Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:19:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh là ai?  (Đọc 70511 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #40 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2013, 04:16:12 pm »


   Hồi lâu sau, Mẫn ra về. Anh nói với Thùy Dương từ nay anh sẽ còn bận hơn nhiều, vì công việc viết sử đang đi vào giai đoạn dứt điểm về đề cương, để rồi sẽ chuyển sang viết chính thức. Do đó Mẫn sẽ còn lâu lâu nữa mới có thể quay trở lại đây. Xin thông cảm. Thùy Dương không dấu được nỗi buồn:

   - Có phải… anh Ba muốn khỏi gây trở ngại cho em không?

   Mẫn nói không phải vậy.

   Khi quay về, anh đi ngang qua một nghĩa trang nhỏ ở ngoại ô. Ngô Đạt được chôn cất ở đây. Heo hút và lạnh lẽo quá. Tự nhiên anh thấy lòng mình buồn rười rượi. Ngô Đạt nằm đó. Anh là ai? Mẫn nào có biết. Nhưng tại sao anh lại chết nhỉ? Vì hoảng sợ quá mà anh phải tìm cái chết để trốn chạy? Hay vì chán nản, thất vọng mà anh đã phải bỏ ra đi một cách đau đớn thế? Dù trong trường hợp nào cái chết của anh cũng vẫn là bi thảm. Nó cũng là một lời nhắc nhở, cảnh cáo đối với rất nhiều người còn sống, kể cả với Mẫn, trong việc đối xử với con người.

   Cúi đầu đi chậm chạp, Mẫn suy nghĩ mãi về công việc của mình. Dường như lúc này anh càng cảm thấy nó nghiêm ngặt biết bao. Đó là công việc có liên quan, có tác động trực tiếp và nếu không muốn nói là cực kỳ hệ trọng tới số phận, thậm chí tới cả sinh mạng của từng con người. Mà mỗi con người đâu có phải chỉ là một con số vô trí! “Mỗi con người là một tiểu vũ trụ” – Ai đã nói thế nhỉ? Mỗi con người là cả một thế giới, đúng như vậy cả về vật chất lẫn tinh thần…

   Tiếp tục cất bước, anh lại cố nghĩ tới Thùy Dương để cho đầu óc mình được trở lại thoáng đãng hơn.

   Mẫn về tới thành phố Hồ Chí Minh vào buổi trưa thì buổi chiều Võ Trần cũng lật đật trở về. Anh chàng đã gày nhẳng nay qua những ngày đi thẩm tra trở về càng gày rốc, cái cổ cò càng dài ngoẵng với cục yết hầu như lồi ra tựa một quả táo.

   Thấy cái ba lô của Võ Trần lép xẹp. Mẫn hỏi:

   - Quần áo đâu cả, hay để quên ở các địa phương?

   Võ Trần lắc đầu:

   - Bán hết trơn hết trọi rồi!

   Mẫn tròn mắt:

   - Sao vậy? Hết tiền hả?

   - Còn gì nữa! Đi cùng khắp. Tiền nào cho xuể. Công tác phí là cái gì? Trợ cấp đâu có! Tôi còn phải bán cả chiếc đồng hồ nữa kia.

   Mẫn không khỏi thở dài.

   Võ Trần đã tìm đường về quê quán của ông Ba Tín trước vì muốn trong cùng một thời gian Mẫn và Võ Trần sẽ cùng tìm hiểu về một người. Quê gốc ông Ba ở một tỉnh Cực Nam Trung Bộ. Sau gần một ngày đường, lúc đáp xe đò, khi lội bộ, khá vất vả, Võ Trần đã tìm được đến cái làng xa xôi hẻo lánh của ông. Võ Trần đã mường tượng trước cảnh xóm ấp vùng này, nhưng tới nơi anh vẫn gần như ngỡ ngàng trước một vùng chiến tranh đã tàn phá rất nặng. Hòa bình đã hơn 5 năm, mà cây cối vườn tược vẫn chưa được phục hồi đầy đủ, dấu vết tàn phá của đạn bom vẫn còn khá rõ. Dân cư thưa thớt. Chính quyền mới do những người trẻ tuổi, hầu hết là mới lớn; đang gánh vác. Họ hoàn toàn không biết Lê Xuân Tín là ai. Từ sau giải phóng chưa thấy ông trở về thăm làng quê. Họ chỉ được nghe nói láng máng đó là con ông bà Lê Xuân Uy.

   Võ Trần đã cố tìm gặp được thêm mấy người nữa, đó là mấy cụ già trên dưới 80 tuổi vẫn còn sống. Các cụ xác nhận là làng này có ông bà Lê Xuân Uy, vốn là tá điền rất nghèo và khổ. Cũng xác nhận anh Tín là con ông bà này, và cũng đúng là hồi 1949, anh đã được đưa ra chiến khu để vào bộ đội, và từ đó đi biệt. Gần đây mới được nghe phong thanh: đâu như ông Tín làm cán bộ khá to gì đó. Nhưng vẫn chưa thấy về chơi lần nào…

   Tất cả chỉ có thế. Tóm lại, quê hương ông đã cung cấp cho Võ Trần những tài liệu không hơn gì những điều mà chính ông Ba đã viết trong lý lịch của mình: thành phần cố nông – bản thân lao động, 1949 được đưa ra vùng kháng chiến, vào bộ đội miền Tây, sau chuyển miền Đông…

   Tuy nhiên, Võ Trần vẫn cảm thấy mình phải tiếp tục lần mò nữa. Vì tất cả những gì đã được xác minh, dù có “sáng như ban ngày”, nhưng vẫn mới chỉ là những năm đầu của cuộc kháng chiến. Còn về sau? Đúng vậy, còn cả một thời kỳ dài về sau. Còn biết bao nhiêu chuyện. Mà cái đoạn bị tù, rồi ra tù thế nào? Đoạn này đã được phát hiện và chỉ ra là chưa được rõ ràng và tỉ mỉ. Vậy phải đi tiếp. Võ Trần, sau một đêm suy nghĩ, đã quyết định chấm dứt việc lang thang ở xã ấp mà anh thấy không còn ích lợi gì nữa. Anh chuyển nhanh sang bước hai của kế hoạch “kiếm tìm” – cái kế hoạch nhỏ nằm trong “Chương trình Anh Đào 1”. Anh đã sục vào các trại tập trung sĩ quan quân đội Sài Gòn cũ đang học tập và cải tạo.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #41 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2013, 04:17:19 pm »


   Ở đây cũng như ở xã, những đồng chí có thẩm quyền đã tạo cho Võ Trần mọi sự thuận lợi. Anh đã gặp được một số sĩ quan Sài Gòn cũ có mặt tại đây có liên quan tới nhà tù Côn Đảo và nhà giam Chí Hòa trong hai năm 1958 – 1959 là hai năm Lê Xuân Tín bị tù đày. Nhưng, chỉ có một hai người nhận ra Lê Xuân Tín. Họ xác nhận đây đúng là một “cán binh cộng sản” đã bị kết án tù và bị đày ra Côn Đảo. Người cán binh này cho tới nay vẫn còn để đọng lại trong trí nhớ nhọ một đặc điểm: hiền lành và rất khỏe. Chỉ có vậy thôi. Không một ai nhớ được gì hơn.

   Không nản lòng, Võ Trần quay trở về thành phố, xin gặp ban tổ chức thành ủy, ban dân chính ủy ban. Anh đã tìm được một người, đúng là chỉ còn có một người cũng bị tù ở Côn Đảo trong hai năm 1958 – 1959 nghĩa là cùng một thời gian với ông Ba. Còn những người khác thì hoặc tù trước, hoặc tù sau và số đông đã chết, hoặc vì bệnh hoặc vì địch thủ tiêu…

   Đó là cụ Phan Minh Trường đã 70 tuổi về nghỉ từ lâu. Tuổi đã khá cao và tuy sức đã kém nhưng trí nhớ cụ còn khá tốt. Cụ đã nhận ra tấm ảnh mà Võ Trần đưa cụ coi đúng là Lê Xuân Tín, cán bộ của ta bị tù ở Côn Đảo cùng thời với cụ. Có điều là Tín được mãn hạn trước cụ một vài tháng và thời kỳ ở Côn Đảo ông Tín ở lao 1 còn cụ ở lao 2. Cụ xác nhận Tín rất hiền lành và rất khỏe. Cụ cũng cho Võ Trần biết cụ không nghe thấy điều tiếng gì về Ba Tín, mặc dù ông Ba được tên Cò Sinh nhiều buổi, có khi liên tục hàng tháng bắt về nhà nó làm vườn và phục dịch. Theo lời cụ, đó là tình hình khá phổ biến ở đảo, bọn cai ngục vẫn thường lợi dụng anh em tù trẻ, khỏe, bắt về làm công không. Vì thế không phải chỉ có ông Tín mà rất nhiều anh em tù trẻ khác cũng bị bọn cai ngục lợi dụng như vậy. Theo cụ, nếu có “chuyện” gì thì chết ngay với anh chị em trong tù rồi. Chi bộ nhà tù có “tai mắt” ở khắp nơi. Cụ vẫn còn nhớ khi ra tù, ông Tín còn gặp chào cụ và khoe là chi bộ đã cấp chứng nhận bí mật cho mình về tiếp tục sinh hoạt Đảng…

   Cũng không có gì mới. Võ Trần đã khá tiếc công lao lặn lội đi tìm cụ. Tuy nhiên, lúc chia tay cụ đã nói thêm một điều mà hẳn cụ cho là thường tình, hoặc không có ý nghĩa gì hết. Cụ cho biết: hai tháng sau khi ông Tín rời Côn Đảo, đên lượt cụ cũng mãn hạn và được đưa về Sài Gòn. Ở đó cụ bị tạm giam ở Chí Hòa một tuần. Mọi tù nhân khác cũng thế. Trong một tuần đó, một số tên quan chức của Tòa án ngụy đến hỏi lại một cách chiếu lệ - rằng còn dám chống đối chánh quyền nữa không?... Tất nhiên ai ai cũng phải đáp là không. Sau đó, làm tờ cam đoan, rồi làm thủ tục giấy tờ phóng thích. Tất cả chỉ trong vòng độ hai tuần. Nhưng dịp đó, một tên lính gác đã bảo cụ: cụ được làm giấy đúng thời hạn thế là may. Còn có người đã phải kéo dài tới một vài tháng. Hỏi là ai, tên lính gác nói đó là ông Tín. Cụ tỏ ra rất ái ngại cho anh bạn trẻ ấy…

   Võ Trần lại đi tìm hồ sơ nhân sự cụ của bộ máy ngụy quân ngụy quyền ở Sài Gòn. Cuối cùng, anh đã tìm được một người hạ sĩ làm ở văn phòng khám Chí Hòa trong những năm đó. Người này giải ngũ từ 1961, bây giờ trên 60 tuổi, cả gia đình cùng làm nghề dệt vải đã mấy chục năm tại ngã tư Bảy Hiền. Vì chỉ là một hạ sĩ văn phòng và giải ngũ từ lâu, người này không phải đi học tập cải tạo. Tuy nhiên, khi Võ Trần đột ngột tới và hỏi lại chuyện cũ thời Chí Hòa, người đó không khỏi hoảng hốt…

   Sau khi gặp người hạ sĩ này Võ Trần quay trở về, đọc kỹ lại bản tự chuyện của ông Ba. Bản tự chuyện viết: “… Từ nhà tù Côn Đảo, bọn địch đưa tôi về Sài Gòn một tuần, làm thủ tục rồi trả lại tự do cho tôi. Tôi xin trở về quê cũ tạm náu mình để bọn địch khỏi nghi ngờ, đồng thời đi tìm lại liên lạc với Đảng. Nhưng không tìm được. Vùng quê tôi đã thành vùng trắng vì địch càn quét, o ép vô cùng ác liệt. Tôi phải bật đi. Tôi tìm đến thành phố…”

   Võ Trần báo cáo xong mọi chuyện, Mẫn rất mừng:

   - Được lắm! Võ Sĩ ạ, vậy theo anh liệu có điều gì đáng chú ý không?

   - Có! Ít nhất cũng đã có một câu hỏi nổi lên: Ba Tín “bị” lưu lại khám Chí Hòa khá lâu như vậy để làm gì? Và tại sao?

   - Cho phép tôi thử phản đề lại nhé! Lâu hay chóng cũng chưa có thể coi là một điều gì bất bình thường. Vì lỡ Ba Tín đã gặp phải tên quan liêu nào đó, vợ hắn ốm, con hắn sài, không làm ngày được mọi thủ tục: cho xuất ngục như mọi trường hợp khác, thì sao? Như vậy vấn đề anh đặt ra chưa thật vững.

   - Rồi! Nhưng vẫn câu hỏi nữa: vì sao trong giấy xuất ngục khai là xin về quê cũ làm ăn, lại đi Z? Làm gì? Ý đồ gì?

   - Chính người lính văn phòng ngụy đã trả lời một phần rồi đó: có thể ông ta có bạn thân ở Z nên đi Z trước. Sau đó ông mới về quê có sao đâu?

   - Rồi! Câu hỏi thứ ba: ra khỏi khám Chí Hòa, Ba Tín đi Z ngay, theo lời người lính văn phòng khai. Vậy sao trong tự chuyện lại viết: về quê một thời gian rồi mới đi Z? Vậy vì sao có sự mâu thuẫn giữa sự thực và lời khai này?

   - Có thể có sự lầm lẫn, nhớ sai nào đó. Và dù cho ông Ba có khai sai một chút về thời gian, xét cho cùng cũng chưa có một ý nghĩa gì lớn, đáng phải lưu ý. Tôi nghĩ như vậy.

   Đến lúc này, Võ Trần có vẻ không chịu nổi nữa, mặt anh đỏ lên:

   - Sao lại không phải lưu ý? Chính anh chứ không phải ai khác đã luôn nhắc tôi phải lưu ý tới tất cả những gì không rõ ràng và mâu thuẫn.

   Mẫn mỉm cười, tiếp tục cuộc “đấu lý”:

   - Đừng có gắt tôi vậy, bạn ơi! Nếu ông Ba cứ viết thẳng là từ Chí Hòa đi Z luôn, cũng chẳng có hại gì cho ông. Ngược lại, ông viết: đã về quê một thời gian rồi mới đi Z thật ra cũng không có lợi gì cho ông, giả dụ như có chuyện khuất tất.

   - Sao không? – Võ Trần tức thực sự rồi – Khai vậy mới là hợp lý. Vì không có anh cán bộ nào lại ngốc đến nỗi ở tù ra lại chạy thẳng đi nơi xa lạ khác để tìm liên lạc. Địch nó sẽ chộp được ngay tức thì, khi nó kiểm tra ở địa phương không thấy anh về trình diện. Nó biết ngay anh lại đi hoạt động. Mà vừa ở tù ra có tài thánh mới bắt liên lạc được ngay với Đảng. Anh còn đang lớ ngớ, dù có chui lủi ở đâu rồi cũng sớm bị tóm lại thôi. Vậy khai thế này mới là khôn, kín đáo, vì nó hoàn toàn hợp lý. Vụng dại mà khai thật là “ở tù ra, tôi đi thẳng tới Z, để tìm liên lạc với cách mạng”, thì những người chỉ cần trình độ như tôi, cũng sẽ phải đặt câu hỏi: “Vậy thằng địch không biết tí gì về anh sao? Thằng địch để yên cho anh “chạy” ngay tới Z để hoạt động hợp pháp sao? Tụi nó đâu có quá ngờ nghệch đến thế!”.

   Tới lúc đó Mẫn đứng dậy. Anh chìa tay ra bắt tay Võ Trần và siết chặt, tươi cười:

   - Cũng có thể là tôi “thua” bạn rồi đấy! Xin tạm ngừng tranh luận và đề nghị anh lao tiếp vào kho tài liệu nữa đi! Anh cần vào đấy chục lần, trăm lần nữa. Xin anh chú ý hơn nữa tới cả khu vực tài liệu Mỹ cho tôi.

   - Anh chưa cần trở lại ngay Đoàn 123 sao? Cả tôi nữa.

   - Rất cần, nhưng còn muốn đợi Út Bơ chút nữa xem có tín hiệu gì không?

   - Vậy tôi có nên bắt tay vào Phan Kim Hoàng nữa không?

   - Anh cứ làm theo đúng kế hoạch, mặc dầu tôi bắt đầu nghĩ rằng: bây giờ thì dường như chúng ta đã có một định hướng…

*
*   *
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #42 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2013, 04:18:25 pm »


   Sáng hôm sau, khi Võ Trần sửa soạn để lại tới các kho lưu trữ thì chuông réo vang. Mẫn nhảy tới máy điện thoại. Gương mặt anh đang chăm chú thoắt như sáng bừng, nở giãn ra: “Vâng! Vâng! Tôi hiểu rồi! Rất cảm ơn chú Sáu! Rất cảm ơn!”.

   Một sự mừng rỡ ít thấy và có lẽ chưa thấy ở Mẫn.

   - Có tin về Út Bơ phải không? – Võ Trần hồi hộp hỏi.

   - Đúng! Hay quá Võ Sĩ ơi! Tôi phải đi ngay đây. Tôi phải đi bãi biển nghỉ mát đây. Ông chờ tôi nhé! Tôi cố gắng chỉ đi trong vòng ba ngày. Nếu trễ, tôi sẽ điện báo ngay, chúc ở nhà thắng lợi!

   Một ngày ròng rã. Hai ngày ròng rã. Võ Trần lại gần như mờ cả mắt. Lần này, theo ý Mẫn, anh kiên quyết tập trung vào khu vực tài liệu Mỹ. Nhưng khu vực này cũng hết sức đồ sộ, phức tạp. Anh tập trung trước hết vào những gì có liên quan tới kế hoạch tình báo hậu chiến, một kế hoạch rất to lớn của Mỹ đã được phác ra từ 1965, những được thực sự triển khai từ đầu 1969 có nghĩa là sau tết Mậu Thân. Chúng đã cho một số sĩ quan an ninh tình báo ngụy giả vờ giải ngũ để xóa dần vết tích, cho một số tay chân giả chống tham những, giả đối lập với chính quyền để gây uy tín trong xã hội. Chúng cũng đã thực hiện kế hoạch “hoàn lương” nghĩa là đưa tay chân về các vùng nông thôn để tổ chức các lưới tình báo, gián điệp rộng, đồng thời gấp rút tuyển chọn, đào tạo một lớp tình báo viên trẻ để làm ăn lâu dài và cuối cùng là chuẩn bị đưa người của CIA vào chính phủ Liên hiệp ba thành phần, mà chúng dự kiến là sẽ được thành lập khi có một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam.

   Kế hoạch lớn nói trên nửa đầu thập kỷ 70, CIA đã thực hiện được một phần. Nhưng tới xuân 1975, trước tình hình phát triển quá nhanh, Mỹ đã phải điều chỉnh lại: gấp rút huấn luyện một số tay sai, di tản những tên đã lộ liễu ra nước ngoài để chỉ huy từ xa về, đồng thời cho một số tên ra giả vờ đầu thú để “leo trèo” dần: chọn một số chức sắc tôn giáo có uy tín để hoạt động cho CIA, cho đi điều tra lại rừng, biển, biên giới để chuẩn bị và tiến hành lập mật khu; giúp Phun-rô và một số Công giáo phản động và Hòa Hảo phản động tổ chức mai phục lực lượng…

   Những tài liệu thu được còn cho biết rõ hơn nữa: kế hoạch hậu chiến của Mỹ có đặc điểm là ngay từ sau Mậu Thân, Mỹ đã chú trọng tổ chức nội tuyến từ cấp huyện trở lên, và chúng thường dùng người bị bắt. Sau khi đã tuyển mộ, huấn luyện thì thả về theo đường công khai, hoặc cho giả vờ trốn thoát, hoặc qua đường trao trả.

   Những nhân viên đã tuyển mộ và huấn luyện được tung trở về hàng ngũ cách mạng là nhằm phục vụ cả trước mắt lẫn lâu dài. Các nhân viên này sẽ kết hợp với các lực lượng thân Mỹ hoặc chịu ảnh hưởng Mỹ. Chúng hy vọng sẽ chiếm được đa số trong thành phần chính phủ liên hiệp (nếu thành lập được). Và như vậy mục tiêu đề ra là không để Nam Việt Nam rơi và tay “Cộng sản” chắc chắn sẽ thực hiện được.

   Đó là kế hoạch và mục tiêu lớn. Đi vào cụ thể, công việc này đã được thực hiện bằng rất nhiều kế hoạch nhỏ tinh vi, lắt léo. Có kế hoạch kéo người ra. Có kế hoạch “đánh” người vào. Và có cả kế hoạch “kết hợp” hoặc “hỗn hợp”.

   Bên cạnh những kế hoạch to lớn ấy là biết bao nhiêu hồ sơ nhân sự, báo cáo, khẩu cung, trắc nghiệm… xem tới đâu, giật mình tới đó. Giấy tờ đủ loại: đánh máy, viết tay, tốc ký, mã số… Ảnh chụp cũng không ít. Có những tấm ảnh cầm lấy mà Võ Trần cứ bàng hoàng muốn ngã ngửa, vì đã nhận được ra đó là ai hoặc những ai…

   Tuy vậy, những gì mà anh muốn tìm thì vẫn chưa thấy.

   Qua ngày thứ ba, Võ Trần đã mệt mỏi hết sức. Trong tòa nhà kiên cố, kín như bưng, dù có máy lạnh vẫn thấy ngột ngạt khó thở. Để cho đỡ căng đầu óc, Võ Trần nhặt lên xem một tập tài liệu về y tế của Mỹ trong đó có những bản kết quả của một thứ trắc nghiệm tình báo viên, mà tụi Mỹ gọi là “Trắc nghiệm thành thực”. Hầu hết các điệp viên sau khi được xem xét, thử thách tỉ mỉ về nhiều mặt cuối cùng đều phải trải qua cuộc “Trắc nghiệm thành thực” rồi mới được chính thức tuyển dụng. Khâu trắc nghiệm này do y tế và quan chức CIA Mỹ trực tiếp tiến hành bằng một chiếc máy gọi là POLY-GRAPH, máy điện tử hết sức tinh vi và hiện đại, đặt vừa gọn trong một chiếc va-li nhỏ xách tay. Trên mặt máy có một số nút vặn và một mặt kính cỡ 8 x 12 cm. Dưới tấm kính đó là ba chiếc kim có mực mầu; dưới các kim là một cuộn băng giấy rộng cỡ 10 cm. Ba kim đó là kim đo nhịp thở, kim đo nhịp tim, và kim đo lượng mồ hôi ở đầu ngón tay. Ngoài ra, máy còn có một ống cao su xoắn dài. Để tiền hành thử nghiệm trước hết người được tuyển mộ phải vào ngồi trên một chiếc ghế bên cạnh máy và quấn vòi cao su vào quanh ngực. Sau đó, trong khi máy chạy, người đó phải trả lời 20 câu hỏi từ dễ tới khó. Yêu cầu trả lời từ chậm tới nhanh, thậm chí rất nhanh.

   Những câu hỏi đơn giản, ví dụ như: Anh bao nhiêu tuổi? Vợ anh tên gì? Bị bắt trận nào?... Những câu hỏi này phải trả lời thật nhanh, không cho thì giờ suy nghĩ.

   Rồi đến những câu khó hơn. Đó là những câu đòi hỏi có trí nhớ tốt. Và cả những câu hỏi hóc búa đòi hỏi phải thông minh và phải có phản ứng rất nhanh – Rồi tới những câu hỏi thuộc về cách xử trí hoặc thái độ trước một số việc, để xem tính dữ hay tính lành, nhu nhược hay quyết đoán, mưu cơ hay tộc tuệch…

   Mỹ hỏi và người trả lời đều qua phiên dịch – những phiên dịch viên cực giỏi.

   Trong không ít bản trắc nghiệm ấy, ở phần kết luận ghi: “Trì, độn” – hoặc “xảo trá” – hoặc “Nhu nhược – hèn yếu”. Nhưng cũng có nhiều bản có kết quả tốt: “Được” – “Rất thông minh” – “Trí nhớ rất bền” v.v…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #43 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2013, 04:19:32 pm »


   Đột nhiên, trong đống bản trắc nghiệm ấy có một bản đã khá cũ, mang tên: Lê Tín và kết quả là “Được”.

   Võ Trần như vồ lấy bản trắc nghiệm ấy.

   Lê Tín là ai? Có phải Lê Xuân Tín không? Ôi đây rồi, đây rồi chăng? Võ Trần mừng đến mức muốn chạy bay ra ngoài, lồng đi tìm máy nói để gọi về ngay cho Mẫn. Nhưng sực nhớ Mẫn đã đi bờ biển miền Trung để gặp Nguyên Nguyên, anh đành ngồi lặng, cắn môi suy nghĩ hồi lâu. Rồi nhào trở lại với đống tài liệu, hồ sơ. Nhưng lần này anh chỉ sục, chỉ đào vào khu vực y tế. Và, cho đến gần phút chót giờ làm việc buổi sáng, anh đã tìm thấy “nó”! Võ Trần lại muốn nhảy tung lên, reo to lên cho hả cơn mừng. “Nó đây rồi! Một bản khám bệnh thông thường cũng có tên Lê Tín. Nhưng dù thông thường “nó” cũng vô cùng hệ trọng. Bởi trong đó có ghi khá đầy đủ chiều cao, vòng ngực, cân nặng, pi-nhê, áp huyết và cả nhóm máu. “Nó” sẽ bổ sung cho bản trắc nghiệm này.

   Như bay trở về, không kịp thay áo quần ngoài, cũng không thiết gì tới bữa ăn trưa nữa, anh mở hòm sắt. Chỉ trong nháy mắt, tập hồ sơ của Lê Xuân Tín đã có ở trước mặt anh, bên cạnh đó là bản sao trắc nghiệm và tờ phiếu khám sức khỏe của nhân vật Lê Tín nào đó.

   Võ Trần mở tập hồ sơ ra. Anh rút lấy tờ phiếu sức khỏe của Lê Xuân Tín. Bàn tay anh gần như run lên. Hơi thở anh nghẹn lại. Ôi, hồi hộp quá! Trong đời anh có lẽ chưa bao giờ lại mất bình tĩnh, lại hồi hộp đến mức này. Nào, thử so hai cái phiếu sức khỏe này xem sao! Thử xem các con số liệu có trùng hợp hay là không trùng hợp?

   Hai mắt mở căng, trái tim anh như muốn xé toang lồng ngực để nhảy ra…

*
*   *

   Trong cùng thời gian này, ở bãi biển nọ thuộc miền Trung vào một buổi chiều gió như hát như reo trong các hàng dương. Nguyên Nguyên lại đi dạo. Cô cầm một nhánh hoa cỏ trên tay quay quay, mặt ngẩng cao sáng ngời hạnh phúc. Thím Hai Hòa vẫn luôn luôn ở bên cô.

   Nhưng đây không phải là bãi biển sầm uất mà người ta đã đưa Nguyên Nguyên tới trước đây ít lâu. Cô mới được chuyển về đây chưa quá ba ngày, với một ý kín đáo: không để cho cái “người nào đó” có thể dễ dàng lần tìm được dấu vết của Nguyên Nguyên. Bãi tắm ở đây nhỏ hơn, du khách cũng ít hơn. Tuy vậy Nguyên Nguyên lại tỏ ra thích thú. Cô ưa sự yên tĩnh.

   Má ơi (hôm nay cô đã xưng hô với thím Hai như vậy) thời hạn nghỉ của con sắp hết rồi má. Chắc con sắp phải về thành phố!

   Thím Hai âu yếm:

   - Con khỏi lo! Các chú ở đây đã điện về Nhà văn hóa quận xin phép cho con nghỉ thêm, cho khỏe hẳn. Mà nè, ngày mai sẽ có một chú ở thành phố ra đây…

   - Chú nào vậy má?

   - Không nói trước. Để dành cho con sự bất ngờ. Chú sẽ là khách của con nữa nghe!

   - Khách của con?

   - Ủa! Con đã gặp chú một lần rồi đó.

   Nguyên Nguyên ngờ ngợ:

   - Má nói chi? Có phải chú mà con đã gặp ở Nhà văn hóa quận hồi nọ?

   Thím Hai cười:

   - Chưa rõ. Nhưng nếu là chú, con có tiếp chú như hồi đó không?

   Nguyên Nguyên nũng nịu, ngả đầu vào vai thím:

   - Thế thì con… mắc cỡ lắm, má ơi! Chú sẽ cười, sẽ phê bình con mất. Con sẽ trốn thôi! Trốn biệt thôi à!

   Thím Hai củng nhẹ vào trán Nguyên Nguyên:

   - Mồ tổ mi! Mi có trốn đằng trời. Chú sẽ xích tay mi, xích cả má, xích tay tuốt tuồn tuột cả cái nhà an dưỡng này, cả toàn dân trên cái bãi biển này cho mi coi! Nào có ngán không hả?

   Cả hai má con cùng cười giòn giã. Rồi ôm cô choàng lấy ngang lưng thím, thì thào:

   - Nhưng mà, con đã kể hết cho má và các chú các bác có trách nhiệm ở đây nghe rồi mà!

   - Đúng vậy. Nhưng chú ấy vẫn muốn nghe trực tiếp và chú cũng có thể sẽ hỏi thêm con một vài điều chi nữa chăng?

   Thật vậy, Nguyên Nguyên đã kể lại khá nhiều điều cho má Hai nghe. Sau khi đã ổn định lại tinh thần, nhất là khi thấy cả vợ chồng thạc sĩ Hùng Tâm cũng có mặt ở bên, Nguyên Nguyên đã hoàn toàn tin cậy và yên tâm với cái tập thể này. Cô đã hiểu được cô đang sống ở đâu và trong sự bao bọc của những ai. Cô đã không còn lo ngại bị nhận xét không đúng, thậm chí bị kết tội oan uổng. Bây giờ cô đã hiểu: cô được hoàn toàn tin cậy, hoàn toàn là người cùng một nhà…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #44 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2013, 04:20:14 pm »


   Nguyên Nguyên đã nhớ lại được rằng gia đình cô hình như ở vùng Củ Chi. Cha mẹ bị bom đạn đã chết hết. Hồi đó, Nguyên Nguyên còn rất thơ ấu. Cô bám theo một số người lớn chạy quẩn quanh mãi rồi ra tới Sài Gòn. Những người kia thất tán hết. Cô bé bơ vơ. Cô được đưa vào một nhà tế bần nuôi trẻ mồ côi. Năm lên chín tức là năm 1971 cô được vợ chồng chủ quán Tuổi Mộng đến xin về, thực chất là để phục dịch, hầu hạ trong tiệm cà phê của họ. Cô đã phải làm lụng hết sức vất vả. Nhưng cho qua tất cả những chuyện ấy, cô chỉ nói lại những gì khác lạ. Ấy là tháng nào họ cũng về Sài Gòn, nói là về cất hàng lên bán. Nhưng có một lần trong túi đồ cô đã tình cờ thấy có một cuộn giấy gì nho nhỏ, gói kín. Tò mò, giở ra xem thấy toàn là bản đồ vẽ tay… Từ đó trí tò mò của cô bé luôn luôn bị kích thích mỗi khi họ thu xếp hành lý để về Sài Gòn. Trí tò mò của cô bé còn bị kích thích thêm nữa khi thi thoảng lại thấy một người đàn ông lạ mặt từ Sài Gòn lên chơi, mà mỗi lần người này lên đều rủ chủ tiệm vào rừng, có buổi khá muộn mới về… Và số khách uống cà phê ở đây có một ông rất quen mặt. Ông này thường chỉ tới vào các buổi tối. Có những tối mưa, ông cũng tới. Họ thường nói chuyện rì rầm rất khuya.

   Cho tới ngày Quân Giải phóng sắp đánh tới, các sở Mỹ, và thám báo Mỹ rục rịch rút đi, dân chúng trong thành phố đều nôn nao, nhiều người đã kéo nhau chạy về Sài Gòn, thì vợ chồng quán Tuổi Mộng cũng cuống lên, thúc nhau chuẩn bị chạy. Nhưng rồi lại thấy người ở dưới Sài Gòn lên. Họ nói chuyện riêng với nhau có vẻ bí mật và căng thẳng lắm. Từ buổi đó không thấy vợ chồng họ nói tới chuyện chạy nữa. Một đêm, vẫn còn nhớ, Út Bơ đang ngủ say dưới bếp, bỗng thức giấc nghe thấy tiếng rì rầm nói chuyện. Út Bơ lắng tai, nhưng họ nói rất nhỏ, vả lại ở phòng ngủ phía ngoài nên không nghe rõ điều gì. Tuy nhiên vẫn nhận ra đó là tiếng của hai người đàn ông, chứ không phải là hai vợ chồng Tuổi Mộng… Không nén được tò mò nữa, Út Bơ ngóc đầu, rón rén trỗi dậy nhòm qua một lỗ cánh cửa. Dưới ánh đèn đêm Út Bơ thấy ông chồng đang ngồi nói chuyện với ông khách quen thân vẫn thường tới uống cà phê vào buổi tối. Còn bà vợ thì ngồi ở gian ngoài, nơi bày bán cà phê hàng ngày. Khi ấy Út Bơ vì còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện gì hết, nhưng trong thâm tâm cũng đã cảm thấy một nỗi hồi hộp và lo sợ rất khó tả.

   Út Bơ còn bàng hoàng chưa hiểu sao, thì sáng sớm ngày hôm sau súng đã nổ, và một đơn vị nhỏ của Quân giải phóng đã bất ngờ xốc thẳng vào thành phố, đánh chiếm tiểu khu quân sự ngụy lúc đó đã gần như bỏ trống, và kéo cờ mặt trận lên giữa sân tòa thị chính…

   Cũng từ đso, sau ngày giải phóng không hiểu vì sao, không thấy ông khách thân quen ấy tới uống cà phê nữa. Từ đó có nhiều khách mới, trong đó có khá đông bộ đội và cả công an, cán bộ các ngành. Cũng từ đó, từ sau ngày giải phóng, không thấy họ năng về Sài Gòn như trước. Cũng không thấy người từ Sài Gòn lên chơi. Và cũng từ ngày đó vợ chồng quán Tuổi Mộng vui vẻ, săn sóc Út Bơ khác hẳn. Có một lần Út Bơ đánh bạo hỏi sao không thấy ông khách quen khi trước đến đây nữa? Thì cô đã được giải thích rằng có lẽ ông đã chết trong lúc ta tấn công vào giải phóng thành phố. Nhưng cũng có thể ông đã chuyển đi nơi khác rồi, không được rõ lắm.

   Năm ấy Nguyên Nguyên đã 12 tuổi. Cô bé đã bắt đầu lờ mờ hiểu được rằng: cô đang ở trong một nơi không tốt, thậm chí nguy hiểm. Cô rất muốn được thoát ly, nhưng chưa biết bằng cách nào. Thì vụ đổ xe năm 1977 vừa là tai nạn bi thảm, nhưng đồng thời cũng là dịp may rất lớn với Út Bơ. Tự nhiên cô đã thoát được khỏi bàn tay của vợ chồng Tuổi Mộng…

   Từ đó, cô hoàn toàn không bao giờ muốn nhắc lại quá khứ của mình nữa. Nói cho đúng hơn, cô rất sợ phải nhắc lại quá khứ. Cũng vì vậy lá thư bí mật rung dọa nọ đã có một tác động rất mạnh đối với cô.

   Nguyên Nguyên đã nhớ và kể lại mọi chuyện khá tỉ mỉ và rành rọt như vậy. Khi được 17 tấm hình, thì cô gần như rú lên, chỉ luôn vào một người: Ông ấy! Chính ông này đây! Được yêu cầu nhận diện lại cho thật kỹ, Nguyên Nguyên vẫn khẳng định là mình không lầm, mặc dù người trong ảnh này mặc quân phục của ta, còn “ông khách uống cà phê quen thân cũ” luôn luôn chỉ mặc thường phục.

   Nguyên Nguyên cũng nhận ra thêm một ông khách quen nữa. Ông này mặc quân phục, đeo quân hàm thiếu tá. Nhưng cô nói ông này mới xuất hiện sau giải phóng. Đó là thiếu tá Huỳnh Bá.

   … Thím Hai Hòa cùng Nguyên Nguyên đi chơi đã khá xa. Thím bảo phải quay về. Hoàng hôn đã nhuộm vàng trên mặt biển, rồi chuyển dần sang màu tím biếc.

   Khi hai má con vừa về tới đầu khu an dưỡng thì thấy một người chạy tới, vẻ nghiêm trọng, trách liền:

   - Thím chủ quan quá! Sao thím lại đưa cô đi chơi quá xa vậy?

   Rồi ra hiệu cho Nguyên Nguyên vào nhà trước, giữ thím Hai ở lại, ông ghé tai thím thì thào:

   - Thím biết không? Tin từ thành phố vừa gởi lên cho hay: Cái “người nào đó” lại xuất hiện ở quận và có ý dò hỏi xem Nguyên Nguyên đang nghỉ ở đâu. Ghê thế đó!

   Thím Hai bỗng rùng mình.

   Gần trưa hôm sau, khi thím còn đang lúi húi gấp quần áo ở trong phòng thì nghe có tiếng xe hơi, thím chạy vội ra hành lang, ngó xuống: Đúng như kế hoạch, Mẫn đã tới…
*
*   *
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #45 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2013, 04:21:02 pm »


   Mặc dầu Nguyên Nguyên hết sức quấn quít, nhưng chỉ sau có một ngày, Mẫn đã phải ra về. Trước khi lên xe, anh điện cho Rồng Xanh phải ra ngay thành phố Hồ Chí Minh để họp tổ cấp tốc. Điện mật nội bộ.

   Thế là anh đã trực tiếp được gặp Út Bơ - Nguyên Nguyên. Và anh đã được trực tiếp nghe tất cả. Nỗi mừng mênh mông trong lòng anh. Nhưng dẫu sao cũng đã rất mệt, anh tranh thủ ngủ ngay ở trên xe. Khi tới ngoại ô thành phố anh mới choàng tỉnh dậy.

   Võ Trần đang hết sức hồi hộp, nóng lòng chờ đợi anh ở nhà.

   Khi Mẫn vừa đẩy cửa bước vào phòng. Võ Sĩ gần như chốm tới:

   - Kết quả?

   - Ngoài ý muốn! Tôi đã điện gọi Rồng Xanh chuẩn bị mọi ý kiến, và tài liệu. Giờ phút chuyển sang “Kế hoạch 2” của “Chương trình Anh Đào 1” theo tôi có thể đã điểm.

   Cả buổi tối hôm đó, rất khuya, hai người bạn cùng ngồi điểm lại từng việc, từng tài liệu, thậm chí tới từng chi tiết tinh vi, nhỏ bé nhất đã có, đã xảy ra… Nhiều tài liệu, nhiều sự việc và hiện tượng rất dễ hiểu, rất hợp lý, nhưng ngược lại không ít điều vẫn còn khá mơ hồ, thậm chí rối rắm hoặc mâu thuẫn, trái nghịch hoàn toàn  với những gì đã xảy ra trước đó, hoặc đang cùng xảy ra và diễn tiếp… Có lúc thấy như ở phía trước đang có tới hai, thậm chí ba tuyến sự việc hoàn toàn không dính líu gì với nhau. Nhưng có lúc lại thấy dường như tuy bề nổi là hai ba tuyến sự việc nhưng bên trong, bên dưới, chìm sâu lại chỉ là một hoặc ít ra cũng có những mối liên quan hết sức chặt chẽ…

   Thêm nữa, trong khi thảo luận, có lúc hai người có những nhận định hết sức giống nhau, nhưng cũng có khi ý kiến lại gần như hoàn toàn đối lập.

   Nhưng rồi cuối cùng cả hai đã dần dần đi được tới những nhận định và những phán đoán cơ bản nhất.

   - Điện về quân khu chứ anh? – Võ Trần hỏi. Mẫn gật đầu:

   - Theo lịch và đã hẹn trước: đêm mai tôi sẽ phải báo cáo. Nếu sáng mai Rồng Xanh ra kịp, có ý kiến tập thể của cả tổ thì càng tốt.

   Như cầu được ước thấy, khoảng 11 giờ 30 ngày hôm sau Rồng Xanh đã xuất hiện. Cũng thật lạ, anh chàng sôi nổi luôn luôn như lửa cháy này, lúc nào dường như cũng có một tin hoặc một chuyện bất ngờ, thậm chí hết sức hệ trọng:

   - Huỳnh Bá trốn rồi!

   Vừa nhào tới, Rồng Xanh đã thốt lên, y như ném một trái lựu đạn bất ngờ.

   Huỳnh Bá mới đột ngột biến mất từ ba hôm nay. Phát hiện được là vì người bám sát của ta đột nhiên không thấy chiều hôm đó Huỳnh Bá đi lại trong sân nhà một mình, vừa đi vừa âm thâm suy nghĩ hàng giờ liền như thường lệ. Thêm nữa, sáng hôm sau vợ Huỳnh Bá hớt hơ hớt hải chạy vào Bộ chỉ huy quân sự báo cáo là chồng chị bỏ nhà đi đâu mất. Ông Năm Cường và anh Lê Vi cùng những người có trách nhiệm đã cho người cấp tốc đi tìm ở mọi nơi mà Huỳnh Bá quen biết và thường lui tới. Nhưng không thấy đâu hết. Huỳnh Bá ra đi vào buổi trưa. Chị Huyên vợ anh kể lại, anh dắt một chiếc xe đạp cũ, hỏng xấu xí nhất và dặn lại: “Có ai hỏi bảo tôi đi có chút việc”. Chỉ có vậy. Không mang quần áo, cũng không mang va ly, túi, giỏ nào hết. Nhưng nay chị Huyên xem lại thì thấy anh đã đem đi năm ngàn tiền mặt, và hai chỉ vàng. Chị khóc lóc như điên. Chị thú thật: chỉ lo anh đã vượt biên và cũng có thể… tự sát như Ngô Đạt.

   Cuộc kiếm tìm điều tra được tiến hành rất khẩn trương, ráo riết. Lê Vi rất buồn, vì anh là người cũng có một phần trách nhiệm giám sát Huỳnh Bá. Hơn thế nữa chính anh là người muốn tỏ ra là một cán bộ có bản lĩnh và nhân đạo, đã khuyên cấp trên đừng nên bắt Huỳnh Bá vội, cứ để theo dõi thêm, miễn là sớm cắt đứt anh khỏi công việc và quyền lực.

   Hiện nay dư luận đã khẳng định Huỳnh Bá thực sự có dính líu vào vụ cháy nổ; thậm chí còn hơn thế nữa. Dư luận này đã trở thành phổ biến rộng rãi không những trong nội bộ các đơn vị cơ quan quân đội, mà đã loang cả ra một số cơ quan dân chính, thậm chí ngoài dân chúng cũng đã có người bắt đầu rì rầm về chuyện này.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #46 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2013, 04:21:47 pm »


   Chị Huyên vợ Huỳnh Bá cùng hai con đã được hỏi đi hỏi lại cặn kẽ về những ngày trước đó, xem Huỳnh Bá đã có những biểu hiện gì. Cả chị và cả hai cháu đều nói hết sức giống nhau, mặc dù được hỏi riêng rẽ từng người rằng: không hề thấy có triệu chứng gì là Huỳnh Bá sẽ bỏ trốn hoặc tự sát. Chỉ thấy từ hôm nghỉ việc, anh rất buồn, đóng kín cửa như đi tu, hoàn toàn thay đổi cách sống, gần như cắt đứt mọi mối quan hệ giao du bên ngoài. Anh rất buồn. Buồn và bực nữa. Chính vì thế đã có lần vợ hỏi, anh gắt lên: “Đi nước ngoài, nước trong gì. Người ta sắp xích tay tôi đó!”. Buổi sáng hôm mất tích, Huỳnh Bá vẫn còn nhắc hôm nay thứ bảy, các con phải làm vệ sinh nhà cửa, lau rửa lại cửa kính, cửa chớp.

   Bà Hân chị họ Huỳnh Bá cũng được chất vất. Bà chỉ khóc và nói không hề biết một tí gì về chuyện này. Bà chỉ nhớ rằng: cách đây ít lâu, không thấy Huỳnh Bá lại chơi như thường lệ. Bà cho con tới gọi, thì Huỳnh Bá nhắn rằng: từ nay đừng có tới nhà anh nữa, anh cũng không thể tới nhà bà Hân nữa, vì có kẻ đang rình mò, vu cáo. Có vậy thôi! Hỏi kỹ về Huỳnh Bá, thì bà thú nhận là từ khi giải phóng, Huỳnh Bá có đam mê ăn chơi. Anh thường vay mượn tiền bà. Bà cũng thú nhận là anh có dính líu vào việc buôn bán “áp phe” đồ ngoại nữa. Hỏi về người em cùng cha khác mẹ của Huỳnh Bá di tản sang Mỹ, bà nói Huỳnh Bá có cho bà biết đúng như vậy, và Bá đã nhận được hai lần hai hộp đồ, toàn thuốc tây và vải, len các loại, và đã nhờ bà bán hộ. Ngoài ra, Huỳnh Bá có khai những điều đó với tổ chức hay không khai, bà không được rõ.

   Được hỏi lật ngược lại thời gian về việc bà mua lại tiệm cà phê cũ, rồi phá đi xây nhà lầu. Bà Hân nhận nếu không có Huỳnh Bá là cán bộ quân đội và quen biết ở bên thành ủy, ủy ban thì đúng là bà không mua nổi quán này, vì lúc đó cũng có nhiều người muốn mua. Hỏi Huỳnh Bá quen ai, bà nói không rõ.

   Tóm lại, việc Huỳnh Bá trốn, hoặc mất tích, đang là một sự kiện làm xôn xao. Theo Rồng Xanh có thể có một ảnh hưởng hết sức lớn, làm đảo lộn các kế hoạch nhỏ của “tổ viết sử” thậm chí đảo lộn cả “Chương trình Anh Đào 1”

   - Ảnh hưởng như thế nào, ông cho tụi mình nghe rõ hơn ý kiến ấy – Mẫn hỏi lại.

   - Càng ngày càng rõ: công việc của chúng ta và công việc của “bên đó” có nhiều liên quan mật thiết, thậm chí rất mật thiết.

   - Còn bị đảo lộn, thì theo Rồng Xanh sẽ đảo lộn thế nào?

   - Chấm dứt! – Rồng Xanh thẳng thắn mạnh bạo và cả bực tức trước những câu hỏi đầy vẻ nghi ngờ của Mẫn.

   Cả Mẫn, cả Võ Trần cùng bật cười. Mẫn ôm lấy Rồng Xanh:

   - Vừa qua bạn được ủy thác chuyên theo một hướng. Nay các hướng khác cũng đã có những chuyện lạ - Mời bạn về là để tổ ta cùng trao đổi. Tụi tôi mới quần nhau gần suốt đêm qua và cũng thấy rằng: đã đến lúc có thể chuyển qua bước tiến công mới. Nhưng còn chờ bạn, Phải, còn chờ bạn! Nhưng chờ bạn không phải là để chấm dứt, mà là tiếp tục tiến công…

   Rồi Mẫn quay máy gọi ông Sáu. Ông trả lời mời Mẫn sang ngay, ông sẵn sàng tiếp anh ngay tức khắc, bất cứ vào giờ nào.

   Đúng 13 giờ Mẫn đã có mặt ở văn phòng riêng của ông Sáu.

   - Thư chú Sáu, tên Hải Cẩu vẫn còn đó chứ ạ?

   - Còn. Hắn bây giờ đã khá hơn nhiều.

   - Thưa chú, chúng tôi muốn nhờ chú cho mượn tên này ít hôm

   Ông Sáu nhìn Mẫn qua cặp mắt kính long lanh rồi mỉm cười gật đầu:

   - Được! Mặc dầu chúng tôi cũng đang dùng hắn trong một số việc. Nhưng bên ấy cần, thì phải đáp ứng thôi! Các cậu đã tới lúc “đánh tới” rồi đấy hả.

   - Dạ, thưa chú Sáu, đúng như vậy. Mượn nó để làm một cái “rung” cuối cùng…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #47 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2013, 04:23:16 pm »

6

Hải Cẩu đứng bên cửa sổ của một tầng lầu cao nhìn ra bao quát chung quanh.

Nó được đưa tới ngôi nhà này đã hai ngày vào một buổi tối khuya trên một chiêc xe bịt kín. Đi cùng nó có hai người: một thanh niên khỏe mạnh, nở nang, gương mặt tươi vui, sôi nổi và một người cũng còn khá trẻ, có gương mặt cứng cỏi với một đôi mắt to sáng, thông minh. Hai người đưa Hải Cẩu tới ngôi nhà này, giao nó cho ba người trẻ tuổi khác, rồi dặn nó cứ ở đây, thoái mái và tự nhiên. Khi nào cần sẽ tới gọi. Có thể một hoặc hai ngày nữa. Rồi họ ra đi. Những người trẻ tuổi ở nhà này đã đưa Hải Cẩu vào một căn phòng nhỏ ở trên lầu. Căn phòng khá xinh, có một chiếc giường cá nhân với mùng, chăn gối tử tế. Thêm một chiếc bàn nhỏ trên có mấy chiếc cốc nhựa, và một bình nước cũng bằng nhựa cùng một số sách báo. Trên tường là hai bức tranh phong cảnh. Mấy người trẻ tuổi nọ ngủ ở hai phòng kê hai bên. Đi đường khá xa, và tới khuya, nên mệt, Hải Cẩu đi ngủ liền. Sáng hôm sau trở dậy, khi làm xong mọi việc vệ sinh buổi sáng, được gọi đi ăn sáng, nó không ngờ được ngồi ăn cùng bàn với chính những người đang là chủ ngôi nhà này mà nó cũng hiểu được rằng đó là những người có nhiệm vụ canh giữ nó. Tới bữa trưa, rồi bữa chiều cũng vậy, có nghĩa là họ ăn và ở thế nào nó cũng được y như thế.

   Hôm nay là ngày thứ hai. Hai người đưa nó tới đây vẫn chưa thấy trở lại. Hết sức nhàn rỗi, Hải Cẩu lại ra cửa sổ ngắm nhìn phong cảnh chung quanh. Nó nhận ra đây là thành phố Z quen thuộc với cái tháp chuông nhà thờ cao vút, cùng cái tháp ăng-ten viễn thông của đài phát thanh thành phố. Ngoài ra là những đường phố có rất nhiều cây xanh và mấy cây cầu nhỏ khá đẹp. Nó đã nhận ra đây, vì hồi đầu thập kỷ 70, (dạo đó chưa làm việc cho CIA, hãy còn lang thang, thất nghiệp) nó đã có lần tới thành phố này thăm một thằng bạn cũ. Cũng không ngờ nó đã trở lại thành phố này trong hoàn cảnh và thân phận như thế này…

   Sau bữa cơm chiều, khi thành phố đã lên đèn được một lúc, hai người bữa nọ đột ngột trở lại. Hải Cẩu vừa mừng mừng, vừa sợ hãi.

   - Sửa soạn! Ta đi nghe!

   Hai người đưa Hải Cẩu vào một căn phòng nhỏ của một tiệm cà phê, có lẽ là phòng ngủ riêng của chủ tiệm nên có vẻ kín đáo, ấm cúng với tiện nghi tương đối đầy đủ. Phòng được ngăn cách với phòng lớn ở ngoài bằng một bức tường nhưng không phải tường gạch mà là vách gỗ dán.

   Ba người cùng ngồi quanh một chiếc bàn nhỏ kê sát bức tường gỗ dán ấy. Chỉ một phút sau, một cô gái dịu dàng và lễ phép đem vào ba ly cà phê và một gói thuốc thơm.

   - Anh uống và hút đi!

   - Dạ, xin cảm ơn! – Hải Cẩu lí nhí nói.

   Ba người cùng im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Thấy sự im lặng có vẻ nặng nề, khó chịu. Hải Cẩu lắm lúc muốn thốt lên một lời nào đó, nhưng nó đã được dặn: vô tiệm không được nói một lời nào hết.

   Người có cặp mắt to sáng ngồi đối diện với Hải Cẩu chợt nhẹ nhàng vươn tay lên, gỡ bỏ bức tranh treo trên vách gỗ xuống. Một khe hở nho nhỏ hiện ra giữa hai tấm ván ghép. Người đó hất hàm ra hiệu cho Hải Cẩu. Tên này vội đứng dậy, khom lưng, ghé sát mắt vào khe hở nhìn ra…

   Rồi nó quay lại, nhìn người vừa ra hiệu cho nó. Người đó hất hàm tiếp lần thứ hai. Hải Cẩu đẩy nhẹ ghế, rồi thong thả bước ra phòng ngoài. Nó nhìn bao quanh một lượt, đoạn tiến lại phía chiếc bàn ở góc phòng, nơi có một người khách đang ngồi im lặng nhấp nháp cà phê.

   Nó nhẹ nhàng kéo chiếc ghế bỏ không và ngồi xuống. Người khách đang uống cà phê vội nói:

   - Ấy, xin lỗi, chỗ này đã có người.

   Hải Cẩu đáp:

   - Không sao! Tôi chỉ tới xin ông làm ơn cho chút lửa!

   Ông khách rút chiếc bật lửa đưa cho Hải Cẩu. Nó đốt một điếu thuốc, nhả hơi khoan khoái, rồi đưa trả lại chiếc bật lửa, nói tiếp:

   - Cảm ơn ông. Nhưng xin lỗi, tôi thấy ông hình như có bệnh gan và mật. Da ông tái, mắt ông vàng. Tôi có thuốc gia truyền đặc trị của dòng họ Phan. Ông có muốn dùng, tôi sẽ giúp. Tôi không lấy tiền. Tôi chỉ làm phước cho thiên hạ.

   Người khách uống cà phê thốt nhiên giật mình tròn mắt. Ông ngồi ngẩn ra, hai mắt càng mở trừng trừng, nhìn như thiêu như đốt vào mặt Hải Cẩu. Nó mỉm cười nhắc lại:

   - Ông hình như có bệnh gan và mật. Da ông tái, mắt ông vàng. Tôi có thuốc gia truyền đặc trị của dòng họ Phan. Tôi sẽ giúp ông. Tôi không lấy tiền. Tôi chỉ làm phước cho thiên hạ.

   Tới lúc ấy ông khách uống cà phê mới mở được miệng lí nhí rủn rẩy và hấp tấp đáp lại:

   - Phải, tôi có lẽ bị đau gan, đau mật. Lại nghĩ có thể ung thư máu và lao phổi nữa. Nếu đúng có thuốc gia truyền đặc trị của dòng họ Phan, giúp tôi với. Khỏi, tôi sẽ xin tạ ơn bằng hạt xoàn.

   - Vậy, tối mai vào giờ này, ông tới đây, tôi sẽ mời ông về nhà tôi để lấy thuốc.

   - Dạ, tối mai tôi sẽ tới!

   - Ông y hẹn đấy nhé! Dòng họ Phan chúng tôi không sai hẹn với ai bao giờ!

   Nói đoạn, Hải Cẩu đẩy ghế đứng dậy, đi ra cửa. Ngoài đó, có những người trẻ tuổi chủ của ngôi nhà nó đang ở không rõ đã tới đấy từ bao giờ và ngồi chờ ở đâu, đột ngột cùng xuất hiện và đưa nó trở về nhà.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #48 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2013, 04:24:27 pm »


   Khi bước vào trong phòng, Hải Cẩu lại một lần nữa ngạc nhiên. Hai người đưa nó đi lúc nãy không rõ đã ra khỏi tiệm cà phê từ lúc nào, bằng đường nào, và đã trở về đây bằng phương tiện gì. Người có cặp mắt to sáng, mỉm cười thong thả bảo nó:

   - Tốt! Anh đã thực hiện hoàn hảo mọi việc.

   Người trẻ tuổi hơn có vẻ vui bốc hơn, cất tiếng hỏi đầy khí thế:

   - Anh thấy không? Chẳng cần cái lão chủ quán Tuổi Mộng nào của anh, chúng tôi đã chỉ giùm cho anh đúng người mà anh cần gặp.

   Hải Cẩu cũng khúm núm, cười theo:

   - Dạ! Thú thiệt, tôi cũng hoàn toàn không thể ngờ công chuyện của tôi lại xoay chuyển như thế này…

   - … Một cách thú vị, phải không? – Người trẻ tuổi lại cao hứng đế thêm.

   - Dạ, thưa đúng là thú vị và lạ lùng…

   Tối hôm sau, khi thành phố đã lên đèn một lúc, khách đi chơi tối cũng bắt đầu đổ ra các nẻo đường, thì ông khách uống cà phê tối trước cũng đã y hẹn tìm đến cái quán cà phê mới mở nọ.

   Ánh đèn mờ ảo. Nhạc mơ buồn. Không khí đầy mùi cà phê rang bơ quyến rũ. Khách đã loáng thoáng một vài người đang chụm đầu quanh những chiếc bàn nhỏ.

   Ông khách mới tới gật đầu chào. Người khách ngồi đợi khá vạm vỡ, da ngăm đen. Người có thuốc gia truyền đặc trị của dòng họ Phan cũng mỉm cười chào đáp lại.

   Hai người ngồi gần sát nhau như đôi bạn cũ đã quen biết từ lâu.

   - Ông rất đúng hẹn. Ta uống xong sẽ cùng về nhà tôi. Thuốc tôi để ở nhà.

   - Dạ, được.

   Hai tách cà phê được bưng ra. Hai người cùng im lặng nhấm nháp thứ nước đen nâu quyến rũ ấy và đốt thuốc lá. Họ không có chuyện gì để nói. Thật ra họ cũng không biết nói chuyện gì với nhau lúc này và ở chỗ này.

   Lát sau khi cùng nhấp chút nước trà tráng miệng, người họ Phan đứng dậy:

   - Ông khỏi phải trả tiền. Để tôi trả!

   - Cảm ơn.

   Rồi hai người cùng quay ra, đi về phía cuối phố. Họ rẽ sang một đường nhỏ hơn, vắng hơn. Rồi họ lại rẽ sang một đường phố khác nữa. Cuối cùng cả hai đi tới một công viên khá lớn ở gần một cây cầu. Trong công viên có nhiều ghế cho khách ngồi. Đã có một số cặp thanh niên nam nữ yêu nhau và một số gia đình đưa trẻ nhỏ vào chời. Công viên khá đẹp. Đèn chỗ sáng, chỗ tối. Không gian thật huyền ảo, dễ chịu.

   Chiếc ghế mà hai người cùng chọn là nơi rất ít ai tò mò dòm ngó tới. Khi cùng ngồi xuống, cả hai lại đốt thuốc hút, đúng như những người nhàn rỗi, thoải mái.

   Nhưng rồi đã tới lúc Hải Cẩu lên tiếng trước:

   - Ông bạn ạ, tôi sẽ đưa “thuốc” cho ông. Nhưng tôi cho ông coi cái này đã. Hay lắm nhá. Liệu ông có thể kiếm được một cái như của tôi không?

   - Ông… cứ cho tôi coi thử. Cái gì vậy, tôi chưa được rõ!

   Hải Cẩu rút ví, lấy ra một chiếc vòng đồi mồi nhỏ, nhưng đã bị gãy, chỉ còn có một nửa.

   Người khách ngồi bên thoắt lại như giật mình. Cầm lấy nửa chiếc vòng ngắm nghĩa rồi run rẩy đưa tay vào túi áo mình, ông ta cũng rút ra một nửa chiếc vòng đồi mồi khác.

   Hải Cẩu cầm lấy hai mảnh vòng áp lại với nhau. Thật lạ kỳ! Hoàn toàn ăn khớp. Chứng tỏ đây là một chiếc vòng đã bị bẻ đôi. Hải Cẩu trao trả lại nửa chiếc vòng cho người khách ngồi bên. Cả hai đều bỏ rất nhanh nửa mảnh vòng vào túi áo ngực.

   Hải Cẩu cất tiếng nho nhỏ:

   - Rất tốt! Cảm ơn ông, thế là chúng ta đã nhận ra nhau. Bây giờ ông hãy nghe đây…

   Nói đoạn nó đặt vào tay người khách một cuốn sách nhỏ và một chiếc đồng hồ tay không còn mới lắm.

   Người khách vội vã bỏ ngay tất cả vào túi quần.

   Hải Cẩu tiếp:

   - Ông về cất kỹ cuốn sách. Còn chiếc đồng hồ này từ nay ông sẽ phải đeo thường xuyên ngày đêm, không lúc nào rời. Bác Phan tôi đã dặn đi dặn lại như vậy.

   - Dạ! – Giọng người ngồi bên càng như lạc đi vì quá hồi hộp hoặc xúc động, hoặc lo sợ.

   - Ông phải thường xuyên đeo chiếc đồng hồ này trên tay – Hải Cẩu nhắc lại – Ông nhớ chứ? Bác Phan tôi dặn vậy. Nhất thiết phải đeo như thế ông hiểu chứ? Còn cuốn sách ông đọc nếu không hiểu, cứ giữ lấy. Tuyệt đối không được hủy. Đó là lệnh.

   - Chiếc đồng hồ này phát tín hiệu được ư?

   - Không! Tôi không rõ. Tôi cũng không được cấp trên giải thích. Chỉ biết có nhiệm vụ giao cho ông và dặn ông: phải đeo nó thường xuyên. Tóm lại, ông phải tự tìm hiểu lấy. Hoặc bác Phan sẽ cho ông biết sau. Hãy cứ đeo nó và nhớ giữ cẩn thận cuốn sách.

   - Bác Phan có dặn gì nữa không ông?

   - Bác nói bắt đầu từ nay ông sẽ có liên lạc trở lại. Cấp trên khi có chỉ thị sẽ gửi cho ông một bưu ảnh thông thường, nhưng nội dung là ở phía sau, viết bằng mực hóa học. Và ông nhớ phải tuyệt đối thi hành mọi chỉ thị ấy.

   - Vậy còn về phía tôi, để gửi báo cáo, tôi sẽ tìm ông ở đâu, và khi nào?

   - Không! Sau khi gặp ông tôi hết nhiệm vụ, tôi về. Bác Phan quy định ông cứ tiếp tục mọi việc như cũ. Rồi qua các bưu ảnh, ông sẽ được biết khi nào thì ông phải gửi báo cáo, tài liệu, và ông sẽ liên lạc, gửi báo cáo hoặc xin chỉ thị bằng cách nào. Đó là tất cả những gì mà tôi có nhiệm vụ nói lại với ông. Bây giờ tôi xin hỏi: ông đã có “quà” gì để gửi về cho bác Phan chưa?

   - Có…! Có! Nhưng rất tiếc là tôi không mang theo đây. Quà tôi để ở nhà. Vì xa cách đã lâu, không có tin tức gì của bác Phan, tôi đã phải cất kỹ. Tìm cũng mất công đôi chút.

   Hải Cẩu đứng dậy:

   - Thôi được! Chúng ta đi. Ngồi lâu rồi. Khi nào tôi cần nhận quà, tôi sẽ báo ông hay!
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #49 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2013, 10:44:18 am »


   Hai người ra khỏi công viên, bắt tay nhau, rồi mỗi người đi một ngả. Hải Cẩu đi được một đoạn, một chiếc xích lô chợt ghé tới:

   - Xe, thầy!

   Hải Cẩu ngước nhìn người đạp xích lô, rồi lẳng lặng bước lên xe. Người đạp xích lô có gương mặt trẻ trung, tươi tắn và sôi nổi, tươi cười hỏi:

   - Thầy tối nay đi chơi với bồ, hẳn vui quá xá?

   Hải Cẩu gật đầu, cười gượng.

   Ngay lúc đó, hai chiếc hon-da ở phía sau lướt tới; một chiếc chạy vượt lên trên, còn chiếc kia gần như áp sát, chạy song song với chiếc xích lô. Phía sau nữa, một chiếc du lịch cũng nổ máy, vụt lên. Người lái xe cất tiếng hào hứng nói với người ngồi ở phía sau:

   - Máy của anh cực kỳ tốt!

   Người ngồi băng ghế sau đang ôm một túi đựng máy móc gì đó, khẽ đáp lại:

   - Dạ, cũng được, nhưng tiếng Hải Cẩu nghe rõ hơn, còn cha kia lý nhí nhiều quá. Cảm ơn các anh bên công anh tỉnh! Các anh đã giúp chúng tôi rất nhiều, từ cái quán cà phê cho tới mọi việc trong tối nay…

   Người lái xe lắc đầu:

   - Ổ, nhiệm vụ chung, lợi ích chung mà anh! Nè, giờ ta đi đâu hay vẫn xuống d10, như kế hoạch cũ?

   - Vâng, qua cuộc đối thoại ta vừa nghe được càng phải đi d10 ngay. Xin anh đi thẳng cho! Nhưng qua đầu ngã tư ảnh chờ cho một chút để tôi đón người của tôi cùng đi.

   - Được thôi, người đạp xích lô đó hả? Bây giờ là 22 giờ, đường dài 120 km.

   - Kịp anh ạ! Vả lại chúng tôi cũng đã có người lót sẵn ở đó rồi. Chỉ cần nội đêm nay tụi tôi có mặt ở đó là được. Sáng sớm mai, ta bắt đầu vào việc.

   - Chúc các anh may mắn!

   Ánh đèn đường hắt vào xe soi khá rõ gương mặt cứng cỏi với đôi mắt sáng láng của người ngồi ở băng sau đang ôm chiếc máy ghi âm từ xa cực nhạy.

   Chiếc xe đã ra khỏi thành phố. Nó nhằm hướng Đoàn 123 lao tới như bay.
*
*   *

   Một ngày mới lại bắt đầu. Đồng hồ chỉ 7 giờ 30. Ánh mặt trời đã chan hòa rực rỡ. Thành phố Z lại bừng lên vẻ đẹp tươi tắn với những đường phố dọc ngang nhiều cây xanh tốt. Nhịp điệu của cuộc sống đầy vẻ thanh bình yên ổn cũng lại rộn ràng từ khắp các vùng lao động ở ngoại ô, cho tới khu trung tâm thương mại, văn hóa và hành chính.

   Cũng vào giờ này, tại ngôi nhà khách khá khang trang lịch sự trong doanh trại của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, các cán bộ thuộc các đơn vị, cơ quan được mời về dự cuộc họp sơ kết thi đua đã ăn sáng xong và sửa soạn để ra về. Cuộc họp đã kéo dài tới ba ngày. Ai nấy cũng đều sốt ruột muốn trở lại đơn vị cho sớm.

   Ông Ba Tín cũng vậy. Nhưng ông rất bực: đã hẹn xe ở dưới Đoàn lên đón, nhưng sáng nay thì có điện gọi lên báo xe hư không lên được.

   Cũng may, đang băn khoăn, ông Ba thấy một ông trưởng phòng quen biết ở cơ quan tham mưu đi tới tươi cười hỏi:

   - Anh Ba có về bây giờ không? Hình như anh chưa có xe? Tôi xuống huyện Hải Lục. Anh có về thì cùng về cho vui. Xuống Hải Lục, tôi phải đi qua “vương quốc” của anh mà…

   Ông Ba mừng rỡ:

   - Thế thì còn gì bằng. Cho mình đi với!

   Một chiếc com-măng “đít tròn” lẹ làng ghé tới. Trên xe đã có hai người, ngoài lái xe. Ông trưởng phòng cầm hộ ông Ba chiếc túi du lịch và giới thiệu:

   - Hai đồng chí trợ lý này cùng đi nhờ xuống Hải Lục.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM