Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 08:26:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện kể về một gia đình liệt sĩ  (Đọc 64400 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2013, 06:54:23 am »


        Ngày 11-5-1963

        Học bắn súng bài II, hai tiếng rưỡi, còn bao nhiêu học sinh học cách sử dụng bản đồ. Trời nắng, nhưng trưa nay "Kh” vẫn cố gắng tranh thủ tắm giặt. Chiều thứ bảy về thăm em mà lại.

        Gay go lắm mới xin được phép đi. Nhùng nhằng mãi, họ lo cho "Kh”, tổ chức đề phòng trước là điều rất tốt. Nhưng dù sao "Kh” cũng phải nằn nì để được đi,"Kh” đang lo sai hẹn với người yêu. Chắc đêm nay Lệ sẽ mỏi mắt chờ anh ở Nam Đàn.

        Mặc dù trời trở mưa tối tăm, đường xa vất vả thế mà khi nghĩ đến giờ phút gặp được người yêu là tự nhiên quên hết. Hai chân đạp đều và mạnh hẳn lên dường như không biết mệt là gì. 35km trong 2 giờ 30’ "Kh” đã đi với một tốc độ khá nhanh trên quãng đường núi nhiều đèo dốc.

        Đến Nam Đàn thì vừa 8 giờ 25 phút, lượn đi lượn lại mấy vòng vẫn không thấy Lệ. Hẹn như thế thật là bực… Thôi "Kh” đành đạp xe thẳng tới Nam Hoà gặp em. Ai ngờ chính nàng cũng vừa đi đón anh về tới nhà. Hai đứa ngồi nói chuyện với nhau được một hồi.

        Gia đình, anh Tường cũng về thành ra "Kh” né chẳng nói được gì, tối nay đành ngủ tại đây. Thật là khổ, mong cho gặp nhau đấy, đến khi gặp lại sợ xung quanh người ta nói thế này thế khác. Nhiều lúc "Kh” cũng muốn quên đi cho ổn mà cứ phải giấu giếm mãi!!!

        Lệ nhường giường, màn cho anh nằm… Một mình "Ca hát" cứ thao thức, thao thức mãi suốt đêm. Tiếng chó sủa, gà gáy, con khóc inh ỏi cả nhà. Không tài nào có thể yên giấc được. Đêm nay mình đoán rằng “Lệ cũng mất ngủ” vì tâm trạng đều giống nhau mà.

        Việc quan hệ đối với ái tình, "Kh” không bao giờ ẩu như những người khác. Mình quyết không vì những thú tính ươn hèn mà làm mờ phẩm chất của mình. Hình như Lệ cũng nghĩ như vậy cho nên đã bàn với mình ngủ lại đây. Sáng mai sẽ về Nam Thanh hoặc Nam Anh nói chuyện.

        Cứ mỗi lần về thăm em là mỗi lần vất vả, nhưng cũng se lại phần nào cái tình cảm không đâu vào đâu của một chàng trai chẳng gặp may mắn.

        Ngày 12-5-1963

        Từ sáng sớm hai đứa dẫn nhau đi Nam Đàn. Dọc đường đã nói gì với nhau, hình như tranh luận về vấn đề cường độ lao động của bộ đội và giáo viên thì phải.

        Lệ không ngần ngại gì nói ngay vào chuyện gửi thư cho gia đình với nội dung chúc mừng sức khoẻ, hỏi thăm anh chị và xin thầy mẹ làm con. Lấy tư cách là một học sinh có quen biết "Kh” mà thôi.

        Loay hoay ở thị trấn mất gần hai tiếng đồng hồ, sau đó cô giáo và anh bộ đội về Nam Anh. Vừa bước chân vào cửa đã gặp ngay ông cụ, cùng với hai người bạn lạ từ phía hợp tác may mặc về. Tất cả kéo nhau vào nhà chơi.

        Lần này "Ca hát” không e ngại như lần trước nữa. Ông bà đón tiếp rất tử tế, thường hỏi chuyện gia đình luôn. "Kh” chẳng phải giấu giếm điều gì. Về chơi định sẽ nói chuyện nhiều với Lệ mà không làm sao được.

        Tới chiều giời lại đổ mưa,"Kh” rất lo… Thời gian không cho phép "Ca hát” được trì hoãn. Bà mẹ thì cứ bảo rằng “ở đến mai hãy đi”. Hết sức tranh thủ điều kiện trao đổi với nhau lúc phải chia tay. Lệ  nhìn anh với vẻ trìu mến vô cùng. Nàng đi sát người dựa vào cánh tay "Ca hát” mà nói: Sao anh cứ giục em, bắt em trả  lời ngay sao được! Tình cảm cắt đứt đâu phải là dễ dàng. Chuyện của anh mà cũng từ năm 59 nữa là…

        Mình cảm thấy thương Lệ quá. Nhưng dù sao em cũng phải tạo điều kiện, tự mình quyết định, không nên im lặng chờ thời như thế. Thật ra mình cũng muốn Lệ chóng trở về mau chân chạy theo "Kh” để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

        Mình thường nói đùa rằng: “Số phận khổ sở thì chẳng bao giờ gặp may mắn cả”.

        Sau cơn mưa giông trời trở nên quang đãng, mặt trời lấp ló phía tây, không gian lơ lửng những đám mây màu xám hồng. "Kh” từ biệt gia đình ra đi.

        Lệ đưa chân đến mãi đầu làng. Buồn cười nhất khi hai đứa cùng chụm đầu vào gỡ đất bám ở xe. Lệ đã giúp mình rất tích cực và còn đưa nilon cho mình về đề phòng mưa giữa đường nữa.

        Tình yêu thương giữa hai đứa ngày càng gắn bó keo sơn. Xa Lệ mình cảm thấy buồn, thấy nhớ lắm. Nhưng khi hỏi đến việc giải quyết như thế nào đây thì "Ca hát” lại đành cắn răng chịu chết. Mình chỉ muốn Lệ tự nguyện đi theo chứ không bắt buộc nàng hành động theo ý kiến cá nhân của mình...


        Anh yêu chị say đắm. Trong điều kiện khó khăn của thời ấy, tình yêu của anh chị thật lãng mạn. Quyến luyến nhiều nhưng anh vẫn tôn trọng sự quyết định trong tình yêu của chị.

        Trong cuốn nhật ký còn lại của anh, những dòng anh viết về chị không nhiều, nhưng là những dòng thiết tha, những khắc khoải của một tình yêu thật chân thành mà cũng thật khó nói. Tuy không quá nhiều, nhưng đó lại là những dòng, những trang đầu tiên của cuốn nhật ký này với những khao khát yêu thương, hồi hộp hẹn hò mà không thể gặp nhau:
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2013, 04:29:52 am »


        Ngày 24-2-1963

        Hôm nay - Chủ nhật, như lá thư đã hẹn thì cô em thế nào cũng xuống đón anh, mình chắc chắn như vậy. Cả ngày kéo nhau đi dạo tìm kiếm hết bách hoá ra khách sạn, bến xe đi vòng về phía chợ, đâu đâu cặp mắt “Ca hát” cũng để ý tới.

        Mỗi lần thấy bóng dáng một tiểu thư là lại mừng hụt, ức vô hạn. Trên đời này thật lắm người giống nhau như thế cơ chứ. Cho đến trưa, người đã mệt, hai chân mỏi dừ “Ca hát” trở về trạm.

        Ngày chủ nhật trôi đi một cách vô vị, mình đoán rằng: Vì trời mưa không có xe hoặc vì một lí do gì đó mà em không thể thực hiện được lời hẹn đấy thôi. Nếu quả thật như vậy thì anh có thể tha thứ, bằng không “Ca hát” này nhất định phải cho cô em một trận nên thân mới được. Tự mình đã tìm không thấy, mấy thằng bạn lại trêu mãi mới ức chứ...".


        Cuốn nhật ký đã ghi lại được thật ít ỏi những lần anh chị gặp nhau. Vì điều kiện công tác và những khó khăn do hoàn cảnh của anh chị, mỗi lần gặp nhau, họ chẳng được bên nhau nhiều. Những giây phút bên nhau của họ thật vô cùng quý giá. Đúng là “Gặp nhau lần nào cũng vội…” Chẳng có thời gian cho những dỗi hờn.

        Lần thứ nhất anh gặp chị là ngày 1 tháng 3 năm 1963, khi anh đưa đội văn nghệ đi hội diễn ở Quân khu:

        Xa nhau lâu ngày nay mới gặp, muốn nói chuyện với nhau mà đành chịu. Khó khăn quá! Biết làm thế nào bây giờ. Thôi đành đi ngủ vậy. Nhưng rồi có ngủ yên giấc được không? Có trời mới biết được...

        Hai giờ ra Nam Đàn. Lệ đã đợi sẵn, tay nàng xách cái làn màu vàng, quần áo vừa thay còn thẳng nếp gấp. Trời hôm nay nắng quá, hai gò má nàng ửng đỏ như hai trái mận quân. Thế là chiều nay hai đứa được sánh vai nhau tâm sự dọc đường phố Vinh rồi...


        Lần thứ hai anh gặp chị vào dịp kết thúc hội diễn: Ngày 9-3-1963

        Đang mải nói chuyện với chị Đông ở bực cửa ra vào thì cô em đã về. Mình định đi trốn để Lệ phải tìm, nhưng không thực hiện được. Vừa ngẩng đầu lên thì cô giáo đã hiện hình đứng ngay trước cửa và lên tiếng chào hỏi rồi. Nàng không chút trù trừ, vào ngay nhà chị Đông, hai gò má đỏ bừng, mắt sáng ngời lên, hơi thở gấp gấp, chẳng hiểu vì sung sướng hay vì đi đường mệt nữa…

        Mỗi lần gặp nhau như vậy là mỗi lần tình cảm của anh bộ đội và cô giáo thêm gắn bó. Biết bao kỷ niệm đáng nhớ, nên thơ và hạnh phúc. Đồng thời cũng không tránh khỏi nỗi băn khoăn lo lắng...

        Lần cuối cùng anh đến gặp chị là ngày 12 tháng 5 năm 1963. Trước lúc gặp nhau, lần nào anh cũng hăm hở, muốn dốc hết bầu tâm sự. Nhưng lần nào cũng thế, anh chị chưa thể thỏa mãn những khao khát yêu đương…

        Sau những lần gặp nhau là những cuộc chia tay quyến luyến với biết bao yêu thương, da diết và trăn trở:

        …Trời càng về chiều hai đứa càng lo chưa biết tìm cách nào cho Lệ về được. Vì sáng mai đã phải dạy, nếu không còn có thể kéo dài thêm những giây phút sung sướng bên nhau. Hai đứa đi tìm bạn, tìm dì Minh. May sao lại gặp mấy thầy giáo. Thế là chia tay nhau lúc 4 giờ kém 15. Thật tội nghiệp cho tuổi trẻ tình yêu dang dở này…

        …Từ đằng xa đã thấy bóng dáng cô em ra đón. Lệ đã tiễn chân gần đến 4km. Mình nhiều lần nhắc nàng trở lại. Nhưng… tình cảm nó như thôi thúc đôi chân bé nhỏ kia thêm sức mạnh mà bước theo người chồng lý tưởng thì phải…

        Chính tình yêu còn dang dở của anh chị Khới - Lệ ngày ấy đã làm cho anh Thành, chị Tuyết và các thành viên khác trong gia đình muốn tìm gặp bà Lệ. Sau khi hỏi thăm ông chủ tịch xã, các bà cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ… nhờ sự chỉ dẫn của họ, các anh các chị cũng tìm được đến gia đình bà Chìu. Bà Chìu hiện ở xóm mới xã Nam Thanh.

        Bà Chìu được nhắc trong nhật ký của anh Khới là “ả Chìu” (chị ruột của bà Lệ). Năm nay bà Chìu đã gần 80 tuổi, tai đã nghễnh ngãng, nhưng khi hỏi về anh bộ đội Khới đã từng ở nhà bà những năm 1960 thì bà nhớ ngay:

        - Anh Khới, tôi nhớ rồi, anh ấy kéo đàn violon rất hay. Vì cùng có khả năng và yêu thích văn nghệ, nên anh Khới và anh Đông rất thân nhau.

        Bà Chìu còn cho biết, bà Lệ đã lấy chồng ở Nam Hưng, con cháu đã phương trưởng và hiện nay bà đang đi bế cháu ở Kỳ Sơn (một huyện miền núi cách đây gần 200km) nên không có nhà. Hỏi thăm ông Đông thì bà Chìu cho biết ông Đông đang đi thăm con ở Sài Gòn chưa về nên cũng chưa gặp được.

        Trước khi ra về, chị Tuyết đã ghi số điện thoại các gia đình và để lại số điện thoại của mình.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2013, 04:58:25 am »

        Chiều 30 tháng 4, chị Tuyết nhận được một cuộc điện thoại từ bà Lệ. Trong cuộc trao đổi qua điện thoại, bà cho biết bà có quen biết ông Khới và vào những năm sáu mươi ấy, ông Khới có gửi cho bà một số sách vở. Bà hứa sẽ tìm, nếu thấy bà sẽ chuyển lại cho gia đình.

        Với hy vọng tìm lại được những kỷ vật đáng trân trọng của người đã khuất và cuộc sống tình cảm của anh trong những ngày huấn luyện, xây dựng quân đội tại Nam Đàn, sáng sớm ngày thứ 6 (6 tháng 6 năm 2008), anh Thành, chị Tuyết lại đón vợ chồng tôi về dự đám giỗ anh Kiêm và trở lại Nam Đàn.

        Sau đám giỗ anh Kiêm, buổi chiều chúng tôi vào nghỉ đêm tại thành phố Vinh để ngày hôm sau có thể đến thăm chị Lệ từ sớm (tôi xưng hô theo đúng ngôi thứ của chúng tôi với bà Lệ cho dễ). Chuyến đi này anh Thành đã chuẩn bị một xe 15 chỗ để có thể đi được đông người.
Ngoài vợ chồng anh Thành, vợ chồng tôi, đoàn còn có anh Tân, anh Minh (chồng cô Mười) và anh lái xe.

        8h30 sáng thứ 7 (7/6/2008), xe chúng tôi lên đường đi Nam Hưng.

        Sau một vài lần dừng lại hỏi thăm đường, 10h30 chúng tôi đã có mặt tại nhà chị Lệ. Nhà chị ở sát mặt đường. Đây là một ngôi nhà cấp 4 có sân rộng. Trong nhà đồ đạc đơn giản, được xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp.

        Khi chúng tôi đến, chỉ có hai vợ chồng chị Lệ ở nhà. Chồng chị là anh Bản, một cán bộ công tác tại Hà Nội nay đã nghỉ hưu. Anh là người cao, to, tuy đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn.

        Chị Lệ người nhỏ nhắn, trắng trẻo, nói năng nhẹ nhàng, chắc khi còn trẻ chị là một cô gái rất xinh. Trong nhật ký của mình, anh Khới tả về chị ít thôi, nhưng chỉ thế thôi người đọc cũng cảm nhận được chị là một người nhan sắc: “…Trời hôm nay nắng quá, hai gò má nàng ửng đỏ như hai trái mận quân…” và “…Nàng không chút trù trừ, vào ngay nhà chị Đông, hai gò má đỏ bừng, mắt sáng ngời lên, hơi thở gấp gấp, chẳng hiểu vì sung sướng hay vì đi đường mệt nữa.”

        Hai vợ chồng chị Lệ tiếp chúng tôi rất đầm ấm. Sau lời giới thiệu của anh Thành, chúng tôi cùng nhau thăm hỏi về hoàn cảnh gia đình anh chị. Anh chị có người con trai hiện đang công tác tại thành phố Thanh Hóa. Người con gái theo nghề của mẹ, hiện đang công tác và lấy chồng ở vùng núi Kỳ Sơn. Hồi tháng tư, chị Lệ đã đi lên đó bế cháu giúp con gái nên anh Thành, chị Tuyết chưa gặp.

        Sau những cốc nước chè xanh thơm mát, sau những câu chuyện gia đình, anh Thành mời cả hai vợ chồng chị Lệ cùng chúng tôi về thăm chị Chìu ở Nam Thanh.
 Vì đã được báo trước là có khách, chị Lệ mời chúng tôi ở lại thưởng thức bánh trôi, bánh chay do chị tự làm. Anh Thành, chị Tuyết đã khéo xin phép được đi Nam Thanh trước, khi về có thời gian sẽ ở lại dùng bánh.

        Tôi không hiểu vì hôm sau là ngày Tết mùng 5 tháng 5 (Âm lịch) hay chị Lệ muốn lấy hình ảnh “Bảy nổi, ba chìm…” của bánh trôi nước để gián tiếp nói về thân phận tình yêu của mình. Nếu quả như vậy thì chị là người rất tinh tế và ý nhị.

        Hình như đã biết chúng tôi muốn nói chuyện riêng với chị Lệ nên anh Bản lấy lý do phải ở nhà trông cháu để từ chối không đi cùng.

        Trên đường xe chạy về xóm mới Nam Thanh, chị Lệ chỉ cho chúng tôi xóm cũ nơi ngày xưa anh Khới đóng quân, cũng là nơi anh chị thường gặp nhau.

        Thời gian trôi qua đã gần nửa thế kỷ, đời chị đã trải bao biến đổi. Từ một cô giáo trẻ nay chị đã gần bảy mươi. Chị đã có một người chồng rất thương yêu chị và một gia đình yên ấm, hạnh phúc. Vậy mà khi nhắc tới anh Khới, chị vẫn ngậm ngùi nhớ thương anh và nhớ về một thời yêu đương sôi nổi mà trắng trong, lành mạnh.

        Ngồi trên xe câu chuyện của chúng tôi và chị Lệ đã tự nhiên hơn. Chị kể lại ngày anh Khới và chị yêu nhau, anh viết thư cho chị rất đều đặn. Chị còn nhớ lá thư cuối cùng anh gửi cho chị đề ngày 13 tháng 7 năm 1963. Trong thư, sau những lời yêu thương tha thiết, anh báo cho chị biết khoảng giữa tháng 8 anh sẽ nghỉ phép để giải quyết ly hôn. Sau khi giải quyết xong công việc, anh sẽ trở vào gặp chị.

        Từ sau lá thư đó, chị chờ đợi mãi không thấy anh trở lại, cũng không hề nhận được thư anh nữa. Không hiểu việc riêng tư của anh ra sao? – Phải chăng anh đã chấp nhận trở lại đoàn tụ với người vợ cũ? – Vì sao anh không có thư?

        Một năm sau và những năm sau đó, chiến tranh phá hoại diễn ra rất ác liệt. Chị khắc khoải mong tin anh, trong khi tuổi xuân cứ vùn vụt qua đi. Thế rồi chị gặp anh Bản và năm 1967, anh chị kết hôn, khi ấy chị đã 27 tuổi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2013, 05:06:48 am »

        Như sợ chúng tôi không hiểu, chị phân bua:

        - Hồi ấy việc ly hôn khó lắm, vì bất cứ lý do gì nếu hai bên không đồng thuận thì sự việc sẽ dằng dai mãi. Hơn nữa anh Khới lại là sỹ quan, là đảng viên, gia đình lại có nền nếp,... nhiều áp lực lắm.

        Nghe chị kể chúng tôi rất thông cảm và thấu hiểu hoàn cảnh của chị. Trong hoàn cảnh ấy, chị đâu có sai hẹn cùng anh.

        Anh Khới ơi! Chúng em cũng rất thông cảm với anh. Chí trai thời loạn đã không cho anh thực hiện trọn vẹn lời hứa yêu thương với người anh say đắm.

        Trong khi chúng tôi còn đang mải suy tư thì xe đã đưa chúng tôi đến nhà chị Chìu.

        Khi chúng tôi đến, nhà chị Chìu khá đông người. Anh con trai của chị chắc cũng xấp xỉ bốn mươi, vóc dáng vạm vỡ, khỏe mạnh, anh ra tận xe đón chúng tôi.

        Hầu hết chúng tôi đều đến nhà lần đầu, nhưng mọi người trong gia đình đã coi chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại. Từ sự đón tiếp nồng hậu đó khiến chúng tôi nghĩ rằng tình cảm của gia đình đối với anh Khới thật sâu nặng.

        Câu chuyện bắt đầu bằng việc hai ông bà già ngoài bảy mươi kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm của một người liệt sĩ mà nếu còn năm nay ông cũng đã vượt “Cổ lai hy”.

        In đậm trong lòng người dân nơi đây là hình ảnh một người sỹ quan gắn bó với nhân dân. Ngoài giờ huấn luyện, anh Khới luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Sau câu chuyện chung cùng gia đình, chị Tuyết kéo tôi và chị Lệ xuống nhà ngang để tiện hỏi chuyện.

        Tôi không hiểu chị Lệ và chị Tuyết đã trao đổi với nhau từ khi nào mà hai người có vẻ đã có nhiều chuyện chung lắm rồi.

        Câu chuyện giữa hai người phụ nữ bắt đầu từ những kỷ vật của anh Khới:

        - Sau khi trao đổi với thím qua điện thoại, chị đã hỏi cậu em trai về cuốn sổ của anh Khới nhưng cậu ấy chưa thấy. Có nhiều khả năng trong những năm chiến tranh phá hoại cậu ấy đã để thất lạc - Chị Lệ kể - Trong cuốn sổ, anh ghi chủ yếu các công thức toán học và vật lý. Chữ viết của anh bay bướm mà rõ ràng ai xem cũng thích.

        Chị kể về sự hiểu nhiều biết rộng của anh trên nhiều lĩnh vực: toán học, vật lý, văn học, nghệ thuật, âm nhạc và cuộc sống.

        Cậu em của chị hồi ấy học trung cấp cơ khí nhưng khi gặp vướng mắc về toán, cơ, lý đều nhờ anh giúp đỡ.

        Mọi người ở đây đều khâm phục anh về sự kiên trì học tập. Công việc huấn luyện, quản lý đơn vị bù đầu, thêm vào đó là thể thao, văn nghệ vậy mà anh vẫn sắp xếp được thời gian tự học.

        Chị Tuyết hỏi chị Lệ một câu để chuyển hướng:

        - Chị Lệ ơi! Thời gian anh chị yêu nhau, anh gửi cho chị nhiều thư không? Chị còn giữ được bức thư nào của anh không?

        - Hồi ấy anh thư cho chị nhiều lắm. Chị giữ mãi đến khi anh Bản ngỏ lời yêu chị, chị đã cho anh đọc hết. Biết chuyện cũ của chị nhưng anh Bản vẫn quyết tâm xây dựng gia đình cùng chị.

        Trước khi quyết định lấy anh Bản chị đã khóc ròng một đêm. Hôm sau chị đưa hết những bức thư của anh cất kỹ tận đáy hòm.

        Tháng 4 năm 1968, chị bị mất trộm. Hòm mất và các bức thư quý giá ấy cũng mất.
       
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2013, 09:25:04 am »

        Thư đã mất nhưng những gì anh viết bây giờ chị vẫn nhớ nhiều. Trong một bức thư, anh gửi chị mấy câu thơ:

                                                       “Lá thư em viết mực xanh
                                                       Đọc thư thấy cả tấm tình thủy chung
                                                       Chia tay, e ấp, ngập ngừng
                                                       Xa anh, em đợi, xin đừng quên anh”


        Hồi ấy tình cảm của anh chị gặp nhiều trở ngại lắm. Trở ngại nào anh chị cũng quyết vượt qua. Vậy mà anh vẫn lo. Lá thư cuối cùng anh viết cho chị:

         “…Có khó khăn nào ngăn cách được đôi ta. Anh rất tin em, nhưng em ơi! Chiến tranh. Thần chiến tranh quái ác có thể không cho anh đến được với em.

        Vì thống nhất đất nước, vì dân tộc độc lập, nếu anh phải ra đi thì em hãy coi những câu thơ dưới đây của anh là lời vĩnh biệt:

                                                       Anh yêu em dù muôn trùng xa cách
                                                       Em mãi ở trong anh
                                                       Em “Cô giáo” của anh
                                                       Nhưng em ơi chiến tranh!
                                                       Kẻ thù buộc chúng ta cầm súng
                                                       Nếu một ngày kia anh ngã xuống
                                                       Vĩnh biệt em rồi, anh vẫn thuộc về em".

        Mỗi lần đọc những dòng này chị đều khóc. Đọc nhiều, khóc nhiều lần nên chị thuộc lúc nào cũng chẳng biết nữa.

        Giọng đọc run run của một người phụ nữ đã gần bảy mươi làm chị Tuyết xúc động mắt đỏ hoe. Chị Tuyết tha thiết:

        - Chị kể cho chúng em nghe về hoàn cảnh anh chị đã gặp và quen nhau đi!

        - “Duyên kỳ ngộ”. Mùa xuân năm 1962, chị gặp và quen anh trong  đêm liên hoan văn nghệ giữa nhà trường và đơn vị của anh.

        Khi đến tiết mục của mình, chị bước ra sân khấu hát bài “Tình trong lá thiếp”.

        Hồi ấy giáo viên bọn chị toàn hát chay nỏ có đàn nhạc mô. Chị vừa vào bài được một chắc thì chợt nghe tiếng violon hòa theo. Như có thêm nguồn cổ vũ, chị hát tự tin hơn.

        Tiếng đàn như dìu dắt, như nâng giọng hát của chị lên. Tiếng đàn và giọng hát như quyện vào nhau, tiếng đàn chắp cánh cho lời ca vút lên, hòa vào không gian cuốn hút người nghe. Bài hát kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội của cả bộ đội và nhân dân. Anh bước lên ngang hàng với chị cùng cúi đầu chào khán giả.

        Khi đã bước vào trong cánh gà, anh nói nhỏ với chị: “Cô giáo có giọng hát truyền cảm và rất mượt mà”.

        - “Cảm ơn anh bộ đội quá khen. Anh giúp em nhiều lắm”.

        - “Có chi mô, đấy là việc của bộ đội mà”.

        Mấy câu ngắn ngủi ấy đã khiến anh chị thoải mái trao đổi với nhau như đã quen tự bao giờ. Khi đã hết hồi hộp, chị mới có dịp để ý đến anh. Anh cao hơn chị cả một cái đầu. Tuy mặc quân phục nhưng anh có dáng một thư sinh hơn.

        Tình cảm ban đầu đã rút ngắn mọi khoảng cách, từ đó cho đến hết đêm diễn, anh chị không rời nhau. Chị đã bị anh lôi cuốn từ đêm diễn ấy.

        Sau đó là những lần gặp gỡ, hẹn hò giữa một cô giáo làng và một anh bộ đội. Trong những lần trò chuyện, anh kể hết cho chị về hoàn cảnh của mình mà không hề e ngại.

        Hiểu hoàn cảnh của anh, chị càng thương anh hơn. Chính vì thế khi anh ngỏ lời yêu, chị đã đón nhận mà không hề có một chút băn khoăn.

        Câu chuyện tình yêu của anh chị đã gặp sự phản đối của cha mẹ chị. Về bản thân anh thì cha mẹ chị rất quý, chỉ ngặt một nỗi anh đã có gia đình. Tuy vậy, anh chị lại được sự ủng hộ tích cực của chị Chìu, anh Đông và nhiều người thân khác. Yêu anh, tin anh nên chị tin ở trái tim mình. Trong lá thư gửi vào Hà Tĩnh cho anh, chị đã gửi kèm mấy vần thơ:

                                                       “Yêu anh, xa cách nghìn trùng
                                                       Cho dù xuống biển, lên rừng vẫn yêu...”.


        Khi viết cho anh như thế, chị muốn khẳng định quyết tâm thuyết phục cha mẹ mình.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2013, 01:06:31 am »

        Sau khi cha mẹ chị đã hiểu rõ về anh, các cụ đã chấp nhận anh thì anh chị lại không còn cơ hội gặp lại nhau nữa. Chị không ngờ bức thư đề ngày 13 tháng 7 năm 1963 lại là lời vĩnh biệt. Mãi đến ngày 20 tháng 4 vừa rồi chị mới biết anh đã hy sinh 43 năm về trước.

        Tôi thật sự bất ngờ khi thấy trên đôi má đã nhăn nheo của chị những giọt nước mắt lăn dài. Hoài niệm về một thời xuân sắc đã làm chị xốn xang trong lòng. Câu chuyện tình yêu dang dở, đã chôn chặt gần trọn một đời khiến chị nuối tiếc không nguôi.

        Giọng nói nhỏ nhẹ, trầm buồn của chị khiến cả tôi và chị Tuyết đều cảm thấy mủi lòng. Chiến tranh đã chia lìa anh chị.

        Cuộc sống của chị Lệ hiện nay có thể coi là viên mãn, nhưng sợi tơ lòng với người đã hy sinh trong chị vẫn vấn vương. Phải chăng chị vẫn bị buộc bởi thơ anh:

                                                      “…Nếu một ngày kia anh ngã xuống
                                                       Vĩnh biệt em rồi, anh vẫn thuộc về em”

        Chúng tôi đang chìm trong không khí trầm buồn thì vợ chồng chị Chìu và các cháu đã mời chúng tôi lên nhà dùng bữa trưa.

        Trong suốt bữa ăn tôi thấy chị Lệ không hề đụng đũa, chị cũng không hề nói gì. Mỗi khi có người hỏi tôi lại thấy chị giật mình thảng thốt và trả lời rất chiếu lệ. Chị đang bị cuốn hút về quá khứ. Có lẽ mọi người đều biết vậy nên không ai gợi lại chuyện cũ nữa.

        14h00 chúng tôi tạm biệt gia đình chị Chìu lên đường về Hà Nội. Khi đã yên vị trên xe, anh Tân mạnh dạn hỏi chị Lệ:

        - Em hỏi thật chị. Hồi ấy chị và anh Khới có “nhỡ” không?

        - Nỏ có mô. Hồi ấy anh Khới nghiêm túc lắm. Anh yêu chị nhưng luôn chủ động giữ gìn cho chị. Không có chuyện nớ mô. Đừng nghĩ rứa mà oan cho anh.

        Anh Tân cười xòa:

        - Em có nghĩ “nhỡ” là xấu đâu. Hồi ấy anh chị yêu nhau nghiêm túc và cổ điển quá! Em bái phục.

        Tất cả chúng tôi cùng cười vui vẻ. Trong không khí thoải mái ấy, chị Lệ không còn e ngại gì nữa, chị hỏi: “Có ai biết bức thư chị gửi về thăm thầy mẹ hồi đầu tháng 5 năm 1963 không?”. Tất cả chúng tôi đều lắc đầu: “Hồi ấy chúng em đều còn nhỏ nên chẳng ai nhớ cả”. Chị nói tiếp: “Vì đã nghĩ đến chuyện thành duyên với anh nên chị đã xin phép thầy mẹ được nhận làm con rồi. Chờ mãi nỏ thấy thư gia đình, nỏ gặp lại anh nữa nên chị nỏ hiểu chi kiệt”.

        Xe qua nhà chị Lệ, chúng tôi vào chào anh Bản, tạm biệt gia đình anh chị để lên đường về.

        Xe chạy một quãng rồi, nhìn lại tôi vẫn thấy bóng hai ông bà già ngóng theo chúng tôi vẫy vẫy. Nhìn hình ảnh đó tôi lại nhớ câu thơ của anh Khới:

                                                       “… Em mãi ở trong anh
                                                       Em “Cô giáo” của anh.
                                                       Nhưng em ơi, chiến tranh!...”


        Tình yêu của anh lính và cô giáo những năm sáu mươi ấy thật mộc mạc mà thanh cao, tinh khiết. Anh lính đã ra đi mà cô giáo vẫn mang theo hình bóng anh suốt cả cuộc đời.

        Xe đưa chúng tôi về qua Hồ Nam ăn tối, sau đó lại rong ruổi về Hà Nội. Trước khi chia tay, anh Thành thông báo cho tôi biết quyết tâm của anh và gia đình về việc tìm kiếm mộ anh Kiêm. Anh Thành, chị Tuyết hẹn khi nào tìm được anh Kiêm sẽ cho tôi biết.

Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2013, 02:39:17 am »


VI - VÌ TỔ QUỐC VÀ MƠ ƯỚC HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

        Giữa tháng 8, tôi được anh Thành thông báo gia đình sẽ tổ chức một đoàn vào Đắc Lắc tìm và viếng mộ anh Kiêm. Anh có nhã ý mời tôi đi cùng. Tôi rất muốn đi nhưng công việc nhà trường quá bận rộn nên không thể cùng đoàn đi được.

        Ngày 30 tháng 8 năm 2008, anh Thành mời tôi đến nhà đón anh Tiềm ở Hải Phòng lên.

        Anh Tiềm là người con trai thứ ba của ông giáo Tráng. Năm 1967, anh học Đại học Sư phạm Vinh, năm 1970 anh tốt nghiệp và được điều động về công tác tại Hải Phòng. Anh lập thân, lập nghiệp tại đây từ bấy đến nay. Vợ anh là chị Hoài cũng làm nghề giáo viên nay đã nghỉ hưu.

        Anh Tiềm người thấp, nhỏ, nước da trắng, anh có tác phong điềm đạm của người nhiều năm làm việc trong ngành giáo dục. Là em kế sau anh Kiêm nên những sự việc liên quan đến anh Kiêm, chị Vượng anh còn nhớ nhiều hơn cả.

        Đây là lần thứ hai tôi gặp anh, nên hai anh em không cần các nghi thức xã giao mà đi thẳng vào các nội dung cần trao đổi. Theo kế hoạch, tôi và anh sẽ có hai ngày cùng về Tĩnh Gia, nên tôi cũng chỉ thăm hỏi anh về cuộc sống hiện tại và sự chuẩn bị của anh cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu mà thôi.

        Nhân dịp nghỉ lễ Quốc Khánh mùng 2 tháng 9 và ngày giỗ chị Vượng, anh em chúng tôi sẽ về thăm quê, thắp hương viếng mộ chị.

        Anh Thành, chị Tuyết và anh Tiềm cùng vợ chồng anh Tân hội bàn việc gia đình. Sau đó chúng tôi sẽ ghé thăm rừng Cúc Phương nếu còn thời gian.

        Đúng như kế hoạch đã định, 6h00 ngày 31 tháng 8 anh Thành đưa xe đến đón tôi về Thanh Hoá. Cùng đi lần này ngoài vợ chồng anh Thành còn có anh Tiềm và cháu Tuyên (con trai anh Tân).

        Trên đường đi, cháu Tuyên cứ bám lấy bác Tiềm mà hỏi:
 
        - Bác ơi! Hồi cải cách ruộng đất, ông bà bị quy là địa chủ thì các bác, các chú sống thế nào?

        - Hồi ấy ở nhà có ông bà, bác Kiêm, bác Thiêm, bác, bố cháu, chú Tường, chú Thành và cô Chính. Bác Khới đang ở bộ đội, bác Khiêm đã đi lấy chồng.

        Bố cháu, chú Tường, chú Thành còn nhỏ, cô Chính vừa mới sinh còn đang phải ẵm ngửa. Chỉ có bác Kiêm, bác Thiêm và bác là lớn hơn một chút. Bác mới 8 tuổi còn bác Kiêm 14 tuổi.

        Đời sống gia đình vô cùng khó khăn, lương thực chẳng có nhiều mà ngày nào cũng cứ phải ăn. Để duy trì sự sống, để vượt qua những ngày đói khổ ấy, các bác đã phải bỏ học đi ở.

        - Thế bác ơi! Làm sao mà bác Kiêm lại lấy được bác Vượng?

        - Chuyện dài lắm, vừa đi vừa kể chuyện bác sợ cháu ngủ mất thôi.

        -  Bác ơi! Cháu ngủ hay không còn phụ thuộc vào nội dung câu chuyện và tài kể chuyện của bác. Bác cứ yên tâm đi! Bác kể về bác Kiêm, bác Vượng thì làm sao cháu ngủ được.

        Thế là cả chuyến đi chúng tôi cùng được nghe câu chuyện của hai bác cháu. Với giọng trầm ấm của người nhiều năm trên bục giảng, anh Tiềm nhẹ nhàng vào chuyện:

        "Hồi ấy cả nhà có 9 người ăn. Ngoài ông bà chỉ có bác Kiêm là có thể tham gia phụ giúp được việc đồng áng. Bác, bố cháu và các cô, các chú đều mới chỉ biết ăn và nô đùa mà thôi.

        Cải cách ruộng đất, gia đình bị quy địa chủ, nhà cửa ruộng vườn bị tịch thu. Đội yêu cầu cả nhà chuyển xuống ở nhà ngang. Ngôi nhà trên to, rộng được chia cho mấy gia đình cố nông. Vườn nhà được chia thành bốn phần, nhà mình chỉ được sử dụng một phần nhỏ.

        Cũng may nhờ sự ăn ở nhân đức của ông bà nên cả nhà không bị người ta ngược đãi.

        Vào vụ thu hoạch, mặc dù mới sinh cô Chính được ít ngày bà vẫn phải ra đồng mót lúa, mót khoai để lo ăn từng bữa. Nhiều lần bà gặp được người tốt bụng, họ vờ bỏ quên cả những lượm lúa, những đụn khoai và ngầm chỉ cho bà chờ họ đi khỏi thì đến mà lấy.

        Khi ấy người ta sợ đội lắm. Đội mà biết được, quy vào tội tiếp tế cho địa chủ thì phiền phức đủ điều. Vậy mà cả nhà vẫn đói.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2013, 04:44:56 am »

        Để có thể tồn tại và vượt qua được những ngày khốn khó ấy, ông bà đành phải để bác và bác Kiêm nghỉ học, đi ở chăn bò cho một gia đình người bà con xa ở thôn Tiên Vực, xã Hải An (quê nhà bác Vượng).

        Thế là cậu học trò Kiêm trở thành cu Kiêm chăn bò. Những năm tháng ấy ở quê mà học đến lớp bốn như Kiêm là “trình độ” lắm rồi. Bởi thế nên dù chăn bò Kiêm vẫn được lũ bạn bè cùng trang lứa nể phục. Cùng chăn bò với Kiêm có cu Lại ở gần nhà. Lại hơn Kiêm một tuổi nhưng nhỏ người và học sau Kiêm một lớp.

        Dẫu chưa được học nhiều nhưng hai thằng cùng biết chữ nên cũng dễ thân nhau. Sự lanh lợi cởi mở của Kiêm làm cu Lại mến nó ngay từ buổi đầu gặp mặt.

        Cũng chăn bò như Kiêm nhưng cu Lại chăn bò nhà mình và nó vẫn có một buổi được đi học. Buổi sáng cu Lại chăn bò, chiều nó đến trường. Thay cho Lại là cái Vượng (em nó chăn bò buổi chiều).

        Những buổi bò cả hai nhà cùng đi cày, lũ chăn bò được ở nhà. Lại và Vượng cùng sang chơi với Kiêm. Để có thể cùng chơi, những việc Kiêm được giao cả ba đứa cùng làm. Lâu dần chúng thành một bộ ba thân thiết.

        Tuy bé hơn Kiêm hai tuổi nhưng Vượng lanh chanh, nó không chịu gọi Kiêm và cả Lại bằng anh. Mỗi khi hai thằng có khúc mắc gì với nhau, Vượng thường phân xử bằng cách hét toáng lên bắt hai thằng con trai phải chiều theo ý nó. Nó đã cấm thì hai thằng dù ấm ức mấy cũng phải im.

        Một lần Kiêm về qua nhà, gặp kỳ nghỉ phép của anh Khới, anh cho Kiêm mấy viên bi ve rất đẹp. Kiêm rất quý mấy viên bi. Nó muốn khoe với Lại nhưng không dám đến nhà.

        Phải đợi mấy hôm sau, nhân tiện Lại và Vượng sang nhà chơi, Kiêm mang bi ra khoe và chơi với Lại.

        Khi hai thằng đang tranh giành nhau thắng thua, hai viên bi rực rỡ đang nằm gần sát nhau. Lại cho rằng nó đã bắn trúng rồi còn Kiêm thì một mực cãi là chưa. Cuộc cãi vã đang đến độ quyết liệt thì Vượng xông vào, nó chộp lấy cả hai viên bi mà chạy ra bờ ao, thẳng tay ném xuống ao.

        Sự việc diễn ra rất mau lẹ nên hai thằng con trai không kịp có phản ứng nào. Một lúc sau, cu Lại mới quát em: “Mi mần chi đó? Mi lấy mô bi tinh mà đền cho thằng Kiêm”. Đúng là ở cái đất này thì chẳng thể đào đâu ra những viên bi ấy. Kiêm tiếc lắm. Tiếc mà cũng chẳng biết làm gì. Nước mắt nó trào ra. Nó khóc.

        Cái Vượng không hề tỏ ra hối hận hay xót xa gì mà nó còn nhằm thằng Kiêm mà dè bỉu: “Lêu, lêu, con trai kho.. óc nhè. Kho.. óc nhè, lè nhè, lè nhè, lè nhè... Mười lăm tuổi người ta đi bộ đội rồi mình còn kho..óc nhè. Có đứa kho.. óc nhè, vì mất bi ve, lè nhè, lè nhè, lè nhè... lêu... lêu...”.

        Nó cứ lặp đi lặp lại, đến mỗi từ khóc nó lại cố ý nhấn cao lên khiến hai thằng phải bật cười. Khi mà hai cái thằng gà tồ ấy đã bật cười rồi thì nó thoắt chạy đi chơi chắt, chơi chuyền với lũ con gái.

        Vậy mà cái con bé lành chanh ấy đã phải gọi Kiêm bằng anh và không còn dám mày tao với Kiêm và Lại nữa. Chuyện là thế này:

        Chiều ấy, sau khi đã cho con bò ăn no cỏ, Kiêm dắt về buộc ở gốc đa đầu làng. Kiêm định về nhà mang quang gánh ra hót phân thì thấy con bò nhà Lại đang phóng như điên ra đồng, phía sau là Vượng đang bị kéo chạy theo sềnh sệch. Con bé ra sức kéo mà không thể thắng nổi sức con bò mộng. Tuy vậy nó cũng không chịu thả thừng khỏi tay.

        Ra khỏi đầu làng con bò phóng bừa xuống đồng. Vượng bị cái nón mê úp xuống mặt và bị ngã lăn xuống ruộng lúa.

        Kiêm vội vàng ba chân bốn cẳng phóng theo con bò và nhanh chóng túm được cái thừng. Anh giật dây thừng thật mạnh làm con bò đau điếng phải dừng lại và lôi nó buộc vào gốc đa.

        Đến lúc này, Kiêm mới nhận ra Vượng lấm lem bùn đất từ đầu đến chân. Không một chút e dè, Kiêm dìu Vượng xuống ao, anh vò đầu và gột bỏ bùn đất trên người Vượng. Khi mà bàn tay Kiêm chưa kịp đụng vào người Vượng thì cô bé đã giật nảy mình thét lên:

        “Không được! Để em tự làm”. Rồi nó dịu giọng: “Anh lên đi! Để em tự tắm được. Lên lanh đi! Có ai dòm thấy thì ngượng chết” - "Chẳng có ai đâu, choa giúp được mà".

        Miệng nói vậy nhưng Kiêm vẫn lặng lẽ rời bến ao lên bờ. Hắn ngoan ngoãn làm theo ý Vượng như sợ mình vừa mắc lỗi. Cũng lúc ấy hắn nhận ra Vượng đã kêu hắn bằng anh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2013, 02:57:07 am »

        Sao hôm nay, giờ này đường làng vắng vẻ thế? Kiêm liếc nhanh xuống bến ao nơi Vượng đang tắm, anh chỉ kịp nhìn thấy một mái tóc dài xòa trên mặt nước và một bờ vai trắng lấp loá ánh nước. Kiêm vội quay mặt, đi về phía gốc đa nơi anh đã buộc hai con bò.

        Tắm xong, Vượng mặc nguyên quần áo ướt lên bờ và nói với về phía Kiêm: “Đợi em về thay quần áo rồi đi thả bò nhé!”. Kiêm ngỡ ngàng, vậy là con bé đã chịu gọi nó bằng anh. Nó đã nghe rõ hai lần liền chứ không phải vô tình nữa.

        Sau lần bị bò lôi ấy, Vượng đã đổi cách xưng hô với hai anh gà tồ, nó không còn mày tao với chúng nữa. Cứ mỗi buổi tối, khi Lại sang gặp Kiêm hỏi bài, bao giờ Vượng cũng theo sang.

        Đôi khi cô còn nán lại để hỏi những câu chuyện vu vơ mà Kiêm cũng chẳng biết để làm gì. Cũng từ sau lần đó, người làng thấy bộ ba ấy đi đâu cũng có nhau, khi thì đôi, khi thì cả ba. Có lần Kiêm về thăm nhà, Lại cũng xin phép mẹ được đi cùng. Về nhà Kiêm ăn cháo khoai mà Lại vẫn khen ngon.
 
        Năm tháng dần trôi, những khó khăn chật vật của gia đình cũng dần qua. Thế rồi sửa sai, gia đình được hạ thành phần xuống trung nông. Những người được chia nhà đã tự nguyện trả lại nhà cho gia đình.

        Kiêm thôi không phải đi ở nữa. Anh về phụ giúp việc gia đình. Nhà nông thì cũng đủ thứ việc để phụ giúp: gánh phân, nhổ mạ, tát nước, học cày bừa... Đi te, kéo rùng... Việc gì Kiêm cũng học và làm rất nhanh. Nhưng có một việc rất quan trọng mà anh luôn đóng vai trò chính, đó là đưa đón mẹ đi chợ.

        Những ngày nông nhàn, mẹ đi chợ kiếm thêm, phụ vào việc chi tiêu của gia đình. Những ngày ấy mẹ và Kiêm phải dậy từ 3 giờ sáng. Anh gánh cho mẹ gánh chổi đi khoảng một nửa đoạn đường thì trao gánh để mẹ gánh tiếp đến chợ Ghép. Buổi trưa, khoảng 10 giờ Kiêm lại từ nhà đi về hướng chợ Ghép, gặp mẹ ở đâu, anh đỡ cho mẹ gánh than từ đó về nhà.

        Buổi chiều hai mẹ con lại gánh than đi chợ Còng bán, rồi mua chổi và 5 giờ chiều anh lại đi đón mẹ. Vòng quay, sáng bán chổi mua than chợ Ghép, chiều bán than, mua chổi chợ Còng, cứ diễn ra đều đặn mỗi ngày.

        Công việc buôn than bán chổi mang lại thu nhập đáng kể vì thế cũng có nhiều người tham gia. “Buôn có bạn, bán có phường”, cái phường buôn bán ấy tự hình thành. Mấy bà đi chợ họp lại với nhau cho vui và để đỡ đần nhau trên đường sớm hôm. Trong những người bạn của mẹ có bà Sinh làng Vực.

        Một chiều đi đón mẹ, Kiêm chợt nhìn thấy Vượng. Anh gọi giật lại hỏi:

        - Vượng! Em cũng cũng đi đón chợ à?

        - Vâng!

        - Em đón ai?

        - Em đi đón mẹ.

        - Thế thì mình cùng đi cho vui.

        Khi gặp mẹ, Kiêm và Vượng mới biết là hai gia đình đã có quan hệ quen biết. Hồi cải cách, nhà Vượng cũng bị quy địa chủ. Bố Vượng mất sớm, mẹ đi buôn than cũng là nhờ mẹ Kiêm rủ đi cùng. Vì cùng cảnh ngộ nên các bà rất hiểu và chia sẻ mọi tâm sự cùng nhau.

        Sau lần gặp gỡ ấy, hàng ngày đi đón mẹ, Vượng đều hẹn Kiêm đứng đợi ở ngã tư đường. Vậy mà hôm nào thấy Vượng đến muộn là Kiêm lại bồn chồn.

        Buổi trưa, hai bà mẹ sau khi đã trao được gánh hàng lên vai chàng trai và cô gái, các bà vừa đi sau vừa trò chuyện. Có lần bà Lam hỏi bà Sinh (mẹ Vượng):

        - Bà thấy hai đứa (chỉ Kiêm và Vượng) có đẹp đôi không?

        - Cái đó tùy chúng nó. Nhưng tôi thấy chúng cũng rất thân nhau. Nếu chúng nên duyên được thì cũng phúc cho nhà tôi lắm.

        Công việc nhà nông, cái gì cũng có mùa vụ. Công việc đi chợ cũng vậy, nó chỉ tồn tại khoảng 3 tháng, đến vụ thu hoạch thì nhu cầu về than và chổi cũng giảm. Khi ấy các bà lại tập trung vào công việc đồng áng.

        Không còn cùng chăn bò, cũng không còn việc đi đón chợ, sau một tuần không gặp Vượng, Kiêm đã thấy nhớ. Anh chưa từng bước chân đến nhà Vượng lần nào, cũng chỉ nhờ việc đi đón chợ anh mới biết mẹ cô. Vì thế đến nhà cô thì không thể. Không thể, nhưng anh vẫn nhớ cồn cào.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2013, 03:09:16 am »

        Chiều ấy anh cứ đi ra rồi lại đi vào. Anh mặc quần áo dài, đi ra cổng, rồi lại vào nhà nằm vật ra giường. Tất cả sự bối rối của anh đều không qua khỏi mắt mẹ.

        Thấy Kiêm nằm trằn trọc, mẹ bảo:

        - Kiêm ơi! Con mang tiền lên trả bà Sinh giúp mẹ được không?

        Kiêm vùng ngay dậy:

        - Mẹ nợ bác nhiều không?

        - Có hai đồng thôi, nhưng nhiều ít thì cũng phải trả chứ.

        - Vâng! Thế mẹ đưa con trả bác cho.

        Nhận từ mẹ hai đồng, Kiêm đi như chạy lên nhà Vượng. Rất may cho anh, sau khi anh trả tiền bà Sinh thì Lại cũng đi làm đồng về. Gặp Lại, hai thằng trò chuyện một hồi lâu mà vẫn chưa thấy Vượng. Kiêm bồn chồn như ngồi trên đống lửa. Anh đành lúng búng xin phép ra về. Cả bà Sinh và Lại đều mời Kiêm khi nào rảnh thì lên nhà chơi. Kiêm vâng lời mà vẫn dùng dằng trong dạ. Vừa ra đến cổng Kiêm gặp Vượng.

        Gặp nhau, hai anh em chỉ trao đổi một vài câu chuyện không đầu không cuối và những câu hỏi bâng quơ. Vậy mà Kiêm như trút được gánh nặng.

        Sau lần đi trả tiền, đã có lời mời của Lại và bà Sinh, Kiêm có lý do để lui tới đây luôn. Sự có mặt của anh ở nhà Vượng đã trở nên bình thường.

        Tuy vậy Kiêm cũng ít khi nói chuyện riêng với Vượng. Họ chỉ nhìn thấy nhau và đôi khi trò chuyện mang tính tập thể. Cứ mỗi lần như thế Kiêm lại hình dung cuộc đời thật là tươi đẹp.

        Nhiều đêm trăng sáng, Kiêm lên chơi nhà Lại, mải vui, Lại đề nghị Kiêm ngủ lại luôn với nó. Trăng thanh gió mát, hai thằng nằm giữa hiên nhà mà ngủ, đến khi Vượng dậy nấu cơm chúng mới vào nhà ngủ tiếp. Cũng có hôm, Kiêm không ngủ nữa mà dậy phụ giúp Vượng nấu cơm.

        Tình cảm của đôi trẻ cứ phát triển một cách tự nhiên như cuộc sống vốn là như thế. Đám thanh niên hai làng thì thầm với nhau: “Thằng Kiêm yêu cái Vượng rồi!”. Các bà thì nói vui: “Hai đứa nó mê nhau rồi!” còn các cụ thì bình phẩm: “Chúng phải lòng nhau rồi đấy!”

        Mặc những lời bình phẩm, những câu chế nhạo, đôi trẻ cứ bình thản sống và tình cảm giữa họ cứ lớn dần theo thời gian. Những tối có phim hoặc văn công ở huyện hoặc các xã lân cận, Kiêm thường đón Vượng đi cùng.

        Năm Kiêm tròn 19 tuổi, anh cao lớn khoẻ mạnh, mọi việc nhà nông anh đều thành thạo. Các công việc ngoài biển như đi rùng(1), kéo lưới, việc đồng như cày, bừa, tát nước, gánh phân... cần việc gì anh cũng có thể làm được.

        Một tối làng Hồ Thượng có phim, Kiêm đón Vượng đi xem. Khi đến bãi mới biết buổi chiếu bị hoãn. Hôm ấy trăng sáng lắm, Kiêm dẫn Vượng ra thăm biển.

        Đôi bạn trẻ đi dọc theo mép nước. Mặt trăng trải xuống biển muôn ngàn ánh bạc. Trăng thanh, gió mát như khuyến khích Kiêm nói những điều mà lâu nay anh còn e ấp.

        Hai người sóng bước bên nhau, mùi hương bồ kết trên mái tóc Vượng thoảng bay trong gió. Kiêm ngây ngất trong cái mùi hương quyến rũ ấy, anh lâng lâng đi bên Vượng. Những cảm xúc lạ lùng xâm chiếm hồn anh, có lúc anh cảm thấy hơi thở của Vượng rất gần. Đôi khi cơn gió vô tình, phủ cả mái tóc dài của Vượng lên đầu, lên mặt Kiêm. Anh cứ để vậy mà đi, anh như muốn giữ lại những gì thân thuộc của người bạn gái mà anh thương mến.

        Dười ánh trăng, trong gió biển mát dịu và tiếng sóng rì rào, đôi bạn trẻ như không muốn dừng bước. Kiêm rất muốn nói với Vượng một điều gì mà chẳng biết nói từ đâu. Bởi thế anh cứ thả từng bước, lững lờ như kẻ mộng du.

        Vượng nép sát bên Kiêm như tựa vào anh, như đỡ bước anh, nàng chờ đợi một câu nói của anh để định danh quan hệ tình cảm của họ. Nàng cứ đợi, chàng cứ e dè, còn thời gian cứ trôi.

        Không thể chờ mãi được nữa, Vượng nói nhỏ đủ để Kiêm nghe rõ:

        - Về thôi anh! Về không muộn mẹ em la!

        Như kẻ mộng du chợt tỉnh, Kiêm xoay người sang phía Vượng. Một cơn gió biển ào tới, thổi tung suối tóc dài của Vượng phủ kín khuôn mặt hai người. Gió như khích lệ, vầng trăng như xui khiến, mái tóc dài như kẻ đồng lõa. Hai khuôn mặt kề sát vào nhau. Hai tay Kiêm ôm lấy khuôn mặt Vượng. Đôi môi của chàng đã tìm đến môi nàng mà quyện vào nhau. Những cái hôn nồng nàn làm họ quên cả đất trời, quên cả vầng trăng. Tiếng sóng biển ào ạt không vọng được vào tai họ. Lúc này, thế giới đối với họ chỉ còn có hai người.
------------------
(1) Phương tiện đánh bắt cá ngoài biển.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM