Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:28:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện kể về một gia đình liệt sĩ  (Đọc 64287 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 07 Tháng Tư, 2013, 05:04:44 am »

        - Tên sách : Chuyện kể về một gia đình liệt sĩ
        - Tác giả   : Hoàng Liêm
        - Nhà xuất bản Thanh Niên
        - Năm xuất bản : 2009
        - Số hóa : Giangtvx

        Đôi lời giới thiệu: Hoàng Liêm không phải là nhà văn hay nhà thơ. Anh chỉ là một người lính đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh viết về những điều mà mình đã trải nghiệm qua hoặc đã thấy trong thực tế. Anh đã có gần một trăm bài viết đăng trên website của Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh còn là người phụ trách website Trianlietsi.org, một trang web có nhiều đóng trong việc tìm kiếm các liệt sĩ chưa rõ tung tích. Năm 2009, cuốn sách ra đời đã gây nhiều chú ý cho người đọc và đã được giới thiêu trên Đài truyền hình Việt Nam. Do có quen biết (trước kia có thời học cùng lớp) tôi đã giới thiệu diễn đàn Dựng nước - Giữ nước với anh. Vì một số nguyên nhân anh đã không trực tiếp tham gia được nhưng cũng đồng ý đưa sách lên thư viện của diễn đàn.

        Xin trân trọng giới thiệu!            
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Tư, 2013, 09:12:33 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2013, 05:27:05 am »

         


Hoàng Liêm (4/2013) tại văn phòng của website trianlietsi.org
số 8 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình  - Hà Nội
 
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Tư, 2020, 10:20:57 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2013, 05:35:30 am »

       

Từ trên xuống dưới:
                             Liệt sĩ Bùi Khắc Khới
                             Liệt sĩ Bùi Khắc Kiêm
                             Liệt sĩ Lê Thị Vượng
                             Liệt sĩ Bùi Khắc Tường

« Sửa lần cuối: 12 Tháng Tư, 2020, 10:22:04 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2013, 03:54:56 pm »


Lời giới thiệu

        Ban đầu cuốn sách mà các bạn đang cầm trong tay có cái tên là Đất nước chiến tranh và một gia đình. Đọc lên tôi lập tức thấy cảm tình với tác giả của nó.

        Anh Hoàng Liêm đã chạm tới một vấn đề nhạy cảm và có liên quan tới đời sống tâm tình của tôi, của bạn, của bao nhiêu con người Việt Nam bình thường hôm nay.

        Chúng ta có một đất nước mà mấy chục năm trước, nói tới đất nước ấy là nói tới những ngày chinh chiến. Trong chiến tranh ta thêm hiểu, thêm yêu đất nước. Cũng trong những ngày chinh chiến ấy, ta thêm hiểu, thêm yêu gia đình ta và gia đình của những bè bạn những đồng đội của ta.

        Đến nỗi sau này, khi những ngày bom đạn đã qua đi, lòng ta vẫn khắc khoải hồi tưởng, ngẫm nghĩ.

        Đọc anh Hoàng Liêm, tôi không chỉ biết thêm người bạn Bùi Khắc Tường mà còn biết thêm những người con khác trong gia đình họ Bùi, anh Khới, anh Kiêm, chị Lệ, chị Vượng.

        Và không chỉ thế hệ anh Tường mà còn cả những người đã sinh thành nên các anh. Đây là người cha của các anh - cụ Bùi Khắc Tráng. Cụ đã cầm tay dạy các anh tập viết. Và đây, người mẹ tiễn các con đi ngày ngày mong ngóng, sau hòa bình lúc nào cũng ra đường, chờ xem có anh bộ đội nào đi qua, lại hỏi có biết con tôi không, có tin gì về nó không, bao giờ nó về?

        Những chi tiết ấy đọc một lần không thể quên nổi.

        Cùng với những người còn sống, tác giả Hoàng Liêm đã tham gia vào việc tìm hiểu lại quá khứ, tìm kiếm lại di vật của những người đã khuất.

        Tôi chợt nhớ ra những câu chuyện tương tự mà đây đó tôi đã được nghe. Ở cơ quan tôi, những ngày 22-12, anh em vẫn dành một phần quà nhỏ cho những người lính trong chiến tranh.

        Ở quê tôi cũng có những người cất công đi tìm mộ con cái. Cuộc chiến tranh vẫn đang sống cả trong ký ức của thế hệ nay đã năm mươi, sáu mươi chúng tôi, lẫn lớp trẻ chưa một lần biết thế nào là thời chiến.

        Tôi ngờ rằng nhiều bạn đọc, sau khi đọc cuốn sách này của anh Hoàng Liêm, sẽ tìm đến những kỷ niệm chiến tranh của bản thân mình và bè bạn mình. Nếu những gì chúng ta âm thầm làm hàng ngày được ghi lại trên trang sách thì những người đã hy sinh hôm qua cũng thấy như được an ủi.

 
VƯƠNG TRÍ NHÀN                   
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2013, 06:48:48 pm »


Lời tác giả

        Cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược của dân tộc ta đã kéo dài gần 30 năm. Đây là cuộc chiến tranh dai dẳng, khốc liệt vào bậc nhất của thế kỷ hai mươi. Để giành chiến thắng, lớp lớp thanh niên đã lên đường. Tuổi trẻ của họ, ước mơ của họ, bao điều quý giá mà họ nâng niu, e ấp, bao cuộc tình đẹp đẽ và thơ mộng… tất cả, tất cả họ đã hiến dâng cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

        Trong cuộc trường chinh vĩ đại ấy, bao người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Bao người cha, người mẹ đau đáu trông chờ tin con. Nhiều người đã bàng hoàng, đau đớn khi nhận giấy báo tử người thân từ chiến trường.

        Nước mắt, đau thương và trách nhiệm công dân của mỗi con người, mỗi gia đình cứ tăng dần theo chiều dài cuộc chiến tranh.
 
        Bom đạn vô tình đã sát hại bao người vô tội. Chiến thắng được đánh đổi bằng sự hy sinh vô cùng to lớn của bao chàng trai, cô gái, của bao gia đình Việt Nam.

        Là một người may mắn được trở về từ cuộc chiến, tôi cứ băn khoăn, cứ day dứt mãi về các đồng đội của mình. Các anh đã mãi mãi không có ngày trở lại với gia đình, với mái trường và sự nghiệp còn đang dang dở. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm với các anh, phải tìm mọi cách có thể, để thực hiện lời ước hẹn cùng các anh trước lúc xả thân vào cuộc chiến.

                                       Lời hẹn xưa của chàng lính chiến:
                                       “Về nhà tao, nếu mày có ngày sau”
                                       Câu hát cũ và lời hẹn cũ
                                       Day dứt lòng ai – Bạc mái đầu.


        Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sỹ, tôi đã gửi lòng mình vào các trang viết về những người tôi yêu “Một đi không trở lại”. Tôi đã gặp lại họ qua từng con chữ. Tôi sống lại với họ trong những ngày gian khổ.
 
        Tôi lại được các anh chia sẻ gánh nặng trên đường hành quân và động viên tôi gắng sức vươn lên phía trước. Nhớ về các anh, tôi nghẹn ngào hồi tưởng - như cuốn phim quay chậm về từng người. Tôi nhớ về gia đình và quê hương bản quán của các anh.

        Trong những con người tài hoa và quả cảm ấy, tôi không nguôi nhớ về một con người, một gia đình đã chịu nhiều đau thương, chịu nhiều mất mát. Một sự hy sinh to lớn vượt ra ngoài những điều tôi đã biết và còn vượt hẳn ra ngoài sự tưởng tượng của tôi.

        Con người tôi yêu dấu ấy là anh Bùi Khắc Tường. Tôi đã nhắc tên anh qua bài “Bùi Khắc Tường - Giờ này anh về đâu?” đăng trên báo Điện tử Đảng Cộng sản.

        Thật may thay, một bài viết bằng hoài niệm và nước mắt đó đã đưa tôi đến với gia đình anh. Những điều chưa biết của tôi đã vỡ òa ra từ đó. Tôi thấy mình phải cầm bút, phải viết về những con người đã sống một cuộc sống đẹp như huyền thoại, trong những ngày tháng gian lao và sự cống hiến đến khôn cùng của họ vì những mục tiêu cao cả của dân tộc.

        Đến với gia đình anh, tôi có cảm giác như được trở về với ngôi nhà thân yêu của mình. Hơn thế nữa, tôi đã bước chân vào một gia đình của những con người yêu thương, chân thành. Tôi thấy mỗi thành viên trong gia đình đều giác ngộ đầy đủ về bổn phận của mình một cách sâu sắc nhất, văn hóa nhất.

        Sau những năm tháng dai dẳng của hai cuộc chiến tranh, sau những đau thương mất mát, tôi vẫn thấy ở gia đình này một tình cảm nồng hậu, một sự gắn bó yêu thương và một sự vươn lên mãnh liệt trong cuộc sống.

        Để phác họa bức tranh về một gia đình như thế, cần nhắc đến người trụ cột của gia đình – ông Bùi Khắc Tráng - người cha có công nuôi dạy 10 người con khôn lớn trưởng thành. Ông là người cha đáng kính, người thầy đáng trọng và một bề trên có bản lĩnh đáng khâm phục của các anh, các chị. Ông đã cầm tay các anh, các chị đưa những nét bút đầu tiên. Ông đã ba lần tiễn các con trai nhập ngũ và có tới bốn lần nhận giấy báo tử những đứa con.

        Đau thương chồng chất nhưng ông vẫn vững vàng để làm trụ cột của cả gia đình. Vượt trên mọi đau thương mất mát, ông vẫn là chỗ dựa tin cậy để vợ và các con ông vượt qua những tháng năm gian khó sau chiến tranh. Ông đã tôi luyện ý chí cho những người con của ông học tập và thành công trong sự nghiệp.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Tư, 2013, 04:22:49 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2013, 04:12:03 am »

        Sát cánh cùng ông Bùi Khắc Tráng là vợ ông – Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lâm Thị Lam. Bà là mẹ của bốn liệt sĩ, là em dâu của một bà mẹ Việt Nam anh hùng và là chị gái của một bà mẹ Việt Nam anh hùng khác. Nỗi đau mất con, mất cháu cứ ngày ngày cắn xé tâm can bà:

                                        “Những nhát dao cùn cứa người đang sống
                                        Có nỗi đau nào hơn thế này không?”


        Những giọt nước mắt được lén lau khi chỉ có một mình, người mẹ ấy âm thầm chịu đựng, âm thầm thương yêu và tạo mọi điều kiện cho chồng con vững vàng vươn tới.

        Trong ngôi nhà tràn đầy yêu thương và cống hiến ấy, người con trưởng Bùi Khắc Khới là cánh chim đầu đàn. Anh là chiến binh của cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

        Trong điều kiện chiến tranh, anh không được học nhiều, nhưng anh lại am hiểu về nhiều lĩnh vực. Anh là cầu thủ bóng đá, bóng chuyền, là người sáng tác âm nhạc, là nhạc công, là người viết kịch bản và đạo diễn sân khấu của đơn vị.

        Với điều kiện rất khó khăn của những năm đầu hòa bình, anh đã tự học, tự rèn để trở thành tấm gương sáng cho các em trong gia đình và là người chỉ huy mẫu mực ở đơn vị. Anh đã hy sinh tuổi trẻ và tình yêu sôi nổi của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước và tình đoàn kết chiến đấu keo sơn Việt - Lào.

        Trong những tháng ngày căng thẳng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, anh Bùi Khắc Kiêm đã xây dựng gia đình cùng chị Lê Thị Vượng. Gia đình trẻ ấy, ngay sau khi xây dựng đã phải đối mặt với thách thức khốc liệt của cuộc chiến tranh mở rộng trên phạm vi cả nước.

        Thời gian chung sống chỉ có ít ngày nên anh chị chưa kịp có con. Anh Kiêm là bộ đội chiến trường, chị Vượng là dân quân - Pháo thủ pháo phòng không. Hai người ở hai mặt trận, cuộc sống vợ chồng, tình cảm của họ chỉ được thể hiện qua những lá thư vô cùng hiếm hoi.

        Ngày ấy hầu như không có khái niệm riêng tư, nên các bức thư của anh chị cũng trở thành của chung đồng đội. Xa xôi cách trở, cái riêng đã trở thành cái chung nên biết nói gì trong thư, ngoài những lời động viên chung chung còn tình cảm riêng tư đành gác lại. Anh chị đã hy sinh cái riêng của mình để sống và chiến đấu.

        Trong một trận đánh khốc liệt năm 1965, anh Kiêm bị thương nặng và đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Tây Nguyên. Hơn hai năm sau, chị Vượng lại hy sinh trên trận địa phòng không bảo vệ quê nhà.

        Đôi vợ chồng trẻ khát khao hạnh phúc, mơ về một cuộc sống tươi đẹp đã hiến dâng cả tình yêu, tuổi trẻ và giấc mơ hạnh phúc gia đình của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

        Người vợ chờ chồng, với bao ngờ vực về sự còn mất của anh, đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương.

        Trên Tổ quốc Việt Nam yêu thương của tôi, có bao nhiêu cặp vợ chồng đã sống, chiến đấu và hy sinh như thế?

        Người liệt sĩ cuối cùng của gia đình này là anh Bùi Khắc Tường. Anh nhập ngũ khi gia đình đã có ba liệt sĩ. Anh có thể xin hoãn lệnh lên đường. Nhưng "Không! Có lệnh là đi chẳng dùng dằng làm chi”.

        Tường là một sinh viên giỏi, một cây sáo điêu luyện, một giọng ca truyền cảm. Anh sống tình cảm, giàu yêu thương, giàu nghị lực. Trong chiến đấu anh là một xạ thủ, một trinh sát gan dạ và thận trọng.

        Chiến tranh có quy luật riêng, nó không tuân theo một quy tắc thông thường nào. Trong một lần đi trinh sát, Tường đã bị phục kích, anh đã dũng cảm chiến đấu để thoát khỏi ổ phục kích của địch. Tuy bị thương nặng nhưng anh vẫn kịp về đơn vị mới chịu hy sinh trong vòng tay yêu thương của đồng đội.

        Trong khói lửa của cuộc chiến tranh, Tổ quốc, dân tộc, gia đình, mọi người dân Việt Nam, đều hướng tới một tương lai hòa bình, một cuộc sống yên ổn và thịnh vượng. Không ngoài ước mơ chung đó, những con người còn lại sau chiến tranh của gia đình ông giáo Tráng đã phấn đấu vươn lên mạnh mẽ để sống, cho cả những người đã mất.

        Các anh, các chị đều vươn lên trong học tập. Họ đều tốt nghiệp đại học. Các anh: Tiềm, Tân, Thành; các chị: Chính, Mười hiện là những cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ đang tham gia vào công cuộc kiến thiết, xây dựng nước nhà.

        Cho đến hiện nay, một thế hệ thứ ba đã trưởng thành. Lớp người trẻ tuổi này không hề phải qua chiến tranh, nhưng cuộc chiến tranh trong lịch sử vẫn đặt những dấu ấn đậm nét trong tâm trí họ. Họ vẫn nhìn thấy dấu tích bom đạn trên cánh đồng làng, vẫn còn đó những nghĩa trang liệt sĩ, những mẩu chuyện cảm động của những người thân về một thời khói lửa.

        Đến với gia đình này, tôi được thấy tình cảm  và sự trân trọng, cảm phục của thế hệ thứ ba với những hy sinh mất mát chung của đất nước cũng như của gia đình mình cho cuộc sống hôm nay. Họ đang miệt mài phấn đấu cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Tất cả mọi người đều hiểu rằng để đảm bảo một nền hòa bình bền vững thì không còn cách nào khác phải góp công xây dựng đất nước cường thịnh.

        Tôi muốn viết về gia đình họ Bùi ở thôn Hồ Nam, xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa để tỏ lòng biết ơn đối với những người đã sinh thành ra lớp chúng tôi. Qua câu chuyện gia đình họ Bùi, tôi muốn được chia sẻ, cảm thông và thể hiện lòng biết ơn với các anh, các chị, các đồng đội của tôi, của bạn đã anh dũng hy sinh, đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình vì tương lai đất nước.

        Cũng qua câu chuyện gia đình họ Bùi, tôi muốn tỏ lòng tin tưởng vào một thế hệ tuổi hai mươi đang miệt mài phấn đấu xây dựng một cuộc sống tươi đẹp cho thế hệ mình và cho Tổ quốc hôm nay.

        Trong những trang viết này, những miền quê tôi đã đi qua, những con người tôi đã gặp sẽ đồng hiện cùng tôi để phác họa lại phần nào những năm tháng hào hùng mà gian lao, đau thương mà anh dũng của các gia đình và của cả dân tộc Việt Nam.

« Sửa lần cuối: 10 Tháng Tư, 2013, 04:20:19 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2013, 04:23:55 am »


I - ĐƯỜNG ĐẾN VỚI GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

        28 tháng 12 năm 2007:

        14 giờ 30, các anh Võ Minh, Trần Anh Phương, Đỗ Minh Tuấn, thạc sĩ Nguyễn Hằng Thanh (NXB Thanh Niên) và tôi có một cuộc hẹn tại trụ sở Đài truyền hình VTC, để chuẩn bị cho chương trình truyền hình về lớp trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là một đề tài thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả truyền hình.

        Chiến tranh đã qua lâu rồi, lớp người sinh ra sau chiến tranh nhiều người đã ở độ tuổi ngoài 30. Vì vậy lớp trẻ ngày nay chỉ biết đến chiến tranh qua những trang sách, những câu chuyện kể của cha anh và qua phim ảnh, truyền hình, qua các dấu tích chiến tranh còn để lại.

        Chúng tôi - những người chỉ trực tiếp tham gia vào giai đoạn cuối của cuộc chiến mà nay đều đã ngoại ngũ tuần. Nếu không ghi lại những câu chuyện bi thương mà hào hùng của cuộc chiến thì chỉ một thời gian không lâu nữa, bụi thời gian sẽ che lấp, sẽ làm nhoà đi tất cả.

        Bởi vậy, khi được nghe Đài truyền hình VTC thông báo ý tưởng của chương trình và mời tham gia, chúng tôi rất hào hứng.

        Đang chăm chú theo dõi formet chương trình thì anh Trần Anh Phương đưa điện thoại cho tôi và nói: “Anh Toản, Trưởng ban thư ký báo Điện tử Đảng Cộng sản muốn gặp anh”. Tôi cầm điện thoại của anh Phương và ra khỏi phòng họp. Vừa đặt máy lên tai tôi đã nghe bên kia giọng anh Toản gấp gáp:

        - Anh là Hoàng Liêm, tác giả bài viết “Bùi Khắc Tường - Giờ này anh về đâu?”, phải không?

        - Vâng! Tôi đây.

        - Gia đình nhà anh Tường đang muốn tìm anh đấy! Anh cho tôi xin địa chỉ, số điện thoại của anh. Người nhà anh Tường đang rất nóng lòng muốn gặp anh.

        - Địa chỉ của tôi là 214... Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Số di động của tôi là 091656...

        Tôi chưa kịp vào phòng để trả máy cho anh Phương thì điện thoại của tôi đã đổ chuông. Vừa kịp đặt loa máy vào tai tôi đã nghe một giọng nói nghẹn ngào, đứt quãng:

        - Anh là... anh Liêm phải không? Em là Thành,... em... trai anh Tường… bạn anh đây… - Nghe giọng nói đang nấc lên vì xúc động, tôi cũng nghẹn ngào…

        Giọng nói phía bên kia chắc cũng đang đầm đìa nước mắt. Thông tin chẳng có gì nhiều mà chúng tôi rất lâu mới trao đổi được cho nhau. Thời gian trôi chỉ là những tiếng nấc và những giọt nước mắt:

        - Anh Liêm ơi!... Em đang ở Hà Nội,... Em xin phép được gặp anh càng sớm... càng tốt.

        - Hôm nay là 28, ngày mai 29 và 30, tôi có việc đi Hạ Long. Sau ngày đó tôi sẽ chủ động hẹn để gặp anh được không?

        - Anh bận việc thì anh cứ đi đi, xong việc anh cho em gặp anh càng sớm càng tốt.

         Chúng tôi chào nhau và hẹn sẽ sớm gặp lại. Tôi quay vào phòng họp mà tâm trí không thể tập trung được nữa. Tôi lại nhớ về những chàng sinh viên ra trận năm xưa. Nhớ về Tường, về hoàn cảnh gia đình anh và nhớ lại tất cả những gì tôi biết về anh.

        Tôi không biết thầy mẹ Tường còn hay đã mất. Tôi nhớ lại cách đây khoảng mười năm, trong một chương trình kể chuyện đêm khuya, tôi có nghe câu chuyện về thầy giáo già Bùi Khắc Tráng (bố đẻ của Tường).

        Chuyện kể về ông giáo có bốn người con là liệt sĩ, sau khi nghỉ hưu đã mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em trong làng. Nghe chuyện tôi thực sự xúc động, nhưng vào lúc ấy tôi chưa có điều kiện liên hệ với gia đình.

        Hôm sau, tôi đi Hạ Long cùng với học sinh lớp con gái tôi. Cảnh đẹp ở Hạ Long cũng không thể dứt tôi ra khỏi lời hẹn với một người chưa hề gặp. Trong đầu tôi luôn hình dung và lên kế hoạch khi trở về tôi sẽ gặp anh Thành vào ngày đầu của năm 2008.

        Tôi chưa biết anh Thành hiện nay đang làm gì? Cuộc sống ra sao? Tôi lục lại trí nhớ và tưởng tượng khuôn mặt của Tường khi còn sống. Tôi hình dung lại khu rừng nơi Tường đã chiến đấu và anh dũng hy sinh, để khi gặp anh Thành tôi có thể nói rõ hơn so với những gì tôi đã viết trong bài báo, để giúp gia đình tìm nơi anh ngã xuống. Hai ngày dài tôi thắc thỏm chờ đợi.

        Không hiểu anh Thành có tâm trạng như tôi không?

« Sửa lần cuối: 10 Tháng Tư, 2013, 03:20:22 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2013, 03:33:04 pm »


        30 tháng 12 năm 2007:

        Tôi về đến Hà Nội thì đã 8h30 tối. Sau hai ngày theo học trò mệt nhoài, tôi chìm vào giấc ngủ. Nửa đêm thức giấc, tôi không sao ngủ lại được nữa. Tôi miên man nghĩ về tiểu đội đi B của mình. Tôi lộn về quá khứ. Tôi thấy mình sống giữa lòng đồng đội.

        Núi cao, vực thẳm, tôi có thể vượt qua nhờ sức hút của đội ngũ, những người bạn sinh viên cùng cảnh ngộ. Tiểu đội đi B của tôi có mười một người. Ngô Văn Quế - Tiểu đội trưởng, mười người còn lại là Khải, Tường, Phấn, Lực, Ngọc, Chân, tôi và các anh Thảo, Nhị, Đoan.

        Ngoài anh Đoan là cán bộ giảng dạy, anh Thảo và anh Nhị là cán bộ trung cấp là đã có gia đình riêng, còn tám đứa chúng tôi đều là sinh viên, độc thân, thậm chí còn chưa hề biết yêu.

        Trong tám chàng sinh viên thì bảy chàng là con nông dân và một chàng trai thành phố như nông dân. Bởi vậy, chúng tôi hiểu nhau lắm, thương nhau lắm.
 
        Tôi nhớ về từng người và nhẩm tính xem ai còn, ai đã mất. Tôi giật mình. Vậy là chúng tôi chỉ còn hơn một phần ba, bảy người đã ra đi. Trong bảy người ấy có ba người là liệt sĩ, còn bốn người kia cũng đã mất vì những bệnh liên quan đến chiến trường.

        Khi hồi tưởng lại ba liệt sĩ Khải, Phấn, Tường thì tôi lại chợt nhớ: Riêng gia đình Tường đã có tới bốn liệt sĩ và anh là người hy sinh cuối cùng trong gia đình, cũng là người cuối cùng trong tiểu đội đi B của tôi ngã xuống.
 
        Nhớ về các anh, tôi không cầm nổi nước mắt và nhẩm lại bài thơ tôi đã viết vào cái đêm không ngủ cách đây một năm:

        Đêm nhớ
 
Kính tặng đồng đội tôi                       
 Những người không về sau cuộc chiến                       

                                     Đêm.
                                     Giật mình, tỉnh giấc.
                                     Một mình trằn trọc, nhớ đồng đội xưa.
                                     Ngoài hiên nhà tí tách những hạt mưa.
                                     Nhớ đến nao lòng,
                                                               những bạn hiền không về sau cuộc chiến.

                                     Tường ơi!
                                     Nhớ không?
                                     Chiều chúng mình mang về hai con nhím.
                                     Cả đơn vị sẻ chia vị lạ của núi rừng.

                                     Nhớ những lần,
                                     Gùi gạo sụn sống lưng.
                                     Khải gùi cả cho mình vì thương mình
                                                                                          gầy yếu quá.

                                     Nhớ cái ngày,
                                     Kông Pông Chàm đói lả
                                     Phấn chọn cho tôi hạt lạc cuối cùng

                                     Minh ơi!
                                     Mày có biết không?
                                     Tao nhớ mày là tiếng violon trong trẻo.

                                     Thành ơi Thành!
                                     Mày kể chuyện sao mà khéo?
                                     Chuyện thật đáng buồn mà mày kể vẫn vui.

                                     Khánh Thụy ơi!
                                     Bài thơ viết dở đâu rồi?
                                     Tao tìm mãi chẳng bao giờ thấy

                                     Long ơi! Long!
                                     Tiếng bom làng bảy,
                                     Nó cướp mày đi, đi mãi không về.

                                     Thắng đen ơi!
                                     Trinh sát mãi mà chi?
                                     Đất nước hòa bình hơn ba mươi năm rồi
                                                                                               đấy nhá!

                                     Thoa ơi Thoa!
                                     Tao nhớ mày, nhớ quá!
                                     Da trắng, mắt tròn, ngơ ngác giữa rừng xanh.

                                     Anh Thiềng ơi!
                                     Cháu Dũng con anh
                                     Đã lớn, đã khôn, đã đưa anh về Bắc.
                                     ở Cai Lậy – Mỹ Tho, bà con vẫn nhắc
                                     Anh – người lính cuối cùng ngã xuống trước
                                                                                                    bình minh.

                                     Hiếu ơi!
                                     Từ Hà Bắc quê mình,
                                     Mẹ đã đến thăm anh nghĩa trang Kiến Đức
                                     Mẹ đã hiến dâng đứa con dứt ruột
                                     Cho cuộc sống hôm nay kết trái đơm hoa

                                     Tôi thổn thức hoài nhớ những ngày qua
                                     Điểm mặt những bạn mình
                                                                             không về sau cuộc chiến

                                     Đêm
                                     Nhớ thương
                                     Không ngủ.
                                     Xin khắc tên
                                     Từng người
                                     Vào trong trái tim tôi.

 
        Tôi còn đang bồi hồi thổn thức thì những tia nắng đầu tiên của ngày mới đã rọi vào nhà. Hôm nay, tôi được nghỉ. Nghĩ tới kế hoạch gặp anh Thành, tôi chợt nhớ là việc này không thể để vào ngày 1/1/ 2008 được vì ngày ấy tôi phải về quê có việc họ. Thế là tôi quyết định sẽ hẹn gặp anh trong hôm nay (31/12/2007).
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tư, 2013, 10:20:55 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2013, 09:12:41 pm »


       31/12/2007:

       8h30 tôi mở điện thoại di động tìm số của anh Thành để gọi. Anh đang bận việc ở cơ quan nên hẹn sẽ đến nhà tôi vào sau giờ làm việc buổi chiều. Đặt điện thoại xuống bàn, tôi nghĩ ngay đến việc tổ chức cuộc gặp sao cho đạt kết quả, cung cấp được nhiều thông tin quan trọng nhất cho gia đình liệt sĩ.

        Tôi gọi cho một số bạn bè chiến đấu và cùng học với Tường. Bởi là ngày cuối năm nên mọi người đều bận cả. Cuối cùng tôi chỉ mời được anh Trần Anh Phương (Báo Điện tử Đảng Cộng sản) và anh Chu Văn Mẫn (Khoa Sinh, Đại học Khoa học tự nhiên).

        Buổi chiều, 6h30 các anh Phương và Mẫn đã có mặt ở nhà tôi.

        Đường Hà Nội chiều cuối năm, quá nhiều đoạn đường tắc nghẽn nên anh Thành đến muộn và tôi đã ra tận đầu ngõ đón anh. Tuy lần đầu gặp mặt, nhưng chúng tôi cũng không khó khăn lắm để nhận ra nhau, bởi mỗi người đều cầm trong tay chiếc điện thoại di động.

        Bước vào nhà, anh Thành ôm chầm lấy ba chúng tôi mà khóc:

        - Hơn 30 năm rồi… em mới tìm được các anh. Gặp các anh, em như gặp lại anh trai mình... Cảm ơn anh Liêm! Anh đã tạo ra cuộc hội ngộ hôm nay.

        Tôi, Mẫn và Phương không ai cầm nổi nước mắt. Chúng tôi xúc động vì những lời chân tình của anh Thành và tự sâu thẳm lòng mình, chúng tôi còn cảm thấy mình chưa tròn trách nhiệm với gia đình và bản thân những người đã hy sinh.

        Chị Tuyết vợ anh Thành cũng bùi ngùi đứng lặng chứng kiến cuộc gặp mặt đầy xúc động của chúng tôi.

        Sau lời giới thiệu của tôi về từng người, anh Thành bắt đầu kể về câu chuyện tìm ra bài viết của tôi và con đường dẫn đến cuộc gặp hôm nay:

        Tối 20 tháng 12, cháu Bùi Khắc Chiến (con trai anh Bùi Khắc Tân, cháu gọi em bằng chú ruột) ngồi bên máy tính, hắn gõ tên hắn vào cửa sổ tìm kiếm của Google một cách tình cờ, lơ đãng. Thật bất ngờ, kết quả tìm kiếm cho một loạt tên Bùi Khắc... Trong loạt tên và bài đó có bài “Bùi Khắc Tường - Giờ này anh về đâu” trên báo Điện tử Đảng Cộng sản.

        Chiến ngờ ngợ, Bùi Khắc Tường là tên chú ruột hắn. Chiến mở bài viết ra và hắn không thể tin ở mắt mình nữa.

        Sau hàng chữ in nghiêng, đập vào mắt là những dòng chữ khiến hắn sửng sốt: “Năm 1969, Bùi Khắc Tường rời thôn Hồ Nam, xã Tân Dân, Tĩnh Gia, Thanh Hoá để nhập học khoa Sinh trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Gia đình đặt rất nhiều hy vọng vào sự học hành và thành đạt của anh...”. Đây đúng là quê hắn rồi! Hắn mải miết đọc, càng đọc hắn càng thấy người được nhắc đến trong bài viết là chú ruột hắn.

        Đọc xong bài báo, Chiến bần thần một lúc, hắn thương chú, cảm phục tình bạn chân thành và tình yêu trong sáng cũng như sự hy sinh anh dũng của chú. Đã bao năm rồi, bố, các bác và các chú hắn đã dày công tìm kiếm mà chưa có manh mối nào đáng tin cậy. Phải chăng đây là thông tin mà cả nhà đang cần? Chiến hối hả nhấc điện thoại và bấm số về nhà. Chờ một lúc lâu, hắn nghe tiếng bố hắn càu nhàu:

        - Ai đấy! Có việc gì hệ trọng mà còn gọi vào giờ này?

        - Con Chiến đây! Bố ơi! Con đã tìm được chú Tường rồi.

        - Chú Tường nào? Chú đang ở đâu?... Chú Tường nhà mình đã... hy sinh... rồi cơ mà?

        - Không phải!... Con đã tìm được thông tin về chú Tường rồi.

        - Ở... đâu? - Hắn nghe giọng bố hắn chùng xuống. Bố hắn đã khóc.

        - Có người viết về chú trên báo Điện tử Đảng Cộng sản. Ngày mai con sẽ in bài và gửi ngay về cho bố.

        - Ừ..., gửi ngay đi..., gửi cả cho... chú Thành nữa. Con nói với chú Thành... tìm ngay... người viết... càng sớm... càng tốt.

        Sau khi chấm dứt cuộc gọi với bố, Chiến gọi ngay cho em:

        - Chú Thành đấy à? Cháu Chiến đây. Cháu tìm được trên báo Điện tử Đảng Cộng sản một bài viết về chú Tường... Chú lên mạng đọc ngay chú nhé!

       - Thế à! Cháu cho ngay chú địa chỉ, để chú tìm kiếm.

       - Chú vào internet, mở trang dangcongsan.vn, sau đó chú vào chuyên mục 60 năm TBLS, tìm bài “Bùi Khắc Tường - Giờ này anh về đâu?”. Chú đọc nhưng chú không được khóc đâu đấy!

---------------------
(Các ghi chú màu xanh là của Giangtvx bổ sung, không có trong sách)
Có thể xem bài này trực tiếp tại http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30332&cn_id=80000
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Tư, 2013, 09:50:39 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2013, 07:15:23 am »

        Sau cú điện thoại và sự hướng dẫn của Chiến, ngay trong đêm vợ chồng em đã đọc đi đọc lại bài viết rất nhiều lần.

        - Đêm đó chúng em không sao ngủ được, em đã khóc, nhớ anh Tường rất nhiều và cũng thương các anh nhiều lắm.

        Với giọng trầm ấm (rất giống giọng Tường) anh Thành tiếp tục kể:

        - Em không hiểu làm sao, sau bấy nhiêu năm mà anh Liêm vẫn nhớ tường tận về quê quán và những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống chiến đấu cùng anh Tường. Em đã gọi điện hỏi 1080 để biết số máy của báo. Thế là nhờ báo chúng em đã tìm được các anh.

        - Anh Thành ơi! Các cụ nhà mình hiện nay thế nào? – Tôi hỏi để giảm bớt không khí buồn thương.

        - Mẹ em đã mất năm 1980... còn thầy em cũng đã... mất năm 2002. Trước khi nhắm mắt, thầy em còn dặn phải tìm bằng được phần mộ của các anh em.

        - Như vậy là gia đình mình vẫn chưa tìm được các anh sao? - Anh Mẫn hỏi.

        - Chưa, ngoài chị dâu em hy sinh ở quê, cả ba anh hiện đều chưa biết nằm ở đâu - Nói đến đây anh Thành oà khóc.

        Chị Tuyết (vợ anh Thành) giàn giụa nước mắt, làm chúng tôi ai cũng bùi ngùi, xót xa.

        - Anh Liêm ơi, sao anh lại viết “...Giờ này anh về đâu?” mà không phải là “ở đâu”. Cứ nghe nhắc “anh về đâu?” là chúng em lại nghĩ đến trách nhiệm của mình, của gia đình mình. Nếu không tìm được... thì các anh ấy biết “về đâu?”. Gặp được các anh, chúng em hy vọng nhất là sẽ tìm được anh Tường em.

        - Tôi chắc chắn một điều là Tường đã được quy tập về một nghĩa trang nào đó. Vấn đề còn lại là xác định chính xác ở nghĩa trang nào thôi

        Để khẳng định suy đoán của mình, tôi kể lại hoàn cảnh hy sinh của Tường để mọi người cùng nghe:

        Đầu tháng tư năm 1974, tôi bị sốt rét nặng phải đi điều trị ở trạm xá trung đoàn. Tháng 6, khi tôi trở về đơn vị thì nghe tin Tường đã hy sinh.

        Tôi buồn lặng và nhớ thương anh đến quặn lòng. Sau sự hy sinh của Khải, Phấn, lần này Tường ra đi là tiểu đội sinh viên của tôi đã có ba liệt sỹ.

        Thấy tôi buồn rầu, một hôm đi lấy gạo, anh Chử Kim Bao đưa tôi vào nơi chôn cất các liệt sĩ của tiểu đoàn và anh kể cho tôi nghe về sự hy sinh của Tường:

        Sau khi Liêm rời đơn vị được mấy ngày thì địch nống lên hòng chiếm lại các vị trí đã mất. Dọc theo lộ 14, địch không thể vượt qua được các điểm chốt chặn của ta, chúng dùng các đơn vị nhỏ luồn rừng tiếp cận các vị trí ta đóng quân.
       
        Ngày 11 tháng 4, tổ trinh sát do Tường chỉ huy có nhiệm vụ trinh sát phát hiện địch để ta dùng lực lượng ngăn chặn.

        Sau khi qua khu vực đóng quân của đại đội mình, Tường dẫn tổ vượt suối rồi thận trọng, dò từng bước lên đỉnh đồi đối diện. Lên tới đỉnh đồi, các anh vừa đặt chân vào đoạn đường mòn thì một tiếng nổ dữ dội.

        Tường bị thương nặng, ngay khi mìn nổ, nhưng anh vẫn kịp hô lớn: “Chạy đi! Bị phục rồi!”. Khẩu AK trong tay anh hai lần nhả đạn. Anh tạt xuống sườn đồi và bò được xuống rìa suối. Hai đồng chí đi cùng đã kịp cõng Tường về đại đội mình, trước khi anh trút hơi thở cuối cùng.

        Đơn vị đã đưa Tường về đây chôn cất cùng với các liệt sĩ khác của tiểu đoàn.

        Đêm ấy đài kỹ thuật bắt được tin của địch, tổ lính phục kích hôm đó có 1 tên chết và một tên bị thương nặng. Vậy là hai loạt đạn của Tường đã nhằm trúng đích.

        Tôi cùng anh Bao ngồi lại một lúc lâu bên mộ Tường rồi mới gùi gạo về đơn vị. Từ hôm ấy, mỗi khi có dịp qua đây chúng tôi lại ghé vào thăm các anh...

        Sau chiến thắng, trung đoàn đã cử người đi quy tập các anh về nghĩa trang. Bởi vậy có thể chắc chắn hiện nay Tường đang ở một nghĩa trang nào đó trong khu vực Đắc Nông, Bình Phước.

        Cái lạnh cuối đông như lạnh thêm, khi chúng tôi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về người đã khuất.

        Câu chuyện chuyển sang đề tài làm thế nào để tìm được mộ Bùi Khắc Tường. Tất cả chúng tôi đều quyết tâm bằng mọi nguồn thông tin để có thể biết được hiện nay Tường đang ở nghĩa trang nào.

        Trước khi chia tay, vợ chồng anh Thành tặng cho chúng tôi mỗi người một cuốn lịch năm mới (2008). Lịch của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam nơi hai vợ chồng anh đang công tác.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM