. Chuyến này anh trực tiếp nhận một số hàng và áp tải vào chiến trường. Tổng cục đồng ý cấp thêm đạn cối và mìn ngoài kế hoạch Bộ Tổng Tham mưu duyệt, ưu tiên cấp cho B5 lương khô, cả lương khô BA70, mì chính… Anh Quang Trung có xin thêm súng và đạn thể thao, lưới đánh cá nhỏ để cán bộ, chiến sĩ săn bắt, tự cải thiện sinh hoạt, những thứ này sẽ cấp.

Về khó khăn của các anh trong công tác vận tải, các anh hãy vận dụng trí khôn, dám nghĩ, dám làm: phải rút ngắn đường vận tải bộ, thay bằng phương tiện thô sơ và cơ giới. Cụ thể các anh nghiên cứu, đề nghị Tư lệnh dùng công binh làm đường quân sự làm gấp, vận dụng sườn núi, suối cạn, chỗ nào xe con chạy được thì dùng xe con, không chạy được cơ giới thì dùng xe thồ, chỗ nào gần địch không dùng được phương tiện thô sơ hay cơ giới, thì hãy dùng dân công. Làm được rồi thì các anh báo cáo, Tổng cục sẽ cấp xe con, xe thồ. Có như vậy mới giải quyết được khó khăn…”.

Sau khi gặp anh Thiện, chúng tôi rất phấn khởi, đi nhận ngay hàng chi viện thêm, gồm năm xe tải cùng lương khô, mì chính, súng đạn thể thao, lưới, mìn, đạn cối… đưa về hậu cứ chiến trường và báo cáo đồng chí Tư lệnh. Anh Quang Trung khen biết nắm ý đồ của người chỉ huy và làm việc với ngành dọc cấp trên, tạo điều kiện để cải thiện hoàn cảnh của chiến trường. Tư lệnh giao nhiệm vụ phải hướng dẫn cho đơn vị sử dụng hợp lí vật chất được trên cấp để bảo đảm cho bộ đội được tốt hơn. Từ đó ở B5 có công thức “3M” tức là Hậu cần cung cấp mì chính, mỡ và muối, bộ đội kiếm rau rừng, nên bữa ăn nào cũng có canh. Sinh hoạt được cải thiện, tác chiến đạt nhiều hiệu quả. Bộ đội giữ chốt đủ vũ khí, đủ lương thực, thực phẩm đánh dài ngày.

Về việc làm đường, Tư lệnh Quang Trung đồng ý điều công binh cho Hậu cần, và chỉ nửa năm sau, từ mùa khô năm1969, chúng tôi đã rút ngắn được nhiều cung vận chuyển bộ, và thay thế bằng xe GAZ 69 và xe đạp thồ, nên chẳng những bảo đảm vượt mức kế hoạch vận chuyển trước mắt, mà còn tạo điều kiện cho đánh lớn sau này.

Tôi nghĩ đây là một cách giáo dục cán bộ từ thực tiễn của anh Thiện. Anh đã dạy chúng tôi biết cách làm việc, biết cách tấn công vào các khó khăn, dám nghĩ, dám làm, phải luôn luôn lo lắng, quan tâm đến bộ đội ở tiền tuyến…

Chú thích
(*) Nguyên Trưởng phòng Tham mưu Cục Hậu cần Mặt trận B5; Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 2; Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu Quảng Ninh.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #64 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:10:23 pm »

ĐỒNG CHÍ ĐINH ĐỨC THIỆN VỚI NGƯỜI CÔNG NHÂN QUÂN GIỚI

Đại tá NGUYỄN THỌ(*)

Giữa năm 1968, Không quân Mĩ bắt đầu đến trinh sát và bắn thăm dò khu vực Nhà máy Z1 của Cục Quân giới. Trước đó ít lâu, chúng tôi đã được lệnh đưa các phân xưởng ra khỏi khu kĩ thuật và tiếp tục tổ chức sản xuất ở nơi sơ tán ngoài nhà máy.

Trong lãnh đạo hoàn thành các nhiệm vụ của cấp trên giao, chúng tôi đang gặp một mâu thuẫn lớn mà không thể điều hòa được: một mặt, phải bảo đảm các chỉ tiêu sản xuất vũ khí do Cục Quân giới giao cho, để phục vụ nhu cầu của chiến trường, mặt khác phải hoàn thành chỉ tiêu tăng gia sản xuất để tự túc của Cục Sản xuất đề ra. Không hoàn thành kế hoạch sản xuất vũ khí tức là không hoàn thành nhiệm vụ chính trị của xí nghiệp, sẽ bị cấp trên nhận xét, phê bình và mất điểm thi đua. Nhưng không hoàn thành kế hoạch tăng gia sản xuất, thì cũng mất điểm thi đua, đặc biệt nhất là sẽ ảnh hưởng đến “dạ dày” ngay: sẽ không có rau, thịt để ăn, cơm cũng sẽ thiếu vì tiêu chuẩn gạo đã bị khấu trừ rồi! Vì vậy có tình trạng, một số bộ phận trong nhà máy đã lao vào tăng gia sản xuất kể cả làm trong giờ hành chính, để đời sống không bị giảm, còn công tác chuyên môn, thậm chí cả sản xuất trong xưởng nhiều khi bị bỏ bễ!

Khoảng tháng 8 năm 1968, anh Thiện lên kiểm tra tình hình và xác định nhiệm vụ của Nhà máy. Khi nghe báo cáo về các chỉ tiêu sản xuất rau, thịt và chất bột để tự túc thì anh cắt ngang ngay: “Sao bắt tăng gia nhiều thế, thì còn sức đâu, thời gian đâu mà làm việc trong nhà máy?”.

Đồng chí Phó Giám đốc đời sống chống chế: “Báo cáo Anh, đây là chỉ tiêu trên giao hẳn hỏi, nếu không hoàn thành không được vì trên đã trừ bớt chỉ tiêu rồi”. Anh gạt đi: “Không trừ gì cả, nhiệm vụ chính của cán bộ, công nhân trong nhà máy là sản xuất. Không hoàn thành kế hoạch sản xuất vũ khí thì mới đáng trừ tiêu chuẩn! Các đồng chí cứ tập trung vào sản xuất trong xưởng, còn Tổng cục sẽ bảo đảm cấp đủ tiêu chuẩn. Tôi về sẽ bảo Cục Quân nhu và Cục Sản xuất. Tất nhiên các đồng chí có thể tranh thủ trồng thêm ít cây rau, nuôi mấy con gà, con lợn để cải thiện thêm, nhưng không tính vào tiêu chuẩn. Tăng gia, chủ yếu là làm quanh bếp quanh nhà, không đưa lực lượng đi tổ chức trại sản xuất ở xa, và tuyệt đối không được bỏ việc trong nhà máy để đi tăng gia…”.

Chúng tôi nghe Anh nói rất phấn khởi, vì ý kiến Anh rất phù hợp với thực tế, phù hợp với suy nghĩ của nhiều người, nhưng trước đây chưa ai dám lên tiếng.

*
*    *

Thời kì đó, trong mỗi nhà máy quân giới đều tồn tại hai chế độ: chế độ quân nhân và chế độ công, nhân viên. Tuy cùng làm công việc giống nhau nhưng nếu thuộc chế độ khác nhau thì hưởng thụ cũng khác nhau. Vì vậy đã gây nên những thắc mắc, những suy bì, tị nạnh có ảnh hưởng nhất định đến tâm tư, tình cảm của anh, chị em, và tất nhiên có tác động đến sản xuất.

Bộ đội hưởng chế độ cung cấp theo tiêu chuẩn với hình thức tem phiếu đặc biệt, trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại cũng còn gặp nhiều khó khăn, vì từ tem phiếu đến chỗ lĩnh được lương thực, thực phẩm, cũng phải mất khá nhiều công sức. Cán bộ Hậu cần và có khi cả Chỉ huy đơn vị, phải chịu chạy, phải qua nhiều cửa của các cơ quan Chính quyền ở địa phương, mới đảm bảo được tiêu chuẩn cho bộ đội.

Đối với cán bộ, công nhân viên chức các xí nghiệp Quân giới, Cục Quân giới “rót” chỉ tiêu cho thương nghiệp ác tỉnh, và thông báo cho các nhà máy để liên hệ mua theo giá cung cấp, chứ không được cấp tem phiếu như bo, nên tình hình bảo đảm các nhu cầu vật chất còn khó khăn hơn nhiều. Khi tôi công tác ở Nhà máy Z1, có nhiều lần đã phải “xuất quân”, trực tiếp đi liên hệ với các cơ quan thương nghiệp và lương thực của tỉnh, trình bày hoàn cảnh và báo cáo với Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính đề nghị giúp đỡ sao cho cán bộ, công nhân, viên chức các xí nghiệp quốc phòng có cái ăn, cái mặc tạm ổn định, để dồn sức cho nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí đáp ứng yêu cầu của chiến trường.

Anh Thiện đã được nghe phản ánh và tìm cách để giải quyết tình trạng bất hợp lí đã tồn tại từ lâu. Anh đã nghiên cứu, tìm hiểu cách đãi ngộ công nhân ở các nhà máy sản xuất quốc phòng trong thời chiến ở ác nước và đã bàn với các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Hậu cần, đề nghị với Bộ Quốc phòng cho chuyển toàn bộ cán bộ, công nhân, viên chức trong các xí nghiệp quốc phòng sang chế độ quân nhân: sĩ quan hoặc quân nhân chuyên nghiệp, tùy theo chức vụ và công việc theo biên chế (trừ một số ít người không tự nguyện hoặc tuổi đã quá cao). Đề nghị này đã được chuẩn y và được đưa ra thực hiện ngay. Cán bộ, công nhân viên quân giới được chuyển sang chế độ quân nhân, đời sống được cải thiện rõ rệt: tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm được cung cấp cao hơn và đều đặn hơn; ngoài ra, còn được cấp quân trang (chăn, màn, quần, áo, giày, mũ v.v.). Tinh thần anh chị em phấn chấn hẳn lên và đã thể hiện rõ rệt trong việc thực hiện các kế hoạch sản xuất.

Chúng tôi cũng không ngờ được rằng chủ trương này, đến 17 năm sau, lại tiếp tục phát huy tác dụng: năm 1985, thực hiện cải tiến chế độ tiền lương, hệ số được tính để quy đổi tỏng những năm chống Mĩ cứu nước của quân nhân được cao hơn công, nhân viên; do đó cán bộ và công nhân quân giới cũng được lĩnh lương hưu và mất sức nhiều hơn. Lúc đó, nhiều anh, chị em đã phát biểu: “Một lần nữa chúng tôi lại biết ơn anh Thiện và các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Hậu cần đã quan tâm đến đời sống của cán bộ và công nhân quân giới, là những người suốt đời sống và làm việc trong rừng, xa cơ quan, xa thành thị, xa quê hương, làng xóm…”.

Chú thích
(*) Nguyên Chính ủy Nhà máy Z1, Cục Quân giới; Chánh Văn phòng Tổng cục Hậu cần; Chánh Văn phòng Tổng cục Kĩ thuật.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #65 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:11:16 pm »

ĐÓNG TÀU HÚT BÙN

ĐÀO NGUYÊN(*)

Năm 1969, anh Thiện đang làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần thì được Trung ương Đảng và Chính phủ cử ra làm Bộ trưởng Bộ Cơ khí - Luyện kim. Vừa nhận nhiệm vụ mới, Anh liền đi thăm lại các nhà máy, công trường và các địa phương. Đến các tỉnh ở đồng bằng, các đồng chí lãnh đạo ở nhiều nơi than phiền về việc lòng sông, lòng kênh ngày càng bị bùn và phù sa bồi lắng, nên rất trở ngại cho giao thông đường thủy. Có những khúc sông, vài chục năm trước đây, tầu, thuyền trọng tải 20 - 30 tấn có thể qua lại dễ dàng, nhưng đến nay thuyền chở vài tấn hàng có khi cũng bị mắc cạn. Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng cho biết, đường sống từ biển vào cảng, mỗi năm lại bị cạn thê, nên tầu lớn không ra, vào được. Trong khi đó, ta thiếu tầu hút bùn, tầu cuốc để nạo vét; tầu cũ, phần lớn bị hư hỏng, muốn mua tầu mới thì không có tiền.

Trở về Hà Nội, Anh đưa ra trao đổi việc nạo vét luồng lạch để khai thông đường thủy với các cơ quan, các ngành, thì hầu như mọi người đều thấy đó là việc rất cần thiết. Khai thông được lòng sông, lòng kênh thì sẽ mở mang được nhiều tuyến đường thủy; vận tải thủy, giá thành thấp; phương tiện đường thủy ta có thể đón lây được. Mở rộng mạng vận tải đường sông sẽ giảm được số ô tô phải nhập giảm được chi phí để xây dựng đường sá rất tốn kém. Nạo vét các dòng sông còn giúp việc tiêu nhanh nước lũ ra biển, làm giảm bớt nguy cơ lụt lội trong mùa mưa, đồng thời còn có thể đưa đất phù sa màu mỡ để bồi bổ cho đồng ruộng. Đường sông vào càng nạo vét được sâu để tầu biển lớn có thể vào cảng để hàng, tránh được chuyển tải từ xa, thì sẽ có lợi lớn, không những chỉ về giao thông vận tải, về kinh tế mà cả về quốc phòng. Nhưng muốn nạo vét thì phải có phương tiện chuyên dụng. Dù ta có tinh thần khắc phục khó khăn cao đến mức nào, cũng không thể dùng sức người để xúc vét, vận chuyển bùn, đất ở sâu dưới lòng sông đưa lên mặt nước và chuyển đi nơi khác…

Nhưng khi đưa ra việc nghiên cứu đóng tầu hút bùn, thì có khá nhiều ý kiến phản đối, kể cả ở Bộ Cơ khí - Luyện kim, vì cho là công nghiệp của ta còn quá non nớt, cán bộ kĩ thuật trình độ còn thấp, chưa có kinh nghiệm, trang thiết bị không đồn bộ, nguyên vật liệu thiếu thốn v.v. Con nên đóng tầu vận tải cỡ nhỏ đã là khó khăn, nhưng còn có thể cố gắng làm được, còn tầu hút bùn là loại chuyên dụng, ta không thể nào đóng nổi. Thậm chí có người còn cho ý kiến đó là “nói bốc”, là chuyện “phiêu lưu”, “mạo hiể”!

Anh Thiện xuống Nhà máy Cơ khí Duyên Hải và một số nhà máy khác của Bô Cơ khí - Luyện kim xem xét tình hình trang, thiết bị, và khả năng chuyên môn kĩ thuật của các xí nghiệp. Anh đưa ra trao đổi việc đóng tầu hút bùn, thì nhiều cán bộ, công nhân nói: Nếu trên Bộ đưa thiết kế, cho thêm thiết bị và cung cấp đủ vật tư thì có thể làm được!

Nhất thiết phải có tầu hút bùn! Không có ngoại tệ để mua thì phải tự đóng lấy! Anh Thiện hạ quyết tâm và giao nhiệm vụ cho các cơ quan thiết kế, chỉ đạo sản xuất của Bộ Cơ khí - Luyện kim và Nhà máy Cơ khí Duyên Hải tìm cách làm bằng được! Anh động viên cán bộ và công nhân: chưa đóng được tầu có công suất lớn thì hấy đóng những tầu nhỏ, để nạo vét ở những độ sâu trung bình. Sau này, đã có kinh nghiệm ta sẽ đóng các tầu có khả năng hút bùn, xúc bùn, đất ở lòng sông sâu hơn; trước mắt nếu đạt được 2/3 thậm chí 1/2 công suất thiết kế, thì coi như đã hoàn thành được nhiệm vụ rồi.

Về máy động lực và thân tầu thì cơ bản cũng không khác gì tầu vận tải nhiều lắm, nếu có thể tham khảo các bản thiết kế sẵn có ở các nhà máy đóng tầu trong nước.

Nhưng còn thiết bị để hút bùn và chuyển tải từ đáy sông lên boong tầu rồi đổ xuống xà lan hoặc đưa lên bờ thì phải làm thiết kế hoàn toàn mới. Anh Thiện đã chỉ đạo các cơ quan thiết kế của Bộ Cơ khí - Luyện kim cùng Nhà máy Cơ khí Duyên Hải tháo rỡ, cắt bổ các bộ phận trong con tầu cũ của Pháp còn lại ở Hải Phòng để làm mẫu nghiên cứu, thiết kế. Hầu như toàn bộ lực lượng kĩ thuật của cơ quan Bộ, cùng các nhà máy thuộc Bộ Cơ khí - Luyện kim, đã được huy động để giúp đỡ Nhà máy Cơ khí Duyên Hải chế tạo tầu hút bùn. Công ty Vật tư của bộ được giao nhiệm vụ chạy bằng được các loại thiết bị, vật tư cần thiết. Những loại hàng đặc biệt khí khăn thì các thứ trưởng hoặc bản thân anh Thiện trực tiếp đi giao dịch để kiếm và đưa về cho Nhà máy.

Trải qua gần một năm, vừa nghiên cứu, thiết kế, vừa chế tạo, thử nghiệm, Nhà máy cơ khí Duyên Hải với sự giúp đỡ của nhiều nhà máy khác, đã chế tạo thành công và cho hạ thủy chiếc tầu hút bùn đầu tiên có công suất 160m3/giờ. Tầu đã được đưa vào sử dụng, đạt được đầy đủ công suất thiết kế, và phát huy được tác dụng, được các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước rất hoan nghênh. Dựa vào kết quả đó, Bộ Cơ khí - Luyện kim đã xin được Nhà nước đầu tư vốn, thiết bị và vật tư để đóng tiếp những con tầu mới.

Việc đóng tầu hút bùn thành công cho thấy anh Thiện là một con người có quyết tâm sắt đá, việc gì thấy cần, thấy đúng là làm, dù gặp qua bao nhiều khó khăn, trở ngại cũng tìm cách vượt qua để làm bằng được.

Xung quanh việc đóng tầu hút bùn, người ta nghe một chuyện khá nực cười! Có một vài cán bộ, từ đầu đã không đồng tình với việc này, vì cho là ta không có khả năng, đầu tư vào là “vô ích, tốn tiền của, tốn sức”; đến khi tầu đã đóng xong, cũng không chịu đến xem thực tế, mà cố tìm cách dèm pha, hạ thấp giá trị con tầu một cách khá vụng về và dốt nát đến mức đã báo cáo với cấp trên là: “Tầu hút bùn của anh Thiện đóng xong, không hút được bùn mà lại chỉ hút được cát!”.

Anh Thiện nghe được chuyện này đã mỉm cười và nói: “Mình đóng tầu hút được bùn thì đã phúc một đời, nó mà hút được cả cát thì sẽ có phúc đến ba đời đấy!”.

Chú thích
(*) Nguyên Phó phòng cán bộ Tổng cục Hậu cần; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Cơ khí - Luyện kim.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #66 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:17:07 pm »

ANH THIỆN TRONG TRÍ NHỚ CỦA TÔI

Bác sĩ TRẦN VĂN HIẾN(*)

Khi đang làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe giúp bạn ở Campuchia, tôi sửng sốt nghe được tin anh Thiện đột ngột qua đời. Tôi suy nghĩ mãi về một người mà bạn bè tôi, các bác sĩ quân y và dân y cho là có “cá tính”, với ý nghĩa là độc lập suy nghĩ, và rất kiên quyết khi cần hành động theo chân lí.

Trong kháng chiến chống Pháp, Anh là Cục trưởng Cục Vận tải; tôi làm công tác ở Phòng Quân y cơ quan Bộ Tổng tư lệnh, định kì có đến thăm sức khỏe Anh và gia đình. Tại nhà Anh, tôi được xem các cây cảnh do Anh tự tay uốn nắn thành những hình thù chim, thú rất đẹp. Tôi ngạc nhiên không ngờ một người cán bộ cách mạng rất kiên quyết trong công tác, đôi khi hơi nóng nảy, mà lại yêu thích cái đẹp của thiên nhiên như vậy.

Anh hay nói chuyện với cán bộ quân y về cây cỏ, thuốc Nam để chữa bệnh cho bộ đội. Có lần Anh nói chuyện về cây quế và tỏ ra rất sành: “Quế Thanh Hóa của ta vào loại tốt, nhưng phải biết thu hái vào đúng thời điểm, mùa nào, buổi nào trong ngày, phải tìm thu phần vỏ cây hướng về mặt trời”.

Khi Anh trở về làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần trong kháng chiến chống Mĩ, Anh bận nhiều việc, nhưng vẫn thu xếp cùng anh Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y, đến thăm cơ sở Phòng Quân y Bộ Quốc phòng để chỉ đạo xây dựng, tăng cường trang thiết bị cho Bệnh viện 354, đến tận nhà kho, nhà bếp, hướng dẫn anh chị em quản lí, nuôi quân, tổ chức nấu ăn tốt theo bệnh lí cho bệnh nhân.

Kỉ niệm sâu sắc nhất đối với tôi là vào dịp mùa Xuân năm 1975, tôi được cử đi phụ trách Tổ quân y Đoàn A75 (mật danh của Bộ Chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên, sau này là Chiến dịch Hồ Chí Minh). Anh Thiện đi kiểm tra tuyến Hậu cần chiến lược dọc Tây Trường Sơn, nên đến Sở chỉ huy sau. Anh họp và làm việc với anh Dũng được vài buổi thì lên cơ sốt, vừa nóng vừa rét, ra nhiều mồ hôi. Trong hoàn cảnh giữa rừng Tây Nguyên, không có phương tiện xét nghiệm, vì đang còn phải giữ bí mật, không được quan hệ rộng rãi với Phòng Quân y B3, chúng tôi phải vận dụng tập thể y, bác sĩ trong Sở chỉ huy để chẩn đoán và điều trị. Ai đã gần gũi anh Thiện thì đều biết, Anh rất quan tâm đến sức khỏe của cán bộ chiến sĩ, nhưng bản thân Anh lại không thích điều trị theo đơn thuốc của Quân y. Đối với Anh, uống thuốc Tây có háo chất và nhất là phải tiêm thì Anh dứt khoát từ chối.

Lúc đầu, đồng chí công vụ tìm lá xông, xoa trị cảm gió, nhưng không có kết quả, chúng tôi phải báo cáo anh Dũng can thiệp. Sau khi anh Dũng đến lán thăm và khuyên nên theo kế hoạch điều trị của quân y, chúng tôi mới thực hiện được việc tiêm thuốc chữa bệnh và nâng sức trong mấy ngày liền. Cơn sốt lui dần, nhưng huyết áp có lúc còn tụt. Chúng tôi phải tăng cường các loại thuốc bổ, kết hợp với chế độ ăn theo bệnh lí. Anh ngồi dậy được, đi lại, tập nhẹ và hồi phục nhanh.

Tuy chưa khỏi hoàn toàn, nhưng Anh lại lên đường đi gập vào B2, để chuẩn bị cho chiến dịch mới. Chúng tôi trao cho đồng chí Thông, bí thư của Anh, một bệnh án ghi chép diễn biến mạch, nhiệt độ, huyết áp, thuốc đã dùng theo giờ, trong suốt 7 ngày anh bị sốt vừa qua. Chúng tôi đã dặn dò các đồng chí bí thư, y sĩ, công vụ và lái xe đi cùng anh cách chăm sóc, thuốc men, ăn uống, nghỉ ngơi ở dọc đường. Sở chỉ huy cũng báo về là sức khỏe của anh khá lên trên đường vào Nam.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, vào Sài Gòn giải phóng, chúng tôi đến thăm lại sức khỏe anh. Anh Thiện vui cười, chỉ vào mình và nói: “Mình khỏi ngay, khỏe rồi; nhưng tiêm đau đấy, ông Cẩn cũng chẳng bắt được mình tiêm bao giờ”. Chúng tôi đánh trống lảng, nói chuyện về đường Trường Sơn, về “đàn voi xanh” - xe Zil 130 - xuống dốc lên đèo, về dòng máu trắng chảy trong đường ống dẫn dầu kì diệu…

Anh đem hoa quả ra thiết chúng tôi và gợi ý về nhiệm vụ tìm hiểu trang, thiết bị ở bệnh viện Cộng hòa, để hướng vào phục vụ cho thương, bệnh binh của bộ đội ta.

Ngày 19 tháng 8 năm 1967, đồng chí Thông gặp tôi ở Thủ đô Hà Nội, đã đưa lại quyển sổ “theo dõi quá trình điều trị, hộ lí” của anh Đinh Đức Thiện từ 14 đến 21 tháng 3 năm 1975 ở rừng Tây Nguyên.

Sau khi đi Campuchia về, trở lại công tác cũ, vào dịp giỗ đầu anh Thiện, tôi đến thăm gia đình, xin viếng Anh, thắp hương tưởng niệm và trân trọng tặng chị Xuyến, tài liệu lưu niệm lịch sử về sức khỏe của anh Thiện ở rừng Tây Nguyên, trên đường ra trận, với mấy lời cảm xúc:

     “Xông pha khắp các chiến trường
     Ốm đau chẳng quản dọc đường xa xôi.
     Anh đi để lại cho đời,
     Tình thương nỗi nhớ một người kính yêu.
     Vắng Anh, chị, cháu nhớ nhiều,
     Anh em, nước mắt cũng đều chảy quanh.
     Hôm nay thương tiếc nhớ anh
     Đốt hương với cả lòng thành kính dâng”.

Chú thích
(*) Nguyên Viện trưởng Viện Quân y 354; Trưởng Phòng Quân y Bộ Tổng Tư lệnh, Phụ trách Tổ bảo vệ sức khỏe Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #67 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:22:24 pm »

THƠ GỬI ANH ĐINH ĐỨC THIỆN

NGUYỄN VĂN BIÊN(*)

Vào Nam gặp lại anh đây(1),
Mà lòng rộn nhớ những ngày xa xưa
Chính quyền cách mạng tuổi thơ,
Anh về chèo chống những giờ khó khăn.
Anh về dạy nắm lại quân(2)
Anh về dạy giữ lại dân làm nền
Phong trào hừng hực bùng lên,
Đảng thêm sức trẻ dân thêm vững lòng.
Chặn thù anh quyết ngăn sông(3),
Diệt thù, anh chỉ tiến công, không lùi.
Trong anh, sáng một con người,
Đảng hun khí phách, dân nuôi chí bền.
Thấy anh, chỉ thấy tiến lên,
Chí anh, thực chí vượt lên đầu thù.
Bôn ba khắp nẻo chiến khu
Mỗi tin anh đến lòng như bồi hồi.
Nhớ anh, nhớ cả con người,
Dấu anh, in suốt đường đời tôi đi(4).

Chú thích
(*) Tỉnh ủy viên tỉnh Bắc Giang; Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dầu khí.
(1) Năm 1946, anh Thiện là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, tôi là Tỉnh ủy viên.
(2) Anh Thiện giao cho tôi nhiệm vụ nắm lại Tiểu đoàn Bắc Giang.
(3) Tháng 11-1946, chuẩn bị kháng chiến toàn quốc, anh chủ trương rào sông Thương để ngăn tầu địch.
(4) Anh Thiện đã ảnh hưởng tới phong cách, ý chí và tình cảm cách mạng của tôi trong suốt cả quá trình công tác sau này.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #68 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:23:37 pm »

ANH THIỆN GỌI TÔI CÓ VIỆC CẦN!

HOÀNG PHÁT ĐẠT(*)

Buổi chiều hôm ấy, đã hết giờ làm việc, anh Thiện còn vào phòng làm việc của tôi ở Văn phòng Tổng cục Hậu cần, dặn dò mấy việc cần làm tiếp ngày mai; sau đó anh bắt tay tôi và lên xe ra về.

Chia tay anh Thiện, tôi lấy xe, đạp một mạch về nhà, trong đầu vẫn đeo đuổi mấy việc anh vừa dặn.

Về đến nhà, tôi vừa rửa mặt mũi, chân tay xong, định giở tờ báo ra xem tin tức, thì thấy đồng chí Thông, bí thư riêng của anh Thiện đến, mặt mày hớn hở, nói với tôi: “May quá anh đã về! Mời anh đến nhà, gặp anh Thiện ngay, có việc cần”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Quái, có việc gì thế nhỉ, mình vừa đứng với Anh ở trong cơ quan, có còn việc gì nữa đâu?”/

Anh Thông nói: “Chắc có chứ, anh Thiện vừa về đến nhà, gặp chị Xuyến, rồi bảo tôi lấy xe đến đón anh ngay!”.

Đến nhà anh Thiện, tôi đi thẳng vào phòng làm việc, thấy anh, tôi hỏi: “Anh cho tôi gọi tôi có việc cần?”.

Anh Thiện mỉm cười, thủng thẳng trả lời: “Rất cần nữa cơ!”. Và đứng dậy dắt tôi sang phòng bên cạnh. Cả nhà đề đã ngồi vào bàn ăn, có vẻ đang chờ Anh. Chị Xuyến kéo ghế ra và nói tôi ngồi xuống. Anh nói: “Đây cái cần đây! Người ta bảo gan kì đà chữa bệnh gan rất tốt. Hôm qua, có người bạn bẫy được một con, đem cho. Tớ bảo bà ấy nấu ca ri cho cả nhà ăn. Còn bộ gan, nhớ đến cậu, để phần cho cậu đấy. Đứng làm khách, cậu phải ăn đủ cả bộ thì mới có có hiệu quả; ăn đi, đứng ngại gì cả!”. Anh nói với tấm lòng thương yêu của một người anh! Tôi cảm động quá, chưa kịp nói gì, thì chị Xuyến đã tươi cười nói thêm: “Ngay từ khi người ta mới đem con kì đà đến, anh Thiện đã dặn khi làm thịt phải dành cho anh Đạt bộ gan. Nay tiện tôi nấu luôn, mời anh đến cùng ăn cho vui!”.

Tôi còn lí do gì mà từ chối nữa! Tôi ngồi vào bàn, và từ từ ăn hết bộ gan kì đà rồi bánh mì. Cả hai anh chị thấy tôi ăn ngon lành, tỏ vẻ rất vừa ý. Vừa ăn, cả nhà vừa chuyện trò với tôi rất vui vẻ. Ăn xong, chị Xuyến mời Anh và tôi sang phòng khách ăn hoa quả tráng miệng. Tôi uống nước rồi đứng dậy cám ơn anh, chị trước khi ra về. Anh Thiện gạt đi: “Ơn với huệ gì, mong cậu khỏi bệnh và khỏe là mình vui rồi”. Anh nắm chặt tay tôi, nói tiếp: “Thôi về đi, kẻo vợ con ở nhà lại mong và lo lắng, không hiểu thủ trưởng có việc gì mà cần đến thế. Chữa bệnh cũng là cần chứ!”.

Tôi ra về, vừa đi vừa suy nghĩ mãi: nhiều người bảo anh Thiện nóng tính, rất nóng tính; tôi cũng đã vài lần được chứng kiến cảnh Anh “quạt” thẳng thừng, nói gay gắt, mất ngọt, mất nhạt những cán bộ làm hỏng việc do thiếu trách nhiệm, làm sai chủ trương, không chấp hành chỉ thị của cấp trên… Nhưng có lẽ ít người biết rằng sau con người nóng tính này, là một con người có tình cảm, rất thương yêu cán bộ, và độ lượng với cấp dưới.

Ít lâu sau, tôi khỏi bệnh viêm gan, da tôi không còn vàng nữa. Người tôi khỏe dần lên. Tôi không dám chắc có phải hoàn toàn do tác dụng của gan kì đà không, vì “có bệnh thì vái tứ phương”, tôi đã dùng rất nhiều loại thuốc tây, thuốc ta…

Nhưng sự chăm sóc của anh Thiện, tấm lòng của hai anh chị, thì mãi mãi tôi không bao giờ quên được…

Chú thích
(*) Nguyên Phó Phòng hành chính Tổng cục Hậu cần; Vụ phó Vụ Lao động tiền lương Bộ Cơ khí - Luyện kim.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #69 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 01:24:57 pm »

VÀI MẨU CHUYỆN VỀ ĐỒNG CHÍ ĐINH ĐỨC THIỆN

BÙI QUANG YÊN(*)

Ra chợ nghiên cứu nuôi quân,
vào nhà dân học tập xây dựng

Thời kì vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, anh Thiện là Phó Chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần. Anh nhận được báo cáo Đoàn An dưỡng Quảng Yên, gặp nhiều khó khăn về lương thực, thực phẩm. Đây là cơ sở lớn nhất trên miền Bắc để nuôi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho thương, bệnh binh các chiến trường. Anh đã bố trí thời gian xuống tận nơi để xem xét tình hình và giải quyết. Trên đường đi, sang qua phà Rừng đến đầu thị xã Quảng Yên, thấy chợ đang họp, Anh bảo hãy dừng xe, xuống xem đã.

Anh đi quanh chợ một vòng, dừng lại trước các hàng bán thịt, cá, gà, trứng, rau, đậu, củ, quả… hỏi giá cả từng loại, rồi hỏi thăm các bà bán hàng xem quanh đây có bao nhiêu chợ, tháng họp mấy phiên, loại hàng gì có nhiều, loại nào có ít…

Buổi chiều, Anh mới vào Đoàn An dưỡng làm việc. Các đồng chí Đoàn trưởng, Đoàn phó và Chủ nhiệm Hậu cần báo cáo với Anh tình hình mọi mặt và nhấn mạnh về khó khăn nhất của Đoàn là vân đề nuôi dưỡng vì địa phương có rất ít thịt, mà giá lại đắt. Đoàn không có điều kiện sang thành phốp Hải Phòng để tiếp phẩm, nên không có đủ thức ăn bồi dưỡng cho bộ đội.

Anh hỏi: “Thỉnh thoảng các đồng chí có đi chợ không? Xung quanh thị xã có bao nhiêu chợ?”, v.v. Tôi thấy những câu hỏi này giống hệt như sáng nay, Anh đã hỏi các bà bán hàng và đồng bào đi chợ… Đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần lúng túng, đề nghị cho đồng chí tiếp phẩm lên báo cáo cụ thể. Anh Thiện cười và nói tiếp: “Tôi đã nghe báo cáo ở chợ rồi, không cần gặp đồng chí tiếp phẩm nữa. Các đồng chí nói thực phẩm ở đây khó khăn. Tôi thấy ở đây thịt thì hiếm, nhưng cá thì rất sẵn, nhất là cá quả, và giá cũng rẻ, so với giá ở Hà Nội hai Hải Phòng thì chỉ bằng một nửa hoặc hai phần ba. Rau muống thì có ít, nhưng các loại ra khác như: rau làng, rau bí, mồng tơi, rau đay, mướp thì lại khá sẵn. Tôi hỏi, tại sao chỉ cá quả lại rẻ hơn? Bà con ở chợ cho biết, dân ơ đây có nhiều người kiêng không ăn loại cá này vì cho là “độc”! Thế thì tại sao ta không mua loại cá này cho bộ đội ăn. Các cụ ta đã có câu nói: “Cá quả dim khô, cá rô canh cải”. Loại cá quả này ở thành phố rất đắt vì được mọi người ưa chuộng, ăn ngon mà lại ít xương, muốn mua thường xuyên cũng không được. Về rau cũng vậy, nên dựa vào địa phương, có gì ăn nấy, có nhiều loại rau thì mỗi ngày mua một loại để thay đổi món cho bộ đội, ăn càng ngon miệng. Quanh doanh trại đây, đất còn rộng, nên tổ chức cho anh em tăng gia sản xuất, trồng lấy một phần rau mà ăn. Nói tóm lại, các đồng chí nên ra ngoài chợ, đến nhà đồng bào xem cách ăn uống của nhân dân địa phương, hợp với túi tiền của bộ đội. Như thế có được không?”. Các đồng chí ở Đoàn An dưỡng rất hể hả, thấy đã mở ra một hướng để lo vấn đề ăn uống lâu dài cho bộ đội, mà đơn vị có thể làm được.

Còn lo vật liệu xây dựng cho bộ đội như thế nào?

Sau khi hòa bình được lập lại nhu cầu xây dựng của bộ đội rất lớn, đơn vị nào cũng cần làm doanh trại, xây dựng cơ sở. đặc biệt ở khu vực Sơn Tây là nơi có nhiều đơn vị, nhiều trường học, nhưng đây là một vùng đồi trọc, sỏi đá cằn cỗi, không có rừng để khai thác tre, lá, cũng không có đất để làm gạch, Vậy phải làm thế nào đây? Anh Thiện lại đến tận nơi để nghiên cứu cách giải quyết.

Anh vào các nhà dân, lân la hỏi chuyện các cụ già thì được biết từ lâu đời, dân ở đây xây nhà bằng đá ong, hoặc làm nhà trình tường, chứ lấy đâu ra tiền để mua gạch từ xa đem về. Đá ong ở Sơn Tây, hàu như dào chỗ nào cũng có, xây nhà đỡ tốn vôi vừa mà cũng khá chắc. Còn trình trường, thì lấy ngay đá sỏi tại chỗ, nếu có thêm vữa vôi hoặc xi măng trát thêm một lớp mỏng, thì vừa chắc lại vừa đẹp. Nhà bằng đá ong hay trình tường mùa hè thì mát nhưng mùa đông lại ấm vì có tường dày. Tất nhiên không thể đẹp như nhà xây gạch; nhưng có vật liệu mà xây dựng, nhất là giá lại rẻ, là tốt rồi! Thêm được một bài học nữa từ nhân dân!

Anh đến các công trường ở Sơn tây phổ biến ngay cách làm này, đồng thời chỉ thị cho Cục Doanh trại hướng dẫn cho tất cả các đơn vị ở vùng đồi núi trung du, nên làm nhà bằng đá ong và trình tường. Sau này, khi làm Giám đốc khu Gang thép Thái Nguyên, Anh cũng áp dụng cách làm này, nên đã giải quyết được khá nhanh nhu cầu nhà ở trước mắt cho cán bộ, công nhân.

Kiểm tra đánh mìn từ xa qua tiếng nổ

Thời kì đầu, Anh lên phụ trách xây dựng khu Gang thép Thái Nguyên, phải chỉ đạo san phá mấy chục quả đồi thành mặt bằng để xây dựng nhà máy. Lượng thuốc nổ sử dụng phải tính đến hàng trăm tấn.

Một buổi trưa, Anh đi uống công trường về, vừa ăn cơm xong, nằm nghỉ một lát, thì nghe những tiếng mìn nổ đinh tai, nhức óc. Anh bật dậy, và bảo tôi đi gọi tổ trưởng đánh mìn lên ngay gặp Anh. Tôi thầm nghĩ có lẽ anh em dùng những khối thuốc nổ lớn quá, làm cho Anh mất ngủ, trong khi anh rất mệt, và vừa đi lại vừa hò hét suốt buổi sáng ở ngoài trời… Khoảng 5 phút sau, đồng chí tổ trưởng, mồ hồi nhễ nhại, chạy vội lên. Anh bảo ngồi xuống rồi nói: “Ngày trước anh đi bộ đội, được Đảng giáo dục, anh tỏ ra tháo vát, dũng cảm, cẩn thận thế, tại sao đến nay ra làm kinh tế anh lại thiếu tinh thần trách nhiệm đến thế?”. Đồng chí này ngớ người chưa hiểu chuyện gì thì Anh lại nói tiếp: “Tôi đã dặn anh trước khi đánh mìn phải kiểm tra chu đáo, thế mà hôm nay nghe cả chục tiếng nổ váng óc mới thấy một tiếng “ục”, thì làm sao chạy được đủ thuốc nổ để cho các anh phá hết được khu đồi này? Anh cứ làm ăn kiểu này, thì không những chỉ anh mà cả tôi cũng đi tù sớm!”. Đồng chí tổ trưởng nhận lỗi, vì về ăn cơm ra chậm, chưa kiểm tra được thì anh em đã vội vã cho nổ mìn…

Có lẽ thấy cấp dưới thành khẩn, không chống chế loanh quanh, nên Anh cũng nguôi, và lại hướng dẫn cho đồng chí tổ trưởng phải kiểm tra chặt chẽ, không được quan liêu: trước khi cho nổ, phải kiểm tra độ sâu lỗ khoan, thế phá, và lượng thuốc nổ hợp lí cho từng điểm phá. Phải chú ý đánh mìn sao cho có hiệu quả, và đặc biệt phải bảo đảm an toàn tuyệt đối… Phải quy định chế độ rõ ràng: khoan lỗ xong, tổ trưởng phải kiểm tra đã, rồi mới được nhồi thuốc nổ. Cắm kíp mìn và dây cháy chậm xong, tổ trưởng cũng phải xem lại, rồi ra lệnh mới được châm lửa. Anh nào không chấp hành hoặc làm ẩu, thì phải thi hành kỉ luật.

Đồng chí tổ trưởng hứa từ nay sẽ làm đúng như thế rồi chào Anh ra về, qua cổng còn nói nhỏ với tôi: “Sao thủ trưởng tinh thế, hôm nay mình có sơ xuất ra chậm để chúng nó làm ẩu một chút, ông ấy phát hiện ra ngay được và được một bài học nhớ đời…”.

Chú thích
(*) Nguyên bí thư của đồng chí Đinh Đức Thiện.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM