Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:18:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đinh Đức Thiện - Một chiến sĩ cách mạng trung kiên, một vị tướng hậu cần t  (Đọc 46876 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« vào lúc: 15 Tháng Tư, 2013, 08:22:45 am »



Đinh Đức Thiện - Một chiến sĩ cách mạng trung kiên, một vị tướng hậu cần tài trí
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia năm 1998
 
BAN BIÊN SOẠN

1. Thiếu tướng Nguyễn An, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559, nguyên Cục trưởng Cục Vận tải, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
 
2. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Khôi, nguyên Trưởng Phòng Chiến trường, nguyên Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
 
3. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê, nguyên Tham mưu phó Tổng cục Hậu cần, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 1.
 
4. Đại tá Trần Lư, nguyên Bí thư của đồng chí Đinh Đức Thiện, nguyên Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần.
 
5. Thiếu tướng Đinh Thiện, nguyên Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
 
6. Giáo sư Ngô Vi Thiện, nguyên Trưởng Ban Khoa học Tổng cục Hậu cần, hiện là Chuyên viên Khoa học Hậu cần, thành viên Ban Tổng kết chiến lược Bộ Quốc phòng.
 
7. Đại tá Trần Quang Vinh, nguyên Trưởng Phòng Thông tin, tư liệu, Ban Khoa học Tổng cục Hậu cần.
 
Đồng Chủ biên:
- Giáo sư Ngô Vi Thiện
- Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Bảy, 2020, 08:34:36 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2013, 08:23:56 am »

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Đồng chí Đinh Đức Thiện là một chiến sĩ cách mạng trung kiên, một vị tướng hậu cần tài trí. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn.
 
Trong lĩnh vực quân sự, đồng chí Đinh Đức Thiện là một tướng lĩnh biết nhìn xa trông rộng, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội giao phó; đặc biệt trong công tác hậu cần quân đội, tạo tiền đề góp phần làm nên những thắng lợi kì vĩ của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược.
 
Trong lĩnh vực kinh tế, đồng chí Đinh Đức Thiện được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đồng chí Đinh Đức Thiện chẳng những là một trong những người có công xây dựng và tham gia lãnh đạo nhiều ngành kinh tế lớn của nước ta vào tới điểm mà đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn như xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên - khu công nghiệp luyện kim đầu tiên của nước ta, xây dựng cầu đường và đặc biệt là đặt nền móng cho ngành dầu khí Việt Nam.
 
Trong quan hệ với đồng chí, đồng đội, đồng chí Đinh Đức Thiện là người có tấm lòng bao dung, độ lượng, thương yêu cán bộ, chiến sĩ, coi họ như anh em một nhà và chính đồng chí đã để lại trong bạn bè, đồng đội những tìm cảm mến yêu, kính trọng.
 
Để ghi nhớ công lao đóng góp của đồng chí Đinh Đức Thiện đối với sự nghiệp đấu tranh anh dũng và xây dựng sáng tạo của dân tộc, những tìm cảm trong sáng, thủy chung của đồng chí đối với bè bạn, nhân dịp kỉ niệm 10 năm ngày đồng chí đi xa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Đinh Đức Thiện - một chiến sĩ cách mạng trung kiên, một vị tướng hậu cần tài trí.
 
Cuốn sách tập hợp những tham luận tại lễ tưởng niệm đồng chí Đinh Đức Thiện ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, những nhà cách mạng lão thành, cán bộ nghiên cứu… đã từng có thời kì công tác với đồng chí Đinh Đức Thiện.
 
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 1 năm 1998
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2013, 08:25:05 am »

LỜI BAN BIÊN SOẠN

Đồng chí Đinh Đức Thiện là một nhà cách mạng lão thành, đã tham gia cách mạng từ năm 1930. Đồng chí có nhiều cống hiến trong những năm hoạt động bí mật, và đã hai lần bị chính quyền thực dân, phong kiến bắt bỏ tù.
 
Trong 30 năm chiến tranh cách mạng, đồng chí Đinh Đức Thiện đã có công lao đóng góp trong nhiều mặt công tác của Đảng, của Nhà nước cũng như của quân đội. Đồng chí thường được Đảng giao phụ trách những mặt công tác khó khăn, mới mẻ, nhưng đối với nhiệm vụ nào, đồng chí cũng quyết tâm khắc phục mọi trở ngại, với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành tốt đẹp.
 
Nhân dịp 10 năm ngày mất của đồng chí Đinh Đức Thiện (20-1-1997), các Ban Liên lạc Cựu chiến binh ngành Hậu cần ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm ở hai thành phố. Trong hai buổi sinh hoạt khoa học này, đã có nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhiều nhà cách mạng lão thành, nhiều nhà khoa học lịch sử và đông đảo cán bộ đã có thời kì cùng công tác với đồng chí Đinh Đức Thiện đến tham dự và phát biểu ý kiến.
 
Trước và sau buổi lễ tưởng niệm, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều bài viết với nội dung phong phú, phản ánh những suy nghĩ, những tình cảm, những kỉ niệm sâu sắc về những lĩnh vực công tác mà đồng chí Đinh Đức Thiện đã đảm nhiệm.
 
Đáp ứng lòng mong mỏi chung của nhiều đồng chí muốn tập hợp các bài viết này thành một cuốn sách, một “Ban Biên soạn” đã được thành lập để:
 
1. Nghiên cứu các bài viết, đối chiếu với tình hình thực tế, qua các tư liệu chính thức ở các cơ quan lưu trữ của Đảng, của Nhà nước, của quân đội.
 
2. Trao đổi với các tác giả, cùng chỉnh lí lại những chỗ cần thiết để bài viết phản ánh đúng thực tế lịch sử.
 
3. Sắp xếp các bài thành hệ thống tương đối hợp lí, phản ánh trung thực các hoạt động của đồng chí Đinh Đức Thiện.
 
Công việc biên soạn đã được tiến hành thuận lợi.
 
Ban Biên soạn xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí lão thành cách mạng và tất cả các đồng chí đã viết bài, đã khuyến khích, cổ vũ chúng tôi, đóng góp ý kiến để chúng tôi hoàn thành được cuốn sách này.
 
Xin chân thành cảm ơn Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Bộ Công nghiệp, Tổng cục Dầu khí, Bộ Giao thông vận tải, Công ti gang thép Thái Nguyên, Công ti liên doanh Dầu khí Viexopetrô, Hội Cựu chiến binh ngành hậu cần Thành phố Hồ Chí Minh, các ban liên lạc Cựu chiến binh ngành hậu cần Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các ban liên lạc Hội Cựu chiến binh các quân khu, quân đoàn ở các chiến trường Nam Bộ đã tạo điều kiện để tổ chức lễ tưởng niệm và tiếng hành biên soạn cuốn sách.
 
Xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện và xuất bản cuốn sách này.
 
Xin chân thành cám ơn gia đình đồng chí Đinh Đức Thiện đã hết sức giúp đỡ, cung cấp nhiều tư liệu và ảnh kỉ niệm của gia đình.
 
Mặc dầu Ban Biên soạn đã cố gắng, nhưng điều kiện làm việc và khả năng xử lí các bài viết có những mặt hạn chế, nên chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong được sự chỉ dẫn của các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí đã có dịp tiếp xúc, làm việc với đồng chí Đinh Đức Thiện, các nhà khoa học lịch sử và đông đảo bạn đọc quan tâm tới cuốn sách này.

Ngày 7 tháng 11 năm 1997
BAN BIÊN SOẠN
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2013, 08:28:03 am »

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP THƯỢNG TƯỚNG ĐINH ĐỨC THIỆN

Thiếu tướng ĐINH THIỆN(*)

Đồng chí Đinh Đức Thiện tên thật là Phan Đình Dinh, sinh năm 1913 tại xã Nam Vân, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước, cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi 8 người con, trong hoàn cảnh kinh tế hết sức chật vật.
 
Sớm được giác ngộ cách mạng, đồng chí tham gia hoạt động từ năm 1930, bị bắt giam ở Nam Định, nhưng vì không đủ căn cứ buộc tội, nên đến năm 1931, chúng phải thả đồng chí về. Ra tù, đồng chí vào Sài Gòn làm công nhân và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1936, đồng chí hoạt động trong Hội Ái hữu công nhân và tham gia phong trào Mặt trận dân chủ. Năm 1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4 năm 1940, đồng chí bị bắt giam lần thứ hai ở nhà tù Nam Định, sau đưa về nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội). Năm 1943, được ra tù, dù bị chính quyền thực dân quản lí rất chặt, đồng chí vẫn tìm cách xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương, và tìm bắt được liên lạc với Xứ ủy Bắc Kì.
 
Năm 1944, đồng chí được Xứ ủy điều động lên Vĩnh Yên, tham gia Ban Cán sự Đảng của tỉnh, rồi được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Yên.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí được điều về làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Bắc Giang. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, đồng chí được cử làm Ủy viên Khu ủy Khu 12, Ủy viên Thường vụ Khu ủy 1, rồi Ủy viên Thường vụ Liên Khu ủy Việt Bắc, phụ trách công tác kinh tế.
 
Cuối năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào một giai đoạn mới. Quân đội thành lập Cục Vận tải để chuẩn bị các chiến sĩ lớn. Đồng chí được Trung ương Đảng điều vào quân đội và cử làm Cục trưởng, Bí thư Đảng ủy Cục Vận tải. Từ giữa năm 1950, Tổng cục Hậu cần được thành lập, đồng chí được chỉ định tham gia Đảng ủy Tổng cục.
 
Đồng chí đã có nhiều công lao xây dựng ngành Vận tải quân sự, từ nhỏ đến lớn, đặc biệt là đã mạnh dạn phát triển vận tải cơ giới, kết hợp với phương tiện thô sơ và sức người, phục vụ kịp thời cho bộ đội tác chiến thắng lợi trong các chiến dịch.
 
Kháng chiến chống Pháp kết thúc, miền Bắc được giải phóng, đồng chí được cử làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần.
 
 Trước yêu cầu khôi phục và phát triển kinh tế, tháng 6 năm 1959, đồng chí được điều ra làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, kiêm Chỉ huy trưởng và Bí thư Đảng ủy Công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên, từ giữa năm 1962 là Giám đốc Công ti gang thép Thái Nguyên. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí cùng tập thể Đảng ủy và Ban Giám đốc, sau hơn 3 năm xây dựng, Khu công nghiệp luyện kim đầu tiên của đất nước ta, đã hình thành và từ cuối năm 1963, liên tục cho các mẻ gang ra lò.
 
Năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
 
Đầu năm 1965, đồng chí đang chỉ đọa hoàn thành xây dựng các công trình luyện, cán thép, thì đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh, đưa quân chiến đấu vào miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc. Trung ương Đảng lại điều đồng chí trở về quân đội, giữ chức Chủ nhiệm, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần, tham gia Quân ủy Trung ương, và được phân công trực tiếp chỉ đạo công tác chi viện cho các chiến trường miền Nam và hai nước bạn Lào và Campuchia
 
Giữa năm 1969, Bộ Cơ khí - Luyện kim được thành lập, đồng chí được điều động ra làm Bộ trưởng. Nhưng đến cuối năm, do yêu cầu chỉ đạo công tác chi viện chiến trường, và tuyến vận tải chiến lược, đồng chí lại một lần nữa được điều động trở lại quân đội, tiếp tục làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Bộ trưởng Bộ Cơ khí - Luyện kim.
 
Tháng 4-1974, đồng chí được phong quân hàm Trung tướng. Khi thành lập Tổng cục Kĩ thuật, đồng chí được cử kiêm chức Chủ nhiệm, Bí thư Tổng cục Kĩ thuật… Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đồng chí là thành viên bộ phận đại diện quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên, rồi được cử làm Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh.
 
Trong 10 năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đồng chí đã góp nhiều công sức để xây dựng và phát triển ngành Hậu cần, ngành Kĩ thuật và công nghiệp quốc phòng. Đồng chí đã chú trọng xây dựng bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất, kĩ thuật theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ. Đồng chí đã đề xuất nhiều chủ trương và biện pháp táo bạo để xây dựng và phát triển tuyến đường chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh: mở nhiều đường ô tô ngang, dọc, tập trung lực lượng thành lập các binh đoàn vận tải cơ giới, xây dựng mạng thông tin chỉ huy vận tải tương đối hoàn chỉnh, lắp đặt tuyến đường ống để bơm xăng từ hậu phương miền Bắc vào tuyến vận tải và các chiến trường, tổ chức lực lượng phòng không đánh lại máy bay địch bảo vệ đường, cầu, phương tiện và lực lượng vận tải… Đồng chí đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Đoàn 559 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho miền Nam, bảo đảm đủ nhu cầu vật chất, kĩ thuật cần thiết, để giành thắng lợi ngày càng lớn, và cuối cùng toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
 
Khi công tác trong quân đội, cũng như khi phụ trách các ngành kinh tế đồng chí luôn luôn quan tâm kết hợp kinh tế với quốc phòng, giữ mối quan hệ gắn bó với các ngành, các cấp ủy và chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ để hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời nghiên cứu và đề xuất với Đảng và Nhà nước nhiều vấn đề cần thiết để xây dựng, củng cố hậu phương, huy động tiềm năng của đất nước để phục vụ cho tiền tuyến.
 
Là một cán bộ cao cấp được giao nhiều trọng trách, đồng chí luôn luôn quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tổ chức thực hiện kiên quyết, nặng động và sáng tạo, giữ vững nguyên tắc tập thể dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tác phong sâu sát chịu đi vào thực tế. Mực dù công việc luôn luôn bận rộn, đồng chí vẫn dành thời gian đi xuống các đơn vị bộ đội, các cơ quan, cơ sở, nhiều lần trực tiếp đến các tuyến đường vận tải chiến lược, đi các chiến trường để kiểm tra, nắm tình hình, giúp cấp dưới giải quyết kịp thời các khó khăn do thực tiễn đặt ra, trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo công tác hậu cần, kĩ thuật, trong các chiến dịch lớn như: Đường 9 - Nam Lào, Bắc Quảng Trị, Tây Nguyên và mùa Xuân 1975 đại thắng. Đối với Nam Bộ, chiến trường xa nhất, đồng chí đã vào ba lần, mặc dầu tuổi cao, sức yếu, đường sá khó khăn, địch đánh phá ác liệt.
 
Sau khi kết thúc chiến tranh chống Mĩ, đồng chí được Trung ương Đảng điều ra ngoài quân đội, phụ trách kinh tế, và lần lượt giao các nhiệm vụ: Ủy viên Ban Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam, Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1975), Bộ trưởng phụ trách Tổng cục Dầu khí (1976), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (1980). Đồng chí đã đề ra những kiến nghị đúng đắc để giải quyết những vấn đề kinh tế và xã hội cấp bách ở miền Nam sau ngày giải phóng nhằm khôi phục và phát triển kinh tế của đất nước sau chiến tranh. Đồng chí đã đặt nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam, và chỉ đạo xây dựng những cơ sở ban đầu rất quan trọng cho Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô (Vietxopetro); đã chỉ đạo khôi phục mạng đường, cầu, và tổ chức lại giao thông vận tải sau chiến tranh…
 
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982), đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
 
Đến năm 1982, đồng chí lại được điều trở lại Quân đội làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách hậu cần, kĩ thuật và công nghiệp quốc phòng.
 
Tháng 1-1986, đồng chí được phong quân hàm Thượng tướng.
 
Do những cống hiến xuất sắc về nhiều mặt, đồng chí Đinh Đức Thiện đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương cao quý khác.
 
Trong kháng chiến chống Pháp, quân đội ta đã có đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, một nhà cách mạng có uy tín lớn trong Đảng và trong nhân dân, người xây dựng nền móng cho ngành Hậu cần quân đội ta, đã đóng góp nhiều công lao trong việc xây dựng quân đội, đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, quân đội ta cũng tự hào có đồng chí Đinh Đức Thiện, người kế tục sự nghiệp của đồng chí Trần Đăng Ninh, có công lớn trong xây dựng ngành Hậu cần, góp phần cùng cả nước, đem lại đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 
Đồng chí Đinh Đức Thiện đi xa đã 10 năm, nhưng sự nghiệp và công lao của đồng chí vẫn mãi mãi tồn tại với Đảng, với dân, với non sông đất nước, hình ảnh và tính cách của đồng chí vẫn sống mãi trong lòng cán bộ và chiến sĩ ngành Hậu cần cũng như toàn quân ta.

Chú thích
(*) Nguyên Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần; nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #4 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2013, 08:32:11 am »

MỘT TẤM GƯƠNG TRUNG KIÊN - TÀI ĐỨC(*)

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

Tôi hoan nghênh Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cùng Ban liên lạc truyền thống Tổng cục Hậu cần đã tổ chức buổi sinh hoạt tưởng niệm đồng chí Thượng tướng Đinh Đức Thiện, một đảng viên cộng sản kiên cường, đã mưu trí đấu tranh với địch trong nhà tù đế quốc, một tướng lĩnh tài năng trong hai cuộc kháng chiến, một cán bộ lãnh đạo sắc sảo đối với một số ngành kinh tế quan trọng trong hòa bình xây dựng đất nước, như Gang thép, Cơ khí Luyện kim, Dầu khí…
 
Đồng chí Đinh Đức Thiện là người năng động và sáng tạo, có tinh thần cách mạng tiến công. Nhiệm vụ dù khó khăn đến đâu, đồng chí cũng suy nghĩ, tìm mọi biện pháp để khắc phục. Đồng chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Đồng chí đã làm một số việc mạnh bạo, có người cho là làm bừa, làm ẩu, nhưng thực ra đồng chí đã suy nghĩ, cân nhắc kĩ mới làm, để kịp thời phục vụ chiến đấu. Nhiều việc quan trọng, đồng chí đề xuất ý kiến, tập trung trí tuệ của cán bộ khoa học, kĩ thuật, giải quyết thành công như xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu, vượt núi băng đèo bằng những bộ đường ống dã chiến sử dụng trên địa hình trung bình; tổ chức đưa xe tăng vào chiến trường xa; sản xuất xe và ca nô phá bom từ trường do địch rải trên các tuyến đường sông, đường bộ…
 
Đồng chí Đinh Đức Thiện đã nhận thức được hướng phát triển của chiến tranh; vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến; tầm quan trọng của của kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Khi công tác ở các ngành kinh tế, đồng chí chăm lo xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho quốc phòng và quân đội. Khi công tác trong quân đội, đồng chí quan tâm việc tham gia xây dựng hậu phương, xây dựng vùng giải phóng, xây dựng căn cứ địa và các căn cứ hậu cần vùng giải phóng, xây dựng căn cứ địa và các căn cứ hậu cần tại chiến trường. Đồng chí Đinh Đức Thiện và đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã có công lớn trong việc xây dựng tuyến đường Trường Sơn 559, xây dựng hệ thống giao thông vận tải từ hậu phương miền Bắc tới các chiến trường, trong đó có tuyến đường ống dẫn xăng dầu, nhằm bảo đảm chi viện cho miền Nam, tạo cơ sở hạ tầng cho cơ động lực lượng và vận chuyển lớn, phục vụ đắc lực cho thời cơ chiến lược, nhất là cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
 
Là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đồng chí Đinh Đức Thiện luôn quan tâm đến đời sống của bộ đội, luôn nghĩ đến việc nâng cao mức sinh hoạt của bộ đội, nhất là ở chiến trường, cải tiến quân trang, quân dụng, vũ khí, trang bị cho gọn nhẹ, phù hợp với yêu cầu phải hành quân bộ đường dài. Đồng chí còn tham gia vào việc chỉ đạo cứu giúp nhân dân ở các vùng tuyến lửa, các vùng mới giải phóng. Khi lãnh đạo các ngành kinh tế, đồng chí cũng chăm lo việc cải thiện sinh hoạt cho cán bộ, công nhân, quan tâm tới việc tổ chức học tập, nâng cao tay nghề…
 
Đồng chí Đinh Đức Thiện là người cương trực, thẳng thắn nói lên những điều suy nghĩ của mình khi thấy là đúng cũng như trong phê bình các sai lầm, khuyết điểm. Đồng chí là người có bản lĩnh, sống giản dị, trong sáng.
 
Trong quan hệ công tác, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, tôi đã làm việc nhiều với đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần về các chủ trương hậu cần có tính chất chiến lược cũng như các công việc cụ thể lớn. Tôi đánh giá cao nhiệt tình cách mạng cũng như tài năng tổ chức của đồng chí Thiện. Đồng chí đã có công lớn trong việc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị nhanh chóng tăng cường lực lượng hậu cần cho miền Nam. Sau khi Mĩ rút quân, đồng chí đã lãnh đạo một đoàn cán bộ gần 100 đồng chí gồm các ngành Hậu cần và một số binh chủng, đi vào tiền tuyến lớn để nhanh chóng củng cố vùng giải phóng. Đồng chí đã có công lớn trong việc thực hiện chủ trương lãnh đạo của Quân ủy Trung ương: chuẩn bị hậu cần không phải từng mùa như trước đây, mà cho kế hoạch một năm rưỡi. Điều đó tạo điều kiện vật chất cho lãnh đạo tăng cường lực lượng với nhịp độ thần tốc, rút ngắn kế hoạch giải phóng miền Nam từ 2-3 năm, xuống 1 năm rồi xuống 2 tháng.
 
Đối với tôi, đồng chí Đinh Đức Thiện là một người bạn chiến đấu thân thiết, quý mến nhau, tôn trọng nhau. Năm nào cũng như năm nào, dù mùa xuân ấm áp hay mùa đông giá lạnh, đến những ngày lễ lớn, đồng chí Đinh Đức Thiện không bao giờ quên mang hoa đến chúc mừng.
 
Đồng chí Đinh Đức Thiện là tấm gương của một cán bộ trung kiên, vừa có đức vừa có tài, có bản lĩnh, cương trực bảo vệ chân lí, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chung, đoàn kết và yêu thương đồng chí, ăn ở thủy chung.

Chú thích
(*) Đây là bài phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại buổi sinh hoạt lịch sử  tưởng niệm đồng chí Đinh Đức Thiện tổ chức ở Hà Nội ngày 3-1-1997 và ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10-1-1997. Đầu đề do Ban Biên soạn đặt.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2013, 08:33:41 am »

*
*    *

Tôi đã có bài phát biểu tại buổi sinh hoạt tưởng niệm anh Đinh Đức Thiện tại Hà Nội, đã đăng trên tạp chí Xưa và nay. Ở đây xin nói thêm mấy điểm.
 
Anh Thiện là một người cán bộ trung kiên của Đảng, giác ngộ sớm, hoàn thành mọi nhiệm vụ dù khó khăn, gian khổ, khi bị bắt cũng như khi hoạt động; một người chiến sĩ cộng sản gương mẫu; một người cộng sản có đức, có tài.
 
Tôi nói có đức trước, bởi vì bây giờ ai cũng thấy anh Thiện rất gần gũi với mình, thấy anh Thiện không làm gì vì lợi ích riêng của bản thân, mà là vì lợi ích chung, vì Đảng, vì nhân dân, vì bộ đội. Đó là “đức” của anh Thiện.
 
Tôi nói điều này trước, vì Bác Hồ có nói: “đạo đức là gốc của cách mạng”. Đối với người cán bộ thì cái gốc là có đạo đức. Lúc này, chúng ta phải nêu gương, phải đề cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, quét sạch tham ô, tham nhũng, móc ngoặc, cơ hội, bè phái… Cho nên phải nêu gương anh Thiện. Anh Thiện là một người trong sáng, suốt đời phục vụ nhân dân, là một con người thẳng thắn, nghĩ gì nói nấy. Cũng có người cho rằng anh Thiện hay nói bạt mạng! Không phải đâu. Anh là con người ngang tàng nhưng có tổ chức. Tính tổ chức đó biểu hiện ở chỗ: luôn tìm cách hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng giao cho. Anh rộng rãi đối với mọi người, trong công việc, nhưng đối với bản thân thì luôn cần kiệm. Tôi biết anh Thiện có có địa phương mấy cái xe để đổi lấy thanh niên xung phong và dân công đưa vào làm đường và đặt ống dẫn dầu trong tuyến vận tải. Như vậy là để động viên thêm sức người sức của phục vụ tiền tuyến. Như thế không thể coi là không đúng nguyên tắc, là hoang phí. Cho nên tôi nói bản thân anh Thiện là một con người có đạo đức.
 
Bác Hồ có nói: Làm người và ở đời phải thương nước thương dân, đồng chí càng phải thương yêu lẫn nhau, ăn ở thủy chung; nếu không như vậy thì thế nào gọi là cách mạng?
 
Anh Thiện là một con người như vậy. Cho nên, hôm nay chúng ta nhớ anh Thiện, chúng ta thấy anh mất đi là một tổn thất lớn của Đảng, của quân đội, của gia đình, của tất cả chúng ta. Nhớ anh Thiện, thiết thực nhất là phải trau dồi đạo đức, đặc biệt trong lúc này, cơ chế thị trường có đem đến cho ta những mặt tích cực, nhưng các mặt tiêu cực cũng không ít, đang phá phách trong xã hội, thậm chí nhấn chìm nhân cách của một số cán bộ.
 
Còn về cái tài của anh Thiện, thì đó là tài toàn diện: làm kinh tế, làm hậu cần, và cả làm thơ… Khi Anh làm gang thép Thái Nguyên thì bạt đồi, xẻ núi để xây dựng một công trình mới mẻ và đồ sộ; tôi đến thăm và thầm nghĩ: “Anh này thật táo bạo, dám nghĩ, dàm làm”. Khi bắt đầu làm giao thông, thì quán triệt phương châm “giao thông đi trước”. Lúc chuyển sang làm dầu khí, thì nghiên cứu đề ra một chiến lược lâu dài về dầu khí cho đất nước. Anh là người chịu nghiên cứu sâu, có tầm nhìn chiến lược, có khả năng tổ chức. Anh cũng hay làm thơ; thơ anh có khi người ta nói là “trào phúng”, thế nhưng đọc lên nghe cũng hay, cũng vui, nhưng ý nghĩa thì rất sâu! Nói anh có tài năng toàn diện là như vậy.
 
Được điều động vào bộ đội, trong kháng chiến chống Pháp, anh Thiện làm Cục trưởng cục Vận tải, thuộc Tổng cục Cung cấp, do anh Trần Đăng Ninh và anh Trần Hữu Dực phụ trách. Anh Đức Đức Thiện đã góp phần rất quan trọng để giải quyết những khó khăn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc đó, tôi theo dõi từng ngày về tình hình lương thực chuẩn bị cho bộ đội; có một hôm thấy trên biểu đồ, lương thực tụt xuống gần con số không! Trung ương Đảng, cả Bác Hồ, anh Trường Chinh và anh Phạm Văn Đồng rất lo. Anh Nguyễn Chí Thanh phải đi Thanh Hóa để huy động. Anh Đinh Đức Thiện được phân công phụ trách một tuyến vận tải của mặt trận, lo việc chuyển gấp gạo từ các Liên Khu III, IV lên trong những giờ phút khó khăn và khẩn cấp. Lúc đó, anh đã tổ chức vận tải cả ban ngày, bất chấp máy bay địch bắn phá. Trong chiến tranh chống Mĩ, anh Thiện phụ trách chỉ đạo xây dựng tuyến vận tải chiến lược đường 559 cùng anh Đồng Sĩ Nguyên, tổ chức bảo đảm hậu cần cho bộ đội cùng nhân dân cả nước đánh thắng các kiểu chiến tranh “đặc biệt”, “cục bộ”, “Việt Nam hóa”… của địch ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc. Công lao của anh Thiện là rất lớn.
 
Tôi có nhiều dịp làm việc với anh Thiện, có khi cả với anh Thiện và anh Nguyên về các vấn đề hậu cần chiến lược. Những lần làm việc này đã để lại cho tôi những kí ức không bao giờ phai mờ. Anh Thiện đã ủng hộ anh Nguyên về mọi mặt. Tuyến 559, từ vận chuyển bằng sức người, bằng phương tiện thô sơ, đã đi lên vận chuyển cơ giới, có đội hình đại đội, tiểu đoàn, rồi tiến lên đến trung đoàn, sư đoàn xe vận tải. Muốn có nhiều xe chạy, thì phải có nhiều xăng dầu. Anh Thiện đã chỉ đạo cùng với anh Nguyên làm ra hệ thống đường ống dẫn dầu, gắn với con đường 559, chạy từ miền Bắc vào giới chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đó là một việc làm rất giỏi, rất sáng tạo.
 
Cuối năm 1972, Mĩ dùng B52 đánh phá miền Bắc dữ dội, hòng buộc ta phải nhận điều kiện quan trọng là các đơn vị bộ đội miền Bắc phải rời khỏi miền Nam. Sau trận “Điện Biên Phủ trên không”, Mĩ phải kí Hiệp định Pari. Mĩ buộc phải rút quân khỏi miền Nam, nhưng bộ đội miền Bắc vẫn ở lại. Bộ Chính trị có chủ trương phải nhanh chóng củng cố các vùng giải phóng ở miền Nam. Anh Đinh Đức Thiện đã trình ra với Quân ủy và trực tiếp làm việc với tôi về một kế hoạch hậu cần toàn diện. Anh xin dẫn đầu một đoàn cán bộ trực tiếp vào chiến trường để tổ chức thực hiện.
 
Tôi hỏi: “Cậu định làm gì, mà mang lắm quân thế?”.
 
Anh Thiện trả lời: “Khoảng gần 100 cán bộ, gồm các ngành hậu cần và cả các binh chủng… Có cả cán bộ chỉ đọa và cán bộ nghiệp vụ. Đi đến đâu, tổ chức đến đấy, đẩy mạnh việc xây dựng vùng giải phóng vững mạnh, xây dựng các căn cứ hậu cần có đầy đủ các kho tàng, các trạm quân y, các cơ sở kĩ thuật, các đơn vị sản xuất…”. Tôi thấy kế hoạch khá đồ sộ, mạnh dạn, nhưng hợp lí và cần thiết, thấy anh Thiện có quyết tâm, có khả năng làm được, nên tôi tán thành.
 
Kế hoạch của anh Thiện được Quân ủy thông qua, và được đưa vào thực hiện, đã góp phần củng cố mạnh các vùng giải phóng và tăng cường lực lượng của ta trên chiến trường. Đến khi Bộ Chính trị họp tại Đồ Sơn, đánh giá là ta mạnh. Một trong những nhân tố góp phần tăng cường sức mạnh của ta là công lao của anh Đinh Đức Thiện. Lúc đặt kế hoạch tổng tấn công và nổi dậy, Bộ Chính trị định hai ba năm, hưng khi thời cơ đến thì có thể rút ngắn. Khi tiến hành tổng tiến công, thời cơ đến: kế hoạch hai, ba năm rút xuống một năm, lực lượng tăng nhanh, bộ đội hành quân thần tốc, hậu cần vẫn bảo đảm được. Đến tháng 4-1975, thời gian rút xuống trước mùa mưa, thì lại càng thần tốc: bộ đội tăng thêm nữa, khối lượng b ảo đảm to lớn và khẩn trương hơn nữa. Đoàn 559 thân tốc mở thêm các tuyến vận chuyển để bảo đảm cho hành quân và tác chiến thần tốc. Nhờ có kế hoạch được chuẩn bị sẵn từ trước, nên hậu cần vượt được khó khăn, không gặp trở ngại lớn. Nếu như lúc đó, thời cơ đến, dù có lực lượng, dù có mệnh lệnh thần tốc, mà bộ đội thiếu ăn, xe thiếu xăng dầu, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch chiến dịch rồi. Tôi nói lên mấy điểm đó để thấy công lao của anh Đinh Đức Thiện trong những lúc khó khăn là như vậy.
 
Anh Thiện là con người dám nghĩ, dám làm, biết làm quy mô lớn. Bây giờ chúng ta thực hiện “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” mà thiếu những người như anh Thiện là rất tiếc, vì Anh sớm có tư tưởng công nghiệp lớn, và đã góp phần vào việc hiện đại hóa quân đội.
 
*
*    *

Tôi đã nói về một con người có đức, có tài và tài năng toàn diện. còn về quan hệ tình cảm của tôi với anh Thiện, đến bây giờ tôi vẫn ghi nhớ mãi hình ảnh của anh Thiện. Hằng năm, năm nào cũng như năm nào, những ngày lễ lớn đến, dù mùa xuân ấm áp hay mùa đông giá lạnh, một mình với bó hoa rất đẹp và nụ cười tươi, anh đến chơi với tôi, chúc mừng và đọc thơ. Hôm nay, bản thân tôi vẫn tràn ngập những kí ức về anh Thiện. Anh là con người tình nghĩa, kiên định, có bản lĩnh, bảo vệ chân lí, nghĩ gì dám nói, có trách nhiệm, thương yêu đồng chí, đoàn kết đồng đội, ăn ở thủy chung. Tôi nghĩ một con người như anh Thiện, đúng là một “ông Thiện”.
 
Anh Thiện ra đi để lại tấm gương sáng cho chúng ta. Trong khi chúng ta đang đứng trước những vận hội lớn, nhưng thách thức cũng rất lớn, tất cả đảng viên, đoàn viên và nhân dân ta đang tích cực tiến lên, nhưng về đạo đức cũng có bộ phận bị sa sút, chủ nghĩa cơ hội nảy nở, chúng ta càng tưởng nhớ tới anh Thiện.
 
Với tất cả tấm lòng của tôi, và của cả gia đình chúng tôi, ai cũng thương nhớ anh Thiện, tôi xin gửi những tình cảm thân thiết đến chị Xuyến, đến anh Xuân, đến cháu Lương, cháu Nhân…, đến tất cả con cháu trong nhà. Mong gia đình ta tự hào là có một người chồng, người cha, người anh như anh Đinh Đức Thiện.
 
Tôi mãi mãi nhớ anh Thiện.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2013, 08:39:25 am »

MỘT ĐỒNG CHÍ CÓ NHIỀU CÔNG LAO
VỚI CÁCH MẠNG, VỚI KHÁNG CHIẾN, VỚI QUÂN ĐỘI

Đại tướng VĂN TIẾN DŨNG

Tôi biết đồng chí Đinh Đức Thiện từ những năm tháng hoạt động bí mật, rồi đến kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng ít có dịp gặp gỡ và công tác. Đến năm 1965, đế quốc Mĩ đưa quân vào xâm lược miền Nam nước ta, tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, đồng chí Đinh Đức Thiện được Trung ương Đảng và Chính phủ điều động trở lại quân đội, làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Tôi có nhiều kỉ niệm về đồng chí.
 
Là một người có nhiều kinh nghiệm chỉ huy vận tải trong kháng chiến chống Pháp và nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi nhận lại nhiệm vụ trong quân đội, đồng chí đã đề nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mở rộng tuyến vận tải quân sự vào các chiến trường miền Nam, từ đường gùi thồ xây dựng thành mạng đường cho xe cơ giới, với nhiều trục dọc, ngang liên hòa; xây dựng tuyến đường ống dẫn xăng dầu, nối liền hậu phương miền Bắc tới các chiến trường miền Nam. Được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đồng ý và giao trách nhiệm trực tiếp phụ trách, đồng chí đã cùng Đoàn 559 quyết tâm phát triển mạnh đường vận tỉa chiến lược. Trước tình hình địch dùng cả máy bay, biệt kích và bộ binh đánh phá ác liệt, đồng chí đã chỉ đạo đánh địch, mở đường, tổ chức mạng thông tin chỉ huy. Nhiều lần đồng chí đã đi kiểm tra trên tuyến đường, tập trung lực lượng xe cộ, phương tiện kĩ thuật, tạo điều kiện cho Đoàn 559 hoàn thành nhiệm vụ. Mạng đường giao thông vận tải quân sự Trường Sơn là một kì tích trong công cuộc chống Mĩ cứu nước, là cơ sở hạ tầng cho hành quân cơ động, cho vận chuyển chi viện chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi giải phóng miền Nam và giúp cách mạng hai nước anh em.
 
Là người phụ trách công tác hậu cần, đồng chí Đinh Đức Thiện luôn suy nghĩ về chất lượng vũ khí, trang bị, bảo đảm đời sống và sức khỏe bộ đội. Đồng chí luôn lo nghĩ đến bữa ăn sao cho đủ chất lượng, đến quân trang, vũ khí, trang bị của bộ đội sao cho nhẹ, phù hợp với hành quân đi bộ đường dài vào chiến trường.
 
Đồng chí Đinh Đức Thiện có những việc làm táo bạo, kịp thời để phục vụ cho kháng chiến. Nhìn về hiện tượng thì có những việc như không đún nguyên tắc, nhưng về bản chất thì lại là thực hiện nguyên tắc cao nhất là bảo đảm cho tác chiến thắng lợi: như việc chuyển súng đạn chống tăng, súng máy cao xạ vào chiến trường Nam Bộ, kịp thời phục vụ cho chiến dịch phản công Tây Ninh, đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xity của Mĩ vào căn cứ của Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Miền; như việc cấp xe ô tô vận tải cho tỉnh Quảng Bình để có thể huy động được dân công, làm đường 10 và xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu… Có những báo cáo, những thắc mắc về các việc làm như vậy của đồng chí, nhưng Quân ủy Trung ương đã nắm được thực chất của sự việc là để phục vụ kịp thời cho tác chiến nên đã giải thích lại.
 
Trong một số chiến dịch lớn cuối cùng của kháng chiến chống Mĩ, đồng chí Đinh Đức Thiện đã đi với tôi trong đoàn đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh bên cạnh Bộ chỉ huy chiến dịch. Đồng chí đã chỉ đạo và tạo điều kiện cho hậu cần chiến dịch lúc đó có nhiều khó khăn, hoàn thành được nhiệm vụ bảo đảm tác chiến thắng lợi. Như trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và chiến dịch tiến công Quảng Trị, đồng chí đã cho xây dựng gấp tuyến đường ống dẫn xăng qua sông Gianh vào tới chiến trường, vận chuyển 5.000 tấn gạo vào Bắc sông Gianh cho tỉnh Quảng Bình, đổi lấy 5.000 tấn gạo dự trữ ở Nam sông Gianh để bảo đảm tác chiến cho mùa mưa phòng khi tuyến sông Gianh bị địch đánh phá, đường vận tải bị gián đoạn. Cùng với việc bảo đảm cho tác chiến, đồng chí còn lo cứu trợ cho đồng bào vùng mới giải phóng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, thời gian chuẩn bị rất gấp, hậu cần có nhiều khó khăn, nhưng đồng chí hứa nhất định bảo đảm đầy đủ và kịp thời cho đánh thắng, và đã làm được. Đồng chí ít khi ở sở chỉ huy, mà thường đi kiểm tra, đôn đốc việc vận chuyển trên tuyến đường chiến lược, việc tiến hành bảo đảm cho chiến dịch. Đồng chí luôn luôn xông xáo, đi sát thực tế, đã nói là làm và đã làm là đạt kết quả tốt. Bộ Tổng Tư lệnh cũng như Bộ Chỉ huy chiến dịch rất tin đồng chí.
 
Tưởng nhớ đồng chí, một người đã có nhiều công la cống hiến cho cách mạng, cho kháng chiến, cho quân đội, một người thẳng thắn, quyết tâm vượt mọi khó khăn, trở ngại để làm tròn nhiệm vụ, một người, tuy có lúc nóng tính và phóng khoáng nhưng rất tình nghĩa với anh em đồng chí, đồng đội.
 
Đã mười năm, đồng chí Đinh Đức Thiện ra đi không bao giờ trở lại. Nhưng hình ảnh và tính cách của đồng chí luôn luôn đậm nét trong tôi không bao giờ phai mờ.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2013, 08:41:55 am »

LUÔN CÓ MẶT TRÊN NHỮNG MẶT TRẬN KHÓ KHĂN NHẤT

NGUYỄN CƠ THẠCH(*)

Tôi không công tác với đồng chí Đinh Đức Thiện nhưng tôi cùng bị bắt và cùng ở tù với đồng chí Thiện. Do hợp tính nhau, trong mấy chục năm qua, hai chúng tôi thường xuyên tâm sự với nhau.
 
Đồng chí Thiện hoạt động cách mạng từ lúc 16 tuổi và hiến thân trọn đời cho cách mạng đến lúc qua đời năm 74 tuổi. Đồng chí hoạt động bí mật 15 năm và bị bắt vào tù hai lần.
 
Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong suốt 58 năm công tác, lãnh đạo Đảng đã giao cho đồng chí Thiện những trách nhiệm rất nặng nề.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Thiện làm nhiệm vụ vận tải tiếp tế cho tiền tuyến, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đại hội lần thứ III của Đảng đề ra hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, đồng thời tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam. Lúc đó đồng chí Thiện được giao nhiệm vụ trực tiếp làm Giác đốc Khu gang thép Thái Nguyên. Chúng ta đều biết, đó là cơ sở công nghiệp nặng đầu tiên và cũng là lớn nhất của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta.
 
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược, liên tục 10 năm (từ 1965 đến 1975), đồng chí Thiện được giao nhiệm vụ vận tải tiếp tế cho cách mạng miền Nam. Cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam phải dựa vào hậu phương vững chắc là miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đế quốc Mĩ đã tập trung hỏa lực đánh phá vào đường Hồ Chí Minh, tuyến đường tiếp tế huyết mạch của miền Bắc cho miền Nam, chạy dọc theo dãy núi Trường Sơn. Nhưng dưới sự chỉ đạo của đồng chí Thiện, Đoàn 559 đã đánh bại âm mưu chiến lược của địch là triệt phá đường vận tải từ hậu phương ra tiền tuyến của ta. Tuyến vận tải chiến lược vẫn giữ được thông suốt và đảm bảo đủ các nhu cầu cho quân, dân ta chiến đấu giành thắng lợi ở miền Nam.
 
Sau khi đánh thắng đế quốc Mĩ và hoàn toàn giải phóng miền Nam,Hội nghị Trung ương Đảng tháng 4 năm 1975 quyết định thống nhất đất nước và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Năm 1976 đồng chí Thiện được cử làm Bộ trưởng Dầu khí. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn có tiềm năng lớn để tích lũy vốn cho xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
 
Trong hai cuộc kháng chiến, cũng như khi xây dựng kinh tế thời bình, đồng chí Thiện đều hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ nặng nề được giao phó.
 
Đồng chí Thiện là người trực tính, rất ghét những kẻ xu nịnh và những người ưa nịnh.
 
Đồng chí là một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.

Chú thích
(*) Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2013, 09:58:11 am »

TẦM NHÌN VÀ HÀNH ĐỘNG

ĐỒNG SĨ NGUYÊN(*)

Anh đi xa đã 10 năm. Nay, Anh đang ở trong cõi không gian vô định, hòa quyện với đất, trời, sông, núi. Nhưng đồng chí, bạn bè thân thuộc, gia đình ruột thịt cảm thấy Anh vẫn ở bên chúng tôi.
 
Năm 1946, tôi may mắn được cùng học lớp Nguyễn Ái Quốc khóa I với Anh ở thị xã Hà Đông. Lúc ấy, tối đến anh em trong lớp thường quây quần bên Anh, để nghe Anh kể chuyện tiếu lâm và lẽ sống của tuổi thanh niên, vì Anh có cách nói chuyện rất sinh động, hấp dẫn.
 
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, theo chỉ thị của Trung ương, lớp học phải kết thúc để cán bộ về chỉ đạo kháng chiến ở các tỉnh, thành phố. Lúc bấy giờ, tôi mới 23 tuổi, là bậc đàn em của Anh. Thuở ban đầu, tôi mới biết anh Thiện thế đó.
 
Năm 1953, Anh Thiện làm Cục trưởng Cục Vận tải, phụ trách tổ chức vận tải chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc đó, tôi chỉ là phái viên kiểm tra của Tổng cục Chính trị. Trên đường công tác, khi qua Sở chỉ huy của anh Thiện ở Cò Nòi, Hát Lót tỉnh Sơn La, tôi ghé thăm. Anh rất mừng. Vốn là con người hóm hỉnh, mở đầu Anh nói ngay: “Thế nào, anh bạn đến kiểm tra, có cho tôi chiếc xe vận tải nào không?”. Tôi trả lời: “Thưa Anh, đi qua được biết Anh ở đây, tôi vào thăm; xe vận tải thì chỉ Anh mới có, còn tôi thì đào đâu ra”. Vừa hút thuốc lá quấn, vừa uống nước, anh Thiện lại nói vui: “Chỉ có các cậu là sướng, thắng bại ba tấc lưỡi, còn chúng tớ suốt ngày súng đạn, gạo cơm, mắm muối! Giá như lúc này mình có mấy trăm xe vận tải, cùng với mấy vạn dân công cùng ra trận, thì sức mạnh tổng hợp đó sẽ là cấp số nhân”. Tiếp theo Anh nói them về tình hình, các thuận lợi, khó khăn đang diễn ra hằng ngày. Tôi chỉ biết ngồi nghe và quan sát Anh. Với nụ cười duyên dáng hồn nhiên và cách diễn đạt công việc thẳng tuột, không dè chừng ở một chỗ nào.
 
Tôi vừa nghe, vừa ngẫm suy về một con người phụ trách vận tải chi viện ở nơi chiến trận, trong hoàn cảnh lấy gùi thồ là chính mà sớm nuôi một hoài bão, một khát vọng có một đội quân vận tải cơ giới. Lúc đó, tôi chưa đủ trình độ để nghĩ về tầm nhìn của anh Thiện. Tôi mới nghĩ thoáng qua rất nhanh “đây là con người của hướng phát triển, con người của tốc độ”. Chỉ nông cạn thế thôi, nhưng từ tình cảm ban đầu, chuyển qua mối quan hệ gắn kết giữa anh Thiện và tôi, cứ phát triển dần qua năm tháng, mà cao điểm nhất là trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 
Sau Hiệp định Giơnevơ, với nguyện vọng nung nấu sẵn có, anh Thiện được Đảng và Nhà nước giao phụ trách xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên, khu công nghiệp có quy mô lớn nhất lúc bấy giờ, đứa con đầu lòng của công nghiệp nặng, của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
 
Ngay lúc đầu mới phát triển xây dựng, với tình cảm sẵn có, tôi đến tham quan và thăm Anh. Tuy công việc bề bộn, Anh vẫn để một tiếng đồng hồ giới thiệu cho tôi biết quy mô và tiến độ xây dựng Khu Công nghiệp gang thép. Khi kết thúc câu chuyện, Anh nói: “công việc mới mẻ, nặng nề quá,muốn làm được cần phải có một vạn quân đội, cộng với công nhân và kĩ sư của Nhà nước. Anh Võ Nguyên Giáp đã hứa đưa lực lượng quyển đội chuyển ngành đến”.
 
Anh Thiện nói tiếp: “bọn mình là người trong cuộc hiểu rất rõ, bộ đội thì anh dũng có thừa, nhưng khi trong tay không có đủ đạn, đủ súng, đủ xe vận tải, đành phải rớt nước mắt, cắn răng để chấp nhận cuộc kháng chiến trường kì. Khu gang thép Thái Nguyên này ra đời là tiền đề để có các thứ nói trên, để xóa đi câu ngạn ngữ chế giễu “trừng chọi với đá”.
 
Ra về, tôi lại một dịp nữa nghĩ thêm về con người này. Từ đây, bắt đầu tôi nghĩ về tầm nhìn và hành động của anh Đinh Đức Thiện, tuy mới phôi thai.
 
Năm 1965, sau khi phụ trách chính ủy Quân khu IV và Tư lệnh bộ đội tình nguyện ở Trung, Hạ Lào bị thương trở về, tôi được Quân ủy Trung ương điều sang làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương. Đầu năm 1967, tôi làm tư lệnh Đoàn 559, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Tiền phương là trợ thủ trực tiếp giúp anh Thiện, đồng thời là Tư lệnh một Quân khu của Bộ Tổng Tư lệnh. Từ đây, sự liên hệ giữa anh Thiện và tôi là sự gắn kết giữa cấp trên trực tiếp với cấp dưới; vận hành trong một dây chuyền tổ chức thực hiện công cuộc chi viện cho các chiến trường ta và bạn ở nam bán đảo Đông Dương suốt 10 năm (Tôi phụ trách Đoàn 559 từ đầu năm 1967 đến 1975).
 
Trong 10 năm đó, tôi thực thụ đo được tầm nhìn và năng lực hành động của anh Đinh Đức Thiện. Về nguyên tắc, bất luận một cán bộ phụ trách, một cấp thực hành nào trong quân đội, muốn làm tròn trách nhiệm, không thể xa rời chủ trương, đường lối của Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Anh Đinh Đức Thiện cùng nằm trong quỹ đạo đó. Nhưng anh Đinh Đức Thiện có một tầm nhìn chiến lược độc đáo. Anh là một nhà chiến lược về công tác hậu cần trong thời đánh Mĩ,một tham mưu đắc lực có tầm cỡ của Đảng, Nhà nước, quân đội trong thời đánh Pháp, đánh Mĩ và sau khi thắng Mĩ.
 
Theo tôi biết, nhiều việc lớn, do anh phụ trách được đưa ra thực hiện, phần lớn do Anh đề nghị.
 
Riêng những việc lớn trên tuyến đường chi viện chiến lược, đường Hồ Chí Minh, từ năm 1964 trở đi, tôi biết khá đầy đủ, rõ ràng về vai trò của anh Đinh Đức Thiện là thành viên của Quân ủy Trung ương, là nhân vật chính giúp Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tuyến đường Hồ Chí Minh suốt 10 năm.

Chú thích
(*) Nguyên Tư lệnh Đoàn 59; Ủy viên Bộ Chính trị; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tư, 2013, 10:07:03 am gửi bởi anhquaynop » Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2013, 10:01:51 am »

Khi thời gian đã lùi về quá khứ, tôi mới có những năm tháng để hiểu hết chiều sâu của tầm nhìn và năng lực hành động của anh Đinh Đức Thiện.
 
Mùa khô năm 1964-1965, ở Tây Trường Sơn, trên đất bạn Lào, anh Phan Trọng Tuệ và anh Đinh Đức Thiện đã sang thử nghiệm việc vận tải cơ giới với một đơn vị vận tải 100 xe trên một cung đường dài 300 km. Ta mới bắt đầu tổ chức vận tải trong một thời gian rất ngắn, chưa hiểu được đặc điểm, quy luật đánh phá, ngăn chặn quyết liệt của địch, chưa hội tụ đủ các điều kiện tập trung thống nhất vào một đầu mối để đánh trả, nên cuộc thử nghiệm vận tải cơ giới đã không thành công.
 
Vào cuối năm 1966, Quân ủy Trung ương triệu tập một cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp để đánh giá lại việc tổ chức thực hiện vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh mùa khô 1965, đặc biệt đánh giá lại việc thử nghiệm vận tải cơ giới không thành công (tôi được dự thính). Cuộc họp này thảo luận sôi nổi, có lúc gay gắt giữa hai loại ý kiến: “có nên tiếp tục vận tải cơ giới hay quay trở lại gùi thồ?”.
 
Tôi rất ngạc nhiên, khi thấy anh Đinh Đức Thiện và anh Phan Trọng Tuệ là hai tác giả của cuộc thử nghiệm vận tải cơ giới không thành công, lại đứng dậy khẳng định: “phải lấy vận tải cơ giới là chính, kết hợp gùi thồ ở nơi và lúc thấy cần”. Hai anh vừa tự phê bình thẳng thắn, vừa dũng cảm bác bỏ ý kiến quay về vận chuyển gùi thồ. Từ đúc kết của quá trình cách mạng Việt Nam “thất bại là mẹ thành công”. Anh Thiện, anh Tuệ đã phân tích một cách lô gích sự cần thiết và cấp bách của vận tải cơ giới trong công cuộc chi viện cho các chiến trường miền Nam và hai nước bạn, do phải theo kịp hướng phát triển đi lên, vì mục đích cuối cùng phải đạt là “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Hai anh mạnh mẽ đề nghị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh hãy tập trung sức lực, trí tuệ của miền Bắc, của quân đội, sự chi viện của cá nước anh em, ưu tiên cho chiến trường miền Nam, trước hết tăng cường đồng bộ đủ mạnh cho đường Hồ Chí Minh, để thực hiện thành công công cuộc chi viện cho các chiến trường ta, bạn ở nam bán đảo Đông Dương. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, một trong các nhà chiến lược quân sự lỗi lạc của Đảng và Nhà nước ta, khi kết luận đã theo hướng đề nghị của anh Thiện và anh Tuệ, nhấn mạnh đến các điều kiện tổng hợp để bảo đảm việc thực hiện.
 
Khi giao nhiệm vụ cho tôi vào làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương ở khu vực cán xoong nam khu IV, sau khi nói rõ các nhiệm vụ, anh Thiện tâm sự: mình rất tức, vì thử nghiệm vận tải cơ giới chưa thành công, nên mới có việc bàn thụt lùi. Lần này, cậu vào chính quê cậu, tâm điểm của sự đánh phá ác liệt, hãy thực hiện cho được vận tải cơ giới có quy mô lớn để chứng minh kết luận của Quân ủy Trung ương là đúng đắn.
 
Với 750 xe vận tải, 5 tiểu đoàn của 4 binh trạm, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1966, Tổng cục Tiền phương đã lập chân hàng cho tuyến đường 559 ở các cửa khẩu đạt 75% kế hoạch cả năm, trong bối cảnh không quân Mĩ đánh phá ngăn chặn, thả bom rải thảm cả ban ngày và ban đêm.
 
Nguyên nhân thành công, chủ yếu là sức mạnh tổng hợp phải thực sự tập trung vào một mối chỉ huy, đưa công tác cầu đường lên khâu đột phá hàng đầu.
 
Đầu tháng 12-1966, anh Thiện vào Sở chỉ huy Tổng cục Tiền phương tại xã Hương Đô, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Với thái độ rất vui vẻ, vồn vã, anh nói với tôi; “Hiệp đầu ta đã thắng, Quân ủy Trung ương sẽ điều anh vào làm Tư lệnh Đoàn 559 kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Tiền phương”.
 
Rút kinh nghiệm Tổng cục Tiền phương để vận dụng vào 559, tuyến Tây Trường Sơn, Anh nói với tôi nhiều việc cần suy nghĩ để triển khai kế hoạch năm 1967 của tuyến 559, trong đó, anh nhấn mạnh: “cậu ở Bộ Tổng tham mưu có lẽ đã hiểu, trên tuyến vận tải cơ giới trong chiến tranh phải có một mạng thông tin đa phương thức thì mới chỉ huy được thông suốt. Năm 1965, tôi đã nói với Bộ Tư lệnh 559 mắc đường dây tải ba, nhưng không hiểu sao anh em làm chậm. Khi cậu vào, phải xúc tiến mạnh. Về Hà Nội tôi sẽ đề nghị với anh anh Văn Tiến Dũng, Bộ Tổng tham mưu tăng cường cán bộ, trang thiết bị thông tin, nếu thiếu tôi sẽ đề nghị với anh Lê Thanh Nghị xin thêm dây, máy của các nước anh em”. Quá trình đi đến thành công của tuyến đường Hồ Chí Minh, có nhiều mặt tổng hợp. Nhưng phải nói mạng thông tin là yếu tố quyết định thắng lợi của chỉ huy. Một mạng thông tin đa phương thức, lấy tải ba là chính, trong chiến tranh chỉ có ở tuyến đường Hồ Chí Minh là hoàn chỉnh.
 
Quá trình về sau, cán bộ chỉ huy các cấp của tuyến vận tải chiến lược, ai cũng rất tự hào về mạng thông tin này. Nhưng ít ai hiểu tác giả có tầm nhìn và năng lực hành động, tác động vào việc xây dựng mạng thông tin, chính là anh Đinh Đức Thiện. Cần nhớ lại, lúc bấy giờ, nhiều người không tin tuyến đường dây thông tin hữu tuyến tải ba dài 1.350 km lại trụ được trong điều kiện không quân Mĩ đánh phá ác liệt!
 
Theo dự tính trước, thì tuyến đường Hồ Chí Minh trong những năm đầu, thế nào cũng có nhiều khó khăn. Từ năm 1965 đến năm 1967 được bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục miền Nam chấp thuận, Chính phủ Campuchia cho phép, anh Đinh Đức Thiện đã bí mật sang Phnôm Pênh khảo sát nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ. Khi trở về, đã khẩn trương phối hợp với Hậu cần Miền để tổ chức mua lương thực ở Campuchia. Anh Thiện đã phái anh Đức Phương và một số cán bộ đóng vai nàh tư sản, tổ chức thua mua và vận chuyển lương thực cho chiến trường Tây Nguyên có hiệu quả (gọi là tuyến C4).
 
Tuy thời gian thực hiện việc này chỉ duy trì được hơn hai năm, nhưng nhờ tầm nhìn và năng lực hành động trong công tác hậu cần khá uyển chuyển, đã sử dụng được cả nhân tố quốc tế, với chế độ chính trị khác nhau.
 
Cũng tương tự như vậy, đầu năm 1970, theo dự đoán của Bộ Chính trị, Mĩ ngụy có thể mở tấn công lớn sang Campuchia, mở rộng phạm vi an toàn cho ngụy miền Nam ra xa để phá căn cứ chỉ huy và hậu cần của Trung ương Cục miền Nam, làm áp lực cho Lon Non lật đổ quốc trưởng Xihanúc, để cắt đứt tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua đất Campuchia. Đối với với thời cuộc đó, theo chủ trương của Quân ủy Trung ương, anh Đinh Đức Thiện vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tạo mọi điều kiện lập Sư đoàn hu vực 470 để lo mọi mặt chi viện cho Tây Nguyên, Nam Bộ, Đông Bắc Campuchia. Thế là từ tuyến vận tải C4, nhanh chóng đảo ngược thành hành lang chi viện ở khu vực biên giới ba nước, một địa bàn chiến lược cực kì quan trọng không thể bỏ ngỏ. Việc làm này đã đón đầu và góp phần dập tắt âm mưu cắt đứt tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua đất Campuchia. Đó là kết quả của tầm nhìn và năng lực hành động sáng tạo của anh Thiện.
 
Cuối năm 1966, khi chân hàng đã thỏa mãn ở các cửa khẩu, đúng 30 Tết âm lịch năm 1967, anh Thiện vào làm việc với Bộ Tư lệnh 559 tại Sở chỉ huy Tổng cục Tiền phương, giao tăng gấp đôi chỉ tiêu vận tải cho các chiến trường. Nếu cần những điều kiện gì, thì Bộ Quốc phòng và Tổng cục thảo mãn cho 559.
 
Do nắm chắc được tình hình bên dưới, anh Đinh Đức Thiện đã ra quyết định kịp thời để phát huy các nhân tố mới, không bỏ lãng phí. Đó chính là sự giúp đỡ cho cấp dưới phát triển một cách tự giác không phải gò ép. Vì vậy, chúng tôi nhận nhiệm vụ đó rất nhẹ nhàng, thoải mái.
 
Đầu năm 1969, trong buổi làm việc với Bộ Tư lệnh 559, Anh để nhiều thì giời trao đổi trên bản đồ, để quy định lắt đặt tuyến đường ống dẫn xăng dầu. Nét bút chì đỏ của anh Thiện chấm điểm cuối cùng của đường ống này là Bù Đăng, thuộc tỉnh Sông Bé. Anh Thiện nói: “Tôi sẽ phụ trách anh Lê Thanh Nghị sang Liên Xô, Trung Quốc xin bằng được ống, phụ kiện, máy bơm, dây thông tin. Nếu vẫn còn thiếu thì xin Nhà nước cho mua và tìm cách khắc phục trong nước. Đối với một số đồn bốt của địch còn nằm trên tuyến khi các chiến trường “nhổ” được đến đâu, ta đặt đường ống đến đấy. Vận tải hàng hóa, cơ động binh chủng kĩ thuật nhanh, lớn, cực lớn, thì tất nhiên việc chở xăng bằng phuy, bằng xe téc là lỗi thời, lại không an toàn. Đường ống dẫn xăng dầu là phương thức vận tải hiện đại, bán tự động, đó là mơ ước ta quyết làm bằng được”. Chính khách nước ngoài và nhiều người trong nước đều đánh dấu hỏi: Trong điều kiện không quân Mĩ đánh phá dữ dội như vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp tế xăng dầu như thế nào, mà lại sử dụng được đến các sư đoàn xe vận tải, cơ động bằng cơ giới từng quân đoàn, sư đoàn bộ binh, cơ động một khối lượng lớn binh chủng kĩ thuật vào đến chiến trường miền Nam xa hàng nghìn kilômét. Anh Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin nói: “Tôi đến xem bia lịch sử Bù Đăng tỉnh Sông Bé ghi đây là điểm cuối cùng của tuyến đường ống dẫn xăng dầu đường Hồ Chí Minh, tôi mới hiểu rõ, đầy đủ những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM