Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:54:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa-Phần 6  (Đọc 185522 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #470 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2015, 08:40:51 pm »

VỀ ĐIỆN BIÊN - HÀO KHÍ NĂM XƯA (Tiếp theo)

4 - Trên đồi A1


Đường phản kích của quân Pháp từ trung tâm Mường Thanh lên đồi A1 (Eliane 2)


Hoa ban trên đồi A1.


Hố bộc phá của ta phát nổ lúc 20g30 ngày 6/5/1954 tạo điều kiện cho quân ta chiếm toàn bộ đồi A1 lúc 4g30 ngày 7/5/1954.


Hố bộc phá nhìn từ đỉnh đồi A1












Rừng cây gỗ tếch (giá tị) trên đồi A1






Hầm chỉ huy kiên cố nhất của cứ điểm đồi A1 (Eliane) bị đánh chiếm đêm 6/5/1954.

(Còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Tám, 2015, 08:51:21 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #471 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2015, 09:03:09 pm »


VỀ ĐIỆN BIÊN - HÀO KHÍ NĂM XƯA (Còn tiếp)

5 - Bảo tàng Điện Biên

Được xây lại hoàn toàn mới với hình tượng mũ nan của bộ đội ta. Lối vào bảo tàng lại đi xuống như chui xuống hầm. Theo tôi hình tượng cái mũ nan phải đưa lên cao và lối vào phải đi lên, như thế mới thể hiện tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ "nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng".

























(Còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #472 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2015, 07:35:53 pm »

VỀ ĐIỆN BIÊN - HÀO KHÍ NĂM XƯA (Tiếp theo)

6 - Đài chiến thắng Điện Biên

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 (Dominique) nằm ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ - tỉnh Điện Biên, cao khoảng 50m so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả khu vực thành phố đều nhìn thấy, là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Công trình được khánh thành vào ngày 30 tháng 4 năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đến tháng 6 năm 2004, sau 3 tháng khánh thành, hạng mục tường kè và sân hành lễ công trình Tượng đài đã xuất hiện các hiện tượng nghiêng, nứt, lồi lõm cục bộ, báo hiệu sự xuống cấp không thể tránh khỏi, cho dù đơn vị thi công đã nhiêu lần gia cố lại. Cho đến năm 2007 trên thân tượng tiếp tục xuất hiện những vết rỉ đồng xanh và những vết rạn nứt.

Theo những nguyên nhân được đưa ra, là do những sai phạm trong quá trình khảo sát và thi công, kỹ thuật đúc tồi bằng đồng phế liệu, có thể gây ô nhiễm môi trường và nghi vấn bị "rút ruột" 30 %. Tháng 7 năm 2007, 5 cán bộ liên quan đến các sai phạm trong quá trình xây dựng đã bị tạm giam và điều tra.

















(Còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Tám, 2015, 07:51:25 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #473 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2015, 07:50:01 pm »

VỀ ĐIỆN BIÊN - HÀO KHÍ NĂM XƯA (Tiếp theo)

7 - Di tích Hầm De Castries

Hầm chỉ huy của Tướng De Castries hay còn gọi là Sở chỉ huy binh đoàn tác chiến Tây Bắc (gọi tắt là PC Gô Nô) thuộc địa phận phường Thanh Trường - thành phố Điện Biên Phủ - tỉnh Điện Biên.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hầm De Castries là cơ quan đầu não, là trái tim, linh hồn và sự sống của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ . Vì vậy đây là một cứ điểm được ưu tiên những vật liệu xây dựng vững chắc và kiên cố có khả năng chống chọi lại các hỏa lực của đối phương, ngoài ra còn được bảo vệ bằng tất cả các vũ khí phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ.

Cấu trúc và cách bố trí sắp xếp của căn hầm vẫn được giữ nguyên vẹn. Thành hầm lát gỗ dày 0,80m. Nóc hầm lợp bằng những tấm ghi thép hình vòm, trên xếp nhiều lượt bao cát và những cây gỗ lớn. Trần hầm bằng các tấm thép lá ghép liền nhau. Hầm sâu 2m, rộng 8m và dài 20m, có 4 ngăn. Xung quanh hầm và các vách ngăn là một dãy thùng phi chứa đầy cát. Hầm có 2 cửa thông sang các hầm lân cận. Bên ngoài hầm là hàng rào dây kẽm gai và những bãi mìn dày đặc chỉ chừa lại một lối đi nhỏ vào hầm theo hình chữ chi. Phía ngoài hàng rào là 4 chiếc xe tăng phòng thủ ở 4 hướng. Tại căn hầm này De Castries đã long trọng đón tiếp nhiều quan chức cao cấp của Anh, Pháp, Mỹ và các nhà báo nổi tiếng. Và đây cũng chính là nơi Tướng De Castries và toàn bộ Bộ chỉ huy của quân Pháp bị bắt sống, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ của quân và dân ta.

Những lần trước lên Điện Biên, toàn bộ khu hầm của De Castries chưa được che phủ như hiện tại nên trông nó sống động hơn.















(Còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #474 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2015, 08:11:45 pm »

VỀ ĐIỆN BIÊN - HÀO KHÍ NĂM XƯA (Tiếp theo)

8 - Đến thăm "Nụ cười Thành cổ" Lê Xuân Chinh.

Trong chuyến đi Điện Biên lần này, ngoài việc đi thắp hương tri ân các LS Điện Biên năm xưa, thăm những di tích đã làm nên một chiến thắng làm chấn động địa cầu và Quỹ MMT20 đến thăm gia đình CCB Lê Xuân Chinh người nổi tiếng với tấm ảnh của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính "Nụ cười Thành cổ"
Phải nói rằng với "Nụ cười chiến thắng" của chị Võ Thị Thắng và "Nụ cười Thành cổ Quảng Trị" của Lê Xuân Chinh đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Tôi gặp Lê Xuân Chinh lần đầu tiên vào đầu tháng 7/2003 khi tôi cùng 2 người bạn nữa theo lời mời của chương trình "Người đương thời" có mặt tại Thành cổ QT để làm phóng sự về những người Cựu Sinh viên đi tìm đồng đội với tựa đề"Khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh" về việc chúng tôi đi tìm LS Lê Văn Huỳnh. Thời điểm đó, khi chưa có những bức thư của Nguyễn Văn Thạc thì lá thư của Lê văn Huỳnh để lại đã gây ra 1 tiếng vang lớn trên các cơ quan thông tin đại chúng. Cũng vào thời điểm đó Lê Xuân Chinh cùng phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính cũng có mặt tại QT để làm phóng sự về ĐCT và tập ảnh Khoảnh khắccủa anh.

Lê Xuân Chinh là người Hưng Hà, Thái Bình, là chiến sĩ thông tin của c18 thông tin/e48/f320B. Sau chiến tranh trở về, quê nhà đất chật người đông cuộc sống vất vả đành rời bỏ quê hương lên Điện Biên hy vọng cuộc sống khá hơn. Nhưng sức khỏe yếu, nhiều bệnh tật nên cuộc sống chẳng khấm khá hơn.

Trong bảo tàng Thành cổ QT, tấm ảnh của Chinh để ở nơi sảnh chính. Một lần giám đốc bảo tàng là anh Trần Khánh Khư gặp 1 đoàn khách Thái Bình và 1 người trong đoàn nhận ra Chinh là người làng và cho biết Chinh đã lên ĐB. Ngay sau đó bảo tàng tìm đến Chinh và Chinh đã đưa ra tờ báo QĐND năm 1973 có đăng ảnh mà Chủ nhiệm chính trị trung đoàn đã đưa cho.

Sau khi chương trình "Người đương thời" phát phóng sự về phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính cùng tập ảnh Khoảnh khắc của anh và nhân vật LXC với nụ cười nổi tiếng, đã có rất nhiều cơ quan, đoàn thể và cá nhân đã liên hệ với LXC giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn của anh. Bản thân anh được lãng đạo Tập đoàn Mai Linh bố trí công việc tại Mai Linh Lao Cai nhưng được khoảng gần 2 năm thì chi nhánh này sập tiệm nên LXC lại trở về ĐB.

Từ trung tâm TP Điện Biên đến xã Thanh Yên của Chinh khoảng 7 cây số. Vì đường xá không thể đi xe to được nên chỉ có ban lãnh đạo Quỹ MMT20 cùng tôi đến thăm LXC.

Hoàn cảnh Chinh giờ cũng không khá hơn vì đang ấp ủ trọng bệnh, đứa con trai năm nào về HN làm giờ đang nằm bẹp trong buồng, đứa cháu nội bị di chứng dioxin mấy năm trước đưa về HN chữa chạy nhưng cũng không khá hơn.

Chúng tôi ngồi trong ngôi nhà do Bệnh viện 108 giúp xây dựng đã thay thế cho căn nhà lá xập xệ ngày xưa.















(Còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Tám, 2015, 08:36:40 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #475 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2015, 08:57:38 pm »

VỀ ĐIỆN BIÊN - HÀO KHÍ NĂM XƯA(Tiếp theo)

9 - Mường Phăng

Di tích Mường Phăng nằm trong một khu rừng nguyên sinh, bên cạnh khu di tích Hồ Pa Khoang. Đây chính là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng cơ quan đầu não của quân đội - Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, để làm nên một chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”

Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng nguyên sinh cổ thụ. Nơi đây hiện còn lưu giữ được nhiều di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu như Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Lán ở, nơi làm việc, hầm ngủ của Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Bà con nơi đây thường gọi một cách trìu mến khu rừng này là “rừng Đại tướng”. Chúng ta còn thấy ở đây trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến - nơi giao ban hàng ngày của Bộ Chỉ huy, hội trường - nơi diễn ra các Hội nghị cán bộ do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy triệu tập, bếp Hoàng Cầm... tất cả đều được phục dựng. Đặc biệt, đường hầm xuyên núi dài 96m, nối lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái được quét dọn sạch sẽ, hệ thống bóng điện được lắp đặt, thắp sáng.

Trên cánh đồng Mường Phăng nổi lên một tượng đài chiến thắng, đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt các đơn vị đã làm nên chiến thắng và đọc thư của Bác Hồ gửi tới các chiến sĩ đã làm nên chiến thắng
















































(Còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2015, 07:41:19 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #476 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2015, 07:48:37 pm »

VỀ ĐIỆN BIÊN - HÀO KHÍ NĂM XƯA (Tiếp theo và hết)

10 - Him Lam

Trên đường từ Mường Phăng trở lại TP Điện Biên, chúng tôi dừng chân tại Him Lam vào viếng NTLS đã hy sinh trong trận Him Lam. Tại đây có 896 ngôi mộ LS đã hy sinh trong trận Him Lam, tất cả đều vô danh.

Trận Him Lam là trận đánh mở màn ngày 13 tháng 3 năm 1954 trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Cuộc đối đầu quyết định giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội viễn chinh Pháp trong chiến tranh Đông Dương. Mục tiêu của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong trận này là xóa sổ trung tâm đề kháng Béatrice trong phân khu Bắc cứ điểm Điện Biên Phủ, mà phía Việt Nam gọi là đồi Him Lam. Chỉ sau 3 giờ chiến đấu toàn bộ 750 lính lê-dương của tiểu đoàn 3 thuộc Bán lữ đoàn lê dương số 13, một đơn vị nổi tiếng của quân đội Pháp trong thế chiến 2 bị tiêu diệt.












Lô-cốt nơi Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai.









Trên đường về Hà Nội qua Cò Nòi chộp được 1 bức ảnh có thể lấy tên TÌNH PHỤ TỬ


« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2015, 07:53:48 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #477 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2015, 08:23:02 pm »


NGÀY VỀ

1 - Tôi rời trung đoàn cuối năm 1974 cùng với cậu Diêm trong lúc đơn vị đang chuẩn bị di chuyển (sau này mới biết đơn vị bàn giao địa bàn cho đơn vị bạn để lên Cam Lộ sau đó tiến vào Thừa Thiên đầu 1975). Tại cơ quan Trung đoàn bộ đóng tại Triệu Đại, trợ lý chính sách của trung đoàn là Huấn (vốn là SV ĐH dược, trước đó là lính cối 82 của c4/d1/e101, sau này về công tác tại BV Kinh Môn, Hải Dương) có trao cho chúng tôi 1 phong bì có niêm phong trong đó có hồ sơ cụ thể là cái gì thì không rõ nói rằng khi về đến đơn vị mới thì trao cho chỉ huy đơn vị, Huấn cũng đưa cho tôi 1 giấy cung cấp tài chính, 1 giấy XYZ và 2 giấy Chứng nhận khen thưởng HCCC giải phóng hạng 3 vì có thành tích chiến đấu năm 1972 và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 2 năm 1973-1974. Đây chính là 2 cái huân chương được tặng thưởng ngay trong Quảng Tri. Cái đầu tiên cùng quyết định khen thưởng với Chiến, Hùng bồ...

Mãi đến năm 1999, lúc đó bố tôi đã về hưu và làm Chủ tịch MTTQ phường Cửa Nam, Hoàn Kiếm, trong lúc dọn dẹp trụ sở để chuẩn bị xây lại cô văn thư có phát hiện 1 bằng Huân chương chiến công hạng 3 do Chủ tịch Tôn Đức Thẵng ký tặng có mang tên LXT ở ngõ Tức Mạc (không ghi số nhà) cô có hỏi bố tôi: Có bằng HC tên là LXT ở ngõ Tức Mạc nhưng không có số nhà, cụ ở đấy có biết ai tên như thế không mà họ và tên đệm trùng với cụ. Bố tôi cầm cái bằng rưng rưng nói: Cái này của thằng con tôi, tôi đã được biết trong thư báo công gửi về từ đầu năm 1973, đến giờ mới được cầm đến nó...

Tôi lại về Đoàn 869, 3 tháng an dưỡng tại đội 4 ở gần Vân Trì, sau đó chuyển về đội 8 tại Kim Lũ để làm chế độ chính sách ra quân. Thời gian này cả nước đang hừng hực khí thế của đợt tổng tiến công Xuân 1975. Đầu tiên là Ban Mê Thuột được giải phóng rồi đến Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Nam Trung bộ Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết. Cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Nằm khàn ở Kim Lũ mà đầu óc vẫn hướng về trong đó nơi đơn vị và các đồng đội mình đang thần tốc tiến quân.

Khi tôi về ĐHXD đầu tháng 7/1975 làm thủ tục nhập trường, toàn bộ giấy tờ bên Đoàn 869 trao cho trường cùng với những giấy tờ tôi cầm trong tay để làm chế độ. Lúc đó thương tật của tôi là 19% chưa được là thương binh nhưng trong Hồ sơ sức khỏe của tôi có xác nhận là bệnh binh mắc bệnh mãn tính (đường ruột) chính vì thế Đoàn 869 làm Quyết định chuyển ngành về đi học. Với QĐ này tôi đi học với chế độ chuyển ngành và được hưởng toàn bộ chế độ phụ cấp của 1 cán bô đi học (lúc ấy được tính hàng tháng là: 21 đ tiền ăn + 6 đ phụ cấp binh nhất + 8 đ tiền quần áo = 35 đ + 12% phụ cấp khu vực = 39,77 đ). Ông trưởng phòng TCCB của ĐHXD lúc là ông N. người xứ Quảng tiếp nhận giấy tờ của tôi với một cái vẻ lạnh băng (tôi nghiệm rằng hầu như các cán bộ tổ chức và thuế vụ những năm đó có rất nhiều người xứ Quảng tập kết). Sau khi bóc hồ sơ niêm phong thì trong đó có 1 QĐ chuyển ngành, 1 hồ sơ sức khỏe, 1 lý lịch quân nhân, một giấy cung cấp tài chính, ông ta nói với tôi:"Anh đi bộ đội chưa được 5 năm mà người ta làm QĐ chuyển ngành là không đúng, chỉ có thương binh dưới 5 năm mới được chuyển ngành".

- "Tôi là bệnh binh mắc bệnh mãn tính ở chiến trường nên trong diện chuyển ngành dù mới đi được hơn 3 năm..." Tôi trả lời.

- Đây tôi đọc cho anh nghe

Ông ta mở cuốn Chính sách cho quân nhân phục viên, xuất ngũ và đọc:"Quân nhân nhập ngũ dưới 5 năm được hưởng chế độ chuyển ngành phải là thương binh từ 21% trở lên và bệnh binh mắc bệnh mãn tính ở chiến trường B, C, K có xác nhận của Quân y cấp trung đoàn trở lên.... Ở đây anh chỉ có hồ sơ sức khỏe ghi là bệnh đường ruột mãn tính và dấu của đoàn 869 chứ không phải là quân y cấp trung đoàn trở lên...Với hồ sơ như thế này anh chỉ được hưởng chế độ xuất ngũ đi học với phụ cấp đồng đều cho các quân nhân đi học mà nhập ngũ trên 3 năm dưới 5 năm là 30 đ/tháng. Còn dưới 3 năm chỉ có 22 đ/tháng".

-"Đoàn 869 là 1 đơn vị cấp trung đoàn, Hồ sơ sức khỏe có đầy đủ như giấy xác nhận". Tôi nóng mặt trả lời.

- "Tôi làm theo hướng dẫn của chế độ, giấy tờ sức khỏe của anh có chữ nào là giấy xác nhận đâu và đơn vị cấp giấy là Đoàn 869 chứ không phải là Trung đoàn 869. Tôi cũng là bộ đội đánh Pháp tôi biết chứ".

Đến nước này là mình thua rồi. Lại phải quay về 869 thôi. Tôi cảm thấy có cục gì chẹn ngang cổ họng. Câu trả lời của ông N. làm tôi hẫng hụt nghĩ đến việc đi học với phụ cấp như thế quả là khó khăn lại phải ăn bám bố mẹ mất thôi... Từ Hà Nội lên Hương Canh một ngày đầu tháng 7 với 1 niềm vui được trở về làm cho lòng lâng lâng sảng khoái bao nhiêu thì bây giờ lại nặng nề ấm ức bấy nhiêu.

Khu Hương Canh vắng lặng, các SV đã về nghỉ hè. Lác đác thấy những bóng áo xanh bộ đội trong khu SV chắc họ là những người cũng như tôi, không hiểu có ai ở trong trường hợp như tôi không ?

Tôi lên chuyến tầu chiều để về HN. Mẹ tôi đón tôi ở cửa thấy vẻ mặt nặng chịch, bà hỏi: "Có được việc không con ?". Bực dọc, tôi kể hết cho mẹ tôi những gì xảy ra hôm nay khi tôi về trường. Bà an ủi tôi: Thôi con ạ, con trở về là mừng lắm rồi, với đồng lương như thế ở nhà sẽ đỡ đần thêm cho con.

- "Mẹ ơi con từng này tuổi rồi mà còn phải ăn bám bố mẹ nữa sao. Con sẽ sang bên đơn vị làm ra nhẽ, chính sách cái quái gì mà vặn vẹo từng câu chữ như thế."

Sáng hôm sau tôi mượn xe đạp của chị gái đạp xe lên đơn vị, khi đi mẹ tôi dặn với theo:Nói chuyện với người ta anh không được xửng cồ lên đấy, việc của mình phải bình tĩnh giải quyết mới được việc.

Từ Hà Nội tôi qua cầu Đuống lên Đông Anh, đến ngã ba Biến thế rẽ trái đi về Cổ Dương, nơi Đoàn bộ 869 đóng quân. Ông thiếu tá Đoàn phó sau khi nghe tôi trình bày cười trả lời: Có gì đâu, tôi sẽ làm lại cho cậu, nhưng bây giờ cậu phải sang anh Ba bên Quân y viết giấy xác nhận rồi tôi đóng dấu cho.

Đại úy Ba (còn gọi là Ba đen) - Chủ nhiệm Quân y - tiếp tôi và dứt khoát không xác nhận vì: Hồ sơ sức khỏe là mẫu giấy chung của quân đội và chỉ cấp phát 1 lần, tôi không xác nhận bất cứ giấy tờ nào nữa liên quan đến sức khỏe của anh.

Tôi như bị xốc vì câu nói đó và liên tưởng đến thời gian trước đây ở Đoàn 869 coi ông Ba đen như là hung thần của lính an dưỡng, chính vì thế đã mấy lần ông ta bị lính chùm chăn nện nhừ tử, thậm chí có lần chùm chăn và vứt ông ta xuống cái giếng gần cổng vào.

Tôi quay trở lại phòng của đoàn phó, khi biết tình hình như thế ông cũng không thể can thiệp được, vừa lúc ấy có một đại úy quân y xuất hiện, ông thiếu tá trao đổi với vị đại úy này về trường hợp của tôi. Hai người hẹn tôi hơn 1 tháng sau quay trở lại để giải quyết vì thời gian đó ông Ba đen đi tập huấn và người thay thế ông ta là ông đại úy phó chủ nhiệm quân y.

Các bạn có hình dung vào những ngày tháng đó, đất nước vẫn còn say sưa trong men say của chiến thắng, đâu đâu cũng vang bài ca "Như có Bác Hồ trong này vui đại thắng", "Việt Nam, đường chúng ta đi", " Đất nước trọn niềm vui".... Nhà tôi gần Ga Hàng Cỏ, hàng ngày hàng đoàn những người lính trở về với khuôn mặt đen xạm hoặc xám ngoét vì sốt rét với hành trang ba lô trên vai có buộc toòng teng 1 con búp bê, một khung xe đạp, người nào sang còn thêm 1 cái đài bán dẫn hay 1 cassete cục gạch. Những khuôn mặt hứng khởi đó của những người lính trở về sau chiến tranh liệu có hình dung những chuỗi ngày khó khăn sắp tới đang chờ đón họ không nhỉ...

(Còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #478 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2015, 08:41:20 pm »

NGÀY VỀ (tiếp)

2 - Những ngày tiếp theo đó sao mà dài thế. Tôi lang thang suốt ngày qua những thằng bạn ra trước tôi như Th., Đ. Tôi cũng đã gặp mấy thằng ra học ĐHKTQS như Ch., S., N., Đ...Tất cả chúng nó đều đang ở giai đoạn thi cử, chủ nhật về HN may ra mới gặp nhau.

Dịp đó Hà Nội bùng lên dịch sốt xuất huyết, các phòng y tế rất cần người để tham gia chống dịch, nhờ bà mẹ thằng Đ. giới thiệu, tôi hàng ngày đi phun thuốc muỗi tại khu Hoàn Kiếm. Công việc không lấy gì làm nặng nhọc, khái niệm nhiễm độc ngày ấy không có gì ghê gớm cả, mỗi ngày cơ quan y tế trả 2 đ. Ngày nào cũng được khu phố nơi mình phun thuốc cho ăn sáng, ăn trưa. Chính những ngày đi phun thuốc tôi thực sự mới biết thực trạng những hang cùng ngõ hẻm của khu phố cổ HN.

Khi xong đợt phun thuốc tôi bị 1 trận sốt rét khủng khiếp nhất quật ngã. Có cái lạ những năm ở chiến trường tôi chỉ có những cơn gai lạnh, hâm hấp trong 1, 2 ngày đến ngày thứ 3 là bình thường. Li bì gần 1 tuần, người nóng như hòn than, rét từ trong ruột rét ra, miệng đắng ngắt, ăn gì cũng cho ra, chỉ có uống nước. Mỗi khi mở mắt ra tôi lại thấy mẹ tôi âu lo ngồi bên cạnh với bát cháo trên tay cố ép tôi ăn được 1 chút."Con chỉ thèm canh chua, mẹ ơi". "Con đang sốt như thế này ăn canh chua là lâu cắt cơn lắm..."
Mấy hôm sau tôi nhúc nhắc được, mẹ tôi nấu cho tôi bát canh tôm nõn và vắt chanh vào. Ôi chao sao mà khoan khoái thế khi cả cơ thể bải hoải của tôi được bát canh tôm nõn vắt chanh xua đi hết. Kể từ khi ra bắc đây là lần sốt nặng nhất và sau này cứ trung bình 38 - 40 ngày tôi lại bị 1 trận tương đương như thế. Mãi tới năm 1978 tôi mới cắt cơn cuối cùng. Cho đến năm 1982 tôi lại bị quật lại khi đang làm chuyên gia giáo dục tại Kampuchia.

Sức khỏe tôi đã khá hơn, một ngày cuối tháng 8/1975 tôi đạp xe sang 869 như lời hẹn của ông thiếu ta phó đoàn và đại úy phó ban quân y. Không may cho tôi, các ông ấy đều đi họp đành phải đợi. Tôi đi lang thang trong khu vực đoàn bộ dừng lại tại Phòng quân lực nơi "hỏi cung" tôi cuối năm 1972. Chẳng còn ai là những người cũ, đội 4 đóng ngay tại gần đoàn bộ. Bây giờ đoàn chuyên đón tiếp bộ đội ở các chiến trường về làm thủ tục ra quân, chỉ có anh em nào là thương binh, bệnh binh sau khi đi viện về thì an dưỡng ở đây. Qua câu chuyện với mấy anh em đang nằm tại đoàn tôi biết được ông phó ban quân y là 1 bác sĩ bị địch bắt và được trao trả năm 1973, mới được phục hồi chức vụ. Có lẽ những người trong hoàn cảnh như ông đã thông cảm và chia sẻ với những người như tôi.

11g trưa phòng của Ban quân y có người mở cửa. Tôi bước vào, ông đại úy nhận ra tôi cười: "Tôi tưởng cậu không quay lại nữa. Giờ cậu viết đi, tôi sẽ ký. Kể ra mang sang văn thư đánh máy là tốt nhất nhưng lại phải đến chiều. Cái đơn vị tiếp nhận cậu sẽ không thể bắt bẻ tại sao lại viết tay vì văn bản không quy định là viết tay hay đánh máy.."

Ông ta đưa tôi 1 tờ giấy năm hào hai và bảo: "Cậu viết đi.Viết đúng như nội dung của chế độ để khỏi bị bắt bẻ".

Tôi cầm bút và viết:

Quân Đội nhân dân Việt Nam                          Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
       Bộ tư lệnh Thủ đô                                 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
            Đoàn 869

                                                         GIẤY XÁC NHẬN

Đoàn 869 BTL Thủ đô xác nhận:
Quân nhân LXT sinh ngày 23/5/1952 .
Quê quán: Định Công, Thanh Trì , Hà Nội
Chỗ ở hiện tại 16 ngõ Tức mạc, Hà Nội
Nhập ngũ 27/5/1972
Đơn vị: Đội 8 Đoàn 869.
Cấp bậc B1 Chiến sĩ
Là bệnh binh mắc bệnh mãn tính (đường ruột) tại chiến trường B (Quảng Trị).

Ngày... tháng 8 năm 1975
Phó ban Quân y Đoàn 869                                                                              Thủ trưởng Đoàn 869
Đại úy XXX                                                                                                       Thiếu tá YYYY

Sau khi viết xong ông ta ký tên bảo tôi ngồi đợi và cầm tờ giấy đi. Chừng 15 phút sau ông quay lại đưa cho tôi tờ giấy với đầy đủ chữ ký và con dấu của thủ trưởng Đoàn. Tôi nắm chặt tay ông cảm ơn, ông nói:"Thế là được rồi đấy, họ yêu cầu là Trung đoàn nhưng không thể khác được". ( Tôi là kẻ vô tâm đến cái tên của ông thiếu tá phó Đoàn 869 và ông đại úy phó ban quân y giờ không còn nhớ nữa)

Hôm sau tôi nhảy tầu lên Hương Canh và vào gặp ông N. đưa tờ giấy xác nhận. Ông ta cầm tờ giấy không nói gì và hẹn mấy hôm sau đến lấy QĐ tiếp nhận.

Lại quay về HN, nhưng lần này trong lòng đã nhẹ nhàng hơn.

Cho tới khi xong thủ tục tiếp nhận, lại về khu Bách khoa làm hộ khẩu. Có hộ khẩu mới có gạo và các loại tem phiếu. Sau mấy tuần những thủ tục được làm người hợp pháp đã lấy đứt của tôi 2 tháng lương thực và thực phẩm. 2 tháng gạo là 30kg đã đè nặng lên đôi vai người mẹ tần tảo của tôi. Khi ra đi sao mà nhẹ nhàng thế mà khi trở về đầy những khó khăn, phiền hà. ( Cách đây vài năm khi Hội CCB ĐH Xây dựng làm kỷ yếu cho các CCB nguyên là các Cán bộ giảng dạy và SV của trường, Hoàng Văn Tần nguyên Chủ nhiệm khoa Thủy Lợi, là Chủ tịch Hội CCB, nhập ngũ cùng tôi nguyên là lính của c17/e95/f325 trong quá trình đi tìm danh sách các SV nhập ngũ trong chiến tranh thì phát hiện ra tôi và 1 số người không có tên trong danh sách nhập ngũ Huh Từ đó có thể suy ra rằng trong hơn 3 năm đó hộ khẩu của tôi tại trường không hề bị cắt và tất cả những chế độ như lương thực, tem phiếu mặc nhiên vẫn còn !!! )

Tháng 9, tôi lên trường và vào lớp 19XA. Lớp có khoảng 3 chục SV, không có ai là bộ đội đi cùng tôi trở về chỉ có dăm người là bộ đội xuất ngũ thi vào trường. Giờ giải lao ở buổi học đầu tiên, tôi ngồi hút thuốc, tay mân mê chiếc vé tầu, đột nhiên có giọng con gái hỏi :" Anh đi tầu à !" - "Thế không đi tầu thì đi bằng gì ?"
Cô gái cười ré lên: "Anh mua vé tầu là 1 điều xấu hổ với trường ta đấy, cả các thầy cũng đều không mua vé tầu đâu..."

Và như thế từ đó tôi không mua vé tầu nữa, khi vào ga thì mua vé đi tiễn hay vào cửa Khâm Thiên, khi về thì xuống ga Trần Phú hoặc Điện Biên.

Dần dần bạn bè còn sống đều lục tục trở về tiếp tục đi học. Cuộc sống Hương Canh gian khổ quá, ăn uống thiếu thốn đã là một nhẽ nhưng thiếu nước mới là điều đáng sợ. Giếng sâu hun hút, đục ngầu. Trạm bơm của trường chỉ cung cấp cho bếp ăn và hiệu bộ. Có lần dân xung quanh phá tan đường ống dẫn nước vì máy bơm hút kiệt mạch nước ngầm làm cho giếng của họ cũng cạn theo. Muốn tắm phải ra mạn Tam Canh, chỗ có cây cầu bắc qua sông, gần chỗ quê của 6971 để tắm giặt, về sau toàn về HN để giải quyết khâu vệ sinh thân thể.

Ở HC tôi đã 2 lần phải vào bệnh xá vì sốt rét. Bố mẹ tôi khuyên tôi về HN học vì lo cho sức khỏe của tôi, suy nghĩ mãi tôi quyết định xin chuyển về ĐHSP ngoại ngữ. Cái thuận lợi lúc đó Bộ ĐH có 1 văn bản cho phép các quân nhân đang là SV các trường ĐH thuộc khối A được phép chuyển sang những trường thuộc C và D, nhưng không có trường hợp ngược lại. Tôi đến khu ĐHSP ở Cầu Giấy để tìm hiểu, ở đây có 2 trường ĐH là SP 1 (Văn, Sử, Địa) và Ngoại ngữ. Đâu đâu cũng thấy mầu xanh của lính. Đăc thù những trường này vốn ít nam,giờ đây chỉ toàn thấy lính là lính. Quân ta về ồ ạt đến nỗi thiếu chỗ ở đành phải thu xếp ra hội trường nghỉ tạm. Họ nghịch ngợm dựng 1 tấm cót ép lấy vôi viết lên dòng chữ Doanh trại QĐNDVN trường ĐHSP ngoại ngữ. Rất nhiều anh em đã từng chiến đấu tai QT và là lính của f325 như Duyên a12 (cùng trinh sát kỹ thuật với Hùng côn), Hải lắc, Thành đen, Oánh...ở e95. Mấy người bạn khi học cấp 3 với tôi cũng đã thấy trở vê SP 1 như Đông, Lực ở pháo PK.

Tôi thông báo cho bạn bè trên Hương Canh biết việc tôi chuyển trường. Chúng nó đùa tôi khi về đó phải làm đầu cầu cho việc tiếp xúc với các em SP. Con gái SP nhất là SPNN đẹp có tiếng thời ấy và là niềm ước ao của dân các trường ĐH kỹ thuật như BK, XD, GT... Trong khi chờ đợi QĐ tiếp nhận của ĐHSPNN, tôi vẫn lên HC, lúc thì ở với Hùng côn, lúc thì ở với Hùng bồ, khi thì sang bên Tự vẫn... Tối tối lũ nhập ngũ 27/5 chúng tôi tập trung tại sân bóng. Cả sân bóng le lói cơ man là những ánh sáng từ những ngọn đèn dầu của hàng nước mà chúng tôi gọi là "những ngọn đèn đứng gác". Mỗi khoa nằm ở 1 quả đồi, điện đèn chạy bằng máy nổ đến 9 giờ tối.

Việc chuyển trường của tôi không ngờ lại dẫn đến việc trục trặc trong chuyện riêng tư với cô gái hàng xóm của bà chị gái tôi. Câu chuyện bắt đầu từ những đêm B52 đánh bom Hà Nội mà tôi đã kể trong "Ngược dòng ký ức" và được bắt đầu lại khi tôi khoác ba-lô trở về cuối năm 1974. Chuyện riêng tư của người lính khi trở về sẽ có dịp trải lòng với các bạn. Nhưng có lẽ phải xin phép, cũng may cô bạn đó lại không biết tý gì về CNTT cả (may thế đấy). Nói trước cho các bạn biết cô ta chính là người làm dịu những phút bộc phát, an ủi những mất mát của 1 thằng lính khi trở về phải va chạm với đời thường như đã nói ở trên. Thời gian qua đi và cô gái đó bây giờ là bà của 2 đứa cháu nội tôi.

Cuối tháng 11/1975 tôi chia tay bạn bè, đồng đội để về học tại khoa Pháp ĐHSP ngoại ngữ. Măc dù với trường ĐHXD tôi là kẻ tuột xích giữa đường nhưng trong tôi vẫn là hình ảnh của 1 ước mơ cháy bỏng nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng đến ngày trở về giữa những cơn bão lửa của bom đạn kẻ thù, của cái chết kề gang tấc và hình bóng những đồng đội thân yêu cùng tôi ra đi nhưng mãi mãi nằm lại không bao giờ trở về với Mẹ và mái trường thân yêu.

HẾT
__________
Nói thêm một chút về hồ sơ giấy tờ khi ở bộ đội chuyển về:

Hàng năm vào dịp 27/7, phường Cửa Nam nơi tôi cư trú đều tổ chưc khám sức khỏe cho các TB do phường quản lý. Tôi phát hiện mắc bệnh tiểu đường typ 2 từ năm 2004, năm 2009 phường báo cho tôi đi giám định bị phơi nhiễm chất độc mầu da cam. Tôi phải chuẩn bị hồ sơ ngoài Bệnh án điều trị thường xuyên tại BV tôi phải có Quyết định chuyển ngành, Giấy XYZ, lý lịch quân nhân, giấy chứng nhận Huân huy chương. Theo quy định tôi thiếu QĐ chuyển ngành và Lý lịch quân nhân, 2 loại giấy này tôi không còn giữ, may ra cơ quan có còn không. Tôi không hy vọng là còn vì đã mấy chục năm mà lại thuyên chuyển công tác bao nhiêu lần. Phòng tổ chức cơ quan tôi mở cặp hồ sơ mang tên tôi và điều bất ngờ là toàn bộ những gì về nhân thân của tôi từ khi ở bộ đội vẫn còn đầy đủ từ QĐ ra quân, Lý lịch quân nhân, đặc biệt Hồ sơ sức khỏe của tôi (tờ giấy mà ông Trưởng phòng TC của ĐHXD không chấp nhận) và cả tờ Giấy xác nhận bệnh binh mắc bệnh mãn tính do tự tay tôi viết vẫn còn đó...Cầm những giấy tờ trong tay cảm xúc dâng trào khi những chuyện cũ lại trỗi dậy trong lòng.

Tôi thành thực cám ơn những người làm công tác lưu giữ hồ sơ cán bộ của các cơ quan mà tôi đã kinh qua công tác đã gìn giữ cẩn thận những gì liên quan đến 1 quãng đời của 1 con người, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm chế độ, chính sách sau này (đây là một điều thực sự may mắn).

Những cơ qua mà tôi đã trải qua:

- Đoàn 869 BTL thủ đô.
- Trường ĐHXD
- Trường ĐHSP Ngoại ngữ
- Cục I Bộ Giáo dục.
- Đoàn chuyên gia giáo dục tại K
- Cty KD Vàng Bạc-Đá quý Hà Nội.
- Ngân hàng Đống Đa
- Ngân hàng Công Thương Hoàn Kiếm
- Ngân hàng Công Thương TP Hà Nội
- Sở Giao dịch 1 NHCT Việt Nam
- Chi nhánh NHTMCPCT TP Hà Nội.

Và bây giờ là tại gia hưởng chế độ "mất trí".


Tháng 1/2015
LXT
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TRANMYHANH
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #479 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2015, 11:39:48 am »

Toi rất thích các bài viết của LXT, gần đây tôi có đọc Nhật ký đời lính của Nguyễn Đình Thắng là sinh viên ĐHCNN, tôi thấy thế hệ thời hoa đỏ của chúng mjnhf vất vả quá . Nhưng không sao, số phận lịch sử là như vậy . Trần Mỹ Hạnh
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM