Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:59:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xung kích  (Đọc 24372 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« vào lúc: 01 Tháng Tư, 2013, 10:33:56 am »

Tác giả : Nguyễn Đình Thi
Nguồn : http://ebooks.vdcmedia.com
I.
Trong ánh trăng suông, gió bấc tràn xuống thung lũng. Những khu rừng ào ào như sóng biển. Những rặng trẩu trút lá tới tấp. Mấy chiếc lá bàng cuối cùng quạt lên quạt xuống rối loạn trên cành. Ở ngã ba đường vào làng Chanh, cái khuôn cửa sổ liếp của đồn công an lù mù ánh đèn hoa kỳ. Rét quá. Anh công an viên quàng chăn ngồi lim dim. ánh đèn dầu vàng hoe tỏa một khoanh tròn trên mặt bàn. Cái đồng hồ báo thức kêu lạch tạch, tiếng nghe hân rỉ, cũ kỹ. Gió bấc thổi lộng lên từng hồi dài. Phía xa, đêm khuya bỗng ồn ào. Anh công an viên tỉnh hẳn buồn ngủ, vặn to ngọn đèn. Tiếng ồn ào mỗi lúc một gần. Như một thác nước đang tung bọt chạy tới. Tiếng lộc cộc. Tiếng véo von. Một tiếng hát nghe rõ. Anh em ơ... ầm ầm tiếng người reo hò... ơ...ơ... Tiếng hát bổng lên ỏn ẻn. Mây che cho bóng trăng mờ... ờ. Ta giữ bí mật ta mò... ò đi đêm ối anh chị em ơi... Cái xe bò đã lộc cộc tới. Áo tơi, mũ dạ rách, áo ba-đờ-xuá cũ mướp lùng thùng, bao gạo, chiếu buộc chéo người, chăn dạ khoác chéo vai, khăn vuông, quang, thúng, nón, rầm rập đi qua khuôn cửa sáng trăng lờ mờ.
- Ô tô đây! Ô tô hai bánh của Việt Nam đây !
- Mát quá, sướng cả ruột.
- Mát đến tận tim phổi, ông bà ông vải ơi.
- Hòm gì mà nặng bỏ bố thế không biết!
- Bí mật, bí mật...
Bỗng đám người đứng dừng lại.
- Thôi hết đường nhựa! Đường đất đây. Lối rẽ đây rồi!
- Chà! Bên kia có đường goòng anh em ạ.
- Có cái xe goòng mà đẩy một lèo nhỉ.
- Tối om om, đi đứng thế nào!
Gặp một anh bộ đội từ mé rừng tối đi ra, họ ùa đến.
- Đường vào làng Chanh đây phải không đồng chí?
- Đi đi chứ, đứng lại làm gì như phỗng đá ấy!
- Có cầu cống gì không hả anh?
- Tướt bơ rồi. Cách bốn cây có cái cầu gãy.
- Liệu có bằng cái cầu hôm qua không?
- Ào đi!
- Đi chuyến dân công này về bu cháu tịt mất một lứa đẻ đấy các cụ ạ.
- Anh phải gió, chân với tay!
- Gớm chị, nhỡ một tí mà.
- Cái gì thế?
- Thôi thôi nhanh lên các anh chị ơi!
Cái xe bò chồm lên, rẽ vào con đường nhỏ, bánh gỗ nện khấc khấc xuống những ổ gà. Lại một đám xe bò. Một tốp gánh vã, hai người một két gỗ trắng. Có két to, bốn người gánh ríu vào nhau. Tiếng thở hồng hộc. Tiếng xuýt xoa vì rét. Những cánh tay cuồn cuộn gân, những mảng sườn phanh trần, áo tả tơi. “Nhanh lên, đi nhanh lên, anh chị em”. Anh công an viên quàng chăn ngồi lim dim trước ngọn đèn. Người ở đâu đổ ra lắm thế! Mấy nghìn mấy vạn. Cứ như thế này suốt đến sáng...
- Đây là đường đi Thái Nguyên phải không anh?
Anh công an viên ngẩng mặt lên, giật mình. Một bóng to lớn đứng lấp cả bên ngoài. Đồng chí bộ đội mang mũ sắt, mặt to và đen trũi, hai mắt húp lên đỏ ngầu. Đằng sau lố nhố năm sáu bóng mũ sắt nữa. Giầy đinh lộp cộp trên đường nhựa. Anh công an viên gật đầu:
- Các đồng chí về đâu?
- Rét quá, vào ngồi nhờ anh một tí.
Anh bộ đội kéo giày bước vào. Bốn năm anh vào theo. Một anh ngồi phịch xuống đất, tựa lưng vào vách, kéo cái cổ áo “bờ-ludông” lên, gục đầu xuống hai cánh tay. Họ bật lửa, châm thuốc lá. Mùi thuốc thơm như dứa bay đầy nhà. Một anh vò cái bao thuốc lá nhấp nhoáng trong tay, vứt ra đường, ầm ừ một tiếng “hết”. Anh công an viên tỉnh như sáo, ngực đập thon thót. Đúng mùi thuốc lá ta-bo, chiến lợi phẩm trên Cao Bằng, Lạng Sơn kỳ vừa rồi. Khéo các “tướng” đây! Đúng các “tướng” đây rồi. Từ con đường làng Chanh kéo ra theo hàng một mấy chục anh bộ đội lùi lũi, chân bước mỏi mệt, súng quàng vai. Ra tới đường nhựa, họ đứng lại nhìn quanh, rồi lại im lặng đi thong thả, lừ đừ, về phía xuôi. Hai tiểu đội, ba tiểu đội, dòng bộ đội dài ra mãi. Anh công an viên trong lòng như múa lên: bộ đội “trên ấy” về đây! Trông anh nào cũng cồm cộm những súng đạn, vai lưng to lù lù. Sắp “có chuyện to” dưới xuôi rồi! Mấy anh bộ đội vào ngồi nghỉ nhờ đã gục đầu lên cánh tay mà ngủ. Con đường làng Chanh nhỏ hẹp chật ních những người chen vào nhau mà đi: bộ đội kéo ra, dân công kéo vào. Càng tới gần cái cầu gẫy càng ứ người lại. Từng đám lửa lớn rắc tàn bay lả tả, dân công ôm đầu gối ngồi sưởi. Tiếng kêu, thét, cười, nói vo vo như trong một tổ ong. Cầu gẫy chưa sửa, mới bắc được có hai ba cây gỗ lớn ngang qua suối sâu tối om. Đám dân công ùn ùn đến.
- Đợi anh em bộ đội qua hết đã.
- Ới trời ơi thế thì đợi đến sáng!
- Bên kia còn đen ngòm cả kia kìa. Súng như lá tre!
- Cứ sang đi, nhờ các anh ấy một tí.
- Có mấy cây gỗ tròn thu lu trơn tuột sang thế nào được.
- Rỡ các két gỗ xuống, cho sang trước rồi khiêng xe sang.
- Lội suối có được không?
- Cái cầu nó ứ nước sâu đến ngực, ướt hết hàng mất.
- Tao sang đây. Các anh cho tôi nhờ với.
Một ông già xương xẩu è một tiếng, nhấc cái két lên vai, xăm xăm bước lên, hai chân đạp lên những cây gỗ. Bộ đội dừng lại bên kia. Ông già đi nhanh năm sáu bước trên cầu. Những cây gỗ rung rung. Hai ống chân cũng rung rung. ánh đuốc nhoài lên phía trước ông già, những cây gỗ đỏ dài ra, như cựa quậy. Ông già lại è một tiếng, đi lên ba bốn bước. Tiếng ông thở dốc, hai đầu cầu nghe cùng rõ. Những dây gân cổ kéo hết cả lên. Sang gần hết cầu, ông chìa một cánh tay ra với với. Một anh bộ đội đón tay ông cụ kéo lên, đỡ cái két trên vai ông, đặt xuống. Ông lão lòng khòng chưa đứng thẳng lên được, lấy ống tay áo chùi râu.
- Hề! Sang đi chứ!
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:55:52 pm gửi bởi ptlinh » Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #1 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2013, 10:35:35 am »

Đuốc lửa cháy càng to, bốn năm người dân công vác két nặng rập rình trên những cây gỗ. Bóng tối bên kia cầu im lặng. Bộ đội đứng hàng một sát vào nhau, chân rậm rịch, người sau tựa đầu vào ba lô người trước, ngủ gà ngủ gật. Dòng bộ đội dài dằng dặc, không biết đến tận đâu mới hết. Từng quãng, năm bảy anh ngồi hơ tay chung quanh mấy đống lửa nhỏ bạt gió. Một tiếng huýt sáo văng vẳng khi xa khi gần. Càng xa dần cái cầu gãy, càng im lặng. Các đơn vị ở dưới phải đợi lâu, chiến sĩ đã ngồi tựa vào bờ cỏ mà ngủ say. Nhiều trung đội đã cho anh em bỏ chăn ra nằm. ánh trăng mờ xám trên những chiếc chăn dạ mỏng. Tất cả đều im lìm. Lâu lâu, lẫn với tiếng gió, truyền đi một tiếng xì xào.
- Truyền lên, đi nhanh không đứt liên lạc.
- Đi nhanh không đứt liên lạc. Ở một lùm cây tối om, lập lòe một chấm lửa thuốc lá. Khói thuốc lá mán hăng hắc. Chấm lửa mỗi lần đỏ lên lại chiếu thoáng hai chấm mắt đen, đôi lông mày rậm và hai gò má nhọn dài dài dưới vành mũ sắt. Anh bộ đội ngồi hút thuốc mải nghĩ điều gì, một người bạn đến bên, anh vẫn không để ý. Người bạn vỗ vai anh gọi:
- Sản, cho tao tí lửa.
- Ờ, Kha đấy à?
Bóng hai người hý hoáy. Chấm lửa biến thành hai chấm lửa, phì phèo. Tiếng Kha hỏi:
- Mày không ngủ à?
Sản trả lời:
- Tao mệt quá không ngủ được... Kha bấm đèn pin soi đồng hồ tay:
- Gần một giờ rồi. Thế này thì đến sáng chưa tới nơi. Tàu bay nó lại cù cho bỏ mẹ... Thằng Độ ngáy không chịu được... Bộ đội ngủ cả rồi...
- Ừ...
Sản ầm ừ rồi lại ngồi im như đang nghĩ chuyện khác. Trong bóng tối tiếng Kha lại bồn chồn:
- Mệt thế này đánh đấm ra làm sao. Đi mười một đêm liền rồi.
Sản vứt điếu thuốc lá đã cháy đến tận ngón tay, và khẽ nói:
- Kha này, tao lên trên kia xem thế nào. Sao nó không cho lội suối.
- Rét bỏ mẹ! - Cởi truồng một tí thôi. Đến sớm tha hồ ngủ bù.
Sản cúi xuống ho mấy tiếng, bàn tay ngượng nghịu đưa lên kéo cổ áo. Rừng lại ào ào một cơn. Sản đứng lên. Ánh đuốc hắt tới, trông rõ ống tay áo bên phải lòng thòng, không có bàn tay. Sản đi nhanh lên mé đầu cầu. Trăng đã lặn. Bộ đội sờ vào lưng nhau, giậm chân dò đường đi lên dần dưới những vòm lá tối mịt. Hai đầu cầu đuốc đốt bùng bùng. Dân công vẫn vác những két trắng kéo qua mấy cây gỗ bắc cầu trên cao. Dòng suối ộp oạp, lõm bõm tiếng người lội.
- “Quẩn cời” đi thôi.
- Làm gì mà như cô dâu mới thế.
- Úi chà chà rụng nửa người rồi. Nước đá, nước đá.
- Khéo ướt súng tao.
- Túm áo lên, nước đến vú đấy.
- Cậu Thông đứng giữa suối này mà ngủ tớ mới cho là giỏi.
- Các chị trên kia đừng cười chúng tôi nhé.
Thông vén áo đến ngực, quàng cái quần vào cổ, buộc hai ống quần lại như phu-la. Anh bưng cả ba-lô, súng, xẻng, nhảy ào xuống nước, cười như nắc nẻ. Nước bắn tung lên tận bờ. Trên bờ dốc, mấy chị dân công ngồi sưởi quanh đống lửa, khúc khích đấm lưng nhau thùm thụp. Một chị táo bạo:
- Đứa nào cười các anh, chúng em vả vào mồm ấy chứ.
Thông vừa lội vừa hét:
- Hoan hô! Hoan hô! Chị nào đấy!
Qua được khúc suối sâu, anh nào lên đến bờ cũng răng đánh lập cập, xỏ vội cái quần.
- Tổ keo sơn ta lên cả chưa? Cốc đâu? Mẫn đâu?
- Phi nước đại lên! Gần ra đến đường nhựa rồi.
Họ bưng thắt lưng, giữ xẻng bên sườn cắm đầu chạy.
Ngoài ngã ba, ngọn đèn dầu hỏa đồn công an xanh lù mù chỉ còn bằng hạt đậu. Chân người chạy theo dọc con đường goòng, vượt qua cái cầu sắt nhỏ làm bằng đường ray kêu cốp, cốp, cốp, cốp. Gió bấc lay mấy bụi tre, cành lá cong xuống bần bật. Sản qua đồn công an nhòm vào một giây, nhấc cái đèn khêu to ngọn châm điếu thuốc lá. Cốp, cốp, cốp, cốp, bộ đội vẫn chạy trên đường goòng, từng bóng vút qua Lũy tre. Anh công an giật mình, mở to hai con mắt đờ đẫn buồn ngủ. Sản nghịch ngợm quay tròn ống tay áo, lững thững đi qua đường nhựa. Con đường rộng thênh thang, trăng trắng. Gió vu vu. Mé dưới, mấy nếp nhà lá xiêu vẹo tối đen. Tiếng Kha gọi “Chờ tao, Sản ơi”. Cái đồng hồ báo thức trên mặt bàn anh công an chỉ ba giờ sáng. Bộ đội chạy nhanh trên đường goòng. Cái cầu sắt nhỏ run lên, những thanh đường ray chạm vào nhau kêu đều đều như đánh nhịp. Cốp, cốp, cốp, cốp.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #2 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2013, 10:36:54 am »

II.
Mờ mờ sáng, tới vị trí trú quân, Sản triệu tập các chi ủy viên đến hội ý. Họ ngồi một vòng tròn giữa những bụi sim, trên một sườn đồi. Chung quanh, bộ đội ồn ào xếp ba-lô, súng đạn, rải chăn nằm. Họp được một lúc thì chỉ còn nghe tiếng ngáy khò khò trong các bụi rậm. Đến vấn đề đi lấy gạo, Sản đọc xong cái thông tri của tiểu đoàn, các cán bộ ngồi thẳng cả dậy. Trung đội trưởng Hiếu nhíu lông mày, đập đập cây gậy trúc vào gót giày, lạnh lùng xoa râu mép, vẻ chán ngán như bảo:
“Đấy tùy các ông đấy! Không nên nói nhiều, nói lại mang tiếng là không kỷ luật!”.
Đại đội phó Độ cau đôi mày rậm, nhìn hết người nọ đến người kia, như sắp chồm lên:
- Chúng mày xem! Chúng mày xem!
Tôn “rùa” vẫn chậm chạp, bóp trán nghĩ mãi một cách khó khăn rồi hỏi:
- Thế nhỡ tác chiến ngay thì lấy đâu ra người? Tôi vẫn còn nhớ Khau Luông. Lo lắm.
Độ bỗng đỏ mặt, râu ria động đậy tất cả:
- Sao lại cứ sát đến tác chiến là bộ đội đi vác gạo! Bộ đội mệt, không đánh được, ai chịu trách nhiệm!
Tôn dừng lại cho Độ nói xong lại vừa nhăn trán, vừa nói vừa cố nghĩ thêm:
- Trung đội tôi quá nửa khập khiễng. Đói ngủ, anh cứ trông anh em thì biết. Mắt mũi húp cả lên. Mười hai đêm nay hành quân hỏa tốc, thật mấy đêm về sau này đi bằng tinh thần chứ không phải đi bằng chân nữa.
Mặt Sản hiện lên vẻ nghiêm khắc. Trông anh chính trị viên càng gầy. Sản nói thong thả:
- Đồng chí Độ nói thế không được. Vấn đề cung cấp về đây có những khó khăn mình chưa biết. Tôi thấy phải giải thích cho anh em hiểu thôi. Mỗi trung đội lấy đi một tiểu đội. Đại đội bộ, văn phòng, liên lạc, quân y cũng cho đi.
 Hội nghị im lặng. Hiền vuốt cái gậy trúc giơ lên nhìn chữ tên của anh khắc ở đầu gậy nhẵn bóng. Ông Sản mà tai tái mặt như thế thì đừng có lôi thôi. Mà ông cụt cũng gớm lắm. Đại đội bộ cũng đi thì còn ai nói vào đâu! Sản quay lại tìm anh tiểu đội trưởng Na. Na ngồi xếp bằng tròn đằng sau, đen bóng như ông hộ pháp. Sản hỏi:
- Anh Na thấy thế nào?
- Tôi thấy hết gạo thì phải đi lấy thôi. Mệt bây giờ còn hơn mấy hôm nữa nhịn đói.
Bộ mặt vuông to của Na dưới vành mũ sắt nở ra một nụ cười thật thà. Mỗi lần khó khăn, thấy Na, Sản bao giờ cũng vững lòng hơn. Kha từ nãy không nói cũng vứt mẩu thuốc lá, nhô ra, ủng hộ cho đồng chí chính trị viên của mình:
- Từ khi bắt đầu đi, trung đoàn đã nhắc đi nhắc lại, tranh thủ thời gi¬an, bí mật. Chúng mình đi ngày đêm về đến đây rồi có mỗi vấn đề gạo không làm tròn là thế nào?
- Làm thì vẫn làm tròn, Hiền quay lại anh đại đội trưởng, nói mát mẻ. Chúng tôi chỉ sợ quân số hao hụt...
Độ gật mạnh, lao ngay theo ý của Hiền:
- Trông thấy rõ hao hụt còn sợ cái gì? Đồng chí bí thư phải làm thế nào. Hỏi cho ra nếp tẻ hẳn hoi chứ! Mấy ông cung cấp cứ quần mãi bộ đội à!
Sản đập đập bút chì lên cuốn sổ tay kẹp giữa hai đầu gối rồi ngẩng lên:
- Qua vấn đề khác.
- Yêu cầu đại đội phát đủ sinh hoạt phí cho anh em. Gạo thì tạm đủ, nhưng anh em thiếu thức ăn. Từ hôm đi, mấy lần phải ăn muối trắng.
Hiền còn chưa hết khó chịu, nhưng nói vẫn nhẹ nhàng:
- Tôi xin nhắc đồng chí bí thư vấn đề tiểu đội trưởng Tá.
- À, Tá sao, anh Hiền?
- Càng về gần dưới này, tinh thần càng xuống. Anh ta có lúc nhắc đến chuyện xin giải ngũ. Đề nghị anh đổi lên đại đội bộ, để chỗ tôi sợ không lợi.
Độ đập quyển sổ xuống:
- Đổi cái gì? Thằng nào nhát thì tống về đại đội bộ à!
- Đưa nó ra kỷ luật! Cán bộ gì thế!
Sản cúi ghi trên sổ tay: “Chú ý gặp cậu Tá”.
- Không thể điều động hấp tấp như thế được, anh Hiền có thấy không? Trưa anh bảo Tá lên gặp tôi.
Sản nghĩ:
“Đồng chí Hiền cũng cần được theo dõi và giúp đỡ hơn nữa. Còn hay dễ làm khó bỏ!”
Na nhắc:
- Đồng chí bí thư chưa bàn vấn đề tiền ăn.
- Tôi ghi cả đây. Giải quyết sau. Bây giờ tôi nhắc các đồng chí mấy điểm.
Sản bỏ bút, nhìn lên. Đánh đồng bằng là nhất định mệt đấy. Phải chuẩn bị ngay tinh thần cho bộ đội. Chúng mình không còn nhiều thì giờ đâu. Mọi việc đều phải gấp gấp lên. Muốn úp được địch thì còn phải mệt nhiều. Còn phải hành quân đêm, còn phải đi vác gạo, còn phải tác chiến liên miên. Đừng có nghĩ về đến đây thế nào cũng được nghỉ bù cái đã. Về đến đây là gần nhiệm vụ rồi, nghĩa là phải cố gắng gấp đôi. Còn vấn đề bí mật, tôi vẫn thấy nhiều cậu phất phơ ngoài chỗ trú quân, diện áo Mỹ giữa ban ngày, mua bán lung tung, đi không ngụy trang. Ngay cán bộ cũng coi thường bí mật. Đồng chí Hiền sao không ngụy trang? Đồng chí muốn bộ đội ăn bom dây à? Các đồng chí phải về họp tổ mà chấn chỉnh ngay đi. Kha nói thêm:
- Các cán bộ trung đội nhớ ngày mai dự sa bàn. Ít ra là bận cả buổi sáng. Chiều hôm nay, các trung đội tiếp tục tập đào công sự. Xong, các anh nào phải đi sa bàn thì đến đây, chúng mình cùng đi đường cái cho đỡ nhọc.
Hiền chống cái gậy trúc đứng lên, nghiêng đầu châm thuốc lá rồi cười:
- Làm lính dân chủ thật là cả một sự khó.
Tôn lù rù đi ra, mặt vẫn khó đăm đăm:
- Từng này việc là lại hết ngủ.
Độ đút sổ vào túi quần, chưa hết càu nhàu. Các cán bộ đi khỏi. Sản quay lại anh đại đội phó.
- Đồng chí Độ vừa rồi lại ăn nói lung tung quá! Tôi không tán thành tí nào cả.
- Thôi thôi tao biết rồi.
- Biết thì phải sửa...
- Thôi đã bảo tao biết rồi mà, tao là một thằng lỗ mãng...
Giọng Độ ồm ồm van nài. Kha ngáp dài, nước mắt nước mũi ràn rụa, nói đỡ cho Độ:
- Dù sao phải cẩn thẩn về sức khỏe của anh em. Câu chuyện ăn uống phải giải quyết thế nào mới được.
Sản đã đeo xắc-cốt lên vai:
- Tao lên tiểu đoàn về vấn đề ăn xem thế nào. Chúng mày ngủ trước đi.
Kha nhìn bạn:
- Thằng Sản cứ như thế này thì ho lao mất.
Ngả lưng xuống. Kha ngủ ngay. Ngoài suối, ba bốn đám khói bay là là. Những tiếng hét giật giọng:
- Tàu bay đấy, ông trưởng ban khói um ơi.
- Tắt khói đi! Tàu bay đấy.
Đồng chí Tằng chổng mông thổi bếp, miệng lầm bầm:
- Tàu bay còn tít mù ở tận đâu! Cứ nhóm với tắt thế này thì cơm thành cháo cám.
Tiếng máy bay rung nặng nề sau những ngọn núi dưới xa.
Một tràng tiếng nổ ình ình.
- Mẹ cha nó lắm bom thế!
- Mỹ vừa tiếp viện cho mà.
Mấy chị gánh gạo xắn quần lội qua suối, những thúng gạo xoay xoay trong quang.
- Các chị để chúng tôi gánh cho nào!
Mấy chị bấm nhau.
- Kìa các chị cười gì bộ đội?
- Chị em dưới xuôi có khác!
- Các anh cứ nói, chúng em đi chợ về chứ đi đâu. Có anh nào gánh hộ em đến nhà không nào.
- Đi mạnh chứ. Nhưng mà đến mai mới đi được chị ạ.
Mấy chị đã qua suối, ngoái lại:
- Mai anh nhớ đến đón chúng em nhé.
Tiếng cười rúc rích. Mấy anh cấp dưỡng đấm nhau.
- Trêu vào!
Chú liên lạc Lũy đứng bên cạnh bếp nhìn về mé có tiếng bom, hai tay đút túi quần.
- Ăn thua mẹ gì. Chỉ chết mấy con ngan là cùng.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #3 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2013, 10:37:28 am »

Tiếng bom lại ình ình. Đồng chí Tằng ngoái cổ lại:
- Chúng mày cứ bom đi. Vài bữa nữa ông lại vác cơm nắm đi bắt sống Tây lê dương!
Chú Lũy ngồi xuống cạnh chảo canh, bỏ mũ, gãi đầu, hít hít mạnh.
- Thơm gớm!
Tằng múc cho chú bé một ca:
- Đây, húp khéo kẻo bỏng.
Giác nện giày đinh ở suối lên, tay ôm mớ quần áo ướt, đầu tóc dựng đứng.
- Các cậu “keo sơn” làm gì đấy! Kỳ này keo sơn “mở” đấy phải không?
Bộ ba Thông, Cốc, Mẫn đang lúi húi ngồi khâu, nghe Giác gọi cùng ngẩng lên cả. Thông cười.
- À anh Giác, kỳ này súng máy anh đừng tắc cho anh em nhờ, không có thì “mở” không được mà lại vỡ mặt với lựu đạn của nó đấy.
- Được rồi, được rồi.
Giác cười khà khà lũn cũn đi thẳng. Thông ướm chiếc giày vải đen vào chân, buộc dây giầy, buộc hai quai mới đính vòng từ gót giày ra trước cổ chân, lắc đi lắc lại bàn chân có vẻ ưng ý:
- Sắp vào đồn rồi đây. Cậu Mẫn lấy cái dây dù của tôi mà đính vào giày như thế này này. Đang nhảy vào đồn mà nó tụt ra là bỏ xác. Tôi bảo thật đấy. Chính mình, đánh Châu Yên, đã bị một mẻ chết dở với đôi dép cao su mà lại. Chạy qua bùn, nó tụt mẹ nó ở dưới ấy, thế là cứ chân đất mà dẫm chông. Về bò lê bò càng.
Cốc xoa tay lên cái đầu trọc, thủ thỉ:
- Trận Châu Yên, mình bị về cái đồng bùn ấy thì nhiều.
Mẫn đỏ ửng hai má như con gái. Mẫn mới bỏ nhà vào bộ đội, chưa quen. Thông chưa tha:
- Bớt ngắm vuốt đi. Soi gương luôn trông sốt ruột lắm. Mà có thấy được đàn bà con gái đếch đâu mà diện. Ban đêm thì đi như gió. Ngày lại rúc vào bụi rậm. Cái áo Mỹ ấy cũng đừng vác ra ban ngày nữa. Dân làng người ta trông thấy còn đếch đâu là bí mật.
Cốc vuốt phẳng cái ống quần vá dở dang, gật đầu:
- Phải rồi, về đây cần nhất là bí mật.
Mẫn lườm Cốc:
- Anh này lúc chó nào cũng nói dựa.
Cốc cười xòa, vẫn ngồi khâu. Thông nhìn, xuýt phì cười. Tính Cốc củ mỉ cù mì, không cãi với ai, không phàn nàn, chỉ làm hùng hục. Khi hai người mới gặp nhau, Thông không thể chịu được cái tính của Cốc. Vệ quốc gì như nó! Thông nghĩ:
“Đầu đường xó chợ đủ khoảnh, đem thân vào bộ đội, một sống hai chết còn chả cần, thằng nào bắt nạt được ông”. Thông không thích chơi với cái thằng ấy. Cho nên hồi tiểu đoàn về Bình Gia, sau trận Việt Bắc. Cả tiểu đoàn rách như tổ đỉa, mỗi khi có việc qua phố, anh nào anh nấy lại cắm cành lá kín cả người. Một buổi sáng, Thông và Cốc qua chợ. Một chị bán hàng xinh xẻo đứng trong nhà nói đổng ra:
“Ối trời ơi, sức dài vai rộng gì mà thế kia. Kiếm đâu chả được ngày hai bữa cơm. Tôi mà thế thì đi ở quách còn hơn!”.
Thông vừa cáu vừa xấu hổ, đang nghĩ cách cho con mẹ một vố thì Cốc đỏ mặt đứng lại.
- Chị nói gì bộ đội?
Chị bán hàng đanh đá:
- Tôi nói gì thì anh làm gì tôi. Bộ đội bắt nạt dân à!
Người đi chợ thấy to tiếng xúm đến. Cốc quay lại đồng bào.
- Tôi xin hỏi đồng bào Bình Gia, chị này nói xấu bộ đội rách.
- Chúng tôi rách đấy, các anh em ở đây có tham gia bộ đội nữa không?
- Rách vì dân chứ làm sao. Chị ấy không phải người ở đây. Các anh đừng nghĩ chúng tôi thế. Thanh niên Bình Gia có phải bây giờ mới đi bộ đội đâu.
Chị bán hàng xấu hổ, phải xin lỗi. Về đến nhà, ông chính trị viên tiểu đoàn gọi Cốc lên.
- Sao đồng chí lại cãi nhau với người ta thế?
Cốc xoa đầu:
- Báo cáo ban chỉ huy đó là nhiệm vụ của tôi phải cãi nhau.
Ông chính trị viên phì cười. Sau đó Thông và Cốc thành đôi bạn nối khố. Thằng Mẫn đã lại lủi lúc nào. Khéo nó lại ra chỗ có hàng kẹo. Thằng công tử đánh chết cũng không chừa. Nó làm cho Thông cứ lo ngay ngáy. Thông bảo Cốc:
- Thằng Mẫn phải để ý thế nào mới được. Có lẽ cậu phải gần nó, nói chuyện luôn, nhắc nhở cho nó. Mình cứ bốp chát như mắm tôm quen tính mất rồi, nó sợ. Cậu thì nó gần hơn.
Cốc gật đầu. Thông nói tiếp:
- Mấy hôm nay thằng Tá hay rủ nó đi thuốc lá thuốc liếc luôn. Phải cẩn thận cái thằng Tá. Con ông cụ ở văn phòng mãi, nói giỏi mãi, lần này còn lủi vào đâu được. Mồm vẫn còn nói cứng nhưng trong bụng run lắm rồi. Mình sợ nó muốn chuồn chứ chả phải chơi. Chả gay mà.
Cốc trở nên trầm ngâm.
- Lần này rồi gay go nhiều.
- Chứ lại. Đánh đồng bằng, tàu bay, ca nông có phải đùa à.
Thông ghé đến nói khẽ:
- Hình như tụi Pháp nó tập trung tợn. Khéo chỉ độ mai kia cậu ạ.
Hai anh đội viên ngửa mặt nghe ngóng, tiếng máy bay tiến lại mỗi lúc một gần. Năm chiếc khu trục “rắn hổ mang” đen mờ lừ lừ đi vào đám mây trắng.
***
Trời bắt đầu tối. Trong những Lũy tre thưa, lao xao tiếng dân ở lán về. Mặt ruộng lố nhố từng đám đang tập hợp. Trẻ con gọi nhau đến xem các anh vệ quốc. Từng đàn trâu dừng lại ở các ven đồi, những con trâu mộng sừng cong hoắt, mắt trợn lên sợ hãi. Một đại đội đã hàng một thong thả đi trên con đường ruộng. Những tiếng huýt sáo véo von. Tổ cấp dưỡng gánh chảo nồi lồng cồng. Một anh đỏ mặt kéo con bò đang cứng chân co cái dây về đằng sau.
- Ấy hỏng, anh làm thế nào bò không đi thì phèo cả.
- Anh cứ nặng nhời với nó đấy mà!
- Này tớ bảo đằng ấy cứ ôm lấy cổ nó hôn đánh chụt một cái là nó đi ngay.
- Anh cứ chiều quá hóa hỏng. Cho nó vài cái cành cây xem thế nào!
Anh cấp dưỡng kéo mãi không được đành buông tay. Con bò thủng thẳng rẽ xuống cạnh đường, vẫy đuôi gặm cỏ. Họ cười ầm lên. Những ngọn đồi thẫm dần. Dãy Tam Đảo bập bềnh mây.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #4 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2013, 10:39:12 am »

III.
Năm sáu anh cán bộ đại đội đứng hút thuốc lá ở cổng xóm,trên con đường đất đỏ. Đại đội trưởng Ngọc cao lênh khênh nhìn bóng một người con gái ở xa.
- Cô nào trông quen quen chúng mày ạ.
Kha nhìn thoáng cái bóng áo cánh bông xanh của cô cán bộ đằng xa, hai vai tròn tròn dưới vành nón. Anh hơi ngợ, nhưng lại quay đi nói chuyện tiếp với Hiền.
- Phải rồi, hôm nay anh Độ chỉ huy đại đội đi sau.
- Chúng mình cứ vượt đi trước, còn được ngủ một tí.
Kha bỗng sực nhớ, quay lại nhìn lần nữa cô cán bộ đang đi tới... Cái dáng đi cắm cúi ấy. Thôi đúng rồi. Ô lạ thật! Người con gái đã tới nơi, cô ngẩng đầu, nhìn mấy anh bộ đội, hai mắt vui vui như còn theo đuổi một ý nghĩ bên trong. Kha bước đến:
- Chị Lý có nhớ tôi không?
- Anh Kha! - Lý kêu khẽ... - Chết thật, tôi không nhận ra.
Lý lau mồ hôi lấm tấm trên mặt, vui vẻ:
- Mấy năm rồi mới gặp lại anh đấy nhỉ. Từ ngày Hải Phòng anh đi những đâu?
Kha hơi bực. Cô này hỏi một thằng bộ đội: “Anh đi những đâu” như là hỏi: “Anh đi chơi mát ở đâu về”. Kha trả lời:
- Lung tung cả. Đánh Tây liên miên. Chị bây giờ công tác gì? Tôi chẳng được tin tức gì của chị cả.
- Nhiều chuyện dài lắm anh ạ - Lý ngừng lại, mắt bỗng thoáng một ánh lửa, như muốn nén lại những ý nghĩ xôn xao bên trong. Chị nói tiếp: Tôi rời Hải Phòng thì ra Quảng Yên, ở mãi năm ngoái mới về đây. Gặp anh vội quá, nói hết thì dài lắm.
Kha không để ý đến câu nói của Lý, cười một mình.
- Trông thấy chị hôm nay tôi lại nhớ lần chị đến thăm chiến Lũy tụi tôi ở đường ga, tôi đứng đằng sau, ngoáy cái mũ sắt, tụi Pháp quạt cho một băng, chị chạy tí chết. Chắc bây giờ chị vẫn chưa biết đấy nhỉ.
Lý mỉm cười. Mấy anh cán bộ đi đã xa. Kha lại nhìn người bạn gái cũ. Lý trông cũng khác đi nhiều. Có một nét nhíu giữa hai lông mày làm cho vầng trán Lý bướng bỉnh hơn trước. Nhưng rõ ràng trông Lý không có cái hớn hở của một người ra đời gặp may mắn.
- Chóng quá. Gặp chị tôi tưởng những ngày Hải Phòng như vừa mới ngay đây thôi. Chị có nhớ hôm rút lui, bỏ Hải Phòng ra cầu Niệm không?
Lý nghĩ: anh Kha vẫn còn bồng bột, nhiều tình cảm thật. Tính nết anh vẫn trẻ thế. Lý gật đầu:
- Vâng chóng quá.
Những kỷ niệm càng hiện đến, dồn dập. Kha nói:
- Nhanh ghê thật. À thằng Bắc bây giờ cán bộ công đoàn ở Khu tư, chị có biết không? Bình chết ở Bắc Cạn rồi. Cô Toản tôi gặp một lần ở Yên Bái, lấy chồng được hai con.
Kha thấy như vừa gấp lại một quyển sách cũ.
- Còn chị, chị công tác ở đây đấy à?
- Không, tôi đi qua đây thôi. - Giọng Lý dịu lại. - Anh Kha bây giờ trông khỏe mà to lớn, lạ hẳn đi. Kha nhìn lên con đường đang tối nhanh.
- Tôi vội quá, chị Lý ạ. Phải đuổi đám bạn tôi cho kịp. Chúng nó chắc ra đến đường cái rồi. Chị vào trong này bây giờ?
- Vâng, vào đến nơi thì tối mịt mất. Giá anh có thì giờ thì tôi còn phải hỏi anh thêm nhiều chuyện nữa. Thôi chắc rồi lại gặp anh ở mặt trận.
Lý chìa tay:
- Anh đi nhé.
Kha bắt tay chị cán bộ:
- Bàn tay chị bây giờ đầy chai sẹo rồi nhỉ. Trước chúng tôi trong lớp cứ hay gọi đùa là tay bột mãi. Chị cho tôi xin cái huy hiệu thanh niên kia nhé.
Lý tháo cái huy hiệu gài trên áo, đưa cho Kha, nghĩ thầm: Anh Kha sắp ra trận đây. Chị hơi cảm động.
- Chúc anh nhiều may mắn.
Hai người cùng đi vội. Trời đã tối hẳn.
***
Kha trông thấy bóng Sản giữa lúc anh chính trị viên đang giơ cái ống tay áo cụt, chỉ những đồi cỏ lau rậm rạp dưới ánh trăng, nói với mấy anh cán bộ trung đội:
“Vùng này là chỗ căng ngày xưa Pháp đem đày những người cách mạng đây”. Tới chân dốc Sỏi. Trông từ xa, con đường trắng leo lên ngoằn ngoèo. ánh trăng động đậy trên dốc. Tiếng rào rào như tằm ăn lá, trong đêm yên lặng. Đúng họ vệ hành quân. Một tiếng ngựa hí vẳng đến. Kha đi nhanh lên. Sản nhận ra bạn, hỏi:
- Nói chuyện lâu thế? Chị Lý quen mày thân không?
- À, cô ấy trước học cùng lớp với tao ở Hải Phòng.
Kha mỉm cười một mình nghĩ lại những ngày cũ. Hồi ấy Kha cũng hơi yêu Lý đấy. Hay nói cho đúng hơn là thích gần cô bạn nghịch ngợm và bướng bỉnh ấy. Nhưng sao bây giờ Lý có vẻ lo nghĩ nhiều. Không ngờ Lý thay đổi đi nhiều quá. Sản bảo:
- Chị ấy mới ở Quảng Yên về đấy. Tây bắt ném xuống sông một lần. Một lần tù gần hai tháng. Chị ấy bị nó tra tấn dã man lắm. Thằng Ngọc vừa kể chuyện tao nghe. Vợ nó cùng công tác với chị ấy ở Thủy Nguyên. Hồi đi võ trang năm ngoái ở ngoài mỏ, tao cũng được nghe nói đến chị ấy một lần, hôm nay mới biết mặt.
Kha kêu thầm: Thảo nào. Thảo nào. Anh nhớ lại cái tia lửa trong mắt Lý, khi Lý nói: “Kể hết thì dài lắm”.
Kha hỏi:
- Thế sao lại về đây?
- Về lâu rồi. Ở ngoài ấy lộ không hoạt động được nữa.
Sản cười.
- Nghe nói chị ấy cũng là tay đáo để. À Kha này, thằng Độ vừa có cái tin choáng người.
- Sao?
- Lúc chiều nó láng cháng ra phố Vân gặp người làng ở Quảng Yên lên. Vợ con nó vừa bị mất tích cả trong một trận càn quét.
Kha giật mình:
- Thế nào?
Sản nhìn lên đoàn bộ đội trước mặt.
- Nó cũng mấy năm chưa về nhà. Mai chúng mình phải nói chuyện với nó về việc ấy. Tao thương nó quá. Kha ạ.
Sản ngừng lại suy nghĩ rồi nói tiếp:
- Tất cả các tỉnh dưới kia tụi Pháp đang càn quét ngày đêm, vì chúng nó sợ đồng bằng sẽ vỡ tung lên trong lúc chúng mình đánh ở đây.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #5 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2013, 10:40:06 am »

***
Đoàn bộ đội trông như một đoàn vận tải. Toàn những gánh đạn. Đội viên gánh bằng đòn tre, dân công gánh bằng quang thúng. Họ đi hàng một thong thả. Mấy cái áo ca-pốt của các anh cán bộ đi ngoài hàng. Những chấm thuốc lá vẩy đi vẩy lại. Tiếng sắt lích dích, ti tách. Bóng một con ngựa cao, đuôi phe phẩy. Một đoàn lừa tai vểnh nhọn, cổ gật gật, thồ những tảng đen lù lù: Pháo binh! Đỉnh đồi, một anh đứng giữa đường tu bi-đông nước ừng ực, cái mũ sắt kiểu tây năm cát tó ngửa về đằng sau. Năm sáu bóng áo ca-pốt tụm lại một đám, chuyện rì rầm. Một anh đội viên nằm nghỉ, mũ úp lên mặt. Làn khói phì phèo trên cái píp của một anh ngồi im như tượng trên tảng đá, tay chống lên cằm. Lại những gánh đạn lắc lư, kĩu kịt. Những bóng lừa tai nhọn dựng đứng. Từ trên đỉnh dốc, con đường thoai thoải xuống. Dòng bộ độ thoai thoải xuống, nhấp nhô. Tiếng chân người, chân ngựa, tiếng xẻng đập vào mông, tiếng xích sắt lích dích, tiếng xoong nồi bồng bênh, một tiếng huýt sáo khe khẽ. Trong ngực Kha một cái gì đầy ắp, dâng lên, nén xuống thong thả, cùng một nhịp với dòng người dài mãi, kéo xuống đồng bằng.
***
Gà gáy, trung đoàn tới vị trí trú quân. Khu rừng phút chốc náo động hẳn lên. ánh đèn bấm loang loáng dưới các vòm lá. Ba lô bỏ xuống, những tiếng thở phào.
- Tưởng còn đi mãi!
- Dậy, dậy, sao lại ngồi ngay đấy mà ngủ.
- Các ông ơi, xếp súng và đồ đạc gọn vào gốc cây rồi đào hố cá nhân ngay.
- Bỏ mẹ, sức đâu mà đào nữa!
Tiếng cuốc đất thình thịch. Một tiếng kêu:
- Mở mắt ra, tí nữa thì bổ vào đầu người ta!
Mẫn buồn ngủ quá, không thể chịu nổi.
- Anh Thông cho tôi ngủ năm phút thôi, rồi lại dậy ngay.
 
- Có mà năm phút. Ngả lưng xuống thì trời lay được anh. Thôi cố đi. Sáng ra tàu bay như rươi không phải bỡn đâu. Có muốn ăn đạn của nó thì cứ việc ngủ.
Cốc dừng tay cuốc, gọi:
- Cậu Mẫn đem xẻng lại đây. Tớ với cậu thằng cuốc thằng xúc cho chóng. Này cho cậu mẩu thuốc lá, hút cho tỉnh ngủ rồi quàng quàng lên.
Tiểu đội trưởng Thiềng chống cán xẻng lau mồ hôi:
- Tôi báo tin cho anh em biết sáng nay có thịt bò.
- Hoan hô thịt bò.
- Gớm tỉnh cả người.
Thiềng tiếp:
- ... Mà bắt đầu từ hôm nay chúng mình được ăn thêm gấp rưỡi.
- Ối giời, thế thì hoan hô quá còn gì. Đào đến bốn cái lỗ như thế này cũng được.
- Xin anh.
- Thôi cuốc khỏe lên. Hết giờ đến nơi rồi.
Tiếng cuốc đất dồn dập khắp mọi phía. Thông hai mắt đen tròn bảo khẽ Cốc và Mẫn:
- Điệu này là choảng đến nơi.
Cốc gật:
- Đúng đấy. Tổ mình hôm nay làm thang cho mà xem.
Mẫn vừa hí hửng, vừa lo lắng:
- Độ bao giờ hả các anh?
- Biết thế nào được... Nhưng mà nhất định là choảng ngay.
Cốc vừa cuốc vừa giảng cho Mẫn:
- Khó gì mà chẳng đoán ra. Đi hỏa tốc như thế, chả nhẽ đến đây nằm ăn hai bữa thịt bò.
Cốc ngoái cổ nhìn lên dãy Tam Đảo:
- Còn xa gì, nó ở bên kia kìa.
Mẫn quay lại nhìn lên dãy núi đứng chằn chặn, hình như đã nghe thấy tiếng súng.
***
Buổi sáng nhiều sương. Các cán bộ từng đại đội bắt đầu đến dần. Khu sa bàn thiết lập trên một đỉnh đồi bằng phẳng. Nó là ba cái sa bàn thì đúng hơn. Ba cái đồn thu nhỏ đã được đắp ở ba phía. Mấy anh cán bộ của đại đội Trần Phú bước lên đỉnh đồi, đứng lại nhìn quanh những nấm đất, những đường vôi ngoằn ngoèo.
- Đánh đồn các cậu ạ.
Họ yên lặng đi vào. Từ hôm bắt đầu đi, họ vẫn xì xào với nhau:
“Chuyến này Tây đề phòng dữ lắm, nó tập trung lớn ở đồng bằng”. Và họ bàn tán với nhau “có lẽ đánh nhiều đồn”. Nhưng trên đường đi, đó vẫn là chuyện đoán trước, chờ đợi xa xôi. Hôm nay rõ hẳn: họ sẽ đánh đồn.
Trong đầu mỗi anh cán bộ hiện lên những trận đánh đồn năm ngoái, năm trước, những cái đồn Tây tua tủa hàng rào lông dím như những con vật sống biết lồng lộn khi bị vây, và biết cào xé chống chọi đến cùng. Trong một trận đánh vận động, mọi người ào ào cuốn đi, như trong một cơn nước lũ. Đánh đồn khác nào nhảy vào một vòng tròn, trước một con thú dữ gầm ghè và tuyệt vọng. Quang cảnh sa bàn hôm nay giống như bao nhiêu sa bàn những đồn Đông Bắc, mùa đông 48, mùa xuân 49, trong những bước đầu xây dựng đơn vị, những ngày xung kích toàn cầm mác lao lên dốc, chân giẫm đất vượt qua chông, mìn, dây thép gai, nhảy vào sân vị trí Pháp bốc lửa ngùn ngụt, những ngày đói, lở, rét, ốm, mưa phùn liên miên trên núi rừng trùng điệp. Cái sa bàn hôm nay lại giống những sa bàn dạo ấy. Nhưng lần này ba đồn một lúc trên một sa bàn chung. Ngọc gọi Sản lại, bảo:
- Phần chúng mình cái này.
Sản ngồi xổm xuống, bàn tay trái nắm lấy ống tay áo cụt bên kia. Kha hất vành mũ sắt ra sau gáy, nhăn mặt gãi gãi trên trán. Ngọc nói khẽ:
- Ngày mai đấy. Chúng mình mở đầu "xê dét'. Ngày kia tụi hai mươi hai đánh tiếp luôn.
Họ nhìn sang mấy anh cán bộ của tiểu đoàn hai mươi hai đứng ngồi bàn tán chung quanh cái đồn bên cạnh. Ngọc lại ghé lên trên cái đồn nhỏ vuông như cái hộp dựng đứng.
- Cái này là gò Bảng mày có nhận ra không?
Kha lẩm bẩm:
- Đúng rồi, đúng rồi. Mấy anh cán bộ trung đội lào xào.
- Quái, nó làm kiểu lạ nhỉ. Sao lại như cái giếng thế này.
- Không biết tường đất hay tường đá.
- Chung quanh đồi trọc thấp thế này, đại bác đặt đâu?
Sản đếm thầm “hai, ba, bốn lần hàng rào, ba lần dây thép gai, một hào sâu cắm chông”. Cái đồn này ác đây. Chưa kể hầm ngầm chắc thế nào cũng có. Không biết còn được bao nhiêu thời giờ để chuẩn bị. Làm vội thì có thể “đổ” nhiều. Trong lòng Sản hơi se lại. Phải đề nghị tiểu đoàn cho chính bọn mình cấp tốc xuống tận nơi nghiên cứu xem thế nào. Kha đứng sau lưng Sản xòe tay viết một con số 3. Kha nghĩ: ba giờ đi. Một con số 3 nữa: ba giờ về. Một con số 1: một giờ bố trí. Ba, ba, với một là bảy. Còn năm giờ để đánh. Kha viết một con số 5 rồi nắm bàn tay lại. Hai anh cán bộ cùng tính toán như đã nhất định đại đội Trần Phú sẽ làm nhiệm vụ chủ công. Họ biết chắc như thế. Tiểu đoàn trưởng Cường từ đằng sau, cười cười đi tới, cái sẹo dài rúm lại bên má. Tới giữa đám cán bộ, anh nhìn quanh hỏi:
- Đông đủ chưa? Thế nào các anh thấy nó ra làm sao?
Quay về mé Kha, Cường vẫn cười nhoẻn.
- Các cậu làm được không?
Các cán bộ đứng đó đều biết: thế là đại đội Kha chủ công. Kha không trả lời anh tiểu đoàn trưởng, gãi trán hỏi:
- Tối mai hả anh?
Cường gật. Sản đứng dậy:
- Đề nghị anh cho chúng tôi tối hôm nay xuống đấy sờ hàng rào trước xem sao. Nhìn đây lơ mơ quá.
Anh tiểu đoàn trưởng cười:
- Nóng ruột thế? Nhưng mà đúng đấy. Xong buổi sáng nay, các cán bộ đi ngay với tôi. Riêng Trần Phú, cho cả các cán bộ trung đội đi. Thôi đứng vào hàng.
Khi ban chỉ huy trung đoàn vừa bước lên đỉnh đồi, thì có những tiếng đại bác nổ. Trong tiếng thét nghiêm, khu sa bàn im phăng phắc.
Những tiếng đại bác ù ù như sấm chuyển bên kia Tam Đảo. ánh nắng bắt đầu le lói qua sương mù. Trung đoàn trưởng Huy, hai mắt hõm sâu, tóc bơ phờ, nhìn vội một lượt rồi đi vào. Anh chào và bắt đầu nói nhanh.
- Thưa các đồng chí, tôi thay mặt Đảng ủy trung đoàn trình bày kế hoạch chung của đợt một.
Một tràng đại bác lại nổ bên kia núi. Tiếng nổ kéo dài mãi, từng lúc bật lên to hơn. Tiếng nói khàn khàn của người trung đoàn trưởng không lúc nào to lên hay bé đi. Mũ sắt cúi xuống sổ tay, các cán bộ hí hoáy ghi chép.
- Chúng ta sẽ vào sâu vùng địch, đánh đêm, tiến nhanh, giải quyết nhanh, rút nhanh. Bí mật, đánh vũ bão. Chạy mà tới. Mệt thế nào cũng cứ chạy.
Những tiếng nói đều đều hiện lên dần trong đầu óc mỗi anh cán bộ thành những hình ảnh loang loáng, đường đi, bóng tối, hàng rào, lô cốt, khói đạn, tất cả nặng trĩu suy nghĩ, lo lắng. Họ vừa ghi chép vừa luôn luôn nhìn xuống những cái đồn thu nhỏ trước mặt, những núi đồi sông nhỏ nhỏ của cái sa bàn. Bên kia núi, tiếng đại bác thưa dần, im đi, lại bật lên. Có những tiếng rung nặng nề, ình ình thong thả. Máy bay ném bom của Pháp. Kha ghé vào tai Sản thì thầm:
“Bên kia đang đánh to rồi”. Ánh nắng đã soi nóng đằng sau gáy những anh cán bộ im lặng ghi chép.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #6 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2013, 10:41:30 am »

IV.
 Rời khỏi sa bàn, Kha và Sản đi miết về đại đội. Kha chui vào lều, lay chú liên lạc Lũy đang ngủ say:
- Dậy. Chú bảo anh Tằng cho tôi ăn cơm ngay. Năm phút đem lên. Chú mượn hộ tôi bộ quần áo nâu. Anh Độ đâu?
- Báo cáo anh, anh Độ lên tiểu đoàn. Anh có cái thư.
Chú liên lạc chui ra ngoài lều vớ cái mũ sắt chụp lên đầu. Kha gọi với theo:
- Này! Mượn hai bộ quần áo nâu chứ không phải một bộ. Kha xé cái phong bì.
- Quái, thằng Độ đi đâu lạ thật. Sản nằm vật ngay xuống ngoài lều, mắt nhắm chặt.
- Kha này, phải bốn cầu nhỉ?
Kha vừa đọc thư vừa trả lời:
- Ừ. Cái cầu qua hào phải ba thước. Mày cẩn thận, cái bánh khảo phá tường nhé. Nó mà tịt thì bỏ mẹ cả nút đấy.
Sản mở mắt ra, lại nhắm mắt lại. Sao thằng Kha khỏe thế. Lúc này, Sản thèm cái sức khỏe của nó quá.
- Được rồi, tao sẽ xuống tận tiểu đội Thiềng xem anh em họ làm. Không biết bọn đi lấy gạo nước ra làm sao. Ruột ta cứ như lửa đốt. Chúng nó không về kịp thì thật không biết xoay ra sao!
Kha cầm lá thư reo lên:
- A! Thằng Phan tươi lắm. Khỏi rồi. Sắp cưới vợ mày ạ. Nó xin tiền chúng mình.
Sản chống khuỷu tay ngồi dậy:
- Đưa tao xem nào. Đồng chí Tằng mang cơm đến.
Sản vừa ăn vừa xem thư. Kha ăn như gió cuốn.
- Tiền thì còn moi đâu ra nữa. Mày có còn đồng nào không?
- Được để tao xoay cho nó một hai nghìn.
- Tao còn được cái áo ka-ki diện trong ba lô, mày gửi cho nó hộ tao.
Sản nuốt hết bát cơm, muốn nghẹn đến cổ. Anh cố ăn bát nữa. Không ăn thì chiều hôm nay không còn hơi đâu mà họp. Đồng chí Tằng bưng hai cái bát đến.
- Báo cáo ban chỉ huy ăn cháo đường.
Kha quay lại:
- Đường kia à? Cậu này khá nhỉ. Kiếm đâu ra thế?
Sản biết bát cháo đường trước hết là Tằng đem đến cho mình. Và trong khi Tằng đứng một góc giả vờ quay ra nói chuyện với chú Lũy thì thực anh ta đang nhìn xem Sản ăn thế nào, Sản húp hết bát cháo nóng. Độ ở ngoài ven đường đi vào, mặt đỏ gay, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Anh vứt cái mũ sắt, ngồi phịch xuống.
- Không có bộc phá!
Kha và Sản giật bắn người lên như lò xo.
- Thế nào?
- Không có bộc phá tường.
Mặt Độ càng đỏ lên, râu ria anh động đậy một cách dữ tợn. Sáng nay đến, tao nghe lời thằng Sản lên tiểu đoàn bộ hỏi ngay. Trả lời: chưa có. Tê-lê-phôn lên trung đoàn. Chưa có. Bây giờ thì đánh bằng nắm cơm à! Kha nghiến răng:
- Chuẩn bị thế này là thế nào?
Sản cũng không hiểu thế nào. Có cái gì khó khăn trục trặc hay là cái thói ẩu của một thằng cha nào chỉ biết có tình hình trên giấy má. Sản cố bình tĩnh:
- Chúng mày thay quần áo nâu còn đi cho kịp giờ. Còn từ bây giờ đến mai kia mà. Chỉ vội cho tụi mình chứ phải cố xoay kỳ cùng cho đến phải có.
Thấy Hiền hớt hải, đầu trần chạy vào, Sản hỏi:
- Có việc gì thế anh Hiền?
- Thằng Tá đào ngũ rồi anh ạ.
Hai bên thái dương Sản giật giật, gân xanh nổi lên dưới mái tóc sớm lấm tấm những sợi bạc.
- Lại thế nữa! Nó trốn bao giờ?
Hiền tái người liếc nhìn mắt Sản lạnh sắc.
- Đêm hôm qua, trong khi hành quân, nó tụt lại, kêu sốt. Sáng đợi mãi không thấy, cho người quay lại tìm, nó biến rồi... Hôm qua, tôi cũng quên không bảo nó lên gặp anh. Tôi cũng nói với nó mấy câu hơi mạnh.
Mắt Độ như muốn nổ ra:
- Thằng khốn nạn!
Nước mắt chảy từ từ xuống má, xuống cằm, đọng trên râu anh đại đội phó. Chung quanh im lặng. Kha nhìn Độ lúc ấy mới như nhận ra Độ đã đứng tuổi, đáng tuổi anh cả mình. Kha nhớ lại câu chuyện gia đình của Độ, vừa hối hận về thái độ vô tư hàng ngày của mình đối với anh đại đội phó, vừa uất ức nghẹn ngào.Sản nghĩ: Thôi, ông Hiền lại dọa nó rồi! “Mấy câu hơi mạnh” của ông ấy lại là cái thứ xoa râu mép cười nhạt: “Chuyến này anh cứ lùi thì hay lắm”. Nhìn Độ rồi lại nhìn Hiền, Sản vừa cảm động,vừa bực tức, vừa lo. Đã biết thằng Tá như thế, sao Sản không cẩn thận hơn!
- Bộ đội đối với việc ấy thế nào, anh Hiền?
- Bàn tán nhiều nhưng không xao xuyến lắm, vì cũng đoán trước một phần rồi.
Sản gật.
- Cũng may nó chưa biết rõ gì về xê dét. Thôi anh về còn chuẩn bị đi với anh Kha cho kịp giờ. Gậy với ghiếc vứt đâu cả rồi?
Hiền cười gượng đi ra. Sản nhìn theo. Sau mẻ này thì chắc bắt đầu chừa. Nó vẫn chưa hoàn hồn hẳn. Kha vứt bao súng lục xuống ba lô, thay áo nâu. Đại đội Kha chưa bao giờ bị một vết như thế này. Cái Xê dét: chiến dịch. việc đào ngũ của thằng Tá như một cái tát vào mặt Kha.
- Đánh không ra hồn chuyến này thì chui xuống đất.
Sản ôn tồn:
- Chúng mày không mang chăn đi à? Đêm chết rét đấy. Cái sơ-mi của mày định cho thằng Phan ở ba lô này phải không?Thằng Độ có đồng nào cho thằng Phan gửi tao. Nó sắp lấy vợ đấy.
Kha và Độ đi rồi, Sản nằm lăn trong lều. Phải ngủ cái đã.Chiều hôm nay bao nhiêu việc. Sản nhắm mắt lại, ngủ yên như một đứa bé.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #7 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2013, 10:43:21 am »

***
Buổi chiều, Sản đi một lượt các trung đội. Khắp dọc bờ suối, đám ba người, đám một tiểu đội, đám cả trung đội, tấp nập họp. Chiến dịch đợt một, chiến thuật mới, bí mật, nhanh chóng, kiên quyết, đánh vũ bão, chạy đến mà đánh, không ngại tàu bay, đại bác, những tiếng nhắc đi nhắc lại, lúc rì rầm, lúc oang oang. Sản lại nói, lại giải thích, kiên nhẫn, bền bỉ. Nắng xế, trở về lều đại đội, đầu anh nóng bừng mà ngực bóp lại. Sao bọn đi gánh gạo chưa về? Đồng chí Ruộng lên tiểu đoàn hai ba lượt, lượt nào về cũng vẫn “Báo cáo anh, chưa có bánh khảo”. Rồi một lượt cuối: “Báo cáo anh tiểu đoàn bảo không phải lên nữa, lúc nào có sẽ báo cho biết”. Quản trị trưởng đến gặp:
“Báo cáo anh gạo chỉ còn một bữa”. Tiểu đội Thiềng yêu cầu phát gấp ngay mìn bánh để kịp làm kíp. Trung đội Hiền báo cáo: yêu cầu chỉ định người thay tiểu đội trưởng Tá. Trung đội Tôn báo cáo: tiểu đội đi gánh gạo chưa về, không thể tổ chức đủ đội đột kích. Sản ngồi với cuốn sổ tay. Người ra vào gặp anh không lúc nào ngớt. Tiếng đại bác thưa thớt thỉnh thoảng còn vang lại. Trong rừng vầu bên kia suối, dao chặt cây chan chát râm ran. Anh em đã bắt đầu làm thang và cầu. “Đồng chí quân trang cho tôi biết còn bao nhiêu xẻng. Có năm mươi bao gạo mới của tiểu đoàn phát, đã chia cho các trung đội chưa?” “Đồng chí y tá xuống trung đội Phú xem anh sáng ngày ngã thủng chân thế nào”. Trong óc Sản và trên cuốn sổ tay những con số biên, xóa, những con tính cộng, trừ, nối tiếp nhau liên miên. Tổ lựu đạn yểm hộ ở hàng rào phải một trăm hai mươi quả.
Đột kích một thiếu tiểu liên. Đột kích hai, trung liên thiếu đạn. Dao tông phá rào có bao nhiêu con? Không có bánh khảo phải chuẩn bị chặt bằng dao. Hỏi tiểu đoàn có dầu tây không? Tiểu đội Thiềng chuẩn bị chăn để tẩm dầu đốt. Tiểu đoàn có thể cung cấp cho chúng tôi một thùng dầu để đánh hầm ngầm không? Trung đội Hiền phải tập lại lao cầu và đặt thang. Vấn đề thương binh, trong đồn mỗi trung đội phải phụ trách thương binh của mình. Ghi lại chiều nay thảo luận. Vấn đề tử sĩ. Nhất quyết không để lại một xác tử sĩ. Lên tiểu đoàn đề nghị chuẩn bị áo quan. Vấn đề chôn cất về đồng bằng rất quan trọng, dân rất chú ý. Bọn đi lấy gạo bao giờ mới về? Đồng chí trưởng ban quản trị, ngày mai có rau thịt gì cho anh em không? Không phải đợi tiểu đoàn, anh xem quỹ còn bao nhiêu, mua ngay ở đây cho kịp. Sáng mai cho anh em ăn gấp đôi. Hết tiền vay sau. Trong cái lều đại đội bộ, Sản ngồi với cuốn sổ tay đặt giữa đầu gối. Hai vai anh cúi ép xuống lồng ngực. Những dòng con số, những dòng chữ đầy mãi trang giấy. Chiều dần dần. Tiếng đại bác bên kia núi đã im. Nắng đã dịu. Từng khoảng bóng mát rộng lớn ngả xuống các thung lũng. Gà gáy trong các Lũy tre. Tiếng cối giã gạo thình thịch. Trẻ con dưới xóm đang reo. Tiếng máy bay thoi thóp ở chân trời. Dưới những bụi vầu to ngả cành xuống suối, nan tre mới vót tủa lên trắng xóa. Con chim rừng huýt dài hai tiếng một... tù ú... tù ú... Cốc đặt con dao trên đùi, viết lều nghều trên cuốn sổ giấy bản bằng bàn tay. Ra đi dân chúng trông theo. Ba lô súng đạn gạo đèo trên lưng. Ra đi dân chúng thương thầm. Gói xôi gói thịt lại cầm ra cho. Ra đi dân chúng dặn dò. Anh đi chiến thắng gửi thư trở về. Cốc thú vị lắm. Thế này là có bài cho báo trung đội. Thông ngồi trên một tảng đá, mài dao dưới suối, cố nín nói chuyện cho thằng Cốc làm ca dao. Trong xóm đưa ra tiếng một người đàn bà the thé:
“Trời ơi, nó bốc gio bốc đất bỏ lên đầu thế này. Tiên nhân bố mày, ra đây”.
Thông cười rộ.
- Từ hôm về Thái, mới lại được nghe các mẹ miền xuôi chửi. Lâu ngày nghe cũng hay hay.
Cốc cất mẩu bút chì vào túi áo sơ mi, tủm tỉm:
- Kể ra về đây mà cứ ở rừng cũng buồn thật. Chả thấy dân đâu cả.
Vẻ mặt bỗng nghĩ ngợi, Cốc bảo Mẫn:
- Này mình muốn học tính thì học cách nào cho nhanh nhỉ. Mình tính nhẩm thì ra nhưng biên con số là chẳng biết đằng nào mà lần.
Mẫn ngẩng đầu, hí hửng như vừa bắt được cái gì. ít ra Mẫn cũng có một cái để cho thằng Cốc nhờ chứ.
- Được rồi, để tớ bảo cậu, khó đếch gì.
- Ừ nhé, cậu chịu khó bảo dần tớ cái môn tính với lại vài môn văn hóa.
Thông ném con dao cho Mẫn vót nan trên bờ, lại mài con khác. Anh ngoái cổ lên, nghịch ngợm.
- Này cậu Mẫn có biết con chim kêu gì không? Nó bảo còn khổ... còn khổ... Ô... đấy.
Mẫn biết Thông trêu nhưng lắng tai nghe đúng còn khổ, còn khổ thật. Tay vẫn đưa dao tước những cây tre. Mẫn hơi thần người ra. Chiều như thế này, từ nhà Mẫn nhìn ra sông Thao, đò bắt đầu xuôi đây. Chị Cúc từ dưới sông lên, một tay cắp rá quần áo ướt, trên là rá gạo mới vo, một tay xách ống nước.
- Anh Thông này, ở sân nhà mình có cây huyết dụ y như thế kia, ông cụ tôi quý như vàng. Con cái chạm phải là nện luôn.
Thông vừa mài dao vừa liếc mắt nhìn Mẫn. Biết ngay là cậu tôi đang muốn nhớ nhà. Chưa về quê được cậu ơi. Còn là đánh. Bao giờ hết Tây rồi tha hồ. Không đánh nó cẩn thận thì có còn quê mà về. Tay Thông mài dao lơ đãng. Mình thì đếch bao giờ có nhà mà nhớ, chỉ có nhớ cái tàu điện. Giờ này là phải biết, đông như kiến, các sở nhà máy kéo ra, leng keng, leng keng, đèn bật lên rồi, người đứng bám đen cả chung quanh toa. ...Những chuyến tàu điện ngày cách mạng, cờ cắm từng chùm đỏ các ô cửa. Bây giờ thì chắc mỗi chuyến lại một thằng xơ-vơ Tây lai, rón rén đến chộp các lỏi tì bán lạc rang hay là đánh giày. Thấy bảo nó có đem đầu tàu điện mới sang. Nước mẹ gì, nó lại cho vài cái đầu tàu thải ở các xó nào bên Tây chứ gì.
Sau này Hà Nội thế nào chả có tàu điện. Đánh Tây tiếc xong, chỉ xin đoàn thể cho về Hà Nội lái tàu điện là sướng nhất. Trăng lên, trung đoàn trưởng Huy dắt ngựa ra đường cái, nhảy lên ra roi cho chạy miết. Con ngựa của đồng chí hộ vệ theo sát đằng sau. Hai người phi nhanh. Đường càng xuống càng vắng. Phong cảnh đã rõ dần vẻ đồng bằng, những bóng núi vẫn còn nhưng hiền lành hơn.Đôi lúc đường qua những quãng đồng ruộng bỏ hoang. Qua một con đèo ngắn xuống một thung lũng rộng. Hai con ngựa chạy thêm chừng một cây số rồi rẽ quặt vào một thửa rừng. Huy kéo mạnh cương, xuống ngựa, gi¬ao cho đồng chí hộ vệ. Lội qua một con suối, Huy đi sâu mãi vào trong rừng tối. Con đường mòn dẫn đến một khu lán, lập lòe ánh lửa. Lán ông ủy nhiệm thôn nhiều tiếng cười nói. Chung quanh bếp, năm sáu người đang ngồi chuyện gẫu. Có một chị trông ra dáng cán bộ. Ông chủ tịch huyện đứng dậy, đón Huy vào, giới thiệu:
- Ông Huy trung đoàn trưởng... Ông ủy nhiệm thôn
- Ông ủy viên kháng chiến huyện
- Chị ở chi hội liên hiệp phụ nữ Thái Nguyên về huyện giúp tuyên truyền trong chiến dịch.
 Huy nhìn nhanh chị cán bộ. Ở đây mà gặp phụ nữ cũng là hiếm. Bây giờ các cô cũng đi chiến dịch. Chị cán bộ gặp mắt anh trung đoàn trưởng nhìn nhanh nhưng soi mói. Quái ông này làm gì mà dữ thế. Mắt chị lấp lánh như hơi cười chế giễu. Anh trung đoàn trưởng hơi khó chịu ngồi xuống, quay sang ông chủ tịch.
- Có tin gì mới không ông?
- Nó vẫn chưa biết gì. Đêm qua mới về một tiểu đội da trắng.
- Làng Bảng chắc năm nay ăn tết nô-en to đấy ông nhỉ?
- Tây trên đồn ăn to chứ ông tính dân thì như cá nằm thớt, tết nhất gì.
- Làng ấy có mấy tên tề phản động hạng A bên kia mà?
- Ấy đích đấy. Tôi đã chuẩn bị người biết đích nhà từng thằng.
Huy gật đầu.
- Vấn đề ấy, chúng tôi đã thảo luận với nhau. Sáng mai chắc anh Xuân sẽ gặp ông nói chuyện kỹ. Chúng tôi thấy chỉ cần bắt tên phòng nhì thôi.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #8 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2013, 10:45:53 am »

Huy liếc nhìn chị cán bộ. Chị ta ngồi chăm chú, có vẻ theo dõi câu chuyện của Huy. Lúc nghe nói chủ trương của trung đoàn, chị ta thoáng gật đầu như tán thành. Cô này tinh đây. Huy lại hỏi:
- Ngoài đường nhựa thế nào ông?
Một tiếng súng đại bác nổ dài văng vẳng. Trong lán im lặng. Một tiếng đại bác thứ hai rền rĩ theo. Ông chủ tịch huyện trả lời:
- Đêm hôm qua nó lên nhiều ô-tô lắm, suốt từ Hương Canh đến Vĩnh Yên. Gần sáng lại chạy xuống. Đại bác bắn cầm canh đều đều như thế này.
Huy ngẩng đầu nói với mọi người. Anh có cảm giác chị cán bộ đang để ý nghe.
- Ở đây ta biết tin bên Lập Thạch chưa nhỉ? Tôi vừa được điện buổi tối. Bên ấy đánh to lắm. Nó lên càn từ hôm qua, không ngờ chạm ngay phải mình. Anh em vây cho hai ngày. Súng hôm nay là chuyện ấy đấy.
- Thảo nào! Trong lán ồn ào hẳn lên.
Mỗi người một câu không ai kịp nghe ai. Ông ủy nhiệm thôn rít điếu cày, vừa thở khói vừa quay sang chị cán bộ.
- Chị Lý xem tôi đoán có đúng không?
Chị cán bộ tủm tỉm rồi hỏi Huy:
- Thưa ông thế đã rõ kết quả chưa?
Huy nhận xét thầm: chị này có tính nghe chuyện phải vặn hỏi đến nơi đến chốn. Huy ưa những người như thế: làm việc không bao giờ nên đại khái chủ nghĩa. Tự nhiên anh trả lời chị cán bộ một cách cặn kẽ, như trả lời một người ngang công tác.
- Theo tin đầu tiên thì ta tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn âu Phi và đánh vỡ một tiểu đoàn, diệt bộ phận lớn. Còn một tiểu đoàn thứ ba chạy lạc lõng.
Ông ủy viên kháng chiến tóc đã bạc, đôi kính trắng lấp loáng ánh lửa.
- Chắc là ô-tô nó lên nhiều về chuyện ấy. Thôi dân Lập Thạch chuyến này tha hồ sướng. Huy động dân công chẳng còn phải giải thích gì nhiều lôi thôi. Nhưng mà phải cẩn thận máy bay nó khủng bố trả thù.
Chị cán bộ tiếp lời ông.
- Tôi đề nghị ở đây ta cũng tăng cường sự kiểm soát lên. Nhất là đối với những đám lẻ tẻ ở vùng địch trốn ra mấy hôm nay. Tôi sợ có Việt gi¬an trà trộn vào. Nếu cần mình cứ giữ lại một ít ngày trong thời gi¬an có bộ đội. Đối đãi với đồng bào cho chu đáo và giải thích kỹ là được.
Cái này Huy cũng không để ý. Phải kiểm tra lại vấn đề phòng gi¬an mới được. Anh quay lại ông chủ tịch.
- Có lẽ ông cũng nên chú ý đến điều ấy. Thôi tôi xin phép về.
Huy đứng dậy.
- Có việc gì cần, ông chủ tịch cứ sang tìm tôi bất cứ lúc nào. Sáng mai ông nhớ cho anh em du kích tập trung đủ. Chào ông. Chào các đồng chí. Chào chị.
***
Gần sáng tiểu đoàn trưởng Cường và đại đội trưởng Kha về đến lán. Anh trung đoàn trưởng ngủ gục trên tấm bản đồ trải rộng, ngọn đèn bão vẫn cháy vò vò bên cạnh. Cường và Kha mồ hôi mồ kê, quần áo nâu cũn cỡn. Vừa chạm tay vào người anh trung đoàn trưởng, anh đã choàng dậy. Cường ngồi xuống.
- Đề nghị anh một hai điểm thay đổi về kế hoạch. Địch lại mới lên một trung đội nữa.
- Nó thấy động rồi à?
- Theo chúng tôi thì không phải. Do việc nổ ở Lập Thạch, địch tăng cường cho tất cả các vị trí nhô ra vòng ngoài. Còn tụi gò Bảng thì chúng nó cũng chưa biết gì rõ rệt.
Huy cúi đầu nghĩ:
- Nó mới lên một binh đoàn Bắc Phi ở Cổ Loa. Thêm một tiểu đoàn về Hương Canh. Vừa có tin điện lúc đêm.
Kha ghé vào chỗ đèn sáng.
- Có bánh khảo chưa anh?
- À! Có một ít của bên công binh. Nhưng ít lắm, khéo chỉ đủ phá tường. Tôi đã cho ngựa về hỏa tốc lấy thêm. Nếu không kịp thì dùng số bộc phá của công binh phối hợp với súng nặng.
Cường kéo tấm bản đồ của anh trung đoàn trưởng tới ánh đèn. Huy chỉ tay vào một chấm đỏ nói:
- Quân ứng chiến nó ở đây. Đường ra gò Bảng qua cầu Khả đi ô-tô rất tốt. Tôi xem ra phải chú ý nhiều đến tiếp viện của nó. Cái đồn đồng bằng nó như cái nút điện, mình chạm vào là động đến tất cả hệ thống phòng ngự của Pháp ở bắc Hồng Hà. Mình sẽ phá cái cầu này. Cho pháo binh đi riêng theo lối có sửa sang lại trước, không sợ chậm.
Ba người cúi xuống bản đồ. Một tiếng gà gáy le te ngay dưới gầm lán làm họ giật mình.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #9 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2013, 10:47:16 am »

V.
 Trong cuộc đời chiến đấu vất vả, sống chết của người bộ đội cách mạng, những lúc tâm hồn rộng lớn, suy nghĩ nhất, có lẽ là những phút trước giờ ra trận. Giữa cuộc chuẩn bị bận rộn không mở được mắt, một cái gì đến dần dần trong tâm hồn anh bộ đội, như báo hiệu: trận đánh bắt đầu từ lúc này. Trong lúc tay chân, đầu óc đều túi bụi vì công việc, trong lòng anh có cái gì hồi hộp và suy nghĩ hơn ngày thường. Người bộ đội tìm hiểu ý nghĩa công việc anh làm, anh nghĩ về đời sống của anh. Anh tìm hiểu trận đánh mấy giờ nữa, anh sửa soạn tâm hồn để nhận cuộc thử thách cao nhất sắp đến. Hình như trong tâm hồn anh có hai con mắt nhìn bình tĩnh mà thấu suốt, tỏa ra một ánh sáng không thể lọt một ngóc ngách nào. ánh sáng ấy nhiều khi bật lên chỉ trong một giây phút trước khi nổ súng, mà chiếu rọi tất cả một đời người. Buổi họp của chi ủy mở rộng sáng sớm hôm ấy quyết định hẳn kế hoạch tác chiến của đại đội Trần Phú. Các cán bộ giải tán vội vã, Sản lại quàng cái xắc cốt, lên tiểu đoàn hội ý về những vấn đề kỷ luật chiến trường. Kha lắc đầu trông theo cái ống tay áo lòng thòng của anh chính trị viên, rồi gọi:
- Đói lắm rồi, đồng chí Tằng ơi.
Độ đứng dậy bảo:
- Mày để phần cơm cho tao. Tao phải lên tiểu đoàn giục xem bánh khảo về chưa. Cái chỗ lĩnh về thì chỉ được một mồi.
- Việc gì phải giục. Tiểu đoàn cũng đang lo sốt vó. Ông Cường ông ấy lại sạc cho.
- Được rồi, mày cứ mặc tao.
Kha còn lại một mình. Công việc đầu tiên của anh là lau cái súng lục.
Anh tháo bao, rút khẩu súng ra ngắm nghía, chùi một vết ngón tay trên nòng súng, lên đạn, hãm khoá rồi cẩn thận bọc vào miếng vải đỏ. Anh mở ba-lô, tìm bộ quần áo mới, vải thơm sạch, thay vào bộ nâu vẫn còn mặc trên người. Kha thắt lại bao súng cho nó hơi trễ bên hông. Như thế là xong con người. Chỉ còn việc đi. Mỗi lần sắp ra trận, thế nào Kha cũng phải cố thay được bộ quần áo. Trước, Kha còn dành riêng cái mũ ca-lô xanh từ Hải Phòng, hôm nào đi đánh nhau mới đội. Cái mũ ấy rơi mất trong trận rút lui ở Châu Yên, Kha tiếc mãi. Kha nghĩ: “Có chết mình cũng chết cho đẹp”. Thằng Sản nó cũng biết ý nghĩ ấy của Kha. Có lần nó bảo: “Mày còn lôi thôi lắm”. Kha mỉm cười. Chỉ có một điểm nó còn nhượng bộ một cái “lôi thôi” của Kha chính là điểm ấy. Ai như nó được. Mùa rét năm nay, cái áo bơ-lu-dông cũ của Sản lại rộng thêm, hai má nó lại nhọn thêm. Cái mớ tóc sau gáy thêm nhiều sợi bạc. Nó hơn Kha hai, ba tuổi chứ mấy. Có lẽ nó chưa biết tuổi trẻ là cái gì. Kha hơi buồn, nghiêm trang lại trong lòng. Nhiều lúc, biết tính Sản làm chết thôi, Kha còn mặc kệ, trút hết việc cho nó. Nói gì đến đỡ nó một phần. Lúc sáng, ở trung đoàn về, nhìn thấy Sản ngủ, mặt hóp lại, mắt nhắm im, Kha giật mình. Nó mở hai mắt đờ ra nhìn Kha mấy giây như không nhận ra, rồi mới chớp chớp mấy cái. Kha nhớ một lần nó chỉnh thằng Độ: “Cảm tình suông không phải cảm tình của một thằng đồng chí. Cảm tình với nó thì phải làm cho nó tiến bộ. Anh cảm tình mà cứ như đánh vỡ mặt người ta rồi lại nịnh theo nó, thì làm gì? ”Thằng Sản nói đúng. Kha sẽ phải cố giúp nó hẳn hoi từ bây giờ. Tiếng đồng chí Tằng vẳng đến: “Chú đem hộ tôi lên. Tôi còn phải nắm cơm”. Tiếng Lũy láu táu: “Miếng gan kia để làm thức ăn bữa chiều cho anh ấy hơn”. Kha ngả vào lều lấy cái áo bơ-lu-dông khoác ngoài. Cầm cái áo lên anh bỗng nhìn thấy cái huy hiệu thanh niên dân chủ quốc tế. Kha tháo cái huy hiệu, để ý xem kỹ: một quả địa cầu và mặt ba người thanh niên trắng đen vàng. Chiều hôm nay ở đây sẽ lại có những người thanh niên Việt Nam chết cho thực hiện cái cảnh hòa bình thân ái ghi trên tấm huy hiệu này. Kha mân mê cái huy hiệu trên tay. Vừa mới gặp Lý mấy ngày mà như đã xa lắm rồi. Mỗi ngày bây giờ nhiều việc quá. Hôm sau không kịp nhớ lại hôm trước nữa. Không kịp dừng lại với tình cảm nào. Kha lấy trong ba-lô ra cái hộp thuốc lá cũ bằng sắt. Anh mở nắp hộp, bỏ cái huy hiệu vào. Trong hộp, loáng một ngôi sao bạc trên cuống vải xanh. Kha cầm một tấm ảnh cũ vàng trong hộp đưa lên xem. Hôm nay lại nhìn lại ảnh mẹ cũng như mỗi lần sắp ra trận. Gia tài riêng của Kha tất cả chừng nấy: ảnh mẹ, tấm huân chương, bây giờ thêm cái huy hiệu. Kha gấp nắp hộp, bỏ vào trong đáy ba-lô, đặt gọn gàng vào một góc lều. Nghe đói rồi đây. “Cơm đâu anh Tằng ơi?”. Chú Lũy mang cơm lên cho anh Kha rồi lủi ngay xuống bếp. Bên cạnh nồi ba mươi cơm nghi ngút hơi trên ba hòn đá to, đồng chí Tằng, những giọt mồ hôi bằng hạt ngô một, đang bò trên một miếng vải bạt rộng. Những ngón tay xù xì khum khum nắm vào cái khăn vải hai ba cái, giở ra được một nắm cơm mịn.
- Có mấy miếng thịt bắp để cho chú trong cái bát kia kìa, ăn đi. Còn cơm kia.
Lũy cầm bát thịt đưa lên mũi:
- À, ưu điểm.
- Chú kể nốt đi. Qua cái cầu rồi sao? Có bò vào đến hàng rào không?
- Lại chả vào! Ông du kích đi với mình cứ tái cả mặt.
Tằng phì cười:
- Anh này nói phét. Tối bỏ mẹ nhìn thấy người ta tái mặt thế nào.
Lũy đờ ra rồi gân cổ:
- Thấy chứ lị. Làm gì chả thấy.
- Ừ thì thấy. Thôi kể nữa đi. Hàng rào nó thế nào?
- Như hàng rào bản Trại ấy. Tôi vào sờ thử thì nhiều chỗ mục rồi. Chó làng tề nó cứ cắn ông ổng, chốc lại cốc một tiếng, boong một tiếng, kinh bỏ cha.
- Mấy lần hàng rào?
- Chả biết. Chỉ thấy tua tủa. Anh Kha bảo bảy lần.
- Bảy lần? Tằng quay hẳn lại, mồ hôi vẫn ròng ròng.
- Ừ, cả rào với dây thép gai. Mà cái tường nó như là cái thành Sơn Tây ấy. Nó cũng vuông đen lù lù như thế. Này ụ vệ tinh là cái gì anh Tằng?
Anh cấp dưỡng lại ngẩng lên:
- Ờ... chắc nó là cái ụ súng chứ cái gì. Nó thế nào?
- Có hai cái ở trước cổng đồn. Nó ở ngoài hàng rào kia, thành ra mình không dám bò lên lối ấy. Thôi anh nắm cơm. Tôi phải lên đây. Cái mũ sắt của chú bé biến thoắt. Đồng chí Tằng thần người ra mấy phút lau mồ hôi. Cái đồn nó thế, thảo nào!
Tằng biết rõ tất cả mọi chuyện trong đại đội mấy hôm nay. Cái bếp của anh là cái chòi phát thanh, cậu nào xuống cũng có một câu chuyện bàn tán. Nghĩ đến trận sắp tới, Tằng bồn chồn cả ruột gan, cúi xuống cái nồi ba mươi cơm xới hai bát to vào miếng vải, nắm quàng lên.
Logged
Trang: 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM