Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 08 Tháng Sáu, 2023, 01:19:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đinh Đức Thiện - Một chiến sĩ cách mạng trung kiên, một vị tướng hậu cần t  (Đọc 45731 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #20 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2013, 10:20:00 am »

ĐỒNG CHÍ ĐINH ĐỨC THIỆN VỚI NGÀNH HẬU CẦN
TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ, CỨU NƯỚC

Giáo sư NGÔ VI THIỆN

Đồng chí Đinh Đức Thiện là Cục trưởng Cục Vận tải trong kháng chiến chống Pháp. Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, đồng chí là Phó Chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần. Trước yêu cầu xây dựng kinh tế, đồng chí được Trung ương Đảng và Chính phủ điều động ra làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, kiêm Giám đốc khu Gang thép Thái Nguyên, cơ sở lớn nhất của ngành công nghiệp nặng Việt Nam.

Năm 1965, đế quốc Mĩ đưa quân vào miền Nam, trực tiếp xâm lược nước ta, tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc. Đồng chí Đinh Đức Thiện lại được điều động vào quân đội, làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, tham gia Quân ủy Trung ương. Trở lại quân đội, trong tình hình mới, đồng chí đã suy nghĩ nhiều về nhiệm vụ ngành Hậu cần trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, vừa để giải phóng miền Nam, vừa để bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến tới thống nhất đất nước.

Phân tích tình hình và điều kiện thực tế, đồng chí rút ra những điểm cơ bản của công tác hậu cần trong hai cuộc chiến tranh. Điểm giống nhau là trong kháng chiến chống Mĩ cũng như chống Pháp, ta đều tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, công tác hậu cần cũng phải dựa vào nhân dân, toàn dân làm công tác hậu cần. Điểm khác nhau nổi bật là tính hiện đại của chiến tranh: đế quốc Mĩ dùng ưu thế tuyệt đối về vũ khí và trang bị kĩ thuật để đánh ta; ta cũng có một số vũ khí và trang bị kĩ thuật mới để đánh lại. Tình hình đất nước ta cũng đã khác trước: có miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội làm căn cứ địa cho cách mạng cả nước, là hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh Mĩ; ta lại có sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là về vũ khí, trang bị kĩ thuật hiện đại.

Đồng chí trao đổi những nhận định đó với Đảng ủy và thủ trưởng Tổng cục Hậu cần, thống nhất nhận thức về nhiệm vụ hậu cần trong kháng chiến chống Mĩ, những quan điểm và tính chất của công tác hậu cần, những mối quan hệ trong nội bộ ngành Hậu cần, giữa Hậu cần và các ngành trong và ngoài quân đội. Đó là những vấn đề cơ bản về xây dựng và tiến hành công tác hậu cần trong suốt cuộc kháng chiến chống Mĩ(1).

Trong khi quan tâm đẩy mạnh xây dựng hậu cần quân đội, đồng chí cũng rất chăm lo chỉ đạo quân đội tham gia xây dựng và củng cố hậu phương đất nước, cùng các địa phương giữ vững giao thông vận tải, bảo đảm cho chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mĩ đối với miền Bắc, cứu trợ nhân dân vùng tuyến lửa và vùng mới giải phóng. Những lần đi vào các chiến trường, đồng chí đã góp ý kiến và trực tiếp chi viện cho việc xây dựng hậu phương tại chỗ, chỉ đạo hậu cần chiến trường tham gia xây dựng căn cứ địa, vùng giải phóng, căn cứ hậu cần trên từng địa bàn. Khi đến Tây Nguyên đầu năm 1973, đồng chí đã kịp thời chỉ đạo giải quyết được nạn đói đang đe dọa bộ đội và nhân dân địa phương lúc đó.

Vể bảo đảm hậu cần, phải có đường giao thông vận tải thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến. Được Quân ủy Trung ương phân công trực tiếp chỉ đạo tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, đồng chí Đinh Đức Thiện, đã tập trung mọi khả năng xây dựng tuyến đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường miền Nam và hai nước láng giềng. Sự nỗ lực của hậu phương với công sức, mồ hôi và xương máu của bộ đội cùng các lực lượng thanh niên xung phong, dân công, vừa đánh địch vừa mở đường dưới bom đạn ác liệt của địch, đã tạo nên mạng đường vận tải chiến lược với hệ thống đường ô tô có chiều dài gần 17.000 km và hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài hơn 5.000 km, trên dải Trường Sơn hiểm trở. Đồng chí Đinh Đức Thiện còn chỉ đạo và tạo điều kiện cho các chiến trường, mở các đường vận tải chiến dịch sử dụng xe cơ giới. đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 1975, các chiến trường miền Nam đã có mạng đường vận tải chiến dịch có chiều dài hơn 6.000 km, nối tuyến vận tải chiến lược vào tới gần các tuyến đường ô tô trong vùng địch còn kiểm soát. Nhờ đó khi phát triển tiến công, xe tăng và cơ giới ta có thể thọc sâu vào dinh lũy cuối cùng của địch nhanh chóng.

Đồng chí Đinh Đức Thiện đã suy nghĩ nhiều về tính chất hiện đại của cuộc chiến tranh chống Mĩ. Ta có vũ khí, trang bị kĩ thuật hiện đại do các nước anh em giúp đỡ; phải làm sao phát huy được hiệu quả chiến đấu cao nhất, làm sao giữ gìn được, làm sao bảo đảm được kĩ thuật? Đế quốc Mĩ có nền khoa học hiện đại, lại rất giàu. Chúng sẽ ra sức phát huy ưu thế của vũ khí, trang bị kĩ thuật, nhằm hủy diệt ta, “đưa Bắc Việt Nam trở về thời kì đồ đá” như chúng đe dọa, để hòng ngăn chặn kì được công cuộc chi viện của hậu phương cho tiền tuyến. Ta phải làm gì để hạn chế sức mạnh của địch.

ồng chí đã tập hợp được đội ngũ cán bộ khoa học - kĩ thuật, dựa vào Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, dựa và các Viện kĩ thuật của quân đội và của các ngành. Đồng chí cũng lấy ý kiến của các cán bộ và chiến sĩ đã trực tiếp sử dụng vũ khí và trang bị. Từ thực tiễn đó, đồng chí đã có những gợi ý và khuyến khích cán bộ và công nhân kĩ thuật cải tiến cả vũ khí, trang bị của các nước anh em sản xuất, cho phù hợp với điều kiện và đặc điểm chiến đấu ở Việt Nam, với con người Việt Nam. Đồng chí cũng lắng nghe những người đã trực tiếp chiến đấu với vũ khí của địch để tìm ra cách đối phó có hiệu quả. Khi các đề tài nghiên cứu thành công, đồng chí đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất và kịp thời đưa vào sử dụng ở chiến trường.

Đồng chí đã suy nghĩ và góp ý về việc đưa xe tăng vào các chiến trường miền Nam. Khó khăn lớn nhất cần phải khắc phục là máy móc, và một số bộ phận, chỉ hoạt động được một thời gian, rồi sẽ hỏng; do đó, xe chỉ chạy được trên một cư li nhất định. Đồng chí chủ trương: cứ cho xe tăng chạy trên đường dài vào các chiến trường; đồng thời cho xe vận tải chở máy tổng thành cùng với xích, trục và một số phụ kiện thay thế cần thiết đi theo. Tới chiến trường, thay các bộ phận hư hỏng, thì xe tăng lại có chất lượng tốt, vì thân xe, súng, pháo không bị ảnh hưởng bao nhiêu trong cơ động. Do đó, trong tiến công chiến lược năm 1972, ta có xe tăng chiến đấu ở Tây Nguyên; đến tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, xe tăng đã tham gia chiến đấu trên tất cả các chiến trường miền Nam.

Để cung cấp xăng dầu cho xe cơ giới sử dụng ngày càng nhiều trên tuyến vận tải chiến lược và các chiến trường, không thể cứ dùng phương thức vận chuyển xăng dầu bằng xe téc hay thùng phuy như cũ vì dễ bị địch đánh phá gây tổn thất lớn và không bảo đảm được nhu cầu. Đồng chí đã chỉ đạo ngành xăng dầu quân đội đưa các bộ đường ống dã chiến của Liên Xô và Trung Quốc (thường để dùng ở cấp chiến dịch trong địa hình trung bình với cự li 100 km), ra xây dựng thành tuyến đường ống chiến lược dài hàng trăm kilômét, vượt qua nhiều đèo cao, suối sâu trên dãy Trường Sơn, dẫn xăng dầu từ hậu phương miền Bắc vào tới miền Đông Nam Bộ.

Chú thích
(1) Bộ Tham mưu hậu cần đã dựa vào đó biên soạn thành tài liệu Mấy vấn đề cơ bản về công tác hậu cần, để huấn luyện cho hậu cần toàn quân trong kháng chiến chống Mĩ.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #21 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2013, 10:21:42 am »

Về mặt quân sự, đồng chí không phải là một người chỉ huy tác chiến, không phải là nhà khoa học, nhưng là một vị tướng mưu trí, sáng tạo, nên đã có nhiều ý kiến độc đáo trong chỉ đạo khoa học kĩ thuật phục vụ chiến tranh về chiến lược, về chiến dịch và cả về chiến thuật để đánh địch, bảo vệ mình. Thí dụ như: để chống không quân địch trên tuyến vận tải, đồng chí đã đề ra các phương án chiến đấu chống máy bay địch đánh phá đường, cầu, đánh chặn các đoàn xe vận tải chạy đêm. Đồng chí đã gợi ý việc đưa tên lửa vác vai lên các điểm cao ven đường đón đánh máy bay AC130, vì loại máy bay này đã gây nhiều tổn thất cho ta. Kết quả, ta đã bắn rơi được một số AC130, hạn chế được tác dụng của chúng, làm cho các lái xe yên tâm, không lo lắng khi đi làm nhiệm vụ.

Đối với các kho tàng dự trữ ở hậu phương cũng như trên tuyến vận tải, đồng chí cùng Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần chỉ đạo việc bố trí phân tán và kín đáo để tránh bị tổn thất khi máy bay địch đánh phá, nhưng có thể tập trung nhanh để bảo đảm cho vận tải khối lượng lớn. Kho xăng dầu được rải dọc tuyến vận tải, chôn giấu dưới đất hoặc để trong hang đá, địch không đánh phá được, hưng vẫn đảm bảo cung cấp thuận tiện cho các đoàn xe cơ giới. Đồng thời với việc dựa vào nhân dân để bảo vệ và giữ bí mật, đồng chí còn chỉ đạo thực hiện các biện pháp nghi binh để đánh lừa địch, để thu hút bom đạn của máy bay địch đánh vào các mục tiêu giả.

Đồng chí Đinh Đức Thiện quan tâm thường xuyên đến việc bảo đảm sinh hoạt và sức khỏe bộ đội; chăm lo việc nuôi dưỡng bộ đội, nhất là những người trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường; yêu cầu bảo đảm cho bộ đội được ăn no, đồng thời từng bước cải tiến chất lượng bữa ăn. Đồng chí đã chỉ đạo việc nghiên cứu các mẫu thực phẩm khô, lương khô, đồ hộp có chất lượng cao, đề nghị các nước anh em sản xuất và viện trợ cho ta để cung cấp cho bộ đội ở chiến trường và lái xe trên tuyến vận tải.

Về mặt quân trang, quân dụng, đồng chí nêu ra yêu cầu phải bảo đảm chất lượng nhưng phải gọn, nhẹ, mau khô, phù hợp với thể chất con người Việt Nam, điều kiện khí hậu, thời tiết của chiến trường, nhất là ở miền Nam Việt Nam.

Đồng chí thường trao đổi với Cục Quân y về các biện pháp để giữ vững và nâng cao sức khỏe bộ đội, làm tốt công tác vệ sinh, phòng bệnh, nhất là phòng chống sốt rét, phòng chống chất độc hóa học của Mĩ. Đồng chí cũng chú trọng vào chỉ đạo xây dựng các cơ sở điều trị thương, bệnh binh ở chiến trường, tăng cường cán bộ chuyên môn, trang bị kĩ thuât và thuốc men, lương thực, thực phẩm, đề nâng cao chất lượng điều trị tại chỗ, trả nhanh quân số chiến đấu về các đơn vị. Đặc biệt là việc chuyên thương, bệnh binh từ chiến trường về hậu phương miền Bắc đã dần dần được cơ giới hóa, giảm nhẹ khá nhiều nhiệm vụ điều trị và chuyển thương cho chiến trường và tuyến vận tải.

Trong việc bảo đảm thuốc men cho chiến trường, đồng chí đã chỉ thị cho ngành quân y, đào tạo nhiều dược sĩ biết pha chế thuốc, đưa vào chiến trường, đồng thời chuyển dược phẩm và hóa chất vào để giúp chiến trường sản xuất thuốc tại chỗ.

Đồng chí rất chú trọng chỉ đạo chặt chẽ việc đóng gói các vật phẩm chi viện, để sau chặng đường dài vận chuyển, xe chạy đêm tối trên đường xấu, qua nhiều đèo dốc, các kiện hàng phải bốc lên, xếp xuống, quăng quật nhiều lần nhưng khi vào đến chiến trường, đến tay bộ đội vẫn bảo đảm số lượng đủ và chất lượng tốt.

Đồng chí Đinh Đức Thiện là người tổ chức và chỉ đạo hậu cần chiến lược nhưng rất xông xáo, luôn luôn tìm hiểu thực tế bộ đội, thực tế chiến trường, tự mình đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ. Là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần trong 10 năm chiến tranh chống Mĩ ác liệt, đồng chí đã ba lần vào chiến trường Nam Bộ, một lần vào Tây Nguyên để kiểm tra và chỉ đạo công tác hậu cần, nhiều lần vào làm việc với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn và tuyến đường 7 - Cánh đồng Chum, trực tiếp vào chỉ đạo tiền phương Tổng cục Hậu cần (Đoàn 500) ở nam Quân khu IV vào thời điểm địch đánh phá ác liệt nhất (1968), trực tiếp chỉ đạo công tác hậu cần chiến dịch đường 9 - Nam Lào (1971) và cuộc tấn công chiến lược Bình Trị Thiên (1972). Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí làm nhiệm vụ Phó Tư lệnh phụ trách hậu cần và kĩ thuật.

Đồng chí là người xây dựng ngành hậu cần về lí luận, cũng như về tổ chức, về cán bộ cũng như về cơ sở vật chất kĩ thuật, cả ở hậu phương cũng như trên các chiến trường. Trên cơ sở đó, đồng chí đã chỉ đạo ngành hậu cần hoàn thành được nhiệm vụ bảo đảm cho quân đội cũng như toàn dân giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Trong cuộc chiến tranh cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược kéo dài 30 năm để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, ngành hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam đã có được hai người lãnh đạo và chỉ huy kiệt xuất là đồng chí Trần Đăng Ninh và đồng chí Đinh Đức Thiện.

Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Trần Đăng Ninh là người lãnh đạo thao lược, tài đức, đã xây dựng nền móng cho ngành hậu cần về quan điểm tư tưởng và tổ chức hậu cần trong chiến tranh nhân dân, bảo đảm cho kháng chiến chống tên Đế quốc thực dân cáo già thắng lợi. Trong kháng chiến chống Mĩ, đồng chí Đinh Đức Thiện là người tài trí, sáng tạo, đã nâng công tác hậu cần lên một tầm vóc mới, tổ chức hậu cần quân đội vững mạnh kết hợp với tổ chức hậu cần nhân dân trong điều kiện mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp của hậu cần toàn dân, bảo đảm giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống tên đế quốc đầu sỏ rất giàu và rất mạnh.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Đinh Đức Thiện là một tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #22 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2013, 10:22:59 am »

LUÔN LUÔN QUAN TÂM KẾT HỢP KINH TẾ VỚI QUỐC PHÒNG

Thiếu tướng NGUYỄN HỮU LỄ(*)

Một đặc điểm của đồng chí Đinh Đức Thiện là khi làm công tác ở quân đội, cũng như khi phụ trách các ngành kinh tế, đồng chí đều luôn chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng ới kinh tế.

Chỉ đạo làm ra gang, thép cho đất nước

Sau khi chiến tranh chống Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kì khôi phục và phát triển kinh tế, đồng chí Đinh Đức Thiện được Đảng và Nhà nước điều động ra phụ trách xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên, một công trình công nghiệp lớn nhất và cũng khó khăn nhất. Nhận nhiệm vụ này, anh tìm ngay ra biện pháp hợp lí và hữu hiệu nhất lúc đó là dựa vào lực lượng bộ đội.

Anh xin Chính phủ và Bộ Quốc phòng chọn gần một vạn cán bộ và chiến sĩ cùng một số cán bộ và công nhân các ngành kinh tế, đưa lên Gia Sàng (Thái Nguyên) phá núi, san đồi xây dựng Khu gang thép rộng hàng trăm hécta với nhiều hạng mục công trình đồ sộ và phức tạp. Việc sử dụng bộ đội xuất ngũ làm công trình, vừa giúp Khu Công nghiệp có ngay một nguồn nhân lực có tính kỉ luật và tổ chức cao, vừa giúp Nhà nước và quân đội giải quyết công ăn việc làm và đào tạo nghề nghiệp cho một số khá đông bộ đội dời quân ngũ, trở thành những cán bộ và công nhân cốt cán cho các ngành kinh tế sau này. Trong quá trình thi công, những lúc cần tập trung thêm nhiều nhân lực, anh đã đến nhờ các đơn vị bộ đội ở gần, đưa quân đến hỗ trợ. Ngược lại, khi các đơn vị bộ đội cần xe vận tải, xe ủi, và các máy móc xây dựng, để làm doanh trại, thì anh lại sẵn sàng đưa đến giúp.

Anh cùng Đảng ủy Khu Gang thép lãnh đạo cán bộ, chiến sĩ, công nhân vật lộn với trăm, nghìn khó khăn cho một công việc mới mẻ, vừa làm, vừa mày mò học tập, trong điều kiện thiết bị sản xuất của bạn giúp đỡ còn lạc hậu, cán bộ kĩ thuật chuyên ngành chưa có, mà trình độ của chuyên gia bạn thì cũng còn hạn chế.

Qua gần 4 năm phấn đấu đầy gian nan, vất vả, vượt qua nhiều thử thách, Khu gang thép Thái Nguyên, đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp nặng Việt Nam đã hình thành. Từ cuối năm 1963, những mẻ gang đầu tiên đã ra lò và được đưa ra chế tạo nông cụ, một số bộ phận máy móc, đúc vỏ lựu đạn cho bộ đội và cả đưa đi xuất khẩu.

Có thể nói: Khu gang thép là công trình đồng chí Đinh Đức Thiện lãnh đạo hoàn thành được bằng phương thức kết hợp kinh tế với quốc phòng, và cũng vì mục đích kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Năm 1964, Khu gang thép mới nấu được gang, nhưng chưa luyện được gang thành thép. Mà ta thì lại đang rất cần thép. Đồng chí Đinh Đức Thiện đã xin Nhà nước cho nhập nhiều thiết bị nấu thép cỡ nhỏ (lò hồ quang, lò cảm ứng) để bổ sung trang bị cho các nhà máy công nghiệp và nhà máy quốc phòng. Sau này, khi đế quốc Mĩ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, ném bom hủy diệt Khu gang thép Thái Nguyên, làm sản xuất ngừng trệ, thì các lò thép nhỏ đã phát huy tác dụng lớn trong việc cung cấp vật liệu cho sản xuất, sửa chữa máy móc, xe cộ, vũ khí, phục vụ cho nhu cầu kinh tế và nhất là cho quốc phòng.

Người lãnh đạo hậu cần xuất sắc của thời đánh Mĩ

Đầu năm 1965, đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh ra cả nước, đồng chí Đinh Đức Thiện được điều động trở lại quân đội làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Nhiệm vụ chủ yếu của công tác hậu cần trong giai đoạn này là tổ chức bảo đảm vật chất và kĩ thuật cho cuộc chiến tranh chống Mĩ trên cả nước: tích cực chi viện nhân lực, vật lực cho miền Nam chiến đấu, đồng thời đảm bảo mọi mặt để đánh thắc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của địch. Anh đã chấn chỉnh bộ máy sửa chữa, chế biến… của quân đội. Và đặc biệt, anh đã chỉ đạo phát triển tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, mở rộng, phát triển những “đường mòn” thành những “đại lộ”, có chiều dài tổng cộng trên 1 vạn kilômét; lấy phương châm “vận tải cơ giới là chủ yếu”, lúc đầu sử dụng trên dưới một nghìn xe tải, rồi tiến lên tới gần 1 vạn xe. Để bảo đảm xăng dầu, anh cho xây lắp tuyến đường ống dẫn dầu từ biên giới phía bắc vào đến miền Đông Nam bộ. Anh cho đưa nhiều lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công, xao xạ… vào đường Trường Sơn, thực hiện chủ trương chủ động, tích cực mở đường mà đi, đánh địch mà đi.

Để làm được nhiệm vụ vô cùng nặng nề và khó khăn này, anh đã hết sức tranh thủ sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến. Anh thường xuyên báo cáo tình hình và xin chỉ thị của các đồng chí lãnh đạo cấp trên, mà trực tiếp là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp và các Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Đỗ Mười. Đảng và Nhà nước đã tập trung lãnh đạo chiến tranh, đã rất quan tâm bảo đảm đủ nhu cầu vật chất cho hai miền đánh giặc. cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng đã theo dõi và đôn đốc hằng ngày công tác chi viện miền Nam. Trung ương Đảng và Chính phủ đã đưa đồng chí Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng, đồng chí Nguyễn Tường Lân, Thứ trưởng và một số cán bộ có năng lực của bộ Giao thông vận tải vào chiến trường tham gia cùng đồng chí Đinh Đức Thiện và các cán bộ quân đội, làm nhiệm vụ mở đường và tổ chức vận tải trên tuyến chi viện chiến lược. Để có đủ phương tiện, đồng chí Đinh Đức Thiện đã xin Nhà nước dành cho quân đội hầu như toàn bộ số xe vận tải mới, được nhập hằng năm qua đường kinh tế. Đồng thời, anh cũng để nghị huy động phần lớn xe vận tải 3 cầu, xe ủi đất, xe lu, xe ben… cùng nhiều lái xe, kĩ sư và công nhân kĩ thuật của các ngành kinh tế, vào phục vụ trong quân đội.

Trong việc xây dựng đường ống, có nhiều khó khăn phải giải quyết. Mấy nghìn kilômét ống dã chiến được viện trợ vẫn chưa đủ, anh đã đề nghị huy động thêm loại ống hàn dự trữ trong kho của Bộ Vật tư. Thiếu máy bơm, anh đã giao nhiệm vụ cho các kĩ sư khí tài xăng dầu, kết hợp với những cán bộ kĩ thuật giỏi của Bộ Cơ khí luyện kim, cắt bổ một máy bơm hiện đại của Liên Xô ra nghiên cứu, đo đạc, thiết kế, rồi giao cho các nhà máy trong và ngoài quân đội kết hợp sản xuất ra hàng loạt máy bơm, cung cấp cho tuyến đường ống.

Khi đế quốc Mĩ rải bom và thủy lôi từ trường, lúc đầu, giao thông, vận tải cũng bị trở ngại khá nhiều. Đồng chí Đinh Đức Thiện đã chỉ đạo Viện Kĩ thuật quân sự hợp tác cùng một số cán bộ kĩ thuật của Nhà nước, tìm biện pháp khắc phục. Sau một thời gian kiên trì nghiên cứu, qua nhiều thử nghiệm, không quản hi sinh, gian khổ, các cơ quan kĩ thuật trong và ngoài quân đội đã thiết kế, chế tạo được các máy phát ra từ trường mạnh, đặt trên xe bọc thép và ca nô không người lái, cùng những thiết bị phóng từ thô sơ, gây nổ phá bom từ trường có hiệu quả. Nhờ đó, các tuyến giao thông trên bộ, trên sông, trên biểu của ta đều được giải tỏa. Âm mưu phong tỏa của địch đã bị thất bại hoàn toàn.

Trong chiến tranh, tuyến vận tải chiến lược đã chuyển được trên một triệu tấn vật phẩm, và đưa được hàng chục vạn quân vào chiến trường, đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã đóng góp to lớn vào cuộc chiến tranh chống Mĩ, giải phóng miền nam. Đây cũng là một công trình kết hợp quốc phòng với kinh tế mà đồng chí Đinh Đức Thiện đã dành nhiều công sức để tổ chức và chỉ đạo.

Chú thích
(*) Nguyên Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần; Phó Tư lệnh Quân khu 1.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #23 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2013, 10:25:33 am »

Lo công việc chung của nước với tầm nhìn chiến lược toàn diện

Trong kháng chiến, khi thấy đồng chí Đinh Đức Thiện đưa các phương tiện và nhân lực bên ngoài vào quân đội, cũng có những ý kiến cho là bản vị, cục bộ. Nhận xét là là không đúng! Những việc điều động này nếu không được các cấp có thẩm quyền của Nhà nước xét và cho phép, thì chắc không thể thực hiện được.

Nhưng ngay trong thời chiến, không phải lúc nào đồng chí Đinh Đức Thiện cũng chỉ chăm lo công việc quốc phòng. Là một cán bộ, đã từng lãnh đạo kinh tế, anh đã luôn luôn tham gia ý kiến về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, vận tải, xây dựng căn cứ địa v.v. với các tỉnh và nhiều lần đã tìm cách giúp đỡ thiết thực cho các vùng mới giải phóng và các địa phương kế cận chiến trường khôi phục và phát triển kinh tế.

Hằng năm, ta thường đề nghị các nước anh em viện trợ cho một số mặt hàng cần thiết cho chiến đấu và bảo đảm đời sống. Là một cán bộ lãnh đạo ở Trung ương, đồng chí Đinh Đức Thiện nắm được tình hình chung, hiểu biết mối hành quân giữa các nước, nhất là xu hướng và ý đồ của các nước lớn. Cho nên, trong những năm 1970 - 1972, anh đã chỉ đạo đề ra các đơn hàng xin viện trợ có khối lượng khá lớn đối với các nước. Cũng có ý kiến không nhất trí, cho là: “Xin nhiều thế là tham lam quá, dùng không hết sẽ lãng phí, và bạn sẽ không đáp ứng đâu!”. Nhưng anh lại quan niệm: “Ta đánh Mĩ, trước hết là vì, ta, nhưng ta cũng kìm chân, kìm tay tế đế quốc đầu sỏ, các nước lớn cũng được lợi. Ta đánh được Mĩ thua đau, thì họ càng có thêm thế mạnh để mặc cả với Mĩ. Do đó, họ có thể viện trợ cho ta nhiều. Lúc này, thời cơ thuận lợi, ta cứ mạnh dạn đề ra những thứ ta cần, không những để dùng cho trước mắt mà còn dự trữ cho tương lai, đề phòng khi tình hình thế giới diễn biến khác đi…”. Quả nhiên, quan hệ giữa các nước lớn dần dần thay đổi theo chiều hướng nhích lại gần nhau. Từ 1973 trở đi, mặc dầu Hiệp định Pari được kí kết, cuộc chiến tranh ở miền Nam nước ta vẫn tiếp diết không kém phần gay go, ác liệt, nhưng viện trợ của các nước anh em thì đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta vẫn có đủ vũ khí, đạn dược, phương tiện để mở những trận đánh lớn, giải phóng miền Nam, là nhờ có tính toán, dành dụm, tích lũy từ những năm trước.

Trong khi ta gửi đơn hàng xin viện trợ, một số nước bạn cũng nói thật, do khó khăn về kinh tế, nên không thể giúp ta được các loại xe cộ và vũ khí mới. Nếu ta đồng ý nhận các loại cũ thì có thể cho được nhiều. Có ý kiến cho rằng: “Nhận đồ cũ về làm gì, mất công vận chuyển mà tác dụng chẳng được bao nhiêu”. Đồng chí Đinh Đức Thiện không nhất trí và nói: “Xe mới, người ta có ít không cho được, nhưng có thể cho nhiều xe cũ còn dùng được, thì ta cũng cứ lấy, không dùng ở tiền tuyến được thì cho chạy ở hậu phương; trong quân đội không dùng, thì đưa ra cho kinh tế, còn hơn là phải sử dụng dân công gánh bộ hay chở bằng xe bò. Còn súng, pháo cũ, bộ đội chủ lực không dùng thì đưa cho dân quân; dân quân không dùng được thì cho vào lò nấu, ta sẽ được loại thép thật tốt, mà còn lâu ta mới sản xuất được. Còn vận chuyển thì ta cũng không phải lo, vì xe lửa của bạn sẽ đưa đến, ta có mất công gì nhiều đâu!”.

Khi nhận được hàng viện trợ, anh thường xem những loại vật tư xin qua đường quân sự được nhiều, mà các ngành kinh tế của Nhà nước cũng cần, thì báo cáo với cấp trên điều động ra một phần cho các ngành kinh tế. Anh cũng đem một số xe cấp cho các địa phương để đổi lấy thêm dân công ngoài kế hoạch, tăng cường nhân lực làm đường và xây dựng đường ống trên tuyến vận tải. Trong quân đội, cũng có người nói như thế là “làm ẩu, vô nguyên tắc”. Nhưng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương thì hiểu, thông cảm việc anh làm là hợp lí, là cần thiết để bảo đảm nhu cầu cho bộ đội, cho tác chiến.

Những người đã quen biết, đã làm việc với anh, đều nhận thấy đó là một con người tận tụy, luôn luôn lo lắng cho công việc chung, biết nhìn xa trông rộng, thấy thế nào là đúng, có lợi cho sự nghiệp cách mạng, thì cứ làm, dám chịu trách nhiệm về công việc mình làm, không sợ bị hiểu lầm hoặc thành kiến.

Không phải anh chỉ quan tâm kết hợp kinh tế với quốc phòng vì lợi ích trước mắt, mà còn nhìn đế cả tương lai, khi chiến tranh kết thúc. Như khi bắt đầu làm con đường Trường Sơn, thì anh đã tính là trong thời bình, đó sẽ là con đường bộ chủ yếu của đất nước, xuyên suốt Bắc - Nam. Tuyến đường ống, không chỉ vận hành cho nhu cầu Quân đội, mà ngay trong thời chiến, đã bơm cả xăng dầu phục vụ kinh tế ở các tỉnh từ Nam Hà vào đến Vĩnh Linh. Và cho đến sau chiến tranh, ngành vật tư của Nhà nước vẫn thông qua tuyến đường ống này, để bơm xăng cho các tỉnh phía bắc của miền Trung, và từ đây, kéo dài đường ống qua biên giới, sang đất Lào để cung cấp nhiên liệu cho bạn.

Đối với anh, tư tưởng bản vị, cục bộ hầu như rất xa lạ. Khi vào các vùng mới giải phóng, thấy mùa màng bị chất độc hóa học phá hoại, dân bị đói, anh đã ra lệnh xuất một phần lương thực, thực phẩm dự trữ của bộ đội để cứu đói cho dân, và cho đem xe ủi đất (để làm đường), đi san lấp hố bom, khôi phục lại ruộng đất canh tác. Trong những năm 1975 - 1976, ở miền Nam, nhiều nơi bị thiếu lương thực, nhất là một số đô thị, anh đã đề nghị Chính phủ chở từ miền Bắc vào mấy chục vạn tấn bột mì (là hàng viện trợ ta còn dự trữ được), cung cấp cho các địa phương, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính vì anh là người có tầm nhìn chiến lược sâu sắc và toàn diện, luôn luôn biết chăm lo kết hợp kinh tế với quốc phòng, nên sau khi giải phóng miền Nam, anh đã được Đảng và Nhà nước cử làm Phó Ban đại diện thường trực của Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, phụ trách công tác kinh tế. Rồi đến những năm sau đó, anh lại được cử làm Bộ trưởng Dầu khí, Bộ trưởng Giao thông vận tải, là những ngành kinh tế mũi nhọn, có quan hệ mật thiết đến cả kinh tế và quốc phòng.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #24 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2013, 10:27:41 am »

ANH ĐINH ĐỨC THIỆN, NGƯỜI MÀ TÔI
VÔ CÙNG QUÝ MẾN VÀ KÍNH TRỌNG

Thiếu tướng VŨ VĂN ĐÔN(*)

Một tin đột ngột!

5 giờ sáng ngày 21-1-1987, tôi đang nằm ngủ ở nhà, bỗng có tiếng đập cửa ầm ầm, kèm theo tiếng gọi thất thanh:

- Anh Đôn ơi, anh Đôn ơi!

Tôi giật mình, hỏi: “Ai đấy, ai đấy?” và vội vàng chạy ra mở cửa.

- Em, em Long đây. Anh Đôn ơi, anh Thiện chết rồi… (Long là bí thư riêng của anh Thiện).

- Sao? Long nói gì? Anh Thiện chết? Tôi bàng hoàng quá! Long gục đầu vào vai tôi, nức nở khóc: “Anh Đôn ơi, anh Thiện chết rồi!”.

- Làm sao anh Thiện lại chết? Hôm kia tôi còn thấy anh Thiện đi xe với các cầu cơ mà? Tôi rất ngạc nhiên, hỏi lại.

- Vâng, anh Thiện chết rồi, chết thật rồi! Chết vì tai nạn!

Không nén nổi xúc động, tôi kéo Long ngồi xuống ghế, hai anh em ôm nhau cùng khóc!

Tôi được tin anh Thiện qua đời là như vậy!

Anh Thiện mất rồi! Anh Thiện là người mà tôi vô cùng quý mến và kính trọng!

Từ 5, 6 năm nay, tôi có lệ hằng ngày dành ra 15-20 phút, thanh thản, tĩnh tâm ngồi để tưởng niệm tới Bác Hồ, bố mẹ hai bên nội ngoại, các anh, chị ruột tôi, các thủ trưởng mà tôi quý mến và kính trọng nhất, các bạn bè chí cốt… tất cả đề đã mất, trong số đó có anh Đinh Đức Thiện.

Anh là người đã trực tiếp chỉ huy tôi, đã dìu dắt, giúp đỡ tôi, luôn luôn tạo điều kiện cho tôi hoàn thành nhiệm vụ trong hai cuộc kháng chiến…

Anh Đinh Đức Thiện trong kháng chiến chống Pháp

Cuối năm 1949, Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới. Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Cục Vận tải để chuẩn bị các chiến dịch lớn. Đồng chí Đinh Đức Thiện là ủy viên Thường vụ Liên Khu ủy Việt Bắc được Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng cử làm Cục trưởng. Thời gian đó, tôi đang làm Trưởng Phái đoàn mậu dịch quốc phòng thì được cử làm Cục phó.

Lúc mới về, tôi có phần e dè, ngần ngại vì chưa quen tiếp xúc với các cán bộ ở Cục, phần lớn là cấp ủy viên ở các địa phương mới được Đảng điều vào quân đội. Nhưng qua các buổi làm việc, các buổi họp, tôi cảm thấy anh Thiện là một người nghiêm khắc, không mềm mỏng, có lúc xuề xỏa, bỗ bã, nhưng rất thẳng thắn, không khách sáo, nên tôi cũng yên tâm hơn.

Cuối tháng 6-19590, một hôm đi họp trên Bộ Quốc phòng về, anh Thiện gọi tôi lên phổ biến: Trung ương quyết định mở chiến dịch ở biên giới. Chiến dịch sẽ đánh lớn; ta sẽ được các nước Liên Xô, Trung Quốc viện trợ súng đạn, lương thực, quân trang, quân dụng và cả ô tô vận tải… Anh cử tôi thay mặt Cục đi theo anh Trần Đăng Ninh - Ủy viên Trung ương, Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp lên Cao Bằng để lo công tác vận tải phục vụ chiến dịch. Anh cho tôi chọn lấy một số cán bộ ở Cục đem đi tổ chức một bộ máy vận tải chiến dịch. Anh hứa sẽ qua lại thường xuyên và cần gì thì điện hoặc nhắn về, Anh sẽ hết sức giúp đỡ. Anh yêu cầu tôi chuẩn bị gấp để đầu tháng 7 anh Ninh gọi là đi được ngay.

Chiến dịch Biên giới là chiến dịch đánh vận động lớn đầu tiên của Quân đội ta, sử dụng nhiều đơn vị chủ lực. Khối lượng vật chất phải vận chuyển để cung cấp cho bộ đội khá lớn.

Kết quả chiến dịch: ta thắng lớn, tiêu diệt được nhiều đơn vị tinh nhuệ của địch, thu được khá nhiều chiến lợi phẩm, giải phóng được một vùng biên giới, mở được đường liên lạc với quốc tế, khai thông được đường vận tải ô tô từ biên giới xuống Trung du Bắc Bộ… Những nhấn tố đó đã tạo điều kiện để đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, đồng thời cung tác động rất thuận lợi để phát triển công tác vận tải quân sự phục vụ cho nhiệm vụ đánh lớn của bộ đội.

Kết thúc chiến dịch, ta thu được 60 xe của địch, phần lớn là xe vận tải và còn dùng được. Anh Thiện đã tranh thủ thời cơ, xin phép anh Trần Đăng Ninh, đưa các e chiến lợợi phẩm kết hợp với 10 xe GMC do nước bạn viện trợ, thành lập 2 đại đội xe: C 200 và C 201, trực thuộc Cục Vận tải. Đó là những đơn vị vận tải cơ giới đầu tiên của quân đội và của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đầu tháng 4-1951, 2 đại đội này đã có vinh dực được Bác Hồ tới thăm, tại Cây số 8, thị xã Cao Bằng. Tại đây Người đã có lời dặn dò: “phải yêu xe như con, quý xăng như máu”. Những lơi đó đã trở thành khẩu hiệu hành động của tất cả những người lái xe và sử dụng xe vận tải của quân đội, và của các cơ quan Nhà nước trong những năm sau đó và cho đến tận bây giờ.

Rồi tiếp theo Chiến dịch Biên giới là các Chiến dịch Trung Du, Đường 18, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào. Theo quyết định của Tổng cục Cung cấp, tôi tiếp tục làm Trưởng ban Vận tải chiến dịch phụ trách công tác vận tải ở phía trước, còn anh Thiện ở phía sau, chỉ huy tuyến vận tải từ biên giới đến hậu phương chiến dịch và chăm lo việc xây dựng cơ quan cơ sở. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, do quy mô to lớn, nên công tác vận tải ở hậu phương do Tổng cục Cung cấp trực tiếp phụ trách, còn gần như toàn bộ cán bộ chủ chốt của Cục được tung ra mặt trận. Anh Thiện, tôi, anh Lục, anh An… mỗi người phụ trách công tác vận tải trên một đoạn đường từ Sơn La, qua Tuần Giáo vào các kho mặt trận.

Ta đã giành toàn tháng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được kí và cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc.

Trải qua những năm chiến tranh, nhất là từ 1950 trở đi, công tác vận tải đã phát triển nhanh chóng đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác bảo đảm hậu cần cho bộ đội tác chiến thắng lợi. Cục Vận tải đạt được thành tích như vậy là nhờ sự lãnh đạo của Tổng cục Cung cấp, và trước hết là của đồng chí Trần Đăng Ninh, người đã tạo điều kiện thuận lợi cho Cục Vận tải làm tốt nhiệm vụ. Trên cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Đặc phái viên của Chính phủ, anh Ninh đã tổ chức viện sữa chữa và mở mang đường sá, đồng thời huy động hàng triệu dân công đưa đi vận tải phục vụ các chiến dịch. Anh đã chỉ đạo công tác vận tải rất chặt chẽ, và đã chú trọng nhiều đến việc giáo dục, rèn luyện cán bộ vận tải, nhất là các đồng chí lãnh đạo cục.

Còn anh Thiện thì đã chấp hành rất tốt và có sáng tạo những ý kiến chỉ đạo của anh Ninh. Anh đã sớm nhận thức được quy luật phát triển của chiến tranh, đã mạnh dạn phát triển vận tải cơ giới. Từ hai đại đội xe khi kết thúc Chiến dịch Biên giới, chỉ mấy tháng sau, có thêm xe viện trợ, Anh đã tổ chức ra Trung đoàn 151 với 6 đại đội xe. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ ta có trên 600 xe vận tải.

Không những chỉ lo về xe vận tải, mà anh Thiện đã rất quan tâm đến công tác bảo đảm kĩ thuật: Anh đã chỉ đạo chúng tôi thu thập tất cả những trạm, xưởng sửa chữa, các máy công cụ, máy chuyên dùng, dụng cụ cơ khí… của quân Pháp trong các đồn, bốt, căn cứ bị ta tiêu diệt đem về tổ chức ra hai xưởng sửa chữa xe của Cục Vận tải: xưởng Tiền phong và xưởng Chiến thắng, và một số trạm sửa chữa ở Trung đoàn xe và các đơn vị pháo.

Anh cũng chăm lo việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, không những chỉ về mặt chính trị, tư tưởng mà cả về mặt kĩ thuật, nghiệp vụ, là những nội dung còn rất mới mẻ đối với chúng tôi trong thời kì đó. Đội ngũ cán bộ đông đảo của Cục Vận tải thời kì chống Pháp, đã trở thành cốt cán để xây dựng không những ngành vận tải, mà cả ngành xe máy, ngành xăng dầu, trong thời bình và nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mĩ sau này.

Năm 1957, do yêu cầu khôi phục và phát triển kinh tế, anh Thiện được Đảng và Nhà nước cử ra phụ trách xây dựng khu Gang thép Thái Nguyên. Tôi tiếp tục ở trong Quân đội làm nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quản lí xe.

Chú thích
(*) Nguyên Cục trưởng Cục Quản lí xe; Tham mưu trưởng Đoàn 559; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kĩ thuật.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #25 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2013, 10:28:59 am »

Anh Đinh Đức Thiện trong kháng chiến chống Mĩ

Đến năm 1965, đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh, anh Thiện được điều động trở lại quân đội làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Lúc đó, tôi đang làm Tham mưu trưởng Đoàn 559.

Thời kì này, tuyến vận tải Trường Sơn mới bắt đầu chuyển sang vận tải cơ giới. Đường sá đang được mở, nhưng chủ yếu làm thủ công, vì thiếu các phương tiện thi công. Xe vận tải cũng mới chỉ có một ít. Địch phát hiện ta làm đường lớn, nên bắt đầu đánh phá ác liệt, nhưng lực lượng phòng không của ta rất yếu. Anh Thiện được Quân ủy Trung ương phân công đặc trách công tác chi viện chiến trường, đã tận lực huy động cơ sở vật chất kĩ thuật ở hậu phương để tăng cường lực lượng cho Đoàn 559 vì Anh đã có nhiều kinh nghiệm từ thời chống Pháp: phải nắm chắc vận tải vì đó là khâu trung tâm để bảo đảm hậu cần. Anh đã quyết định những việc cực kì mạng bạo mà tôi nghĩ nếu không phải là anh Đinh Đức Thiện thì khó có ai dám làm và có thể làm được như vậy:

- Điều cả ba Trung đoàn xe vận tải của hậu phương và nhiều cán bộ chủ chốt của Tổng cục Hậu cần vào Đoàn 559.

- Điều toàn bộ khung huấn luyện của Trường lái xe thuộc Cục Quản lí xe, với tất cả một số xe cùng học viên, tổ chức thành hai tiểu đoàn vận tải đưa vào Đoàn 559.

- Điều nhiều cơ sở sửa chữa xe, máy của Cục Quản lí xe vào cho Đoàn 559.

- Trong khi chưa có hàng viện trợ, đã xin Nhà nước cho huy động toàn bộ xe vận tải 3 cầu của các ngành kinh tế, và phần lớn xe máy làm đường của Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh đưa vào làm đường Trường Sơn. Sau đó đã xin được Nhà nước dành phần lớn xe vận tải nhập hằng năm (khoảng rên dưới 1 vạn chiếc), cho tuyến vận tải quân sự chiến lược.

- Xin được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đưa lực lượng phòng không, ngày càng nhiều, từ cao xạ 37, cao xạ 57, đến tên lửa vào đánh máy bay địch bảo vệ tuyến vận tải.

- Giải quyết vật tư cho xây dựng đường dây trần thông tin tải ba để chỉ huy vận tải.

- Chỉ đạo xây dựng tuyến đường ống để bơm xăng từ hậu phương miền Bắc vào đường Trường Sơn, rồi vào đến miền Đông Nam Bộ v.v.

Cuối năm 1967, do yêu cầu bức bách của nhiệm vụ bảo đảm kĩ thuật xe máy, anh Đinh Đức Thiện đề nghị Quân ủy Trung ương điều tôi từ Đoàn 559 trở lại làm Nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quản lí xe thuộc Tổng cục Hậu cần. Anh dặn dò tôi và các anh em ở Cục Quản lí xe: “Ngành xe máy phải bảo đảm cho quân đội có đủ cơ sở vật chất kĩ thuật, cho phát triển lực lượng cơ giới, cho bộ đội cơ động nhanh. Muốn vậy, phải có hệ thống bảo đảm, kĩ thuật hoàn chỉnh từ Trung ương đến các Quân khu, Quân, Binh chủng. Phải nhớ ưu tiên cho Đoàn 559 và không được quên các chiến trường miền Nam. Phải có một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công nhân, có trình độ tay nghề giỏi, có lương tâm, tận tụy với nghề nghiệp, dám hi sinh lợi ích của riêng mình vì thắng lợi của chiến trường”.

Anh đã tạo cho chúng tôi những điều kiện thuận lợi nhát để hoàn thành nhiệm vụ như: đã xin viện trợ nhiều bộ thiết bị đồng bộ sửa chữa 500, 300 xe/năm, và hàng trăm xe công trình sửa chữa cơ động, mua sắm nhiều thiết bị, máy móc, dụng cụ… cho Cục Quản lí xe. Nhờ đó, chúng tôi đã bổ sung được trang bị, nâng cao được chất lượng sửa chữa ô tô các loại, xe tăng, xe xích, ca nô, tầu chạy sông, nhà máy sản xuất các loại phụ tùng về động cơ, về thân, gầm, về cao su, sản xuất, sửa chữa bình điện, đắp lốp… Từ 2 xưởng sửa chữa thành lập từ thời kì chiến tranh chống Pháp, đến nay Cục Quản lí xe đã có 11 nhà máy và một phòng nghiên cứu, thiết kế, cùng với hàng chục trạm và tiểu đoàn sửa chữa cơ động được trang bị tương đối đầy đủ, đặt trên các xe công trình, có khả năng tiếp cận các đơn vị để tiến hành sửa chữa vừa và nhỏ. Ngoài ra, đã tăng cường trang, thiết bị, phụ tùng cho các trạm, xưởng kĩ thuật, cung cấp các xe công trình cho các tiểu đoàn cơ giới để tổ chức các trạm sửa chữa nhỏ và bảo dưỡng kĩ thuật.

Để xây dựng một đội ngũ cán bộ kĩ thuật, thợ và lái xe, đáp ứng nhu cầu chiến đấu như anh Thiện đã chỉ thị, chúng tôi đã mở thêm một trường đào tạo thợ, khôi phục lại Trường lái xe của Cục Quản lí xe (đã điều động vào Đoàn 559), mở các trường đào tạo lái xe ở các Quân khu, gửi cán bộ đi học tại các trường đại học của Nhà nước, tuyển mộ hàng nghìn kĩ sư và thợ kĩ thuật có tay nghề cao; nhờ vậy hằng năm đã có thể bổ sung cho Đoàn 559 và các chiến trường hàng vạn lái xe và thợ sửa chữa đáp ứng cho nhu cầu phát triển của công tác bảo đảm kĩ thuật ngành xe.

Theo gợi ý của anh Thiện, chúng tôi đã phát động một phong trào thi đua trong các nhà máy sửa chữa ô tô quân sự với chỉ tiêu: tăng năng suất lao động và bảo đảm chất lượng cao. Kết quả đạt được rất đáng khích lệ ở tất cả các nhà máy, nhưng thành tích khá nhất là nhà máy Z151 (Chiến thắng cũ): trước đây hằng tháng sửa chữa được 120-140 xe vận tải, nhưng trong cao trào thi đua mỗi tháng đã sửa chữa được 330 động cơ và tổng lắp hoàn chỉnh được 180 xe.

Ngoài kế hoạch sửa chữa thường xuyên được duyệt hằng năm (mà thường phải điều chỉnh nhiều lần, chỉ tiêu lần sau bao giờ cũng cao hơn lần trước, do nhu cầu cấp bách của chiến trường), trong những năm đánh Mĩ, anh Thiện còn giao cho Cục Quản lí xe nhiều đề tài nghiên cứu, cải tiến. Những việc này phần lớn là đột xuất và phải hoàn thành trong một thời gian ngắn. Xin nêu lại một số việc chính:

- Thiết kế, chế tạo loại phao chân vịt lắp vào xe Zil 130 để xe có thể vượt sông tự hành.

- Cải biên xe một cầu thành hai cầu.

- Thiết kế, chế tạo bành xe phụ cho xe một cầu vượt qua bãi lầy.

- Thiết kế, chế tạo xe và ca nô phá bom từ trường.

- Thiết kế, chế tạo cầu cáp treo cho xe vượt sông.

- Thiết kế, chế tạo hệ thống che chắn bảo vệ xe, người và hàng hóa chống bom bi.

- Cải biên ghế ngồi trên xe chỉ huy Gaz 69 để cho cán bộ đi chiến trường đỡ mệt mỏi.

- Thiết kế, cải biên xe tang lễ Nhà nước.

- Thiết kế, cải biên xe chở thi hài Bác Hồ.

Chính nhờ sự dẫn dắt, châm ngòi rất sắc sảo, nhiều khi rất táo bạo của anh Thiện, mà suốt trong thời kì chiến tranh chống Mĩ, cơ quan và các cơ sở Cục Quản lí xe luôn luôn có không khí sôi nổi, tưng bừng tấn công vào khoa học, kĩ thuật, hướng theo khẩu hiệu: Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt!

Anh Thiện rất chú trọng tới việc sản xuất phụ tùng ô tô. Trong điều kiện rất khó khăn về ngân sách, Anh đã cho mua sắm nhiều máy công cụ, máy chuyên dùng chính xác, cùng các lò luyện thép cỡ nhỏ cho Cục Quản lí xe. Nhờ đó trong những năm chống Mĩ, các nhà máy của Cục Quản lí xe đã sản xuất được nhiều chi tiết ô tô, từ đơn giản đến phức tạp như vòng găn, quả nén, các loại vòng đệm, các loại trục, kể cả trục cơ, các loại bánh răng, bình điện v.v. để bảo đảm cho công tác sửa chữa xe trong toàn quân. Năm 1970, Anh đã đề nghị Bộ Quốc phòng và Chính phủ xin viện trợ một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô với công suất 5.000 tấn/năm. Nước bạn đã chấp thuận và đã đưa chuyên gia sang khảo sát, thiết kế. Ta đã chuẩn bị mặt bằng xây dựng ở Sóc Sơn (Hà Nội). Nhưng công việc chuẩn bị của bạn kéo dài, đến sau giải phóng miền Nam, nước bạn cũng bỏ không tiếp tục công trình nữa.

Trên cơ sở các phụ tùng đã sản xuất được giữa năm 1970 anh Thiện đề ra một việc táo bao, mà trước đó, chúng tôi chưa dám nghĩ tới: Sản xuất ô tô! Ngày 6 tháng 6 năm 1970, trong một cuộc họp với đông đảo cán bộ chỉ huy, cán bộ kĩ thuật, cán bộ chính trị của Cục Quản lí xe và một số cơ quan của Tổng cục Hậu cần anh Đinh Đức Thiện đã phát biểu: “Nhiệm vụ Cục Quản lí xe là phải bảo đảm sửa chữa xe, cải biên xe, sản xuất ra phụ tùng rồi tiến tới sản xuất ra xe. Đó là yêu cầu khách quan đòi hỏi ta phải sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phải nhảy vọt từ công nghiệp sửa chữa sang công nghiệp sản xuất…”.

Sau đó, Anh đề ra yêu cầu cụ thể: thiết kế và chế tạo một xe ô tô vận tải theo mẫu xe Zil 130 của Liên Xô và một mô tô cỡ nhỏ theo mẫu xe Honda của Nhật Bản.

Nhiệm vụ này làm cho cán bộ và công nhân ngành xe vô cùng phấn khởi. Vì đó là niềm mơ ước của mọi người, mặc dầu đó là một việc mà nhiều người không thể thưởng tượng nổi. Cho nên khi đã có chủ trương của cấp trên, thì tập thể đông đảo của Cục Quản lí xe, từ người chỉ huy, cán bộ phòng, ban ở cơ quan, đến cán bộ, nhân viên ở các bộ phận nghiên cứu, thiết kế, công nghệ, cán bộ quản lí và công nhân ở hầu hết các nhà máy, đã kết hợp với một số cơ quan kĩ thuật của Nhà nước, lao vào một trận chiến đấu mới đầy khó khăn, gian khổ nhưng cao đẹp và đáng tự hào: làm ra những chiếc xe ô tô đầu tiên cho Tổ quốc Việt Nam! Trong khi đó vẫn phải làm tốt nhiệm vụ trung tâm: chỉ đạo công tác bảo đảm kĩ thuật, sửa chữa xe có chất lượng tốt, cung cấp đủ phụ tùng cần thiết cho tuyến vận tải và các đơn vị toàn quân.

Trỉa qua một năm rưỡi phấn đấu, vừa thiết kế vừa sản xuất, thử nghiệm, ngày 22 tháng 12 năm 1971, các nhà máy của Cục Quản lí xe đã cho ra đời một xe vận tải mang tên Trường Sơn và một xe mô tô mang tên Ấp Bắc. Cả hai xe đều được lắp ráp bằng phụ tùng sản xuất trong nước, chủ yếu tại các nhà máy của Cục. Chỉ có một số đồ điện phải nhập ngoại như: bu gi, tăng điện, chia điện, dây điện, bóng đèn…

Anh Thiện rất vui mừng, và đã chỉ thọ cho chúng tôi đưa xe vào chạy thử trên tuyến đường Trường Sơn. Kết quả xe đã chạy được 1.000 km an toàn.

Đã nhiều lần tôi suy nghĩ: “Kì lạ thật, ông Đinh Đức Thiện, trình độ học vấn rất bình thường, chưa hề qua một trường, lớp kĩ thuật nào, mà sao ông ấy sắc sảo như vậy. Trong thực tế trong nghề “vận tải - ô tô - xe máy” lúc nào cũng nghe thấy ông ấy bày vẽ, chỉ bảo được, và phần lớn ý kiến đều đúng…”.

Anh Thiện ơi!

Nếu không có sự chỉ đạo chặt chẽ của Anh, làm sao ngành xe máy chúng tôi, trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, có thể hoàn thành được nhiệm vụ, và phát triển sự nghiệp của mình lên những tầm cao mới trên lĩnh vực khoa học, kĩ thuật…
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #26 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2013, 10:30:35 am »

BẤT KHUẤT VÀ SÁNG TẠO

Thiếu tướng PHẠM NHƯ VƯU(*)

Ít thấy đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần nào quan tâm đến vũ khí của các lực lượng vũ trang như đồng chí Đinh Đức Thiện. Sự quan tâm đó thể hiện ở thái độ không khuất phục trước mọi vũ khí hiện đại lợi hại và tàn bạo của quân đội Mĩ - ngụy. Từ tiềm thức sâu thẳm đó, đồng chí luôn suy nghĩ, tìm hiểu và sáng tạo ra các vũ khí và biện pháp để đánh trả địch, vô hiệu hóa vũ khí của địch, cải tiến các vũ khí của ta. Thông thường thì nhiệm vụ này là của Bộ Tổng Tham mưu, nhưng khi có sự chậm trễ, thì đồng chí không ngần ngại, vượt qua phạm vi chức năng của mình để nghĩ cách đối phó với địch.

Sáng kiến về cải tiến vũ khí của đồng chí Thiện thì nhiều. Ở đây, xin kể một số sự việc chính. Chỉ riêng việc khuyến khích sáng tạo và nhận trách nhiệm với cấp trên về thất bại hay thành công của công tác nghiên cứu hay cải tiến vũ khí đã cho thấy đồng chí là người rất tự tin, tin vào quần chúng và có khí phách. Nhiều lần đồng chí đã nhắc nhở anh em kĩ thuật làm những việc mới mẻ, và khẳng định với anh em, cứ mạnh dạn mà làm, tội vạ đâu đồng chí sẽ chịu! Riêng đối với Cục Quân giới, đồng chí còn khuyến khích mạnh dạn nghiên cứu và thực hiện các dự án mới, không cần có ý kiến của Tổng cục, nhưng có ai chát vấn thì cứ nói là theo chỉ thị của đồng chí Thiện.

Khi thấy quân Mĩ thay lựu đạn vỏ gang bằng lựu đạn vỏ thép, đồng chí yêu cầu Quân giới phải giải thích lí do sự thay đổi đó.

Số là từ xưa đến lúc đó, vỏ lựu đạn đúc bằng gang vừa dễ chế tạo vừa rẻ tiền. Nhưng vỏ gang phải đủ dầy, để khi phát nổ tạo ra các mảnh có khả năng sát thương. Những mảnh nhỏ và bụi gang không có tác dụng đó. Vì vậy, lựu đạn gang nặng, không được nhồi thuốc nổ mạnh và tất nhiên không ném được xa, bán kính sát thương cũng nhỏ. Lựu đạn vỏ gang thường nặng trên dưới 500g, khi nổ chỉ tung ra được khoảng 400 mảnh, bán kính sát thương khoảng 7-8 mét. Còn lựu đạn vỏ thép, chỉ nặng trên dưới 400g, khi nổ có tới 1.000 mảnh, bán kính sát thương tới 15-20 mét. Vì trọng lượng nhẹ nên lựu đạn vỏ thép ném xa được tới 40 mét, người chiến sĩ có thể mang được nhiều hơn. Nhưng chế tạo lựu đạn vỏ thép trong điều kiện lúc đó còn khá khó khăn, nhất là chế tạo bộ lửa cơ khí thay cho bộ lửa chày gỗ. Vật liệu cũng không dồi dào cho việc sản xuất số lượng lớn. Nhưng vì có nhiều ưu điểm, nên đồng chí Thiện kiên quyết yêu cầu Quân giới phải chuyển sản xuất lựu đạn truyền thống sang sản xuất lựu đạn thép.

Với truyền thống vượt khó khăn của mình, Quân giới nhanh chóng xây dựng những dây chuyển sản xuất lựu đạn vỏ thép. Nhưng sau đó ít lâu, Mĩ lại sử dụng bom bi, gây sát thương lớn cho ta ở cả tiền tuyến lẫn hậu phương. Khi nghiên cứu thì thấy bom bi làm bằng một loại chất dẻo trong ép nhiều viên bi, đồng chí Thiện lại yêu cầu chuyển sang sản xuất lựu đạn bi, một loại lựu đạn mà đến đầu những năm 80, nhiều nước khác có công nghệ và kĩ thuật phát triển mới đưa vào sản xuất. Khó khăn lớn nhất là sản xuất ra được những viên bi, làm chức năng của mảnh sát thương. Ví dụ lựu đạn TW-31 của Đức chỉ nặng có 310 g, nhưng vỏ chất dẻo chứa được 3.000 viên bi, có bán kính sát thương là 10 mét. Lựu đạn bi sản xuất nhanh hơn, giá thành rẻ hơn. Vì vậy nhờ có sáng kiến của đồng chí Thiện mà mấy triệu lựu đạn bi đã được cung cấp cho tiền tuyến miền Nam.

Đồng chí Thiện còn có dự định làm đạn cối bi. Nhưng vấn đề này không được các nhà kĩ thuật chất nhận, vì lúc đó chưa có loại chất dẻo nào để làm vỏ đạn đủ sức chịu được áp suất lớn trong nòng súng cối khi bắn.

Vào lúc máy bay địch đánh phá ác liệt trên đường 559, đồng chí Thiện luôn suy nghĩ tìm cách đánh lại địch trên không. Trong trang bị của bộ đội ta lúc đó có hai loại tên lửa H6 và DKZ-B, dùng đánh các mục tiêu trên mặt đất. Đồng chí Thiện yêu cầu cải tiến thành tên lửa cao xạ, có tầm bắn cao hơn pháo cao xạ 37, đang có nhiều trên đường 559. Trước yêu cầu đó, Quân giới nghĩ đến tên lửa nhiều tầng, và dàn phóng độc lập, đơn giản, nhẹ nhàng… với nguyên lí hoạt động của tên lửa nhiều tầng, các cán bộ quân giới đã lắp thêm một động cơ vào quả tên lửa. Sau nhiều ngày nghiên cứu công phu, rồi sản xuất, thử nghiệm, ta đã chuyển được tên lửa đất đối đất thành tên lửa đất đối không. Nhưng do không có ra đa theo dõi và dự tinh được đường bay của máy bay địch, nên vũ khí này chỉ có tác dụng đánh vào tâm lí của giặc lái nhiều hơn.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng phản công ở miền Nam, ta cần rất nhiều đạn pháo cỡ lớn. Nhưng lúc đó, ta nhận được viện trợ rất ít các loại đạn này. Không thể để bị động, đồng chí đề nghị với Bộ Quốc phòng một kế hoạch gọi là 75B. Trong kế hoạch này có việc sản xuất súng và đạn cối 160, chế tạo đầu đạn và ngòi để phục hồi đạn pháo 130 và đạn cao xạ 37. Các loại sản phẩm trong kế hoạch này vượt xa khả năng công nghệ lúc đó của các xí nghiệp quân giới. Nhưng Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quyết tâm làm bằng được. Đồng chí đã tạo mọi điều kiện về vật chất và thiết bị để thực hiện kế hoạch. Trong quá trình chế thử, đồng chí luôn chăm sóc và đôn đốc, biểu dương kịp thời các sáng kiến công nghệ. Khi khẩu súng cối và viên đạn 160 đầu tiên ra đời, đồng chí rất hân hoan và đã mời nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, cả miền Bắc lẫn miền Nam đến thăm các nhà máy để động viên cán bộ, công nhân quân giới. Sau khi chế thử và bắn thử nghiệm thành công, Cục Quân giới đã triển khai công nghệ sản xuất một loạt lớn. Việc nghiên cứu, thiết kế và chế thử đạn pháo 130 và đạn cao xạ 37 cũng đạt kết quả. Nhưng kế hoạch làm được một phần thì miền Nam đã được giải phóng.

Có thể nói, những thành tích quan trọng của ngành quân giới trong chiến tranh chống Mĩ đều gắn liền với tư tưởng bất khuất và sáng tạo của đồng chí Đinh Đức Thiện. Ngành Quân giới rất tự hào có một đồng chí lãnh đạo cấp trên như đồng chí Thiện, dám nghĩ, dám làm, biết phá bỏ các nguyên tắc cứng nhắc, những điều kiện trói buộc khắt khe để lãnh đạo cấp dưới hoàn thành những việc tưởng như không thể làm được.

Chú thích
(*) Nguyên Cục trưởng Cục Quân giới; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kĩ thuật.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #27 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2013, 10:09:20 am »

DÁM NGHĨ, DÁM LÀM VÌ CHIẾN THẮNG, VÌ NGƯỜI CHIẾN SĨ

Thiếu tướng, Giáo sư NGUYỄN SĨ QUỐC(*)

Nhớ về đồng chí Đinh Đức Thiện, chúng tôi nhớ một đồng chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng chí đã có nhiều chủ trương đúng đắn và mạnh bạo, nhờ đó công tác hậu cần trong kháng chiến chống Mĩ đã phát triển thắng lợi.

Một chủ trương lớn của đồng chí là: Để chiến thắng một kẻ địch có khoa học kĩ thuật quân sự hiện đại, công tác hậu cần cũng phải cơ giới hóa và từng bước hiện địa hóa (cố nhiên khi cần thiết, thì vẫn kết hợp dùng thô sơ). Anh đã có sáng kiến làm đường (thậm chí làm nhiều đường), để vận chuyển cơ giới đưa hàng và chiến trường. “Đường mòn Hồ Chí Minh”, thực chất ngoài những đường nhỏ cho người đi bộ, là những tuyến đường ô tô song song và một tuyến đường ống dẫn dầu, chạy suốt từ miền Bắc vào miền Nam. Tôi đã tận mắt “nhìn” thấy tính chất đúng đắn của chủ trương này. Năm 1971, trong khi đi phục vụ chiến dịch Đường 9, Nam Lào, qua Sác Lít, tôi đã thấy hàng nghìn chiếc xe đạp chất đống ngổn ngang trong hang; hỏi ra mới biết đó là xe của Quân khu Trị Thiên đưa vào để tổ chức đoàn vận tải thồ, song bị thất bại, sau phải mở đường và tổ chức vận chuyển cơ giới, như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đinh Đức Thiện, mới bảo đảm được đủ nhu cầu lương thực, vũ khí, thuốc men cho chiến trường.

Những tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Đinh Đức Thiện đối với công tác quân y, được đồng chí Vũ Văn Cẩn, lúc đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm Cục trưởng Cục Quân y, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc và sáng tạo, đã được thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mĩ chứng minh là đúng đắn.

Trước hết là phải luôn nâng cao trình độ kĩ thuật quân y trong quá trình chiến tranh, phải kiên quyết và mạnh dạn đưa kĩ thuật ra tuyến trước và vào các chiến trường. Với cương vị là Cục phó cục Quân y, tôi đã có dịp đi kiểm tra công tác Quân y của Quân khu V, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, Đoàn 559, và đã thấy các tư tưởng đó được thực hiện có kết quả trên các chiến trường. Các Quân khu miền Nam đều có đủ các tổ chức bảo đảm quân y cần thiết để cấp cứu và điều trị thương, bệnh binh ở các cấp, các bệnh viên hậu phương, các đội điều trị, các tổ chống sốt rét, các tổ tẩy uế chiến trường… Về dược thì có các kho, các xưởng bào chế, các tổ sưu tầm dược liệu, các đội thu mua thuốc, dược liệu và dụng cụ y tế… Về huấn luyện, có các trường y tá, trường quân y sĩ. Riêng miền Đông Nam Bộ, cộng sản trường Đại học Quân y (cùng hệ Trường Đại học Dân y). Về cơ quan chỉ đạo thì mỗi chiến trường có một Phòng quân y, mà Trưởng phòng là một đồng chí đã từng là Cục phó hoặc Trường Phòng có năng lực của Cục Quân y được điều động vào. Bộ máy Quân y của Đoàn 559 cũng được tổ chức tương đương như một quân khu, nhưng có hệ thống tổ chức phù hợp với tính chất và nhiệm vụ của tuyến vận tải chiến lược rải ra theo chiều dài đất nước.

Trong quá trình chiến tranh, để thực hiện phương châm càng đánh càng mạnh, phải luôn tăng cường khả năng của tổ chức quân y, về cơ sở vật chất kĩ thuật cũng như về con người, dựa vào cơ sở tại chỗ và đưa từ hậu phương lớn vào. Ví dụ như về thuốc men và dụng cụ y tế thì quân y các chiến trường đều dựa vào ba nguồn mua sắm trong vùng địch, đưa từ Cục Quân y vào và sản xuất tại chỗ. Về cán bộ thì vừa đào tạo, đề bạt tại chỗ, vừa điều động từ miền Bắc vào…

Một câu hỏi được đặt ra là có thể nghiên cứu khoa học, kĩ thuật quân y tại chiến trường được không? Các cán bộ chủ chốt của ngành quân y đều trả lời có thể và rất cần. Anh Thiện, anh Cẩn đã thúc đẩy rất mạnh và tạo điều kiện cho ngành Quân y làm công việc này. Theo chỉ thị của Tổng cục Hậu cần, Cục Quân y đã cử vào các chiến trường nhiều tổ chuyên khoa, nhiều tổ nghiên cứu về phòng chống sốt rét, chống bệnh tê phù, cấp cứu hỏa tuyến, chuyển thương, về bảo vệ sức khỏe bộ đội trong hành quân đường dài và trong chiến đấu, bảo vệ sức khỏe lái xe liên tục chạy đêm trên tuyến vận tải, về phòng, chống chất độc hóa học của Mĩ, về cây thuốc v.v. Trong nhiều chiến dịch, đã có các chuyên viên quân y được cử đi tăng cường cho các đơn vị, để vừa làm công tác chuyên môn vừa kết hợp nghiên cứu khoa học. Sau chiến tranh, ngành quân y đã có nhiều đề tài tổng kết có giá trị, đặc biệt là về mặt cấp cứu, xử trí và điều trị các vết thương chiến tranh. Đó là tài sản vô giá của quân đội và nhân dân ta.

Chú thích
(*) Nguyên Cục trưởng Cục Quân y; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #28 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2013, 10:10:25 am »

*
*    *

Xin nói mấy lời về con người đồng chí Đinh Đức Thiện. Có thể khái quát đó là một “con người” với tất ý nghĩa của hai từ đó. Trước hết phải nói đồng chí Đinh Đức Thiện có tinh thần trách nhiệm rất cao, đồng chí luôn bắt đầu óc làm việc và cũng bắt cấp dưới của mình động não.

Đồng chí rất gần gũi anh em. Nhiều khi, đến làm việc với đồng chí xong, mọi người còn được nghe ở đồng chí nhiều chuyện rất sinh động, thú vị và bổ ích. Cho nên, anh em thường tìm cách “moi” chuyện ở đồng chí, nhất là tin tức thời sự…

Đồng chí có lối làm việc rất cụ thể và thực tế. Tôi nhớ một lần đồng chí yêu cầu Cục Quân y đưa lên Tổng Cục các hòm thuốc được chuẩn bị để vận chuyển vào chiến trường. Đồng chí cho ném thử các hòm thuốc từ trên gác xuống, rồi cho mở ra để mọi người cùng xem, nhiều ống thuốc tiêm, nhiều lọ thủy tinh bị vỡ. Đồng chí nói: “Vận chuyển trên tuyến 559, đường xấu, xe rất xóc, phải lên đèo, xuống dốc nhiều, bốc hàng lên, xuống trong đêm tối, địch lại đánh phá thường xuyên, hàng hóa bị quăng quật; không đóng gói chu đáo, để hàng bị vỡ, hỏng thì chở vào cũng bằng không!”. Hôm đó, không chỉ riêng cán bộ quân y, mà tất cả mọi người có mặt đều được một bài học rất thực tế: quan tâm đến bộ đội, đến tác chiến, thì phải làm sao đưa được vật chất đến chiến trường, đến tận tay chiến sĩ với số lượng đủ, với chất lượng tốt.

Đồng chí rất quan tâm đến đời sống chiến sĩ, đời sống thương, bệnh binh. Khi đi thăm Bệnh viện 108, thấy anh em thương bệnh binh ăn cơm với bát đũa quá xoàng xĩnh, và không có giấy vệ sinh, đồng chí đã mời đồng chí Vũ Văn Cẩn lên nói chuyện. Tôi phụ trách Phòng Kế hoạch nên được cùng đi với Cục trưởng. Đồng chí đã phê phán chúng tôi quan liêu nên không biết được thương bệnh binh ở ngay cạnh Cục, thiếu cả giấy vệ sinh! Đồng chí nói “Ở bệnh viện có mua báo hằng ngày cho anh em đọc không? Hãy lấy báo cũ phát cho anh em, nếu thiếu thì mua thêm” (Trong điều kiện chiến tranh, ta chưa có giấy vệ sinh như bây giờ).

Còn bát đĩa? Đồng chí nói: “Bát sạch ngon cơm, nhưng nếu bát vừa sạch lại vừa đẹp thì lại càng ngon cơm gấp bội. Bát đĩa đẹp đẽ sẽ hấp dẫn và động viên người ốm cố gắng ăn uống cho mau lành bệnh”. Đồng chí chỉ thị cho chúng tôi phải thay dần bát đĩa cho các bệnh viện, và nếu thiếu ngân sách thì Tổng cục sẽ cấp thêm.

Sự quan tâm của đồng chí Đinh Đức Thiện đối với sức khỏe bộ đội, thể hiện ở chỗ đồng chí rất lo lắng về tình hình bệnh sốt rét ở chiến trường. Mùa mưa năm 1967, khi được báo cáo cán bộ và chiến sĩ ở Nam Bộ bị sốt rét rất nhiều, anh Thiện đã hỏi anh Cẩn: “Tại sao anh em trong ấy bị sốt rét nhiều như vậy? Ta phải tính toán biện pháp phòng chống như thế nào để giữ sức khỏe cho bộ đội ở chiến trường?”. Anh Cẩn suy nghĩ rồi trả lời: “Tình hình bệnh sốt rét phức tạp lắm. Chắc phải có người vào trong đó cùng anh em nghiên cứu thì mới kết luận và có cách đối phó có hiệu quả được”. Anh Thiện bàn với anh Cẩn cử một đoàn cán bộ Cục Quân y do tôi và anh Bùi Đại(1) phụ trách vào Nam Bộ, nghiên cứu giúp đỡ chiến trường phòng chống sốt rét và đẩy mạnh việc sản xuất, tiếp tế thuốc và dụng cụ y tế. Đoàn phải đi ngay trong tháng 7 là lúc bắt đầu mùa mưa, đi bộ theo đường giao liên của Đoàn 559, để tháng 10 vào đến miền Đông Nam Bộ.

Thành thực mà nói, đi trong mùa mưa thì cũng khá ê ẩm. Một đồng chí trong Cục Quân y bảo chúng tôi sao không xin để đến đầu mùa khô hãy đi. Lời khuyên đó cũng chí tình và có lí, vì chính chúng tôi cũng đề nghị với trên, chỉ nên đưa quân vào chiến trường trong mùa khô, để tránh mưa lũ, hành quân đỡ vất vả… Song, chúng tôi thông suốt: “quân lệnh như sơn”, nên chỉ có chuẩn bị tốt để lên đường, không thể bàn lùi! Thế nhưng khi bước chân vào tuyến 559, thì chúng tôi lại thấy đi trong mùa mưa cũng có cái hay, tuy có vất vả thật, nhưng bây giờ là thời điểm bệnh sốt rét đang phát triển mạnh, nên ngay trên dọc đường đi vào chiến trường, chúng tôi đã có đối tượng để nghiến cứu và tiến hành nhiệm vụ của chuyến đi được ngay.

Vào đến nơi, sau khi nghe báo cáo để nắm tình hình sơ lược, chúng tôi cùng các anh em quân y ở chiến trường xuống các đơn vị tiến hành công tác thực tế ngay, nhất là ở những nơi mà bệnh sốt rét đang hoành hành mạnh. Tôi không kể lể dài dòng về công việc chúng tôi đã làm. Niềm vui lớn của chúng tôi là khi làm xong việc, đến báo cáo công tác với Bộ tư lệnh Miền trước khi trở về, thì đồng chí Hoàng Văn Thái, lúc đó là Tư lệnh trưởng đã nhận xét: “Đoàn anh Quốc và anh Đại vào làm việc đã giúp đỡ cho chiến trường tăng được quân số “xuống đường” trong mùa khô 1971 - 1972”. Nhận xét đó là phần thưởng rất quý báu đối với anh em chúng tôi.

Chúng tôi thấy rằng chủ trương của anh Thiện và anh Cẩn là đúng, là chính xác. Chuyến đi gấp của chúng tôi là cần thiết đối với chiến trường.

Chú thích
(1) Thiếu tướng - giáo sư - tiến sĩ Bùi Đại lúc đó là chuyên gia phòng chống sốt rét của Cục Quân y.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
anhquaynop
Thành viên
*
Bài viết: 244


« Trả lời #29 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2013, 10:11:55 am »

SỰ QUAN TÂM CỦA ĐỒNG CHÍ ĐINH ĐỨC THIỆN
ĐẾN VẤN ĐỀ ĂN VÀ MẶC CỦA QUÂN ĐỘI

Giáo sư, bác sĩ TỪ GIẤY(*)

Đầu năm 1966, tôi đang làm Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh Quân đội Trường đại học Quân y, thì được lệnh của Tổng cục Hậu cần, vào nghiên cứu tình hình bảo đảm quân y và ăn mặc trên tuyến đường 559 và chiến trường Tây Nguyên. Sau khi trở về được ít lâu, tôi được bổ nhiệm làm Cục phó Cục Quân nhu, phụ trách nghiên cứu các vấn đề ăn mặc của quân đội. trong lần gặp đồng chí Đinh đức Thiện nhận nhiệm vụ, tôi đã trình bày các cấn đề ăn mặc trong thời chiến rất phức tạp, công tác nghiên cứu đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều ngành, phải có cán bộ và một số trang thiết bị nhất định mới làm được. Với tác phong nhanh gọn, dứt khoát, anh Thiện nhất trí và quyết định:

1. Trên cơ sở Phòng nghiên cứu sẵn có của Cục Quân nhu, và Phòng phân tích kiểm nghiệm thực phẩm của Trường đại học Quân y mới chuyển sang, nhanh chóng xây dựng Viện Nghiên cứu ăn mặc quân đội.

2. Làm ngay đề án trang các phòng thí nghiệm. Trước mắt xin thêm cán bộ ở ngoài vào, đưa đi tìm hiểu thực tế ở chiến trường, đi bổ túc và đào tạo ở các nước anh em.

Nhờ đó, Viện đã phát triển nhanh chóng, được bổ sung nhiều cán bộ thuộc các ngành y, dược, nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm, cơ điện, vải sợi, may mặc… Thời kì phát triển cao nhất Viện có đến 350 cán bộ nghiên cứu. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nhiều cán bộ của Viện đã được cử đi học chuyên sâu để đào tạo thành phó tiến sĩ ở các nước anh em.

Viện cũng được đồng chí Đinh Đức Thiện dành cho một căn nhà bốn tầng, khá khang trang, mỗi tầng có 20 buồng, để triển khai các phòng thí nghiệm và một khoản ngoại tệ khá lớn để mua sắm các trang, thiết bị hiện đại và háo chất dùng vào việc nghiên cứu và thực nghiêm.

Anh Thiện nêu rõ đối tượng phục vụ của Viện là tiền tuyến, là người chiến sĩ hành quân và chiến đấu ở chiến trường. Chúng tôi đã hướng vào đó để nghiên cứu.

Nhờ có đội ngũ cán bộ có năng lực và nhiệt tình, có trang bị tốt, có ngân sách hoạt động gần như không hạn chế, Viện Nghiên cứu ăn mặc quân đội đã nhanh chóng giải quyết được những vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Sau đây là mấy đề tài lớn đã nghiên cứu thành công:

- Gạo bốn túi: Gạo ăn hằng ngày của bộ đội ở các chiến trường phần lớn phải vận chuyển từ miền Bắc vào. Từ các kho hậu phương, gạo phải qua tuyến vận tải 559, qua nhiều cung đoạn vận chuyển thô sơ, gùi, thồ của các đơn vị rồi mới vào đến chiến trường; trên đường nhiều khi gặp mưa nắng, thường xuyên nằm trong môi trường không khí ẩm ướt ở rừng núi. Vào đến chiến trường, gạo không phải được đem ra sử dụng ngay, mà có khi còn phải bảo quản dự trữ một thời gian dài, nên khi đến tay người sử dụng thì gạo đã kém phẩm chất, bị ẩm mốc, mối mọt, có khi đến mức bị mủn ra, nhưng bộ đội vẫn phải ăn vì không có nguồn nào khác thay thế. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ và chiến sĩ ở chiến trường hay mắc bệnh tê, phù, có nơi phát triển như một bệnh dịch, vì gạo đã bị phân hủy, mất hầu hết các loại vitamin. Anh Thiện đã chỉ thị cho Viện phải nghiên cứu cách đóng gói gạo làm sao có thể vận chuyển thuận tiện đường dài, đưa vào đến chiến trường, có thể dự trữ được ít nhất một năm. Viện Nghiên cứu ăn mặc quân đội phối hợp với cán bộ nghiên cứu của Tổng cục Lương thực đã tìm ra biện pháp bao gói kín gạo. Ở môi trường kín này, sâu bọ không phát triển được. Gạo chuyển vào chiến trường được bao gói bằng bốn lớn túi: lớn trong cùng là túi bằng đay như các bao gạo thông thường; lớp thứ hai là túi Pôlyêtylen (PE), để chống ẩm một phần và chủ yếu là ngăn cách không cho gạo tiếp xúc với thành phẩn cho từ túi thứ ba; lớp thứ ba bằng PVC để chống ẩm, chống nước ướt; ngoài cùng là một túi bao gai, để tăng độ bền cơ học, tránh cho túi gạo không bị rách do cọ xát. Qua thử nghiệm, “gạo bốn túi” có thể đạt yêu cầu bảo quản trong 2, 3 năm mà cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng. Trên tuyến vận chuyển, đã có những trường hợp do đường trên bộ gặp khó khăn vì bị địch đánh phá, “gạo bốn túi” đã được thả trên suối cho trôi đến nơi cần thiết thì vớt lên chuyển sang phương tiện khác. Trong chiến dịch Quảng Trị, ta cũng thả gạo ở đầu nguồn sông Thạch Hãn để bộ đội ở hạ lưu vớt lên ăn. Trong chiến trường, để tránh địch đốt phá, tránh ảnh hưởng chất độc hóa học, do máy bay Mỹ thả xuống, có nơi đã chôn gạo xuống đất: mấy tháng sau đào lên, gạo vẫn giữ được chất lượng. Năm 1972, khi địch phong tỏa các cảng ở miền Bắc, “gạo bốn túi” đã từ các tầu lớn của nước bạn thả xuống nước, lợi dụng thủy triều và gió đẩy vào bờ. Địch tức tối vì không ngăn cản được, lại dùng cả máy bay đuổi bắn các bao gạo trôi trên biển, nhưng đâu có dễ trúng, và cái giá phải trả để bắn trúng một bao gạo chắc cũng không rẻ, để có thể làm được lâu dài!

“Gạo bốn túi” đã cùng rau rừng, góp phần chống tê, phù và quáng gà là hai bệnh phổ biến trong những năm đầu chiến tranh, làm hao hụt khá nhiều quân số ở chiến trường miền Nam.

Chú thích
(*) Nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân nhu; Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Logged

Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quẩy nóp trong hàng quân đi
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM